Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1769

Total

1129

Share

Private economic development, experience of some countries and lessons for Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Private economic development is an indispensable requirement. No matter what economic modeling approach that countries follow, governments could not deny the enormous contribution of this economic sector. In the current period of international integration, the role of the private economy is much more important to the majority of countries, especially industrialized nations. In our country, an affirmation was made regarding the importance of the private sector in the 12th Congress which asserted that: "The private economy is an important driving force of the economy". In fact, in recent years, the private economy has significantly contributed to national economic development. However, currently, there are still policy barriers that hinder the development of the private economy and the internal strength of the economy. Hence, the authorities should encourage researchers on conducting research with the aim of developing this kind of important economic component in accordance with the practical conditions of the country. Within the scope of the article, the author defines the word ``private economy'', the perspective of Vietnam's private economic development, and analyzes the achievements of the private economy in the period of 2011-2018. In addition, the article also examines the experience of some countries, from which we could be able to gain meaningful lessons to improve our national private economic model. The countries chosen include: (i) China, a neighboring country, has a political system relatively similar to Vietnam. China early developed and focused on the private economic system as the result of successfully identifying the vital role of the model in national economic growth. (ii) South Korea and the United States, despite being capitalist, have achieved successful private economic development with an array of valuable lessons for Vietnam.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU VÀ CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Khái niệm kinh tế tư nhân

Lịch sử tư nhân hoá bắt nguồn từ Hy Lạp cổ đại, khi các chính phủ ký gần như các hợp đồng cho khu vực kinh tế tư nhân. Tại cộng hoà La Mã, các cá nhân và công ty tư nhân đã thực hiện phần lớn các công việc bao gồm thu thuế, cung cấp quân đội và xây dựng,…

Wuwei từ thời nhà Hán – Trung Quốc đã đưa ra khái niệm Laisser – faire là hệ thống kinh tế trong đó các giao dịch giữa các bên tư nhân không có sự can thiệp của chính phủ. Hệ thống này hoạt động dựa trên tiền đề:

  • Cá nhân có quyền tự do tự nhiên (sản xuất và buôn bán)

  • Cá nhân là đơn vị cơ bản trong xã hội

Ở Việt Nam, kinh tế tư nhân là một loại hình kinh tế phát triển dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, do cá nhân làm chủ, hoàn toàn chịu trách nhiệm về toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình; là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh, bao gồm những đơn vị được tổ chức dựa trên sở hữu tư nhân, những hoạt động kinh tế không thuộc khu vực kinh tế nhà nước 1 .

Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6-2017) đã đưa ra Nghị quyết về mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân nhanh, bền vững với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỷ trọng trong tổng sản phẩm nội địa (GDP). Theo đó, kinh tế tư nhân, hiểu cách khái quát chung, là khu vực kinh tế nằm ngoài quốc doanh (ngoài khu vực kinh tế nhà nước), bao gồm các doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong đó tư nhân nắm trên 50% vốn đầu tư. Kinh tế tư nhân là tất cả các cơ sở sản xuất kinh doanh không dựa trên sở hữu nhà nước về các yếu tố của quá trình sản xuất. Hiểu ở cấp độ hẹp, kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần và các hộ kinh doanh cá thể 2 .

Theo Nguyễn Văn Hảo: Kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Thành phần kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Trong đó, (i) Kinh tế cá thể, tiểu chủ dựa trên hình thức tư hữu nhỏ về tư liệu sản xuất. Sự khác nhau giữa kinh tế cá thể và kinh tế tiểu chủ ở chỗ: trong kinh tế cá thể nguồn thu nhập hoàn toàn dựa vào lao động và vốn của bản thân và gia đình, còn trong kinh tế tiểu chủ, tuy nguồn thu nhập vẫn chủ yếu dựa vào lao động và vốn của bản thân và gia đình, nhưng có thuê lao động. (ii) Kinh tế tư bản tư nhân dựa trên hình thức sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa về tư liệu sản xuất và bóc lột lao động làm thuê. Trong thời kì quá độ ở nước ta, thành phần này còn có vai trò đáng kể để phát triển lực lượng sản xuất, xã hội hóa sản xuất, khai thác các nguồn vốn, giải quyết việc làm và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội khác 3 .

