Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1669

Total

779

Share

Population aging issue in Vietnam and experiences of dealing with population aging in some countries






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Population is one of the most important factors in the cause of national construction and defense. Population work is a strategic task, an urgent and long-term cause of the entire Party and people. In particular, determining the current state of population aging is an important matter that needs fully studying. Thereby, making appropriate and timely decisions to cope with population aging, as well as effective solutions to this problem. Within the scope article, authors will systematize some definitions and indicators of population aging that are widely used in the world today. The article uses qualitative research methods to clarify the research content, specifically: the article uses the current popular population aging measurement indicators to analyze the current situation of population aging in Vietnam and study the experiences in dealing with population aging of some countries to draw lessons for Vietnam. Findings population aging problem in Vietnam showed that: (i) according to "The percentage of people in the retirement age," Vietnam has exceeded population aging from 2019; (ii) according to the “Elderly dependency ratio”, the proportion of the population aged 65 and over compared to the working age population in 2009 and 2019 has not reached the alarming threshold of the aging population; (iii) according to the “Aging Index”, Vietnam is still in the period of “golden population structure”. However, results of population projections also show "The percentage of people in retirement age" of Vietnam is on the rise, to 2049 reached 18% and exceeded "was aging" from 2039; "Dependency ratio Elderly" shows that Vietnam also exceeded aging (22%) from 2039; "Aging index" also showed that Vietnam's population aging exceeded since 2049.

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Khái niệm già hoá dân số

Theo nhóm tác giả Gavrilov L.A, Heuveline P “già hóa dân số” (còn được gọi là già hóa nhân khẩu học và già hóa dân số) được định nghĩa là một thuật ngữ tóm tắt để chỉ sự thay đổi trong phân bố độ tuổi (tức là cơ cấu tuổi) của dân số theo độ tuổi lớn hơn. Toàn cầu đang diễn ra quá trình chuyển đổi khả năng sinh sản (giảm) và giảm tỷ lệ tử vong ở lứa tuổi lớn hơn, do đó, già hóa dân số dự kiến sẽ là một trong những xu hướng nhân khẩu học toàn cầu nổi bật nhất trong thế kỷ 21 1 .

Theo định nghĩa chính thức của Liên Hợp Quốc (United Nations), “già hóa dân số” là sự thay đổi phân bố dân số một nước theo hướng tăng cao tỉ lệ người cao tuổi. Điều này thường được phản ánh qua việc tăng độ tuổi bình quân và độ tuổi trung vị của dân số; giảm thiểu tỷ lệ trẻ nhỏ; gia tăng tỷ lệ dân số trung niên. Có thể hiểu là do tỷ suất sinh giảm và/hoặc tuổi thọ trung bình tăng 2 .

Còn theo Tổng cục Thống kê, khái niệm “già hoá dân số” được hiểu là chỉ số phản ánh quá trình chuyển đổi cơ cấu dân số theo hướng tăng tỷ trọng dân số già, được thể hiện qua chỉ số già hóa. Theo đó, hiện tượng “già hóa” có thể được xem xét qua tỷ trọng của nhóm dân số già (thường là từ 65 tuổi trở lên) 3 .

Các chỉ số đo lường già hóa dân số

Theo Gavrilov L.A, Heuveline P

Theo nhóm tác giả, các chỉ số dùng để đo lường già hoá dân số bao gồm:

Thứ nhất, Tỷ lệ người trong độ tuổi nghỉ hưu: Do nghiên cứu về già hóa dân số thường được thúc đẩy bởi mối quan tâm về gánh nặng của hệ thống hưu trí, nên già hóa dân số thường được đo bằng sự gia tăng tỷ lệ người trong độ tuổi nghỉ hưu. Định nghĩa về tuổi nghỉ hưu có thể khác nhau nhưng mức giới hạn điển hình là 65 tuổi và ngày nay một xã hội được coi là tương đối già khi phần dân số từ 65 tuổi trở lên vượt quá 8-10% 1 .

Thứ hai, Tỷ số phụ thuộc người cao tuổi : được tính bằng số người trong độ tuổi nghỉ hưu so với số người trong độ tuổi lao động. Để thuận tiện, nghiên cứu cũng đưa ra độ tuổi lao động có thể được cho là bắt đầu từ 15 tuổi, độ tuổi nghỉ hưu là từ 65 tuổi (tính chung cho cả nam và nữ). Tỷ lệ này dao động dưới mức 21% thì dân số của quốc gia ấy được đánh giá là ổn định; từ 21% trở lên sẽ vào mức già hóa . Tỷ lệ dân số phụ thuộc trên dân số hoạt động kinh tế còn được gọi là tỷ số phụ thuộc tuổi già, tỷ số phụ thuộc theo tuổi hoặc gánh nặng phụ thuộc người cao tuổi và được sử dụng để đánh giá sự chuyển giao giữa các thế hệ, chính sách thuế và hành vi tiết kiệm 1 .

Thứ ba, Chỉ số già hóa: (đôi khi được gọi là tỷ lệ người già trên trẻ em), được định nghĩa là số người từ 65 tuổi trở lên trên trẻ dưới 15 tuổi. Nếu chỉ số nằm trong khoảng dưới 1 thì dân số ở mức ổn định, từ mức 1 trở đi thì dân số đang ở tình trạng già hóa . Năm 2002, chỉ có một số quốc gia (nước Đức, Hy Lạp, Nước Ý, Bungari, và Nhật Bản) có nhiều người cao tuổi hơn thanh niên (chỉ số già hóa trên 1). Tuy nhiên, đến năm 2030, chỉ số già hóa được dự đoán sẽ vượt quá 1 ở tất cả các nước phát triển và chỉ số của một số nước Châu Âu và Nhật Bản, thậm chí, dự kiến sẽ vượt quá 1,75. Cho đến nay, chỉ số già hóa ở các nước đang phát triển thấp hơn nhiều so với các nước phát triển, nhưng sự gia tăng tỷ lệ thuận của chỉ số già hóa ở các nước đang phát triển dự kiến sẽ lớn hơn các nước phát triển 1 .

Thứ tư, Tỷ lệ số lượng đầu người ( Head-count Ratio- HCR) , tức là chúng chỉ liên quan đến số lượng cá thể ở các nhóm tuổi lớn. Các chỉ số này không tính đến sự phân bổ độ tuổi trong các nhóm lớn này, đặc biệt là ở những người cao tuổi. Khi xu hướng mức sinh và mức chết gây ra già hóa dân số diễn ra khá đều đặn theo thời gian, thì tốc độ tăng dân số có tương quan thuận với tuổi (tức là các nhóm tuổi già nhất đang tăng nhanh nhất) 1 .

