Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

517

Total

232

Share

Establishing a spin-off enterprise - Current status of law regulations and complete solutions






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Vietnam has many legal documents regulating legal issues related to science and technology (S&T) enterprises in general, but technology start-up enterprises (spin-off enterprises) are still not specifically mentioned. This can be considered as one of the biggest barriers for the formation and development of the spin-off business model in Vietnam today. Within the scope of this article, the author analyzes the nature of technology-starting enterprises, analyzes the provisions of the current law related to determining the type of enterprise, contributed capital, personnel and relationships. The relationship between the Institute and the School of establishing a technology-starting enterprise with a technology-starting enterprise (This article only researches Institutes and Schools with scientific research activities funded by the state budget)... detects inadequacies and develops solutions to perfect the provisions of the law. The conclusion of the article is towards amending the Intellectual Property Law 2020, Law on Technology Transfer 2017, Law on Public Property Management 2017, Law on Enterprises 2022, with specific contents such as: (i) It should be noted that this is a non-commercial legal entity, a social enterprise; (ii) No compensation when the State transfers research results to Institutes and Universities; (iii) It is necessary to clearly identify the type of intellectual property when the State transfers the right to the Institute, whether or not it has been registered for protection of intellectual property rights; (iv) Noting the co-working mechanism of officials Institute, School and the role of executive management of spin-off businesses…

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bản chất của doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

Các Viện nghiên cứu, các trường đại học được xem như là cái nôi sản sinh ra các sản phẩm công nghệ thông qua việc thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu. Để các kết quả nghiên cứu khoa học này có thể ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh và mang lại nguồn thu cho các nhà nghiên cứu thì cần phải có một tổ chức chuyên nghiệp với chức năng thương mại hoá các kết quả nghiên cứu đó. Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ chính là tổ chức đó (spin – off). Spin-off được hiểu là doanh nghiệp tách ra từ công ty mẹ. Công ty mẹ chuyển giao tài sản, nhân sự và ngành nghề kinh doanh cho công ty spin-off. Vì thế còn có university spin-: doanh nghiệp do trường lập và nhận chuyển giao công nghệ từ kết qủa nghiên cứu khoa học của trường . Loại hình doanh nghiệp “spin-off” đã xuất hiện lần đầu tiên ở Vương quốc Anh vào cuối thế kỷ 19, sau đó nhanh chóng phát triển ở Mỹ và Anh đến cuối thế kỷ 20.

Spin-off và start-up là hai mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ. Mô hình spin-off (thường được hiểu là “doanh nghiệp khởi nguồn”) từ trường đại học (tách ra hoạt động độc lập từ các trường đại học), do các cá nhân tạo ra các tài sản khoa học và công nghệ tham gia vào quá trình quản lý của doanh nghiệp. Mô hình start-up chỉ sự khởi nghiệp của một doanh nghiệp mới hình thành trên nền tảng kết quả khoa học và công nghệ không bắt nguồn từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học. 1

Doanh nghiệp spin-off là loại hình doanh nghiệp KH&CN hình thành trong tổ chức mẹ (Viện, Trường đại học). Doanh nghiệp spin-off là một đơn vị trung gian gắn kết cố định phòng thí nghiệm – nhà khoa học – nhà sản xuất. Nó sở hữu tài sản trí tuệ hoặc chuyển giao tài sản trí tuệ có khả năng sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ và giúp đẩy nhanh quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ ra thị trường. Người điều hành, quản lý doanh nghiệp này phải là những nhà khoa học, giảng viên nắm giữ công nghệ. 2

Doanh nghiệp spin-off hiện nay chưa được quy định chính thức, cụ thể trong bất cứ một văn bản pháp luật nào của Việt Nam mà chỉ là những quy định có liên quan đến loại hình doanh nghiệp này. Dựa trên bản chất của loại hình doanh nghiệp này, có sáu yếu tố ảnh hưởng đến sự hình thành doanh nghiệp spin-off như sau 3 :

(i) nguồn nhân lực (những người liên quan và kỹ năng của họ): những chủ thể giữ vị trí quản lý, điều hành doanh nghiệp sin-off đều là những viên chức, cán bộ đang làm việc tại các Viện nghiên cứu, Trường Đại học đã thực hiện các đề tài khoa học đã được nghiệm thu, có nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Những chủ thể này đều có kiến thức am hiểu về những công nghệ sẽ chuyển giao cho doanh nghiệp, có khả năng để phát triển tiếp các công nghệ này để đáp ứng nhu cầu của thị trường.

(ii) xã hội (mạng lưới quan hệ và môi trường kinh doanh): đây là yếu tố ảnh hưởng đến khả năng thu lời của công nghệ (vốn dĩ đang là kết quả nghiên cứu của các đề tài khoa học). Từ các mối quan hệ xã hội trong môi trường kinh doanh, những nhà nghiên cứu cần hiểu được nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh đang thực sự cần những công nghệ gì hoặc công nghệ mà các doanh nghiệp sin-off đang có sẽ mang lại lợi thế cạnh tranh và thương mại cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.

