Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1474

Total

378

Share

Strengths in Vietnam's economic growth






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Economic growth is an important indicator of the quality of the economy. A common measure is the increase in gross domestic product (GDP) in a year or the increase in GDP per capita in a year. Over the past time, Vietnam's economy has made remarkable growth steps and achieved many great achievements. The constantly improving position of Vietnam in the international arena; the good control of the spread of the Covid-19 pandemic in the country; the quality of human resources have been gradually improved; The state’s constant encouragement and stimulation to develop the economy; The integration and opening of the economy are the strengths of economic growth that the article mentions. In the future, although the situation of Covid-19 is still complicated with new strains that are difficult to predict, Vietnam's economy can still achieve positive growth. The reason is that Vietnam's current policies are geared towards disease prevention combined with economic development. In this article, the author uses the method of analyzing secondary data from many reputable and reliable sources such as: ADB, UOB, General Statistics Office of Vietnam, ... to provide readers with more information, new materials, and a more thorough view on the overview picture of current status of Vietnam's economic growth in the period from 2016 to present.

Đặt vấn đề

Ngay sau khi trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) (tháng 12 năm 2006) thì ngay lập tức Việt Nam đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 – 2009 khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đến những năm 2017 - 2018, nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có thể rơi vào chu kỳ 10 năm. Tuy nhiên, kết thúc năm 2018, GDP của Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng ấn tượng, vượt kế hoạch đề ra đầu năm là 6,7% và đạt mức 7,08% 1 .

Giai đoạn từ cuối năm 2019 đến nay, Việt Nam phải chịu những ảnh hưởng và tác động nặng nề do đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn đạt được nhiều thành tựu khả quan. Theo “Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025”, trong giai đoạn này, kinh tế vĩ mô của Việt Nam duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2019 đạt khá cao, bình quân 6,8%/năm. Năm 2020, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2020 vẫn tăng 2,12%, và cả năm đạt mức tăng trưởng 2,91% 2 ( Figure 1 ).

Năm 2021, theo “ Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2021 ” của Tổng cục thống kê thì, tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam tăng 2,58%. Trong đó, quý I tăng 4,72%; quý II tăng 6,73%; quý III giảm 6,02%; quý IV tăng 5,22%. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam được coi là một trong những quốc gia tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới, nhờ nội lực và tận dụng tốt các cơ hội, khả năng đa dạng hoá, thích ứng linh hoạt của nền kinh tế.

Figure 1 . Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) giai đoạn 2016-2021

Tuy nhiên, mức tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2021 không đồng đều trong các lĩnh vực. Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ cuối tháng 4 năm 2021 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại và dịch vụ. Tăng trưởng âm của một số ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn đã làm giảm mức tăng chung của khu vực dịch vụ và toàn bộ nền kinh tế. Ngành bán buôn, bán lẻ giảm 0,21% so với năm 2020, làm giảm 0,02 điểm phần trăm trong tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành vận tải kho bãi giảm 5,02%, làm giảm 0,3 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm mạnh 20,81%, làm giảm 0,51 điểm phần trăm.

Bước sang năm 2022, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) trong Báo cáo “ Triển vọng phát triển châu Á ” cũng dự báo, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,5% năm 2022 và 6,7% năm 2023, trong khi đó, lạm phát sẽ tăng lên 3,8% trong năm 2022 và 4,0% vào năm 2023. Mức dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2022 vẫn được ADB giữ nguyên so với năm 2021. Việc mở cửa trở lại hoạt động du lịch vào giữa tháng 3 và nới lỏng các biện pháp kiểm soát đại dịch được kỳ vọng sẽ thúc đẩy dịch vụ, theo đó dự báo tăng trưởng ngành dịch vụ là 5,5% trong năm 2022. Việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công sẽ thúc đẩy xây dựng và các hoạt động kinh tế liên quan. ADB cũng nhận định, kinh tế Việt Nam sẵn sàng phục hồi mạnh mẽ trong bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn định 3 .

Có thể thấy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong những năm qua luôn có sự biến động không ngừng và khó dự báo do những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch bệnh,... Vậy, trong giai đoạn hiện nay, nền kinh tế Việt Nam có những điểm mạnh gì? Liệu rằng Việt Nam có thể phát huy được những điểm mạnh đó hay không và bằng cách nào? Với bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích những điểm mạnh của tăng trưởng kinh tế, qua đó đưa ra một số khuyến nghị nhằm tận dụng những điểm mạnh này trong giai đoạn hiện nay.

