Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

233

Total

60

Share

Improving legal provisions of the member’s stake in a limited liability company under vietnamese law on enterprises 2020






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Law on Enterprises 2020 has offered many favorable opportunities for investors, created flexibility in business for increased enterprise freedom, and contributed to eliminating the limitations of Law on Enterprise 2014. For the first time in Vietnamese Law on Enterprises, a multi-member limited liability company is allowed to issue shares to convert into a joint-stock company. In addition to the openness in multi-member limited liability companies’ capital mobilization, the 2020 also provides clearer and stricter regulations on corporate governance enhancing the level of protection for investors through regulations on capital transfer conditions and stakes handling. However, there are still some restrictions in the provisions of governing the stakes ins multi-member limited liability companies. This article identifies and analyzes limitations in regulations related to the member’s stake in a multi-member limited liability company via three cases: i) Redemption of the member’s stake in a multi-member limited liability company; ii) Handling the member’s stake in the event of conversion to a joint-stock company; iii) Transfer of the member’s stake in some particular cases. On that basis, the article proposes solutions to improve the effectiveness of the Vietnamese Law on Enterprises.

Bản chất mua lại phần vốn góp trong CT TNHH

Việc mua lại phần vốn góp trong CT TNHH sẽ được đặt ra khi chủ sở hữu phần vốn góp không tán thành với các quyết định về một số vấn đề quan trọng được thông qua bởi cơ quan có quyền quyết định cao nhất của công ty. Do đó, việc công ty mua lại phần vốn góp được nhìn nhận như cách thức giải quyết mâu thuẫn, bất đồng giữa thành viên với chính công ty của họ khi giữa các bên không thể đi đến sự thỏa hiệp, đồng thuận trong quản lý, điều hành, quyết định vấn đề quan trọng của công ty. LDN đã tạo ra một cơ hội mở giúp các thành viên thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với phần vốn góp mà họ đã đưa vào hoạt động kinh doanh của công ty, hay nói cách khác, đó là quyền rút vốn hợp pháp khỏi công ty. Họ có thể thoái vốn nhanh chóng, hoặc ít nhất, nếu điều kiện tài chính của công ty không đủ để mua lại thì họ vẫn được quyền tự do chuyển nhượng mà không cần phải chịu ràng buộc các điều kiện theo Điều 52 về chuyển nhượng phần vốn góp [ 1 , khoản 4, điều 51] và tránh được những tranh chấp, kiện tụng phức tạp giữa thành viên, nhóm thành viên với công ty. Quy định mua lại phần vốn góp này được xem như một điều khoản quan trọng để giải quyết tình huống bế tắc, có sự chia rẽ về biểu quyết, không thể thỏa hiệp giữa các bên khi thành viên thuộc nhóm thiểu số phản đối nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên. Việc mua lại dẫn đến hệ quả là làm giảm vốn điều lệ của công ty và chấm dứt tư cách chủ sở hữu công ty.

  • Theo quy định tại Điều 51 LDN, thành viên CT TNHH có quyền yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp trong các trường hợp sau:

- Thành viên đã bỏ phiếu không tán thành đối với nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên về vấn đề:

- Sửa đổi, bổ sung các nội dung trong Điều lệ công ty liên quan đến quyền và nghĩa vụ của thành viên, Hội đồng thành viên;

- Tổ chức lại công ty;

- Trường hợp khác theo quy định tại Điều lệ công ty [ 1 , khoản 1, điều 51]

  • Các trường hợp đặc biệt trong xử lý phần vốn góp, bao gồm: Người thừa kế không muốn trở thành thành viên; Người được tặng cho theo quy định tại khoản 6 Điều 53 không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên; Thành viên công ty là tổ chức giải thể hoặc phá sản [ 1 , khoản 4, điều 53].

