Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

65

Total

29

Share

The effect of remittance inflows on inflation in developing economies






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Inflation is a topic of great debate among economists due to its positive and negative effects on the economy. Remittance inflow is a crucial source of capital that is always welcomed by developing economies for its contribution to economic development and growth. However, remittance flows can increase inflation, resulting in negative effects on the economy. Therefore, the research question is: does remittance inflow increase inflation in developing economies? For the answer, the paper employs a two-step difference GMM Arellano-Bond estimator to study the effect of remittance inflow on inflation in 88 developing economies between 2002 and 2021. The robustness of estimates is tested by the defactored instrumental variables estimation. The results report that remittance inflow reduces inflation in developing economies. Furthermore, money supply and trade openness boost inflation, while economic growth decreases it. These findings suggest some policy implications for governments in developing economies in attracting remittance inflows as a channel to control inflation, thus contributing significantly to promoting economic activities in the country.

Giới thiệu

Kiểm soát lạm phát luôn là ưu tiên của hầu hết các chính phủ ở các quốc gia để ổn định cuộc sống và ngăn ngừa bất ổn xã hội. Trong nghiên cứu học thuật, lạm phát luôn là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhà kinh tế học vì một mặt lạm phát có thể đóng vai trò tích cực như làm tăng tiết kiệm và đầu tư, tạo nên nguồn vốn cho sự phát triển của khu vực tư, nhưng mặt khác lạm phát có thể tạo nên hiệu ứng tiêu cực như làm tăng chi phí giao dịch và hạn chế đầu tư của khu vực tư nhân, đặc biệt lạm phát có thể làm thay đổi mô hình chi tiêu của cư dân và hưởng xấu lên cuộc sống của người dân 1 . Trong khi đó, dòng kiều hối thể hiện vai trò tích cực trong nền kinh tế ở nhiều quốc gia do sự lan tỏa tích cực của nó đến các hoạt động kinh tế. Kiều hối giảm bớt nghèo và nâng cao tiêu chuẩn sống của nhiều gia đình ở các quốc gia đang phát triển thông qua cung cấp chi phí sinh hoạt và chi phí dành cho giáo dục và y tế 2 . Các gia đình nhận được kiều hối sẽ gia tăng tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bán lẻ, và làm tăng nhu cầu dịch vụ và hàng hóa, qua đó cải thiện tăng trưởng kinh tế 3 . Là một yếu tố mang tính ngoại sinh, kều hối độc lập với các hoàn cảnh kinh tế trong nước, chính phủ các quốc gia tiếp nhận kiều hối không cần phải chi trả lãi cho nó và nó cũng được xem như một nguồn vốn tương đối ổn định để cải thiện cán cân thanh toán, đặc biệt với các quốc gia có cán cân tài khoản vãng lai thâm hụt 4 .

Bối cảnh thực tiễn cho thấy hầu hết các quốc gia đang phát triển đều thiếu vốn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm trong nước. Ngoài dòng vốn FDI và vốn viện trợ phát triển chính thức ODA thì kiều hối có vai trò quan trọng ở các quốc gia này 2 . Các chính phủ ở các quốc gia này luôn ban hành các chính sách và điều kiện thuận lợi để thu hút dòng kiều hối từ các công dân lao động và sinh sống ở nước ngoài. Mặc dù có vai trò tích cực trong nền kinh tế như đã nêu trên, dòng kiều hối có thể gây ra các hiệu ứng bất lợi cho các quốc gia tiếp nhận (các quốc gia đang phát triển). Do vậy, câu hỏi nghiên cứu được đặt ra là liệu kiều hối có gây ra lạm phát ở các quốc gia đang phát triển hay không? Đặc biệt, lược khảo các nghiên cứu cho thấy số lượng các quốc gia đang phát triển trong mẫu nghiên cứu chưa đạt hết mức có thể và chưa có nghiên cứu nào áp dụng phương pháp ước lượng GMM sai phân hai bước và phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố cho kiểm định tính bền. Do vậy, bài viết này sẽ hướng đến các vấn đề này như một sự đóng góp nhỏ cho dòng nghiên cứu này trong học thuật.

Xuất phát từ vai trò của dòng kiều hối trong nền kinh tế và các tác động vừa bất lợi vừa có lợi của lạm phát, bài viết áp dụng phương pháp ước lượng GMM sai phân hai bước và phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố để đánh giá thực nghiệm tác động của dòng kiều hối lên lạm phát ở 88 nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn 2002 đến 2021. Một số hàm ý chính sách sẽ được rút ra dựa trên các phát hiện trong nghiên cứu này.

Bài viết có cấu trúc trình bày như sau: Phần Giới thiệu nêu bật tính cần thiết của nghiên cứu. Phần Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trình bày cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu trước về tác động của dòng kiều hối lên lạm phát. Phần Phương pháp nghiên cứu mô tả phương pháp và dữ liệu nghiên cứu. Tiếp theo là phần Kết quả và thảo luận . Phần Kết luận và hàm ý chính sách sẽ tổng kết và đề xuất các hàm ý chính sách có liên quan.

