Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

15

Total

5

Share

Analyzing the production efficiency of meat goat farming and factors influencing the decision to expand the scale of meat goat farming in Ninh Phuoc district, Ninh Thuan province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Raising meat goats is an activity that can bring high profits to the people in Ninh Thuan province. However, currently, the people in Ninh Thuan still face many obstacles in developing intensive meat goat farming. This research aims to determine the production efficiency and determinants of the decision to expand the scale of meat goat farming in Ninh Phuoc district, Ninh Thuan province. Data was collected by surveying 177 households raising meat goats fattening in the form of intensive farming in the three communes of Phuoc Thai, Phuoc Son, and Phuoc Hau of Ninh Phuoc district. The results of the analysis using descriptive statistics and Logit regression model show that: (1) Intensive confined meat goat farming brings relatively high economic efficiency; (2) There are 10 factors influencing the decision to expand investment in intensive confined meat goat farming by households in the following decreasing order: income expectation, market convenience, finance, participation in training, educational level, farming area, farming experience, selling price, current profit, and disease rate. Based on the analysis results, the study proposes key policy implications for expanding the scale of confined meat goat farming in Ninh Phuoc district, Ninh Thuan province, including policies on consumption, capital, disease prevention, improving labor capacity, and cost control measures.

Giới thiệu

Chăn nuôi dê đã có từ lâu đời ở Việt Nam với phương thức quảng canh, bán thâm canh và thâm canh. Đến năm 2021, Việt Nam có 2.675.188 con dê. Trong đó, số lượng dê tập trung tại miền núi và trung du với 734.500 con, tương ứng với 27,45% tổng đàn cả nước; Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung 667.609 con; Tây Nguyên 267.374 con; Đông Nam Bộ 473.558; Đồng bằng sông Cửu Long 434.032 con và thấp nhất tại Đồng bằng sông Hồng với 98.115 con. Đồng thời, so với năm 2020, các khu vực đều có số lượng tổng đàn tăng từ 1,2% - 20,5%, ngoại trừ khu vực miền núi và trung du 1 , 2 .

Tỉnh Ninh Thuận được đánh giá có điều kiện tự nhiên không thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên lại có lợi thế để phát triển một số sản phẩm cây trồng và vật nuôi mang tính đặc thù như nho, táo, mía, măng tây, dê, cừu…Vì vậy, đây cũng là cơ hội để ngành nuôi dê phát triển 3 . Để từng bước cụ thể hóa mục tiêu quy hoạch chăn nuôi dê của tỉnh, việc phát triển chăn nuôi dê, trong đó có nuôi dê thịt thâm canh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững là hết sức cần thiết nhằm góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang quy mô trang trại tập trung gắn với đồng cỏ có bổ sung thức ăn tinh, chế phẩm từ phụ phẩm nông nghiệp, kiểm soát dịch bệnh, nâng cao năng suất, chất lượng đàn dê, tạo công ăn việc làm trong điều kiện hạn hán kéo dài và từng bước trở thành một nghề mang lại hiệu quả kinh tế cao trong sản xuất nông nghiệp. Tỉnh Ninh Thuận đã ban hành quyết định 693/QĐ-UBND về việc hê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành ông, lâm nghiệp và thủy sản từ 2016 – 2020, định hướng đến 2025; quyết định 1695/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch đồng cỏ và vùng chăn nuôi gia súc có sừng tỉnh Ninh Thuận.

Trong suốt 20 năm qua, số lượng dê trên toàn thế giới đã tăng lên (khoảng 60%), không chỉ ở các quốc gia có thu nhập thấp (75%), mà còn ở những quốc gia có thu nhập cao (20%) hoặc thu nhập trung bình (25%) 4 . Vấn đề phát triển và hiệu quả trong chăn nuôi dê cũng là một chủ đề được nhiều nghiên cứu trước đây lựa chọn. Tại Indonesia, một đồng chi phí đầu tư mang lại 2.21 đồng doanh thu cho các hộ nuôi dê quy mô nhỏ 5 . Tại tỉnh Isparta, Thổ Nhĩ Kỳ, các yếu tố ảnh hưởng đến hiệu suất sản xuất dê là kinh nghiệm của người chăn nuôi, thành viên hợp tác, năng suất sữa, lao động gia đình và thuê 6 .Tại Ethiopia, việc tiếp cận thông tin, kinh nghiệm nông nghiệp, số hộ gia đình trong một làng, khoảng cách đến chợ chính, thu nhập của hộ gia đình và điều kiện sinh thái nông nghiệp đều ảnh hưởng đến sự lựa chọn thích nghi của nông dân nuôi dê với biến đổi khí hậu 7 . Ở Hy Lạp, nuôi dê là một hoạt động đặc biệt vì khả năng thích nghi với thiên nhiên, cung cấp các sản phẩm chất lượng cao và là một ngành kinh tế quan trọng tại những khu vực kém phát triển. Tuy nhiên, do tác động từ Covid-19, các trang trại nuôi dê tại Hy Lạp gặp nhiều rủi ro và cần phải có sự hỗ trợ từ hệ thống bảo hiểm nông nghiệp do chính phủ hỗ trợ 8 .

Từ các nghiên cứu trước đây và quan sát thực tiễn tại địa phương có thể thấy rằng nuôi dê thịt là một nghề mang lại thu nhập tương đối cao cho các hộ chăn nuôi, nhưng đồng thời tồn tại nhiều khó khăn và rủi ro. Dịch bệnh, trình độ kỹ thuật, chất lượng giống, giá thức ăn, thuốc phòng và trị bệnh, giá bán, chi phí lãi vay v.v. là những yếu tố gây ra trở ngại lớn cho người dân trong chăn nuôi dê, làm hạn chế việc hộ mở rộng quy mô chăn nuôi (QMCN) dê thịt 9 .

