Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

70

Total

22

Share

Solutions for private economic development become a important drive of the economy






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The article analyzes the development of Vietnam’s private economy (non-state enterprises) from 2017 to 2021. Research results have shown that, from 2017 to 2021, the private economy has achieved the following achievements. encouraging results in terms of the number of enterprises, the scale of investment capital, and the creation of jobs for society. The private sector has contributed over 39% of the GDP, more than 29% of the state budget, and attracted more than 85% of the country's labor force. However, the development of Vietnam's private economy in recent years is still limited: the proportion of medium and large enterprises in total operating enterprises is still low (6.2%); informal status of the private sector still accounts for a high proportion (88.7%); quality growth and low - profit margins; labor productivity is still low; the alliance and linkage between state-owned enterprises, foreign-invested enterprises, and the domestic private economic sector are not close. Based on analyzing the current situation, the article has proposed 6 solutions to develop Vietnam's private economy, including: (1) Completing the socialist-oriented market economy institution; (2) Formulate a strategy to develop a system of medium and large-scale enterprises that actively participate in the global value chain; (3) Develop a roadmap to formalize household businesses; (4) Investing in the development of processing and manufacturing industries, increasing labor productivity and economic efficiency; (5) Develop a mechanism for joint ventures and linkages between the state-owned enterprises, the foreign-invested sector and the domestic private sector; (6) Promote the building of business culture and enhance the social responsibility of each enterprise.

GIỚI THIỆU

Kinh tế tư nhân ngày càng chiếm tỷ trọng lớn và có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế đất nước, đóng góp trên 39% GDP, hơn 29% ngân sách nhà nước, thu hút hơn 85% lực lượng lao động cả nước 1 . Bàn về vai trò của kinh tế tư nhân, các công trình nghiên cứu trong và ngoài nước đều đã khẳng định. Nghiên cứu của Acs, Desai, & Hessels (2008); Banerjee & Duflo (2005); Caselli & Gennaioli (2008) đã chỉ ra rằng: Khu vực tư nhân được cho là đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo phân bổ nguồn lực hiệu quả và chi phí khởi nghiệp thấp, góp phần giảm thiểu các doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả 2 , 3 , 4 . Konings, Lehmann và Schaffer (1996) khi nghiên cứu về mô hình kinh tế chuyển đổi ở các nước Đông Âu từ sau 1990 đã nhấn mạnh rằng khu vực kinh tế tư nhân mới thành lập là khu vực năng động nhất của nền kinh tế Ba Lan, góp phần đáng kể vào mức tăng trưởng kinh tế và việc làm 5 . Vai trò này cũng được Bilson và Konings (1996) chứng minh ở Bulgary, Hungary và Romania từ sau 1990 6 . Theo Nguyen và Ngo (2021), khu vực tư nhân với hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ có vai trò tiềm năng nhất để tăng trưởng ổn định mà còn là trụ cột quan trọng nhất cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian gần đây 7 . Kết quả nghiên cứu của Pietrobelli (2007) cho thấy tỷ lệ việc làm của khu vực tư nhân càng tăng thì tỷ lệ nghèo cấp tỉnh càng giảm 8 . Những phát hiện này đã đóng góp tích cực cho lập luận rằng khu vực tư nhân đóng vai trò trung tâm trong việc xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, thực tiễn quá trình phát triển kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều vướng mắc, hạn chế do quy mô các doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ chiếm phần lớn. Đánh giá về doanh nghiệp Việt Nam, Sakata, (2013) cho rằng, hầu hết các doanh nghiệp lớn của Việt Nam là doanh nghiệp nhà nước, hoặc doanh nghiệp FDI 9 . Đánh giá về cơ hội cho các doanh nghiệp khu vực tư nhân, Baccini, Impullitti, & Malesky (2019) cho rằng, mặc dù môi trường kinh doanh đã được cải thiện theo Luật Doanh nghiệp năm 1999, khu vực tư nhận vẫn tiếp tục gặp bất lợi so với DNNN 10 . Khu vực tư nhân cũng phải đối mặt với những thách thức thường thấy ở các nước đang phát triển, bao gồm khả năng tiếp cận công nghệ hạn chế, quản lý kém, tăng trưởng năng suất chậm và khả năng chuyển đổi thành doanh nghiệp lớn thấp 11 . Cùng quan điểm này, Richards, Ha, Harvie, & Nguyen (2002) trong nghiên cứu của mình đã khẳng định rằng, doanh nghiệp tư nhân vẫn tiếp tục đối mặt với những trở ngại như khả năng tiếp cận tín dụng hạn chế 12 .