Tổng quan nghiên cứu

Tăng trưởng kinh tế được hiểu là sự tăng sản lượng thực tế của một nền kinh tế trong một khoảng thời gian. Thước đo phổ biến là mức tăng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong một năm hoặc mức tăng GDP bình quân đầu người trong một năm. Một số nước sử dụng các chỉ số khác để xác định mức tăng trưởng kinh tế như: GNP (tổng sản phẩm quốc gia); GNI (tổng thu nhập quốc gia); NNP (sản phẩm quốc gia ròng) hoặc NNI (thu nhập quốc gia ròng) (Các chỉ số trên thường được tính trong một năm và đều có thể sử dụng theo tiêu chí bình quân trên đầu người). Tốc độ tăng trưởng kinh tế được tính bằng cách lấy chênh lệch giữa quy mô kinh tế kỳ hiện tại so với quy mô kinh tế kỳ trước chia cho quy mô kinh tế kỳ trước 4 .

Kuznets đã đưa ra sáu đặc điểm của tăng trưởng kinh tế hiện đại, bao gồm: (1) Thu nhập bình quân đầu người và dân số tăng nhanh; (2) Năng suất lao động tăng; (3) Chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang sản xuất và đến dịch vụ, chuyển mô hình sản xuất từ ​​cá nhân sang công ty và chuyển lao động từ lao động tự do sang lao động chính thức; (4) Cơ cấu xã hội thay đổi do kết quả của quá trình giáo dục, xã hội hóa và đô thị hóa; (5) Thế giới trở nên hội nhập và phụ thuộc lẫn nhau; (6) Tăng trưởng kinh tế bị giới hạn ở một bộ phận thiểu số 5 .

Đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia phải dựa trên rất nhiều yếu tố và có thể có mối quan hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Ngoài ra, một số yếu tố khác cũng ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế như: GDP bình quân đầu người trong quá khứ, tỷ lệ đầu tư ròng/GDP, tốc độ gia tăng dân số,… 6

Nghiên cứu cụ thể về vấn đề này, thông qua việc tìm hiểu các mô hình tăng trưởng bền vững trên thế giới, tác giả Nguyễn Văn Hiệu (2017) đi đến khái quát rằng: tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong trung hạn chịu ảnh hưởng bởi một số nhân tố cả tích cực và tiêu cực. Tác giả cũng khẳng định rằng, về mặt định lượng, khó có thể đánh giá được mức độ tác động của các nhân tố một cách chính xác và do đó cũng khó có thể đánh giá được tác động cuối cùng là tích cực hay tiêu cực, vì nó còn phụ thuộc vào nỗ lực chủ quan và cơ hội tận dụng được của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp và cả những lực lượng quốc tế với những diễn biến và tình hình địa chính trị cụ thể. Theo đó, tác giả xác định: ảnh hưởng tích cực từ hội nhập kinh tế quốc tế, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và chuyển giao công nghệ quốc tế, môi trường kinh tế vĩ mô, cam kết của Chính phủ và sự ổn định chính trị, nguồn lao động dồi dào giá rẻ và một tố nhân tố khác như: tài nguyên thiên nhiên đa dạng, thói quen tiết kiệm cao của dân chúng, sự duy trì và gia tăng lượng kiều hối, sự đoàn kết của dân tộc Việt, sự hướng quốc của cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài, cam kết trợ giúp của các nước phát triển, của các tổ chức chính phủ và phi chính phủ trên thế giới là những nhân tố tích cực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của kinh tế Việt Nam trong những năm tiếp theo. Cùng với đó, Nguyễn Văn Hiệu (2017) cũng nhìn nhận, hệ thống luật pháp và thể chế chưa đầy đủ và hoàn thiện, năng lực quản lý còn hạn chế, nợ công tăng nhanh, bội chi ngân sách, hiệu quả đầu tư chưa cao, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, cạn dần về tài nguyên, sự chênh lệch về thu nhập và các nhân tố khác đã hạn chế sự tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam 7 .

Tiếp nối mạch nghiên cứu về các nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế, UNDP (2012) đã chỉ ra rằng, nền kinh tế sản xuất kết hợp lao động, vốn, các yếu tố sản xuất khác (đất đai, năng lượng, các nguồn tài nguyên thiên nhiên), công nghệ để sản xuất các sản phẩm kinh tế tham gia trao đổi và tạo thành tổng sản phẩm quốc nội (GDP) 8 . Cùng chung nhận định, APEC (2000) xác định, chất lượng nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, tri thức là động lực chủ yếu của sự tăng trưởng, của quá trình tạo ra của cải và việc làm trong tất cả các ngành kinh tế 9 .