Từ những vấn đề cấp thiết đó, để thực hiện các mục tiêu theo quyết định 1695/QĐ-UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận, cần có những nghiên cứu khoa học để cung cấp thêm thông tin cho các cấp quản lý. Vì vậy, đề tài này được thực hiện để đưa ra những đánh giá đầy đủ về hiệu quả kinh tế và nhận diện được những yếu tố thúc đẩy và cản trở để từ đó làm cơ sở đưa ra những chính sách, biện pháp thích hợp nhằm khuyến khích người chăn nuôi mở rộng việc chăn nuôi dê thịt tại địa phương.

Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

Địa bàn nghiên cứu

Nghiên cứu được thực hiện tại Huyện Ninh Phước, nằm ở phía Nam của tỉnh Ninh Thuận ( Figure 1 ). Ninh Thuận là địa phương có tổng đàn dê lớn nhất cả nước với số lượng 181.967 con, trong đó huyện Ninh Phước là địa phương có số lượng dê đứng thứ hai của Ninh Thuận, sau huyện Thuận Nam. Năm 2021, toàn huyện có 574 hộ nuôi dê thịt thâm canh với 32.173 con (chiếm 70,2% tổng số dê được nuôi của huyện), gấp 1,35 lần năm 2019, tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2019 - 2021 đạt 16,1%. Số lượng dê thịt nhốt chuồng tập trung nhiều nhất tại xã Phước Thái với 14.763 con (chiếm 45,9%), xã Phước Sơn với 8.859 con (chiếm 27,5%), xã Phước Hậu là 6.416 con (chiếm 19,9%) và các xã khác với 2.135 con (chiếm 6,6%) 3 .

Figure 1 . Bản đồ hành chính Huyện Ninh Phước (Nguồn: UBND huyện Ninh Phước, 2021)

Mô hình nghiên cứu

Các biến độc lập được kế thừa từ các nghiên cứu trước đây về việc ra quyết định của các nông hộ chăn nuôi gia súc 10 , 11 , 12 , 13 , 14 , 15 . Đồng thời, để củng cố cho việc lựa chọn các biến nghiên cứu sát với thực tiễn sản xuất của địa phương cũng như nắm bắt chủ trương phát triển chăn nuôi nuôi dê, nghiên cứu thực hiện phỏng vấn sâu với các chuyên gia trong ngành có kinh nghiệm từ 5 năm trở lên từ Sở NN&PNTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Ninh Thuận, UBND huyện Ninh Phước, Phòng NN&PTNT huyện Ninh Phước, Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Ninh Phước, UBND xã Phước Thái, Phước Sơn và Phước Hậu.

Từ đó, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 12 biến ảnh hưởng đến quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi (QMCN) dê thịt nhốt chuồng gồm: Tuổi của chủ hộ, trình độ học vấn (TĐHV) của chủ hộ, kinh nghiệm chăn nuôi (KNCN) của chủ hộ, lao động của hộ, diện tích chăn nuôi (DTCN), khả năng tài chính, tập huấn kỹ thuật, tỷ lệ bị bệnh, thuận lợi trong tiêu thụ, giá bán, kỳ vọng tăng thu nhập và lợi nhuận hiện tại ( Figure 2 ).

Figure 2 . Mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mở rộng quy mô nuôi dê thịt nhốt chuồng

Tuổi của chủ hộ càng cao thì kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng càng nhiều, hộ sẽ yên tâm hơn trong việc mở rộng quy mô đàn (tương quan thuận).

Giả thuyết H 1 : Tuổi của chủ hộ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Trình độ học vấn của người chăn nuôi càng cao sẽ giúp cho hộ có được khả năng phân tích và lựa chọn thông tin hữu ích cho quá trình sản xuất, tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho chăn nuôi. Kỳ vọng số năm đi học của chủ hộ càng cao xác suất người nuôi dê thịt có quyết định đầu tư, mở rộng quy mô càng cao (tương quan thuận).

Giả thuyết H 2 : Trình độ học vấn của chủ hộ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi giúp cho hộ có những biện pháp chủ động trong công tác phòng dịch bệnh cũng như nhận thức được những khó khăn trong chăn nuôi (tương quan thuận).

Giả thuyết H 3 : Kinh nghiệm trong chăn nuôi có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Lao động của hộ thể hiện số lượng người trong độ tuổi lao động tham gia sản xuất của hộ, số lao động càng cao thì chăn nuôi dê càng thuận lợi, khi mở rộng quy mô thì khối lượng công việc sẽ nhiều hơn, cần nhiều lao động hơn để thực hiện (tương quan thuận).

Giả thuyết H 4 : Số người trong độ tuổi lao động của hộ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Khi hộ gia tăng quy mô đàn thì sẽ cần nhiều diện tích cho chuồng trại, sân chơi, trồng cỏ, khu công trình phụ (nhà để thức ăn, để công cụ dụng cụ). Do đó, diện tích chuồng trại lớn sẽ tạo điều kiện để mở rộng QMCN dê (tương quan thuận).

