Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

2216

Total

857

Share

The impact of credits to the private sector and FDI on the economic growth in ASEAN






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The paper examines the impact of credits to private sector and foreign direct investment (FDI) flows on the economic growth of ASEAN countries in the period 1995-2017. The paper also validates the capital spread of FDI inflows to economic growth through credits to private sector. Using fixed effect estimation method (FEM), random effect (REM) and generalized least square (GLS) for panel data, we found that FDI inflows are positvely correlated with the economic growth of the ASEAN countries. This once again confirms the role of FDI in promoting the economic growth as evidenced in previous studies. Meanwhile, credits to private sector exert a negative impact on the economic growth in these countries which is an interesting finding given that few studies yield a similar result. To assess the spillover effect of FDI to growth through credits to private sector, we augment our model with a variable that reflects the interaction between credits to private sector and FDI. This variable is negative and statistically significant, suggesting that FDI is yet to show its positive impact on growth through spreading capital to credits to privatte sector.

Giới thiệu

Các nền kinh tế toàn cầu (đặc biệt là các nước đang phát triển) đôi khi phải đối diện với thách thức về hạn chế vốn ảnh hưởng tiêu cực đến các biến số kinh tế vĩ mô và khiến cơ chế trung gian tài chính bị ảnh hưởng 1 . Điều này làm mất đi vai trò trung tâm của các ngân hàng với tư cách là đại lý huy động tiết kiệm và cho vay đầu tư. Để cải thiện xu hướng này, đặc biệt là sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu áp dụng các chính sách nới lỏng tín dụng truyền thống cũng như sự độc quyền để bơm tính thanh khoản vào hệ thống ngân hàng nhằm tránh các kết quả suy thoái trong nền kinh tế 1 . Do đó, chính quyền các quốc gia trong vài năm qua đã đưa ra một số can thiệp tín dụng với mục đích thúc đẩy thu nhập và tạo thêm việc làm ở các công ty, xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Kinh nghiệm tại các nước ASEAN thì không còn phải nghi ngờ gì nữa, vốn là điều kiện tiên quyết cho phát triển kinh tế và xã hội cũng như cho việc hoạch định chính sách công hiệu quả 1 .

Tuy nhiên, sự đa dạng về cách can thiệp tín dụng của ngân hàng trung ương và các trung gian tài chính thể hiện một số hoài nghi về khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Vấn đề cơ bản là việc bơm tín dụng vào nền kinh tế có thể dẫn đến kết quả không tối ưu và các quyết định phân bổ nguồn lực trở nên kém hiệu quả nếu điều kiện địa phương không thuận lợi. Do đó, một số câu hỏi quan trọng xuất hiện: Liệu thuộc tính tăng trưởng tín dụng có phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nền kinh tế không? Liệu khung chính sách kinh tế vĩ mô có ảnh hưởng gì đến việc hấp thụ tín dụng trong nước?

Bên cạnh tín dụng, việc khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn vốn luôn có ý nghĩa quyết định đối với tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh hội nhập phát triển, ý nghĩa của đầu tư và thu hút vốn đầu tư nước ngoài là rất quan trọng. Đầu tư nước ngoài nói chung và đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng là một xu hướng trong giai đoạn hiện na. Theo UNCTAD 2 , FDI có thể cung cấp các nguồn vốn và nguồn ngoại tệ cho đầu tư, tạo cho đầu tư trong nước các quỹ phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho chuyển giao kỹ năng quản lý và kiến thức công nghệ, tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế trong nước cũng như tạo cơ hội việc làm cho người lao động. Ngoài ý nghĩa bổ sung nguồn vốn đáng kể cho tăng trưởng, FDI còn góp phần to lớn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của các nền kinh tế.

Tại các nước ASEAN, có nhiều nghiên cứu về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế và kết quả thực nghiệm của các nghiên cứu này vẫn chưa nhất quán và phụ thuộc nhiều vào khung phân tích cũng như phương pháp ước lượng. Ngoài ra, các nghiên cứu về hiệu ứng lan tỏa vốn của FDI thông qua tín dụng khu vực tư đến tăng trưởng chưa được thực hiện tại các nước ASEAN. Do đó, bài viết nhằm củng cố thêm bằng chứng thực nghiệm về tác động của tín dụng khu vực tư và FDI đến tăng trưởng, đồng thời bài viết cũng cung cấp thêm minh chứng mới về hiệu ứng lan tỏa vốn của FDI đến tăng trưởng thông qua tín dụng khu vực tư tại các quốc gia nào.