(iii) tài chính (vốn và tài chính): cũng như bất cứ doanh nghiệp nào, sin-off cũng cần phải có nguồn vốn và tài chính để vận hành hoạt động của mình: những chi phí trả lương nhân sự, đầu tư thiết bị cơ sở vật chất để cải tiến, nâng cấp công nghệ, chi phí thị trường…Có điểm đặc thù là tài sản góp vốn là các đề tài nghiên cứu khoa học đã được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước và các tài sản cơ sở vật chất khác đều từ Viện nghiên cứu hoặc Trường đại học nên cần phải có quy trình liên quan đến dịch chuyển quyền sở hữu những tài sản này sang doanh nghiệp sin-off

(iv) vật chất (cơ sở hạ tầng): Thường thì trụ sở văn phòng, phòng nghiên cứu, thí nghiệm của doanh nghiệp sin-off được đặt trong khuôn viên của Viện nghiên cứu và Trường đại học; điều này có nghĩa là phải có hợp đồng thuê, mượn bất động sản của doanh nghiệp sin-off với Viện, Trường nhưng cũng cần phải tuân thủ các quy định về quản lý tài sản công.

(v) công nghệ: R & D, bằng sáng chế và các tài sản trí tuệ khác: đây là các tài sản của doanh nghiệp sin-off, là kết quả của hoạt động sáng tạo tinh thần, được thể hiện trong các đề tài nghiên cứu khoa học. Các kết quả nghiên cứu này có thể đã được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền của Cục sở hữu trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn… hoặc chưa được cấp văn bằng bảo hộ nhưng đều là những công nghệ có giá trị ứng dụng đã được hội đồng khoa học đánh giá và nghiệm thu.

(vi) tổ chức (quản lý, tự chủ và kiểm soát) 4 : Do chủ thể quản lý doanh nghiệp sin-off là các nhà khoa học, công việc vốn dĩ đang làm là nghiên cứu và giảng dạy nên để quản lý, kiểm soát và có thể tự chủ được cho hoạt động điều hành doanh nghiệp thì phải cần trang bị thêm các kiến thức về kinh doanh, sản xuất và thị trường.

Spin-off là doanh nghiệp khoa học công nghệ, được ra đời từ cái nôi của các Viện nghiên cứu và Trường đại học nên có những điểm đặc thù như sau:

Về khởi nguồn hình thành: Đây là loại hình doanh nghiệp được ra đời từ các Viện nghiên cứu, các Trường đại học với mục đích khai thác, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu từ Các Viện, các Trường đại học. Doanh nghiệp spin-off là đơn vị thực hiện việc kết nối khối nghiên cứu với ngành sản xuất, xây dựng mối quan hệ giữa Viện, Trường với khối tư nhân, thúc đẩy việc chuyển giao sản phẩm hoặc phương thức sản xuất được phát triển trong phòng thí nghiệm ra thị trường, nhằm hiện thực hoá các kết quả nghiên cứu khoa học.

Về nguồn vốn hình thành doanh nghiệp: Chủ yếu là nguồn vốn từ Viện nghiên cứu, Trường được thể hiện thông qua các kết quả nghiên cứu được định giá, các phòng thí nghiệm, quyền sử dụng đất và các cơ sở vật chất khác. Các loại tài sản này đều được hình thành hoặc hỗ trợ từ nguồn vốn thuộc ngân sách Nhà nước. Nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước là nhiệm vụ khoa học và công nghệ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt triển khai sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước để thực hiện. Tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ này cần được chuyển giao cho một đơn vị trung gian (là doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off) để đưa vào khai thác ứng dụng cho hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo ra nguồn lợi nhuận

Về loại hình doanh nghiệp: Đây là loại hình doanh nghiệp có tính chuyên biệt, tức là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ nên ngoài việc tuân thủ các quy định của Luật Doanh nghiệp (có thể lựa chọn kinh doanh dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…) thì còn cần phải đáp ứng các điều kiện của Sở khoa học công nghệ khi thành lập và chịu sự quản lý của Sở khoa học công nghệ trực thuộc trong quá trình hoạt động. Điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học, công nghệ quy định: “Doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ khi đáp ứng các điều kiện sau: a) Được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp” . Như vậy, doanh nghiệp spin-off trước hết phải chọn cho mình loại hình doanh nghiệp phù hợp với bản chất của doanh nghiệp này, đó là loại hình doanh nghiệp xã hội mà tác giả đã phân tích ở trên, sau đó doanh nghiệp này mới gửi hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ tại Sở khoa học công nghệ nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

Doanh nghiệp này có nhiệm vụ đưa các kết quả nghiên cứu trong các đề tài nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng trong thực tiễn sản xuất kinh doanh nhằm thu lợi nhuận nhưng mục tiêu thu lợi nhuận không phải là chính so với mục tiêu phát triển công nghệ, khoa học cho phép Việt Nam đẩy nhanh việc giải quyết các vấn đề quốc gia và toàn cầu ở quy mô lớn, thu hút các cơ hội đầu tư, phát triển mới.

