Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1281

Total

578

Share

Effects of taxation on economic growth developing countries in Southeast Asia






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This article aims to study the impact of taxes on economic growth in developing countries in the period 2000-2019. The analysis focuses on differences between countries in tax structure, disaggregating the impact of different revenue sources on economic growth across countries. The particulae emphasis is placed on the impact of fiscal policy through tax instruments on economic growth in developing countries. The relationship is investigated by using the panel data regression analysis of 5 developing countries: Malaysia, Thailand, Vietnam, Philippines, Cambodia. The research also applies POOL, FEM, REM, FGLS models. The results of the study show that increasing tax revenue has a negative impact on economic growth in developing countries. Tax-based fiscal policies are policy tools to overcome fiscal deficits in developing countries. Tax-based fiscal policies are policy tools to overcome fiscal deficits in developing countries. However, fiscal revenues are used to finance unnecessary expenditures, which may be caused by the political system or by inefficient redistributive policies. Tax effect is not reflected in GDP growth rate. Thus, tax revenue can be a viable source of deficit correction but will reduce economic growth. On that basis, the study has proposed a number of policy implications in the administration of tax policy in Vietnam.

Giới thiệu

Chính sách thuế của các quốc gia phụ thuộc vào mục tiêu chính sách tài khoá của quốc gia là mở rộng hay thu hẹp. Thu thuế nhằm tăng nguồn kinh phí cần thiết cho chi tiêu công, phân phối lại thu nhập, ổn định nền kinh tế, kiểm soát các yếu tố bên ngoài, tác động đến việc phân bổ nguồn lực, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Mục đích của việc thu thuế được thiết kế hiệu quả là nhằm đạt được các mục tiêu chính sách tài khóa một cách hiệu quả nhất, cụ thể là bằng cách hạn chế những sai lệch không mong muốn, giảm thiểu chi phí thu thuế và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hiệu quả của thuế và đặc biệt là cơ cấu thuế đóng vai trò quan trọng trong việc đạt được tăng trưởng kinh tế và củng cố tài khóa.

Theo lý thuyết kinh tế, việc thu thuế tạo ra sự méo mó và tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế. Xem xét một chức năng sản xuất đơn giản, thuế có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng thông qua tác động của nó đối với (1) vốn vật chất, (2) vốn nhân lực và (3) thông qua tác động của nó đến tổng năng suất 1 .

Mặc dù có nhiều phương pháp và nguồn dữ liệu khác nhau, nhưng kết quả đều chỉ ra những tác động tiêu cực đáng kể của thuế đối với tăng trưởng kinh tế ngay cả khi đã kiểm soát nhiều yếu tố khác như chi tiêu của chính phủ, điều kiện chu kỳ kinh doanh và chính sách tiền tệ. Trong số các nghiên cứu phân biệt giữa các loại thuế, thuế thu nhập doanh nghiệp được cho là có hại nhất, sau đó là thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu dùng và thuế tài sản. Những kết quả này ủng hộ quan điểm Tân cổ điển rằng thu nhập và của cải trước tiên phải được sản xuất và sau đó mới được tiêu dùng, có nghĩa là thuế đánh vào các yếu tố sản xuất là vốn và lao động, đặc biệt gây cản trở việc tạo ra của cải. Thuế công ty và thuế cổ đông làm giảm động cơ đầu tư và xây dựng vốn. Đầu tư ít hơn có nghĩa là lao động có năng suất ít hơn và tương ứng với mức lương thấp hơn. Thuế đánh vào thu nhập và tiền lương làm giảm động cơ làm việc. Thuế thu nhập lũy tiến, trong đó thu nhập cao hơn bị đánh thuế ở mức cao hơn, và do đó làm giảm động cơ xây dựng vốn con người. Đánh thuế lũy tiến cũng làm giảm hoạt động đầu tư, chấp nhận rủi ro và kinh doanh vì một phần lớn các hoạt động này được thực hiện bởi những người có thu nhập cao 2 , 3 .

Mỗi một quốc gia đều có hệ thống chính trị và cách vận hành nền kinh tế khác nhau. Vì vậy, hệ thống thuế sẽ được cải cách khác nhau và không có một khuôn mẫu hệ thống thuế nào là hoàn hảo cho mỗi quốc gia. Mục tiêu của quá trình cải cách thuế, đặc biệt là các sắc thuế mang tính quốc tế tại những nước đang phát triển là xây dựng được chính sách thuế đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường và bảo đảm tính cạnh tranh quốc tế. Các quốc gia phát triển có chính sách thuế hiệu quả và đem lại nguồn thu thuế cao hơn cho chính phủ. Các quốc gia đang phát triển gặp khó khăn trong việc mở rộng quy mô thu thuế một cách hiệu quả và công bằng. Chính sách thuế của các quốc gia đang phát triển cần được xây dựng có yếu tố chiến lược, dài hạn để tránh thường xuyên thay đổi gây cản trở nguồn thu thuế 4 .