Các nghiên cứu trước đây

Các nghiên cứu về tác động của tín dụng đến tăng trưởng kinh tế

Các nghiên cứu gần đây đã sử dụng các phương pháp tiếp cận lý thuyết tăng trưởng nội sinh để làm sáng tỏ vai trò của tín dụng đối với tăng trưởng kinh tế. Tăng trưởng tín dụng là một quá trình tăng trưởng của các định chế nhằm mục đích tăng cơ sở thông tin, tăng cường khả năng phân tích của hệ thống ngân hàng và đáp ứng các nhu cầu mới của nhà kinh doanh, hộ gia đình,… thông qua việc đa dạng hóa các loại công cụ, hợp đồng tín dụng 3 . Phát triển tài chính bao gồm tăng trưởng tín dụng cũng thúc đẩy tăng trưởng bằng cách tăng cường cạnh tranh và kích thích hoạt động sáng tạo, từ đó giúp thúc đẩy năng suất lao động tại các doanh nghiệp vay vốn. Hệ thống tín dụng ngân hàng vững chắc và phát triển khi nó thực hiện tốt năm chức năng cốt lõi là: (1) cung cấp thông tin về các khoản đầu tư và phân bổ vốn; (2) giám sát đầu tư và cung cấp thông tin cho việc quản trị doanh nghiệp sau khi được tài trợ vốn; (3) tạo thuận lợi cho kinh doanh, sự đa dạng hóa đầu tư và quản trị rủi ro; (4) huy động các khoản tiết kiệm; và (5) giảm bớt sự trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Vai trò phát triển tín dụng của khu vực tài chính đến tăng trưởng kinh tế lần đầu tiên được nghiên cứu bởi Schumpeter 4 . Tác giả cho rằng các trung gian tài chính phát triển tốt đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường đổi mới công nghệ.

King and Levine 5 cho thấy tồn tại mối quan hệ tích cực giữa phát triển tài chính (được đại diện bằng tín dụng khu vực tư) và tăng trưởng kinh tế. Mối quan hệ này được giải thích do phát triển tài chính cùng với mở rộng tín dụng khu vực tư làm tăng lợi nhuận dựa trên sự đổi mới việc cung cấp ba dịch vụ gồm: đánh giá hiệu quả của các dự án đầu tư thông qua việc thu thập các thông tin; khả năng tập hợp và huy động các nguồn tiết kiệm từ hộ gia đình để cung cấp cho đầu tư phát triển và khả năng chia sẻ và đa dạng hóa rủi ro để tăng cường cải tiến hàng hóa trung gian.

Hermes and Lensink 6 cho thấy phát triển tài chính thông qua kênh tín dụng có thể xác định mức độ mà các công ty nước ngoài có thể mở rộng đầu tư của họ ở nước sở tại, điều này sẽ làm gia tăng sự lan truyền công nghệ tới các doanh nghiệp nội địa. Do đó, quá trình khuếch tán này sẽ có hiệu quả hơn một khi nước sở tại có thị trường tài chính phát triển hơn, điều này cho phép các công ty con của một tập đoàn đa quốc gia xây dựng đầu tư một khi nó gia nhập vào nước sở tại.

Bittencourt 7 xem xét phát triển tài chính có thực sự thúc đẩy kinh tế như lý thuyết của Schumpeter hay không, kết quả nghiên cứu đã công nhận lý thuyết Schumpeter là đúng và sự phát triển tài chính có tác động tích tới tăng trưởng kinh tế. Sự kết hợp của tự do hóa dòng vốn và cạnh tranh nước ngoài là nguyên nhân đưa các tổ chức tài chính tới một mức phát triển tài chính cao hơn 8 .

