Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

100

Total

32

Share

Management of agricultural products according to value chain in Yen Binh District, Yen Bai Province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Based on primary and secondary data collected from interviews with 63 local officials and relevant stakeholders, this study analyzes the management of agricultural products according to the value chain in Yen Binh district, Yen Bai province. The results show that the management of agricultural products through the value chain have initially contributed to the increase of agricultural production's value; the crucial products of the district have been developed into a large-scale production zone; increasing the efficiency of agricultural cooperative models and households’ income. However, there are some limitations in the district: most of the households are small scale and scattered; business organization in the local agricultural sector is lowly efficient; the capacity of state management for the agricultural value chain model is inadequate. The authors proposes a number of solutions to improve the efficiency of agricultural product management according to the value chain, including: Developing an overall strategy and improving the policy system for agricultural product development according to the value chain; Improving the quality of agricultural products in line with the value chain at all stages; Developing linkage models between actors participating in agricultural value chains; Building brand and developing market for agricultural products; Improving the infrastructure system for the development of value chains of agricultural products; Ensuring the harmonization of value chain actors’ interests in the development of agricultural products.

GIỚI THIỆU

Việt Nam là một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về quy mô xuất khẩu nhiều mặt hàng như gạo, điều, cà-phê, thủy sản,… 1 Tuy nhiên, phần lớn sản lượng nông sản của Việt Nam vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, tỷ lệ chế biến sâu còn hạn chế, giá trị gia tăng (GTGT) trong các công đoạn sản xuất thấp, chất lượng và giá trị xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác trong khu vực và trên thế giới. 2 Điều này phản ánh sức cạnh tranh và mức độ tham gia của sản phẩm nông nghiệp nước ta vào chuỗi giá trị (CGT) toàn cầu còn thấp trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng của các nền kinh tế.

Ngành nông nghiệp nước ta đã và đang triển khai tổ chức lại theo hướng “tái cơ cấu ngành”, sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo CGT, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu. Việc tăng cường chế biến, gia tăng giá trị sản phẩm nhiều hơn đã tạo ra nhiều việc làm, thu nhập cao hơn cho nông dân Việt Nam. Qua đó, một số loại nông sản của Việt Nam và một số CGT của các địa phương đã tham gia được vào các khâu có GTGT cao trong CGT toàn cầu. Việc đổi mới, hoàn thiện thể chế, môi trường kinh doanh trong thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực tham gia của hàng nông sản Việt Nam vào CGT toàn cầu. Đến tháng 11/2021, Việt Nam đã tham gia 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương được ký kết 3 , trong đó có một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA đã và sẽ tiếp tục mở đường cho hàng nông sản Việt Nam thâm nhập vào thị trường thế giới (EU và Mỹ).

Ở huyện Yên Bình, đã bước đầu hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp có quy mô lớn, như vùng cây ăn quả, vùng gạo đặc sản, vùng quế, thủy sản vùng lòng hồ Thác Bà,... Trong thời gian vừa qua, UBND huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đăng ký tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và lựa chọn 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực để đăng ký với tỉnh xây dựng tiêu chuẩn 3 sao với các sản phẩm: chè xanh chất lượng cao, tre măng Bát độ, rọ tôm, quế và tiêu chuẩn 4 sao với các sản phẩm: bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà,… 4

Xác định xây dựng và phát triển CGT nông sản là nhân tố quan trọng giúp ngành nông nghiệp tái cơ cấu theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững, trong thời gian qua UBND huyện Yên Bình đã thẩm định và lựa chọn triển khai thực hiện các dự án phát triển CGT nông sản trên cơ sở những sản phẩm chủ lực, có tiềm năng, lợi thế của địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai quản lý và phát triển CGT nông sản trên địa bàn huyện cũng gặp nhiều hạn chế: hộ sản xuất quy mô nhỏ, phân tán; hiệu quả tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp thấp; năng lực quản lý nhà nước (QLNN) đối với mô hình CGT nông sản còn yếu,... Một số cán bộ quản lý ở địa phương chưa nắm rõ các quy định, chính sách về phát triển CGT nông sản, từ đó làm hiệu quả triển khai các chương trình phát triển CGT nông sản trên địa bàn huyện chưa cao.

