Abstract
The duty to provide information in the pre-contractual period is one of the fundamental factors to form an insurance contract. In terms of the insurers, they are basically in the reliance of the information provided by the prospective insureds to assess the frequency and level of risks to decide to engage in the insurance contract or not. Meanwhile, the insureds need to be provided the insurance policy and know all the substantial articles of the insurance policy drafted by the insurers to decide the acceptance of the adhesion contract. In the article, the author analyzes the rationale of forming the duties to provide information by the both parties at the pre-contractual period based on the good faith principle of the contract parties, the asymmetric information, and the nature of assessing the risks in the insurance business. Meanwhile, the article also presents the evolution of the duty to provide information in the pre-contractual period in the insurance contract in Vietnam.
GIỚI THIỆU
Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong bảo hiểm giai đoạn tiền hợp đồng là một trong những yếu tố nền tảng để hình thành việc giao kết hợp đồng bảo hiểm (HĐBH). Trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) chủ yếu dựa vào những thông tin được cung cấp bởi bên mua bảo hiểm (BMBH) để đánh giá mức độ và tần suất rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, từ đó, DNBH quyết định có chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm với BMBH hay không. Đồng thời, DNBH cũng có nghĩa vụ cung cấp thông tin, giải thích các nội dung, điều khoản của HĐBH đối với bên mua bảo hiểm trong giai đoạn tiền hợp đồng trước khi BMBH chấp nhận giao kết HĐBH.
Việc không thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm, hoặc thực hiện không đầy đủ, không trung thực, hoặc cố ý gian dối đã dẫn đến các hậu quả pháp lý liên quan như vô hiệu HĐBH đã giao kết, hay từ chối trách nhiệm bồi thường hay chi trả số tiền bảo hiểm của DNBH khi sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Việc tham gia bảo hiểm ngày càng gia tăng theo nhu cầu phát triển của xã hội và nền kinh tế đã phần nào dẫn đến sự gia tăng tranh chấp bảo hiểm trong thời gian gần đây ở Việt Nam. Liệu quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm có xuất phát từ nguyên tắc pháp lý hay cơ sở hợp lý nào không? Liệu các giải pháp pháp lý mà nhà làm luật quy định cho trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin có đảm bảo sự công bằng cho các chủ thể trong quan hệ bảo hiểm hay không?
Do đó, nghiên cứu về các cơ sở lý luận hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm đóng vai trò quan trọng. Nghiên cứu này sẽ góp phần chỉ ra nền tảng lý thuyết pháp lý vững chắc để đánh giá sự cần thiết của việc tuân thủ, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ cung cấp thông tin của các chủ thể trong giai đoạn tiền hợp đồng. Đồng thời, quá trình hình thành và phát triển quy định pháp luật về nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm tại Việt Nam cũng được phân tích và trình bày theo góc nhìn pháp luật phát triển qua quá trình hội nhập kinh doanh bảo hiểm tại Việt Nam. Từ đó, chỉ rõ sự tương thích và phù hợp của các quy định hiện có trong Luật KDBH Việt Nam với cơ sở lý luận của nghĩa vụ pháp lý này và bản chất hoạt động bảo hiểm.
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tác giả sử dụng phương pháp nghiên cứu học thuyết pháp lý và các nguyên tắc pháp lý: nguyên tắc trung thực, thiện chí, nguyên tắc bất cân xứng thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng, phương pháp phân tích – tổng hợp dựa vào lý thuyết pháp lý và pháp luật thực định của Việt Nam, và phương pháp so sánh nhằm tìm hiểu sự khác nhau giữa các nền tài phán và hệ thống pháp luật
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý luận cho việc hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin được chỉ rõ dựa vào hai cơ sở nền tảng là nguyên tắc trung thực, thiện chí giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm và tính bất cân xứng thông tin trong quan hệ bảo hiểm ở giai đoạn tiền hợp đồng.
THẢO LUẬN
Cơ sở lý luận cho việc hình thành trách nhiệm cung cấp thông tin
Nguyên tắc trung thực, thiện chí giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm
Hợp đồng là sự thỏa thuận của các bên nhằm xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền và nghĩa vụ dân sự [ 1 , Điều 385]. Một cách chung nhất, để tạo lập ra hợp đồng, các chủ thể phải trải qua giai đoạn bày tỏ ý chí với nhau, trao đổi ý kiến, thỏa thuận để đi đến việc xác lập các nội dung cụ thể của hợp đồng. Do đó, khoảng thời gian trước khi hợp đồng được xác lập được xem giai đoạn “ tiền hợp đồng ” (giai đoạn trước hợp đồng). Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có “một định nghĩa” chính thức cụ thể, rõ ràng về giai đoạn tiền hợp đồng trong các văn bản pháp lý quốc tế và pháp luật của các quốc gia [ 2 , tr.26]. Sự khởi đầu cho quá trình giao kết hợp đồng khi xem xét quan hệ tiền hợp đồng có thể là lời mời giao kết hợp đồng, và sau đấy là một đề nghị giao kết hợp đồng. Lời mời giao kết hợp đồng không phải là một đề nghị giao kết hợp đồng mà chỉ là một sự bày tỏ ý định tạo lập hợp đồng, là điểm khởi đầu của quá trình các bên cung cấp thông tin, giới thiệu thông tin liên quan đến nội dung của hợp đồng dự kiến xác lập. Lời mời giao kết hợp đồng có thể được thể hiện dưới nhiều dạng khác nhau như quảng cáo, trưng bày giới thiệu hàng hóa…trong khi đó chiểu theo Điều 386, BLDS 2015, các yếu tố của đề nghị giao kết hợp đồng bao gồm: (i) thể hiện rõ ý định giao kết hợp đồng; (ii) thể hiện ý chí của bên đề nghị muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó; (iii) đề nghị được gửi tới đối tượng xác định cụ thể.
Như vậy, giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn mà các bên có mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp đồng với nhau, giai đoạn này diễn ra trước khi hợp đồng được ký kết, thường được bắt đầu từ khi một bên thể hiện ý muốn xác lập hợp đồng với bên kia, nhưng không nhất thiết đòi hỏi các yếu tố của một đề nghị giao kết hợp đồng như “muốn được ràng buộc nếu bên kia chấp nhận nó” , hay “ đã xác định cụ thể đối tượng muốn giao kết” , và giai đoạn này kết thúc khi các bên ký kết hợp đồng. Thông qua giai đoạn tiền hợp đồng, các bên xem xét khả năng giao kết hợp đồng, thương lượng những điều khoản nhất định và tạo những điều kiện cần thiết cho việc giao kết hợp đồng 3 . Nói cách khác, giai đoạn tiền hợp đồng là giai đoạn để các bên bày tỏ ý chí với nhau cũng như chuẩn bị các điều kiện cần thiết khác cho việc giao kết hợp đồng, giai đoạn này có thể dài ngắn khác nhau tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể.
