Abstract
Globalization is a connection to bring countries closer together, not only in the development of labor and international trade but also in marriage and family relations involving foreign elements. In these legal relations, a divorce involving foreign elements is an important matter which the lawmakers always pay close attention to. Currently, the provisions of Vietnamese Private International Law governing divorce involving foreign elements are relatively sufficient, which can deal with most of the legal issues arising from practice, protecting Vietnamese citizens' interest, especially women. However, the terms of the National Court's jurisdiction over a divorce case involving foreign elements and the determination of the applicable law have been confusing that need to be resolved and clarified. From the experience in Private International Law of the other countries, in particular EU Regulations and Belgian Private International Law on divorce with foreign elements, this article will point out some basic shortcomings, simultaneously proposing corresponding solutions appropriate for Vietnamese law, the economic, political, and social background of our country.
ĐẶT VẤN ĐỀ
Cùng với quá trình toàn cầu hóa, sự phát triển của khoa học - công nghệ và giao lưu quốc tế không chỉ tác động mạnh mẽ đến lĩnh vực kinh tế mà còn làm biến đổi sâu sắc xã hội của một quốc gia. Những gia đình đa quốc tịch xuất hiện ngày càng nhiều làm tiền đề cho sự hình thành các vụ việc ly hôn xuyên biên giới (có yếu tố nước ngoài) với tình tiết ngày càng phức tạp. Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó.
Theo Điều 3.14 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài thì các nhà làm luật Việt Nam không đưa ra khái niệm cụ thể cho quan hệ pháp lý này. Tuy nhiên, chúng ta có thể dựa vào Điều 3.25 Luật hôn nhân và gia đình 2014 để định nghĩa, theo đó, ly hôn có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau: (i) ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (ii) các bên tham gia là công dân Việt Nam nhưng căn cứ để chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc (iii) tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài .
Tư pháp quốc tế Việt Nam nghiên cứu ly hôn có yếu tố nước ngoài dưới 03 góc độ: (a) Xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam (giải quyết xung đột thẩm quyền) đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài; (b) Xác định pháp luật áp dụng (giải quyết xung đột pháp luật) trong ly hôn có yếu tố nước ngoài và; (c) Công nhận và cho thi hành bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài. Quy định của pháp luật Việt Nam liên quan đến các nội dung trên về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu từ thực tiễn, thế nhưng, vẫn còn rất nhiều tình huống có thể xảy ra nhưng thiếu vắng quy định pháp luật tương ứng.
Bài viết này sẽ góp phần đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện quy định của pháp luật Việt Nam điều chỉnh ly hôn có yếu tố nước ngoài ở hai phương diện chính là xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam và xác định pháp luật áp dụng giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Riêng đối với vấn đề công nhận và cho thi hành bản án, quyết định ly hôn của Tòa án nước ngoài sẽ được tác giả đề cập ở một bài viết khác.
THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN VIỆT NAM ĐỐI VỚI VỤ VIỆC LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Trong các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và các nước , nguyên tắc chung để xác định thẩm quyền của Tòa án Nước ký kết đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài như sau :
Nếu hai vợ chồng cùng quốc tịch thì Tòa án Nước ký kết nơi vợ chồng là công dân có thẩm quyền;
Nếu hai vợ chồng không cùng quốc tịch thì Tòa án Nước ký kết nơi vợ chồng cùng cư trú có thẩm quyền;
Nếu hai vợ chồng không cùng quốc tịch và không cùng nơi cư trú thì Tòa án Nước ký kết nhận được đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu trước có thẩm quyền.
Theo quy định tại Điều 469.1.d Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 (sau đây BLTTDS 2015), Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài mà trong đó:
Nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam. Đây là trường hợp công dân Việt Nam ly hôn với công dân nước ngoài mà một trong các bên đương sự ở Việt Nam hoặc các đương sự đều ở nước ngoài.
Các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam .
Ngoài ra, đối với các trường hợp sau thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt (Điều 470.1.b BLTTDS 2015):
Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với công dân nước ngoài nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam;
Vụ án ly hôn giữa công dân Việt Nam với người không quốc tịch , nếu cả hai vợ chồng cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở Việt Nam.
Tòa án Việt Nam cũng có thẩm quyền riêng biệt đối với yêu cầu ly hôn (không có yếu tố tranh chấp) giữa công dân Việt Nam và công dân nước ngoài hoặc người không quốc tịch nếu các bên đều cư trú, làm ăn, sinh sống tại Việt Nam theo quy định tại Điều 470.2.a BLTTDS 2015.
Như vậy, pháp luật Việt Nam sử dụng yếu tố “quốc tịch” và yếu tố “nơi cư trú” để xác định thẩm quyền của Tòa án đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Đây là hai yếu tố có mối liên hệ mật thiết nhất với ly hôn, gắn liền với nhân thân của một cá nhân. Đặc biệt, yếu tố “quốc tịch” rất được chú trọng, là một tiêu chí cơ bản để xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia liên quan đến vụ việc này .
Có thể thấy, Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung hay thẩm quyền riêng biệt là phụ thuộc vào “nơi thường trú” của các đương sự (và một trong các bên đương sự này là công dân Việt Nam). Nếu các đương sự thường trú tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt, ngược lại, nếu các bên không thường trú tại Việt Nam thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung.
Thực tiễn xét xử của Tòa án Việt Nam cho thấy, việc phân biệt thẩm quyền chung hay thẩm quyền riêng biệt của Tòa án đối với từng vụ việc ly hôn cụ thể không phải lúc nào cũng dễ dàng. Thậm chí, Tòa án thường có xu hướng viện dẫn cả Điều 469.1.d và Điều 470.1.b của BLTTDS 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án Việt Nam, trong khi nội dung của các quy định này là hoàn toàn khác nhau.
Chẳng hạn, theo Bản án số 03/2018/HNGĐ-ST ngày 22/11/2018 của TAND tỉnh Đắk Lắk 1 , chị Nguyễn Thị Cẩm T (công dân Việt Nam) và anh William Kin-SW (Wong W- công dân Canada) kết hôn với nhau dựa trên cơ sở tự nguyện, có đăng ký kết hôn tại UBND tỉnh Đắk Lắk vào ngày 28/4/2009. Sau khi kết hôn, anh Wong W về lại Canada sinh sống và không quay lại Việt Nam nữa. Do điều kiện xa cách, hai bên không thể chung sống với nhau như vợ chồng, nay tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được nên chị T đề nghị Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh Wong W mà không có tranh chấp về tài sản chung và con chung.
Dựa vào tình tiết ở trên, có thể kết luận, đây là vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài. Thời điểm chị T nộp đơn yêu cầu ly hôn tại TAND tỉnh Đắk Lắk thì chị T thường trú tại Việt Nam, còn anh Wong W thường trú tại Canada. Vì vậy, vụ việc này tương ứng với Điều 469.1.d BLTTDS 2015, do đó, thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam. Tuy nhiên, TAND tỉnh Đắk Lắk lại áp dụng Điều 469.1.d và Điều 470.1.b BLTTDS 2015 để xác định thẩm quyền của Tòa án. Cần lưu ý thêm là, Điều 470.1.b BLTTDS 2015 chỉ được áp dụng khi đó là vụ án ly hôn (có tranh chấp về tài sản hoặc quyền nuôi con hoặc cả hai) chứ không phải là yêu cầu về ly hôn (không có tranh chấp). Từ đó cho thấy, TAND tỉnh Đắk Lắk đã áp dụng chưa chính xác quy định của pháp luật.
