Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1015

Total

410

Share

Practical experience in agritourism development and lessons for Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Agritourism is considered as a development trend around the world by combining tourism and agriculture. However, the concepts of agritourism along with its management policies and supporting measures diverge widely depending on the country and region. Significantly, the particular implementation of agritourism in Vietnam is the subject of a new study in which not much research has been carried out. Therefore, this study aims to provide an overview and comparison of policies, supporting measures, and resources for the development of agritourism in notable countries. The study presents the cases of agritourism development in both developed and developing countries with specific socio-cultural characteristics leading to detailed agritourism development paths. Since then, the study has analyzed and suggested propositions to develop agritourism in Vietnam with an aim to improve people's lives, to develop the locality and to move toward more sustainable agritourism.

Giới thiệu

Trong những năm vừa qua, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trầm trọng đến cuộc sống của người dân nói chung và với ngành du lịch nói riêng, đặc biệt là hành vi du lịch trên toàn cầu. Du lịch bị tắc nghẽn và đã được thay thế bằng các loại hình du lịch khác như du lịch trong nước 1 . Những hạn chế về du lịch buộc ngành du lịch phải tập trung vào các loại hình du lịch mới, có lợi thế cho du lịch nội địa 2 . Ngoài ra, trước đại dịch, ngành du lịch cũng phải đối mặt nhiều thách thức lớn liên quan đến bảo vệ môi trường và lượng khí thải carbon. Sự thay đổi đột ngột của thị trường trong quá trình diễn ra đại dịch làm nảy sinh và thúc đẩy xu hướng bảo vệ khí hậu, thiên nhiên và đang dần được các bên liên quan quan tâm hơn. Bảo vệ môi trường, du lịch bền vững và bảo tồn di sản văn hóa xã hội là những vấn đề được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây 3 . Đây có thể là cơ hội cho các thị trường ngách địa phương mới nổi như du lịch nông nghiệp (agritourism) phát triển. Bằng cách tăng cường hình ảnh cạnh tranh và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, du lịch nông nghiệp có thể góp phần phát triển ngành du lịch, bảo vệ văn hóa địa phương và môi trường 4 .

Du lịch nông nghiệp nhanh chóng trở thành một lĩnh vực đặc biệt 5 . Nếu nhìn từ góc độ địa phương, du lịch nông nghiệp như một chiến lược phát triển nông thôn có lợi, giúp đa dạng hóa nền kinh tế nông thôn, giảm thiểu di cư 6 , tái định cư các vùng nông thôn, trao đổi văn hóa giữa cộng đồng địa phương và khách du lịch 7 , cũng như cải thiện các dịch vụ địa phương như giáo dục, chăm sóc sức khỏe và giao thông công cộng 8 . Ở cấp độ hộ gia đình, du lịch nông nghiệp mang lại thu nhập tăng thêm cho các hộ gia đình nông thôn 9 , 10 . Nông dân ngày càng nắm bắt cơ hội này và bắt đầu đầu tư và phát triển các hoạt động du lịch nông nghiệp. Hơn thế, phát triển du lịch nông nghiệp còn mang lại thu nhập bổ sung cho doanh nghiệp nhỏ 11 , tạo việc làm và kích thích sự phát triển của địa phương 12 , mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương về mặt kinh tế, xã hội và môi trường, phát triển bền vững, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, với các bối cảnh văn hóa và xã hội khác nhau trên toàn thế giới 10 , 13 , 14 .

Các nghiên cứu về du lịch nông nghiệp đã phát triển từ nhiều năm trước, nhưng chủ yếu tập trung vào các nước phát triển 15 . Trong nghiên cứu của Bhatta & Ohe 16 về du lịch nông nghiệp từ góc độ cung, cầu và cả hai phía, hầu hết các bài báo được xem xét trong nghiên cứu đa số đến từ Hoa Kỳ, tiếp theo là các nước châu Âu, đặc biệt là Ý và Romania. Cũng đã có một số nghiên cứu về các trường hợp của các quốc gia đang phát triển trong hoạt động xây dựng du lịch nông nghiệp mang đến nhiều cái nhìn khách quan hơn nhưng không đáng kể. Nghiên cứu về du lịch nông nghiệp ở các nước đang phát triển còn khá hạn chế 16 , 17 khiến cho việc tìm hiểu về chính sách du lịch nông nghiệp đối với các nước đang phát triển còn nhiều khó khăn.

Đồng thời, các nghiên cứu hiện nay chủ yếu tiếp cận dưới góc độ khoa học môi trường, đánh giá ảnh hưởng của nông nghiệp nói chung mà chưa tập trung nghiên cứu chuyên sâu về du lịch nông nghiệp, và đưa ra các giải pháp phát triển bền vững cho du lịch nông nghiêp tại nước đang phát triển, đặc biệt là Việt Nam. Về mặt thực tiễn, phát triển du lịch nông nghiệp theo hướng bền vững trước sự ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, dịch bệnh mới nổi trong tương lai ở điều kiện cụ thể tại các tỉnh, thành Việt Nam chưa được nghiên cứu chuyên sâu để đáp ứng những yêu cầu, chủ trương mới của Đảng và Nhà nước.

Do đó, kế thừa những nghiên cứu khoa học đi trước từ trong đến ngoài nước, nghiên cứu sẽ mang đến một cách tiếp cận từ góc độ khoa học về các bài học của các nước phát triển và đang phát triển trong công tác xây dựng du lịch nông nghiệp và đề xuất giải pháp trong việc phát triển du lịch nông nghiệp cho Việt Nam. Nghiên cứu lựa chọn hai quốc gia điển hình trong hoạt động xây dựng du lịch nông nghiệp là Ý và Thái Lan. Ý nổi bật với chính sách phát triển du lịch nông nghiệp được quan tâm từ sớm tại châu Âu và Thái Lan có sự tương đồng về bối cảnh phát triển du lịch nông nghiệp tại Việt Nam.