Cơ sở lý thuyết và tổng quan các nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Theo Narayan và cộng sự (2011) 5 , tác động của kiều hồi lên lạm phát có thể được thể hiện thông qua ba quan điểm khác nhau:

(1) Quan điểm sự gia tăng của tỷ giá hối đoái: Sự gia tăng của kiều hối ở các nền kinh tế đang phát triển có thể có tác động chi tiêu, đưa đến sự gia tăng mức giá của hàng hóa phi thương mại. Mô hình Salter-Swan-Corden-Dornbusch đề xuất cách lý giải mối quan hệ lý thuyết giữa dòng kiều hối, mức giá và tỷ giá hối đoái thực ở các nền kinh tế đang phát triển. Mô hình này lập luận sự gia tăng của kiều hối làm tăng tỷ giá hối đoái thực thông qua làm tăng mức giá. Quan trọng hơn, phạm vi tác động của sự gia tăng của kiều hối lên mức giá tùy thuộc vào các cơ chế tỷ giá hối đoái của quốc gia.

(2) Quan điểm về sự gia tăng cung tiền: sự gia tăng của mức giá do tỷ giá hối đoái cao (bị ảnh hưởng bởi lượng kiều hối nhiều) cũng có thể được lý giải ở gốc độ truyền dẫn của tỷ giá hối đoái. Khi lượng kiều hối được chuyển về nước, việc chuyển đổi lượng kiều hối này sang nội tệ làm gia tăng cung tiền. Nếu lượng tiền này không được hấp thu vào các khu vực sản xuất thì nó sẽ đi vào chi tiêu dùng, làm lạm phát tăng lên. Ngoài ra, kiều hối cũng làm tăng của cải thực, thúc đẩy chi tiêu dùng. Điều này khiến lượng cầu dư thừa trong ngắn hạn, đẩy mức giá gia tăng.

(3) Quan điểm cán cân thanh toán: kiều hối có thể là một nguồn thặng dư của cán cân thanh toán và dữ trữ ngoại hối quốc tế. Thất bại của các ngân hàng trung ương trong việc vô hiệu hóa hoàn toàn sự gia tăng của dự trữ quốc tế sẽ làm tăng cơ sở tiền. Điều này dẫn đến sự tăng giá của tỷ giá hối đoái. Kết quả là dẫn đến áp lực tăng giá.

Tổng quan các nghiên cứu

Các nghiên cứu về tác động của kiều hối lên lạm phát không nhiều, đặc biệt hầu hết các nghiên cứu này được thực hiện cho các quốc gia đang phát triển do bởi các quốc gia này là nơi tiếp nhận dòng kiều hối do người thân và người lao động làm việc ở nước ngoài gửi về 5 . Đặc biệt, sự lan truyền tích cực của kiều hối vào nền kinh tế được ghi nhận thông qua chi tiêu dùng, giáo dục, và y tế 2 . Hầu hết các nghiên cứu này đều ghi nhận kiều hối gây ra lạm phát ở quốc gia tiếp nhận, trong khi một số ít ghi nhận kiều hối không gây ra tác động gì lên lạm phát hoặc ghi nhận tác động âm.

Các nghiên cứu ghi nhận tác động dương của kiều hối lên lạm phát bao gồm Ulyses Balderas & Nath (2008) 6 , Narayan và cộng sự (2011) 5 , Ghauri và cộng sự (2019) 7 , Basnet và cộng sự (2022) 8 , và Dilanchiev và cộng sự (2021) 9 . Ulyses Balderas & Nath (2008) 6 đánh giá tác động của kiều hối lên lạm phát ở Mexico trong giai đoạn 1995 – 2005 bằng phương pháp ước lượng VAR. Kết quả ghi nhận kiều hối gây ra lạm phát. Trong khi đó, Narayan và cộng sự (2011) 5 áp dụng phương pháp OLS và phương pháp ước lượng GMM (sai phân và hệ thống) để đánh giá tác động của kiều hối lên lạm phát cho bộ dữ liệu bảng bao gồm 54 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 1995-2004. Kết quả chỉ ra kiều hối gây ra lạm phát ở các nền kinh tế này. Song song đó, Ghauri và cộng sự (2019) 7 sử dụng mô hình hiệu chỉnh sai số VECM cho dữ liệu theo tháng của Pakistan từ tháng 07/2001 đến tháng 12/2016. Kết quả cho thấy kiều hối gây ra lạm phát. Mới nhất, Basnet và cộng sự (2022) 8 xem xét tác động của kiều hối lên lạm phát ở 5 quốc gia Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, và Sri Lanka) bằng phương pháp ước lượng PMG từ 1975 đến 2017. Kết quả cho thấy tác động của kiều hối ở các quốc gia này lên lạm phát tùy thuộc vào khoảng thời gian, đó là trong ngắn hạn kiều hối làm giảm lạm phát, trong khi trong dài hạn lại gây ra lạm phát. Tương tự, Dilanchiev và cộng sự (2021) 9 sử dụng dữ liệu theo quý của Georgia từ 2000 đến 2018 bằng mô hình VECM để xét xem liệu kiều hối gửi về từ nước ngoài có gây ra lạm phát ở quốc gia này hay không? Kết quả cho thấy kiều hối gây ra lạm phát.