Hay tại Bản án số 02/2019/HNGĐ-ST ngày 22/01/2019 của TAND tỉnh Đồng Tháp, Tòa án cũng viện dẫn Điều 470.1.b BLTTDS 2015 để xác định thẩm quyền riêng biệt của Tòa án trong khi nội dung vụ việc cho thấy, đây cũng là yêu cầu ly hôn giữa các đương sự mà không có tranh chấp về tài sản chung cũng như quyền nuôi con. Mặt khác, thời điểm một trong các bên đương sự là công dân Việt Nam nộp đơn yêu cầu ly hôn, thì bên đương sự còn lại đang thường trú ở nước ngoài dù trước đó các bên đều cư trú tại Việt Nam 2 . Như vậy, vụ việc này chỉ thuộc thẩm quyền chung của Tòa án Việt Nam căn cứ vào Điều 469.1.d BLTTDS 2015.
Mặt khác, các Tòa án Việt Nam cũng không giải thích rõ ràng (và quy định của pháp luật cũng không đề cập đến) nơi thường trú chung của các đương sự được xác định tại thời điểm một trong các bên nộp đơn yêu cầu ly hôn hay thời điểm trước đó. Bởi lẽ, cách hiểu khác nhau sẽ dẫn đến cách thức áp dụng quy định của pháp luật sẽ khác nhau. Chẳng hạn, chị X (công dân Việt Nam) kết hôn với anh Y (công dân nước ngoài). Hai vợ chồng cùng sinh sống ổn định tại Việt Nam trong khoảng thời gian 03 năm. Vợ chồng cũng tạo lập được khối tài sản chung có giá trị. Đến năm thứ 4 thì các bên phát sinh mâu thuẫn, anh B trở về nước. Chị A nộp đơn tại Tòa án Việt Nam yêu cầu được ly hôn với anh B đồng thời phân chia tài sản chung.
Như vậy, tại thời điểm chị A nộp đơn ly hôn, hai vợ chồng không có cùng nơi thường trú, và nếu tính thời điểm này thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền chung theo Điều 469.1.d BLTTDS 2015. Ngược lại, nếu xác định thời điểm hai vợ chồng cùng sinh sống trước đó thì Tòa án Việt Nam có thẩm quyền riêng biệt theo Điều 470.1.a BLTTDS 2015. Tác giả cho rằng, nơi thường trú của các bên đương sự sẽ được xác định tại thời điểm đương sự nộp đơn yêu cầu ly hôn . Cách hiểu như vậy sẽ phù hợp và thống nhất với giai đoạn tiếp theo là xác định pháp luật áp dụng giải quyết vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài khi mà “nơi thường trú chung của vợ chồng” được xác định tại thời điểm yêu cầu ly hôn [ 3 , Điều 127.2].
Tóm lại, tác giả kiến nghị cần có văn bản hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về thẩm quyền của Tòa án Việt Nam đối với vụ việc ly hôn có yếu tố nước ngoài theo hướng:
- Vụ việc ly hôn được quy định tại Điều 469.1.d BLTTDS 2015 là vụ việc mà một trong các đương sự là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn.
- Vụ án ly hôn được quy định tại Điều 470.1.b BLTTDS 2015 là vụ án giữa công dân Việt Nam thường trú ở trong nước và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn.
- Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam là trường hợp người nước ngoài có đủ điều kiện để được cấp Thẻ thường trú, Thẻ tạm trú hoặc được cấp giấy miễn thị thực có thời hạn không quá 05 năm theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.
PHÁP LUẬT ÁP DỤNG ĐỐI VỚI LY HÔN CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Pháp luật áp dụng để điều chỉnh việc ly hôn có yếu tố nước ngoài được ghi nhận trong các Hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và các nước , về cơ bản là:
- Pháp luật của Nước ký kết mà hai vợ chồng là công dân khi đưa đơn ly hôn;
- Nếu hai vợ chồng không có cùng quốc tịch, pháp luật áp dụng là pháp luật của Nước ký kết có Tòa án nhận được đơn kiện.
Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về pháp luật áp dụng đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài, theo đó:
(1) Việc ly hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam được giải quyết tại cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam theo quy định của Luật này .
