Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

680

Total

314

Share

The overdue debt interest rate for late payment: From the precedent 09/2016/AL






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This essay analyzes the application of overdue debt interest rates on late payment, focusing on Precedent 09/2016/AL, Resolution No. 01/2019/NQ-HDTP, and subsequent court opinions interpreting them to access the appropriateness of "Legal Situation 1" and "Legal Solution 1" of the Precedent 09/2016/AL. Precedent 09/2016/AL commendably expands the scope of Article 306 of the 2015 Law on Commerce, applying it to a wider range of late payments than just purchase prices or service fees. However, the precedent's reliance on the average market rate for calculating interest collides with the specific regulations outlined in Resolution No. 01/2019/NQ-HĐTP. Crucially, we argue that Precedent 09/2016/AL's narrower interpretation compared to the original court opinion it draws from creates an unnecessary limitation. Therefore, we advocate for a broader application of Precedent 09/2016/AL, extending Article 306's reach to encompass all late payments, not just those related to payment of the purchase price or service fee. The interest rate calculation, meanwhile, would be guided by Resolution No. 01/2019/NQ-HDTP unless stipulated otherwise through the parties’ agreement. Importantly, this constructive rate should not serve as a ceiling for any interest rate negotiations between parties.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong vụ án xét xử giám đốc thẩm theo Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT, nguồn của án lệ số 09/2016/AL, tranh chấp có nguyên đơn là Công ty cổ phần thép Việt Ý và bị đơn là Công ty cổ phần kim khí Hưng Yên liên quan đến bốn hợp đồng mua bán phôi thép. Nguyên đơn, cũng là bên mua, đã trả trước một số tiền để thực hiện bốn hợp đồng này và bị đơn không giao đủ hàng hoá. Nguyên đơn yêu cầu bị đơn giao hàng nhiều lần nhưng không được đáp ứng, nên mua hàng hoá thay thế từ nhà sản xuất khác. Nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bị đơn phải hoàn trả số tiền hàng tương ứng với khối lượng phôi thép chưa giao, tiền phạt vi phạm và tiền bồi thường thiệt hại, cùng với tiền lãi do chậm thanh toán các khoản đó. Vụ án đã qua nhiều lần xét xử và tại cấp giám đốc thẩm, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đã quyết định không tính tiền lãi trên số tiền phạt vi phạt và tiền bồi thường thiệt hại; đồng thời quyết định áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để buộc bên bán phải trả tiền lãi trên số tiền người mua ứng trước tương ứng với số hàng không giao. Tiền lãi được tính dựa trên “mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương”. Các giải pháp trên đã được ghi nhận thành Án lệ số 09/2016/AL.

“Tình huống án lệ 1” trong Án lệ số 09/2016/AL được xác định như sau: “Hợp đồng mua bán hàng hoá vi phạm do bên bán không giao hoặc không giao đủ hàng cho bên mua, dẫn đến việc bên bán có nghĩa vụ hoàn trả số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán.” Như vậy, Tình huống án lệ 1 đặt ra ba yêu cầu để áp dụng giải pháp pháp lý tương ứng là: (i) tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hoá, (ii) bên bán không giao hoặc giao không đủ hàng, và (iii) bên mua có quyền đòi lại số tiền ứng trước và tiền lãi do chậm thanh toán số tiền này. Khi đó, cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại “Giải pháp pháp lý 1” mới được áp dụng, đó là “lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng địa phương tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm), trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.” 1

Có thể nói giải pháp của án lệ này về xác định “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán” được áp dụng tương đối phổ biến trong hoạt động xét xử. Theo kết quả tìm kiếm và thống kê thủ công trên trang thông tin điện tử công bố bản án, quyết định của toà án, có khoảng 55 bản án áp dụng cách tính lãi suất ở “Giải pháp pháp lý 1” trong án lệ số 09/2016/AL. Tại Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Toà án nhân dân tối cao về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, các toà án khi xét xử phải “bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự thì phải được giải quyết như nhau”. Kể từ Án lệ số 07/2016/AL trở về sau này, mục “Khái quát nội dung án lệ” xác định rõ hai phần với tên gọi là “Tình huống án lệ” và “Giải pháp pháp lý”. Từ đó có thể suy ra rằng vụ án đang xét xử phải có tình huống pháp lý tương tự với tình huống pháp lý mà án lệ đưa ra thì mới áp dụng được giải pháp pháp lý tương ứng. Tuy nhiên, phần lớn các bản án được tra cứu áp dụng án lệ số 09/2016/AL có tình huống pháp lý không tương tự với “Tình huống án lệ 1”, như được thảo luận ở các phần tiếp theo. Từ đó nảy sinh ra câu hỏi liệu có phải các toà án đã áp dụng án lệ không đúng tinh thần của Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP.