Tóm lại, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế dựa trên chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Kinh tế tư nhân tồn tại dưới các hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và các hộ kinh doanh cá thể.

Quan điểm phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam

Ở Việt Nam, khái niệm kinh tế tư nhân được sử dụng chính thức từ Nghị quyết Trung ương 6 (khóa VI) tháng 3 năm 1989, trong đó có kinh tế cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân (các loại hình kinh tế này được coi là các hình thức của kinh tế tư nhân). Đến Đại hội Đảng lần thứ VII, kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân được coi là hai thành phần kinh tế hợp thành của kinh tế tư nhân. Tại Hội nghị Trung ương 5 (Khóa IX) tháng 3 năm 2002, Bộ Chính trị nêu rõ: “Xét về mặt quan hệ sở hữu, kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân đều thuộc cùng loại hình sở hữu tư nhân, khác với sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể”. Như vậy, kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân) chính thức được Đảng Cộng sản Việt Nam coi là khu vực kinh tế. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Bổ sung, phát triển năm 2011), Đảng đã xác định bốn thành phần kinh tế của nền kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, hiện nay về mặt pháp lý chúng ta vẫn còn sử dụng khái niệm thành phần kinh tế. Trong trường hợp này thì kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân được gọi chung là thành phần kinh tế tư nhân 1 .

Tại Hội nghị lần thứ 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII (tháng 6-2017) đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Theo đó, thay đổi nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, ngày càng tích cực hơn. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách từng bước được hoàn thiện. Quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh của cá nhân và tổ chức được thể chế hóa và được pháp luật bảo vệ. Phương thức quản lý của Nhà nước đối với kinh tế tư nhân được đổi mới phù hợp hơn với cơ chế thị trường. Kinh tế tư nhân đã phát triển trên nhiều phương diện, được tự do kinh doanh và đối xử bình đẳng hơn với các thành phần kinh tế khác, nhất là trong tiếp cận các yếu tố sản xuất và các loại thị trường; hiệu quả, sức cạnh tranh dần được nâng lên; hoạt động đa dạng ở hầu hết các ngành, lĩnh vực và các vùng, miền. Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng để phát triển kinh tế. Kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ. Khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để kinh tế tư nhân phát triển nhanh, bền vững, đa dạng với tốc độ tăng trưởng cao cả về số lượng, quy mô, chất lượng và tỉ trọng đóng góp trong GDP. Xoá bỏ mọi rào cản, định kiến, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng. Kinh tế tư nhân được phát triển ở tất cả các ngành, lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Phát huy phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để các hộ kinh doanh tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác hoặc hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước, có đủ khả năng tham gia mạng sản xuất và chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu 4 .

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu quan điểm: Lấy cải cách, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đầy đủ, đồng bộ, hiện đại, hội nhập và thực thi pháp luật hiệu lực, hiệu quả là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển đất nước. Thị trường đóng vai trò chủ yếu trong huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực sản xuất, nhất là đất đai. Hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển các sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh tế mới. Phải coi trọng hơn quản lý phát triển xã hội; mở rộng dân chủ phải gắn với giữ vững kỷ luật, kỷ cương. Phát triển nhanh, hài hòa các khu vực kinh tế và các loại hình doanh nghiệp; phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế 5 . Tiếp nối Đại hội XII, trong Đại hội XIII Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm phát triển kinh tế tư nhân thực sự là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Trải qua chặng đường hơn 30 năm đổi mới, những dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam có thể được khái quát như Figure 1 .

Figure 1 . Quá trình phát triển Kinh tế tư nhân tại Việt Nam giai đoạn 1986-2017 (Nguồn: Lê Duy Bình, 2018 6 )

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN DỮ LIỆU

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp cụ thể sau đây:

- Phương pháp logic – lịch sử, được sử dụng để lược khảo các tài liệu lý thuyết về kinh tế tư nhân và phát triển kinh tế tư nhân.

