Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1247

Total

343

Share

Development of supporting industries towards production and export autonomy in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The purpose of this study is to assess the development of the supporting industries in Ho Chi Minh City through the assessment of the localization rate, technology level, e-commerce application situation, results of production and consumption of products in the list of products of the industry. The data collected from the results of the enterprise survey in 2020 from the Statistics Department of Ho Chi Minh City (2020) of 443 domestic and foreign-invested enterprises operating in Ho Chi Minh City. Through the assessment, the localization rate in four key sectors mostly accounted for more than 50% specific: the food-food sector (82.6%), the rubber pharmaceutical chemistry industry (65.3%), the electronics industry (50.5%) the gas industry (73.6%) and the two traditional sectors, the textile and garment sectors (65.3%) and the leather and related products (57.3%). The proportion of the cost of materials, components and spare parts produced by domestic enterprises is very low only 3.2%, mainly FDI enterprises, state-owned enterprises also only provide a part of raw materials for production (focusing only on food processing industry supplying 20-35% and garments is 20%). From the results of the analysis, the article proposes a number of solutions belonging to the policy of supporting the supporting industries including: solutions on planning and distribution of industrial sectors; supporting investors in infrastructure; develop technology, improve management capacity, capital, human resources and consumption market in order to develop the industrial industry towards production autonomy, serving the production of exports with a high domestic rate.

GIỚI THIỆU

Hiện nay, với bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng thì chiến lược xuất khẩu hàng hoá của các quốc gia đòi hỏi phải có tính cạnh tranh và đặc thù riêng đem lại vị thế cao trên trường quốc tế. Một trong những lĩnh vực mũi nhọn cần được phát triển là công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Có thể nói ngành CNHT trên thế giới ngày càng phát triển có vai trò quan trọng trong việc phát triển công nghiệp của một quốc gia. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ, đặc biệt là ở TP.HCM CNHT được UBND ưu tiên phát triển hàng đầu. Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có sự quan tâm đối với ngành CNHT này được thể hiện qua nghị quyết số 115/NQ-CP 1 ngày 06/08/2020: “Về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ”, theo đó, mục tiêu đến năm 2025 là doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm CNHT có tính cạnh tranh cao. Với định hướng đó, TP.HCM đã có nhiều chính sách để thu hút nhiều hơn các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Theo Tổng Cục Thống kê TP. Hồ Chí Minh (2020), các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố có sự tăng trưởng rất lớn về mặt lượng, số lượng doanh nghiệp thành phố chiếm gần 1/3 số doanh nghiệp cả nước, và là khu vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào quy mô và tốc độ tăng trưởng của thành phố hàng năm chiếm trên 80%. Tuy nhiên, trên thực tế các ngành CNHT ở TP.HCM phát triển chưa ổn định về chỉ tiêu giá trị sản xuất công nghiệp, số lượng doanh nghiệp, số lao động có xu hướng giảm. Những hạn chế chủ yếu xuất phát từ yếu kém trong sản xuất nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng để hỗ trợ cho sản xuất sản phẩm đầu cuối. Hầu hết nguyên liệu đầu vào phải nhập khẩu với tỷ trọng cao như thép kỹ thuật, hợp kim, nhựa, nguyên liệu chế biến dược phẩm, thuốc nhuộm, vải cao cấp, các chi tiết, linh kiện, phụ tùng cho sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao của ngành cơ khí chế tạo, điện tử cũng phải nhập khẩu. Điều này đã hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp lắp ráp, cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thực trạng trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trước vai trò quan trọng của CNHT, việc nhận thức đúng đắn và phát triển về ngành này là hết sức cần thiết. Nghiên cứu này được thực hiện trên cơ sở dữ liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm với mẫu là 443 doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở TP.HCM, để đánh giá tỷ lệ nội địa hóa trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, và 2 ngành truyền thống trên địa bàn TP.HCM năm 2020 (gồm: Nhóm ngành lương thực, thực phẩm (60 DN), nhóm ngành hóa dược cao su (136 DN), ngành điện tử (31 DN trong đó có 12 doanh nghiệp FDI và 18 DN tư nhân và 1 DN nhà nước), nhóm ngành có khí (có 131 DN ); và 2 ngành truyền thống là hóm ngành dệt và may 74 doanh nghiệp) và ngành da và các sản phẩm có liên quan và đưa ra một số giải pháp phát triển ngành CNHT tại Tp. HCM) . Bài viết gồm 3 phần chính gồm: phần 1 giới thiệu, phần hai tổng quan nghiên cứu về ngành công nghiệp hỗ trợ, phần ba là kết quả nghiên cứu, phần bốn là thảo luận và kết luận.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Tổng quan về ngành công nghiệp hỗ trợ

Khái niệm

Thuật ngữ “công nghiệp hỗ trợ” (CNHT- supporting industries) được sử dụng rộng rãi ở nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả nước phát triển và đang phát triển. Tuy nhiên cho đến nay, vẫn chưa có một cách hiểu chung nhất đối với thuật ngữ này.

