Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1322

Total

386

Share

The digital transformation of legal education from the reality of electronic learning activities at some legal education institutions in Ho Chi Minh City






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The digital transformation of education in general and legal education in particular is an irreversible trend. Consequently, the electronic learning model is one of the clearest manifestations of this process. In addition to analyzing the electronic learning model theoretically and practically, This article discusses the general issues surrounding the digital transformation of education. The authors concentrate on investigating the circumstances in relation to legal education and the practice of implementing electronic learning activites at several legal education institutions in Ho Chi Minh City, such as University of Economics and Law (Vietnam National University Ho Chi Minh City), University of Economics Ho Chi Minh City (UEH), and Ho Chi Minh City University of Economics and Finance(UEF). In particular, the article concentrates on investigating issues such as (i) learning management system; (ii) the level and method of interaction; (iii) human resources; and (iv) students' perspectives on electronic learning. Actual data show that several legal education institutions in Ho Chi Minh City are in the early stages of digital transformation, which is demonstrated by the enaction of policies to encourage the transition of the learning model from face-to-face to electronic learning in some modules. The learning management system has been established and is constantly being updated. However, there are still problems that need to be addressed, including the issues of human resources, interactive models, and the effectiveness of the current learning management system model.

Đặt vấn đề

Trong bối cảnh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, các cở sở đào tạo ngành luật tại Việt Nam buộc phải chuyển đổi hình thức giảng dạy sang mô hình trực tuyến. Sự chuyển đổi này mang tính đồng loạt và nhanh chóng. Có thể nói, dạy học trực tuyến đã và đang là biểu hiện rõ nét nhất của quá trình chuyển đổi số trong giáo dục đại học tại Việt Nam nói chung cũng như đào tạo luật nói riêng. Việc triển khai đồng loạt hoạt động đào tạo thông qua mô hình dạy học trực tuyến đã góp phần hình thành nên nền tảng thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong đào tạo luật. Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, hoạt động giảng dạy trực tuyến trong khuôn khổ đào tạo luật vẫn còn nhiều bất cập cần tiếp tục hoàn thiện. Vì lẽ đó, việc tiếp tục nghiên cứu lý thuyết và đánh giá thực tiễn về mô hình dạy học trực tuyến trong đào tạo luật tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo luật tại Việt Nam; đồng thời, góp phần hiện thực hóa Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 749/QĐ-TTG ngày 03/6/2020.

Khái quát về chuyển đổi số giáo dục và mô hình dạy học trực tuyến

Khái quát về chuyển đổi số giáo dục

Chuyển đổi số (digital transformation) là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của các cá nhân và tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất trên môi trường số với các công nghệ số. Đây là quá trình chuyển đổi ở cấp độ hệ thống nhằm thay đổi hành vi trên quy mô lớn với bản chất là sáng tạo 1 . Đối với giáo dục, điểm mấu chốt của chuyển đổi số là việc chuyển từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực để người học tự làm chủ cuộc đời của mình.

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định một số ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số trước, trong đó có lĩnh vực giáo dục. Theo đó, một số mục tiêu cần đạt được như sau: phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến hát triển công nghệ phục vụ giáo dục, hướng tới đào tạo cá thể hóa 100% các cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy và học từ xa, trong đó thử nghiệm chương trình đào tạo cho phép học sinh, sinh viên học trực tuyến tối thiểu 20% nội dung chương trình; ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học 2 .

Khái quát về mô hình dạy học trực tuyến

Kết quả của quá trình chuyển đổi số giáo dục đã giúp cho giáo dục vượt ra khỏi được khuôn viên vật lý của lớp học hay nhà trường. Nhiều người có thể tiếp cận được các hoạt động đào tạo hơn dù ở bất kỳ nơi nào, bất kỳ thời gian nào thông qua các nền tảng giáo dục số (digital education). Điều này được UNESCO khuyến cáo và cho rằng nó sẽ tạo nên sự công bằng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của mọi người 3 . Những mô hình dạy học mới cũng được hình thành từ quá trình này và mô hình dạy học trực tuyến là một trong những hình thức biểu hiện rõ nét nhất của chuyển đổi số giáo dục. Mô hình dạy học trực tuyến đã xuất hiện tại Hoa Kỳ và nhiều quốc gia phát triển hơn 1 thập kỷ trước và trở thành một xu hướng mang tính toàn cầu trong 2 năm trở lại đây dưới sự tác động của đại dịch Covid-19 4 , 5 . Khi tình trạng giãn cách xã hội kéo dài, trường học phải đóng cửa thì mô hình dạy học trực tuyến lại trở thành một phương án tối ưu nhất để không làm gián đoạn tiến trình đào tạo.

Hiện nay, theo quan sát của nhóm nghiên cứu, có rất nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng để nói về hoạt động dạy học học trực tuyến như: học trực tuyến; học qua Internet; học phân tán; học qua mạng; học từ xa; học ảo; học có sự hỗ trợ của máy tính; học dựa trên web. Tất cả các thuật ngữ này ngụ ý rằng người học đang ở khoảng cách xa với người dạy hoặc người hướng dẫn và người học sử dụng công nghệ (thường là máy tính và internet) để truy cập tài liệu học tập, tương tác với người dạy hoặc người hướng dẫn, cũng như người học khác 6 .

Theo Mohamed Ally, dạy học trực tuyến là một phương thức đào tạo trong đó người học sử dụng Internet để truy cập tài liệu học tập; tương tác với nội dung, người hướng dẫn, những người học khác; và nhận được sự hỗ trợ trong quá trình học tập để thâu đắc kiến thức, xây dựng ý nghĩa cá nhân và phát triển bản thân thông quan những trải nghiệm học tập 7 . Tại Việt Nam, dạy học trực tuyến được hiểu là hoạt động dạy học được tổ chức thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến. Trong đó, hệ thống dạy học trực tuyến là hệ thống phần mềm dạy học trực tuyến và hạ tầng công nghệ thông tin (sau đây gọi chung là hạ tầng kỹ thuật dạy học trực tuyến) cho phép quản lý và tổ chức dạy học thông qua môi trường Internet 8 .