Trên cơ sở nguồn số liệu thứ cấp và số liệu điều tra, nhóm tác giả đi sâu phân tích thực trạng, từ đó đề xuất một số giải pháp và hàm ý chính sách để nâng cao hiệu quả quản lý nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ QUẢN LÝ NÔNG SẢN THEO CHUỖI GIÁ TRỊ

Chuỗi giá trị

Năm 1985, khái niệm “Chuỗi giá trị” được Micheal Porter đưa ra, theo ông: “Chuỗi giá trị là chuỗi của một hệ thống các hoạt động thực hiện trong một doanh nghiệp thuộc một ngành cụ thể để sản xuất ra một sản phẩm nhất định. Các hoạt động này có thể bao gồm giai đoạn xây dựng khái niệm và thiết kế, quá trình mua vật tư đầu vào, sản xuất, tiếp thị và phân phối, cung cấp các dịch vụ đến người tiêu dùng cuối cùng như chăm sóc khách hàng, bảo hành sản phẩm... Sản phẩm đi qua tất cả các hoạt động của chuỗi theo thứ tự và tại mỗi hoạt động sản xuất thu được một số giá trị nào đó, các giá trị này bổ sung, cấu thành nên giá trị cho sản phẩm cuối cùng. Chuỗi các hoạt động mang lại sản phẩm nhiều GTGT hơn tổng GTGT của các hoạt động cộng lại. Tất cả những hoạt động này tạo thành chuỗi kết nối nhà sản xuất với người tiêu dùng” 5 .

Nếu như khái niệm CGT của Micheal Porter đề cập đến ở trên chỉ tập trung nghiên cứu ở qui mô của doanh nghiệp, thì các tác giả Raphael Kaplinsky và Mike Morris (2000), lại mở rộng ở phạm vi của CGT. Theo các tác giả: CGT đề cập đến một loạt những hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hoặc một dịch vụ từ lúc còn là khái niệm, thông qua các giai đoạn sản xuất khác nhau đến phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng và vứt bỏ sau khi đã sử dụng” 5 . Theo tác giả Ngô Thị Phương Liên: CGT trong sản xuất hàng hóa là quan hệ kinh tế khách quan của các tác nhân kinh tế tham gia vào chuỗi các hoạt động của quá trình sản xuất và phân phối, tiêu dùng của một loại hàng hóa nào đó trên thị trường 6 .

Từ các quan điểm nêu trên, nhóm tác giả thống nhất sử dụng quan niệm CGT nói chung, CGT nông sản thường đề cập đến toàn bộ chuỗi hàng hoá và dịch vụ cần thiết để cho sản phẩm nông nghiệp di chuyển từ nông trại đến khách hàng cuối cùng hay khách hàng đơn thuần. Ở cấp chính quyền huyện, CGT nông sản địa phương hay chuỗi cung ứng thực phẩm ngắn được định nghĩa là một chuỗi cung ứng thực phẩm với ít thành viên tham gia vào chuỗi, đôi khi người sản xuất phân phối sản phẩm trực tiếp tới tay người tiêu dùng, việc sản xuất và phân phối được diễn ra trên một phạm vi địa lý hẹp. Đó là hình thức người nông dân có thể trực tiếp bán nông sản của mình tới tận tay người tiêu dùng, bỏ qua mọi trung gian phân phối 7 , 8 .

Quản lý nông sản theo chuỗi giá trị

Quản lý nông sản theo CGT là tổng thể hoạt động của các cơ quan quản lý và tác nhân nhằm làm tăng giá trị tại mỗi khâu trong quy trình từ cung cấp đầu vào, sản xuất, thu mua gom, sơ chế, phân phối, tiêu dùng hàng nông sản và đảm bảo hài hòa lợi ích kinh tế cho tất cả các tác nhân tham gia chuỗi 8 , 9 , 10 .

