Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1793

Total

934

Share

Income diversification for risk adaptation: the case of rural households in Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This study uses the data extracted from the Vietnam Access to Resources Household Survey 2008, 2010, 2012, 2014, 2016 on 2,107 rural households in Vietnam. Results from logit regressions show that: (1) natural disasters, plant or animal diseases, mean years of schooling of all labor members in the households, household size, levels of participation in associations and social organizations help to increase the ability of households to diversify when there is a risk; (2) On the contrary, the harmful impacts from pest of the previous year, mean years of schooling of household head, age, ethnicity, land area, attitude to risks exert a negative impact on the ability of income diversification. Thereby, the study offers some policy implications such as improving the educational level of the households, encouraging households to actively participate in training sessions, skills training and market access organized by the State and NGOs, disseminating knowledge on risk response measures through income diversification. The novel point of the study is the application of the microeconomic theory to measure the impact of attitude to risk on the decision to diversify income when risks occur. In addition, the study also examines the impact of each type of risk, and the severity of the risk on the choice of income diversification to cope with risks.

Đặt vấn đề

Ở các nước đang phát triển, nông dân phải đối mặt với nhiều rủi ro và khả năng thích ứng là một yếu tố quan trọng để đảm bảo và nâng cao phúc lợi của hộ. Bên cạnh đó, việc giảm thiểu rủi ro lại gặp khó khăn khi thị trường tín dụng và bảo hiểm ở các nước này chưa được phát triển tốt. Trong những trường hợp như vậy, các hộ gia đình buộc phải dựa vào các biện pháp hài hòa thu nhập như đa dạng hóa các hoạt động kinh tế 1 . Đa dạng hóa các nguồn thu nhập, đặc biệt tiếp cận với các nguồn thu nhập ổn định hơn là những chiến lược quan trọng mà các hộ gia đình có thể theo đuổi để giảm thiểu tác động của những rủi ro đến thu nhập. Theo Rashid và các cộng sự, thu nhập và giá trị tài sản lớn vẫn không bảo vệ các hộ gia đình Bangladesh trước rủi ro khi hộ không có biện pháp ứng phó. Một hướng khám phá thứ hai là tác động của những rủi ro đối với thu nhập thông qua cơ chế phản hồi khi gặp rủi ro 2 . Cụ thể, khi đối mặt với rủi ro, phúc lợi của các hộ gia đình sẽ không bị ảnh hưởng tiêu cực nếu họ có cơ chế phản hồi đầy đủ. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cũng cho thấy các hộ nghèo dễ bị tổn thương trước những rủi ro khi họ chủ yếu dựa vào chính mình để ứng phó. Hơn nữa, thị trường bảo hiểm và tín dụng chính thức kém phát triển góp phần làm cho các hộ gia đình, đặc biệt hộ nghèo không phải lúc nào cũng được bảo hiểm đầy đủ trước những rủi ro 1 . Theo Hill và Mejia-Mantilla, đa dạng hóa thu nhập cung cấp cho hộ gia đình khả năng bảo vệ tiêu dùng khỏi ảnh hưởng từ những rủi ro thời tiết, nhưng nó ít hiệu quả hơn trong việc giảm thiểu mức độ ảnh hưởng từ những rủi ro thu nhập 3 . Vì vậy, giáo dục là điều cần thiết để các hộ gia đình đa dạng hóa và đảm bảo tiêu dùng từ những rủi ro thời tiết. Song, hộ chỉ đa dạng hóa sẽ không đủ để bảo vệ hoàn toàn tiêu dùng của hộ khỏi những rủi ro. Hơn nữa, việc đa dạng hóa thu nhập của các hộ gia đình không thích rủi ro thường liên quan đến việc thay thế mức thu nhập rủi ro cao cho mức thu nhập an toàn, thấp hơn và do đó có thể không hiệu quả mà còn làm giảm lợi nhuận 4 . Như vậy, nếu hộ gia đình không có khả năng ứng phó rủi ro thì phúc lợi của hộ sẽ giảm sút nghiêm trọng và rơi vào nghèo đói 5 .

Hiện nay, có rất nhiều nghiên cứu đề cập đến biện pháp ứng phó với rủi ro của hộ gia đình theo những cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, mỗi quốc gia, mỗi vùng, mỗi loại rủi ro là mỗi thực thể duy nhất, nên việc tìm ra các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn biện pháp ứng phó thì chỉ đúng cho quốc gia, vùng, hoặc loại rủi ro đó. Điều đó có nghĩa là kết quả tìm thấy ở các nghiên cứu thực nghiệm ở quốc gia, vùng, hoặc loại rủi ro này có thể không phù hợp cho quốc gia, vùng, hoặc loại rủi ro khác. Chính vì điều này mà cần thêm nhiều nghiên cứu thực nghiệm hơn để kiểm chứng các yếu tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn biện pháp ứng phó của nông hộ cho từng quốc gia là cần thiết.

Ngoài ra, ở Việt Nam, bảo hiểm cho các dạng rủi ro do tự nhiên dưới dạng lũ lụt, hạn hán, sâu bệnh hại cũng không hiệu quả 6 . Các hộ nghèo lại sẵn sàng từ bỏ hoạt động sản xuất có lợi nhuận cao để có lợi tức ổn định hơn, và điều đó làm giảm thu nhập của hộ. Nếu không có những biện pháp ứng phó đồng bộ, sẽ làm tăng rủi ro và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nông nghiệp. Tuy đã có khá nhiều biện pháp ứng phó được thực hiện một cách tự phát, nghĩa là do nông dân tự thực hiện mà không nằm trong chương trình của Nhà nước 7 . Nếu phối hợp thực hiện tất cả các biện pháp ứng phó sẽ góp phần phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh đầy rủi ro và thách thức hiện nay.

Điểm nổi bật của nghiên cứu này thể hiện ở các khía cạnh sau: (1) nghiên cứu sử dụng bộ dữ liệu tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương kết hợp với ba đối tác điều tra trong giai đoạn 2008 – 2016; (2) phân tích các yếu tố chính ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập – một biện pháp ứng phó với rủi ro chủ động của hộ gia đình nông thôn ở Việt Nam; (3) vận dụng lý thuyết kinh tế học vi mô (lựa chọn trong điều kiện không chắc chắn và lý thuyết trò chơi) vào việc xác định thái độ rủi ro của hộ ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro của hộ. (4) Hơn nữa, các nghiên cứu trước chỉ mới đề cập đến một hay gộp chung lại các loại rủi ro liên quan đến sinh kế hộ (chi tiêu, thu nhập của hộ), mà chưa đo lường cụ thể ảnh hưởng của từng loại rủi ro, mức độ trầm trọng của rủi ro đến việc lựa chọn biện pháp đa dạng hóa thu nhập để ứng phó với rủi ro của hộ.

