Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

637

Total

305

Share

The determinants of income diversification of households after land acquisition in Hau Giang province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This study is aimed at analyzing the income diversification and determinants of income diversification and income of households after land acquisition in Hau Giang province. The dataset employed in this research included 150 observations collected by the conditioned random method that is the households with acquired land. The paper employed descriptive statistics, comparative methods, analysis of Simpson Index Diversification based on the theory of livelihood resources of DFID and linear regression model to determine the factors affecting the income diversification, impact on the level of income diversification and household income. The analysis results indicated that the level of income diversification of households is quite high (with an SID index of 0.8), but up to 40% of households have only one source of income. The results of the regression model analysis revealed that there are three factors including income source, age and occupation that affect the level of income diversification of the household. The results of the second regression model illustrates that there are five factors including the degree of income diversification, the number of laborers in the family, the level of investment in production and business of the household from compensation, the experience of household head, household credit has an effect on household income. Based on the analysis results, the paper proposes some relevant solutions on the use of investment money, employment, experience and problems related to loans in production to ensure income stability for households in the study area.

Giới thiệu chung

Do đặc điểm tự nhiên và lợi thế về nguồn lực, nông nghiệp là một trong những lĩnh vực chính góp phần phát triển kinh tế tại Việt Nam, đặc biệt tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và tỉnh Hậu Giang nói riêng. Tính đến cuối năm 2022, hơn 75% diện tích đất trên địa bàn tỉnh được sử dụng để sản xuất nông nghiệp, tỷ trọng lao động trong nông nghiệp chiếm cao, tuy nhiên, thu nhập của nhóm này lại thấp hơn so với những ngành nghề khác 1 . Một trong những lý do là vì tình trạng bấp bênh của giá cả đầu ra, mức tăng đột biến của đầu vào trong sản xuất, các hộ gia đình vẫn chưa chú trọng và chưa có chiến lược cụ thể phát triển sản xuất lâu dài và bền vững. Ngoài ra, nông nghiệp hiện vẫn còn tập trung khá nhiều vào lượng và chưa đầu tư nhiều về chất, tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, phụ nhiều vào thời tiết và thị trường 2 . Đối với chủ hộ, trình độ học vấn còn thấp, chưa được đào tạo bài bản gây trở ngại trong việc tiếp cận, tìm kiếm và đa dạng hóa hoạt động phi nông nghiệp.

Do đó, khi các dự án công nghiệp phát triển trong khu vực và người dân sau thu hồi đất từ các dự án này sẽ bị ảnh hưởng ít nhiều đến sinh kế. Mặc dù khi thu hồi đất, các đơn vị có liên quan đều có chính sách bồi thường thiệt hại về đất, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và ổn định đời sống. Nhưng vấn đề thu nhập của người dân sau khi bị thu hồi đất nông nghiệp chắc chắn có phát sinh. Do đó, đây là vấn đề có ý nghĩa thực tiễn cao để nghiên cứu, là vấn đề rất được các địa phương trong phạm vi cả nước quan tâm. Thực tế, có những hộ có thu nhập cao hơn hoặc không đổi so với trước khi bị thu hồi đất, nhưng vẫn có một số hộ dân có thu nhập giảm sau khi bị thu hồi đất. Một số ý kiến chuyên gia cho rằng do quá trình bồi hoàn chưa gắn với việc tư vấn, định hướng nghề nghiệp và chuyển đổi cơ cấu ngành nghề nên có nhiều hộ gia đình sử dụng số tiền không hiệu quả. Do đó, câu hỏi đặt ra là “làm sao khi thu hồi đất phải đảm bảo cho người dân có cuộc sống và thu nhập thay đổi theo hướng tốt hơn hoặc bằng so với trước khi bị thu hồi đất?”. Việc tìm hiểu về sự thay đổi thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập của người dân bị thu hồi đất là một thách thức cho các nhà khoa học và hoạch định chính sách vì việc này sẽ cung cấp những luận cứ khoa học cho các chủ trương đền bù giải tỏa cho các hộ dân nằm trong vùng quy hoạch khu công nghiệp. Khi một dự án được triển khai đầu tư thì các hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, họ nên được tư vấn, được đền bù cho những mất mát của họ, được hỗ trợ xây nhà và những hoạt động cộng đồng khác 3 . Những vấn đề này rất quan trọng nếu những hộ ảnh hưởng là người nghèo, khi họ không có khả năng xoay sở thì việc hỗ trợ là hết sức cần thiết. Đa dạng hóa là một cơ chế hiệu quả giúp sinh kế hộ nông dân bền vững và giúp phát triển nông thôn bền vững. Đa dạng hóa có thể được sử dụng như một mạng lưới an toàn đối với người nghèo hoặc như một khả năng tích lũy đối với người giàu ở nông thôn 4 . Cho nên nghiên cứu tìm hiểu và phân tích những nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa thu nhập của hộ dân đặc biệt là đối với các hộ bị tác động bởi thu hồi đất để có thể có những chính sách tốt hơn nhằm phát triển kinh tế phi nông nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là các tỉnh thành nông nghiệp tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Lược khảo tài liệu và phương pháp nghiên cứu

