Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Commentaries

HTML

1272

Total

587

Share

The effect of the legal tradition on the law about public corporate governance - recommendations for Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Along with the process of integration and attracting international capital, the law about public corporate governance of Vietnam also includes the need to receive high standards of the regulations of other countries. However, to ensure the process of completing and exercising law enforcement effectively, helping to reduce enforcement costs for the corporation, the legal tradition of countries is a factor that needs to be considered adequately by the legal origin. The legal tradition has a profound influence on the reform and improvement of the country's modern legal system and is the source of the differences among countries' corporate governance legal systems. Legal traditions have a strong impact on investor protection mechanisms and corporate governance models. Within the scope of this article, the author generalizes the effects of legal traditions on the construction and consolidation of corporate governance laws of legal families in different countries. Simultaneously, the paper focuses on analyzing the case of Vietnam where there is a Civil legal tradition, but the corporate governance model is hybrid with the corporate governance model in countries with a Common law tradition. Consequently, the analysis shows the need to establish new values on the basis of legal traditions to modernize the law on public corporate governance in Vietnam. In addition, propose directions to improve the adjustment efficiency of Vietnam's public company governance law.

Nhận diện yếu tố truyền thống pháp lý

Truyền thống pháp lý (legal tradition) được hiểu là các quan điểm, triết lý, hệ tư tưởng chủ đạo, các nguyên tắc, chuẩn mực hành vi có nguồn gốc lịch sử sâu xa quy định bản chất vai trò của pháp luật trong xã hội, cũng nh ư cấu trúc và cơ chế vận hành của hệ thống pháp luật , cách thức mà pháp luật có thể được tạo ra và thực thi [ 1 , tr.22], [ 2 , tr. 67-74], [ 3 , tr.691], [ 4 , tr.68,72,79]. Truyền thống pháp lý gắn liền với sự kế thừa lịch sử và là một bộ phận biểu hiện có tính ổn định và bền vững của văn hóa. Sự phát triển của hệ thống pháp luật đều bị ảnh hưởng bởi các yếu tố có tính ổn định và không dễ thay đổi đó. Truyền thống pháp lý hình thành nên “lối mòn tư duy” trong hoạt động lập pháp và cơ chế thực thi. Vấn đề hội nhập và phát triển chỉ giúp chỉnh trang và mở rộng lối mòn đó, làm cho nó từng bước hiện đại hơn chứ không thể đoạn tuyệt hẳn những nền tảng tinh thần đó của nó. Bởi đấy là những giá trị xã hội được kết tinh trong bối cảnh văn hóa và tư duy đạo đức làm nên những thành trì của tổ chức xã hội, đặc biệt là tổ chức hoạt động kinh tế. Dù vậy, tính ổn định và bền vững của truyền thống pháp lý cũng không hoàn toàn tuyệt đối. Trong tiến trình phát triển của xã hội, một số yếu tố truyền thống không phù hợp với bối cảnh mới sẽ mờ dần đi, những yếu tố mới sẽ nảy sinh và dần dần trở thành truyền thống. Từ đó, hệ thống pháp luật có đầy đủ các thuộc tính của một yếu tố truyền thống. Đó là tính lịch sử, tính truyền tải các giá trị của quá khứ đến hiện tại và khả năng chi phối hiện tại.