Lý thuyết về đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro của hộ

Các hộ nông dân có thể đa dạng hóa cây trồng và lĩnh vực sản xuất, hoặc hạn chế rủi ro thu nhập bằng cách chọn một danh mục đầu tư đa dạng ngành nghề 1 . Tuy nhiên, số lượng tối ưu hóa, đa dạng hóa danh mục đầu tư sẽ phụ thuộc vào sở thích của hộ gia đình đối với rủi ro, khả năng ổn định tiêu dùng tương ứng với biến đổi thu nhập. Các hộ dân đa dạng hóa tài sản, hoạt động tạo thu nhập vì nhiều lý do như: (1) quản lý rủi ro, (2) xử lý mùa vụ trong các hoạt động nông nghiệp, (3) thất bại của thị trường tín dụng, (4) giải quyết các vấn đề trong thị trường lao động 4 , và đa dạng hóa mang lại hiệu quả hơn cho hoạt động nông nghiệp của hộ gia đình 8 .

Khi xem xét cách thức đối phó với rủi ro thiên tai của các hộ gia đình trong trận động đất Hanshin-Awaji năm 1995 ở Nhật Bản, Yasuyuki và Satoshi nhận thấy các hộ nông dân sau động đất thường quản lý sản xuất nông nghiệp bằng cách đa dạng hóa cây trồng, xen canh, đầu tư sản xuất linh hoạt, sử dụng các công nghệ có mức rủi ro thấp, và các hợp đồng như cho thuê lại một phần đất đai 9 . Trong phân tích 215 hộ chăn nuôi gia súc ở 4 tỉnh của Kenya, Jabeen và các cộng sự đã đánh giá sự phù hợp của mô hình quản lý chu kỳ hạn hán như một chiến lược giảm thiểu rủi ro thiên tai 10 . Mô hình này được sử dụng để khuyến khích năng lực ứng phó, và những ảnh hưởng của chúng lên rủi ro hạn hán ở cấp độ hộ gia đình. Bốn năng lực ứng phó quan hệ chặt chẽ trong việc giảm thiểu rủi ro là (1) thiết lập một cơ cấu quản lý chăn nuôi, (2) đa dạng hóa thu nhập (3) thực hiện các biện pháp để giữ gìn nguồn nước, và (4) khả năng tiếp cận tín dụng ở cấp độ cộng đồng. Phùng và Waibel sử dụng bộ dữ liệu 2.200 hộ gia đình được điều tra ở Đắc Lắc, Huế và Hà Tĩnh năm 2007 để phân tích mối quan hệ phân bổ của lao động, đất đai, số lượng cây trồng và các nguồn thu nhập của hộ gia đình nông thôn Việt Nam 11 . Để đối phó với những rủi ro do thiên tai gây ra, các hộ nông thôn Việt Nam đã phát triển các chiến lược đối phó như đa dạng hóa lao động và đất cho từng loại cây trồng.

Bên cạnh đó thái độ đối với rủi ro cũng ảnh hưởng đến sự lựa chọn biện pháp ứng phó ứng phó khi có rủi ro của hộ. Điển hình như trong nghiên cứu của Teklewold và Köhlin tìm hiểu mối quan hệ giữa sở thích rủi ro của người nông dân Ethiopia và hoạt động bảo tồn đất nông nghiệp. Kết quả cho thấy tình hình xói mòn đất đai nghiêm trọng ở cao nguyên Ethiopia làm giảm sản lượng nông nghiệp, góp phần gia tăng tình trạng nghèo của nông dân 9 . Do e ngại rủi ro, người nông dân không sử dụng các biện pháp hạn chế xói mòn, như canh tác trên ruộng bậc thang hay sử dụng đê ngăn bùn, xem nó như một khoản đầu tư bảo tồn độ phì nhiêu của đất đai, nâng cao năng suất cây trồng. Hay nghiên cứu của Liu và Huang về mối quan hệ giữa sở thích rủi ro của nông dân trồng bông Trung Quốc đến việc sử dụng thuốc trừ sâu, kết luận rằng người e ngại rủi ro sẽ sử dụng nhiều thuốc trừ sâu hơn, người lo ngại mất mát sẽ dùng ít thuốc hơn, hiệu ứng cố định làng và thu nhập theo làng không tác động đến rủi ro 12 . Nghĩa là người trong cùng một làng sử dụng thuốc khác nhau, e ngại rủi ro cũng như e ngại mất mát khác nhau và làng giàu hay nghèo hơn có mức độ tác động đến rủi ro không xác định theo thu nhập. Ngoài ra tồn tại bằng chứng cho thấy có sự liên quan giữa ác cảm mất mát đối với lĩnh vực sức khỏe y tế, các biến như: tuổi, giới tính, trình độ, thu nhập có tác dụng nhất định với các tham số rủi ro 13 , 14 .

Khi so sánh những cú sốc, thái độ rủi ro cá nhân, và tính dễ bị tổn thương dẫn đến nghèo của các hộ gia đình nông thôn ở Thái Lan và Việt Nam, Gloede và các cộng sự đã phân tích ảnh hưởng về kinh nghiệm từ những cú sốc hộ gia đình đã gặp phải đến thái độ đối với rủi ro, của hơn 4000 hộ được điều tra ngẫu nhiên tại Thái Lan và Việt Nam 15 . Kết quả nghiên cứu cho thấy, kinh nghiệm từ những cú sốc bất lợi, vốn rất phổ biến ở những hộ nghèo và tổn thương, có mối quan hệ rất chặt chẽ với mức độ né tránh rủi ro, ngay cả khi mô hình có sử dụng thêm một số lượng lớn biến số về tình trạng kinh tế-xã hội của hộ. Do đó, những cú sốc kéo theo sự tổn thương dẫn đến nghèo đói sẽ có ảnh hưởng đến thái độ đối với rủi ro. Nghiên cứu cũng phân tích chi tiết ảnh hưởng của từng loại cú sốc cụ thể (biến đổi khí hậu, giá cả, sức khỏe…) và thấy rằng thái độ rủi ro đối với từng loại sốc có sự khác biệt giữa Việt Nam và Thái Lan. Từ đó, nhóm tác giả đã kết luận rằng mặc dù các cú sốc có ảnh hướng đến thái độ của nông dân đối với rủi ro, tuy nhiên, chiến lược đối phó với rủi ro phụ thuộc vào đặc điểm của từng nhóm hộ.

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Dữ liệu phân tích

Bài báo khai thác bộ dữ liệu Điều tra Tiếp cận Nguồn lực Hộ gia đình (VARHS) giai đoạn 2008-2016 do Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì thực hiện. Sau khi xử lý dữ liệu theo trình tự cẩn trọng, loại bỏ quan sát dị biệt, và quan sát không có dữ liệu, bộ dữ liệu có 10.259 quan sát của hơn 2.000 hộ, tập trung ở các tỉnh thành như Hà Tây cũ (22,15%), Phú Thọ (13,56%), Quảng Nam (12,51%) và Long An (12,35%) và tương đối rải đều ở các tỉnh còn lại. Trong đó tỷ lệ hộ bị rủi ro tự nhiên và sâu, dịch bệnh có đa dạng dạng thu nhập cao hơn hộ bị rủi ro cá nhân hay rủi ro kinh tế. Ngoài ra, có đến 90% hộ đa dạng hóa thu nhập, tập trung chủ yếu ở các hộ bị thiệt hại nhiều do rủi ro tự nhiên, sâu, dịch bệnh và cá nhân. Do đó, nghiên cứu được xác định nhằm đo lường sự khác biệt theo các đặc điểm của từng loại rủi ro của hộ trong việc lựa chọn đa dạng hóa thu nhập như một biện pháp ứng phó.