Mặt khác, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, tại Điều 11, đã đưa ra cách tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán quy định trong Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Như vậy, hiệu lực và giá trị của Án lệ số 09/2016/AL có còn được duy trì hay không khi công thức tính lãi suất trên số tiền chậm trả đã được quy định trong một văn bản quy phạm pháp luật mà hiệu lực của nó là cao hơn án lệ?

Bài viết này nghiên cứu lãi suất nợ quá hạn đối với khoản tiền thanh toán từ góc độ Án lệ số 09/2016/AL, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và các bản án có liên quan áp dụng án lệ này để đánh giá tính hợp lý của Tình huống pháp lý 1 và “Giải pháp pháp lý 1” qua hoạt động áp dụng án lệ của các toà án, từ đó đưa ra các kiến nghị để áp dụng Án lệ số 09/2016/AL.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu pháp luật (doctrinal research) với các thao tác chủ yếu là phân tích và tổng hợp. Nghiên cứu pháp luật được định nghĩa là phương pháp “cung cấp lý giải có tính hệ thống về các quy phạm pháp luật điều chỉnh một lĩnh vực pháp lý cụ thể, phân tích mối quan hệ giữa các quy phạm pháp luật, chỉ ra các điểm khó khăn và, có lẽ, dự báo sự phát triển trong tương lai.” 2 Một nghiên cứu pháp luật sẽ trả lời cho câu hỏi có tính căn bản, đó là luật điều chỉnh một lĩnh vực cụ thể là gì, thông qua việc thu thập, phân tích và tổng hợp các nguồn tư liệu nghiên cứu là luật viết (văn bản quy phạm pháp luật), án lệ và các công trình khoa học 3 . Nghiên cứu pháp luật khám phá xem pháp luật trong một lĩnh vực nào đó có mạch lạc và nhất quán hay không, từ đó đưa ra các kiến giải và cái nhìn mới 4 .

Ở đây, bài viết lựa chọn nguồn tư liệu gốc (primary source) là Án lệ số 09/2016/AL, Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và các bản án có áp dụng án lệ và nghị quyết này làm đối tượng nghiên cứu chủ yếu, để trả lời cho câu hỏi: Án lệ số 09/2016/AL cần được áp dụng như thế nào để buộc bên có nghĩa vụ thanh toán phải trả lãi suất trên số tiền chậm trả?

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Phạm vi áp dụng của Án lệ số 09/2016/AL liên quan đến lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả

Các tình tiết được nêu ra ở “Tình huống án lệ 1” rất cụ thể và bám sát với các tình tiết của tranh chấp trong vụ án, nên mức độ khái quát không nhiều để có thể bao trùm các tình huống liên quan đến chậm thanh toán. Cụ thể, “Tình huống án lệ 1” đòi hỏi các vụ việc áp dụng phải có các tình tiết là: (i) hợp đồng mua bán hàng hoá, (ii) bên bán không giao hoặc giao không đủ hàng, và (iii) bên mua có quyền đòi lại số tiền ứng trước cùng tiền lãi.

Trong khi đó, ở đoạn của Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT được chọn làm “Nội dung án lệ”, hội đồng xét xử giám đốc thẩm đã hướng dẫn như sau:

“Đối với số tiền ứng trước mà không nhận được hàng của 4 hợp đồng kinh tế, […] áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 nhưng không lấy mức lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán (xét xử sơ thẩm) để tính, […] là không đúng. Trong trường hợp này, Toà án cần lấy mức lãi suất quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng tại địa phương […] để tính lại tiền lãi do chậm thanh toán cho đúng quy định của pháp luật”.

Đối chiếu giữa Tình huống án lệ 1 và đoạn được chọn là nội dung án lệ cho thấy mức độ khái quát của Tình huống án lệ 1 không thoát khỏi tình tiết cụ thể của bản án gốc, ngoại trừ việc loại bỏ danh tính của người bán và người mua (xem Table 1 ).

