Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

2275

Total

768

Share

Risk management for individual traders in financial market






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

When participating in the financial market, few investors can sustainably succeed in the market, most of them often make psychological mistakes that lead to failure. The article applies theories and synthesizes empirical studies to analyze common mistakes of individual traders based on the theory of behavioral finance, including: prospect theory, herding effect, house money effect, sunk costs, and overconfidence. The article uses qualitative methods combined with descriptive statistics on a sample of 120 individual investors who are directly trading on the financial market, using a convenience sampling method. The results show that the disposition effect has the strongest impact on investors' decisions, specifically, 81.3% of investors often close their profit positions too soon while the trend is still continuing. Hesitating when making decisions or trading with weak signal, being influenced by others also have a strong impact on the trader, the rest of the factors have a moderate impact. From those results, the article analyzes that the main cause of psychological deviations is "fear" inside each person. Investors close their profit positions early because of the regret aversion if losing that profit, they hesitate to make decisions because of the fear of making mistakes, affected by the herd effect is due to the isolation aversion. On that basis, the article proposes solutions to help investors control psychological factors to survive and succeed in their trading activities, the solution emphasizes self-discipline, planning, and a constant learning process.

Giới thiệu

Thị trường tài chính là nơi rất nhiều nhà đầu tư mong muốn có thể làm giàu nhanh chóng nhờ hoạt động giao dịch nhưng chỉ khoảng 10% trong số đó có thể tồn tại lâu dài và kiếm được tiền ổn định nhờ hoạt động giao dịch 1 . Theo Mark Douglas (2020) 2 , thành công giao dịch được cấu thành bởi 80% tâm lý và 20% phương pháp. Giao dịch không giống như đánh bạc, trong trò chơi đánh bạc chúng ta quyết định được số tiền đặt cược, biết chính xác mình có thể kiếm được hay đánh mất bao nhiêu cho mỗi lần chơi, trò chơi sẽ kết thúc cho dù người chơi muốn hay không và họ được chủ động lựa chọn có tham gia tiếp hay không. Nhưng trong giao dịch thì hoàn toàn khác, chúng ta không biết giá sẽ biến động như thế nào, tiềm năng lãi lỗ là không giới hạn, một giao dịch chỉ kết thúc khi nhà đầu tư chủ động thoát khỏi nó.

Tuy nhiên, con người trên thực tế không phải là những con người kinh tế duy lý hoàn hảo như trong giả định của tài chính truyền thống để tạo nên một thị trường hiệu quả 3 . Kinh tế học hành vi đã chứng minh nhà đầu tư là những con người không duy lý, họ bị tác động bởi các lệch lạc tâm lý, thiên hướng dựa vào kinh nghiệm dẫn đến các quyết định không hiệu quả 4 .

Vì thế nếu nhà giao dịch không kiểm soát được tâm lý (đặc biệt là lòng tham và nỗi sợ), không có các biện pháp quản lý rủi ro hiệu quả, hậu quả có thể là những thua lỗ nặng nề, thậm chí phả hủy hết tài sản và những tổn thương tinh thần khó có thể hồi phục.

Quản trị rủi ro bao gồm các biện pháp quản lý vốn, quản lý tỷ lệ lợi nhuận - thua lỗ cùng với các biện pháp quản lý cảm xúc cá nhân, đây là bí quyết thành công bền vững trên thị trường tài chính được đề cập trong các tài liệu hướng dẫn giao dịch của những nhà giao dịch thành công như Mark Minervini (2019) 5 , Mark Minervini (2017) 6 ; Andrew Aziz (2019) 7 ; Alexander Elder (2014) 8 ; Walter Peters (2020) 9 , Andrew Abraham (2021) 10 , Nicolas Darvas (2018) 11 , Howard Marks (2019) 12 .

Lý do bài viết lựa chọn trình bày vấn đề “Quản trị rủi ro đối với nhà giao dịch cá nhân” là để giúp các nhà đầu tư cá nhân có thêm một cái nhìn rõ nét về những sai lầm tâm lý thường gặp trong quá trình giao dịch, tính cần thiết của quản trị rủi ro và những phương pháp quản trị rủi ro phù hợp để hoạt động giao dịch được hiệu quả hơn. Bài viết chỉ tập trung phân tích hành vi của những nhà giao dịch cá nhân trên thị trường tài chính bao gồm cả thị trường chứng khoán, thị trường quyền chọn và thị trường hợp đồng trương lai. Nhà giao dịch cá nhân là những nhà đầu tư cá nhân trực tiếp thực hiện các lệnh giao dịch của mình. Bài viết chọn phân tích nhà giao dịch cá nhân là vì các quyết định giao dịch của họ không bị sự kiểm soát bởi một nhà quản lý độc lập hay một tổ chức nào khác mà bản thân họ là người quản lý chính mình, do đó nhà giao dịch cá nhân thường mắc phải các sai lầm mang tính bản chất con người, việc tuân thủ kỷ luật và các nguyên tắc quản trị rủi ro thường bị vi phạm dẫn đến rất nhiều nhà giao dịch cá nhân không thể đạt được thành công khi tự giao dịch.

Kết cấu bài viết bao gồm bốn phần chính: phần một trình bày lý do tại sao cần phải nghiên cứu vấn đề quản trị rủi ro cho các nhà giao dịch cá nhân; phần hai nêu cơ sở lý thuyết cho những phân tích, phần ba trình bày phương pháp và kết quả nghiên cứu, phần bốn trình bày nguyên nhân và những giải pháp gợi ý

Cơ sở lý thuyết

Lý thuyết triển vọng (prospect theory):

Lý thuyết triển vọng được phát triển bởi Kahneman và Tversky (1979) 13 trong đó điểm chính yếu của lý thuyết nghiên cứu cách thức cá nhân đánh giá các triển vọng rủi ro và thực hiện hành vi trong điều kiện không chắc chắn. Lý thuyết này có ý nghĩa lớn trong việc giải thích các hành vi của những nhà đầu tư tài chính vì các hoạt động giao dịch tài chính cũng là một trò chơi mà trong đó người chơi phải đưa ra quyết định trong điều kiện không chắc chắn và đối mặt với rủi ro.