Các nghiên cứu ghi nhận kiều hối không có tác động ý nghĩa lên lạm phát gồm Rivera & Tullao Jr (2020) 10 và Sbia & Hamdi (2020) 11 . Rivera & Tullao Jr (2020) 10 sử dụng dữ liệu tháng của Philippines trong giai đoạn từ tháng 01/2000 đến tháng 10/2019 và mô hình VAR để đánh giá ảnh hưởng của kiều hối do người lao động và cư trú ở nước ngoài gửi về cho người thân lên lạm phát. Kết quả không cho thấy kiều hối gây ra lạm phát ở nước này. Trong khi đó, Sbia & Hamdi (2020) 11 xem xét ảnh hưởng của kiều hối lên lạm phát cho nhóm 14 nước OPEC trong giai đoạn 1980-2012 bằng phương pháp CLSDV (Bias-corrected Least-Squares Dummy Variable). Kết quả không ghi nhận kiều hối gây ra lạm phát. Do vậy, các nhà nghiên cứu khuyến khích các chính phủ nên tạo các điều kiện thuận lợi cho việc thu hút kiều hối do người lao động và người cư trú ở nước ngoài gửi về để tạo nên nguồn vốn quan trọng cho sự phát triển kinh tế trong nước.

Trái với các nghiên cứu trên, Hossain và cộng sự (2019) 12 đánh giá tác động của kiều hối lên sự phát triển của 4 quốc gia Nam Á (Bangladesh, Ấn Độ, Pakistan và Sri Lanka) trong giai đoạn từ 1977 đến 2017. Kết quả ghi nhận kiều hối làm giảm lạm phát ở các quốc gia này.

Thông qua lược khảo các nghiên cứu trước đây, bài viết nhận thấy các nghiên cứu sử dụng số lượng các quốc gia đang phát triển trong mẫu còn khá nhỏ, đặc biệt chỉ có Narayan và cộng sự (2011) 5 sử dụng phương pháp ước lượng GMM một bước cho nhóm 54 quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, bài viết này áp dụng phương pháp ước lượng GMM hai bước và phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố cho nhóm 88 quốc gia đang phát triển có tính đại diện hơn. Do vậy, đây có thể xem là một khoảng trống nghiên cứu (dù nhỏ) để đóng góp vào dòng nghiên cứu thuộc chủ đề này.

Tóm lại, hầu hết các nghiên cứu đều ghi nhận tác động gây lạm phát của dòng kiều hối đến các quốc gia đang phát triển (các quốc gia tiếp nhận). Đặc biệt, cơ chế làm tăng lạm phát của dòng kiều hối cũng được đề xuất bởi Narayan và cộng sự (2011) 5 (Mục Cơ sở lý thuyết ), do vậy bài viết đề xuất giả thuyết nghiên cứu như sau:

H 0 : Kiều hối có tác động dương lên lạm phát ở nhóm 88 quốc gia đang phát triển trong giai đoạn 2002 – 2021.

Phương pháp nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu

Dựa vào nghiên cứu Sbia & Hamdi (2020) 11 , mô hình thực nghiệm được điều chỉnh và bổ sung như sau: ngoài hai biến chính là lạm phát và kiều hối, bài viết kế thừa các biến như tăng trưởng kinh tế và độ mở thương mại và bổ sung thêm biến cung tiền. Do vậy, phương trình thực nghiệm có dạng như sau:

INF it0 + β 1 INF it-1 + β 2 REM it + β 3 M2M it + β 4 GDP it + β 5 OPE it + η i + ε it (1)

Trong đó t i lần lượt là chỉ số thời gian quan sát và quốc gia. INF it là lạm phát (%), biến trễ INF­ it-1 là mức lạm phát lúc ban đầu, và REM it là kiều hối. Các biến kiểm soát được sử dụng trong mô hình bao gồm cung tiền M2M it , tăng trưởng kinh tế GDP it , và độ mở thương mại OPE it . η i là tác động cố định có đặc điểm quốc gia, không quan sát được, bất biến theo thời gian, trong khi ε it là đại lượng sai số. Các biến kiểm soát trong mô hình thực nghiệm được lựa chọn và sử dụng dựa theo các nghiên cứu có cùng chủ đề trước đây. Theo đó, Ulyses Balderas & Nath (2008) 6 và Dilanchiev và cộng sự (2021) 9 cho rằng cung tiền có thể gây ra lạm phát theo lý thuyết số lượng tiền tệ. Trong khi đó, Narayan và cộng sự (2011) 5 và Sbia & Hamdi (2020) 11 lập luận tăng trưởng kinh tế quá mức sẽ gây ra lạm phát cao trong dài hạn. Tương tự, Narayan và cộng sự (2011) 5 và Sbia & Hamdi (2020) 11 nhấn mạnh quá trình mở cửa kinh tế giữa các quốc gia sẽ gây ra hiệu ứng truyền dẫn lạm phát từ nơi có lạm phát cao (giá hàng hóa cao) sang nơi có lạm phát thấp (giá cả hàng hóa thấp) vì hàng hóa dịch chuyển từ nơi có giá thấp sang nơi có giá cao.