Truyền thống pháp lý ảnh hưởng sâu sắc đến việc cải cách và hoàn thiện hệ thống pháp luật hiện đại của quốc gia và là nguồn gốc dẫn đến những khác biệt giữa các hệ thống pháp luật của các nước, điều cốt lõi làm nên học thuyết nguồn gốc pháp lý (legal origin theory) của sự phát triển. Theo đó, truyền thống pháp lý được coi là xương sống, là nét đặc trưng để phân biệt các dòng họ pháp luật (legal families) hay phân nhóm hệ thống pháp luật (legal systems). Còn hệ thống pháp luật là tổng thể các quy phạm pháp luật có mối quan hệ nội tại thống nhất với nhau trực tiếp điều chỉnh các quan hệ xã hội [ 5 ,tr.23], [ 2 , tr. 67-74], được xây dựng và vận hành dựa trên nền tảng chuyên biệt về triết lý, hệ tư tưởng, nguyên tắc pháp lý, thứ mà được gọi là truyền thống pháp lý. Những hệ thống pháp luật có cùng truyền thống pháp lý được coi là cùng họ pháp luật. Khi đó, họ pháp luật là thuật ngữ mang tính quy nạp về nguồn gốc pháp lý của nhánh pháp luật chứa trong nó nhiều hệ thống pháp luật của các quốc gia có cùng truyền thống pháp lý. Nói cách khác, gắn với mỗi dòng họ pháp luật hay nhóm hệ thống pháp luật của các nước thuộc cùng nguồn gốc pháp lý là một truyền thống pháp lý. Chính vì nét đặc trưng có tính cốt lõi đó nên trong thực tế nhiều học giả thường dùng qua lại giữa thuật ngữ truyền thống pháp lý và họ pháp luật và thậm chí là hệ thống pháp luật để làm nổi bậc nét đặc trưng về nguồn gốc pháp lý hay triết lý định hình nên hệ thống các quy phạm pháp luật trong nó, tức nói về truyền thống pháp lý. Khi đó, hệ thống pháp luật được hiểu ở nghĩa rộng hơn như là hình thức định danh khác của họ pháp luật hay truyền thống pháp lý, mà ở đó nó chứa đựng các triết lý bên trong và cả những biểu hiện bên ngoài của pháp luật. Trong công trình nghiên cứu “ Major Legal Systems in the World Today ”(tạm dịch là: Những hệ thống pháp luật chính trong thế giới đương đại) , Réne David và John Brierley (1985) đã dùng cụm từ hệ thống pháp luật (legal system) với nghĩa như vậy. Réne David và John Brierley cũng đã chứng minh rằng, hệ thống pháp luật kinh doanh của hầu hết các nước đều xuất phát từ vài truyền thống pháp lý, mà đa phần là truyền thống Thông luật của người Anh và truyền thống Dân luật có nguồn gốc từ Luật La Mã, mà người Pháp và người Đức tiếp nhận và truyền tải theo cách riêng. Về mặt lịch sử có thể thấy, ngay từ thế kỷ 19, các giá trị tư tưởng, triết lý của các hệ thống pháp luật này lan truyền khắp thế giới thông qua các cuộc chinh phục, thuộc địa hóa hoặc áp dụng tự nguyện. Nước Anh và các thuộc địa trước đây của Anh, bao gồm Hoa Kỳ, Canada, Úc, New Zealand, và nhiều quốc gia ở châu Phi và Đông Nam Á, đã chịu ảnh hưởng của truyền thống Thông luật. Nước Pháp và nhiều nước mà Napoleon và thế hệ sau của ông chinh phục là một phần của truyền thống luật dân sự Pháp. Truyền thống pháp lý này cũng mở rộng đến Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha và các thuộc địa của Pháp trước đây, bao gồm cả Mỹ Latinh. Trong khi đó, nước Đức, các vùng lãnh thổ thuộc về nước Đức ở châu Âu, và một số quốc gia thuộc khu vực Đông Á là một phần của truyền thống luật dân sự Đức. Còn các nước Bắc Âu (Thụy Điển, Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, Đảo Iceland, Greenland, Faroe) hình thành truyền thống riêng của mình gắn với quá trình phát triển quốc gia và được phân biệt với tên gọi là truyền thống Scandinavian law hay hệ thống pháp luật Nordic. Riêng hệ thống pháp luật của các nước thuộc xã hội chủ nghĩa (Socialist law) trước đây chịu ảnh hưởng của pháp luật Liên Xô cũ với tư tưởng chủ nghĩa thực chứng pháp lý (legal positivism), xem pháp luật như sự biểu hiện ý chí của các nhà lập pháp, mà ở đó họ được xem như là nhà thông dịch tối thượng của công lý [ 6 , tr.69]. Hệ thống này lan rộng từ Liên Xô sang các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và Châu Á, dù rằng một vài quốc gia Châu Á có tiếp nhận thêm một số hạt nhân tư tưởng của Trung Quốc. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô cũ và các nước Đông Âu sụp đổ, hệ thống pháp luật các nước này quay lại truyền thống pháp lý của họ trước Cách mạng tháng mười Nga hay trước thế chiến thế giới thứ hai. Đó là truyền thống luật dân sự Pháp hoặc truyền thống luật dân sự Đức [ 7 , tr.288]. Một số nước cũng tiếp nhận thêm một số tinh hoa của pháp luật Anh - Mỹ trong hệ thống pháp luật nước mình như Việt Nam, Trung Quốc, Nga chẳng hạn. Điển hình là việc ghi nhận thành viên Hội đồng quản trị độc lập trong pháp luật quản trị công ty.

