Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1082

Total

362

Share

State management for agricultural cooperatives in Phu Tho province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Development of agricultural cooperatives is one of the main tasks for successful implementation of the master plan on agricultural restructuring and new rural construction in Phu Tho province. In the past years, the People’s committee of Phu Tho province has been very active in the state management of agricultural cooperatives, thereby developing significantly agricultural cooperatives. Some models of agricultural cooperatives were initially successful associated with value chain development, high-technology application and development of OCOP “one commune, one product” program. However, there are still some shortcomings in state management activities for agricultural cooperatives such as: irregular inspection and supervision of agricultural cooperatives; production land and landing allocation for agricultural cooperatives in the long-term use has been still limited; difficulties in the support of seeds, fertilizers, product processing technology for cooperatives’ members, especially linking agricultural products along the value chain is an obstacle when majority producers are small scale. In addition, the mobilization and persuasion of people to join agricultural cooperatives is still not good. The study proposes 6 groups of solutions to improve the efficiency of state management activities for agricultural cooperatives in Phu Tho province in the future.

GIỚI THIỆU

Trải qua 30 năm kể từ khi Đảng ta thực hiện đường lối đổi mới – Đại hội Đảng lần thứ VI (1986) nông nghiệp, nông thôn nước ta đạt được nhiều thành tựu to lớn (đảm bảo an ninh lương thực, gia tăng xuất khẩu, đời sống và thu nhập của người dân tăng lên,...). Đóng góp vào thành tựu này có vai trò rất lớn của kinh tế tập thể, trong đó có các Hợp tác xã (HTX) nông nghiệp.

Phú Thọ là một tỉnh nằm ở cửa ngõ của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc, có dân số khoảng 1,4 triệu người và khoảng 65% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn. Theo số liệu thống kê đến tháng 12/2019, Phú Thọ có 320 HTX thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản đang hoạt động, trong đó có nhiều mô hình HTX kiểu mới, sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao. Hoạt động của nhiều HTX đã góp phần ổn định và phát triển loại hình kinh tế tập thể, phát triển Nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở tỉnh Phú Thọ trong thời gian qua. Tuy nhiên, việc tổ chức triển khai thực hiện chuyển đổi các HTX và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012 đối với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn; việc phân công trách nhiệm quản lý nhà nước (QLNN) trong lĩnh vực HTX nhất là HTX nông nghiệp còn chồng chéo giữa các cơ quan quản lý cấp tỉnh, huyện và việc triển khai thực hiện các chính sách phát triển HTX nông nghiệp ở cấp xã còn rất nhiều hạn chế.

Với những lý do trên, nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích thực trạng và đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả QLNN đối với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP VÀ QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

Hợp tác xã nông nghiệp

Theo Luật hợp tác xã năm 2012: “Hợp tác xã là tổ chức kinh tế tập thể, đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân, do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập và hợp tác tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung của thành viên, trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý hợp tác xã.” 1

Vũ Đình Thắng đã đưa ra khái niệm về nông nghiệp: “Nông nghiệp là ngành sản xuất vật chất cơ bản của xã hội, sử dụng đất đai để trồng trọt và chăn nuôi, khai thác cây trồng và vật nuôi làm tư liệu và nguyên liệu lao động chủ yếu để tạo ra lương thực thực phẩm và một số nguyên liệu cho công nghiệp.” 2

Từ các khái niệm trên có thể đưa ra khái niệm chung nhất về HTX nông nghiệp như sau: HTX nông nghiệp là một tổ chức kinh tế tự chủ, do người nông dân và những người sản xuất - kinh doanh có nhu cầu, lợi ích chung, tự nguyện cùng góp vốn, góp sức lập ra. Việc vận hành tuân theo các quy định của pháp luật nhằm phát huy sức mạnh của tập thể và các thành viên, để giúp nhau thực hiện có hiệu quả các hoạt động dịch vụ hỗ trợ cho kinh tế hộ trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nông sản và kinh doanh các ngành nghề khác ở nông thôn, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.