Vận dụng vào quan hệ bảo hiểm, giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm là giai đoạn bên mua bảo hiểm (BMBH) và doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) tìm hiểu, trao đổi các thông tin cơ bản về đối tượng dự định bảo hiểm, nội dung cơ bản của hợp đồng bảo hiểm, và tiến hành đàm phán, thương lượng nhằm xem xét khả năng giao kết hợp đồng bảo hiểm. Giai đoạn này có thể bắt đầu khi nhân viên của DNBH, đại lý bảo hiểm của DNBH tiếp cận khách hàng tiềm năng để giới thiệu thông tin về sản phẩm bảo hiểm của DNBH, hoặc BMBH đọc các thông tin trong các tờ rơi, quảng cáo sản phẩm, và liên hệ với DNBH nhằm bày tỏ ý chí muốn mua bảo hiểm tại DNBH.
Hợp đồng nói chung, và HĐBH nói riêng là sự thống nhất ý chí. Trong giai đoạn tiền hợp đồng trước khi tiến hành giao kết, thông tin có một vai trò rất quan trọng giúp cho các bên hiểu rõ hơn về những gì mỗi bên mong muốn khi giao kết hợp đồng. Trong quá trình đàm phán HĐBH, cụ thể DNBH cần BMBH cung cấp các thông tin về đối tượng được bảo hiểm, để từ đó đánh giá, phân tích và đi đến kết luận có chấp nhận bảo hiểm hay không. Ngược lại, BMBH cần những thông tin về HĐBH để hiểu rõ hơn về các điều khoản trong HĐBH, quyền và nghĩa vụ của mình, trình tự, thủ tục yêu cầu bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra hoặc những thông tin nào mà DNBH cần BMBH cung cấp.
Để có cơ sở đàm phán, và đánh giá rủi ro được bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm cần trao đổi các thông tin cơ bản và cần thiết về nội dung, đối tượng, mục đích của HĐBH. Những thông tin trao đổi trong giai đoạn này nhất thiết phải trung thực, đầy đủ. Do đó, trong việc cung cấp thông tin, các bên phải thực hiện trên tinh thần thiện chí và trung thực. Nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giao dịch dân sự là một nguyên tắc căn bản để thiết lập giao dịch, thực hiện giao dịch, và chấm dứt giao dịch. Nói cách khác nguyên tắc thiện chí, trung thực trải dài suốt quá trình từ đàm phán, giao kết, thực hiện hay thay đổi, chấm dứt hợp đồng [ 4 , tr.109].
Trong pháp luật của các nước, nguyên tắc thiện chí, trung thực đã được đề cập đến trong giai đoạn tiền hợp đồng giữa các bên trong quan hệ hợp đồng liên quan đến việc trao đổi và cung cấp thông tin cơ bản cho nhau để các bên có cơ sở đàm phán, thương lượng.
Từ thời xa xưa, nguyên tắc trung thực, thiện chí xuất phát từ thuật ngữ “ bona fides” của Luật La Mã cách đây hơn 2000 năm, và không có định nghĩa nào về thuật ngữ “bona fides” này được chấp nhận rộng rãi 5 . Người La Mã đã ý thức được rằng một lời hứa thì phải đi kèm với nghĩa vụ, và sự tín nhiệm được xem là dấu hiệu cốt yếu của trách nhiệm trung thực [ 6 , tr. 3]. Trung thực, thiện chí có thể được xem là một chuẩn mực pháp lý, một nguyên tắc quan trọng, một quy định pháp luật, một nghĩa vụ pháp lý, một chuẩn mực hành vi ứng xử, một tập quán pháp… [ 7 , tr.622]. Mặc dù thiếu một định nghĩa cụ thể, trung thực, thiện chí được sử dụng với hai hàm ý theo hướng khách quan và chủ quan. Theo nghĩa khách quan, trung thực, thiện chí đề cập đến một tiêu chuẩn hành vi mà các bên trong giao dịch cần tuân theo, hướng đến bảo vệ niềm tin, nhận thức của các bên về nhau. Theo nghĩa chủ quan, đây là một phương tiện mang tính đạo đức để duy trì mối quan hệ hợp đồng, và hạn chế những sự bất công bằng trong quá trình các bên tự do ý chí tiến hành giao kết hợp đồng. Sau sự suy tàn của đế chế La Mã thì hệ thống luật La Mã suy yếu dần, tính trung thực này cũng không được đề cập nhiều cho đến khi được phục hồi ở thế kỷ XII, cùng với sự phục hồi của hệ thống luật La Mã [ 2 , tr. 27]. Ngày nay, nguyên tắc về sự trung thực, thiện chí đã ảnh hưởng phổ biến đến các hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, sự hiện diện của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong quan hệ hợp đồng ở các hệ thống pháp luật khác nhau cũng có sự khác biệt.
Trong hệ thống thông luật (common law), trong giai đoạn tiền hợp đồng, các đối tác đang thương lượng hưởng một tự do hoàn toàn trong việc rút khỏi thương lượng, không có bất kỳ nghĩa vụ thiện chí nào áp đặt đối với người thương lượng [ 8 , tr.7 – tr.37]. Nói một cách khác, các nước thông luật không ghi nhận một cách minh thị nguyên tắc thiện chí, trung thực trong giai đoạn tiền hợp đồng nhưng những dấu hiệu của không thiện chí không được ủng hộ [ 4 , trang 19]. Ngoài ra, thông qua án lệ các thẩm phán ở các nước thông luật và các đạo luật ở những nước này hàm ý về những biện pháp chế tài đối với một bên trong thương lượng có các hành vi không thiện chí ở giai đoạn tiền hợp đồng nếu như các bên đã ký bản ghi nhớ hợp tác (memorandaum of understanding) hoặc đã phát hành thư diễn tả ý định (letter of intent) trong đó diễn đạt rõ ràng yêu cầu hành động thiện chí (act in good faith) hoặc yêu cầu các bên nỗ lực hết sức để đạt được thỏa thuận (to use their best efforts to reach an agreement) [ 9 , tr.213- tr.225].