Lược khảo tài liệu

Một số nghiên cứu điển hình về thu nhập và đa dạng hóa thu nhập của hộ dân đã được thực hiện nhằm chỉ ra thực trạng việc làm của người lao động trong các hộ dân diện thu hồi đất tỉnh Quảng Nam 5 . Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng do chính sách hỗ trợ đền bù đối với người bị thu hồi đất chưa thỏa đáng nên đời sống của các hộ dân có rất nhiều thay đổi, nhiều hộ rơi vào tình trạng đời sống khó khăn chiếm 56,82% trong tổng số hộ bị thu hồi đất sản xuất so với trước khi bị thu hồi đất sản xuất. Ngoài ra số người lao động thất nghiệp sau thu hồi đất chiếm tỷ lệ 12,6% do đó ảnh hưởng đến thu nhập của người dân. Trong khi ở Đồng bằng sông Cửu Long, thu nhập chủ yếu của các thành viên trong hộ phụ thuộc vào hoạt động trồng trọt, kế đến là thu nhập từ hoạt động kinh doanh mà chủ yếu là buôn bán nhỏ như tạp hóa, quán ăn, bên cạnh đó thu nhập từ tiền lương và tiền công của các thành viên đóng vai trò quan trọng trong tổng thu nhập của hộ, nhất là những hộ không có đất sản xuất thì thu nhập của họ hầu hết xuất phát từ hoạt động làm thuê cho những hộ khác 6 . Tương tự, các hộ dân ở huyện Gò Công Đông tỉnh Tiền Giang đã được chỉ ra là có xu hướng đa dạng hóa sản xuất còn tương đối thấp 7 . Thu nhập của hộ dân được hình thành từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp (chiếm trên 60%). Thu nhập của nhóm hộ đa dạng hóa cao hơn rất nhiều so với nhóm hộ chưa đa dạng. Trong đó thu nhập từ các hoạt động phi nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tăng thu nhập khi mức độ đa dạng hóa càng cao. Những hộ có thu nhập thấp thì khả năng tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp cao, phần lớn thu nhập của họ có được là từ các hoạt động làm thuê (làm hồ, phục vụ quán, làm thuê khâu thu hoạch, làm cỏ…). Nguyên nhân chủ yếu là do sự hạn chế nguồn lực đầu vào trong sản xuất nhưng lại dư thừa lao động nên tận dụng thời gian nông nhàn để làm thuê. Kết quả phân tích còn đưa ra một số sự khác biệt giữa hai nhóm hộ đã đa dạng hóa và chưa đa dạng hóa thu nhập có sự chênh lệch giữa diện tích đất canh tác và tỷ lệ lao động trong hộ dân, thu nhập của hộ… Do đó, khi muốn tăng thu nhập hộ dân phải tham gia thị trường lao động hoặc chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng đa dạng hóa cây trồng vật nuôi. Tỷ lệ lao động và khả năng tiếp cận vốn sản xuất của hộ là 2 yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ. Thu nhập của hộ chịu tác động bởi các yếu tố gồm mức độ đa dạng hóa, thu nhập từ hoạt động phi nông nghiệp và trồng trọt, diện tích đất canh tác. Do đó, nếu hộ dân đa dạng hóa theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi sẽ có cơ hội tăng thu nhập. Riêng những hộ đa dạng theo hướng tham gia các hoạt động phi nông nghiệp nhất là làm thuê cũng góp phần tăng thu nhập đáng kể cho hộ dân. Mức độ đa dạng hóa thu nhập của hộ dân là tuổi của chủ hộ, tỷ lệ lao động và thành viên của hộ, nghề nghiệp tạo thu nhập chính của hộ và diện tích đất sản xuất mà hộ dân hiện có 8 , 9 , 10 .

Vốn con người về mặt chất lượng lẫn số lượng đóng vai trò quan trọng trong việc khuyến khích hộ gia đình đa dạng hoá các hoạt động tạo ra thu nhập, trình độ học vấn cao thì khả năng đa dạng hóa cũng cao hơn, vốn xã hội và phương pháp tiếp cận tín dụng cũng giúp hộ dân cải thiện thu nhập 9 . Trong đó, tỷ lệ lao động và thành viên của hộ có tác động thuận còn diện tích đất canh tác có tác động nghịch đến khả năng đa dạng hóa của hộ trên địa bàn nghiên cứu 10 . Các nhân tố quan trọng có ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân như diện tích đất canh tác, tỷ lệ lao động và mức độ đa dạng hóa. Các thành viên của hộ cần tham gia vào các làng nghề để giúp đa dạng hóa thu nhập, tích tụ ruộng đất cũng như tăng nguồn thu từ thu nhập phi nông nghiệp và đầu tư phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tạo điều kiện thuận lợi về việc làm, tăng hiệu quả sản xuất làm tăng nguồn thu nhập của hộ dân 11 .

Tóm lại, mặc dù các nghiên cứu trước đây đã thực hiện về đa dạng hóa thu nhập và các yếu tố ảnh hưởng đến thu nhập khá đa dạng. Tuy nhiên, các nghiên cứu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long còn khá hạn chế, trong khi đó, việc nghiên cứu về chủ đề này là khá cần thiết tại khu vực này do đặc tính dễ bị tổn thương của người dân và các hạn chế về nguồn lực.

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu

Số liệu sử dụng trong bài nghiên cứu này được thu thập từ các nguồn gồm các báo cáo tổng kết của địa phương về tình hình kinh tế xã hội, đặc biệt những tài liệu có liên quan tới ngành nghề phi nông nghiệp và thu nhập của hộ nông dân. Số liệu sơ cấp được thu thập từ việc phỏng vấn 150 hộ nông dân trên địa bàn huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Đây là khu vực có các hộ dân trong nhóm thu hồi đất thuộc hai dự án lớn nên kết quả phân tích sẽ mang tính đại diện cao. Phương pháp chọn mẫu thực hiện theo phương pháp ngẫu nhiên phi xác suất có điều kiện. Phiếu khảo sát được xây dựng nhằm thu thập các thông tin chung về hộ dân như tên, tuổi, giới tính, trình độ học vấn, kinh nghiệm, nghề nghiệp, nhân khẩu, số lao động trong hộ, nguồn lực của hộ dân, tài sản hiện có và các thông tin về mô hình sinh kế của hộ, thông tin tín dụng, thu nhập trước và sau thu hồi đất và các chỉ tiêu có liên quan khác về đa dạng hóa và thu nhập.