Từ khi ra đời và hoạt động đến nay, HTX nông nghiệp có một số đặc điểm chủ yếu như sau: (i) HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế mang tính xã hội tập hợp đông đảo nông dân làm nông nghiệp sinh sống ở vùng nông thôn; (ii) HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế có tính tập thể của những người thường bị yếu thế về trình độ chuyên môn, tay nghề, vốn, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật so với các loại hình doanh nghiệp, công ty khác; (iii) xét về góc độ pháp lý “hợp tác xã nông nghiệp có tư cách pháp nhân và chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi vốn góp của mình”. 1

HTX nông nghiệp có vai trò rất quan trọng đối với phát triển Kinh tế - xã hội của vùng và địa phương bao gồm: (i) Vai trò như “bà đỡ” cho các thành viên phát triển kinh tế, đồng thời có những đóng góp trực tiếp, quan trọng vào sự tăng trưởng ngành nông nghiệp, phát triển của nền kinh tế quốc dân nói chung; (ii) Cung cấp và hỗ trợ cho các thành viên, cộng đồng dân cư nông thôn tiếp cận các dịch vụ an sinh - xã hội cơ bản; (iii) Góp phần tạo thêm việc làm, nâng cao thu nhập cho xã viên và cho người lao động; (iv) HTX tham gia xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật ở nông thôn; (v) Góp phần bảo vệ môi trường; bảo đảm sự thành công của các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; (vi) Góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới và xây dựng nông thôn mới.

Quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã nông nghiệp

QLNN đối với HTX nông nghiệp là hoạt động thực thi quyền lực nhà nước do các cơ quan nhà nước tiến hành đối với HTX nông nghiệp nhằm mục tiêu phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động HTX nông nghiệp và thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển theo một định hướng thống nhất của Nhà nước

Hoạt động QLNN đối với HTX nông nghiệp có vai trò vô cùng quan trọng: (i) đảm bảo cho các hoạt động của HTX nông nghiệp thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; (ii) cần tạo điều kiện về hành lang pháp lý cho các HTX nông nghiệp tham gia phát triển kinh tế - xã hội; (iii) Nhà nước cần tăng cường bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các HTX nông nghiệp; (iv) công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động của các HTX nông nghiệp; (v) tổ chức bộ máy QLNN đối với HTX nông nghiệp ở nhiều cấp chính quyền địa phương từ tỉnh xuống huyện.

Trách nhiệm QLNN đối với các HTX nông nghiệp ở cấp tỉnh, huyện, xã, cụ thể như sau: “Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động đặc thù của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn và hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, xã triển khai thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động đặc thù của Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn. Trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các Hợp tác xã nói chung thuộc về Sở kế hoạch và đầu tư ở cấp tỉnh và các phòng Tài chính – kế hoạch ở cấp huyện trong việc cấp giấy phép đăng ký thành lập Hợp tác xã”.

Công cụ QLNN đối với HTX nông nghiệp chủ yếu là pháp luật, chính sách, quy hoạch và kế hoạch. Khung chính sách QLNN đối với HTX nông nghiệp được thể hiện ở Figure 1 .

Nội dung QLNN đối với HTX nông nghiệp được thể hiện ở một số nội dung sau: (i) đưa ra chủ trương phát triển đối với HTX nông nghiệp; (ii) cụ thể hóa luật pháp, chính sách của nhà nước và ban hành những quy định, quy chế, cơ chế đặc thù để quản lý HTX; (iii) tổ chức đánh giá kết quả và hiệu quả QLNN đối với các HTX nông nghiệp.

Figure 1 . Quản lý Nhà nước đối với Hợp tác xã nông nghiệp ở cấp tỉnh (Nguồn: Nhóm tác giả sơ đồ hóa, tháng 4/2020)

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN SỐ LIỆU

Nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp và thứ cấp. Cụ thể:

Số liệu thứ cấp thu được từ các báo cáo, số liệu liên quan tới tình hình phát triển HTX của tỉnh Phú Thọ từ các cơ quan: Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ, Chi cục Phát triển nông thôn Phú Thọ - Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, Liên minh hợp tác xã tỉnh Phú Thọ, Sở Công thương tỉnh Phú Thọ, Cục thống kê tỉnh Phú Thọ và phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn của các huyện/ thành/ thị xã trên địa bàn tỉnh.

Số liệu khảo sát từ 100 HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh của Viện nghiên cứu ứng dụng và phát triển - Trường Đại học Hùng Vương. Số liệu điều tra các HTX nông nghiệp được thực hiện trong năm 2019 với các thông tin cụ thể bao gồm: Thông tin chung về HTX (tên, năm thành lập, người đại diện, phân loại HTX, quy mô hoạt động…) và đánh giá kết quả hoạt động của các HTX về hoạt động QLNN đối với phát triển các HTX nông nghiệp.