CƠ SỞ LÝ THUYẾT

Khái niệm kinh tế tư nhân

Dựa trên các căn cứ khoa học, lý luận và thực tiễn, có thể hiểu kinh tế tư nhân ở một số góc độ sau: Xét ở góc độ kinh tế học, kinh tế tư nhân là bộ phận kinh tế trong hệ thống cơ cấu kinh tế của một quốc gia được hình thành và phát triển dựa trên sở hữu của tư nhân về tư liệu sản xuất cũng như lợi ích cá nhân.

Xét ở góc độ môn học Kinh tế chính trị, kinh tế tư nhân là thành phần kinh tế trong hệ thống cơ cấu nền kinh tế nhiều thành phần trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, dựa trên các chế độ sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất; kinh tế tư nhân là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân.

Kinh tế tư nhân là khu vực kinh tế gắn liền với loại hình sở hữu tư nhân, bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân dựa trên sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất (TLSX) tồn tại dưới các hình thức DNTN, công ty TNHH, CTCP, công ty hợp danh và các hộ kinh doanh cá thể” [ 13 , tr 25].

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về kinh tế tu nhân được đưa ra trong hội nghị lần 5 khóa IX vào tháng 3/2002: “Kinh tế tư nhân bao gồm kinh tế cá thể, tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân, hoạt động dưới hình thức hộ kinh doanh cá thể và các loại hình doanh nghiệp của tư nhân” [ 14 , tr 24].

Vai trò của kinh tế tư nhân

Thứ nhất, khu vực kinh tế tư nhân góp phần khơi dậy một bộ phận quan trọng tiềm năng của đất nước, tăng nguồn nội lực, tham gia phát triển nền kinh tế quốc dân. Khu vực kinh tế tư nhân phát triển làm cho các quan hệ sở hữu của nền kinh tế nước ta trở nên đa dạng hơn. Sự biến đổi của quan hệ sở hữu đã kéo theo sự biến đổi của quan hệ quản lý và phân phối làm cho quan hệ sản xuất trở nên linh hoạt, phù hợp với trình độ phát triển của LLSX vốn còn thấp và phát triển không đều giữa các vùng, các ngành trong cả nước. Nhờ vậy đã khơi dậy và phát huy tiềm năng về vốn, đất đai, lao động, kinh nghiệm sản xuất của các tầng lớp nhân dân, các dân tộc vào công cuộc CNH, HĐH.

Thứ hai, khu vực kinh tế tư nhân đã có những đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế quốc dân. Khu vực tư nhân là một thành phần quan trọng trong việc giải quyết các thách thức trong nhiều lĩnh vực, bao gồm tăng trưởng, việc làm, giảm nghèo đói, cung cấp dịch vụ, an ninh lương thực, giảm thiểu biến đổi khí hậu, bền vững môi trường và đóng góp cho thuế 15 .

Thứ ba, kinh tế tư nhân phát triển góp phần thu hút một bộ phận lớn lực lượng lao động và đào tạo nguồn nhân lực mới cho thị trường lao động. Số liệu từ ngân hàng thế giới cho thấy, ở hầu hết các quốc gia, khu vực kinh tế tư nhân là thành phần chính của thu nhập quốc gia và tạo việc làm chính với hơn 90% việc làm ở các nước đang phát triển thuộc về khu vực tư nhân 15 .

Thứ tư, khu vực kinh tế tư nhân góp phần thúc đẩy đất nước hội nhập kinh tế quốc tế. Phát triển kinh tế tư nhân đã và đang tạo ra nhiều mô hình hình kinh tế với nhiều chủ thể kinh tế tham gia, tạo nên một nền kinh tế năng động. Đây là điều kiện căn bản để thực hiện các chương trình liên doanh, liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng các phương pháp nghiên cứu định tính như phương pháp trừu tượng hóa khoa học, phân tích tổng hợp, logic – lịch sử và thống kê kinh tế nhằm phân tích các số liệu thứ cấp về kinh tế tư nhân.

Bằng việc sử dụng các phương pháp nghiên cứu này, tác giả đã khái quát và xây dựng được khái niệm về kinh tế kinh tư nhân, phân tích tình hình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. Kết quả nghiên cứu từ các phương pháp này đã góp phần xây dựng một bức tranh về kinh tế tư nhân Việt Nam trong tiến trình hội nhập, là căn cứ quan trọng để xác định những mặt đạt được cần phát huy, những mặt còn hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới. Kết quả này là bằng chứng khách quan để đề xuất các giải pháp cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế trong điều kiện mới.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Những kết quả đạt được trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

Mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa do Đảng khởi xướng và lãnh đạo ngày càng hoàn thiện, theo đó kinh tế tư nhân ngày càng phát triển mạnh về số lượng, chất lượng và quy mô.