Truyền thống pháp lý - đường mòn độc lập trong sự phát triển pháp luật quản trị công ty của các nước trên thế giới.

Trong phạm vi quản trị công ty, truyền thống pháp lý liên quan chặt chẽ đến cách tiếp cận, nội dung điều chỉnh pháp luật và cơ chế thực thi. Hay nói cách khác, pháp luật quản trị công ty chịu ảnh hưởng bởi truyền thống pháp lý hay nguồn gốc pháp lý (legal origin) ban đầu của nó. Cụ thể là, ở các nước theo truyền thống thông luật (Common Law), các thẩm phán được trao cho quyền tự do vận dụng những nguyên tắc công bằng (equity law), ủy thác (trust law) và nhận định “bản chất khách quan” (smell test - thực tiễn khách quan) vào các tình huống mới ngay cả khi hành vi cụ thể chưa được mô tả hoặc bị cấm trong các đạo luật đã ban hành. Khi đó, thẩm phán sẽ quyết định liệu hành vi chưa từng có của người bên trong công ty có bất công với các nhà đầu tư bên ngoài hay không? Người được ủy thác có tư lợi hay tước đoạt lợi nhuận của nhà đầu tư hay không ? Bằng phán quyết của mình, thẩm phán giải thích bổ sung nhiệm vụ ủy thác và chế tài đối với hành vi chiếm đoạt lợi ích của công ty và cổ đông bên ngoài. Từ đó mở rộng các tiền lệ pháp về các vi phạm nhiệm vụ ủy thác. Sự sợ hãi của việc mở rộng đó đã hạn chế việc chiếm đoạt của những người bên trong công ty ở các quốc gia thuộc truyền thống Thông luật, đặc biệt khi mà các thẩm phán thường có khuynh hướng tâm lý xem các nhà đầu tư bên ngoài là “bên yếu thế” cần được bảo vệ để duy trì công lý và sự phát triển của thị trường chứng khoán . Tư tưởng tôn trọng tự do, công bằng và các quyền tài sản cùng với sức mạnh của chế định ủy thác (trust) ở các nước thuộc truyền thống Thông luật đã giúp bảo vệ mạnh mẽ nhà đầu tư bên ngoài, đặc biệt là cổ đông thiểu số động viên các nhà đầu tư tham gia vào thị trường vốn ủng hộ phát triển nền kinh tế thị trường tự do và sử dụng thị trường như là một công cụ để kiểm soát hoạt động của người quản lý công ty.