Du lịch nông nghiệp

Du lịch nông nghiệp là loại hình du lịch của du lịch nông thôn (rural tourism). Du lịch nông nghiệp cũng được gọi là du lịch nông trang, nông trang nghỉ dưỡng, du lịch dựa trên nông trang và du lịch nông thôn 18 . Du lịch nông nghiệp là hoạt động diễn ra trên nông trại và cung cấp các hoạt động nông trại liên quan cho du khách 19 hay du lịch nông nghiệp là bất kỳ các thực tiễn, hoạt động hoặc dịch vụ được triển khai trên nông trại với mục đích thu hút du khách với nhiều hoạt động đa dạng bao gồm: tour, lưu trú qua đêm, các sự kiện, lễ hội, và cửa hàng nông trại 20 . Đồng thời, tác giả Roman 21 cho rằng du lịch nông nghiệp là một phần của du lịch nông thôn với mục đích cung cấp các hoạt động nghỉ dưỡng, giải trí cho nhiều người trong hoặc ngoài trang trại với nhiều hoạt động khác nhau.

Mặc dù, chưa thống nhất một định nghĩa về du lịch nông nghiệp nhưng dựa trên các nghiên cứu về du lịch nông nghiệp và du lịch nông thôn thì du lịch nông nghiệp có những điểm chung nhất định, bao gồm: (1) đó là một phần du lịch nông thôn; (2) mục đích là thu hút các du khách giải trí; (3) các hoạt động được diễn ra chủ yếu trên nông trại (4) giúp du khách trải nghiệm và nâng cao giáo dục về môi trường.

Du lịch nông nghiệp có thể giảm thiểu các vấn đề môi trường, và hướng đến tính bền vững trong du lịch. Du lịch nông nghiệp sẽ tăng sức hút và sức sống cho các khu vực nông thôn, làm giảm thiểu sự mất cân đối về các yếu tố nhân khẩu học. Du lịch nông nghiệp có thể liên kết và hỗ trợ trực tiếp hoặc gián tiếp cộng đồng tạo ra thu nhập nhưng vẫn bảo đảm được sự bền vững của địa phương. Du lịch nông nghiệp đối phó với các vấn đề như hủy hoại môi trường, và suy thoái văn hóa truyền thống do phát triển du lịch 22 . Và du lịch nông nghiệp không chỉ nâng cao tính bền vững của môi trường và các nguồn tài nguyên, mà còn khuyến khích tăng trưởng bền vững về mặt kinh tế-xã hội.

Du lịch nông nghiệp góp phần duy trì khả năng tồn tại và ổn định, đồng nghĩa với việc gia tăng tính bền vững của các địa phương nông thôn 23 . Chất lượng cuộc sống được cải thiện thông qua việc các hoạt động du lịch nông nghiệp, tận dụng các yếu tố, tăng cường cơ sở hạ tầng, cung cấp nguồn nhân lực được đào tạo thích hợp, nỗ lực để duy trì và tận dụng di sản và đời sống tinh thần của địa phương, và cả những ưu đãi về kỹ thuật để nông thôn trở thành điểm đến thu hút kết hợp tất cả các yếu tố của sự phát triển bền vững 24 .

Kinh nghiệm thực tiễn

Trường hợp của Ý

Kể từ đầu những năm 1970, Ý đã thực hiện việc đa dạng hóa các hoạt động tại trang trại nhằm nâng cao kinh tế xã hội ở các vùng nông thôn. Việc đa dạng hóa hoạt động sản xuất của các trang trại Ý được hiểu là du lịch nông nghiệp vừa giúp cải thiện thu nhập của nông dân, vừa bảo vệ cảnh quan nông nghiệp và vừa tránh khỏi di cư nông thôn gây ra thiệt thòi về kinh tế xã hội. Sau đó, vào những năm 1980, du lịch nông nghiệp đã phát triển rộng khắp nước Ý và các khu vực khác của Châu Âu.

Du lịch nông nghiệp tại Ý được cho là sự pha trộn giữa hai ngành công nghiệp: nông nghiệp và du lịch với mục tiêu mang lại cho cộng đồng nông dân cũng như khách du lịch những lợi ích liên quan đến xã hội, môi trường và kinh tế cho cả hai ngành. Du lịch nông nghiệp được Chính phủ Ý định nghĩa theo luật quốc gia năm 1985 là “các hoạt động tiếp đãi được thực hiện bởi các doanh nhân nông nghiệp và các thành viên trong hộ gia đình phải kết nối và bổ sung cho các hoạt động nông nghiệp” 25 . Esposti 26 nhận định rằng du lịch nông nghiệp là một hiện tượng lâu đời ở Ý và có thể đại diện cho sự đổi mới triệt để nhất trong nông nghiệp Ý. Nói cách khác, du lịch nông nghiệp là một đặc sản của Ý trong quan điểm của du lịch nông thôn ở cấp độ châu Âu. Điều này là do luật quốc gia cụ thể điều chỉnh hiện tượng này. Trên thực tế, ở Ý, du lịch nông nghiệp chỉ có thể được hình thành bởi người nông dân và các thành viên trong gia đình (Luật số 96/2006). Hơn nữa, các hoạt động du lịch nông thôn phải được kết nối với nông nghiệp 27 . Hoạt động nông nghiệp chiếm ưu thế này là cố định về thời gian làm việc chứ không phải về thu nhập. Vì vậy, ở Ý, du lịch nông nghiệp không thể tồn tại nếu không có nông nghiệp, nơi người nông dân buộc phải đóng góp chủ yếu cho các hoạt động nông nghiệp.

