Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1008

Total

607

Share

Consumer's right to choose a court for contract with arbitration agreement clause and the need of issuance of case law No. 42/2021/AL






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This article presents and analyzes the consumer's right to choose a court for dispute resolution in the case of a model contract that includes an arbitration agreement clause under Vietnam’s law. In addition, the article also discusses the content of the legal solution proposed in the case law No. 42/2021/AL, which was approved by the Council of Judges of the Supreme People's Court on February 24, 2021 and publicized, announced under Decision No.42/QD-CA dated March 12, 2021 of the Chief Justice of the Supreme People's Court. On the basis of analyzing the content of the case No.42/2021/AL, the article makes comments on the neccessity on whether to issue this precedent and its meaning. Accordingly, both the Law on Protection of Consumer Rights and the Law on Commercial Arbitration in 2010 recognize a common principle, namely that if the model contract contains an arbitration clause, the consumer is entitled to choose an arbitrator or a court to initiate a lawsuit to protect their legitimate interests. The provision of the right to choose an arbitration or a court of the consumer plaintiff in this case is necessary and consistent with real life in order to protect the legitimate interests of consumers. Case No.42/2021/AL has reaffirmed once again this solution. Thus, it can be seen that the consumer's right to choose a Court in a model contract containing an arbitration agreement clause has been clearly stipulated by law and there is no conflict between those regulations, implying that the promulgation of case law No. 42/2021/AL on consumers' right to choose a Court is unnecessary.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu chủ yếu là phương pháp phân tích và bình luận. Theo đó, phương pháp phân tích được sử dụng để phân tích các quy định về án lệ và quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài tại Việt Nam. Phương pháp bình luận được sử dụng để đưa ra một số nhận xét và khuyến nghị liên quan đến giải pháp pháp lý được đưa ra trong án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án của người tiêu dùng cũng như sự cần thiết của việc ban hành án lệ này.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Việc ban hành án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án của người tiêu dùng là chưa thật sự cần thiết bởi lẽ các quy định pháp luật hiện nay đã quy định rõ về vấn đề này. Dù không có án lệ số 42/2021/AL, các Thẩm phán khi rơi vào trường hợp tương tự vẫn phải áp dụng pháp luật đúng như những gì đã phân tích ở trên, do quan hệ pháp lý và điều luật đã quá rõ ràng, không thể hiểu cách khác. Thế nên, Toà án nhân dân tối cao có thể xem xét bãi bỏ án lệ này, cũng như bám sát hơn các tiêu chí ban hành án lệ khi lựa chọn các bản án để công bố làm án lệ, nhằm đảm bảo các án lệ thật sự là giải pháp hữu hiệu và hợp lý cho các vấn đề pháp lý còn nhiều cách hiểu hoặc chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh.

THẢO LUẬN

Tổng quan về quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn và án lệ

Khái quát chung về quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn trong vụ án dân sự

Lĩnh vực dân sự là một lĩnh vực phong phú và đa dạng, trong đó các bên trong quan hệ dân sự, bao gồm hợp đồng, xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của mình trên cơ sở tự do, tự nguyện cam kết và thỏa thuận, miễn không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội [ 1 , Khoản 2, Điều 3].

Bởi xuất phát điểm như vậy, nên khi xảy ra tranh chấp, pháp luật về tố tụng dân sự cũng dành cho các chủ thể trong quan hệ dân sự các quyền tự do nhất định trong việc định đoạt quyền và nghĩa vụ tố tụng của mình. Điều này thể hiện rõ qua các nguyên tắc trong luật tố tụng dân sự, như quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp; quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự trong việc khởi kiện, thay đổi yêu cầu khởi kiện; hòa giải trong tố tụng dân sự… [ 2 , các điều từ Điều 3 đến Điều 25].