- Phương pháp phân tích – tổng hợp , được sử dụng nghiên cứu kinh nghiệm các quốc gia về phát triển kinh tế tư nhân và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

- Phương pháp thống kê mô tả, được sử dụng để phân tích thành quả phát triển của khu vực kinh tế tư nhân từ số liệu của Tổng cục Thống kê và một số nghiên cứu.

- Phương pháp phân tích – tổng hợp và nghiên cứu chuẩn tắc, được sử dụng để thảo luận kết quả nghiên cứu và đề xuất những kiến nghị chính sách và những bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

Dữ liệu nghiên cứu

Bài viết sử dụng dữ liệu thứ cấp để phân tích thành quả phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Dữ liệu thứ cấp được lấy từ các nguồn: Tổng cục Thống kê qua các năm và một số nghiên cứu cùng chủ đề.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Khái quát thành quả phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam

Đóng góp trong phát triển kinh tế

Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân có đóng góp tích cực nhất trong thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam trong suốt giai đoạn 2011-2019, vượt xa các thành phần kinh tế khác.

Table 1 Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong tổng sản phẩm trong nước theo giá thực tế 2011-2019 ( ĐVT : Tỷ đồn g ) ( Nguồn: Tổng cục Thống kê 78 )

Table 1 cho thấy, năm 2011, tổng sản phẩm trong nước đạt 2.779.880 tỷ đồng thì riêng khu vực kinh tế tư nhân đã đạt 1.108.946 tỷ đồng (chiếm khoảng 40% của cả nước), kinh tế nhà nước đạt 29% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 16% ( Table 2 ).

Table 2 Tỷ trọng đóng góp của các thành phần kinh tế trong tổng sản phẩm trong nước (ĐVT: %) ( Nguồn: Tổng cục Thống kê 78 )

Đến năm 2019, tổng sản phẩm trong nước đạt 6.037.347 tỷ đồng thì riêng khu vực kinh tế tư nhân đã đạt 2.357.309 tỷ đồng (chiếm hơn 39% của cả nước), kinh tế nhà nước đạt 27,06% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đạt 20,35%. Trong suốt cả giai đoạn 2011-2019 khu vực kinh tế tư nhân vẫn luôn giữ vai trò quan trọng nhất, có đóng góp to lớn nhất trong thành tựu phát triển kinh tế của Việt Nam (luôn chiếm 38-40% trong tổng sản phẩm trong nước). Điều này cho thấy vị trí, vai trò của thành phần kinh tế tư nhân là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế của đất nước ( Table 2 ).

Không những có tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân cũng luôn đạt mức cao trong suốt giai đoạn 2011-2019.

Figure 2 . Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Khu vực kinh tế tư nhân so với cả nước (Nguồn: Tổng cục Thống kê và tính toán của nhóm tác giả 7 )

Figure 2 cho thấy, từ năm 2017 trở về trước, tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân đều thấp hơn cả nước, song năm 2018, 2019 tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân đã vượt tốc độ tăng trưởng kinh tế của cả nước, đặc biệt năm 2019 tỷ lệ vượt là khá lớn, đạt đến 2,3 điểm phần trăm. Điều này một lần nữa khẳng định khu vực kinh tế tư nhân đang ngày càng chứng minh được vị trí quan trọng của mình trong công cuộc phát triển kinh tế đất nước nói chung.

Đóng góp về mặt ngân sách

Bên cạnh những đóng góp về mặt kinh tế thì đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nguồn thu ngân sách cũng là thành quả ấn tượng.

Table 3 Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong thu ngân sách quốc gia ( ĐVT: Tỷ đồng) ( Nguồn: Tổng cục Thống kê 78 )

Kết quả từ Table 3 cho thấy, trong tổng số 3.738.546 tỷ đồng tiền thu ngân sách năm 2019, thì khu vực kinh tế tư nhân đã có đóng góp 1.507.023 tỷ đồng (chiếm 40,3% tổng thu ngân sách cả nước) và vượt xa các thành phần kinh tế còn lại ( Table 4 ).