Amoo, Eboreime 1 tiến hành nghiên cứu thực nghiệm các điều kiện địa phương và môi trường chính sách có ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ tín dụng trong nền kinh tế Nigeria trong giai đoạn 1993 đến 2013. Bài viết sử dụng phương pháp bình phương tối thiểu được điều chỉnh. Các phát hiện cho thấy tín dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế dù cho độ mở thương mại, chính sách tiền tệ, môi trường đầu tư và cơ sở hạ tầng của quốc gia này còn rất thấp. Ngoài ra, phân tích chỉ số điều kiện địa phương tổng hợp cũng cho thấy tín dụng khu vực tư thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi điều kiện trong nước thuận lợi và khả năng hấp thụ của nền kinh tế trong nước đối với tín dụng được ước tính là 29% GDP trong năm 2013.

Các nghiên cứu về sự tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế

Hiện tại, có nhiều nghiên cứu về tác động của FDI đến tăng trưởng với nhiều phương pháp và mẫu nghiên cứu khác nhau. Các nghiên cứu cho thấy vai trò quan trọng của FDI đến tăng trưởng kinh tế, mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế được xác định bởi các mô hình tăng trưởng tân cổ điển truyền thống mà đại diện là mô hình Solow 9 . Mô hình tăng trưởng tân cổ điển cho rằng lực lượng lao động và tiến bộ khoa học công nghệ là ngoại sinh, do đó FDI làm tăng mức thu nhập trong nước nó không có tác dụng dài hạn lên tăng trưởng kinh tế.

Romer 10 dựa vào mô hình của mình để quan sát và cho rằng một số loại tri thức không có tính tranh giành, nghĩa là chúng không thể bị sử dụng hết như hàng hóa và dịch vụ thông thường. Bản chất khoảng tranh giành của ý tưởng có nghĩa là suất sinh lợi từ một số hoạt động đổi mới sáng tạo không hoàn toàn thuộc về người làm ra nó. Tri thức lan tỏa từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác đều có giá trị kinh tế, nhưng tính tổng nền kinh tế thì nó lại không đổi hoặc tăng dần. Một hàm ý quan trọng của mô hình Romer 10 là các doanh nghiệp có thể đầu tư không đủ vào nghiên cứu và phát triển vì họ không thể nắm bắt toàn bộ lợi ích từ đổi mới sáng tạo. Điều này gợi ý rằng các chính sách khuyến khích nghiên cứu và phát triển như miễn thuế cho chi tiêu R&D hoặc nghiên cứu do chính phủ tài trợ có thể đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng. Lucas Jr 11 với lý thuết bắt kịp công nghệ là lý thuyết tăng trưởng ở các nền kinh tế đang phát triển mở, và phù hợp với bằng chứng thực nghiệm. Bắt kịp công nghệ đạt được nhờ tiếp thu công nghệ mới và tốt hơn từ nước ngoài thông qua đầu tư vào máy móc thiểt bị nhập khẩu, thu hút FDI và đầu tư vào phương pháp quản lý và kinh doanh hiện đại của thế giới. Do đó, thay đổi công nghệ ở các nước đang phát triển được quyết định nội sinh bằng đầu tư. Ngoài ra, FDI có ảnh hưởng tới sự tích lũy vốn đối với các quốc gia. Bên cạnh đó, FDI hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong dài hạn thông qua việc chuyển giao công nghệ và sự tích lũy vốn nhưng chủ yếu là nhờ vào các kỹ thuật công nghệ tiên tiến. Ngoài ra, FDI có tác động trong dài hạn đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia nhận vốn thông qua việc chuyển giao công nghệ kỹ thuật, tích lũy vốn và gia tăng nguồn nhân lực 12 . Basu và Guariglia 13 đã phát triển một mô hình tăng trưởng của nền kinh tế kép trong đó khu vực truyền thống (nông nghiệp) đang sử dụng những công nghệ lạc hậu, trong khi FDI là động lực tăng trưởng trong lĩnh vực công nghiệp hiện đại. Vì vậy dòng vốn FDI có thể đẩy nhanh quá trình phân cực giữa hai khu vực và FDI thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa tại quốc gia tiếp nhận vốn, mặt khác FDI làm cho tầm quan trọng của khu vực truyền thống (nông nghiệp) trong tổng thể nền kinh tế sẽ giảm. Driffield and Jones 14 cho thấy FDI và dòng kiều hối đều tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, trong khi đó nguồn viện trợ ODA lại dường như không hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế, từ đó cho thấy tầm quan trọng của dòng kiều hối cũng không kém gì so với nguồn vốn FDI.