Kết cấu hệ thống dạy học trực tuyến

Hệ thống dạy học trực tuyến bao gồm ba thành phần: (i) phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp; (ii) hệ thống quản lý học tập trực tuyến (Learning Management System – LMS); (iii) hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (Learning Content Management System – LCMS). Chúng tôi xin trích dẫn Figure 1 - Mô hình hệ thống dạy học trực tuyến của kỹ sư công nghệ thông tin Đinh Anh Tuấn để minh họa về mô hình dạy học thực hiện trên hệ thống dạy học trực tuyến như sau 9 .

Figure 1 . Mô hình hệ thống dạy học trực tuyến

Theo đó, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến trực tiếp có chức năng giúp người dạy giảng bài, giao nhiệm vụ học tập đồng thời cho tất cả người học tham dự và giúp người học tương tác, trao đổi thông tin theo thời gian thực với người dạy và những người học khác trên cùng một nền tảng công nghệ số. Một số phần mềm dạy học trực tuyến phổ biến hiện nay như: Zoom; Google Classroom, Google Meet; Microsoft Teams; Facebook Workplace; Skype; TranS; TeamLink.

Hệ thống LMS có chức năng quản lý quá trình học tập, bao gồm: (i) Giúp người dạy tổ chức lưu trữ, chuyển tải học liệu dạy học trực tuyến tới người học; giao nhiệm vụ học tập và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của người học; theo dõi và hỗ trợ người học khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; tư vấn, hỗ trợ, trả lời câu hỏi và giải đáp thắc mắc của người học; (ii) Cho phép người học truy cập, khai thác nội dung học tập từ học liệu dạy học trực tuyến; thực hiện các hoạt động học tập và kiểm tra, đánh giá theo yêu cầu của người dạy; đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi đối với người dạy và các người học khác trong cùng không gian học tập; (iii) Cho phép cơ sở giáo dục quản lý hồ sơ, tiến trình học tập, kết quả học tập của người học và các hoạt động dạy của người dạy; hỗ trợ quản lý các thông tin khác theo quy định. Hệ thống LCMS thì nhấn mạnh vào chức năng hỗ trợ người giảng dạy thiết kế bài giảng dưới nhiều dạng thức khác nhau và học liệu trực tuyến.

Các cấp độ của mô hình dạy học

Dựa vào khối lượng của chương trình đào tạo mà mô hình dạy học có thể được phân loại thành các cấp độ khác nhau. Theo một nghiên cứu của của tổ chức Sloan Consortium tại Hoa Kỳ (nay có tên là Online Learning Consortium), dưới góc độ áp dụng công nghệ vào hoạt động dạy học, một khóa đào tạo có thể phân thành 4 loại: (i) truyền thống: 0% nội dung được giảng dạy theo phương thức trực tuyến; (ii) mô hình với web hỗ trợ (web-facilitated): 1 đến 29% nội dung được giảng trực tuyến bằng công nghệ web nâng cao; (iii) kết hợp (blended or hybrid course): 30 đến 79% nội dung được giảng trực tuyến; (iv) trực tuyến: từ 80% trở lên nội dung được giảng trực tuyến 10 .

Theo cách tiếp cận tương tự, Thinking School (Việt Nam) chia mô hình dạy học dưới góc độ áp dụng công nghệ thông tin thành 5 bậc khác nhau 19 , nội dung cụ thể được miêu tả tại Table 1 11 .

Table 1 5 cấp bậc áp dụng công nghệ thông tin vào mô hình dạy học 11

Tại Việt Nam hiện nay, Bộ giáo dục và Đào tạo có quy định khống chế mức trần tối đa 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo được thực hiện bằng lớp học trực tuyến đối với hoạt động đào tạo đại học theo hình thức chính quy và vừa làm vừa học. Trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh phức tạp và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo 12 . Như vậy, nếu đối chiếu với cách phân loại của Sloan Consortium thì hoạt động dạy học trực tuyến tại Việt Nam thuộc loại mô hình với web hỗ trợ (web-facilitated) hoặc mô hình kết hợp (blended or hybrid course). Theo TS Vũ Thế Dũng, hầu hết các trường ở Việt Nam đang ở bậc 1 và 2; số ít ở bậc 3; bậc 4 diễn ra ở một số môn học, ở một số trường nhưng chưa mang tính hệ thống 13 .

Mô hình lớp học đảo ngược

Lớp học đảo ngược (flipped classroom) được đánh giá là một trong những mô hình có nhiều ưu thế và sự phù hợp trong việc tổ chức giảng dạy trong bối cảnh hiện đại, đặc biệt là đối với hoạt động dạy học trực tuyến 14 , 15 . Lớp học đảo ngược sẽ được sử dụng trong mô hình giảng dạy trực tuyến bậc 4 theo phân loại của Thinking School. Theo đó, trong lớp học đảo ngược, vai trò của người dạy và người học bị đảo ngược so với mô hình truyền thống. Thay vì người dạy truyền đạt kiến thức trên lớp, người học sẽ được yêu cầu tự học và nghiên cứu trước các bài giảng, tài liệu trên các nền tảng E-learning hoặc các nguồn tài liệu khác. Sau đó, trong lớp học, người học sẽ thực hành và thảo luận về kiến thức theo các vấn đề dưới sự hướng dẫn của người dạy. Mô hình này cho phép người học trau dồi và tự nâng cao kiến thức của mình trước khi đến lớp học. Người dạy có thể dành nhiều thời gian hơn để hướng dẫn và hỗ trợ người học trong quá trình thực hành và thảo luận. Hơn nữa, việc sử dụng các công nghệ học tập như video, âm thanh hoặc bài giảng trực tuyến sẽ giúp cho cho quá trình dạy và học trở nên linh hoạt và hiệu quả hơn 14 , 15 .

