Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

776

Total

339

Share

State management of rural electricity in Phu Tho province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Electricity is an essential factor for the swift development of a country’s socio-economic status. For rural areas, electricity plays an even more important role in changing the face of rural areas, helping to gradually narrow the gap between rural and urban areas. This study uses both primary and secondary data collection methods. The primary data comes from a survey of 50 managers and employees of the Phu Tho Electricity company. The secondary data comes from a survey of 120 households in the province that use electricity. Research findings suggest that the management of rural electricity prices has been completed, including the establishment of a price bracket to control and limit abnormal price increases (the price bracket for the average retail electricity price ranges from 1,490 VND/Kwh to 1,582 VND/Kwh); gradually implementing advanced types of rural power management, such as rural cooperatives, etc. However, there are existing barriers to the state's management of rural electricity in Phu Tho province. These include the province's wide area, the traversal of power lines across hilly terrain with numerous trees and other obstacles, and the fact that the landscape shifts shape every time it rains, floods, or is hit by a tornado. In instance, the energy service cooperatives that oversee the rural low-voltage grid have not invested in upgrades in many years. As a result, electrical service continues to deteriorate. The purpose of this research is to examine the power structure of state management of rural power in the province. Therefore, this paper recommends and discusses potential options to strengthen the role of state management of rural power in Phu Tho province in the future.

Đặt vấn đề

Điện năng là một trong những yếu tố quyết định đến tốc độ phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là thời kỳ công nghiệp hoá- hiện đại hoá đất nước. Trong định hướng chiến lược phát triển kinh tế– xã hội qua các thời kỳ đều xác định điện, đường, trường, trạm,… là những hạ tầng thiết yếu cần đầu tư. Theo Bộ Công Thương, tính đến 31.12.2020, tại khu vực nông thôn, tỷ lệ số hộ dân được sử dụng điện đạt 99,26%; chỉ còn khoảng 0,74% số hộ dân nông thôn chưa được tiếp cận điện.Thêm vào đó, Điện lực Việt Nam đã thành công trong việc đã cung cấp và quản lý bán điện tới 11/12 huyện đảo, 82/85 xã đảo với tổng vốn đầu tư hơn 7.900 tỷ đồng. Giai đoạn 2021-2025, Điện lực Việt Nam xây dựng mục tiêu cấp điện cho hầu hết số hộ dân nông thôn để đạt tiêu chí số 4 về điện (nông thôn mới). Cấp điện lưới quốc gia hoặc các nguồn điện năng lượng tái tạo cho khoảng 871.263 hộ dân (trong đó, khoảng 153.911 hộ dân chưa có điện, 717.352 hộ dân có điện nhưng cấp điện không ổn định) 1 . Điện về nông thôn đã tạo tiền đề phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của nhân dân, góp phần thay đổi cơ cấu cây trồng, thay đổi tập quán và quy mô canh tác, tăng vụ, tăng sản lượng các sản phẩm nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu và phát triển kinh tế các địa phương, đồng thời tăng thu nhập cho các hộ dân nông thôn.

Phú Thọ là tỉnh nằm ở vùng Trung du và miền núi phía Bắc, địa hình bị chia cắt, tỷ lệ dân số sống ở khu vực nông thôn chiếm khoảng 80%, sinh kế của người dẫn vẫn phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất nông nghiệp 2 . Nhiều xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa của tỉnh, giao thông đi lại rất khó khăn, nhất là vào mùa mưa. Trong những năm qua, hệ thống lưới điện do Công ty Điện lực Phú Thọ quản lý đã được cải tạo, nâng cấp và phát triển, từ chỗ cũ nát, manh mún, rời rạc thành một hệ thống lưới điện thống nhất, tin cậy.

Thống kê đến 01/7/2020, 100% số xã trong toàn tỉnh đã có điện lưới quốc gia. Tổng số thôn, khu có điện là 2.052 thôn, khu bằng 100%, trong đó số thôn, khu có điện lưới quốc gia là 2.041 thôn, khu chiếm tỷ lệ 99,46%. Ngoài ra, tổng số hộ sử dụng điện là 328.482 hộ, chiếm tỷ lệ 99,98% tổng số hộ khu vực nông thôn, so với năm 2016 số hộ sử dụng điện ở nông thôn tăng 18.157 hộ (tăng 5,85%) 3 . Tuy nhiên, công tác quản lý cũng như đầu tư và cải tạo lưới điện do không có nghiệp vụ và kinh phí, các tồn tại trên lưới điện, thực hiện gia cố và thay thế các vị trí cột có nguy cơ gây ra sự cố, kiểm tra và nâng cao độ võng đảm bảo tiêu chuẩn về khoảng cách an toàn đối với các đường dây vượt sông, vượt đường giao thông; cải tạo, nâng cấp hệ thống chống sét của lưới điện; công tác thu nộp tiền điện còn chậm và nợ đọng.

