Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

597

Total

348

Share

Supporting businesses recovery after Covid-19 through social insurance exemption and reduction mechanisms: Legal barriers need to be removed






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

While participating in social insurance is a legitimate right of employees, it is also an important cost in business’s operation. During an economic crisis, this cost becomes much more costly for enterprises. According to a survey report prepared by the Board of Research on Private Economic Development (also known as Board IV, which belongs to the Prime Minister's Advisory Council for Administrative Procedure Reform) on the impact of the Covid-19 epidemic on production and business activities of enterprises conducted in 2020, the immediate supporting solution that companies proposed the most and expect the Government to prioritize and focus on is: Implementing particular policies on taxation and also social insurance exemption and reduction during the epidemic period for businesses heavily affected by Covid-19. However, according to current legal regulations, the mechanism to amend the rate of social insurance premiums still has many problems to be solved. In this article, the author focuses on studying the impact of Covid-19 on businesses in Vietnam and legal barriers related to social insurance exemptions and reductions, and then proposes solutions to the problems posed.

Tổng quan về tác động của đại dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp ở Việt Nam

Đại dịch Covid-19 đã và đang diễn ra và có tác động mạnh mẽ đến nền kinh tế - xã hội toàn cầu. Trong đó, lần đầu tiên nền kinh tế ghi nhận sự khủng hoảng ở cả hai nhánh cung – cầu. Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế - xã hội mà còn là phép thử cho hệ thống quản lý nhà nước của nhiều quốc gia, phép thử cho năng lực của các nhà lãnh đạo giúp xã hội vượt qua suy thoái, phục hồi kinh tế và giúp cuộc sống người dân trở lại bình thường. Trong khi Covid-19 vẫn đang lây lan mạnh mẽ ở khắp các khu vực trên thế giới, Chính phủ Việt Nam đã chứng minh năng lực lãnh đạo của mình khi ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng một cách hiệu quả.

Thành công ở lĩnh vực y tế và bảo vệ sức khỏe người dân, tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam cũng gánh chịu nhiều thiệt hại. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, GDP quý I/2020 tăng 3,82% 1 so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với mức tăng 6,79% cùng kỳ năm 2019 2 . Mức tăng GDP 3,82% cũng là mức tăng thấp nhất của quý I các năm trong giai đoạn 2011-2020 theo báo cáo của Tổng cục Thống kê. Sang quý II/2020, GDP tăng 0,39% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của quý II các năm trong giai đoạn 2011-2020 3 . Quý III và IV/2020 cũng lần lượt có mức tăng trưởng GDP thấp nhất so với các quý III và IV trong giai đoạn 2011-2020. Đến hết năm 2020, GDP trong năm ghi nhận tăng 2,91%, vẫn là mức tăng thấp nhất của các năm trong giai đoạn 2011-2020 4 . Nguyên nhân chính cho sự sụt giảm tăng trưởng này được xác định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy vẫn còn giữ mức tăng trưởng dương, nền kinh tế Việt Nam sẽ còn gặp nhiều khó khăn trong thời gian tới khi mà đầu tàu kinh tế Mỹ đã chính thức bước vào giai đoạn suy thoái 5 .

Trong sự sụt giảm chung của nền kinh tế, hoạt động của các doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng rất nghiêm trọng bởi dịch bệnh này. Theo báo cáo khảo sát từ ngày 25 tháng 3 đến ngày 03 tháng 4 năm 2020 của Phòng Thương mại Công nghiệp Việt – Pháp về tác động của dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp ở Việt Nam, có 45% doanh nghiệp siêu nhỏ và 21% doanh nghiệp vừa và nhỏ trả lời rằng doanh thu của họ sẽ giảm hơn 60% nếu đại dịch kéo dài 6 tháng, mức giảm tương đương ảnh hưởng đến 18% doanh nghiệp lớn được khảo sát 6 . Ở một báo cáo khác của Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân được thực hiện vào đầu tháng 3/2020 cho thấy các doanh nghiệp Việt đang chịu tác động nặng nề từ đại dịch. Theo khảo sát của Ban IV với 1200 doanh nghiệp (trong đó có 75% là doanh nghiệp vừa và nhỏ), nếu dịch kéo dài 6 tháng, có tới hơn 60% doanh nghiệp được hỏi cho rằng doanh thu bị giảm trên 50% do ảnh hưởng của dịch, doanh thu giảm từ 20-50% chiếm gần 29% số doanh nghiệp được khảo sát 7 . Cũng theo khảo sát này, có đến 26,2% doanh nghiệp trả lời có nguy cơ phá sản nếu đại dịch kéo dài 6 tháng.