Từ góc độ tiếp cận về QLNN, quản lý nông sản theo CGT bao gồm các nội dung: Cụ thể hóa chính sách của Nhà nước, ban hành hệ thống văn bản, kế hoạch phát triển hàng nông sản theo CGT; Phát triển quy mô, cơ cấu hàng nông sản theo CGT; Tổ chức phát triển hàng nông sản theo CGT; Ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển hàng nông sản theo CGT; Giải quyết mối quan hệ giữa các tác nhân tham gia CGT nông sản; Hoạt động kiểm tra, giám sát. Mục tiêu của hoạt động quản lý nông sản theo CGT nhằm: Tạo ra vùng nguyên liệu ổn định theo tiêu chuẩn thị trường; Thúc đẩy và hình thành liên kết; Ổn định giá/ giảm biến động giá do thị trường; Giảm chi phí sản xuất, tăng GTGT cho sản phẩm; Định hướng hỗ trợ phát triển sản phẩm,... 9 , 10

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ SỐ LIỆU

Phương pháp thu thập số liệu

Các số liệu thứ cấp sử dụng trong nghiên cứu được thu thập từ các báo cáo, số liệu liên quan tới quản lý nông sản theo chuỗi tại huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ: Văn bản, nghị quyết, báo cáo, số liệu liên quan tới tình hình phát triển nông nghiệp nói chung và phát triển CGT nói riêng của huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái từ các cơ quan: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn (PTNT) tỉnh Yên Bái, Cục thống kê tỉnh Yên Bái, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Yên Bình và Phòng nông nghiệp huyện.

Bên cạnh số liệu thứ cấp, nhóm tác giả tiến hành thu thập số liệu sơ cấp là số liệu điều tra từ các cán bộ quản lý lĩnh vực nông nghiệp (quản lý CGT nông sản) và các tác nhân trong các CGT trên địa bàn huyện. Số lượng mẫu điều tra 63 người: trong đó có 18 cán bộ quản lý và 45 đại lý, chủ buôn, Lãnh đạo HTX, tổ hợp tác và chủ hộ sản xuất. Đây là 2 nhóm đối tượng trực tiếp tham gia vào quá trình quản lý và vận hành CGT nông sản ở địa phương và có mối quan hệ khá chặt chẽ do phần lớn các CGT trên địa bàn huyện đều được thụ hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển của Nhà nước và chính quyền địa phương. Nội dung phiếu khảo sát tập trung vào việc đánh giá công tác quản lý nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái thời gian vừa qua từ góc độ tiếp cận về QLNN. Các nhận định, đánh giá được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ: 1. Kém; 2. Yếu; 3. Trung bình; 4. Khá; 5. Rất tốt; Thời gian phát phiếu khảo sát vào tháng 3 và tháng 4 năm 2021, bằng hình thức phỏng vấn trực tiếp kết hợp trực tuyến (sử dụng biểu mẫu google form). Tỷ lệ trả lời phiếu đạt 100% (63/63).

Phương pháp xử lý số liệu

Số liệu thu thập được xử lý trên bảng tính Excel và phần mềm SPSS để đưa ra các kết quả nghiên cứu đảm bảo sự chính xác và độ tin cậy cao. Trên cơ sở đó, nhóm tác giả có những nhận xét và đánh giá mang tính khoa học về quản lý nông sản theo CGT. Các kết quả được minh hoạ và thể hiện trong các bảng biểu và đồ thị phản ánh các chỉ tiêu phát triển nông nghiệp, kết quả và hiệu quả quản lý nông sản theo lý thuyết CGT trên địa bàn huyện Yên Bình ở các năm khác nhau từ đó rút ra chiều hướng phát triển và đưa ra những kết luận phù hợp.

Phương pháp chuyên gia

Tác giả tiến hành phỏng vấn của 05 chuyên gia bao gồm nhà quản lý cấp cao, chuyên gia về phát triển CGT theo hình thức gọi điện thoại để thu thập các nhận định và đánh giá. Bên cạnh các đánh giá, các chuyên gia gợi ý về một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình trong những năm tiếp theo.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Những năm qua, trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng, lợi thế vùng và triển khai kịp thời, có hiệu quả các chủ trương, chính sách về tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, huyện Yên Bình đã triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, giai đoạn 2016 - 2020 và phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đến hết năm 2020, theo số liệu thống kê của phòng Nông nghiệp huyện Yên Bình, trên địa bàn huyện đã xây dựng được 8 CGT nông sản, 7 CGT nông sản có liên kết với doanh nghiệp (có hợp đồng bao tiêu sản phẩm), 5 CGT nông sản an toàn (sản phẩm có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc tiêu chuẩn như VietGAP) ( Table 1 ).