Phương pháp nghiên cứu

Kế thừa các nghiên cứu trước 10 , 11 , 9 , bài báo sử dụng phương pháp phân tích định lượng các nhân tố ảnh hưởng đến sự lựa chọn biện pháp đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình nông thôn Việt Nam thông qua mô hình hồi quy logit có dạng tổng quát như sau:

Với e là hằng số Euler (xấp xỉ 2,718).

Bằng phương pháp tuyến tính hoá, mô hình trên trở thành dạng hàm tuyến tính của log tỷ số xác suất odd như sau:

Trong đó:

P i : biểu thị xác suất mà hộ gia đình thứ i có đa dạng hóa thu nhập.

X k : là các biến độc lập (các nhân tố ảnh hưởng đến xác suất lựa chọn đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình).

β 0, β k : là các hệ số hồi quy của mô hình.

Trong đó , β i (i = 1,13) là các hệ số chứa đựng hiệu ứng của các biến ngoại sinh, u­ i là sai số ngẫu nhiên thể hiện tác động của các biến bị bỏ qua. Các biến độc lập được mô tả ở Table 1 .

Table 1 Khai báo các biến trong mô hình
Biến Ký hiệu Đo lường
Đa dạng hóa thu nhập d Biến giả nhận giá trị nếu hộ có hơn 1 nguồn thu nhập; và ngược lại là 0[1].
Rủi ro tự nhiên Nat1 Biến giả nhận giá trị 1 nếu hộ bị lũ lụt, hạn hán, bão và các thiên tai khác; và ngược lại là 0.
Rủi ro do sâu, dịch bệnh Nat2 Biến giả nhận giá trị 1 nếu hộ bị sâu bệnh, dịch bệnh đối với vật nuôi và cây trồng, cúm gia cầm; và ngược lại là 0.
Rủi ro kinh tế Eco Biến giả nhận giá trị 1 nếu hộ bị biến động giá của nguyên vật liệu, dịch vụ đầu vào và giá sản phẩm đầu ra trên thị trường, thiếu hoặc biến động giá cả thị trường đối với lương thực hoặc các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, thất nghiệp, đầu tư không hiệu quả, mất đất; và ngược lại là 0.
Rủi ro cá nhân priv Biến giả nhận giá trị 1 nếu hộ bị ly hôn bất hòa, xung đột trong gia đình hoặc với các gia đình khác, thành viên trong hộ ốm nặng, bị thương, qua đời; mất trộm và bị cướp; và ngược lại là 0.
Thiệt hại của các loại rủi ro theo từng năm lny0­­_nat1, lny1­­_nat1, lny0­­_nat2, lny1_nat2, lny0­­_eco, lny1_eco, lny0­­_pri, lny1_pri Giá trị thiệt hại của từng loại rủi ro theo từng năm (đơn vị tính là ngàn đồng). Các biến này được tính theo hàm ln(x).
Giới tính sexhead Biến giả nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là nam; và 0 nếu là nữ.
Tuổi agehead Bằng năm điều tra trừ đi số năm sinh của chủ hộ.
Dân tộc ethnic Biến giả, nhận giá trị 1 nếu chủ hộ là người Kinh và 0 nếu chủ hộ không là người Kinh.
Giáo dục eduh, edum Số năm đi học của chủ hộ, thành viên trong hộ.
Quy mô hộ hhsize Tổng số người trong hộ gia đình.
Đất land Tổng diện tích đất sở hữu của hộ (hecta).
Mức độ tham gia các tổ chức, hiệp hội organh Biến giả, nhận giá trị 1 nếu là chủ hộ tham gia thường xuyên hoặc thỉnh thoảng, và 0 nếu chủ hộ không tham gia.
Tài sản lnass Tổng giá trị tài sản lâu bền của hộ tại thời điểm hiện tại, (đơn vị tính là ngàn đồng), được tính theo hàm ln(x)
Nhóm thu nhập quinti Chia thu nhập của các hộ thành 5 nhóm bằng nhau; trong đó quint1 là nhóm có thu nhập thấp nhất (nghèo nhất); quint2 là nhóm có thu nhập thấp thứ hai (cận nghèo), quint3 là nhóm có thu nhập trung bình (nhóm được chọn làm cơ sở so sánh), quint4 là nhóm có thu nhập khá, quint5 là nhóm có thu nhập cao nhất (giàu nhất).
Thái độ đối với rủi ro riski Được đo lường thông qua nội dung Table 3,Table 4,Table 5

Kết quả và thảo luận kết quả nghiên cứu

Để đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn biện pháp đa dạng hóa thu nhập nhằm ứng phó với rủi ro của hộ, tác giả sử dụng bốn mô hình được trình bày ở Table 2 , theo các biến đo lường thái độ rủi ro khác nhau dựa trên bốn giả định như đề cập ở Table 3 , Table 4 , Table 5 . Kết quả hồi quy từ bốn mô hình khá tương đồng nhau về hệ số và giá trị ước lượng của các biến trong mô hình. Điều đó cho thấy không có sự khác biệt trong mức độ ảnh hưởng của biến thái độ rủi ro theo các giả định khác nhau đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ. Ngoài ra nghiên cứu cũng đo lường mức độ tương quan giữa các biến trong mô hình ( Figure 1 ); kiểm định mối tương quan giữa các biến định tính ( Table 6 ); kiểm định hiện tượng phương sai không đồng đều ( Figure 2 ), dạng phù hợp của mô hình ( Figure 3 ) và mức độ giải thích của mô hình ( Figure 4 ).