Với định nghĩa và quy định rõ ràng về du lịch nông nghiệp từ rất sớm, số lượng trang trại du lịch nông nghiệp ở Ý tăng từ 6.816 (2002) lên 18.771 (2017), với tốc độ tăng 116%. Du lịch giường nằm đạt 256.533 lượt, với tốc độ tăng 149%, tăng gấp đôi tỷ trọng trên toàn hệ thống khách du lịch. Ngày nay, du lịch nông nghiệp chiếm 9,2% tổng số cơ sở lưu trú và 5,1% tổng số giường. Vì lý do luật được thiết lập tốt, du lịch nông nghiệp cũng đã trở thành một khía cạnh liên quan của đa dạng hóa trang trại. Các trang trại du lịch nông nghiệp chiếm 2% tổng số trang trại của Ý (2016) và hoạt động du lịch nông nghiệp có giá trị 1,4 tỷ euro (2017), 2,7% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của Ý 28 .

Các nhân tố góp phần thành công của du lịch nông nghiệp Ý

Vai trò của chính phủ

Ý là nước thành viên duy nhất của Liên minh Châu Âu có các điều khoản cụ thể điều chỉnh hoạt động du lịch nông nghiệp. Luật quốc gia về du lịch nông nghiệp (Luật số 96 ngày 20 tháng 2 năm 2006) quy định rằng hoạt động này phải bổ sung cho hoạt động nông nghiệp mà ở bất kỳ mức độ nào, vẫn phải là hoạt động chính của nông dân. Yếu tố này cũng góp phần vào sự thành công của sự phát triển du lịch nông nghiệp của Ý bởi vì Ý nằm trong khối liên minh Châu Âu (EU).

Chính sách Nông nghiệp Chung của EU hỗ trợ tài chính cho sự phổ biến của các doanh nghiệp du lịch nông nghiệp từ những năm 90, nhằm mục đích kích thích sự đa dạng hóa của các trang trại dưới vai trò đa chức năng của “mô hình nông nghiệp Châu Âu”, dựa trên các trang trại gia đình quy mô vừa và nhỏ. Cụ thể, sử dụng các đơn vị làm việc, nguồn lực và sản phẩm sẵn có của nông trại – được coi là một yếu tố quan trọng đối với sự tồn tại của mô hình nông nghiệp Châu Âu, tích hợp thu nhập có được từ nông nghiệp. Lượng chuyển giao công cho các trang trại khuyến khích thiết lập các hoạt động du lịch nông nghiệp đã tăng lên đáng kể và một loạt các biện pháp can thiệp nông trại được đồng tài trợ. Số lượng ngày càng tăng các trang trại du lịch nông nghiệp được thành lập ở EU và đặc biệt là ở Ý, có liên quan chặt chẽ đến chính sách phát triển nông thôn, chứng tỏ vai trò quan trọng của chính sách này.

Phân tích toàn diện về tác động của chính sách phát triển nông thôn của EU đối với tăng trưởng du lịch nông nghiệp ở Ý được thực hiện bởi tác giả Galluzzo 29 . Trong đó, cơ sở lý luận của luật pháp Ý theo đuổi các mục tiêu đầy tham vọng liên quan đến: (i) các vấn đề kinh tế, bằng cách tích hợp nguồn thu của nông dân và bằng cách quảng bá các sản phẩm địa phương; (ii) các vấn đề văn hóa xã hội, bằng cách củng cố các mối quan hệ giữa thành phố và nông thôn, và bằng cách bảo tồn các truyền thống địa phương; (iii) các vấn đề môi trường, bằng cách bảo vệ môi trường và cảnh quan, và (iv) các vấn đề nghề nghiệp, bằng cách tạo ra các cơ hội việc làm mới, đặc biệt là ở các khu vực cận biên, với mục đích hạn chế việc di cư nói riêng của lực lượng lao động trẻ và nữ.

Vai trò của địa phương

Hai yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường tăng trưởng du lịch nông thôn nông trại ở Ý: sự phong phú và đa dạng của sản xuất thực phẩm truyền thống, ẩm thực Ý, các yếu tố lịch sử và môi trường đa dạng đặc trưng cho cảnh quan nông thôn Ý giúp thu hút người dân từ các vùng khác và từ nước ngoài.

Một mặt, những địa điểm nông thôn được du khách đến thăm nhiều nhất ở Ý là thực phẩm (dầu ô liu, rượu vang, pho mát, các trang trại sản xuất rau truyền thống của địa phương). Nhờ loại hình du lịch này, mọi người có thể biết được khu vực kinh tế (khu vực lịch sử sản xuất và biết cách làm sản phẩm truyền thống) nơi sản xuất thực phẩm truyền thống, nếm (và mua) chúng tại khu vực sản xuất. Mặt khác, ở các vùng nông thôn khác, hoạt động du lịch nông nghiệp dựa trên sự phong phú của các yếu tố cảnh quan, môi trường và lịch sử và người dân biết cách cung cấp các dịch vụ giải trí nông trại. Nhiều nông dân Ý đã có các sáng kiến giúp cải thiện thu nhập của họ, tạo việc làm mới cho các thành viên trong gia đình và những người trẻ tuổi bị thu hút bởi các hoạt động nông nghiệp này 30 .