Nhằm hiện thực hóa các nguyên tắc đó, quyền được lựa chọn Tòa án của nguyên đơn trong vụ án dân sự đã được pháp luật tố tụng dân sự ghi nhận và tìm thấy rõ nét nhất tại Điều 40 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Theo đó, nguyên đơn có quyền lựa chọn Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, có trụ sở cuối cùng hoặc nơi có tài sản khi không biết nơi cư trú, làm việc, trụ sở của bị đơn; Tòa án nơi có trụ sở hoặc nơi có chi nhánh để giải quyết tranh chấp phát sinh từ hoạt động của chi nhánh; Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc, có trụ sở hoặc nơi xảy ra thiệt hại để giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng…

Như vậy, theo tinh thần của điều luật này, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp bị cho là xâm phạm, nguyên đơn có thể lựa chọn Tòa án nào mà nguyên đơn cảm thấy thuận tiện trong việc giải quyết vụ việc nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của mình để gửi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu. Có thể thấy việc công nhận quyền này của nguyên đơn trong việc lựa chọn Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp thể hiện tính hiện đại, tính nhân văn của pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam hiện hành, giúp cho việc giải quyết tranh chấp dân sự thực sự có tính khả thi

Ngoài Bộ luật Tố tụng dân sự ghi nhận những vấn đề chung, quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn trong giải quyết các vụ án dân sự còn được thể hiện ở nhiều văn bản luật khác nhau, cho những trường hợp đặc biệt.

Trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, để bảo vệ cho người tiêu dùng cá nhân thường là bên yếu thế trong các giao dịch dân sự với bên cung cấp hàng hóa và dịch vụ, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 khi quy định về điều khoản thỏa thuận trọng tài trong hợp đồng đã ghi nhận rằng: “ Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải thông báo về điều khoản trọng tài trước khi giao kết hợp đồng và được người tiêu dùng chấp thuận. Trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác ” [ 3 , Điều 38]. Điều này có nghĩa rằng, đối với các hợp đồng theo mẫu hoặc các hợp đồng mà trong đó bên soạn thảo là bên kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đưa ra những điều khoản chung, thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền được lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp khác như là Tòa án, mặc dù có tồn tại điều khoản trọng tài trong hợp đồng. Quy định này thực sự cần thiết và hợp lý trong bối cảnh Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, nhằm đảm bảo cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế thị trường đa dạng và phong phú thông qua việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đích đến của hoạt động giao thương.

Cũng phải nói thêm rằng quy định trên hoàn toàn không trái với Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể, mặc dù Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 có quy định trong trường hợp các bên tranh chấp đã có thoả thuận trọng tài mà một bên khởi kiện tại Toà án thì Toà án phải từ chối thụ lý, trừ trường hợp thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc thoả thuận trọng tài không thể thực hiện được, tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Điều 17 của Luật này đã đưa ra một quy định ngoại lệ. Đó là “ đối với các tranh chấp giữa nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng, mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà cung cấp soạn sẵn thỏa thuận trọng tài thì người tiêu dùng vẫn được quyền lựa chọn Trọng tài hoặc Tòa án để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại Trọng tài nếu được người tiêu dùng chấp thuận ” [ 4 , Điều 17]. Như vậy, cả Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lẫn Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đều công nhận một nguyên tắc chung, đó là nếu trong hợp đồng theo mẫu có ghi nhận sẵn điều khoản trọng tài thì người tiêu dùng được quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án để khởi kiện bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Ở đây, có thể thấy cả hai luật trên đều nhấn mạnh quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn là người tiêu dùng chỉ xảy ra đối với hợp đồng theo mẫu hoặc những hợp đồng mà ở đó nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ ghi nhận sẵn những điều kiện chung về cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong đó có điều khoản về giải quyết tranh chấp bằng trọng tài. Chúng tôi không bàn sâu về hợp đồng theo mẫu mà ở đó các bên có hay không có quyền tự do thỏa thuận, nhưng rõ ràng trên thực tế, đối với các loại hợp đồng theo mẫu này, người tiêu dùng chỉ được quyền chọn tham gia hoặc không cho toàn bộ các điều khoản trong hợp đồng và không có quyền bỏ bớt hay thay đổi những điều khoản mà họ cho là chưa phù hợp. Do vậy, việc quy định quyền lựa chọn trọng tài hoặc Tòa án của nguyên đơn là người tiêu dùng trong trường hợp này theo chúng tôi thực sự là cần thiết, tiến bộ và phù hợp với thực tiễn cuộc sống nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Khái quát chung về án lệ tại Việt Nam

Cụ thể hóa đường lối, chủ trương của Đảng Cộng sản Việt Nam về xây dựng và ban hành án lệ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015 lần đầu tiên đã ghi nhận rằng Hội đồng Thẩm pháp Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có nhiệm vụ “ lựa chọn các bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, có tính chuẩn mực của các Tòa án, tỗng kết phát triển thành án lệ và công bố án lệ để các Tòa án nghiên cứu, viện dẫn trong xét xử ” [ 5 , Điểm c, Khoản 2, Điều 22]. Nhằm thực thi quy định trên, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP ngày 28/10/2015 về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ. Đây chính là cơ sở pháp lý vững chắc, rõ ràng để việc xây dựng, ban hành và áp dụng án lệ được đưa vào thực tế cuộc sống.