Nhiên cứu này được thực hiện với 3 mục tiêu chính: (1) Một số vấn đề QLNN về điện nông thôn ở Việt Nam; (2) Phân tích thực trạng về điện Nông thôn và QLNN về điện Nông thôn trong giai đoạn 2019-2021, trong đó chủ yếu tập trung phân tích dữ liệu thứ cấp, dữ liệu sơ cấp được sử dụng để bổ trợ thêm cho kết quả phân tích từ dữ liệu thứ cấp; (3) Đề xuất một số nội dung QLNN về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Một số vấn đề QLNN về điện nông thôn ở Việt Nam

Quan điểm của Nhà nước về phát triển điện Nông thôn

Chủ trương phát triển hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn của Đảng được xác định từ Hội nghị TƯ khóa VII (tháng 6 năm 1996). Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4-2006), và cho đến nay Đảng ta đều xác định hiện đại hóa đất nước mà trong đó hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn là quan trọng, không thể hiện đại hóa quốc gia nếu không hiện đại hóa nông thôn.

Xuất phát từ Quyết định số 22/1999/QĐ - TTg ngày 13/02/1999 của Thủ Tưởng Chính phủ về việc “Phê duyệt đề án Điện nông thôn” với mục tiêu đưa điện tất cả các tỉnh, huyện trong cả nước 4 . Phấn đấu để 80% số xã, trong đó có 60% số hộ nông dân có điện sinh hoạt và sản xuất, nhằm nâng cao đời sống vật chất tinh thần, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở nông thôn trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Đồng thời dựa trên Quyết định số 95/2001/QĐ - TTg ngày 22/06/2001của Thủ Tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020 5 .

Trong mục tiêu của chương trình “Cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2013-2020” theo Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 6 của Chính phủ và Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 7 , có một số nội dung cụ thể như sau: Tỷ lệ hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn đối với xã nông thôn mới phải đạt mục tiêu: từ 99% trở lên đối với vùng đồng bằng Sông Hồng và Đông Nam bộ; từ 95% trở lên đối với vùng trung du và miền núi phía Bắc và 98% trở lên đối với vùng Bắc Trung Bộ, Duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.

Do vậy, có thể thấy rằng vấn đề điện khí hóa nông thôn Việt Nam luôn được sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, là một trong những nguồn năng lượng quan trọng để có đời sống văn hóa tiên tiến, chuyển đổi kinh tế khu vực nông thôn từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa. Phương châm Nhà nước và nhân dân, Trung ương và Địa phương cùng làm đã huy động được nguồn lực vô cùng to lớn của cả xã hội để tập trung đầu tư cho sự nghiệp điện khí hóa nông thôn ngay cả khi dân ta còn nghèo.

Quản lý Nhà nước về điện Nông thôn

Trong những năm qua, vấn đề QLNN về điện Nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các nội dung về QLNN về điện Nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quản lý nói chung hoặc lồng ghép vào các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành như Nghị định số 137/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010; Quyết định số 6286/QĐ-BCT ngày 30/11/2011 của Bộ Công Thương có những nội dung cần chú ý sau:

Thứ nhất, xây dựng quy hoạch phát triển điện Nông thôn: lập quy hoạch điện cho một vùng, một địa phương nhằm xác định nhu cầu điện năng của địa phương đó trong thời gian kế hoạch và xác định các phương án cung cấp điện thông qua tính toán về mặt kinh tế - kỹ thuật, lựa chọn phương án cung cấp tối ưu.

Thứ hai, xây dựng và ban hành các văn bản pháp lý quản lý điện nông thôn: Đây là một nội dung quan trọng nhằm tạo ra hành lang pháp lý cho các hoạt động tổ chức kinh tế bán điện ở nông thôn. Hệ thống văn bản này tập trung vào một số nội dung như: Điều tiết hoạt động điện lực; Các nguyên tắc, tiêu chuẩn trong kinh doanh mua bán điện, đảm bảo ngăn ngừa việc phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh điện;…

Thứ ba, quản lý vận hành, phân phối, sử dụng hệ thống điện nông thôn: Đảm bảo các yêu cầu về chất lượng điện, đòi hỏi trong việc chỉ huy sản xuất và trong sản xuất, vận hành hệ thống điện lực, cần phải chủ động điều chỉnh công xuất phát ra của nguồn điện, hay điều chỉnh đóng thêm hoặc cắt bớt tải phụ sử dụng điện để đảm bảo ổn định tần số, và điện áp trong phạm vi cho phép

Thứ tư, quản lý giá bán điện nông thôn: Lộ trình điều chỉnh giá điện đã phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, theo đó, Nhà nước tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng sử dụng điện là người nghèo, người có thu nhập thấp và các hộ sinh sống ở nông thôn, giá điện không còn được bao cấp tràn lan như trước đây mà được tính toán theo phương pháp luỹ tiến bậc thang, nhằm bù chéo giữa các hộ dùng nhiều và hộ dùng ít, đồng thời tăng cường tiết kiệm điện Quốc gia.

Thứ năm , thanh tra, kiểm tra hoạt động quản lý điện nông thôn: Đơn vị chủ trì được UBND tỉnh giao nhiệm vụ, căn cứ vào chức năng nhiệm vụ đã được pháp luật quy định. Việc thực hiện kiểm tra giám sát được thực hiện xuyên suốt trong quá trình cung ứng điện năng, các đoàn kiểm tra thực hiện kiểm tra, giám sát các vấn đề như: Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về hoạt động điện nông thôn và sử dụng điện; giải quyết các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động điện nông thôn và sử dụng điện nông thôn.