Table 1 Số lượng các chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn huyện Yên Bình

Cùng đó, căn cứ đề án của tỉnh về thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), huyện đã hướng dẫn các xã, thị trấn, các doanh nghiệp, HTX đăng ký tham gia Chương trình và lựa chọn 10 sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực để đăng ký với tỉnh xây dựng tiêu chuẩn 3 sao với các sản phẩm: chè xanh chất lượng cao, tre măng Bát độ, rọ tôm, quế và tiêu chuẩn 4 sao với các sản phẩm: bưởi Đại Minh, cá hồ Thác Bà, gạo Bạch Hà. Nhằm nâng tầm thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, tạo cơ hội kết nối, giao thương giữa các doanh nghiệp để thúc đẩy cơ hội xúc tiến thương mại, hướng đến xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp, nâng cao thu nhập và đời sống cho nhân dân, huyện đã tổ chức thực hiện 5 dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chủ lực của huyện gồm: bưởi Đại Minh, cá nuôi trên hồ Thác Bà, gỗ keo, cây dược liệu; gỗ bạch đàn, bồ đề và phụ phẩm gỗ keo. Các dự án này giúp người dân sản xuất theo hướng tập trung và tìm được đầu ra ổn định.

Thực trạng quản lý nông sản theo chuỗi giá trị trên địa bàn huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái

Cụ thể hóa chính sách và ban hành văn bản, kế hoạch phát triển các CGT nông sản

Khi Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững được ban hành, Hội đồng nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết số 15/2015/NQ-HĐND ngày 15/12/2015 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc ban hành chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2020; UBND tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 807/QĐ-UBND ngày 24 tháng 4 năm 2020 về việc điều chỉnh, bổ dung danh mục dự án phát triển sản xuất liên kết theo CGT gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2018 – 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Qua kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy: Trong 03 tiêu chí đánh giá thực trạng xây dựng văn bản quản lý hàng nông sản theo CGT thì tiêu chí “Hệ thống văn bản quản lý hàng nông sản theo CGT đầy đủ” được đánh giá cao nhất với điểm trung bình là 3,46/5 điểm, trong đó có 14,28% người được hỏi đánh giá tốt, 34,92% đánh giá khá và chỉ có 3,17% đánh giá kém. Ngược lại tiêu chí “Hệ thống văn bản quản lý hàng nông sản theo CGT phù hợp với thực tiễn” chưa được đánh giá cao với mức điểm trung bình là 2,9/5 điểm với 20,63% đánh giá yếu và 4,76% đánh giá kém.

Từ các văn bản triển khai của Trung ương và của tỉnh, chính quyền huyện cũng chủ động ban hành các quy hoạch trong lĩnh vực nông nghiệp cụ thể: (1) Quy hoạch phát triển trồng trọt Yên Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 hướng tới mục tiêu khai thác lợi thế của từng vùng, tạo ra các sản phẩm nông sản hàng hóa có chất lượng, giá trị cao, phát triển bền vững gắn sản xuất với chế biến, đảm bảo an ninh lương thực, góp phần tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân. (2) Quy hoạch phát triển chăn nuôi: Hướng đến mục tiêu khai thác các tiềm năng, lợi thế của huyện, đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hình thức gia trại, trang trại gắn với chế biến, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm theo quy hoạch, để phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa và toàn diện, nhằm tăng giá trị ngành chăn nuôi, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hộ nông dân.

Kết quả khảo sát của nhóm tác giả về công tác xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển nông nghiệp nói chung (trong đó có đề cập tới quản lý hàng nông sản theo CGT) cho thấy, công tác xây dựng kế hoạch phát triển hàng nông sản theo CGT trên cơ sở đảm bảo tối đa lợi thế so sánh của địa phương so với các địa phương khác trong và ngoài tỉnh được đánh giá tương đối tốt với 48,14% - 46,82% đánh giá khá, tốt.