Ở Mỹ, quốc gia có lợi thế về dịch vụ sản xuất, một nước có nền công nghiệp phát triển bậc nhất thế giới đã đưa ra khái niệm về CNHT như sau: CNHT là các ngành cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện và thực hiện quá trình hỗ trợ việc sản xuất các nguyên vật liệu và linh kiện đó nhằm phục vụ việc lắp ráp các sản phẩm công nghiệp cuối cùng.

Ở Nhật Bản, với lợi thế về công nghệ, họ tiếp cận CNHT là ngành công nghiệp cung cấp linh kiện, phụ tùng, công cụ để sản xuất linh kiện phụ tùng này và các dịch vụ sản xuất như hậu cần, kho bãi, phân phối, bảo hiểm.

Tại Việt Nam, kể từ khi thuật ngữ “Công nghiệp hỗ trợ” được nhắc đến trong Sáng kiến chung Việt Nam - Nhật Bản, chính thức thông qua vào năm 2003, nhằm nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam trong việc thu hút dòng vốn FDI, người ta mới bàn luận nhiều về ngành công nghiệp này. Tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định 111/2015/NĐ-CP 2 về phát triển CNHT như sau: “CNHT là các ngành công nghiệp sản xuất nguyên liệu, vật liệu, linh kiện và phụ tùng để cung cấp cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh” .

Có thể thấy rằng mặc dù từ ngữ có thể khác nhau, nhưng vẫn có những điểm tương đồng trong cách hiểu về CNHT như sau: đó là ngành công nghiệp, sản phẩm của CNHT là các sản phẩm trung gian, đều nhấn mạnh tầm quan trọng của các ngành sản xuất đầu vào cho thành phẩm. Trong bài viết này, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm được hiểu là số lượng nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng cung cấp bởi các doanh nghiệp trong nước bao gồm doanh nghiệp nội địa và doanh nghiệp FDI trên tổng số nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng được sử dụng để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Đặc điểm ngành công nghệ hỗ trợ

Tính đa cấp : Các doanh nghiệp tham gia CNHT nằm ở các vị trí khác nhau trong chuỗi giá trị sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Trong chuỗi giá trị này các nhà cung cấp được phân loại theo cấp độ, vị trí họ tham gia vào hệ thống.. Các nhà cung cấp khác nhau sẽ khác nhau về quy mô vốn, quy mô sản xuất, sở hữu công nghệ, quản lý, khách hàng,..

Tính hệ thống, liên kết theo quy trình sản xuất, theo khu vực và phụ thuộc vào ngành công nghiệp chính: Nằm trong chuỗi giá trị, các doanh nghiệp trong CNHT có mối liên hệ liên kết với nhau trong quy trình sản xuất.

Đa dạng về công nghệ và trình độ công nghệ: Sự đa dạng này đòi hỏi sản xuất các loại linh kiện phong phú để có được sản phẩm cuối cùng. Giá trị gia tăng của việc sản xuất các linh kiện, các quy trình cũng khác nhau rất nhiều. Nhiều bộ phận tinh xảo có giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi kỹ thuật sản xuất, công nghệ rất cao như những bộ phận điều khiển, điện tử, máy…mà chỉ những nhà cung cấp lớn mới đáp ứng được. Ngược lại những chi tiết đòi hỏi kỹ thuật sản xuất không quá khó, có thể mua từ những nhà cung cấp cấp thấp để lắp ráp thành linh kiện.

Vai trò của ngành công nghiệp hỗ trợ

Đối với doanh nghiệp : Các nhà cung cấp trong nước có năng lực cạnh tranh quốc tế sẽ tạo lợi thế cho ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm cuối cùng. Ngành CNHT phát triển sẽ giúp cho công ty lắp ráp và các công ty sản xuất sản phẩm cuối cùng ít phụ thuộc vào nhập khẩu, chủ động về thời gian giao hàng. Mặt khác CNHT phát triển kích thích các nhà đầu tư nhiều hơn vào máy móc, dây chuyền thiết bị đồng bộ và kịp thời trong sản xuất. Điều này đã góp phần làm tăng khả năng hợp tác chặt chẽ và trao đổi thông tin cập nhật về đổi mới, nâng cao chất lượng của yếu tố đầu vào, nâng cao chất lượng sản phẩm cuối cùng, góp phần giảm chi phí, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị cho sản phẩm cuối cùng.