Theo đó, án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử [ 6 , Điều 1; 7, Điều 1].

Tuy nhiên, qua 4 năm áp dụng, Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP đã bộc lộ nhiều hạn chế gây cản trở cho việc xây dựng và áp dụng án lệ trên thực tiễn. Vì lẽ đó, ngày 18/6/2019, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ để thay thế cho Nghị quyết 03/2015. So với Nghị quyết cũ, chúng tôi nhận thấy Nghị quyết 04/2019 có nhiều điểm thay đổi tích cực và hợp lý hơn, như về tiêu chí lựa chọn án lệ, đề xuất bản án để phát triển thành án lệ…

Cụ thể, Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP quy định về tiêu chí lựa chọn án lệ có nêu án lệ được lựa chọn phải có giá trị làm rõ các quy định của pháp luật còn nhiều cách hiểu khác nhau , phân tích, giải thích các vấn đề, sự kiện pháp lý và chỉ ra nguyên tắc, đường lối xử lý, quy phạm pháp luật cần áp dụng trong một vụ việc cụ thể hoặc thể hiện lẽ công bằng đối với những vấn đề chưa có điều luật quy định cụ thể ; có tính chuẩn mực; và có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử. Dựa trên các tiêu chí này, cá nhân, cơ quan, tổ chức bất kỳ hoặc Tòa án các cấp có thể gửi đề xuất bản án, quyết định đã có hiệu lực của Tòa án cho Tòa án nhân dân tối cao để xem xét, phát triển thành án lệ [ 7 , Điều 3].

Như vậy, để trở thành án lệ, theo chúng tôi, tiêu chí đầu tiên cũng là tiêu chí quan trọng nhất là bản án, quyết định phải chứa đựng những lập luận, phân tích nhằm làm rõ điều luật cần được áp dụng cho trường hợp cụ thể nào đó, bởi lẽ có nhiều cách hiểu khác nhau về cùng một vấn đề, hoặc dựa trên lẽ công bằng để đưa ra các giải pháp cho những vấn đề pháp lý chưa có điều luật điều chỉnh. Vế thứ hai của tiêu chí này cũng chính là điểm mới của Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP so với Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP. Chúng tôi cho rằng sự bổ sung này là thực sự cần thiết và phù hợp với pháp luật dân sự và tố tụng dân sự hiện hành của Việt Nam [ 1 , Điều 6; 2, Điều 45], phản ảnh đúng bản chất của việc ban hành án lệ.

Thiết nghĩ đây là tiêu chí quan trọng cần đảm bảo trong việc lựa chọn và công bố án lệ nhằm bù đắp cho những khiếm khuyết của pháp luật thành văn. Trong khi đó tiêu chí “ có giá trị hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử ” chỉ là mục đích của việc sử dụng án lệ. Thật vậy, tiêu chí lựa chọn án lệ nên được hiểu theo hướng là những yếu tố cần có để có thể được lựa chọn làm án lệ nhằm giúp các tòa án sử dụng cho các vụ việc tương tự về sau. Và khi trở thành án lệ thì sẽ góp phần đảm bảo sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trong xét xử do không còn nhiều cách hiểu khác nhau đối với cùng một vấn đề pháp lý hoặc khoảng trống pháp lý đã được lắp đầy. Điều này cũng phù hợp với quan điểm của những nước có bề dày kinh nghiệm về áp dụng án lệ như Hoa Kỳ hay Pháp… 8 .

Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài

Trong mục này, trước tiên chúng tôi sẽ giới thiệu những nội dung cơ bản của Án lệ số 42/2021/AL (2.1.) và một vài bình luận sẽ được trình bày ở phần tiếp theo (2.2).