Table 1 So sánh tình huống pháp lý trong “Khái quát nội dung án lệ” và “Nội dung án lệ” liên quan đến lãi suất nợ quá hạn áp dụng cho chậm thanh toán trong Án lệ số 09/2016/AL

Một số toà án khi áp dụng Điều 306 Luật thương mại năm 2005 đã sử dụng chỉ riêng phần “Giải pháp pháp lý 1” của Án lệ số 09/2016/AL để tính tiền lãi trên số tiền chậm thanh toán, chẳng hạn như bản án số 03/2019/KDTM-PT của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã viết như sau “Điều 306 Luật thương mại quy định nếu bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng thì phải trả tiền lãi trên số tiền chậm trả đó theo lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán tương ứng với thời gian chậm trả. Theo Án lệ số 09/2016/AL […] thì lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán là trung bình của ba ngân hàng thương mại” 5 . Trong bản án này, tình tiết hoàn toàn khác với Tình huống án lệ 1, đó là bên mua không thanh toán tiền hàng cho bên bán, chứ không phải bên bán có nghĩa vụ hoàn trả lại tiền ứng trước cho bên mua do không giao hàng. Tình tiết này thoả mãn yêu cầu để áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005, cụ thể là trong “[ t]rường hợp bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng ”.

Tương tự như vậy, một số bản án cho thấy hướng dẫn tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường trong Án lệ số 09/2016/AL được áp dụng cho các vụ việc có tình tiết hoàn toàn khác với các tình tiết nêu ra trong “Tình huống án lệ 1”. Ví dụ, bản án số 10/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội giải quyết tranh chấp về nghĩa vụ thanh toán tiền thuê cừ larsen 6 ; bản án số 125/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh giải quyết yêu cầu thanh toán tiền hàng gia công chậm trả từ hợp đồng gia công hàng hoá 7 . Trong một bản án khác, toà án xác định bên thuê nhà chậm thanh toán tiền thuê nhà nên đã áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 do hợp đồng được ký kết giữa hai pháp nhân và có mục đích lợi nhuận, từ đó áp dụng Án lệ số 09/2016/AL để tính lãi phát sinh trên số tiền chậm trả 8 . Các vụ việc trong các bản án kể trên không giới hạn trong hợp đồng mua bán hàng hoá, và không có tình huống bên bán không giao hàng dẫn đến nghĩa vụ hoàn trả khoản tiền bên mua ứng trước. Vận dụng án lệ trong xét xử như các bản án nêu trên sẽ không thật sự chính xác với yêu cầu của khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP là “ nghiên cứu, áp dụng án lệ, bảo đảm những vụ việc có tình huống pháp lý tương tự phải được giải quyết như nhau ”.

Cho dù tình tiết của các vụ án liệt kê ở trên không khớp, không tương tự với “Tình huống án lệ 1”, các bản án này lại cho thấy một sự thống nhất khác trong việc áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 khi vận dụng “Giải pháp pháp lý 1”. Theo đó, khi toà án phải áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để buộc một bên phải thanh toán một khoản tiền do vi phạm hợp đồng cùng với tiền lãi, tương tự với tình huống trong Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT, toà án sẽ sử dụng cách tính lãi suất của “Giải pháp pháp lý 1”. Như vậy, qua thực tiễn áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử như đã phân tích ở trên, Tình huống pháp lý 1 có lẽ chưa được xác định thoả đáng để tương thích với Giải pháp pháp lý 1, cho dù giải pháp pháp lý này đã đề xuất thống nhất được cách hiểu về “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán” quy định trong Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Tuy nhiên, công thức tính này có thể nói đã bị thay thế bởi Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP như thảo luận dưới đây.

Hiệu lực của công thức tính lãi suất nợ quá hạn của Án lệ số 09/2016/AL từ ngày 15 tháng 3 năm 2019

Án lệ số 09/2016/AL có hiệu lực vào ngày 01 tháng 12 năm 2016 theo Điều 2 Quyết định số 698/QĐ-CA của Chánh án Toà án nhân dân Tối cao ngày 17 tháng 10 năm 2016 về việc công bố án lệ. Sau đó, Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi, lãi suất, phạt vi phạm, có hiệu lực vào ngày 15 tháng 3 năm 2019. Điều 11 của Nghị quyết này hướng dẫn xác định lãi suất trung bình quy định tại Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 với cách tính tương tự với Án lệ 09/2016/AL. Tuy vậy, Điều 11 có nội dung rõ ràng về phạm vi áp dụng và chi tiết hơn về giải pháp. Theo đó, điều luật này được áp dụng khi “ hợp đồng thuộc phạm vi điều chỉnh tại Điều 306 của Luật Thương mại năm 2005 ”, và ngân hàng địa phương để lấy căn cứ tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường được chỉ rõ là “ ngân hàng thương mại có trụ sở, chi nhánh hoặc phòng giao dịch tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi Toà án đang giải quyết, xét xử có trụ sở ”.