Thứ năm, Chỉ số thống kê về vị trí: Tuổi trung vị - độ tuổi xác định một nửa dân số là già và một nửa khác là trẻ - có lẽ được sử dụng rộng rãi nhất. Do trên trục tuổi, phía bên phải tuổi trung vị (phía tuổi già) được cho là biến đổi khá nhạy cảm, nên tuổi trung vị của dân số trên thực tế có thể được ưu tiên hơn tuổi trung bình để nghiên cứu động lực của già hóa dân số. Tuy nhiên, trên phương diện tình hình thực tế của các nước, vẫn có các quốc gia nghiêng về sử dụng tuổi trung bình, vì nó cho cái nhìn tổng quát và dễ hiểu hơn khi phổ biến đến người dân. Cách tiếp cận thích hợp nhất để nghiên cứu già hóa dân số là khám phá sự phân bố tuổi thông qua một tập hợp các tỷ lệ phần trăm, hoặc bằng đồ thị bằng cách phân tích các tháp dân số… Các nhà nhân khẩu học thường sử dụng tháp dân số để mô tả sự phân bố cả về tuổi và giới tính của dân số. Các nhóm dân số trẻ được biểu thị bằng các kim tự tháp với phần đáy phình to là lứa tuổi trẻ và phần đỉnh hẹp là những người lớn tuổi. Trong khi nhóm dân số lớn tuổi được đặc trưng bởi số lượng người trong các nhóm tuổi đồng đều hơn (tháp dân số cân đối), hoặc tháp dân số là hình kim tự tháp ngược, có đáy hẹp và đỉnh phình to) 1 .

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA)

Theo định nghĩa chính thức của Liên Hợp Quốc, một quốc gia được xếp vào “đang già hóa” khi tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên của quốc gia đó vượt quá 7% tổng dân số. Khi con số này vượt quá mức 14% và 20%, dân số sẽ được coi là “đã già hóa” và “siêu già hóa”. Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) sử dụng mốc 60 thay vì 65 với các tỷ lệ 10%, 20% và 30% lần lượt là các mốc cho tình trạng “đang già hóa”, “già hóa” và “siêu già hóa” 2 .

Theo Tổng cục Thống kê

Hiện tượng “già hóa” có thể được xem xét qua tỷ trọng của nhóm dân số già (thường là từ 65 tuổi trở lên). Một dân số được xem là có xu hướng “già hóa” nếu tỷ trọng của nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% tới 10% tổng dân số 3 . Khái niệm này được sử dụng trong các cuộc tổng điều tra Dân số và Nhà ở của Tổng cục Thống kê 1/4/1999 và 1/4/2009.

Trong cuộc tổng điều tra Dân số và Nhà ở 1/4/2019 cách tính chỉ số già hoá dân số lại được tính là “Chỉ số già hóa”, là tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm 4 .

Như vậy, mục 1.2 cung cấp cho ta nhiều cách tính khác nhau về già hoá dân số, trong đó định nghĩa về người cao tuổi hay tuổi nghỉ hưu có thể khác nhau ở các cách tính cũng như quy định ở các quốc gia, song mức giới hạn điển hình thường là 65 tuổi. Do vậy, để đồng nhất cách tính với thế giới, trong bài viết này nhóm tác giả sẽ tính toán tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi.

Khoảng trống nghiên cứu

Ở Việt Nam các chỉ số đo lường già hóa dân số được Tổng cục Thống kê sử dụng trong các cuộc tổng điều tra Dân số và Nhà ở được thực hiện 10 năm 1 lần mới chỉ dừng lại ở hai cách tính: (1) theo tỷ trọng của nhóm dân số từ 65 tuổi trở lên so tổng dân số và (2) theo tỷ số giữa dân số từ 60 tuổi trở lên so với dân số dưới 15 tuổi tính theo phần trăm. Trong khi đó, trên thế giới có nhiều cách khác nhau để đo lường tình trạng già hoá dân số. Do vậy, bài viết này, ngoài việc sử dụng các chỉ số đo lường đã được sử dụng phổ biến ở Việt Nam thì còn sử dụng một số chỉ số đo lường khác nhằm phân tích thực trạng già hoá dân số ở Việt Nam một cách đa dạng. Từ đó, đưa ra những nhận định, đánh giá về tình trạng già hoá dân số ở Việt Nam dựa trên những số liệu có cơ sở.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ NGUỒN DỮ LIỆU

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính với các phương pháp cụ thể sau đây:

- Phương pháp logic – lịch sử, được sử dụng để lược khảo các tài liệu lý thuyết về già hoá dân số và các chỉ số đo lường già hoá dân số.

- Phương pháp phân tích – tổng hợp , được sử dụng để nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia về ứng phó với già hoá dân số và giải quyết vấn đề già hoá dân số, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

- Phương pháp thống kê mô tả, được sử dụng để phân tích thực trạng già hoá dân số ở Việt nam theo nhiều chỉ tiêu đo lường khác nhau từ số liệu của Tổng cục Thống kê và các nghiên cứu khác.

- Phương pháp nghiên cứu chuẩn tắc, được sử dụng để thảo luận kết quả nghiên cứu và đề xuất những kiến nghị chính sách và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về ứng phó với già hoá dân số và giải quyết vấn đề già hoá dân số trong thời gian tới.

Dữ liệu nghiên cứu

Bài viết sử dụng dữ liệu thứ cấp để phân tích thực trạng già hoá dân số ở Việt nam theo nhiều chỉ tiêu đo lường khác nhau từ số liệu từ kết quả các cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở của Tổng cục Thống kê, các nghiên cứu của Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VỀ GIÀ HOÁ DÂN SỐ Ở VIỆT NAM

Phần này, nhóm tác giả sẽ sử dụng dữ liệu từ 3 cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 3 , 2014 5 và 2019 4 của Tổng cục Thống kê để phân tích tình trạng già hoá dân số ở Việt Nam thông qua các chỉ tiêu sau đây:

Tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi nghỉ hưu

Theo quy định của pháp luật hiện hành, tuổi nghỉ hưu năm 2020 trở về trước ở Việt Nam trong điều kiện bình thường là 55 tuổi đối với nữ và 60 tuổi đối với nam. Tuy nhiên, để đồng nhất cách tính với thế giới, trong bài viết này nhóm tác giả sẽ tính toán tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi. Theo định nghĩa chính thức của Liên Hợp Quốc (United Nations), một quốc gia được xếp vào “đang già hóa” khi tỷ lệ người dân từ 65 tuổi trở lên của quốc gia đó vượt quá 7% tổng dân số. Khi con số này vượt quá mức 14% và 20%, dân số sẽ được coi là “đã già hóa” và “siêu già hóa”. Kết quả tính toán ở Việt Nam ở năm 2009 và 2019 cho thấy:

Table 1 Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với tổng dân số

Nếu như năm 2009, dân số từ 65 tuổi trở lên mới chỉ chiếm 6% dân số cả nước, thì đến năm 2019 đã chiếm tới 8% so với dân số cả nước và vượt ngưỡng già hoá dân số theo định nghĩa trên là 1%. Trong đó, tỷ lệ đo lường già hoá dân số ở nữ giới luôn cao hơn nam giới 3%. Ngay cả ở năm 2009, khi tỷ lệ chung của cả nước và tỷ lệ riêng của lao động nam từ 65 tuổi trở lên so với tổng dân số chưa chạm ngưỡng già hoá dân số, thì tỷ lệ lao động nữ từ 65 tuổi trở lên so với tổng dân số cũng đã đạt 8% (vượt ngưỡng 1%). Điều này cho thấy một hiện trạng đáng lưu ý là “dân số nữ được xem là già hóa hơn dân số nam”, đây là hệ lụy tất yếu sau chiến tranh cùng với thực trạng tuổi thọ trung bình của nữ giới luôn cao hơn nam giới trong nhiều năm qua Table 1 .