Số liệu sơ cấp thu được từ việc nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát cán bộ quản lý lĩnh vực QLNN đối với phát triển HTX nông nghiệp và cán bộ ở các phòng nông nghiệp ở các huyện/thành/thị trên địa bàn tỉnh (30 phiếu khảo sát hợp lệ). Nội dung phiếu khảo sát tập trung vào việc đánh giá công tác QLNN của các HTX nông thôn ở tỉnh Phú Thọ thời gian vừa qua từ người quản lý. Các nhận định, đánh giá được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ: 1. Rất kém; 2. Kém; 3. Trung bình; 4. Tốt; 5. Rất tốt; Thời gian phát phiếu khảo sát vào tháng 3 và tháng 4 năm 2020, bằng hình thức phỏng vấn online.

Thêm vào đó nhóm nghiên cứu cũng đã phỏng vấn trao đổi qua điện thoại tới 05 chuyên gia để thu thập ý kiến và giải pháp nâng cao hiệu quả QLNN đối với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo.

Sau khi thu thập được các số liệu nhóm tác giả sử đưa các số liệu vào phần mềm Microsoft Excel 2019 để xử lý dữ liệu, tính toán các chỉ tiêu thống kê cần thiết. Từ đó nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích, đánh giá thực trạng QLNN về HTX nông nghiệp tại tỉnh Phú Thọ, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và đưa ra gợi ý giải pháp phù hợp.

Nghiên cứu được thực hiện theo khung trình tự và nội dung được thể hiện trong Figure 2 .

Figure 2 . Khung nghiên cứu quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã nông nghiệp (Nguồn: Đề xuất của nhóm tác giả, tháng 4/2020)

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng phát triển Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Tính đến thời điểm 31/12/2018, toàn tỉnh có 330 HTX nông nghiệp, tăng 24 HTX so với năm 2015. Trong đó 299 HTX đang hoạt động và 31 HTX tạm ngừng hoạt động chờ giải thể. Giai đoạn 2015-2018 đã thành lập mới 77 HTX; giải thể và chuyển sang loại hình hoạt động khác 49 HTX hoạt động không hiệu quả, ngừng hoạt động theo quy định. Số liệu về HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ được thể hiện qua Table 1 .

Qua số liệu trong Table 1 có thể thấy rằng, nhìn chung quy mô của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn nhỏ, số lao động thường xuyên/1 HTX có xu hướng giảm trong giai đoạn 2015-2018, từ 14,3 lao động/1 HTX (năm 2015) xuống 10 lao động/1 HTX (năm 2018). Điều này phản ánh các HTX đang có sự tái cơ cấu và sắp xếp lại lực lượng lao động theo hình thức gọn nhẹ hơn. Tuy nhiên, do số HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả và có lãi thấp nên lãi trung bình/1 HTX trên địa bàn tỉnh rất thấp, bình quân trong giai đoạn đạt 28,5 triệu đồng/1 HTX /năm. Thu nhập bình quân/1 lao động/năm giao động từ 18-20 triệu đồng, rất thấp so với tổng thu nhập của 1 lao động/năm, do đó đây chính là nguyên nhân dẫn tới việc các thành viên, người lao động chưa thực sự gắn bó với sự tồn tại và hoạt động của các HTX nông nghiệp.

Thực trạng về tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp ở tỉnh Phú Thọ về cơ bản khá tương đồng với thực trạng chung ở Việt Nam khi tỷ lệ số HTX nông nghiệp có lãi thấp so với số lượng HTX đang hoạt động.

Table 1 Số lượng và tình hình hoạt động của các Hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2015-2019

Tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn vừa qua được thể hiện ở Table 1 . Trong quá trình củng cố các hoạt động về tổ chức, quản lý và hoạt động đã đạt được một số kết quả, cụ thể là:

Thứ nhất , đánh giá chung các HTX nông nghiệp cũ đã chuyển đổi xong, nhiều HTX nông nghiệp mới được thành lập; giải thể các HTX nông nghiệp hình thức không còn hoạt động; sáp nhập các HTX nông nghiệp hoạt động không hiệu quả.

Thứ hai , về cơ bản các HTX nông nghiệp chuyển đổi và thành lập mới bước đầu đã khắc phục được tình trạng thua lỗ kéo dài và hình thức, không rõ ràng về xã viên và tài sản khi làm thủ tục phá sản.