Các chỉ tiêu đánh giá kết quả và hiệu quả quản lý điện Nông thôn

Thứ nhất, tỷ lệ số xã, hộ được cấp điện (%): Tại các xã sẽ thực hiện việc cấp điện, chỉ tiêu về tỷ lệ số hộ được cấp điện lưới được xác định trên mục tiêu chung của toàn quốc và khả năng huy động vốn để thực hiện. Chỉ tiêu này cũng khác nhau đối với các xã có đặc điểm khác nhau, cụ thể là: Đối với vùng trung du miền núi phía Bắc; các xã theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP, tỷ lệ số hộ được cấp điện lưới trên địa bàn xã đạt từ 90% trở lên trong giai đoạn 2013-2030.

Thứ hai, mức độ đầu tư điện Nông thôn : được đánh giá qua 2 tiêu chí sau: (i) Tổng đầu tư cho điện Nông thôn/Tổng GDP của địa phương (%); (ii) Mức đầu tư bình quân cho điện Nông thôn/hộ gia đình (triệu đồng).

Thứ ba, Giá bán điện (đồng/Kwh): Quyết định 648/QĐ-BCT năm 2019 điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành 8 : Giá bán điện tiêu dùng sinh hoạt đến hộ dân nông thôn áp dụng cho các mô hình quản lý điện nông thôn do UBND tỉnh, thành phố chọn tùy theo đặc điểm, tình hình cụ thể của từng địa phương, các mô hình đó là: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, hợp tác xã dịch vụ, Ban điện xã và Điện lực các tỉnh, thành phố thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (gọi tắt là tổ chức quản lý điện nông thôn).

Thứ năm, tỷ lệ tổn thất điện năng: Tỷ lệ tổn thất điện năng là chỉ tiêu đặc thù của hoạt động vận hành và kinh doanh điện, trong quá trình truyền tải và phân phối điện sẽ có một lượng điện năng mất đi do các nguyên nhân khác nhau, bao gồm cả các nguyên nhân chủ quan và các nguyên nhân khách quan. Tổn thất điện năng được chia thành hai loại, tổn thất điện năng kỹ thuật và tổn thất điện năng thương mại.

Thứ sáu, doanh thu, lợi nhuận điện Nông thôn : Doanh thu trên một đồng chi phí; Chỉ tiêu doanh thu trên một đồng vốn kinh doanh; Tỷ suất lợi nhuận theo chi phí; Tỷ suất lợi nhuận theo vốn kinh doanh.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp, cụ thể: Số liệu thứ cấp thu được từ các báo cáo: Niên giám thống kê tại Chi cục Thống kê tỉnh Phú Thọ; các báo cáo kinh tế - xã hội tỉnh Phú Thọ; Báo cáo tổng kết về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Báo cáo về quy hình và phát triển Điện lực tỉnh Phú Thọ; Báo cáo hàng năm của Điện lực tỉnh Phú Thọ. Phương pháp lấy mẫu theo công thức tính cỡ mẫu của Taro Yamane (1967): n = N/1 + N(e)2. Do vậy, cỡ mẫu tối thiểu cho khảo sát là120 đối tượng đại diện hộ gia đình sử dụng điện nông thôn trên địa bàn tỉnh và 50 mẫu khảo sát hợp lệ từ các quản lý, nhân viên Công ty Điện lực Phú Thọ. Số liệu điều tra được thực hiện trong năm 2021 và các phiếu đều trả lời bằng giấy. Ngoài ra, nhóm tác giả tiến hành phỏng vấn sâu với 03 chuyên gia để thu thập ý kiến và giải pháp nâng cao hiệu quả QLNN về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và giải pháp nâng cao hiệu quả QLNN về điện nông thôn trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022-2025. Nội dung phiếu khảo sát tập trung vào việc đánh giá công tác QLNN về điện Nông thôn. Các nhận định, đánh giá được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ: 1-Hoàn toàn không đồng ý; 2-Không đồng ý; 3-Trung lập; 4-Đồng ý; 5-Hoàn toàn đồng ý.

Phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu: Thông tin sau khi thu thập được xử lý bằng phần mềm Excel và sử dụng các phương pháp phân tích như: Phương pháp thống kê mô tả để phân tích và đánh giá thực trạng QLNN về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ; Phương pháp so sánh để so sánh một số chỉ tiêu trong quản lý điện nông thôn như tỷ lệ số xã, hộ được cấp điện, mức tiêu thụ điện bình quân cho hộ gia đình giai đoạn 2019 - 2021.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thực trạng mạng lưới điện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Những năm gần đây, Công ty Điện lực Phú Thọ bố trí vốn đầu tư cả về nguồn điện lẫn lưới điện, trong đó nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành và đi vào vận hành như: 01 TBA 500kV trên địa bàn huyện Phù Ninh, 01 TBA 220kV tại khu vực huyện Thanh Ba, 03 TBA 110kV tại khu vực Đoan Hùng, Tam Nông và Thụy Vân, 247 km đường dây trung áp, 147 km đường dây hạ áp, 361 TBA nhỏ hơn khác với tổng dung lượng 109.650kVA… Tổng mức đầu tư trên địa bàn tỉnh từ năm 2016 tới nay đã đạt trên 3 nghìn tỷ đồng 9 . Ngoài ra, hệ thống lưới điện lưới điện 110kV với tổng số 17 đường dây, đảm bảo cung cấp điện cho phụ tải tỉnh Phú Thọ; Lưới trung áp bao gồm 87 xuất tuyến sau trạm 110kV và 27 xuất tuyến sau trung gian.