Tỷ số phụ thuộc người cao tuổi

Chỉ số này được tính bằng số người trong độ tuổi nghỉ hưu so với số người trong độ tuổi lao động. Ở chỉ số này, nhóm tác giả thống nhất số người trong độ tuổi nghỉ hưu được lấy từ 65 tuổi trở lên; số người trong độ tuổi lao động được lấy từ đủ 15 tuổi đến 64 tuổi. Kết quả tính toán ở Việt Nam ở năm 2009 và 2019 cho thấy:

Table 2 Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trong độ tuổi lao động

Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trong độ tuổi lao động ở cả 2 năm 2009 và 2019 đều chưa chạm ngưỡng báo động dân số già (tỷ lệ này dao động dưới mức 21% thì dân số của quốc gia ấy được đánh giá là ổn định; từ 21% trở lên sẽ vào mức già hóa). Ngược lại tỷ lệ này đang ở ngưỡng rất ổn định khi cứ gần 11 người trong độ tuổi lao động, gánh 1 người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên) ở năm 2009. Tuy vậy, tỷ lệ này giảm xuống đáng kể ở năm 2019 khi chỉ còn gần 9 người trong độ tuổi lao động, gánh 1 người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên). Sau 10 năm, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trong độ tuổi lao động tính chung hay tính theo giới tính cũng có sự gia tăng đáng kể, trong đó tăng cao nhất là tỷ lệ dân số nữ từ 65 tuổi trở lên so với dân số trong độ tuổi lao động tăng tới 3 điểm %. Mặc dù tỷ lệ này chưa chạm ngưỡng báo hiệu già hoá dân số, song với tốc độ tăng như hiện nay, nếu không có những biện pháp ứng phó kịp thời và hiệu quả thì Việt Nam sẽ nhanh chóng rơi vào hiện trạng già hoá dân số ( Table 2 ).

Tháp dân số

Từ kết quả của 2 đợt tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009 và 2019 tháp dân số có hình dáng như Figure 1 .

Figure 1 . Tháp dân số Việt Nam 2009 và 2019

Qua hình dạng tháp dân số ở hình 1, có thể thấy tỷ trọng dân số trẻ có xu hướng giảm dần và tỷ trọng người cao tuổi ngày càng tăng. So sánh tháp dân số giữa 2 cuộc tổng điều tra cho thấy, dường như không có sự khác biệt ở phần đáy của tháp ở cả 2 năm. Điều này cho thấy, mức sinh vẫn duy trì ở mức ổn định nên tỷ lệ dân số trẻ dưới 15 tuổi không có nhiều khác biệt. Phần giữa tháp năm 2019, hai thanh của nhóm tuổi 15-19 và 20-24, thu hẹp hơn so với năm 2009 cho thấy tỷ trọng lực lượng thanh niên trẻ của Việt Nam giảm, chủ yếu là do mức sinh thấp của giai đoạn 15-20 năm trước, cộng với tác động của yếu tố tử vong. Các thanh ở nhóm tuổi từ 25-64 của tháp năm 2019 vẫn được mở rộng và không có sự biến động nhiều so với tháp năm 2009, điều này cho thấy Việt Nam vẫn duy trì một lực lượng trong độ tuổi lao động dồi dào, là lợi thế lớn trong việc phát triển kinh tế 4 . Đây được xem như một lợi thế cho phát triển kinh tế của đất nước, đồng thời cũng tạo ra sức ép đối với quốc gia trong vấn đề giải quyết việc làm.

C hỉ số già hóa

Chỉ số này được tính bằng tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên trên dân số trẻ dưới 15 tuổi. Nếu chỉ số nằm trong khoảng dưới 1 thì dân số ở mức ổn định, từ mức 1 trở đi thì dân số đang ở tình trạng già hóa. Kết quả tính toán ở Việt Nam ở năm 2009 và 2019 cho thấy:

Table 3 Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trẻ dưới 15 tuổi

Từ số liệu Table 3 cho thấy, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trẻ dưới 15 tuổi ở cả năm 2009 và 2019 đều cách xa ngưỡng báo động dân số già (chỉ số nằm trong khoảng dưới 1 thì dân số ở mức ổn định, từ mức 1 trở đi thì dân số đang ở tình trạng già hóa). Tuy vậy, sau 10 năm, tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trẻ dưới 15 tuổi ở cả tỷ lệ chung và tỷ lệ theo giới tính đều có sự gia tăng, trong đó tăng cao nhất vẫn là tỷ lệ dân số nữ từ 65 tuổi trở lên so với dân số trẻ dưới 15 tuổi.

Không những vậy, kết quả cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, Việt Nam vẫn là quốc gia có cơ cấu dân số vàng. Tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm 68,0% (giảm 1,1 điểm phần trăm so với năm 2009), tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên chiếm lần lượt là 24,3% và 7,7%. Như vậy, Việt Nam đang trong thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” khi mà cứ một người phụ thuộc thì có hai người trong độ tuổi lao động. Dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” 4 .

Table 4 Tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi 1999-2019 (Đơn vị tính: %)

Tuy vậy, kết quả từ Table 4 cũng cho thấy, ở tất cả các chỉ số, năm 2019 đều có sự thay đổi theo chiều hướng không tích cực so với năm 2009. Xu hướng này cũng tương đồng với các chỉ tiêu được phân tích ở mục 3.2 và 3.3.

Cũng theo kết quả từ cuộc tổng điều tra này, dự báo đến khoảng năm 2040, Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ “cơ cấu dân số vàng”. Minh chứng rõ hơn cho kết quả này, có thể xem xét đến kết quả dự báo từ cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2014 5 .

Dự báo tình trạng dân số Việt Nam đến 2049

Trong báo cáo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê phối hợp với Quỹ dân số Liên Hợp Quốc đã xây dựng phương pháp dự báo dân số đến năm 2049 theo 3 phương án: phương án mức sinh trung bình, mức sinh thấp và mức sinh cao. Trong phần này, nhóm tác giả sử dụng số liệu dự báo dân số cả nước đến năm 2049 theo phương án trung bình để tính toán các chỉ số nhằm xác định xu hướng dân số của Việt Nam. Nhóm tác giả tính toán cho các năm sẽ diễn ra cuộc tổng điều tra và cuộc điều tra giữa kỳ về dân số và nhà ở. Từ kết quả dự báo dân số năm 2024-2049 của Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc 6 , nhóm tác giả tính toán các chỉ tiêu nhằm xác định tình trạng già hoá dân số của Việt Nam trong thời gian tới.

Table 5 Dự báo tình trạng già hoá dân số ở Việt Nam năm 2024-2049

Từ kết quả tính toán ở Table 5 , nhận thấy tình trạng già hoá dân số tính theo “tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi nghỉ hưu” của Việt Nam đã vượt ngưỡng từ năm 2019 (kết quả Table 1 ). Và từ năm 2024-2049 tỷ lệ người cao tuổi trong độ tuổi nghỉ hưu ngày càng tăng cao, đến năm 2049 đã đạt tới 18%, theo cách phân loại của Liên Hợp Quốc thì dân số Việt Nam vượt ngưỡng “đã già hoá” từ năm 2039.

Theo cách tính “tỷ số phụ thuộc người cao tuổi”, tính bằng “số người trong độ tuổi nghỉ hưu so với số người trong độ tuổi lao động” thì dân số Việt Nam vượt mức già hoá (22%) từ năm 2039. Và đến năm 2049 tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trong độ tuổi lao động đã chiếm tới 28%, chiếm hơn ¼ dân số trong độ tuổi lao động ( Table 5 ).