Đối với sự phát triển của nền kinh tế: Phát triển CNHT là điều kiện quan trọng bảo đảm tính chủ động và nâng cao giá trị gia tăng của ngành sản xuất sản phẩm. CNHT góp phần tạo nền móng vững chắc cho các ngành công nghiệp lắp ráp và chế tạo. Giúp tạo mội trường thuận lợi để thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào phát triển công nghiệp và giúp chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI . Thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng chủ yếu trong nghiên cứu này là phương pháp định tính, cụ thể bài viết sử dụng phương pháp thu thập, phân tích, tổng hợp tài liệu nhằm hệ thống hóa lý luận về ngành công nghiệp hỗ trợ. Các số liệu phân tích trong bài viết được thu thập từ kết quả điều tra doanh nghiệp năm 2020 từ Cục Thống Kê TP.HCM (2020) của 443 doanh nghiệp trong nước và có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động ở TP.HCM, sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu thống kê, quy nạp và phân tích các kết quả thu được nhằm đưa ra các nhận định chung về ngành công nghiệp hỗ trợ tại TP. HCM.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh

Trong những năm qua, về thực trạng số lượng doanh nghiệp công nghiệp đã có sự tăng trưởng mạnh, tập trung ở khu vực doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và ít hơn ở khu vực có nhà nước. TP.HCM đã ban hành đồng loạt các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như: hỗ trợ vay để đầu tư nhà xưởng, công nghệ sản xuất mới trong thời gian 7 năm với mức vốn tối đa 200 tỷ/dự án. Trong số 443 doanh nghiệp nghiên cứu trong mẫu thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống, có 110 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm tỷ lệ 24,89% trong tổng số doanh nghiệp khảo sát và 333 doanh nghiệp trong nước, chiếm 75,11%, trong đó gồm 6 doanh nghiệp nhà nước chiếm 1,36% và 326 doanh nghiệp tư nhân chiếm tỷ lệ khá cao 73,36% trong tổng số doanh nghiệp tham gia khảo sát. Doanh nghiệp trong 4 ngành trọng yếu chiếm 81%, số doanh nghiệp trong 2 ngành truyền trống chiếm 19%. Đa số doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn nước ngoài lựa chọn hoạt động ngành dệt may nhằm tận dụng nguồn nhân công giá rẻ và sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn 3 .

Về lao động: Tổng số lao động đang làm việc trong các ngành tại TP HCM tính đến 31/12/2020 là 211.759 người, trong đó lao động làm việc trong 4 ngành trọng điểm chiếm tỷ lệ 46,51%, 2 ngành truyền thống là 53,49%. Điều này cho thấy rằng 4 ngành trọng yếu sử dụng ít lao động hơn thay vào đó là các máy móc thiết bị hiện đại, máy móc tự động hoặc bán tự động giảm bớt lao động, tiết kiệm chi phí nhân sự cho doanh nghiệp ( Figure 1 ).

Figure 1 . Số lao động bình quân 1 doanh nghiệp phân theo ngành. Nguồn: Cục thống kê TP.HCM (2020)

Về quy mô về nguồn vốn sản xuất kinh doanh bình quân 1 doanh nghiệp: Xét theo ngành, trong 4 ngành trọng yếu và 2 ngành truyền thống nguồn vốn sản xuất bình quân 1 doanh nghiệp của ngành điện tử đạt cao nhất 2.839,8 tỷ đồng là ngành được đầu tư hệ thống máy móc thiết bị hiện đại nguồn vốn đầu tư rất lớn cao hơn nhiều so với các ngành còn lại ( Figure 2 ).

Figure 2 . Nguồn vốn kinh doanh bình quân một doanh nghiệp phân theo ngành. Nguồn: Cục thống kê TP.HCM (2020)

Nhìn chung, quy mô doanh nghiệp về lao động và nguồn vốn sản xuất kinh doanh của khu vực doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn nhiều so với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài do tiềm lực hạn hẹp, khả năng đầu tư hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và năng lực cạnh tranh thấp.

Tình hình tiêu thụ sản phẩm hoàn chỉnh phân theo thị trường nội địa và xuất khẩu: Doanh thu phân theo thị trường trong nước và xuất khẩu của 4 ngành công nghiệp trọng điểm và 2 ngành truyền thống được tiêu thụ phần lớn ở thị trường nội địa chiếm 71,1% doanh thu, xuất khẩu chỉ đạt 28,9%. Tính riêng từng khu vực kinh tế, khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục góp phần làm tăng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, xuất khẩu đạt 65,5%, tiêu thụ trong nước 34,5%. ( Figure 3 ).

Figure 3 . Tỷ trọng doanh thu nội địa và xuất khẩu của từng nhóm ngành. Nguồn: Cục thống kê TP.HCM (2020)

Tỷ trọng chi phí nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng do doanh nghiệp tự sản xuất trong mẫu khảo sát chỉ có 14 doanh nghiệp tự sản xuất một số nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng phục vụ cho sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của chính doanh nghiệp, chiếm 3,2%, chủ yếu là doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhà nước nhưng cũng chỉ cung cấp được 1 phần nguyên vật liệu cho sản xuất tập trung vào ngành chế biến lương thực thực phẩm (cung cấp 20-35%) và dêt may (20%),...