Thực trạng bộ máy QLNN đối với các CGT nông sản

Bộ phận quản lý các chương trình phát triển nông nghiệp nói chung và CGT nông sản nói riêng đặt tại Phòng Nông nghiệp và PTNT do 01 Phó Chủ tịch UBND huyện điều hành; Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT làm thường trực; cán bộ chuyên trách là lãnh đạo, chuyên viên Phòng Nông nghiệp và PTNT; cán bộ kiêm nhiệm là các đồng chí lãnh đạo, chuyên viên các phòng, ban chuyên môn có liên quan.

Kết quả khảo sát của nhóm tác giả cho thấy tiêu chí “Quản lý thống nhất trên địa bàn huyện về CGT nông sản” được đánh giá cao nhất với giá trị trung bình là 3,41/5 điểm. Đây chính là nguyên tắc thống nhất trong quản lý nông sản theo CGT, được hiểu là phản ánh mối quan hệ giữa người quản lý cấp trên và cấp cấp dưới và quan hệ đồng cấp trong việc thực thi chức năng QLNN về phát triển CGT nông sản trên địa bàn huyện. Trong thời gian qua, UBND huyện đã kịp thời đưa ra các định hướng trong phát triển và quản lý CGT nông sản cụ thể như: khuyến khích các thành phần kinh tế, định hướng thu hút các nhà đầu tư phát triển hàng nông sản trọng điểm, định hướng gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm, … Mặc dù vậy, do năng lực đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp còn yếu nên các định hướng chưa được cụ thể hóa. Kết quả đánh giá 02 tiêu chí “Định hướng trong phát triển và quản lý CGT nông sản trên địa bàn huyện” và “Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý cấp huyện và cấp xã” với tỷ lệ đánh giá trung bình lần lượt là 33,33% và 36,51%; đánh giá dưới trung bình là 37,28% và 26,99% ( Table 2 ).

Table 2 Đánh giá về quản lý và định hướng phát triển nông sản theo CGT

Tổ chức thực hiện một số CGT nông sản điển hình trên địa bàn huyện Yên Bình

Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ của các cấp chính quyền huyện Yên Bình đã thực hiện một số CGT nông sản, điển hình là CGT bưởi Đại Minh, CGT cá hồ Thác Bà và CGT lợn thịt.

Đối với CGT bưởi Đại Minh: CGT bưởi cơ bản gồm 5 khâu: Đầu vào, sản xuất; thu gom (cấp xã, cấp huyện); thương mại (bán buôn/ bán lẻ); tiêu dùng.

Đối với, CGT cá hồ Thác Bà: CGT cá cơ bản gồm 6 khâu: Đầu vào; sản xuất; thu gom; sơ chế; thương mại; tiêu dùng.

Đối với, CGT lợn thịt: CGT lợn thịt cơ bản gồm 6 khâu: Đầu vào; sản xuất; thu gom; giết mổ/ sơ chế; thương mại/tiêu dùng.

Kết quả khảo sát thực trạng tổ chức phát triển hàng nông sản theo CGT của nhóm tác giả cho thấy: Tiêu chí “Đa dạng các hình thức sở hữu, các mô hình tổ chức sản xuất trong nông nghiệp” được đánh giá cao nhất với 3,29/5 điểm. Ngoài các hình thức sản xuất truyền thống là hộ nông dân, hiện nay trên địa bàn huyện phát triển các tổ hợp tác, HTX, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh nông sản. Đây chính là các tác nhân tham gia trực tiếp vận hành các CGT trên địa bàn huyện. Tiêu chí “Sự liên kết chặt chẽ, của cả 3 tác nhân (hộ nông dân, doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp phân phối)” được đánh giá với mức điểm là 3,24/5 điểm. Tiêu chí được đánh giá thấp nhất là tiêu chí “Sự định hướng phát triển hàng nông sản theo CGT của UBND huyện, xã” được đánh giá ở mức điểm là 2,88/5 điểm.

Ứng dụng khoa học - công nghệ cho phát triển hàng nông sản theo CGT nông sản trên địa bàn huyện Yên Bình

Việc áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp ở Yên Bình cơ bản được thực hiện ở những vùng sản xuất của các công ty, HTX và các hộ nông dân tham gia sản xuất nông nghiệp theo CGT. Đó là việc áp dụng các công nghệ mới trong sản xuất giống, chăm sóc, bảo quản và chế biến sản phẩm nhằm tạo thêm giá trị trong mỗi khâu của CGT.

