Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1538

Total

950

Share

The communist party’s viewpoints of marine economic development in innovation period






 Open Access

Abstract

Marine economy include economic activities taking place on the sea and is directly related to the exploitation of the sea in the coastal strip of land. Vietnam is a maritime country with strategic position advantages for both the region and the world. Therefore, the marine economy has become a part of the national economy and significantly contributed to the national economic development strategy. During the revolutionary leadership process, the Communist Party of Vietnam has been aware of the important role of the marine economy in the overall economy, sovereignty protection, especially during the comprehensive reform period of the country. In order to provide an systematic review of the developing process of the thinking and reasoning of the Party on the marine economic development during the reform period, this article analyzes the Party's view on marine economic development through the congresses from 1986 up to now. On that basis, the article also mentions the Party's viewpoint on some solutions for a sustainable development of the Vietnam’s marine economy during the period of accelerating industrialization, modernization and international integration such as communicating, raising social awareness, constantly improving institutions and policies, planning, and promoting the development of science, technology and marine human resources so as to create a breakthrough for sustainable development of the marine economy.

 

Mở đầu

Việt Nam là một quốc gia có 3 mặt tiếp giáp biển, với vùng biển rộng hơn một triệu km², gấp hơn 3 lần diện tích đất liền, có 28/63 tỉnh thành phố nằm ven biển và là nơi sinh sống của hơn 1/5 dân số cả nước. Từ bao đời nay, biển luôn gắn bó chặt chẽ với mọi hoạt động sản xuất, đời sống của dân tộc Việt Nam. Bước vào thời kì đổi mới, kinh tế biển, các vùng ven biển ngày càng đóng góp to lớn và giữ vai trò quan trọng trong tổng thể kinh tế cả nước, đang trở thành động lực phát triển đất nước gắn liền với bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia. Vì vậy, phát triển kinh tế biển là một vấn đề nổi bật trong chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước.

Nội dung nghiên cứu

Quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển qua các kì đại hội từ năm 1986 đến nay

Kinh tế biển có thể hiểu là các hoạt động kinh tế diễn ra trên biển và các hoạt động kinh tế trực tiếp liên quan đến khai thác biển ở dải đất liền ven biển. Việt Nam là một quốc gia có biển với những ưu thế về vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng đối với khu vực và trên thế giới. Các lĩnh vực kinh tế liên quan đến biển ngày càng có vai trò quan trọng đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên, nhận thức về kinh tế biển phải căn cứ vào xu thế của thế giới, thực trạng kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của Việt Nam để hoạch định chiến lược phát triển kinh tế biển cho phù hợp.

Trước đổi mới, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V (1982) Đảng ta nhận thức về kinh tế biển là các hoạt động “đẩy mạnh đánh bắt, nuôi thủy sản ở các vùng nước mặn, nước lợ và nước ngọt. Tăng nhanh lực lượng đánh bắt biển và chế biến hải sản của Trung ương và của địa phương; phát triển đội tàu biển, xây dựng, mở rộng và quản lý tốt hệ thống cảng biển; thực hiện tốt việc hợp tác với Liên Xô nhằm đẩy mạnh thăm dò và tiến tới khai thác dầu, khí ở thềm lục địa phía nam”[ 1 , tr.211]. Như vậy, kinh tế biển được Đảng ta tiếp cận như một cơ cấu phức hợp và đa dạng, gồm nhiều ngành nghề có những quan hệ nội tại gắn bó mật thiết với nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển. Tuy nhiên, chưa có chủ trương bố trí lại lực lượng sản xuất, lực lượng lao động, đưa dân ra vùng biển, xây dựng nền kinh tế biển một cách toàn diện; chưa chú trọng kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh trên biển; việc hoạch định chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển chưa được đề cập.