Tỷ lệ nội địa hóa (tỷ trọng chi phí mua trong nước nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng chính phục vụ cho sản xuất) trong mẫu nghiên cứu đạt 69,1% và tỷ lệ nhập khẩu là 30,9%. Trong đó tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng điểm là 70,3%, tỷ lệ nhập khẩu 29,7%; tỷ lệ nội địa hóa của 2 ngành truyền thống 64,2% và tỷ lệ nhập khẩu 35,8%. Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, nhóm ngành sản xuất lương thực thực phẩm có tỷ lệ nội địa hóa cao nhất 82,6; xếp thứ 2 là kế tiếp là nhóm ngành cơ khí 73,6%; ngành hóa nhựa cao su 65,3% và điện tử 50,5%.Trong 2 ngành công nghiệp truyền thống tỷ lệ nội địa hóa của nhóm ngành dệt may chiếm 65,1%; ngành da chiếm 57,3% ( Figure 4 ).

Figure 4 . Tỷ trọng chi phí nội địa và nhập khẩu của từng nhóm ngành. Nguồn: Cục thống kê TP.HCM (2020)

Đối với ngành chế biến lương thực thực phẩm: Ngành cũng sử dụng nhiều nguyên vật liệu, phụ liệu, bán thành phẩm được nhập khẩu từ nước ngoài như: Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Indonesia, Ấn độ, Hà Lan…Những ngành cung cấp sản phẩm có tỷ lệ chi phí nhập khẩu trong tổng chi phí mua theo từng sản phẩm cao như: sản xuất đồ uống không cồn (50%); sản xuất cà phê (50%); sản xuất tinh bột và sản phẩm từ bột ( 63,53%); sản xuất hóa dược và dược liệu (72%); sản xuất hóa chất cơ bản khác (97,6%); sản xuất plastic nguyên sinh (90%);…

Đối với ngành hoá dược cao su: Tỷ lệ nội địa hóa hỗ trợ cho ngành hoá dược cao su đạt bình quân 65,3%; trong đó ngành sản xuất sản phẩm từ cao su đạt nội địa hóa 61,9%; ngành sản xuất hóa chất đạt nội địa hóa 69,1%; ngành sản xuất thuốc, hóa dược đạt 69,2%. ( Figure 4 ). Thị Trường nhập khẩu các nguyên vật liệu, linh kiện cho ngành Hóa dược cao su chi thấy Trung Quốc là quốc gia nhập khẩu lớn nhất (37%-100%) gồm: sợi thủy tinh, bố thép, màng nhôm, dụng cụ ngành dệt, khuôn phôi,….; Singapore (15%-100%) gồm hương liệu, hóa chất, hạt nhựa, hạt phụ gia…; Hàn Quốc (50%-100%) gồm giấy duplex, nhãn giấy, hạt nhựa, cao su, alu, phụ gia….; Thái Lan (21%-100%) gồm hạt nhựa, hạt nhựa màu, chỉ may, chỉ dệt,...; Nhật Bản ( 10%-100%) gồm hạt nhựa, nhựa tấm, bột PVC, bột mực, phân bón...

Đối với ngành điện tử: Các sản phẩm CNHT cung cấp cho ngành điện tử có tỷ trọng nội địa cao gồm những ngành: sản xuất bao bì bằng giấy, bìa (chiếm 91% cung cấp vỏ hộp, thùng giấy); sản xuất dây dẫn điện các loại (chiếm 90% cung cấp dây dẫn điện); sản xuất linh kiện điện tử (chiếm 68,28% cung cấp IC, điện trở, mạch in,…); sản xuất thiết bị điện chiếu sáng (chiếm 66,67% cung cấp đèn pha, đèn..); sản xuất sắt, gang, thép (chiếm 42,86% cung cấp chì, kẽm…). Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện điện tử (từ 20% đến 100%) trị giá nhập khẩu theo từng mặt hàng gồm: cuộn cảm, dây đồng, linh kiện điện tử, linh kiện bán dẫn, màn hình TV, đầu nối,…; Hồng Kông (100%) gồm chì hàn, dây đồng, lõi kim loại, đế nhựa,…; Hàn Quốc (79%-100%): gương chiếu xe ô tô, thủy tinh, convetor, led assembly,…; Singapore (20%-100%): gồm chip, linh kiện điện tử, IC, hạt nhựa,…; Đài Loan (39%-100%) gồm: sắt, đầu nối bằng nhựa, linh kiện điện tử, hóa chất,…; Nhật Bản (100%) gồm đầu nối, mạch điện,..