Một vài vấn đề nghiêm trọng về kinh tế lượng có thể xảy ra khi ước lượng phương trình (1). Thứ nhất, một vài biến như cung tiền M2M it , tăng trưởng kinh tế GDP it , và độ mở thương mại OPE it có thể là nội sinh. Các biến này có thể tương quan với tác động cố định η i dẫn đến hiện tượng nội sinh. Thứ hai, các đặc điểm cố định có đặc tính quốc gia như địa lý, chủng tộc, văn hóa,.. có thể tương quan với các biến độc lập. Các đặc điểm này hiện hữu trong đại lượng η i . Thứ ba, sự hiện diện của biến trễ INF it-1 có thể đưa đến sự tương quan chuỗi cao. Cuối cùng, dữ liệu bảng có thời gian quan sát tương đối ngắn (thời gian = 20 năm) và một đơn bảng gồm các quốc gia tương đối lớn (số quốc gia = 88). Các vấn đề này có thể làm cho hồi quy OLS không nhất quán và bị chệch, trong khi các phương pháp ước lượng dữ liệu bảng truyền thống như FEM và REM không thể xử lí được vấn đề nội sinh và tương quan chuỗi. Vì thế, bài viết sử dụng các phương pháp ước lượng GMM Arellano-Bond sai phân được đề nghị bởi Judson & Owen (1999) 13 cho việc ước lượng và phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố cho kiểm định tính bền.

Phương pháp ước lượng GMM Arellano & Bond (1991) 14 lần đầu được đề xuất bởi Holtz-Eakin và cộng sự (1988) 15 sẽ được áp dụng để ước lượng. Đầu tiên, sai phân bậc nhất trong phương trình (1) sẽ được thực hiện để loại bỏ các tác động cố định η i . Sau đó, các biến thể hiện ở dạng sai phân bậc nhất được dùng như các biến được công cụ theo độ trễ với giả định rằng các sai số thay đổi theo thời gian trong các mô hình gốc không tương quan chuỗi (Judson & Owen, 1999) 13 . Chiến lược này còn được biết đến như là ước lượng GMM sai phân (DGMM), có thể xử lí được các vấn đề chệch trong các hồi quy.

So với phương pháp ước lượng GMM Arellano-Bond sai phân bậc một (1DGMM), phương pháp ước lượng GMM Arellano-Bond sai phân bậc hai (2DGMM) có tính hiệu quả hơn về mặt ước lượng các tham số. Tuy nhiên, việc áp dụng 2DGMM trong các mẫu nhỏ có một vài vấn đề (Roodman, 2009) 16 . Các vấn đề này xuất phát từ sự sinh sôi của các biến công cụ theo cấp số nhân khi mà khoảng thời gian nghiên cứu tăng lên. Điều này khiến cho số biến công cụ khá lớn so với số lượng các quốc gia. Kết cục của việc này có thể làm giảm đi tính hiệu quả của ước lượng. Để loại trừ, Roodman (2009) 16 đề xuất là nên áp dụng quy tắc ngón trỏ để duy trì số lượng các biến công cụ nhỏ hơn hoặc bằng số lượng các quốc gia trong mẫu.

Các thống kê Arellano-Bond, Hansen, và Sargan được áp dụng để đánh giá tính hiệu lực của các biến công cụ trong DGMM. Giả thuyết null cho các kiểm định Sargan và Hansen là H 0 : các biến công cụ có tính ngoại sinh chặt, nghĩa là chúng không tương quan với các sai số. Trong khi đó, kiểm định Arellano-Bond được sử dụng để dò ra hiện tượng tương quan chuỗi của các sai số trong sai phân bậc nhất. Vì thế, kết quả của kiểm định tương quan chuỗi bậc nhất AR(1) bị bỏ qua, trong khi kết quả kiểm định tương quan chuỗi bậc hai AR(2) được sử dụng.

Để kiểm định tính bến của các ước lượng, bài viết sử dụng phương pháp hồi quy biến công cụ phi yếu tố (DIVE) được phát triển bởi Norkutė và cộng sự (2021) 17 và được giới thiệu bởi Kripfganz & Sarafidis (2021) 18 . Ý tưởng chính trong cách tiếp cận này là dự đoán các yếu tố chung thông qua các cặp biến đồng liên kết ngoại sinh bằng cách phân tích các thành phần chính và thực hiện hồi quy biến công cụ theo hai giai đoạn bằng cách sử dụng các cặp biến đồng liên kết phi yếu tố như các biến công cụ. Phương pháp này cũng dùng kiểm định Sargan để khắc phục tính nội sinh có thể có trong mô hình.