Trong thời kì đổi mới, Đảng ta nhận thức ngày càng rõ hơn về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế biển đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và quốc phòng, an ninh. Bước vào thời kì đổi mới toàn diện đất nước, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI (1986) đánh dấu bước chuyển quan trọng trong tư duy lí luận của Đảng. Một trong những tư tưởng lớn bao trùm xuyên suốt đường lối đổi mới là xóa bỏ cơ chế quản lí kinh tế tập trung quan liêu, bao cấp, xây dựng cơ chế mới phù hợp với quy luật khách quan và với trình độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận thức về phát triển kinh tế biển mới dừng lại ở mức độ “sắp xếp hợp lý lực lượng lao động ngư nghiệp, khuyến khích nhân dân phát triển, nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, mở mang ngành nghề ven biển…Ngư trường vùng biển Tây Nam nước ta là ngư trường trọng điểm có ý nghĩa lớn về kinh tế, quốc phòng, an ninh” [ 2 , tr.170]. Đồng thời đẩy mạnh “thăm dò và khai thác dầu ở thềm lục địa phía nam” [ 3 , tr.185].

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII (1991), trong chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000 xác định: “ Từng bước khai thác toàn diện các tiềm năng to lớn của kinh tế biển, phát triển kinh tế ở hải đảo, làm chủ lãnh hải và thềm lục địa, thực hiện chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế” [ 3 , tr.353]. Các tỉnh ven biển phát huy thuận lợi mở cửa ra bên ngoài, điều chỉnh phương hướng sản xuất và xây dựng thích nghi với điều kiện bất lợi về thiên tai, phát triển và bảo vệ kinh tế gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Đây là quan điểm tạo bước ngoặt quan trọng trong phát triển kinh tế biển. Lần đầu tiên Đảng ta đề cập phát triển kinh tế biển là khai thác toàn diện mọi tiềm năng từ biển đem lại, đồng thời phát triển kinh tế phải kết hợp với bảo vệ chủ quyền, tăng cường quốc phòng và an ninh trên các vùng biển, đảo nước ta.

Thực hiện quan điểm Đại hội VII, ngày 06-5-1993 Bộ Chính trị ra nghị quyết về một số nhiệm vụ phát triển kinh tế biển trong những năm trước mắt. Nghị quyết chủ trương đẩy mạnh phát triển kinh tế biển đi đôi với bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia; bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái biển phấn đấu đưa nước ta trở thành một nước mạnh về biển vào năm 2020. Nghị quyết 03 của Bộ Chính trị đã thể hiện rõ nhận thức của Đảng về vị trí, vai trò của kinh tế biển trong tiến trình phát triển của quốc gia.

Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII (1996) đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, khẳng định nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, nhưng một số mặt còn chưa vững chắc. Nhiệm vụ của chặng đường đầu thời kỳ quá độ là chuẩn bị tiền đề cho công nghiệp hóa đã cơ bản hoàn thành, cho phép chuyển sang thời kì mới đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Phương hướng, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (1996-2000) Đảng xác định: “kết hợp phát triển các vùng kinh tế trọng điểm với các vùng khác, tạo điều kiện cho các vùng đều phát triển, phát huy được lợi thế của mỗi vùng” [ 3 , tr.546]. Theo đó, Đảng chủ trương phát triển kinh tế biển với phương trâm “phát triển đồng bộ và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng ven biển và các huyện đảo, gắn với vùng kinh tế trọng điểm. Hình thành các trung tâm kinh tế biển, các đô thị lớn, các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu du lịch và thương mại…” [ 3 , tr.584]. Quy hoạch phát triển kinh tế biển trong một chương trình liên kết các ngành kinh tế quan trọng tạo ra nguồn tích lũy cao và ổn định cho nền kinh tế quốc dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần tập trung lãnh đạo.

Như vậy, điểm mới trong quan điểm của Đảng về phát triển kinh tế biển ở Đại hội VIII là phát triển kinh tế biển nhằm phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo đó, ngày 22-9-1997 Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 20 CT/TW về đẩy mạnh phát triển kinh tế biển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và đưa ra một số quan điểm phát triển kinh tế biển, khẳng định thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa kinh tế biển hướng vào xuất khẩu, dựa trên những tiến bộ khoa học, công nghệ làm động lực vừa thúc đẩy nghiên cứu, quản lý, khai thác tiềm năng biển có hiệu quả, vừa tái tạo tài nguyên biển, bảo vệ môi trường, đào tạo nhân lực.