Theo Vũ Thế Dũng, mô hình lớp học đảo ngược sẽ là một quá trình học tập liên tục và có tổ chức với 3 giai đoạn 16 :

Giai đoạn 1: Người học sẽ chủ động tự học trên nền tảng E-learning thông qua các bài giảng đã được ghi hình trước, nghiên cứu học liệu, làm trắc nghiệm, bài tập, đặt câu hỏi, thảo luận trên diễn đàn và tương tác với người học khác, trợ giảng và người dạy. Người dạy phải có trách nhiệm chuẩn bị, đăng tải toàn bộ bài giảng, học liệu và có những hướng dẫn cụ thể để người học tự học trên nền tảng E-learning 16 .

Giai đoạn 2: Lớp học được diễn ra theo đúng thời khóa biểu, kế hoạch học tập. Lớp học có thể được tiến hành trực tiếp và/hoặc kết hợp lớp học trực tuyến (thông qua zoom, google meet). Tại đây, người dạy phải tổ chức các hoạt động tương tác như: thảo luận tình huống, vấn đề; hỏi đáp; báo cáo kết quả tự học thông qua thuyết trình nhóm hoặc cá nhân; tranh luận, phản biện; trò chơi học thuật; hệ thống hóa kiến thức; ý kiến phản hồi, đánh giá từ người dạy;… Nhìn chung những phương pháp tương tác chủ động sẽ được triển khai thay vì người dạy phải tiếp tục thuyết giảng kiến thức như lớp học truyền thống 16 .

Giai đoạn 3: Hoạt động dạy và học tiếp tục diễn ra trên nền tảng E-learning. Sinh viên sẽ tiếp tục hoàn tất các bài tập đánh giá, đo lường chuẩn đầu ra của bài học, chương hoặc môn học. Các hoạt động thảo luận sẽ được tiếp tục giữa các thành viên trong lớp và với người dạy. Người dạy tiến hành đưa ra các phản hồi/đánh giá sau khi thẩm định chất lượng bài tập, nhiệm vụ mà người học đã thực hiện. Qua trình học tập sẽ được duy trì liên tục 16 .

Mô hình tương tác giữa người dạy với người học

Dựa vào các kết quả nghiên cứu và thực hiện, nhóm nghiên cứu nhận thấy có hai mô hình chính trong số các mô hình tương tác trong dạy học trực tuyến, bao gồm: (i) mô hình dạy học trực tuyến đồng bộ hay học trực tuyến trực tiếp (Synchronous Online Learning); (ii) mô hình dạy học trực tuyến không đồng bộ hay học trực tuyến gián tiếp (Asynchronous Online Learning).

Đối với mô hình dạy học trực tuyến đồng bộ/trực tiếp (Synchronous Online Learning), người học có thể tham gia lớp học từ bất kỳ nơi đâu thông qua một hệ thống dạy học trực tuyến. Các buổi học theo thời gian thực được tổ chức thông qua phần mềm dạy học trực tuyến và sinh viên có thể đăng nhập từ bất kỳ nơi nào để tham gia buổi học 17 . Mô hình này khá giống với lớp học truyền thống nhưng được diễn ra trên nền tảng trực tuyến và phương thức tương tác thông qua các phương tiện truyền thông như âm thanh, tin nhắn, hình ảnh, video,… Ưu điểm của mô hình này là người học và người dạy có thể tương tác theo thời gian thực tại các buổi học trực tuyến, các hoạt động dạy và học được diễn ra như lớp học truyền thống nhưng chỉ khác về hình thức tương tác. Tuy nhiên, nhược điểm của mô hình là sự không linh động về thời gian; không cá nhân hóa được việc học theo điều kiện và sở thích của từng người học; nhiều thách thức trong hoạt động tương tác.

Đối với mô hình dạy học trực tuyến không đồng bộ/gián tiếp (Asynchronous Online Learning), mô hình thực hiện theo hướng cá nhân hóa việc học. Người học chủ động truy cập hệ thống học tập trực tuyến bất kỳ lúc nào và ở bất kỳ đâu để khai thác học liệu, xem bản ghi hình (video) bài giảng. Sau đó, người học sẽ thực hiện các yêu cầu đánh giá. Mô hình này không có các buổi học trực tuyến theo thời gian thực và không có sự hỗ trợ quá nhiều vào người hướng dẫn, người dạy. Học viên có thể tương tác với học viên khác thông qua các nền tảng ứng dụng trên hệ thống cũng như đặt các câu hỏi để người dạy giải đáp khi họ trực tuyến 17 . Ưu điểm của mô hình này là học viên chủ động thời gian, cá nhân hóa được việc học, tăng cường kỹ năng tự học. Trong khi đó nhược điểm của mô hình việc tương tác giữa người giảng – người học hạn chế; đòi hỏi tính chủ động và ý thức tự học cao từ người học.

Mỗi mô hình có những đặc điểm và ưu nhược điểm riêng nên xu hướng chung hiện nay là xuất hiện mô hình dạy học kết hợp (Blended/Hybrid) nhằm tận dụng lợi thế và khắc phục các nhược điểm của cả hai mô hình. Mô hình kết hợp (Blended Online Learning) có thể tổ chức theo một trong ba dạng: (i) Kết hợp hoạt động giảng dạy truyền thống (face-to-face) với mô hình giảng dạy trực tuyến đồng bộ; (ii) Kết hợp hoạt động giảng dạy truyền thống (face-to-face) với mô hình giảng dạy trực tuyến không đồng bộ; (iii) Kết hợp mô hình giảng dạy trực tuyến đồng bộ và mô hình giảng dạy trực tuyến không đồng bộ 17 .

Những yếu tố tác động đến việc tham gia mô hình dạy học trực tuyến từ phía người học

Trong một nghiên cứu của Muilenburg và Berge (2007), tám yếu tố được xem là rào cản đối với người học trong việc tham gia mô hình dạy học trực tuyến, bao gồm: (1) các vấn đề hành chính; (2) tương tác xã hội; (3) kỹ năng học tập; (4) kỹ năng công nghệ; (5) động lực của người học; (6) thời gian và hỗ trợ; (7) chi phí và truy cập internet; và (8) các vấn đề kỹ thuật. Đây là 8 yếu tố quan trọng cần phải cân nhắc trong quá trình thiết kế và triển khai mô hình học tập trực tuyến các các cấp độ khác nhau 18 .

