Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1553

Total

368

Share

Liquidated damages under the Law of some Countries – Experience for Viet Nam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Liquidated damages in English have existed both in Anglo-American legal system and continental European legal system for a long time. In Vietnam, the clause of liquidated damages in contracts is increasingly common and often negotiated by involving parties during transactions of business or commerce and construction, especially in the transactions of great value and the loss of one party is difficult to prove actual and direct damages. However, according to the law as well as the judicial practice, the validity of liquidated damages clause has not been clearly and consistently recognized. This article analyzes the conception and the nature of liquidated damages clause in Anglo-American legal system, especially in the United Kingdom and the United States, and continental European legal system, mainly in the law of France, then analyzes the provisions of law and the practice of dispute settlement of liquidated damages clause at the Court and commercial Arbitration in Vietnam, thereby providing the fundament for the recognition of liquidated damages clause in Vietnam, especially the completion of the provision of the current commercial Law.

Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng là đề tài đã được rất nhiều tác giả nghiên cứu, tuy nhiên, có khá ít đề tài liên quan đến bồi thường thiệt hại ấn định trước. Gần đây, có bài viết của tác giả Trương Nhật Quang với tiêu đề “Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính” được đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 05 (429), tháng 03/2021 và bài viết “Giá trị pháp lý của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính theo pháp luật Việt Nam” của tác giả Phan Văn Thanh được đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam ngày 04/06/2021. Khác với các công trình đi trước, bên cạnh việc tìm hiểu quy định pháp luật và thực tiễn xét xử hiện hành về thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước của các bên trong hợp đồng, trong phạm vi bài viết này, nhóm tác giả còn phân tích khái niệm và bản chất của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Trên cơ sở tham khảo pháp luật các nước, nhóm tác giả đề xuất việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước tại Việt Nam, đặc biệt là việc hoàn thiện quy định của Luật thương mại hiện hành.

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp so sánh nhằm chỉ ra những điểm tương đồng và khác biệt giữa quy định pháp luật trong các nước thuộc hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa và quy định pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ấn định trước.

Bên cạnh đó, phương pháp phân tích và phương pháp tổng hợp cũng được sử dụng trong bài viết nhằm làm rõ những vấn đề lý luận, quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng quy định pháp luật của các cơ quan tài phán tại Anh, Mỹ và Việt Nam về thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước do vi phạm hợp đồng.

Trên cơ sở áp dụng các phương pháp nghiên cứu kể trên, nhóm tác giả đưa ra những đánh giá về vấn đề bồi thường thiệt hại ấn định trước do vi phạm hợp đồng theo pháp luật Việt Nam, từ đó đề xuất việc đưa các quy định về bồi thường thiệt hại ấn định trước do vi phạm hợp đồng vào hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam nhằm cho phép các bên được quyền thỏa thuận ấn định trước một mức bồi thường thiệt hại cụ thể trong hợp đồng.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Bài viết đã làm rõ được khái niệm và bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Theo đó, tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước không thể thực thi nếu mục đích của điều khoản đó là trừng phạt thay vì bù đắp cho bên bị vi phạm. Ngược lại, tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước mang bản chất là một hình phạt đôi khi vẫn được cho phép. Tuy nhiên, Tòa án có quyền thay đổi số tiền mà các bên đã ấn định bằng cách tăng lên hoặc giảm xuống nếu không tương xứng với tổn thất thực tế. Tại Việt Nam, mặc dù chưa được cụ thể và rõ ràng, nhưng có lẽ Bộ luật dân sự năm 2015 thừa nhận thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước trong giao dịch dân sự giữa các bên. Tuy nhiên, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước giữa các bên trong hợp đồng không được thừa nhận chính thức trong các luật chuyên ngành, đặc biệt là Luật thương mại và Luật xây dựng. Thực tiễn xét xử, về phần mình, các cơ quan tài phán tại Việt Nam lại có cách tiếp cận khác nhau. Thông thường, Tòa án không công nhận hiệu lực điều khoản này, mà chỉ xem đó như là một điều khoản phạt vi phạm. Cách tiếp cận này khá giống với các quốc gia theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa không giới hạn mức trần như luật của Việt Nam mà việc giảm hoặc tăng số tiền phạt vi phạm phụ thuộc vào thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm. Trong khi đó, Trọng tài thương mại tôn trọng và chấp nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng. Trên cơ sở của nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận trong hợp đồng luôn được tôn trọng và đề cao, thiết nghĩ các luật chuyên ngành, đặc biệt là Luật thương mại được ban hành vào năm 2005, đến nay đã gần hai mươi năm thi hành, ít nhiều đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện hành, nên việc sửa đổi, bổ sung, thậm chí là ban hành mới Luật thương mại là cần thiết, theo đó, cần phải công nhận điều khoản ấn định trước mức bồi thường thiệt hại giữa các bên trong hợp đồng.