Thứ nhất, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước ngày càng tăng và chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh của cả nước. Nằm 2017, số lượng doanh nghiệp ngoài nhà nước là 541.749, chiếm 96,67%, con số này tiếp tục tăng và đạt 647.632 doanh nghiệp năm 2019, chiếm 96,88%. Năm 2021 dù chịu tác động tiêu cực từ đại dịch covid -19 nhưng số lượng doanh nghiệp của khu vực ngoài nhà nước vẫn đạt 647.917 doanh nghiệp, chiếm 96,4% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh trong cả nước ( Table 1 ).

Table 1 Số doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả SXKD giai đoạn 2017 – 2021

Thứ hai, doanh nghiệp ngoài nhà nước thu hút phần lớn nguồn vốn đầu tư của xã hội. Số liệu thống kê từ ( Table 2 ) cho thấy, nguồn vốn đầu tư phát triển phần lớn tập trung trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước và ngày càng tăng lên, từ 16.095,40 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,46% năm 2017, lên 24.204,60 nghìn tỷ đồng, chiếm 58,93% năm 2019. Năm 2021 dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng vốn đầu tư của doanh nghiệp ngoài nhà nước vẫn đạt 28.150,20 tỷ đồng, chiếm 58,12% trong tổng vốn đầu tư phát triển kinh tế của nền kinh tế.

Table 2 Vốn sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh phân theo loại hình doanh nghiệp giai đoạn 2017 – 2021 (Đơn vị tính: Nghìn tỷ đồng)

Thứ ba, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng vai trò trung tâm trong giải quyết việc làm cho xã hội. Số liệu thống kế cho thấy, năm 2017 khu vực kinh tế tư nhân tạo ra 45,3 triệu việc làm, trong đó khu vực chính thức tạo ra 8,8 triệu việc làm, chiếm 60,67% và đạt hơn 9 triệu lao động vào năm 2019, chiếm 58,54 tổng lao động đang làm việc trong nền kinh tế. Dù tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng năm 2021 khu vực kinh tế tư nhân vẫn tạo ra 46,57 triệu việc làm, trong đó khu vực chính thức là 8,29 triệu việc làm và khu vực không chính thức tạo ra 38,28 triệu việc làm. Có thể thấy rằng, phát triển kinh tế tư nhân có vai trò to lớn trong việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập, góp phần ổn định xã hội ( Table 3 ).

Table 3 Tổng số lao động trong các doanh nghiệp đang hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh giai đoạn 2017 – 2021 (Đơn vị tính: nghìn người)

Những điểm nghẽn trong quá trình phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam

Bên cạnh những kết quả đạt được, sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, làm cho kinh tế tư nhân chưa trở thành động lực thực sự của nền kinh tế theo tinh thần Nghị quyết của Đảng.

Thứ nhất, tình trạng thiếu các doanh nghiệp cỡ vừa và lớn là một trở ngại lớn của kinh tế tư nhân Việt Nam trong bối cảnh hội nhập.

Thật không quá khi nói rằng phần lớn doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Trong tổng số doanh nghiệp khu vực tư nhân đang hoạt động có kết quả sản xuất đến 31/12/2021 thì có 607.442 doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, chiếm 93,8% doanh nghiệp của khu vực tư nhân và chiếm 90,4% tổng doanh nghiệp cả nước, trong khi doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn chỉ chiếm 6,2% tổng số doanh nghiệp của khu vực ( Figure 1 ). Điều này cũng dễ nhận thấy khi vốn đầu tư trung bình của một doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân (chính thức) chỉ đạt 43,5 triệu đồng, trong khi doanh nghiệp khu vực nhà nước là 5,56 tỷ đồng và doanh nghiệp khụ vực có vốn đầu tư nước ngoài là 421,9 triệu đồng trên mỗi doanh nghiệp. Nếu xét về quy mô lao động, trung bình mỗi doanh nghiệp khu vực tư nhân có 12,8 lao động, trong khi doanh nghiệp khu vực nhà nước là 512,2 lao động trên một doanh nghiệp và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 224.