Như vậy, khi chủ sở hữu phần vốn góp thuộc một trong các trường hợp trên có yêu cầu thì công ty phải mua lại theo yêu cầu của chủ sở hữu. Có thể nói, công ty mua lại phần vốn góp nghĩa là công ty thanh toán cho chủ sở hữu phần vốn góp một khoản tiền hoặc hiện kim có giá trị tương ứng với phần vốn góp dựa trên sự thỏa thuận của các bên về giá hoặc căn cứ giá thị trường hoặc giá được xác định theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Việc thanh toán chỉ được thực hiện nếu sau khi thanh toán đủ phần vốn góp được mua lại, công ty vẫn thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác. Sau khi hoàn tất thanh toán, công ty phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ tương ứng với số vốn góp đã được mua lại [ 1 , điểm b, khoản 3, điều 68]. Do đó, mặc dù công ty mua lại phần vốn góp nhưng tổng giá trị tài sản của công ty lại giảm xuống vì phải thanh toán một khoản tiền cho thành viên và hệ quả là chấm dứt tư cách thành viên đã dẫn đến vốn điều lệ giảm . Suy cho cùng, trong quan hệ mua – bán này, công ty là bên mua nhưng lại không nhận được bất kỳ giá trị tài sản hay giá trị vật chất nào.

Hơn nữa, chủ sở hữu hợp pháp đối với tài sản góp vốn phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty để trở thành thành viên công ty [ 1 , khoản 1, điều 35]. Phần vốn góp này xuất phát từ tài sản riêng và được thành viên công ty mang đi góp vốn để thành lập công ty hoặc góp thêm vốn điều lệ. Do đó, phần vốn góp là giá trị tài sản do thành viên công ty đã góp chứ không phải giá trị tài sản từ công ty tạo nên. Khi hoàn tất việc góp vốn, tài sản mà thành viên đã góp thuộc sở hữu của công ty. Công ty không mượn của thành viên để có chuyện hoàn trả lại và điều quan trọng là ngay cả khi công ty trả lại thì cũng trả bằng tiền hoặc bất cứ tài sản nào mà công ty và các bên thoả thuận được, chứ không nhất thiết phải bằng chính tài sản mà thành viên đã góp vào công ty. Điều này đặt ra vấn đề về tính phù hợp của việc sử dụng cụm từ “mua lại phần vốn góp” trong CT TNHH theo quy định của LDN.

Từ những phân tích phía trên, tác giả cho rằng, để phản ánh chính xác bản chất của phần vốn góp, tránh sự nhầm lẫn về ngữ nghĩa của từ “mua lại” và đảm bảo tính rõ ràng, nhất quán trong quy định mua lại phần vốn góp, Điều 51 LDN cần được xem xét sửa đổi, thay thế cụm từ “ mua lại phần vốn góp”, cụ thể như sau:

- Thứ nhất, theo Từ điển tiếng Việt, “mua” là đổi tiền lấy vật (thường là hàng hóa) [ 2 , trang 647],“lại” (dùng làm phụ từ sau) là từ biểu thị tính chất ngược chiều của hoạt động so với một hoạt động khác trước đó (đã nói hoặc đã biết) [ 2 , trang 537]. Như vậy, “mua lại” có thể được hiểu một cách thông thường là đổi tiền lấy chính vật đã được bán trước đó, như một sự trao đổi ngang giá. Tuy nhiên, khi xét trong bối cảnh “mua lại phần vốn góp” trong CT TNHH như đã phân tích, việc sử dụng cụm từ “mua lại phần vốn góp” trong quy định về công ty mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên là không phản ánh đúng bản chất của hành vi.

- Thứ hai, cần xem xét sử dụng cụm từ “rút vốn” thay cho cụm từ “mua lại phần vốn góp”. như vậy sẽ phản ánh chính xác hơn bản chất của hành vi được quy định tại Điều 51. Theo quy định tại khoản 2 Điều 50 LDN, thành viên không được rút vốn đã góp ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp quy định tại các điều 51, 52, 53 và 68. Như vậy, pháp luật cho phép thành viên chấm dứt tư cách thành viên, rút vốn một cách gián tiếp, hợp pháp ra khỏi công ty trong trường hợp thành viên yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp nếu thỏa mãn các điều kiện của pháp luật quy định. Nói cách khác, yêu cầu công ty mua lại phần vốn góp của thành viên có thể xem là hành vi rút vốn có điều kiện. Do đó, xét về mặt bản chất của phần vốn góp thì khi công ty mua lại phần vốn góp theo yêu cầu của thành viên nghĩa là công ty đồng ý hoàn trả toàn bộ phần vốn góp cho thành viên hoặc chủ thể có quyền sở hữu đối với phần vốn góp này theo giá thỏa thuận hoặc dựa trên giá thị trường. Vì vậy, việc sử dụng cụm từ “rút vốn” để thay thế sẽ đảm bảo được tính rõ ràng, phù hợp trong mối quan hệ giữa chủ sở hữu phần vốn góp và công ty.

