Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

958

Total

378

Share

Cross-cultural awareness: Direct and indirect effect to the choice to study in Vietnam of foreign students






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The problem of attracting foreign students to choose study programs in countries around the world has existed for a long time since there are many research models and theories. The objective of this study is to analyze the ability of cross-cultural awareness to directly and indirectly affect the choice of Vietnam as a study abroad destination by foreign students. A total of 434 foreign students studying at universities in Vietnam participated in this survey in 2022. The research model has been tested through SEM method, the mediating effect of acculturation has been checked and clarified through the processing of observational data, giving good results and consistent with the literarure review. Model tests show that foreign students' choice to study in Vietnam are influenced by both cross-cultural awareness and acculturation. On the other hand, the choice of studying abroad is directly influenced by cross-cultural awareness as well as indirectly through the mediation of acculturation. However, the direct impact from cross-cultural awareness on study abroad choice is stronger than through acculturation’s mediation. Some implications for university leaders to promote foreign students' choice to study in Vietnam are suggested.

Tổng quan nghiên cứu

Du học mang lại nhiều lợi ích và giá trị cho sinh viên. Sự gia tăng số lượng sinh viên nước ngoài trên toàn thế giới có thể là do nhiều lợi ích mà giáo dục quốc tế đem lại 1 . Các chương trình du học cũng ngày càng trở nên phổ biến, được coi là một cách phát triển thành thạo năng lực giao thoa văn hóa và nhận thức toàn cầu 2 . Trong ngắn hạn, du học có thể tạo ra những tác động tích cực đến sự hiểu biết đa văn hóa của sinh viên, khả năng thích ứng với sự khác biệt văn hóa và khả năng ngoại ngữ 3 . Trong những năm qua, khi quá trình thương mại hóa giáo dục quốc tế ngày càng gia tăng, việc du học trở nên dễ tiếp cận hơn 4 .

Trên thực tế, việc lựa chọn một chương trình du học không chỉ đơn thuần phụ thuộc vào chất lượng đào tạo hay chuyên ngành. Ngược lại, môi trường sống và đặc biệt là bối cảnh văn hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với đời sống tinh thần hoặc cả sức khỏe của cá nhân sinh viên. Các minh chứng cho thấy sinh viên nước ngoài thường gặp phải các vấn đề căng thẳng tâm lý do sốc văn hóa 5 . Cảm giác cô đơn 6 , nỗ lực thích nghi với môi trường sống mới 7 hay cụ thể là thích nghi với sự khác biệt về văn hóa 8 khiến cho họ trở nên mất thời gian, thậm chí không theo kịp chương trình học. Tệ nhất, họ có thể cảm thấy bị cô lập và trở về nước ngay cả khi đã bỏ ra khoản chi phí rất lớn để theo học tại quốc gia sở tại.

Việc thích nghi với nền văn hóa mới phụ thuộc hầu hết vào khả năng chống chọi với sự thay đổi của cá nhân 9 . Xét theo các góc nhìn về tiếp cận văn hóa, nhận thức xuyên văn hóa là một phương thức tối ưu trong tiến trình thích nghi văn hóa của sinh viên. Nhận thức xuyên văn hóa đề cập đến khả năng nhận thức của cá nhân đối với nền văn hóa mới 10 . Cụ thể, sinh viên chủ động gạn lọc và tìm hiểu về các nền văn hóa, sau đó so sánh với văn hóa của quốc gia họ sinh ra và lớn lên. Quá trình này khiến cho sinh viên tìm thấy điểm chung để làm cơ sở thích nghi khi lựa chọn theo học ở nền văn hóa mới. Mặt khác, việc tìm thấy các điểm khác biệt cũng khiến cho họ có sự chuẩn bị cần thiết nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của sốc văn hóa 11 . Có thể thấy, vai trò của nhận thức xuyên văn hóa đối với việc hạn chế các rào cản văn hóa là cực kì quan trọng. Nhận thức xuyên văn hóa mạnh là cơ sở để giúp thời gian thích nghi và hiệu quả thích nghi được tối ưu 12 . Đối với trường đại học, việc giữ chân sinh viên nước ngoài thông qua nhận thức xuyên văn hóa cũng là cực kỳ cấp thiết khi tỷ lệ sinh viên dừng theo học luôn chiếm khá lớn trong tổng số sinh viên nước ngoài 13 . Do đó, cần phải cấp thiết nghiên cứu về vai trò của nhận thức xuyên văn hóa. Đây là bước tiến quan trọng nhằm giải quyết vấn đề cốt lõi về khả năng thích nghi văn hóa của sinh viên đối với hành vi lựa chọn du học của họ. Việc thấu hiểu vai trò của yếu tố nhận thức xuyên văn hóa sẽ giúp cho trường đại học thúc đẩy sự lựa chọn du học tại trường, bản thân sinh viên cũng có thể đưa ra quyết định du học hiệu quả.

Mặc dù lựa chọn du học và nhận thức xuyên văn hóa đã nhận được sự quan tâm từ nhiều học giả, nhưng hiếm khi có nghiên cứu nào kết hợp hai yếu tố này với nhau để đưa ra lăng kính toàn diện 14 , 15 , 16 . Cụ thể, việc tiếp cận lựa chọn du học thường xoay quanh các yếu tố về chi phí, thời gian, chất lượng đào tạo, hoặc đơn thuần đề cập đến môi trường sống. Ngược lại, hầu như chưa có nghiên cứu nào giải thích việc liên hệ giữa nhận thức xuyên văn hóa đối với cơ chế hình thành của sự lựa chọn du học. Một phương diện khác, nghiên cứu này xoáy sâu vào xem xét cách thức mà nhận thức xuyên văn hóa ảnh hưởng đến lựa chọn du học dựa trên cả mối quan hệ trực tiếp và gián tiếp. Cách giải thích mối quan hệ đa chiều này sẽ khiến cho khả năng thấu hiểu được quá trình đưa ra quyết định du học sâu sắc hơn. Theo đó, nghiên cứu này là cơ sở tham khảo đối với các nhà quản trị trường đại học nhằm hỗ trợ sinh viên du học cải thiện nhận thức xuyên văn hóa tối ưu hơn.

Giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Vấn đề về thu hút du học sinh nước ngoài tham gia vào các chương trình học tập tại các quốc gia trên thế giới đã tồn tại từ lâu, song đã có rất nhiều mô hình, lý thuyết nghiên cứu. Nghiên cứu này dựa trên tiêu chí nổi bật, phổ biến và có thể áp dụng vào thực tiễn tại Việt Nam của các nghiên cứu trước đó để làm tiền đề học tập và xây dựng 17 , 18 , 19 ( Table 1 ).

Table 1 Các nghiên cứu có liên quan trước đây

Bên cạnh đó, nghiên cứu ( Figure 1 ) sử dụng lý thuyết giao tiếp tích hợp về sự thích ứng giữa các nền văn hóa của Young Yun Kim với mục tiêu lý giải vấn đề tại sao và cách thức như thế nào mà cá nhân có thể vượt qua và thích ứng với các ranh giới về văn hóa trong một thời gian dài 20 . Đây được xem là cuộc đấu tranh cho sự cân bằng hay ổn định nội tại khiến tất cả các cá nhân phải trải qua một quá trình biến đổi, được gọi là sự thích ứng giữa các nền văn hóa 20 . Giải thích cho sự lựa chọn này đến từ việc lý thuyết này được sử dụng phổ biến, rộng rãi trong các nghiên cứu về khoa học xã hội như giao tiếp đa văn hóa, giao tiếp đại chúng, tâm lý xã hội và văn hóa, nghiên cứu về sự chuyển đổi môi trường học tập từ trường đại học này sang trường đại học khác, giáo dục, quản lý kinh doanh,... Hơn nữa, do giao tiếp được xem là trung tâm, vì thế lý thuyết của Kim đưa ra một nền tảng kiến thức thích hợp để xem xét các hoạt động giao tiếp giữa các cá nhân trong bối cảnh trải nghiệm đa văn hóa của họ 21 .

Mối quan hệ giữa nhận thức xuyên văn hoá đối với sự hoà nhập của sinh viên nước ngoài

Theo hướng tiếp cận của nghiên cứu, một định nghĩa tổng quát nhất về nhận thức xuyên văn hóa là một quá trình chuyển tiếp và học hỏi không ngừng, nơi một cá nhân trở nên dễ dàng hòa nhập theo thời gian và kinh nghiệm tiếp xúc 20 . Đây được xem là khái niệm tiền đề đầu tiên cung cấp cái nhìn sâu rộng và có hệ thống nhất về cách thức mà các cá nhân có thể vượt qua ranh giới văn hóa để duy trì sự ổn định trước tác nhân từ môi trường. Mặt khác, mức độ hòa nhập văn hóa thể hiện khả năng của một cá nhân đối mặt với những rào cản tâm lý khi thích nghi với một nền văn hóa mới, bao gồm những hành vi giúp tăng cường khả năng đáp ứng với nền văn hóa mới, nổi bật nhất là tăng cường các mối quan hệ trong môi trường học tập và nơi cư trú 22 .

Khi học tập tại một quốc gia khác, sinh viên thường phải tiếp xúc với các nền văn hóa khác nhau. Việc thay đổi môi trường học tập xuyên quốc gia như vậy đã góp phần tạo nên nhiều vấn đề liên quan đến đa văn hóa như nhớ nhà, sốc văn hóa, phân biệt đối xử, định kiến, khó khăn trong học tập, khó khăn trong giao tiếp 23 . Sinh viên nước ngoài được cho là cảm thấy thoải mái hơn khi theo học tại môi trường học tập có sự tương đồng về văn hóa với văn hóa quốc gia của họ 24 . Sự tương đồng về văn hóa đóng một vai trò tích cực trong việc hỗ trợ điều chỉnh thích nghi của sinh viên nước ngoài 22 . Nếu khoảng cách hoặc sự khác biệt về văn hóa lớn, họ sẽ gặp nhiều căng thẳng hoặc khó khăn hơn và sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn để điều chỉnh cuộc sống 25 . Ví dụ, sinh viên châu Âu thường thích nghi với cuộc sống của họ ở Mỹ tốt hơn so với người châu Á, châu Phi hoặc Nam Mỹ bởi vì người châu Âu ít trải qua 'hỗn loạn chuyển đổi văn hóa' hơn đáng kể so với sinh viên nước ngoài không phải là người châu Âu.

H1: Nhận thức xuyên văn hóa tác động tích cực đến sự hòa nhập dễ dàng của sinh viên nước ngoài tại Việt Nam

Mối quan hệ giữa nhận thức xuyên văn hoá đối với lựa chọn du học tại Việt Nam của sinh viên nước ngoài

“Lựa chọn” là quá trình chọn giữa nhiều loại khác nhau. Trong khi du học được định nghĩa là thời gian tạm trú tạm thời tại nước ngoài trong khoảng thời gian đã được xác định, được thực hiện cho mục đích giáo dục 26 . Vậy, lựa chọn du học được xem là quá trình sinh viên nước ngoài lựa chọn rời khỏi quốc gia quê hương của họ để tìm kiếm một điểm đến học tập khác, nhằm đáp ứng cho những mong muốn và kỳ vọng của họ.