Thực hiện mục tiêu trở thành một quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển, Đại hội IX của Đảng (4-2001) khẳng định: “ xây dựng chiến lược phát triển kinh tế biển và hải đảo, phát huy thế mạnh đặc thù của hơn một triệu km² thềm lục địa. Tăng cường điều tra cơ bản làm cơ sở cho các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế biển. Đẩy mạnh công tác nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản; thăm dò khai thác, chế biến dầu khí; phát triển đóng tàu thuyền và vận tải biển, mở mang du lịch” [ 3 , tr.181]. Như vậy, ở Đại hội IX Đảng ta đã nhận thức về phát kinh tế biển là vấn đề quan trọng đối với chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, vì thế cần thiết phải có một chiến lược phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Vì thế, Đại hội chủ trương phát triển kinh tế biển: “tiến mạnh ra biển và làm chủ vùng biển; phát triển tổng hợp kinh tế biển và ven biển; khai thác lợi thế của các khu vực cửa biển, hải cảng để tạo thành vùng phát triển cao, thúc đẩy các vùng khác. Xây dựng căn cứ hậu cần ở một số đảo để tiến ra khơi. Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế biển với bảo vệ an ninh trên biển”[ 3 , tr.182].

Đại hội X của Đảng (4-2006) đưa ra quan điểm chỉ đạo phát triển mạnh kinh tế biển đối với các thành phố ven biển và hải đảo, các địa phương có tiềm năng, lợi thế về biển nhằm “xây dựng và thực hiện chiến lược phát triển kinh tế biển toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm; sớm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển nhằm xây dựng trong khu vực, gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh và hợp tác quốc tế. Phát triển hệ thống cảng biển, vận tải biển, khai thác và chế biến dầu khí, hải sản, dịch vụ biển; đẩy nhanh các ngành công nghiệp đóng tàu biển và công nghiệp khai thác, chế biến hải sản. Phát triển mạnh, đi trước một bước một số vùng kinh tế biển và hải đảo” [ 4 , tr.93]. Với những chủ trương và biện pháp được triển khai đã tạo ra bước đột phá về phát triển kinh tế. Kinh tế biển và vùng ven biển đã đóng góp gần 50% GDP của cả nước (riêng kinh tế biển chiếm hơn 20%).

Trên cơ sở quan điểm Đại hội IX, X và thực tế quy mô kinh tế biển ở nước ta chưa tương xứng với tiềm năng. Yêu cầu cấp bách đối với Đảng và Nhà nước cần nâng các quan điểm lên tầm chiến lược. Đáp ứng yêu cầu đó, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa X đã thông qua nghị quyết về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 (Nghị quyết số 09 NQ/TW ngày 2-9-2007). Trong đó, quan điểm chỉ đạo là “nước ta phải trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển trên cơ sở phát huy mọi tiềm năng biển, phát triển toàn diện các ngành, nghề biển với cơ cấu phong phú, hiện đại, tạo ra tốc độ phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả cao với tầm nhìn dài hạn” [ 5 , tr.92]. Mục tiêu phấn đấu “đến năm 2020 kinh tế biển đóng góp khoảng 53-55% CDP, 55-56% kim ngạch xuất khẩu của cả nước, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện một bước đáng kể đời sống nhân dân vùng ven biển” [ 5 , tr.93].

Đại hội XI của Đảng (1-2011) một lần nữa khẳng định: “Phát triển mạnh mẽ kinh tế biển tương xứng với vị thế và tiềm năng biển của nước ta, gắn phát triển kinh tế biển với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vùng biển. Nhiệm vụ cụ thể là phải “Phát triển nhanh một số khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, xi măng, chế biến thủy sản chất lượng cao… Đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, tạo thành các trung tâm kinh tế biển mạnh, tạo thế tiến ra biển, gắn với phát triển đa dạng các ngành dịch vụ, nhất là các ngành có giá trị tăng cao như dịch vụ xuất, nhập khẩu, du lịch, dịch vụ nghề cá, dịch vụ dầu khí, vận tải… Phát triển cảng biển, dịch vụ cảng và vận tải biển; phát triển các đội tàu, công nghiệp đóng mới và sử chữa tàu biển… Phát triển kinh tế đảo phù hợp với vị trí, tiềm năng và lợi thế của từng đảo”[ 6 , tr.121].