Theo lý thuyết triển vọng, lựa chọn của cá nhân bị ảnh hưởng bởi điểm tham chiếu, hữu dụng mà cá nhân nhận được phụ thuộc vào thái độ của họ đối với lời và lỗ được hình thành trong quan hệ với điểm tham chiếu. Các cá nhân không phải là những người tối đa hóa giá trị như giả định của tài chính truyền thống. Kahneman và Tversky (1979) 13 tìm thấy rằng hữu dụng mà cá nhân nhận được khi lời nhỏ hơn hữu dụng họ mất đi khi đối mặt với một khoản lỗ tương đương, điều đó có nghĩa là thêm 1$ lỗ và 1$ lãi sẽ mang lại hữu dụng âm cho nhà đầu tư mặc dù tổng giá trị của họ là không đổi, do đó hàm giá trị (thể hiện trong Figure 1 ) có dạng hình chữ S, dốc hơn trong vùng âm và thoải hơn trong vùng dương thay vì đường thẳng như trong lý thuyết hữu dụng kỳ vọng truyền thống.

Figure 1 . Hàm giá trị theo lý thuyết triển vọng 13

Figure 1 
<a class=13" width="300" height="200">

[Download figure]

Lý thuyết triển vọng là nền tảng để giải thích cho rất nhiều sai lầm mang tính tâm lý của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường tài chính, các lệch lạc tâm lý đó có thể kể đến bao gồm:

Hiệu ứng ngược vị thế

Hiệu ứng ngược vị thế (disposition effect) mô tả hành vi các cá nhân có xu hướng đóng vị thế rất nhanh khi có được những khoản lãi nhỏ (ngại rủi ro trong miền dương) nhưng lại giữ vị thế rất lâu khi bị thua lỗ (tìm kiếm rủi ro trong miền âm) khiến các khoản lỗ trở nên nghiêm trọng hơn, làm giảm tỷ trọng các khoản lãi/lỗ cần thiết để đạt được mức sinh lời tối ưu, thậm chí có khả năng mang lại những khoản lỗ lớn phá hủy tài khoản của nhà đầu tư. Hiệu ứng ngược vị thế được các nhà kinh tế học hành vi giải thích thông qua các hiện tượng tâm lý: (1) lý thuyết triển vọng (prospect theory); (2) sự e ngại thua lỗ (loss aversion); (3) sự e ngại nuối tiếc (regret aversion) (Markku Kaustia, 2011) 14 . Hiện tượng này được lý thuyết triển vọng giải thích là do hữu dụng mất đi đối với một khoản lỗ chắc chắn lớn hơn hữu dụng mất đi đối với các khoản lỗ kỳ vọng có cùng giá trị vì thế họ sẽ nắm giữ khoản lỗ lâu hơn với hy vọng giá sẽ quay về gần hoặc đến điểm hòa vốn (tâm lý e ngại thua lỗ và e ngại nuối tiếc), trong khi hữu dụng nhận được đối với khoản lãi chắc chắn lớn hơn hữu dụng nhận được đối với khoản lãi kỳ vọng có cùng giá trị do đó nhà đầu tư thường đóng các vị thế lãi nhanh hơn do lo sợ sẽ mất lợi nhuận thay vì cho lãi tiếp tục chạy khi thị trường vẫn còn xu hướng. Tác động tiêu cực của hiệu ứng ngược vị thế đến hiệu quả giao dịch đã được kiểm chứng trong các nghiên cứu thực nghiệm của Zouaoui Marwa & Bellouma Meryem (2018) 15 ; Sunaina Kanojia, Deepti Singh & Ashutosh Goswami (2018) 16 ; Girish S. R. & Kantesha Sanningammanavara (2014) 17 .

Hiệu ứng mô tả

Hiệu ứng mô tả (framing effect) là hệ quả của lý thuyết triển vọng, con người ưa thích kết quả chắc chắn hơn các lựa chọn rủi ro khiến họ bị chi phối bởi cách trình bày vấn đề. Cách thức diễn đạt vấn đề tạo nên ảo tưởng về sự chắc chắn, từ đó dẫn đến các lựa chọn không hợp lý như lý thuyết hữu dụng kỳ vọng. Kahneman và Tversky (1979) 13 phát hiện ra rằng khi các sự kiện được mô tả theo hướng tích cực, cá nhân có xu hướng chọn sự kiện chắc chắn hơn là chọn trò chơi không chắc chắn ngay cả khi trò chơi đó có giá trị kỳ vọng bằng hoặc lớn hơn. Họ cũng sẽ chọn một trò chơi được miêu tả tích cực hơn là một trò chơi được miêu tả tiêu cực ngay cả khi cả hai có cùng giá trị kỳ vọng.

Hiệu ứng này dẫn đến một thực trạng là rất nhiều người dù chưa biết gì về đầu tư, giao dịch, không có kiến thức gì về tài chính và phân tích nhưng vẫn tìm đến thị trường chỉ vì những lời giới thiệu hấp dẫn của những môi giới về một công việc nhẹ nhàng, những cam kết về lợi nhuận cao và chắc chắn, nhận được sự hỗ trợ của hệ thống chuyên gia cao cấp và một cộng đồng giao dịch chuyên nghiệp. Tác động của “hiệu ứng mô tả” từ cách diễn đạt tích cực, những minh chứng về những người đã thành công với mức lãi khủng và cuộc sống xa hoa, kết hợp với tác động của “hiệu ứng bầy đàn” khi thấy nhiều người khác đã tham gia đã làm cho nhiều cá nhân mất cảnh giác trước những rủi ro, tham gia giao dịch năng động với khối lượng lớn trong trạng thái không biết gì, không có bất kỳ một kế hoạch giao dịch và quản trị rủi ro nào, thậm chí dễ dàng giao phó một số tiền lớn cho người khác giao dịch thay. Đây là một sai lầm tồi tệ mà nhiều nhà đầu tư mắc phải và hậu quả rất đau đớn khi nhiều người phải gánh chịu những tổn thất vật chất và tinh thần nghiêm trọng, thậm chí không thể hồi phục lại.