Sự xuất hiện của Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP đặt ra câu hỏi về tính hiệu lực của Án lệ số 09/2016/AL liên quan đến lãi suất nợ quá hạn cho số tiền chậm trả. Hiệu lực của án lệ trong tương quan với các loại nguồn khác của pháp luật chưa được quy định tập trung. Tuy nhiên, giới hạn trong quan hệ dân sự nói chung, Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định “ Tòa án áp dụng các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, án lệ, lẽ công bằng để giải quyết vụ việc dân sự khi không thể áp dụng tập quán, tương tự pháp luật theo quy định tại Điều 5 và khoản 1 Điều 6 của Bộ luật dân sự, khoản 1 và khoản 2 Điều này. ” Kết hợp giữa Điều 5 và khoản 1 Điều 6 Bộ luật Dân sự năm 2105 thì thứ tự hiệu lực áp dụng là thoả thuận của các bên, pháp luật, tập quán và tương tự pháp luật. Như vậy, án lệ có thứ tự hiệu lực áp dụng sau các nguồn luật kể trên trong trường hợp có quy định mâu thuẫn hoặc các nguồn luật đó không có quy định.

Về mặt lý luận, hiệu lực của án lệ không thể cao hơn luật do cơ quan lập pháp ban hành. Tuy nhiên, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của nước ta không chỉ giới hạn trong các đạo luật mà còn có các văn bản quy phạm pháp luật do các cơ quan hành pháp và Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân Tối cao ban hành. Dù chưa có một quy định cụ thể về mối quan hệ hiệu lực giữa án lệ và văn bản quy phạm pháp luật nói chung, có thể suy ra rằng án lệ có hiệu lực thấp hơn văn bản quy phạm pháp luật, bởi vì án lệ được công bố bằng một Quyết định của Chánh án Toà án Nhân dân Tối cao là một văn bản dưới luật. Án lệ cũng bị bãi bỏ đương nhiên khi không còn phù hợp với sự thay đổi của pháp luật theo Điều 9 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Có thể nói, án lệ có hiệu lực thấp hơn văn bản quy phạm pháp luật.

Do đó, nội dung của Án lệ số 09/2019/AL liên quan đến tính lãi suất nợ quá hạn cho số tiền chậm trả đã bị thay thế bởi Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP, ít nhất là khi hợp đồng rơi vào phạm vi điều chỉnh của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Quá trình áp dụng pháp luật trong hoạt động xét xử cho thấy một số bản án áp dụng đồng thời cả Án lệ số 09/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP 5 , 9 , 10 , 11 , 12 . Trong khi đó, một số toà án chỉ áp dụng Án lệ số 09/2016/AL 13 , 14 , 15 để xác định lãi suất quá hạn trung bình trên thị trường sau thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực. Các toà án hình như có sự bối rối nhất định trước sự hiện diện và nội dung điều chỉnh gần giống nhau giữa Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP và Án lệ số 09/2016/AL, cho nên một số toà án đã đưa cả hai cơ sở pháp lý vào quyết định của mình.

Về thời hạn tính lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả

Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP cung cấp công thức tính “lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán” quy định trong Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Án lệ số 09/2016/AL nhìn chung cũng cung cấp một công thức tính tương tự. Tuy nhiên, cả hai đều không đưa ra thời hạn áp dụng lãi suất nợ quá hạn cho số tiền chậm trả. Như vậy, thời hạn để tính tiền lãi cho số tiền chậm thanh toán phải căn cứ vào Điều 306, cụ thể là mức lãi suất này sẽ áp dụng cho “thời gian chậm trả”.

Thời gian chậm trả có thể được xác định bắt đầu từ thời điểm nghĩa vụ trả tiền phát sinh và kết thúc tại thời điểm của bản án sơ thẩm. Xác định thời điểm kết thúc của thời gian chậm trả như vậy là để thuận lợi cho việc toà án cấp sơ thẩm tính số tiền lãi phải trả. Nếu chỉ xác định lãi suất mà không tính ra được số tiền phải trả thì việc thi hành án sau này sẽ không thể thực hiện được. Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP cũng đã bổ sung thêm nghĩa vụ trả lãi trên số tiền phải thi hành án trong trường hợp trong hợp đồng các bên không có thoả thuận về trả lãi cho trường hợp chậm thực hiện nghĩa vụ.

Giá trị còn lại của Án lệ số 09 liên quan đến lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả: mở rộng phạm vi áp dụng của Điều 306 Luật Thương mại năm 2015

Điểm đặc sắc của Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT, nguồn của Án lệ số 09/2016/AL nằm ở cách toà án đã áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 vào tình tiết bên mua phải hoàn lại số tiền ứng trước cho bên bán. Điều luật này lẽ ra chỉ áp dụng cho trường hợp “bên vi phạm hợp đồng chậm thanh toán tiền hàng hay chậm thanh toán thù lao dịch vụ” . Nghĩa là bên vi phạm hợp đồng là bên mua trong hợp đồng mua bán, bên sử dụng dịch vụ trong hợp đồng dịch vụ.