Figure 1 . Doanh nghiệp ngoài nhà nước đang hoạt động có kết quả sản xuất đến năm 2021 theo quy mô (Nguồn: Tổng Cục Thống kê năm 2021)

Ngay cả những doanh nghiệp được xếp vào tốp đầu của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam thì quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp này cũng thấp hơn rất nhiều so với quy mô vốn trung bình của các doanh nghiệp trong khu vực. Số liệu thống kê của các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán cho thấy, những đại diện tiêu biểu nhất cho doanh nghiệp tư nhân lớn nhất của Việt Nam có quy mô vốn hóa trung bình trên thị trường Việt Nam là 186 triệu USD/Công ty. Quy mô này thấp hơn rất nhiều so với mức vốn hóa trung bình của các nước như: Philippines là 1,2 tỷ USD/Công ty, Singapore là 1,07 tỷ USD/Công ty, Thái Lan là 835 triệu USD/Công ty, Indonesia là 809 triệu USD/Công ty và Malaysia là 553 triệu USD/Công ty 16 .

Tỷ lệ doanh nghiệp có quy mô trung bình thấp, đến lượt nó lại tác động làm cho quá trình phát triển từ doanh nghiệp quy mô trung bình thành những doanh nghiệp có quy môn lớn rất khó thực hiện. “Thiếu các doanh nghiệp có quy mô trung bình và lớn, dẫn đến các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam chủ yếu thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên lợi thế về chi phí thấp như nhân công giá rẻ, tài nguyên phong phú và các mối quan hệ hơn là dựa trên nền tảng về kiến thức, công nghệ, đổi mới, sáng tạo” [ 16 , tr 43].

Thứ hai, tình trạng không chính thức của khu vực kinh tế tư nhân còn chiếm tỷ lệ cao.

Khu vực kinh tế tư nhân đang cho thấy một sức sống mãnh liệt của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. Đó là nhận định không sai nhưng chưa trúng vì chúng ta mới chỉ nhìn nhận, đánh giá trong sự so sánh với chính nền kinh tế Việt Nam trước thời kỳ đổi mới hoặc có chăng cũng chỉ là sự so sánh trong nội bộ nền kinh tế Việt Nam. Một thực tế đang cho thấy rằng, trong khu vực kinh tế tư nhân thì các hộ kinh doanh chiếm tỷ lệ áp đảo. Số liệu thống kê cho thấy, đến năm 2021, hộ kinh doanh chiếm hơn 88,7%, với hơn 5,1 triệu cơ sở sản xuất, kinh doanh 1 . Điều đáng nói là hộ kinh doanh không được coi là một loại hình doanh nghiệp và vì vậy được gọi là khu vực không chính thức. Rõ ràng là những quy định yêu cầu về chế độ kế toán, báo cáo tài chính, bảo hiểm xã hội, ngành nghề kinh doanh có điều kiện, phòng cháy chữa cháy, thủ tục đăng ký kinh doanh… không bị ràng buộc chặt chẽ đã vô tình làm cho khu vực không chính thức ngày càng gia tăng và điều này đang tạo ra những hệ lụy không nhỏ cho khu vực kinh tế tư nhân và nền kinh tế Việt Nam. Thể hiện:

Một là, giảm nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Số liệu thống kê cho thấy, năm 2021 khu vực kinh tế tư nhân đóng góp 39,19% vào tổng GDP, trong đó hộ kinh doanh chiếm 88,7% số lượng cơ sở sản xuất và 29,5% GDP, nhưng chỉ đóng góp vào ngân sách nhà nước 1,56%, tương đương 638 triệu USD, trong khi đó, khu vực chính thức là các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ chiếm 11,3% về số lượng và 9,69% GDP, nhưng đóng góp 15,4% vào ngân sách nhà nước, tương đương 6,3 tỷ USD 1 .

Hai là, an sinh xã hội bị ảnh hưởng. Với hơn 5,1 triệu cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh đang trực tiếp tạo công ăn việc làm cho hơn 38,28 triệu lao động 1 . Tuy nhiên, do những quy định chưa chặt chẽ đối với hộ kinh doanh nên phần lớn cơ sở sản xuất kinh doanh của các hộ không tham gia bảo hiểm xã hội cho người lao động, buộc người lao động phải chi trả các khoản khi ốm đau, bệnh nghề nghiệp, thai sản và rất dễ bị tổn thương khi mất sức lao động, về già. Hệ quả là những khoản mà đáng lẽ ra doanh nghiệp phải tham gia gánh vác một phần này đã được đẩy qua cho cá nhân người lao động và nhà nước, làm ảnh hưởng rất lớn đến an sinh xã hội.