Thứ ba , một số HTX nông nghiệp đã dần thể hiện được vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn chuyển dịch đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá gắn với an toàn và hiệu quả kinh tế.

Thực trạng quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã nông nghiệp ở tỉnh Phú Thọ

Trong thời gian vừa qua các cơ quan QLNN các cấp đã tiến hành rất nhiều các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu QLNN đối với các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

(1) Ban hành phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật, hướng dẫn đối với phát triển các loại hình HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Trên cơ sở các văn bản của Trung ương và Chính phủ chỉ đạo về phát triển kinh tế thị trường, kinh tế HTX, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành nhiều văn bản, kế hoạch chỉ đạo phát triển kinh tế hợp tác, trong đó có các HTX nông nghiệp (Được thể hiện ở Figure 3 ) . Điều này cho thấy Tỉnh ủy, HĐND và UBND Phú Thọ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát đến việc phát triển kinh tế tập thể, trong đó có HTX nông nghiệp, cụ thể hóa thành các nghị quyết, quy định cụ thể để thúc đẩy phát triển kinh tế hợp tác theo hướng phát triển ổn định và bền vững.

Figure 3 . Tổng hợp các văn bản của tỉnh Phú Thọ về phát triển hợp tác xã và hợp tác xã nông nghiệp giai đoạn trước và sau Luật Hợp tác xã 2012 ban hành (Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả, 3 , 4 , 5 , 6 , 7 , 8 , 9 , 10 , 11 , 12 )

(2) Xây dựng bộ máy quản lý nhà nước đối với HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Theo quy định chung trong cả nước, ở cấp tỉnh, Sở nông nghiệp và phát triển Nông thôn là cơ quan tham mưu về QLNN cho UBND tỉnh thực hiện QLNN đối với HTX nông nghiệp. Tại tỉnh Phú Thọ, đã quy định cụ thể hơn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ. “Chi cục Hợp tác xã và phát triển nông thôn là cơ quan trực thuộc Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện chức năng QLNN về các lĩnh vực quản lý Hợp tác xã và các hình thức tổ chức sản xuất; định cư, tái định cư, điều chỉnh bố trí lại dân cư trong nông nghiệp và nông thôn; chuyên ngành bảo quản, chế biến nông lâm sản, cơ điện nông nghiệp, ngành nghề nông thôn; thực hiện chính sách, tổng hợp chương trình phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh thuộc phạm vi quản lý của Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn”.

(3) Tổ chức thực hiện các đề án, chính sách phát triển các Hợp tác xã nông nghiệp.

Thời gian qua, mặc dù các chính sách liên quan đất đai, tài chính, tín dụng, đào tạo cán bộ nói chung và HTX nói riêng đã có thay đổi so với giai đoạn trước. Tuy nhiên, các cấp, các ngành ở tỉnh Phú Thọ đã triển khai thực hiện đúng theo các quy định của Trung ương, của tỉnh; nhiều vấn đề vướng mắc, tồn tại được xem xét giải quyết, tạo được lòng tin của cán bộ, xã viên và người lao động trong HTX nông nghiệp đối với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Thứ nhất , hỗ trợ thành lập HTX mới: Trong giai đoạn 2015-2019 đã hỗ trợ thành lập được 77 HTX nông nghiệp, kinh phí hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh 794 triệu đồng. Tính bình quân, mức hỗ trợ thành lập mới 1 HTX nông nghiệp là 10,3 triệu đồng.

Thứ hai , thực hiện chính sách cán bộ và nguồn nhân lực: Định kỳ tổ chức bồi dưỡng kỹ năng xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh, nghiệp vụ kế toán, tập huấn Luật HTX năm 2012, các văn bản hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh về phát triển kinh tế thị trường cho 4.442 lượt cán bộ là chủ tịch hội đồng quản trị, giám đốc, kế toán trưởng, cán bộ nghiệp vụ HTX trong giai đoạn 2016-2019; Riêng trong giai đoạn 2015-2018, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho 1.650 lượt cán bộ các HTX nông nghiệp, kinh phí hỗ trợ đạt 1.167,38 triệu đồng. Ngoài ra, ngân sách của tỉnh còn hỗ trợ đào tạo từ trung cấp đến thạc sỹ cho hàng trăm lượt cán bộ HTX trên địa bàn tỉnh. Tính bình quân, chi phí đào tạo cho 1 cán bộ HTX nông nghiệp là 0,7 triệu đồng.