Dữ liệu nghiên cứu

Các dữ liệu lạm phát, dòng kiều hối, cung tiền, GDP thu nhập bình quân đầu người, độ mở thương mại được trích xuất từ bộ dữ liệu World Development Indicators (WDI) của World Bank. Mẫu nghiên cứu bao gồm 88 nền kinh tế đang phát triển trên thế giới trong giai đoạn 2002 – 2021.

Các biến được xác định và định nghĩa như sau:

  • Lạm phát (INF): lạm phát được lấy theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm (%).

  • Kiều hối (REM): tỷ lệ kiều hối do cá nhân gửi về cho gia đình ở đất nước quê nhà theo GDP (%). Theo World Bank, kiều hối cá nhân bao gồm chuyển khoản cá nhân và bồi thường cho người lao động. Chuyển khoản cá nhân bao gồm tất cả các khoản chuyển nhượng hiện tại bằng tiền mặt hoặc hiện vật được thực hiện hoặc nhận bởi các hộ gia đình cư trú đến hoặc từ các hộ gia đình không cư trú. Bồi thường cho người lao động là khoản thu nhập của những người lao động biên giới, thời vụ và ngắn hạn khác làm việc trong một nền kinh tế nơi họ không cư trú và của những người cư trú được tuyển dụng bởi các tổ chức không cư trú.

  • Cung tiền (M2M): tỷ lệ cung tiền mở rộng M2 theo GDP (%).

  • Tăng trưởng kinh tế (GDP): GDP bình quân đầu người (dạng logarithm).

  • Độ mở thương mại (OPE): tỷ lệ tổng xuất nhập khẩu theo GDP (%).

Table 1 trình bày thống kê mô tả các biến trong mô hình thực nghiệm. Lạm phát trung bình ở các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn 2002 – 2021 là 7.58%, trong đó giá trị nhỏ nhất là -72.729% (siêu giảm phát) vào năm 2007 và giá trị lớn nhất là 557.201 (lạm phát siêu phi mã) vào năm 2020 ở Zimbabwe. Các giá trị này cho thấy lạm phát ở các nền kinh tế này tương đối cao và có tính không ổn định, phụ thuộc khá lớn vào đặc điểm kinh tế trong nước lẫn quốc tế. Trong khi đó, lượng kiều hối trung bình trong cùng khoảng thời gian này ở các quốc gia này là 6.078%, với giá trị nhỏ nhất là 0 ở một số năm ở nhiều quốc gia và lớn nhất là 50.101% vào năm 2002 ở Lesotho. Nhìn vào giá trị trung bình thì có quốc gia này có lượng kiều hối gửi về cho người thân trong nước tương đối cao, đặc biệt đây là các khoản vốn rất có lợi cho người nhận và quốc gia tiếp nhận trong việc thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong nước.

Table 2 ghi nhận ma trận tương quan giữa các biến. Cung tiền và độ mở thương mại có tương quan âm ý nghĩa với lạm phát trong khi kiều hối và tăng trưởng tế có tương quan không ý nghĩa. Ngoài ra, các hệ số tương quan giữa các biến giải thích tương đối nhỏ, giúp loại trừ khả năng cộng tuyến giữa các biến này trong mô hình. Do vậy, tất cả các biến này đều được giữa lại trong mô hình thực nghiệm cho việc ước lượng.

Table 1 Thống kê mô tả các biến
Table 2 Ma trận tương quan giữa các biến

Kết quả và thảo luận

Ước lượng biến công cụ

Table 3 Kiểm định tính dừng cho các biến

Table 3 trình bày kiểm định tính dừng của các biến trong mô hình. Việc kiểm định tính dừng của các biến đảm bảo tất cả các biến có cùng bậc tích hợp và có khả năng đồng kết và cân bằng trong dài hạn. Kết quả chỉ ra lạm phát, kiều hối, cung tiền, tăng trưởng kinh tế, và độ mở thương mại đều dừng ý nghĩa ở mức 1%. Điều này hàm ý rằng tất cả các biến trong mô hình đều có cùng bậc tích hợp là zero I(0).

Table 4 Phương pháp ước lượng GMM sai phân hai bước (Biến phụ thuộc: Lạm phát (%))

Table 4 ghi nhận kết quả ước lượng bằng phương pháp GMM Arellano-Bond sai phân hai bước. Trong quy trình ước lượng, nghiên cứu phát hiện ra cung tiền là nội sinh. Điều này có thể xuất phát từ mối quan hệ hai chiều giữa hai biến cung tiền và lạm phát trong mô hình này. Theo đó, cung tiền không kiểm soát tốt có thể làm tăng lạm phát, trong khi việc gia tăng nhanh của lạm phát có thể buộc các ngân hàng trung ương phải giảm mạnh lượng cung tiền trong nền kinh tế để kiềm chế lạm phát. Do vậy, bài viết sử dụng biến cung tiền là biến được công cụ trong thủ tục GMM và các biến còn lại như lạm phát, kiều hối, tăng trưởng kinh tế, và độ mở thương mại là các biến công cụ trong thủ tục IV. Kết quả ước lượng trong Table 4 cho thấy kiều hối làm giảm lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, cung tiền và độ mở thương mại làm tăng lạm phát trong khi tăng trưởng kinh tế làm giảm lạm phát ở các nền kinh tế này.