Ba là, tạo tâm thế ỷ lại trong đội ngũ doanh nhân. Hệ lụy của vấn đề này là quy mô doanh nghiệp tư nhân Việt Nam không lớn và không muốn lớn để hưởng lợi từ chính sách và sự quản lý lỏng lẻo của nhà nước. Tâm thế không lớn và không muốn lớn của đội ngũ doanh nhân đã làm cho quy mô của doanh nghiệp ngoài nhà nước của Việt Nam không đủ sức cạnh tranh với các nước trong quá trình hội nhập.

Thứ ba, chất lượng tăng trưởng và tỷ suất lợi của nhuận khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam còn thấp.

Quy mô nhỏ và tính không chính thức cao đã làm hạn chế khả năng tận dụng các lợi thế có được nhờ kinh tế quy mô, chuyên môn hóa, cải thiện trình độ tinh vi trong hoạt động, tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, công nghệ và đổi mới sáng tạo của khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Những hạn chế này đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng tăng trưởng của khu vực kinh tế, làm cho tăng trưởng kinh tế của khu vực kinh tế tư nhân phụ thuộc nhiều vào các ngành khai thác khoáng sản và tăng trưởng tín dụng. Phần lớn sản xuất công nghiệp của các doanh nghiệp ngoài nhà nước là gia công lắp ráp, sử dụng máy móc, thiết bị và nguyên liệu nhập khẩu. Sự hạn chế về công nghệ và năng lực đổi mới, sáng tạo đã làm cho doanh nghiệp tư nhân Việt Nam ít có khả năng kết nối cũng như tham gia ngành công nghiệp phụ trợ cho các tập đoàn kinh tế lớn. Những hạn chế này cũng được thể hiện khi chỉ số ICOR của khu vực kinh tư nhân đang có dấu hiệu gia tăng so với trước, từ 4,30 năm 2010, lên 5,44 năm 2015, tiếp tục tăng lên 16,21 năm 2020 và đạt mức 23,40 năm 2021 ( Figure 2 ).

Figure 2 . Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (hệ số ICOR) của nền kinh tế giai đoạn 2010 – 2021 (Nguồn: Tổng Cục Thống kế (2021), Economica Vietnam (2022))

Quy mô sản xuất nhỏ, chủ yếu hoạt động trong các ngành có lợi ích kinh tế không cao, khả năng tiếp cận các nguồn lực như đất đai, tín dụng và cơ hội kinh doanh kém, các lợi thế tuyệt đối về vốn, công nghệ, liên kết thị trường không nhiều đã làm cho tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp tư nhân trong nước Việt Nam đáng báo động. Số liệu thống kê ( Figure 3 ) cho thấy, tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu của khu vực nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài trong giai đoạn 2017 – 2021 đều đạt trên 5,5%, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận của khu vực doanh nghiệp tư nhân thấp hơn nhiều, chỉ đạt 2,48% năm 2017 và giảm dần còn 1,84% năm 2019 và chỉ đạt 1,83 năm 2021.

Figure 3 . Tỷ suất lợi nhuận của doanh nghiệp Việt Nam giai đoạn 2017 – 2021 (Nguồn: Tổng Cục Thống kê năm 2021)

Thứ tư, mối liên kết giữa doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam, giữa các doanh nghiệp nhỏ và các tập đoàn lớn trong nội bộ khu vực tư nhân là không đáng kể và rất hạn chế. Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược Công nghiệp (IPSI, 2018) cho thấy, trong ngành Công nghiệp ô tô, Việt Nam có 20 doanh nghiệp lắp ráp lớn đang hoạt động, nhưng chỉ có 81 nhà cung cấp cấp 1 và 145 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3. Trong khi đó, Thái Lan chỉ có 16 nhà lắp ráp ô tô lớn nhưng lại có đến 690 nhà cung cấp cấp 1 và 1.700 nhà cung cấp cấp 2 và cấp 3 17 . Tình trạng hoạt động độc lập, đơn lẻ của khu vực kinh tế tư nhân đã làm cho khả năng tiếp cận thị trường và quá trình tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của khu vực kinh tế tư nhân vốn đã hạn chế do quy mô nhỏ nay càng trở nên khó hơn, hậu quả là tỷ trọng xuất khẩu của các doanh nghiệp trong nước trong tổng giá trị xuất khẩu giảm mạnh từ 45,8% năm 2010, xuống còn 28,5% năm 2016, và giảm còn 18,3% năm 2021 1 . Những hạn chế nêu trên đã và đang kìm hãm sự phát triển của kinh tế tư nhân Việt Nam, làm cho kinh tế tư nhân khó trở thành động lực thực sự của nền kinh tế nếu không có những giải pháp căn cơ trong thời gian tới.