Quy định tại Điều 127.1 ở trên được diễn giải thành 02 nội dung chính:
- Công dân Việt Nam ly hôn với công dân nước ngoài tại Tòa án Việt Nam thì pháp luật Việt Nam được áp dụng để điều chỉnh quan hệ này. Quy định này được áp dụng đối với: (i) Các bên đều thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn và; (ii) Bên là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, (bên còn lại là công dân nước ngoài không thường trú tại Việt Nam) vào thời điểm yêu cầu ly hôn. Điều này có nghĩa là, nếu bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì sẽ tuân theo quy định tại Điều 127.2 Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Tương tự, công dân nước ngoài ly hôn với nhau mà cả hai đều thường trú tại Việt Nam thì pháp luật Việt Nam cũng được áp dụng nếu các bên nộp đơn lên Tòa án Việt Nam yêu cầu ly hôn.
Ở cả hai trường hợp trên, các nhà làm luật Việt Nam đã áp dụng nguyên tắc luật nơi thường trú của vợ chồng để giải quyết vấn đề xung đột pháp luật trong ly hôn có yếu tố nước ngoài.
(2) Trong trường hợp bên là công dân Việt Nam không thường trú ở Việt Nam vào thời điểm yêu cầu ly hôn thì việc ly hôn được giải quyết theo pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng; nếu họ không có nơi thường trú chung thì giải quyết theo pháp luật Việt Nam.
Đây là quy định nối tiếp Điều 127.1, nếu bên là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam thì ưu tiên áp dụng pháp luật nơi thường trú chung của vợ chồng , nếu các bên có nơi thường trú khác nhau thì pháp luật của nước có Tòa án giải quyết đơn kiện sẽ được áp dụng theo nguyên tắc Lex fori.
(3) Việc giải quyết tài sản là bất động sản ở nước ngoài khi ly hôn tuân theo pháp luật của nước nơi có bất động sản đó.
Pháp luật xác định tại (1) và (2) được áp dụng để điều chỉnh các vấn đề về điều kiện ly hôn, phân chia tài sản là động sản giữa vợ và chồng, phân định quyền nuôi con… Riêng đối với tài sản là bất động sản thì hệ thuộc luật nơi có tài sản (lex rei sitae) được áp dụng triệt để. Quy định này được đánh giá là phù hợp và thống nhất giữa các quốc gia, nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn trong quá trình giải quyết vụ việc cũng như vấn đề công nhận và cho thi hành bản án ly hôn liên quan đến bất động sản.
Từ các nội dung được quy định tại Điều 127 ở trên, có thể rút ra một vài nhận xét như sau:
Thứ nhất, nguyên tắc luật nơi thường trú của vợ chồng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ ly hôn có yếu tố nước ngoài. Đó là pháp luật của nước nơi vợ chồng cùng thường trú hoặc có thể là pháp luật của nước nơi thường trú của một bên vợ, chồng (là công dân Việt Nam).
Thứ hai, Khoản 2 Điều 127 quy định chưa rõ ràng “trường hợp một bên là công dân Việt Nam….” , vậy bên còn lại có bao gồm chủ thể là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không ? Chính vì sự thiếu rõ ràng này dẫn đến các Tòa án Việt Nam, khi giải quyết các vụ việc ly hôn giữa công dân Việt Nam mà có ít nhất một bên người Việt Nam định cư ở nước ngoài, có cách thức xác định pháp luật áp dụng hoàn toàn khác nhau.
Ví dụ, chị Vũ Thị Kiều N (công dân Việt Nam, thường trú tại tỉnh Đồng Nai) nộp đơn tại TAND tỉnh Đồng Nai yêu cầu được ly hôn với anh Phạm Trọng Đ (công dân Việt Nam, định cư tại Hoa Kỳ). Theo Bản án số 37/2017/ HNGĐ-ST ngày 11/08/2017 thì TAND tỉnh Đồng Nai đã áp dụng các quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 51, Điều 53, Điều 56, Điều 58, Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình 2014 chứ không phải là các quy định tại Chương VIII Luật hôn nhân và gia đình 2014 về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để giải quyết vụ việc [ 4 , tr.64].