Thật vậy, theo kết quả thống kê được đăng tại Cổng thông tin quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp, trong năm 2020, có 101.719 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 13,9% so với năm 2019 8 . Sang năm 2021, tình hình cũng không thật sự khả quan, khi chỉ trong 3 tháng đầu năm, có 40,3 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2020. Trung bình mỗi tháng có 13,4 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường 9 . Song song đó, cũng có doanh nghiệp thành lập mới hoặc trở lại hoạt động, nhưng số lượng lại theo chiều hướng giảm. Trong quý I năm 2021, cả nước có 29,3 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, còn có 14,7 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, giảm 0,5% so với cùng kỳ năm trước. Có thể nói, đến thời điểm hiện tại, Covid đã kéo dài hơn 1 năm, và nhiều doanh nghiệp đã không thể tiếp tục chống chọi với đại dịch.

Dưới ảnh hưởng nặng nề của đại dịch, các doanh nghiệp mong muốn nhận được sự hỗ trợ từ phía Chính phủ để sớm vượt qua khó khăn và phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh. Cũng theo báo cáo khảo sát của Ban IV, giải pháp trước mắt mà các doanh nghiệp đề xuất nhiều nhất, chiếm 42,9% số doanh nghiệp được khảo sát, và mong Chính phủ ưu tiên tập trung hỗ trợ, đó là: Chính phủ thực hiện chính sách riêng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, để doanh nghiệp được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác và cho phép miễn lãi suất đối việc nộp chậm thuế, đồng thời cho phép miễn giảm bảo hiểm xã hội trong thời gian dịch bệnh 7 . Tuy nhiên, đối với vấn đề miễn giảm bảo hiểm xã hội, các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn gặp nhiều rào cản pháp lý khiến việc hỗ trợ không được như doanh nghiệp mong muốn. Vấn đề này sẽ được tập trung phân tích ở phần Rào cản pháp lý cho vấn đề miễn giảm bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp của bài viết này.

Rào cản pháp lý cho vấn đề miễn giảm bảo hiểm xã hội đối với doanh nghiệp

Đầu tiên, cần nhắc lại rằng các khoản bảo hiểm bắt buộc mà doanh nghiệp phải đóng cho người lao động được chia thành 3 nhóm và được điều chỉnh bởi 4 luật như sau:

  1. Bảo hiểm xã hội bao gồm: các chế độ ốm đau, thai sản, hưu trí, tử tuất được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội 2014; chế độ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được điều chỉnh bởi Luật An toàn vệ sinh lao động 2015;

  2. Bảo hiểm y tế được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm y tế 2014 (hợp nhất hai văn bản Luật Bảo hiểm y tế 2008 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế vào năm 2014);

  3. Bảo hiểm thất nghiệp được điều chỉnh bởi Luật Việc làm 2013.

Trong đó, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp từng được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội 2006 (nay đã hết hiệu lực), và được gọi chung là bảo hiểm xã hội. Vì vậy, trong ngôn ngữ của người sử dụng lao động, bảo hiểm xã hội thường để chỉ tất cả các loại bảo hiểm bắt buộc nêu trên. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ luật học, bảo hiểm xã hội chỉ là một phần trong các bảo hiểm bắt buộc mà doanh nghiệp phải tham gia cho người lao động. Trong đó Quỹ Bảo hiểm xã hội cũng được chia thành 3 quỹ thành phần: Quỹ ốm đau và thai sản; Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; và Quỹ hưu trí và tử tuất . Trong những nguyện vọng mà doanh nghiệp gửi đến Chính Phủ, thì miễn giảm bảo hiểm xã hội, xét theo khía cạnh luật học, chỉ liên quan một phần đến các khoản bảo hiểm bắt buộc này.