Khi một cá nhân có ý định tham gia vào chương trình giáo dục đại học, việc đưa ra lựa chọn ảnh hưởng đến quyết định chọn điểm đến và chương trình học tập là một quá trình bao gồm nhiều giai đoạn phức tạp, được thực hiện một cách có ý thức hoặc đôi khi chỉ là vô thức 27 . Mỗi lựa chọn đều đi kèm với những rủi ro khác nhau. Do đó, sự hài lòng của người học cũng như động lực và sự thành công trong học tập có thể bị ảnh hưởng bởi những sự lựa chọn thiếu chất lượng từ ban đầu 18 . Vấn đề trọng tâm trong thích ứng xuyên văn hóa là năng lực giao tiếp với nước chủ nhà, bên cạnh đó là năng lực giao tiếp của cá nhân phải phù hợp với các chuẩn mực văn hóa của quốc gia đó, đồng thời cá nhân phải tham gia vào các quá trình giao tiếp xã hội thông qua hoạt động giao tiếp cá nhân 20 . Do vậy, những khó khăn về giao tiếp và chuyển đổi do khác biệt văn hóa và công việc nghiên cứu học thuật có thể là những vấn đề quan trọng nhất mà sinh viên nước ngoài gặp phải trong môi trường bản xứ.

H2: Nhận thức xuyên văn hóa tác động tích cực đến lựa chọn du học tại Việt Nam của sinh viên nước ngoài

Vai trò trung gian của dễ hòa nhập trong mối quan hệ giữa nhận thức xuyên văn hóa và lựa chọn du học tại Việt Nam của sinh viên nước ngoài

Chất lượng giáo dục cao hơn cùng với những lợi ích đi kèm của giáo dục quốc tế đã thúc đẩy phần đông sinh viên lựa chọn rời khỏi quốc gia quê hương của họ, để theo đuổi mục tiêu cao hơn nhờ vào giáo dục nước ngoài. Khả năng hòa nhập là một trong số ít những yếu tố có thể gây cản trở quá trình sinh sống tại nước ngoài của du học sinh. Một nghiên cứu đã nhận định rằng đây là một yếu tố không thể thiếu khi bàn về du học. Khả năng hòa nhập vào xã hội, hòa nhập với người dân địa phương và sống cũng như sinh hoạt một cách hài hòa với môi trường văn hóa mới, là những yếu tố giúp cho sinh viên càng yêu mến quốc gia mà bản thân lựa chọn hơn 28 . Tổng quát lại, yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến tiến trình hòa nhập của du học sinh đó là nền tảng văn hóa cốt lõi của họ. Khi có sự khác biệt lớn giữa các chuẩn mực và quy tắc, văn hóa giữa quốc gia sở tại và quốc gia đến, mối quan tâm về sự điều chỉnh của du học sinh thường tập trung vào nhu cầu ngôn ngữ, giao tiếp hoặc học tập 29 . Du học sinh nằm trong độ tuổi không quá lớn sẽ có năng lực thích nghi cũng như tiếp thu các giá trị văn hóa mới tốt hơn 21 .

H3: Sự hòa nhập của sinh viên nước ngoài đóng vai trò trung gian trong mối quan hệ giữa nhận thức xuyên văn hóa và lựa chọn du học của họ.

Figure 1 . Mô hình nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Phương pháp nghiên cứu định tính được sử dụng trong giai đoạn đầu của nghiên cứu, nhằm tìm hiểu các cơ sở lý luận cũng như xây dựng thang đo để tiến hành cho bước nghiên cứu định lượng tiếp theo. Nghiên cứu định lượng được sử dụng trong thu thập và xử lý các dữ liệu quan sát thông qua một bảng câu hỏi gồm hai phần. Tần suất các câu hỏi được đo bằng thang đo Likert 5 điểm tương ứng với 1 là hoàn toàn không đồng ý và 5 là hoàn toàn đồng ý. Có tổng cộng 434 sinh viên nước ngoài tại Việt Nam đã tham gia thực hiện khảo sát này trong năm 2022.

Phần đầu tiên của bảng câu hỏi cho biết các nhân tố thuộc về nhân khẩu học như giới tính và lĩnh vực ngành học. 17 câu hỏi liên quan đến nhận thức xuyên văn hóa, sự hòa nhập và việc lựa chọn du học thuộc phần thứ hai của bảng câu hỏi khảo sát. Ở khái niệm Hòa nhập, 6 thang đo trong 3 nghiên cứu 22 , 30 , 31 đã được lựa chọn để làm thang đo cho bảng câu hỏi. 3 câu hỏi từ các nghiên cứu 30 , 31 , 32 được chọn ra để làm rõ cho khái niệm Nhận thức xuyên văn hóa. Và cuối cùng, 6 câu hỏi thuộc 3 nghiên cứu 22 , 33 , 34 được lựa chọn để giải thích cho khái niệm việc lựa chọn du học. Các câu hỏi của mỗi khái niệm được tổng hợp từ nhiều thang đo để đảm bảo tính đầy đủ cũng như thu thập thông tin khảo sát một cách bao quát nhất. Sau khi đã lựa chọn được thang đo phù hợp, các câu hỏi đã được sử dụng để khảo sát thử. Sau khi quá trình khảo sát thử kết thúc, nhận thấy dù câu hỏi gốc đã ở phiên bản tiếng Anh, tuy nhiên vẫn tồn tại những câu đa nghĩa và chưa rõ nội dung, khiến người thực hiện gặp khó khăn trong việc lựa chọn. Bảng câu hỏi bao gồm các thang đo đã được chỉnh sửa, thêm chú thích và thay thế một số từ ngữ cho phù hợp với bối cảnh nghiên cứu sinh viên nước ngoài tại Việt Nam. Bảng khảo sát này cũng được sử dụng chính thức để phục vụ cho các giai đoạn sau của nghiên cứu.

Mô hình SEM-phương trình cấu trúc được sử dụng để xác định mô hình nguyên nhân-kết quả, cùng với đó là xác minh các giả thuyết được đề xuất. Mô hình phương trình cấu trúc bình phương nhỏ nhất PLS SEM được lựa chọn thay vì CB SEM bởi phù hợp với những nghiên cứu thiên về khám phá như trường hợp của nghiên cứu này 35 , cũng như việc PLS SEM sẽ phù hợp với phân tích cỡ mẫu nhỏ hơn 1000 quan sát. Theo đó, phần mềm SmartPLS 4.0 được sử dụng để đánh giá mô hình đo lường và mô hình cấu trúc. Để kiểm định những giả thuyết trong mô hình, mức Bootstrapping= 5000 được thực hiện.