Tổng kết 30 năm đổi mới và 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Đảng ta đánh giá “Kinh tế biển đã chuyển biến đáng kể, với quy mô tăng nhanh và có những đóng góp quan trọng vào kết quả phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Cơ cấu ngành kinh tế biển và ven biển chuyển dịch tích cực, đời sống nhân dân được cải thiện, an sinh xã hội từng bước được bảo đảm; nhiệm vụ quốc phòng an ninh trên biển được củng cố và tăng cường” [ 7 , tr.142-143]. Các vùng biển, các địa phương có biển đã trở thành khu vực phát triển năng động, thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và ngoài nước, tạo động lực phát triển, mở cửa, hội nhập quốc tế, với mức đóng góp vào GDP cả nước luôn đạt trên 60% trong giai đoạn 2007 – 2017. Tuy nhiên, “kinh tế biển phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước” [ 8 , tr.85].

Từ những đánh giá nêu trên và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2016-2021). Kế thừa quan điểm các kì đại hội trước, Đại hội XII (1-2016) Đảng chủ trương “Phát triển mạnh kinh tế biển nhằm tăng cường tiềm lực kinh tế quốc gia và bảo vệ chủ quyền biển đảo. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp dầu khí, đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá, kinh tế hàng hải (kinh doanh dịch vụ cảng biển, đóng và sửa chữa tàu, vận tải biển), du lịch biển, đảo. Có cơ chế tạo bước đột phá về tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế biển, thu hút mạnh hơn mọi nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững.”[ 8 , tr. 94-95]. Đây là điểm mới trong tư duy của Đảng về phát triển kinh tế biển. Quan điểm trên phù hợp với tình hình thực tiễn thế giới và Việt Nam hiện nay. Hiện nay, những thách thức toàn cầu, nhất là suy thoái và ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu đã và đang đe dọa nghiêm trọng sức khỏe biển và đại dương trên toàn thế giới cũng như tại Việt Nam. Nhìn lại giai đoạn trước đây ở nước ta, có thể thấy mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển chưa được gắn kết chặt chẽ, trong một số trường hợp còn tạo ra xung đột. Sức khỏe của các vùng biển của Việt Nam chưa được bảo đảm do chúng ta chưa thể hài hòa giữa khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển với bảo vệ, bảo tồn và phục hồi các hệ sinh thái biển, ven biển. Điều đó đặt ra yêu cầu cấp bách về bảo vệ môi trường biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, khai thác tài nguyên biển, đảo một cách bền vững. Đây cũng là mục tiêu phát triển của Liên hợp quốc về bảo tồn và sử dụng bền vững biển, đại dương và tài nguyên biển đã trở thành thước đo phát triển của các quốc gia.

Trên cơ sở quan điểm Đại hội XII, tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII (10/2018) về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” với quan điểm: “Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh...”[ 9 , tr.81]. Trong đó lấy “phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hòa giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển…”[ 9 , tr.82] là trọng điểm cho phát triển bền vững biển Việt Nam. Đồng thời phát triển kinh tế biển trên cơ sở “công bằng bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;… Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển;… Lấy khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá” [ 9 , tr.82-83].