Nội dung cơ bản về Án lệ số 42/2021/AL 9

Nguồn án lệ: Bản án sơ thẩm số 54/2018/DS-ST ngày 16/11/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa về vụ án dân sự “Tranh chấp hợp đồng dịch vụ” giữa nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Long T và ông Nguyễn Hoàng S với bị đơn là Công ty TNHH Khu du lịch V..

Vị trí nội dung án lệ: Đoạn 9 phần “Nhận định của Tòa án”.

Khái quát nội dung của án lệ:

+ Tình huống án lệ: Trong hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp. Khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng khởi kiện ra Tòa án Việt Nam.

+ Giải pháp pháp lý: Trường hợp này, phải xác định người tiêu dùng không lựa chọn trọng tài và có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết.

+ Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ: Điều 38 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010; Điều 17 Luật Trọng tài thương mại năm 2010; Khoản 3 Điều 26, khoản 1 Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Khoản 5 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20/3/2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại.

Từ khóa của án lệ: “Hợp đồng theo mẫu thỏa thuận lựa chọn Trọng tài nước ngoài”; “Người tiêu dùng”; “Lựa chọn Tòa án Việt Nam”.

Bình luận Án lệ số 42/2021/AL

Như đã trình bày ở trên, về nguyên tắc, các bên trong hợp đồng có quyền tự do thỏa thuận nội dung của hợp đồng, trừ trường hợp vi phạm điều cấm pháp luật hoặc trái đạo đức xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế, trong một số trường hợp sự tự do thỏa thuận này có thể bị lu mờ, đặc biệt đối với loại hợp đồng theo mẫu. Đây là hình thức hợp đồng được sử dụng khá thường xuyên vì nó tiết kiệm chi phí, thời gian soạn thảo hợp đồng cũng như tạo nên sự thuận lợi cho các bên khi thực hiện các giao dịch dân sự. Tuy vậy, hình thức hợp đồng này đôi khi lại làm ảnh hưởng đến quyền lợi của bên yếu thế hơn trong hợp đồng do họ không được trực tiếp thỏa thuận các điều khoản trong hợp đồng và không có cách nào khác ngoài việc từ chối giao kết nếu không đồng ý với bất kỳ điều khoản nào, hoặc đồng ý giao kết đồng nghĩa với việc phải chấp nhận toàn bộ các nội dung điều khoản trong hợp đồng. Do vậy, việc có thể sẽ phải gánh chịu những rủi ro, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của bên yếu thế hơn là điều không thể tránh khỏi.

Ngày nay, hầu hết quan hệ giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng thường được xác lập thông qua hợp đồng theo mẫu do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ soạn thảo. Trong những trường hợp này người tiêu dùng được xem là bên yếu thế hơn do vậy cần được pháp luật bảo vệ. Đây cũng là vấn đề thu hút sự quan tâm không chỉ của Việt Nam mà còn của nhiều quốc gia khác trên thế giới. Khi nhận thấy có hành vi xâm phạm đến quyền và lợi ích của mình, người tiêu dùng có thể khởi kiện yêu cầu Trọng tài hoặc Tòa án bảo vệ quyền lợi của mình để giải quyết tranh chấp giữa họ với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là trong trường hợp trong hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn Trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp thì khi xảy ra tranh chấp người tiêu dùng có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án Việt Nam giải quyết tranh chấp hay không? Bởi lẽ mặc dù phương thức giải quyết tranh chấp thông qua trọng tài có nhiều ưu điểm nhưng người tiêu dùng có thể sẽ gặp khó khăn về chi phí trọng tài, ngôn ngữ, chi phí đi lại do khoảng cách về địa lý,…

Như đã bàn luận, việc xác định cơ quan tài phán có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ được thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, pháp luật về trọng tài thương mại, pháp luật tố tụng dân sự … Cụ thể, theo quy định từ Điều 38 đến Điều 40 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010 quy định về phương thức trọng tài 3 ; Điều 17 Luật trọng tài thương mại năm 2010 4 ; Khoản 5, Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao ngày 20/3/2014 về thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được đều có quy định thống nhất về vấn đề này 10 . Theo đó, phương thức trọng tài sẽ được sử dụng khi điều khoản trọng tài được tổ chức, cá nhân thông báo trước khi ký kết hợp đồng giao dịch và được người tiêu dùng chấp thuận. Trong trường hợp điều khoản trọng tài do tổ chức, cá nhân đưa vào hợp đồng theo mẫu hoặc điều kiện giao dịch chung thì khi xảy ra tranh chấp, người tiêu dùng là cá nhân có quyền lựa chọn phương thức khác nếu không nhất trí phương thức trọng tài.