Quy trình phân tích PLS-SEM nên được thực hiện qua hai giai đoạn. Đầu tiên là đánh giá mô hình đo lường và tiếp theo là đánh giá mô hình cấu trúc 36 . Ở giai đoạn đầu tiên, nghiên cứu tiến hành đánh giá độ tin cậy thông qua việc sử dụng chỉ số Cronbach's Alpha và Độ tin cậy tổng hợp, độ tin cậy hội tụ (loadings and Average Variance Extracted - AVE), độ tin cậy phân biệt (tiêu chí Fornell - Larcker và tỷ lệ đơn tính dị tố - HTMT), và đa cộng tuyến (VIF). Ở giai đoạn 2, nghiên cứu thực hiện đánh giá khả năng dự báo của mô hình thông qua hệ số xác định (R bình phương), sau đó đánh giá mức độ tác động bằng các hệ số đường dẫn.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Trong số 434 bản khảo sát được phát, có 100% người trả lời có khảo sát hợp lệ với tỉ lệ 39,9% là nam giới và 60,1% là nữ giới.

82,7% là sinh viên đang theo học tại các trường đại học thuộc thành phố Hồ Chí Minh và 17,3% tại Hà Nội (hai thành phố lớn nhất và tập trung nhiều trường đại học nhất của Việt Nam).

Sinh viên châu Á chiếm phần đông khảo sát với tỉ lệ 75,8%. 9,9% là sinh viên đến từ châu Âu, 7,4% châu Phi, 5,5% châu Mĩ và 1,4% đến từ châu Đại Dương. Xét theo lĩnh vực học tập, khối ngành Kinh tế chiếm 48,8%, Khoa học xã hội và Nhân văn có 26,0%, Công nghệ - Kỹ thuật là 15,9% và khối ngành Y là 9,3%. Sau khi thu thập đủ thông tin, dữ liệu khảo sát được chuẩn hóa để tiến hành các bước phân tích.

Kết quả nghiên cứu

Table 2Table 3 trình bày chỉ số về độ tin cậy của các thang đo và tính hợp lệ của dữ liệu, sau đó tiến hành kiểm tra độ hội tụ của các thang đo. Các giá trị Cronbach’s alpha đều nằm trên mức 0,70 từ 0,707 đến 0,880 và tất cả các giá trị độ tin cậy tổng hợp CR đều lớn hơn 0,7 36 dao động ở mức 0,836 đến 0,909. Điều này chứng minh các khái niệm trong mô hình có độ tin cậy cao. Tính hội tụ của khái niệm nghiên cứu được biểu thị thông qua giá trị phương sai trung bình trích xuất (AVE) cho thấy tính đảm bảo và sự phù hợp cao, các giá trị này đều lớn hơn ngưỡng tối thiểu là 0,50, từ 0,623 đến 0,630 36 . Ngoài ra, các giá trị hệ số tải ngoài của từng khái niệm nghiên cứu đều nằm trên mức 0,708, do đó độ tin cậy của các khái niệm này đều có thể chấp nhận được 36 . Giá trị phân biệt của mỗi cấu trúc xét trong mối tương quan với các cấu trúc còn lại đều lớn hơn các hệ số khác trong cùng một cột, phù hợp với tiêu chí Fornell và Larcker. Kết quả VIF chỉ ra rằng, sự liên kết giữa các nhân tố dự đoán không vi phạm giả định về đa cộng tuyến vì hầu như các hệ số đều nằm trong khoảng chấp nhận (VIF = 1,000 – 3,302 < 5), ngoại trừ hai chỉ báo của nhân tố Hòa nhập nằm vượt ngưỡng 3,302, nên hầu hết các thang đo đều đạt giá trị phân biệt ( Table 1 ).

Table 2 Kết quả đánh giá thang đo
Table 3 Độ tin cậy của thang đo - Độ phù hợp của mô hình

Khi không có vấn đề về cộng tuyến, bước tiếp theo trong nghiên cứu là đánh giá hệ số xác định R 2 của các biến nội sinh. Sức mạnh giải thích của R 2 càng lớn khi các giá trị càng cao, thông thường nằm trong khoảng từ 0 đến 1. Các giá trị 0,75; 0,50 và 0.25 được coi là đáng kể, trung bình và yếu 37 , 38 . Vậy, từ kết quả Table 2 , các biến quan sát đều có mức độ dự đoán yếu. Ngoài ra, phương pháp đánh giá năng lực dự báo được sử dụng để đánh giá mức độ phù hợp, độ chính xác dự đoán của mô hình dựa trên kỹ thuật Blindfolding. Theo nguyên tắc, các giá trị Q 2 cao hơn 0; 0,25 và 0,50 mô tả mức độ dự đoán nhỏ, vừa và lớn. Do đó, các giá trị Q 2 trong Table 2 với nhân tố lựa chọn du học (0,076) và nhân tố hòa nhập (0,025) thể hiện mức độ dự đoán tương đối.

Table 4 Hệ số đường dẫn

Vì dữ liệu được phân tích trong PLS được giả định là không phân phối chuẩn, nên ý nghĩa của các hệ số như hệ số đường dẫn không thể được kiểm tra bằng cách sử dụng phép thử quan trọng tham số trong phân tích hồi quy. Thay vào đó, PLS dựa vào phân tích bootstrap của phi tham số để kiểm tra ý nghĩa hệ số 39 . Để kiểm tra xem hệ số đường dẫn có khác biệt đáng kể so với 0, giá trị t được tính toán thông qua Bootstrapping. Trong nghiên cứu này, kỹ thuật Bootstrapping phi tham số được kiểm định lặp lại 5.000 lần để đảm bảo yêu cầu kiểm định mô hình cấu trúc tuyến tính. Table 4 cho thấy tất cả các giả thuyết đều có giá trị p < 0,05 hay mức ý nghĩa thống kê ở 95%, do đó các giả thuyết H1, H2, H3 đều được chấp nhận.