Giả thuyết H 5 : Diện tích chuồng tại có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Tham gia tập huấn : Các hộ nông dân tham gia tập huấn càng nhiều thì việc áp dụng các thông tin ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình chăn nuôi sẽ đạt hiệu quả càng cao hạn chế các rủi ro, có nghĩa việc nuôi dê thịt sẽ dễ thành công hơn (tương quan thuận)

Giả thuyết H 6 : Số lần tham gia tập huấn có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Tài chính thể hiện khả năng đầu tư/tiếp cận tín dụng. Việc mở rộng QMNC đòi hỏi người nuôi cần có tài chính để đáp ứng kịp thời cho việc đầu tư chuồng trại, vật tư, con giống, thức ăn (tương quan thuận).

Giả thuyết H 7 : Khả năng đầu tư/tiếp cận tín dụng có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Tỷ lệ dê bị bệnh thấp trong đàn sẽ khuyến khích người nuôi dê tin tưởng vào khả năng thành công và mạnh dạn đầu tư, tỷ lệ dê bị bệnh cao thì khả năng đem lại lợi nhuận thấp làm giảm khả năng quyết định mở rộng QMCN (tương quan nghịch).

Giả thuyết H 8 : Tỷ lệ dê bị bệnh có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Sự thuận lợi trong tiêu thụ: Nếu hộ được bao tiêu/liên kết tiêu thụ thì sản phẩm dê dễ tiêu thụ hơn, hộ tự tin để gia tăng QMCN, tăng khả năng thành công (tương quan thuận).

Giả thuyết H 9 : Việc hộ được bao tiêu hoặc liên kết tiêu thụ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Nếu giá bán càng cao sẽ nâng cao thu nhập cho hộ nuôi, thúc đẩy quyết định đầu tư mở rộng nuôi dê thịt nhốt chuồng (tương quan thuận).

Giả thuyết H 10 : Giá bán có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Kỳ vọng tăng thu nhập của hộ có tác động dương đến quyết định mở rộng QMCN dê thịt của hộ tại huyện Ninh Phước (tương quan thuận).

Giả thuyết H 11 : Kỳ vọng tăng thu nhập của hộ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Lợi nhuận hiện tại từ hoạt động chăn nuôi dê thịt của hộ có tác động dương đến quyết định mở rộng QMCN dê thịt. Nếu chăn nuôi dê thịt mang lại cho hộ lợi nhuận tốt thì hộ càng có cơ sở để đẩy mạnh sản xuất, mở rộng quy mô đàn và tái đầu tư (tương quan thuận).

Giả thuyết H 12 : Lợi nhuận hiện tại từ hoạt động chăn nuôi dê thịt của hộ có tác động đến quyết định mở rộng QMCN

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp thu thập số liệu

Nghiên cứu sử dụng số liệu sơ cấp từ khảo sát các hộ chăn nuôi dê thịt nhốt chuồng với cỡ mẫu được tính toán theo Tabachnick, Fidell 16 :

Với m =12 là số biến độc lập trong mô hình, số mẫu tối thiểu là 146. Tác giả thực hiện khảo sát 180 hộ. Hiện nay, số hộ nuôi dê thịt chủ yếu tập trung tại 03 xã Phước Thái, Phước Sơn và Phước Hậu với số lượng và tỷ lệ lần lượt là 238 hộ (45,9%), 164 hộ (31,6%), và 117 hộ (22,5%). Do đó, mẫu điều tra được phân bổ với tỷ lệ tương ứng: xã Phước Thái 83 hộ, Phước Sơn 57 hộ và Phước Hậu 40 hộ. Mẫu được chọn theo phương pháp thuận tiện.

Mô hình hồi quy Logit

Quyết định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng được thể hiện bằng mô hình hồi quy Logit, gồm 12 biến độc lập. Ký hiệu, đo lường và kỳ vọng các biến được thể hiện ở Table 1 .

Table 1 Ký hiệu, đo lường và kỳ vọng của các biến

Kết quả

Hiệu quả kinh tế của nuôi dê thịt nhốt chuồng

Đặc điểm sản xuất của hộ

Kết quả khảo sát 177 hộ nuôi dê thịt nhốt chuồng cho thấy QMCN còn nhỏ lẻ, đa số các hộ chăn nuôi theo quy mô từ 50 – 100 con (52%). Chỉ có 18 hộ (10,2%) nuôi với quy mô từ 100 con, còn lại 67 hộ (37,9%) nuôi với quy mô đàn dưới 50 con.

Hầu hết các hộ nuôi dê thịt nhốt chuồng có diện tích đất thuận lợi để phục vụ cho chăn nuôi. Diện tích đất dành cho chăn nuôi dê (chuồng trại, đồng cỏ) trung bình là 0,57 ha/hộ. Mức chi phí đầu tư trung bình đối với chăn nuôi dê thịt nhốt chuồng là 108,04 triệu đồng, hộ cao nhất là 300 triệu đồng và thấp nhất là 20 triệu đồng; chi phí cho một lứa nuôi trung bình là 93,91 triệu đồng, cao nhất là 250 triệu đồng và thấp nhất là 15 triệu đồng, trong đó chủ yếu là chi phí giống và thức ăn cho dê ( Table 2 ).

Table 2 Diện tích chăn nuôi dê, chi phí đầu tư chăn nuôi dê thịt

Hiệu quả kinh tế nuôi dê thịt nhốt chuồng

Chi phí nuôi

Chi phí trung bình để nuôi 1 con dê thịt vỗ béo là 2.737.500 đ, trong đó chi phí mua giống ban đầu là 1.500.000 đ ( Table 3 ). Ngoài chi phí về giống thì chi phí thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn (30,15%) trong tổng chi phí chăn nuôi của hộ. Nguồn thức ăn cho dê gồm ba nhóm chính là thức ăn từ cây trồng, từ khoáng và các phụ phẩm ngành chế biến, trong đó cỏ voi lùn Đài Loan thường được cho dê ăn, có hàm lượng dinh dưỡng cao. Chi phí thức ăn xanh được tính toán dựa trên giá thành của một kg cỏ tươi; chi phí thức ăn công nghiệp, chế phẩm công nghiệp được tính dựa trên đơn giá của các thức ăn phụ phẩm, thức ăn khoáng mà người chăn nuôi chế biến. Thuốc thú y là khoản mục chi phí thấp nhất, trung bình 20.000 đ/con, tương ứng với 0,7% chi phí nuôi 1 con dê.