Đối với sản phẩm bưởi Đại Minh : Việc ứng dụng khoa học công nghệ được thể hiện trong việc cải thiện cây giống, áp dụng kỹ thuật chăm sóc tiên tiến, cơ giới hóa trong thu hoạch và bảo quản. Huyện đã thực hiện một số dự án, mô hình thử nghiệm trồng, chăm sóc cây bưởi áp dụng kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; Tập huấn về quy trình, kỹ thuật sản xuất bưởi an toàn theo hướng VietGAP, tập huấn nâng cao kỹ thuật thu hái, vận chuyển, bảo quản lâu hơn nhằm hạn chế tính mùa vụ.

Đối với sản phẩm cá hồ Thác Bà : Áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới như phương pháp thụ tinh nhân tạo, với nguồn con giống được chọn lọc, nhập ngoại sẽ giúp tăng nhanh về tiến độ di truyền, cải tiến giống góp phần nâng cao năng suất, chất lượng thịt; Các tổ hợp tác nuôi cá đã tuyên truyền, hướng dẫn, trao đổi kinh nghiệm chăn nuôi, tập huấn kỹ thuật làm lồng trại, phòng trừ dịch bệnh. Đã xây dựng cơ sở tự phối trộn thức ăn chăn nuôi an toàn sinh học từ nguyên liệu địa phương trên địa bàn huyện.

Đối với sản phẩm lợn thịt: Đã áp dụng chăn nuôi theo biện pháp an toàn sinh học, có sự giám sát và chứng nhận của cơ sở nhằm hạn chế dịch bệnh; Đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung, nâng cấp các cơ sở giết mổ hiện có, xây dựng các điểm bán lẻ nhằm đảm bảo vệ sinh ATTP, vệ sinh thú y. Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi.

Đánh giá về ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển hàng nông sản theo CGT, kết quả cho thấy: “Áp dụng công nghệ, kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh” là 3,3/5 điểm với 11,11% người được hỏi đánh giá tốt và 30,16% đánh giá khá và chỉ có 4,76% người được hỏi đánh giá kém. Bên cạnh đó, đối với tiêu chí “Ứng dụng khoa học - công nghệ trong khâu lựa chọn giống, nhân giống cây trồng vật nuôi” được đánh giá với mức điểm trung bình là 3,10/5 điểm. Tiêu chí được đánh giá thấp nhất là tiêu chí “Áp dụng công nghệ trong khâu thu hoạch, chế biến…” với mức điểm trung bình là 3,05/5 điểm và có 17,46% đánh giá yếu và 9,52% đánh giá kém ( Table 3 ).

Table 3 Đánh giá về ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển nông sản theo CGT

Giải quyết mối quan hệ giữa các tác nhân tham gia CGT nông sản

Qua nghiên cứu thực tế các CGT ở huyện Yên Bình giai đoạn 2018-2020 cho thấy: Thứ nhất, CGT cá có sự liên kết chặt chẽ nhất giữa các khâu của CGT. Việc thực hiện liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia CGT bằng các hợp đồng kinh tế đảm bảo cho lợi ích của các bên tham gia ổn định. Thứ hai, CGT bưởi, CGT lợn chưa có sự gắn kết chặt chẽ trong sản xuất thông qua các hợp đồng kinh tế giữa các bên tham gia chuỗi. Vì vậy rủi ro trong sản xuất cao và các tác nhân trực tiếp sản xuất bưởi, chăn nuôi lợn là người chịu nhiều thiệt hại nhất khi xảy ra dịch bệnh, thiên tai và biến động của thị trường. Thứ ba, vai trò của chính quyền địa phương trong việc gắn kết các tác nhân tham gia chuỗi sản xuất còn hạn chế vì vậy không bảo vệ được lợi ích cho các tác nhân trực tiếp sản xuất. Tóm lại, việc đảm bảo lợi ích cho các tác nhân trong sản xuất hàng nông sản theo CGT của Yên Bình còn nhiều điểm hạn chế, trong đó đáng kể nhất là lợi ích của các tác nhân trực tiếp sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp chưa ổn định, hiệu quả kinh tế thấp.