Figure 2 . Mô hình cấu trúc tuyến tính

Thảo luận kết quả nghiên cứu

Bài nghiên cứu được thực hiện với mục tiêu làm rõ mối quan hệ giữa nhận thức xuyên văn hóa, sự hòa nhập, và lựa chọn du học tại Việt Nam của sinh viên nước ngoài. Kết quả khảo sát hoàn toàn ủng hộ các giả thuyết được đề ra. Mô hình nghiên cứu đề xuất được đánh giá là có tiềm năng trong việc giải thích sự tác động của các yếu tố kể trên, được biểu hiện rõ ràng thông qua kết quả số liệu phân tích thực nghiệm ( Figure 2 ). Các phương pháp kiểm định được tiến hành dựa trên nền tảng lý thuyết nền về sự thích ứng giữa các nền văn hóa từ nghiên cứu của Kim 20 , 40 , giải thích sự lựa chọn của sinh viên đối với môi trường giáo dục đại học bên ngoài quốc gia của họ cũng như phân tích được những tác nhân ảnh hưởng đến sự lựa chọn đó.

Ý định lựa chọn du học của sinh viên nước ngoài bị ảnh hưởng đáng kể sự khác biệt giữa văn hóa Việt Nam và quê hương của họ (β = 0,215) 20 , 40 . Những nơi một cá nhân đến, những người mà một cá nhân gặp gỡ và cảm xúc của họ về những nơi đó hoặc con người đó góp phần tạo ra hình ảnh trong nhận thức của họ. Hiểu được mối quan hệ của hầu hết các yếu tố trong môi trường sống của một người là rất cần thiết vì đó là những yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc giúp đỡ hoặc ngăn cản mọi người thích nghi với một môi trường mới 41 .

Nhận thức xuyên văn hóa là một quá trình chuyển tiếp và học hỏi không ngừng, nơi một cá nhân trở nên dễ dàng hòa nhập theo thời gian và kinh nghiệm tiếp xúc 20 . Vì vậy, sự thích nghi giữa các nền văn hóa bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi mạng lưới bạn bè, sự hỗ trợ từ xã hội và kinh nghiệm về nhận thức xuyên văn hóa từ trước đây (β = 0,179) 20 , 40 . Trong trường hợp, sinh viên nước ngoài và sinh viên nước chủ nhà không thường xuyên giao tiếp, giữ liên lạc do thực tế họ phải sống tại các khu ký túc xá riêng biệt hoặc tại các địa điểm cư trú cách xa nhau và tại Việt Nam thì vấn đề này cũng không phải ngoại lệ. Điều này có thể gây ra những tác động không tốt đến trải nghiệm học tập trong trường của du học sinh, khi nó vô tình tạo ra những khoảng cách trong mối quan hệ giữa du học sinh và sinh viên bản địa. Vì vậy, có thể hiểu thích ứng đa văn hóa là một “trải nghiệm chủ quan, cảm nhận và theo văn hóa cụ thể” 20 . Việc sinh viên nước ngoài hòa nhập được với một số khía cạnh của văn hóa Việt Nam là hoàn toàn tự nguyện, trong trường hợp họ không thể hòa nhập với nền văn hoá này thì nguyên nhân chủ yếu dựa trên quan điểm văn hóa của riêng họ.

Có thể nói, mọi quyết định đều được đưa ra dựa trên cách một cá nhân nhìn nhận vấn đề mà mình đang đối mặt như thế nào. Do đó, khi những kỳ vọng, mong đợi của họ không được đáp ứng, thường là nguyên nhân dẫn đến cảm giác bị cô lập và thất bại cá nhân. Như đã bàn luận trước đó, các vấn đề phổ biến thường liên quan đến sự thay đổi ban đầu do cú sốc văn hóa, nhưng có thể cải thiện một cách tích cực hơn khi sinh viên biết cách điều hướng các mối quan hệ của họ (β = 0,078). Xây dựng tình bạn với sinh viên địa phương là rất quan trọng để giảm thiểu cảm giác cô đơn, nhớ nhà và tăng cảm giác hài lòng với trải nghiệm quốc tế 42 . Thế nên, để có thể cải thiện vấn đề về hòa nhập, du học sinh nên tăng cường mở rộng mạng lưới quan hệ xã hội của họ, đánh giá nhu cầu, phát triển kỹ năng cá nhân nhằm vượt qua các rào cản trong nhận thức để tương tác với những người khác trong môi trường đậm nét văn hoá như Việt Nam.

Kết luận và Hàm ý quản trị

Kết luận

Dựa trên Lý thuyết giao tiếp tích hợp về sự thích ứng giữa các nền văn hóa 40 , nghiên cứu này đã khám phá cơ chế tác động của nhận thức xuyên văn hóa đối với lựa chọn du học. Mô hình nghiên cứu đã được kiểm định thông qua phương pháp SEM, tác động trung gian của sự hòa nhập đã được kiểm tra, làm rõ thông qua việc xử lý dữ liệu quan sát cho ra kết quả tốt và phù hợp với các nghiên cứu trước đây. Các kiểm định mô hình cho thấy việc lựa chọn du học tại Việt Nam của sinh viên nước ngoài bị tác động bởi cả nhận thức xuyên văn hóa và sự hòa nhập. Mặt khác việc lựa chọn du học chịu sự tác động của nhận thức xuyên văn hóa một cách trực tiếp cũng như gián tiếp thông qua trung gian sự hòa nhập. Tuy nhiên, tác động trực tiếp từ nhận thức xuyên văn hóa đến lựa chọn du học là mạnh mẽ hơn so với thông qua trung gian hòa nhập.