Table 2 Các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập khi rủi ro
(1) (2) (3) (4)
d: Đa dạng hóa thu nhập risk1 risk2 risk3 risk4
nat1: hộ bị rủi ro tự nhiên 0,682*** 0,685*** 0,686*** 0,686***
nat2: hộ bị rủi ro sâu, dịch bệnh 0,964*** 0,964*** 0,965*** 0,965***
eco: hộ bị rủi ro kinh tế -0,138 -0,140 -0,141 -0,141
priv: hộ bị rủi ro cá nhân 0,045 0,043 0,042 0,042
lny0_nat1: thiệt hại do rủi ro tự nhiên gây ra vào năm hiện hành -0,011 -0,012 -0,012 -0,012
lny1_nat1: thiệt hại do rủi ro tự nhiên gây ra vào năm ngoái -0,047 -0,047 -0,047 -0,047
lny0_nat2: thiệt hại do rủi ro sâu, dịch bệnh gây ra vào năm hiện hành -0,053 -0,053 -0,053 -0,053
lny1_nat2: thiệt hại do rủi ro sâu, dịch bệnh gây ra vào năm ngoái -0,113*** -0,113*** -0,113*** -0,113***
lny0_eco: thiệt hại do rủi ro kinh tế gây ra vào năm hiện hành -0,030 -0,030 -0,030 -0,030
lny1_eco: thiệt hại do rủi ro kinh tế gây ra vào năm ngoái -0,038 -0,038 -0,038 -0,038
lny0_pri: thiệt hại do rủi ro cá nhân gây ra vào năm hiện hành -0,003 -0,003 -0,003 -0,003
lny1_pri: thiệt hại do rủi ro cá nhân gây ra vào năm ngoái 0,023 0,023 0,023 0,023
sexhead: Giới tính của chủ hộ -0,100 -0,100 -0,100 -0,100
agehead: Tuổi của chủ hộ -0,008** -0,008** -0,008** -0,008**
eduh: Số năm đi học của chủ hộ -0,035** -0,035** -0,035** -0,035**
Dân tộc của chủ hộ -0,723*** -0,723*** -0,723*** -0,723***
edum: Số năm đi học của các thành viên trong hộ 0,066*** 0,065*** 0,065*** 0,065***
hhsize: Quy mô hộ 0,155*** 0,154*** 0,154*** 0,154***
land: Tổng diện tích đất hộ sở hữu -0,120*** -0,120*** -0,120*** -0,120***
organh: Mức độ tham gia ở các tổ chức, hiệp hội 0,296*** 0,296*** 0,296*** 0,296***
lnass:Tài sản của hộ -0,003 -0,002 -0,001 -0,001
quint1:Nhóm hộ nghèo nhất -1,103*** -1,104*** -1,105*** -1,105***
quint2: Nhóm hộ cận nghèo -0,253* -0,252* -0,252* -0,252*
quint3: Nhóm hộ khá giả -0,009 -0,009 -0,009 -0,009
quint4: Nhóm hộ giàu nhất 0,096 0,096 0,096 0,096
risk1: Thái độ rủi ro 1 -0,103**
risk2: Thái độ rủi ro 2 -0,142*
risk3: Thái độ rủi ro 3 -0,172*
risk4: Thái độ rủi ro 4 -0,157*
Tung độ gốc 3,155*** 3,184*** 3,176*** 3,153***
Số quan sát 10.259 10.259 10.259 10.259
Log Lik -2780 -2781 -2781 -2781

Table 2 cho thấy khi hộ bị rủi ro tự nhiên hay sâu, dịch bệnh thì khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ sẽ cao hơn so với những hộ không bị bất kỳ rủi ro nào (với mức ý nghĩa 1%). Trong khi đó những hộ bị rủi ro kinh tế, cá nhân hay không, không ảnh hưởng đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ. Tuy nhiên, giá trị thiệt hại do sâu bệnh vào năm ngoái càng cao sẽ làm giảm khả năng đa dạng thu nhập của hộ. Nguyên nhân của tình trạng trên là do đa dạng hóa thu nhập là biện pháp ứng phó phổ biến đối các loại rủi ro thiên tai 1 , 10 , 9 .

Xét về nhân tố con người, nghiên cứu cho thấy số năm đi học trung bình của chủ hộ, tuổi, dân tộc ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ; trong khi các yếu tố còn lại như số năm đi học trung bình của tất cả các thành viên trong hộ, quy mô hộ, mức độ tham gia hiệp hội, tổ chức xã hội ảnh hưởng tích cực; và giới tính, tài sản không ảnh hưởng.

Theo lý thuyết cũng như các nghiên cứu trước, trình độ học vấn của chủ hộ hay các thành viên trong hộ luôn là nhân tố quan trọng tác động đến việc đa dạng hóa thu nhập của hộ gia đình 16 , 17 . Tuy nhiên trong nghiên cứu này, tương đồng với kết quả của Ersado; Rashid và các cộng sự trình độ học vấn của chủ hộ được đo lường thông qua số năm đi học của chủ hộ ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ, do người có trình độ học vấn càng cao thường ổn định việc làm tăng thu nhập, hơn là đa dạng hóa thu nhập 18 , 2 . Ngoài ra, sự khác biệt này có thể giải thích dựa vào kết quả thống kê mô tả trình độ học vấn của chủ hộ gia đình nông thôn chủ yếu nằm trong khoảng từ 0 đến 9 năm, chiếm 81,41%, tương đương với trình độ dưới THCS, từ 10 đến 12 năm chiếm 16,45%, tương đương với trình độ dưới THPT, và trên 12 năm chiếm 2,14% tương đương trình độ từ cao đẳng, đại học trở lên. Như vậy, hầu hết các chủ hộ gia đình nông thôn Việt Nam có trình độ học vấn rất thấp, tương đồng nhau. Điều đó cho thấy trình độ học vấn ở nông thôn Việt Nam chưa được chú trọng phát triển, hoặc chính sách giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế. Đối với nhân tố tuổi của chủ hộ, tương đồng với nghiên cứu của Ersado, Ahmed, chủ hộ càng lớn tuổi thì sự năng động càng kém nên không tích cực đa dạng hóa thu nhập 1 , 18 .

Kết quả kiểm định cho thấy đa dạng hóa thu nhập của chủ hộ không có khác biệt giữa nhóm chủ hộ nam và nữ. Điều này cho thấy các chính sách về bình đẳng giới của Chính phủ được thực hiện khá tốt, hiện nay nam và nữ điều được tham gia học tập, lựa chọn nghề nghiệp, tham gia hội đoàn thể, chính trị cũng có quyết định những vấn đề lớn của gia đình, đa phần phụ nữ và nam giới đều tham gia các hoạt động tạo thu nhập. Với mức ý nghĩa 1%, kết quả kiểm định cho thấy đa dạng hóa thu nhập có khác biệt giữa nhóm chủ hộ có tham gia họp thường xuyên ở các tổ chức, hiệp hội. Điều này cho thấy việc tham gia họp thường xuyên ở các tổ chức, hiệp hội giúp chủ hộ có nhiều thông tin hơn về các thể chế Nhà nước, nhiều quan hệ trong quá trình tham gia hội họp, giúp hộ có điều kiện tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về tạo sinh kế, các hoạt động khác tạo ra thêm thu nhập cho hộ 17 .

Quy mô hộ ảnh hưởng tích cực đến khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ. Đặc biệt các nông hộ có nhiều thành viên, có khả năng dư thừa lao động trong sản xuất nông nghiệp, dẫn đến tăng đa dạng hóa thu nhập từ nguồn làm thuê hay hoạt động phi nông nghiệp. Hơn nữa, lực lượng lao động chủ yếu là thành viên trong hộ gia đình nông thôn, nên khi quy mô hộ tăng thì mức độ đa dạng hóa thu nhập cũng tăng. Kết quả này phù hợp với kỳ vọng và lý thuyết, sự gia tăng quy mô hộ có tác động làm tăng thu nhập từ các nguồn thu nhập khác của hộ nông dân 19 . Hộ càng có nhiều lao động thì khả năng tham gia các hoạt động tạo thu nhập cũng tăng lên 16 , 20 , 21 .