Table 3 Tổng hợp chi phí nuôi dê thịt cho 1 con/lứa 3 tháng

Kết quả và hiệu quả nuôi dê thịt nhốt chuồng

Kết quả và hiệu quả nuôi dê thịt cho 1 con/3 tháng nuôi được trình bày tại Table 4 . Trọng lượng dê trung bình đến khi xuất bán là 30 kg, tăng khoảng 20 kg so với dê giống đầu vào. Với giá bán dê thịt hiện nay theo khảo sát từ 110.000 đ/kg đến 130.000 đ/kg, doanh thu trung bình là 3.600.000 đ/con, thu nhập từ bán phân dê 135.000 đ/con, tổng doanh thu là 3.735.000 đ/con. Sau khi trừ chi phí nuôi dê ở ( Table 3 ), lợi nhuận còn lại 997.500 đ/con. Các chỉ tiêu cho thấy hộ nuôi dê thịt nhốt chuồng có lợi nhuận từ việc chăn nuôi dê. Cụ thể, với 1 đồng chi phí bỏ ra, hộ thu về 1,36 đồng doanh thu và 0,36 đồng lợi nhuận. Với diện tích trung bình chuồng trại để nuôi 1 con dê là 1,6 m 2 , lợi nhuận tính trên 1m 2 diện tích nuôi là 623.438 đ. Với trọng lượng trung bình của một con dê thịt bán ra là 30 kg, bình quân 1.000.000 đ đầu tư tạo ra 11,64 kg sản lượng.

Table 4 Kết quả và hiệu quả nuôi dê thịt của hộ

Chi phí đầu tư/1 con dê/ 3 tháng đối với các hộ nuôi quy mô dưới 50 con, từ 50 đến 100 con và từ 100 con lần lượt là 2.793.9000 đ, 2.729.800 đ, 2.688.7000 đ ( Table 5 ). Chi phí trong việc đầu tư mở rộng nuôi dê thịt giảm dần khi diện tích tăng lên do chủ hộ có thể tận dụng hết nguồn lực sản xuất hiện có, các biến phí liên quan đến thức ăn, khấu hao phân bổ giảm cũng như khả năng tập trung chuyên môn hoá cao để dẫn đến tổng chi phí nuôi dê giảm. Thực tế, những hộ có QMCN lớn sẽ có lợi thế hình thành liên kết tiêu thụ hơn. Bên cạnh đó, đa phần những hộ nuôi quy mô lớn có khả năng về vốn đầu tư khá tốt, khi thị trường có những biến động có thể có các biện pháp duy trì đàn dê đến thời điểm được giá sẽ xuất bán. Ngược lại, những hộ nuôi quy mô nhỏ thường có xu hướng xuất bán dê khi dê đủ trọng lượng, đồng thời dễ bị thương lái ép giá bán.

Kết quả phân tích theo quy mô cho thấy hiệu quả kinh tế sẽ tăng theo quy mô, cụ thể tỷ lệ lợi nhuận bình quân/1 con của quy mô từ 100 con, từ 50-100 con và dưới 50 con lần lượt là 1.108.4000 đ, 996.800 đ và 887.400 đ. Đồng thời, tỷ suất LN/CP của nhóm nuôi từ 100 con (0,41) cũng cao hơn tỷ suất của hộ nuôi từ 50-100 con (0,37) và dưới 50 con (0,32).

Nếu hộ nuôi thành công, kiểm soát dịch bệnh tốt và giá bán ổn định thì thu nhập đem về cho các hộ khá cao nếu duy trì quy mô đàn lớn. Tuy nhiên, phân tích thực tế cho thấy chưa có xu hướng mở rộng QMCN để gia tăng hiệu quả kinh tế trên địa bàn khi số hộ nuôi quy mô lớn trên 100 con chỉ chiếm 10,17% đa số là các hộ có quy mô trung bình (52%) và quy mô nhỏ (37,9%).

Table 5 Hiệu quả quy mô chăn nuôi tính cho 1 con/lứa 3 tháng

Các yếu tố ảnh hướng đến quyết định mở rộng quy mô nuôi dê thịt nhốt chuồng

Giá trị trung bình của các biến trong mô hình hồi quy

Các biến đưa vào mô hình Logit được tóm tắt tại Table 6 .

Table 6 Giá trị trung bình các biến độc lập

Kết quả hồi quy

Mức độ phù hợp và khả năng dự đoán của mô hình

Giá trị Prob (LR statistic) của mô hình là 0,0000 cho thấy mô hình phù hợp với dữ liệu nghiên cứu. Hệ số R 2 McF = 0,7381 cho thấy trong mô hình này, các biến độc lập giải thích 73,81% sự thay đổi của biến phụ thuộc đó là quyết định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng. 26,19% còn lại đại diện cho sự ảnh hưởng của các yếu tố khác ngoài mô hình chưa được xem xét hết.