Về khả năng thu lợi nhuận từ hoạt động khai thác thương mại kết quả nghiên cứu khoa học: Để có thể thu được lợi nhuận từ kết quả nghiên cứu khoa học từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học thì đó là cả một chặng đường dài từ khâu nắm bắt nhu cầu của thị trường có liên quan đến kết quả nghiên cứu trong các đề tài đã được nghiệm thu, đến việc nghiên cứu lại, đầu tư tiếp tục để có thể chuyển hoá các kết quả nghiên cứu đó vào các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng yêu cầu của thị trường. Do vậy, nó luôn tiềm ẩn những rủi ro cho những ứng dụng bị thất bại, bởi đây thường là những công nghệ có tính mũi nhọn đi trước và đón đầu. Để được thành công về thương mại, một giải pháp công nghệ cần đem lại giá trị cho cả khách hàng và người dùng cuối. Đối với các sản phẩm/công nghệ được tạo ra trong các ngành có thời gian nghiên cứu dài và tốn kém (lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm) có thể khi sản phẩm được đưa ra trên thị trường, người dùng cuối có thể không còn cần giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ đó nữa. Như vậy, nguồn lực dành cho nghiên cứu đó có thể là một rủi ro lớn vì không có gì bảo đảm các giả thuyết khoa học ban đầu là đúng. 5

Về chủ thể quản lý, điều hành doanh nghiệp spin-off: Là những nhà khoa học vốn dĩ là chủ nhiệm đề tài hoặc tham gia thực hiện đề tài đã được nghiệm thu và vốn là viên chức, giảng viên của các Viện, Trường đại học. Họ không chỉ có tiềm năng nghiên cứu khoa học mà còn có những tố chất của nhà kinh doanh, hiểu biết nhu cầu thị trường, giá cả, đánh giá tốt khả năng khai thác thương mại của các kết quả nghiên cứu khoa học. Công việc của các chủ thể quản lý trong doanh nghiệp spin-off đa dạng, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao, đội ngũ hỗ trợ chuyên nghiệp, bao gồm các chuyên gia pháp lý và tiếp thị công nghệ, các nhà quản trị…nhằm hỗ trợ thiết lập và duy trì hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường.

Bài nghiên cứu này tiếp cận dưới góc độ phân tích, đối chiếu so sánh quy định của các văn bản pháp luật có liên quan như Bộ luật dân sự 2015, Luật chuyển giao công nghệ 2017, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Sở hữu trí tuệ 2022. Phương pháp bình luận, đánh giá và tổng hợp được tác giả sử dụng để làm rõ các vấn đề cần thảo luận và rút ra các kết luận nghiên cứu về quy định của pháp luật hiện hành đối với việc thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Về tính chất pháp lý của loại hình doanh nghiệp spin-off

Spin-off là doanh nghiệp khoa học công nghệ, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp thông thường khác, vừa chịu sự điều chỉnh của Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Quản lý tài sản công…Chức năng của doanh nghiệp spin-off là kênh trung gian đưa công nghệ tiên tiến (chính là các kết quả nghiên cứu khoa học) vào trong thực tiễn đời sống sản xuất, kinh doanh. Vậy đây là loại pháp nhân thương mại hay phi thương mại? Và nó có thể là doanh nghiệp xã hội được không? Đó là những vấn đề còn bỏ ngỏ trong hệ thống pháp luật hiện hành của nước ta đối với loại doanh nghiệp này dựa trên các phân tích cụ thể như sau:

Đối chiếu quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về pháp nhân phi thương mại với các đặc điểm của doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off, chúng ta thấy doanh nghiệp spin-off thoã mãn được 2 yếu tố cơ bản sau của pháp nhân phi thương mại: (i) Về mục tiêu hoạt động: pháp nhân phi thương mại không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận thì doanh nghiệp spin-off có mục tiêu chính thúc đẩy công nghệ phát triển, đưa công nghệ là kết quả của các đề tài nghiên cứu khoa học vào thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh. Mặc dù doanh nghiệp spin-off có hướng tới doanh thu, lợi nhuận nhưng đó chỉ là mục tiêu thứ yếu so với mục tiêu chính là thúc đẩy, ứng dụng công nghệ vào cuộc sống, nên mang các đặc điểm của pháp nhân phi thương mại; (ii) Về phân chia lợi nhuận: đối với pháp nhân phi thương mại, “nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên”, và “sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký” (điểm c khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020) do pháp nhân phi thương mại bao gồm cả doanh nghiệp xã hội (khoản 2 Điều 76 Bộ luật Dân sự 2015). Đối chiếu với doanh nghiệp spin-off, nguồn vốn tạo lập doanh nghiệp phần lớn là từ các Viện nghiên cứu, Trường đại học. Căn cứ theo khoản 3 Điều 7 Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định việc quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước, tài sản là kết quả của hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ được Bộ khoa học công nghệ chuyển giao quyền sở hữu cho các Đơn vị chủ trì. Trên cơ sở nắm quyền sở hữu các tài sản trí tuệ này, các Viện nghiên cứu, Trường đại học đều có thể dùng làm tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 34 Luật Doanh nghiệp 2020: “ Tài sản góp vốn là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật , tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam ”. Viện, Trường góp vốn bằng chính những đề tài nghiên cứu khoa học mà Viện, Trường là đơn vị chủ trì. Các Viện, Trường và các tổ chức KH&CN của Việt Nam khi triển khai nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ thì phần lớn có sử dụng ngân sách nhà nước (một phần hay toàn bộ) hoặc được chuyển giao quyền sử dụng phương tiện/cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu nhà nước 6 . Vậy nên doanh thu có được từ hoạt động chuyển giao công nghệ, kết quả nghiên cứu khoa học đều phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về sử dụng tài sản sản có được từ tài sản công. Điểm b, khoản 5, Điều Điều 136a Luật sở hữu trí tuệ 2022 quy định về Nghĩa vụ của tổ chức chủ trì đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước như sau: “ Trường hợp nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước thì tối thiểu 50% phần lợi nhuận còn lại được dùng để đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ; số lợi nhuận còn lại được sử dụng theo quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì ”. 50% phần lợi nhuận còn lại được hiểu là sau khi đã trừ đi không quá 10% cho người môi giới (nếu có). Liên quan đến nội dung này, có thể so sánh với quy định của khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 về doanh nghiệp xã hội, đó là doanh nghiệp sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Đối với tỷ lệ phần lợi nhuận còn lại, sẽ được chia cho các thành viên góp vốn theo Luật Doanh nghiệp 2020 còn theo Luật Sở hữu trí tuệ 2022 thì do quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì quyết định. Quy chế quản lý tài chính của tổ chức chủ trì quyết định cũng cần có những hướng dẫn cụ thể. Tác giả cho rằng, đối với doanh nghiệp spin-off được thành lập từ các Viện, Trường và tài sản góp vốn vào doanh nghiệp là các kết quả nghiên cứu khoa học có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, nên tỷ lệ phần lợi nhuận còn lại không được chia cho các thành viên góp vốn mà chỉ để trả cho các cá nhân là các nhà khoa học làm việc tại doanh nghiệp theo mức lương, thưởng quy định; trường hợp còn dôi dư, thì sẽ trả về cho ngân sách nhà nước (theo Điều 35 Luật Ngân sách nhà nước 2015) bởi doanh nghiệp spin-off xét về bản chất là loại pháp nhân phi thương mại.