Mặt khác, khi tính theo “Chỉ số già hóa” được tính bằng “Tỷ lệ dân số từ 65 tuổi trở lên so với dân số trẻ dưới 15 tuổi” thì dân số Việt Nam cũng vượt ngưỡng già hoá kể từ năm 2049 ( Table 6 ).

Table 6 Tỷ trọng dân số theo nhóm tuổi theo số liệu dự báo năm 2024-2049 (Đơn vị tính: %)

Kết quả dự báo ở Table 6 cũng cho thấy, đến năm 2039 Việt Nam cũng không còn cơ cấu dân số vàng mà rơi vào tình trạng cơ cấu dân số già (nhóm dân số người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên chiếm tỷ trọng từ 15% trở lên). Kết quả tính toán này cũng phù hợp với kết quả dự báo của Tổng cục Thống kê trong cuộc điều tra năm 2019.

KINH NGHIỆM ỨNG PHÓ VỚI GIÀ HÓA DÂN SỐ TẠI MỘT SỐ QUỐC GIA

Kinh nghiệm của Nhật Bản

Nhật Bản là nước phát triển có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Năm 2010 dân số Nhật Bản đã bước vào giai đọan có dân số “rất già" với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên là 30,5% và tỷ lệ người trên 65 tuổi chiếm 20,6%; tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới cho thấy Nhật Bản thực hiện thành công các chính sách dành cho người già. Những kinh nghiệm của Nhật Bản sẽ là định hướng quan trọng với Việt Nam.

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề việc làm

Già hóa dân số ở Nhật Bản khiến lực lượng lao động giảm mạnh, giai đoạn 2000-2010, lực lượng lao động bắt đầu giảm với tốc độ 0,5% mỗi năm. Theo dự đoán, lực lượng lao động sẽ giảm đều đặn từ 60,6 triệu người năm 2020 xuống còn 45 triệu người vào năm 2050 7 .

Để giảm thiểu tác động của xu hướng này, Chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các chính sách: (i) Vẫn để người lao động cao tuổi tiếp tục làm việc nếu như họ có nhu cầu; (ii) Tăng cường các chính sách khuyến khích phụ nữ làm việc; (iii) Giảm tỷ lệ thất nghiệp trá hình bằng cách tăng năng suất lao động; (iv) Khuyến khích lao động nước ngoài đến làm việc.

Hiện nay, Nhật Bản đang có xu hướng giảm người lao động cao tuổi do hệ thống hưu trí phát triển, người cao tuổi nhận được trợ cấp lớn. Theo tác giải Mickey Butts (2012), từ năm 1955 đến nay, tỷ lệ người lao động nam trên 60 tuổi đã giảm xuống một nửa (từ 60,5% vào năm 1955 xuống còn 30,1% vào năm 2010 và 14,6% vào năm 2019); tương tự như vậy đối với lao động nữ (từ 29,3% vào năm 1955 xuống 14,2% vào năm 2010 và 6,6% vào năm 2019) 8 .

Để đối phó với tác động của sự suy giảm lực lượng lao động, Nhật Bản đã đầu tư vào phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động . Sự xuất hiện của máy móc công nghệ cao và hệ thống tự động hóa đã làm giảm vai trò của người công nhân. Lao động sẽ được đào tạo để tạo ra và sử dụng các loại máy móc kỹ thuật cao.

Một trong những chính sách của Chính phủ đối phó và tiến đến ngăn chặn với việc giảm số lao động do già hóa dân số là khuyến khích lao động nước ngoài vào làm việc .

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề an sinh xã hội

Chính phủ Nhật luôn hướng tới việc hiện thực hóa một xã hội vừa bảo đảm được sự tôn nghiêm của người già, vừa giúp các cụ sống vui, sống khỏe. Đây chính là tôn chỉ trong những chính sách về phúc lợi xã hội đối với người cao tuổi của Nhật Bản.

Nhật Bản có lợi thế khi phải đối mặt với sự già hóa dân số nghiêm trọng lúc đang là quốc gia giàu có. Tuy nhiên, số lượng người già ngày càng tăng cộng thêm những ưu đãi lớn trong chính sách an sinh đang khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, ngân sách bị thâm hụt và điều đó trở thành một thách thức lớn đối với Nhật Bản. Do đó, Nhật Bản đã thực hiện những điều chỉnh chính sách quan trọng, bao gồm:

Thứ nhất, mở rộng độ bao phủ của hệ thống hưu trí: Chương trình hưu trí của Nhật Bản gồm 2 tầng: tầng 1 là chương trình hưu trí cơ bản và tầng 2 là chương trình hưu trí dành cho người lao động-bổ sung thêm lợi ích so với tầng 1. Quỹ hưu trí hoạt động dựa vào đóng góp bắt buộc của người dân từ năm 20 tuổi cho đến tuổi nghỉ hưu hiện nay là 65 (cho cả nam và nữ), dựa vào cơ chế thu đến đâu chi đến đó. Hiện nay, hệ thống hưu trí của Nhật Bản đã có 70 triệu người tham gia-chiếm 80% dân số, trong đó có 37,9 triệu người ở tầng 2.

Thứ hai, tăng mức đóng bảo hiểm xã hội: mức đóng góp vào hệ thống hưu trí và chăm sóc sức khỏe là 17% tổng số lương vào năm 1996, năm 2010 là 26% và tăng lên 30% vào năm 2025. Về bảo hiểm y tế, mức đóng của người lao động là 7,8% năm 1996, tăng lên 10,0% năm 2010 và 11,5% vào năm 2025. Người bệnh phải thanh toán 30% tổng chi phí, phần còn lại là do nhà nước chi trả. Tổng chi cho hệ thống chăm sóc y tế chiếm 8% GDP của quốc gia.

Ngoài ra, Chính phủ Nhật Bản còn đưa ra các chính sách nhằm đẩy lùi tình trạng già hóa, hướng đến phòng ngừa già hóa dân số. Có thể kể đến chính sách khuyến khích sinh con, theo đó, các gia đình sẽ nhận được 100.000 yen (khoảng gần 21 triệu đồng) với con thứ nhất, 150.000 yen (gần 31 triệu đồng) với con thứ hai và 400.000 yen (khoảng 82,5 triệu đồng) khi con thứ năm chào đời. Thị trấn Nagi (cách thành phố Hiroshima 100 dặm) đã thực hiện việc chi trả này kể từ năm 2004, ngoài hỗ trợ về tiền mặt, chính quyền địa phương còn hỗ trợ các gia đình tiêm chủng miễn phí, trợ cấp nhà ở, trợ cấp học tập và giảm chi phí nhà trẻ. Nhờ đó, trong giai đoạn từ năm 2005 đến 2014, tỷ lệ sinh của thị trấn-dựa trên số trẻ em trung bình mà một phụ nữ có trong đời đã tăng gấp đôi từ 1,4 lên 2,8 9 .

Kinh nghiệm của Trung Quốc

Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2000 với tỷ lệ người già từ 65 tuổi trở lên chạm ngưỡng 8.2%, tăng lên 11,5% năm 2010 và 17,7% năm 2018. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của quá trình già hóa dân số nhanh chóng. Bên cạnh việc giảm nguồn lực lao động, những vấn đề khác mà Trung Quốc phải đối mặt như cải cách chế độ hưu trí, chăm sóc sức khỏe cũng sẽ tạo ra những thách thức trong việc ổn định kinh tế-chính trị xã hội tại quốc gia đông dân nhất thế giới này.