Xử lý phần vốn góp khi phát hành cổ phần để chuyển đổi thành CTCP:

Có nhiều nguyên nhân CT TNHH chuyển đổi thành CTCP, một trong số đó là nhu cầu về vốn để mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Khoản 3 Điều 46 LDN 2020 đã cho phép CT TNHH được phát hành cổ phần trong trường hợp “để chuyển đổi thành CTCP”. LDN cũng đã liệt kê các phương thức chuyển đổi CT TNHH thành CTCP tại Điều 202. Đây được xem là một quy định hết sức tiến bộ cho các chủ sở hữu khi thực hiện việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Điều này giúp CT TNHH linh hoạt trong vấn đề về huy động vốn và giảm bớt những áp lực, rủi ro về tài chính, đầu tư khi chuyển đổi sang một loại hình doanh nghiệp có cấu trúc vốn khác biệt, quy mô lớn hơn và mô hình quản trị phức tạp hơn.

Trước đây, CT TNHH không được phép phát hành cổ phần trong mọi trường hợp [ 3 , khoản 3, điều 47]. Điều này đã gây nhiều khó khăn cho CT TNHH khi rơi vào những tình huống cụ thể như sau:

Thứ nhất, trong quá trình phát triển của doanh nghiệp, chủ sở hữu của CT TNHH sẽ tiến hành gọi vốn đầu tư. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nhà đầu tư là tổ chức chỉ đầu tư dưới hình thức mua cổ phần để tạo thuận lợi cho việc tự do chuyển nhượng lại sau này. Do đó, theo LDN 2014, để nhà đầu tư góp vốn dưới hình thức mua cổ phần thì CT TNHH phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình sang CTCP trước rồi sau đó mới được phát hành cổ phần để chào bán cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, điều này tiềm ẩn rủi ro sau khi CT TNHH đã tốn kém nhiều thời gian, công sức để chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thì nhà đầu tư lại thay đổi quyết định không đầu tư nữa. Lúc này, doanh nghiệp buộc phải tiếp tục hoạt động với loại hình CTCP hoặc phải thực hiện thủ tục chuyển đổi một lần nữa nếu muốn quay trở lại hoạt động dưới mô hình CT TNHH.

Thứ hai, nhiều trường hợp CT TNHH chỉ có 02 thành viên thì việc chuyển đổi thành CTCP để đáp ứng yêu cầu mua cổ phần từ nhà đầu tư gặp phải nhiều khó khăn. Do điều kiện tối thiểu về số lượng cổ đông trong CTCP phải là 03 cổ đông, đồng thời nhà đầu tư chỉ đầu tư dưới hình thức mua cổ phần nên CT TNHH phải tìm kiếm thêm 01 thành viên nữa thì mới đáp ứng điều kiện để chuyển đổi rồi sau đó mới có thể chào bán cổ phần cho nhà đầu tư.

Tuy nhiên, những bất cập này đã được LDN 2020 giải quyết phần nào khi mà tại khoản 2 Điều 202 LDN 2020 liệt kê một số phương thức chuyển đổi loại hình doanh nghiệp thành CTCP gồm:

  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần mà không huy động thêm tổ chức, cá nhân khác cùng góp vốn, không bán phần vốn góp cho tổ chức, cá nhân khác;

  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách huy động thêm tổ chức, cá nhân khác góp vốn;

  • Chuyển đổi thành công ty cổ phần bằng cách bán toàn bộ hoặc một phần phần vốn góp cho một hoặc một số tổ chức, cá nhân khác;

  • Kết hợp các phương thức trên và các phương thức khác.