Ở một khía cạnh khác, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi trong và sau đại dịch, cũng là nỗ lực kích thích nền kinh tế phát triển, ngày 9 tháng 3 năm 2020, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã ban hành Công văn 797/LĐTBXH-BHXH hướng dẫn việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19. Theo đó, mục 1 của Công văn quy định “ Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi quản lý, hướng dẫn doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch COVID-19 nếu đủ điều kiện thì thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội,… ”. Cần lưu ý rằng, công văn này chỉ hướng dẫn thực hiện việc “ tạm dừng ” đóng bảo hiểm xã hội vào Quỹ hưu trí và tử tuất cho các doanh nghiệp đủ điều kiện trong một thời gian nhất định, chứ không phải “ miễn giảm ” bảo hiểm xã hội như nguyện vọng của các doanh nghiệp như đã phân tích ở phần trên. Bởi vì, sau khi hết thời gian tạm dừng, doanh nghiệp sẽ vẫn phải đóng bù khoản tiền đã được tạm dừng trong thời gian trước đó.

Cụ thể, việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất này được quy định tại điểm a khoản 1 điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, như sau: “ Trong trường hợp người sử dụng lao động gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc người lao động và người sử dụng lao động không có khả năng đóng bảo hiểm xã hội thì được tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất trong thời gian không quá 12 tháng ” . Người sử dụng lao động được xem là đủ điều kiện để xin tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 50% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; 2. Bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất) . Và theo điểm b khoản 1 điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, “ Hết thời hạn tạm dừng đóng quy định tại điểm a khoản này, người sử dụng lao động và người lao động tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội và đóng bù cho thời gian tạm dừng đóng, số tiền đóng bù không phải tính lãi chậm đóng theo quy định tại khoản 3 Điều 122 của Luật này ” . Với chính sách này, suy cho cùng, doanh nghiệp vẫn chưa được miễn giảm bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà chỉ mới được tạm dừng đóng phần hưu trí và tử tuất khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn theo quy định của luật. Hơn nữa, việc tạm dừng này cũng chỉ được thực hiện không quá 12 tháng. Sau thời gian tạm dừng, doanh nghiệp và người lao động phải đóng bù, với ưu tiên duy nhất là sẽ không bị tính lãi chậm đóng. Đây không phải là mong muốn mà doanh nghiệp gửi đến Chính Phủ. Cộng với việc dịch bệnh kéo dài hơn 1 năm qua, thì thời hạn 12 tháng này cũng không đủ để doanh nghiệp phục hồi và chống chọi với sự khủng hoảng gây ra bởi đại dịch.

Tuy nhiên, xét về thẩm quyền, đây là ưu đãi tối đa mà Chính Phủ và các Bộ liên quan có thể hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong vấn đề bảo hiểm xã hội. Bởi vì, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành không quy định về việc miễn giảm, mà chỉ cho phép tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất như trên. Việc thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội được điều chỉnh bởi Luật Bảo hiểm xã hội do Quốc hội ban hành. Theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, “ Văn bản quy phạm pháp luật chỉ được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ bằng văn bản quy phạm pháp luật của chính cơ quan nhà nước đã ban hành văn bản đó hoặc bị đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ bằng văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên có thẩm quyền. ” . Vì vậy, Chính Phủ - cơ quan thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội , không có thẩm quyền thay đổi những quy định của luật được ban hành bởi Quốc Hội – cơ quan được giao quyền lập pháp, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam . Vì vậy, trong trường hợp này, Chính phủ, trong thẩm quyền của mình, chỉ có thể cho phép doanh nghiệp tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Để miễn giảm bảo hiểm xã hội theo nguyện vọng của doanh nghiệp, chỉ có cách sửa Luật Bảo hiểm xã hội mà thẩm quyền thuộc về Quốc Hội. Đây có thể xem là một rào cản pháp lý cho việc miễn giảm bảo hiểm xã hội trong nỗ lực hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi và kích thích nền kinh tế.