Do các doanh nghiệp spin-off có lĩnh vực hoạt động chuyên biệt về khoa học công nghệ, nên có những sản phẩm khoa học được nghiên cứu đòi hỏi nguồn tài chính rất lớn, thời gian để thu hồi vốn có thể lâu, và chứa đựng những yếu tố rủi ro nên cần phải cần được hưởng những chính sách ưu đãi của Nhà nước về nhiều khía cạnh: nguồn vốn, thuế, các dự án….So với các doannh nghiệp thông thường khác thì loại doanh nghiệp xã hội thường được hưởng sự ưu tiên này. Khoản 1 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020 đã chỉ rõ doanh nghiệp xã hội có mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng, và sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận sau thuế hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu đã đăng ký. Và cũng vì yếu tố phi thương mại và vì mục tiêu hoạt động của doanh nghiệp spin-off là vì lợi ích cộng đồng (mỗi một công nghệ được cải tiến hay mới xuất hiện đều mang lại những lợi ích xã hội to lớn và chất lượng cuộc sống của người dân trong xã hội được nâng cao), nên doanh nghiệp xã hội sẽ được hưởng các sự ưu tiên hơn so với các doanh nghiệp khác theo như quy định tại khoản 2 Điều 10 Luật Doanh nghiệp 2020, đó là: Được huy động, nhận tài trợ từ cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức phi chính phủ và tổ chức khác của Việt Nam, nước ngoài để bù đắp chi phí quản lý, chi phí hoạt động của doanh nghiệp; Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ và thúc đẩy phát triển doanh nghiệp xã hội.

Về việc bồi hoàn giá trị khi được Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học cho Đơn vị chủ trì (là Đơn vị thành lập doanh nghiệp spin-off)

Doanh nghiệp khởi nguồn spin-off là doanh nghiệp có nguồn gốc được hình thành từ các Viện nghiên cứu, các trường đại học nên nguồn vốn tạo lập nên tài sản của doanh nghiệp đều liên quan đến tài sản công, tài sản của Nhà nước. Các Trường, Viện sẽ dùng các đề tài nghiên cứu khoa học đã được đánh giá, nghiệm thu để làm tài sản góp vốn, mà các đề tài nghiên cứu này đều được thanh toán từ ngân sách nhà nước. Nhiệm vụ nghiên cứu KH&CN sử dụng Ngân sách nhà nước bao gồm các nhiệm vụ cấp quốc gia, cấp bộ, các tỉnh và cấp cơ sở. Các tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ này như: kết quả nghiên cứu của các đề tài đã được nghiệm thu, tài sản vật chất trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ. Các kết quả nghiên cứu khoa học bao gồm cả đối tượng được bảo hộ và không được bảo hộ theo luật sở hữu trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, bí quyết kỹ thuật, bí mật kinh doanh, sáng kiến, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, giống cây trồng, chương trình máy tính, thiết kế kỹ thuật, tác phẩm khoa học…

Trường hợp đề tài nghiên cứu khoa học được Nhà nước hỗ trợ trên 30% thì trước khi đưa chúng vào khai thác thương mại, đơn vị chủ trì cần phải thực hiện đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công ( điểm a khoản 2 Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước ) , thực hiện việc đánh giá, định giá/thẩm định giá kết quả nghiên cứu ; thực hiện quy trình về giao quyền và phân chia lợi ích .

