Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1578

Total

542

Share

The role of key factors for sustainable tourism development: A case study of Vinh Cuu district, Dong Nai province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Sustainable tourism development is an issue of great concern to society. This study is conducted to determine the importance of key factors for sustainable tourism development. The data is collected from a survey of 157 organizations and individuals providing tourism services in Vinh Cuu district, Dong Nai province. The results of the scale evaluation and hypothesis testing by the structural equation modeling (SEM) have confirmed four basic components of tourism infrastructure: 1) basic infrastructure; 2) accommodation and food establishments; 3) facilities for sightseeing, recreation, entertainment and shopping; 4) support services. Tourism infrastructure, the participation of local communities and environmental protection in tourism activities are key factors that positively affect sustainable tourism development. Furthermore, the industrial revolution 4.0 is considered to have a positive influence on the impact of tourism infrastructure on sustainable tourism development. In which, tourism marketing, tourism service business and tourism human resource training are aspects that this study examines the influence of the industrial revolution 4.0 on tourism activities. From these results, policy implications are suggested for sustainable tourism development for Vinh Cuu district and localities with similar conditions.

GIỚI THIỆU

Phát triển bền vững đã được thảo luận rộng rãi trong du lịch vì nó đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, mang lại cơ hội tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân cũng như cơ hội cho tương lai thông qua việc cùng tồn tại phát triển du lịch và chất lượng môi trường 1 . Tuy đã có khá nhiều nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng đến du lịch bền vững nhưng có bao nhiêu yếu tố vẫn là một vấn đề tranh luận, trong đó có Việt Nam. Ví dụ như 12 yếu tố cho tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu 2 , 11 yếu tố cho khu vực Duyên hải Nam Trung bộ 3 , 6 yếu tố cho du lịch sinh thái tại Cà Mau 4 ; 8 yếu tố cho các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên 5 . Cho dù các nghiên cứu đã xem xét các yếu tố ở các phạm vi và khía cạnh khác nhau nhưng còn rất ít nghiên cứu xem xét vai trò tham gia của cộng đồng dân cư địa phương trong việc phát triển du lịch bền vững. Thêm nữa, cuộc CMCN đã và đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến hoạt động du lịch. Nó làm thay đổi hành vi của khách du lịch và ảnh hưởng đến các hoạt động của các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch. Tuy nhiên cho đến nay vẫn còn thiếu các nghiên cứu xem xét ảnh hưởng của CMCN đến việc phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, chủ đề này vẫn rất đáng được tiếp tục nghiên cứu và nó là những động lực để các tác giả thực hiện nghiên cứu này với bối cảnh của huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai.

Vĩnh Cửu là một huyện nằm ở phía tây bắc tỉnh Đồng Nai và có nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Trên địa bàn huyện có nhiều địa điểm cho du lịch sinh thái như: Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu lưu trữ sinh quyển thế giới, khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường trên lòng hồ Trị An, khu di tích lịch sử chiến khu Đ, làng bưởi Tân Triều... Mặc dù vậy hoạt động du lịch của huyện vẫn chưa xứng với tiềm năng và đang được chính quyền địa phương rất quan tâm, đặc biệt theo hướng bền vững để đảm bảo vừa phát triển kinh tế, vừa bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát huy được tham gia của cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế xã hội cho cộng đồng.

Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu chính này là xem xét tác động của các yếu tố then chốt đến phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh của huyện Vĩnh Cửu. Các yếu tố then chốt là những yếu tố có tính quyết định, trong nghiên cứu này nó bao gồm các yếu tố thuộc về các hạ tầng du lịch, hoạt động bảo vệ môi trường trong du lịch và sự tham gia của công đồng dân cư vào các hoạt động du lịch, cũng như vai trò điều tiết của CMCN đến các tác động của những yếu tố này. Bài viết sẽ đóng góp những hiểu biết hữu ích về vai trò của các yếu tố then chốt đến việc phát triển du lịch bền vững cũng như những hàm ý chính sách cho huyện Vĩnh Cửu và các địa phương có điều kiện tương đồng.