Với những quy định nêu trên, có thể thấy rằng mặc dù điều khoản trọng tài đã được ghi nhận trong hợp đồng theo mẫu nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ có quyền lựa chọn cơ quan tài phán khác để giải quyết tranh chấp. Nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ chỉ được quyền khởi kiện tại trọng tài khi có sự đồng ý của người tiêu dùng. Việc ghi nhận quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp là một trong những quy định góp phần bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng – người vốn dĩ được xem là bên yếu thế hơn trong quan hệ tranh chấp với nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Nhằm đảm bảo tính thống nhất trong việc áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử, quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng đã được ghi nhận trong án lệ số 42/2021/AL được Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thông qua ngày 23/02/2021 và được công bố bởi Quyết định số 42/QĐ-CA của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao ngày 12/3/2021. Theo đó, vấn đề pháp lý được đặt ra là Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo yêu cầu của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu giao kết với người tiêu dùng có điều khoản lựa chọn trọng tài nước ngoài để giải quyết tranh chấp hay không? Án lệ số 42/2021/AL đã khẳng định lại một lần nữa trong thực tiễn xét xử quy định về quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng đã được các nhà làm luật ghi nhận. Cụ thể, giải pháp pháp lý được án lệ đưa ra là “ trường hợp này, phải xác định người tiêu dùng không lựa chọn trọng tài và có quyền lựa chọn Tòa án Việt Nam giải quyết ”. Có thể thấy giải pháp pháp lý mà án lệ số 42/2021/AL đưa ra là hoàn toàn phù hợp với quy định pháp luật hiện nay về vấn đề này. Việc áp dụng chính xác quy định pháp luật trong trường hợp pháp luật quy định rõ ràng được xem là trách nhiệm của Tòa án trong quá trình trình thực hiện chức năng xét xử của mình. Điều này có ý nghĩa trong việc hạn chế tình trạng tùy tiện trong việc áp dụng luật, từ đó góp phần đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, đảm bảo nguyên tắc tuân thủ pháp luật trong quá trình tố tụng.

Tuy nhiên, với những lập luận xuyên suốt từ trên, chúng tôi cho rằng việc ban hành án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án của người tiêu dùng là chưa thật sự cần thiết. Như đã nói ở trên, để có thể trở thành án lệ thì quyết định của Tòa án phải chứa đựng những giải pháp cho những vấn đề pháp lý mới nảy sinh mà pháp luật chưa có quy định cụ thể hoặc quy định không rõ ràng , làm cơ sở cho việc giải quyết những vụ việc tương tự trong tương lai. Khi đó, các lập luận được đưa ra để giải thích cho giải pháp mà Tòa án tuyên bố sẽ trở thành án lệ, giúp thống nhất việc áp dụng pháp luật 11 . Ở đây, với quyền lựa chọn Tòa án của người tiêu dùng trong hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài đã được pháp luật quy định rõ ràng, cụ thể bởi nhiều văn bản pháp lý có liên quan và không tồn tại sự mâu thuẫn giữa các quy định đó để có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau. Việc lựa chọn quy định pháp luật phù hợp để áp dụng giải quyết vấn đề pháp lý cũng không phức tạp do đã có điều luật trực tiếp điều chỉnh quan hệ pháp lý.

KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ

Tóm lại, hiện nay việc các nhà cung cấp hàng hóa, dịch vụ sử dụng hợp đồng theo mẫu để giao kết với người tiêu dùng là rất phổ biến. Trong đó, nhiều trường hợp hợp đồng theo mẫu có chứa đựng điều khoản quy định việc giải quyết tranh chấp sẽ do trọng tài nước ngoài giải quyết.