Phương pháp phân tích số liệu

Phương pháp thống kê mô tả : nhằm mô tả khái quát chung về các đặc điểm kinh tế xã hội của hộ dân trước và sau khi bị thu hồi đất thuộc dự án Sông Hậu 2 và Nhà máy luyện, cán thép Sunpro tỉnh Hậu Giang, bao gồm các chỉ tiêu như số trung bình, số nhỏ nhất, lớn nhất và độ lệch chuẩn.

Chỉ số đa dạng hóa thu nhập ( Simpson Index Diversification – SID) hệ số đa dạng hóa Simpson này là một trong những chỉ tiêu phổ biến để đo lường độ đa dạng thường được sử dụng trong các ngành như sinh thái học để định lượng mức độ đa dạng sinh học của môi trường sống, sự phong phú của mỗi loài. Trong nghiên cứu kinh tế, để đo lường mức độ đa dạng hóa các hoạt động sản xuất trong hộ dân, nếu chuyên môn hóa gồm một hoạt động thì SID là 0, SID càng cao thì mức độ đa dạng hóa thu nhập càng cao và chỉ số này cũng tiến về 1. Chỉ số này được ước lượng bằng công thức sau:

Trong đó P i là tỷ trọng thu nhập của hoạt động thứ i trên tổng thu nhập (1≥SID≥0). Như vậy, trong giới hạn về cách tiếp cận của nghiên cứu trong vấn đề đa dạng hóa thu nhập, chỉ số này có cách tính toán phù hợp với quan điểm của Cơ quan Phát triển Quốc tế Anh - DFID (1999) về đa dạng hóa thu nhập.

Mô hình hồi quy tuyến tính

Dựa trên lược khảo tài liệu và cách tiếp cận khung lý thuyết về sinh kế bền vững (DFID, 1999), bài viết xây dựng hai mô hình nghiên cứu như sau:

Mô hình 1 : Bài viết này sử dụng mô hình OLS để đánh giá các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đa dạng hóa thu nhập, dựa trên lược khảo tài liệu và tổng hợp của tác giả, mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

SID = β 0 + β 1 GIOITINH + β 2 NHANKHAU+ β 3 NGUONTHUNHAP + β 4 TUOI + β 5 NGHECHUHO

Trong đó, GIOI TINH là biến giả với giá trị 1 là nam và 0 là nữ. Thực tế cho thấy nữ giới có xu hướng đa dạng hóa cao hơn để giảm rủi ro thay vì có xu hướng đầu tư lớn để sản xuất một loại sản phẩm như nam giới. Tuy nhiên, trong các trường hợp khác nhau thì tác động này hoàn toàn có thể ở chiều hướng ngược lại do đặc điểm của mỗi hộ dân. Do đó, dấu kỳ vọng của biến này có thể là âm hay dương. NHANKHAU (Nhân khẩu hộ) là biến thể hiện số người trong hộ, không tính đến người làm thuê và ở nhờ cũng được kỳ vọng mang dấu (+)/(-). Khi hộ có quy mô lớn hơn sẽ thu được thu nhập bình quân trên một lao động cao hơn do các hộ này có thể khai thác được lợi thế kinh tế nhờ quy mô hộ lớn hơn. Hộ có càng nhiều thành viên là lực lượng lao động thì khả năng tham gia các hoạt động tạo thu nhập cũng tăng dần lên. Tuy nhiên, gia đình đông con sẽ dẫn đến nghèo đói và số con trong các hộ nghèo thường cao hơn các hộ giàu. NGUONTHUNHAP là biến thể hiện số nguồn thu nhập của hộ dân, hoạt động tạo thu nhập trong hộ gia đình và được kỳ vọng mang dấu (+). Khi số lao động càng cao thì càng có nhiều lao động tham gia việc tạo thu nhập cho gia đình, góp phần nâng cao thu nhập cho hộ. TUOI (Tuổi chủ hộ) là tuổi của chủ hộ được kỳ vọng mang dấu (+/-). Khi tuổi chủ hộ càng cao thì càng có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, bởi cùng với sự gia tăng của tuổi tác thì mối quan hệ xã hội và kiến thức sống cũng được tích lũy nhiều hơn. Biến NGHECHUHO (Nghề nghiệp chính của hộ) nhận giá trị 1 nếu nguồn thu nhập chính của hộ dân đến từ hoạt động sản xuất nông nghiệp, khi đó khả năng đa dạng hóa của hộ sẽ cao hơn.

Mô hình 2 : bài viết này cũng sử dụng mô hình hồi quy dạng 2 này để xem xét sự ảnh hưởng của đa dạng hóa và các yếu tố khác đến thu nhập của hộ dân:

THUNHAP = β 0 + β 1 KINHNGHIEM + β 2 HOCVAN + β 3 TINDUNG + β 4 SOLD + β 5 TIENBOITHUONG + β 6 TYLEDATTHUHO + β 7 SID

Trong đó THUNHAP là thu nhập trung bình của hộ dân (triệu đồng/năm). SID là biến độc lập trong mô hình đo lường mức độ đa dạng hóa của hộ dân có giá trị từ 0 đến 1. Biến này có giá trị bằng 0 nếu hộ dân chỉ có duy nhất một nguồn thu nhập, giá trị này tiến dần đến 1 khi hộ có nhiều hơn một nguồn thu nhập có nghĩa là hộ thực hiện đa dạng hóa thu nhập. Theo một số nghiên cứu trước đây, hộ dân có mức độ đa dạng hóa thu nhập càng cao thì thu nhập sẽ càng cao. Do đó, hệ số này được kỳ vọng mang giá trị dương.