Tranh chấp trong Quyết định trên không phát sinh từ vi phạm hợp đồng của bên mua, mà do bên bán không giao hàng dẫn đến bên mua khởi kiện để đòi lại số tiền hàng đã thanh toán trước. Yêu cầu đó của bên mua, là nguyên đơn, được chấp nhận và toà án áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để tính lãi trên khoản tiền được hoàn lại đó.

Hội đồng xét xử đã vận dụng hợp lý Điều 306 để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của bên mua. Chậm thanh toán tiền hàng, chậm thanh toán thù lao dịch vụ hay chậm hoàn lại một khoản tiền mà một bên có nghĩa vụ trả lại đều có chung một điểm tương đồng, đó là nghĩa vụ trả một số tiền 16 .

Trong rất nhiều những bản án khảo sát, mà hầu hết đều liên quan đến bên mua hay bên sử dụng dịch vụ không thanh toán tiền hàng hoặc thù lao dịch vụ, có một bản án mà toà án buộc bên mua phải hoàn lại tiền ứng trước cho bên bán, trên cơ sở đó áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và Án lệ số 09/2016/AL để buộc bên có nghĩa vụ phải thanh toán thêm tiền lãi 17 . Điều đó một lần nữa cho thấy rất ít vụ việc nào lại có tình tiết tương tự với Tình huống án lệ 1.

Có vẻ như Án lệ 09/2016/AL đã không làm rõ một giải pháp pháp lý thoả đáng từ Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT, dù có đề cập đến. Từ một bản án, nhiều quy phạm pháp luật có thể được hình thành với phạm vi áp dụng rộng hay hẹp khác nhau, tuỳ thuộc vào mục đích của người vận dụng án lệ.(Tham khảo về sự tạo lập quy tắc xử sự chung từ án lệ 18 ) Nhiệm vụ của người áp dụng án lệ là tìm ra các điểm tương tự trong tình huống án lệ với tình huống vụ việc mình đang xem xét trên cơ sở đối chiếu tình tiết vụ việc 16 .

Table 2 thể hiện sự đối chiếu tình tiết trong hai bản án áp dụng Án lệ số 09/2016/AL và án lệ này (Xem thêm 16 ).

Table 2 Đối chiếu tình tiết trong Án lệ số 09/2016/AL và bản án số 10/2019/KDTM-ST 6 và bản án số 02/2019/KDTM-ST 17

Tình tiết giữa các vụ việc toà án áp dụng Án lệ số 09/2016/AL với tình tiết trong án lệ không hoàn toàn giống nhau, kể cả trong vụ án của bản án số 02/2019/KDTM-ST liên quan đến hoàn trả số tiền ứng trước trong hợp đồng mua bán. Thế nhưng các tình tiết đều có các đặc điểm chung thể hiện như ở Table 2 .

Như vậy, tình huống pháp lý nếu cần thiết phải được khái quát hoá thì nên được viết thể hiện các đặc điểm chung, khi đó cũng bao trùm các tình tiết cho dù là khác nhau giữa các vụ việc khác nhau miễn là chia sẻ cùng các đặc điểm chung đó. Giải pháp pháp lý đề xuất ở đây là: “Trong hợp đồng thương mại, khi một bên đã thực hiện nghĩa vụ của mình và bên kia vi phạm nghĩa vụ đối ứng làm phát sinh trách nhiệm trả một khoản tiền nhưng chậm thanh toán” . Từ đó phạm vi áp dụng của Điều 306 Luật Thương mại năm 2015 được mở rộng, không còn giới hạn trong trường hợp bên mua chậm thanh toán tiền hàng, bên sử dụng dịch vụ chậm thanh toán thù lao dịch vụ. Phạm vi của Án lệ số 09/2016/AL sẽ vượt ra khỏi tình huống hợp đồng mua bán hàng hoá và trách nhiệm phải hoàn trả lại tiền ứng trước khi không giao hàng. Giải pháp pháp lý tương ứng gợi ý là “ áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để tính tiền lãi trên số tiền chậm trả với lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường vào thời điểm thanh toán” . Công thức tính lãi suất sẽ theo quy định của Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP như đã thảo luận ở trên.

Table 2 cũng cho thấy một điểm cần lưu ý nữa khi áp dụng Án lệ số 09/2016/AL, đó là án lệ này thực tế không thể là cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp trong bản án số 10/2019/KDTM-ST được nữa vì vào thời điểm của bản án sơ thẩm này là sau ngày 15 tháng 3 năm 2019. Nói cách khác, các tình tiết đã thoả mãn yêu cầu của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 về chậm thanh toán tiền hàng, và toà án lẽ ra phải và chỉ cần áp dụng Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP để tính lãi suất chậm trả, nhưng đã không làm như vậy.