Năm 2017, Chính Phủ cũng đã từng gặp phải rào cản tương tự khi muốn giảm mức đóng của doanh nghiệp vào quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Cụ thể, Luật việc làm 2013 quy định tại điều 57 về mức đóng và trách nhiệm đóng bảo hiểm thất nghiệp như sau: “ a) Người lao động đóng bằng 1% tiền lương tháng; b) Người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp” . Vì Luật này đã quy định mức đóng cụ thể là “ bằng 1% ”, nên Chính Phủ không thể tự thay đổi mức đóng này mà phải đệ trình lên Quốc Hội nếu có nguyện vọng. Trong năm 2017, dựa vào tình hình phát triển của doanh nghiệp và số dư năm 2016 của quỹ bảo hiểm thất nghiệp, Chính Phủ đã ra Nghị quyết số 34/NQ-CP phiên họp Chính Phủ thường kỳ tháng 3 năm 2017, trình Quốc hội xem xét đề xuất điều chỉnh mức đóng bảo hiểm thất nghiệp đối với người sử dụng lao động quy định tại Luật Việc làm từ 1% xuống còn 0,5% trên quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp để tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được thông qua, mức đóng bảo hiểm thất nghiệp vì thế không thay đổi. Chính Phủ, vì vậy, dù muốn giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp cũng không thể thực hiện được.

Ngược lại, trong một tình huống khác, Chính Phủ đã có thể chủ động điều chỉnh mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thấp hơn so với quy định của luật bằng một Nghị định. Cụ thể, ở quy định về mức đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Luật An toàn, vệ sinh lao động năm 2015 quy định tại điều 44 như sau: “ Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp ” . Việc Quốc hội chỉ quy định mức “ tối đa ” là 1% đã mở lối cho Chính Phủ ban hành một quy định với mức đóng thấp hơn cho doanh nghiệp khi tham gia chế độ bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Vì vậy, Chính phủ đã chủ động điều chỉnh mức đóng này bằng Nghị định số 44/2017/NĐ-CP quy định mức đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại điều 3 khoản 1 như sau:

Người sử dụng lao động hằng tháng đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 3 Điều 44 Luật an toàn, vệ sinh lao động với mức như sau:

a) 0,5% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động được quy định tại các điểm a, b, c, d, đ và h khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp lao động là người giúp việc gia đình.

b) 0,5% trên mức lương cơ sở đối với người lao động được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 2 Luật bảo hiểm xã hội.

Nghị định 44/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/6/2017 đến 15/7/2020. Sau đó, Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định 58/2020/NĐ-CP, trong đó giữ nguyên mức đóng của NSDLĐ là 0,5% trong trường hợp bình thường, và áp dụng mức đóng 0,3% trong trường hợp NSDLĐ đảm bảo các quy định về an toàn vệ sinh lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại điều 5 của Nghị định này.

Với quy định về mức đóng ưu đãi này, các doanh nghiệp đã được giảm một phần đáng kể vào chi phí lao động của mình, qua đó giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp. Quy định tại điều 44 của Luật An toàn, vệ sinh lao động 2015 vì vậy được xem là một tiến bộ về kỹ thuật lập pháp, khi vẫn quy định chặt chẽ nhưng để cơ quan hành pháp có thể điều chỉnh cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội từng thời kỳ.