Ngược lại, trong các truyền thống Dân luật (Civil Law tradition), luật pháp do các cơ quan lập pháp tạo ra và các thẩm phán hầu như chỉ thực hiện trong phạm vi các luật thành văn đã được ban hành. Thẩm phán không được phép hoặc không dám vượt quá các quy định đó để quy về ​​“bản chất khách quan” (smell test - thực tiễn khách quan) và các nguyên tắc ​​công bằng. Thẩm phán không có khuynh hướng can thiệp vào các giao dịch có nguy cơ tư lợi (self - dealing) của người được ủy thác hoặc người chi phối quyết định của công ty, nếu nội dung giao dịch được xem là phù hợp với hoạt động kinh doanh. Kết quả là, người bên trong công ty có thể mưu mô thực hiện việc chiếm đoạt tài sản hoặc cơ hội kinh doanh của công ty và lợi nhuận của cổ đông bên ngoài mà không sợ có một quy chuẩn khác xử lý bất lợi cho mình. Do đó, nội dung của pháp luật quản trị công ty bị giới hạn trong những văn bản đã ban hành mà không theo kịp những đòi hỏi của thực tiễn khách quan; thụ động hơn trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số cũng như trong việc thúc đẩy sự năng động của thị trường vốn. Quản trị công ty chủ yếu dựa vào hệ thống những người bên trong mà ít dựa vào thị trường như Anh - Mỹ. Pháp luật quản trị công ty vì thế cũng có những nét khác biệt. Các quy định rõ ràng, minh thị của truyền thống Dân luật giờ đây bảo vệ các cổ đông bên ngoài kém hơn so với các nguyên tắc về trách nhiệm của người ủy thác tưởng như mơ hồ trong truyền thống Thông luật.

Thật vậy, kết quả nghiên cứu thực nghiệm ở 49 quốc gia của La Porta, Lopez de Silanes, Shleifer và Vishny cũng đã chứng minh rằng, sự khác biệt có tính hệ thống về phương thức bảo vệ pháp lý cho các nhà đầu tư bên ngoài đều do nguồn gốc pháp lý hay truyền thống pháp lý. Nói đơn giản hơn, sự khác biệt về nguồn gốc pháp lý làm cho một số quốc gia bảo vệ các nhà đầu tư bên ngoài tốt hơn những quốc gia khác [ 8 , tr.8]. Cụ thể các nước theo truyền thống Thông luật có sự bảo vệ mạnh nhất quyền của các nhà đầu tư bên ngoài (bao gồm cổ đông và chủ nợ), trong khi các nước theo truyền thống luật dân sự Pháp có sự bảo vệ yếu nhất. Các nước thuộc truyền thống luật dân sự Đức và các nước Bắc Âu rơi vào mức giữa, thường họ có sự bảo vệ tương đối mạnh hơn đối với các chủ nợ, đặc biệt là các chủ nợ có bảo đảm. Kết quả này tiếp tục được củng cố bởi nghiên cứu của Gur Aminadav và Elias Papaioannou (2018) với 42.720 công ty niêm yết ở 127 quốc gia, khi chứng minh nguồn gốc pháp lý có mối tương quan với cơ cấu sở hữu công ty (xem Figure 1 ) và cơ cấu sở hữu công ty lại có mối quan hệ với các quy định của Luật công ty về bảo vệ cổ đông thiểu số khỏi những tư lợi từ giao dịch nội bộ của nhà quản lý và cổ đông chi phối, lập luận duy trì ủng hộ kết quả nghiên cứu của nhóm La Porta [ 9 , tr.2-3].

Figure 1 . Nguồn gốc pháp lý và cơ cấu sở hữu [ 9 , tr.20].