Bài báo này nhằm nghiên cứu tác động của thuế đối với tăng trưởng kinh tế ở các quốc gia đang phát triển. Do hạn chế trong việc lấy số liệu các quốc gia của Đông Nam Á, một số quốc gia số liệu không đầy đủ trong khung thời gian nghiên cứu. Ngoài ra, các nước được lựa chọn có mức độ phát triển tương đồng nhau nhằm đảm bảo độ tin cậy của mô hình nên nghiên cứu lựa chọn mẫu nghiên cứu 5 quốc gia đang phát triển Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia. Bài báo được cấu trúc thành năm phần. Phần hai trình bày tổng quan tài liệu, phân tích so sánh, tập trung vào sự khác biệt về tác động của cơ cấu thuế đối với tăng trưởng kinh tế các quốc gia khác nhau. Phần ba trình bày phương pháp nghiên cứu. Phần bốn nghiên cứu tác động của thuế đối với tăng trưởng nền kinh tế. Phương pháp được áp dụng là phân tích hồi quy dữ liệu bảng. Phần năm kết luận.

Các lý thuyết, nghiên cứu thực nghiệm chính sách thuế và tăng trưởng kinh tế

Các lý thuyết về thuế và tăng trưởng kinh tế

Lý thuyết tăng trưởng mà tiêu biểu là mô hình tăng trưởng tân cổ điển cho rằng tăng trưởng dài hạn được xác định bằng tỷ lệ tiết kiệm. Tăng trưởng đơn giản phụ thuộc vào sự tích lũy nguồn vốn nhân lực và vật chất theo thời gian. Về lâu dài, bất kỳ cơ cấu thuế nhất định nào cũng dẫn đến tỷ lệ vốn/lao động cân bằng và mức trình độ trên mỗi lao động cân bằng. Sự tăng trưởng về sản lượng bình quân đầu người đều được tạo ra từ tốc độ thay đổi kỹ thuật vượt trội. Cơ cấu thuế sẽ không có tác động lâu dài nào đối với tốc độ tăng trưởng sản lượng bình quân đầu người, bất kể quy mô phân bổ tác động do cơ cấu thuế tạo ra. Sự thay đổi trong các chính sách thuế có thể tạo ra những thay đổi trong trạng thái cân bằng này và do đó dẫn đến các hiệu ứng tăng trưởng tạm thời. Những khoảng thời gian thay đổi tạm thời này có thể được đo bằng nhiều thập kỷ. Do đó, tác động của thuế đối với lượng vốn dự trữ cân bằng có thể mất khá nhiều thời gian để tác động của nó được nhận thấy. Điều này là do chi phí điều chỉnh đối với đầu tư mới hoặc tỷ lệ co giãn của tỷ lệ tiết kiệm trong nền kinh tế. Thuế suất hiện hành thấp đối với đầu tư có tiềm năng để kích thích tăng trưởng trong ngắn hạn, vì thuế suất tạm thời thấp hơn sẽ thúc đẩy đầu tư 5 .

Hàm tốc độ tăng trưởng được phát triển bởi Solow (1956) 6 :

Trong đó Y i biểu thị tốc độ tăng trưởng GDP thực tế ở quốc gia i, K i là tỷ lệ đầu tư ròng được áp dụng dưới dạng một phần của GDP hoặc sự thay đổi theo thời gian của vốn, L i là tỷ lệ tăng trưởng phần trăm của lực lượng lao động theo thời gian, µ i đo lường mức tăng năng suất tổng thể của nền kinh tế. Các hệ số α i và β i lần lượt đo lường năng suất biên của vốn K, lao động L.

Thuế suất cao có thể gây bất lợi cho hiệu suất của vốn đầu tư (K). Hơn nữa, thuế suất có thể dẫn đến việc chủ doanh nghiệp tránh thuế bằng cách báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. Ngoài ra, chính sách thuế có thể kìm hãm tăng trưởng năng suất bằng cách không khuyến khích nghiên cứu và phát triển, đầu tư mạo hiểm cho các ngành phụ thuộc nhiều vào khoa học công nghệ tiên tiến, hai hoạt động có tác động quan trọng đến năng suất. Hơn nữa, việc đánh thuế bất bình đẳng dẫn đến sự biến dạng đầu tư từ những lĩnh vực bị đánh thuế nặng sang những lĩnh vực bị đánh thuế ít hơn, trong trường hợp đó có thể xảy ra tình trạng phân bổ lao động không hiệu quả tương ứng. Khi làm như vậy, chính sách thuế làm thay đổi năng suất biên của lao động 7 , 8 .

Solow đã đề xuất tốc độ tiến bộ kỹ thuật là yếu tố quyết định tăng trưởng kinh tế. Ngoài lao động và vốn là các yếu tố sản xuất, ông đã giới thiệu một biến công nghệ, khác biệt với cả lao động, vốn và thay đổi theo thời gian. Tư bản sản xuất dựa trên cải tiến công nghệ thay đổi theo thời gian; do đó vốn mới có giá trị hơn vốn cũ 6 . Hoạt động kinh doanh được biết đến là một yếu tố quan trọng trong việc kích thích tăng trưởng kinh tế. Nó tạo ra những ý tưởng mới, cải tiến dẫn đến năng suất cao hơn. Schumpeter (1942) 9 nhấn mạnh đến vai trò của tinh thần kinh doanh trong hoạt động kinh tế. Khi những ý tưởng mới và kỹ thuật đổi mới này thành công, chúng không chỉ giới thiệu giá trị mới mà các doanh nghiệp khác cũng sao chép và sử dụng chúng, dẫn đến tác động lớn hơn của hoạt động kinh doanh đối với tăng trưởng kinh tế. Sự thúc đẩy kinh doanh này dẫn đến khởi sự kinh doanh, tạo việc làm và tạo thu nhập, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cũng bị ảnh hưởng bởi cấu trúc thuế.