Bình quân thua lỗ

Bình quân thua lỗ là tình trạng nhà đầu tư không ngừng đổ nhiều tiền hơn vào các giao dịch thua lỗ với mong muốn gỡ lại vốn từ các giao dịch sau, né tránh cảm giác đau khổ do thua lỗ gây ra. Cụ thể, khi nhà đầu tư đang theo vị thế mua mà giá lại giảm, nhà đầu tư lại không ngừng bồi thêm lệnh mua khi giá tiếp tục giảm sâu hơn, hoặc khi đang bán khống mà giá lại tăng, nhà đầu tư lại mở thêm các vị thế bán mới tại các mức giá cao hơn. Đây là một trong những cách nhanh nhất đốt cháy tài khoản của nhà giao dịch. Các nhân viên môi giới thường khuyến khích khách hàng nên mua nhiều cổ phiếu hơn khi đã lỡ ôm cổ phiếu đang thua lỗ, họ cho rằng điều này sẽ làm giảm giá vốn mua cổ phiếu. Nếu bạn đã cảm thấy muốn mua tại giá 50 ngàn đồng, tất nhiên bạn sẽ muốn mua hơn khi cổ phiếu có giá 40 ngàn đồng, nếu mua tại mức giá 40, giá bình quân bây giờ là 45 ngàn đồng. Lúc này khối lượng cổ phiếu mua tăng lên gấp đôi đồng nghĩa rủi ro phải gánh chịu tăng lên gấp đôi so với ban đầu. Nếu cổ phiếu tiếp tục giảm, điều tồi tệ sẽ xảy ra. Đã có rất nhiều cổ phiếu trải qua các đợt giảm giá sâu và kéo dài, thậm chí không ít trong số đó giá không bao giờ quay trở lại mức ban đầu. Trong trường hợp này, nếu nhà đầu tư không ngừng bình quân thua lỗ, tổn thất nhà đầu tư phải gánh chịu là vô cùng lớn, thậm chí là không thể khôi phục lại tài khoản. Figure 2 , Figure 3 , Figure 4 là một vài ví dụ về những cổ phiếu giảm giá sâu kể từ khi niêm yết trên sàn giao dịch.

Figure 2 . Giá cổ phiếu YEG từ lúc niêm yết vào 6/2018 đến thời điểm hiện tại (cập nhật đến ngày 17/3/2021), cổ phiếu đạt đỉnh ở mức 350 ngàn đồng/CP và hiện tại giảm còn 39,5 ngàn đồng/CP

Figure 3 . Giá cổ phiếu VTR từ lúc niên yết cuối 9/2019 đến thời điểm hiện tại (cập nhật đến ngày 17/3/2021), cổ phiếu đạt đỉnh ở mức 85 ngàn đồng/CP và hiện tại giảm còn 39 ngàn đồng/CP

Figure 4 . Giá cổ phiếu TTA từ lúc niên yết cuối 9/2020 đến thời điểm hiện tại (cập nhật đến ngày 17/3/2021), cổ phiếu đạt đỉnh ở mức 23,7 ngàn đồng/CP và hiện tại giảm còn 15,3 ngàn đồng/CP

Tâm lý đám đông và hiệu ứng bầy đàn

Tham gia vào đám đông là bản năng được hình thành từ xa xưa, khi đó con người tham gia vào các nhóm vì muốn được an toàn, càng có nhiều sự không chắc chắn chúng ta càng bị thôi thúc tham gia vào các nhóm. Trong đám đông, mọi tình cảm và hành động đều có tính lây nhiễm, cá nhân trong đám đông mất đi hành động có ý thức, chỉ còn tồn tại hành động vô thức và dễ dàng làm theo gợi ý của người đứng đầu, lúc này không có sự khác biệt giữa người có học thức hay người thất học 18 , 19 .

Trong thị trường tài chính, nhiều nhà giao dịch bị nỗi sợ hãi bao trùm vì họ không kiểm soát được giá, sự không chắc chắn này khiến họ tìm kiếm đến các hội nhóm và những nhà lãnh đạo - người sẽ nói cho họ nên làm cái gì. Tuy nhiên, việc tham gia nhóm có thể làm tổn hại đến nhà đầu tư, họ sẽ mất đi sự độc lập của mình khi bắt đầu đặt niềm tin vào những chuyên gia thị trường hơn là bản thân và không tuân thủ các kế hoạch giao dịch đã đề ra. Thật không may, tỷ lệ dự đoán đúng của những người gọi là chuyên gia còn thấp hơn xác suất một người không biết gì dự đoán về thị trường 1 .

Tham gia vào đám đông, nhà đầu tư sẽ bị chi phối bởi “hiệu ứng bầy đàn”, hiệu ứng này được định nghĩa là xu hướng các nhà đầu tư thực hiện hành vi theo những hành động của những người khác, những nhà nghiên cứu thực nghiệm thường xem xét kỹ sự tồn tại của hiệu ứng bầy đàn vì trên thực tế các nhà đầu tư thường dựa vào các thông tin tập thể nhiều hơn là những thông tin cá nhân 20 . Waweru và cộng sự (2008) 21 kết luận rằng các quyết định mua và bán của một nhà đầu tư bị ảnh hưởng đáng kể bởi các quyết định của những người khác và hành động bầy đàn giúp các nhà đầu tư giảm cảm giác hối tiếc về quyết định của mình. Khi bị đám đông chi phối, suy nghĩ của cá nhân dễ trở nên bốc đồng, mù quáng và hấp tấp hơn, mất kỷ luật và có thể thực hiện các giao dịch liều lĩnh. “Một khi bạn để cho người khác ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của mình, khả năng chiến thắng của bạn sẽ tan thành mây khói” 8 . Nicolas Darvas cũng phải trải qua thua lỗ, bỏ qua hết hệ thống giao dịch và nguyên tắc của bản thân khi ở trong đám đông, cuối cùng ông rút ra được bí quyết giúp ông giao dịch thành công là tránh xa đám đông và các phân tích của chuyên gia, không nghe tin tức mà chỉ tập trung vào hệ thống giao dịch và thực hiện kỷ luật nguyên tắc giao dịch 11 . Đôi khi, các thành viên một nhóm có thể bắt kịp một vài xu hướng nhưng họ thường rủ nhau chết chung khi xu hướng đảo chiều 7 . Hiệu ứng bầy đàn thường gây ra hiện tượng bong bóng đầu cơ trên thị tường tài chính, một nhà đầu tư theo đám đông thường gia nhập thị trường khi nó bắt đầu có dấu hiệu tăng quá mức và sẽ đối mặt với rủi ro lớn khi bong bóng đầu cơ đổ vỡ. Nghiên cứu của Zouaoui Marwa & Bellouma Meryem (2018) 15 cũng cho thấy tác động tiêu cực của hiệu ứng bầy đàn lên kết quả giao dịch của nhà đầu tư.