Ngược lại, trong hệ thống dân luật (civil law), các nước thuộc hệ thống dân luật, chịu ảnh hưởng to lớn của luật La Mã, (bao gồm các nước châu Âu như Pháp, Đức, Ý,…) nghĩa vụ thiện chí ràng buộc các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng và ngay cả trong giai đoạn đàm phán [ 2 , tr. 31]. Trong hệ thống dân luật, việc thừa nhận nguyên tắc thiện chí, trung thực trong giai đoạn tiền hợp đồng được thể hiện dưới hai hình thức: ghi nhận chính thức trong các quy định của pháp luật hoặc thông qua các án lệ . Hình thức pháp điển hóa nguyên tắc thiện chí trung thực trong giai đoạn tiền hợp đồng được kể đến như là trong BLDS Ý (1942), với quy định tại Điều 1337 rằng “ trong đàm phán và hình thành hợp đồng các bên phải cư xử theo tình thần thiện chí ”. Tương tự, khoản 1, Điều 2 BLDS Thụy Sĩ quy định: “ Mỗi cá nhân phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình theo nguyên tắc thiện chí và trung thực ”. Như vậy, nguyên tắc trung thực, thiện chí ra xuất hiện từ lâu và cũng đã được pháp luật nhiều nước trên thế giới quy định áp dụng cho giai đoạn tiền hợp đồng và các giai đoạn sau của hợp đồng. Đây được xem là nguyên tắc cơ bản và quan trọng nhất trong giao kết hợp đồng.
Ở Việt Nam, dưới sự ảnh hưởng của hệ thống dân luật, nguyên tắc trung thực, thiện chí được ghi nhận đầu tiên trong Bộ luật dân sự (BLDS) 1995, tại Điều 9 theo đó “ trong hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực, không chỉ quan tâm,chăm lo đến quyền lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng, qquan đến đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào; nếu một bên cho rằng bên kia không trung thực, thì phải có chứng cứ ”. BLDS 2005 cụ thể hóa bằng việc đưa ra nguyên tắc này trong trường hợp khi cá nhân, pháp nhân tham gia giao dịch dân sự. So với BLDS 1995, BLDS 2005 đã nâng vị trí quy định của nguyên tắc thiện chí, trung thực trong văn bản. Cụ thể, trong BLDS 1995, nguyên tắc này chỉ đứng vị trí thứ 9 trong Điều 9 nay trong BLDS 2005 nguyên tắc này quy định tại Điều 6, sau Điều 4 và Điều 5 quy định về “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận” và “Nguyên tắc bình đẳng”, tức là đứng vị trí thứ 3. Theo BLDS 2005, quy định về nguyên tắc thiện chí, trung thực như sau: “Trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, trách nhiệm dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào.” [ 10 , Điều 6]. Ngoài ra, trong BLDS 2005, phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc này được thể hiện cụ thể hơn, đó là việc các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, qua đó có thể thấy rằng với cách lập quy này, nguyên tắc thiện chí, trung thực không chỉ áp dụng trong việc thực hiện mà còn trong cả việc xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.
Trên cơ sở kế thừa nguyên tắc này trong BLDS 2005, BLDS 2015 cũng quy định các cá nhân, pháp nhân phải xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực [ 1 , Khoản 3, Điều 3]. Quy định về nguyên tắc này trong BLDS 2015 có phần tinh gọn hơn so với BLDS 2005 ở chỗ, trong BLDS mới lược bỏ đi cụm từ “ trong quan hệ dân sự ”, việc lược bỏ đi cụm từ này là cần thiết. Ngoài ra, trong BLDS mới cũng lược bỏ đi vế “ không bên nào được lừa dối bên nào ”, bản chất của trung thực, thiện chí là không lừa dối giữa các bên trong một quan hệ dân sự nên việc lược bỏ đi là hợp lý, ngắn gọn nhưng vẫn giữ được nội dung, tinh thần của nguyên tắc.
Xét về nội hàm từ ngữ trong Tiếng Việt, thiện chí là ý định, suy nghĩ tốt và luôn thực lòng mong muốn đi đến kết quả tốt khi giải quyết việc gì. BLDS 1995 còn chỉ rõ “ thiện chí không chỉ quan tâm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi ích hợp pháp của người khác ” tại Điều 9. Còn trung thực là ngay thẳng thật thà, không làm cho sự việc sai khác đi so với bản chất.
Nội dung cơ bản của nguyên tắc này trong giai đoạn tiền hợp đồng yêu cầu các bên phải tự nguyện cung cấp cho nhau những thông tin đầy đủ, trung thực liên quan đến việc giao kết, đàm phán hợp đồng [ 2 , tr. 48].
Cũng giống như các loại hợp đồng khác, trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm, để có cơ sở đàm phán, và đánh giá rủi ro của đối tượng được bảo hiểm, cũng như trao đổi, giải thích các nội dung, điều khoản hợp đồng bảo hiểm, BMBH dự kiến và DNBH cần trao đổi các thông tin cơ bản và cần thiết về nội dung, đối tượng, mục đích của HĐBH. Đây là tiền đề để các bên tiến hành việc cung cấp thông tin trên tinh thần và nguyên tắc trung thực, thiện chí. Tóm lại, nguyên tắc trung thực, thiện chí là nguyên tắc pháp lý quan trọng, ràng buộc nghĩa vụ đối với DNBH và BMBH trong việc cung cấp thông tin trung thực, và đầy đủ trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm.
Tính bất cân xứng thông tin trong quan hệ bảo hiểm ở giai đoạn tiền hợp đồng
Ngoài ý nghĩa của nguyên tắc trung thực, thiện chí trong giai đoạn tiền HĐBH, quan hệ bảo hiểm ở giai đoạn tiền hợp đồng phản ánh tính bất cân xứng trong việc nắm giữ thông tin của các chủ thể ở giai đoạn này. Cụ thể, DNBH và BMBH không nắm giữ thông tin như nhau đối với những thông tin liên quan đến đối tượng được bảo hiểm, cần được đánh giá, dự đoán rủi ro. So với DNBH, BMBH sẽ là bên hiểu rõ hơn cả về đối tượng mà mình dự định mua bảo hiểm. Ví dụ như trong bảo hiểm tài sản: Tài sản này có giá trị như thế nào, đã có rủi ro nào xảy ra đối với tài sản này trong quá khứ chưa? Hay trong bảo hiểm sức khỏe: Người được bảo hiểm có tình trạng sức khỏe như thế nào? Tiểu sử bệnh án trong quá khứ? Những rủi ro do công việc đang làm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của người được bảo hiểm?… Do đó, BMBH sẽ là người nắm rõ nhất về tình hình của đối tượng được bảo hiểm và tiếp cận thông tin về rủi ro của đối tượng dự định bảo hiểm nhiều hơn so với DNBH. DNBH là bên biết rất ít thông tin về đối tượng được bảo hiểm thậm chí là không có thông tin nào về đối tượng được bảo hiểm hoặc rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng được bảo hiểm. Tuy nhiên, để DNBH quyết định được mức phí bảo hiểm trong HĐBH là bao nhiêu, hoặc quyết định có bảo hiểm cho BMBH hay không, thì DNBH lại cần có đầy đủ thông tin để đánh giá, dự đoán đúng về rủi ro. Tùy theo mức độ của rủi ro mà DNBH sẽ đưa ra mức phí bảo hiểm cao hay thấp hoặc thậm chí không nhận bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm là quan hệ chia sẻ rủi ro, những hiểu biết về rủi ro là căn cứ chủ yếu để các bên cân nhắc, tính toán lợi ích, thỏa thuận và thể hiện ý chí của mình về việc có tham gia hay không tham gia hợp đồng, hoặc nếu tham gia thì ở mức độ, điều kiện cụ thể như thế nào. Tính chất không rõ ràng của rủi ro tiềm ẩn một nguy cơ mà làm các bên dễ có cách hiểu khác nhau.