Nghị quyết xác định mục tiêu: “Đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hóa sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng…Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển”[ 8 , tr.84]. Phấn đấu đến năm 2045 “Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa” [ 9 , tr.87]. Nghị quyết đã nêu lên 5 quan điểm về phát triển kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay và những năm tiếp theo: (1) Thống nhất tư tưởng, nhận thức về vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt của biển đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân. Biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam. (2) Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, giữa lợi ích của địa phương có biển và địa phương không có biển; tăng cường liên kết, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước. (3) Giữ gìn giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hoá biển đi đôi với xây dựng xã hội gắn kết, thân thiện với biển; bảo đảm quyền tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân đối với phát triển bền vững kinh tế biển trên cơ sở công bằng, bình đẳng, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật. (4) Tăng cường quản lý tổng hợp, thống nhất tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển tự nhiên; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Đẩy mạnh đầu tư vào bảo tồn và phát triển giá trị đa dạng sinh học, phục hồi các hệ sinh thái biển; bảo vệ tính toàn vẹn của hệ sinh thái từ đất liền ra biển. Gắn bảo vệ môi trường biển với phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm, sự cố môi trường, tăng cường hợp tác khu vực và toàn cầu. (5) Lấy khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao làm nhân tố đột phá. Ưu tiên đầu tư ngân sách nhà nước cho công tác nghiên cứu, điều tra cơ bản, đào tạo nguồn nhân lực về biển; kết hợp huy động các nguồn lực trong và ngoài nước. Chủ động, nâng cao hiệu quả hội nhập, hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Như vậy, điểm mới trong Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về chiến lược biển là mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển. Đây là vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho phát triển kinh tế đất nước, tiếp thêm sức mạnh cho dân tộc ta trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên, để đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng. Điều quan trọng nhất hiện nay là cần phải có những giải pháp đồng bộ và những cơ chế chính sách cụ thể thích hợp để đưa Nghị quyết của Đảng vào hiện thực cuộc sống và thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã xác định.

Quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta hiện nay

Một là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức toàn xã hội về phát triển bền vững kinh tế biển

Thế kỷ XXI - “ Thế kỷ biển và đại dương ”. Trong xu thế chung là hợp tác, hội nhập và phát triển vẫn tồn tại những vấn đề phức tạp và nhạy cảm, tiềm ẩn những nhân tố khó lường tác động đến phát triển kinh tế xã hội nói chung và kinh tế biển nói riêng. Vì thế, nhận thức được những thuận lợi và thách thức từ biển để khắc phục những trở lực, tranh thủ triệt để những lợi thế đem lại thúc phát triển bền vững kinh tế là vấn đề qua trọng. Do đó, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho toàn xã hội về phát triển bền vững kinh tế biển, tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội là nội dung đặt lên hàng đầu hiện nay. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền có hiệu quả cần đa dạng hóa nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền trong đó tập trung vào những vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, giáo dục sâu rộng, có hệ thống trong các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò chiến lược, tiềm năng, thế mạnh của biển, đảo Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, như Luật Biển Việt Nam; những nội dung cơ bản Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử mang tính pháp lý của các bên ở Biển Đông (COC).

Thứ hai, tập trung tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” . Tuyên truyền, nhân rộng các nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống vùng biển, đảo và ven biển gắn với giữ vững quốc phòng, an ninh. Phổ biến chuyển giao những tiến bộ khoa học - công nghệ và những kinh nghiệm tốt để ứng dụng vào việc nuôi trồng, đánh bắt, khai thác nguồn lợi thủy, hải sản.

Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền, thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè và dư luận quốc tế hiểu rõ lập trường chính nghĩa của Việt Nam; những cơ sở pháp lý, chứng cứ lịch sử và thực tiễn khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa tạo sự đồng tình, ủng hộ của bạn bè và dư luận quốc tế đối với Việt Nam.

Từ những lí do trên, Hội nghị Trung ương 8 khóa XII đã chủ trương “Nâng cao hiệu quả, đa dạng hóa các hình thức, nội dung tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về biển, đảo, chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam trong toàn hệ thống chính trị, nhân dân, đồng bào ta ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế; khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam là duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế trên biển” [ 9 , tr.99].