Thứ ba , thực hiện xây dựng Quỹ hỗ trợ phát triển HTX: Quỹ hỗ trợ phát triển HTX của tỉnh Phú Thọ được thành lập năm 2009, cho đến tháng 5/2019, quỹ đã giải ngân cho 287 lượt dự án của HTX (trong đó có HTX nông nghiệp) vay vốn ưu đãi với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Chỉ tính riêng trong giai đoạn 2016 - 2018, tổng số các dự án của các HTX được xem xét cho vay 120 dự án với doanh số cho vay là 14.840 triệu đồng; Ngoài ra Quỹ quay vòng cho vay 92 dự án với doanh số cho vay là 5.830 triệu đồng; Quỹ giải quyết việc làm (Quỹ 120) cho vay 20 dự án với doanh số là 1.881 triệu đồng. Nguồn quỹ này đã góp phần giúp các HTX nông nghiệp có thêm một kênh tiếp cận vốn để đảm bảo tổ chức được các hoạt động sản xuất-kinh doanh, tháo gỡ một phần khó khăn trong quá trình phát triển các HTX ở những khu vực nông thôn trong tỉnh.

Thứ tư , kiểm tra, thanh tra đối với hoạt động hỗ trợ và tư vấn phát triển HTX nông nghiệp (Kết quả kiểm tra, thanh tra các HTX giai đoạn 2016-2018 được thể hiện ở Table 2 ). Cơ quan quản lý đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tiến hành kiểm tra ở cấp huyện và cơ sở nhằm đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành và kết quả củng cố, phát triển HTX nông nghiệp ở các địa phương. Đã phát hiện một số tồn tại trong công tác QLNN đối với HTX nông nghiệp như: Một số cơ quan QLNN chưa thực sự quan tâm đến HTX nông nghiệp, chưa thường xuyên kiểm tra, uốn nắn việc tổ chức thực hiện các kế hoạch đã ban hành; Công tác xử lý những tồn tại, vướng mắc của HTX nông nghiệp sau chuyển đổi còn chậm. Một số khó khăn, vi phạm đến lợi ích hợp pháp của xã viên HTX nông nghiệp chậm được khắc phục, còn có tư tưởng ỷ nại vào cơ quan quản lý cấp trên.

Table 2 Số lượt Thanh tra, Kiểm tra, Giám sát hoạt động của các HTX Nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2018

Qua thanh tra, kiểm tra đã tiếp nhận, tham gia tư vấn, giải quyết kịp thời, đảm bảo 100% các đơn thư đề nghị, khiếu nại của thành viên được các cấp, các ngành và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Phú Thọ. Tăng cường công tác kiểm tra, khảo sát nắm vững tình hình hoạt động của các HTX nông nghiệp và thành viên, kịp thời phát hiện, tập hợp những khó khăn và vướng mắc của các HTX, đề xuất với các cơ quan liên quan tháo gỡ, giải quyết. Định kỳ hàng năm các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra hoạt động của các HTX nông nghiệp. Đánh giá chung, các hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đảm bảo các yêu cầu theo quy định của Nhà nước và các cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động của HTX còn rất ít, phần lớn hoạt động của các cơ quan chức năng tập trung vào tư vấn hỗ trợ phát triển các HTX mới và các HTX đang hoạt động xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh.

Thông qua khảo sát cán bộ phụ trách ngành nông nghiệp một số huyện, thành, thị về chất lượng của nội dung đánh giá hoạt động QLNN đối với HTX nông nghiệp ở địa phương, đã đánh giá về công tác QLNN đối với HTX nông nghiệp của cán bộ ngành nông nghiệp ở cấp tỉnh và các huyện/xã được thể hiện cụ thể ở Table 3 .

Table 3 Đánh giá của cán bộ về nội dung quản lý nhà nước đối với Hợp tác xã nông nghiệp

Nhìn vào kết quả Table 3 ta thấy các hoạt động QLNN đối với HTX nông nghiệp đều được đánh giá tương đối cao về cả 3 mặt lập kế hoạch, tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong phát triển, tổ chức HTX nông nghiệp (điểm trung bình đều lớn hơn 3). Công tác lập kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp được đánh giá cao nhất. Tiếp đến là hoạt động tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển HTX. Trong hoạt động này có 2 nội dung chưa được đánh giá cao là sự phối hợp của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và tổ chức đoàn thể trong việc tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển HTX nông nghiệp và công tác vận động, thuyết phục người dân tham gia HTX nông nghiệp. Cuối cùng là hoạt động kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong tổ chức hoạt động của HTX nông nghiệp được đánh giá với số điểm thấp nhất.