Mặc dù các nghiên cứu chỉ ra tác động gây lạm phát của kiều hối, nhưng bài viết tìm thấy kiều hối làm giảm lạm phát, tương tự như Hossain và cộng sự (2019) 12 . Điều này có khả năng là một lượng lớn kiều hối được hấp thu vào nền kinh tế thông qua chi tiêu dùng hợp lý (chi cho cuộc sống hàng ngày và chi cho giáo dục và y tế của các thành viên trong gia đình) và đầu tư tạo việc làm cho người thân. Khi kiều hối được sử dụng như nguồn vốn cho việc tạo việc làm như là kế sinh nhai của người thân thì lượng vốn này sẽ đi vào sản xuất hàng hóa và dịch vụ (nhỏ, lẻ), tạo nên nguồn cung hàng hóa và dịch vụ một phần cho nền kinh tế nên có thể góp phần làm giảm tăng giá cả hàng hóa và dịch vụ. Ngoài ra, một phần kiều hối cũng sẽ được dùng để tiết kiệm, và lượng tiền này sẽ trở thành nguồn cung ứng vốn cho đầu tư và sản xuất của khu vực tư. Việc mở rộng đầu tư và sản xuất sẽ cung ứng ra nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn, giúp làm giảm giá cả. Đặc biệt, quan điểm lý thuyết về sự gia tăng cung tiền của kiều hối được đề cập bởi Narayan và cộng sự (2011) 5 cho rằng chỉ khi nào kiều hối không được hấp thu vào khu vực sản xuất thì mới có khả năng gây ra lạm phát khi mà kiều hối được sử dụng chi tiêu dùng không hợp lý. Trong khi đó, trong trường hợp ở nghiên cứu này, có thể lượng kiều hối đã được sử dụng hợp lý cho việc chi tiêu dùng, giáo dục, y tế, và tạo dựng việc kinh doanh nhỏ. Chính điều này kích thích việc sản xuất nhiều hàng hóa và dịch vụ hơn để đáp ứng nhu cầu phù hợp, do vậy kiều hối làm giảm lạm phát. Phát hiện trong nghiên cứu này cũng nhấn mạnh vai trò quan trọng của kiều hối trong nền kinh tế. Các chính phủ ở các quốc gia đang phát triển nên ban hành các quy định và chính sách phù hợp để thu hút nhiều hơn dòng kiều hối từ người di cư và lao động ở nước ngoài.

Tác động gây ra lạm phát của cung tiền có thể được tìm thấy ở Dilanchiev và cộng sự (2021) 9 . Theo đúng tinh thần của lý thuyết số lượng tiền tệ, việc gia tăng cung tiền sẽ làm tăng mức giá trong nền kinh tế, và khiến cho lạm phát tăng cao. Trong khi đó, chính sách mở cửa có thể gây ra hiện tượng nhập khẩu lạm phát từ các quốc gia khác có mức lạm phát cao hơn. Theo đó, hàng hóa và dịch vụ có giá thấp ở quốc gia có lạm phát thấp sẽ bị dịch chuyển sang các quốc gia có giá cả hàng hóa và dịch vụ cao (lạm phát cao). Kết quả này hoàn toàn tương đồng với các phát hiện của Narayan và cộng sự (2011) 5 và Sbia & Hamdi (2020) 11 . Trái lại, tăng trưởng kinh tế làm giảm lạm phát. Việc tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải thay vì tăng trưởng nóng sẽ kích thích việc đầu tư và sản xuất nhiều hơn của khu vực tư (tìm kiếm lợi nhuận) nhằm cung ứng dịch vụ và hàng hóa nhiều hơn, đáp ứng nhu cầu tiều dùng của người dân. Ngoài ra, ở các quốc gia đang phát triển, tăng trưởng kinh tế cũng có nghĩa là thu nhập của người dân tăng lên, khiến cho một lượng hàng hóa và dịch vụ từ nước ngoài đi vào để đáp ứng nhu cầu của người dân tăng lên với các sản phẩm và dịch vụ có chất lượng cao hơn từ các quốc gia khác. Do vậy, lượng hàng hóa và dịch vụ trong nước ở các quốc gia này tăng lên sẽ góp phần làm giảm lạm phát. Narayan và cộng sự (2011) 5 và Sbia & Hamdi (2020) 11 cũng ghi nhận tác động làm giảm lạm phát của tăng trưởng kinh tế.