Sự nắm giữ thông tin một phía của BMBH đẩy DNBH vào một trong hai tình huống: nếu muốn đưa ra một quyết định bảo hiểm hợp lý và đảm bảo lợi ích chính đáng của mình, hoặc thứ nhất , DNBH phải tự mình điều tra thông tin và gánh chịu những phí tổn cho công việc điều tra cũng như chấp nhận việc điều tra có thể không hoàn toàn chính xác và đầy đủ, hoặc thứ hai , DNBH phải chịu sự lệ thuộc vào chia sẻ thông tin từ phía BMBH, đồng thời cũng sẽ chịu luôn nguy cơ bên mua bảo hiểm không cung cấp đủ các thông tin, từ đó người bảo hiểm sẽ đánh giá thấp rủi ro và đưa ra mức bảo hiểm phí thấp tương ứng hoặc thậm chí nhận bảo hiểm vượt quá khả năng của mình [ 11 , tr.55]. Cả hai tình huống trên đều gây bất lợi cho phía DNBH.
Mặc dù việc nắm giữ thông tin bất cân xứng trong quan hệ bảo hiểm thường nghiêng về phía BMBH, nhưng trên thực tiễn có những thông tin mà DNBH lại có ưu thế nắm giữ, có khả năng không tiết lộ cho BMBH. Trong thực tiễn, DNBH là bên soạn thảo hợp đồng và đưa ra hợp đồng bảo hiểm, bên mua bảo hiểm ít có và thậm chí không có khả năng đàm phán, thay đổi nội dung mà chỉ có khả năng chấp thuận hoặc từ chối điều khoản (take it or leave it), loại hợp đồng này được gọi là hợp đồng gia nhập (adhesion contract) 12 . Theo quy định của pháp luật Việt Nam, hợp đồng bảo hiểm được phân loại là hợp đồng theo mẫu [ 1 , Điều 405]. Việc sử dụng hợp đồng theo mẫu cho nhiều giao dịch khác nhau đóng vai trò quan trọng trong việc giảm chi phí và thời gian đàm phán, qua đó tăng hiệu quả kinh tế của việc giao kết hợp đồng 13 , đặc biệt trong bối cảnh phát triển nhanh chóng của thị trường bảo hiểm và việc phát triển khả năng lưu trữ tính toán dữ liệu lớn của các hàng bảo hiểm. Tuy nhiên, khi hợp đồng theo mẫu được sử dụng trong quan hệ bảo hiểm, BMBH không thực sự có cơ hội thương lượng và thoả thuận với DNBH, cũng như không thực sự nắm rõ hết ý nghĩa, nội dung của các điều khoản trong HĐBH để xác lập ý chí chung với DNBH. DNBH với tư cách là bên soạn thảo hợp đồng, cũng có thể đưa vào hợp đồng các điều khoản nhằm mang lại lợi ích ưu thế cho DNBH như điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm. Trong giai đoạn tiền hợp đồng, nếu như DNBH không giải thích rõ những nội dung điều khoản của HĐBH, hoặc không cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến sản phẩm bảo hiểm định giao kết thì BMBH sẽ không đủ cơ sở để đưa ra quyết định giao kết HĐBH, hoặc có thể tiến hành giao kết khi không biết đầy đủ về ý nghĩa của HĐBH.
Bản chất của HĐBH là sự chuyển giao rủi ro từ BMBH sang cho DNBH thông qua việc đóng một khoản phí bảo hiểm nhất định cho DNBH, để khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra DNBH sẽ chia sẻ, bù đắp tổn thất cho BMBH. Rủi ro, đánh giá rủi ro, và những nội dung cơ bản liên quan đến việc chuyển giao rủi ro là điểm nút của quan hệ bảo hiểm, vì vậy, những hiểu biết khác nhau về rủi ro tiếp đến tự nó sẽ ngăn cản thống nhất ý chí của các bên. Trong khi đó, nguyên tắc tự do ý chí - nguyên tắc pháp lý cơ bản nhất chi phối mọi loại hình quan hệ hợp đồng bao gồm cả quan hệ bảo hiểm – lại đòi hỏi hợp đồng phải là sự thống nhất ý chí thật của các bên tham gia.
Việc các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm nắm giữ lượng thông tin bất cân xứng sẽ có khả năng dẫn đến hệ quả các bên không có vị thế bình đẳng trong việc giao kết hợp đồng. Bên nắm giữ ít lượng thông tin cần thiết để giao kết hợp đồng sẽ là bên yếu thế so với bên mạnh thế còn lại trong quan hệ HĐBH này. Việc các bên trong quan hệ bảo hiểm sở đắc các thông tin khác nhau liên quan đến nội dung cơ bản của HĐBH dự định giao kết sẽ ngăn cản việc thiết lập ý chí chung của các bên, ngay cả khi HĐ đã được thiết lập, nguy cơ vô hiệu HĐBH cũng có thể xảy ra khi các bên nhận thức được rằng đã giao kết HĐBH trên các cơ sở như nhầm lẫn, hoặc có hành vi gian dối khi cung cấp thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng…
Như vậy, đặc thù của quan hệ bảo hiểm ở giai đoạn tiền hợp đồng là tính bất cân xứng thông tin và nguyên tắc tự do ý chí để xác lập ý chí chung có khả năng phát sinh mâu thuẫn trái ngược nhau. Nhận thức về mâu thuẫn này, pháp luật các nước đã đưa ra giải pháp là phải lập lại trật tự nắm giữ lượng thông tin nhằm giúp cho sự bất cân xứng thông tin trở nên cân bằng hơn, đảm bảo sự tồn tại và vận hành thông suốt của nguyên tắc tự do ý chí 14 . Đây cũng chính là cơ sở cho việc ràng buộc một nghĩa vụ pháp lý đối với bên mua bảo hiểm, và doanh nghiệp bảo hiểm ở giai đoạn tiền hợp đồng phải cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực cho bên còn lại trong quá trình đàm phán, dự định giao kết HĐBH. Nếu không có một sự ràng buộc cụ thể về nghĩa vụ cung cấp thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng, thì việc yêu cầu mỗi bên tự nguyện cung cấp đầy đủ thông tin cho bên còn lại sẽ khó mà thực hiện tốt. Rõ ràng, trong lĩnh vực bảo hiểm, BMBH có xu hướng che giấu những thông tin có thể ảnh hưởng đến việc xác định phí bảo hiểm, hay việc trả tiền bảo hiểm của DNBH, và phía DNBH lại có xu hướng không giải thích rõ ràng các nội dung về phạm vi bảo hiểm, điều khoản hạn chế, loại trừ trách nhiệm của DNBH. Như vậy, nếu không áp đặt một nghĩa vụ pháp lý ở giai đoạn tiền hợp đồng này về nghĩa vụ cung cấp thông tin đối với DNBH và BMBH thì sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng trong việc xác lập, và thực hiện HĐBH.