Hai là, không ngừng hoàn thiện thể chế chính sách, quy hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển

Với quyết tâm đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển. Ngày 9-2-2007, Ban Chấp hành Trung ương khóa X ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW về “ Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 ”. Một trong những thành tựu nổi bật sau 10 năm thực hiện chiến lược này là Đảng, Nhà nước ta đã từng bước xây dựng, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển, hải đảo hướng tới quản lý tổng hợp biển và hải đảo với phương thức tiếp cận hệ sinh thái, tiêu biểu như: Nghị quyết số 27/NQ-CP ngày 12-6-2009 “Về một số giải pháp cấp bách trong quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường biển”; Quyết định số 1353/QQĐ-TTg ngày 23-9-2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch phát triển các khu kinh tế ven biển của Việt Nam đến năm 2020”; Quyết định số 1570/QĐ-TTg ngày 6-9-2013 “Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 6-3-2009 về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo và ngày 21-6-2012, Quốc hội thông qua Luật Biển Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý, bảo vệ và phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo an ninh - quốc phòng của nước ta. Nhờ đó, diện mạo kinh tế khu vực biên giới biển, đảo có sự thay đổi rõ rệt, việc thực thi pháp luật trên biển được tăng cường.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém như: Phát triển kinh tế biển chưa gắn kết hài hòa với phát triển xã hội và bảo vệ môi trường; sự kết nối giữa các vùng biển, vùng ven biển với vùng nội địa có địa phương thiếu chặt chẽ, kém hiệu quả; ô nhiễm môi trường biển ở nhiều nơi còn diễn ra nghiêm trọng và đã trở thành vấn đề cấp bách; một số tài nguyên biển bị khai thác quá mức; khoảng cách giàu – nghèo của người dân ven biển có xu hướng ngày càng tăng.

Những hạn chế, yếu kém nêu trên có nhiều nguyên nhân, song một trong những nguyên nhân chủ quan đó là “chính sách, pháp luật về biển chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, một số chủ trương lớn của Đảng chưa được thể chế hóa kịp thời” [ 7 , tr.80]. Trong khi đó, thực tế hiện nay nhiều vấn đề về tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt là cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp chủ quyền ranh giới biển và bất đồng giữa các nước tại biển Đông vẫn diễn ra. Nhiều vấn đề về biển cần có thể chế, chính sách, quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược. Do đó, không ngừng hoàn thiện thể chế chính sách, quy hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển là vấn đề cấp thiết đặt ra hiện nay.

Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã chủ trương: “Rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về biển theo hướng phát triển bền vững, bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, thống nhất, phù hợp với chuẩn mực luật pháp và điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Tạo hành lang pháp lý thuận lợi để huy động các nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư xây dựng hạ tầng, phát triển khoa học, công nghệ, nguồn nhân lực và chuyển giao tri thức về biển…. Rà soát, bổ sung và xây dựng mới đồng bộ các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch liên quan đến biển theo hướng quản lý tổng hợp” [ 9 , tr.100-101].

Ba là, đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ và nguồn nhân lực biển tạo khâu đột phá cho phát triển bền vững kinh tế biển

Khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực là một bộ phận quan trọng không thể thiếu trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Đối với biển, khoa học, công nghệ và nguồn nhân lực chất lượng cao đã trở thành động lực thúc đẩy phát triển kinh tế biển, bảo vệ tài nguyên và môi trường, bảo tồn tự nhiên, ngăn ngừa và phòng chống thiên tai, qua đó góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển hiện nay.

Sau 30 năm đổi mới, hoạt động khoa học, công nghệ biển ở nước ta đã đạt được một số thành tựu và có những đóng góp không nhỏ trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo đảm an ninh quốc phòng, chủ quyền và lợi ích quốc gia trên biển. Tuy nhiên, kinh tế biển Việt Nam vẫn chưa phát huy được tiềm năng to lớn của mình là do nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ khoa học, công nghệ về biển chưa đáp ứng yêu cầu về số lượng, chất lượng; trình độ, năng lực khoa học, công nghệ về biển còn hạn chế so với các nước tiên tiến trong khu vực và thế giới.