Trong phần tiếp theo, bài báo trình bày cơ sở lý thuyết và các giả thuyết nghiên cứu. Thiết kế nghiên cứu với việc xây dựng thang đo, mẫu và dữ liệu nghiên cứu được tóm tắt ở phần Phương pháp nghiên cứu . Sau đó, những kết quả và thảo luận kết quả nghiên cứu được báo cáo trong phần Kết quả và Thảo luận . Cuối cùng, phần Kết luận và hàm ý tóm tắt những kết quả nghiên cứu chính, những hàm ý từ kết quả nghiên cứu và những hạn chế của nghiên cứu.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ GIẢ THUYẾT

Phát triển du lịch bền vững

Du lịch bền vững là sự phát triển của các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa, đồng thời quan tâm đến việc bảo tồn và cải thiện các nguồn lực để phát triển các hoạt động du lịch trong tương lai 6 . Do vậy phát triển du lịch bền vững có nghĩa là phải có kế hoạch quản lý tài nguyên nhằm thỏa mãn các nhu cầu kinh tế, xã hội và thẩm mỹ của con người đồng thời duy trì tính toàn vẹn về văn hóa, đa dạng sinh học và các hệ thống hỗ trợ sự sống cũng như các quá trình sinh thái thiết yếu. Dựa trên các đề xuất của Nguyễn và cộng sự 2 và của Tuấn & Rajagopal 7 , phát triển du lịch bền vững trong nghiên cứu này được xem xét ở các khía cạnh như lợi ích xã hội, môi trường, kinh tế, công nghệ, thể chế và chính sách.

Hạ tầng du lịch

Hạ tầng du lịch có thể được hiểu theo nghiều phạm vi khác nhau. Theo nghĩa rộng, nó bao gồm tất cả những phương tiện và dịch vụ mà khách du lịch sử dụng trong chuyến du lịch của họ 8 . Còn ở phạm vi hẹp hơn, nó chỉ bao gồm các cơ sở và dịch vụ được thực hiện tại một địa phương để phục vụ các mục đích du lịch cụ thể 9 . Lý thuyết đã cung cấp các quan điểm khác nhau về số lượng và thành phần đại diện cho hạ tầng du lịch. Theo Diễn đàn Du lịch & vận tải 10 , hạ tầng du lịch chủ yếu gồm chuỗi cung ứng của cơ sở hạ tầng giao thông, xã hội và môi trường kết hợp với nhau để tạo ra một điểm đến du lịch hấp dẫn. Trên cơ sở các lý thuyết về hạ tầng du lịch, bốn thành phần của hạ tầng du lịch được đề xuất trong nghiên cứu này gồm: 1) các cơ sở hạ tầng cơ bản (giao thông, điện, nước); 2) các cơ sở lưu trú, ăn uống; 3) các cơ sở tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm; 4) các dịch vụ hỗ trợ (thông tin, liên lạc; rút, đổi tiền; chăm sóc sức khỏe; an ninh, trật tự…).

Hạ tầng du lịch có vai trò quan trọng trong việc thu hút khách du lịch 11 . Hơn nữa, hạ tầng du lịch phù hợp làm tăng cạnh tranh và thúc đẩy du lịch bằng cách cung cấp các tiện ích đi lại cho khách du lịch 12 . Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng các thành phần hoặc các yếu tố có liên quan của hạ tầng du lịch có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững 2 , 3 , 5 . Dựa trên những nền tảng này, giả thuyết đầu tiên được đề xuất:

H 1 : Các hạ tầng du lịch có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững .

Bảo vệ môi trường trong du lịch

Môi trường trong du lịch được coi là tập hợp các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân tạo có mối quan hệ tương quan và hỗ trợ nhau 13 . Vì vậy, bảo vệ môi trường trong du lịch được hiểu là những vấn đề liên quan đến bảo vệ tài nguyên du lịch, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn và môi trường tự nhiên. Phát triển du lịch bền vững cần có sự quan tâm đồng đều các khía cạnh và phải quan tâm đến mối quan hệ giữa du lịch và môi trường, đặc biệt ở nông thôn. Theo đó, phát triển du lịch bền vững cần phải bảo vệ môi trường sống, không gây ô nhiễm nguồn nước, đất, không khí, tiếng ồn. Nó cũng đảm bảo sự hài hòa cho môi trường sống của động vật, thực vật và con người.