Như vậy, có rất nhiều quan điểm khác nhau khi xác định nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế. Trong phạm vi bài viết này, trên cơ sở nhìn nhận tình hình thực tế tại Việt Nam hiện nay, tác giả chỉ tiến hành xem xét một số nhân tố về chất lượng nguồn lao động, thể chế chính trị và quản lý nhà nước, cơ cấu kinh tế và đặc điểm xã hội. Từ những nhân tố này, đặt trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam, tác giả đã đưa ra một số điểm mạnh trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam thời gian qua.

Phương pháp nghiên cứu

Trong bài viết này, tác giả sử dụng các phương pháp nghiên cứu bao gồm:

- Phương pháp phân tích tài liệu: thông tin, số liệu được thu thập từ báo cáo của ADB, UOB, Tổng cục thống kê, …; Các bài báo nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế.

- Phương pháp so sánh: nghiên cứu, xem xét các chủ trương, chính sách liên quan đến tăng trưởng kinh tế tại một số thời điểm khác nhau, so sánh xếp hạng của Việt Nam trên thế giới để đánh giá khó khăn, thuận lợi trong tăng trưởng kinh tế.

Bài viết phân tích điểm mạnh trong tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong những năm qua dựa trên những nhân tố tác động:

- Nhân tố về nguồn lao động: thể hiện qua chất lượng nguồn lao động

- Nhân tố về thể chế chính trị và quản lý nhà nước: thể hiện qua các chính sách khuyến khích, kích cầu của nhà nước và hệ thống văn bản pháp luật

- Nhân tố về đặc điểm xã hội: thể hiện qua việc ứng phó với đại dịch Covid-19, sự phân tầng xã hội, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

- Nhân tố về cơ cấu kinh tế: thể hiện qua tính chất của nền kinh tế thị trường

Từ những nhân tố này, đặt trong bối cảnh nền kinh tế, trên cơ sở tổng hợp, phân tích tài liệu thứ cấp, tác giả tập trung mô tả khái quát bức tranh toàn cảnh về thực trạng tăng trưởng kinh tế Việt Nam, qua đó chỉ ra những điểm mạnh của tăng trưởng kinh tế.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Chất lượng nguồn nhân lực dần được cải thiện

Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang dần cải thiện, từng bước làm chủ các thành tựu khoa học công nghệ, chuyển đổi số. Tri thức công nghệ là yếu tố giúp tăng hiệu quả và tạo ra sản lượng cao với mức chi phí tối ưu hơn. Hiện nay, lợi thế lớn nhất của Việt Nam là có lực lượng lao động dồi dào và cơ cấu lao động trẻ. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), nhu cầu về nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp hiện nay đang phát triển theo hướng thu hút nhân lực có trình độ cao, nhân lực qua đào tạo chiếm đến 82,92%. Trong đó, nhu cầu nhân lực có trình độ đại học trở lên chiếm 12,46%; cao đẳng chiếm 17,04%; trung cấp chiếm 26,04%; sơ cấp nghề - công nhân kỹ thuật lành nghề chiếm 27,38% 10 . Cùng với đó, chất lượng lao động cũng được nâng lên. Lao động qua đào tạo đã phần nào đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động. Lực lượng lao động kỹ thuật đã làm chủ được khoa học - công nghệ, đảm nhận được hầu hết các vị trí công việc phức tạp trong sản xuất kinh doanh mà trước đây phải thuê chuyên gia nước ngoài… 11 .

Giai đoạn 2016–2020, tốc độ tăng năng suất lao động bình quân của Việt Nam là 5,88%/năm đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân hàng năm đề ra trong Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ IV Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII “Giai đoạn 2016-2020: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hằng năm cao hơn 5,5%” và cao hơn đáng kể so với giai đoạn 2011–2015 là 4,24%/năm. Tính chung giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động của Việt Nam bình quân tăng 5,06%/năm 12 .