Sử dụng một phương pháp khác, phương pháp đo lường tăng trưởng kinh tế bằng cách tính toán sự thay đổi trong GDP hoặc GNP hàng quý hoặc hàng năm của một quốc gia cũng bằng tổng năng suất các yếu tố (Y):

Thuế ảnh hưởng trực tiếp đến cả 4 yếu tố quyết định GDP. Thuế có ảnh hưởng trực tiếp đến đầu tư (I). Ở một số khía cạnh, thuế quyết định các quyết định chi tiêu của chính phủ (G) vì thuế là một nguồn thu của chính phủ. Thuế suất cũng phản ánh mức độ hấp dẫn của một quốc gia đối với doanh nghiệp, với tiềm năng kích thích đầu ra cho xuất khẩu, tạo thêm việc làm và do đó tạo ra thu nhập cho tiêu dùng (C). Thuế cũng là yếu tố quyết định đến giá trị hàng hoá xuất nhập khẩu của một quốc gia (EX). Khi các yếu tố thay đổi vì sự thay đổi của chính sách thuế sẽ tạo nên cơ chế dẫn truyền và tác động đến tăng trưởng kinh tế của quốc gia khi tác động đến GDP 10 .

Engen và Skinner (1996) 11 cho rằng thuế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thông qua năm kênh. Cụ thể là (1) không khuyến khích đầu tư, (2) ảnh hưởng đến nguồn cung lao động, (3) giảm năng suất tăng trưởng, (4) giảm năng suất biên của vốn và (5) giảm hiệu quả sử dụng vốn con người. Thuế suất cao có thể gây bất lợi cho hiệu suất của vốn đầu tư. Hơn nữa, thuế suất có thể dẫn đến việc chủ doanh nghiệp tránh thuế bằng cách báo cáo lợi nhuận doanh nghiệp giảm đi. Ngoài ra, chính sách thuế có thể kìm hãm tăng trưởng năng suất bằng cách không khuyến khích nghiên cứu và phát triển, hai hoạt động có tác động quan trọng đến năng suất. Hơn nữa, việc đánh thuế bất bình đẳng dẫn đến sự biến dạng đầu tư từ những lĩnh vực bị đánh thuế nặng sang những lĩnh vực bị đánh thuế ít hơn, trong trường hợp đó có thể xảy ra tình trạng phân bổ lao động không hiệu quả tương ứng.

Các nghiên cứu chính sách thuế tác động đến tăng trưởng kinh tế

Một số nghiên cứu trước đây cho thấy rằng thuế doanh nghiệp ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng dữ liệu bảng của nhiều quốc gia. Baiardi và cộng sự (2019) 12 nghiên cứu chính sách thuế và tăng trưởng kinh tế. Họ nghiên cứu mối quan hệ này ở 21 quốc gia OECD trong năm 1971–2004 bằng cách sử dụng công cụ ước lượng PMG. Bài nghiên cứu kết luận rằng mối quan hệ giữa thu thuế và tăng trưởng kinh tế là âm và có ý nghĩa thống kê. Sử dụng phương pháp dữ liệu bảng để nghiên cứu tác động của cơ sở hạ tầng và gánh nặng thuế lên tăng trưởng kinh tế. Họ nhận thấy rằng nguồn thu từ thuế có tác động tiêu cực đáng kể đến tăng trưởng kinh tế.

Grdinić và cộng sự (2017) 13 phân tích thực nghiệm về mối quan hệ giữa cấu trúc thuế và tăng trưởng kinh tế ở các nước CEE. Họ áp dụng công cụ ước tính Nhóm trung bình gộp (PMG) cho mẫu 20 quốc gia được chọn (EU-13 và một số quốc gia thuộc Liên Xô cũ và Albania) trong giai đoạn từ 1990 đến 2010. Họ nhận thấy rằng tất cả các hình thức thuế đều có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.