Lý thuyết tính toán bất hợp lý - Hiệu ứng thu nhập ngoài kỳ vọng

Hiệu ứng thu nhập ngoài kỳ vọng (house money effect) được giải thích bằng lý thuyết tính toán bất hợp lý (metal accounting) - một khái niệm được phát triển bởi Thaler (1985) 22 - mô tả xu hướng con người sắp xếp và sử dụng các nguồn tiền vào các tài khoản mang tính quy ước trong đầu. Khi con người có khuynh hướng xem các tính toán này là tách biệt nhau, đôi khi họ không thấy được đâu là thứ tốt nhất cho toàn bộ tình hình tài chính.

Trong giao dịch tài chính, hiệu ứng thu nhập ngoài kỳ vọng nghĩa là nhà giao dịch thường không xem số tiền kiếm được từ thị trường là tiến vốn của mình, họ sẵn lòng chấp nhận rủi ro cao hơn với số tiền vừa thắng được trước đó. Ví dụ khi nhà đầu tư kiếm được $5000, họ không xem $5000 này là số vốn của mình trước khi bắt đầu cuộc chơi mà xem đó là tiền của thị trường và có xu hướng thực hiện các giao dịch rủi ro hơn với số tiền này. Đây là quan niệm hết sức sai lầm, nếu duy trì lối nghĩ như thế, thị trường sẽ lấy lại tiền. Điều này phù hợp với các kết quả nghiên cứu thực nghiệm của Yosra Mefteh Rekik, Younes Boujelbene (2013) 23 , Kengatharan, L., Kengatharan, N. (2014) 24 , Luu Thi Bich Ngoc (2014) 25 về tác động của lý thuyết tính toán bất hợp lý và hiệu ứng thu nhập ngoài kỳ vọng lên hiệu quả đầu tư.

Chi phí chìm

Chi phí chìm (sunk cost) là chi phí đã xảy ra và không thể thay đổi được bởi bất kỳ quyết định nào trong hiện tại và tương lai. Trong giao dịch tài chính, những khoản cắt lỗ của các giao dịch trước đó là chi phí chìm đối với các giao dịch tiếp theo vì đó là những khoản lỗ đã xảy ra rồi và không thể thay đổi được. Do đó, một nhà đầu tư hợp lý khi đưa ra các quyết định cho các giao dịch tiếp theo sẽ không bị ảnh hưởng bởi những khoản lỗ trước đó mà phải tập trung thực hiện các giao dịch theo đúng các kế hoạch đề ra, quyết định mức cắt lỗ và chốt lãi dựa theo các phân tích kỹ thuật và những tín hiệu trên đồ thị.

Tuy nhiên, trên thực tế, quyết định của những nhà giao dịch lại bị ảnh hưởng bởi các chi phí chìm này. Theo lý thuyết triển vọng, hữu dụng của những khoản lỗ lớn hơn hữu dụng của những khoản lãi tương đương nên khi thua lỗ nhà đầu tư cần những khoản lãi lớn hơn mới có thể bù đắp được khoản hữu dụng tổn thất trước đó 13 . Vì thế, khi phải chấp nhận các khoản lỗ trong những giao dịch trước mang lại một cảm giác đau đớn mất mát, nên khi thực hiện các giao dịch tiếp theo nhà đầu tư thường có tâm lý gỡ vốn và chấp nhận rủi ro hơn, cố chấp theo đuổi các khoản lãi lớn hơn để bù đắp lại những tổn thất trong những giao dịch trước mặc dù tín hiệu từ phân tích kỹ thuật cho thấy cần phải chốt lãi hoặc thị trường có dấu hiệu đảo chiều. Điều này dẫn đến rất nhiều trường hợp các giao dịch đang lãi lớn trở thành các giao dịch hòa vốn thậm chí thua lỗ vì lúc này các quyết định của nhà đầu tư không còn độc lập và khách quan nữa mà bị ảnh hưởng bởi chi phí chìm là những khoản lỗ trước đó. Các khoản thua lỗ càng lớn thì mức độ chấp nhận rủi ro để tìm kiếm các khoản lãi lớn hơn càng gia tăng, điều này dẫn đến kết quả giao dịch của nhà đầu tư trở nên kém hơn.

Chi phí chìm cũng dẫn đến hiệu ứng “sự trả thù của con bạc”. Khi gặp phải khoản lỗ lớn, thường chúng ta có khuynh hướng trở nên giận dữ, cay cú và nhanh chóng muốn lấy lại khoản lỗ bằng cách giao dịch với quy mô lớn hơn, đây chính là giao dịch trả thù. Sai lầm mang tính bản năng này là nguyên nhân khiến phần lớn các nhà giao dịch phải nhận lấy khoản lỗ còn lớn hơn nữa. Khi chúng ta thực hiện các giao dịch trong lúc tâm trạng cay cú thường bị tác động mạnh bởi cảm xúc do đó sẽ không giữa được bình tĩnh và sáng suốt để đánh giá đúng xu hướng của thị trường cũng như không đủ kiên nhẫn để đợi những điểm vào lệnh phù hợp, do đó xác suất vào lệnh đúng sẽ giảm đi và lợi nhuận kỳ vọng cũng giảm theo. Theo Andrew Aziz (2019) 7 “giao dịch có lợi nhuận không gán với cảm xúc. Nếu bạn là một nhà giao dịch theo cảm xúc, bạn sẽ mất tiền”

Tự tin quá mức

Tự tin quá mức (overconfidence) là hành động cá nhân đánh giá quá cao độ chính xác của thông tin, kiến thức, kỹ năng và khả năng của bản thân, trong tình huống như vậy, các nhà đầu tư thường đánh giá sai giá trị, quan điểm, niềm tin và khả năng của họ 16 . Các nhà đầu tư tự tin quá mức thường giao dịch nhiều hơn với khối lượng giao dịch càng lớn và có mức hữu dụng kỳ vọng thấp hơn những nhà đầu tư hợp lý 26 . Biais và cộng sự (2005) 27 chỉ ra rằng những nhà giao dịch tự tin quá mức có xu hướng đặt nhiều lệnh không có lợi nhuận hơn những nhà giao dịch khác, kết quả này tương tự với nghiên cứu của Kengatharan, L., Kengatharan, N. (2014) 24 .