Nghĩa vụ phải cung cấp thông tin một cách đầy đủ và trung thực nhất những thông tin liên quan phục vụ việc dự đoán, đánh giá rủi ro, và xác lập HĐBH còn được gọi là nghĩa vụ thiện chí, trung thực trong BLDS cũng như trong giao kết hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, trên cơ sở của nguyên tắc thiện chí, trung thực, hai bên trong quan hệ bảo hiểm được pháp luật đảm bảo vị thế bình đẳng về địa vị pháp lý. Nghĩa vụ trung thực, thiện chí được áp đặt lên không chỉ đối với BMBH trong giai đoạn tiền hợp đồng, mà DNBH cũng có nghĩa vụ tương ứng trong trong giai đoạn này.
Tóm lại, lý do pháp lý chủ yếu dẫn đến sự hình thành nên nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền HĐBH xuất phát từ việc phải bảo đảm sự tồn tại, vận hành của nguyên tắc thiện chí, trung thực và bản chất đặc thù của quan hệ bảo hiểm là tính bất cân xứng thông tin. Bên cạnh đó nguyên tắc bình đẳng cũng là lý do để áp đặt nghĩa vụ lên phía BMBH giống như đã áp đặt lên bên mua bảo hiểm.
Nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật bảo hiểm Việt Nam
Quá trình hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin trong pháp luật bảo hiểm Việt Nam
Nghĩa vụ cung cấp thông tin trong bảo hiểm được du nhập vào Việt Nam và được ghi nhận lần đầu tiên trong hệ thống pháp luật bảo hiểm của Việt Nam vào năm 1990 tại Điều 204, 207 của Bộ luật Hàng hải (BLHH) 1990. Tuy nhiên, nghĩa vụ này chỉ được áp dụng riêng cho quan hệ bảo hiểm hàng hải. Do các hoạt động hàng hải mang tính quốc tế cao, cho nên, từ việc đã nghiên cứu kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, các nhà soạn thảo Bộ luật Hàng hải đã đưa những nội dung của Bộ luật hòa nhập và thống nhất với các nước trên thế giới. Cụ thể theo Điều 204 của Bộ luật Hàng hải 1990 quy định: “ Người được bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả các thông tin mà mình biết hoặc cần thiết phải biết liên quan đến việc ký kết hợp đồng bảo hiểm, có thể ảnh hưởng đến việc xác định khả năng xảy ra hiểm họa hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ loại thông tin mà mọi người đều biết hoặc người bảo hiểm đã biết hoặc cần phải biết ”.
Đến BLDS 1995, hoạt động bảo hiểm nói chung được đề cập trong BLDS và quy định về nghĩa vụ cung cấp thông tin được quy định một cách chung nhất tại Điều 577, áp dụng cho mọi loại hình bảo hiểm, bao gồm cả bảo hiểm hàng hải. Tuy nhiên, BLDS lại được xây dựng theo hướng hoàn toàn khác biệt với quy định tại BLHH. Điểm khác biệt lớn nhất là ở tính tự nguyện và tính đầy đủ của nghĩa vụ. Nếu như nghĩa vụ theo BLHH xác định bên mua bảo hiểm phải tự nguyện cung cấp mọi thông tin liên quan mà mình biết cho DNBH thì theo BLDS 1995, BMBH chỉ cần thụ động cung cấp các thông tin mà DNBH yêu cầu: “ theo yêu cầu của bên bảo hiểm, BMBH phải cung cấp cho DNBH đầy đủ các thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ các thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết ”.
Vào những năm 1999, hoạt động của thị trường bảo hiểm Việt Nam đã có phần sôi động hơn so với nhiều năm trước, đặc biệt là đã có sự tham gia của các DNBH nhân thọ lớn trên thế giới như AIA, Prudential, Chinfon, Manulife…. Sự tham gia thị trường bảo hiểm Việt Nam của các DNBH giàu kinh nghiệm mang vào Việt Nam những hợp đồng mẫu và các thủ tục để xem xét ký kết hợp đồng đã làm rõ một vấn đề cần thiết được pháp luật quan tâm đúng mức, đó là trách nhiệm cung cấp thông tin. Chính vì vậy, Luật KDBH 2000 ra đời cùng với những văn bản sửa đổi, bổ sung vào 2010, và 2019 đã góp phần hoàn thiện chi tiết hơn về nghĩa vụ cung cấp thông tin tại các Điều 17, 18, 19. Cụ thể, tại điểm b, khoản 2, Điều 18 Luật KDBH có nội dung gần tương tự với khoản 1, Điều 577 BLDS 1995, quy định về việc cung cấp theo yêu cầu của DNBH. Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 19 Luật KDBH quy định về một phạm vi nghĩa vụ gần như không có giới hạn của người mua bảo hiểm “ BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH ”. BLDS 2005 ra đời thay thế cho BLDS 1995, trong đó tại khoản 1, Điều 573 BLDS 2005, nghĩa vụ cung cấp thông tin cũng được đề cập đến, cụ thể: “Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm, bên mua bảo hiểm phải cung cấp cho bên bảo hiểm đầy đủ thông tin có liên quan đến đối tượng bảo hiểm, trừ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết”. Quy định này liên quan đến nghĩa vụ tiền hợp đồng, tuy nhiên quy định này mới chỉ áp đặt nghĩa vụ thông tin cho BMBH trong khi chưa quy định về nghĩa vụ tương ứng của DNBH, đồng thời việc quy định loại trừ “ thông tin mà bên bảo hiểm đã biết hoặc phải biết” có phần gây lúng túng cho DNBH. Tiếp đến, BLDS 2015 đã bỏ đi các quy định chuyên biệt về HĐBH, gồm cả trách nhiệm cung cấp thông tin, vì Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sau đó được sửa đổi bổ sung 2010 và 2019 đã được xem là luật chuyên ngành, điều chỉnh riêng biệt quan hệ pháp luật bảo hiểm, trong đó nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên đã được quy định cụ thể tại các Điều 17, 18, 19.