Kiểm định tính bền

Để kiểm định tính bền của các ước lượng bằng 2DGMM, bài viết sử dụng DIVE để đánh giá. Các kết quả được thể hiện trong Table 5 . Hoàn toàn nhất quán với 2DGMM, DIVE ghi nhận kiều hối làm giảm lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển. Tương tự, độ mở thương mại làm tăng lạm phát nhưng tăng trưởng kinh tế làm giảm ở các nền kinh tế này. Các kết quả này khẳng định rằng các ước lượng được thực hiện bằng 2DGMM hoàn toàn tin cậy và có tính bền cao.

Table 5 Phương pháp ước lượng biến công cụ phi yếu tố (DIVE) (Biến phụ thuộc: Lạm phát (%))

Kết luận và hàm ý chính sách

Kiều hối luôn là nguồn vốn được chào đón bởi các quốc gia đang phát triển vì khả năng đóng góp cao của nó cho các hoạt động kinh tế trong nước và đặc điểm lan tỏa vào nền kinh tế như một nguồn vốn ngoại sinh. Trái với kiều hối, lạm phát lại là vấn đề còn nhiều tranh cãi do bởi các đóng góp tích cực lẫn tiêu cực của nó cho nền kinh tế, đặc biệt lạm phát cao còn gây nên các bất ổn kinh tế và xã hội ở các quốc gia. Xuất phát từ các đặc điểm này, bài viết đánh giá tác động của kiều hối lên lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển trong giai đoạn từ 2002 đến 2021. Bộ dữ liệu bảng của 88 nền kinh tế đang phát triển và các phương pháp 2DGMM và DIVE được sử dụng cho việc ước lượng và kiểm định tính bền. Kết quả cho thấy kiều hối làm giảm lạm phát ở các nền kinh tế đang phát triển. Ngoài ra, cung tiền và độ mở thương mại làm tăng lạm phát, trong khi tăng trưởng kinh tế làm giảm.

Các phát hiện đến từ nghiên cứu này cung cấp một vài hàm ý chính sách quan trọng cho chính phủ các nền kinh tế đang phát triển trong việc thu hút dòng kiều hối và kiểm soát lạm phát. Theo đó, một vài chính sách sau đây nên được áp dụng để kiểm soát lạm phát:

(i) Ban hành và thực thi các chính sách nhằm thu hút nhiều kiều hối hơn để giúp kiểm soát lạm phát và thúc đẩy các hoạt động kinh tế trong nước. Theo đó, giảm các chi phí có liên quan đến việc gửi và nhận kiều hối và tạo điều kiện thuận lợi và dễ dàng cho việc tiếp nhận kiều hối. Một số cách thức có thể thực hiện được như sau:

- Thúc đẩy và cải thiện việc giao nhận kiều hối thông qua hệ thống ngân hàng điện tử (vừa giúp giảm chi phí vừa an toàn và tiện lợi).

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng kiều hối của người dân trong việc thiết lập các cơ sở kinh doanh hoặc đầu tư thêm cho các cơ sở kinh doanh hiện có (mục tiêu là tạo việc làm cho người thân).

- Ký kết thỏa thuận về tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển và nhận kiều hối với các quốc gia khác mà có nhiều công dân của quốc gia mình sinh sống và làm việc.

(ii) Thực hiện việc kiểm soát cung tiền chặt chẽ để tránh việc gia tăng lạm phát trong nền kinh tế.

(iii) Có chính sách phù hợp cho việc mở cửa nền kinh tế: chính sách thông thoáng và tạo điều kiện cho sự hội nhập và các hoạt động xuất nhập khẩu là điều đáng khuyến khích. Tuy nhiên, các chính phủ cần chú ý đến khả năng “nhập khẩu” lạm phát cao từ các quốc gia khác.

(iv) Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với các chính sách phù hợp để vừa kiểm soát lạm phát vừa tăng thu nhập, việc làm, và cải thiện mức sống cho người dân trong nước.

Các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét thêm vai trò của chất lượng thể chế trong tác động của dòng kiều hối lên lạm phát. Chất lượng thể chế đóng vai trò quan trọng trong việc biến các điều bất lợi của một quốc gia thành cơ hội và lợi thế phát triển. Ngoài ra, việc gia tăng số lượng các quốc gia đang phát triển lên mức đầy đủ khi số liệu thống kê ở các quốc gia khiếm khuyết đã hoàn thiện. Đặc biệt, các nghiên cứu trong tương lai nên xem xét tách mẫu nghiên cứu theo các nhóm quốc gia ở riêng các châu lục hoặc theo các nhóm thu nhập khác nhau để từ đó rút ra được các hàm ý chính sách cụ thể hơn.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

INF: Lạm phát

REM: Kiều hối

M2M: Cung tiền

GDP: Tăng trưởng kinh tế

OPE: Độ mở thương mại

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Văn Bổn chịu trách nhiệm các nội dung: Mô hình và phương pháp nghiên cứu, Kết quả và thảo luận, Kết luận và hàm ý chính sách