Thực tiễn dạy học trực tuyến tại một cơ sở đào tạo ngành luật ở TP.HCM

Bài viết tập trung vào việc trình bày các quy định mang tính thể chế và thực tiễn hoạt động hoạt động dạy học trực tuyến tại ba cơ sở đào tạo ngành luật tại TP.HCM gồm có: Trường Đại học Kinh tế - Luật (UEL), Trường Đại học Kinh tế TP HCM (UEH) và Trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) với những vấn đề sau: hệ thống quản lý học tập, hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến, phần mềm tổ chức dạy học trực tuyến, cấp độ và phương thức tương tác và khảo sát phản hồi từ người học.

Hệ thống dạy học trực tuyến

Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy là một trong những chiến lược của cả ba cơ sở đào tạo, ngay cả trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra. Việc xây dựng hệ thống dạy học trực tuyến là một trong minh chứng điển hình.

Từ năm 2016, Trường Đại học Kinh tế TP HCM đã ban hành Quy định số 1288/QĐ-ĐHKT-CNTT ngày 05/5/2016 về ứng dụng hệ thống trực tuyến (Learning Management System, viết tắt LMS-UEH) trong đào tạo đại học năm 2016 19 . Theo đó, Hệ thống học trực tuyến đã được xây dựng và triển khai trên thực tế. Giảng viên và học viên có thể truy cập trực tuyến vào hệ thống thông quan qua: (i) địa chỉ:lms.ueh.edu.vn; (ii) hệ thống E-learning trên Portal http://ueh.edu.vn; (iii) ứng dụng LMS-UEH trên nền tảng Android hoặc iOS. Hệ thống trở thành một công cụ hỗ trợ cho hoạt động dạy và học với đảm bảo một số tính năng tối thiểu như: đăng tải đề cương môn học, học liệu, bài giảng, hệ thống bài tập trực tuyến 20 . Vào ngày 18/05/2022, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế TP.HCM tiếp tục ban hành Quyết định số 1257/QĐ-ĐHKT-KHĐTKT về việc ban hành Quy định về việc kết hợp đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Theo đó, hệ thống LMS – UEH tiếp tục được sử dụng cho hoạt động dạy học trực tuyến của trường 21 .

Tại Trường Đại học Kinh tế - Tài chính, người dùng truy cập cổng đào tạo trực tuyến của tại địa chỉ: https://lms.uef.edu.vn. UEF LMS đã được tích hợp với Office 365 và đồng bộ dữ liệu Khóa học tương ứng với các Team trên nền tảng Microsoft Teams. Các hoạt động làm việc nhóm cũng như live audio/video streaming được triển khai với Teams Meeting. Đồng thời, người học có thể truy cập và tham dự các khóa học trên UEF LMS từ bất kỳ nền tảng trực tuyến nào qua ứng dụng di động Google Play và App Store (xem thêm tại: https://lms.uef.edu.vn/login/index.php).

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật đã chính thức tiến hành xây dựng và triển khai mô hình đào tạo kết hợp (blending learning) với việc kết hợp giữa giảng dạy trực tuyến/giảng dạy điện tử (qua hệ thống E-learing) với hoạt động dạy học truyền thống từ năm 2018 22 . Hệ thống dạy học trực tuyến đã được xây dựng cơ bản với hai thành phần chính: (i) hệ thống quản lý học tập (LMS); (ii) hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (Learning Content Management System – LCMS) 22 . Khi đại dịch Covid – 19 xảy ra, để ứng phó với tình thế khẩn cấp, trường đã ban hành hàng loạt quy định/quy chế về giảng dạy trực tuyến; quy định về ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức đào tạo qua mạng (Quyết định số 786/QĐ-ĐHKTL ngày 11/9/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật). Cùng với đó là các hoạt động đầu tư về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, nguồn nhân lực và cải tiến hệ thống dạy học trực tuyến. Phiên bản đầu tiên là hệ thống Moodle ver 3.1 được phát triển bởi trường Đại học Bách Khoa TP.HCM (07/2016) 22 . Sau đó, Phòng công nghệ thông tin của Trường đã nâng cấp lên Moodle ver 3.6 và thay đổi toàn bộ giao diện mới vào tháng 9/2019 23 . Hệ thống LMS với các chức năng chính bao gồm: quản lý khóa học; quản lý cấp lớp, quản lý sinh viên, đánh giá học tập, thảo luận học tập, lập kế hoạch học tập, xem kết quả học tập, trao đổi file, trò chuyện. Hệ thống này có khả năng tương thích hầu hết với các trình duyệt trên các thiết bị phổ biến 22 . Người dùng có thể đăng nhập bằng email của Trường (Email Google) và hệ thống có thể liên kết với toàn bộ dữ liệu đào tạo 22 .

Ngoài ra, cả ba cơ sở đào tạo đều tích hợp hệ thống quản lý nội dung học tập (Learing Content Management – LCMS) đồng bộ với hệ thống LMS 11 , 19 , 22 , 24 . Hệ thống LCMS giúp giảng viên lưu trữ và phân phối nội dung học tập tới người học. Mỗi giảng viên được trang bị tài khoản để truy cập kho dữ liệu về nội dung học tập và có thể tái tạo để chuyển dữ liệu từ khóa học sang khóa học khác. Bên cạnh đó, giảng viên có thể sử dụng các phần mềm để tạo nội dung học tập trên chính cổng thông tin E-learning như: khởi tạo bài học, cung cấp sách điện tử, website, trao đổi trực tiếp, diễn đàn, kiểm tra trắc nghiệm hoặc tự luận, nộp bài, khảo sát, bảng từ, gói Scorm, interactive content, mindmap…

Song hành cùng với hai nền tảng LMS và LCMS, các nền tảng và công cụ hỗ trợ cũng được các trường trang bị. Trường Đại học Kinh tế - Luật và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đều tích hợ trực tiếp tính năng giảng dạy đồng bộ trực tuyến – Live Streaming trên hệ thống LMS . Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Hệ thống LMS cũng có thể tích hợp nhiều loại phần mềm để giảng viên được lựa chọn theo nhu cầu như Zoom, Quickcom, Google Meet, Microsoft Teams bằng cách nhúng đường liên kết vào hệ thống để người học có thể truy cập. Riêng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính yêu cầu giảng viên sử dụng thống nhất phần mềm Microsoft Teams để tổ chức các buổi học trực tuyến .