Thứ năm, năng suất lao động của khu vực kinh tế tư nhân còn rất thấp so với các khu vực khác và mức chung của xã hội. Số liệu thống kê cho thấy, tính đến 2021, năng suất lao động của khu vực này chỉ bằng 24,4% so với khu vực nhà nước, bằng 28,2% so với khu vực FDI và bằng 60,4% so với năng suất lao động chung của nền kinh tế ( Figure 4 ).

Figure 4 . Năng suất lao động các loại hình doanh nghiệp đoạn 2011 – 2021 (hiện hành) (Nguồn: Tổng Cục Thống kê)

KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý CHÍNH SÁCH

Kinh tế tư nhân đang từng bước khẳng định được vai trò, vị trí của mình trong nền kinh tế cả về số lượng doanh nghiệp đang hoạt động trong nền kinh tế, thu hút vốn đầu tư của xã hội và giải quyết việc làm, tạo cơ sở để giảm nghèo, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Tuy nhiên, để kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Những trăn trở về vai trò động lực của kinh tế tư nhân xuất phát từ những hạn chế vốn có của khu vực như quy mô nhỏ, tính phí chính thức cao, hiệu quả kinh tế thấp, khả năng liên kết kinh tế để hình thành chuỗi giá trị toàn cầu còn nhiều hạn chế. Vì thế, để khu vực kinh tế tư nhân phát triển, thực sự là động lực quan trọng của nền kinh tế đòi hỏi có sự chung tay từ nhiều bộ phận. Sự hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế tư nhân thì các chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ, trọng tâm là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp này là cơ sở để phát triển hệ thống doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn nhằm từng bước nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực tư nhân. Thực hiện đồng bộ các biện pháp để các hộ kinh doanh hiệu quả phát triển thành các doanh nghiệp. Nhà nước chủ trì trong việc xây dựng các cơ chế liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước, tạo điều kiện cho việc liên kết với các doanh nghiệp nước ngoài và chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong việc liên kết với các doanh nghiệp thuộc khu vực tư nhân.

Từ kết quả nghiên cứu, để khu vực kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế, cần thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa làm cơ sở cho kinh tế tư nhân phát triển như hoàn thiện hệ thống luật, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường, điều kiện cho các chủ thể kinh tế trong việc tiếp cận các nguồn lực. Chính phủ cần thiết lập cơ chế giám sát nhằm đảm bảo cho các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế tư nhân có cơ hội bình đẳng so với các khu vực khác trong việc tiếp cận các nguồn lực để phát triển như: môi trường đầu tư, đất đai, tín dụng và các thủ tục pháp lý về liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và nghiên cứu, ứng dụng nhằm từng bước cải thiện năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế tư nhân.

Thứ hai, xây dựng chiến lược phát triển hệ thống doanh nghiệp quy mô vừa và lớn có năng lực cạnh tranh cao, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị toàn cầu. Để thực hiện được mục tiêu này, Chính phủ cần sớm ban hành chính sách ưu đãi thuế hỗ trợ phát triển doanh nghiệp quy mô nhỏ, trọng tâm là giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với loại hình doanh nghiệp này. Đã đến lúc phải thiết lập danh mục các doanh nghiệp quy mô nhỏ vào diện quan tâm đặc biệt, thậm chí mức thuế thu nhập đối với loại hình doanh nghiệp này phải thấp hơn mức thuế suất ưu đãi áp dụng cho các dự án đầu tư mới tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, lĩnh vực chế biến nông sản, thủy sản, tức là thuế thu nhập có thể ở mức 10% - 15%. Thực hiện tốt chính sách hỗ trợ kinh tế tư nhân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất kinh doanh bằng các biện pháp: hỗ trợ tiền, miễn thuế đối với các doanh nghiệp tư nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nghiên cứu, trang thiết bị và nguồn nhân lực nghiên cứu khoa học. Đây là những biện pháp căn cơ để kích thích khả năng tích tụ vốn của từng doanh nghiệp, tạo nền tảng để hình thành và phát triển hệ thống doanh nghiệp có quy mô vừa và lớn, đưa kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành động lực mạnh mẽ của nền kinh tế.