Table 4 Tỷ trọng đóng góp của các thành phần kinh tế trong thu ngân sách (%) (Nguồn: Tổng cục Thống kê 7 ; 8 và tính toán của nhóm tác giả)

Trong suốt giai đoạn từ 2011 đến 2019 thành phần kinh tế tư nhân vẫn luôn chiếm tỷ trọng trên 39% trong tổng thu ngân sách cả nước. Nếu như năm 2011, khu vực kinh tế tư nhân chỉ đóng góp chưa đầy 1 ngàn tỷ trong ngân sách nhà nước, thì đến năm 2019 đã đóng góp hơn 1,5 ngàn tỷ; tăng 1,5 lần trong vòng 7 năm. Điều này cho thấy, khu vực kinh tế tư nhân ngày càng chiếm vị trí vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đặc biệt là trong giai đoạn nguồn thu từ dầu mỏ và từ thuế nhập khẩu đang ngày càng giảm sút như hiện nay. Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân là nguồn đóng góp chính trong ngân sách nhà nước những năm qua và sẽ còn nhiều năm tới nữa ( Table 4 ).

Đóng góp trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng doanh nghiệp là sự tăng trưởng mạnh mẽ về vốn đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân.

Figure 3 . Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chia theo thành phần kinh tế (Nguồn: Lê Duy Bình, 2018 6 )

Figure 3 cho thấy, từ năm 2005 trở lại đây, vốn đầu tư trong khu vực tư nhân luôn đạt cao nhất so với các thành phần kinh tế khác. Cụ thể, năm 2015, vốn đầu tư khu vực tư nhân đạt tới 11.021 nghìn tỷ; trong khi đó khu vực nhà nước chỉ đạt 6.945 nghìn tỷ và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chỉ đạt 4.178 nghìn tỷ. Như vậy, chỉ riêng khu vực tư nhân đã chiếm gần 50% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Figure 4 . Tỷ trọng vốn đầu tư chia theo thành phần kinh tế (%) (Nguồn: Lê Duy Bình, 2018 6 )

Figure 4 cho thấy, nếu như năm 2000, vốn đầu tư khu vực tư nhân chỉ chiếm 10% tổng vốn đầu tư toàn xã hội thì đến năm 2010 đã chiếm tới 50% và duy trì tỷ trọng này trong suốt giai đoạn từ 2010 cho đến nay. Điều này cho thấy, khu vực tư nhân đã có những đóng góp tích cực trong việc huy động vốn và nguồn lực trong dân cư để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước.

Tóm lại, từ những số liệu phân tích trên cho thấy sự đóng góp của thành phần kinh tế tư nhân là vượt trội hơn hẳn so với các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế nước ta. Vì vậy có thể khẳng định, thành phần kinh tế tư nhân đã có sự tăng trưởng ấn tượng trong suốt thời gian dài và sẽ còn tiếp tục giữ vị trí quan trọng trong tăng trưởng kinh tế đất nước. Ngay cả trong giai đoạn kinh tế tư nhân chưa được thừa nhận rộng rãi ở nước ta, các nguồn lực và điều kiện kinh doanh ở khía cạnh nào đó cũng chưa được đảm bảo môi trường cạnh tranh công bằng so với các thành phần kinh tế khác thì kinh tế tư nhân vẫn luôn chứng minh được vai trò quan trọng của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Kinh nghiệm một số nước về phát triển kinh tế tư nhân

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Là một quốc gia xã hội chủ nghĩa, giáp với biên giới phía Bắc Việt Nam. Trước năm 1976 Trung Quốc cũng theo mô hình kinh tế tập trung của Liên Xô, người dân nghèo đói, không đủ ăn, thất nghiệp tràn lan. Đến năm 1976 Trung Quốc tiến hành cải cách nền kinh tế thị trường nhưng vẫn còn tập trung nhiều vào kinh tế nhà nước, thất nghiệp, tỷ lệ nghèo đói có xu hướng giảm nhưng vẫn còn rất cao. Đến năm 1990, Chính phủ Trung Quốc mới tập trung đẩy mạnh kinh tế tư nhân góp phần tạo ra những cú hích lớn cho nền kinh tế và giúp Trung Quốc trở thành quốc gia có nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Hoa Kỳ).