Đối với nghành cơ khí: Các sản phẩm CNHT cung cấp cho ngành cơ khí có tỷ trọng nội địa cao gồm những ngành: ngành sản xuất bao bì bằng plastic (chiếm 94,8% cung cấp chai nhựa, thùng nhựa, hộp nhựa); ngành sản xuất bao bì bằng giấy (chiếm 96% cung cấp hộp giấy, thùng giấy, thùng carton); ngành sản xuất giấy nhăn, bìa nhăn (chiếm 94,1% cung cấp giấy nhăn,); sản xuất sơn, vecni và các chất sơn, quét tương tự (chiếm 94,55% cung cấp sơn, sơn công nghiệp, bột sơn); ngành sản xuất mực in (chiếm 89% cung cấp mực in); ngành sản xuất khí công nghiệp (chiếm 75% cung cấp khí Oxy, khí Cacbon, Khí argon,…); sản xuất hóa chất cơ bản (chiếm 90% cung cấp hóa chất, phụ gia, dung môi…); sản xuất linh kiện điện tử (chiếm 50,54% cung cấp linh kiện, điện trở, thiết bị bán dẫn,…); sản xuất dây, cáp điện và điện tử khác (chiếm 64,72% cung cấp dây điện từ, cáp điện, dây điện),…

Có thể nói nhóm ngành cơ khí có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nhiều ngành công nghiệp khác phát triển. Trong những năm gần đây thành phố đã có một vài doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại. Yêu cầu kỹ thuật sản xuất của ngành này khá cao. Tỷ lệ nội địa hóa chung về nguyện vật liệu, linh kiện, phụ tùng để sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh của ngành này đạt 73,6% trong đó ngành sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn đạt 77,6%; sản xuất thiệt bị điện đạt 67,8%; sản xuất máy móc thiết bị đạt 69,3%; sản xuất xe có động cơ đạt 71,5%; sản xuất phương tiện vận tải khác đạt 64,2%. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng của ngành cơ khí (10% -100%) gồm nhôm, kẽm, đồng, tấm lợp, day phay, dao tiện, hóa chất, hạt nhựa, chip led, dây điện, dây cáp, công tắc, tụ điện,…; sau đó là Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan.

Đối với ngành dệt may: tại TP.HCM hiện nay chiếm vị trí lớn trong ngành dệt may của cả nước. Ngành dệt may đã góp phần tạo ra việc làm và mang lại kim ngạch xuất khẩu cao, ngành đã tham gia và có chỗ đứng trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành dệt may. Tỷ lệ nội địa hóa chung các nguyên vật liệu, phụ liệu của ngành dệt may đạt 65,3% tổng chi phí, nhập khẩu chiếm 34,7%, trong đó ngành dệt đạt tỷ lệ nội địa hóa 74,2%, tỷ lệ nhập khẩu đạt 25,8%; tỷ lệ nội địa hóa ngành may đạt 60,6%, tỷ lệ nhập khẩu đạt 39,4%. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện của ngành dệt may (7% đến 100%) trị giá nhập khẩu theo từng mặt hàng gồm: sợi, bông, vải, chỉ may, chỉ thêu, thuốc nhuộm, mực in, hạt nâu, hóa chất….; sau đó là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Thái lan.

Tương tự như ngành may, ngành da giày trên địa bàn TP.HCM chủ yếu là gia công xuất khẩu, nguyên vật liệu, phụ liệu chính nhập khẩu nhiều từ nước ngoài. Tỷ lệ nội địa hóa nguyên vật liệu, phụ liệu sản xuất trong nước sử dụng để sản xuất sản phẩm hoàn của ngành da giày đạt 57,3%, tỷ lệ nhập khẩu nguyên vật liệu đạt 42,7%. Trung Quốc là quốc gia dẫn đầu về nhập khẩu nguyên vật liệu, linh kiện của ngành da giày (20% đến 100%) trị giá nhập khẩu theo từng mặt hàng gồm vải, vải giả da, keo, nguyên phụ liệu, chất phụ gia, cao su, nhựa….; Nhật Bản (100%): đế cao su, đế nhựa; vải, khóa, da, hạt nhựa, phụ kiện da giày…; Đài Loan (từ 5% đến 100%) dung môi, hạt nhựa, cao su, vải lưới, màu PU…; Indonesia (30%-100%): cao su tổng hợp, chất tạo màu,…

Nhìn chung, các nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng chính cho 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 2 ngành truyền thống phần lớn là các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp ở nước ngoài cung cấp những nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng chính mà doanh nghiệp trong nước chưa sản xuất được ( Table 1 ).