Thông qua việc tác động lên cơ chế thực thi pháp luật, truyền thống pháp lý tác động lên hiệu quả của pháp luật quản trị công ty. Có thể thấy được điều này thông qua tư duy pháp lý ở hai họ pháp luật Common Law và Civil Law, và cách điều chỉnh quan hệ xã hội từ hệ quả của tư duy đó. Theo đó, các nước thuộc truyền thống Civil Law chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa duy lý (rationalism) nên coi trọng pháp điển hóa, cố gắng xây dựng những nguyên tắc trừu tượng để thực thi chính sách cho những tình huống cụ thể. Tuyệt đối hóa quan điểm ở đâu có xã hội ở đó có pháp luật (Ubi societa ibi jus) một cách khô cứng, bao trùm và đóng khung mọi ngõ ngách của các quan hệ xã hội trong một hệ thống các quy phạm trừu tượng được khái quát hóa và sắp xếp minh thị trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nhà nước có khuynh hướng sử dụng pháp luật can thiệp nhiều vào hoạt động kinh tế nhưng lại bảo vệ quyền sở hữu tư nhân kém hiệu quả hơn so với các quốc gia theo truyền thống Common Law. Trong khi đó, các quốc gia theo truyền thống Common Law, chịu ảnh hưởng của chủ nghĩa kinh nghiệm (impiricism) nên xem trọng quy tắc của thực tiễn khách quan (smell test) để giải quyết tranh chấp và mở rộng các quy định điều chỉnh từ những án lệ cụ thể, mà không can thiệp sâu vào thị trường nhưng vẫn bảo vệ hữu hiệu hơn quyền sở hữu của nhà đầu tư bên ngoài. Nói cách khác như La Porta và cộng sự (2008) thì truyền thống Common Law ủng hộ kiểm soát xã hội đối với chiến lược kinh doanh nhằm hỗ trợ thị trường phát triển, trong khi truyền thống Civil law tìm cách thay thế nó bằng hoạt động điều tiết của nhà nước [ 7 , tr.286]. Đó cũng lý giải về sự khác biệt về tính hiệu quả trong việc đảm quyền của nhà đầu tư. Kết quả nghiên cứu của nhóm La Porta tiếp tục được hỗ trợ bởi Djankov và cộng sự (2008) khi chứng minh rằng, các quốc gia thuộc truyền thống Thông luật có điểm số bảo vệ quyền của chủ nợ cao hơn và có thị trường chứng khoán phát triển hơn so với các quốc gia thuộc truyền thống luật dân sự Pháp [ 10 , tr. 1126, 1127, 1136, 1146].

Nhìn chung, truyền thống pháp lý đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và hoàn thiện pháp luật quản trị công ty. Do vậy, việc hoàn thiện pháp luật quản trị công ty cần xem xét đến yếu tố này để đảm bảo sự tương thích của pháp luật với đặc trưng riêng của quốc gia.

Sự ảnh hưởng của truyền thống pháp lý lên pháp luật quản trị công ty Việt Nam

Thời kỳ dựng nước, nước Văn Lang đã có một hệ thống pháp luật độc lập dựa trên các luật tục hay tập quán pháp. Đến thời kỳ Bắc thuộc, pháp luật Việt Nam chịu ảnh hưởng bởi nền tảng luân lý của mô hình pháp luật Trung Quốc, vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo, Đạo giáo, Phật giáo [ 11 , tr.109, 113]. Đến thời Pháp thuộc, mô hình pháp luật Pháp du nhập vào miền Nam nước ta đến 1975. Trong khi đó, ở miền Bắc chuyển dần mô hình Civil Law sang mô hình pháp luật Xô Viết. Sau khi đất nước thống nhất, cả nước đi theo mô hình pháp luật xã hội chủ nghĩa, mà vốn dĩ trước đó các nước này có nguồn gốc từ hệ thống pháp luật Civil Law, bấy giờ được bổ sung bởi hệ tư tưởng Mác - Lênin hướng tới việc tạo lập một chế độ kinh tế mới 6 . Nguồn luật duy nhất của hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa bấy giờ là văn bản quy phạm pháp luật, được xem là kết quả hoạt động cách mạng của các nhà lập pháp thể hiện ý chí của nhân dân lao động do Đảng cộng sản lãnh đạo. Sau khi hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường và có sự tiếp nhận pháp luật nước ngoài một cách ồ ạt và khá tùy tiện theo cơ sở học của người soạn thảo dự luật [ 12 , tr.219].