Đặt vấn đề

Bồi thường thiệt hại ấn định trước, còn được gọi là liquidated damages trong tiếng Anh, đã tồn tại cả trong hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Tại Việt Nam, thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước là một khái niệm không mới, đang ngày càng phổ biến và được các bên đàm phán trong các giao dịch thương mại và xây dựng hiện nay, đặc biệt là những giao dịch có giá trị lớn và thiệt hại của một bên là khó chứng minh thiệt hại thực tế và trực tiếp. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật cũng như trong thực tiễn xét xử, hiệu lực của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước chưa được công nhận một cách cụ thể, rõ ràng và nhất quán. Bài viết này sẽ phân tích (1) khái niệm và bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, đồng thời phân tích (2) quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp của các cơ quan tài phán tại Việt Nam về bồi thường thiệt hại ấn định trước, từ đó đưa ra cơ sở cho việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước tại Việt Nam.

Khái niệm và bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước

Khái niệm bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước

Bồi thường thiệt hại ấn định trước là một lựa chọn hữu hiệu cho các bên trong quan hệ hợp đồng và được pháp luật của nhiều quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa thừa nhận. Tuy được thừa nhận rộng rãi, nhưng pháp luật các quốc gia này không đưa ra khái niệm chính thức, mà mỗi hệ thống pháp luật có các quan điểm khác nhau về điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước trong hợp đồng.

Trong hệ thống pháp luật hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, bồi thường thiệt hại ấn định trước được giải thích chủ yếu thông qua án lệ bên cạnh các đạo luật thành văn. Đơn cử như trong một phán quyết của mình 1 , Tòa án tối cao Anh đã khái quát bồi thường thiệt hại ấn định trước là một điều khoản trong hợp đồng, theo đó, một bên phải trả cho bên kia một khoản tiền cụ thể đã được thỏa thuận nếu vi phạm các nghĩa vụ nhất định trong hợp đồng 2 . Trong pháp luật hợp đồng của Hoa Kỳ, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước được diễn giải bằng cả án lệ và các đạo luật thành văn, theo đó, các khoản thiệt hại do vi phạm của một bên có thể được ấn định trước trong thỏa thuận 3 . Bên cạnh đó, trong các án lệ của Hoa Kỳ, các thẩm phán còn giải thích rằng một trong những yếu tố thiết yếu của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước hợp lệ và có thể thi hành được là điều khoản này phải được quy định trong hợp đồng và phải rõ ràng về một khoản tiền nhất định 4 .

Với các quốc gia theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa mà đại diện là Pháp, nơi mà luật thành văn được chú trọng và xem là nguồn luật áp dụng chính, bồi thường thiệt hại ấn định trước được khái quát hóa tại Điều 1231-5 Bộ luật dân sự, theo đó, trong trường hợp hợp đồng quy định, bên nào không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ phải trả một khoản tiền nhất định với danh nghĩa là tiền bồi thường thiệt hại 5 .

Như vậy, với các phân tích nêu trên, có thể thấy rằng bồi thường thiệt hại ấn định trước theo pháp luật các nước được hiểu là việc các bên thỏa thuận ấn định trước một khoản tiền mà bên vi phạm phải trả cho bên bị vi phạm những ước tính về thiệt hại xảy ra khi có hành vi vi phạm hợp đồng.

Bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước

Để xem xét hiệu lực của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước thì cần phải đặt điều khoản đó trong bối cảnh pháp luật của từng quốc gia. Bởi vì, pháp luật các quốc gia quy định điều khoản này theo các cách tiếp cận tương đối khác nhau mặc dù giữa chúng cũng có sự tương đồng nhất định. Với các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, mà chủ yếu là Anh và Hoa Kỳ, nơi mà pháp luật hợp đồng của các quốc gia này quy định rằng bản chất của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước là bù đắp các tổn thất thay vì là trừng phạt. Theo đó, các thiệt hại do vi phạm của một trong hai bên có thể được ấn định trong hợp đồng nhưng chỉ với một số tiền hợp lý dựa trên thiệt hại được dự đoán hoặc thực tế do hành vi vi phạm gây ra, những khó khăn trong việc chứng minh thiệt hại. Thiệt hại được ấn định trước trong hợp đồng lớn đến mức bất hợp lý sẽ không được thi hành vì đó được xem là một hình phạt 3 , 6 . Như vậy, với cách tiếp cận này, tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước sẽ không thể thi hành khi những thiệt hại mà các bên đã ấn định trước trong hợp đồng lớn hơn một cách bất hợp lý, đặc biệt là thỏa thuận đó được xem là một hình phạt, vốn không phải bản chất của việc bồi thường thiệt hại.

Với các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, sự khác biệt so với các quốc gia theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ là nằm ở bản chất, mục đích của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước. Cũng giống như các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, bản chất của điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa trước hết là ước tính trước những thiệt hại mà bên vi phạm phải trả khi xảy ra hành vi vi phạm hợp đồng nhằm bù đắp tổn thất, thiệt hại cho bên bị vi phạm 5 . Tuy nhiên, nếu như pháp luật các quốc gia theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ có sự phân biệt rõ ràng giữa điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước với phạt vi phạm, thì các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa lại không có sự phân biệt rõ ràng giữa hai điều khoản này. Thật vậy, tại Pháp, trước thời điểm Pháp lệnh số 2016-131 ngày 10/2/2016 được ban hành và có hiệu lực, cả hai điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước và phạt vi phạm, bên cạnh việc ước tính trước thiệt hại, đều mang mục đích răn đe, trừng phạt 7 . Đến khi Pháp lệnh số 2016-131 ngày 10/2/2016 có hiệu lực thì điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại ấn định trước mới được phân biệt. Theo Điều 1231-5 Bộ luật dân sự Pháp [5], trong trường hợp hợp đồng quy định, bên nào không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng sẽ phải trả một khoản tiền nhất định với danh nghĩa là tiền bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, pháp luật của Pháp vẫn không có sự tách bạch quá rõ ràng về điều khoản phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại ấn định trước 5 .

Tóm lại, tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước không thể thực thi nếu mục đích của điều khoản đó là trừng phạt thay vì bù đắp cho bên bị vi phạm. Tuy nhiên, tại các quốc gia theo hệ thống hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước mang bản chất là một hình phạt vẫn được cho phép. Tuy nhiên, Tòa án có quyền thay đổi số tiền mà các bên đã ấn định bằng cách tăng lên hoặc giảm xuống nếu không tương xứng với tổn thất thực tế 5 .

Quy định pháp luật và thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ấn định trước tại Việt Nam

Quy định pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ấn định trước

Tại Việt Nam, theo Điều 360 Bộ luật dân sự năm 2015 (sau đây được gọi tắt là BLD 2015), trong trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra, thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác. Cụm từ “trừ trường hợp có thỏa thuận khác” ở đây có thể được hiểu rằng các bên được phép thỏa thuận trước về mức bồi thường thiệt hại trong hợp đồng bên cạnh mức bồi thường toàn bộ mà nhà làm luật đã ấn định tại Điều 360 BLD 2015. Khác với Bộ luật dân sự năm 2015, theo khoản 2 Điều 302 Luật thương mại năm 2005, thiệt hại bồi thường được giới hạn bởi: (i) những tổn thất thực tế, trực tiếp mà bên bị vi phạm phải chịu do bên vi phạm gây ra và (ii) khoản lợi trực tiếp mà bên bị vi phạm đáng lẽ được hưởng nếu không có hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, Điều 304 Luật thương mại năm 2005 còn đặt ra nghĩa vụ chứng minh tổn thất cho bên có quyền, theo đó, để được bồi thường thiệt hại, bên có quyền phải chứng minh được những tổn thất, mất mát phải giánh chịu do có hành vi vi phạm từ bên có nghĩa vụ và những tổn thất đó phải là thiệt hại thực tế 8 . Như vậy, có thể thấy rằng Luật thương mại năm 2005 chỉ ghi nhận trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với các thiệt hại thực tế, tức là thiệt hại phải có thực mà bên bị thiệt hại phải gánh chịu do hành vi vi phạm hợp đồng của bên kia gây ra. Nói cách khác, bồi thường thiệt hại theo Luật thương mại năm 2005 được ghi nhận theo nguyên tắc “thiệt hại đến đâu bồi thường đến đó”. Điều này cũng có nghĩa rằng Luật thương mại năm 2005 không cho phép các bên ước tính trước thiệt hại khi giao kết hợp đồng như cách Bộ luật dân sự năm 2015 tiếp cận. Dường như cách tiếp cận trong Luật thương mại năm 2005 cũng khá tương đồng với cách tiếp cận mà Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020 đề cập về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Theo khoản 5 Điều 146 Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, trường hợp một bên không thực hiện nghĩa vụ hợp đồng hoặc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng không phù hợp với quy định thì sau khi thực hiện nghĩa vụ hoặc áp dụng biện pháp sửa chữa còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu bên kia còn bị những thiệt hại khác, mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia. Cụm từ “mức bồi thường thiệt hại phải tương đương với mức tổn thất của bên kia” theo cách tiếp cận của Luật xây dựng năm 2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, được hiểu là những thiệt hại thực tế mà bên bị vi phạm phải gánh chịu.