Nhà giao dịch huyền thoại Paul Todor Jones từng nói: “Khoản lỗ lớn nhất của tôi xuất hiện sau khi tôi trải qua giai đoạn giao dịch thành công nhất, điều khiến tôi bắt đầu nghĩ rằng mình thật tài giỏi”. “Có những thời điểm bạn thấy rằng kiếm tiền trên thị trường cổ phiếu thật dễ, thường đây là lúc bạn trở nên ngạo mạn và bất cẩn dễ dẫn đến thảm họa” 8 .

Phương pháp nghiên cứu và kết quả nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính kết hợp thống kê mô tả. Thông tin thứ cấp được thu thập từ sách vở, các bài báo có uy tín, thông tin sơ cấp thu thập thông qua bảng khảo sát.

Mặc dù đầu tư trên mỗi thị trường khác nhau có những phương pháp và kiến thức chuyên môn khác nhau cho từng thị trường, tuy nhiên tất cả nhà đầu tư đều bị chi phối bởi các yếu tố tâm lý như nhau. Do đó, tác giả lựa chọn đối tượng khảo sát là những nhà đầu tư đang trực tiếp giao dịch trên thị trường tài chính không phân biệt đang giao dịch trên thị trường chứng khoán, thị trường quyền chọn hay thị trường hợp đồng trương lai.

Do giới hạn nguồn lực, tác giả khảo sát mẫu là 120 nhà đầu tư, phạm vi khảo sát trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh vì đây là trung tâm kinh tế tài chính lớn nhất của Việt Nam. Phương pháp lấy mẫu thuận tiện, bảng khảo sát được gởi online vào email, zalo hay messenger của nhà đầu tư thông qua người môi giới của các sàn giao dịch và các hội nhóm giao dịch.

Bảng khảo sát gồm 2 phần, phần 1 gồm những câu hỏi về đặc điểm nhân khẩu học của nhà đầu tư như giới tính, độ tuổi, thời gian tham gia đầu tư, phần 2 gồm 17 câu hỏi liên quan đến các vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến quyết định giao dịch của nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi 5 nhóm lý thuyết được trình bày trong phần 2, nội dung và số thứ tự câu hỏi được tổng hợp trong Table 1 .

Table 1 Câu hỏi khảo sát những vấn đề tâm lý của nhà đầu tư trong quá trình giao dịch

Kết quả nghiên cứu

Số phiếu thu về là 120 phiếu, số phiếu hợp lệ là 107 phiếu. Tỷ lệ nhà đầu tư nữ là 47,7%, tỷ lệ nhà đầu tư nam là 52,3%.

Kết quả khảo sát được thể hiện trong Figure 5 , theo đó, tác động mạnh nhất của lý thuyết triển vọng lên nhà đầu tư được thể hiện thông qua hành động “đóng lệnh lãi quá sớm” trong khi xu hướng hiện tại vẫn còn duy trì, đây là sai lầm mà nhiều nhà đầu tư mắc phải nhất, 81,3% số nhà đầu tư được khảo sát đều thừa nhận mình mắc phải lỗi này. Các biểu hiện khác cũng tác động trung bình đến nhà đầu tư, tỷ trọng của các yếu tố này dao động khoảng 20%, cụ thể 25,2% nhà đầu tư cho biết họ không có kế hoạch mở thêm vị thế khi đang lãi nhưng lại thường xuyên bồi lệnh khi đang lỗ (bình quân thua lỗ), 21,5% nhà đầu tư nới rộng hoặc bỏ luôn mức dừng lỗ (stop loss) khi giá đang di chuyển theo hướng bất lợi, 19,6% thường xuyên cảm thấy tiếc nuối các lệnh lãi đã đóng sớm và bồi thêm lệnh để gỡ lại phần lợi nhuận bỏ lỡ, và 19,6% không xác định trước các mức giá mục tiêu nên đóng lệnh tùy tiện.

Hiệu ứng bầy đàn tác động khá mạnh đến nhà đầu tư, trong đó 67,3% tổng số người được khảo sát cho biết họ cảm thấy do dự, không dứt khoát khi vào và thoát lệnh” hệ quả họ thường trông chờ vào một lời khuyên của những người khác khi mở vị thế. 37,4% cho biết các quyết định giao dịch của họ thường bị ảnh hưởng bởi các quyết định mua bán của người khác, đặc biệt khi người đó được xem là “chuyên gia”, 35,5% cho biết khi họ tiến hành phân tích thị trường rất kỹ lưỡng thì lại không dám vào lệnh nhưng lại vào lệnh hấp tấp những lúc chưa phân tích cẩn thận, 30,8% nhà đầu tư thừa nhận họ luôn thay đổi hệ thống giao dịch, tham gia hết hội nhóm này đến hội nhóm khác, không ngừng tìm kiếm một phương pháp, bí quyết mới có thể giúp họ giao dịch tốt hơn nhưng lại không chịu xem xét lại lịch sử giao dịch để rút kinh nghiệm. Tuy nhiên, chỉ có 18,7% thừa nhận rằng trong quá trình giao dịch họ quên hết tất các các nguyên tắc đã đặt ra mặc dù các nguyên tắc đó đã được soạn rất cẩn thận.

Xếp thứ ba trong các sai lầm mà nhà đầu tư thường mắc phải (52,3% nhà đầu tư đồng ý) đó là do sự phấn khích trong tâm lý khi vừa thu được các khoản lãi từ các giao dịch thuận lợi, họ thường “vào lệnh khi tín hiệu giao dịch yếu” dẫn đến các giao dịch sau tỷ lệ rủi ro cao và xác suất sinh lời thấp, kết quả họ trả lại một phần hoặc toàn bộ lãi cho thị trường, thậm chí còn thua lỗ.

Yếu tố chi phí chìm tác động ở mức trung bình đến quyết định của nhà đầu tư, 29,9% thừa nhận rằng họ hay buồn khi thua lỗ mặc dù biết giao dịch đó hợp lý và họ đổi phương pháp giao dịch dẫn đến không hiệu quả, 21,5% trở nên giao dịch quá độ, vào và thoát lệnh liên tục sau những khoản thua lỗ dẫn mệt mỏi, 18,7% trở nên cáu gắt, cay cú với thị trường sau khi thua lỗ và tăng khối lượng giao dịch để trả thù.

Yếu tố tự tin quá mức chỉ một số ít nhà đầu tư gặp phải, chỉ 15% nhà đầu tư cho rằng khối lượng vào lệnh của mình chưa hợp lý, 9,3% thừa nhận mình trở nên tự tin thái quá, sau vài phiên lãi lớn cảm thấy mình có thể đánh bại thị trường để rồi bị thị trường lấy lại tất cả, 5,6% không chấp nhận mình sai.