Tương tự, nghiên cứu của Caves 15 và Blomström, Kokko 16 về tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế của nước nhận đầu tư và đã tìm thấy bằng chứng có sự tồn tại của hiệu ứng lan tỏa vốn thông qua việc FDI có tác động tích cực đến năng suất lao động địa phương của các công ty tại Australia, Canada và Mexico. Và qua đó cho thấy FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Tương tự, kết quả nghiên cứu của Borensztien et al. (1998) cho thấy FDI được xem như là một phương tiện quan trọng cho việc chuyển giao công nghệ góp phần giúp tăng trưởng kinh tếy đạt hiệu quả tốt hơn so với đầu tư trong nước. Rodriguez và Pallas 17 cũng cho rằng FDI có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của nước sở tại thông qua chuyển giao công nghệ và hiệu ứng lan tỏa của nó. Việc chuyển giao công nghệ trực tiếp từ các doanh nghiệp đa quốc gia đối với các chi nhánh tại địa phương giúp các nước tiếp nhận FDI tiếp thu được công nghệ mới trong sản xuất.

De Soto and Diaz 18 sử dụng dữ liệu của 44 quốc gia giai đoạn 1986 - 1997 thông qua mô hình bảng động và phương pháp ước lượng GMM sai phân. Kết quả cho thấy dòng vốn FDI tác động dương và có ý nghĩa thống kê đối với tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Zhang 19 cho cũng cho thấy FDI có tác động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn và hỗ trợ phát triển kinh tế của các nền kinh tế tiếp nhận vốn thông qua tác động trực tiếp và hiệu ứng lan tỏa gián tiếp. Tương tự, Li và Liu (2005) sử dụng dữ liệu của 84 quốc gia giai đoạn 1979 - 1999 với phương pháp ước lượng FE và RE để đánh giá tác động của dòng vốn FDI đến tăng trưởng kinh tế. Kết quả cũng cho thấy FDI tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế ở các nước phát triển cũng như đang phát triển.

Choong, Yusop 20 nghiên cứu mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và tăng trưởng kinh tế được khảo sát tại các nước phát triển và các nước Đông Á được lựa chọn. Mục đích của nghiên cứu này điều tra chuyển giao công nghệ khuếch tán thể hiện trong dòng vốn FDI đến các quốc gia được chọn thông qua tín dụng khu vực tư. Nghiên cứu cho thấy tất cả các quốc gia đang nghiên cứu cả FDI và tăng trưởng kinh tế không có mối quan hệ trực tiếp với nhau mà là thông qua sự tương tác với sự phát triển của ngành tài chính trong nước được đại diện bằng tín dụng khu vực tư. Kết quả thực nghiệm đã chứng minh sự hiện diện của dòng vốn FDI tạo ra sự khuếch tán công nghệ tích cực trong dài hạn chỉ khi sự phát triển của hệ thống tài chính trong nước đã đạt được một mức tối thiểu nhất định.

Choong, Yusop 21 nghiên cứu mối quan hệ giữa FDI và tăng trưởng kinh tế tại Malaysia thông qua vai trò của thị trường tài chính trong nước giai đoạn 1970-2001. Nghiên cứu sử dụng mô hình hồi quy UECM (unrestricted error correction model) chứng minh rằng FDI có xu hướng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hiệu quả hơn khi quốc gia tiếp nhận đầu tư có một hệ thống tài chính phát triển và hoạt động hiệu quả. Bên cạnh đó, nghiên cứu cũng cho thấy FDI giúp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong nước trong khu vực tư nhân được tính theo tỷ lệ phần trăm của GDP.