Như vậy trước khi đưa vào thương mại hoá các kết quả nghiên cứu này thì các Viện và Trường đều phải thực hiện các nghĩa vụ như trên theo quy định của pháp luật. Có thể hình dung cụ thể như sau: Kết quả nghiên cứu muốn được đưa vào khai thác thương mại phải được xác định các yếu tố như: Tên của kết quả nghiên cứu (thường là tên của đề tài nghiên cứu khoa học các cấp), thuộc dự án cấp nào (nhà nước, bộ, tỉnh, cơ sở) đã được nghiệm thu, Tên đơn vị chủ trù, Toàn bộ kinh phí do Nhà nước cấp, Quyền sở hữu /sử dụng kết quả nghiên cứu theo Điều 10, Điều 12 Thông tư 15/2014/TT-BKHCN của Bộ Khoa học Công nghệ được xác định thuộc Nhà nước, đại diện là đơn vị cấp kinh phí (Bộ Khoa học Công nghệ). Đại diện chủ sở hữu là Bộ trưởng Khoa học Công nghệ. Bộ trưởng Khoa học Công nghệ ký quyết định giao quyền, uỷ quyền cho Cục phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) ký thoả thuận chuyển giao quyền và chịu trách nhiệm theo dõi, tổng hợp kết quả thương mại hoá. Sau đó, là khâu định giá/đánh giá kết quả nghiên cứu (thường áp dụng phương pháp xác định giá theo phương pháp tiếp cận chi phí và thu nhập). Theo Thông tư số 10/2019/TT-BTC của Bộ Tài Chính về hướng dẫn việc xác định giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước (thực hiện việc giao quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản) thì để đạt được yêu cầu cho việc tiến hành thương mại hoá, giá trị thẩm định của kết quả nghiên cứu phải bằng hoặc lớn hơn kinh phí do Nhà nước cấp . Khi đã có kết quả định giá kết quả nghiên cứu, Bộ Khoa học Công nghệ sẽ ra quyết định giao một phần kết quả nghiên cứu cho đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học. Hiện tại có những điểm chưa thống nhất, còn mâu thuẫn giữa các quy định của pháp luật hiện hành về việc giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu của Nhà nước cho các Đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu khoa học có sử dụng ngân sách Nhà nước như sau:

Điều 86a. Luật Sở hữu trí tuệ 2022 quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước: “ Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ ngân sách nhà nước, quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng được giao cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn”.

Tuy nhiên, khoản 1 Điều 28, Nghị định 70/2018/NĐ-CP quy định về thanh toán giá trị của tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ , cụ thể như sau: “ Tổ chức, cá nhân được giao quyền sở hữu tài sản có nghĩa vụ hoàn trả giá trị tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ theo quy định tại Quyết định giao tài sản của cơ quan có thẩm quyền”

Điều 42 của Nghị định 08/2014/NĐ-CP có quy định về mức phân chia lợi nhuận trong quyết định bàn giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu, đó là: Tác giả của đề tài nghiên cứu được hưởng khoản tiền tương ứng với 30% lợi nhuận sau thuế; Sau khi phân chia cho tác giả và người môi giới (nếu có), phần lợi nhuận còn lại được quy định như sau: trường hợp được giao quyền sở hữu thì 50% dành cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% dành cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức; trường hợp được giao quyền sử dụng thì phải trả lại cho đại diện chủ sở hữu nhà nước theo thỏa thuận giữa các bên nhưng không quá 10%, phần còn lại được dành 50% cho đầu tư nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, 50% cho quỹ phúc lợi, khen thưởng của tổ chức. Với quy định của Nghị định 08/2014/NĐ-CP và kết hợp với quy định của Nghị định 70/2018/NĐ-CP thì chúng ta thấy rằng: các Đơn vị chủ trì khi muốn nhận chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học từ các đề tài đã thực hiện thì phải bồi hoàn giá trị cho Nhà nước; thời gian bồi hoàn là khi kết quả nghiên cứu đã được đưa vào khai thác thương mại và mức bồi hoàn được tính tỷ lệ theo tổng số lợi nhuận sau thuế. Nhưng Luật Sở hữu trí tuệ 2022 đã có những sửa đổi khác đối với tài sản trí tuệ được chuyển giao là sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng thì không phải bồi hoàn khi chuyển giao. Giữa các văn bản pháp luật chưa thống nhất về tài sản là kết quả nghiên cứu được chuyển giao và phạm vi chuyển giao, cụ thể: Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 chỉ điều chỉnh đối với các kết quả nghiên cứu dự kiến được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền thuộc nhóm tài sản trí tuệ có tính sáng tạo (sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng) và không phải bồi hoàn giá trị cho Nhà nước; còn Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 thì không có sự phân biệt tài sản là kết quả nghiên cứu có hay không có được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền theo Luật sở hữu trí tuệ hay không; và đều phải hoàn trả giá trị tài sản được giao thông qua việc thương mại hoá kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ và đã thu được lợi nhuận cho Nhà nước (căn cứ theo khoản 1 Điều 28 Nghị định số 70/2018/NĐ-CP).