Figure 5 . Tỷ lệ nhà đầu tư cá nhân mắc phải các sai lầm tâm lý tương ứng với số thứ tự từng câu hỏi trong Table 1

Thảo luận và giải pháp khuyến nghị

Từ những sai lầm phổ biến của nhà đầu tư được phân tích ở phần 3 cho thấy tâm lý và cảm xúc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lớn đến kết quả giao dịch, cảm xúc đó xuất phát từ nỗi sợ tồn tại trong mỗi con người, nỗi sợ là kẻ thù lớn nhất của nhà đầu tư. Nhà đầu tư thường đóng lãi sớm vì sợ phải nuối tiếc nếu đánh mất lợi nhuận, trong khi giữ vị thế thua lỗ quá lâu, thậm chí bồi lệnh bình quân thua lỗ hay bực bội cáu gắt, thực hiện các giao dịch trả thù vì nỗi sợ thua lỗ, họ cảm thấy do dự khi vào lệnh hay thoát lệnh vì nỗi sợ phạm sai lầm, họ thường tham gia đám đông vì nỗi sợ phải chịu trách nhiệm và bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng bầy đàn bởi nỗi sợ trở nên khác biệt và bị cô lập.

Nỗi sợ là một dạng năng lượng âm tồn tại ở môi trường tinh thần (môi trường bên trong) mỗi con người được hình thành từ những trải nghiệm tiêu cực từ môi trường vật chất bên ngoài và tác động ngược trở lại lên hành vi và cách con người tương tác với môi trường bên ngoài. Nỗi sợ sẽ hướng con người chú ý đến những thông tin nhằm né tránh nỗi sợ. Cụ thể, trong giao dịch, khi đang lãi, nỗi sợ nuối tiếc sẽ hướng chúng ta tập trung vào những thông tin thị trường sẽ lấy đi lợi nhuận và buộc phải kết thúc sớm, khi đang lỗ, nỗi sợ thua lỗ hướng chúng ta chú ý đến những thông tin thị trường sẽ quay lại, với hy vọng đó khích thích nhà đầu tư giữa lệnh lỗ lâu hơn, thậm chí mở thêm vị thế để bình quân thua lỗ, nếu thị trường thật sự quay lại họ sẽ nhanh chóng thoát khỏi giao dịch khi mới hòa vốn cho dù xu hướng tiềm năng thị trường dịch chuyển theo hướng kỳ vọng còn cao, nếu thị trường không quay lại mà vẫn tiếp tục đi theo hướng tiêu cực, họ sẽ trở nên lo lắng căng thẳng đến khi nào khoản lỗ đủ lớn để khiến họ phải thoát khỏi giao dịch. Nỗi sợ khiến con người tìm kiếm đến đám đông, làm theo đám đông với mong muốn cảm giác an toàn. Thực tế nỗi sợ sẽ tạo ra chính trải nghiệm mà còn người muốn né tránh vì nó khiến họ phủ nhận những thông tin thị trường liên quan đến mong muốn và kỳ vọng của mình. Như vậy, nỗi sợ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến các sai lầm mang tính tâm lý được nêu ra trong phần trên, hệ quả của nó là việc sụt giảm hiệu quả đầu tư của nhà giao dịch, phần lớn họ sẽ bỏ cuộc sau một thời gian ngắn với những khoản thua lỗ nghiêm trọng, thậm chí giao dịch tài chính trở thành một nỗi sợ mà họ không bao giờ muốn nhắc đến, những người còn tồn tại và kiếm được tiền là những người có thể kiểm soát được nỗi sợ, học cách đối mặt và làm giảm đi năng lượng tiêu cực của nó.

Để giao dịch mà không sợ hãi, nhà đầu tư phải tin tưởng tuyệt đối rằng mình có thể đối diện và chấp nhận bất cứ thông tin nào từ thị trường, họ phải hành động mà không do dự vì lợi ích tốt nhất của mình trong mọi hoàn cảnh. Khắc tin của nỗi sợ đó là sự tự tin, đạt được sự tự tin là một quá trình rèn luyện lâu dài thông qua quá trình thay đổi và cởi mở suy nghĩ, tự trải nghiệm và điều chỉnh, điều này không học được từ bất kỳ trường lớp hay người nào khác, cho dù người đó thật sự thành công trên thị trường tài chính cũng không thể giúp được bạn ngoại trừ chính bản thân mình phải vận động. Một điều quan trọng cần chú ý đó là tốc độ suy giảm năng lượng của nỗi sợ không phụ thuộc vào thời gian mà phụ thuộc vào cường độ, cường độ sẵn sàng và quyết tâm càng lớn thì năng lượng tiêu cực càng nhanh mất sức mạnh.

Để có được sự tự tin và không sợ hãi, ngoài việc không ngừng học tập để nâng cao kỹ năng và kiến thức, yếu tố kế hoạch, nguyên tắc và kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Đầu tiên, nhà đầu tư phải học cách quên đi những ký ức đau thương của những trải nghiệm tiêu cực (những giao dịch thua lỗ), để giảm bớt nỗi đau này ban đầu nhà đầu tư nên giao dịch khối lượng nhỏ và bằng số tiền “có thể mất đi” nhằm duy trì sự thoải mái tinh thần. Nếu giao dịch bằng số tiền “không thể đánh mất” nỗi sợ thua lỗ sẽ chiếm lấy tâm trí của nhà đầu tư và họ nhanh chóng mắc phải các sai lầm tâm lý và kết quả họ sẽ thật sự đánh mất số tiền đó.