Từ 56 quan sát trả lời “Không”, mô hình dự đoán đúng 52 trường hợp, tỷ lệ dự đoán đúng 92,86%. Từ 121 quan sát trả lời “Có”, mô hình dự đoán đúng 112, tỷ lệ dự đoán đúng 92,56%. Tỷ lệ dự đoán đúng chung của mô hình là 92,66% ( Table 7 ).

Table 7 Khả năng dự đoán của mô hình logit

Kiểm định ý nghĩa của hệ số hồi quy

Kết quả ước lượng mô hình ( Table 8 ) cho thấy các biến có ảnh hưởng đến quyết định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng gồm: TĐHV của chủ hộ, DTCN, giá bán, kỳ vọng tăng thu nhập với mức α = 1 %; tham gia tập huấn, tài chính, thuận lợi trong tiêu thụ, lợi nhuận hiện tại với mức α = 5 % và KNCN của chủ hộ, tỷ lệ dê bị bệnh với mức α = 10 %. Hai biến không có ý nghĩa thống kê là Tuổi của chủ hộ và Số lao động.

Table 8 Kết quả ứớc lượng mô hình logit

Phân tích tác động biên

Phân tích tác động biên cho thấy kỳ vọng tăng thu nhập là yếu tố tác động lớn nhất đến quyết định mở rộng QMCN dê thịt. Với xác suất ban đầu 10%, khi hộ có kỳ vọng tăng thu nhập so với hiện tại, trong điều kiện các biến khác không thay đổi, khả năng quyết định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng tăng thêm 68,3%. Trong khi đó, khi tỷ lệ dê bệnh tăng thêm 1% thì khả năng quyết định mở rộng QMCN giảm 6,6%. Table 9 trình bày mức độ và thứ tự tác động của các biến tương ứng với xác suất ban đầu giả định tại 10%.

Table 9 Kết quả tính tác động biên

Thảo luận

Thảo luận kết quả mô hình logit

TĐHV của chủ hộ có β X2 = 1,058, có ý nghĩa thống kê với ý định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng, giả thuyết H 2 được chấp nhận. Như vậy, khi chủ hộ có trình độ càng cao thì càng có xu hướng đầu tư mở rộng QMCN. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Chaitanawisuti, Kritsanapuntu 15 và Phạm Xuân Thanh and Mai Thanh Cúc 13 . Thực tế cho thấy, trình độ chủ hộ càng cao thì càng dễ dàng tiếp thu kiến thức, kỹ thuật phục vụ chăn nuôi và nhận thức được hiệu quả của chăn nuôi theo quy mô lớn. Bên cạnh đó, khả năng phân tích, dự báo thị trường, quản lý sổ sách, nhật ký sản xuất cũng tốt hơn.

Kinh nghiệm chăn nuôi của chủ hộ có β X3 = 0,678, có ý nghĩa thống kê và đúng với kỳ vọng ban đầu, cho thấy kinh nghiệm của chủ hộ có tác động tích cực đến quyết định mở rộng QMCN, giả thuyết H 3 được chấp nhận. Số năm chăn nuôi càng nhiều thì chủ hộ càng có càng có nhiều kiến thức về tập tính của vật nuôi, ưu điểm và hạn chế của từng giống dê thịt, sự hiệu quả của chúng khi đưa vào chăn nuôi. Ngoài ra, nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi giúp chủ hộ có những biện pháp chủ động trong công tác phòng dịch bệnh, giảm thiểu rủi ro trong chăn nuôi. Kết quả này tương đồng với các công trình trước 17 , 14 .

Diện tích chăn nuôi có β X5 = 1,037 và có ý nghĩa thống kê, vậy DTCN tương quan thuận với quyết định mở rộng QMCN, chấp nhận giả thuyết H 5 . DTCN rất quan trọng trong đảm bảo về quy mô chuồng trại, sân chơi cho dê, khu chế biến xử lý thức ăn và đặc biệt là có diện tích trồng cỏ để phục vụ thức ăn xanh. Tuỳ theo QMCN mà các hộ sử dụng diện tích 2.000 m 2 – 3.000 m 2 cỏ. Thông thường, các chủ hộ tận dụng đất vườn, rẫy, các khu đất trống, dốc, bãi ven ao hồ, sông suối hoặc chuyển đổi những cây trồng kém hiệu quả. Vì vậy, khi một hộ có DTCN lớn sẽ thúc đẩy quyết định mở rộng QMCN. DTCN cũng là một trong những yếu tố ảnh hưởng lên hiệu quả nuôi dê tại các quốc gia như Kenya và Uganda 22 , 23 .

Tham gia tập huấn có β X6 =1,671, có tác động tích cực với quyết định mở rộng QMCN dê thịt nhốt chuồng, giả thuyết H 6 được chấp nhận. Tham gia tập huấn giúp người chăn nuôi có thể học hỏi, trao đổi, chia sẻ KNCN, được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông giới thiệu một số giống có năng suất cao, các kỹ thuật làm chuồng trại đảm bảo chăn nuôi tốt, công tác thú y cũng như giới thiệu các bệnh thường gặp trên dê và cách phòng trị. Từ đó, sau chăn nuôi, hộ chăn nuôi có thể áp dụng các kiến thức vào thực tiễn. Kết quả này cũng phù hợp với nghiên cứu trước đây của (Nguyễn Thị Yến Linh, Danh Út 14 .