Đối với khu vực nông thôn và miền núi, 100% số xã và 99,01% số hộ trong toàn Tỉnh được sử dụng điện lưới với chất lượng an toàn, ổn định. Thực hiện Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020, Sở Công Thương tỉnh Phú Thọ đã đầu tư trên 200 tỷ đồng để xây dựng 24 TBA, 52km đường dây trung áp và 40 km đường dây hạ áp, đảm bảo cung cấp điện cho nhân dân 10 .

Những năm gần đây do nguồn điện được tăng cường nên điện thương phẩm ngày càng tăng. Tuy nhiên, đến năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid nên nhiều khách hàng sản xuất- kinh doanh gặp khó khăn trong khâu cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm nên tỷ lệ tăng trưởng thương phẩm của thành phần này rất thấp.

Table 1 Điện thương phẩm trên toàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2019 -2021 (Nguồn: Công ty Điện lực Phú Thọ 11 , 12 , 13 )

Dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng đến việc làm, thu nhập giảm dẫn đến người dân cũng đã tiết kiệm trong điện sinh hoạt nhiều hơn. Tuy nhiên sản lượng điện thương phẩm thực hiện vẫn cao hơn so với kế hoạch đặt ra ( Table 1 ).

Thực trạng quản lý điện nông thôn tại tỉnh Phú Thọ

Kết quả quản lý nhà nước về điện nông thôn then địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ nhất: tỷ lệ số xã, hộ được cấp điện

Tại Phú Thọ trong giai đoạn 2019 -2021, 100% số xã trên toàn tỉnh có điện lưới Quốc gia. Cụ thể: Năm 2019 có 253/253 xã có điện lưới quốc gia, trong đó số xã tiếp nhận lưới điện hạ áp thấp là 233 xã chiếm 93,95%. Năm 2020 có 248/248 xã có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100 % (có 05 xã đã nâng lên cấp phường); 345.131 hộ dân nông thôn/346.451 hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 99,62 %. Năm 2021 có 197 xã/197 xã (đơn vị theo xã mới) có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 100 %. Và 350.418 hộ dân nông thôn/351.430 hộ dân nông thôn có điện lưới quốc gia, đạt tỷ lệ 99,71 % 11 , 12 , 13 . Tổng số xã đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn trên toàn tỉnh Phú Thọ lên 186 xã trên tổng số 197 xã trên toàn tỉnh.

Thứ hai, mức tiêu thụ điện bình quân cho hộ gia đình

Mức tiêu thụ điện bình quân hộ gia đình nông thôn là một trong các tiêu chí thể hiện mức sống của người dân tăng lên, đó cũng là mục tiêu điện khí hóa nông nghiệp nông thôn, phát triển điện nông thôn mà UBND tỉnh Phú Thọ đề ra ( Table 2 ).

Table 2 Mức tiêu thụ điện bình quân hộ gia đình nông thôn giai đoạn 2019 -2021. Đơn vị: Kwh (Nguồn: Công ty Điện lực Phú Thọ 11 , 12 , 13 )

Thứ ba, mức độ đầu tư điện nông thôn

Mức độ đầu tư điện nông thôn được thực hiện thông qua dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện Quốc gia tỉnh Phú Thọ, Quyết định số 2434/QĐ-UBND 17/9/2012; 2316/QĐ-UBND ngày 26/8/2014. Theo quy hoạch với việc cấp điện ở các xã, thôn bản vùng khó khăn chưa có điện giai đoạn 2016- 2020, tổng tất cả các nguồn vốn là: 419.193 triệu đồng 14 .

Thứ tư, giá bán điện

Ngoài mô hình ngành điện bán lẻ trực tiếp đến hộ, các mô hình quản lý còn lại, ngành điện bán điện đến các công tơ tổng đặt tại các trạm biến áp với biểu giá bán buôn điện nông thôn là trung bình từ 1.390 đồng/Kwh cho đến 1.482 đồng/Kwh đã tính thuế VAT. Sau đó các ban quản lý bán đến từng hộ dân theo giá 1.490 đồng/Kwh cho đến 1.582 đồng/Kwh 10 . Tuy nhiên ở nông thôn cũng có nhiều thành phần kinh tế cho nên Ban quản lý điện địa phương cũng xây dựng biểu giá nhiều cấp tuỳ theo mục đích sử dụng điện.

Thứ năm, tỷ lệ tổn thất điện năng

Giai đoạn từ năm 2019-2021 tỷ lệ tổn thất điện năng giảm theo từng năm. Tỷ lệ tổn thất điện năng (TTĐN) năm 2019 là 5,56% thấp hơn so với kế hoạch đề ra; năm 2020 TTĐN chung là 5,31% giảm so với cùng kỳ là 0,25% và cao hơn so với kế hoạch (4,95%) là 0,36% và năm 2021: TTĐN lưới điện chung là 5,46% cao hơn so với cùng kỳ là 0,15% và cao hơn so với kế hoạch (5,26%) là 0,20% 11 , 12 , 13 .

Tỷ lệ TTĐN giảm, điều đó cho thấy quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ là hiệu quả. Cách thức tổ chức, quản lý TTÐN đã đi vào nề nếp và khá bài bản, đặc biệt về quản lý vận hành, quản lý kinh doanh, đầu tư cải tạo lưới điện...Và quan trọng nhất là tinh thần chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Phú Thọ, Tập thể lãnh đạo Công ty Điện lực Phú Thọ và các đơn vị. Các đơn vị đã thực hiện giải pháp phù hợp, hiệu quả cho từng khu vực và phát huy được ý thức, trách nhiệm của mỗi người lao động trong công tác này 11 , 12 , 13 .