Hay tại Bản án số 59/2016/HNGĐ-ST ngày 30/09/2016 của TAND tỉnh Nghệ An xét xử vụ án ly hôn giữa Nguyên đơn là chị Đậu Thị H (công dân Việt Nam, thường trú tại tỉnh Nghệ An) và Bị đơn là anh Trần Khắc T (công dân Việt Nam, định cư ở Đức). Tòa án cũng áp dụng Điều 53, Điều 56, Điều 81, Điều 82 và Điều 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 [ 4 , tr.94].
Tuy nhiên, tại Bản án số 79/2019/HNGĐ-ST ngày 20/11/2019 của TAND thành phố Đà Nẵng liên quan đến vụ việc ly hôn giữa ông Trương Quang Hoàng V (công dân Việt Nam, thường trú tại Đà Nẵng) và bà Huỳnh M (công dân Việt Nam, định cư tại Hoa Kỳ), TAND thành phố Đà Nẵng đã áp dụng Điều 122 và Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 để làm căn cứ giải quyết việc ly hôn cho các đương sự [ 4 , tr.26]. Bản án số 16/2017/HNGĐ-ST ngày 12/04/2018 của TAND thành phố Đà Nẵng được ban hành trước đó cũng theo hướng tương tự [ 4 , tr.43].
Theo quan điểm của tác giả, trong việc ly hôn giữa một bên là công dân Việt Nam và một bên là công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài thì luật áp dụng cho quan hệ này là pháp luật của nước nơi vợ chồng có cùng quốc tịch, tức là pháp luật Việt Nam (cụ thể là Luật Luật hôn nhân và gia đình 2014). Trường hợp một bên là người Việt Nam định cư ở nước ngoài đã từ bỏ quốc tịch Việt Nam thì đây là ly hôn có yếu tố nước ngoài và do đó, quy định của Tư pháp quốc tế Việt Nam (Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 ) sẽ được áp dụng.
Thứ ba, quy định tại Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 chưa bao hàm hết các tình huống phát sinh trong thực tế, chẳng hạn như công dân nước X thường trú tại Việt Nam nộp đơn tại Tòa án Việt Nam yêu cầu được ly hôn với công dân nước Y thường trú tại nước Y, vậy pháp luật áp dụng để giải quyết vụ việc ly hôn trên là pháp luật nước X, nước Y hay pháp luật Việt Nam ?
Trước năm 2010, pháp luật EU chưa có một văn bản nào quy định về cách thức giải quyết xung đột pháp luật trong ly hôn có yếu tố nước ngoài. Nhằm tạo một sự thống nhất trong việc áp dụng pháp luật giữa các Quốc gia thành viên và tránh vụ việc trở nên phức tạp, Ủy ban Châu Âu (EC) đã đề xuất một số giải pháp để xác định pháp luật áp dụng đối với các vấn đề liên quan đến ly hôn. Các đề xuất này được tổng hợp trong một văn bản gọi là Green Paper 5 . Theo đó, luật áp dụng cho ly hôn có yếu tố nước ngoài là pháp luật của nước nơi có mối liên hệ mật thiết nhất. Đó có thể là pháp luật của nước nơi vợ chồng cùng cư trú ngay trước thời điểm yêu cầu ly hôn; pháp luật của nước mà vợ chồng cùng thỏa thuận lựa chọn; pháp luật của nước nơi vợ chồng có cùng quốc tịch…
Ngày 20/12/2010, EU đã ban hành chính thức Nghị định số 1259/2010 về triển khai tăng cường hợp tác trong lĩnh vực luật áp dụng cho ly hôn và ly thân hợp pháp (gọi tắt là Rome III ) 6 và thống nhất như sau:
Các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với ly hôn và ly thân (Điều 5.1 Nghị định ). Đó là pháp luật của một trong các nước sau: (i) pháp luật của nước nơi vợ chồng cư trú thường xuyên vào thời điểm xác lập thỏa thuận; (ii) Pháp luật của nước nơi cư trú cuối cùng của vợ chồng và một trong các bên vẫn cư trú thường xuyên tại đó vào thời điểm xác lập thỏa thuận; (iii) pháp luật của nước mà một trong các bên là công dân vào thời điểm xác lập thỏa thuận hoặc; (iv) pháp luật của nước có Tòa án giải quyết vụ việc .