Figure 2 . Năng suất lao động của Việt Nam giai đoạn 2016-2021

Có thể thấy, trong giai đoạn 2016 -2021, năng suất lao động của Việt Nam dần được cải thiện và không ngừng tăng qua các năm. Và mặc dù từ năm 2019 đến nay, Việt Nam chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng năng suất lao động vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng thuộc nhóm quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, năng suất lao động của toàn nền kinh tế theo giá hiện hành ước tính đạt 171,3 triệu đồng/lao động (tương đương 7.398 USD/lao động, tăng 538 USD so với năm 2020) ( Figure 2 ). Theo giá so sánh, năng suất lao động năm 2021 tăng 4,7% do trình độ của người lao động được cải thiện.

Mặc dù vậy, cũng trong năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến hàng triệu người mất việc, lao động trong các ngành tiếp tục giảm, đặc biệt là khu vực dịch vụ. Lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm 2020; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm 2020; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm 2020.

Ngày 12/4/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Theo đó, Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu và các chỉ tiêu cụ thể như: tốc độ tăng năng suất lao động bình quân trên 6,5%/năm. Trong đó tốc độ tăng năng suất lao động ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 6,5 - 7%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động của các vùng kinh tế trọng điểm và 5 thành phố trực thuộc trung ương cao hơn tốc độ tăng năng suất lao động trung bình cả nước. Để phát triển thị trường lao động, Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu hoàn thiện khung pháp luật về phát triển thị trường lao động, nghiên cứu xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Việc làm trình Chính phủ và Quốc hội xem xét theo hướng phù hợp với các hình thái việc làm mới, quan hệ lao động mới trong kỷ nguyên kỹ thuật số, kinh tế số, kinh tế chia sẻ.

Nhà nước khuyến khích, kích cầu nền kinh tế

Giai đoạn 2000-2020, tốc độ gia tăng doanh nghiệp đăng ký thành lập tại Việt Nam đạt 12,6%. Đây là thành công của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tăng cường ứng dụng thành tựu công nghệ thông tin, hệ thống quản lý doanh nghiệp hiện đại, lĩnh vực đăng ký kinh doanh đa dạng,... Bên cạnh đó, những kết quả trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng được các tổ chức quốc tế ghi nhận và cộng đồng doanh nghiệp, người dân đánh giá tích cực. Theo Báo cáo Doing Businesscủa Ngân hàng Thế giới, trong giai đoạn 2004 - 2020, Chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam tăng từ 66,1 điểm đến 85,1 điểm, với thời gian được cắt giảm từ 61 ngày xuống còn 16 ngày, giảm từ 11 xuống còn 8 thủ tục, với chi phí tính trên bình quân thu nhập đầu người giảm từ 31,9% xuống còn 5,6%, vươn lên đứng thứ 5 trong khu vực và thứ 115 khi so sánh với môi trường kinh doanh toàn cầu 13 .

Hiện nay, những chính sách kinh tế của Đảng và nhà nước ta chủ yếu tập trung vào việc phục hồi nền kinh tế sau tác động của đại dịch Covid-19. Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã nhấn mạnh việc cần tăng tổng “cầu”, nhất là tại những lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, những đối tượng gặp khó khăn cần được hỗ trợ như người nghèo, công nhân,… Trong giai đoạn tới, Nhà nước chủ trương giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Cùng với đó là việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho kỳ tính thuế năm 2022. Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có thể được hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua; và được cấp vốn điều lệ cho Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch tối đa 300 tỷ đồng. Ở cấp độ địa phương, nhiều nơi cũng ban hành những chính sách hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng khác nhau bao gồm cả doanh nghiệp và người lao động.

Bất chấp tác động của đại dịch Covid-19, theo số liệu của Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp thành lập mới tại Việt Nam là 67.083, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 31.140. Chỉ có 9.942 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể. Hiện nay, các gói chính sách khuyến khích, kích cầu nền kinh tế của Chính phủ đã phát huy tác dụng trong việc tăng trưởng kinh tế, hướng đến phát triển bền vững. Những thay đổi từ việc tự nhận thức đường lối lãnh đạo của Đảng trong tình hình mới cũng như việc nhà nước kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng đã củng cố niềm tin của nhân dân. Hơn nữa, những chính sách hội nhập và quyết tâm theo đuổi nền kinh tế thị trường, khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân sẽ là một trong những nhân tố tạo tâm lý đầu tư và ý chí làm giàu chính đáng 7 . Sự ổn định của thể chế chính trị, việc áp dụng chính sách khuyến khích sản xuất và đầu tư nước ngoài cũng khiến các nhà đầu tư yên tâm khi tham gia vào thị trường.