Trong khi đó, bản án số 02/2019/KDTM-ST là một ví dụ hoàn chỉnh cho việc áp dụng án lệ để mở rộng phạm vi áp dụng của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 với tình tiết 2C khác hẳn tình tiết 2A. Ngoài ra, vi phạm của một bên là giao hàng kém chất lượng, do vậy không tương đồng với tình huống liên quan đến không giao hàng của Án lệ số 09/2016/AL. Nói chung, Án lệ số 09/2016/AL của hiện tại chỉ còn giá trị mở rộng phạm vi áp dụng của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 mà thôi.

Thật ra, nghĩa vụ phải trả một số tiền có thể phát sinh trong những tình huống khác ngoài vi phạm hợp đồng như trường hợp của hợp đồng vô hiệu hay huỷ hợp đồng theo thoả thuận của các bên. Câu hỏi đặt ra là liệu Án lệ số 09/2016/AL có áp dụng để tính lãi trên số tiền chậm trả lúc này hay không 19 . Trả tiền là hậu quả của các sự kiện trên không xuất phát từ vi phạm hợp đồng, mà sự kiện vi phạm vốn là tinh thần của Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và tình huống pháp lý 1 của Án lệ số 09/2016/AL để kích hoạt việc tính lãi suất cho số tiền chậm trả như đã thảo luận ở trên. Vì vậy thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền là quan trọng để trả lời cho câu hỏi liệu có xảy ra sự kiện chậm trả hay không. Vì mục đích của bài viết này không phải là để xác định thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền nên chỉ có thể đi đến kết luận như sau: Tự bản thân sự kiện huỷ hợp đồng do thoả thuận hoặc hợp đồng vô hiệu làm phát sinh nghĩa vụ hoàn trả một số tiền không đủ để áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 và Án lệ số 09/2016/AL để tính lãi suất trên số tiền phải trả.

Áp dụng Án lệ số 09/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP khi các bên có thoả thuận khác về lãi suất nợ qua hạn trên số tiền chậm trả hoặc theo yêu cầu về lãi suất của nguyên đơn

Phần “Khái quát nội dung án lệ” trong Án lệ số 09/AL/2016 liên quan đến tính lãi suất nợ quá hạn đã loại trừ ra khỏi phạm vi áp dụng trường hợp các bên có thoả thuận khác.

Các tình tiết được trình bày trong Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT, nguồn Án lệ số 09/AL/2016, cho thấy các bên không thoả thuận về hoàn lại số tiền ứng trước và tiền lãi cho số tiền đó. Tuy nhiên, trong Quyết định này cũng cho thấy, toà án cấp sơ thẩm quyết định áp dụng mức lãi suất nợ quá hạn dựa trên lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tại thời điểm xét xử là theo yêu cầu của nguyên đơn. Mức lãi suất này bị bác bỏ nhưng trong Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT không nói rõ liệu mức lãi suất nguyên đơn yêu cầu cao hay thấp hơn mức lãi suất nợ quá hạn trung bình của ít nhất ba ngân hàng địa phương tại thời điểm xét xử sơ thẩm. Nếu như cách tính lãi suất theo yêu cầu của nguyên đơn mà có lợi cho bị đơn hơn so với cách tính lấy lãi suất trung bình trên thị trường thì cần phải được tôn trọng, để phù hợp với nguyên tắc quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự theo Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Trên thực tế, một số bản án áp dụng Án lệ số 09/AL/2016 đã bám sát tinh thần về quyền tự định đoạt của đương sự 6 , 14 , 15 , 20 . Ví dụ như trong bản án số 02/2020/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng, hội đồng xét xử đã so sánh mức lãi suất tính theo hướng dẫn của Án lệ số 09/AL/2016 (1,26%/tháng) với mức lãi suất mà nguyên đơn yêu cầu (1,25%/tháng) để chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn 21 .