Thứ sáu, doanh thu điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Trong 3 năm 2019-2021, sản lượng điện thương phẩm đạt 528.622.651 kWh, trong đó, Điện bán phục vụ cho sinh hoạt (đạt 331,668,713 kWh), Điện bán cho mục đích khác (đạt 143,103,496 kWh), Điện bán cho bơm nước (đạt 53,850,443 kWh). Giá bán điện bình quân đạt 1.515 đồng/kWh với tổng doanh thu điện nông thôn trung bình trong 3 năm đạt 799.204.027.758 đồng/năm 11 , 12 , 13 .

Đánh giá kết quả quản lý nhà nước về điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Thứ nhất, về quản lý kỹ thuật, xây dựng, vận hành hệ thống điện nông thôn

Trong 3 năm 2018 – 2020, thực hiện Quyết định 2081/QĐ- TTG ngày 8/11/2013 phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 – 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 và Nghị quyết 06/2015/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035 của UBND tỉnh Phú Thọ 15 , Sở Công thương, Sở Tài nguyên môi trường, Công ty Điện lực Phú Thọ đã phối hợp chặt chẽ, tăng cường công tác quản lý hoàn thiện các hạng mục theo kế hoạch.

Table 3 Bảng kết quả khảo sát đánh giá về quản lý kỹ thuật, xây dựng, vận hành hệ thống điện nông thôn tỉnh Phú Thọ năm 2021

Theo kết quả khảo sát Table 3 , điều tra tổng hợp từ bảng trên cho thấy: Cả hai nhóm cán bộ, nhân viên công ty điện lực và Hộ nông dân đều đánh giá “tốt” về “các kế hoạch xây dựng điện nông thôn luôn được thực hiện đúng thời gian”. Tuy nhiên, qua số liệu khảo sát có thể thấy đánh giá của hộ nông dân luôn thấp hơn điểm số đánh giá của cán bộ, nhân viên công ty điện lực đánh giá về mình. Có thể thấy rằng, QLNN về kỹ thuật, xây dựng, vận hành hệ thống điện nông thôn tỉnh Phú Thọ vẫn chưa tạo được sự hài lòng cho người dân. Ngoài ra, chỉ tiêu về việc ghi chỉ số điện năng tiêu thụ của hộ gia đình đạt được số điểm thấp nhất, cụ thể: với mức điểm đánh giá của nhóm cán bộ, nhân viên công ty điện lực là 2,3 và nhóm hộ nông dân là 2,1. Qua đó, việc ghi chép điện năng tiêu thụ còn nhiều bất cập, chưa chính xác, gây ảnh hưởng đến lòng tin của người dân về tính trung thực của số liệu. Các hộ nông dân cũng cho điểm yếu về mục “Nhân viên trực tiếp làm công tác điện nông thôn có trình độ chuyên môn” với điểm đánh giá là 2,4 (yếu), trong khi đó nhóm cán bộ, nhân viên công ty điện lực cho điểm 3,3 (trung bình). Qua tìm hiểu tác giả được biết một số nhân viên trực tiếp làm công tác điện nông thôn tại các xã vẫn còn nhiều trường hợp chỉ qua đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp, sự vận dụng công nghệ còn yếu kém. Các tiêu chí còn lại về “Công tác sửa chữa, cải tạo trạm biến áp được thực hiện kịp thời”, “Các đường dây tải điện nông thôn được lắp mới, nâng cấp đúng kế hoạch”, “Điện nông thôn công ty cung cấp luôn ổn định” đều ở mức điểm trung bình.

Thứ hai, Về quản lý giá bán điện nông thôn

Điện lực Phú Thọ tiếp thu và chỉ đạo nghiêm túc việc thực thi Luật Điện lực ra đời, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực QLNN về giá điện, ban hành tương đối hoàn thiện, đồng bộ, gồm: phương pháp tính giá phát điện trong các hợp đồng mua bán điện, phương pháp và trình tự thủ tục quy định, phê duyệt giá truyền tải điện,.. Việc sửa đổi cơ cấu biểu giá bán lẻ điện nêu trên đảm bảo nguyên tắc giữ nguyên mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành được ban hành tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20 tháng 3 năm 2019 của Bộ Công Thương 8 .

Table 4 Bảng kết quả khảo sát đánh giá về giá điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021

Qua số liệu khảo sát Table 4 có thể thấy đánh giá của hộ nông dân luôn thấp hơn điểm số đánh giá của cán bộ, nhân viên công ty điện lực đánh giá về mình ở một số chỉ tiêu. Điều này, có thể thấy rằng QLNN về giá điện nông thôn vẫn chưa tạo được sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên, cả hai nhóm người tham gia khảo sát đều đánh giá mục “Việc tính giá điện nông thôn luôn được thực hiện như giá niêm yết/thông báo” ở mức điểm 3,9 và 3,6 (Tốt). Ngược lại, nhóm cán bộ, nhân viên công ty điện lực về sự quản lý giá điện nông thôn với mức điểm 3,7 (tốt) còn đánh giá của nhóm hộ nông dân là 3,3 (trung bình), điều này cho thấy công tác QLNN về giá điện nông thôn vẫn chưa tạo được sự tin tưởng cho người dân.