Bên cạnh đó, thu nhập của hộ dân còn phụ thuộc vào các yếu tố khác (như lượng vốn vay, số lao động của hộ, trình độ học vấn của chủ hộ…) nên các biến khác còn lại bao gồm: KINHNGHIEM (Kinh nghiệm nghề nghiệp) thể hiện số năm tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp của chủ hộ và kỳ vọng mang dấu (+). Người dân càng có nhiều kinh nghiệm trong nghề thì lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất phi nông nghiệp càng cao. HOCVAN là trình độ học vấn của chủ hộ được đo lường bằng số lớp mà chủ hộ đã học. Biến này sẽ nhận giá trị là 0 nếu chủ hộ chưa từng đi học, nhận giá trị từ 1 đến 12 ở các bậc học phổ thông, 13 là trung cấp, 14 là bậc cao đẳng và 15 là bậc đại học. Hệ số này được kỳ vọng mang giá trị dương bởi trong gia đình nông dân chủ hộ thường đóng vai trò chính trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh và thường là người đưa ra những quyết định sản xuất của hộ. Nếu chủ hộ có trình độ học vấn cao sẽ thuận lợi trong việc tiếp cận và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nắm bắt thông tin liên quan đến sản xuất từ đó sẽ giúp hộ sản xuất hiệu quả hơn và cải thiện được thu nhập tốt hơn những hộ mà chủ hộ có trình độ học vấn thấp. TINDUNG (Số tiền vay) là số tiền mà hộ vay được trong năm (tính bằng triệu đồng) từ các tổ chức tín dụng chính thức (ngân hàng, quỹ tín dụng), bán chính thức (đoàn thanh niên, hội phụ nữ, dự án,…) và phi chính thức (người cho vay chuyên nghiệp,…). Vốn là yếu tố đầu vào không thể thiếu do người sản xuất luôn rất cần vốn để mua máy móc, vật tư, thuê lao động,… qua đó làm tăng thu nhập cho hộ dân. Kỳ vọng mang dấu (+). SOLD là số người trong độ tuổi lao động và có khả năng lao động của hộ. Trong điều kiện sản xuất ít cơ giới hóa thì số lượng lao động là yếu tố quan trọng giúp hộ tăng thu nhập. Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động chưa phản ánh hết số lao động thực sự trong hộ, nếu số người trong độ tuổi lao động của hộ là cao nhưng trong số này có quá nhiều lao động phụ thuộc, chưa tham gia lao động thì cũng không tạo được thu nhập cho hộ (như các thành viên đang đi học). Vì thế hệ số β 4 mang giá trị dương hay âm còn tùy thuộc vào số lao động thực sự của hộ. TIENBOITHUONG là tổng số tiền bồi thường sau khi đất thu hồi. Tiền bồi thường đất của hộ dânảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập sau khi thu hồi đất do đền bù nhiều sẽ đầu tư mua lại đất và đầu tư sản xuất kinh doanh. Biến này được kỳ vọng tăng khả năng tạo ra thu nhập và có mối quan hệ đồng biến với biến phụ thuộc. Khi người nông dân sử dụng tiền đền bù đất để đầu tư vào sản xuất, kinh doanh thì xác suất việc cải thiện thu nhập càng tăng. TYLEDATTHUHOI (Tỷ lệ đất bị thu hồi), đối với biến này, các hộ dân có thể có hoặc không sở hữu đất đai. Tỷ lệ đất bị thu hồi cũng được chứng minh là có ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân 11 . Những hộ sở hữu đất đai sẽ có khả năng đa dạng hóa thu nhập cao hơn những hộ không có đất. Tuy nhiên, những hộ không có đất sẽ có thu nhập từ các nguồn tiền lương khác công nhân viên, cán bộ, giáo viên, và làm thuê mướn nên được kỳ vọng mang dấu (+)/(-).

Kết quả và thảo luận

Đặc điểm của mẫu khảo sát

Dựa theo lý thuyết về mô hình sinh kế bền vững (DFID, 1999), nguồn lực sản xuất của hộ dân bao gồm các yếu tố lao động, đất đai sản xuất và nguồn vốn đầu tư cho sản xuất. Các yếu tố này là điều kiện rất quan trọng trong việc tạo ra thu nhập cho hộ. Trong đó, yếu tố lao động là quan trọng hơn hết vì yếu tố lao động quyết định đến khả năng tạo ra thu nhập nhiều hay ít cho hộ. Yếu tố lao động bao gồm kỹ năng, kiến thức, khả năng lao động và sức khỏe của lực lượng lao động. Xét trên phương diện hộ gia đình thì lao động gồm số lượng và chất lượng của lao động trong hộ. Điều này phụ thuộc vào giới tính, độ tuổi, trình độ và sức khỏe của chủ hộ cũng như số lượng lao động trong hộ, khả năng lao động và trình độ của từng thành viên trong hộ.