Đối với lĩnh vực bảo hiểm hàng hải, Bộ luật Hàng hải 2005 và sau đấy là Bộ luật Hàng hải 2015 hiện có hiệu lực, tiếp tục giữ quan điểm về nghĩa vụ của BMBH phải cung cấp thông tin biết hoặc phải biết của BMBH cho DNBH. Cụ thể tại khoản 1, Điều 308, Bộ luật Hàng hải 2015 (trước đấy là Khoản 1, Điều 229, Bộ luật Hàng hải 2005): “ Người được bảo hiểm có nghĩa vụ cung cấp cho người bảo hiểm biết tất cả thông tin mà mình biết hoặc phải biết liên quan đến việc giao kết hợp đồng bảo hiểm có thể ảnh hưởng đến việc xác định khả năng xảy ra rủi ro hoặc quyết định của người bảo hiểm về việc nhận bảo hiểm và các điều kiện bảo hiểm, trừ thông tin mà mọi người biết hoặc người bảo hiểm đã biết hoặc phải biết” .
Nhận định có sự khác nhau trong quy định về trách nhiệm cung cấp thông tin của BMBH cho DNBH trong hai văn bản pháp luật về KDBH và bảo hiểm hàng hải, nguyên nhân là vì sự khác nhau về bản chất của các loại hình bảo hiểm và mức độ áp đặt nghĩa vụ tương ứng với từng loại hình. Ở các nước có thị trường bảo hiểm phát triển như Anh, Hoa Kỳ có xu hướng phân loại các sản phẩm bảo hiểm mang tính kinh doanh (tức việc mua bảo hiểm áp dụng cho các đối tượng bảo hiểm phục vụ cho mục đích hoạt động sản xuất kinh doanh như bảo hiểm hàng hải, hay bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp…của bên mua bảo hiểm), và loại thứ hai là các sản phẩm bảo hiểm cho mục đích tiêu dùng cá nhân (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm vật chất cho các tài sản cá nhân…). Đối với loại hình bảo hiểm kinh doanh, không ai khác ngoài BMBH nắm rõ được các thông tin và rủi ro về đối tượng được bảo hiểm trong quá trình hoạt động thông thường, nên gánh nặng về việc cung cấp thông tin đặt lên phía BMBH, chứ không phải DNBH. Trong khi đó đối với các sản phẩm bảo hiểm mang tính tiêu dùng cá nhân, BMBH không được xem là bên hoàn toàn nắm giữ các thông tin về đối tượng được bảo hiểm, và những rủi ro có thể xảy ra đối với đối tượng được bảo hiểm, khi làm phép so sánh với DNBH, một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong việc đánh giá rủi ro đối với loại sản phẩm bảo hiểm dự kiến tiến hành sẽ có thể tính toán và đo lường mức độ, tần suất rủi ro và đánh giá các loại thông tin nào cần thiết phải được cung cấp bởi BMBH. Tất nhiên, vấn đề này cần được các nhà làm luật ở Việt Nam lưu tâm và đưa ra các quy định minh bạch hơn về phạm vi áp dụng đối với nghĩa vụ cung cấp thông tin trong các sản phẩm bảo hiểm khác nhau trong tương lai.
Nghĩa vụ pháp lý về cung cấp thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm
Đối chiếu với các căn cứ hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm, pháp luật bảo hiểm ở Việt Nam nhìn chung cũng đã quy định khá đầy đủ và cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong quan hệ bảo hiểm (BMBH, DNBH) về việc cung cấp thông tin. Mở rộng ngoài giai đoạn tiền hợp đồng, nghĩa vụ cung cấp thông tin còn được yêu cầu tuân thủ trong cả giai đoạn thực hiện hợp đồng, và khi xảy ra sự kiện bảo hiểm. Mục đích của các quy định này nhằm để đảm bảo cho việc thực hiện HĐBH diễn ra một cách hiệu quả nhất, hạn chế những tranh chấp phát sinh từ việc thông tin cung cấp không được đầy đủ sau khi giao kết hợp đồng hoặc trong quá trình thực hiện hợp đồng, đối tượng được bảo hiểm có những thông tin phát sinh.
Đối với bên mua bảo hiểm
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của BMBH được quy đinh tại điểm b, khoản 2 Điều 18 Luật KDBH, theo đó BMBH phải kê khai đầy đủ, trung thực mọi chi tiết có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của DNBH. Đây là việc thực hiện nghĩa vụ cung cấp thông tin trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm. Thêm vào đó, tại khoản 1, Điều 19 Luật KDBH, quy định BMBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến đối tượng bảo hiểm cho DNBH.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm, BMBH có nghĩa vụ thông báo những trường hợp có thể làm tăng thêm rủi ro hoặc làm phát sinh thêm trách nhiệm của DNBH [ 15 , Điểm c, khoản 2, Điều 18]. Trường hợp trong giai đoạn thực hiện hợp đồng, BMBH phát sinh những trường hợp có thể làm tăng thêm rủi ro cho bên bán bảo hiểm như phát sinh thêm bệnh lý hoặc tuổi thay đổi mà không thông báo thì bên bán có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng và thu phí bảo hiểm đến thời điểm đình chỉ [ 15 , Điểm b, khoản 2, Điều 19]. Trên thực tế, tâm lý người mua bảo hiểm đôi khi phát hiện thêm bệnh lý thì thường che giấu. BMBH lo ngại nếu thông báo thì số tiền bảo hiểm sẽ giảm nên đến khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, DNBH mới phát hiện người mua không thực hiện nghĩa vụ thông báo. Hậu quả dẫn đến BMBH vừa mang thêm bệnh vừa không được nhận tiền bảo hiểm khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra.
Ngược lại, trong quá trình thực hiện hợp đồng, khi có sự thay đổi những yếu tố mà có thể làm giảm phí bảo hiểm thì BMBH có quyền yêu cầu giảm phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm [ 15 , Khoản 1, Điều 20]. Việc này vừa giúp cho BMBH giảm được phí bảo hiểm vừa giúp cho việc giải quyết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm đơn giản hơn. Nếu việc yêu cầu giảm phí bảo hiểm không được, BMBH sẽ có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng, những phải thông báo bằng văn bản cho DNBH.