Với tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp hiện nay, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề và mong mỏi được miễn giảm đóng bảo hiểm xã hội trong thời gian khó khăn này. Tuy nhiên, Chính phủ không có thẩm quyền giải quyết mà chỉ có thể chờ Quốc hội xem xét điều chỉnh. Việc điều chỉnh luật sẽ mất nhiều thời gian và có thể giảm nhiều cơ hội phục hồi kinh tế cho doanh nghiệp vốn đã gặp nhiều khó khăn về dòng tiền trong mùa dịch. Vì vậy, một sự thay đổi về kỹ thuật lập pháp trong tương lai sẽ là cần thiết, giúp các cơ quan hành pháp chủ động hơn trong việc điều chỉnh các quy định để phù hợp với yêu cầu cấp bách của xã hội.

Nhận xét và kiến nghị

Trong tình hình khó khăn do đại dịch, nguyện vọng được giảm chi phí bảo hiểm xã hội của doanh nghiệp hoàn toàn có thể hiểu được. Hiện nay, tổng chi phí bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp mà người sử dụng lao động phải đóng hàng tháng là 18,5% quỹ lương tính đóng bảo hiểm xã hội. Mức đóng này đối với người lao động là 9%, và chi phí này, suy cho cùng, vẫn là chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra cho việc sử dụng lao động. Vậy riêng bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp đã chiếm 27,5% quỹ lương của doanh nghiệp. Trong đó, sẽ có 22% là đóng vào Quỹ hưu trí tử tuất, 3% vào Quỹ ốm đau thai sản, 0,5% vào Quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, và 2% vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp. Các chi phí này chưa bao gồm bảo hiểm y tế ( Table 1 ).

Table 1 Tổng hợp mức đóng các khoản bảo hiểm bắt buộc

Trong số này, chế độ có mức đóng thấp nhất là tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, với 0,5%, thì đã có cơ chế cho phép giảm mức đóng thấp hơn như đã giới thiệu ở trên. Tuy nhiên, cơ chế giảm này được thực hiện khi doanh nghiệp không vi phạm quy định an toàn vệ sinh lao động và bảo hiểm xã hội trong vòng 3 năm và có tần suất tai nạn lao động giảm hoặc không xảy ra tai nạn lao động tại doanh nghiệp . Cơ chế này có bản chất như “một phần thưởng” cho doanh nghiệp khi thực hiện tốt các quy định về an toàn lao động và bảo hiểm xã hội, chứ không phải hỗ trợ cho doanh nghiệp khi gặp khó khăn. Vì vậy, cùng với sự cân nhắc đến dự toán thu chi và kết dư của từng quỹ thành phần, tác giả cho rằng có thể suy nghĩ đến biện pháp giảm tỉ kệ đóng bảo hiểm xã hội trong một số trường hợp nhất định.

Mặt khác, giúp doanh nghiệp tồn tại cũng là giúp người lao động giữ được nơi làm việc. Vì suy cho cùng, doanh nghiệp là nơi tạo ra công ăn việc làm, chỉ có thể có việc làm khi tồn tại người sử dụng lao động. Một khi doanh nghiệp lâm vào khó khăn, thì đối tượng chịu thiệt thòi cuối cùng vẫn là người lao động. Đây cũng là kiến nghị của Tổng cục thống kê trong “Báo cáo tác động của dịch Covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020”. Theo báo cáo này, giải pháp đầu tiên cần thực hiện là “ tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, cải cách quy trình, thủ tục để doanh nghiệp tiếp cận các chính sách hỗ trợ đơn giản, thuận tiện, kịp thời nhằm kích thích nền kinh tế cũng như nhu cầu sử dụng lao động10 . Kiến nghị này dựa trên cơ sở số liệu tỉ lệ lao động thất nghiệp năm 2020. Theo đó, với sự gia tăng số lượng doanh nghiệp ngừng kinh doanh trong năm 2020, thì số lượng người lao động thất nghiệp cũng gia tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động năm 2020 là 2,48%, cao hơn 0,31 điểm phần trăm so với năm 2019. Số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV năm 2020 là gần 1,2 triệu người, tăng 136,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước; trong đó, tỷ lệ này ở khu vực thành thị là 3,68%, tăng 0,78 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch Covid-19 đã làm tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi lao động tại khu vực thành thị vào quý IV năm 2020 cao nhất so với cùng kỳ trong vòng 10 năm qua 11 .