Ngoài ra, việc tổ chức hiệu quả các hoạt động du lịch nông nghiệp mang tính chất thân thiện ở các vùng nông thôn Ý là một hình thức dễ tiếp cận để bảo tồn thiên nhiên, cung cấp các dịch vụ công cộng và dựa trên các chiến lược Marketing hiệu quả của nông trại 14 . Nhận thức về bản sắc địa phương là điều cần thiết để bắt đầu sử dụng tài nguyên địa phương. Trong bối cảnh này, nông trại và các đặc sản ẩm thực truyền thống được đưa vào phạm vi di sản 31 .

Trường hợp Thái Lan

Hầu hết các nghiên cứu về du lịch nông nghiệp đều liên quan đến các nước phát triển 7 , 18 với tương đối ít nghiên cứu về chủ đề này cho các nước đang phát triển. Trong bối cảnh thế giới đang phát triển, du lịch nông nghiệp chưa được giới thiệu trong một thời gian dài, do đó có rất ít nghiên cứu về các mối quan tâm về du lịch nông nghiệp ở các quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, trên thế giới cũng đã có một số nghiên cứu của các nước đang phát triển về du lịch nông nghiệp. Ví dụ như nghiên cứu cho thấy bằng chứng về động lực của nông dân trong việc đa dạng hóa du lịch trong một nghiên cứu của Srikatanyoo & Campiranon 32 ở Thái Lan, và một số bằng chứng về sự phát triển du lịch nông nghiệp của Yang 33 ở Trung Quốc. Hoặc gần đây nhất là trường hợp của Iran trong việc tìm hiểu các yếu tố giúp xây dựng du lịch nông nghiệp thành công 34 .

Ở Thái Lan, phát triển du lịch nông nghiệp bị ảnh hưởng bởi sự chuyển dịch cơ cấu trong nền kinh tế địa phương, liên quan đến những khó khăn kinh tế ngày càng tăng đối với ngành nông nghiệp (như đầu tư mới vào phát triển dân cư, du lịch, và tăng các nguồn thu nhập thay thế cho người dân nông thôn) 35 . Du lịch nông nghiệp ở Thái Lan hỗ trợ các nhà khai thác du lịch nông nghiệp, nông dân, đảo ngược xu hướng di cư đang suy yếu và tạo thêm doanh thu và thu nhập cho cộng đồng địa phương. Như Holland và cộng sự 36 cũng có đề cập du lịch nông nghiệp phát triển trên cơ sở các doanh nghiệp quy mô nhỏ và do người dân địa phương kiểm soát có thể đóng góp vào sự phát triển kinh tế bền vững của cộng đồng nông thôn.

Các nhân tố góp phần thành công của du lịch nông nghiệp Thái Lan

Về mặt chính sách, trong thời gian do TRT lãnh đạo (đảng chính trị Thai Rak Thai hay Thai love Thai, hay TRT) đã nêu ra một trong những chính sách phát triển nông thôn trong Kế hoạch Phát triển Kinh tế và Xã hội Quốc gia lần thứ 9 (2002-2006) là hỗ trợ các doanh nghiệp nông thôn. Hy vọng của TRT là tăng cường tinh thần kinh doanh có thể tạo ra cơ hội việc làm 37 , đặc biệt là đối với các khu vực nông thôn, nơi chiếm đa số cử tri. Để đạt được mục tiêu này, chính phủ TRT khuyến khích nông dân và người dân nông thôn đa dạng hóa sang các ngành kinh doanh khác, chẳng hạn như thủ công mỹ nghệ, bán lẻ và du lịch.

Các hoạt động cụ thể mà chính phủ đã hỗ trợ cho các chương trình du lịch nông nghiệp là về mặt tư vấn, đào tạo, marketing và tài chính. Hỗ trợ đầu tiên là hướng dẫn người dân biết cách khai thác nông sản cho mục đích du lịch và điều chỉnh các khu vực nông trại để chào đón du khách. Hình thức hỗ trợ thứ hai là đào tạo, phổ biến nhất là về du lịch lữ hành vì người nông dân rất có thể thiếu kỹ năng trong những lĩnh vực này. Thứ ba, có sự hỗ trợ marketing từ chính phủ, bao gồm tờ rơi và tài liệu quảng cáo, và truyền thông thông qua internet. Hỗ trợ cuối cùng là hỗ trợ tài chính.

Về cách tiếp cận, sự tham gia tích cực của các thành viên của cộng đồng nông thôn trong quá trình ra quyết định là điều kiện tiên quyết để đạt được sự phát triển đáp ứng nhu cầu của địa phương. Nhóm Xúc tiến và Phát triển Du lịch Nông nghiệp (APDG) tin rằng du lịch nông nghiệp do nông dân điều hành sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tham gia rộng rãi hơn của địa phương. “Cách tiếp cận cộng đồng” được chính phủ sử dụng để khuyến khích phát triển nông thôn ở Thái Lan khác hẳn với bối cảnh ở các nước khác trên thế giới đã phát triển. APDG đã nhận ra rằng sự hợp tác và mạng lưới giữa các nhà khai thác du lịch nông nghiệp là rất quan trọng đối với các doanh nghiệp.