Nhìn chung, hệ thống quản lý học tập trực tuyến (LMS) tại ba cơ sở đào tạo đều được xây dựng bài bản, chứa đựng đầy đủ các tính năng cần thiết phục vụ cho hoạt động dạy và học trực tuyến. Người dùng có thể đăng nhập vào hệ thống một cách dễ dàng với nhiều lựa chọn và hệ thống có tính tương thích với nhiều dạng trình duyệt, hệ điều hành trên các thiết bị phổ biến. Giao diện của hệ thống thân thiện với người dùng. Tuy nhiên, khả năng “chịu đựng” của hệ thống vẫn còn chưa được đảm bảo trong trường hợp có lượng người truy cập cùng lúc quá lớn.

Cấp độ và phương thức tương tác

Từ năm 2020, Trường Đại học Kinh tế - Luật đã bắt đầu chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống thành mô hình đào tạo kết hợp (blending learning) với sự kết hợp giữa đào tạo trực tuyến qua hệ thống E-Learning với đào tạo trực tiếp (face-to-face) với nhiều cấp độ khác nhau được trình bày tại Table 2 .

Table 2 Các cấp độ dạy học trực tuyến tại UEL 23

Tuy nhiên, việc thực hiện mô hình đào tạo kết hợp chỉ mới bắt đầu và mang tính thí điểm. Trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, chỉ có một số môn trong chương trình được triển khai ở cấp độ 1 như: Lý luận nhà nước và pháp luật, Luật tố tụng dân sự, Luật doanh nghiệp… Theo đó, 15% nội dung môn học được thiết kế bài giảng thông qua Video và đưa lên hệ thống E-learning. Sinh viên sẽ chủ động tự học thông qua video bài giảng và sự hỗ trợ của học liệu kèm theo. Diễn đàn trao đổi được tích hợp trên hệ thống để người học trao đổi với nhau và trao đổi với giảng viên. Đồng thời, giảng viên phải thiết kế các hoạt động đánh giá trên hệ thống để đánh giá chuẩn đầu ra với tương ứng với nội dung môn học. Như vậy, xét dưới góc độ mô hình tương tác, Trường Đại học Kinh tế - Luật tiếp cận theo hướng kết hợp giữa mô hình tương tác không đồng bộ với mô hình tương tác truyền thống. Trong đó, 15% nội dung được triển khai theo mô hình tương tác không đồng bộ và 85% nội dung theo mô hình tương tác truyền thống.

Khi đại dịch Covid-19 bắt đầu có nhiều diễn biến phức tạp tại TP HCM, 100% nội dung học tập của các môn học trong chương trình đào tạo bắt buộc thực hiện qua mạng. Phương thức tương tác được triển khai với mô hình dạy học trực tuyến đồng bộ. Theo đó, toàn bộ hoạt động quản lý học tập, chuyển tải thông tin/học liệu, đánh giá, tương tác được thực hiện thông qua hệ thống dạy học trực tuyến. Lớp học truyền thống được “chuyển” lên không gian mạng thông qua hệ thống dạy học trực tuyến của trường. Sinh viên bắt buộc phải thực hiện các hoạt động học tập thông qua hệ thống và tương tác với giảng viên thông qua phần mềm giảng dạy trực tuyến theo thời gian thực. Với những môn học đã triển khai các cấp độ dạy học trực tuyến theo quy định thì tiếp tục áp dụng theo mô hình kết hợp giữa mô hình dạy học trực tuyến đồng bộ và mô hình dạy học trực tuyến không đồng bộ.

Tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Quy định số 1288/QĐ-ĐHKT-CNTT ngày 05/5/2016 về ứng dụng hệ thống trực tuyến (Learning Management System, viết tắt LMS-UEH) trong đào tạo đại học, người dạy có thể đăng ký chuyển đổi một phần thời lượng môn học từ phương thức giảng dạy trực tiếp sang các hoạt động trực tuyến 19 . Tỷ lệ chuyển đổi tối đa 30% số tín chỉ của môn học tương ứng với một lớp học phần. Giảng viên phải tiến hành các hoạt động trực tuyến trên hệ thống LMS như (i) xây dựng kịch bản dạy học trực tuyến để hướng dẫn cách người học hoạt động trên hệ thống; (ii) chuẩn bị học liệu để đăng tải trên hệ thống; (iii) thiết kế và tiến hành các hoạt động đánh giá chuẩn đầu ra trực tuyến thông qua hệ thống bài tập, thống kê, đánh giá hoạt động của sinh viên; (iv) giảng trực tuyến, trao đổi, thảo luận, theo dõi hoạt động học tập của sinh viên trên hệ thống 19 . Như vậy, trong giai đoạn này, phương thức giảng dạy có sự kết hợp giữa phương thức truyền thống và phương thức dạy học trực tuyến không đồng bộ. Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, bối cảnh tại UEH và UEL cũng có những sự tương đồng, 100% hoạt động dạy và học phải diễn ra theo phương thức trực tuyến đồng bộ.

Từ tháng 05/2022, với Quyết định số 1257/QĐ-ĐHKT-KHĐTKT, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM đã ban hành thể chế chi tiết về việc kết hợp đào tạo trực tuyến. Hoạt động giảng dạy trực tuyến được áp dụng đa dạng dưới nhiều cấp độ và phương thức hơn 25 . Tuy nhiên, hoạt động giảng dạy trực tuyến được áp dụng theo phương thức dạy học trực tuyến đồng bộ, nghĩa là “ giảng viên và người học có mặt đồng bộ ở cùng một thời điểm và thực hiện các hoạt động đào tạo thông qua các nền tảng công nghệ giao tiếp của Internet (như Google meet Zoom, MS Team...)21 . Theo đó, tổng số tín chỉ trong chương trình đào tạo được triển khai theo hình thức trực tuyến không vượt quá 30%. Giảng viên sẽ tiến hành đăng ký việc áp dụng phương thức giảng dạy trực tuyến vào đầu mỗi học kỳ với một trong ba lựa chọn sau tùy thuộc vào đặc thù của lớp học phần: (i) phương thức dạy học trực tiếp xen kẽ với một số buổi học theo phương thực dạy học trực tuyến đồng bộ; (ii) phương thức kết hợp (Hybrid) giữa dạy học trực tiếp và dạy học trực tuyến đồng bộ; (iii) áp dụng phương thức dạy học trực tuyến đồng bộ 100% nội dung môn học 21 .