Arnold và cộng sự (2008) 14 đã xác định một bảng xếp hạng các loại thuế có hại nhất cho tăng trưởng kinh tế. Họ nhận thấy rằng thuế doanh nghiệp là có hại nhất, sau đó là thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu dùng và cuối cùng là thuế tài sản. Họ xem xét 21 quốc gia OECD từ năm 1971 đến năm 2004, kiểm soát các yếu tố khác nhau bao gồm các thước đo về tích lũy vốn vật chất và con người, gia tăng dân số, các tác động cụ thể của thời gian và đặc điểm riêng của các quốc gia. Họ cũng kiểm soát gánh nặng thuế nói chung ở mỗi quốc gia như một tỷ trọng trong GDP. Điều này cho phép tách biệt ảnh hưởng của các loại thuế khác nhau dựa trên tỷ trọng doanh thu thuế đến từ mỗi loại thuế. Họ nhận thấy rằng sự dịch chuyển 1% thu nhập đối với thuế tiêu dùng và tài sản sẽ làm tăng GDP bình quân đầu người từ 0,25% đến 1% trong thời gian dài. Họ cũng nhận thấy tính lũy tiến của thuế thu nhập cá nhân làm giảm tăng trưởng kinh tế. Thuế doanh nghiệp làm giảm đầu tư và năng suất.

Alesina và Ardagna (2010) 15 ước tính chính sách thuế ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế một số nước OECD từ năm 1970 đến 2006. Họ nhận thấy rằng các kích thích tài khóa dựa trên việc cắt giảm thuế có nhiều khả năng làm tăng tăng trưởng hơn so với các kích thích dựa trên tăng chi tiêu. Ngoài ra, chính sách tài khóa dựa trên cắt giảm chi tiêu và không tăng thuế có nhiều khả năng thành công hơn trong việc giảm thâm hụt và nợ, ít có khả năng tạo ra suy thoái hơn so với chính sách tài khóa dựa trên tăng thuế. Tương tự, IMF phân tích 170 trường hợp chính sách tài khoá ở 15 nước trong ba mươi năm qua và nhận thấy rằng việc cắt giảm chi tiêu ít gây tổn hại đến tăng trưởng hơn nhiều so với việc tăng thuế trong ngắn hạn. Trong khi việc tăng thuế 1% làm giảm GDP 1,3% sau hai năm.

Lee và Gordon (2005) 2 xem xét 70 quốc gia trong giai đoạn 1980 đến 1997, sử dụng hồi quy bình phương nhỏ nhất thông thường (OLS) cũng như mô hình hiệu ứng cố định (FEM) kiểm soát các yếu tố theo quốc gia cụ thể. Kết quả cho thấy thuế doanh nghiệp có liên quan chặt chẽ, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, trong khi các loại thuế khác không có mối liên hệ thống kê chặt chẽ. Việc cắt giảm tỷ lệ thuế doanh nghiệp theo luật định là 10 điểm làm tăng tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người hàng năm khoảng 0,7 đến 1,1 điểm.

Ngoài ra, nghiên cứu Aydin và Esen (2019) 16 tìm thấy mối quan hệ phi tuyến tính giữa thuế và tăng trưởng kinh tế. Nghiên cứu của Aydin và Esen xem xét thu thuế tối ưu và tăng trưởng kinh tế ở các nền kinh tế đang chuyển đổi. Nghiên cứu áp dụng mô hình ngưỡng bảng điều khiển động để kiểm tra mối quan hệ phi tuyến tính giữa thu thuế và tăng trưởng kinh tế ở 11 quốc gia Trung và Đông Nam Âu và Baltic trong giai đoạn 1995-2014. Kết quả cho thấy mức thuế tối ưu lần lượt là khoảng 18,00%, 18,50%, 23,00% GDP đối với các nền kinh tế đang chuyển đổi hoàn toàn, các nền kinh tế đang phát triển và các nền kinh tế phát triển. Những kết quả này chỉ ra rằng tác động tích cực của việc đánh thuế đối với tăng trưởng kinh tế dưới ngưỡng và sẽ trở nên tiêu cực khi vượt hơn ngưỡng.

Như đã đề cập, hầu hết các nghiên cứu gần đây đều cho thấy tác động tiêu cực của việc gia tăng tỷ lệ thu thuế đối với tăng trưởng kinh tế. Các loại thuế khác nhau có tác động khác nhau đối với nền kinh tế. Các nghiên cứu thực nghiệm thường thấy rằng thuế thu nhập doanh nghiệp và thu nhập cá nhân gây tổn hại nhiều nhất đến tăng trưởng kinh tế, sau đó là thuế tiêu dùng và thuế tài sản. Ngoài ra, chính sách thuế có thể kìm hãm tăng trưởng năng suất bằng cách không khuyến khích nghiên cứu và phát triển, hai hoạt động có tác động quan trọng đến năng suất. Hơn nữa, việc đánh thuế bất bình đẳng dẫn đến sự biến dạng đầu tư từ những lĩnh vực bị đánh thuế nặng sang những lĩnh vực bị đánh thuế ít hơn, trong trường hợp đó có thể xảy ra tình trạng phân bổ lao động không hiệu quả tương ứng.

Phương pháp nghiên cứu và dữ liệu

Mô hình hồi quy POOL, FEM, REM, FGLS

Mô hình hồi quy dữ liệu bảng:

Trong đó:

GDPit: biến phụ thuộc của mô hình, cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế quốc gia i năm thứ t.

Taxesit: biến độc lập của mô hình, cho biết tổng số thuế thu của quốc gia i năm thứ t.

β0, β1 là các hệ số chặn của mô hình.