Trường hợp các bên không thỏa thuận chọn luật áp dụng thì pháp luật của một trong các nước sau sẽ được áp dụng (theo thứ tự) để điều chỉnh việc ly hôn (Điều 8 Nghị định ):
- Pháp luật của nước nơi vợ chồng cư trú thường xuyên vào thời điểm Tòa án thụ lý vụ việc;
- Pháp luật của nước nơi cư trú cuối cùng của vợ chồng với điều kiện là thời hạn cư trú không kết thúc trước 01 năm kể từ ngày Tòa án thụ lý và một trong các bên vẫn cư trú tại đó.
- Pháp luật của nước mà vợ chồng có cùng quốc tịch;
- Pháp luật của nước có Tòa án giải quyết vụ việc.
Các quy định tương tự cũng được tìm thấy tại Điều 55 Luật Tư pháp quốc tế của Bỉ 7 về luật áp dụng đối với ly hôn và ly thân :
(1) Ly hôn và ly thân được điều chỉnh bởi:
- Pháp luật của nước nơi vợ chồng cư trú thường xuyên tại thời điểm yêu cầu;
- Pháp luật của nước nơi cư trú cuối cùng của vợ chồng và một trong các bên vẫn cư trú ở đây tại thời điểm yêu cầu;
- Pháp luật của nước mà vợ chồng có cùng quốc tịch;
- Nếu không thuộc các trường hợp ở trên, pháp luật Bỉ được áp dụng.
(2) Các bên có thể thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng cho vấn đề ly hôn và ly thân. Tuy nhiên, các bên chỉ có thể lựa chọn pháp luật của một trong các nước sau:
- Pháp luật của nước mà vợ chồng đều là công dân tại thời điểm yêu cầu;
- Pháp luật Bỉ.
Như vậy, nguyên tắc nơi thường trú chung của vợ chồng được ưu tiên áp dụng, nếu vợ chồng không có nơi thường trú chung thì sẽ áp dụng nguyên tắc luật quốc tịch. Trường hợp không thể áp dụng hai nguyên tắc trên thì luật áp dụng là pháp luật của nước nơi có Tòa án nhận được đơn kiện.
Một vấn đề cũng cần phải nhấn mạnh là, Tư pháp quốc tế Bỉ cho phép các bên có quyền thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài, thế nhưng, việc lựa chọn này có giới hạn nhất định, theo đó, các bên chỉ được lựa chọn pháp luật của nước mà vợ chồng là công dân hoặc pháp luật Bỉ. Ngược lại, Nghị định Rome III mở rộng phạm vi chọn luật của các bên và đó đều là pháp luật của các nước có mối liên hệ mật thiết với vấn đề pháp lý này.
Từ góc độ so sánh, đánh giá tính hợp lý và dựa trên mối liên hệ mật thiết, tác giả thấy rằng, Điều 127 Luật hôn nhân và gia đình 2014 nên được sửa đổi theo hướng quy định bao quát hơn để có thể giải quyết tối đa các tình huống phát sinh từ thực tiễn, cụ thể, pháp luật áp dụng đối với ly hôn có yếu tố nước ngoài là:
- Pháp luật của nước nơi thường trú chung của vợ chồng tại thời điểm yêu cầu ly hôn. Nếu các bên không có nơi thường trú chung, pháp luật của nước nơi thường trú của một trong các bên được áp dụng;
- Pháp luật của nước mà vợ chồng có cùng quốc tịch;
- Pháp luật Việt Nam.