Một số toà án khi tiếp cận vấn đề này lại có xu hướng coi cách tính lãi suất nợ quá hạn của “Giải pháp pháp lý 1” như là mức trần khống chế thoả thuận của các bên. Trong bản án số 34/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh, hội đồng xét xử lập luận “[…] hai bên thoả thuận lãi quá hạn là 1.0%/tháng […] Quá trình thu thập chứng cứ của Toà án cho thấy mức lãi suất 1.0%/tháng mà nguyên đơn yêu cầu để tính lãi là thấp hơn mức lãi suất nợ quá hạn trung bình […] của ba ngân hàng22 . Toà án nhân dân huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông xác định “[…] việc các bên thoả thuận mức lãi suất 2%/tháng tương ứng với 24%/năm là vượt quá mức lãi suất do pháp luật quy định […] thì chỉ có căn cứ chấp nhận mức lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán[…]9 . Cách tiếp cận coi mức lãi suất nợ quá hạn tính theo Án lệ số 09/2016/AL là ngưỡng tối đa đặt ra cho trường hợp có thoả thuận như vậy không phù hợp với quy định của Điều 306 Luật Thương mại 2005, vốn không đặt ra mức trần của thoả thuận về lãi suất trên khoản tiền chậm trả. Nghị quyết số 01/2019/NQ-CP cũng đặt ưu tiên cho sự thoả thuận của các bên và chỉ áp dụng công thức tính lãi suất nợ quá hạn khi không có thoả thuận chứ không đặt ra mức khống chế cho thoả thuận.

KẾT LUẬN VÀ CÁC ĐỀ XUẤT

Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT đã cung cấp chất liệu tốt, đáp ứng được các tiêu chí lựa chọn án lệ ở Điều 2 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP. Giải pháp từ Quyết định này nhìn chung có thể coi như có tính chuẩn mực, có thể áp dụng cho các bản án tiếp theo có tình tiết tương tự, từ đó có giá trị áp dụng thống nhất pháp luật. Án lệ số 09/2016/AL đã chỉ ra được đoạn viết đặc sắc và hợp lý để làm nội dung án lệ. Mặc dù vậy, Án lệ số 09/2026/AL và bản thân Quyết định số 07/2013/KDTM-GĐT vẫn còn có những điểm cần được đánh giá lại trên cả phương diện lý luận lẫn áp dụng pháp luật.

Thứ nhất, “Khái quát nội dung án lệ” liên quan đến tính lãi suất trên số tiền chậm trả đã được soạn với phạm vi quá hẹp và không thể hiện hết các giải pháp pháp lý cần có. Cụ thể là giới hạn trong tình huống bên bán đã ứng trước tiền hàng nhưng bên mua không giao hàng làm phát sinh trách nhiệm của bên mua là hoàn trả lại số tiền đã nhận. Vì không đạt được tính khái quát nên việc áp dụng sẽ gặp khó khăn để thoả mãn yêu cầu có tính nguyên tắc của án lệ và cũng là tinh thần của của khoản 2 Điều 8 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP. Đó là những vụ việc có tình tiết tương tự sẽ được giải quyết tương tự. Để khắc phục được hạn chế này, các toà án khi áp dụng Án lệ số 09/2016/AL không nên lệ thuộc vào phần “Khái quát nội dung án lệ” mà lập luận trực tiếp dựa trên phần “Nội dung án lệ” để rút ra tình huống pháp lý chung: trong hợp đồng thương mại, khi một bên đã thực hiện nghĩa vụ của mình và bên kia vi phạm nghĩa vụ đối ứng làm phát sinh trách nhiệm trả một khoản tiền nhưng chậm thanh toán. Từ đó áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005 để tính lãi suất trên số tiền chậm trả.

Thứ hai, giải pháp tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán cần được phân biệt và áp dụng độc lập với giải pháp mở rộng phạm vi áp dụng Điều 306 Luật Thương mại năm 2005. Trên cơ sở của sự phân biệt này, phần liên quan đến công thức tính lãi suất nợ quá hạn trung bình trên thị trường tại thời điểm thanh toán theo Án lệ số 09/2016/AL được thay bằng Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP. Phần liên quan đến mở rộng phạm vi áp dụng Điều 306, cũng chính là điểm đặc sắc của án lệ này, vẫn giữ nguyên giá trị áp dụng.

Thứ ba, khi áp dụng tính lãi suất theo Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP trong trường hợp các bên không thoả thuận trước, yêu cầu của nguyên đơn cũng phải được xem xét ưu tiên khi lãi suất nguyên đơn đề nghị thấp hơn mức được tính theo công thức của Điều 11. Một mặt, mức lãi suất này có lợi cho bị đơn, mặt khác đảm bảo nguyên tắc về quyền tự định đoạt của đương sự quy định tại Điều 5 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015.