Thứ ba, xây dựng lộ trình chính thức hóa hộ kinh doanh. Thực hiện rà soát lại toàn bộ hộ kinh doanh, yêu cầu các hộ kinh doanh lớn, có lợi nhuận cao nhưng đang lợi dụng những quy định chưa chặt chẽ về thuế và các điều kiện khác phải đăng ký chuyển đổi thành doanh nghiệp. Xây dựng lộ trình và các chính sách hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh nhỏ, khuyến khích tích lũy vốn để mở rộng sản xuất, tăng quy mô và từng bước chính thức hóa thành doanh nghiệp tư nhân. Song song với quá trình này, chính phủ cũng cần nghiên cứu để cải cách mô hình doanh nghiệp tư nhân, tạo sức hút đối với các chủ thể đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân thay vì thành lập hộ kinh doanh cá thể. Những quy định mới phải đảm bảo nguyên tắc các gánh nặng về chi phí tuân thủ, gánh nặng về pháp lý, về chế độ thuế và báo cáo tài chính áp dụng đối với loại hình doanh nghiệp tư nhân phải ngang bằng với loại hình hộ kinh doanh cá thể. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Luật Doanh nghiệp cần phải bổ sung những quy định về doanh nghiệp tư nhân nhằm đảm bảo rằng loại hình doanh nghiệp tư nhân sẽ không phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ như các loại hình doanh nghiệp khác, đồng thời quy định chặt chẽ hơn, minh bạch hơn đối với hộ kinh doanh.

Thứ tư, nâng cao năng lực của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong việc ứng dụng và đổi mới công nghệ, đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, tăng năng suất lao động và hiệu quả kinh tế. Để kinh tế tư nhân trở thành động lực thực sự của nền kinh tế thì các chính sách từ chính phủ cần chú trọng làm tăng các chỉ số về giá trị gia tăng, hoạt động sáng tạo, phát minh sáng chế, năng suất và chất lượng sản phẩm, các tiến bộ về công nghệ và khả năng tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhà nước cần có chính sách khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân ứng dụng, nhận chuyển giao khoa học công nghệ một cách có lộ trình trên cơ sở năng lực của từng doanh nghiệp nhằm tích lũy về kinh nghiệm, kiến thức, bí quyết, công nghệ và dần dần chuyển qua giai đoạn phát minh, sáng chế. Chính phủ cần tăng nguồn ngân sách đầu tư cho nghiên cứu khoa học và công nghệ, nghiên cứu và phát triển đối với khu vực kinh tế tư nhân. Có chính sách hỗ trợ khu vực kinh tế tư nhân thành lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo nhân lực khoa học công nghệ, tạo cơ chế bình đẳng trong việc nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao, phổ biến và bảo hộ các sản phẩm khoa học.

Thứ năm, xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết giữa khu vực doanh nghiệp nhà nước, khu vực vốn đầu tư nước ngoài với khu vực tư nhân trong nước. Nhà nước cần sớm ban hành Luật khuyến khích liên minh với doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm tạo cơ chế hỗ trợ đối với các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn kinh tế lớn thực hiện liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực kinh tế tư nhân. Khuyến khích sự liên minh, liên kết thông qua các đơn đặt hàng mua sắm các nguyên liệu đầu vào, chuyển giao công nghệ và thiết lập hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ trở thành khu vệ tinh, nhận gia công cho các tập đoàn kinh tế lớn, từng bước nội địa hóa sản phẩm. Chỉ đạo các tập đoàn kinh tế nhà nước đi đầu trong việc liên minh, liên kết với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực kinh tế tư nhân, vừa góp phần nâng cao năng lực kinh tế, công nghệ của khu vực này, vừa hạn chế việc nhập khẩu các linh kiện, nguyên liệu từ nước ngoài.

Thứ sáu, đối với các doanh nghiệp, cần đẩy mạnh xây dựng văn hóa kinh doanh và nâng cao trách nhiệm xã hội của mỗi doanh nghiệp, đồng thời phát triển các loại hình doanh nghiệp đa sở hữu. Nếu như xây dựng văn hóa kinh doanh là cơ để mỗi doanh nghiệp tự tạo cho mình sự ủng hộ của cộng đồng xã hội, thì sự hình thành nhiều tổ chức kinh doanh đa sở hữu trên cơ sở liên kết, liên doanh của các chủ sở hữu tư nhân, như, tham gia vào các công ty cổ phần, tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu, tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước… là cơ sở để tăng tiềm lực, nâng cao khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

CNH, HĐH: Công nghiệp hóa, hiện đại hóa

CTCP: Công ty cổ phần

DNNN: Doanh nghiệp nhà nước

DNTN: Doanh nghiệp tư nhân

FDI: Foreign Direct Investment – Đầu tư trực tiếp nước ngoài

GDP: Gross Domestic products – tổng sản phẩm quốc nội

ICOR: Incremental Capital Output Ratio – Hiệu quả sử dụng vốn đầu tư

LLSX: Lực lượng sản xuất

SXKD: Sản xuất kinh doanh

TLSX: Tư liệu sản xuất

TNHH: Trách nhiệm hữu hạn

USD: United States Dollar – Đô la Mỹ

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết do tác giả thực hiện.