Do đó, khoa học, công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực biển chất lượng cao chính là nhân tố đột phá để phát triển bền vững biển Việt Nam trong giai đoạn mới. Cụ thể là: Để vươn ra biển và làm chủ biển, cần phải dựa trên phát triển khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 kết hợp tăng cường điều tra cơ bản biển, đẩy mạnh nghiên cứu, xác lập luận cứ khoa học cho việc hoạch định, hoàn thiện chính sách, pháp luật; ưu tiên đầu tư đánh giá tiềm năng và lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hệ sinh thái và các ngành, lĩnh vực kinh tế như hàng hải, chế biến hải sản, nuôi trồng thủy, hải sản, năng lượng tái tạo, thông tin và công nghệ số biển, nano biển, sinh dược học biển, thiết bị tự vận hành ngầm… Đồng thời phải có nguồn nhân lực biển chất lượng cao. Để làm được điều đó, ngay từ bây giờ cần phải chú trọng đầu tư phát triển đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thị trường và yêu cầu phát triển trong thời kỳ mới. Bên cạnh đó, cần ưu tiên đầu tư cho công tác đào tạo, đào tạo lại nghề cho người dân, bảo đảm nhu cầu lao động của các ngành kinh tế biển khi tiến hành cơ cấu lại các ngành này. Vì thế, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII chủ trương: “Phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực biển chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tận dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến, khoa học công nghệ mới, thu hút chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, nhân lực chất lượng cao” [ 9 , tr.98] là khâu đột phá trong phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam những năm tới.

Kết luận

Như vậy, bằng phương pháp lịch sử, logic tác giả đã làm rõ quá trình phát triển tư duy, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển trong suốt tiến trình lãnh đạo cách mạng. Từ đó cho thấy, nhận thức về kinh tế biển và phát triển kinh tế biển luôn được Đảng quan tâm, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới toàn diện đất nước. Đảng ta luôn coi phát triển kinh tế biển là một trong những nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhằm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn. Đặc biệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII, trên cơ sở mục tiêu, khâu đột phá, Hội nghị đã xác định một số giải pháp cụ thể phát triển bền vững kinh tế biển ở Việt Nam hiện nay. Những pháp đó là cơ sở để huy động nguồn lực của toàn xã hội mở cửa hướng ra biển để đón nhận những thời cơ, giải quyết những thách thức, đưa đất nước ta trở thành một quốc gia biển mạnh, hội nhập, phát triển bền vững và giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Danh mục từ viết tắt

DOC : Declaration on Conduct of the Parties in the South China Sea

COC : Code of Conduct

Tuyên bố xung đột lợi ích

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

Tuyên bố đóng góp của các tác giả

Tác giả đã khái quát và hệ thống lại quá trình phát triển tư duy, lý luận của Đảng Cộng sản Việt Nam về phát triển kinh tế biển trong suốt thời kỳ đổi mới. Khái quát và cung cấp luận cứ khoa học để làm rõ quan điểm của Đảng về một số giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển ở nước ta hiện nay theo quan điểm Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII của Đảng.

References

  1. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX,. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2001. . ;:. Google Scholar
  2. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đảng toàn tập. tập 43. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2005.. . ;:. Google Scholar
  3. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội Đảng thời kì đổi mới. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2005.. . ;:. Google Scholar
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam. Các Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2007.. . ;:. Google Scholar
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2001.. . ;:. Google Scholar
  6. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng; 2016.. . ;:. Google Scholar
  7. Đảng Cộng sản Việt Nam. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2006.. . ;:. Google Scholar
  8. Đảng Cộng sản Việt Nam (2018), Văn kiện Hội nghị lần thứ Tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII,.Hà Nội: Văn phòng Trung ương Đảng; 2018.. . ;:. Google Scholar
  9. Đinh Thế Huynh, Phùng Hữu Phú, Lê Hữu Nghĩa, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Viết Thông. 30 năm đổi mới và phát triển ở Việt Nam. Hà Nội: Nhà xuất bản Chính trị quốc gia; 2015.. . ;:. Google Scholar