Hàng loạt các chính sách khuyến khích, kích cầu nền kinh tế đã được đưa ra cả ở cấp bộ, ngành cũng như tại các khu vực, các ngành, nghề cụ thể. Mục tiêu cuối cùng là nhằm kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao năng suất, chất lượng, năng lực cạnh tranh, tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế, đáp ứng kịp thời nhu cầu trước mắt và lâu dài, gắn kết chặt chẽ với Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và Chương trình phòng, chống dịch Covid-19.

Những thành quả này bắt nguồn từ tầm nhìn phát triển dài hạn, nỗ lực liên tục, bền bỉ và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí, rủi ro cho doanh nghiệp; khuyến khích đổi mới sáng tạo; thúc đẩy tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đúng với tinh thần tự do kinh doanh trong Hiến pháp và là nguyên tắc cơ bản của nền kinh tế thị trường.

Kiểm soát tốt sự lây lan của dịch Covid-19

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, đại dịch Covid-19 vẫn có diễn biến rất phức tạp, khó lường và luôn có nguy cơ bùng phát các đợt dịch tiếp theo. Mặc dù vậy, Việt Nam luôn đạt mức tăng trưởng dương. Trước Covid-19, Việt Nam đã là điểm đến hấp dẫn cho ngành sản xuất gia công và du lịch. Ngay cả khi phải chiến đấu với dịch Covid-19, tổng số ca bệnh và tử vong được ghi nhận ở mức thấp đã chứng minh năng lực truy dấu và quản lý ổ dịch hiệu quả của nhà nước 14 . Bởi vậy, khi nhà sản xuất tìm cách tăng cường và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để đối phó với những yếu kém do đại dịch gây ra, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam cũng xác định, phòng, chống dịch Covid-19 phải đi đôi với phát triển kinh tế.

Theo Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 7/3/2022 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2022, dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. Các địa phương đã triển khai có hiệu quả Chiến dịch tiêm chủng vaccine mùa Xuân năm 2022, đến nay, tỷ lệ bao phủ đủ 2 mũi vaccine phòng Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở lên là 98,4%, mũi 3 là 37,4%; thực hiện tiêm vaccine cho trẻ em từ 12 tuổi - 17 tuổi với tỷ lệ bao phủ mũi 2 đạt 93,5%; nhờ đó mặc dù gần đây số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh nhưng tỷ lệ chuyển bệnh nặng và tử vong giảm sâu. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 02 tháng tăng 1,68% so với cùng kỳ. Thị trường tiền tệ, ngoại hối, tỷ giá cơ bản ổn định; duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp.

Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I năm 2022 của Tổng cục Thống kê chỉ rõ: tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I năm 2022 ước tính tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 4,72% của quý I năm 2021 và 3,66% của quý I năm 2020. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,45%, đóng góp 5,76% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,38%, đóng góp 51,08%; khu vực dịch vụ tăng 4,58%, đóng góp 43,16%. Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I năm 2022 tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 6,44% của quý I năm 2021, đóng góp 2,42 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Khu vực dịch vụ trong quý I năm 2022 tăng trưởng khởi sắc khi nhiều hoạt động dịch vụ sôi động trở lại. Đóng góp của một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của quý I năm nay như sau: Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 9,75% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,54 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 7,06%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; ngành bán buôn và bán lẻ tăng 2,98%, đóng góp 0,31 điểm phần trăm; ngành dịch vụ lưu trú và ăn uống giảm 1,79%, làm giảm 0,04 điểm phần trăm. Về cơ cấu nền kinh tế quý I năm 2022, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 10,94%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,97%; khu vực dịch vụ chiếm 41,70%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,39% (Cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2021 là 11,61%; 36,61%; 42,38%; 9,40%). Về sử dụng GDP quý I năm 2022, tiêu dùng cuối cùng tăng 4,28% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 3,22%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 5,08%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 4,20%.

Đây là những số liệu cho thấy chính sách đúng đắn của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh, phát triển kinh tế đất nước. Đầu tư công từ ngân sách nhà nước được tăng cường đã thúc đẩy GDP tăng trưởng dương và cao hơn nhiều quốc gia khác trong khu vực. Về mặt xã hội, người dân tin tưởng, trông chờ vào chính phủ cải thiện sinh kế, và bảo vệ cuộc sống an toàn trong điều kiện dịch bệnh. Việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và khôi phục kinh tế luôn song hành với nhau 15 .