Đối với doanh nghiệp bảo hiểm
Nghĩa vụ cung cấp thông tin của DNBH luôn tồn tại trong nhiều loại hợp đồng bảo hiểm như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hàng hải, bảo hiểm tài sản và các loại bảo hiểm khác. Khi tham gia bảo hiểm, DNBH là bên hiểu rõ nhất quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng bảo hiểm, do vậy BMBH mặc dù nắm rõ thông tin về đối tượng được bảo hiểm nhưng về quyền và nghĩa vụ thì chưa thực sự nắm rõ. Do vậy, nghĩa vụ cung cấp thông tin của DNBH cũng rất quan trọng để giúp BMBH nắm rõ được quyền và nghĩa vụ của mình, từ đó góp phần vào việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm một cách hiệu quả nhất. Theo đó, tại Điều 19 Luật KDBH quy định:
Điều 19. Trách nhiệm cung cấp thông tin
1. Khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho BMBH;…Các bên chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của thông tin đó. Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giữ bí mật về thông tin do BMBH cung cấp.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đối với DNBH, đó là DNBH phải thực hiện chức năng giải thích các điều khoản loại trừ trách nhiệm và các điều khoản được đề cập trong hợp đồng bảo hiểm. Cụ thể, tại khoản 2, Điều 16 và Điều 21 Luật KDBH quy định:
Khoản 2 Điều 16. Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm: “Điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm phải được quy định rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm phải giải thích rõ cho bên mua bảo hiểm khi giao kết hợp đồng.”
Điều 21. Giải thích hợp đồng bảo hiểm: “Trong trường hợp hợp đồng bảo hiểm có điều khoản không rõ ràng thì điều khoản đó được giải thích theo hướng có lợi cho bên mua bảo hiểm.”
Ngoài ra, trong quá trình phân phối sản phẩm bảo hiểm, DNBH phải đảm bảo những thông tin quảng cáo về sản phẩm phải trung thực và không làm cho BMBH hiểu nhầm. Luật KDBH quy định, DNBH có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin liên quan đến HĐBH, giải thích các điều kiện, điều khoản bảo hiểm cho BMBH, đồng thời xác định việc cung cấp thông tin, quảng cáo sai sự thật dẫn đến tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của BMBH là hành vi bị nghiêm cấm. Để đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm, DNBH phải thông báo cho khách hàng về những vấn đề sau: (i) thời hạn, kỳ đóng bảo hiểm, phương thức đóng phí (nếu có); (ii) Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân hoặc đơn vị trực thuộc của DNBH chịu trách nhiệm việc giải quyết khiếu nại, thắc mắc, tranh chấp liên quan đến việc giao kết, thực hiện và chấm dứt hợp đồng bảo hiểm của khách hàng; (iii) Trách nhiệm cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực và chính xác; những thay đổi cần thông báo ngay cho DNBH; (iv) Quyền lợi bảo hiểm của sản phẩm; các điểm loại trừ trách nhiệm bảo hiểm và các trường hợp khác phải lưu ý; (v) Việc giao kết các hợp đồng bảo hiểm bổ trợ kèm theo các HĐBH chính không phải là điều kiện bắt buộc để duy trì hiệu lực của HĐBH chính; (vi) Đối với các sản phẩm bảo hiểm có giá trị hoàn lại, HĐBH nhân thọ phải nêu rõ thời điểm có giá trị hoàn lại; (vii) DNBH được quyền khấu trừ các khoản nợ chưa được hoàn trả trước khi thanh toán giá trị hoàn lại, trả quyền lợi bảo hiểm theo hợp đồng bảo hiểm . [ 16 , Khoản 4, Điều 4]
Những yêu cầu bắt buộc công khai một số quyền lợi và nghĩa vụ của BMBH được pháp luật nhiều quốc gia ghi nhận. Ví dụ, theo Luật Bảo hiểm Trung Quốc thì DNBH có nghĩa vụ giải thích các điều khoản hợp đồng cho người nộp đơn (tức là người đề nghị giao kết HĐBH) và đảm bảo họ có thể tìm hiểu nội dung của HĐBH và các trường hợp có liên quan đến người được bảo hiểm [ 17 , Điều 17]. Hay trong Luật mẫu về bảo hiểm của Hiệp hội quốc gia Hoa Kỳ về bảo hiểm - NAIC có quy định về việc DNBH và nhà môi giới phải có nghĩa vụ cung cấp nhiều nội dung thông tin liên quan đến HĐBH, ví dụ như thông tin về việc DNBH có quyền hủy bỏ hợp đồng trong vòng 15 ngày kể từ ngày giao kết, quy định về số tiền bảo hiểm được nhận, cũng như việc có thể bị đánh thuế trên những lợi tức nhận được từ HĐBH 18 .
Theo Luật KDBH, nghĩa vụ cung cấp thông tin của DNBH được duy trì trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng bảo hiểm với những nội dung thông tin tương tự như giai đoạn tiền hợp đồng [ 15 , Khoản 1, Điều 19]. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, việc phát sinh thêm những thông tin về đối tượng bảo hiểm hoặc có thể là liên quan đến HĐBH. Do vậy, DNBH vừa phải cung cấp thông tin cho BMBH vừa phải tiếp nhận và xử lý những thông tin của BMBH để cho việc thực hiện hợp đồng được diễn ra tốt nhát, tránh những tranh chấp phát sinh không đáng có.
Ngoài ra, hằng năm, DNBH phải công bố các thông tin trong thời hạn 15 ngày đầu mỗi tháng, cụ thể DNBH, chi nhánh nước ngoài phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai trong tháng trước liền kề (nếu có) bao gồm: Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và DNBH, chi nhánh nước ngoài [ 16 , Khoản 2, Điều 35].