Table 1 Tỷ trọng các nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng (%)

Trong năm 2020, số nhà cung cấp được bổ sung tăng 13,02% so với tổng số nhà cung cấp hiện có, nhà cung cấp là doanh nghiệp Việt Nam tăng 9,4%, nhà cung cấp là doanh nghiệp FDI tăng 0,8%, nhà cung cấp là doanh nghiệp ở nước ngoài tăng 3,1%; trong đó tỷ lệ tăng nhà cung cấp của 4 ngành công nghiệp trọng yếu lần lượt là 8,7%; 0,4%; 3,1%; tỷ lệ tăng nhà cung cấp của 2 ngành truyền thống lần lượt là 0,7% cho nhà cung cấp là DN Việt Nam và 0,3% nhà cung cấp là DN ở nước ngoài.

Tình hình khó khăn của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh trong việc mua nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng: Kết quả cho thấy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh thuộc ngành điện tử gặp khó khăn nhất trong việc mua nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng (có 90,3% doanh nghiệp điện tử cho rằng gặp khó khăn so với tổng số doanh nghiệp ngành điện tử được khảo sát); kế tiếp ngành dệt may (64,9%); ngành hóa dược cao su (60,3%); là ngành cơ khí (53,4%); ngành chế biến lương thực thực phẩm (48,3%) và cuối cùng là ngành da giày (20%). Giá cả nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng cao là khó khăn lớn nhất của tất cả các ngành; tiếp theo là nguồn cung thiếu ổn định; số lượng nhà cung cấp và chủng loại sản phẩm hạn chế; thời gian giao hàng không đảm bảo là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất chung của ngành.

Tình hình hỗ trợ của doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh đối với nhà cung cấp nguyên vật liệu, phụ tùng trong nước: Để đảm bảo nguyên vật liệu đầy đủ, đồng bộ, cung cấp kịp thời thì giữa nhà sản xuất và nhà cung cấp nguyên vật liệu có sự hỗ trợ nhau. Kết quả khảo sát cho thấy, có 8,1% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh hỗ trợ cho nhà cung cấp nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng ở trong nước, chủ yếu là doanh nghiệp sản xuất cơ khí. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất chọn hình thức hỗ trợ là cải tiến chất lượng sản phẩm của nhà cung cấp; hỗ trợ tiếp cận khách hàng và thị trường mới; hỗ trợ cải tiến quy trình sản xuất của nhà cung cấp.

Nhân tố ảnh hưởng đến quyết định của doanh nghiệp về việc chọn mua nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng ở trong nước: Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến quyết định mua nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng của nhà cung cấp trong nước như: chất lượng sản phẩm, giá cả, hàm lượng nội địa được thị trường đòi hỏi và khuyến khích, hậu cần dễ dàng, phát triển nhà cung cấp trong nước theo chương trình/chiến lược/cam kết của doanh nghiệp….Tuy nhiên yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến quyết định chọn nhà cung cấp là giá cả của nguyên vật liệu (có 93,2% doanh nghiệp lựa chọn), thứ 2 là chất lượng (có 88,7% doanh nghiệp lựa chọn).

THẢO LUẬN

Kết quả cho thấy các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh thuộc ngành điện tử gặp khó khăn nhất trong việc mua nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng (có 90,3% doanh nghiệp điện tử cho rằng gặp khó khăn so với tổng số doanh nghiệp ngành điện tử được khảo sát); kế tiếp ngành dệt may (64,9%); ngành hóa dược cao su (60,3%); là ngành cơ khí (53,4%); ngành chế biến lương thực thực phẩm (48,3%) và cuối cùng là ngành da giày (20%). Giá cả nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng cao là khó khăn lớn nhất của tất cả các ngành; tiếp theo là nguồn cung thiếu ổn định; số lượng nhà cung cấp và chủng loại sản phẩm hạn chế; thời gian giao hàng không đảm bảo là nguyên nhân quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất chung của ngành. Có thể thấy ngành CNHT thu hút số lượng lớn các doanh nghiệp với nhiều quy mô khác nhau, trong đó có số lượng lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ và thường ở cấp thấp. Chính vì vậy cho thấy tầm quan trọng của phát triển CNHT và vai trò quan trọng của chính sách nhà nước trong phát triển ngành công nghiệp này, đặc biệt là tại các nước đang phát triển giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào hệ thống của các công ty đa quốc gia, tiếp nhận công nghệ, tham gia hệ thống toàn cầu. Tuy nhiên, những doanh nghiệp tham gia CNHT phần lớn là doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế về khả năng vốn, công nghệ, quản lý nên cần có chính sách hỗ trợ để phát triển bền vững.