Table 1 Bảng mô tả nguồn lực của các hộ dân

Bảng 1 cho thấy mỗi hộ có trung bình 4 thành viên (nhiều nhất là 8 người và ít nhất là 1 người). Số hộ có 4 thành viên trở lên chiếm đa số với tỷ lệ 34,67% số hộ được khảo sát (tương đương 52/150 hộ dân khảo sát). Số thành viên trong độ tuổi lao động của hộ ở mức trung bình là 65% trong tổng số thành viên, trong đó số hộ có từ 2 lao động trở lên chiếm tỷ trọng rất cao với 81,4% tổng số hộ được khảo sát. Đây là điều kiện thuận lợi cho phép hộ dân tham gia nhiều hoạt động sản xuất kinh doanh và đa dạng hóa nguồn thu nhập. Mặt khác, trong số các hộ được khảo sát vẫn còn 18,75% số hộ chỉ có một thành viên lao động. Điều này gây trở ngại rất lớn đến việc tạo thu nhập của hộ dân, những hộ có hoàn cảnh neo đơn này cần có một hướng phát triển khác riêng biệt so với những hộ còn lại.

Đặc điểm nguồn lực đất đai

Đất đai là tài sản quan trọng nhất của hộ dân và khả năng tiếp cận với đất là một yếu tố quyết định đối với sản xuất nông nghiệp, qua đó làm ảnh hưởng đến thu nhập của hộ dân. Do phần lớn thu nhập của hộ dân phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất nông nghiệp ở nước ta chủ yếu sử dụng lao động tay chân và đất tự nhiên nên diện tích đất nông nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với thu nhập hộ dân 6 . Nông dân có thể có mức thu nhập khác nhau với kích thước và chất lượng đất khác nhau. Quy mô đất đai của hộ cũng được chỉ ra là có ảnh hưởng thuận chiều với thu nhập bình quân đầu người của hộ, các hộ có diện tích đất lớn thường là các hộ khá, giàu 12 . Phần lớn các hộ nghèo có diện tích đất ít hơn hoặc không có ruộng đất và tình trạng hộ dân có ít đất sản xuất hoặc không có đất đang lan rộng.

Table 2 Diện tích đất sở hữu bởi hộ

Kết quả khảo sát thể hiện trong bảng 2 cho thấy có 100% hộ đang sở hữu đất đai. Trong số chỉ có 115 hộ có sở hữu đất có thể canh tác sản xuất, 35 hộ còn lại chỉ sở hữu đất ở. Số hộ có diện tích đất từ 10.000m 2 trở lên chỉ chiếm 7 hộ khoảng 4,7% trong khi đó số hộ có diện tích đất từ 1.000 đến 5.000m 2 chiếm 40,67%. Trong thực tế, những hộ có ít đất sản xuất mà có nhiều lao động thì hộ có xu hướng mở rộng theo diện tích đất hạn chế đó, hoặc các thành viên có xu hướng tham gia các hoạt động sản xuất ngoài nông nghiệp để có thêm thu nhập. Ngược lại, hộ dân có diện tích đất sản xuất lớn thường có xu hướng độc canh một loại cây trồng, vật nuôi hay cho thuê đất của mình. Vì thế, mức độ đa dạng hóa thu nhập của những hộ này thấp nhưng có thu nhập cao do lợi thế về quy mô của hộ dân so với những hộ khác.

Nguồn lực xã hội và tài sản khác của hộ

Về cơ sở hạ tầng trong địa bàn nghiên cứu, tính đến thời điểm khảo sát tất cả 150 hộ được khảo sát trên địa bàn xã đều có nguồn điện sử dụng, có sở hữu xe máy, tivi, điện thoại, cá biết có khoảng 30% số hộ sở hữu máy bơm, máy phun thuốc và motor điện.

Nguồn lực tài chính

Nguồn lực tài chính được thể hiện thông qua khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay tín dụng chính thức, bán chính thức và phi chính thức trên địa bàn xã. Qua khảo sát nguồn tín dụng mà hộ dân trên địa bàn có thể tiếp cận được gồm có Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn và các món vay tư nhân khác với khoảng 24,67% đáp viên có vay vốn. Vốn tài chính là các nguồn tài chính mà người ta sử dụng nhằm đạt được các mục tiêu trong sinh kế bao gồm nguồn thu nhập tiền mặt, tiền tiết kiệm, tín dụng và các nguồn khác như lương, nguồn hỗ trợ, viện trợ từ bên ngoài cho hộ gia đình và cho cộng đồng 13 . Vốn là một nguồn lực vô cùng quan trọng và không thể thiếu bởi hộ dân cần vốn để mua vật tư, giống, máy móc, thuê lao động, … nhằm đảm bảo tính thời vụ và giảm thiểu rủi ro, qua đó làm tăng thu nhập 14 . Các hộ dân tại địa bàn nghiên cứu có 24,67% với 37 hộ vay vốn và 75,33% với 113 hộ không vay vốn do đa số các hộ sử dụng vốn tự có là chính hoặc chủ yếu sản xuất với quy mô nhỏ, chi phí đầu tư thấp.

Kết quả khảo sát về thu nhập của hộ sau khi thu hồi đất cho thấy có 71% số hộ có thu nhập thay đổi, trong khi khoảng 14% thu nhập giảm và 13% không thay đổi thu nhập (xem Hình 1). Việc thu hồi đất nông nghiệp cũng dẫn đến sự thay đổi trong sản xuất nông nghiệp của các hộ chịu ảnh hưởng, tuy nhiên, sau thu hồi đất, thu nhập của hộ đến từ nhiều nguồn hơn. Song nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các hộ thuộc nhóm bị thu hồi đất nông nghiệp có thu nhập bình quân/tháng cao hơn nhóm hộ bị thu hồi đất nông nghiệp không dùng để sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, cả số lượng nguồn thu nhập và giá trị đa dạng hóa thu nhập của nhóm này cũng nhiều hơn nhóm hộ còn lại.