Thực tiễn Việt Nam cho thấy, chúng ta chưa nên cho phép các bên được thỏa thuận chọn luật áp dụng đối với vấn đề ly hôn, bởi lẽ, quan hệ này không đơn thuần chỉ là phân chia tài sản giữa vợ và chồng mà còn ảnh hưởng rất lớn đến quyền nhân thân, quyền của con chung. Do đó, với trình độ dân trí chưa cao, lại không đồng đều giữa các vùng miền, rất dễ dẫn đến trường hợp một bên áp đặt ý chí của mình vào bên còn lại. Mặt khác, quan hệ hôn nhân và gia đình còn gắn liền với văn hóa, tín ngưỡng và phong tục của mỗi quốc gia. Chính vì vậy, các bên không được phép chọn luật áp dụng cũng là một trong những cách thức bảo vệ trật tự công cộng và tránh tình trạng lẩn tránh pháp luật , những vấn đề mà vốn dĩ nền Tư pháp nước nhà chưa đủ mạnh để có thể đương đầu.
KẾT LUẬN
Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài nói chung và ly hôn có yếu tố nước ngoài nói riêng là một trong những quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, khung pháp lý điều chỉnh vấn đề ly hôn vẫn tồn tại một số bất cập cả về mặt lý luận và thực tiễn dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn gây nhiều khó khăn cho các chủ thể liên quan.
Nguyên tắc luật nơi cư trú và nguyên tắc luật quốc tịch được ưu tiên áp dụng để xác định thẩm quyền của Tòa án quốc gia và giải quyết xung đột pháp luật trong ly hôn có yếu tố nước ngoài. Bên cạnh đó, nếu hai nguyên tắc trên không thể được áp dụng vì thiếu điều kiện cần thiết thì giải pháp cuối cùng là sử dụng nguyên tắc luật tòa án (Lex fori). Đây là các nguyên tắc được thừa nhận rộng rãi trong Tư pháp quốc tế các nước và Việt Nam cần sửa đổi không chỉ để phù hợp với thông lệ quốc tế mà còn giúp các bên giải quyết vụ việc một cách dễ dàng hơn; Từ đó, bảo đảm tối đa quyền và lợi ích của các bên trong quan hệ quốc tế.
DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT
BLTTDS 2015: Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13.
BLDS 2015: Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13.
HĐTTTP: Hiệp định tương trợ tư pháp
TAND: Tòa án Nhân dân
EU: Liên minh Châu Âu
TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT
Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.
TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ
Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.
References
- Tòa án Nhân dân Tối cao. Bản án về tranh chấp hôn nhân và gia đình. . 2018;:. Google Scholar
- Tòa án Nhân dân Tối cao. Bản án về ly hôn. . 2019;:. Google Scholar
- Luật Hôn nhân và gia đình số 52/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/06/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. . ;:. Google Scholar
- Công ty Luật FDVN. Tổng hợp 20 bản án về ly hôn có yếu tố nước ngoài có yêu cầu về chia tài sản hoặc có yêu cầu về quyền trực tiếp nuôi con. . 2020;:. Google Scholar
- European Commission. Applicable law and jurisdiction in divorce matters (Green Paper). . 2006;:. Google Scholar
- Regulation No. 1259/2010 dated 20/12/2010 of EC implementing enhanced cooperation in the area of the law applicable to divorce and legal separation. . ;:. Google Scholar
- Law of 16 July 2004 holding the Code of Private International Law of Belgium. . ;:. Google Scholar
- Bộ Ngoại giao Việt Nam. Danh mục các Hiệp định về tương trợ tư pháp và pháp lý giữa Việt Nam và các nước. . 2017;:. Google Scholar
- Luật Quốc tịch Việt Nam số 24/2008/QH12 được Quốc hội khóa XII thông qua ngày 13/11/2008, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2009. . ;:. Google Scholar
- Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam số 47/2014/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 16/06/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2015. . ;:. Google Scholar
- Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 25/11/2015, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2016. . ;:. Google Scholar
- Thu Bùi Thị. Giáo trình tư pháp quốc tế. Hà Nội. Nxb. Giáo dục Việt Nam; 2012. . ;:. Google Scholar