Ngoài ra, các sáng kiến ​​về du lịch nông nghiệp đòi hỏi sự hỗ trợ của cả nhà nước và cộng đồng nông thôn. Các nhà khai thác du lịch nông nghiệp trong các lĩnh vực này có thể hợp tác với các nhà khai thác tương tự khác để thúc đẩy lợi thế theo quy mô, năng lực marketing, phát triển công nghệ cải tiến, hỗ trợ giáo dục và đào tạo 38 . Sự tương tác giữa các nhà khai thác du lịch nông nghiệp đã giúp họ trong việc kinh doanh của mình và cung cấp cho họ nhiều khả năng thương lượng hơn với chính phủ khi họ đưa ra yêu cầu tài trợ. Trong trường hợp của Thái Lan, nó được gọi là “cộng đồng du lịch nông nghiệp” là cách tiếp cận khác được tìm thấy ở các nước phát triển vì các nhà khai thác du lịch nông trại ở các nước phát triển có thể nhóm lại với nhau nhưng thường là các sáng kiến ​​của riêng họ với tư cách là một nhóm nhỏ doanh nghiệp thay vì là chia sẻ chung cho nhiều người trong cộng đồng.

Tiềm năng phát triển và những thách thức của du lịch nông nghiệp Việt Nam

Việt Nam cũng cho thấy sự hấp dẫn của hoạt động du lịch nông nghiệp so với sự tăng trưởng của hình thức này trên toàn thế giới. Cả nước có khoảng 365 điểm du lịch nông thôn ở 37 tỉnh, thành phố và hơn 2.000 làng nghề truyền thống có tiềm năng phát triển về du lịch 39 . Chủ yếu tập trung ở vùng có quỹ đất rộng, cảnh quan đẹp như miệt vườn miền Đông, Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng miền núi, trung du, hoặc vùng ven đo thị, vùng phát triển mạnh du lịch. Các tỉnh Hoà Bình, Lào Cai, Sơn La, Đồng Tháp, Bến Tre, Ninh Thuận, Hà Giang, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế... có nhiều sản phẩm du lịch nông thôn tiêu biểu 40 . Ở nhiều địa phương, nhu cầu khách du lịch đến các điểm du lịch nông thôn có xu hướng tăng lên. Theo số liệu của Sở Du lịch 41 , có trên 500.000 lượt khách tham quan đến các điểm du lịch nông nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong 3 năm qua, riêng khu nông nghiệp công nghệ cao huyện Củ Chi, thu hút gần 15.000 lượt khách du lịch đến.

Chính phủ Việt Nam cũng đã có những hoạt động nhằm thúc đẩy du lịch nông nghiệp, phát triển du lịch nông nghiệp gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Cụ thể, định hướng du lịch nông thôn là một trong những dòng sản phẩm chủ đạo của chiến lược phát triển du lịch Việt Nam. Chính phủ quan tâm đến sự phát triển của du lịch với nhiều chính sách và giải pháp được ban hành và triển khai thông qua Nghị quyết số 103/NQ-CP 42 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ nhằm thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW 43 nhằm thúc đẩy giá trị nền tảng, hỗ trợ cho xây dựng nông thôn mới bền vững; tạo ra bền vững cho du lịch nông nghiệp. Sự quan tâm từ chính phủ về hoạt động du lịch nông nghiệp càng rõ ràng hơn khi gần đây Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh vừa kí Quyết định số 922/QĐ-TTg 44 phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 vào ngày 2/8/2022, nhằm nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích hợp đa giá trị, bao trùm và phát triển bên vững. Thời gian qua, sản phẩm du lịch nông nghiệp đã tăng trưởng với nhiều sản phẩm mang đặc trưng văn hóa của các vùng, miền từ Nam ra Bắc. Ở một số tỉnh thành, điển hình như Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết 82/2021 của Hội đồng nhân dân thành phố (HĐND TP) và Đề án của Uỷ ban nhân dân thành phố (UBND) Đà Nẵng về thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Hòa Vang đến năm 2025, UBND huyện Hòa Vang đã tích cực triển khai đề án, chọn lọc các mô hình phù hợp với tiêu chí đặt ra để khai thác du lịch kết hợp sản xuất nông nghiệp 45 .

Các hoạt động du lịch nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu thông qua đầu tư của hộ gia đình. Nhiều hộ gia đình đầu tư làm mới nhà cửa, mua sắm phương tiện, trang thiết bị để phục vụ du khách. Homestay là dịch vụ chủ yếu được đầu tự nhiều bởi các hộ gia đình. Tính đến cuối năm 2018, theo thống kê của Tổng cục Du lịch 46 , cả nước có 3.018 cơ sở lưu trú homestay với 20.772 phòng. Tiếp theo là hình thức cung cấp dịch vụ ăn uống, vận chuyển, tham quan và vui chơi giải trí cũng được nhiều hộ gia đình đầu tư kinh doanh. Các hoạt động này đã mang đến cho các hộ gia đình nhiều nguồn thu nhập tăng thêm và gắn bó với quê hương. Tuy nhiên, đa số các hoạt động đều xuất phát từ quy mô gia đình nên nhân lực, nguồn vốn, khả năng tiếp cận thị trường, và quản trị chất lượng dịch vụ còn nhiều hạn chế.

Vì là một nước nông nghiệp nên khắp các tỉnh, thành Việt Nam có rất nhiều điểm đến phong phú và sản phẩm du lịch nông nghiệp đa dạng của các vùng miền. Do vậy, có thể thu hút các doanh nghiệp du lịch và lữ hành và lượng khách tham gia vào du lịch nông nghiệp ngày càng tăng cao. Thu nhập của người dân tại các vùng, tỉnh, thành có các hoạt động du lịch nông nghiệp cũng được cải thiện, mang đến nguồn thu nhập ổn định cho doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển của kinh tế địa phương. Hơn thế, Chính phủ cũng đang đầu tư rất nhiều cho sự phát triển của lĩnh vực này ở nông thôn.

Tuy có nhiều tiềm năng phát triển nhưng đến thời điểm hiện tại, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rào cản đối với sự phát triển của du lịch nông nghiệp.