Hàm ý quản trị

Những phát hiện của nghiên cứu này gợi ý một số hàm ý đối với các trường Đại học Việt Nam trong việc thu hút sinh viên nước ngoài. Các sinh viên nước ngoài có hiểu biết cũng như tìm hiểu về Việt Nam trước đó có xu hướng sở hữu cho mình một năng lực xuyên văn hóa tốt hơn. Cụ thể, hầu hết sinh viên cho rằng “việc du học có thể phát triển kỹ năng ngoại ngữ của bản thân” (m=3,89), những sinh viên nước ngoài có thể dễ dàng trong việc nâng cao khả năng nhận thức xuyên văn hóa của bản thân. Chính vì vậy, các trường đại học cần thiết phải nâng cao chất lượng giảng dạy của mình đối với chương trình dạy bằng tiếng Anh, bên cạnh đó là xen kẽ các hoạt động bổ trợ, tiếp xúc và thực hành tiếng Việt cho sinh viên nước ngoài. Hay khi sinh viên lựa chọn “cố gắng cởi mở và điều chỉnh bản thân cho phù hợp với lối sống, văn hóa ở Việt Nam” (m=3,84), họ đã thừa nhận rằng họ phải thay đổi để có thể thích nghi với môi trường mới. Nhiệm vụ của các trường đại học chính là tăng cường những nhận thức văn hóa Việt Nam cho sinh viên nước ngoài để nhóm đối tượng này có thể có được nguồn thông tin hữu ích trong việc thích nghi văn hóa. Và cuối cùng, khi “có thể hoàn toàn thích nghi với đời sống và thực tiễn văn hóa của Việt Nam” (m=3,72), sinh viên nước ngoài sẽ hạn chế được tối đa các rào cản tâm lý, hoặc tốt hơn là họ có thể hòa nhập với nền văn hóa. Những điều này đến từ những tác động tích cực của môi trường xung quanh, cụ thể là từ chính những mối quan hệ trong nhà trường, giữa các giáo viên, nhân viên, bạn bè và mối quan hệ tại nơi lưu trú và công dân của nước sở tại.

Để giúp sinh viên nước ngoài có thể hòa nhập với môi trường mới, đầu tiên, các trường đại học có thể “tăng cường thảo luận các vấn đề giữa nhân viên nhà trường với các sinh viên” (m=3,81), sinh viên có thể “tương tác tích cực với đội ngũ nhân viên trường” (m=3,77) để họ cảm thấy luôn có một nguồn lực hỗ trợ bên cạnh họ khi khó khăn trong thích nghi xảy đến. Tiếp theo đó, bên cạnh việc hỗ trợ thông qua đội ngũ nhân viên của trường, sinh viên nước ngoài du học tại Việt Nam cũng có thể dễ dàng hòa nhập hơn nhờ vào việc “hỗ trợ, giúp đỡ và tương tác với cộng đồng dân cư tại nơi sinh sống” (m=3,79). Chính vì vậy, cần thiết nên có những kết nối tích cực dành cho nhóm sinh viên này với dân cư tại địa phương bằng cách liên kết với khu dân cư, tìm lưu địa điểm trú được sắp xếp sẵn cho sinh viên nước ngoài có thể sinh sống tại đây. Vì “cảm giác cô đơn khi sống ở Việt Nam” là một trong những tác nhân ảnh hưởng đến sự hòa nhập (m=3,74), các sinh viên nên cố gắng tạo cho mình những mối quan hệ mới khi đi du học. Bên cạnh đó, các trường đại học cũng nên có những phương án để giúp cho sinh viên nước ngoài đến từ cùng một quốc gia có thể được giao lưu và ở gần nhau, điều này giúp cho cảm giác cô đơn và khó khăn trong giai đoạn đầu được giảm thiểu đáng kể vì bên cạnh sinh viên luôn có người đồng hành. “Không có sự phân biệt đối xử trong trường đại học” (m=3,73) và việc “hài lòng với các mối quan hệ xung quanh” (m=3,70) chính là hai yếu tố cuối cùng ảnh hưởng đến quá trình hòa nhập của sinh viên nước ngoài. Nhìn chung, sự hòa nhập của một cá nhân bị ảnh hưởng rất nhiều bởi hành vi và thái độ của những người xung quanh họ. Nếu cá nhân cảm nhận được việc mọi người xung quanh hoàn toàn không có thái độ hay định kiến với bản thân mình, việc hòa nhập sẽ diễn ra một cách tự nhiên và nhanh chóng, dễ dàng hơn. Các trường đại học nên tăng cường quan tâm đến sinh viên nước ngoài, quan tâm đến cả đời sống vật chất và tinh thần của họ để kịp thời nhận thấy những khó khăn trong giao tiếp và sinh hoạt của nhóm đối tượng này, từ đó giúp đỡ vượt qua những khó khăn. Các hoạt động hỗ trợ sinh viên nước ngoài của các trường đại học Việt Nam (ví dụ như những buổi hội thảo, tư vấn trực tiếp, giao lưu, trải nghiệm văn hóa…) cũng sẽ giúp tạo nên sự hòa đồng và nhận thức gần gũi với môi trường học tập cũng như có được tinh thần cởi mở với môi trường mới là cần thiết. Từ đó, sinh viên nước ngoài có được trạng thái cảm xúc, cảm nhận tích cực để từ đó gia tăng mức độ gắn bó với môi trường mới và thúc đẩy sự lựa chọn du học tại Việt Nam.