Theo nghiên cứu của Saite Lu và cộng sự (2017) đã phân tích tốc độ tăng trưởng kinh tế những năm gần đây của Trung Quốc khi tăng trưởng kinh tế đang chậm lại thông qua sự suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế GDP hằng năm từ 11,4% vào năm 2005 giảm còn 6,6% vào năm 2018. Nhóm tác giả cho rằng nguyên nhân của sự suy giảm này là do số lượng doanh nghiệp tư nhân và khu vực nhà nước có sự thay đổi trong nền kinh tế Trung Quốc. Từ năm 2005 – 2007 số lượng doanh nghiệp tư nhân Trung Quốc tăng và tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này cũng tăng, tuy nhiên giai đoạn 2011 – 2015 số lượng doanh nghiệp nhà nước tăng trong khi đó tốc độ tăng trưởng trong giai đoạn này lại giảm. Khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc đóng góp tới hơn 60% vào tăng trưởng GDP và sử dụng hơn 340 triệu lao động, thúc đẩy khoa học công nghệ trong nước phát triển 9 .

Kinh tế khu vực tư nhân của Trung Quốc – vốn đang nổi lên từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu – hiện đang đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc. Sự kết hợp của các con số 60/70/80/90 thường được sử dụng để mô tả đóng góp của khu vực tư nhân cho nền kinh tế Trung Quốc: họ đóng góp 60% GDP của Trung Quốc và chịu trách nhiệm cho 70% đổi mới, 80% việc làm đô thị và cung cấp 90% công việc mới 10 . Đầu tư tư nhân cũng dẫn đầu trong việc đầu tư trực tiếp ra nước ngoài và đạt mức cao kỷ lục năm 2016 là 170 tỷ USD. Tuy nhiên những năm gần đây của khu vực tư nhân ở Trung Quốc đang có dấu hiệu giảm, nguyên nhân một phần do chính phủ kiểm soát chặt chẽ nhiều hoạt động, một phần do căng thẳng từ cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Tháng 12-2019, tại Bắc Kinh, Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra thông báo sẽ tối ưu hoá môi trường kinh doanh của mình để giải phóng sức sống của các công ty tư nhân và thúc đẩy cạnh tranh công bằng, nhiều lĩnh vực sẽ được mở ra cho các công ty tư nhân như khuyến khích cung cấp các dịch vụ viễn thông cơ bản thông qua tham gia cổ phần, tham gia sản xuất và phân phối điện. Tư nhân Trung Quốc hiện nay cũng có thể tham gia vào các lĩnh vực như thăm dò, phát triển lọc dầu và tiếp thị dầu khí cũng như xây dựng các cơ sở hạ tầng liên quan đến đường ống lưu trữ và truyền tải dầu khí tự nhiên cũng như các sản phẩm dầu tinh chế, các công ty tư nhân cũng được tham gia xuất nhập khẩu trong lĩnh vực dầu khí. Ngoài ra, để thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ sẽ giảm bớt gánh nặng thuế của các doanh nghiệp tư nhân, khuyến khích phát hành công khai trái phiếu ở khu vực tư nhân, tối ưu hoá môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển. Khuyến khích các công ty tư nhân cải thiện quan hệ với các doanh nghiệp khác, tăng cường đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cấp công nghiệp, đặc biệt chú trọng phát triển các khu kinh tế tích hợp tư nhân thuộc khu vực Bắc Kinh – Thiên Tân – Hà Bắc và vành đai kinh tế sông Dương Tử 11 .

Kinh nghiệm của Hàn Quốc

Trong khi Việt Nam còn đang loay hoay với mô hình kinh tế tập trung bao cấp, chỉ chú trọng kinh tế nhà nước thì Hàn Quốc từ sớm đã xem nền kinh tế tư nhân là động lực của sự phát triển kinh tế. Nhiều chính sách ưu đãi để các doanh nghiệp sẵn có phát triển thành tập đoàn tư nhân.

Kinh tế Hàn Quốc vào trước những năm 1961 phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài, đặc biệt là của Mỹ, khi tổng thống Park Chung Hee lên nắm quyền vào năm 1961 đã thực hiện nhiều chính sách cải cách nền kinh tế, trong đó đặc biệt là tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, gia đình có sẵn phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn mà mọi người thường gọi là Chaelbol. Vào năm 1961, GDP bình quân đầu người tại Hàn Quốc là 82 USD, năm 2018 GDP bình quân đầu người là 43.290 USD xếp thứ 11 thế giới và thứ 4 tại Châu Á 12 . Hàn Quốc hiện nay được xem là một trong bốn con rồng Châu Á và tạo nên một huyền thoại phát triển sông Hàn.