Trong tình hình đại dịch Covid-19 vẫn đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế như hiện nay, tác giả cho rằng Nhà nước cần có hướng hỗ trợ hiệu quả và nhanh chóng hơn. Xây dựng cơ chế hỗ trợ dễ dàng không chỉ là đáp ứng thực tiễn dịch bệnh lần này, mà là còn để phòng ngừa những đợt khủng hoảng có thể diễn ra trong tương lai. Với sự biến đổi không ngừng của nền kinh tế, thì việc hỗ trợ không chỉ cần đúng mà còn cần phải kịp thời.

Qua nghiên cứu nhu cầu của doanh nghiệp và cơ chế hỗ trợ từ các cơ quan hữu trách, tác giả nhận thấy cơ chế hiện tại chưa thực sự hiệu quả và kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi nhanh chóng sau khủng hoảng. Cụ thể trong nghiên cứu này là cơ chế miễn giảm bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Trong khi nguyện vọng của doanh nghiệp là được miễn giảm bảo hiểm xã hội, thì biện pháp mà Chính Phủ có thể thực hiện chỉ là giãn thời gian đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất cho doanh nghiệp. Điều này xuất phát từ việc Chính Phủ không có thẩm quyền miễn hay giảm bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp theo quy định hiện hành.

Qua nghiên cứu thực tiễn lập pháp, một thay đổi mang tính kỹ thuật sẽ giúp Chính Phủ chủ động hơn khi thực hiện các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp trong từng thời kỳ, như Quốc hội đã từng làm khi tạo cơ hội cho Chính Phủ trong việc điều chỉnh tỉ lệ đóng bảo hiểm vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Hiện nay, có hai văn bản Luật cùng gặp phải rào cản pháp lý này, là: Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Luật Việc làm 2013.

Từ những phân tích trên đây, tác giả cho rằng Nhà nước cần có cơ chế hiệu quả và dễ dàng hơn cho việc hỗ trợ doanh nghiệp trong chính sách bảo hiểm xã hội khi cần thiết. Cụ thể:

Thứ nhất, nên bổ sung quy định về giảm bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp cho người sử dụng lao động trong những trường hợp như khó khăn kinh tế, thiên tai, hỏa hoạn, hay dịch bệnh nghiêm trọng. Về điều kiện để được miễn giảm, có thể tham khảo Nghị định số 115/2015/NĐ-CP tại quy định về điều kiện để xin tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, trong đó có thể thay thế tỉ lệ thiệt hại từ 50% lên 75%. Ví dụ: “Người sử dụng lao động được xem là đủ điều kiện để xin giảm bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau: 1. Không bố trí được việc làm cho người lao động, trong đó số lao động thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội phải tạm thời nghỉ việc từ 75% tổng số lao động có mặt trước khi tạm dừng sản xuất, kinh doanh trở lên; 2. Bị thiệt hại trên 75% tổng giá trị tài sản do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh, mất mùa gây ra (không kể giá trị tài sản là đất)”.

Thứ hai, có thể đặt ra giới hạn giảm và thời hạn áp dụng việc giảm mức đóng bảo hiểm xã hội. Tùy tình hình kinh tế từng thời kỳ và cân đối thu chi của từng quỹ thành phần, là loại chế độ bảo hiểm ngắn hạn hay dài hạn, mà có thể xem xét thời hạn áp dụng giảm tỉ lệ đóng tối đa là 2 hoặc 3 năm. Mức giảm cũng có thể tùy tình hình mà quyết định, nhưng phải nằm trong giới hạn để đảm bảo cân bằng quỹ.