Đối với yếu tố lựa chọn du học, việc lựa chọn từ “lời truyền miệng từ những người đã từng học tập ở nước ngoài có thể ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn” (m=3,8), đạt giá trị lớn nhất, các trường đại học cần thiết nên xây dựng cho mình một hình ảnh tốt và tích cực đối với các cựu du học sinh. Điều này sẽ giúp giá trị hình ảnh được lan truyền rộng rãi nhưng lại đạt được hiệu quả chi phí cao. Để làm được như vậy, cả trường đại học và quốc gia sở tại đều cần phải có những kế hoạch để hoàn thiện, xây dựng chương trình giáo dục tốt hơn, thân thiện và mang lại nhiều lợi ích trong lúc học và sau khi kết thúc chương trình học. Bên cạnh đó, tạo cơ hội việc làm và giữ chân sinh viên nước ngoài cũng là một việc thể hiện sự gắn bó của sinh viên ngoại quốc với quốc gia, giáo dục nước sở tại. Tiếp theo đó, cha mẹ (m=3,78), những người thân trong gia đình (m=3,77), bạn bè (m=3,74) và giáo viên (m=3,73) lần lượt là những người có thể gây ảnh hưởng đến quá trình lựa chọn du học của sinh viên. Chính vì điều này, bên cạnh việc tận dụng nguồn truyền thông có sẵn là các cựu sinh viên nước ngoài, những cá nhân từng đi du học, các trường đại học cũng như quốc gia sở tại cần chú trọng hơn nữa đến việc tạo dựng hình ảnh đối với các quốc gia khác. Tăng cường truyền thông, quảng cáo, hợp tác giáo dục, trao đổi sinh viên được xem là biện pháp để có thể đưa hình ảnh đến với quốc tế.

Hạn chế và hướng nghiên cứu tiếp theo

Nghiên cứu này được thực hiện với 81,8% là sinh viên gốc châu Á, nơi có nhiều nét tương đồng về văn hóa và xã hội với Việt Nam. Các nghiên cứu tiếp theo nên cân nhắc việc tiến hành kiểm định trên từng nhóm châu lục, theo từng bối cảnh địa lí để có thể có cái nhìn khách quan nhất về mức độ hòa nhập và nhận thức xuyên văn hóa của mỗi nhóm sinh viên. Bên cạnh đó, vì nghiên cứu này được thực hiện theo dạng cắt ngang, tại một thời điểm cụ thể nhất định nên việc trong tương lai, người thực hiện khảo sát thay đổi quan điểm hay góc nhìn về vấn đề nghiên cứu là hoàn toàn không tránh khỏi. Chính vì lý do này, các nghiên cứu tiếp theo nên cân nhắc việc nghiên cứu theo chiều dọc, kéo dài thời gian quan sát và thời gian thu thập dữ liệu để có thể nắm bắt tốt nhất được quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề của nhóm đối tượng khảo sát.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

SEM: Structural Equation Modeling

CB SEM: Covariance-Based Structural Equation Modeling

PLS SEM: Partial Least Squares Structural Equation Modeling

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

- Tác giả thứ nhất (Cao Minh Trí) chịu trách nhiệm nội dung tóm tắt, giới thiệu, thảo luận, kết luận và hàm ý quản trị.

- Các tác giả còn lại (Nguyễn Thúy Lan Anh, Nguyễn Dương Quỳnh Anh) chịu trách nhiệm nội dung giả thuyết và mô hình nghiên cứu; thiết kế nghiên cứu; kết quả nghiên cứu.