Thứ nhất là thiếu cơ chế pháp lý điều chỉnh hoạt động du lịch nông nghiệp, được xem một yếu tố khá quan trọng theo kinh nghiệm của Ý. Để phát triển lĩnh vực này, một luật cụ thể về hoạt động du lịch nông nghiệp phải được thông qua. Sự phát triển thành công của du lịch nông nghiệp Ý cho thấy tầm quan trọng của cam kết chính trị. Luật pháp hỗ trợ là nền tảng để đạt được thành công trong tương lai.

Thứ hai, loại hình kinh doanh du lịch này đòi hỏi đầu tư trang trại để cung cấp cơ sở vật chất phục vụ du lịch và sự hỗ trợ tài chính công chưa tương xứng. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tốc độ phát triển du lịch nông nghiệp ở các vùng nông thôn của cả nước còn thấp. Cụ thể là cơ sở hạ tầng ở nông thôn chưa được phát triển đầy đủ. Việt Nam có nhiều tiềm năng để tổ chức kinh doanh du lịch nông nghiệp ở các vùng nông thôn tuy nhiên không nhiều những khu vực có đủ khả năng khai thác chuyên nghiệp. Hầu hết, các doanh nghiệp du lịch nông nghiệp vẫn mang tính manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, trùng lặp.

Thứ ba, Việt Nam chưa có sự đầu tư thỏa đáng vào nguồn nhân lực (đào tạo và giáo dục, cung cấp thông tin, hỗ trợ tài chính, v.v.). Du lịch nông nghiệp ở Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp tư nhân. Chỉ một số doanh nhân nông nghiệp địa phương nhận ra cơ hội mở rộng hoặc chuyển đổi hoạt động kinh doanh trang trại của họ bằng cách vượt qua các rào cản truyền thống. Họ hoạt động độc lập mà không có hoặc ít hỗ trợ. Họ đã mở trang trại của mình cho khách tham quan và cung cấp chỗ ăn ở hoặc đã thay đổi thành công hoạt động kinh doanh nông nghiệp thành các địa điểm tổ chức sự kiện. Những thay đổi này chưa nhận được sự quan tâm và hỗ trợ đầy đủ và có thể có tác động tích cực hạn chế đến sự phát triển của du lịch nông nghiệp trong khu vực. Xây dựng cấu trúc mạng lưới đáng tin cậy với các mối quan hệ có lợi có thể cải thiện du lịch nông nghiệp mang lại lợi ích trong tương lai cho tất cả những người tham gia.

Kiến nghị và đề xuất

Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên đa dạng sinh học thuộc 16 nước cao nhất thế giới 47 với lịch sử phát triển nền sinh thái nông nghiệp lâu đời. Đa dạng sinh học, địa hình, tài nguyên thiên nhiên là tiền đề và nền móng cho việc phát triển phát triển các sản phẩm du lịch ở Việt Nam. Tuy nhiên, khai phá được tiềm năng du lịch nông nghiệp, Việt Nam cần quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất , cần hỗ trợ về mặt kế hoạch, tài chính và marketing cho sự phát triển du lịch nông nghiệp của tất cả các cấp chính quyền và ngành . Cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa nông dân, chủ nhà hàng, thợ thủ công, chủ cửa hàng và quản lý công nhằm giúp nâng cao và quảng bá sản phẩm địa phương. Điều này có thể kéo theo sự phát triển của các tuyến du lịch theo chủ đề liên quan đến thực phẩm và các sản phẩm thủ công, các chuyến thăm đến các trang trại và cửa hàng điển hình, hoặc các sự kiện địa phương như lễ, hội và kỷ niệm lịch sử.

Thứ hai, phương pháp xây dựng thương hiệu du lịch nông nghiệp và kiểm soát chất lượng . Sự phối hợp giữa các bên liên quan ở địa phương sẽ nâng cao giá trị của sản phẩm bằng cách liên kết chúng với các nguồn lực cụ thể của hệ thống địa phương và bản sắc văn hóa, phổ biến thông tin giữa các tác nhân địa phương.

Sự sẵn có của các quỹ công để đồng tài trợ cho khoản đầu tư cần thiết vào các cơ sở du lịch cũng là một yếu tố cần thiết, khi du lịch nông nghiệp được thực hiện ở các trang trại quy mô nhỏ. Cụ thể, hộ gia đình cần vạch ra: danh mục dịch vụ du lịch cụ thể và chiến lược tiếp thị phải được điều chỉnh phù hợp với cả cấu trúc trang trại và trang trại gia đình và các yếu tố lãnh thổ có thể thu hút các luồng du lịch.

Ba là, đào tạo bắt buộc các nhà điều hành du lịch nông nghiệp để đảm bảo một khu vực có tay nghề cao . Hoạt động du lịch nông nghiệp đòi hỏi các kỹ năng hoàn toàn khác và cách tiếp cận quản lý khác với các hoạt động nông nghiệp chính. Do đó, đầu tư công vào trình độ học vấn của nông dân là rất quan trọng. Các doanh nhân tham gia cần có chung các quy tắc về sản xuất, thương mại hóa và truyền thông. Đồng thời, họ trưởng thành cùng sự nhạy cảm đối với chất lượng và cùng nhận thức về tầm quan trọng của môi trường nông trại và cảnh quan nông thôn. Các cơ quan tổ chức thực hiện một quy tắc quan trọng là phải củng cố bản sắc địa phương, cải thiện kỹ năng quản lý, giúp tích hợp các chiến lược khác nhau và góp phần truyền thông ra bên ngoài giá trị thu được.