Ngoài ra, diện tích đất đai hộ sở hữu ảnh hưởng âm đến quyết định đa dạng hóa thu nhập, trong khi giá trị tài sản không ảnh hưởng. Điều này có thể giải thích tương tự như yếu tố trình độ học vấn của chủ hộ, là hầu hết các hộ gia đình nông thôn có tài sản, nhưng giá trị rất thấp nên không ảnh hưởng đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ. Diện tích đất sở hữu là một trong những biến ảnh hưởng nghịch đến khả năng đa dạng của nông hộ. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Reardon và Alobo 16 , 21 ; nhưng ngược lại với kết quả của Barrett và các cộng sự 22 . Điều này có thể giải thích rằng, việc nắm giữ đất đai lớn hơn tại các hộ gia đình nông thôn Việt Nam, làm giảm sự đóng góp từ thu nhập trong lĩnh vực phi nông nghiệp. Các hộ gia đình có thể đa dạng hóa nhiều hơn trong khu vực nông nghiệp hoặc cho thuê đất. Ngoài ra, những hộ bị giới hạn về diện tích đất canh tác có khả năng đa dạng hóa cao hơn so với những hộ có nhiều đất canh tác. Với những hộ có nhiều đất canh tác, thu nhập của hộ có khả năng sẽ bù đắp được những thiệt hại từ rủi ro, cùng với kinh nghiệm sản xuất cao giúp hộ chuyên môn hóa sản xuất mà không cần đa dạng hóa các hoạt động tạo thu nhập.

Kết quả hồi quy cho thấy các biến đo lường thái độ rủi ro của hộ có ý nghĩa thống kê đúng như kỳ vọng, chỉ số e ngại rủi ro càng cao thì khả năng đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro càng giảm. Rủi ro có tác động tốt đến dự đoán hành vi của cá nhân trong lựa chọn đầu tư; và các nông hộ thường có thái độ tìm kiếm an toàn sinh kế lâu dài hơn là chỉ khai thác tận dụng cơ hội kiếm thu nhập hiện thời 20 .

Kết luận và gợi ý chính sách

Thông qua phân tích bộ dữ liệu tiếp cận nguồn lực của hộ gia đình 2008 – 2016, kết quả cho thấy các yếu tố như bốn loại rủi ro, gồm rủi ro do tự nhiên, sâu, dịch bệnh, kinh tế và cá nhân ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro của hộ. Theo đó, hộ bị rủi ro tự nhiên hay sâu, dịch bệnh thì khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ sẽ cao hơn so với những hộ không bị bất kỳ rủi ro nào (với mức ý nghĩa 1%). Trong khi đó những hộ bị rủi ro kinh tế, cá nhân hay không, không ảnh hưởng đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ. Tuy nhiên, giá trị thiệt hại do sâu bệnh vào năm ngoái càng cao sẽ làm giảm khả năng đa dạng thu nhập của hộ.

Ngoài ra, các đặc điểm của chủ hộ và hộ cũng ảnh hưởng đến quyết định đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro của hộ, điển hình như số năm đi học trung bình của chủ hộ, tuổi, dân tộc ảnh hưởng tiêu cực đến quyết định đa dạng hóa thu nhập của hộ; trong khi các yếu tố còn lại như số năm đi học trung bình của tất cả các thành viên trong hộ, quy mô hộ, mức độ tham gia hiệp hội, tổ chức xã hội ảnh hưởng tích cực; và giới tính, tài sản không ảnh hưởng. Kết quả hồi quy cho thấy các biến đo lường thái độ rủi ro của hộ có ý nghĩa thống kê đúng như kỳ vọng, chỉ số e ngại rủi ro càng cao thì khả năng đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro càng giảm.

Như vậy, nghiên cứu cho thấy những hộ bị rủi ro tự nhiên hay sâu, dịch bệnh, số năm đi học trung bình của tất cả các thành viên lao động trong hộ, quy mô hộ, mức độ tham gia hiệp hội, tổ chức xã hội thì khả năng đa dạng hóa thu nhập của hộ sẽ cao hơn; ngược lại với mức độ ảnh hưởng của các biến như giá trị thiệt hại do sâu bệnh vào năm ngoái, số năm đi học trung bình của chủ hộ, tuổi, dân tộc, diện tích đất đai, thái độ đối với rủi ro. Đây là những cơ sở để tác giả tập trung vào đánh giá mức độ ảnh hưởng, cũng như đưa ra các giải pháp và đề xuất chính sách nhằm nâng cao năng lực ứng phó với rủi ro của nông hộ Việt Nam.

Để nâng cao năng ứng phó chủ động với rủi ro thông qua biện pháp đa dạng hóa thu nhập bền vững cho nông hộ Việt Nam, chúng ta cần cần tập trung vào những giải pháp cơ bản sau đây:

Thứ nhất, nâng cao trình độ giáo dục. Kết quả nghiên cứu cho thấy khi học vấn được nâng cao thì khả năng nhận thức, học hỏi và linh hoạt trong việc lựa chọn các biện pháp ứng phó chủ động với rủi ro của hộ sẽ được cải thiện. Do đó, chính quyền địa phương cần tích cực quan tâm đến việc xóa nạn mù chữ, phổ cập giáo dục đặc biệt là các vùng sâu, vùng xa của nông thôn, nơi có nhiều người dân tộc thiểu số đang sinh sống bằng các chính sách như: (1) Khuyến khích các hộ gia đình cho con em được đến trường lớp học tập, riêng những người dân có trình độ học vấn thấp cũng nên tham gia các lớp học bổ túc. (2) Thông qua việc đào tạo kiến thức, chính quyền địa phương nên kết hợp tuyên truyền về những rủi ro và các biện pháp ứng phó với rủi ro một cách chủ động. Bên cạnh đó, (3) chính quyền cần giáo dục trách nhiệm của người dân trong việc chung tay cùng khắc phục hậu quả của các rủi ro, đồng thời nhắc nhở ý thức sống lành mạnh, hợp tác trong sản xuất, có biện pháp dự phòng rủi ro xảy ra và bảo vệ môi trường.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền biện pháp ứng phó với rủi ro thông qua đa dạng hóa thu nhập cho nông dân. Để giảm thiểu các loại rủi ro và nâng cao năng lực ứng phó thì công tác tuyên truyền, cảnh báo với người dân luôn đặt lên hàng đầu bằng nhiều chính sách cụ thể như: báo chí, tuyên truyền miệng, tuyên truyền thông qua hoạt động văn hóa, văn nghệ, cổ động trực quan… Đặc biệt chính quyền địa phương cần tập trung phát huy sức mạnh của các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, truyền hình, truyền thông qua Hội phụ nữ, Hội nông dân có số đông hộ gia đình tham gia. Ngoài ra, các cơ quan, đoàn thể, trường học cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi, tập huấn kỹ năng ứng phó, hướng dẫn người dân thực hiện phương án phòng chống hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do rủi ro gây ra.