Đi kèm với trách nhiệm cung cấp thông tin của DNBH là trách nhiệm giữ bí mật thông tin do BMBH cung cấp. Trong lĩnh vực hợp đồng nói chung, HĐBH nói riêng, yếu tố bảo mật thông tin luôn đặt lên hàng đầu. Theo đó, DNBH còn có trách nhiệm giữ bí mật thông tin do BMBH cung cấp [ 15 , Khoản 1, Điều 19]. Những hành vi vi phạm về KDBH, cụ thể tại Khoản 6, Điều 124 Luật KDBH quy định về các hành vi vi phạm về KDBH, trong đó có bao gồm hành vi vi phạm nghĩa vụ giữ bí mật thông tin có liên quan đến hợp đồng bảo hiểm do BMBH cung cấp. Đây là một quy định nhằm bảo vệ BMBH, tránh những trường hợp bên bán bảo hiểm có thể lợi dụng thông tin của khách hàng để trục lợi, hoặc gây ảnh hưởng đến cuộc sống của bên mua. Trong BLDS 2015 có quy định: “Việc công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý” [ 1 , Điều 38]. Nếu DNBH mà có hành vi này thì tùy theo mức độ, tính chất mà có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự và nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật [ 10 , Khoản 1, Điều 125]. Tuy Luật KDBH quy định DNBH có trách nhiệm giữ bí mật thông tin mà BMBH cung cấp, nhưng trong Luật KDBH lại chưa quy định việc nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của BMBH, do đó có thể vận dụng khoản 2, Điều 387 BLDS 2015 để bảo vệ quyền lợi DNBH, cụ thể trong trường hợp một bên nhận được thông tin bí mật của bên kia trong quá trình giao kết hợp đồng thì có trách nhiệm bảo mật thông tin và không được sử dụng thông tin đó cho mục đích riêng của mình hoặc cho mục đích trái pháp luật.
KẾT LUẬN
Tóm lại, nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng bảo hiểm là một nghĩa vụ pháp lý quan trọng, ràng buộc cả DNBH và BMBH ngay cả khi HĐBH chưa được giao kết. Trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản như nguyên tắc trung thực thiện chí, và nguyên tắc tự do ý chí để xác lập HĐBH, việc cung cấp thông tin của các bên nhằm giúp các bên hiểu biết đầy đủ về các nội dung cơ bản HĐBH, và giảm tình trạng bất công bằng do việc sở đắc bất cân xứng thông tin ở giai đoạn tiền hợp đồng.
Các nhà làm luật Việt Nam đã có những nỗ lực to lớn để dần hoàn thiện việc luật hóa các quy định pháp luật có liên quan đến nghĩa vụ cung cấp thông tin trong pháp luật bảo hiểm Việt Nam. Nghĩa vụ cung cấp thông tin không chỉ được quy định cho giai đoạn tiền hợp đồng, mà còn trong giai đoạn thực hiện HĐBH, và khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra, cũng như nghĩa vụ bảo mật thông tin đối với những thông tin được cung cấp.
Việc tìm hiểu về cơ sở lý luận hình thành trách nhiệm cung cấp thông tin trong quan hệ bảo hiểm là một việc cần thiết và quan trọng. Vấn đề nghiên cứu này sẽ góp phần đặt nền tảng pháp lý cho việc đánh giá mức độ hoàn thành nghĩa vụ của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng, liệu các hành vi ở giai đoạn tiền hợp đồng này không được đảm bảo sẽ ảnh hưởng đến tính hiệu lực của HĐBH về sau như thế nào, cũng như các các chế tài xử lý tương xứng đối với các trường hợp vi phạm nghĩa vụ cung cấp thông tin của các bên trong giai đoạn tiền hợp đồng. Những nội dung nghiên cứu này sẽ cần được làm sáng rõ dựa trên nền tảng lý luận của việc hình thành nghĩa vụ cung cấp thông tin trong giai đoạn tiền hợp đồng và sự phát triển quy định pháp luật về nghĩa vụ này trong pháp luật bảo hiểm Việt Nam.
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLDS - Bộ luật Dân sự
KDBH - Kinh doanh bảo hiểm
DNBH - Doanh nghiệp bảo hiểm
BMBH - Bên mua bảo hiểm
HĐBH - Hợp đồng bảo hiểm
TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT
Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.
ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.
References
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 10. Bộ luật Dân sự 2015.. . 2015;:. Google Scholar
- Sơn L.T.. Giai đoạn tiền hợp đồng trong pháp luật Việt Nam. NXB Hồng Đức - Hội Luật gia Việt Nam. 2016;:. Google Scholar
- Novoa R.. Culpa in contrahendo: a comparative law study: Chilean law and the United Nations Convention on contracts for the international sales of goods (CISG). Arizona Journal of international and comparative law. 2005;22(3):91. Google Scholar
- Halson R.. Contract law, 2th ed, University of Bristol. . 2013;:. Google Scholar
- Gjoni G., Peto Z.. An Overview of Good Faith as a Principle of Contractual Interpretation with Special References to the Albanian Law. European Scientific Journal. 2017;13(25):. Google Scholar
- Aarti, Arunachalam. An analysis of the duty to negotiate in good faith: Precontractual liability and Preliminary agreement, LL.M thesis. University of Georgia School of law. 2002;:. Google Scholar
- Hesselink MW. The concept of good faith towards a European Civil Code, 4th revised and expanded edition. Wolters Kluwer Law & Business. 2010;:. Google Scholar
- Coninck BD. Le droit commun de la rupture des négociations précontractuelles. Le processus de formation du contrat, Contributions comparatives et interdisciplinaires à l'harmonisation du droit européen. Bruylant (Bruxelles). 2002;:. Google Scholar
- Quagliato P.B.. The duty to negotiate in good faith. International Journal of Law and Management. 2008;50(5):. Google Scholar
- Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XI, kỳ họp thứ 7. Bộ luật Dân sự 2005.. . 2005;:. Google Scholar
- Dai D.V.. Một số vấn đề pháp lý phát sinh trong thực tiễn về bảo hiểm nhân thọ. Tạp chí Khoa học pháp lý. 2018;07(119):. Google Scholar
- Kessler F.. Contracts of Adhesion - Some Thoughts about Freedom of Contract. Colum.L.Rev. 1943;:629. Google Scholar
- Gillette, Clayton P. Standard Form Contracts. NYU Law and Economics Research Paper No.09-18.2009. . 2009;:. Google Scholar
- R. Brownsword, N.J. Hird, Howells G.. Good faith in Contract: concept and context. Dartmouth Pub Co. . 1999;:. Google Scholar
- Văn phòng Quốc hội. Văn bản hợp nhất (VBHN) Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000, sửa đổi bổ sung 2010, và 2019. . 2019;:. Google Scholar
- Bộ Tài Chính. Văn bản hợp nhất (VBHN) 27/VBHN-BTC năm 2019 hợp nhất Thông tư hướng dẫn Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật KDBH và Luật KDBH sửa đổi. . 2019;:. Google Scholar
- Quốc hội Trung Quốc. Luật bảo hiểm 2009 Trung Quốc. . 2009;:. Google Scholar
- Hiệp hội các ủy viên bảo hiểm quốc gia Hoa Kỳ. Đạo luật bảo hiểm mẫu 1996 của NAIC - Investment Insurance Model Act. . 1996;:. Google Scholar