Dù vậy, tư duy pháp lý phần lớn vẫn ảnh hưởng mạnh mẽ bởi truyền thống pháp lý của họ Civil Law. Hệ thống pháp luật vận hành trên cơ sở chủ nghĩa duy lý (rationalism) là chủ yếu, Thẩm phán ra phán quyết chủ yếu căn cứ vào quy phạm pháp luật thực định mà hiếm khi mạo hiểm sáng tạo pháp luật giống như thẩm phán ở các nước thuộc truyền thống Common law, các hoạt động quản lý nhà nước bao trùm và can thiệp sâu vào mọi hoạt động của đời sống xã hội với hàng vạn văn bản quy phạm pháp luật. Bộ luật dân sự 2015 hiện hành, Bộ luật được xem là luật chung điều chỉnh các quan hệ tư, mang dáng dấp về tư tưởng lập pháp của truyền thống pháp luật dân sự Pháp. Tất cả điều đó góp phần lý giải tại sao các nhà so sánh luật quốc tế của Đại học Ottawa, Cannada, xếp pháp luật Việt Nam hiện nay vào hệ thống Civil law 13 .

Cũng trong bối cảnh đó, pháp luật quản trị công ty đại chúng Việt Nam có xu hướng sử dụng luật thực định (luât cứng) can thiệp sâu vào quan hệ kiểm soát hoạt động quản lý điều hành công ty vốn dĩ cần linh hoạt và tự điều chỉnh trên cơ sở cân bằng lợi ích tự thân doanh nghiệp và yêu cầu của thị trường. Các nhà làm luật và các nhà kỹ trị nhà nước chưa quên thói quen can thiệp không cần thiết vào quá trình này dù cơ chế đảm bảo thực thi pháp luật là một phần không thể tách rời khi cải cách pháp luật vốn dĩ gặp nhiều hạn chế. Thẩm phán không có thói quen tạo ra án lệ đúng như những gì các thẩm phán của họ pháp luật Common law đã làm trong giải quyết tranh chấp liên quan đến hoạt động quản trị công ty. Điều này không tạo ra sự quan ngại cho những người có quá nhiều kinh nghiệm “lách luật” thực hiện hành vi quản trị gây thiệt hại cho công ty. Sự thiếu vắng các học thuyết pháp lý và sự an toàn của thẩm phán là một trong những nguyên nhân đó. Tuy vậy, pháp luật quản trị công ty cổ phần đại chúng Việt Nam vẫn có những nét riêng biệt, không hoàn toàn giống mô hình các bên liên quan của các nước theo truyền thống luật dân sự. Luật Doanh nghiệp năm 2020 vẫn xây dựng mô hình quản trị công ty hướng đến lợi ích cổ đông, dù rằng hoạt động quản trị công ty chủ yếu dựa vào cơ cấu quản trị nội bộ bên trong. Cụ thể là chủ nợ và người lao động không có vai trò gì trong cơ cấu tổ chức bộ máy quản lý nội bộ công ty. Pháp luật chưa có cơ chế khuyến khích sự giám sát của các lực lượng tham gia thị trường đối với hành vi của người quản lý, điều hành. Hay nói cách khác, cơ chế hỗ trợ sự điều tiết của thị trường lên hoạt động quản trị công ty chưa được quan tâm đúng mức, quyền tự chủ của chủ sở hữu công ty trong việc hoạt động quản lý nội bộ công ty chưa được đảm bảo. Mô hình pháp luật quản trị công ty chưa tạo ra sự linh hoạt cho phép doanh nghiệp tự chủ động thiết kế cơ cấu quản trị nội bộ tương thích với quy mô riêng, mức độ tập trung sở hữu. Bộ nguyên tắc quản trị công ty dù mang tính khuyến nghị nhưng lại không được hướng dẫn cơ chế “giải trình” và cho phép áp dụng các biện pháp “thay thế” để đáp ứng các mục tiêu điều chỉnh. Trong khi những công ty có mô hình quản trị nội bộ gắn với truyền thống pháp lý dân sự thì quyền hạn của Ban kiểm soát không được cân xét đầy đủ và tương xứng với vị trí, vai trò vốn có của nó như trong mô hình quản trị dựa vào bên trong ở các nước Châu Âu lục địa. Nói cách khác, việc tiếp nhận, lai ghép các mô hình quản trị công ty ở các nước thuộc truyền thống Thông Luật (Common law) và truyền thống Dân luật (Civil law) chưa xem xét đầy đủ ý nghĩa và điều kiện tồn tại, vận hành của mô hình gắn liền truyền thống pháp lý và nhu cầu thay đổi hợp lý các giá trị truyền thống không còn đáp ứng các yêu cầu phát triển, cũng như lưu giữ các giá trị truyền thống duy trì sự phát triển ổn định. Chẳng hạn như, xem xét quyền của chủ nợ có bảo đảm trong việc phục hồi công ty khi sử dụng tài sản có bảo đảm làm phương tiện phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh trong thủ tục giải quyết yêu cầu tuyên bố phá sản doanh nghiệp. Hay chấp nhận cho phép Đại hội cổ đông bỏ phiếu vắng mặt trong trường hợp đặc biệt khi nội dung cuộc họp chỉ để biểu quyết chấp nhận hoặc không chấp nhận một vấn đề cụ thể không cần bàn luận.