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề việc làm

Trong thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc đã có những điều chỉnh chính sách nhằm đáp ứng những thách thức về già hóa ở khía cạnh thị trường lao động, bao gồm:

Thứ nhất, nới lỏng chính sách dân số: việc nới lỏng chính sách một con sẽ cho phép tăng dần quy mô tương đối của dân số trong độ tuổi lao động, so với dân số già. Ngoài ra, nới lỏng như vậy có thể có hiệu quả trong việc đảo ngược tỷ lệ cực kỳ cao chênh lệch nam nữ trong dân số Trung Quốc-kết quả đó là do tình trạng phá thai chọn lọc trước khi sinh. Mức độ chênh lệch giữa nam và nữ đã ngăn chặn hàng triệu nam giới kết hôn và làm cho họ mà không có sự hỗ trợ của vợ, chồng, con đã trưởng thành hay con cháu trong tuổi già của họ 10 .

Thứ hai , Chính phủ thực hiện các chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực : Hiện giờ, chính sách của Trung Quốc là phổ cập trung học; mở rộng cơ hội học các trường trung cấp nghề, cao đẳng nghề và cả đại học cho thanh niên đặc biệt là thanh niên nông thôn; khuyến khích mở các lớp đào tạo lại nhằm nâng cao kỹ năng lao động, giảm các rào cản của lao động di cư nhằm khuyến khích người lao động đến các khu vực có nhiều việc làm…

Thứ ba, Trung Quốc đang dần chú ý đến việc nâng cao năng suất lao động: bằng cách đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo nghề. Điều này sẽ giúp làm giảm tác động tiêu cực của già hóa dân số đến lực lượng lao động.

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề an sinh xã hội

Chính phủ Trung Quốc đã và đang tích cực đưa ra những hành động cụ thể nhằm đáp ứng những thách thức về già hóa. Những thách thức đó là: (i) làm thế nào để làm chậm lại tiến trình già hóa, (ii) làm gì để bảo vệ quyền của người cao tuổi và cung cấp các dịch vụ chăm sóc.

Hệ thống hưu trí của Trung Quốc liên tục được phát triển để thích ứng với một xã hội đang già hóa và đặc biệt hướng đến khu vực nông thôn , do đó có độ bao phủ lớn. Trung Quốc đã thực hiện bảo hiểm hưu trí tự nguyện theo 2 chương trình: bảo hiểm hưu trí thành thị và bảo hiểm hưu trí nông thôn. Chương trình bảo hiểm hưu trí cho người lao động ở khu vực thành thị được thiết kế tương tự như hệ thống bảo hiểm xã hội chung, bao gồm 3 trụ cột chính: Hưu trí cơ bản (đóng góp vào quỹ hưu trí chung); tài khoản cá nhân (đóng vào tài khoản cá nhân) và hưu trí bổ sung của cá nhân. Trong khi đó, chương trình bảo hiểm hưu trí nông thôn được thiết kế dựa trên đóng góp của cá nhân, hỗ trợ của tập thể (đóng vào tài khoản cá nhân) và trợ giúp của Chính phủ. Đến năm 2014, đã áp dụng trên toàn quốc, có thể bao phủ tới 80% dân số cả nước. Đây là một thành công đáng kể của Trung Quốc 11 .

Kinh nghiệm của Thái Lan

Thái Lan là một nước nằm trong khu vực Đông Nam Á, có đặc điểm kinh tế-xã hội tương đồng với Việt Nam. Vốn là một nước nông nghiệp nhưng hiện nay Thái Lan đã trở thành một nước công nghiệp mới, có trình độ phát triển kinh tế cao hơn Việt Nam. Hiện nay, dân số Thái Lan vào khoảng 62 triệu người và cũng đang bước vào quá trình già hóa dân số với 10,8% dân số trên 65 tuổi.

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề việc làm

Già hóa dân số đã tác động đến sự suy giảm lực lượng lao động, khiến số lao động cao tuổi vẫn phải tiếp tục làm việc khi có sự thiếu hụt nhân lực. Thêm vào đó, các doanh nghiệp của Thái Lan cũng chú ý đến việc tận dụng kinh nghiệm của những lao động đến tuổi nghỉ hưu để làm giảm chi phí đào tạo đối với lao động trẻ.

Để giảm thiểu tác động của xu hướng này, Chính phủ Thái Lan đã thực hiện các chính sách: (i) tư vấn nghề nghiệp, giáo dục đào tạo cho người cao tuổi nhằm tạo cơ hội cho những người có khả năng và nhu cầu tiếp tục được làm việc, điều đó sẽ tận dụng được kinh nghiệm của họ; (ii) hỗ trợ tạo việc làm cho lao động cao tuổi ở nông thôn; (iii) chuyển giao kỹ thuật, công nghệ để tăng năng suất lao động 12 .

Ứng phó với già hóa dân số trong vấn đề an sinh xã hội

Tuổi nghỉ hưu chính thức ở Thái Lan là 60 tuổi, bao gồm cho cả công chức nhà nước và khu vực doanh nghiệp tư nhân đối với khu vực nông nghiệp và phi chính thức-tuổi nghỉ hưu không rõ ràng, phụ thuộc vào sức khỏe và độ ổn định kinh tế.

Chính phủ Thái Lan đã nhận thấy những thách thức phát sinh của quá trình già hóa dân số và đã ưu tiên cho các chính sách nhằm đối phó và ngăn chặn vấn đề này:

Thứ nhất , chú trọng xây dựng các thể chế và chương trình cho người cao tuổi như: Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi và các chính sách khác về y tế, giáo dục, việc làm, văn hóa (năm 1986) và đã thành lập Ủy ban quốc gia về người cao tuổi (năm 1999). Ủy ban này tập trung vào việc ra các chính sách về phúc lợi cho người cao tuổi, hoạt động cộng đồng,… và soạn thảo Luật người cao tuổi năm 2003.

Thứ hai, Thái Lan đang trong quá trình cải tổ và hoàn thiện hệ thống hưu trí, nhằm giảm bớt gánh nặng chi trả từ phía chính phủ và bổ sung lợi ích sau khi nghỉ hưu cho người lao động thông qua việc đưa ra các hình thức hưu trí bổ sung. Đến nay, hệ thống hưu trí Thái Lan đã phát triển khá tốt theo mô hình ba trụ cột (đa tầng) cùng tồn tại và vận hành song song, bao gồm: (i) Chương trình bảo hiểm xã hội nhằm đem lại sự ổn định và đảm bảo tiêu chuẩn sống tối thiểu cho công dân Thái Lan sau khi nghỉ hưu; (ii) Chương trình hưu trí Chính phủ, cũng là 1 loại hình hưu trí bắt buộc cho khu vực Nhà nước, được áp dụng cho công chức Thái Lan nhằm bổ sung thêm lợi ích hưu trí (bên cạnh Chương trình an sinh xã hội); (iii) Chương trình hưu trí tự nguyện được thiết lập nhằm khuyến khích người lao động tiết kiệm cho mục đích hưu trí thông qua các chính sách ưu đãi thuế; người lao động được phép tự lựa chọn mức đóng góp vào quỹ 13 .