Với các quy định của pháp luật hiện hành, chúng ta thấy rằng: tài sản là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ (được hiểu là các kết quả nghiên cứu thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học các cấp đã nghiệm thu), được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước khi được chuyển giao cho Đơn vị chủ trì thì các đơn vị chủ trì đề tài nhận chuyển giao phải bồi hoàn giá trị, ngoại trừ những kết quả nghiên cứu thuộc 4 loại tài sản trí tuệ là sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng; còn những tài sản có tính thương mại như nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh…thì Đơn vị chủ trì khi nhận chuyển giao đều phải bồi hoàn cho Nhà nước. Phạm vi chuyển giao quyền theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ 2022 cụ thể hơn Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, đó là chuyển giao cả quyền đăng ký quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, giống cây trồng. Tuy nhiên, nếu sau này Đơn vị chủ trì không thực hiện được việc đăng ký quyền sở hữu trí tuệ với các kết quả nghiên cứu khoa học này (do không đáp ứng được yêu cầu về hình thức, nội dung hay do các yếu tố khác…) thì hệ quả ra sao thì vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ trong Luật Sở hữu trí tuệ về các vấn đề có liên quan như sau: Các kết quả nghiên cứu khoa học đó có được coi là tài sản không, có được định giá để chuyển giao cho các chủ thể, các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng không và khi nhận chuyển giao thì có phải bồi hoàn cho Nhà nước không? Trong khi đó, các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chưa được hoặc không được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ thuộc các đề tài nghiên cứu khoa học đã được nghiệm thu được thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước thì vẫn là đối tượng được định giá để góp vốn vào các doanh nghiệp theo quy định tại điểm b, khoản 1, Điều 4 Nghị định 76/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của luật chuyển giao công nghệ

Về xác định kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ là tài sản được chuyển giao và dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp spin-off

Quy định của pháp luật hiện hành về loại tài sản trí tuệ khi Nhà nước chuyển giao cho các đơn vị chủ trì còn chưa thống nhất, cụ thể như sau: (i) Điều 105 Bộ luật Dân sự 2015 quy định tài sản bao gồm quyền tài sản và Điều 115 Bộ luật Dân sự 2015 thì quy định quyền tài sản bao gồm quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ. Theo đó, trước hết các kết quả nghiên cứu khoa học phải được xác định là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như tác phẩm, buổi biểu diễn, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý…thì có phát sinh quyền tài sản đối với các đối tượng này, và khi đó quyền tài sản đối tượng các đối tượng này mới được coi là tài sản; (ii) Tại Điều 1 của Nghị định 70/2018/NĐ-CP về quản lý, sử dụng tài sản được hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng vốn nhà nước quy định kết quả kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng toàn bộ hay một phần ngân sách nhà nước là tài sản; (iii) Khoản 2 Điều 8 Luật Sở hữu trí tuệ 2022 có sử dụng cụm từ “tài sản trí tuệ”, Điều 86a Luật Sở hữu trí tuệ 2022 cũng quy định theo hướng các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là tài sản vì chúng là đối tượng được chuyển giao, có định giá được.

Như vậy, giữa các văn bản pháp luật chưa quy định thống nhất về tài sản, để có thể nhận diện chúng là đối tượng của các giao dịch, có thể định giá và có cơ chế bồi hoàn hay không.

Về nhân sự quản lý doanh nghiệp spin-off

Một trong các đặc điểm của doanh nghiệp spin-off là nhân sự quản lý điều hành vốn dĩ là các nhà khoa học, các giảng viên thuộc Đơn vị chủ trì. Với các quy định của pháp luật hiện nay và thực tiễn thành lập doanh nghiệp spin-off làm phát sinh những bất cập về tư cách quản lý, điều hành doanh nghiệp spin-off của những người đang là viên chức của Trường, Viện: Quy định hiện hành đang tạo ra rào cản cho các cán bộ quản lý của Viện, Trường đại học công lập trong việc tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp spin-off. Khoản 3 Điều 14 Luật Viên chức 2010 quy định viên chức: “Được góp vốn nhưng không tham gia quản lý, điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, bệnh viện tư, trường học tư và tổ chức nghiên cứu khoa học tư, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác”. Điều này đồng nghĩa với việc cán bộ quản lý các ban, khoa của Viện, Trường đứng trước lựa chọn khi muốn đảm nhận các vị trí điều hành doanh nghiệp spin-off (có thể là giám đốc điều hành, chủ tịch hội đồng…) thì phải rời vị trí hiện tại của mình. Quy định này trong thực tế chưa khuyến khích đội ngũ cán bộ có năng lực của Viện, Trường, nhất là các chủ nhiệm đề án tham gia hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ cùng doanh nghiệp.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ KIẾN NGHỊ HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP KHỞI NGUỒN CÔNG NGHỆ

Xuất phát từ vai trò của doanh nghiệp spin-off cho thấy sự cần thiết và quan trọng khi phát triển doanh nghiệp spin-off thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong các Viện, Trường đại học bởi nó sẽ mang lại nhiều lợi ích như cung cấp thông tin, tư vấn, kết nối với bên ngoài và hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm, hàng hóa KH&CN để hướng tới giá trị giao dịch thành công giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng. Quy định hiện hành của pháp luật về đặc tính của loại hình doanh nghiệp spin-off, về nguồn vốn thành lập doanh nghiệp, về nhân sự quản lý doanh nghiệp …. là những nội dung quan trọng của quá trình thành lập doanh nghiệp cần được hoàn thiện sớm để tạo ra hành lang pháp lý an toàn cho sự phát triển của doanh nghiệp này.