Khuyến nghị về phương hướng hoàn thiện quản trị pháp luật công ty Việt Nam

Từ những phân tích trên có thể thấy, do chịu ảnh hưởng của truyền thống luật dân sự, pháp luật quản trị công ty Việt Nam có nét khá giống với mô hình quản trị dựa vào bên trong của các nước châu Âu. Cụ thể là Luật doanh nghiệp cho phép tồn tại mô hình quản trị nội bộ có Ban kiểm soát tách rời Hội đồng quản trị, khá tương tự như mô hình song lớp của Đức. Tuy nhiên, “lối mòn tư duy” này cần được chỉnh trang và hiện đại hơn để đáp ứng nhu cầu thu hút nguồn vốn quốc tế. Từ đó, hình thành những giá trị mới vừa tương thích với giá trị truyền thống nhưng tạo ra sự mới mẻ, linh hoạt trong phát triển các giá trị truyền thống. Điều đó đồng nghĩa với pháp luật cần hoàn thiện cơ chế hỗ trợ sự điều tiết của thị trường lên hoạt động quản trị công ty, đảm bảo tốt hơn quyền tự do kinh doanh của chủ sở hữu công ty. Cụ thể hơn, pháp luật cho phép công ty được áp dụng cơ chế “tuân thủ hoặc giải trình” trong việc thực hiện các quy định quản trị công ty. Có nghĩa là pháp luật cho phép công ty đại chúng tùy theo tình hình thực tế của công ty mình mà lựa chọn áp dụng ngay các quy định quản trị nội bộ có tinh linh hoạt theo phân khúc quy mô vốn và mức độ tập trung sở hữu cổ phần của công ty hoặc đảm bảo lộ trình tối thiểu để áp dụng các tiêu chuẩn đó với điều kiện giải trình hợp lý về biện pháp thay thế theo chức năng và mục tiêu điều chỉnh của quy phạm. Đây cũng chính là cơ sở xếp hạng quản trị công ty. Để từ đó bằng sức ép của thị trường tác động lên uy tín của công ty và bằng sự kém thanh khoản của cổ phần, người quản lý công ty phải cân nhắc giữa chi phí thực thi quy định và lợi ích đạt được mà quyết định lựa chọn tuân thủ hay không tuân thủ các quy định đó. Trong trường hợp không tuân thủ mà không có biện pháp thay thế và giải trình hợp lý thì có thể áp dụng các chế tài pháp lý lên DN. Chẳng hạn như, đối với công ty có quy mô nhỏ, cơ cấu quản trị có Ban Kiểm soát độc lập thì không nhất thiết yêu cầu phải tuân thủ thêm quy định về điều kiện số lượng thành viên Hội đồng quản trị độc lập, khi mà hiệu quả giám sát của thành viên độc lập hiện nay trên thực tế còn nhiều vấn đề bàn cải. Điều này giúp cho các công ty có quy mô nhỏ này giảm bớt chi phí thực thi các quy định cứng nhắc và kém hiệu quả. Không chỉ vậy mà pháp luật còn vừa đảm bảo quyền tự do kinh doanh của công ty, cũng như đảm bảo sự linh hoạt trong hoạt động quản trị nội bộ tương thích với điều kiện thực tế của DN và tôn trọng quy tắc thị trường.