Tác giả Trần Thị Cẩm Tú chịu trách nhiệm nội dung: Giới thiệu

Tác giả Lê Tiến Khoa chịu trách nhiệm nội dung: Giới thiệu

Tác giả Lê Thị Diệu Huyền chịu trách nhiệm nội dung: Cơ sở lý thuyết

Tác giả Nguyễn Thị Ánh Tuyết chịu trách nhiệm nội dung: Tổng quan các nghiên cứu

Tác giả Thái Ngọc Xuân Thuỳ chịu trách nhiệm nội dung: Tổng quan các nghiên cứu

References

  1. Abdul-Mumuni A, Quaidoo C. Effect of international remittances on inflation in Ghana using the bounds testing approach. Business and Economic Research. 2016;6(1):192-209. . ;:. Google Scholar
  2. Adams Jr RH, Page J. Do international migration and remittances reduce poverty in developing countries?. World Development. 2005 Oct 1;33(10):1645-69. . ;:. Google Scholar
  3. Ratha D. Workers' remittances: an important and stable source of external development finance. Global Development Finance. 2003 Apr 23. . ;:. Google Scholar
  4. Buch CM, Kuckulenz A. Worker remittances and capital flows to developing countries. International Migration. 2010 Oct;48(5):89-117. . ;:. Google Scholar
  5. Narayan PK, Narayan S, Mishra S. Do remittances induce inflation? Fresh evidence from developing countries. Southern Economic Journal. 2011 Apr;77(4):914-33. . ;:. Google Scholar
  6. Ulyses Balderas J, Nath HK. Inflation and relative price variability in Mexico: the role of remittances. Applied Economics Letters. 2008 Feb 1;15(3):181-5. . ;:. Google Scholar
  7. Ghauri SP, Ahmed RR, Vveinhardt J, Streimikiene D, Qureshi KS. The effects of remittances on inflation (CPI and WPI) and exchange rate: A case of Pakistan. Romanian Journal of Economic Forecasting. 2019 Jan 1;22(2):146. . ;:. Google Scholar
  8. Basnet HC, Donou-Adonsou F, Upadhyaya K. Remittances-inflation nexus in South Asia: an empirical examination. Journal of Financial Economic Policy. 2022 Feb 16;14(2):152-61. . ;:. Google Scholar
  9. Dilanchiev A, Aghayev A, Rahman MH, Ferdaus J, Baghirli A. Dynamic analysis for measuring the impact of remittance inflows on inflation: evidence from Georgia. International Journal of Financial Research. 2021;12(1):339-47. . ;:. Google Scholar
  10. Rivera JP, Tullao Jr TS. Investigating the link between remittances and inflation: evidence from the Philippines. South East Asia Research. 2020 Jul 2;28(3):301-26. . ;:. Google Scholar
  11. Sbia R, Hamdi H. Remittances and inflation in OPEC countries: Evidence from bias-corrected least-squares dummy variable (CLSDV) estimator. Economics Bulletin. 2020 Oct;40(3):2471-83. . ;:. Google Scholar
  12. Hossain A, Podder AK, Asaduzzaman M. How Does Remittance Impact on Economic Development in South Asia? A Dynamic Ordinary Least-Square Approach. The Indian Economic Journal. 2019 Jun;67(1-2):68-81. . ;:. Google Scholar
  13. Judson RA, Owen AL. Estimating dynamic panel data models: a guide for macroeconomists. Economics Letters. 1999 Oct 1;65(1):9-15. . ;:. Google Scholar
  14. Arellano M, Bond S. Some tests of specification for panel data: Monte Carlo evidence and an application to employment equations. The Review of Economic Studies. 1991 Apr 1;58(2):277-97. . ;:. Google Scholar
  15. Holtz-Eakin D, Newey W, Rosen HS. Estimating vector autoregressions with panel data. Econometrica: Journal of the Econometric Society. 1988 Nov 1:1371-95. . ;:. Google Scholar
  16. Roodman D. How to do xtabond2: An introduction to difference and system GMM in Stata. The stata journal. 2009 Mar;9(1):86-136. . ;:. Google Scholar
  17. Norkutė M, Sarafidis V, Yamagata T, Cui G. Instrumental variable estimation of dynamic linear panel data models with defactored regressors and a multifactor error structure. Journal of Econometrics. 2021 Feb 1;220(2):416-46. . ;:. Google Scholar
  18. Kripfganz S, Sarafidis V. Instrumental-variable estimation of large-T panel-data models with common factors. The Stata Journal. 2021 Sep;21(3):659-86. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4418-4426
Published: Jun 30, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1177

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, V. B., Trần, T. C. T., Lê, T. K., Lê, T. D. H., Nguyễn, T. Ánh T., & Thái, N. X. T. (2023). The effect of remittance inflows on inflation in developing economies. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4418-4426. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1177

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 65 times
PDF   = 29 times
XML   = 0 times
Total   = 29 times