Đồng thời, tại khoản 3 Điều 46 LDN 2020 cũng quy định:

  • Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần

Do đó, khi có nhà đầu tư đầu tư vào CT TNHH dưới hình thức mua cổ phần thì có thể áp dụng quy định về CT TNHH chuyển đổi thành CTCP bằng cách huy động thêm tổ chức, các nhân khác góp vốn. Khi đó, CT TNHH được phép phát hành cổ phẩn riêng lẻ cho nhà đầu tư theo khoản 3 Điều 46 LDN 2020 và sau đó chuyển đổi loại hình sang CTCP theo khoản 2 Điều 202 LDN 2020. Tuy nhiên, hiện nay LDN 2020 không có quy định về phát hành cổ phần riêng lẻ đối với CT TNHH. Do đó, để thực thiện được điều này, quan điểm nhóm tác giả cho rằng CT TNHH có thể vận dụng kết hợp Điều 68 và Điều 125 LDN 2020 và trải qua quá trình sau:

  • Thứ nhất, điều kiện để CT TNHH có thể thực hiện được việc phát hành cổ phần là phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên [ 1 , khoản 2, điều 55]. Cụ thể là về số lượng, mệnh giá cổ phần phát hành và đối tượng mua cổ phần được chào bán

  • Thứ hai, CT TNHH và cá nhân, tổ chức thực hiện việc mua bán cổ phần. Giai đoạn này có thể được xem như một giai đoạn M&A khi mà các thành viên hiện hữu và cổ đông tương lai sẽ thỏa thuận các vấn đề cụ thể như các cam kết về sự gắn bó với công ty, KPI,… trong một thỏa thuận cổ đông (SHA – Shareholder Agreement) trước khi thực hiện việc thanh toán cho số cổ phần được chào bán.

  • Thứ ba, CT TNHH sẽ đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền (Sở Kế hoạch và đầu tư) về việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp [ 1 , khoản 3, điều 202], cập nhật vốn điều lệ được tăng thêm, danh sách cổ đông của CTCP mới.

Điều này đã phần nào khắc phục được những vấn đề được đưa ra ở phía trên khi mà CT TNHH có thể phát hành cổ phần cho nhà đầu tư rồi sau đó mới thực hiện thủ tục chuyển đổi sang CTCP, qua đó đảm bảo được số lượng cổ đông tối thiểu trong tình huống CT TNHH chỉ có 02 thành viên. Đồng thời, nếu nhà đầu tư quyết định không đầu tư nữa thì lúc này CT TNHH cũng chưa thực hiện thủ tục chuyển đổi tại Sở Kế hoạch và đầu tư.

Tuy nhiên, điều này của LDN 2020 cũng làm phát sinh vấn đề mới là sau khi đàm phán thì cá nhân/ tổ chức quyết định không mua nữa, đây là điều có khả năng xảy ra khi các bên không tìm được tiếng nói chung trong giai đoạn thứ hai đã phân tích ở trên. LDN 2020 không hướng dẫn cụ thể vấn đề này, do đó, để giải quyết thì quan điểm của nhóm tác giả cho rằng CT TNHH có thể áp dụng quy định tương tự như CTCP đó là hủy bỏ số “cổ phần chưa được thanh toán” [ 1 , điều 133]. Điều này là khá hợp lý khi mà lúc này, CT TNHH vẫn chưa đăng ký việc chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Đồng thời, việc xử lý sẽ do Hội đồng thành viên quyết định bằng nhiều hình thức, có thể tìm đối tác khác hoặc hủy bỏ kế hoạch phát hành cổ phần để chuyển đổi, đồng thời hủy bỏ số “cổ phần chưa được thanh toán”.

Chuyển nhượng phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt:

Căn cứ pháp lý về quyền chuyển nhượng phần vốn góp trong CT TNHH được quy định cụ thể tại Điều 52 LDN 2020, theo đó, thành viên CT TNHH được quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác theo điều kiện luật định. Cụ thể, thành viên phải chào bán phần vốn góp đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty với cùng điều kiện chào bán [ 1 , điểm a khoản 1 Điều 52]. Sau đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chào bán, nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết thì thành viên đó mới được quyền chuyển nhượng cho người không phải là thành viên và phải chuyển nhượng với cùng điều kiện đã chào bán đối với các thành viên công ty [ 1 , điểm b khoản 1 Điều 52]. Quy định về điều kiện chuyển nhượng như trên xuất phát từ bản chất của CT TNHH, tính đối nhân và tính đóng (một phần) trong loại hình doanh nghiệp này đã dẫn đến cơ chế hạn chế sự tham gia của các chủ thể bên ngoài vào công ty và bảo vệ lợi ích của các thành viên hiện hữu.