Các chính sách mà chính phủ đã hỗ trợ các Chaelbol phát triển như: cho các Chaelbol vay với lãi suất rất thấp từ các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng nhà nước cũng bảo trợ, bảo lãnh để các Chaelbol có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài để các Chaelbol Hàn Quốc có thêm uy tín trên thị trường dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn dễ để mở rộng quy mô phát triển thành các Chaelbol; giảm thuế đánh vào các sản phẩm của Chaelbol để giúp các tập đoàn này có thêm động lực sản xuất nhiều sản phẩm phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, đưa sản phẩm Hàn Quốc xuất hiện khắp nơi trên thế giới nhằm mở rộng thị phần; đặc biệt hỗ trợ các Chealbol về xây dựng, nâng cao kết cấu hạ tầng như đường cao tốc, cầu, đường giúp việc vận chuyển hàng hoá giữa các vùng trở nên dễ dàng hơn, các Chaelbol ngoài trụ sở chính sẽ có nhiều công ty con ở khắp nơi giúp cân bằng việc làm không đổ dồn quá nhiều về một nơi 13 .

Nhờ những ưu đãi này các Chaelbol nhanh chóng lớn mạnh và đưa nền kinh tế Hàn Quốc trở nên hùng mạnh thoát khỏi được thâm hụt mậu dịch, lột xác từ một nước nghèo thành nước công nghiệp mới. Tới 80% GDP của Hàn Quốc là đến từ các tập đoàn kinh tế tư nhân này 14 .

Kinh nghiệm của Hoa Kỳ

Trong một bảng xếp vào năm 2018 của Millward Brown, top 10 doanh thương hiệu hàng đầu thế giới thì trong đó có tới 8 thương hiệu thuộc Hoa Kỳ như: Google; Apple; Amazon; Microsoft; Facebook; Visa; McDonald's; AT&T.

Hoa Kỳ được xem là một cường quốc thế giới về kinh tế, nền kinh tế đứng đầu thế giới với GDP đầu người năm 2019 là 66.112 USD 15 . Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân đóng góp rất lớn vào sự phát triển của Hoa Kỳ. Các doanh nghiệp tư nhân lớn tại Hoa Kỳ có chi nhánh rộng khắp thế giới được gọi là các tập đoàn đa quốc gia (MNC) như Boeing (tập đoàn đa quốc gia về sản xuất, chế tạo máy bay có trụ sở chính tại Chicago), Apple (tập đoàn công nghệ máy tính trụ sở chính tại Califonia), Amazon (tập đoàn công nghệ thương mại điện tử có trụ sở chính tại Seattle),… Điều này cho thấy kinh tế tư nhân tại Hoa Kỳ góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế của quốc gia này. Để tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển, chính phủ đã sớm có những chính sách cụ thể như chính sách thúc đẩy môi trường kinh doanh, nâng cao năng suất. Chính sách này được các tiểu bang xây dựng và phát triển để hỗ trợ các doanh nghiệp sao cho phù hợp với đặc điểm từng vùng để hỗ trợ được các doanh nghiệp một cách tối ưu nhất 16 .

Trong bài nghiên cứu của John F. Sopleo đã chỉ ra những chính sách mà Hoa Kỳ đã áp dụng để xây dựng một nền kinh tế tư nhân hùng mạnh như:

- Nhiệm vụ đầu tiên là tạo môi trường thuận lợi, xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân năng động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bằng cách cải cách ngành hải quan để hàng hoá sản xuất ra dễ dàng xuất khẩu ra thị trường thế giới, duy trì một gánh nặng thuế có thể quản lý và kiểm soát được;