Thứ ba, về mô hình quản lý và kinh doanh điện nông thôn

Giai đoạn 2019 -2021 trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn có các mô hình quản lý như:

Mô hình ban điện xã: UBND xã cử ra người có trách nhiệm kết hợp với một số người khác có chuyên môn về điện thành lập Ban điện xã, được UBND xã quản lý và UBND xã ký hợp đồng với điện lực với giá điện do Nhà nước qui định; sau đó bán giá cao hơn từ 100 đến 150đ/kWh cho người quản lý công tơ đầu thôn, xóm; người quản lý thôn, xóm bán cho các hộ dân tiêu thụ.

Mô hình Hợp tác xã: Mô hình này phổ biến nhất ở nông thôn được nhiều địa phương áp dụng, nhất là các xã còn duy trì hợp tác xã nông nghiệp dịch vụ sản xuất bán điện vì có ban quản lý là người địa phương nên thuận lợi trong việc quản lý điện. Mô hình này có ưu việt là xây dựng được giá bán điện và thu tiền điện được hạch toán rõ ràng theo phương pháp hạch toán kế toán thống kê. Ngoài ra, nó còn quá nhiều người tham gia vào quản lý điện, đa số đã khoán trắng cho một số người; người tham gia quản lý thay đổi thường xuyên, thiếu ổn định.

Table 5 Bảng kết quả khảo sát đánh giá về mô hình quản lý và kinh doanh điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021

Qua số liệu khảo sát Table 5 có thể thấy đánh giá của hộ nông dân cao hơn điểm số đánh giá của cán bộ, nhân viên công ty điện lực đánh giá về mình ở một số chỉ tiêu. Điều này, có thể thấy rằng mô hình QLNN về mô hình quản lý và kinh doanh điện nông thôn đã tạo được sự hài lòng cho người dân. Cụ thể, tất cả những người trả lời đều đánh giá mục “mô hình hộ nông dân mua điện trực tiếp từ công ty điện lực” ở mức điểm 4,3 (tốt) và 4,5 (rất tốt). Ngoài ra, qua kết quả khảo sát thì tất cả những người trả lời đều đánh giá điểm của “mô hình quản lý điện nông thôn qua Hợp tác xã” (mức điểm trung bình) cao hơn “mô hình ban quản lý điện xã”(mức điểm kém). Qua đây, có thể thấy mô hình quản lý điện nông thôn bằng mô hình “mô hình quản lý điện nông thôn qua Hợp tác xã” được sự ủng hộ cao hơn “mô hình ban quản lý điện xã”.

Thứ tư, Về thanh tra, kiểm tra quản lý điện nông thôn

Hệ thống tổ chức bộ máy thanh tra, kiểm tra hoạt động cung cấp điện nông thôn tại địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm có: Chi cục Quản lý thị trường, Phòng Quản lý dịch vụ thuộc Sở Công thương, Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng thuộc Sở Khoa học Công nghệ, Thanh tra Điện lực Tỉnh. Ngoài ra, còn có các cơ quan khác hoạt động theo chắc năng, lĩnh vực tổ chức kiểm tra việc thực hiện các điều kiện trong kinh doanh điện theo quy định của pháp luật như: Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn thuộc Công an Tỉnh, Sở Tài nguyên Môi trường Tỉnh,… Hoạt động kiểm tra được tiến hành theo định kỳ, kiểm tra theo chuyên đề, kiểm tra đột xuất khi có thông tin khiếu nại hoặc sự cố ( Table 6 ).

Table 6 Thực trạng kiểm tra, thanh tra lưới điện và hoạt động kinh doanh nông thôn. ĐVT: Hoạt động (Nguồn: Công ty Điện lực Phú Thọ11,12,13)

Qua kiểm tra có thể thấy, các hợp tác xã dịch vụ điện nông thôn đã có nhiều cố gắng, nỗ lực duy trì việc cung ứng điện ổn định cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh của người dân, trong các năm qua đã có sự đầu tư, cải tạo nâng cấp lưới điện để nâng cao chất lượng điện năng, cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển phụ tải trên địa bàn. Tuy nhiên, số lượt vi phạm trong việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động bán lẻ điện nông thôn còn tương đối nhiều như hư hỏng sai lệch về đo đếm, vi phạm về giá bán điện; Chưa có sổ sách cấp phát trang thiết bị an toàn và bảo hộ lao động; HTX có lập sổ nhật ký ca trực, sổ lệnh công tác; Hợp đồng đơn vị không xuất trình đầy đủ theo yêu cầu của Đoàn kiểm tra;…Nguyên nhân chủ yếu do khoảng cách” từ sở đến các HTX quá xa, bộ máy của quản lý của các HTX chủ yếu là người dân địa phương, không phải là cán bộ, công chức của ngành nên việc thường xuyên kiểm tra, theo dõi vẫn chưa được thực hiện tốt.