Biến Tài chính có β X7 = 2,305, tác động dương, có ý nghĩa đến quyết định mở rộng QMCN dê thịt, giả thuyết H 7 được chấp nhận. Kết quả này tương tự nghiên cứu của (Phạm Xuân Thanh and Mai Thanh Cúc 13 . Tuy nhiên, nghiên cứu tại Nam Phi lại cho thấy kết quả ngược lại khi chỉ có 10 % nông dân sẽ đầu tư vào nuôi dê nếu được cấp một khoản tín dụng phải hoàn trả 24 . Bên cạnh chi phí ban đầu về xây dựng chuồng trại, hệ thống phục vụ chăn nuôi, chăn nuôi dê thịt cần thêm chi phí đầu tư về con giống. Với quy mô đàn khoảng 50 con cho một lứa nuôi thì chi phí mua dê thịt đầu vào khoảng 120 triệu đồng. Đây là một khoản đầu tư không nhỏ đối với các hộ gia đình.

Tỷ lệ dê bị bệnh có β X8 = -0,832, cho thấy khi tỷ lệ dê bị bệnh trong đàn càng nhiều, hộ có xu hướng giảm mở rộng QMCN, giả thuyết H 8 được chấp nhận. Mặc dù dê là loài gia súc có sức đề kháng tốt, tuy nhiên khi mắc bệnh cũng làm giảm năng suất, chất lượng và ảnh hưởng trực tiếp tới lợi nhuận chăn nuôi. Tại Nam Phi, người nuôi dê cũng rất đề cao vai trò của khả năng kháng bệnh 24 . Kết quả nghiên cứu của Kumar 25 cho thấy đàn dê lớn hơn lại đi kèm với rủi ro mắc bệnh cao hơn.

Khi hộ có sự thuận lợi trong tiêu thụ, hộ có xu hướng quyết định mở rộng QMCN dê thịt (β X9 = 2,787), chấp nhận giả thuyết H 9 . Trong nghiên cứu của Riedel, Schiborra 12 Phạm Xuân Thanh and Mai Thanh Cúc 13 , yếu tố tiêu thụ cũng ảnh hưởng đến quyết định của hộ. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã có 5 cơ sở giết mổ liên kết với gần 1.000 hộ nuôi dê. Tại xã Phước Thuận huyện Ninh Phước, đã có cơ sở thu mua dê xuất chuồng và các sản phẩm chế biến từ thịt dê để cung cấp cho thị trường. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, không liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu mà chủ yếu mua bán qua trung gian, bị ép giá, dẫn đến tâm lý ngại đầu tư mở rộng.

Giá bán X10 = 0,069) , kỳ vọng tăng thu nhập X11 = 3,482) và lợi nhuận hiện tại ( β X12 = 0,043) đều có tương quan thuận với quyết định mở rộng QMCN dê thịt, giả thuyết H 10 , H 11 và H 12 được chấp nhận. Quyết định mở rộng QMCN là để tăng thu nhập; do đó, khi giá bán tăng, hộ nông dân kỳ vọng thu nhập tăng và lợi nhuận hiện tại từ chăn nuôi dê càng cao thì càng thúc đẩy quyết định mở rộng QMCN để khuếch đại thu nhập

Biến β X1 = -0,084 và β X4 = 1,443, không có ý nghĩa thống kê, vì vậy nghiên cứu bác bỏ giả thuyết H 1 và H 4

Các hàm ý chính sách nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế và và mở rộng quy mô nuôi dê thịt nhốt chuồng

Hàm ý chính sách về tiêu thụ

Tạo lập thị trường thu mua cùng giá cả ổn định sẽ tạo nên tâm lý yên tâm cho hộ chăn nuôi. Để thực hiện mục tiêu này, xây dựng các mô hình liên kết chăn nuôi theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định 09/QĐ – UBND của UBND tỉnh Ninh Thuận là giải pháp căn bản để thu hút nhiều hộ tham gia chăn nuôi, từ đó tạo liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm, kiểm soát chất lượng từ khâu con giống đến sản phẩm cuối cùng. Bên cạnh đó, cần tổ chức lại cách thức sản xuất theo tổ, nhóm: liên kết ngang, dọc chặt chẽ giữa các thành viên trong tổ, nhóm và giữa người chăn nuôi với cơ sở giết mổ để tạo nên chuỗi giá trị đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tháo gỡ những khó khăn trong liên kết sản xuất – bao tiêu, ổn định giá bán từ chính sách tiêu thụ có sự đồng bộ sẽ thúc đẩy kỳ vọng tăng thu nhập của nông hộ, từ đó tác đẩy quyết định mở rộng QMCN.

Hàm ý chính sách về vốn

Ở góc độ người cần vốn, chủ hộ cần chủ động nguồn vốn từ việc tiết kiệm chi phí đầu tư cho đến tiếp cận các chương trình và chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi. Tuy nhiên,. Bên cạnh đó, mặc dù các gói vay của Ngân hàng chính sách xã hội cung cấp cho nông dân vẫn ưu đãi lãi suất 8%-10% nhưng đối tượng vay, số lượng hộ được vay chưa đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Đồng thời thủ tục vay vốn phức tạp so với khả năng của hộ là một rào cản với việc tiếp cận vốn. Do đó, đơn giản hoá thủ tục cấp vốn đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách cho vay vốn là điều thực sự cần thiết để nâng cao khả năng tài chính của nông hộ, thúc đẩy quyết định mở rộng QMCN

Hàm ý chính sách về phòng trừ dịch bệnh

Các hộ dân cần chuẩn bị đủ điều kiện trước khi nuôi lứa mới, bao gồm việc vệ sinh chuồng trại, dụng cụ vật tư cho đến chọn mua giống từ cơ sở có uy tín và cách ly giống từ đầu để không lây bệnh mới vào khu chăn nuôi. Nên ưu tiên mua giống nuôi từ các cơ sở nhân giống có đăng ký sản xuất giống, được lựa chọn nghiêm ngặt, đúng quy trình sản xuất giống, được kiểm dịch và phòng ngừa các bệnh nguy hiểm trong quá trình sản xuất giống. Để đảm bảo hiệu quả về mặt phòng trừ dịch bệnh và về kinh tế, các hộ nên chọn mua các giống cao sản. Ngoài ra, cần chủ động phòng bệnh cho dê bằng vaccine để đồng bộ hiệu quả phòng bệnh cho đàn. Song song với các biện pháp phòng bệnh, điều trị bệnh thông qua kiểm soát con giống, việc đảm bảo quy mô diện tích là rất quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển và hạn chế lây truyền bệnh cho đàn.