Kiến nghị về bản chất của doanh nghiệp spin-off: Như vậy, nếu đối chiếu với quy định của pháp luật hiện hành thì doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ thuộc loại pháp nhân phi thương mại và là loại hình doanh nghiệp xã hội theo như quy định của theo quy định của Bộ luật Dân sư 2015 và của Luật doanh nghiệp 2020. Theo quy định của Điểm a khoản 1 Điều 6 của Nghị định 13/2019/NĐ-CP về doanh nghiệp khoa học, công nghệ, việc đăng ký thành lập doanh nghiệp spin-off cần được thực hiện như đối với các doanh nghiệp thông thường (hồ sơ thành lập được tiến hành tại Sở kế hoạch đầu tư) để lựa chọn loại hình doanh nghiệp (theo như phân tích ở trên về bản chất doanh nghiệp spin-off là doanh nghiệp xã hội), sau đó doanh nghiệp cần nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ (hồ sơ nộp tại Sở Khoa học công nghệ) là căn cứ thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ . Nhưng để có căn cứ cơ sở cụ thể giúp cho quá trình thành lập doanh nghiệp spin-off được nhanh chóng, nhất quán và hiệu quả thì cần có quy định chính thức cụ thể của pháp luật. Những chủ thể có nhu cầu thành lập doanh nghiệp spin-off sẽ có thể hình dung được mô hình doanh nghiệp của mình, hướng phát triển, quyền lợi và nghĩa vụ cụ thể theo quy định của pháp luật hiện hành như thế nào, bởi nếu doanh nghiệp được kinh doanh trong một hành lang pháp lý thì đó là sự kinh doanh an toàn, hiệu quả và bền vững nhất.

Kiến nghị về việc bồi hoàn giá trị khi được Nhà nước chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học cho Đơn vị chủ trì (là Đơn vị thành lập doanh nghiệp spin-off) : Quy định của pháp luật hiện hành nên xác định việc chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ Đại diện chủ sở hữu Nhà nước (Bộ Khoa học Công nghệ) sang cho Đơn vị chủ trì đề tài nghiên cứu đồng nghĩa với việc Đơn vị chủ trì có toàn quyền định đoạt để phát triển ứng dụng chúng thông qua việc góp vốn để thành lập doanh nghiệp spin-off. Theo đó quy định về việc bồi hoàn khi kết quả nghiên cứu được đưa vào khai thác thương mại sẽ không phù hợp, nhất là khi Đơn vị chủ trì đã dùng tài sản trí tuệ này để góp vốn thành lập doanh nghiệp spin-off. Như trên đã phân tích, doanh nghiệp spin-off là thuộc loại pháp nhân phi thương mại và là doanh nghiệp xã hội, với mục tiêu là lợi nhuận được tái đầu tư để nghiên cứu phát triển khoa học công nghệ, nên lợi nhuận thu được sẽ không phân chia cho các thành viên, và 51% lợi nhuận sau thuế được thực hiện tái đầu tư cho mục đích đăng ký ban đầu. Việc yêu cầu Đơn vị chủ trì bồi hoàn khi nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu theo quy định của Luật Khoa học và Công nghệ năm 2013 và Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 nên lược bỏ để thống nhất với quy định của Luật sở hữu trí tuệ và mới là động lực để phát triển doanh nghiệp spin-off và thúc đẩy nền khoa học – công nghệ của đất nước phát triển. Hơn nữa, Luật sở hữu trí tuệ 2022 không nên chỉ giới hạn 4 đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ là sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, giống cây trồng mà cần mở rộng đến các tài sản trí tuệ là kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ khi chuyển giao không cần bồi hoàn ngay cả khi chưa hoặc không được cấp văn bằng bảo hộ độc quyền. Bởi nhiều khi các kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ được chủ sở hữu bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh.

Kiến nghị về xác định kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ là tài sản được chuyển giao và dùng để góp vốn thành lập doanh nghiệp spin-off: Tác giả kiến nghị các văn bản pháp luật cần ghi nhận tài sản trí tuệ là một loại tài sản (Bộ luật Dân sự nên bổ sung loại tài sản này, Luật Sở hữu trí tuệ cũng nên chính thức ghi nhân đây là một loại tài sản) và cần có sự phân loại cụ thể đối với loại tài sản trí tuệ này: có tài sản trí tuệ (những kết quả nghiên cứu khoa học) đã được cấp văn bằng bảo hộ theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và những kết quả nghiên cứu chưa được cấp hoặc không được cấp văn bằng bảo hộ theo Luật sở hữu trí tuệ nhưng các doanh nghiệp vẫn có nhu cầu sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Bản chất khi Nhà nước chuyển giao các kết quả nghiên cứu này cho các Đơn vị chủ trì và sau đó các Đơn vị chủ trì (Viện, Trường…) dùng để góp vốn vào doanh nghiệp spin-off phải là những kết quả nghiên cứu có khả năng khai thác thương mại được.