Cùng với đó thông qua kết quả khảo sát thành viên trong ban lãnh đạo của HTX tại một số huyện, thành, thị cũng cho thấy một số kết quả về tình hình triển khai chính sách, vai trò công tác quản lý của chính quyền đối với phát triển HTX nông nghiệp (được thể hiện ở Table 4 ).

Table 4 Tình hình triển khai chính sách, vai trò quản lý của chính quyền đối với sự phát triển Hợp tác xã nông nghiệp

Các thành viên trong ban quản lý HTX được khảo sát đánh giá cao vai trò của chính quyền địa phương đối với sự phát triển của HTX nông nghiệp ở hầu hết các mặt. Duy chỉ có nội dung hỗ trợ giao đất, mặt bằng sản xuất lâu dài và hỗ trợ giống, phân bón, công nghệ chế biến sản phẩm được đánh giá chưa cao. Các kết quả đánh giá các hoạt động QLNN của các cơ quan chức năng đối với các HTX nông nghiệp ủng hộ kết quả khảo sát đối với các cán bộ QLNN đối với HTX nông nghiệp. Khảo sát cũng chỉ ra hoạt động kiểm tra, giám sát và hỗ trợ pháp lý thường xuyên cho các HTX trong quá trình hoạt động còn chưa cao, chưa thường xuyên.

Các kết quả nghiên cứu về thực trạng QLNN đối với các HTX nông nghiệp cho thấy bên cạnh việc quan tâm đến công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của các HTX thì khâu lập kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch, đặc biệt là nâng cao vai trò quản lý của chính quyền các địa phương đối với phát triển HTX nông nghiệp. Đại đa phần các HTX này hoạt động ở khu vực nông thôn, vùng núi còn nhiều khó khăn do đó sự hỗ trợ của Nhà nước và đội ngũ cán bộ quản lý HTX là vô cùng quan trọng.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Những việc mà cơ quan QLNN đối với các HTX nông nghiệp đã làm trong thời gian qua tập trung vào những vấn đề như sau: Việc đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền; tích cực vận động chính sách, hỗ trợ các HTX tiếp cận và thụ hưởng chính sách; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ HTX xây dựng mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; mở rộng quy mô sản xuất - kinh doanh sản phẩm hàng hóa đạt tiêu chuẩn VSATTP, có chứng nhận nhãn hiệu tập thể, truy xuất nguồn gốc; tư vấn, hỗ trợ tài chính, tín dụng, thúc đẩy các hoạt động liên kết làm nền tảng cho việc phát triển kinh tế tập thể nhanh và bền vững. Phát triển các HTX nông nghiệp thành công trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới, thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội địa phương trên địa bàn tỉnh.

Dựa trên sự phân tích và đánh giá thực trạng QLNN đối với HTX Nông nghiệp chỉ ra rằng: HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gặp rất nhiều khó khăn; đồng thời, trong quá trình chuyển đổi cơ chế quản lý tập trung sang làm dịch vụ còn nhiều hạn chế, tốc độ phát triển HTX nông nghiệp chậm, nhiều HTX hoạt động kém hiệu quả, lợi ích tích lũy các dịch vụ của HTX nông nghiệp mang lại cho thành viên chưa nhiều, chưa thể hiện rõ hiệu quả của mô hình HTX nông nghiệp kiểu mới. Bên cạnh đó, việc phân công trách nhiệm QLNN trong lĩnh vực HTX nhất là HTX nông nghiệp còn chồng chéo giữa các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, huyện và việc triển khai thực hiện chính sách phát triển HTX nông nghiệp ở cấp xã còn rất nhiều hạn chế.