Ngoài ra, đối với cá nhân hộ gia đình cần chủ động nắm bắt cơ hội theo cơ chế chính sách, nhà nước, các chương trình, dự án hỗ trợ, tranh thủ thời gian nông nhàn để tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp nhằm làm tăng thu nhập cho hộ gia đình. Bên cạnh đó, hộ cần tích cực tham gia các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng, tiếp cận thị trường theo các chương trình dự án của nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Đồng thời, hộ cần chủ động nâng cao trình độ văn hóa và tham gia họp tích cực ở các tổ chức hiệp hội.

Nghiên cứu khái quát và định lượng các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa khi có rủi ro của hộ gia đình nông thôn Việt Nam, tuy nhiên bài viết vẫn còn một số hạn chế như sau: nghiên cứu sử dụng dữ liệu từ cuộc điều tra tiếp cận nguồn lực hộ gia đình nông thôn Việt Nam (VARHS) 2008 – 2016. Do đó, có một số nhân tố chưa thể hiện như năng lực của hộ gia đình, tài sản công mà hộ được thụ hưởng, tính thời vụ, các thể chế, chính sách, điều kiện đặc thù của từng địa phương… Từ đó, nhằm khắc phục các hạn chế này, các nghiên cứu tiếp theo cần tiến hành xem xét toàn diện các khía cạnh về thể chế, chính sách, điều kiện kinh tế - xã hội tại từng khu vực.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CIEM : Viện Quản lý Kinh tế Trung ương.

TP. HCM : Thành phố Hồ Chí Minh.

VARHS : dữ liệu Điều tra Tiếp cận Nguồn lực Hộ gia đình.

Tuyên bố xung đột lợi ích

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

Tuyên bố đóng góp của các tác giả

Toàn bộ nội dung bài viết do tác giả thực hiện.

Phụ lục

Cách đo lường biến thái độ với rủi ro (biến risk)

Trong đó risk1, risk2, risk3, risk4 được tính dựa trên bốn giả định khác nhau về hàm trọng số xác suất và sự nhạy cảm về khoản lời và khoản thiệt hại. Nguyên tắc cơ bản của mỗi mô hình là thay đổi các giả định về trọng số xác suất và sự nhạy cảm đối với những khoản lời và khoản thiệt hại một cách hệ thống để xem ảnh hưởng khác nhau của nó đến mức độ ác cảm rủi ro. Biến risk1 được tính dựa trên mô hình 1 (mô hình chuẩn) với giả định cả trọng số xác suất và sự nhạy cảm với khoản lời và thiệt hại là như nhau, do đó ʎ risk = G/L. Biến risk2 được tính dựa trên mô hình2 với giả định rằng trọng số xác suất như nhau, có nghĩa w + (0,5) = w - (0,5) nhưng sự nhạy cảm đối với khoản lời và thiệt hại là khác nhau, mô hình sử dụng giá trị ước lượng trung bình trong nghiên cứu của Booij và Kuilen (2009) với α = 0,95; β = 0,92, khi đó ʎ risk = G 0,95 /L 0,92 . Biến risk3 được tính dựa theo mô hình 3 với giả định rằng cả hai yếu tố trọng số xác suất và sự nhạy cảm với khoản lời và thiệt hại là khác nhau. Mô hình sử dụng giá trị ước lượng Abdellaoui (2000) với w + (0,5) = 0,394 và w - (0,5) = 0,456, khi đó w = w + (0,5)/w - (0,5) = 0,86; do đó ʎ risk = 0,86*G 0,95 /L 0,92 . Cuối cùng, biến risk4 được tính dựa trên mô hình 4 với giả định rằng sự nhạy cảm với khoản lời và thiệt hại như nhau nhưng trọng số xác suất là khác nhau, khi đó ʎ risk = 0,86*G/L.

Table 3 Đo lường hệ số rủi ro
Lựa chọn Hệ số rủi ro ʎrisk với yếu tố trọng số xác suất và sự nhạy cảm với khoản lời và thiệt hại khác nhau, ʎrisk = ω*(Gα/Lβ), ω = w+(0,5) / w-(0,5)
Risk1 Risk2 Risk3 Risk4
ω=1 ω=1 ω=0,86 ω=0,86
α=1 α=0,95 α=0,95 α=1
β=1 β=0,92 β=0,92 β=1
1. Từ chối tất cả >3,00 >2,90 >2,49 >2,58
2. Chấp nhận a, từ chối b đến f 3,00 2,90 2,49 2,58
3. Chấp nhận a và b, từ chối c đến f 2,00 2,00 1,72 1,72
4. Chấp nhận a đến c, từ chối d và f 1,50 1,53 1,32 1,29
5. Chấp nhận a đến d, từ chối e và f 1,20 1,25 1,07 1,03
6. Chấp nhận a đến e, từ chối f 1,00 1,06 0,91 0,86
7. Chấp nhận tất cả ≤ 0,86 ≤ 0,92 ≤ 0,79 ≤ 0,74

Ngoài ra, theo Table 3 , trường hợp lựa chọn 1 là từ chối tham gia trò chơi thể hiện thái độ ghét rủi ro, trường hợp 2-3-4 chấp nhận tham gia trò chơi từ a đến c thể hiện thái độ bàng quan hay trung lập với rủi ro, trường hợp 5-6-7 chấp nhận tham gia trò chơi từ d đến f thể hiện sự yêu thích rủi ro.

Bên cạnh đó, giá trị kỳ vọng đi liền với tình hình không chắc chắn, là một số bình quân gia quyền của các hậu quả có thể có với các xác suất của mỗi hậu quả được dùng như các gia trọng. Table 5 . cho thấy trong mỗi tình huống trò chơi, người chơi có khả năng thắng 50% và mất 50%. Thắng sẽ nhận được giá trị cố định là 6000 đồng, giá trị mất tăng dần từ 2000 đồng đến 7000 đồng trong sáu trường hợp. Giá trị kỳ vọng của mỗi trò chơi giảm dần, trong đó trường hợp f giá trị kỳ vọng mang dấu âm. Tính biến thiên của mỗi hậu quả trong từng trường hợp khác nhau, trong đó giá trị biến thiên (dựa vào độ lệch chuẩn) tăng dần từ trường hợp a đến trường hợp f, báo hiệu rủi ro lớn hơn. Do đó, a là lựa chọn ít rủi ro nhất, f là lựa chọn có rủi ro cao nhất.