Sự hội nhập, mở cửa của nền kinh tế

Một trong những nhân tố đảm bảo tăng trưởng bền vững là chính sách hội nhập nhất quán vào nền kinh tế thế giới. Những năm qua, nền kinh tế Việt Namđã có những bước phát triển mới, đẩy tiến trình hội nhập lên một tầm mức cao hơn bằng việc ký kết hàng loạt các hiệp định kinh tế thế hệ mới như Hiệp định hợp tác Việt Nam - EU, Hiệp định Thương mại Tự do khu vực ASEAN và Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC); Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA)… Đây là những hiệp định tạo sự bứt phá mạnh trong tăng trưởng của kinh tế Việt Nam nếu như những lợi thế được tận dụng triệt để 7 . Nhiều Hiệp định FTA đã được ký trong thời gian qua giúp đem lại những cơ hội lớn trong hợp tác đầu tư giữa Việt Nam với thị trường khu vực và thế giới ( Table 1 ).

Table 1 Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng 01 năm 2022

Giai đoạn 2016 – 2020, về cơ bản, khu vực châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu truyền thống, quan trọng của Việt Nam với tỷ trọng ổn định trên dưới 50% trong tổng giá trị xuất khẩu ra thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã và đang không ngừng đa dạng hóa nhóm mặt hàng xuất khẩu theo từng thị trường cũng như đa dạng hóa thị trường cho các nhóm mặt hàng cụ thể để linh hoạt với sự thay đổi của nhu cầu thị trường. So với Chiến lược đề ra, đến hết năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam sang châu Á và châu Mỹ vượt mục tiêu đề ra với tỷ trọng chiếm lần lượt là 50,6% và 29,1% (so với kế hoạch là 46% và 25%) chính vì sự chiếm ưu thế mạnh mẽ của các thị trường thuộc khu vực châu Á và châu Mỹ với các đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông... 16 .

Hiện nay, mặc dù tình hình dịch bệnh trong nước đã cơ bản được kiểm soát và có nhiều chuyển biến tích cực với số ca mắc trong cộng đồng và số ca tử vong có chiều hướng giảm, song số ca nhiễm mới ghi nhận trong cả nước vẫn khá cao, có nguy cơ bùng phát những biến chủng mới có tốc độ lây lan khó kiểm soát. Bên cạnh sự nới lỏng giãn cách xã hội thận trọng của mỗi địa phương, các ngành kinh tế cũng đang xây dựng lộ trình mở cửa một cách an toàn trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Do đó, dù nền kinh tế đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đang rất cẩn trọng trong việc mở cửa nền kinh tế.

Nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, Ban chấp hành trung ương Đảng khóa XII khẳng định; trong giai đoạn này, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta đươc duy trì ở mức độ khá cao. Giai đoạn 2016-2019 tăng trưởng kinh tế đạt 6,8%/năm, năm 2020 do dịch bệnh Covid-19 tốc độ tăng trưởng ước đạt trên 2%, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 5,9%/năm. Tính chung cả thời kỳ Chiến lược 2011 - 2020, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao trong khu vực và trên thế giới. Quy mô GDP tăng gấp 2,4 lần, từ 116 tỉ USD năm 2010 lên 268,4 tỉ USD vào năm 2020. GDP bình quân đầu người tăng từ 1.331 USD năm 2010 lên khoảng 2.750 USD năm 2020. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt.

Tăng trưởng kinh tế giảm dần phụ thuộc vào khai thác tài nguyên, mở rộng tín dụng; từng bước dựa vào ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hoá tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng tăng từ 33,6% bình quân giai đoạn 2011 - 2015 lên 45,2% giai đoạn 2016 - 2020, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0%, vượt mục tiêu Chiến lược đề ra (35%). Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm. Hiệu quả đầu tư được nâng lên; hệ số ICOR giảm từ gần 6,3 trong giai đoạn 2011 - 2015 xuống còn khoảng 6,1 trong giai đoạn 2016 – 2019.

Cùng với đó, việc nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế trong giai đoạn tới cũng được thể hiện rõ ràng, cụ thể trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Trong giai đoạn này, mục tiêu được đưa ra là: Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy mạnh mẽ giá trị văn hóa, con người Việt Nam và sức mạnh thời đại, huy động mọi nguồn lực, phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao 17 .