εit: sai số của mô hình, εit thoả các giả thiết của OLS

i: quốc gia, i (Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia)

t: năm, t (2000, 2019)

Mô tả biến của mô hình

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là tập trung nghiên cứu tác động của thuế (Taxesit) đối với tăng trưởng kinh tế (GDPit) của các quốc gia đang phát triển, các biến của mô hình được mô tả trong Table 1Table 2 . Phạm vi nghiên cứu là thuế đối với tăng trưởng kinh tế của 5 quốc gia đang phát triển Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia. Dữ liệu được lấy giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2019 từ Tổ chức tiền tệ Thế giới (IMF). Tăng trưởng kinh tế (GDPit) của các quốc gia phát triển được lấy theo tỷ lệ %. Tổng thu thuế của các quốc gia là biến xu hướng không có phân phối chuẩn, mức lệch phải rất cao. Nghiên cứu chuyển biến số này sang dạng logarit cơ số tự nhiên để biến số có phân phối gần với phân phối chuẩn, đáp ứng điều kiện dữ liệu đầu vào của mô hình.

Table 1 Thống kê biến của mô hình
Table 2 Mô tả biến và nguồn dữ liệu

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Lựa chọn mô hình hồi quy tốt nhất

Thiết lập ma trận hệ số tương quan thể hiện mức độ tương tác của các biến với nhau. Dựa vào Table 3 phân tích tương quan cho thấy các biến độc lập và biến phụ thuộc có hệ số tương quan là 0,3078. Các biến đều có thể đưa vào mô hình và đảm bảo mô hình không bị đa cộng tuyến.

Table 3 Ma trận hệ số tương quan giữa các biến độc lập

Tiến hành hồi quy ước lượng OLS trên dữ liệu gồm nhiều đối tượng. Mô hình hồi quy gộp (POOL) được thể hiện ở Table 4 .

Table 4 Kết quả hồi quy gộp POOL

Hệ số P = 0,0018, mô hình POOL có ý nghĩa thống kê.

Tiến hành hồi quy với chênh lệch hệ số chặn giữa hàm hồi quy của các đối tượng là xác định. Mô hình tác động cố định FEM được thể hiện ở Table 5 .

Table 5 Kết quả hồi quy cố định FEM

Hệ số P = 0,8082, mô hình FEM không có ý nghĩa thống kê.

Tiến hành hồi quy với chênh lệch hệ số chặn giữa hàm hồi quy của các đối tượng là ngẫu nhiên. Mô hình tác động ngẫu nhiên REM được thể hiện ở Table 6 .

Table 6 Kết quả hồi quy ngẫu nhiên REM

Hệ số P = 0,0014, mô hình REM có ý nghĩa thống kê.

Từ kết quả của các mô hình nghiên cứu, tác giả sẽ thực hiện các kiểm định như F (để lựa chọn giữa Pooled OLS và FEM), kiểm định LM – Breusch and Pagan Lagrangian Multiplier (để lựa chọn giữa REM và Pooled OLS) và cuối cùng lựa chọn phương pháp ước lượng phù hợp.

Tác giả sử dụng kiểm định F-test để lựa chọn mô hình giữa Pooled OLS và FEM ở Table 7 , với giả thuyết:

H0: Chọn mô hình OLS là phù hợp với dữ liệu mẫu hơn FEM

H1: Chọn mô hình FEM là phù hợp với dữ liệu mẫu hơn OLS

Table 7 Kiểm định lựa chọn mô hình giữa Pooled OLS và FEM

Qua kiểm định F: P= 0,6670, alpha = 0,05

Do P= 0,6670 > 0,05, chấp nhận H0. Do đó, chọn mô hình Pooled OLS là phù hợp.

Thực hiện kiểm định LM – Breusch and Pagan Lagrangian Multiplier, để lựa chọn mô hình giữa Pooled OLS và REM, với giả thuyết:

H0: Chọn mô hình Pooled OLS là phù hợp với dữ liệu mẫu hơn REM

H1: Chọn mô hình REM là phù hợp với dữ liệu mẫu hơn Pooled OLS

Table 8 Kiểm định lựa chọn mô hình giữa FEM và REM

Từ kết quả kiểm định lựa chọn mô hình ở Table 8 , giá trị P= 0,0000< 0,05, nên bác bỏ H 0 , quyết định sử dụng mô hình với hiệu ứng tác động ngẫu nhiên REM. Vậy hồi quy với mô hình tác động ngẫu nhiên REM sẽ mang lại kết quả tốt nhất.

Các kiểm định mô hình hồi quy

Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến

Đa cộng tuyến là hiện tượng các biến độc lập trong mô hình tương quan tuyến tính với nhau. Nghiên cứu tiến hành kiểm định giả thuyết không bị hiện tượng đa cộng tuyến bằng cách dùng chỉ tiêu VIF ở Table 9 .

Table 9 Kiểm định đa cộng tuyến

Hệ số tương quan có giá trị là 1 thể hiện rằng không tồn tại hiện tượng đa cộng tuyến giữa các biến trong mô hình. Điều đó cho thấy các biến có thể được sử dụng để ước lượng mô hình.