Thứ ba, Chính phủ đã thành lập Quỹ Người cao tuổi với mức ban đầu là 60 triệu bath nhằm trợ giúp những người cao tuổi yếu thế. Những người cao tuổi ở Thái Lan có mức thu nhập dưới 10.000 bath mỗi năm sẽ được nhận trợ cấp 300 bath mỗi tháng, con cái chăm sóc cha mẹ già cũng được giảm trừ thuế thu nhập cá nhân. Chính sách này đã mở rộng độ bao phủ của chế độ trợ cấp lên đến 76% tổng số người cao tuổi nghèo.

Thứ tư, trong Đề án chăm sóc sức khỏe toàn dân cũng ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi , giảm gánh nặng của gia đình khi chăm sóc người cao tuổi: người cao tuổi khi đi khám bệnh tại các bệnh viện, cơ sở y tế được miễn phí chi phí khám bệnh; thực hiện tư vấn và chăm sóc sức khỏe tại các trung tâm y tế, cung cấp cho người già những kiến thức tổng quan về sự thay đổi của tuổi tác, khuyến khích họ tham gia các hoạt động cộng đồng, nhấn mạnh trách nhiệm và vai trò của xã hội với người cao tuổi.

Thứ năm, những nỗ lực của cộng đồng trong việc chung tay chăm sóc người già tại Thái Lan là rất đáng ghi nhận . ao gồm: đào tạo các nhân viên dịch vụ xã hội để chăm sóc người cao tuổi, các chương trình phục hồi thị lực cho người cao tuổi (kiểm tra mắt, cung cấp kính mắt và phẫu thuật cho các trường hợp đục thủy tinh thể) và cung cấp các thiết bị cho sinh hoạt như xe lăn, nạng chống ngày càng được mở rộng và đạt được những kết quả tốt trong những năm qua.

THẢO LUẬN VÀ RÚT RA BÀI HỌC KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam về ứng phó với già hoá dân số

Từ nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia như trên, có thể rút ra những bài học kinh nghiệm về ứng phó và giải quyết vấn đề già hoá dân số cho Việt Nam như sau:

Bài học kinh nghiệm về ứng phó với già hoá dân số

- Thứ nhất, nếu trước đây Trung Quốc áp dụng chính sách “một con” thì Việt Nam có chính sách “hai con”, hiện nay cả hai nhà nước đều dần nới lỏng chính sách dân số một cách hợp lý, điều này sẽ làm tăng dân số trong độ tuổi lao động so với dân số già, giảm áp lực sinh con nối dõi dẫn đến tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, dẫn đến mất cân đối giữa nam và nữ.

- Thứ hai, cả Trung Quốc và Nhật Bản khi áp dụng các biện pháp ứng phó già hóa dân số đều hướng đến xây dựng các chính sách khuyến khích sinh con nhằm đẩy lùi tình trạng già hóa, hướng đến phòng ngừa già hóa dân số, điều này rất đáng để Việt Nam học hỏi khi có đủ nguồn lực. Một trong những thành công của chính sách khuyến khích sinh con ở các quốc gia là áp dụng có hiệu quả các biện pháp thưởng tiền tăng dần cho những đứa con sinh thêm, hỗ trợ các gia đình tiêm chủng miễn phí, trợ cấp nhà ở, trợ cấp học tập và giảm chi phí nhà trẻ.

- Thứ ba, phát triển dịch vụ chăm sóc trẻ em giá rẻ để khuyến khích phụ nữ quay trở lại làm việc sau khi sinh, đồng thời giúp tăng tỷ lệ sinh đẻ.

- Thứ tư, cải thiện chính sách thai sản dành cho cả nam và nữ, đồng thời cải thiện hệ thống hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh con để khuyển khích tăng tỷ lệ sinh như: tăng thời gian nghỉ thai sản cho cả nam và nữ, tăng trợ cấp sinh con và tăng thời gian được nhận hỗ trợ trợ cấp nuôi con nhằm giảm gánh nặng kinh tế.

Bài học kinh nghiệm về giải quyết vấn đề già hoá dân số

- Thứ nhất, là một nước đang phát triển theo hướng công nghiệp hóa, Việt Nam có nhiều nét tương đồng và cố gắng học hỏi Thái Lan trong việc đảm bảo lực lượng lao động dồi dào. Trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng già hoá dân số thì chính sách khuyến khích tinh thần làm việc ở người cao tuổi sẽ bổ sung nhân lực vào lực lượng lao động. Do vậy, cần tạo mọi điều kiện thuận lợi để người cao tuổi tiếp tục làm việc nếu họ có nhu cầu; tăng cường các chính sách khuyến khích phụ nữ làm việc; giảm tỷ lệ thất nghiệp trá hình bằng cách tăng năng suất lao động; khuyến khích lao động nước ngoài đến làm việc; thực hiện các chính sách tư vấn nghề nghiệp, giáo dục đào tạo cho người cao tuổi nhằm tạo cơ hội cho những người có khả năng và nhu cầu tiếp tục được làm việc.

- Thứ hai, sở hữu nguồn lao động dồi dào và sẵn sàng nâng cao trình độ để nắm bắt khoa học - kỹ thuật, Việt Nam hoàn toàn có thể phấn đấu theo con đường của hai cường quốc kinh tế là Nhật Bản và Trung Quốc trong đầu tư phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng suất lao động , máy móc và khoa học công nghệ hiện đại có thể thay thế con người ở nhiều lĩnh vực. Mặt khác, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là giải pháp hữu hiệu để nâng cao năng suất lao động và làm giảm tác động tiêu cực của già hóa dân số đến lực lượng lao động, vì vậy cần đầu tư nhiều hơn cho giáo dục và đào tạo nghề.

- Thứ ba, khuyến khích và hỗ trợ các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với năng lực, sức khỏe của người cao tuổi. Chú trọng đến việc đối xử công bằng, bình đẳng với lao động lớn tuổi để họ được thể hiện bản thân, tận hưởng cuộc sống và đóng góp cho xã hội.

- Thứ tư, Cải cách hệ thống bảo trợ xã hội: mở rộng diện bao phủ của chế độ hưu trí, hưu trí tự nguyện; tăng mức đóng bảo hiểm xã hội nhằm đảm bảo đời sống cho người lao động khi nghỉ hưu, hạn chế áp lực lên chính sách phúc lợi của nhà nước gây ra gánh nặng lớn về ngân sách. Cần chỉnh trang lại các trung tâm y tế và chăm sóc người cao tuổi tại gia đình. Chính phủ cũng cần ban hành Luật chăm sóc bảo hiểm cho người già mà theo đó cơ cấu của việc chăm sóc người già sẽ được tiến hành dựa trên sự ủng hộ của toàn xã hội.

- Thứ năm, Nhà nước đưa người cao tuổi không nơi nương tựa về các trung tâm chăm sóc xã hội và chi trả nhận trợ cấp hàng tháng. Cần thu hút sự ủng hộ về kinh phí của toàn xã hội cho mục đích này nhằm san sẻ gánh nặng chi phí với ngân sách nhà nước. Bên cạnh đó, ngành y tế Việt Nam có chất lượng tốt, học hỏi nhiều kinh nghiệm từ môi trường lao động chuyên nghiệp như ở Nhật Bản, vì vậy cũng cần chú trọng đến công tác đào tạo các nhân viên dịch vụ xã hội để chăm sóc người cao tuổi, tăng cường các chương trình chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi.