Điều đặc biệt đáng lưu ý là quy định về điều kiện chuyển nhượng này không áp dụng cho các trường hợp tại khoản 4 Điều 51 (mua lại phần vốn góp), khoản 6 Điều 53 (thành viên tặng cho phần vốn góp) và khoản 7 Điều 53 (thành viên thanh toán nợ bằng phần vốn góp). Cụ thể, đối với trường hợp mua lại phần vốn góp, thành viên có quyền tự do chuyển nhượng nếu công ty không đáp ứng đủ điều kiện mua lại phần vốn góp theo luật định [ 1 , khoản 4 Điều 51]. Mặc dù điều này có thể dẫn đến hệ quả là sự tham gia của người ngoài vào công ty và phá vỡ tính “đóng” của loại hình doanh nghiệp này, nhưng quy định này là hợp lý bởi thành viên nên được trao cho cơ chế mở để thoát khỏi những xung đột giữa họ và công ty, cân bằng được lợi ích của đôi bên khi mà họ đã yêu cầu công ty mua lại nhưng công ty không thể thực hiện do điều kiện về tài chính.

Đối với trường hợp liên quan đến việc thành viên tặng cho một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác, LDN quy định đối tượng nhận tặng cho thành hai trường hợp, theo đó, “người được tặng cho thuộc đối tượng thừa kế theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự thì người này đương nhiên là thành viên công ty” [ 1 , điểm a khoản 6 Điều 53]. Ngược lại, nếu người được tặng cho không thuộc đối tượng trên thì “người này chỉ trở thành thành viên công ty khi được Hội đồng thành viên chấp thuận” [ 1 , điểm b khoản 6 Điều 53]. Như vậy, vấn đề đặt ra là, trong trường hợp người nhận tặng cho đó không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên công ty thì phần vốn góp của họ sẽ xử lý như thế nào. Theo điểm b khoản 4 Điều 53, “phần vốn góp của thành viên được công ty mua lại hoặc chuyển nhượng theo quy định tại Điều 51 và Điều 52 của LDN” nếu người được tặng cho không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên. Như vậy, xét trong trường hợp chuyển nhượng, liệu rằng phần vốn góp đó có phải chịu ràng buộc điều kiện chuyển nhượng tại Điều 52 hay không khi tại khoản 1 Điều 52 quy định không áp dụng điều kiện chuyển nhượng này cho trường hợp tặng cho phần vốn góp tại khoản 6 Điều 53.

Tương tự, trong trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ được quy định tại khoản 7 Điều 53, người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó trở thành thành viên công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận [ 1 , điểm a khoản 7 Điều 53], hoặc “chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 52 của Luật này” [ 1 , điểm b khoản 7 Điều 53]. Tuy nhiên, tương tự như trường hợp tặng cho phần vốn góp, theo khoản 1 Điều 52 thì quy định về điều kiện chuyển nhượng lại không áp dụng cho trường hợp tại khoản 7 Điều 53. Như vậy, việc người nhận thanh toán nợ bằng phần vốn góp có được quyền tự do chuyển nhượng phần vốn góp hay không rất dễ dẫn đến tranh cãi và hiện tại chưa có bất kỳ hướng dẫn nào về vấn đề này.