Cùng với kinh tế và sức khỏe cộng đồng lâu dài, môi trường được xem là một trong ba khía cạnh của khái niệm phát triển bền vững 14 . Điều này có nghĩa là bảo vệ môi trường trong du lịch góp phần phát triển du lịch bền vững. Nhiều nghiên cứu thực nghiệm đã cho thấy các khía cạnh của bảo vệ môi trường có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững trong các bối cảnh khác nhau 2 , 3 , 4 . Vì vậy, giả thuyết tiếp theo được đề xuất:

H 2 : Các hoạt động bảo vệ môi trường trong du lịch có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững .

Sự tham gia của cộng đồng dân cư

Sự tham gia, hỗ trợ của cư dân đối với sự phát triển du lịch được xuất phát từ lý thuyết trao đổi xã hội 15 . Dựa trên lý thuyết này, nếu các cư dân địa phương nhận thấy rằng họ có khả năng hưởng lợi từ các hoạt động trao đổi đó mà không phải chịu chi phí không thể chấp nhận được thì họ có khả năng hỗ trợ và tham gia phát triển du lịch tại địa phương. Ngược lại, nếu họ cho rằng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng sẽ gánh chịu nhiều chi phí hơn là lợi ích, thì họ có khả năng phản đối sự phát triển này 16 . Lee 15 đã đề xuất các khía cạnh có thể xem xét mức độ tham gia của cộng đồng dân cư vào du lịch bền vững bao gồm sự ủng hộ sáng kiến, tham gia vào các kế hoạch, cũng như các hoạt động du lịch, giao lưu văn hóa với khách du lịch và thúc đẩy giáo dục, bảo tồn môi trường. Thêm nữa, Nunkoo & Ramkissoon 17 nhấn mạnh rằng sự tham gia của cộng đồng dân cư còn liên quan bởi sự hài lòng của họ đối với sự phát triển du lịch bền vững mang lại.

Các nghiên cứu thực nghiệm đã chỉ ra rằng phát triển du lịch dựa vào cộng đồng đã trở thành một công cụ quan trọng để quản lý và phát triển du lịch bền vững 18 , 19 ; sự gắn bó và tham gia của cộng đồng dân cư vào hoạt động du lịch là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững 15 . Do đó, giả thuyết thứ ba được đề xuất:

H 3 : Sự hưởng ứng tham gia của cộng đồng dân cư có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững .

Ảnh hưởng của CMCN đến hoạt động du lịch

Được nảy nở từ cuộc cách mạng lần ba, CMCN kết hợp các công nghệ lại với nhau, làm mờ ranh giới giữa vật lý, kỹ thuật số và sinh học 20 . Nhờ vậy, hoạt động du lịch trở nên thông minh để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch. Ảnh hưởng của CMCN đến hoạt động du lịch là rất đa dạng như làm thay đổi hành vi lựa chọn hình thức chuyến đi của khách du lịch, giúp việc di chuyển và du lịch trở nên dễ dàng và thú vị hơn, giúp các nhà cung cấp dịch vụ du lịch áp dụng các kiến thức và công nghệ mới để nâng cao năng suất lao động, tạo sản phẩm có nhiều giá trị gia tăng hơn cho khách du lịch. Những điều này có thể có ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa các yếu tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững. Vì vậy, giả thuyết cuối cùng được đề xuất:

H 4 : Ảnh hưởng của CMCN đến hoạt động du lịch có vai trò điều tiết tích cực trong tác động của các yếu tố then chốt đến phát triển du lịch bền vững .

Giả thuyết này được cụ thể thành ba giả thuyết con là H 4a , H 4b , H 4c lần lượt cho các tác động của hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường trong du lịch và sự tham gia của cộng đồng dân cư đến phát triển du lịch bền vững. Ba khía cạnh được xem xét ảnh hưởng của CMCN đến hoạt động du lịch trong nghiên cứu này gồm: 1) marketing du lịch; 2) kinh doanh các dịch vụ du lịch; và 3) đào tạo nguồn nhân lực du lịch.