References

  1. Thống TC. Kê Việt Nam. Niên Giám Thống Kê. 2021. . ;:. Google Scholar
  2. Acs ZJ, Desai S, Hessels J. Entrepreneurship, economic development and institutions. Small Bus Econ. 2008;31(3):219-34. . ;:. Google Scholar
  3. Banerjee AV, Duflo E. Growth theory through the lens of development. In: Aghion P, Durlauf S, editors. Handbook of economic growth. New York: Elsevier Science; 2005. p. 473-552. . ;:. Google Scholar
  4. Caselli F, Gennaioli N. Economics and politics of alternative institutional reforms *. Q J Econ. 2008;123(3):1197-250. . ;:. Google Scholar
  5. Konings J, Lehmann H, Schaffer M. Job creation and job destruction in a transition economy: ownership, firm size and gross job flows in polish manufacturing 1988-91. Discussion [paper]. UK: Center for Economic Reform and Transformation, Heriot Watt University; 1996. . ;:. Google Scholar
  6. Bilson V, Konings J. Job creation, job destruction and growth of newly established private firms in transition economies: survey evidence from Bulgaria, Hungary and Romania [working paper]. Levran Institute for Central and East European Studies; 1996. . ;:. Google Scholar
  7. Nguyen NH, Ngo MN. The role of knowledge on ASEAN economic community in enhancing the performance of Vietnamese enterprises. J Asian Fin Econ Bus. 2021;8(8):47-56. . ;:. Google Scholar
  8. Pietrobelli C. Private sector development: concepts and practices. Bus Dev Fostering Priv Sect. 2007:(21-53). . ;:. Google Scholar
  9. Sakata S. Introduction: the changing status of economic entities in Vietnam. In: Sakata S, editor. Vietnam's economic entities in transition. Houndmills: Palgrave Macmillan; 2013. p. 1-22. . ;:. Google Scholar
  10. Baccini L, Impullitti G, Malesky EJ. Globalization and state capitalism: assessing Vietnam's accession to the WTO. J Int Econ. 2019;119:75-92. . ;:. Google Scholar
  11. Kokko A, Thang TT. Foreign direct investment and the survival of domestic private firms in Viet Nam. Asian Dev Rev. 2014;31(1):53-91. . ;:. Google Scholar
  12. Richards D, Ha N, Harvie C, Nguyen VL. The predicament of the limping tiger: difficulties in transition for small and medium sized enterprises in Vietnam. In: Harvie C, Lee BC, editors. Small and medium sized enterprises in East Asia. Cheltenham: Edward Elgar Publishing; 2002. . ;:. Google Scholar
  13. Luận NĐ. Vai trò của kinh tế tư nhân với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Tạp Chí Phát Triển và Hội Nhập Số. 2015;25(35) - Tháng 11-12/2015:25. . ;:. Google Scholar
  14. Đảng Cộng sản Việt Nam. Nghị Quyết Hội Nghị Lần 5 khóa IX vào tháng 3/2002. 2002:24. . ;:. Google Scholar
  15. OECD/World Bank. Science, Technology and Innovation in Viet Nam, Ấn phẩm của OECD; 2021. . ;:. Google Scholar
  16. Lê Duy Bình. Kinh tế tư nhân Việt Nam - Năng suất và Thịnh Vượng. giấy phép xuất bản số: 3180-2018/CXBIBH/15-144 và QĐXB số 1172/QĐ, Nhà xuất bản Thanh niên, p 43, 47. . 2018;:. Google Scholar
  17. Viện Chính sách và Chiến lược Công nghệ (IPSI). 2018, tài liệu hội thảo: "Công nghiệp hỗ trợ trong kỷ nguyên 4.0", p;217. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 2 (2023)
Page No.: 4502-4511
Published: Jun 30, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1205

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyễn, B. (2023). Solutions for private economic development become a important drive of the economy. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(2), 4502-4511. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i2.1205

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 70 times
PDF   = 22 times
XML   = 0 times
Total   = 22 times