Table 7 Bảng kết quả khảo sát đánh giá về thanh tra, kiểm tra quản lý điện nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ năm 2021

Qua số liệu khảo sát Table 7 có thể thấy đánh giá của hộ nông dân có số điểm thấp hơn điểm số đánh giá của cán bộ, nhân viên công ty điện lực đánh giá về mình ở một số chỉ tiêu. Điều này, có thể thấy rằng mô hình QLNN về thanh tra, kiểm tra quản lý điện nông thôn vẫn chưa tạo được sự hài lòng cho người dân. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát, cả hai nhóm người tham gia khảo sát đều đánh giá về công tác thanh tra, kiểm tra đều ở mức tốt, với số điểm thấp nhất là 3,5 (tốt) và mức điểm cao nhất là 4,3 (tốt). Như vậy, có thể thấy công tác quản lý điện nông thôn trên phương diện thanh tra, kiểm tra là thực hiện thường xuyên, nghiêm túc.

Hạn chế và nguyên nhân

Thứ nhất, trong công tác quản lý kỹ thuật vận hành: Lưới điện 110kV tỉnh Phú Thọ được xây dựng từ những năm 1960, trải qua nhiều thay đổi lịch sử nên không có lý lịch thiết bị, dẫn đến khó khăn trong việc đánh giá chất lượng theo nhà sản xuất. Lưới trung áp có 04 cấp điện áp 35, 22, 10, 6 KV. Lưới điện 10, 6kV còn chiếm tỷ lệ lớn ảnh hưởng đến tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện.

Thứ hai, trong công tác kinh doanh: Trình độ, năng lực của một số cán bộ, nhân viên Điện lực huyện nói chung, bộ phận làm công tác kinh doanh nói riêng hiện còn chưa cao, chưa tự giác trong công việc được giao…Công tác tổ chức, bố trí nhân sự tại các điện lực chưa thật sự khoa học. Vẫn còn để xảy ra tình trạng khách hàng phản ánh về hành vi tiêu cực, thái độ phục vụ chưa chu đáo, chuyên nghiệp của một số cán bộ, nhân viên. Ngoài ra, số lượng lượt vi phạm trong hoạt động kinh doanh điện nông thôn cao và có xu hướng tăng năm 2020 do hoạt động quản lý của một số cán bộ địa phương còn yếu kém.

Thứ ba, trong công tác đầu tư xây dựng : Công tác thỏa thuận tuyến, cấp đất, cấp phép và bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ do một số nguyên nhân như trình tự thủ tục phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của các cá nhân hộ dân, nhiều đoạn tuyến rất hạn chế về mặt bằng, hành lang ...Công tác khảo sát chưa tốt dẫn đến phải điều chỉnh tuyến và phải làm các thủ tục thay đổi, điều chỉnh trong quá trình xây dựng làm chậm tiến độ công trình

Kết luận và kiến nghị

Bài viết đã phân tích thực trạng công tác quản lý về điện Nông thôn như: cải tạo, mở rộng lưới điện nông thôn và tăng cường khả năng cung cấp điện lâu dài, ổn định cho nông thôn, giảm tổn thất điện, ổn định giá điện đến người tiêu dùng ở nông thôn, tiến tới xóa bỏ dần bất cập giá điện giữa nông thôn và thành thị, giảm đầu tư nguồn điện cho cả nước. Mặc dù, công tác QLNN về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tuy đã được quản lý dựa trên các văn bản quy định chung của Nhà nước, song công tác này còn một số hạn chế yếu kém như: Cơ sở hạ tầng còn lạc hậu do Lưới điện 110kV tỉnh Phú Thọ được xây dựng từ những năm 1960 gây ảnh hưởng đến tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện; Năng lực của một số cán bộ công nhân viên Điện lực huyện nói chung, bộ phận làm công tác kinh doanh nói riêng hiện còn chưa cao, chưa tự giác trong công việc được giao; Công tác đầu tư xây dựng còn chưa khoa học, vấn đề thỏa thuận tuyến, cấp đất, cấp phép và bồi thường giải phóng mặt bằng thực hiện chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ.

Để công tác QLNN về điện Nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đạt được những thành tích nhất định, tỉnh Phú Thọ cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc QLNN điện Nông thôn của các đơn vị, tổ chức và người dân trong đó tập trung vào một số các nhiệm vụ, giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý kỹ thuật vận hành: Tỉnh Phú Thọ phối hợp tốt với Tổng công ty trong việc cung cấp thông tin các dự án để Tổng công ty có phương án cung ứng điện, tránh trường hợp phát sinh đột xuất phụ tải lớn đòi hỏi tiến độ gấp, gây khó khăn cho ngành Điện. Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc giải phóng mặt bằng, xác định vị trí đặt trạm biến áp, hướng tuyến đường dây, đẩy nhanh tiến độ thi công các trạm biến áp 110KV Thanh Thủy, Phú Hà, Phù Ninh cùng nhiều nội dung khác 16 . Ngoài ra, tỉnh phải sớm xúc tiến lập quy hoạch xây dựng mạng lưới điện nông thôn theo tiêu chuẩn điện khí hóa. Dựa trên cơ sở quy hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là bơm thủy lợi, đồng thời phải căn cứ vào quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp nông thôn, công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, hàng xuất khẩu, dịch vụ, tạo việc làm. Đặc biệt là cung cấp điện sinh hoạt cho nông thôn ở mức thấp trong các năm trước mắt, đồng thời chú ý quy hoạch phải đáp ứng ở mức cao hơn khi điều kiện kinh tế phát triển vào những năm tiếp theo.