Để phát triển HTX nông nghiệp cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp đồng bộ như sau: (i) Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với toàn thể nhân dân về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của HTX nông nghiệp; (ii) Tăng cường đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực kinh tế tập thể, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng bám sát thực tiễn, phù hợp với yêu cầu phát triển của thị trường, môi trường kinh doanh. (iii) Hỗ trợ phí đạo tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý HTX, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho thành viên. Hỗ trợ kinh phí tổ chức cho cán bộ quản lý, thành viên HTX đi thăm quan, học tập kinh nghiệm các mô hình điển hình, làm ăn hiệu quả trong và ngoài tỉnh; (iv) Hỗ trợ các HTX cải tiến quy trình kỹ thuật sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo các tiêu chuẩn, đạt chứng nhận an toàn, xây dựng, tạo lập nhãn hiệu, nhận diện thương hiệu, bao bì, mẫu mã sản phẩm; (v) Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ cao vào phục vụ sản xuất, giảm lao động thủ công, tăng năng suất lao động, thu nhập cho thành viên.

Ngoài ra, cần tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể đối với các cơ quan QLNN. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tổ chức đối thoại với HTX và thành viên để kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho lĩnh vực kinh tế tập thể. Đồng thời, Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cho sản phẩm của HTX nông nghiệp, liên kết HTX nông nghiệp với siêu thị và các kênh hàng chất lượng.

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

HTX: Hợp tác xã

QLNN: Quản lý nhà nước

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do nhóm tác giả thực hiện, cụ thể mức độ đóng góp của các tác giả như sau:

Tác giả Đinh Hồng Phi: Viết phần giới thiệu, cơ sở lý thuyết, thu thập số liệu, viết kết quả nghiên cứu;

Tác giả Ngô Sỹ Đạt: Viết phần cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu;

Tác giả Lê Văn Cương: Phân tích và xử lý số liệu; Chỉnh sửa bài viết theo quy định của tạp chí;

Tác giả Phạm Thái Thủy: Viết phần tóm tắt (tiếng Việt, tiếng Anh); viết phần kết quả nghiên cứu; Kết luận và hàm ý chính sách.

References

  1. Quốc hội. Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ban hành ngày 20/11/2012. 2012. . ;:. Google Scholar
  2. Vũ Đình Thắng. Giáo trình kinh tế nông nghiệp. Hà Nội: Nhà xuất bản Đại học Kinh tế quốc dân. 2006. . ;:. Google Scholar
  3. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Nghị quyết số 135/2008/NQ-HĐND ngày 1/4/2008 về phát triển các loại hình kinh tế tư nhân, kinh tế hợp tác và đổi mới, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước trong nông, lâm nghiệp giai đoạn 2007-2010 và định hướng đến năm 2015. 2008. . ;:. Google Scholar
  4. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Nghị quyết số 142/2008/NQ-HĐND ban hành ngày 22/7/2008 về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. 2008. . ;:. Google Scholar
  5. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Quyết định số 2381/2009/QĐ-UBND ban hành ngày 20/8/2009 về việc thành lập quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã tỉnh Phú Thọ. 2009. . ;:. Google Scholar
  6. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Nghị quyết số 09/2013/NQ-HĐND ban hành ngày 13/12/2013 về việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 142/2008/NQ-HĐND ngày 22/7/2008 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác xã trên địa bàn tỉnh. 2013. . ;:. Google Scholar
  7. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Kế hoạch số 2091/KH-UBND ban hành ngày 11/6/2013 về phát triển kinh tế tập thể tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2013-2015, định hướng đến năm 2020. 2013. . ;:. Google Scholar
  8. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Kế hoạch số 2274/KH-UBND ban hành ngày 18/6/2015 về phát triển kinh tế tập thể 5 năm giai đoạn 2016-2020 tỉnh Phú Thọ. 2015. . ;:. Google Scholar
  9. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Kế hoạch số 165/KH-UBND ban hành ngày 15/1/2015 về thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp tỉnh Phú Thọ đến năm 2020. 2015. . ;:. Google Scholar
  10. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Kế hoạch số 1900/KH-UBND ban hành ngày 15/5/2017 vê thực hiện phong trào thi đua "Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012 góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới" tỉnh Phú Thọ. 2017. . ;:. Google Scholar
  11. Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ. Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ban hành ngày 19/7/2016 về cơ chế hỗ trợ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020. 2016. . ;:. Google Scholar
  12. Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ. Quyết định số 185/QĐ-UBND ban hành ngày 21/1/2016 về việc duyệt Quy hoạch phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản tỉnh Phú Thọ đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. 2016. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2265-2274
Published: Feb 7, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.678

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Phi, D., Dat, N., Cuong, L., & Thuy, P. (2022). State management for agricultural cooperatives in Phu Tho province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2265-2274. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.678

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1082 times
PDF   = 362 times
XML   = 0 times
Total   = 362 times