GIẢI PHÁP

Giải pháp thuộc về chính sách

Giải pháp về quy hoạch, phân bố các ngành CNHT: Hiện nay vẫn còn nhiều doanh nghiệp hoạt động trong ngành CNHT phân bố rãi rác trong khu dân cư, điều này cũng làm khó khăn cho DN vì họ sẽ mất thêm nhiều chi phí đầu tư cho máy móc thiết bị, logistic…thay vì tận dụng các cơ sở hạ tầng có sẵn của KCN, KCNC…

Hỗ trợ cho nhà đầu tư cơ sở hạ tầng, các DN di dời nhà xưởng sản xuất: Nhằm để giảm chi phí mặt bằng cho doanh nghiệp CNHT, cần có chính sách cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng để đổi lại sự ràng buộc về giá cho thuê thấp đối với các doanh nghiệp đúng đối tượng. Cần có sự hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động CNHT di chuyển nhà xưởng vào các phân khu CNHT trong KCN, KCNC về mặt thủ tục, hỗ trợ chi phí di dời nhà xưởng theo lộ trình.

Phát triển công nghệ: Để có khả năng cạnh tranh và phát triển lâu dài trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, cần đầu tư vào công nghệ tiên tiến, đầu tư phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu, nhà xưởng thực hành công nghệ ở các trường đại học công nghệ trọng điểm đặc biệt là trường đại học bách khoa TP.HCM và đại học sư phạm kỹ thuật Thủ Đức theo hướng kết nối với hiệp hội ngành nghề và doanh nghiệp trong nghiên cứu và triển khai . Cần hỗ trợ cho các doanh nghiệp nội địa có năng lực thực hiện hình thức liên doanh, liên kết với các tập đoàn đa quốc gia, các doanh nghiệp tiếp nhận chuyển giao công nghệ để sản xuất các chi tiết, linh kiện cung cấp cho tập đoàn, doanh nghiệp FDI từng bước hướng tới tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, trở thành nhà cung ứng cấp một. Đối với các doanh nghiệp FDI đầu tư vào TP.HCM phải cam kết về tỷ lệ nội địa hóa.

Nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp CNHT: Các doanh nghiệp rất cần đội ngũ quản lý giỏi với phương pháp quản lý khoa học. Nhà nước phối hợp với trung tâm phát triển CNHT TP.HCM và các trung tâm đào tạo tư vấn dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và ban hành cơ chế khuyến khích tư vấn đào tạo quản lý chất lượng tiên tiến phù hợp với từng ngành để hướng đến sản phẩm sản xuất đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm có thể tiếp cận, cung ứng cho doanh nghiệp FDI và xuất khẩu.

Hỗ trợ vốn đầu tư cho các doanh nghiệp CNHT: Cần xây dựng cơ chế khuyến khích ngân hàng hình thành các gói cho vay tín chấp đối với các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, không dựa vào tài sản đảm bảo hiện có mà dựa trên tính khả thi của dự án, kết quả kinh doanh của các năm gần nhất, thế chấp tài sản hình thành dựa trên hoạt động đầu tư. Cần đảm bảo tính ổn định của chính sách cho vay nhằm giúp nhà đầu tư an tâm, tập trung vào sản xuất kinh doanh.

Giải pháp thị trường tiêu thụ: Cần xây dựng cơ sở dữ liệu trung tâm và tập trung về doanh nghiệp CNHT theo hướng mô tả năng lực, mô tả sản phẩm, quy trình quản trị doanh nghiệp giúp cho doanh nghiệp FDI dễ dàng có thông tin . Thường xuyên tổ chức triển lãm, hội chợ, kết nối cung cầu, diễn đàn CNHT: tổ chức hội nghị kết nối cung- cầu vật liệu, linh kiện trong sản xuất công nghiệp của các ngành, các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia. Hợp tác với hiệp hội CNHT các nước để thực hiện kết nối cung - cầu giữa doanh nghiệp nội địa với doanh nghiệp FDI; tổ chức gắn kết giữa các doanh nghiệp CNHT; giữa doanh nghiệp CNHT với doanh nghiệp sản xuất lắp rapsarn phẩm hoàn chỉnh, các tập đoàn đa quốc gia.

Giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho CNHT: Có chính sách thu hút và khuyến khích thành lập cơ sở đào tạo từ các nước có nền công nghiệp tiên tiến tham gia thành lập tại KCN, KCNC. Hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo nghề về cơ sở vật chất như máy móc thiết bị phục vụ cho việc giảng dạy. TP.HCM cần xây dựng chính sách nhằm thu hút lực lượng lao động từ du học sinh về nước phục vụ phát triển kinh tế của thành phố.