Kiểm định hiện tượng phương sai của sai số thay đổi

Phương sai của sai số thay đổi sẽ làm cho các ước lượng thu được bằng phương pháp OLS vững nhưng không hiệu quả, các kiểm định hệ số hồi quy không còn đáng tin cậy. Tiến hành kiểm định giả thuyết phương sai của sai số không đổi bằng kiểm định Breusch - Pagan Lagrangian ở Table 10 , với giả thuyết H0: Không có hiện tượng phương sai thay đổi.

Table 10 Kiểm định phương sai của sai số thay đổi

Với mức ý nghĩa alpha = 5%, kiểm định Breusch và Pagan Lagrangian cho kết quả là: P= 1,0000. Vậy, P > 0,05 nên chấp nhận giả thuyết H0: Không có hiện tượng phương sai thay đổi. Như vậy, mô hình đã không xảy ra hiện tượng phương sai thay đổi.

Kiểm định hiện tượng tự tương quan

Hiện tượng tự tương quan là giữa các sai số có mối quan hệ tương quan với nhau sẽ làm cho các ước lượng thu được bằng phương pháp OLS vững nhưng không hiệu quả, các kiểm định hệ số hồi qui không còn đáng tin cậy. Nghiên cứu tiến hành kiểm định hiện tượng tự tương quan trên dữ liệu bảng ở Table 11 , với giả thiết H0: không có sự tự tương quan.

Table 11 Kiểm định tự tương quan

Với mức ý nghĩa alpha = 5%, kiểm định cho kết quả là: = 0,0013. Vậy, P < 5% nên bác bỏ giả thuyết H0. Như vậy, mô hình đã xảy ra hiện tượng tự tương quan.

Sau khi kiểm định nếu mô hình bị vi phạm giả thuyết hiện tượng tự tương quan, thì các phương pháp này đều không tối ưu mà phải dùng phương pháp khác tốt hơn đó là phương pháp bình phương bé nhất tổng quát khả thi – FGLS để khắc phục hiện tượng tự tương quan nhằm đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả thể hiện ở Table 12 .

Table 12 Kết quả mô hình bằng phương pháp bình phương bé nhất - FGLS

Với mức ý nghĩa alpha = 5%, kết quả là: = 0,0372. Vậy, P < 5% nên bác bỏ giả thuyết H 0 . Như vậy, mô hình khắc phục được hiện tượng tự tương quan.

Kết quả mô hình hồi quy

Table 13 Tổng hợp kết quả các hình POOL - FEM - REM - FGLS

Từ kết quả thực nghiệm của mô hình nghiên cứu, tác giả sẽ thảo luận và đưa ra nhận xét về sự tác động của tổng số thuế thu được đến tăng trưởng kinh tế của 5 quốc gia đang phát triển Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia. Qua kết quả kiểm định từng phần ở Table 13 , cho thấy mô hình không bị đa cộng tuyến và phương sai thay đổi. Tuy vậy, mô hình xảy ra hiện tượng tự tương quan, điều này sẽ làm cho các ước lượng thu được bằng phương pháp hồi quy thông thường trên dữ liệu bảng không hiệu quả và các kiểm định không còn đáng tin cậy. Do vậy, tác giả dùng phương pháp bình phương bé nhất tổng quát khả thi– FGLS để khắc phục hiện tượng tự tương quan nhằm đảm bảo ước lượng thu được vững và hiệu quả.

Nhìn vào kết quả mô hình cho thấy với mức ý nghĩa alpha = 5%, tổng số thuế thu được tác động đến tăng trưởng kinh tế của 5 quốc gia đang phát triển Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia. Mặt khác, khi số thuế thu được tăng lên 1 đơn vị thì tăng trưởng kinh tế của 5 quốc gia đang phát triển Đông Nam Á: Malaysia, Thái Lan, Việt Nam, Philippines, Campuchia giảm - 0,0102 đơn vị. Kết quả nghiên cứu hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đây. Tăng tỷ lệ thu thuế sẽ tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia đang phát triển Đông Nam Á. Hầu hết các quốc gia đang phát triển có nguồn thu thuế chủ yếu là thuế doanh nghiệp thay vì thuế tài sản như các quốc gia phát triển. Xét về mặt lý thuyết cũng như nghiên cứu thực nghiệm, thuế suất doanh nghiệp có mối tương quan nghịch với GDP. Hiệu ứng số nhân thuế doanh nghiệp đã được chứng minh là âm 4,6 . Trong bảng xếp hạng các loại thuế có hại nhất cho tăng trưởng kinh tế thì thuế doanh nghiệp là thuế có tác động tiêu cực nhất đối với tăng trưởng kinh tế 3 .