Figure 1 dưới đây biểu diễn mô hình nghiên cứu được hình thành từ các giả thuyết đề xuất.

Figure 1 . Mô hình nghiên cứu

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Thang đo

Đầu tiên, các thang đo được kế thừa từ các nghiên cứu liên quan đến chủ đề nghiên cứu và bổ sung một số biến trong bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch 21 . Sau đó, chúng được lấy ý kiến của 12 đối tượng gồm 1 chuyên gia là lãnh đạo sở du lịch TP Hồ Chí Minh; 7 nhà khoa học ở các trường đại học, cao đẳng có ngành đào tạo ngành liên quan trực tiếp đến du lịch ở khu vực Đông Nam Bộ; 2 cán bộ quản lý liên quan đến du lịch ở huyện Vĩnh Cửu và 2 chuyên gia của doanh nghiệp lữ hành. Sau khi lấy ý kiến, thang đo cho 10 khái niệm liên quan đến 5 yếu tố nghiên cứu gồm 57 biến quan sát và được trình bày ở Table 7 . Bảng khảo sát được phát triển từ các biến quan sát thành các phát biểu và được đo bằng thang đo Likert 5 điểm, với 5 là rất đồng ý và 1 là rất không đồng ý.

Dữ liệu

Dữ liệu được lấy từ kết quả khảo sát trong đề tài “Phát triển du lịch bền vững cho huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai trong bối cảnh hiện nay”. Đối tượng khảo sát là đại diện cho các tổ chức và các cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch tại huyện Vĩnh Cửu. Việc chọn đối tượng này vừa đảm bảo trả lời được các câu hỏi, vừa đảm bảo tính ổn định nhất định sau COVID-19. Mẫu được chọn theo phương pháp phán đoán và được tập trung ở các khu vực có nhiều điểm du lịch như thị trấn Vĩnh An và các xã Mã Đà, Tân Bình, Hiếu Liêm. Việc khảo sát được thực hiện trực tiếp đến 158 đối tượng trong giai đoạn hè năm 2022. Sau khi làm sạch dữ liệu, mẫu còn 157 bản và được tóm tắt tại Table 1 bằng phần mềm SPSS/IBM 25. Sau đó, dữ liệu được chuyển sang phần mềm Smart-PLS 3.0 để phân tích. Việc sử dụng phần mềm này là để phù hợp với cỡ mẫu nhỏ và nhằm khám phá các mối quan hệ.

Table 1 Tóm tắt mẫu

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Đánh giá thang đo

Thang đo được đánh giá qua hai giai đoạn, giai đoạn 1 đánh giá thang đo bậc 2 và giai đoạn 2 đánh giá thang đo bậc 1 sau khi đã chuyển thang đo bậc 2 về bậc 1. Trong giai đoạn 1, các thang đo được vào mô hình tổng thể để đánh giá chất lượng các biến. Kết quả là các biến CSHT3, CSTQ4 và DVHT5 bị loại do hệ số tải ngoài nhỏ hơn 0,7. Hệ số tải ngoài sau khi loại các biến này được báo cáo tại Table 7 . Table 2 tóm tắt các tiêu chí đánh giá độ tin cậy và giá trị hội tụ của các thang đo bậc 2.

Table 2 Độ tin cậy, giá trị hội tụ thang đo bậc 2

Theo Table 2 , các thành phần của HTDL và CMCN đều cho hệ số Cronbach's Alpha và CR lớn hơn 0,7, AVE đều lớn hơn 0,5. Vì vậy các thang đo thành phần của HTDL và CMCN đều đảm bảo độ tin cậy và giá trị hội tụ 22 . Kết quả này cũng hỗ trợ cho sự phù hợp của việc sử dụng các thang đo bậc 2. Tiếp theo, Table 3 báo cáo các tỷ số HTMT của tất cả các thang đo và thành phần của nó. Theo đó, giá trị HTMT giữa các cặp biến thành phần hoặc thang đo đều nhỏ hơn 0,85 nên chúng đảm bảo tính phân biệt 22 .