Kết luận và gợi ý chính sách

Từ kết quả phân tích thực trạng về già hoá dân số ở Việt Nam, nếu chỉ căn cứ vào tỷ trọng dân số già (từ 65 tuổi trở lên) thì dân số Việt Nam đã chạm ngưỡng “già hóa dân số” từ năm 2019. Nhưng nếu xem xét các chỉ tiêu khác như: tỷ số phụ thuộc người cao tuổi; chỉ số già hóa hay tháp dân số đều cho thấy, ở thời điểm 01/04/2019 Việt Nam vẫn đang ở ngưỡng dân số ổn định và vẫn nằm trong cơ cấu dân số vàng. Tuy nhiên, kết quả dự báo lại cho thấy, từ năm 2039 trở đi dân số Việt Nam đều ở trạng thái đang già hoá ở tất cả các chỉ tiêu tính toán và già hóa ở nước ta sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới và sẽ trở thành áp lực lớn lên phúc lợi và ngân sách nhà nước. Vì vậy, nhóm tác giả đề xuất các giải pháp cho vấn đề trên, bao gồm:

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các biện pháp dân số nhằm duy trì ổn định mức sinh thay thế

Mức sinh cao làm dân số tăng quá nhanh, gây áp lực lên hệ thống cơ sở hạ tầng, y tế, giáo dục, môi trường, đe doạ đến vấn đề an ninh lương thực. Nhưng mức sinh thấp dưới mức thay thế sẽ dẫn đến thiếu hụt lực lượng lao động, già hóa dân số quá sớm, gia tăng những vấn đề tiêu cực lên hệ thống an sinh xã hội quốc gia. Do vậy, trong thời gian tới Việt Nam cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế (bình quân mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có 2,1 con; quy mô dân số 104 triệu người vào năm 2030 14 ). Để làm được điều này, cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

- Đẩy mạnh việc thực hiện chính sách dân số, kiểm soát không để bùng nổ mức sinh, đặc biệt ở vùng sâu vùng sa, vùng dân tộc thiểu số (là những vùng có mức sinh cao). Đồng thời với những vùng thành thị có tỷ lệ người trẻ cao cần có những biện pháp để khuyến khích mức sinh, thực hiện tốt chính sách dân số: mỗi cặp vợ chồng sinh đủ 2 con, tránh tình trạng lười sinh đẻ ở giới trẻ như nhiều nước trên thế giới. Theo đó, công tác kế hoạch hoá gia đình cần phải được cụ thể hóa theo từng nhóm đối tượng; phải có sự phân biệt về mục tiêu, nội dung tuyên truyền cho phù hợp với kết quả về mức sinh mà mỗi nhóm cần đạt được để không ảnh hưởng đến mức sinh chung của cả nước.

- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ với những cặp gia đình sinh đủ hai con, cụ thể là những hỗ trợ về hệ thống nhà trẻ, hỗ trợ về kinh phí và điều kiện chăm sóc y tế để khuyến khích các gia đình ở mọi miền đất nước đều tuân thủ đúng chính sách 2 con.

- Cần thực hiện song hành chính sách chăm sóc sức khỏe sinh sản - kế hoạch hóa gia đình nhằm giảm tỷ lệ chết của trẻ sơ sinh và bà mẹ. Tiếp tục củng cố mạng lưới dịch vụ kế hoạch hoá gia đình, tăng cường thực hiện chính sách sàng lọc sức khoẻ sinh sản trước khi kết hôn. Phát triển mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khoẻ sinh sản trước hôn nhân nhằm giảm tỷ lệ chết hoặc bệnh tật ở trẻ sơ sinh, nhờ đó duy trì tỷ lệ sinh ổn định và góp phần nâng cao chất lượng dân số.

- Đa dạng hoá phương thức thực hiện của các trung tâm có chức năng tư vấn, thăm khám, sàng lọc sức khoẻ sinh sản. Đổi mới phương thức cung cấp, đưa dịch vụ tới tận người sử dụng; thúc đẩy cung cấp dịch vụ qua mạng. Mặt khác, đa dạng hoá các thành phần kinh tế tham gia vào loại hình dịch vụ này, tăng cường kết nối, hợp tác với các cơ sở cung cấp dịch vụ ngoài công lập để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng tính cạnh tranh nhằm tạo động lực hoàn thiện chất lượng dịch vụ ở các trung tâm.

- Tuyên truyền pháp luật nhằm thực hiện nghiêm túc quy định “Nghiêm cấm chọn lọc giới tính thai nhi” đến người dân và các cơ sở y tế, đặc biệt là ở các phòng khám tư. Rà soát, bổ sung các quy định của pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi nhằm tạo điều kiện cho công tác thực thi chính sách được dễ dàng và thuận lợi trong thực tiễn.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân

Chất lượng cuộc sống được thể hiện qua việc đảm bảo sức khoẻ, gia tăng tuổi thọ, hạn chế mức chết, hạn chế tình trạng suy dinh dưỡng ở trẻ em, tử vong ở mẹ… Do vậy, để làm tốt công tác này cần:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số về chăm sóc bà mẹ và trẻ em. Đẩy mạnh tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình: không nên sinh nhiều con, giãn khoảng cách giữa các lần sinh từ 3 năm trở lên, không nên sinh con trước tuổi 20 và sau tuổi 35 để làm giảm nguy cơ dị tật và tử vong của trẻ sơ sinh.

- Cần tăng cường vận động chính sách và nguồn lực cho công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ-trẻ em. Huy động nguồn lực trong và ngoài nước, kể cả các nguồn đóng góp của các tầng lớp nhân dân.

- Triển khai rộng rãi sổ theo dõi sức khỏe bà mẹ-trẻ em trên toàn quốc nhằm đẩy mạnh công tác chăm sóc liên tục từ khi mang thai, khi sinh, chăm sóc sơ sinh và trẻ nhỏ. Duy trì tốt công tác tiêm chủng mở rộng, phòng chống các bệnh truyền nhiễm, quản lý thai nghén, phòng chống suy dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, đặc biệt là đẩy mạnh nuôi con bằng sữa mẹ.

- Chú trọng đào tạo và nâng cao chất lượng cho đội ngũ y bác sĩ làm công tác sinh nở, chăm sóc sức hoẻ bà mẹ, trẻ em để nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em.

Nhóm giải pháp khuyến khích xây dựng hệ thống an sinh xã hội nhằm giải quyết tốt vấn đề già hoá dân số

- Cần chuẩn bị trước một hệ thống an sinh xã hội thật tốt dành cho người già thông qua cải cách hệ thống bảo trợ xã hội; nâng cao hiệu quả công tác thực thi chính sách bảo hiểm hưu trí trong cuộc sống để đảm bảo tất cả người lao động đều có thể được tham gia khi có nhu cầu, tránh tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ở các doanh nghiệp, tổ chức như hiện nay gây thiệt thòi cho người lao động. Bên cạnh đó, cần thực hiện tốt chính sách bảo hiểm y tế toàn dân, đặc biệt hướng đến đối tượng người cao tuổi để mỗi người đều có thẻ bảo hiểm y tế nhằm giảm áp lực chi phí khám chữa bệnh cho bản thân và gia đình người cao tuổi.