Để hỗ trợ hộ chăn nuôi phòng trừ dịch bệnh, chính quyền cần hỗ trợ ngân sách để các trạm khuyến nông mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức không những về kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến mà còn là nhận diện bệnh và phòng bệnh cho dê, từ đó các hộ có thể chủ động phòng bệnh hoặc nhận diện sớm các dấu hiệu bệnh của đàn dê.

Nâng cao năng lực người lao động

Nâng cao TĐHV là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập của mỗi hộ gia đình. Độ tuổi trung bình của chủ hộ là 42,3 nhưng TĐHV trung bình chỉ 7,8 năm. Do đó, nâng cao học vấn và đào tạo nghề cho con em, lao động trong hộ là hết sức cần thiết vì đây là lực lượng lao động kế thừa.

Kiểm soát chi phí

Nhằm đạt được hiệu quả sản xuất đối với chăn nuôi dê thịt nhốt chuồng và cải thiện lợi nhuận hiện tại, các hộ cần kiểm soát chi phí. Các hộ cần xác định quy mô đàn phù hợp với điều kiện vốn, lao động, kỹ thuật và kinh nghiệm, từ đó bố trí nuôi gối đầu, bán và quay vòng vốn. Trong chăn nuôi, chi phí thức ăn thường chiếm từ 60 - 70% giá thành sản phẩm. Vì vậy, tìm các phương án để giảm chi phí thức ăn mà không làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của vật nuôi sẽ là giải pháp hữu hiệu nhất làm giảm chi phí và giá thành sản phẩm chăn nuôi. Giải pháp thực thi nhất là tận dụng triệt để các nguồn nguyên liệu, các phế phụ phẩm của nông nghiệp và hải sản tại địa phương hay trồng các cây thức ăn gia súc, nuôi trùn quế, nuôi cá rô phi sinh sản làm các nguyên liệu chế biến thức ăn.

Kết luận

Bằng phương pháp thống kê mô tả và mô hình hồi quy Logit, nghiên cứu đã đánh giá hiệu quả kinh tế và phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mở rộng quy mô chăn nuôi dê thịt nhốt chuồng. Kết quả nghiên cứu cho thấy chăn nuôi dê thịt đem lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận trên 1 con dê/lứa nuôi 3 tháng là 997.500 đ, tỷ suất LN/CP là 0,36. Hiệu quả kinh tế tăng theo quy mô đàn nhưng đa số hộ dân nuôi dê với quy mô nhỏ nên chưa tận dụng hết hiệu quả kinh tế theo quy mô đem lại. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mở rộng QMCN được xếp theo mức độ tác động gồm: Kỳ vọng tăng thu nhập, thuận lợi trong tiêu thụ, tài chính, tham gia tập huấn, TĐHV của chủ hộ, diện tích chăn nuôi, KNCN của chủ hộ, giá bán, lợi nhuận hiện tại, tỷ lệ bị bệnh. Dựa trên kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất các nhóm hàm ý chính sách về: tiêu thụ, vốn, phòng trừ dịch bệnh, nâng cao năng lực của người lao động, và kiểm soát chi phí.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

QMCN: Quy mô chăn nuôi

TĐHV: Trình độ học vấn

DTCN: Diện tích chăn nuôi

KNCN: Kinh nghiệm chăn nuôi

DT: Doanh thu

CP: Chi phí

LN: Lợi nhuận

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả không có xung đột lợi ích với bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Hoàng Hà Anh lên ý tưởng, phân tích mô hình hồi quy, viết và hiệu chỉnh bản thảo (giới thiệu, phương pháp nghiên cứu, kết quả nghiên cứu, kết luận);

Tác giả Đàng Huy Chương thu thập số liệu, phân tích thống kê mô tả, xây dựng giải pháp.