Đối với vấn đề xử lý phần vốn góp hai trường hợp kể trên, nếu xét cho cả hai quan điểm, bao gồm được tự do chuyển nhượng chuyển nhượng theo điều kiện tại Điều 52 , có thể thấy sự tồn tại của một số bất cập nhất định. Trên cơ sở tính “đóng” của loại hình doanh nghiệp này, nếu quy định về điều kiện chuyển nhượng trong hai trường hợp trên là tương tự như điều kiện áp dụng đối với thành viên công ty chuyển nhượng phần vốn góp là hợp lý hơn so với việc cho phép tự do chuyển nhượng. Quy định này có thể tránh được sự lợi dụng việc tặng cho, thanh toán nợ bằng phần vốn góp để dễ dàng đưa các nhà đầu tư bên ngoài trở thành thành viên công ty mà không cần phải thông qua sự “can thiệp” từ các thành viên hiện hữu còn lại [ 1 , khoản 1 Điều 52] hay sự “kiểm duyệt” của Hội đồng thành viên [ 1 , điểm b khoản 6 và điểm a khoản 7 Điều 53]. Tuy nhiên, Điều 52 của LDN hiện hành đã áp đặt các điều kiện về chuyển nhượng phần vốn góp lên chủ thể là thành viên công ty và không áp dụng cho trường hợp tại khoản 6, khoản 7 Điều 53. Do đó, nếu áp dụng điều kiện chuyển nhượng này cho cả trường hợp người nhận tặng cho và người nhận thành toán nợ bằng phần vốn góp – là người có quyền chuyển nhượng nếu không được Hội đồng thành viên chấp thuận làm thành viên - sẽ tạo sự mâu thuẫn và khiên cưỡng trong áp dụng pháp luật.

Theo quan điểm tác giả, tại Khoản 1 Điều 52 LDN 2020 không nên quy định “trừ trường hợp quy định tại …. khoản 6 và khoản Điều 53 của Luật này”. Điều này có nghĩa là quy định về điều kiện chuyển nhượng tại Điều 52 nên được áp dụng cho cả trường hợp tặng cho tại khoản 6 Điều 53 và thanh toán nợ bằng phần vốn góp tại khoản 7 Điều 53 trong trường hợp người nhận tặng cho và người nhận thanh toán không được Hội đồng thành viên chấp nhận trở thành thành viên để đảm bảo tính thống nhất trong quy định pháp luật và bảo vệ các nhà đầu tư.

Kết luận

Bài viết tập trung vào vấn đề pháp lý liên quan đến phần vốn góp trong CT TNHH nhìn từ các quy định liên quan đến mua lại phần vốn góp, phát hành cổ phần để chuyển đổi thành CTCP và chuyển nhượng phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt. Bài viết đã đề cập đến một số vướng mắc trong quy định của LDN 2020. Thiết nghĩ, để giải quyết các trường hợp còn thiếu sự rõ ràng, thống nhất như trên, các nhà làm luật cần nghiên cứu bổ sung quy định, văn bản hướng dẫn để đảm bảo một hành lang pháp lý an toàn, công bằng cho các nhà đầu tư.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

LDN: Luật Doanh nghiệp.

CT TNHH: Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.

CTCP: Công ty cổ phần.

M&A: Mergers and Acquisitions (tạm dịch: Sáp nhập và Mua lại doanh nghiệp)

KPI: Key Performance Indicator (tạm dịch: chỉ số đánh giá thực hiện công việc)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Bài viết này chỉ phản ánh quan điểm cá nhân của nhóm tác giả, không phản ánh và/hoặc đại diện cho quan điểm của Khoa Luật – Trường Đại học Kinh tế - Luật – Đại học Quốc gia Thành Phố Hồ Chí Minh; Khoa Luật – Trường Đại học Văn Lang.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Trần Thiên Trang chịu trách nhiệm nội dung: 1. Việc mua lại phần vốn góp trong CT TNHH; 3. Chuyển nhượng phần vốn góp trong một số trường hợp đặc biệt; Kết luận.

Tác giả Mai Hoàng Phước chịu trách nhiệm nội dung: 1. Việc mua lại phần vốn góp trong CT TNHH; 2. Xử lý phần vốn góp khi phát hành cổ phần để chuyển đổi thành CTCP.

References

  1. Quốc hội. Luật Doanh nghiệp 2020 số 59/2020/QH14 ban hành ngày 17/06/2020, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021. . ;:. Google Scholar
  2. Phê Hoàng. Từ điển Tiếng Việt. Viện ngôn ngữ học. Nhà xuất bản Hồng Đức; 2003. . ;:. Google Scholar
  3. Quốc hội. Luật Doanh nghiệp 2014 số 68/2014/QH13 ban hành ngày 26/11/2014, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3138-3143
Published: Oct 15, 2022
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1007

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trang, T., & Phước, M. (2022). Improving legal provisions of the member’s stake in a limited liability company under vietnamese law on enterprises 2020. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3138-3143. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1007

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 233 times
PDF   = 60 times
XML   = 0 times
Total   = 60 times