Cuối cùng, chỉ có bối cảnh pháp lý và cung cấp thuế được xác định rõ ràng mới khuyến khích việc thiết lập các hoạt động du lịch nông nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng giao tại Chiến lược Phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 48 , các Bộ/Ngành tập trung các nội dung phát triển du lịch như xây dựng các sản phẩm nông nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch, các mô hình phát triển nông nghiệp sạch. Đồng thời, nhà nước cần nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách xây dựng chuỗi giá trị du lịch nông thôn, phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Một sự thống nhất trong luật quốc gia về du lịch nông nghiệp nên được thành lập như trường hợp của Ý sẽ giúp làm rõ định hướng, mục tiêu, cách thức và hướng dẫn các nguồn lực khác nhau thực hiện phát triển du lịch nông nghiệp đồng bộ hơn.

Việc xây dựng mối quan hệ hợp tác và đối tác giữa các tác nhân địa phương, thông qua đó kích hoạt sự hiệp lực có thể góp phần nâng cao vai trò của du lịch nông nghiệp đối với sự phát triển của địa phương. Trong bối cảnh này, nông dân thực hiện du lịch nông nghiệp có thể đóng một vai trò quan trọng vì thường đây là nơi khách du lịch được chào đón đầu tiên. Nhờ liên kết với lãnh thổ, nông dân có thể góp phần nâng cao nguồn lực địa phương, họ có thể củng cố bản sắc địa phương và tăng cường đáng kể các hành động do chính quyền nhà nước thực hiện.

Kết luận

Sự thành công của các hoạt động du lịch nông nghiệp ở các nước phát triển là do một số yếu tố bao gồm lịch sử, văn hóa và môi trường đa dạng và cụ thể, đặc trưng của nhiều vùng nông thôn. Tuy nhiên, những yếu tố này không thể thành công nếu thiếu đi tầm nhìn chiến lược cụ thể và nhiều hành động cần được thực hiện cẩn thận. Việc phát triển du lịch nông nghiệp ở các vùng nông thôn Việt Nam mang lại hiệu quả cho cả nền kinh tế và xã hội, làm tăng nguồn thu thuế cho ngân sách địa phương, tạo việc làm mới và đặc biệt là việc làm cho người dân nông thôn, cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, truyền thống và phong tục tập quán của người dân địa phương được lưu giữ cũng như cải thiện việc bảo vệ môi trường và góp phần vào sự phát triển bền vững của các vùng nông thôn trong cả nước.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) trong khuôn khổ Đề tài mã số B2022-34-01

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

EU: Khối liên minh Châu Âu

TRT: Đảng chính trị Thai Rak Thai hay Thai love Thai

APDG: Nhóm Xúc tiến và Phát triển Du lịch Nông nghiệp

HĐND TP: Hội đồng nhân dân thành phố

UBND: Uỷ ban nhân dân thành phố

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Phùng Thanh Bình chịu trách nhiệm nội dung: điều chỉnh nội dung bài viết.

Tác giả Nguyễn Hồng Uyên chịu trách nhiệm nội dung: nghiên cứu và thực hiện nội dung bài viết.