Thứ tư, mức lãi suất tính theo công thức quy định trong Điều 11 Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP không phải là mức trần áp dụng cho các thoả thuận của các bên về lãi suất cho số tiền chậm trả.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật / ĐHQG TP. HCM trong đề tài mã số: CS/2020-09

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Trịnh Thục Hiền chịu trách nhiệm nội dung: Đặt vấn đề; Phương pháp nghiên cứu; Hiệu lực của công thức tính lãi suất nợ quá hạn của Án lệ 09/2016/AL từ ngày 15 tháng 3 năm 2019; Về thời hạn tính lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả; Giá trị còn lại của Án lệ số 09 liên quan đến lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả: mở rộng phạm vi áp dụng của Điều 306 Luật Thương mại năm 2015; Áp dụng Án lệ số 09/2016/AL và Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP khi các bên có thoả thuận khác về lãi suất nợ qua hạn trên số tiền chậm trả hoặc theo yêu cầu về lãi suất của nguyên đơn Kết luận và các đề xuất

Nguyễn Trường Ngọc chịu trách nhiệm nội dung: Mục Phạm vi áp dụng của Án lệ số 09/2016/AL liên quan đến lãi suất nợ quá hạn đối với số tiền chậm trả.

References

  1. Lưu Tiến Dũng. 37 Án lệ đầu tiên của Việt Nam: Phân tích và luận giải. Hà Nội: NXB Tư pháp; 2020. . ;:. Google Scholar
  2. Terry Hutchington. Doctrinal research: Researching the jury. Trong: Dawn Watkins, Mandy Burton, biên tập viên. Research methods in law. Tái bản lần thứ hai. New York: Routledge; 2018. . ;:. Google Scholar
  3. Phạm Duy Nghĩa. Phương pháp nghiên cứu luật học. Hà Nội: NXB Công An Nhân Dân; 2014. . ;:. Google Scholar
  4. Micheal Pendleton. Rejecting the Dominance of Emperical Legal Scholarship - A Better Way of Choosing, Researching and Writing a Scholarly Article. Trong: Mike McConville, Wing Hong Chui, biên tập viên. Research Methods for Law. tái bản lần thứ hai. Edinburgh: Edinburgh University Press; 2017. . ;:. Google Scholar
  5. Bản án số 03/2019/KDTM-PT của Toà án nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  6. Bản án số 10/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội [Internet]. 2021. . ;:. Google Scholar
  7. Bản án số 125/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  8. Bản án số 18/2021/KDTM-PT của Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng [Internet]. . ;:. Google Scholar
  9. Bản án số 01/2020/KDTM-ST của Toà án nhân dân huyện Đắk Mik, tỉnh Đắk Nông [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  10. Bản án số 19/2020/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội [Internet]. [cited 21 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  11. Bản án số 02/2023/KDTM-PT của Toà án nhân dân tỉnh Điện Biên [Internet]. [cited 19 Tháng Bảy 2023]. . ;:. Google Scholar
  12. Bản án số 12/2021/KDTM-PT của Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng [Internet]. [cited 19 Tháng Bảy 2023]. . ;:. Google Scholar
  13. Bản án số 05/2020/KDTM-ST của Toà án nhân dân Thành phố Bắc Kạn, tỉnh Bắc Kạn [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  14. Bản án số 04/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân huyện Eakar, tỉnh Đắk Lắk [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  15. Bản án số 01/2023/KDTM-PT của Toà án nhân dân tỉnh Bình Phước [Internet]. [cited 19 Tháng Bảy 2023]. . ;:. Google Scholar
  16. Trịnh Thục Hiền, Nguyễn Ngọc Thứ. Ratio Decidendi trong án lệ Anh và các gợi mở cho pháp luật Việt Nam. Tạp chí Khoa học pháp lý Việt Nam. 2023;04(164):76–87. . ;:. Google Scholar
  17. Bản án số 02/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  18. Trịnh Thục Hiền. Án lệ Việt Nam: Một biến thể của văn bản quy phạm pháp luật?. Nhà nước và Pháp luật. 2019; 5(373):3–14. . ;:. Google Scholar
  19. Đỗ Văn Đại. Lãi chậm trả trong quan hệ thương mại. Tạp chí Khoa học pháp lý. 2017; 03(106). . ;:. Google Scholar
  20. Bản án số 04/2022/KDTM-ST của Toà án nhân dân tỉnh Bình Dương [Internet]. [cited 19 Tháng Bảy 2023]. . ;:. Google Scholar
  21. Bản án số 02/2020/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Sơn Trà thành phố Đà Nẵng [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar
  22. Bản án số 34/2019/KDTM-ST của Toà án nhân dân quận Bình Thạnh, thành phố Hồ Chí Minh [Internet]. [cited 24 Tháng Giêng 2021]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 1 (2024)
Page No.: 5121-5129
Published: Mar 31, 2024
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i1.1288

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Trinh, H., & Nguyen, N. (2024). The overdue debt interest rate for late payment: From the precedent 09/2016/AL. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 8(1), 5121-5129. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i1.1288

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 680 times
PDF   = 314 times
XML   = 0 times
Total   = 314 times