Tại trường Đại học Kinh tế - Tài chính, theo quyết định số 209/QĐ-UEF ngày 01/09/2018 về việc ban hành Quy định tổ chức quản lý, vận hành hệ thống eLearning-UEF, hệ thống eLearning được xem như một công cụ hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động dạy và học. Giảng viên phải tiến hành các hoạt động trên hệ thống như chuẩn bị thông tin, tài liệu liên quan đến học phần; tổ chức, theo dõi, giám sát, giải đáp, thảo luận, hướng dẫn hoạt động cho người học. Quy chế không đề cập đến việc chuyển đổi thời lượng tín chỉ các môn học phần từ phương thức dạy học trực tiếp sang phương thức dạy học trực tuyến 24 .

Qua phân tích về thực trạng áp dụng phương thức dạy học trực tuyến tại ba cơ sở đào tạo nêu trên có thể nhận thấy có sự không đồng nhất giữa các cơ sở đào tạo trong việc áp dụng cấp độ và phương thức giảng dạy. Trong đó, Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật đã bước có sự chuyển đổi một phần thời lượng dạy và học từ phương thức trực tiếp sang phương thức trực tuyến. Hai cơ sở đào tạo này cũng đã ban hành cơ sở pháp lý để làm căn cứ triển khai và có chính sách rõ ràng trong cách thức thực hiện. Tuy nhiên, việc chuyển đổi hiện tại vẫn còn mang tính chất khuyến khích nên số lượng môn học thực sự chuyển đổi còn mang tính hạn chế. Dưới thang đo của Thinking School, thì Trường Đại học Kinh tế TP.HCM và Trường Đại học Kinh tế - Luật có thể đang ở cấp độ số 3 và Trường Đại học Kinh tế - Tài chính ở cấp độ số 2 của mô hình dạy học trực tuyến.

Về nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực là một bài toán khó trong việc thích ứng với tình hình chuyển đổi đột ngột mô hình dạy học truyền thống sang mô hình dạy học trực tuyến tại cả ba cơ sở đào tạo. Ba thành phần chính cần có để triển khai tốt hoạt động dạy học trực tuyến bao gồm: (i) nhân sự quản lý giáo dục; (ii) nhân sự công nghệ thông tin; (iii) đội ngũ giảng viên với năng lực phù hợp. Nhóm nhân sự (i) và (ii) tại cả ba cơ sở đào tạo đều được trang bị các kỹ năng cần thiết cho việc quản lý hoạt động đào tạo thông qua phần mềm trước khi triển khai chính thức mô hình đào tạo kết hợp. Cơ sở dữ liệu khá hoàn chỉnh về quản lý nhân sự cũng như quản lý hoạt động đào tạo ở tất cả các hệ cùng với việc xây dựng hệ thống phần mềm tương thích phục vụ cho việc quản lý đã được hình thành. Phòng công nghệ thông tin đã được thành lập và chịu trách nhiệm chính về vấn đề cơ sở hạ tầng công nghệ truyền thông. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là nền tảng giúp cho đội ngũ quản lý đào tạo thích nghi nhanh chóng với trong bối cảnh chuyển dịch quá đột ngột mô hình đào tạo. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu triển khai đồng loạt hoạt động giảng dạy trực tuyến trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cũng phát sinh không ít bất cập vì các vấn đề gặp phải vượt ra ngoài những dự liệu của các quy định/quy chế/quy trình đã áp dụng trước đó.

Vấn đề lớn nhất vẫn là năng lực sư phạm của giảng viên đối với mô hình dạy học trực tuyến. Phần lớn đều gặp nhiều lúng túng và rơi vào tình trạng áp dụng các phương thức tương tác của lớp học truyền thống cho lớp học trực tuyến. Điều này xuất phát từ nguyên nhân rằng năng lực về công nghệ thông tin của giảng viên không đồng đều cũng như phương pháp, kỹ năng sư phạm cho mô hình dạy học trực tuyến chưa kịp hình thành. Để cải thiện tình trạng này, các trường đã tiến hành nhiều khóa tập huấn để trang bị cho giảng viên những kỹ năng sư phạm phù hợp cũng như hiểu biết về LMS. Bên cạnh đó, Trường Đại học Kinh tế - Tài chính còn lập một nhóm trên mạng xã hội Zalo có tên “UEF-Group LMS-MS teams 2021” để trao đổi kinh nghiệm dạy học trực tuyến và hỗ trợ kỹ thuật cho giảng viên. Mặc dù vậy, số lượng tham gia cũng như hiệu quả tiếp thu, ứng dụng còn hạn chế và cần được đánh giá, rút kinh nghiệm. Nhóm nghiên cứu cho rằng đây là một thách thức rất lớn cần phải vượt qua trong thời gian sắp tới.

Quan điểm của sinh viên về dạy học trực tuyến

Chúng tôi đã tiến hành khảo sát ngẫu nhiên 220 sinh viên luật (bao gồm sinh viên từ năm thứ nhất đến năm thứ tư) từ 3 trường đại học để có được góc nhìn khác quan về những phản hồi, đánh giá, sự hài lòng cũng như nguyện vọng của người học đối với mô hình dạy học trực tuyến.