KẾT LUẬN

Truyền thống pháp lý là yếu tố ảnh hưởng sâu sắc đến việc kiện toàn pháp luật quản trị công ty đại chúng. Những triết lý và quan điểm lập pháp của nó tác động lớn lên mô hình quản trị công ty. Việc xây dựng mô hình quản trị công ty không thể không xem xét đến truyền thống pháp lý. Tuy nhiên, việc vận dụng truyền thống pháp lý một cách linh hoạt cũng là điều cần xem xét để hình thành nên những giá trị mới hướng tới nâng cao hiệu quả hiện đại hóa pháp luật quản trị công ty, đáp ứng yêu cầu hội nhập và thực tế đất nước. Trong đó việc tiếp cận theo cơ chế “tuân thủ hoặc giải trình” nhằm năng cao hiệu quả điều tiết của thị trường bù đắp cho những hạn chế của pháp luật khô cứng bị ảnh hưởng truyền thống can thiệp bao trùm và sâu rộng vào những vấn đề mà thị trường có thể tự điều tiết và quyền tự do kinh doanh cần được tôn trọng, đảm bảo. Hay nói cách khác, mô hình tích hợp giữa điều chỉnh pháp luật và điều chỉnh thị trường là hướng mà pháp luật quản trị công ty cần phải thực hiện.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo .

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung của bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Duve Thomas. Legal traditions: A dialogue between comparative law and comparative legal history. Comparative Legal History, 6(1):15-33. . 2018;:. Google Scholar
  2. Joutsen M.. Legal Traditions, in M. Natarajan (Ed.), International Crime and Justice, Cambridge University Press. . 2010;:. Google Scholar
  3. Glendon Mary Ann. Comparative Legal Traditions, West Publishing Company, USA. . 1985;:. Google Scholar
  4. Zweigert Konrad, Kötz Hein. An Introduction to Comparative Law, Third edition, Oxford University Press, UK. . 1998;:. Google Scholar
  5. Barabino Guadalupe Soriano -. Comparative Law for Legal Tralators, New Trend Translator in Traslationstudies, vol 7, Peter Lang publishing, Oxford. . 2016;:. Google Scholar
  6. David Réne, Brierley John. Major Legal Systems in the World Today, 3rd edition, Stevens & Sons, London. . 1985;:. Google Scholar
  7. Porta Rafael La. The Economic Consequences of Legal Origins. Journal of Economic Literature, 46(2):285-232, USA. . 2008;:. Google Scholar
  8. Porta Rafael La. Investor protection and corporate governance. Journal of financal economics, 58(1-2):3-27, USA. . 2000;:. Google Scholar
  9. Aminadav Gur, Papaioannou Elias. Corporate Control around the World, London Business School, UK. . 2019;:. Google Scholar
  10. Djankov Simeon, Hart Oliver, McLiesh Caralee, Shleifer Andrei. Debt Enforcement around the World. Journal of Political Economy, 116(6):1105-1149, USA, tr. 1126, 1127, 1136, 1146. . 2008;:. Google Scholar
  11. Thêm Trần Ngọc. Cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội. . 1999;:. Google Scholar
  12. Cương Ngô Huy. Góp phần cải cách pháp luật ở Việt Nam hiện nay, NXB Tư Pháp, Hà Nội. . 2006;:. Google Scholar
  13. Ottawa University, Alphabetical Index of the Political Entities and Corressponding Legal Systems, Canada, cập nhật vào 7h30 ngày 18/5/2019. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2220-2226
Published: Dec 25, 2021
Section: Commentaries
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.899

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
An, C. (2021). The effect of the legal tradition on the law about public corporate governance - recommendations for Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2220-2226. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.899

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1272 times
PDF   = 587 times
XML   = 0 times
Total   = 587 times