Tóm lại, mặc dù chưa được cụ thể và rõ ràng, nhưng có lẽ Bộ luật dân sự năm 2015 thừa nhận thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước trong giao dịch dân sự giữa các bên. Tuy nhiên, điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước giữa các bên trong hợp đồng không được thừa nhận chính thức trong luật thương mại và luật xây dựng ở Việt Nam hiện nay.

Thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ấn định trước tại Việt Nam

Thực tiễn giải quyết tranh chấp tại Việt Nam có nhiều quan điểm và phương thức xử lý khác nhau giữa hai cơ quan tài phán là Tòa án và Trọng tài về điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước giữa các bên trong hợp đồng. Theo đó, Tòa án có xu hướng không công nhận điều khoản mà các bên có thỏa thuận ấn định trước một mức bồi thường trong hợp đồng, ngược lại, Trọng tài thương mại lại chấp thuận điều khoản này giữa các bên trên cơ sở công nhận và tôn trọng thỏa thuận của họ 9 . Điều này được minh họa qua các vụ án sau đây.

Vụ án thứ nhất minh họa cho cách tiếp cận của Tòa án tại Việt Nam đối với điều khoản bồi thường ấn định trước qua Bản án số 06/2009/KDTM-PT ngày 12/01/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh về tranh chấp hợp đồng mua bán giữa nguyên đơn là Công ty The Kineter Coiporation Sdn, BHD (quốc tịch Malaysia) với bị đơn là Công ty TNHH H Sang (quốc tịch Việt Nam) 10 . Theo vụ kiện, từ tháng 06/2007 đến tháng 11/2007, nguyên đơn đã bán cho phía bị đơn một số sản phẩm sơn và chất phủ bề mặt dùng cho các sản phẩm gỗ với tổng giá trị hàng hóa là 383,933.23 USD. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, bên bán đã giao hàng cho bên mua, nhưng bên mua không hoàn thành nghĩa vụ thanh toán cho bên bán, sau nhiều lần đòi nợ thì bên mua chỉ mới thanh toán được số tiền là 100,000 USD. Đến ngày 13/03/2008, hai bên ký với nhau thỏa thuận về việc cam kết trả nợ, theo đó phía nguyên đơn cho phép bị đơn thanh toán số tiền nợ gốc còn lại làm 05 đợt, bắt đầu từ ngày 24/03/2008 đến ngày 24/07/2008 (sau đây được gọi tắt là Thỏa thuận). Cũng tại Thỏa thuận này, các bên đã thống nhất rằng một khoản tiền bồi thường ấn định đối với các thiệt hại tương ứng với 5% mỗi tháng tính trên khoản nợ hoặc bất kỳ phần nào của khoản nợ nếu như bị đơn chưa hoàn thành việc thanh toán. Theo Bản án phúc thẩm, điều khoản mà các bên ấn định mức bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ thanh toán số tiền còn lại theo Thỏa thuận ngày 13/03/2008 là một điều khoản phạt vi phạm hợp đồng. Tòa án cũng chỉ buộc bị đơn có trách nhiệm thanh toán cho nguyên đơn số tiền phạt vi phạm chỉ bằng 19,114.65 USD thay vì bị đơn phải trả số tiền bồi thường là 118,406.83 USD như các nội dung trong Thỏa thuận mà các bên đã thỏa thuận ấn định trước đó. Như vậy, theo cách tiếp cận này, Tòa án đã không chấp thuận điều khoản thỏa thuận của các bên về việc ấn định trước một mức bồi thường thiệt hại cho hành vi vi phạm nghĩa vụ mà các bên đã thỏa thuận trước đó, mà chỉ xem nội dung thỏa thuận đó là chế tài phạt vi phạm giữa các bên.