Kết quả cho thấy có đến 23% sinh viên được khảo sát chưa từng có kinh nghiệm học trực tuyến. 19,4% sinh viên bày tỏ sự ủng hộ đối với việc áp dụng mô hình dạy học trực tuyến, 19,8% không ủng hộ và 60,8% sinh viên cho rằng cần áp dụng mô hình kết hợp giữa mô hình trực tiếp và trực tuyến. Lý do cho việc ủng hộ học trực tuyến bao gồm: (i) linh hoạt về thời gian, địa điểm – 84,2%; (ii) tiết kiệm chi phí – 55,9%; (iii) dễ dàng quản lý tiến trình học tập của bản thân – 29,3%; (iv) mức độ tương tác với giảng viên và bạn học cao – 28,8%; (v) thuận tiện trong làm việc nhóm – 20,7%.

Mặt khác, hàng loạt lý do mang tính trở ngại đối với dạy học trực tuyến được nêu ra như thiết bị dạy học (máy tính, tai nghe, micro) không không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật; sự thiếu ổn định của đường truyền internet, thiếu học liệu, hệ thống quản lý học tập LMS chưa tiện dụng, chương trình và thời gian dạy học trực tuyến không phù hợp, giảng viên thiếu kỹ năng giảng dạy trực tuyến, sinh viên chưa hiểu về mô hình dạy học và thành thạo kỹ năng học trực tuyến, mức độ tương tác với giảng viên và bạn học thấp, lo ngại về tính bảo mật của LMS... (xem Figure 2 ) 25 .

Figure 2 . Kết quả khảo sát sinh vssiên về những khó khăn lớn nhất khi học tập trực tuyến 25

Figure 2 
<a class=25" width="300" height="200">

[Download figure]

Như vậy, dưới góc độ của người học, quan điểm ủng hộ mô hình dạy học trực tuyến vẫn chiếm đa số (khoảng 80%). Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình dạy học trực tuyến cho tất cả thời lượng môn học được cho là không phù hợp vì còn hàng loạt những cản trở và khó khăn mang tính chủ quan lẫn khách quan (xem hình 2). Cho đến thời điểm hiện tại, mô hình kết hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp vẫn là mô hình tối ưu hơn cả.

Một số khuyến nghị

Thông qua việc phân tích lý thuyết và tổng hợp thực tiễn dạy học trực tuyến tại một số cơ sở đào tạo ngành luật tại TP HCM, nhóm nghiên cứu có một số khuyến nghị sau đây:

Một là, về mô hình dạy học đối với sinh viên luật, nhóm nghiên cứu khuyến nghị áp dụng mô hình kết hợp hoạt động giảng dạy truyền thống với mô hình giảng dạy trực tuyến đồng bộ (blended online learning) với phương pháp lớp học đảo ngược (flipped classroom). Nếu vận dụng vào dạy học trực tuyến, tài liệu học tập sẽ được giảng viên cung cấp trên hệ thống E-learning. Người học sẽ học tập ở hai không gian trong và ngoài phạm vi lớp học; từ đó làm tăng thời lượng và hiệu quả học tập. Mô hình này sẽ giúp ích cho việc áp dụng một số phương pháp dạy học tích cực như thảo luận theo chủ đề, giải quyết tình huống, mô phỏng và đóng vai vốn rất thiết thực đối với ngành luật 26 .

Hai là, về nguồn nhân lực, chúng tôi khuyến nghị đào tạo và bồi dưỡng một cách đồng bộ và thường xuyên kỹ năng sư phạm về dạy học trực tuyến cho giảng viên, kỹ năng quản trị hệ thống học tập trực tuyến cho đội ngũ quản lý cấp trường, cấp khoa, cấp bộ môn cũng như chuyên viên kỹ thuật. Dạy học trực tuyến chắc chắn không thể vận hành hiệu quả nếu vẫn còn tình trạng “phân mảnh” trong chính đội ngũ sư phạm về kiến thức, kỹ năng và thái độ. Có thể nói, chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức.

Ba là, về học liệu số, chúng tôi khuyến nghị phát triển nguồn học liệu số đảm bảo tôn trọng bản quyền, đa dạng hóa nguồn học liệu (bài giảng số, e-book, website, ngân hàng câu hỏi…), tính đồng bộ giữa các môn học. Mạng lưới các cơ sở đào tạo luật ở Việt Nam có thể trở thành đầu mối thúc đẩy sự phát triển nguồn học liệu mở cho ngành luật và sử dụng liên thông cho tất cả sinh viên của các trường thuộc mạng lưới. Xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập cũng chính là một trong số các nhiệm vụ, giải pháp phát triển xã hội số đã được xác định trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Bốn là, về mặt công nghệ, chúng tôi khuyến nghị hoàn thiện hệ thống quản lý học tập theo hướng thân thiện với người dùng, ưu tiên sử dụng phần mềm dạy học trực tuyến có bản quyền, tăng cường khả năng bảo mật thông tin.

Kết luận

Trong những năm gần đây, chuyển đổi số trong giáo dục đại học là xu thế tất yếu không thể đảo ngược nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với mọi người. Bài viết này phân tích tác động của hoạt động dạy học trực tuyến đối với một số trường luật tại TP HCM. Nghiên cứu cho thấy, hoạt động này tuy đã mang đến những cơ hội cùng tác động tích cực trong bối cảnh ứng phó với đại dịch Covid-19 trước mắt nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức đối với các nhà quản lý, giảng viên và sinh viên luật trên con đường xây dựng trường đại học thông minh. Nhóm tác giả hy vọng đội ngũ luật gia tương lai của chúng ta được đào luyện trong môi trường giáo dục chuyển đổi số tối ưu nhất./.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

LMS: hệ thống quản lý học tập trực tuyến (Learning Management System)

LCMS: hệ thống quản lý nội dung học tập trực tuyến (Learning Content Management System).

Elearning: mô hình dạy học trực tuyến (Electronic Learning).