Figure 1 . Cơ cấu lựa chọn sử dụng tiền bồi thường của hộ (Nguồn: Khảo sát trực tiếp, 2022)

Người dân sẽ lựa chọn chuyển đổi ngành nghề để gia tăng thu nhập nhưng trong thực tế không phải hộ nào cũng sẽ có thể tăng thu nhập. Vì không biết cách sử dụng vốn hiệu quả hoặc đầu tư không thuận lợi người dân có thể từ hộ khá giả trở thành hộ nghèo hoặc với tình huống khả quan hơn là thu nhập không thay đổi nhưng đây vẫn không được xem là điều tốt.

Mức độ đa dạng hóa thu nhập của hộ dân huyện Châu Thành

Kết quả nghiên cứu cho thấy các nguồn thu nhập khác từ hoạt động sản xuất nông nghiệp gồm thu nhập từ làm vườn, làm rẫy, làm thuê và các hoạt động phi nông nghiệp như thợ may, cho thuê đất, từ xà lan là các nguồn thu thực tế trên địa bàn.

Table 3 Chỉ số đa dạng hóa thu nhập của hộ dân

Lưu ý rằng nếu hộ có 1 nguồn thu thì được xem là không đa dạng hóa thu nhập và số gia đình có một nguồn thu là 58 hộ và chiếm 38,67% số hộ khảo sát. Từ 2 nguồn thu trở lên là 60% trong tổng 150 hộ khảo sát. Số hộ có 4 nguồn thu là 2 hộ có SID từ 0,9 trở lên và chỉ có 1,33% trong tổng số quan sát. Các hộ đa dạng hóa có từ 3 nguồn thu nhập trở lên đa dạng các ngành nghề từ nông nghiệp như làm rẫy, làm ruộng, ... đến phi nông nghiệp như là thuê, làm công nhân, cho thuê đất (Bảng 3).

Với 58 hộ có duy nhất một nguồn thu nhập thì thu nhập bình quân mỗi hộ là 31,11 triệu đồng/năm và đương nhiên có chỉ số đa dạng hóa SID là 0. Gần với kết quả đó nhóm hộ có 2 nguồn thu nhập (70 hộ) có mức thu nhập trung bình 46,67 triệu đồng/năm và chỉ số đa dạng hóa trung bình của nhóm hộ này là 0,3. Kế đến là 20 nông hộ có 3 nguồn thu nhập trở lên với mức thu nhập trung bình là 59,30 triệu đồng/năm, cao hơn nhóm hộ có 2 nguồn thu nhập triệu đến gần 13 triệu đồng/năm với chỉ số đa dạng hóa thu nhập là 0,6. Hộ có 4 nguồn thu nhập trở lên lại không có hiệu quả thu nhập như nhóm hộ có 2 đến 3 nguồn thu. Ngoài ra, có các hộ chủ yếu là các hộ lớn tuổi, không tham gia bất cứ hoạt động nào để tạo thu nhập, họ sống nhờ hoàn toàn vào tiền trợ cấp cho người già hoặc tiền trợ cấp thuộc diện nghèo của nhà nước (Bảng 4).

Table 4 Chỉ số SID theo số hoạt động tạo thu nhập của hộ dân

Phần lớn là do hộ tham gia nhiều ngành nghề sẽ làm phân tán nguồn lực, nguồn đầu tư, ngoài ra cũng do trình độ người dân nghèo trong vùng chưa cao. Phần khác là do quy mô cũng như mức độ đầu tư của mỗi hộ là khác nhau nên cũng sẽ tạo nguồn thu nhập khác nhau. Vì vậy, hộ dân cần xem xét chọn lựa tham gia các hoạt động sao cho hợp lý về số lượng và phải phù hợp với năng lực của hộ dân để đảm bảo tạo ra thu nhập tối đa.

Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đa dạng hóa thu nhập

Table 5 Các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ đa dạng hóa thu nhập

Kết quả phân tích mô hình thể hiện trong bảng 5 cho thấy cả 3 yếu tố gồm nguồn thu nhập, tuổi và nghề nghiệp đều có ảnh hưởng đến thu nhập của hộ. Cụ thể, yếu tố tuổi có ý nghĩa thống kê ở mức 1% và phù hợp với dấu kỳ vọng (β = 0,004). Theo đó, nếu trong trường hợp các yếu tố khác không đổi thì hộ dân có chủ hộ có tuổi đời càng cao thì khả năng thực hiện đa dạng hóa thu nhập của hộ dân càng thấp. Một trong những biến khá cần thiết là số nhân khẩu lại không có ý nghĩa, trong thực tế, số người trong gia đình chỉ thể hiện về mặt lượng, chưa thể hiện mặt chất, do đó, mặc dù số lượng người nhiều nhưng chưa đảm bảo có sự đa dạng hóa thu nhập trong trường hợp này.

Mô hình đánh giá tác động của đa dạng hóa đến thu nhập

Kết quả ước lượng mô hình cho thấy các nhân tố ảnh hưởng có ý nghĩa đến thu nhập của hộ gồm tín dụng, kinh nghiệm, số lao động trong hộ, hệ số SID và số tiền bồi thường.