Theo báo cáo đánh giá thường niên lần thứ 4 về tiến độ thực hiện SDG do Mạng lưới Giải pháp phát triển bền vững của Liên hợp quốc và Quỹ Bertelsmann Stiftung của Đức công bố tháng 7 năm 2019, Việt Nam tăng 3 bậc so với năm 2018 về thực hiện mục tiêu phát triển bền vững. Có thể thấy, Việt Nam đã có những tiến bộ rõ rệt về việc cải thiện thứ hạng Phát triển bền vững, từ vị trí 88 năm 2016 lên vị trí 54 năm 2019 và chỉ đứng sau Thái Lan (vị trí 40) ở ASEAN, trên các nước còn lại gồm: Singapore (thứ 66), Malaysia (thứ 68), Philippines (thứ 97), Indonesia (thứ 102), Myanmar (thứ 110), Lào (thứ 111) và Campuchia (thứ 112). Trong 05 năm liên tiếp, Việt Nam có số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký đạt cao nhất trong lịch sử (trong đó 96% là doanh nghiệp khu vực tư nhân). Năm 2019 dự kiến đạt 136.000 doanh nghiệp thành lập mới, tổng số vốn đăng ký khoảng 1,7 triệu tỷ đồng 10 .

Số liệu của Tổng cục thống kê công bố năm 2020 cho thấy, Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới với mức tăng GDP 2,91%. So với thế giới và các nước phát triển thì Việt Nam đều có mức độ tăng trưởng vượt bậc, dù đây là mức tăng trưởng thấp nhất của thập kỷ 2011-2020 ( Figure 3 ). Có được mức tăng trưởng khởi sắc này do chúng ta đã kiểm soát chặt chẽ dịch Covid-19, nền kinh tế từng bước hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và EU có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,69%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,60%, khu vực dịch vụ tăng 4,29%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 1,07% so với cùng kỳ năm trước.

Figure 3 . Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam so với các quốc gia khác trên thế giới, năm 2020

Năm 2019, Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng 141 nền kinh tế (chiếm 99% GDP thế giới) qua 103 chỉ số được nhóm thành 12 trụ cột (GCI 2018 bao gồm 98 chỉ số). Các trụ cột bao quát các yếu tố kinh tế - xã hội như thể chế, cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ thông tin, ổn định kinh tế vĩ mô, y tế, kỹ năng, thị trường sản phẩm, thị trường lao động, hệ thống tài chính, quy mô thị trường, mức độ năng động trong kinh doanh và năng lực đổi mới sáng tạo. Năm 2019, Việt Nam tăng 3,5 điểm (từ 58 điểm lên 61,5 điểm) cao hơn điểm trung bình toàn cầu (60,7 điểm) và tăng 10 bậc (từ vị trí 77 lên vị trí 67). Bảng xếp hạng này cho thấy, năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của Việt Nam đã cải thiện vượt trội. Giai đoạn 2020 - 2021, các đánh giá và báo cáo xếp hạng GCI và Doing Business không được công bố chi tiết như các năm trước đây do đại dịch Covid-19.

Kết luận

Như vậy, bài báo này đã cung cấp những phân tích tổng quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua. Sau những khái quát về tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua nhiều giai đoạn khác nhau, bài nghiên cứu đưa đến nhận định, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam luôn có sự biến động không ngừng và khó dự báo do những tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới, dịch bệnh,....

Bên cạnh đó, từ những nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tếnhư chất lượng nguồn lao động, thể chế chính trị và quản lý nhà nước, cơ cấu kinh tế và đặc điểm xã hội, tác giả đã đưa ra một số điểm mạnh trong tăng trưởng kinh tế. Vị thế không ngừng nâng cao của Việt Nam trên trường quốc tế; việc kiểm soát tốt sự lây lan của đại dịch Covid-19 trong nước; chất lượng nguồn nhân lực dần được cải thiện; Nhà nước khuyến khích, kích cầu nền kinh tế; sự hội nhập, mở cửa của nền kinh tế là những điểm mạnh của tăng trưởng kinh tế mà bài viết đề cập đến.

Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam được đánh giá là dồi dào, cơ cấu lao động trẻ, thuộc nhóm nước có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN. Chính sách hội nhập nhất quán trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, bảo hộ doanh nghiệp trong nước nhưng vẫn đáp ứng nguyên tắc hội nhập, mở cửa khiến nền kinh tế Việt Nam trở thành thị trường đầu tư của nhiều quốc gia, doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Giai đoạn 2016-2021 cũng là giai đoạn có nhiều biến động, đặc biệt là những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng kinh tế dương. Năm 2020. Việt Nam nằm trong nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao nhất thế giới. Có được thành công đó là nhờ việc kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước cũng như các chính sách khuyến khích, kích cầu nền kinh tế. Nhờ vậy, hiện nay, nền kinh tế nước ta đang từng bước phục hồi và phát triển. Những thành công này của Việt Nam đã được đông đảo các quốc gia trên thế giới ghi nhận, các chỉ số về năng lực cạnh tranh toàn cầu, việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc,… của Việt Nam đều đang dần được cải thiện cho thấy vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Những điểm mạnh này của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam đến từ cả phía nhà nước và doanh nghiệp, cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Chúng hướng nền kinh tế Việt Nam đến những giá trị bền vững, lâu dài. Đây là cả một quá trình. Trong tương lai, mặc dù tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp với những biến chủng mới khó dự báo thì, nền kinh tế Việt Nam có thể vẫn đạt được mức tăng trưởng dương. Nguyên nhân là do, những chính sách hiện tại của Việt Nam hướng đến việc phòng chống dịch bệnh kết hợp với phát triển nền kinh tế.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ADB: Ngân hàng Phát triển châu Á

CPI: Chỉ số giá tiêu dùng

FTA: Hiệp định thương mại tự do

GDP: Tổng sản phẩm quốc nội

GNI: Tổng thu nhập quốc gia

GNP: Tổng sản phẩm quốc gia

NNI: Thu nhập quốc gia ròng

NNP: Sản phẩm quốc gia ròng

SDG: Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc

TFP: Năng suất các nhân tố tổng hợp

UNDP: Chương trình Phát triển Liên hợp quốc

WEF: Diễn đàn kinh tế thế giới

WTO: Tổ chức thương mại thế giới

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Linh Lan. Kinh tế Việt Nam: 10 năm thăng trầm. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  2. Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. 2020. . ;:. Google Scholar
  3. ADB. Báo cáo: Triển vọng phát triển châu Á (ADO). 2022. . ;:. Google Scholar
  4. Bùi Đại Dũng, Phạm Thu Phương. Tăng trưởng kinh tế và công bằng xã hội. Tạp chí Khoa học ĐHQGHN - Kinh tế và kinh doanh 2009 (25): 82-91. . ;:. Google Scholar
  5. Simon Kuznets. Modern Economic Growth: Findings and Reflections. American Economic Review 1973 Vol. 63 (3): 247-258. . ;:. Google Scholar
  6. Hồ Hữu Phương Chi. Mối quan hệ phi tuyến tính giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học Trường đại học Cần Thơ 2019 tập 55 (6D): 82-88. . ;:. Google Scholar
  7. Nguyễn Văn Hiệu. Nhận diện các nhân tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong tương lai. Tạp chí Ngân hàng 2017 (17). . ;:. Google Scholar
  8. UNDP. Báo cáo: Sáng kiến quản lý về giới và chính sách kinh tế ở châu Á và Thái Bình Dương. 2012. . ;:. Google Scholar
  9. APEC. Báo cáo: Towards knowledge-based economies in APEC. 2000. . ;:. Google Scholar
  10. Minh Ngọc. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam xếp hạng thứ 11/12 quốc gia tại châu Á. [Online]. 2019. . ;:. Google Scholar
  11. Hương Giang. Chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam thời kỳ hội nhập: Cơ hội và thách thức. Tạp chí Tài chính [serial online] 2019. . ;:. Google Scholar
  12. Thu Hường. Năng suất lao động của Việt Nam tăng trung bình 5,88%. Tạp chí Công thương [serial online] 2021. . ;:. Google Scholar
  13. Võ Huy Hùng. Cải thiện hệ thống Khởi sự kinh doanh của Việt Nam. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  14. Bruce Delteil, Matthieu Francois và Nga Nguyễn. Việt Nam cần những gì để đạt được khát vọng tăng trưởng dài hạn?. [Online]. 2020. . ;:. Google Scholar
  15. Đặng Nguyên Anh. Thương mại và đầu tư toàn cầu dưới tác động của đại dịch Covid-19 và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam. Diễn đàn Việt Nam và thế giới 2020: Đại dịch Covid-19 và những tác động cơ bản đối với thế giới. Hà Nội: Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam; 2021. . ;:. Google Scholar
  16. Xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập kinh tế quốc tế. [Online]. 2021. . ;:. Google Scholar
  17. Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030. Đại hội XIII - Đảng cộng sản Việt Nam. 2021. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 3194-3204
Published: Oct 15, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1014

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hồ, H. (2022). Strengths in Vietnam’s economic growth. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 3194-3204. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.1014

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1474 times
PDF   = 378 times
XML   = 0 times
Total   = 378 times