Table 4 Giá trị kỳ vọng của mỗi lựa chọn
Lựa chọn Giá trị thấp (ngàn đồng) Giá trị cao (ngàn đồng) Giá trị kỳ vọng (ngàn đồng) Độ lệch chuẩn
A -2 6 2 4
B -3 6 1,5 4,5
C -4 6 1 5
D -5 6 0,5 5,5
E -6 6 0 6
F -7 6 0,5 6,5

Table 5 Bảng hỏi từ bộ dữ liệu liên quan đến thái độ với rủi ro: Ông/bàcó cơ hội tham gia một trò chơi với khả năng thắng là 50:50, trong mỗi trườnghợp dưới đây, ông/bà chấp nhận hay từ chối tham gia.
1. Chấp nhận2. Từ chối
a Hoặc là mất 2.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng
b Hoặc mất 3.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng
c Hoặc mất 4.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng
d Hoặc mất 5.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng
e Hoặc mất 6.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng
f Hoặc mất 7.000 đồng hoặc thắng 6.000 đồng

Ma trận tương quan và kiểm định Pearson Chi-Square giữa biện pháp đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro và các biến trong mô hình

Nghiên cứu sử dụng ma trận hệ số tương quan và kiểm định collin để kiểm tra hiện tượng đa cộng tuyến của mô hình. Mối tương quan tuyến tính giữa các biến độc lập được biểu thị bằng hệ số tương quan giữa các cặp biến.

Figure 1 . Ma trận tương quan

Kết quả kiểm tra ma trận hệ số tương quan cho thấy hệ số tương quan của các cặp biến giải thích trong mô hình < 0,8 (trừ các biến risk có mối tương quan chặt với nhau nên sẽ đưa lần lượt vào mô hình) nên ta có thể kết luận vấn đề đa cộng tuyến trong mô hình không gây ra các hậu quả nghiêm trọng và kết quả ước lượng của các hệ số hồi quy là đáng tin cậy (Verbeek, 2004).

Ngoài ra, một số biến như quy mô hộ, thiệt hại do thiên tai hay sâu, dịch bệnh hàng năm và thiệt hại do rủi ro kinh tế, cá nhân năm trước ảnh hưởng tích cực; trong khi tuổi của chủ hộ, số năm đi học của chủ hộ, các thành viên trong hộ và 4 biến đo lường thái độ rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến sự lựa chọn biện pháp giảm chi tiêu của hộ khi có rủi ro ở mức ý nghĩa 5%. Quyết định lựa chọn biện pháp nhận hỗ trợ từ họ hàng, bạn bè chịu ảnh hưởng tiêu cực từ quy mô hộ, diện tích đất hộ sở hữu, và ảnh hưởng tích cực do thiệt hại năm trước do thiên tai, rủi ro cá nhân, hay thiệt hại năm nay do rủi ro kinh tế và rủi ro cá nhân với mức ý nghĩa 5%.

Với mức ý nghĩa 5%, tuổi của chủ hộ và thái độ rủi ro được đo lường thông qua bốn chỉ số ảnh hưởng tiêu cực đến cả 2 biện pháp ứng phó là tiết kiệm và đa dạng hóa thu nhập; trong khi đó diện tích đất hộ sở hữu, số năm đi học của chủ hộ và các thành viên, quy mô hộ lại ảnh hưởng tích cực. Ngoài ra, ma trận tương quan cũng cho thấy tuổi của chủ hộ, số năm đi học của chủ hộ và các thành viên, quy mô hộ ảnh hưởng tích cực đến việc tham gia bảo hiểm sức khỏe của hộ, nhưng ảnh hưởng tiêu cực đến biện pháp ứng phó không làm gì của hộ. Tương tự, 4 biến đo lường thái độ rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia bảo hiểm sức khỏe của hộ, nhưng ảnh hưởng tích cực đến biện pháp ứng phó không làm gì của hộ. Bên cạnh đó, thiệt hại hàng năm do rủi ro thiên tai, sâu bệnh, kinh tế và cá nhân ảnh hưởng tích cực đến biện pháp ứng phó không làm gì của hộ; trong khi chỉ có thiệt hại năm hiện hành do thiên tai ảnh hưởng tiêu cực đến việc tham gia bảo hiểm sức khỏe của hộ. Đối với những hộ vay vốn khi có rủi ro, chịu ảnh hưởng tích cực của quy mô hộ, diện tích đất sở hữu, thiệt hại hàng năm của các loại rủi ro và chịu ảnh hưởng tiêu cực do thái độ rủi ro và tuổi của chủ hộ ở mức ý nghĩa 5%.

Table 6 Kiểm định Pearson Chi-Square
Biến Giá trị Chi-Square
Giảm chi tiêu Nhận hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng Không làm gì Đa dạng hóa thu nhập Tiết kiệm Vay vốn Tham gia bảo hiểm sức khỏe
Rủi ro tự nhiên 1,6e+03*** 4,05** 953,42*** 29,46*** 0,98 21,15*** 15,33***
Rủi ro sâu, dịch bệnh 1,6e+03*** 1,44 2,0e+03*** 27,89*** 0,4 29,14*** 10,96***
Rủi ro kinh tế 926,83*** 10,83*** 606,51*** 0,32 0,09 30,09*** 130,49***
Rủi ro cá nhân 328,86*** 2,4e+03*** 112,21*** 0,08 8,58*** 9,34*** 0,02
Giới tính của chủ hộ 18,68*** 41,62*** 20,28*** 28,65*** 43,19*** 20,97*** 0,4
Dân tộc của chủ hộ 106,87*** 38*** 427,71*** 54,71*** 6,86*** 2,44 23,52***
Mức độ tham gia họp các tổ chức, hiệp hội của chủ hộ 20,28*** 11,55*** 0,36 8,59*** 7,23*** 3,22* 19,06***
Nhóm hộ nghèo nhất 1,3 5,38** 1,57 327,11*** 207,55*** 30,87*** 0,08
Nhóm hộ cận nghèo 24,45*** 0,02 15,16*** 4,73** 16,44*** 7,09*** 4,08**
Nhóm hộ trung lưu 7,98*** 0,35 3,54* 24*** 5,89** 0,8 1,43
Nhóm hộ khá giả 3,87** 6,11** 12,15*** 24,01*** 14,81*** 2,08 1,61
Nhóm hộ giàu nhất 40,81* 0,0154 9,75*** 24,45*** 115,68*** 48,51*** 4,08**

Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng kiểm định Pearson Chi-Square để kiểm tra mối quan hệ giữa các biến định tính. Kết quả kiểm định Pearson Chi-Square cho thấy mối quan hệ giữa các lựa chọn ứng phó với rủi ro với các đặc điểm của hộ và chủ hộ. Kết quả cho thấy việc giảm chi tiêu chịu sự ảnh hưởng của hầu hết các biến định tính trong mô hình, trừ trường hợp hộ thuộc nhóm nghèo nhất. Việc hộ bị rủi ro tự nhiên hay không, không ảnh hưởng đến quyết định tiết kiệm của hộ, nhưng lại có mối quan hệ với tất cả những biện pháp ứng phó khác. Đối với rủi ro do sâu, dịch bệnh có liên quan đến các biện pháp ứng phó như giảm chi tiêu, không làm gì, đa dạng hóa thu nhập, vay vốn và tham gia bảo hiểm; và không ảnh hưởng đến quyết định nhận hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng và tiết kiệm. Với những hộ bị rủi ro kinh tế, đa dạng hóa thu nhập và tiết kiệm không liên quan đến đặc điểm này của hộ, hộ thường sử dụng các biện pháp ứng phó một cách thụ động; tương đồng với những hộ bị rủi ro cá nhân cũng không có mối liên hệ với việc lựa chọn đa dạng hóa thu nhập hay tham gia bảo hiểm sức khỏe.