- Ngay từ rất sớm, Hoa Kỳ đã nhận ra tầm quan trọng của việc tiếp cận tài chính để thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, Tổng tống và Quốc hội Mỹ quyết định các chính sách tài khoá, các ngân hàng Trung ương và Cục dự trữ Liên bang quyết định các chính sách tiền tệ nên việc các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nguồn vốn từ các ngân hàng lớn rất khó khăn nên Hoa Kỳ tạo điều kiện cho nhiều ngân hàng thương mại tư nhân xuất hiện, xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp trên khung pháp lý để hỗ trợ các doanh nghiệp cần vốn có thể vay một cách nhanh chóng, dễ dàng;

- Chính phủ Hoa Kỳ cũng chú trọng xây dựng môi trường chính trị an ninh ổn định tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển và đảm bảo sự an tâm khi nước ngoài đầu tư vào Hoa Kỳ, hiện nay dòng chảy đầu tư từ nước ngoài vào Hoa Kỳ có tỷ lệ cao hơn cả sự tăng trưởng kinh tế của quốc gia này 17 .

THẢO LUẬN VÀ RÚT RA BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Không thể phủ nhận vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế đất nước, cho đến nay, Đảng cũng đã khẳng định kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong Nghị quyết số 10-NQ/TW. Từ đây, bắt đầu thừa nhận sở hữu tư nhân, tập đoàn kinh tế tư nhân… Song, để kinh tế tư nhân thực sự phát triển và không bị trói buộc thì không chỉ dừng ở nhận thức, quan điểm mà phải quyết liệt trong việc thực thi, ban hành và triển khai những chính sách cụ thể, có tính khả thi trong thực tế để chủ trương, quan điểm không chỉ dừng lại trên lý thuyết. Ngoài ra, một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia mà Việt Nam có thể học tập để phát triển kinh tế tư nhân là:

Thúc đẩy cạnh tranh công bằng giữa các thành phần kinh tế, cho phép kinh tế tư nhân tham gia vào nhiều lĩnh vực, kể cả các lĩnh vực ở nhiều nước chỉ có thành phần kinh tế nhà nước được độc quyền cung cấp như điện, khoáng sản, viễn thông…

Khuyến khích và tạo mọi điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân, kinh doanh cá thể có sẵn, phát triển thành các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn. Đồng thời xây dựng nhiều chính sách ưu đãi như: (i) cho các tập đoàn kinh tế tư nhân vay với lãi suất rất thấp từ các ngân hàng nhà nước, các ngân hàng nhà nước cũng bảo trợ, bảo lãnh để họ có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn nước ngoài; (ii) giảm thuế đánh vào các sản phẩm của các tập đoàn kinh tế tư nhân; (iii) đặc biệt hỗ trợ các tập đoàn kinh tế tư nhân về xây dựng, nâng cao kết cấu hạ tầng như đường cao tốc, cầu đường, giúp việc vận chuyển hàng hoá được dễ dàng hơn và tiết kiệm chi phí nhằm nâng cao tính cạnh tranh cho sản phẩm được sản xuất trong nước.

Để thúc đẩy phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, chính phủ nên giảm bớt gánh nặng thuế của các doanh nghiệp tư nhân (về cả thuế suất và các thủ tục hành chính rườm rà) nhằm khuyến khích loại hình kinh doanh cá thể, hộ gia đình chuyển đổi sang mô hình doanh nghiệp. Khuyến khích phát hành công khai trái phiếu ở khu vực tư nhân, tối ưu hoá môi trường pháp lý để tạo điều kiện thuận lợi cho khu vực tư nhân đầu tư phát triển. Khuyến khích các công ty tư nhân cải thiện quan hệ với các doanh nghiệp khác, tăng cường đổi mới, trao đổi khoa học công nghệ trong sản xuất, nâng cấp công nghiệp.

Cần xây dựng những chính sách hỗ trợ cụ thể khác cho khu vực kinh tế tư nhân ngay từ sớm như: tạo môi trường thuận lợi, xây dựng một khu vực kinh tế tư nhân năng động, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư bằng cách cải cách ngành hải quan để hàng hoá sản xuất ra dễ dàng xuất khẩu ra thị trường thế giới. Xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp dựa trên khung pháp lý hiện hành nhằm thúc đẩy đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại tư nhân xuất hiện, xây dựng chính sách tiền tệ phù hợp để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn một cách nhanh chóng và dễ dàng. Bên cạnh đó, chính phủ cần chú trọng xây dựng môi trường an ninh, chính trị ổn định tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp tư nhân trong nước phát triển và đảm bảo sự an tâm khi nước ngoài đầu tư vào trong nước.