TP.HCM: Thành phố Hồ Chí Minh

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Lưu Minh Sang đóng góp ý tưởng và viết các nội dung sau: Tóm tắt; Đặt vấn đề; Khái quát mô hình dạy học trực tuyến; Kết cấu hệ thống dạy học trực tuyến; Các cấp độ của mô hình dạy học; Mô hình lớp học đảo ngược; Mô hình tương tác giữa người dạy với người học; Những yếu tố tác động đến việc tham gia mô hình dạy học trực tuyến từ phía người học; Thực tiễn dạy học tại một số cơ sở đào tạo ngành luật và đồng thời tham gia khảo sát đối tượng người học tại Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Tác giả Lưu Đức Quang đóng góp ý tưởng và viết các nội dung: Khái quát về chuyển đổi số giáo dục; Thực tiễn dạy học trực tuyến tại một số cơ sở đào tạo ngành luật ở TP.HCM; Một số khuyến nghị; Kết luận; đồng thời tham gia khảo sát đối tượng người học tại Trường Đại học Kinh tế Tài chính và Trường đại học Kinh tế TP.HCM.

References

  1. Bảo Hồ Tú, Dũng Nguyễn Duy, Quang Nguyễn Nhật. Hỏi đáp về chuyển đổi số. Hà Nội NXB Thông Tin và Truyền Thông. 2020. tr.31. . ;:. Google Scholar
  2. Thủ tướng Chính phủ. Quyết định số 749/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. . ;:. Google Scholar
  3. Thanh NQ, Cường TQ. Những xu thế mới của công nghệ trong giáo dục [online]; 2020. . ;:. Google Scholar
  4. Vũ HĐ. Đầu tư cho phát triển bền vững e-learning trong giáo dục đại học - Chính sách các quốc gia và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam. Tạp chí Khoa học Đại học Mở Thành phố Hồ Chí Minh. 2020;15(1):3-15. . ;:. Google Scholar
  5. Tỉnh MV. Dạy và học trực tuyến: Xu thế toàn cầu hóa và vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Tạp chí Tuyên Giáo [Serial online]; 2021. . ;:. Google Scholar
  6. Anderson T. Edmonton: African Union Press, Athabasca University. p. 16; 2004. The theory and practice of online Learning. 2nd ed. . ;:. Google Scholar
  7. Ally M. Foundations of educational theory for online Learning. In: Anderson T, editor. Theory and practice of online Learning. Edmonton, Alberta: Athabasca University Press; 2004. p. 15-44. . ;:. Google Scholar
  8. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 09/2021/TT-BGDĐT ngày 30/3/2021 quy định về quản lý và tổ chức dạy học trực tuyến trong cơ sở giáo dục phổ thông và cơ sở giáo dục thường xuyên. Điều. 2021;2. . ;:. Google Scholar
  9. Tuấn ĐA. Cấu hình hệ thống đào tạo trực tuyến thế hệ mới [online]; 2016. . ;:. Google Scholar
  10. Allen IE, Seaman J. Going the distance: online education in the United States; January 2011. Sloan Consortium. . ;:. Google Scholar
  11. Thinking School. 5 bậc của e-learning [online]; 2021. . ;:. Google Scholar
  12. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18 tháng 3 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế về đào tạo đại học. 2021;8. . ;:. Google Scholar
  13. Vũ Thế Dũng. Dạy học online và những hiểu lầm tai hại [online]; 2020. . ;:. Google Scholar
  14. Đỗ T, Kiên HC. Áp dụng mô hình lớp học đảo ngược trong dạy học trực tuyến tại Trường Đại học Hùng Vương. Tạp chí Khoa học và Công nghệ Trường Đại học Hùng Vương. 2020;19(92):37-25. . ;:. Google Scholar
  15. Huyền PT. Áp dụng mô hình dạy học đảo ngược trong giảng dạy các học phần lí thuyết ở trường đại học. Tạp Chí Khoa Học Giáo Dục Việt Nam. 2022;18;Suppl 3:36-41. . ;:. Google Scholar
  16. Vũ TD. Flipped Classroom online [online]. . 2021;:. Google Scholar
  17. Martin F, Oyarzun B. Distance Learning. In: West RE, editor (EdTech Books). Foundations of Learning and instructional design technology; 2017. . ;:. Google Scholar
  18. Martin F, Oyarzun B. Distance Learning. In: West RE, editor. Foundations of Learning and instructional design technology: the past, present, and future of Learning and instructional design technology. EdTech books; 2018. . ;:. Google Scholar
  19. Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Quy Định Số 1288/QĐ-ĐHKT-CNTT ngày 05/5/2016 về ứng dụng hệ thống trực tuyến (Learning Management System, viết tắt LMS-UEH) trong đào tạo đại học năm; 2016. . ;:. Google Scholar
  20. Trường Đại học Kinh tế TP. HCM. Về việc ứng dụng hệ thống học trực tuyến (LMS-UEH) trong đào tạo đại học năm 2016 của Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ chí Minh [online]. . 2016;:. Google Scholar
  21. Trường Đại học Kinh tế TP HCM. Quyết định số 1257/QĐ-ĐHKT-KHĐTKT về việc ban hành Quy định về việc kết hợp đào tạo trực tuyến tại Trường Đại học Kinh tế TP.HCM; 2022. . ;:. Google Scholar
  22. Phòng Công nghệ thông tin Trường Đại học Kinh tế - Luật. Tổng quan UEL-Learning [online]. . ;:. Google Scholar
  23. Trường Đại học Kinh tế - Luật. Quyết định số 786/QĐ-ĐHKTL ngày 11/9/2020 của Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Luật; 2020. . ;:. Google Scholar
  24. Trường Đại học Kinh tế - Tài chính. Quyết định số 209/QĐ-UEF ngày 01/09/2018 về việc ban hành Quy định tổ chức quản lý, vận hành hệ thống e-learning-UEF; 2018. . ;:. Google Scholar
  25. Quang LĐ, Sang LM. Kết quả khảo sát sinh viên luật về dạy học trực tuyến tại các trường đại học UEL - UEH. United Engineering Foundation; 2021. . ;:. Google Scholar
  26. Quang LĐ. Việc dạy học Luật Hiến pháp của một số trường luật tại thành phố Hồ Chí Minh. Tạp chí Pháp Lý [serial online] 2020. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4219-4229
Published: May 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1093

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Sang, L., & Quang, L. (2023). The digital transformation of legal education from the reality of electronic learning activities at some legal education institutions in Ho Chi Minh City. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4219-4229. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1093

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1322 times
PDF   = 386 times
XML   = 0 times
Total   = 386 times