Giải pháp thuộc về doanh nghiệp

Các doanh nghiệp cần tự chủ động tìm ra cho mình các nguồn vốn và phương thức huy động vốn khác nhau từ xã hội như phát hành trái phiếu, phát hành cổ phiếu nhằm xã hội hóa nguồn vốn đầu tư phát triển. DN chủ động kêu gọi nguồn vốn đầu tư của các đối tác nước ngoài để giúp DN có đủ tiềm lực tài chính. Thêm vào đó, để đáp ứng được yêu của doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia đòi hỏi doanh nghiệp nội địa phải luôn đầu tư đổi mới dây chuyền công nghệ sản xuất để đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và số lượng các đơn hàng CNHT. Cần phát triển đội ngũ chuyên nhân lực chuyên nghiệp, đáp ứng được kiến thức, kỹ năng phù hợp. Áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng để sản xuất các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế cho nội địa cũng như xuất khẩu. Cần tích cực tham gia các hội chợ triễn lãm trong nước, ngoài nước, tham gia các chương trình của thành phố. Thực hiện các quy trình quản trị, kế toán tài chính minh bạch, có lịch sử giao dịch tốt với ngân hàng thương mại điệu này sẽ giúp doanh nghiệp được đánh giá tín nhiệm tốt từ phía ngân hàng thương mại để có thể vay tín chấp.

Giải pháp đối với hiệp hội ngành nghề

Để đáp ứng được đòi hỏi trong quá trình hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh, ngoài việc nâng cao tính chủ động bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp thì hiệp hội ngành phải có sự đầu tư và chuẩn bị sau: (1) Tổng hợp những hạn chế yếu kém của nguồn nhân lực của ngành để liên kết với các trường học, cơ sở đào tạo xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo cho doanh nghiệp; (2) Phổ biến những chính sách phát triển CNHT đến với doanh nghiệp, tổng hợp những vướng mắc của doanh nghiệp và cơ chế chính sách để phản ánh lên các cơ quan quản lý nhà nước. (3) Nghiên cứu các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới thông tin đến doanh nghiệp các điều kiện để thâm nhập hàng hóa ra nước ngoài cũng như biện pháp phòng vệ trước sự thâm nhập của nước ngoài.

KẾT LUẬN

Nghiên cứu này được thực hiện trong bối cảnh năm 2020 là năm mà nền kinh tế Việt Nam và các nước khác trên thế giới đều chịu sự tác động mạnh mẽ từ dịch Covid-19, nguồn cung ứng bi đứt gãy, nhiều nhà máy phân xưởng của các doanh nghiệp trong nước phải tạm dừng hoạt động vì thiếu nguyên vật liệu. Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nội địa hóa của 4 ngành công nghiệp trọng điểm là 70,3%, và của 2 ngành truyền thống 64,2% cho thấy mặc dù tỷ lệ nội địa hoá đã hơn 64%, tuy nhiên, sự đồng bộ về việc cung cấp chưa có. Điều này cho thấy vai trò của ngành CNHT càng quan trọng. Phát triển CNHT có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của thành phố. TP.HCM có nhiều tiềm năng để phát triển CNHT, tuy nhiên phát triển CNHT ở thành phố hiện nay chưa tương xứng so với tiềm năng và mong muốn của lãnh đạo thành phố. Chính phủ cũng như UBND TP.HCM cần có sự quan tâm đặc biệt nhằm nhằm thúc đẩy phát triển CNHT theo hướng phát triển ổn định, tự chủ sản xuất hướng tới xuất khẩu với tỷ lệ nội địa cao, mang lại giá trị kinh tế và phát triển bền vững cho Tp.Hồ Chí Minh.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết không có xung đột lợi ích

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Bài báo “Phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ tại Thành phố Hồ Chí Minh hướng tới tự chủ sản xuất và xuất khẩu”, nhiệm vụ của tác giả như sau:

Tác giả Nguyễn Thị Ngọc Diệp : chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung, thực hiện thống kê phân tích và viết kết quả nghiên cứu, kết luận.

Tác giả Nguyễn Nam Yên: chịu trách nhiệm phần thu thập số liệu, tổng quan về ngành công nghiệp hỗ trợ.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CNHT: Công nghệ hỗ trợ

DN: Doanh nghiệp

TP.HCM : Thành phố Hồ Chí Minh

UBND: Ủy ban nhân dân

References

  1. Chính phủ. Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 06/08/2020: "Về các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ". . ;:. Google Scholar
  2. Chính phủ. Nghị định 111/2015/NĐ-CP về phát triển công nghiệp hỗ trợ ngày 03 tháng 11 năm 2015. . ;:. Google Scholar
  3. Tổng cục Thống kê TP.HCM. Báo cáo ngành công nghệ hỗ trợ 2020; Tài liệu nội bộ. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3386-3395
Published: Oct 15, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1031

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, N. D., & Nguyễn, Y. (2022). Development of supporting industries towards production and export autonomy in Ho Chi Minh City. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3386-3395. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1031

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1247 times
PDF   = 343 times
XML   = 0 times
Total   = 343 times