Tương tự, Chee và Nair 22 thực hiện kiểm tra theo hướng thực nghiệm để xem xét liệu rằng tín dụng khu vực tư có phải là tiền đề quan trọng đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở khu vực Châu Á. Nghiên cứu cũng kiểm tra xem tác động này có phụ thuộc vào các giai đoạn phát triển của các quốc gia hay không. Các phương pháp dữ liệu bảng (FEM và REM) đã được sử dụng để phân tích mối quan hệ giữa FDI, tín dụng khu vực tư và tăng trưởng kinh tế trên mẫu của 44 quốc gia châu Á và châu Đại Dương trong giai đoạn 1996 -2005. Phân tích thực nghiệm cho thấy sự gia tăng của tín dụng khu vực tư giúp tăng cường sự đóng góp của FDI vào tăng trưởng kinh tế trong khu vực. Nó cũng cho thấy vai trò bổ sung cho nhau của FDI và tín dụng khu vực tư đối với tăng trưởng kinh tế là quan trọng nhất đối với các nền kinh tế kém phát triển nhất trong khu vực.

Hsiao và Hsiao 23 sử dụng dữ liệu 8 quốc gia (Trung Quốc, Hàn quốc, Đài loan, Hong Kong, Singapore, Malaysia, Philippines và Thái lan) giai đoạn 1986-2004 với dữ liệu bảng và phương pháp ước lượng FE, RE. Kết quả thực nghiệm của nghiên cứu này cho thấy FDI có tác động dương trực tiếp lên GDP, đồng thời tác động gián tiếp lên GDP thông qua xuất khẩu. Basu và Guariglia 13 sử dụng dữ liệu của 119 quốc gia đang phát triển giai đoạn 1970-1999. Kết quả cũng cho thấy FDI tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng kinh tế.Tiwari vàMutascu 24 kiểm tra tác động của FDI tới tăng trưởng kinh tế ở các nước châu Á thông qua nghiên cứu phân tích dữ liệu bảng giai đoạn 1986-2008. Kết quả cho thấy rằng cả FDI và xuất khẩu cùng tác động tích cực đến tăng trưởng. Ngoài ra, lao động và vốn cũng đóng vai trò quan trọng đối với tăng trưởng của các nước châu Á.

Mahmoud 25 cũng đánh giá tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế ở tám nước bao gồm: Bangladesh, Ai Cập, Indonesia, Iran, Malaysia, Nigergia, Pakistan và Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 1980-2009. Kết quả thực nghiệm cho thấy FDI tác động cùng chiều đến tăng trưởng kinh tế. Roman và Padureanu 26 cho thấy tăng trưởng kinh tế của Romania chịu ảnh hưởng tích cực của chính sách tài khóa, FDI và từ mức độ hội nhập vào nền kinh tế EU.

Mô hình thực nghiệm và phương pháp nghiên cứu

Khung lý thuyết

Dựa trên mô hình tăng trưởng tân cổ điển của Solow 9 . Harrod - Domar đã xây dựng mô hình tăng trưởng kinh tế dạng đơn giản và cùng đưa ra mô hình giải thích mối quan hệ giữa sự tăng trưởng và thất nghiệp ở các nước phát triển. Mô hình này đã được phát triển mở rộng và sử dụng rộng rãi ở các nước đang phát triển để xem xét mối quan hệ giữa tăng trưởng và các nhu cầu về vốn như sau:

Hàm sản xuất : Y =1/k * K     (1)

Tiết kiệm: S = s * Y    (2)

Vốn đầu tư: I = S    (3)

Lượng vốn gia tăng: K = I - d*K (d là tỷ lệ khấu hao)    (4)

Từ (2),(3),(4) ta có: K = s*Y - d*K    (5)

Hệ số tư bản - đầu ra: k = K/Y   (6)

Từ (1) ta có: Y = K/k     (7)

Tỷ lệ tăng trưởng đầu ra: g = Y /Y = (s/k) - d    (8)

Phương trình trên cho thấy nguồn gốc tăng trưởng kinh tế là do lượng vốn (yếu tố K, capital) được đưa vào sản xuất để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mô hình nghiên cứu

Trên cơ sở khung lý thuyết phân tích ở trên và các nghiên cứu thực nghiệm về tác động của tín dụng khu vực tư và FDI đến tăng trưởng kinh tế tại một số nước như Choong, Yusop 20 và Chee and Nair 22 . Bài viết sử dụng các biến cho mô hình thực nghiệm được thể hiện ở Table 1 . Khi đó, mô hình thực nghiệm đề xuất cho bài viết này như sau:

GROWTH it = β 0 + β 1 FDI it + β 2 CREDIT it + β 3 FDI it *CREDIT it + β 4 GCF it + β 5 TRADE it + u it

Trong đó:

Biến biến GROWHT là tăng trưởng kinh tế và được đo lường bằng tốc độ tăng GDP thực hàng năm. Biến FDI và CREDIT là hai biến giải thích chính của mô hình tăng trưởng dựa trên vốn.