Để đánh giá thực trạng giải quyết mối quan hệ giữa các tác nhân tham gia CGT nông sản, tác giả sử dụng 04 tiêu chí đánh giá với kết quả cụ thể: Tiêu chí được đánh giá cao nhất là “Kết quả kiểm tra, giám sát đề xuất các kiến nghị tăng cường phát triển CGT nông sản” với mức điểm đánh giá là 3,32/5 điểm. Ngược lại, tiêu chí được đánh giá thấp nhất là “Kết quả kiểm tra, giám sát được xử lý công bằng, minh bạch” với mức điểm trung bình đánh giá là 3,05/5 điểm.

Kiểm tra, giám sát trong quản lý phát triển hàng nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình

Hoạt động kiểm tra, giám sát có vai trò quan trọng trong việc duy trì sự gắn kết giữa các khâu trong phát triển hàng nông sản theo CGT ( Table 4 ).

Table 4 Số lượt k iểm tra hoạt động của các CGT trên địa bàn huyện Yên Bình

Kết quả kiểm tra, giám sát trong phát triển hàng nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình cho thấy, huyện Yên Bình đã sát sao trong kiểm tra, các vụ việc được phát hiện có sai sót được xử lý nghiêm và kịp thời, qua đó định hướng, hỗ trợ các hộ nông dân, doanh nghiệp trong chuỗi liên kết nông sản phát triển.

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Quá trình phát triển các CGT nông sản trên địa bàn huyện Yên Bình trong thời gian qua đã đạt được một số kết quả sau: (1) Góp phần gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp hàng năm, đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. (2) Chuyển đổi phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng đi sâu phát triển mạnh các sản phẩm chủ lực của từng lĩnh vực và hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô tương đối lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao. (3) Nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX nông nghiệp (có 32 HTX, trong đó 18 HTX tham gia vào CGT). (4) Phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực. (5) Phát triển công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp để tăng mức độ cơ giới hóa các khâu sản xuất đối với các loại cây trồng ở huyện.

Việc quản lý nông sản theo CGT dưới góc độ tiếp cận QLNN trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả bước đầu. Các nội dung được cán bộ quản lý và tác nhân tham gia ngành hàng đánh giá cao là: Nội dung về việc ban hành hệ thống văn bản quản lý nông sản theo CGT đầy đủ; Chính quyền huyện chủ động cụ thể hóa chính sách và ban hành các văn bản hướng dẫn, xây dựng kế hoạch phát triển CGT phù hợp; Đảm bảo nguyên tắc thống nhất trong quản lý giữa các cấp chính quyền (huyện, xã) trong việc thực thi chức năng QLNN về phát triển CGT; Kiểm tra và đánh giá quá trình vận hành và phát triển các CGT được thực hiện chặt chẽ và nghiêm túc.

Bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế trong công tác quản lý nông sản theo CGT: (1) CGT hàng nông sản phần lớn mới chỉ dừng ở khâu sản xuất và tiêu thụ trực tiếp, chưa có sự tham gia sâu của khâu chế biến, bảo quản. (2) Liên kết trong sản xuất còn hạn chế, quy mô, phạm vi của liên kết còn nhỏ, hình thức liên kết còn giản đơn. (3) Hoạt động của các HTX phổ biến quy mô nhỏ, năng lực nội tại còn yếu, thiếu cơ sở vật chất, trình độ công nghệ lạc hậu, sự liên kết hợp tác giữa các HTX chưa chặt chẽ, hiệu quả liên kết thấp. (4) Quy mô sản phẩm hàng hóa nhỏ, chất lượng và sức cạnh tranh thấp, chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ; số lượng sản phẩm được xây dựng nhãn hiệu theo tiêu chuẩn, quy chuẩn còn ít; mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, nông nghiệp hữu cơ còn hạn chế. (5) Ứng dụng, chuyển giao các thành tựu khoa học công nghệ còn chậm; việc thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp phát triển sản xuất liên kết theo CGT rất hạn chế.