Table 6 Kết quả phân tích hồi quy

Bảng 6 cho thấy mô hình rất có ý nghĩa với R 2 là 0,5193 có ý nghĩa 51,93% sự thay đổi của thu nhập được giải thích bởi các biến đưa vào mô hình như kinh nghiệm, tín dụng, số lao động, tiền bồi thường và SID. Trong các biến có tác động, mức độ đa dạng hóa thu nhập của hộ ảnh hưởng thuận chiều đến tổng thu nhập ở mức ý nghĩa 5%. Một biến khác như kinh nghiệm của chủ hộ có ý nghĩa thống kê ở mức 5% và có mối quan hệ thuận chiều với thu nhập. Kinh nghiệm của chủ hộ tăng lên 1 năm và các yếu tố khác không đổi thì thu nhập của hộ sẽ tăng lên 0,029 triệu đồng. Tín dụng của hộ với mức ý nghĩa 10% cho thấy, thu nhập của chủ hộ có khác biệt giữa nhóm chủ hộ có tham gia tín dụng (vay) và không có tham gia tín dụng (vay) (giá trị p = 0,092). Điều này cho thấy có nguồn vốn tín dụng là điều kiện để hộ dân tăng cường đầu tư sản xuất kinh doanh, chuyển đổi phương thức sản xuất có hiệu quả hơn, vì vậy thu nhập cũng nhiều hơn. Vốn từ nguồn tín dụng của ngân hàng hoặc từ ngân hàng chính sách xã hội sẽ là lãi suất bình quân thấp nhất sẽ làm giảm chi phí đầu vào cho hộ, tăng lợi nhuận hơn khi tham gia hoạt động sản xuất kinh doanh nên tín dụng có sự khác biệt đến tổng thu nhập. Tiền bồi thường đất theo kết quả thống kê với mức ý nghĩa 5% cho thấy có sự thay đổi đáng kể về sinh kế của cộng đồng sau khi bị thu hồi đất, thu nhập của cộng đồng không có sự thay đổi nhiều sau khi bị thu hồi đất. Điều này cũng phù hợp với dấu kỳ vọng trước đó. Có thể thấy số tiền bồi thường sau thu hồi đất càng nhiều thì thu nhập của hộ sẽ càng tăng. Điều này cũng phù hợp với thực tế, do đa phần các hộ sử dụng tiền bồi thường vào các hoạt động kinh doanh mua bán, góp phần đa dạng hóa tăng thu nhập.

Kết luận và hàm ý chính sách

Kết quả phân tích cho thấy mức độ đa dạng hóa của các nhóm hộ là khác nhau và có một số yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến mức độ đa dạng hóa thu nhập và thu nhập. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu cũng xác định được mức độ đa dạng hóa thu nhập và một số các yếu tố khác có ảnh hưởng đến thu nhập của hộ. Dựa trên kết quả nghiên cứu, bài viết này đề xuất một số hàm ý chính sách có liên quan như sau:

Thứ nhất, về sử dụng tiền đền bù đầu tư vào sản xuất kinh doanh: Qua nghiên cứu cho thấy, việc sử dụng tiền hợp lý như đầu tư vào sản xuất kinh doanh sẽ có tác dụng rất lớn trong việc cải thiện thu nhập của hộ bị thu hồi đất. Khi phát tiền đền bù cho người dân, chính quyền nên tổ chức hướng dẫn người dân sử dụng có hiệu quả bằng cách đầu tư sản xuất kinh doanh vào những lĩnh vực phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Ưu đãi vốn cho hộ có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chính quyền cũng cần phải quy hoạch đất ở, đất nông nghiệp, đất sản xuất kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân bị thu hồi mua lại đất mới đầu tư hoạt động sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập. Các hộ gia đình thì cần tích cực tham dự các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng về chuyên môn và tiếp cận thị trường theo các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, chủ động trong việc tự đào tạo, nâng cao trình độ và các kỹ năng liên quan đến ngành nghề để nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.

Thứ hai, vấn đề việc làm trong các khu, cụm công nghiệp: Vấn đề này ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hộ dân. Do đó, chính quyền cần tổ chức hướng nghiệp, dạy nghề cho các hộ bị thu hồi đất, đặc biệt quan tâm đối với số lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do đất nông nghiệp bị giảm, và phải giới thiệu việc làm vào các khu, cụm công nghiệp để họ có cơ hội tìm việc làm và nâng cao thu nhập. Phối hợp tốt với các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động trong khu, cụm công nghiệp trên địa bàn ưu tiên đào tạo, dạy nghề, tuyển dụng lao động đối với các hộ bị thu hồi đất tại địa điểm mà các doanh nghiệp đầu tư.

Thứ ba, vấn đề kinh nghiệm: Qua số liệu khảo sát về trình độ học vấn, chuyên môn của chủ hộ, cũng như trình độ của số lao động là thấp. Trình độ học vấn của chủ hộ rất quan trọng đối với sự cải thiện thu nhập của hộ. Chính quyền cần tạo điều kiện cho những hộ gia đình có đất bị thu hồi được nâng cao trình độ học vấn và nghề nghiệp thông qua các trường học, trung tâm giáo dục, dạy nghề, các cuộc tập huấn, hội thảo để có khả năng thích nghi tốt với cuộc sống mới, chủ hộ sẽ tạo việc làm cho mình và thành viên hộ nên khả năng thu nhập tăng lên.