Table 3 Tỷ số Heterotrait-Monotrait (HTMT)

Trong giai đoạn 2, các biến của thang đo bậc 2 chuyển sang bậc 1 đều cho hệ số tải ngoài lớn hơn 0,7 (xem Table 7 ). Các chỉ số đánh giá độ tin cậy và tính hội tụ của thang đo bậc 1 được báo cáo trong Table 4 . Theo đó, các hệ số Cronbach's Alpha và CR đều lớn hơn 0,7, AVE đều lớn hơn 0,5 nên các thang đo bậc 1 đều đảm bảo độ tin cậy và giá trị hội tụ 22 .

Table 4 Độ tin cậy, giá trị hội tụ thang đo bậc 1

Kết quả phân tích cho hệ số VIF bên trong của các thang đo cho giá trị từ 1,314 đến 2,770, nhỏ hơn 3 nên không có hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến tiềm ẩn 23 . Hệ số R 2 hiệu chỉnh của mô hình là 0,517 cho thấy các yếu tố nghiên cứu giải thích được 51,7% sự biến thiến của phát triển du lịch bền vững. Các giá trị thống kê này bổ sung thêm tính phù hợp của mô hình ước lượng. Kết quả đánh giá các thang đo cho thấy các biến được lựa chọn cuối cùng của các thang đo đều đảm bảo yêu cầu và chúng được đưa vào phân tích cấu trúc.

Kiểm định các giả thuyết

Các giả thuyết được kiểm định trong mô hình cấu trúc sau khi chuyển biến bậc 2 thành biến bậc 1. Kết quả ước lượng các mối tác động bằng boostrap với mẫu 1.000 được báo cáo tại Figure 2Table 5 . Theo đó giá trị p đều nhỏ hơn 5%, ngoại trừ tác động của CMCN đến DLBV. Các hệ số ước lượng đều có giá trị dương. Như vậy các giả thuyết từ H 1 , H 2 và H 3 được chấp nhận. Mặt khác, kết quả ước lượng không tìm thấy tác động có ý nghĩa của CMCN đến DLBV và nó cũng là cơ sở để kiểm tra vai trò điều tiết của CMCN trong tác động của HTDL, BVMT và CCDC đến DLBV

Figure 2 . Mô hình sau khi ước lượng cấu trúc tuyến tính (Nguồn: Kết quả phân tích dữ liệu)

Table 5 Kết quả ước lượng các tác động đến phát triển du lịch bền vững

Table 6 báo cáo ước lượng vai trò điều tiết của CMCN trong tác động của các yếu tố nghiên cứu đến phát triển du lịch bền vững. Theo đó chỉ có trường hợp vai trò điều tiết của CMCN trong tác động của HTDL đến DLBV có giá trị P < 10% (P= 0,075) nên có thể chấp nhận được. Hệ số tác động cụ thể là 0,124, hàm ý rằng ảnh hưởng của CMCN đến hoạt động du lịch tăng lên sẽ làm tăng sự tác động của hạ tầng du lịch đến phát triển du lịch bền vững (mức ý nghĩa 10%).

Table 6 Kết quả ước lượng vai trò điều tiết của CMCN 4.0

Thảo luận

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các hạ tầng du lịch, bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch và sự tham gia của cộng đồng dân cư là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại huyện Vĩnh Cửu. Trong đó, hạ tầng du lịch có tác động mạnh nhất, tiếp đến là sự tham gia của cộng đồng dân cư và cuối cùng là hoạt động bảo vệ môi trường trong du lịch. Nói một cách cụ thể hơn, khi tăng 1 đơn vị về các hạ tầng du lịch, hoặc về sự tham gia của cộng đồng dân cư, hoặc về các hoạt động bảo vệ môi trường trong du lịch thì hoạt động phát triển du lịch bền vững tại huyện Vĩnh Cửu tăng lần lượt là 0,378, 0,230 và 0,219 đơn vị. Kết quả này là cơ sở quan trọng để đề ra những hàm ý phát triển du lịch bền vững cho huyện Vĩnh Cửu. Vai trò quan trọng nhất của hạ tầng du lịch có thể giải thích bởi chúng là những yếu tố trực tiếp quan trọng cho hoạt động du lịch.