Thứ ba, các nhà làm luật có thể xem xét điều chỉnh kỹ thuật lập pháp, tạo cơ hội cho Chính Phủ thay đổi mức đóng bảo hiểm xã hội khi cần thiết. Hiện tại, mức đóng của người lao động hằng tháng bằng 8% lương tính đóng bảo hiểm xã hội vào quỹ hưu trí và tử tuất ; người sử dụng lao động hàng tháng đóng theo quỹ tiền lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động với tỉ lệ: i) 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, ii) 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất . Quy định tỉ lệ này có thể khác đối với các đối tượng người lao động khác nhau. Nhưng nhìn chung, thay vì ấn định một tỉ lệ cụ thể, Quốc Hội có thể quy định giới hạn “ tối đa ” như đã từng thực hiện đối với quy định về mức đóng vào Quỹ tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, và đặt ra một quy định mới là giới hạn “ tối thiểu ”. Dựa trên những quy định này, Chính Phủ có thể chủ động điều chỉnh mức đóng phù hợp trong từng thời kỳ phát triển kinh tế xã hội. Trong đó, giới hạn “tối đa” được áp dụng trong điều kiện bình thường, giới hạn “tối thiểu” được đặt ra để đảm bảo khi giảm tỉ lệ đóng thì vẫn cân bằng quỹ bảo hiểm.

Thứ tư, xem xét cân đối thu chi và kết dư của từng quỹ thành phần, đặc biệt là sự ổn định và tính chất dài hạn hay ngắn hạn của chế độ bảo hiểm của quỹ thành phần đó, mà chọn lựa loại quỹ được áp dụng giảm tỉ lệ đóng. Hiện tại, theo đánh giá tại Báo cáo thẩm tra việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm thất nghiệp hàng năm của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, số phát sinh tăng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong các năm đều tăng lên. Cụ thể, năm 2017, kết dư Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 67.320 tỷ đồng, tăng 9.038 tỷ đồng so với năm 2016; năm 2018 là 79.073 tỷ đồng; năm 2019 là 84.000 tỷ đồng và năm 2020, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp vẫn đảm bảo an toàn 12 . Theo quy định tại điều 7 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, thì nguyên tắc là bảo đảm duy trì số dư quỹ hằng năm bằng 02 lần tổng các khoản chi các chế độ bảo hiểm thất nghiệp và chi phí quản lý bảo hiểm thất nghiệp của năm trước liền kề. Số chi cho các chế độ của Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2020, năm có số chi cao nhất tới thời điểm này, là vào khoảng 18.056 tỉ đồng 13 . Vì vậy, số dư hiện tại là đảm bảo nguyên tắc này. Mặt khác, theo kết quả kiểm toán quỹ bảo hiểm xã hội năm 2018 được Kiểm toán Nhà nước công bố năm 2020, Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cũng có dự toán khả quan nhất trong 3 quỹ thành phần, với kết dư quỹ đến cuối năm đạt gần 41.700 tỉ đồng 14 , theo đánh giá hiện tại thì Quỹ này vẫn được xem là hoạt động ổn định. Trên cơ sở cân nhắc tình hình tài chính của các quỹ, tác giả cho rằng việc giảm tỉ lệ đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian ngắn cũng có thể thực hiện được.

Thứ năm, có thể tăng thời hạn tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội 2014. Trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh mà thời hạn khắc phục dài hơn 12 tháng, thì pháp luật có thể cho phép người sử dụng lao động kéo dài thời hạn tạm dừng này bằng với thời hạn cần để khắc phục hậu quả. Ngoài ra, việc đóng bù bảo hiểm cho giai đoạn tạm dừng cũng có thể chia thành nhiều đợt, tránh tạo ra một cú sốc về dòng tiền cho doanh nghiệp khi phải ngay lập tức đóng toàn bộ chi phí bảo hiểm của nhiều tháng trong một lần.