Nhằm bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng là cá nhân, các nhà làm luật Việt Nam đã ghi nhận quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp cho họ. Không những được ghi nhận trong các quy định của pháp luật, vấn đề này còn được khẳng định trong án lệ số 42/2021/AL. Điều này đã góp phần giải thoát người tiêu dùng khỏi ràng buộc về phương thức giải quyết tranh chấp được ấn định trong hợp đồng mẫu cũng như cho phép người tiêu dùng được quyền lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp phù hợp nhất với điều kiện của mình.

Có thể thấy việc ban hành án lệ này có ý nghĩa góp phần đảm bảo việc áp dụng chính xác, thống nhất quy định về vấn đề này từ đó bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng trên thực tiễn, đồng thời củng cố lòng tin của người dân đối với pháp luật.

Tuy vậy, theo chúng tôi việc ban hành án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án của người tiêu dùng là chưa thật sự cần thiết bởi lẽ các quy định pháp luật hiện nay đã quy định rõ về vấn đề này. Dù không có án lệ số 42/2021/AL, các Thẩm phán khi rơi vào trường hợp tương tự vẫn phải áp dụng pháp luật đúng như những gì đã phân tích ở trên, do quan hệ pháp lý và điều luật đã quá rõ ràng, không thể hiểu cách khác. Do đó, theo chúng tôi, Toà án nhân dân tối cao có thể xem xét bãi bỏ án lệ này, cũng như bám sát hơn các tiêu chí ban hành án lệ khi lựa chọn các bản án để công bố làm án lệ, nhằm đảm bảo các án lệ thật sự là giải pháp hữu hiệu và hợp lý cho các vấn đề pháp lý còn nhiều cách hiểu hoặc chưa có quy định pháp luật cụ thể điều chỉnh.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AL: Án lệ

ĐHQG TP.HCM: Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

NQ-HĐTP: Nghị quyết - Hội đồng thẩm phán

NXB: Nhà xuất bản

QĐ-CA: Quyết định – Chánh án

TNHH: Trách nhiệm hữu hạn

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Thị Hồng Nhung chịu trách nhiệm nội dung: Kết quả nghiên cứu, tổng quan về quyền lựa chọn Tòa án của nguyên đơn và án lệ; kết luận và khuyến nghị.

Tác giả Huỳnh Thị Nam Hải chịu trách nhiệm nội dung: Phương pháp nghiên cứu, Án lệ số 42/2021/AL về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng trong trường hợp hợp đồng theo mẫu có thỏa thuận trọng tài; kết luận và khuyến nghị.

References

  1. Bộ luật dân sự năm 2015. Quốc hội Khóa 13; 24/11/2015. . ;:. Google Scholar
  2. Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Quốc hội Khóa 13; 25/11/2015. . ;:. Google Scholar
  3. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010. Quốc hội Khóa 12;17/11/2010. . ;:. Google Scholar
  4. Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Quốc hội Khóa 12; 17/6/2010. . ;:. Google Scholar
  5. Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014. Quốc hội Khóa 13; 24/11/2014. . ;:. Google Scholar
  6. Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về ban hành, công bố và áp dụng án lệ. . ;:. Google Scholar
  7. Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về ban hành, công bố và áp dụng án lệ. . ;:. Google Scholar
  8. Nguyễn Thị Hồng Nhung (Chủ biên). Sách chuyên khảo Án lệ trong giải quyết vụ việc dân sự. TP.Hồ Chí Minh: NXB ĐHQG TP.HCM; 2018, p.51-72. . ;:. Google Scholar
  9. Án lệ số 42/2021/AL về về quyền lựa chọn Tòa án giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng. . ;:. Google Scholar
  10. Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định Luật Trọng tài thương mại; 20/3/2014. . ;:. Google Scholar
  11. Huỳnh Thị Nam Hải, Nguyễn Thị Khánh Ngọc. Bình luận một số tiêu chí lựa chọn án lệ theo quy định của Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP dưới góc độ luật so sánh. Tạp chí Tòa án nhân dân điện tử. 12/3/2021 [truy cập ngày 25/3/2022]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3229-3235
Published: Oct 15, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1019

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nhung, N., & Hai, H. (2022). Consumer’s right to choose a court for contract with arbitration agreement clause and the need of issuance of case law No. 42/2021/AL. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3229-3235. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1019

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1008 times
PDF   = 607 times
XML   = 0 times
Total   = 607 times