Vụ án thứ hai là một ví dụ minh họa cho cách tiếp cận của Trọng tài thương mại liên quan đến điều khoản bồi thường ấn định trước của các bên qua Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT ngày 25/07/2019 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC: Vietnam International Arbitration Centre) liên quan đến tranh chấp giữa Công ty TNHH MTV K là Chủ đầu tư và Công ty K là Nhà thầu xây dựng 11 . Theo nội dung vụ việc, ngày 21/09/2007, Nhà thầu và Chủ đầu tư ký kết Thỏa thuận về việc: “Xây dựng khách sạn, căn hộ dịch vụ, văn phòng, trung tâm thương mại và căn hộ” do Công ty TNHH MTV K làm chủ đầu tư. Tổng giá trị của hợp đồng là 721,000,000 USD; tiến độ thi công là 36 tháng kể từ ngày ký hợp đồng. Theo Điều 13.1 của Hợp đồng, các bên có thỏa thuận về thiệt hại định trước do chậm trễ như sau: “Nếu nhà thầu không hoàn thành công trình đến thời hạn hoàn thành theo tiến độ thời gian xây dựng hoặc đến ngày hoàn thành thì nhà thầu phải thanh toán cho Chủ đầu tư số tiền tương ứng là tiền bồi thường thiệt hại định trước ...”. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, các bên phát sinh tranh chấp, nên ngày 25/10/2016, Nhà thầu đã khởi kiện tại VIAC để yêu cầu Chủ đầu tư thanh toán các khoản tiền mà Nhà thầu cho rằng Chủ đầu tư phải trả cho Nhà thầu, bao gồm các chi phí xây dựng theo các yêu cầu thanh toán tạm thời, tổng cộng là 67,578,364 USD và tiền phí chậm trả theo Điều 11.4 của Hợp đồng. Phía Chủ đầu tư không chấp nhận yêu cầu khởi kiện mà còn có đơn yêu cầu kiện lại Nhà thầu, đòi Nhà thầu bồi thường thiệt hại hai khoản chính, bao gồm: (i) chi phí xây dựng bổ sung với số tiền: 13,383,700 USD; và (ii) bồi thường thiệt hại ấn định trước theo Điều 13 của Hợp đồng xây dựng do việc chậm trễ hoàn thành dự án trong giai đoạn từ ngày 20/04/2011 đến ngày 27/07/2017 với số tiền là 16,140,616 USD. Theo Phán quyết Trọng tài vụ kiện số 85/16 HCM ngày 20/02/2019, Hội đồng Trọng tài đã chấp thuận yêu cầu về bồi thường thiệt hại ấn định trước do trễ tiến độ mà bị đơn đã yêu cầu kiện lại. Không đồng tình với phán quyết của VIAC, phía Công ty K đã gửi đến Tòa án nhân dân TP. Hà Nội đơn yêu cầu hủy Phán quyết Trọng tài. Quyết định của Tòa án TP. Hà Nội nhận định rằng: “Tại Điều 13 các bên có thỏa thuận nội dung về bồi thường thiệt hại ấn định trước do chậm trễ rằng chỉ khi Nhà thầu không hoàn thành tiến độ thi công thì Nhà thầu mới phải thanh toán cho Chủ đầu tư số tiền bồi thường thiệt hại mà các bên đã ấn định trước trong hợp đồng. Đối chiếu với quy định nêu trên thì trong trường hợp Nhà thầu không hoàn thành công trình khi đến ngày hoàn thành thì Nhà thầu mới vi phạm và lúc này Nhà thầu mới phải bồi thường thiệt hại ấn định trước do chậm trễ nhưng Hội đồng Trọng tài chấp nhận yêu cầu kiện lại của Chủ đầu tư về chi phí xây dựng bổ sung và tiền bồi thường ấn định trước là không phù hợp với bản chất vụ việc và sự thoả thuận của các bên trong hợp đồng là không hợp lý”. Qua vụ việc nêu trên, mặc dù Tòa án đã hủy phán quyết của VIAC, tuy nhiên, qua cách tiếp cận và nhận định của cả Tòa án và Trọng tài, chúng ta thấy rằng cả Tòa án và Trọng tài đều xác nhận hiệu lực của điều khoản ấn định trước mức bồi thường thiệt hại mà các bên đã thỏa thuận trong giao dịch trên cơ sở tôn trọng sự tự do thỏa thuận của các bên trong hợp đồng mà pháp luật đã ghi nhận.