Để nâng cao hiệu quả quản lý nông sản theo CGT trên địa bàn huyện Yên Bình nhóm tác giả đề xuất thực hiện một số giải pháp sau: (1) Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để xây dựng các vùng sản xuất hàng nông sản theo CGT; Nâng cao chất lượng công tác tổ chức thực hiện các quy hoạch, các quyết định của UBND tỉnh, huyện đã ban hành nhằm phát triển hàng nông sản theo CGT; (2) Nâng cao chất lượng hàng nông sản theo CGT (nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi: chọn lọc, khôi phục hoặc nhập một số giống cây, con mới có khả năng kháng bệnh, có năng suất, chất lượng cao, kháng sâu bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu…), phát triển các mô hình chăn nuôi hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. (3) Phát triển mô hình liên kết giữa các tác nhân tham gia CGT nông nghiệp kết hợp nâng cao năng lực để cán bộ cấp huyện, xã có phương pháp thành lập và tư vấn hoạt động cho các tổ hợp tác, HTX nông nghiệp trong hoạt động liên kết bền vững với hộ nông dân và doanh nghiệp, cơ sở chế biến,…

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

CGT: Chuỗi giá trị

GTGT : Giá trị gia tăng

HĐND : Hội đồng nhân dân

HTX: Hợp tác xã

PTNT: Phát triển nông thôn

QLNN : Quản lý nhà nước

UBND : Ủy ban nhân dân

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Các tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do nhóm tác giả thực hiện:

Tác giả Nguyễn Cao Sơn chịu trách nhiệm nội dung: Cơ sở lý thuyết về quản lý nông sản theo CGT; Thu thập số liệu; Kết quả nghiên cứu và thảo luận.

Tác giả Ngô Sỹ Đạt chịu trách nhiệm nội dung: Cơ sở lý thuyết về quản lý nông sản theo chuỗi giá tị; Kết luận và hàm ý chính sách.

Tác giả Lê Văn Cương chịu trách nhiệm nội dung: Phương pháp nghiên cứu và số liệu; Trích dẫn tài liệu theo quy định của Tạp chí.

Tác giả Phạm Thái Thủy chịu trách nhiệm nội dung: Tóm tắt bài báo (tiếng Việt, tiếng Anh); Kết luận và hàm ý chính sách.

References

  1. Vân TTQ. Xuất khẩu sản phẩm nông sản chủ lực của Việt Nam: Cơ hội, thách thức trong thời gian tới; 2021. . ;:. Google Scholar
  2. Quyết NĐ. Nâng cao hiệu quả tham gia chuỗi giá trị toàn cầu đối với nông sản Việt Nam; 2020. . ;:. Google Scholar
  3. Trung tâm WTO và hội nhập. Tổng hợp các FTA của Việt Nam tính đến tháng. Vols. 1/2022; 2022. . ;:. Google Scholar
  4. Chi T. Yên Bình phát triển nông nghiệp bền vững theo chuỗi giá trị; 2020. . ;:. Google Scholar
  5. Porter M. Lợi thế cạnh tranh: Tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh, Nxb Trẻ, Hà Nội. 2009. . ;:. Google Scholar
  6. Kaplinsky R, Morris M. A handbook for value chain research; 2000. . ;:. Google Scholar
  7. Liên NTP. Phát triển hàng nông sản theo chuỗi giá trị ở tỉnh Tuyên Quang. Luận án tiến sĩ. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. 2019. . ;:. Google Scholar
  8. Thành ĐV. Tăng cường năng lực tham gia của hàng nông sản vào CGT toàn cầu trong điều kiện hiện nay ở Việt Nam, NXB Công Thương, Hà Nội. 2010. . ;:. Google Scholar
  9. Lộc Võ Thị Thanh, Son Nguyễn Phú. Phân tích chuỗi giá trị sản phẩm, NXB Đại học Cần Thơ. 2016. . ;:. Google Scholar
  10. Anh ĐT (chủ biên). Phát triển chuỗi giá trị nông sản thực phẩm an toàn bền vững ở Việt Nam, NXB Xây dựng và NXB nông nghiệp, Hà Nội. 2020. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3647-3654
Published: Jan 31, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1038

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, S., Ngo, D., Le, C., & Pham, T. (2023). Management of agricultural products according to value chain in Yen Binh District, Yen Bai Province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3647-3654. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1038

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 100 times
PDF   = 32 times
XML   = 0 times
Total   = 32 times