Vai trò của hạ tầng du lịch và bảo vệ môi trường đối với phát triển du lịch bền vững từ nghiên cứu này được xem là phù hợp với nghiên cứu của Vũ và cộng sự 2 và Nguyễn và cộng sự 3 chỉ ra các yếu tố liên quan đến hạ tầng du lịch như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, nhà hàng khách sạn, các cơ sở tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm, vệ sinh công cộng, và những khía cạnh của môi trường có tác động tích cực đến phát triển du lịch bền vững. Thêm nữa, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư đối với phát triển du lịch bền vững cũng ủng hộ mô hình hỗ trợ của cộng đồng cho du lịch của Nunkoo & Ramkissoon 17 , cũng như kết luận của Lee 15 rằng sự gắn bó và sự tham gia của cộng đồng là những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững.

Sự khác biệt cơ bản của nghiên cứu này so với một số nghiên cứu trước đây thể hiện ở việc phân loại hạ tầng du lịch thành bốn thành phần và sử dụng thang đo bậc 2 để ước lượng vai trò của hạ tầng du lịch đối với phát triển du lịch bền vững bằng công cụ Smart-PLS. Các hệ số ước lượng cụ thể của các yếu tố thể hiện vai trò của chúng đối với phát triển du lịch bền vững là biểu hiện cụ thể trong điều kiện của huyện Vĩnh Cửu. Thêm nữa, một điểm khác biệt quan trọng của nghiên cứu này là đã xem xét ảnh hưởng của CMCN trong tác động của các yếu tố then chốt đến việc phát triển du lịch bền vững. Việc chỉ tìm thấy vai trò điều tiết của CMCN trong tác động của hạ tầng du lịch đến phát triển du lịch bền vững là thể hiện trong bối cảnh của huyện Vĩnh Cửu. Do vậy, xem xét vai trò điều tiết của CMCN trong các mối quan hệ của các yếu tố với phát triển du lịch bền vững ở các bối cảnh khác nhau vẫn sẽ là một vấn đề thú vị.

Cuối cùng, kết quả nghiên cứu cho thấy các yếu tố được nghiên cứu mới giải thích được 51,7% sự biến thiên của phát triển du lịch bền vững. Điều này hàm ý rằng ngoài các yếu tố được nghiên cứu vẫn còn có những yếu tố khác chưa được xem xét. Vì vậy ngoài việc chú trọng đến các yếu tố này, để phát triển du lịch bền vững, các nhà hoạch định chính sách và quản lý ở huyện Vĩnh Cửu cần phải xem xét thêm các yếu tố khác.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý

Xem xét vai trò của các yếu tố then chốt đối với phát triển du lịch bền vững cho huyện Vĩnh Cửu là một vấn đề có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn vì nó cung cấp thêm những hiểu biết về vai trò của chúng trong các bối cảnh của huyện Vĩnh Cửu, làm cơ sở đề xuất các chính sách phát triển cho hoạt động du lịch. Từ việc xây dựng các giả thuyết, phát triển thang đo, khảo sát và phân tích dữ liệu, nghiên cứu này đánh giá thang đo cho các khái niệm nghiên cứu và kiểm định các giả thuyết. Theo đó, hạ tầng du lịch gồm bốn thành phần cơ bản với 21 biến quan sát; CMCN ảnh hưởng đến ba khía cạnh trong hoạt động du lịch gồm 15 biến quan sát; số biến quan sát cho các yếu tố bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch, sự tham gia của cộng đồng dân cư và phát triển du lịch bền vững lần lượt là 7, 6 và 5. Nghiên cứu này đã xác nhận các hạ tầng du lịch, sự tham gia của cộng đồng dân cư và bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch là những yếu tố then chốt trong việc phát triển du lịch bền vững cho huyện Vĩnh Cửu. Thêm nữa, CMCN có ảnh hưởng tích cực trong tác động của hạ tầng du lịch đến phát triển du lịch bền vững.