References

  1. Nghia TL. Motivations for studying abroad and immigration intentions: The case of Vietnamese students. Journal of International Students. 2019 Aug 15;9(3):758-76. . ;:. Google Scholar
  2. Klein J, Wikan G. Teacher education and international practice programmes: Reflections on transformative learning and global citizenship. Teaching and Teacher Education. 2019 Mar 1;79:93-100. . ;:. Google Scholar
  3. Potts D. Understanding the early career benefits of learning abroad programs. Journal of Studies in International Education. 2015 Nov;19(5):441-59. . ;:. Google Scholar
  4. Liu‐Farrer G, Tran AH. Bridging the institutional gaps: International education as a migration industry. International Migration. 2019 Jun;57(3):235-49. . ;:. Google Scholar
  5. Smith RA, Khawaja NG. A review of the acculturation experiences of international students. International Journal of intercultural relations. 2011 Nov 1;35(6):699-713. . ;:. Google Scholar
  6. Wang KT, Wei M, Zhao R, Chuang CC, Li F. The cross-cultural loss scale: Development and psychometric evaluation. Psychological assessment. 2015 Mar;27(1):42. . ;:. PubMed Google Scholar
  7. Szabo A, Ward C, Jose PE. Uprooting stress, coping, and anxiety: A longitudinal study of international students. International Journal of stress management. 2016 May;23(2):190. . ;:. Google Scholar
  8. Hirai R, Frazier P, Syed M. Psychological and sociocultural adjustment of first-year international students: Trajectories and predictors. Journal of counseling psychology. 2015 Jul;62(3):438. . ;:. PubMed Google Scholar
  9. Fresque‐Baxter JA, Armitage D. Place identity and climate change adaptation: a synthesis and framework for understanding. Wiley Interdisciplinary Reviews: Climate Change. 2012 May;3(3):251-66. . ;:. Google Scholar
  10. Bennett MJ. Becoming interculturally competent. Toward multiculturalism: A reader in multicultural education. 2004;2:62-77. . ;:. Google Scholar
  11. Xia Z. A Preliminary Study of Culture Shock and Adaptation Tactics for Overseas Chinese Students-from the Perspective of" American Dreams in China". Theory and Practice in Language Studies. 2020 Mar 1;10(3):336-41. . ;:. Google Scholar
  12. Rienties B, Beausaert S, Grohnert T, Niemantsverdriet S, Kommers P. Understanding academic performance of international students: The role of ethnicity, academic and social integration. Higher education. 2012 Jun;63:685-700. . ;:. Google Scholar
  13. Garza DD. The acculturation needs of International students at US Universities: A call for online anticipatory orientation [PhD thesis]. Qld: University of Kansas; 2015 [cited 2023 Mar 24]. Available from: KU ScholarWorks. . ;:. Google Scholar
  14. Watson JR, Siska P, Wolfel RL. Assessing gains in language proficiency, cross‐cultural competence, and regional awareness during study abroad: A preliminary study. Foreign Language Annals. 2013 Mar;46(1):62-79. . ;:. Google Scholar
  15. Aldawsari NF, Adams KS, Grimes LE, Kohn S. The effects of cross-cultural competence and social support on international students' psychological adjustment: Autonomy and environmental mastery. Journal of International Students. 2018 Apr 1;8(2):901-24. . ;:. Google Scholar
  16. Taguchi N. Cross‐cultural adaptability and development of speech act production in study abroad. International Journal of Applied Linguistics. 2015 Nov;25(3):343-65. . ;:. Google Scholar
  17. Bandyopadhyay S, Bandyopadhyay K. Factors influencing student participation in college study abroad programs. Journal of International Education Research (JIER). 2015 Apr 1;11(2):87-94. . ;:. Google Scholar
  18. Yang Y, Zhang Y, Sheldon KM. Self-determined motivation for studying abroad predicts lower culture shock and greater well-being among international students: The mediating role of basic psychological needs satisfaction. International Journal of Intercultural Relations. 2018 Mar 1;63:95-104. . ;:. Google Scholar
  19. Kosmaczewska J. Exploring the determinants of choosing an academic destination under a short-term mobility: a cross-cultural comparison of Poland and Portugal. Journal of Marketing for Higher Education. 2022 Nov 22;32(1):138-158. . ;:. Google Scholar
  20. Kim YY. Cross-cultural adaptation. Oxford research encyclopedia of communication. 2017 Aug 22. . ;:. Google Scholar
  21. Schwartz SJ, Unger JB, Zamboanga BL, Szapocznik J. Rethinking the concept of acculturation: implications for theory and research. American Psychologist. 2010 May-Jun;65(4):237-251. . ;:. PubMed Google Scholar
  22. Chien YY. Adjustment of international students in a UK university: Reasons for study abroad and subsequent academic and socio-cultural experiences. . ;:. Google Scholar
  23. Peng RZ, Wu WP. Measuring communication patterns and intercultural transformation of international students in cross-cultural adaptation. International Journal of Intercultural Relations. 2019 May 1;70:78-88. . ;:. Google Scholar
  24. Singh MK. Socio-Economic, Environmental and Personal Factors in the Choice of Country and Higher Education Institution for Studying Abroad among International Students in Malaysia. International Journal of Educational Management. 2016;30(4):505-19. . ;:. Google Scholar
  25. Ward C, Kennedy A. Acculturation strategies, psychological adjustment, and sociocultural competence during cross-cultural transitions. International journal of intercultural relations. 1994 Jun 1;18(3):329-43. . ;:. Google Scholar
  26. Kinginger C. Language learning and study abroad: A critical reading of research. Springer; 2009. . ;:. Google Scholar
  27. Maringe F, Carter S. International students' motivations for studying in UK HE: Insights into the choice and decision making of African students. International Journal of Educational Management. 2007 Aug 21;21(6):459-75. . ;:. Google Scholar
  28. Chung KC, Holdsworth DK, Li Y, Fam KS. Chinese "Little Emperor", cultural values and preferred communication sources for university choice. Young Consumers. 2009 June 12;10(2):120-132. . ;:. Google Scholar
  29. Arthur N. Supporting international students through strengthening their social resources. Studies in Higher Education. 2017 May 4;42(5):887-94. . ;:. Google Scholar
  30. Sheldon KM, Hilpert JC. The balanced measure of psychological needs (BMPN) scale: An alternative domain general measure of need satisfaction. Motivation and Emotion. 2012 Dec;36:439-51. . ;:. Google Scholar
  31. Wilkins S, Shams F, Huisman J. The decision-making and changing behavioural dynamics of potential higher education students: the impacts of increasing tuition fees in England. Educational Studies. 2013 May 1;39(2):125-41. . ;:. Google Scholar
  32. Chen CH, Zimitat C. Understanding Taiwanese students' decision‐making factors regarding Australian international higher education. International Journal of Educational Management. 2006 Feb 1. . ;:. Google Scholar
  33. Chen LH. Choosing Canadian graduate schools from afar: East-Asian students' perspectives. Higher Education. 2007 Oct 1;54(5):759. . ;:. Google Scholar
  34. Li M, Bray M. Cross-border flows of students for higher education: Push-pull factors and motivations of mainland Chinese students in Hong Kong and Macau. Higher education. 2007 Jun;53:791-818. . ;:. Google Scholar
  35. Henseler J, Hubona G, Ray PA. Using PLS path modeling in new technology research: updated guidelines. Industrial management & data systems. 2016 Feb 1. . ;:. Google Scholar
  36. Hair JF, Risher JJ, Sarstedt M, Ringle CM. When to use and how to report the results of PLS-SEM. European business review. 2019 Jan 14;31(1):2-4. . ;:. Google Scholar
  37. Henseler J, Ringle CM, Sinkovics RR. The use of partial least squares path modeling in international marketing. InNew challenges to international marketing 2009 Mar 6. Emerald Group Publishing Limited. . ;:. Google Scholar
  38. Hair JF, Ringle CM, Sarstedt M. PLS-SEM: Indeed a silver bullet. Journal of Marketing theory and Practice. 2011 Apr 1;19(2):139-52. . ;:. Google Scholar
  39. Hair Jr JF, Hult GT, Ringle CM, Sarstedt M. A primer on partial least squares structural equation modeling (PLS-SEM). Sage publications; 2021 Jun 30. . ;:. Google Scholar
  40. Kim YY. Mapping the domain of intercultural communication: An overview. Communication Yearbook 24. 2012 Mar 22:139-56. . ;:. Google Scholar
  41. Sorrentino RM, Roney CJ. The uncertain mind: Individual differences in facing the unknown. Psychology Press; 2013 May 13. . ;:. Google Scholar
  42. Hendrickson B, Rosen D, Aune RK. An analysis of friendship networks, social connectedness, homesickness, and satisfaction levels of international students. International journal of intercultural relations. 2011 May 1;35(3):281-95. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4470-4480
Published: Jun 30, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1193

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Cao, T., Nguyen, A., & Nguyen, A. (2023). Cross-cultural awareness: Direct and indirect effect to the choice to study in Vietnam of foreign students. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4470-4480. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1193

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 958 times
PDF   = 378 times
XML   = 0 times
Total   = 378 times