Thứ tư, về vấn đề vay vốn: Các tổ chức tín dụng chính thức trên địa bàn cần làm tốt hơn việc hướng dẫn các thủ tục vay vốn để hộ dân có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức một cách dễ dàng với lãi suất thấp nhất, từ đó hộ dân giảm được chi phí và tăng được thu nhập. Các tổ chức tín dụng cần thực hiện tốt Nghị định số 41/2010/NĐ-CP của Thủ tướng chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, phát triển nông thôn và các hướng dẫn thực hiện của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về các hình thức cho vay tín chấp đối với nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích nhằm ngăn ngừa việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích của hộ dân. Nhà nước cần có chính sách cho vay vốn, vay ưu đãi cho người lao động trong các lĩnh vực sản xuất, phát triển ngành nghề mới, học nghề. Trong đó cần quan tâm lao động thuộc diện nghèo, thu hồi đất, hoặc thất nghiệp sau khi đi làm công nhân cho các công ty. Chú ý đến quy mô vốn vay theo yêu cầu và kỳ hạn trả nợ phù hợp với mô hình sản xuất có hiệu quả. Cải tiến thủ tục vay nợ, thanh lý nợ của các ngân hàng cần được thực hiện thuận lợi, nhanh chóng, không bị cản trở bởi những ràng buộc không hợp lý (các thủ tục công chứng khi vay vốn). Cần phổ biến kiến thức và quy trình vay vốn để người dân thông hiểu và mạnh dạn vay vốn khi có nhu cầu. Đa dạng hoá các hình thức vay vốn, có thể cho vay tín chấp và thế chấp, cho vay thông qua các tổ chức đoàn thể như: hội Nông dân, hội Phụ nữ, hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

OLS: Ordinary Least Square

DFID: Department for International Development

SID: Simpson Index Diversification

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ và trường Đại học Văn Hiến. Về phía trường Đại học Cần Thơ, TS. Khưu Thị Phương Đông chịu trách nhiệm chính về ý tưởng, nội dung nghiên cứu, tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thảo luận. TS. Khổng Tiến Dũng chịu trách nhiệm về tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu viết bản thảo và thu thập số liệu. Tác giả Trần Nguyễn Phương Uyên và tác giả Lâm Quốc Việt chịu trách nhiệm về thu thập và xử lý số liệu. Về phía trường Đại học Văn Hiến, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức đồng chịu trách nhiệm về ý tưởng và tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thảo luận, đề xuất giải pháp.

References

  1. Cục Thống kê tỉnh Hậu Giang. Niên giám Thống kê tỉnh Hậu Giang năm 2021. Hà Nội: Nhà xuất bản thống kê. 2022. . ;:. Google Scholar
  2. Khổng Tiến Dũng, Đỗ Thị Hoài Giang. Nghiên cứu sự hài lòng khi tham gia hợp tác xã của nông hộ tại tỉnh Hậu Giang. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 2021; 57(6): 275-283. . ;:. Google Scholar
  3. Ngân hàng phát triển Châu Á. Cẩm nang về tái định cư. [online]. 2006. . ;:. Google Scholar
  4. Ellis F. The determinants of rural livelihood diversification in developing countries. Journal of Agricultural Economics. 2000; 51(2):289-302. . ;:. Google Scholar
  5. Phạm Quang Tín. Thực trạng việc làm của người lao động trong các hộ dân diện thu hồi đất tỉnh Quảng Nam. Tạp chí Khoa học & Công nghệ Đại học Đà Nẵng. 2007;19(02):1-6. . ;:. Google Scholar
  6. Huỳnh Trường Huy, Lê Tấn Nghiêm, Mai Văn Nam. Thu nhập và đa dạng hóa thu nhập của nông hộ ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nhà xuất bản Giáo Dục. 2008;169-184. . ;:. Google Scholar
  7. Trần Tiến Khai, Nguyễn Ngọc Danh. Những yếu tố quyết định đa dạng hóa thu nhập và ảnh hưởng đối với thu nhập hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế. 2014; 284:22-43. . ;:. Google Scholar
  8. Hoàng Thị Hồng Quế, Trần Nam Thắng. Đa dạng sinh kế và thu nhập của nông hộ vùng trồng keo ở miền núi Tỉnh Thừa Thiên Huế. Hue University Journal of Science: Agriculture and Rural Development. 2020;129(3B):55-68. . ;:. Google Scholar
  9. Hứa Thị Phương Chi, Nguyễn Minh Đức. Xác định nhân tố ảnh hưởng đến đa dạng hóa thu nhập của nông hộ vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Tạp chí khoa học trường Đại học Văn Hiến. 2016;4(3):46-55. . ;:. Google Scholar
  10. Nguyễn Thanh Tuấn. Đa dạng hóa thu nhập hộ gia đình nông thôn ở Đồng Bằng Sông Cửu Long và phân tích trường hợp tỉnh Kiên Giang. Luận văn thạc sĩ Kinh tế. Trường Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh. 2017. . ;:. Google Scholar
  11. Nguyễn Minh Thuận, Trần Thị Mỹ Tiên, Dương Ngọc Thành. Các nhân tố ảnh hưởng đến sự hài lòng về sinh kế của hộ dân sau thu hồi đất tỉnh Vĩnh Long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 2018;54(1): 218-228. . ;:. Google Scholar
  12. Marsh SP, MacAulay TG, Phạm Văn Hùng. Phát triển nông nghiệp và chính sách đất đai ở Việt Nam. Trung tâm nghiên cứu Nông nghiệp Quốc tế Australia. 2007. . ;:. Google Scholar
  13. DFID. Sustainable Livelihoods Guidance Sheet (London: DFID).1999. . ;:. Google Scholar
  14. Lê Khương Ninh. Giải pháp hạn chế tín dụng phi chính thức ở nông thôn. Tạp chí ngân hàng. 2011;5:52-57. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4371-4380
Published: Jun 29, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1224

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Khổng, D., Khưu, Đông, Nguyễn, Đức, Trần Nguyễn, Q., & Lâm, V. (2023). The determinants of income diversification of households after land acquisition in Hau Giang province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4371-4380. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1224

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 637 times
PDF   = 305 times
XML   = 0 times
Total   = 305 times