Thứ hai, nhà đầu tư cần giải phóng bản thân khỏi nỗi sợ mắc sai lầm để có thể quan sát khách quan hành vi thị trường bằng cách thiết lập các quy tắc giao dịch nhất định để định hướng hành vi và học cách tuân thủ chúng một cách kỷ luật. Tự mình thiết lập các quy tắc mở lệnh, cắt lỗ, đóng lệnh, bảo vệ khoản lãi trong khi vẫn không thoát vị thế quá sớm, nhà đầu tư có thể sử dụng quy tắc đóng lệnh từng phần ở các mức hỗ trợ/kháng cự đã được xác định từ trước để giảm nỗi sợ phải hối tiếc hay di chuyển mức cắt lỗ theo giá đang chạy để bảo vệ một phần lợi nhuận. Phân tích thị trường cẩn thận, xây dựng kế hoạch giao dịch trước khi tiến hành giao dịch, xác định cụ thể các mức cắt lỗ, giá mục tiêu, các phương án cho từng trường hợp và khi tiến hành giao dịch thực sự chỉ là việc làm theo kế hoạch có sẵn vì lúc đang trong vị thế nhà đầu tư bị ảnh hưởng rất lớn về mặt cảm xúc, lúc đó không đủ minh mẫn và khách quan để đánh giá thị trường do đó kế hoạch từ trước là cách giữ được sự tự tin và quản lý nỗi sợ. Các nhà giao dịch thành công thường khuyến nghị mức cắt lỗ tối đa từ 6% đến 10% quy mô tài khoản tuy nhiên không có một công thức nào chính xác để xác định các mức cắt lỗ hay chốt lãi mà nó phụ thuộc vào phong cách giao dịch và khả năng chấp nhận rủi ro của từng nhà đầu tư, không có tiêu chuẩn nào là đúng hay sai, chỉ cần mức cắt lỗ hợp lý và đảm bảo nhà đầu tư có thể thực hiện số giao dịch đủ lớn để đạt được kết quả kỳ vọng tối ưu theo quy luật xác suất vì bản chất của giao dịch không phải là một trò chơi may rủi mà là một bài toán của xác suất.

Thứ ba, nhà đầu tư cần học cách đánh giá bản thân tốt hơn để củng cố sự tự tin, giao dịch thành công trong thị trường tài chính không phải là tìm cách kiểm soát thị trường (thị trường luôn đúng) mà là học cách kiểm soát bản thân. Bước đầu tiên trong quá trình đánh giá bản thân tốt hơn là chấp nhận xuất phải điểm thật sự của mình, thừa nhận những sai lầm và quyết tâm thực hiện quá trình phát triển, chiụ trách nhiệm về các kết quả nhận được, không đổ lỗi cho thị trường hay bất cứ ai khác. Tiếp theo là xác định những kiến thức cần học để hoạt động hiệu quả nhất và bắt tay vào việc học và tự điều chỉnh trong suốt quá trình. Chỉ cần nhớ rằng “sai lầm là những thứ chúng ta cần biết nhưng chưa từng được học”.

Thứ tư, nhà đầu tư cần giữ cho mình sự độc lập và khách quan, tránh bị ảnh hưởng bởi những người khác, để làm được điều này nhà đầu tư nên tránh xa đám đông và các tin tức, lời khuyên của chuyên gia khi tiến hành giao dịch. Điều đó không có nghĩa là nhà đầu tư phải tuyệt đối tránh xa không trao đổi với người khác mà hãy tham gia các hội nhóm, tiếp nhận thông tin một cách “thông minh”. Việc tham gia cộng đồng hay các nhóm giao dịch là cần thiết để trao dồi kinh nghiệm, kỹ năng và kiến thức, tuy nhiên, trong thời gian giao dịch, nhà đầu tư nên ở một mình, tập trung tư duy phân tích, tự thiết lập các kế hoạch giao dịch và kỷ luật thực hiện, việc trao đổi nên được thực hiện sau khi đã hoàn thành giao dịch. Vào cuối tuần, các thành viên sẽ tự phân tích các kế hoạch độc lập với nhau và chỉ chia sẻ sau khi tất cả đã hoàn thành xong kế hoạch của riêng mình và trước khi thị trường mở cửa để cả nhóm cùng tham khảo, trong lúc giao dịch mỗi người là một cá thể độc lập tự đưa ra quyết định của mình để tránh được tác động do hiệu ứng bầy đàn gây ra.

Tóm lại, để có thể vượt qua các rào cản tâm lý đạt đến sự thành công trong giao dịch tài chính, nhà đầu tư cần phải có một kế hoạch giao dịch và các nguyên tắc quản trị rủi ro cụ thể và tuân thủ chúng một cách kỷ luật. Điều đó yêu cầu nhà đầu tư phải không ngừng rèn luyện và thực hành bài tập về tính kỷ luật tự giác - đó là quá trình học cách chủ động kiểm soát hành động của bản thân và nó cũng là một quá trình đầy gian nan và cần nhiều nổ lực vì “bạn chính là kẻ thù lớn nhất của mình”, một khi đã chinh phục được nó, thành công sẽ tự đến.

Kết luận

Thị trường tài chính không phải là nơi dễ dàng kiếm tiền cho tất cả nhà đầu tư, giao dịch tài chính là một trò chơi xác suất có rủi ro trong điều kiện không chắc chắn mà tại đó nhà giao dịch phải đối mặt với rất nhiều yếu tố tâm lý mang tính bản năng của con người buộc họ phải luôn kiểm soát bản thân, duy trì kỷ luật trong quản trị rủi ro để có thể tồn tại trên thị trường. Sinh tồn trên thị trường là điều kiện cần để có thể đạt được thành công trong giao dịch. Thành công lớn đến từ quá trình học hỏi, mặc dù quản trị rủi ro không đảm bảo nhà đầu tư chiến thắng trên thị trường nhưng nó sẽ giúp họ sinh tồn lâu dài. Nếu duy trì sự kỷ luật, khả năng phân tích tình huống tốt và chỉ giao dịch khi có khả năng thắng cao, theo thời gian sẽ trở thành nhà giao dịch thành công. Nhà phân tích kỹ thuật chuyên nghiệp Dan Sullivan, điều hành www.thechartist.com từng nói: “Sai lầm không phải là vấn đề, phạm sai lầm cũng không phải là vấn đề. Vấn đề là không chấp nhận sai lầm, vấn đề là giữ mãi cái sai lầm.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CP : cổ phiếu

STT: Số thứ tự

TTA : Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Trường Thành

VTR : Công ty cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải Việt Nam - Vietravel

YEG : Công ty cổ phần Tập đoàn Yeah1

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Phan Ngọc Yến Xuân: Viết nội dung và chỉnh sửa