Như vậy, cùng điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước, nhưng hai cơ quan tài phán tại Việt Nam lại có hai cách tiếp cận khác nhau. Ở vụ kiện thứ nhất, Tòa án không công nhận hiệu lực điều khoản này, mà chỉ xem đó như là một điều khoản phạt vi phạm. Cách tiếp cận này được cho là phổ biến ở Việt Nam 12 . Tuy nhiên, mức phạt sẽ bị giảm xuống một giới hạn theo luật định là 8% hoặc 12% giá trị phần nghĩa vụ bị vi phạm 8 , 13 . Cách tiếp cận này khá giống với các quốc gia hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa không giới hạn mức trần như luật của Việt Nam mà việc giảm hoặc tăng số tiền này xuống phụ thuộc vào thiệt hại thực tế của bên bị vi phạm 5 . Trong khi đó, với vụ kiện thứ hai, cả Tòa án và Trọng tài đều tôn trọng và chấp nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng.

Kết luận

Bồi thường thiệt hại ấn định trước là một chế định pháp lý được công nhận trong cả hệ thống pháp luật Anh - Mỹ và hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa. Tại Việt Nam, trong thực tiễn hiện nay, việc các bên thỏa thuận trong hợp đồng, đặc biệt là các hợp đồng có yếu tố nước ngoài, điều khoản ấn định trước về mức bồi thường thiệt hại là rất phổ biến. Theo khoản 2 Điều 3 BLDS 2015 và Điều 11 Luật thương mại năm 2005, nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận luôn được đề cao, theo đó, tự do hợp đồng là việc các bên tự do thỏa thuận các nội dung và điều khoản cụ thể trong hợp đồng và một khi các thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội thì điều khoản đó có hiệu lực đối với các bên và cần phải được tất cả các chủ thể khác tôn trọng 14 . Do vậy, việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước là hoàn toàn phù hợp với pháp luật Việt Nam hiện nay. Việc công nhận thỏa thuận về mức bồi thường thiệt hại ấn định trước giữa các bên trong hợp đồng sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí của các bên trong việc chứng minh thiệt hại xảy ra đối với hành vi vi phạm hợp đồng của bên vi phạm, đặc biệt là trong những giao dịch thương mại và xây dựng có giá trị lớn mà thiệt hại của một bên là khó chứng minh thiệt hại thực tế và trực tiếp.

Luật thương mại được ban hành vào năm 2005, đến nay đã gần hai mươi năm thi hành, ít nhiều đã không còn phù hợp với thực tiễn hiện hành, nên việc sửa đổi, bổ sung, thậm chí là ban hành mới Luật thương mại là cần thiết, theo đó, cần phải công nhận điều khoản ấn định trước mức bồi thường thiệt hại giữa các bên trong hợp đồng. Tuy nhiên, để tránh việc lạm dụng điều khoản này trở thành quyền phạt tiền của một bên đối với bên còn lại trong hợp đồng, việc công nhận điều khoản bồi thường thiệt hại ấn định trước trong Luật thương mại cần phải theo hướng chỉ thừa nhận điều khoản này khi hành vi vi phạm hợp đồng của một bên dẫn đến thiệt hại cho bên còn lại. Thỏa thuận bồi thường thiệt hại ấn định trước được thừa nhận trong Luật thương mại sẽ giúp cho luật Việt Nam tiệm cận với luật các nước, đặc biệt là luật các nước tiên tiến trên thế giới, đồng thời phù hợp với việc thực hiện các giao dịch mang tính chất quốc tế trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay./.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

BLDS: Bộ luật dân sự

VIAC: Vietnam International Arbitration Centre (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam)

TNHH: Trách nhiệm hữu hạn

MTV: Một thành viên

Xung đột lợi ích

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

Đóng góp của các tác giả

Tác giả Lâm Tố Trang chịu trách nhiệm nội dung: Tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu và thảo luận, kết luận, khái niệm và bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước theo hệ thống pháp luật Châu Âu lục địa, quy định pháp luật Việt Nam về bồi thường thiệt hại ấn định trước.