(ii) Khi có quyết định chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu khoa học của Bộ Khoa học Công nghệ cho đơn vị chủ trì (trên cơ sở kết quả nghiên cứu khoa học đã được định giá) thì Đơn vị chủ trì (thường là các Viện, Trường Đại học) sẽ có quyền sở hữu và được thực hiện các quyền của chủ sở hữu đối với tài sản trí tuệ này. Để thực hiện tốt nhất việc khai thác thương mại thì các Trường, Viện sẽ thành lập doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off và sẽ góp vốn bằng kết quả nghiên cứu của các đề tài này. Lúc này Viện, Trường sẽ đóng vai trò là cổ đông hoặc chủ thể góp vốn thành lập pháp nhân, sẽ được hưởng lợi ích theo tỷ lệ vốn góp.

Kiến nghị về nhân sự quản lý doanh nghiệp spin-off: Pháp luật nên ghi nhận các nhà khoa học, viên chức giảng viên được kiêm nhiệm vừa là thành viên của doanh nghiệp spin-off, vừa vẫn đảm nhiệm công việc trong các Viện, Trường. Mô hình này cũng giống như đối với lĩnh vực y tế, có bệnh viện trong các Trường Đại học y dược . Nghiên cứu khoa học cũng là một lĩnh vực đặc thù nên việc thành lập doanh nghiệp spin-off trong Trường, Viện sẽ tạo được cơ hội tiềm năng để vừa có môi trường cho sinh viên thực tập, vừa có cơ sở vật chất để các giảng viên, nhà nghiên cứu thực hiện tốt nhiệm vụ của mình nâng cao chất lượng, đưa kết quả nghiên cứu vào thị trường, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Tư duy không cho phép viên chức đảm trách vị trí quản lý, điều hành doanh nghiệp để toàn tâm, toàn ý cho công việc của viên chức không thực sự phù hợp đối với bối cảnh của hoạt động nghiên cứu khoa học và thương mại hoá kết quả nghiên cứu khoa học, bởi thực tiến cho thấy, không có căn cứ để phát sinh việc lạm quyền hay tham nhũng từ vị trí của viên chức khi đồng thời quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học. Cần có những văn bản thỏa thuận rất rõ ràng về phân công giữa chức năng làm học thuật (của nhà nghiên cứu) và chức năng làm kinh doanh (khi quản lý doanh nghiệp spin-off), bởi hai hoạt động này thực chất là “hỗ trợ” cho nhau, chứ không phải “xung đột” nhau. Do đó, nên cần ghi nhận ngoại lệ này cho các nhà khoa học, các viên chức đang vốn là thành viên của Viện, Trường được đồng thời đảm nhiệm cả vị trí quản lý trong doanh nghiệp spin-off. Cơ chế tính mức lương, thưởng cho những nhà khoa học, những viên chức này cần có quy định thống nhất chung, mỗi Đơn vị chủ quản có thể tự quyết định mức khác nhau tuỳ theo chiến lược phát triển của Viện, Trường mình nhưng phải đảm bảo nguyên tắc: thu nhập của nhân sự quản lý, của nhà khoa học trong doanh nghiệp spin-off phải không được thấp hơn mức thu nhập của họ khi đang còn làm việc cho Trường, Viện. Điều này đòi hỏi Trường, Viện khi xây dựng chiến lược phát triển có kế hoạch thành lập doanh nghiệp spin-off thì phải có nguồn kinh phí đầu tư vào doanh nghiệp với mức an toàn cao nhất; cũng như cũng phải có cơ chế để nhận trở về những nhân sự này trong trường hợp xấu nhất doanh nghiệp spin-off bị sáp nhập, giải thể, phá sản…sau một thời gian hoạt động.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

Spin-off: Doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

KH&CN: Khoa học và công nghệ

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Nguyễn Vân Anh, Nguyễn Hồng Hà, Lê Vũ Toàn. Doanh nghiệp khoa học và công nghệ Việt Nam, thực trạng và giải pháp phát triển, Tạp chí Chính sách và Quản lý khoa học và công nghệ, tập 3 số 3 năm 2014. . 2014;:. Google Scholar
  2. Nguyễn Thị Tuyết Mai. Luận án Tiến sĩ, Chính sách phát triển các tổ chức vệ tinh (spin-off) thành doanh nghiệp khởi nghiệp trong trường đại học ở Việt Nam, Trường Đại học Khoa học Xã hội & Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, 2022. . ;:. Google Scholar
  3. Clarysse et al. Spinning out new ventures: a typology of incubation strategies from European research institutions. . 2005;:. Google Scholar
  4. Luis Felipe Maldaner and Flávia Siqueira Fiorin. An analysis framework of corporate spin-off creation focused on parent company: a case study of a traditional industrial company from the state of rio grande do sul, south of brazil. . ;:. Google Scholar
  5. Tổ chức nghiên cứu khoa học và công nghiệp khối thịnh vượng chung (CSIRO). Sổ tay Thương mại hoá Nâng cao tác động tích cực của nghiên cứu khoa học và công nghệ qua con đường Thương mại hoá, NXB Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội, trang 15. . 2012;:. Google Scholar
  6. Nguyễn Hồ Phi Hà. Thực trạng đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ từ ngân sách Nhà nước, truy cập ngày 15/09/2023. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 4914-4923
Published: Dec 31, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i4.1301

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Vu, Y. (2023). Establishing a spin-off enterprise - Current status of law regulations and complete solutions. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(4), 4914-4923. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i4.1301

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 517 times
PDF   = 232 times
XML   = 0 times
Total   = 232 times