References

  1. World Travel & Tourism Council. [Online]. United Kingdom; 2019 [cited 2022 August 11. . ;:. Google Scholar
  2. UNWTO Global Tourism Dashboard, World Tourism Organization. [Online].; 2020b [cited 2022 August 11. . ;:. Google Scholar
  3. LaPan C,&BC. The role of agritourism in heritage preservation. Current Issues in Tourism. 2014; 17(8): 666-673. . ;:. Google Scholar
  4. Echtner CM,&RJB. The meaning and measurement of destination image. Journal of tourism studies. 2003; 14(1): 37-48. . ;:. Google Scholar
  5. Barlybaev AA,AVY,&NGM. Tourism as a factor of rural economy diversification. Studies on Russian Economic Development. 2009; 20(6): 639-643. . ;:. Google Scholar
  6. Oppermann M. Rural tourism in southern Germany. Annals of tourism research. 1996; 23(1): 86-102. . ;:. Google Scholar
  7. Colton JW,&BG. Developing agritourism in Nova Scotia: Issues and challenges. Journal of sustainable agriculture. 2005; 27(1): 91-112. . ;:. Google Scholar
  8. Cánoves G,VM,PGK,&BA. Rural tourism in Spain: an analysis of recent evolution. Geoforum. 2004; 35(6): 755-769. . ;:. Google Scholar
  9. Ainley S. A phenomenological study of agritourism entrepreneurship on Ontario family farms. Tourism Planning & Development. 2014; 11(3): 317-329. . ;:. Google Scholar
  10. Tew C,&BC. The perceived benefits of agritourism: The provider's perspective. Tourism management. 2012; 33(1): 215-224. . ;:. Google Scholar
  11. Nematpour M,KM,&RN. Systematic analysis of development in Iran's tourism market in the form of future study: A new method of strategic planning. Futures. 2021;: 125. . ;:. Google Scholar
  12. Veeck G,CD,&VA. America's changing farmscape: A study of agricultural tourism in Michigan. The professional geographer. 2006; 58(3): 235-248. . ;:. Google Scholar
  13. Chiodo E,FA,DL,AT,LRD,AL.&SR. Agritourism in mountainous regions-Insights from an international perspective. Sustainability. 2019; 11(13): 3715. . ;:. Google Scholar
  14. Lupi C,GV,ML,GA,&SA. Exploring the features of agritourism and its contribution to rural development in Italy. Land use policy. 2017; 64: 383-390. . ;:. Google Scholar
  15. Rauniyar S,AMK,KS,&MAK. Agritourism: structured literature review and bibliometric analysis. Tourism Recreation Research. 2021; 46(1): 52-70. . ;:. Google Scholar
  16. Bhatta K,IK,&OY. Determinant factors of farmers' willingness to start agritourism in rural Nepal. Open Agriculture. 2019; 4(1): 431-445. . ;:. Google Scholar
  17. Malkanthi SHP,IASF,SP,&WJLK. Willingness to initiate spice-tourism in the Kolonna District Secretariat of Ratnapura district in Sri Lanka: Farmers' perspective. Sri Lanka Journal of Food and Agriculture. 2015; 1(1): 35. . ;:. Google Scholar
  18. Phillip S,HC,&BK. A typology for defining agritourism. Tourism management. 2010; 31(6): 754-758. . ;:. Google Scholar
  19. Murphy PE. Tourism: A community approach London: Methuen; 1985. . ;:. Google Scholar
  20. Barbieri C,&MPM. The role of the firm and owner characteristics on the performance of agritourism farms. Sociologia ruralis. 2008; 48(2): 166-183. . ;:. Google Scholar
  21. Roman M. The importance of agritourism in socio-economic rural development in Poland. Tourism Today. 2018; 17: 181-187. . ;:. Google Scholar
  22. Bramwell B,&LB. Sustainable tourism: An evolving global approach. Journal of sustainable tourism. 1993; 1(1): 1-5. . ;:. Google Scholar
  23. Adamov T,CR,IT,BI,PE,PG,&ȘL. Sustainability of agritourism activity. Initiatives and challenges in Romanian mountain rural regions.. Sustainability. 2020; 12(6): 2502. . ;:. Google Scholar
  24. Muresan IC,OCF,HR,AFH,PA,CGO,&LR. Local residents' attitude toward sustainable rural tourism development. Sustainability. 2016; 8(1): 100. . ;:. Google Scholar
  25. Sonnino R. For a "piece of bread"? Interpreting sustainable development through agritourism in southern Tuscany, Italy. University of Kansas. 2003;: 286. . ;:. Google Scholar
  26. R. E. Knowledge, technology and innovations for a bio-based economy: lessons from the past, challenges for the future. Bio-based applied economics. 2012; 1(3): 231-264. . ;:. Google Scholar
  27. Sidali KL. A sideways look at farm tourism in Germany and in Italy. In Food, agri-culture and tourism Berlin, Heidelberg: Springer; 2011. . ;:. Google Scholar
  28. Italy Agritourism Data. [Online].; 2021. . ;:. Google Scholar
  29. Galluzzo NICOLA. The impact of the common agricultural policy on the agritourism growth in Italy. Bulgarian Journal of agricultural science. 2017; 23(5): 698-703. . ;:. Google Scholar
  30. Broccardo L,CF,&TE. Unlocking value creation using an agritourism business model. Sustainability. 2017; 9(9): 1618. . ;:. Google Scholar
  31. Timothy DJ,&BSW. Heritage tourism New York: Pearson Education Ltd. ; 2003. . ;:. Google Scholar
  32. Srikatanyoo N,&CK. Agritourist needs and motivations: The Chiang Mai case. Journal of Travel & Tourism Marketing. 2010; 27(2): 166-178. . ;:. Google Scholar
  33. Yang L. Impacts and challenges in agritourism development in Yunnan, China. Tourism Planning & Development. 2012; 9(4): 369-381. . ;:. Google Scholar
  34. Askarpour MH,MA,&MR. Economics of agritourism development: An Iranian experience. Economic Journal of Emerging Markets. 2020;: 93-104. . ;:. Google Scholar
  35. Srisomyong N,&MD. Political economy of agritourism initiatives in Thailand. Journal of Rural Studies. 2015; 41: 95-108. . ;:. Google Scholar
  36. Holland J,BM,&DL. Tourism in poor rural areas: Diversifying the product and expanding the benefits in rural Uganda and the Czech Republic. 2003. . ;:. Google Scholar
  37. Hewison K. Crafting Thailand's new social contract. In Globalisation and Economic Security in East Asia: Routledge; 2012. . ;:. Google Scholar
  38. Morrison A. Small firm co‐operative marketing in a peripheral tourism region. International Journal of Contemporary Hospitality Management. 1998. . ;:. Google Scholar
  39. Quốc hội Việt Nam. [Online].; 2022 [cited 2022 August 11. . ;:. Google Scholar
  40. Nam VKhktnnm. [Online].; 2021. . ;:. Google Scholar
  41. Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh. [Online].; 2019 [cited 2022 August 11. . ;:. Google Scholar
  42. Nghị quyết số 103/NQ-CP. [Online]. . 2022;:. Google Scholar
  43. Nghị quyết số 08-NQ/TW. [Online]. . ;:. Google Scholar
  44. Quyết định số 922/QĐ-TTg. [Online]. . ;:. Google Scholar
  45. 82/2021 Nq. Về việc thống nhất chủ trương thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản trên địa bàn huyện Hoà Vang. [Online].; 2021. . ;:. Google Scholar
  46. Tổng cục Du lịch. [Online]. [cited 2022 August 11. . ;:. Google Scholar
  47. Vietnam Tourism. [Online].; 2020. . ;:. Google Scholar
  48. Chiến lược Phát triển Du lịch đến năm 2030. [Online].; 2020. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3811-3819
Published: Jan 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1137

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, U., & Bình, P. (2023). Practical experience in agritourism development and lessons for Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3811-3819. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1137

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1015 times
PDF   = 410 times
XML   = 0 times
Total   = 410 times