Những kết quả từ nghiên cứu này hàm ý rằng để phát triển du lịch bền vững, các nhà quản lý và chính quyền ở huyện Vĩnh Cửu cần chú trọng phát triển các hạ tầng du lịch như hệ thống giao thông, thông tin liên lạc, điện nước; các cơ sở lưu trú, ăn uống, ẩm thực; các sở sở tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm và các dịch vụ hỗ trợ khác. Bên cạnh đó, họ cần phải khuyến khích, thu hút sự ủng hộ và tham gia của cộng đồng dân cư địa phương vào các hoạt động du lịch. Thêm nữa, họ cần phải tuyên truyền và có các chính sách để bảo tồn, cải tạo nguồn tài nguyên và môi trường trong hoạt động du lịch. Cuối cùng các nhà hoạch định chính sách và các tố chức, cá nhân cung cấp dịch vụ du lịch cần ứng dụng những thành quả của CMCN, đẩy mạnh công nghệ số trong hoạt động du lịch để phát triển du lịch lịch bền vững.

Mặc đã thu được những kết quả có giá trị nhưng vẫn có thể còn có những yếu tố khác ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững chưa được xem xét trong nghiên cứu này. Vì vậy, chủ đề này vẫn được xem là thú vị khi mở rộng thêm các yếu tố và nghiên cứu thực nghiệm ở các bối cảnh khác nhau.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BVMT: Bảo vệ môi trường trong hoạt động du lịch

CDDC: Tham gia của cộng đồng dân cư

CMCN: Cách mạng công nghiệp 4.0

CSHT Cơ sở hạ tầng cơ bản

CSTQ: Cơ sở tham quan, vui chơi, giải trí, mua sắm

DLBV: Phát triển du lịch bền vững

DTNL: Đào tạo nguồn nhân lực du lịch

DVHT: Dịch vụ hỗ trợ

HTDL: Hạ tầng du lịch

KDDV: Kinh doanh dịch vụ du lịch

LTAT: Cơ sở lưu trú, ẩm thực

SEM: Mô hình cấu trúc tuyến tính

UNESCO: Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Hải Quang chịu trách nhiệm chính về nội dung toàn bài báo nghiên cứu. Tác giả Nguyễn Hải Quang: Xây dựng các giả thuyết, xử lý dữ liệu và viết kết quả nghiên cứu. Các tác giả Nguyễn Minh Thoại, Lê Thị Hà My, Nguyễn Thị Hồng Gấm và Nguyễn Thị Yến: Tổng quan lý thuyết, thực hiện khảo sát và thu thập dữ liệu.

Phụ lục 1

Table 7

Table 7 Thang đo

Ghi chú: Các biến được điều chỉnh từ lấy ý kiến từ các đối tượng: LTAT1 và LTAT2 được phát triển từ “các khu lưu trú”, LTAT3 và LTAT4 được phát triển từ “hệ thống nhà hàng” của Dalimunthe và cộng sự 24 ; BVMT2, BVMT3, BVMT4 và BVMT5 được cụ thể từ “mức độ ô nhiễm (nước, âm thanh, đất và không khí)” của Asmelash & Kumar 26 ; * được bổ sung từ việc lấy ý kiến của các đối tượng .