Kết luận

Dịch Covid-19 vẫn đang tiếp diễn, đã và đang ảnh hưởng đến đời sống xã hội của người dân cũng như hoạt động kinh tế của doanh nghiệp. Một trong những mong muốn của doanh nghiệp đối với Nhà nước là được xem xét miễn giảm bảo hiểm xã hội trong thời gian khó khăn do dịch bệnh. Tuy vậy, việc miễn giảm này không phải dễ dàng được thực hiện vì còn tồn tại rào cản về mặt cơ chế, vốn xuất phát từ kỹ thuật lập pháp.

Dù vậy, tác giả tin rằng, với sự dẫn dắt và hỗ trợ từ phía Nhà nước, các khó khăn của doanh nghiệp có thể được tháo gỡ và sẽ phục hồi hoạt động. Tuy nhiên, doanh nghiệp có phục hồi được nhanh chóng hay không thì phụ thuộc vào sự hỗ trợ đó có đúng đắn và kịp thời, để doanh nghiệp không bỏ lỡ cơ hội trong một thị trường luôn vận động. Một cơ chế dễ dàng hơn là chìa khóa để các cơ quan hữu trách hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả hơn, không chỉ trong mùa dịch mà cả khi nền kinh tế hoạt động bình thường, hay những thách thức khác mà doanh nghiệp và xã hội có thể đối mặt trong thời gian tới. Một rào cản pháp lý xuất phát từ kỹ thuật lập pháp có thể dễ dàng được tháo gỡ, nhằm để Nhà nước có thể phản ứng kịp thời hơn với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế - xã hội, nên được đưa ra xem xét và thảo luận.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

BHXH: Bảo hiểm xã hội

CCIFV: Chambre de Commerce et d'Industrie France-Vietnam

CP: Chính phủ

GDP: Gross Domestic Product

LĐTBXH: Lao động, Thương binh, Xã hội

NĐ: Nghị định

NSDLĐ: Người sử dụng lao động

QH11: Quốc hội Khóa 11

QH13: Quốc hội Khóa 13

XUNG ĐỘ T LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân. Báo cáo kết quả khảo sát ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Tổng cục Thống kê, Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  3. Tổng cục Thống kê. Tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2019. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  4. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  5. Tổng cục Thống kê. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội Quý IV và năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  6. Jeanna Smialek. The U.S. Entered a Recession in February. The New York Times [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  7. CCIFV France - Vietnam. The impact of COVID-19 on Businesses in Vietnam". 2020. . ;:. Google Scholar
  8. Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Tình hình đăng ký doanh nghiệp tháng 12 và năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  9. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí về tình hình kinh tế - xã hội quý i năm 2021. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng cục thống kê. Báo cáo tác động của dịch covid-19 đến tình hình lao động, việc làm quý IV và năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  11. Tổng cục Thống kê. Thông cáo báo chí tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2020. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  12. Trang Anh. Quỹ bảo hiểm thất nghiệp: Hỗ trợ tối đa cho người lao động. [Online]. [2020 Nov 12]. . ;:. Google Scholar
  13. Phương Chi. Năm 2020, số người hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng khoảng 24%. [Online] [2020 Dec 23]. . ;:. Google Scholar
  14. Bảo Ngọc. Quỹ bảo hiểm xã hội 728.000 tỉ, đầu tư thu lãi 42.700 tỉ đồng. [Online]. [2020 May 24]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3000-3007
Published: Sep 30, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.754

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, N.-Y. (2022). Supporting businesses recovery after Covid-19 through social insurance exemption and reduction mechanisms: Legal barriers need to be removed. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3000-3007. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.754

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 597 times
PDF   = 348 times
XML   = 0 times
Total   = 348 times