Lê Trường Giang: Khảo sát và xử lý dữ liệu

References

  1. James M, Hyper LB, dịch. Tâm lý hành vi trong đầu tư chứng khoán. Hà Nội: NXB Dân Trí; 2019. . ;:. Google Scholar
  2. Douglas Mark, T.Webb Paula, Nguyễn Linh. Tâm lý học trong đầu tư chứng khoán. Hà Nội: NXB Thanh Niên; 2020. . ;:. Google Scholar
  3. Bloomfield Robert, Noyes Nicolas H.. Tài chính học truyền thống và tài chính học hành vi. Trong H. Kent Baker, John R. Nofsinger, Phạm Thị Bích Nguyệt, Lê Đạt Chí, Trần Thị Hải Lý, Phạm Dương Phương Thảo, ctv, dịch. Tài chính Hành vi: Nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh; 2011. p 39-64. . ;:. Google Scholar
  4. Asab Muhammad Zulqarnain, Manzoor Sobia, Naz Hina. Impact of Behavioral Finance & Traditional Finance on Financial Decision Making Process. Journal of Economics and Sustainable Development 2014; 5(18). . ;:. Google Scholar
  5. Minervini Mark, Chí Lê Đạt, Huy Trương Minh. Giao dịch như một phù thủy chứng khoán. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế TP. HCM; 2019. . ;:. Google Scholar
  6. Minervini Mark, Chí Lê Đạt, Huy Trương Minh. Cách tư duy và giao dịch như một nhà vô địch đầu tư chứng khoán. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế TP. HCM; 2017. . ;:. Google Scholar
  7. Aziz Andrew, Thái Phạm Lê, Việt Lại Quốc. Kỹ thuật giao dịch để kiếm tiền hằng ngày trên thị trường chứng khoán. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thế Giới; 2019. . ;:. Google Scholar
  8. Alexander Elder, Chí Lê Đạt, Huy Trương Minh. Phương pháp mới để giao dịch kiếm sống: Tâm lý, chiến thuật giao dịch, quản trị rủi ro và ghi chép giao dịch. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế TP. HCM; 2017. . ;:. Google Scholar
  9. Peters Walter, Huy Dương, Lê Ival. Naked Forex - Phương pháp price action tinh gọn. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh; 2020. . ;:. Google Scholar
  10. Abraham Andrew, Khánh Khưu Bảo, Huy Dương. Giao dịch theo xu hướng để kiếm sống. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thanh Niên; 2021. . ;:. Google Scholar
  11. Darvas Nicolas, Phương Thu. Tôi đã kiếm 2.000.000 đô la từ thị trường chứng khoán như thế nào?. Hà Nội: NXB Lao Động Xã Hội; 2018. . ;:. Google Scholar
  12. Marks Howard, Phạm Thái. Điều quan trọng nhất. TP. Hồ Chí Minh: NXB Thế Giới; 2019. . ;:. Google Scholar
  13. Kahneman Daniel, Tversky Amos. Prospect theory: Analysis decision under risk. Econometrica 1979; 47(2): 263-291. . ;:. Google Scholar
  14. Kaustia Markku. Hiệu ứng ngược vị thế. Trong H. Kent Baker, John R. Nofsinger, Phạm Thị Bích Nguyệt, Lê Đạt Chí, Trần Thị Hải Lý, Phạm Dương Phương Thảo, ctv, dịch. Tài chính Hành vi: Nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh; 2011. p 273-303. . ;:. Google Scholar
  15. Marwa Zouaoui, Meryem Bellouma. Impact of Psychological Biases on the Performance of UCITS before and after the Tunisian Revolution. Global Journal of Management and Business Research: B Economics and Commerce 2018; 18(1). . ;:. Google Scholar
  16. Kanojia Sunaina, Singh Deepti, Goswami Ashutosh. An empirical analysis of the factors influencing individual investors in the Indian Stock market. IOSR Journal of Business and Management 2018; 20(3): 30-37. . ;:. Google Scholar
  17. S. R. Girish. Factors influencing individual investor behaviour and investment decisions - A case of Indian capital market. Ge-International Journal of Management Research 2014; 2(7). . ;:. Google Scholar
  18. Bon Gustave Le, Bình Nguyễn Cảnh. Tâm lý học đám đông. Hà Nội: NXB. Thế Giới; 2015. . ;:. Google Scholar
  19. Freud Sigmund, Trường Phạm Nguyên. Tâm lý đám đông và phân tích cái tôi. TP. Hồ Chí Minh: NXB. Hội Nhà Văn; 2019. . ;:. Google Scholar
  20. Tan L.. Herding behavior in Chinese stock markets: An examination of A and B shares. Pacific-Basin Finance Journal. 2008; 16(1-2): 61-77. . ;:. Google Scholar
  21. Waweru N.M.. The effects of behavioral factors in investment decision-making: a survey of institutional investors operating at the Nairobi Stock Exchange. International Journal of Business and Emerging Markets 2008; 1(1): 24-41. . ;:. Google Scholar
  22. Thaler, Richard H. Metal accounting and consumer choice. Marketing Science 1985; 4(3): 199-214. . ;:. Google Scholar
  23. Rekik Yosra Mefteh, Boujelbene Younes. Determinants of Individual Investors' Behaviors: Evidence from Tunisian Stock Market. IOSR Journal of Business and Management 2013; 8(2): 109-119. . ;:. Google Scholar
  24. Kengatharan L., Kengatharan N.. The Influence of Behavioral Factors in Making Investment Decisions and Performance: Study on Investors of Colombo Stock Exchange, Sri Lanka. Asian Journal of Finance & Accounting 2014; 6(1): 1-23. . ;:. Google Scholar
  25. Ngoc Luu Thi Bich. Behavior Pattern of individual investors in stock market. International Journal of Business and Management 2014; 9(1). . ;:. Google Scholar
  26. Glaser Markus, Weber Martin. Sự tự tin quá mức. Trong H. Kent Baker, John R. Nofsinger, Phạm Thị Bích Nguyệt, Lê Đạt Chí, Trần Thị Hải Lý, Phạm Dương Phương Thảo, ctv, dịch. Tài chính Hành vi: Nhà đầu tư, doanh nghiệp và thị trường. TP. Hồ Chí Minh: NXB Kinh Tế Thành phố Hồ Chí Minh; 2011. p 375-402. . ;:. Google Scholar
  27. Bruno Biais. Judgemental overconfidence, self-monitoring and trading performance in an experimental traders. Review of Economic Studies 2005; 72(2): 287-312. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2016-2027
Published: Sep 5, 2021
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.789

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Xuan, P., & Giang, L. (2021). Risk management for individual traders in financial market. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2016-2027. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.789

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2275 times
PDF   = 768 times
XML   = 0 times
Total   = 768 times