- Phát triển mạnh hệ thống chăm sóc y tế cho người già, hướng đến phát triển mạnh chuyên ngành Lão khoa trong các cơ sở y tế. Thực tế ở Việt Nam hiện nay, hệ thống y tế còn chưa thực sự linh hoạt đổi mới để thích ứng với quá trình già hóa dân số. Tính đến cuối năm 2018, cả nước mới có hơn 60 khoa Lão khoa tại các bệnh viện tuyến tỉnh và hơn 450 phòng khám lão khoa tại bệnh viện tuyến Trung ương. Hệ thống bệnh viện và khoa Lão khoa luôn trong tình trạng quá tải. Vì vậy, cần sớm có kế hoạch tập trung nguồn lực để phát triển các hệ thống này ngay từ khi hoạch định chính sách dân số, cần phải quan tâm tới vấn đề chăm sóc sức khỏe, nhu cầu khám, chữa bệnh của người cao tuổi với chất lượng ngày càng cao, chi phí và hình thức phù hợp; thực hiện song song chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại cơ sở y tế và dựa vào cộng đồng.

- Đa dạng hoá các hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội theo hướng đẩy mạnh xã hội hoá nhằm thu hút nhiều nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động này nhằm tạo nguồn kinh phí để thực hiện công tác bảo trợ người già được tốt hơn.

- Khuyến khích phát triển các cơ sở chăm sóc người cao tuổi; cơ sở cung cấp các loại hình dịch vụ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, văn hoá, giải trí của người cao tuổi, tạo lập môi trường thân thiện, hoà nhập giữa các nhóm đối tượng và với xã hội. Hoạt động này cũng cần thực hiện xã hội hoá, thu hút nhiều thành phần kinh tế cùng tham gia.

Nhóm giải pháp khuyến khích tinh thần lao động ở người cao tuổi

Khi bước vào giai đoạn dân số già, việc khuyến khích tinh thần lao động ở người cao tuổi để họ tiếp tục tham gia làm việc sẽ góp phần đảm bảo lực lượng lao động ở mọi thời kỳ, không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế. Do vậy cần phải:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về già hóa dân số để nâng cao nhận thức của xã hội, người dân chủ động hơn trong việc chuẩn bị cho tuổi già. Lồng ghép nội dung khuyến khích tinh thần lao động ở người cao tuổi trong các nội dung tuyên truyền nhằm xây dựng trong tương lai một lực lượng lao động lớn tuổi với trình độ, năng lực, tay nghề và năng suất lao động cao, để bổ sung cho sự thiếu hụt của dân số trong độ tuổi lao động.

- Khuyến khích các đơn vị sử dụng lao động tạo việc làm và môi trường làm việc phù hợp với năng lực, sức khỏe của người cao tuổi, đối xử bình đẳng với người cao tuổi trong công việc.

KẾT LUẬN

Việt Nam đã có giai đoạn làm tốt công tác dân số, tỷ lệ sinh luôn ổn định, cộng thêm sự phát triển kinh tế-xã hội và việc chăm sóc sức khỏe ngày càng tốt hơn tỷ lệ và số lượng người cao tuổi tăng lên. Nhưng mặt trái của điều này làm cho tỷ lệ người cao tuổi trong tổng dân số ngày càng tăng và đã chạm ngưỡng “dân số đang già” ở thời điểm thực hiện cuộc tổng điều tra dân số và nhà ở ngày 01/04/2019. Cho đến khi tỷ lệ người cao tuổi đạt 14%, chúng ta sẽ bước vào giai đoạn dân số già. Điều đáng lo ngại là, xu hướng này diễn ra khá nhanh ở Việt Nam trong 10 năm qua, do vậy Việt Nam được đánh giá là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Kết quả dự báo cũng cho thấy, từ năm 2039 trở đi dân số Việt Nam đều ở trạng thái đang già hoá ở tất cả các chỉ tiêu tính toán và sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới gây áp lực lớn lên phúc lợi và ngân sách nhà nước. Vì vậy, Việt Nam cần phải có các quyết sách, chương trình kịp thời và hiệu quả để có thể ứng phó với già hóa dân số và chuẩn bị những giải pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề dân số già trong tương lai. Việc học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong việc ứng phó và giải quyết tốt vấn đề già hoá dân số là rất đáng để Việt Nam học hỏi và rút ra những bài học kinh nghiệm quý giá nhằm giải quyết vấn đề. Kinh nghiệm của Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan và Ý được phân tích trong bài cũng nhằm mục đích này.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

- Tác giả Nguyễn Thanh Huyền: thu thập dữ liệu và viết các phần: phương pháp nghiên cứu và nguồn dữ liệu; kết quả nghiên cứu về già hoá dân số ở Việt Nam; thảo luận kết quả nghiên cứu và rút ra bài học kinh nghiệm cho Việt Nam.

- Tác giả Nguyễn Hòa Kim Thái: viết phần cơ sở lý luận và kinh nghiệm một số nước về ứng phó với già hoá dân số.

References

  1. L.A Gavrilov, Heuveline P. Aging of Population. In: Paul Demeny and Geoffrey McNicoll (Eds.) The Encyclopedia of population. New York, Macmillan Reference USA. . 2003;1:32-37. Google Scholar
  2. Quỹ dân số Liên hợp quốc (UNFPA). Báo cáo tóm tắt: Già hóa trong thế kỉ 21-Thành tựu và Thách thức. . 2010;:. Google Scholar
  3. Tổng cục Thống kê. Kết quả tổng điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009, NXB Thống kê. . 2009;:. Google Scholar
  4. Tổng cục Thống kê. Kết quả tổng điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2019, NXB Thống kê. . 2019;:. Google Scholar
  5. Tổng cục Thống kê. Kết quả tổng điều tra Dân số và Nhà ở thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2014, NXB Thống kê. . 2014;:. Google Scholar
  6. Tổng cục Thống kê và Quỹ dân số Liên Hợp Quốc. Dự báo Dân số Việt Nam 2024-2049, NXB Thông tấn, Hà Nội. . 2016;:. Google Scholar
  7. Axel-Borsch-Supan: Ảnh hưởng của già hóa dân số đến thị trường lao động. . 2002;:. Google Scholar
  8. Mickey Butts: Economic impact of Population aging in Japan.. . 2012;:. Google Scholar
  9. Giang Kiều. Nhật Bản: Thưởng tiền để khuyến khích người dân sinh con, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam. Truy cập ngày 10/2/2021. . 2019;:. Google Scholar
  10. Civillawinfor. Tổng quan về an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội ở Trung Quốc, Thế giới luật. Truy cập ngày 10/2/2021. . 2008;:. Google Scholar
  11. World Health Organization. Report of China. Truy cập ngày 10/2/2021. . 2002;:. Google Scholar
  12. Tổ chức năng suất Châu Á (APO): Già hóa dân số ở các nước Châu Á. . 2011;:. Google Scholar
  13. Vina Wealth: Mô hình hưu trí Thái Lan, tháng 9/2012. . 2012;:. Google Scholar
  14. Ban chấp hành Trung ương Đảng. Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới, ban hành ngày 25/10/2017. . 2017;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2297-2309
Published: Feb 23, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.813

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Huyen, N., & Thai, N. (2022). Population aging issue in Vietnam and experiences of dealing with population aging in some countries. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2297-2309. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.813

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1669 times
PDF   = 779 times
XML   = 0 times
Total   = 779 times