KẾT LUẬN

Mặc dù không đóng vai trò chủ đạo trong nền kinh tế của đất nước, được thừa nhận và phát triển sau, nhưng thành phần kinh tế tư nhân đã đóng góp nhiều thành quả rất quan trọng trong nền kinh tế trên tất cả các mặt: GDP, thu ngân sách, nguồn vốn đầu tư… Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân phù hợp với điều kiện của nước ta là hết sức cần thiết. Đến nay, Đảng ta đã khẳng định kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, đặc biệt trong thời kỳ hội nhập quốc tế, nước ta đã hội nhập sâu, rộng vào nền kinh tế thế giới. Từ kinh nghiệm phát triển kinh tế tư nhân của một số nước phát triển và thực tiễn của nước ta trong những năm qua. Để phát triển kinh tế tư nhân có hiệu quả, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế, giữ đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, Chính phủ cần có những chủ trương, chính sách đột phá, phát huy nội lực, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển kinh tế tư nhân theo đúng chủ trương, mục tiêu mà Đảng đã xác định.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

- Tác giả Nguyễn Thanh Huyền: thu thập dữ liệu và viết các phần: phương pháp nghiên cứu và nguồn dữ liệu; khái quát thành quả phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam; thảo luận kết quả nghiên cứu và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

- Tác giả Lê Nữ Minh Quyên: viết phần cơ sở lý luận và kinh nghiệm một số nước về phát triển kinh tế tư nhân.

References

  1. Lan Dặng Thị, Vinh Lê Thị. Đề tài Nafosted: Quan hệ sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam hiện nay, mã số I1.2-2011.14. . 2011;:. Google Scholar
  2. Bình Phạm Thị Thanh. Kinh tế tư nhân: Động lực quan trọng trong phát triển kinh tế Việt Nam, Tạp chí Cộng sản, truy cập ngày 20/01/2020. . 2018;:. Google Scholar
  3. Hảo NV. Giáo trình Kinh tế chính trị Mác - Lênin, Bộ Giáo dục và đào tạo: NXB Chính Trị. . 2005;:. Google Scholar
  4. Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/06/2017 về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. . 2017;:. Google Scholar
  5. Đảng cộng sản Việt Nam. Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII: NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội. . 2021;:. Google Scholar
  6. Bình Lê Duy. Kinh tế tư nhân Việt Nam: Năng suất và thịnh vượng. Nghiên cứu của Economica, dự án hợp tác giữa Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển Châu Á. . 2018;:. Google Scholar
  7. Tổng cục Thống kê. . ;:. Google Scholar
  8. Tổng cục Thống kê. Niên giám thống kê cả nước năm 2019: NXB Thống kê. . 2020;:. Google Scholar
  9. Lu Saite. A theory of economic development and dynamics of Chinese economy. . 2017;:. Google Scholar
  10. Zitelmann Rainer. State Capitalism? No, The private sector was and is the main driver of China's economic. . 2019;:. Google Scholar
  11. Xinhua. China's private economy to thrive in better business enviroment. . 2019;:. Google Scholar
  12. World Ranking. . 2019;:. Google Scholar
  13. Chung Sung Chul. Inovation, competitive and growth: Korean experience. . 2016;:. Google Scholar
  14. Report EY. The power of three. . 2013;:. Google Scholar
  15. IMF. World economic outlook database. . 2019;:. Google Scholar
  16. Eberts Rendall W.. Local governance for promoting employment. . 2017;:. Google Scholar
  17. Sopleo John F.. Private sector development and economic growth: Lesson from the US experience in Afghanistan. . 2018;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1686-1698
Published: Jul 5, 2021
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i3.761

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huyền, N., & Lê, M. Q. (2021). Private economic development, experience of some countries and lessons for Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 5(3), 1686-1698. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i3.761

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1769 times
Download   = 1129 times
View Article   = 0 times
Total   = 1129 times