Theo đề xuất của Choong, Yusop 20 và Chee and Nair 22 việc đưa vào biến tương tác giữa FDI và tín dụng khu vực tư là để đánh giá hiệu ứng lan tỏa của dòng vốn FDI lên tăng trưởng kinh tế thông qua tín dụng khu vực tư (phát triển tài chính) của quốc gia khảo sát.

Biến GCF và TRADE là hai biến kiểm soát của mô hình. Cả Choong, Yusop 20 và Chee and Nair 22 đều cho rằng tăng trưởng kinh tế chịu sự tác động bởi mức độ tích lũy tài sản trong nước cũng như độ mở thương mại của nền kinh tế.

Table 1 Cách đo lường các biế n
Tên biến Ký hiệu Cách đo lường Nguồn
Tốc độ tăng trưởng GDP thực bình quân đầu người GROWTH Tốc độ tăng GDP hàng năm WDI
Dòng vốn FDI vào ròng FDI Dòng vốn FDI ròng/GDP WDI
Tăng trưởng tín dụng khu vực tư nhân CREDIT Tỷ lệ tín dụng khu vực tư/GDP WDI
Biến tích lũy tài sản cố định GCF Tổng tài sản cố định tích lũy/GDP WDI
Độ mở thương mại TRADE Tổng giá trị xuất nhập khẩu/GDP WDI

Các biến trong mô hình được khai thác nguồn từ các chỉ số phát triển vĩ mô (Worldwide Development Indicators) của Worldbank từ 8 quốc gia thuộc khu vực ASEAN, bao gồm: Việt Nam, Campuchia, Malaysia, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Lào và Singapore. Các quốc gia còn lại không khai thác được dữ liệu nên bài viết không đưa vào mẫu thực nghiệm. Kết quả thống kê mô tả các biến trong mô hình như sau:

Table 2 Kết quả thống kê mô t
Biến Quan sát Trung bình Độ lệch chuẩn Nhỏ nhất Lớn nhất
GROWTH 184 5,6 3,27 -13,1 15,2
CREDIT 184 66,2 46,86 3,47 166,50
FDI 184 5,65 5,69 -2,75 26,5
GCF 184 25,77 6,5 11,83 43,64
TRADE 184 141,44 94,8 37,4 441,6

Kết quả phân tích thống kê mô tả cho thấy trung bình biến tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 1995 đến 2017 là 3,27%. Trong đó tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người cao lại thuộc về các nước như Việt Nam, Lào, Campuchia.

Giá trị trung bình của biến CREDIT là 66,2%. Các quốc gia có giá trị cao nhất của biến này thuộc về Thái Lan, Malaysia, Singapore. Trong khi đó, giá trị thấp nhất của biến này thuộc về các quốc gia như Lào, Indonesia, Việt Nam.

Trung bình biến FDI khoảng 5,65%. Các quốc gia có giá trị FDI ròng hàng năm cao như là Singapore, Campuchia, Việt Nam. Các quốc gia tăng ròng FDI hàng năm thấp nhất là Indonesia, Philippines, Thái Lan.

Table 3 Ma trận hệ số tương quan các biến
GROWTH CREDIT FDI CREDIT*FDI GCF
CREDIT -0,3064*
FDI 0,1695* 0,2454*
CREDIT*FDI -0,0232 0,5312* 0,8936*
GCF 0,0643 0,3069* 0,0712 0,1863*
TRADE -0,0167 0,5528* 0,7580* 0,8452* 0,1497*

Kết quả thống kê hệ số tương quan Pearson giữa các biến trong mô hình thực nghiệm được thể hiện tại Table 3 . Kết quả cho thấy biến CREDIT có mối quan hệ nghịch đối với tăng trưởng kinh tế, trong khi đó biến FDI có mối quan hệ đồng biến với biến tăng trưởng kinh tế và đều có ý nghĩa thống kê ở mức 5%. Ngoài ra, hệ số tương quan giữa các cặp biến tương đối nhỏơn 0,8 nên khả năng xuất hiện đa cộng tuyến trong mô hình hồi quy là thấp 27 .

Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng dữ liệu thu được của 8 quốc gia ASEAN trong giai đoạn 1995 đến 2017. Đây là dữ liệu bảng cân đối. Bài viết sử dụng phương pháp ước lượng hiệu ứng cố định (FE) và hiệu ứng ngẫu nhiên (RE) dành cho dữ liệu bảng. Bên cạnh đó, Moulton 28 và Moulton 29 cho rằng khi sử dụng dữ liệu bảng để phân tích giữa các quốc gia có thể gặp phải sự hiện diện của hiệu ứng nhóm dẫn tới vấn đề sai số trong các kết luận thống kê. Vì vậy, tác giả sử dụng phương pháp ước lượng GLS để xử lý hiện tượng tự tương quan của các quan sát trong phạm vi quốc gia và phương sai thay đổi giữa các quốc gia.

Kết quả thực nghiệm và thảo luận kết quả

Kết quả thực nghiệm

Nghiên cứu tiến hành hồi quy theo phương pháp FE và phương pháp RE giữa biến FDI, CREDIT, biến tương tác FDI*CREDIT và biến kiểm soát GCF, TRADE với biến GROWTH. Kết quả ước lượng theo FE cho thấy giá trị P-value = 0,1694 lớn hơn mức ý nghĩa 5% nên mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên phù hợp hơn để giải thích trong trường hợp này. Để kiểm tra kết quả của phương pháp ước lượng REM có vi phạm hiện tượng phương sai thay đổi và tương quan chuỗi, bài viết thực hiện tiếp bước kiểm định này dành cho dữ liệu bảng với kiểm định xttest0 và xtserial có giá trị P-value lần lượt là 0,674 và 0,0128. Điều này cho thấy kết quả hồi quy không bị vi phạm giả thuyết phương sai thay đổi nhưng xảy ra hiện tương quan chuỗi giữa các biến trong mô hình. Do đó, bài viết sử dụng tiếp phương pháp ước lượng GLS để khắc phục khiếm khuyết của mô hình và đảm bảo kết quả ước lượng là không chệch. Kết quả thể hiện ở Table 4 .

Table 4 Kết quả hồi quy theo phương pháp FE và RE
Biến FE RE GLS
CREDIT -0,0622***(0,0142) -0,0164** (0,0072) -0.0164*** (0.0058)
FDI 0,2276* (0,1308) 0,4420*** (0,1080) 0.2998*** (0.0700)
FDI*CREDIT 0,0002 (0,0014) -0,0036*** (0,0011) -0.0025*** (0.0010)
GCF 0,1683*** (0,0410) 0,0997*** (0,0350) 0.0204*** (0.0043)
TRADE 0,0199 (0,0092) 0,0032 (0,0045) 0.0043 (0.0046)
Hệ số chặn 1,1769 2,7521*** 3.6781***
Hausman test (P_value) 0,1694
Số quan sát 184 184 184

Thảo luận kết quả

Biến CREDIT tác động tiêu cực đến biến GROWTH, nghĩa là tín dụng khu vực tư có mối quan hệ ngược chiều với tăng trưởng kinh tế. Kết quả này trái ngược với kết quả thực nghiệm của nhiều nghiên cứu trước đây về mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng dành cho khu vực tư và tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, kết quả này phù hợp với nghiên cứu của Alfaro, Chanda 30 ,Chee and Nair 22 . Loayza và Ranciere 31 giải thích tác động tiêu cực của tín dụng khu vực tư lên tăng trưởng kinh tế có thể là do sự mong manh của thị trường tài chính ở thời điểm hiện tại nhưng trong dài hạn phát triển tài chính sẽ hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khi nền kinh tế trưởng thành có thể kéo theo những điểm yếu như khủng hoảng hệ thống tài chính ngân hàng, chu kỳ bùng nổ và đổ vỡ của thị trường tài chính. Do đó, những bất ổn tài chính có thể làm tổn thương tăng trưởng kinh tế. Loayza và Ranciere 31 đã kiểm chứng mối quan hệ giữa phát triển tài chính và tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn. Trong dài hạn mối quan hệ này là tích cực nhưng trong ngắn hạn mối quan hệ này lại là tiêu cực. Mối quan hệ tiêu cực này có thể là do sự tự do hóa tài chính gây ra. Tự do tài chính một mặt làm cho nguồn vốn được sử dụng hiệu quả hơn, mặt khác khi một quốc gia nào đó bị khủng hoảng tài chính sẽ làm ảnh hưởng tới quốc gia khác. Trong giai đoạn nghiên cứu các quốc gia ASEAN chịu tác động của cuộc khủng hoảng tài chính, đặc biệt lĩnh vực tín dụng ngân hàng vào những năm 1997 và 2008, do đó, điều này có thể làm cho hiệu ứng tác động tiêu cực mạnh hơn so với hiệu ứng tích cực trong giai đoạn nghiên cứu này.