Về đặc điểm của chủ hộ như giới tính có mối liên hệ với hầu hết các quyết định lựa chọn biện pháp ứng phó của hộ, ngoại trừ việc tham gia bảo hiểm. Trong khi đó, tình trạng dân tộc của chủ hộ lại không liên quan đến việc hộ vay vốn hay không, và mức độ tham gia họp thường xuyên ở các tổ chức, hiệp hội cũng không chịu ảnh hưởng bởi quyết định không làm gì của hộ khi có rủi ro xảy ra. Những hộ nghèo nhất có mối liên hệ chặt với các lựa chọn ứng phó như nhận hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng, đa dạng hóa thu nhập, tiết kiệm, vay vốn mà không ảnh hưởng đến các biện pháp ứng phó khác. Các hộ cận nghèo và các hộ giàu nhất có mối liên hệ với hầu hết các biện pháp ứng phó ngoại trừ biện pháp nhận hỗ trợ từ bạn bè, họ hàng; các hộ trung lưu và khá giả chịu ảnh hưởng của các biện pháp ứng phó như đa dạng hóa thu nhập, tiết kiệm nhưng không liên quan đến biện pháp vay vốn và tham gia bảo hiểm sức khỏe.

Figure 2 . Kiểm định hiện tượng phương sai không đồng đều của mô hình đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro (kết quả tương đồng của 4 mô hình theo 4 biến thái độ rủi ro)

Figure 3 . Kiểm định về dạng phù hợp của mô hình đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro (kết quả tương đồng của 4 mô hình theo 4 biến thái độ rủi ro)

Figure 4 . Kiểm định mức độ giải thích của mô hình đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến lựa chọn đa dạng hóa thu nhập khi có rủi ro (kết quả tương đồng của 4 mô hình theo 4 biến thái độ rủi ro)

References

  1. Alderman H., Paxson C.H.. Do the Poor Insure? A Synthesis of the Literature on Risk and Consumption in Developing Countries. In Economics in a Changing World. 1994;:48-78. Google Scholar
  2. Rashid D.A., Langworthy M., Aradhyula S.. Livelihood shocks and coping strategies: an empirical study of Bangladesh households. Presentation at the American Agricultural Economics Association Annual Meeting. Long Beach. California. 2006;:23-26. Google Scholar
  3. Hill R., Mejia-Mantilla C.. With a little help: shocks, agricultural income, and welfare in Uganda. The World Bank. 2006;:. Google Scholar
  4. Ellis F.. The Determinants of Rural Livelihood Diversification in Developing Countries. . Journal of Agricultural Economics. 2000;51(2):298-302. Google Scholar
  5. Dercon S.. Vulnerability: a micro perspective. Securing development in an unstable world. 2006;30:117-146. Google Scholar
  6. Carol N., Finn T., Lưu D.K.. Vốn xã hội và hành vi tiết kiệm: Tác động của việc là thành viên của hiệp hội đến tiết kiệm chính thức của hộ gia đình nông thôn Việt Nam. [Online]. . 2012;:. Google Scholar
  7. Ngân hàng Thế giới. Báo cáo Phát triển Việt Nam: Các thể chế hiện đại. Báo cáo chung của các nhà tài trợ tại Hội nghị tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam; Hà Nội. 2010;:. Google Scholar
  8. Roumasset J.A.. Rice and risk. Decision making among low-income farmers. North Holland Publ. Comp. 1976;:. Google Scholar
  9. Yasuyuki S., Satoshi S.. How Do People Cope With Natural. Disasters? Evidence from the Great Hanshin-Awaji Earthquake. ESRI Discussion Paper Series. 2004;101:. Google Scholar
  10. Jabeen H., Johnson C., Allen A.. Built-in resilience: learning from grassroots coping strategies for climate variability. Environment and Urbanization. 2010;22(2):415-431. Google Scholar
  11. Phung T.D., H. Waibel. Diversification, risk management and risk coping strategies: evidence from rural households in three provinces in Vietnam. Proceedings of the German Development Economics Conference. Frankfurt a.M. 2009;:. Google Scholar
  12. Liu E.M., Huang J.. Risk preferences and pesticide use by cotton farmers in China. Journal of Development Economics. 2013;103:202-215. Google Scholar
  13. Ahmed F.F.. Income diversification determinants among farming households in Konduga, Borno State, Nigeria. Academic research international. 2012;2(2):555. Google Scholar
  14. Teklewold H., Köhlin G.. Risk preferences as determinants of soil conservation decisions in Ethiopia. Journal of soil and water conservation. 2011;66(2):87-96. Google Scholar
  15. Gloede O., Menkhoff L., Waibel H.. Shocks, individual risk attitude, and vulnerability to poverty among rural households in Thailand and Vietnam. World Development. 2015;71:54-78. Google Scholar
  16. Alobo S.. Determinants of rural household income diversification in Senegal and Kenya. [Online]; [cited 2012]. . 2012;:. Google Scholar
  17. Khai T.T., Danh N.N.. Những yếu tố quyết định đa dạng hóa thu nhập và ảnh hưởng đối với thu nhập hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Tạp chí Phát triển Kinh tế. 2014;284:22-41. Google Scholar
  18. Ersado L.. Income diversification in Zimbabwe: Welfare implications from urban and rural areas. World Bank Policy Research Working Paper. 2006;:3964. Google Scholar
  19. Idowu A.O., Aihonsu J., Olubanjo O.O., Shittu A.. Determinants of income diversification amongst rural farm households in Southwest Nigeria. Economics and Finance Review. 2011;1(5):31-43. Google Scholar
  20. Ellis F.. Household Strategies and Rural Livelihood Diversification. Journal of Development Studies. 1998;35(1):1-38. Google Scholar
  21. Reardon T.. Using evidence of household income diversification to inform study of the rural nonfarm labor market in Africa. World development. 1997;25(5):735-747. Google Scholar
  22. Barrett C., Reardon T., Webb P.. Nonfarm Income Diversification and Household Livelihood Strategies in Rural Africa: Concepts, Dynamics, and Policy Implications. Food Policy. 2001;26(4):315-331. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 2 (2020)
Page No.: 723-736
Published: Jun 28, 2020
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i2.630

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Mai, N. (2020). Income diversification for risk adaptation: the case of rural households in Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 4(2), 723-736. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i2.630

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1793 times
Download PDF   = 934 times
View Article   = 0 times
Total   = 934 times