Tác giả Huỳnh Văn Toàn chịu trách nhiệm nội dung: Tóm tắt, từ khóa, đặt vấn đề, khái niệm và bản chất của bồi thường thiệt hại ấn định trước tại các nước theo hệ thống pháp luật Anh - Mỹ, thực tiễn giải quyết tranh chấp về bồi thường thiệt hại ấn định trước tại Việt Nam.

References

  1. Term M. Cavendish Square Holding BV (appellant) v Talal El Makdessi (respondent), ParkingEye Ltd (respondent) v Beavis (appellant). Vol. 67; 2015. UKSC. Ban hành ngày: 04/11/2015, truy cập ngày: 15/05/2022. . ;:. Google Scholar
  2. Bird, Bird, Hobbs V. New rules on Liquidated Damages Clauses under English Law - could they be useful in your Brand License Agreement? Vols. 05/2016, truy cập ngày: 12/05/2022; 2016. . ;:. Google Scholar
  3. National Conference of Commissioners on Uniform State Laws, American Law Institute. Bộ luật Thương mại Thống nhất Hoa Kỳ (UCC: Uniform Commercial Code); 1952. đang có hiệu lực thi hành. . ;:. Google Scholar
  4. The Court of Appeals of MD 2006. In: the Circuit Court for Montgomery County. No C, DCA. truy cập ngày. . ;:. Google Scholar
  5. Bonaparte. Bộ luật dân sự Pháp; 1804. đang có hiệu lực thi hành. . ;:. Google Scholar
  6. The American Law Institute. Bản sửa đổi thứ 2 về Luật hợp đồng của Hoa Kỳ (ARC: American Restatement 2nd of the Law of Contracts); 1981. . ;:. Google Scholar
  7. Bonaparte 1804. Bộ luật dân sự Pháp. có hiệu lực từ ngày 01/01/1986 đến ngày 01/01/2006. . ;:. Google Scholar
  8. Quốc hội (2005). Luật thương mại năm 2005, số 36/2005/QH11, ban hành ngày 14/06/2005. . ;:. Google Scholar
  9. VIAC. Quản lý và giải quyết các tranh chấp nội bộ công ty & trong mua bán sáp nhập doanh nghiệp - Các kinh nghiệm từ thực tiễn tranh chấp. Vols. 9 và 10, truy cập ngày: 12/05/2022; 2021. . ;:. Google Scholar
  10. Case law Việt Nam, [truy cập ngày: 15/05/2022]; 2009, Bản án số 06/2009/KDTM-PT ngày; 12/01/2009 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ Chí Minh. Tòa án nhân dân tối cao tại TP. Hồ chí Minh. . ;:. Google Scholar
  11. Tòa án nhân dân TP. Hà nội, [truy cập ngày: 20/03/2022]; 2019. Quyết định số 08/2019/QĐ-PQTT ngày 25/7/2019 của Tòa án nhân dân TP. Hà Nội về việc xem xét Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài của Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC). . ;:. Google Scholar
  12. Quang TN. Hiệu lực của thỏa thuận bồi thường thiệt hại ước tính. Vol. 05(429), tháng 3/2021; 2021. Tạp Chí Nghiên Cứu Lập Pháp Số. . ;:. Google Scholar
  13. Quốc hội (2014). Luật xây dựng năm 2014, số 50/2014/QH13, ban hành ngày 18/06/2014, sửa đổi, bổ sung năm 2020, số 62/2020/QH14 17/06/2020. . ;:. Google Scholar
  14. Quốc hội (2015), Bộ luật dân sự năm 2015, số 91/2015/QH13, ban hành ngày 24/11/2015. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3665-3671
Published: Jan 31, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1085

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, L., & Toan, H. (2023). Liquidated damages under the Law of some Countries – Experience for Viet Nam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3665-3671. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1085

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1553 times
PDF   = 368 times
XML   = 0 times
Total   = 368 times