Tác động của thu thuế có mối tương quan tiêu cực với tăng trưởng kinh tế. Tăng giá là kết quả của việc tăng thuế suất, về lâu dài sẽ tạo ra áp lực tăng lương để không làm suy yếu nhu cầu trong nền kinh tế. Điều này làm tăng chi phí tiền lương và các yếu tố sản xuất khác (các nhà cung cấp bù đắp chi phí của họ bằng cách chuyển gánh nặng thuế). Do đó, chúng ta cảm nhận được gánh nặng gián tiếp của thuế gián thu đặt lên doanh nghiệp. Điều này có thể giải thích rằng hầu hết các nước đang phát triển như Việt Nam đều có cơ cấu thuế với tỷ trọng thuế doanh nghiệp, thuế đánh trên hàng hoá và dịch vụ nhiều hơn là thuế tài sản vì vậy chính sách thuế tác động ngay lập tức vào thị trường và gây nên hiệu ứng với tăng trưởng kinh tế. Thuế ảnh hưởng đến giá của sản phẩm bị đánh thuế và sự biến động giá ảnh hưởng đến tình hình thị trường. Việc đánh thuế thu nhập từ vốn của doanh nghiệp làm ảnh hưởng đến hiệu quả của tỷ suất sinh lợi, do đó tác động đến tăng trưởng của nền kinh tế.

Thực tế, một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế Thái lan và Malaysia chính là hệ thống thuế được tổ chức hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho hoạt động chi tiêu ngân sách của chính phủ. Nâng cao nguồn thu thuế thông qua thực hiện các chính sách ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế. Hạn chế các hình thức nâng cao nguồn thu thuế bằng cách nâng cao tỷ lệ thuế đánh trên hàng hoá, gây biến động giá cả lớn cho nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu của các chính sách thuế của các quốc gia khác: Việt Nam, Philippines, Campuchia là chính phủ đơn giản hoá hoạt động thu thuế, nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ của người nộp thuế và chi phí quản lí của nhà nước. Cần xem xét giảm bớt gánh nặng thuế đối với khu vực sản xuất hàng hoá nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của thuế đối tăng trưởng kinh tế.

Kết luận

Phân tích cho thấy các chính sách tăng thu thuế mà các nước đang phát triển áp dụng ảnh hưởng tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng. Các chính sách tài khoá thông qua thu thuế của chính phủ có thể ảnh hưởng đến thu nhập bình quân đầu người trong quá trình chuyển đổi sang mức trạng thái tăng trưởng cân bằng mới. Thuế suất cao hơn làm giảm mức sản lượng của nền kinh tế.

Hệ thống chính trị và đặc điểm của nền kinh tế quyết định rất lớn đến chính sách thuế. Mức độ phức tạp của chính sách thuế ở các nước đang phát triển cao hơn các nước phát triển. Nhìn chung các nước ở châu Á duy trì một hệ thống thuế phức tạp hơn các quốc gia ở châu Âu. Có một mối liên hệ chặt chẽ giữa sự phát triển kinh tế của một quốc gia và khả năng thu thuế của quốc gia đó. Các cơ quan quản lý thuế ở các nước đang phát triển thường phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn lực và một khu vực kinh tế phi chính thức lớn làm hạn chế khả năng thực thi cơ sở thuế rộng rãi. Các nước đang phát triển ở Đông Nam Á đang hướng tới mục tiêu xây dựng một hệ thống thuế đơn giản, minh bạch và thân thiện với tăng trưởng hơn. Chính sách thuế được đơn giản hoá sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động thu thuế.

Hiệu quả của chính sách thuế được nhấn mạnh là hạn chế tối đa tính thuế đối với sản xuất kinh doanh, hàng hoá và hoạt động thanh toán quốc tế. Thuế có thể làm biến động giá cả của thị trường và cản trở sự giao thương quốc tế. Thuế phải đảm bảo được tính công bằng trong việc phân bổ lại các nguồn lực một cách hợp lý. Phát huy nguồn thu thuế tính trên thu nhập theo cơ chế luỹ tiến. Thực hiện các biện pháp để thu thuế hiệu quả đối với các khoản đầu tư nước ngoài. Các nước Đông Nam Á cần có sự điều chỉnh tỷ trọng các nguồn thu thuế, nhằm giảm bớt tác động tiêu cực của thuế đối với tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam thu thuế vẫn chủ yếu dựa vào một số công cụ thuế như thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thương mại hàng hóa và dịch vụ. Thuế thu nhập cá nhân chỉ đóng góp một phần khiêm tốn tổng thu ngân sách. Cải cách hệ thống thuế đã trở nên hết sức cần thiết để không chỉ tạo thêm nguồn thu mà còn ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao phúc lợi xã hội và thúc đẩy bình đẳng thu nhập giữa các hộ gia đình.

Việt Nam cần hướng tới mục tiêu phát triển một hệ thống thuế phù hợp với luật pháp quốc tế đồng thời đạt được các mục tiêu ngân sách. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thuế theo định hướng giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp. Như vậy, xét về hàm ý chính sách đối với Việt Nam là tìm ra sự cân bằng thuế đóng góp vào nguồn thu ngân sách đồng thời tạo động lực cho các thành phần kinh tế phát triển.

Một vấn đề quan trọng nhằm hạn chế những tác động tiêu cực của chính sách thuế đối với tăng trưởng kinh tế Việt nam là điều chình cơ cấu thuế một cách hợp lý. Cải cách thuế làm cho hệ thống thuế nhất quán. với luật pháp quốc tế, để giảm gánh nặng thuế cho doanh nghiệp và đồng thời để đạt được các mục tiêu ngân sách. Tuy nhiên, để bù đắp những tác động tiêu cực đối với một số lĩnh vực nổi trội của nền kinh tế quốc dân và tránh những sai lệch không mong muốn trong phân phối thu nhập/phúc lợi chính phủ nên áp dụng các biện pháp hỗ trợ có liên quan.