References

  1. Eagles PFJ, McCool, SF, Haynes, CF. Sustainable tourism in protected areas: guidelines for planning and management. Gland, Switzerland: International Union for Conservation of Nature; 2002. . ;:. Google Scholar
  2. Vu DV, Tran GN, Nguyen HTT, Nguyen CV. Factors affecting sustainable tourism development in Ba Ria-Vung tau, Vietnam. J Asian Fin Econ Bus. 2020;7(9):561-72. . ;:. Google Scholar
  3. Nguyen CD, Ngo TL, Do NM, Nguyen NT. Key factors affecting sustainable tourism in the region of South Central Coast of Vietnam. J Asian Fin Econ Bus. 2020;7(12):977-93. . ;:. Google Scholar
  4. Hoàng NP. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự phát triển du lịch sinh thái bền vững tỉnh Cà Mau. Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Cần Thơ. 2020;56(2):185-94. . ;:. Google Scholar
  5. Trương TT. Các nhân tố ảnh hưởng đến phát triển du lịch bền vững tại các điểm du lịch ở thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang 2020. Tạp Chí Khoa Học Trường Đại Học Cần Thơ;56(3):184-93. . ;:. Google Scholar
  6. World Tourism Organization (UNWTO). Sustainable tourism for development guidebook: enhancing capacities for sustainable tourism for development in developing countries. Madrid; 2013. . ;:. Google Scholar
  7. Vuong TK, Rajagopal P. Analyzing factors affecting tourism sustainable development towards Vietnam in the new era 2019. Eur J Bus Innov Res;7(1):30-42. . ;:. Google Scholar
  8. Lohmann G, Netto AP. Tourism theory concepts, models and systems. Oxfordshire: CABI Publishing; 2017. . ;:. Google Scholar
  9. Goeldner CR, Ritchie JR. Tourism: principles, practices, philosophies. 11th ed. NJ, NJ: John Wiley & Sons; 2009. . ;:. Google Scholar
  10. Tourism & Transport Forum. Tourism Infrastructure Policy and Priorities; 2012. . ;:. Google Scholar
  11. Nguyen QH. Impact of investment in tourism infrastructure development on attracting international visitors: A nonlinear panel ARDL approach using Vietnam's data. Economies;9(3):131. . ;:. Google Scholar
  12. Najat NS, Masoud MA. Dynamic relationship between tourism, trade, infrastructure and economic growth: empirical evidence from Malaysia. J Afr Stud Dev. 2014;6(3):49-55. . ;:. Google Scholar
  13. Mrkša M, Gajić T. Opportunities for sustainable development of rural tourism in the municipality of Vrbas. Ekon Polj. 2014;61(1):163-75. . ;:. Google Scholar
  14. Vehbi B. In: Kasimoglu M, editor. A model for assessing the level of tourism impacts and sustainability of coastal cities, Strategies for tourism industry - Micro and Macro perspectives; 2012. . ;:. Google Scholar
  15. Lee TH. Influence analysis of community resident support for sustainable tourism development. Tourism Manag. 2013;34:37-46. . ;:. Google Scholar
  16. Gursoy D, Jurowski C, Uysal M. Resident attitudes. Ann Tourism Res. 2002;29(1):79-105. . ;:. Google Scholar
  17. Nunkoo R, Ramkissoon H. Developing a community support model for tourism. Ann Tourism Res. 2011;38(3):964-88. . ;:. Google Scholar
  18. Sebele LS. Community-based tourism ventures, benefits and challenges: Khama Rhino Sanctuary Trust, Central District, Botswana. Tourism Manag. 2010;31(1):136-46. . ;:. Google Scholar
  19. Taylor G. The community approach: does it really work? Tourism Manag. 1995;16(7):487-9. . ;:. Google Scholar
  20. Schwab K. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Hà Nội NXB Chính Trị Quốc Sự Thật. 2018. . ;:. Google Scholar
  21. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch. Quyết định 4640/QĐ-BVHTTDL ngày 28 tháng 12 năm 2016 về việc ban hành bộ tiêu chí đánh giá điểm đến du lịch. . ;:. Google Scholar
  22. Hair JF, Black WC, Babin BJ, Anderson RE. Multivariate data analysis. 7th ed. Upper Saddle River, NJ: Prentice Hall; 2010. . ;:. Google Scholar
  23. Hair JF, Risher JJ, Sarstedt M, Ringle CM. When to use and how to report the results of PLS-SEM. Eur Bus Rev. 2019;31(1):2-24. . ;:. Google Scholar
  24. Dalimunthe DY, Valeriani D, Hartini F, Wardhani RS. The readiness of supporting infrastructure for tourism destination in achieving sustainable tourism development. Society. 2020;8(1):217-33. . ;:. Google Scholar
  25. Vrtech. Du lịch 4.0 cơ hội bứt phá trong cuộc chuyển đổi số 2021. . ;:. Google Scholar
  26. Asmelash AG, Kumar S. Assessing progress of tourism sustainability: developing and validating sustainability indicators. Tourism Manag. 2019;71:67-83. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2023)
Page No.: 4032-4043
Published: Mar 31, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i1.1146

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Quang, N., Nguyễn, T., Lê, M., Nguyễn, G., & Nguyễn, Y. (2023). The role of key factors for sustainable tourism development: A case study of Vinh Cuu district, Dong Nai province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(1), 4032-4043. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i1.1146

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1578 times
PDF   = 542 times
XML   = 0 times
Total   = 542 times