References

  1. Tổng Cục Thống Kê. Thống kê chăn nuôi năm 2021. 2022. . ;:. Google Scholar
  2. Đinh Văn Bình, Nguyễn Quang Sức. Kỹ thuật chăn nuôi dê: Nhà xuất bản Nông nghiệp; 2014. 90 p. . ;:. Google Scholar
  3. Cục Thống Kê Ninh Thuận. Tổng quan tình hình kinh tế - xã hội Ninh Thuận năm 2020. Ninh Thuận2022. p. 1-504. . ;:. Google Scholar
  4. Morand-Fehr P, Boutonnet JP, Devendra C, Dubeuf JP, Haenlein GFW, Holst P, et al. Strategy for goat farming in the 21st century. Small Ruminant Research. 2004;51(2):175-83. . ;:. Google Scholar
  5. Chamdi AN. Study of socio economic profile of small holder goat farming in Gumelar sub-district Banyumas regency. Animal production. 2004;6(2):61-7. . ;:. Google Scholar
  6. Gül M, Demircan V, Yilmaz H, Yilmaz H. Technical efficiency of goat farming in Turkey: a case study of Isparta province. Revista Brasileira de Zootecnia. 2016;45:328-35. . ;:. Google Scholar
  7. Feleke FB, Berhe M, Gebru G, Hoag D. Determinants of adaptation choices to climate change by sheep and goat farmers in Northern Ethiopia: the case of Southern and Central Tigray, Ethiopia. SpringerPlus. 2016;5:1-15. . ;:. PubMed Google Scholar
  8. Tsiouni M, Aggelopoulos S, Pavloudi A, Siggia D. Economic anxd Financial Sustainability Dependency on Subsidies: The Case of Goat Farms in Greece. Sustainability. 2021;13(13):7441. . ;:. Google Scholar
  9. Văn Đoàn. Người nuôi dê gặp khó: Báo Bình Phước; 2023. . ;:. Google Scholar
  10. Vouraki S, Skourtis I, Psichos K, Jones W, Davis C, Johnson M, et al. A Decision Support System for Economically Sustainable Sheep and Goat Farming. Animals. 2020;10(12):2421. . ;:. PubMed Google Scholar
  11. Akter S, Jabbar MA, S.K.Ehui. Competitiveness and efficiency in poultry and pig production in Viet Nam. Nairobi, Kenya: ILRI (ILCA and ILRAD); 2003. 66 p. . ;:. Google Scholar
  12. Riedel S, Schiborra A, Huelsebusch C, Huanming M, Schlecht E. Opportunities and challenges for smallholder pig production systems in a mountainous region of Xishuangbanna, Yunnan Province, China. Tropical Animal Health and Production. 2012;44:1971-80. . ;:. PubMed Google Scholar
  13. Phạm Xuân Thanh, Mai Thanh Cúc. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phương thức chăn nuôi lợn thịt trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá. Tạp chí Khoa học và Phát triển. 2014;12:928-34. . ;:. Google Scholar
  14. Nguyễn Thị Yến Linh, Danh Út, Nguyễn Thị Mỹ Tiên, Dương Ngọc Thành. Assessing the Economic Efficiency of Intensive and Semi-Intensive Goat Farming Systems in Duyenhai District, Travinh Province. Scientific Journal of Tra Vinh University. 2019;1:12-24. . ;:. Google Scholar
  15. Chaitanawisuti N, Kritsanapuntu S, Natsukari Y. Economic analysis of a pilot commercial production for spotted babylon, Babylonia areolata (Link 1807), of marketable sizes using a flow-through culture system in Thailand. Aquaculture Research. 2002;33(15):1265-72. . ;:. Google Scholar
  16. Tabachnick BG, Fidell LS, Ullman JB. Using multivariate statistics. Boston, MA: Pearson 2013. 516 p. . ;:. Google Scholar
  17. Nguyễn Quế Côi, Nguyễn Quang Minh, Trần Thị Minh Hoàng, Bùi Minh Hạnh. Nghiên cứu xác định mô hình chăn nuôi lợn hướng nạc có hiệu quả kinh tế cao trong nông hộ khu vực đồng bằng sông Hồng. Tạp chí khoa học công nghệ chăn nuôi. 2007;5:56-63. . ;:. Google Scholar
  18. Nguyễn Thị Ngân Hà, Nguyễn Thị Kim Quyên. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia liên kết sản xuất của nông hộ nuôi tôm thẻ chân trắng (Litopenaeus vannamei) theo mô hình thâm canh tại tỉnh Sóc Trăng. Can Tho University Journal of Science. 2022;58:175-83. . ;:. Google Scholar
  19. Armitage CJ, Conner M. Efficacy of the Theory of Planned Behaviour: A meta-analytic review. British Journal of Social Psychology. 2010;40(4):471-99. . ;:. PubMed Google Scholar
  20. Trần Phú Ngọc, Võ Hồng Đức. Các yếu tố hỗ trợ quyết định của nông dân tham gia mô hình "Cánh đầu mẫu lớn" tại An Giang. Tạp chí khoa học Đại học Mở thành phố Hồ Chí Minh. 2017;2:102 - 4. . ;:. Google Scholar
  21. Bùi Ngọc Tuấn Anh, Phạm Xuân Lan. Vai trò của kỳ vọng kết quả và cảm hứng với ý định khởi sự kinh doanh xã hội. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. 2021;32:25-46. . ;:. Google Scholar
  22. Byaruhanga C, Oluka J, Olinga S. Socio-economic aspects of goat farming enterprise in Teso region, Uganda. Uganda Journal of Agricultural Sciences. 2014;15(1):87-100. . ;:. Google Scholar
  23. Chepkosgei LK. Analysis of factors affecting dairy goat farming among small Scale farmers: a case of marakwet east sub county. Kenya: Maasai Mara University Institutional; 2016. . ;:. Google Scholar
  24. Mahanjana A, Cronje P. Factors affecting goat production in a communal farming system in the Eastern Cape region of South Africa. South African Journal of Animal Science. 2000;30(2):149-55. . ;:. Google Scholar
  25. Kumar S. Commercial goat farming in India: An emerging agri-business opportunity. Agricultural Economics Research Review. 2007;20:503-20. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 4 (2023)
Page No.: 4901-4913
Published: Dec 31, 2023
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i4.1284

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Hoang, A., & Dang, C. (2023). Analyzing the production efficiency of meat goat farming and factors influencing the decision to expand the scale of meat goat farming in Ninh Phuoc district, Ninh Thuan province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(4), 4901-4913. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i4.1284

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 15 times
PDF   = 5 times
XML   = 0 times
Total   = 5 times