Mục tiêu của hệ thống thuế là công bằng, hiệu quả, phù hợp với nền kinh tế thị trường, đơn giản và minh bạch; thúc đẩy xuất khẩu và khả năng cạnh tranh; khuyến khích đầu tư, đặc biệt là công nghệ cao, tạo việc làm và tăng trưởng. Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan đến thuế và các cam kết trong cơ chế hợp tác khu vực và quốc tế theo các hiệp định thương mại trong những năm gần đây. Những điều này đòi hỏi Việt Nam phải tích cực hơn trong việc thiết kế hệ thống thuế và thuế quan một cách phù hợp.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

CEE : Central and Eastern Europe - Trung và Đông Âu

EU : European Union - Liên minh châu Âu

FEM : Fixed Effects Model - Mô hình tác động cố định

FGLS : Feasible Generalized Least Square - Bình phương tổng quát tổi thiểu khả thi

GDP : Gross Domestic Product - Tổng sản phẩm quốc nội

GNP : Gross National Product - Tổng sản phẩm quốc gia

IMF : International Monetary Fund - Quỹ Tiền tệ quốc tế

OECD : Organization for Economic Cooperation and Development - Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

OLS : Ordinary Least Square - Phương pháp bình phương nhỏ nhất

PMG : Pooled Mean Group- Nhóm trung bình gộp

POOL : Pooled regression - Mô hình hồi quy gộp

REM : Random Effects Model - Mô hình tác động ngẫu nhiên

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Tác giả chịu trách nhiệm toàn bộ nội dung bài viết.

References

  1. Vartia L. How Do Taxes Affect Investment and Productivity? Industry Level Analysis of OECD Countries. OECD Economics Department Working Papers 2008. . ;:. Google Scholar
  2. Lee Y, Gordon R.Tax Structure and Economic Growth. Journal of Public Economics 2005. 89: 1027-1043. . ;:. Google Scholar
  3. Romer C, Romer D. The macroeconomic effects of tax changes: estimates based on a new measure of fiscal shocks. American Economic Review 2010. 100: 763-801. . ;:. Google Scholar
  4. Le T M, Moreno-Dodson B, Rojchaichaninthorn J. Expanding taxable capacity and reaching revenue potential: Cross-country analysis. Washington, DC: World Bank 2008. . ;:. Google Scholar
  5. Gordon, R. (1998). Can High Personal Tax Rates Encourage Entrepreneurial Activity?" IMF Staff Papers 1998. 49 -80. . ;:. Google Scholar
  6. Solow, Robert M. A Contribution to the Theory of Economic Growth. Quarterly Journal of Economics (The MIT Press) 1956. 70 (1): 65-94. . ;:. Google Scholar
  7. Harberger, Arnold C. (1962). The Incidence of the Corporation Income Tax. Journal of Political Economy 1962. 3: 215-40. . ;:. Google Scholar
  8. Harberger, Arnold C. Efficiency Effects of Taxes on Income From Capital. In Effects of Corporation Income Tax, edited by Marian Krzyzaniak. Detroit: Wayne State Uni-versity Press 1966. . ;:. Google Scholar
  9. Schumpeter, Joseph. Capitalism, Socialism, Democracy. New York: Harper 1942. . ;:. Google Scholar
  10. Keynes M, The General Theory of Employment, Interest and Money. Macmillan Cambridge University Press 1936. . ;:. Google Scholar
  11. Engen E, Skinner J. Taxation and economic growth. National Tax 1996. J49: 617-642. . ;:. Google Scholar
  12. Baiardi D, Profeta P, Puglisi R, Scabrosetti S. Tax policy and economic growth: does it really matter? Int Tax Public Finance 2019. 26: 282-316. . ;:. Google Scholar
  13. Grdinić M, Drezgić S, Blažić H. Empirical analysis of the relationship between tax structures and economic growth in CEE countries. Ekonomicky Casopis 2017. 65: 426-447. . ;:. Google Scholar
  14. Arnold, Åsa J, Christopher H, Bert B, Cyrille S, & Laura V. Tax and economic growth. OECD Economics Department Working Papers 2008. No. 620. . ;:. Google Scholar
  15. Alesina A, Ardagna S. Large changes in fiscal policy: taxes versus spending, in tax policy and the economy. Univ of Chicago Press, 2010. Vol. 24. . ;:. Google Scholar
  16. Aydin C, Esen O. Optimal tax revenues and economic growth in transition economies: A threshold regression approach. Glob Bus Econ. 2019. Vol 21: 246-265. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 2540-2549
Published: May 28, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.923

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lê, H. (2022). Effects of taxation on economic growth developing countries in Southeast Asia. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(2), 2540-2549. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.923

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1281 times
PDF   = 578 times
XML   = 0 times
Total   = 578 times