Thứ hai, nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng và hiệu quả kinh doanh của công ty. Công ty nên thực hiện việc tiếp nhận và xử lý yêu cầu cung cấp dịch vụ điện trên nền tảng online. Theo đó, người dân và doanh nghiệp có thể gửi yêu cầu lắp đặt trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thời gian từ khi tiếp nhận thông tin đến khi đóng điện cho khách hàng chỉ còn 5 ngày làm việc. Các quy trình khác trong cung cấp dịch vụ điện như việc thông báo tiền điện, ghi số điện, thông báo ngừng giảm cung cấp điện, thanh toán tiền điện… đều được điện tử hóa mạnh mẽ. Ngoài ra, việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào vận hành trong hoạt động sản xuất và kinh doanh, tiêu biểu như: Phần mềm hoạch định nguồn nhân lực theo tiêu chuẩn quốc tế; hệ thống văn phòng điện tử; số hóa toàn bộ hệ thống văn bản; áp dụng chữ ký số trong nội bộ công ty… Trong quản lý điều hành mạng lưới, Công ty nên thành lập Trung tâm điều khiển từ xa cho phép quản lý các trạm biến áp không người trực, điều khiển các thiết bị đóng cắt từ xa, thu thập các dữ liệu đo đếm online. Các địa phương cũng nên đẩy mạnh việc chuyển đổi công tơ cơ sang công tơ điện tử 10 .

Thứ ba, tăng cường sự chỉ đạo của chính quyền các địa phương nơi có dự án phối hợp triển khai sớm cùng chủ đầu tư và đơn vị tư vấn lập bản vẽ trích đo thu hồi đất của dự án để lập hồ sơ thu hồi đất đảm bảo tính chính xác, làm cơ sở thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, sớm ban hành các quyết định thành lập Hội đồng giải phóng mặt bằng/tổ công tác cho các dự án khi có đề nghị của Công ty Điện lực Phú Thọ. Cử cán bộ phối hợp để đẩy nhanh khâu kiểm kê, kiểm đếm và áp giá bồi thường làm cơ sở chi trả tiền đền bù cho các hộ dân bị ảnh hưởng.

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

CNTT: Công nghệ thông tin

QLNN: Quản lý nhà nước

UBND: Ủy ban nhân dân

TTĐN: Tổn thất điện năng

TBA: Trạm biến áp

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do nhóm tác giả thực hiện

Tác giả 1 (Nguyễn Tiến Cường ) chịu trách nhiệm nội dung phần mở đầu, thực trạng, kết luận.

Tác giả 2 (Trần Thị Thúy Sinh) chịu trách nhiệm nội dung tổng quan nghiên cứu.

Tác giả 3 (Phạm Thái Thủy) chịu trách nhiệm nội dung phương pháp nghiên cứu, tóm tắt bài vào (tiếng Việt và tiếng Anh).

References

  1. Tập đoàn điện lực Việt Nam. Điện khí hoá nông thôn là một thành tựu nổi bật của Việt Nam. . 2022;:. Google Scholar
  2. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ. . 2020;:. Google Scholar
  3. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Nông thôn Phú Thọ: Những điểm sáng nhìn từ kết quả TĐT Nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2020. ISSN 2734 -9144. . ;:. Google Scholar
  4. Quyết định số 22/1999/QĐ - TTg ngày 13/02/1999 của Thủ Tưởng Chính phủ về việc "Phê duyệt đề án Điện nông thôn". . ;:. Google Scholar
  5. Quyết định số 95/2001/QĐ - TTg ngày 22/06/2001của Thủ Tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010 có xét triển vọng đến năm 2020". . ;:. Google Scholar
  6. Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 8/11/2013 của Chính phủ về việc "Phê duyệt chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020". . ;:. Google Scholar
  7. Quyết định 1740/QĐ-TTg ngày 13/12/2018 về việc "Phê duyệt chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo, giai đoạn 2016 - 2020". . ;:. Google Scholar
  8. Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 về việc "Điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá bán điện". . ;:. Google Scholar
  9. Trịnh Long. Công ty Điện lực Phú Thọ: Không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ. Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - ISSN 2734 -9144. 2020. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, Chiến lược phát triển ngành điện lực giai đoạn 2015 - 2020 và định hướng 2025. . ;:. Google Scholar
  11. Công ty Điện lực Phú Thọ. Báo cáo kinh doanh điện năng. . 2019;:. Google Scholar
  12. Công ty Điện lực Phú Thọ. Báo cáo kinh doanh điện năng. . 2020;:. Google Scholar
  13. Công ty Điện lực Phú Thọ. Báo cáo kinh doanh điện năng. . 2021;:. Google Scholar
  14. Viện Năng lượng - Quy hoạch cải tạo và phát triển lưới điện Tỉnh Phú Thọ - Miền Bắc giai đoạn 2015 - 2020, có xét tới 2025. . ;:. Google Scholar
  15. Nghị quyết 06/2015/NQ-HĐND về Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2016 - 2025, có xét đến năm 2035. . ;:. Google Scholar
  16. Quy hình và phát triển Điện lực tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015 đến 2020 có xét đến 2025 - Sở Công thương Phú Thọ. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 1 (2023)
Page No.: 4181-4190
Published: Apr 15, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i1.1176

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, C., Tran, S., & Pham, T. (2023). State management of rural electricity in Phu Tho province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(1), 4181-4190. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i1.1176

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 776 times
PDF   = 339 times
XML   = 0 times
Total   = 339 times