Kết quả tại Table 4 cho thấy biến FDI tác động tích cực đến biến GROWTH ở mức ý nghĩa 1%. Kết quả ủng hộ lý thuyết về vai trò bổ sung vốn của FDI đối với tăng trưởng và phù hợp với kết quả nghiên cứu của De Mello (1997) 12 , Alfaro & cộng sự (2004) 32 30 , Chee & Nair (2010) 22 . Như vậy, FDI thực sự thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nói cách khác nguồn vốn FDI đóng góp vai trò tích cực đối với tăng trưởng kinh tế các quốc gia trong mẫu nghiên cứu trong giai đoạn qua. Kết quả này một lần nữa củng cố thêm bằng chứng về vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của dòng vốn FDI tại các nước ASEAN.

Biến tương tác FDI*CREDIT được đưa vào mô hình nhằm kiểm định hiệu ứng lan tỏa vốn của FDI thông quan kênh tín dụng khu vực tư. Kết quả cho thấy biến tương tác giữa FDI*CREDIT mang dấu âm và có ý nghĩa thống kê. Điều này cho thấy tín dụng khu vực tư có vai trò điều tiết mối quan hệ giữa FDI và GROWTH. Tuy nhiên, tác động âm này thể hiện hiệu ứng lan tỏa vốn của FDI là không tồn tại ở các quốc gia ASEAN. Lý giải cho điều này Azman-Saini, Law 33 cho rằng có thể là khi hệ thống tài chính chưa phát triển đầy đủ thì khó để hỗ trợ cho nền kinh tế để hấp thu được lợi ích đầy đủ từ dòng vốn FDI mang lại. Do đó, tín dụng khu vực tư đã không đóng vai trò tích cực để hỗ trợ cho vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của FDI như kỳ vọng, mà ngược lại, nó làm giảm hiệu quả của dòng vốn FDI đối với tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN. Mặc dù vậy, kết quả này vẫn nhất quán với kết quả của Harrison and McMillan 34 . Harrison and McMillan 34 cảnh báo rằng nếu các doanh nghiệp nước ngoài vay mượn rất nhiều từ các tổ chức tài chính trong nước, họ có thể làm gia tăng thêm các ràng buộc tài trợ trong nước bằng cách cản trở họ ra khỏi thị trường vốn trong nước. Nhà đầu tư nước ngoài vay từ thị trường vốn trong nước cho một loạt các lý do, bao gồm cả bảo hiểm rủi ro đối với biến động tỷ giá hoặc phản ứng với lãi suất trong nước thấp một cách giả tạo. Nó cũng có thể là do cho vay đối với các doanh nghiệp địa phương là tốn kém hơn vì họ thường bị xem là rủi ro hơn. Vấn đề này có thể được pha trộn bởi thực tế là lãi suất ở một số nước đang phát triển đã được cố định, do đó tạo ra dư cầu vay vốn và khả năng phân phối tín dụng. Bởi vì trần lãi suất, ngân hàng không thể bù đắp cho các chi phí bên ngoài khi cho vay đối với doanh nghiệp trong nước và do đó ngân hàng thường ưu thích để cho vay đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Ngoài ra, có thể là công ty nước ngoài có mối quan hệ tốt với các ngân hàng hơn các doanh nghiệp trong nước với nhiều lý do khác nhau. Áp lực cạnh tranh này có thể kích thích doanh nghiệp trong nước đầu tư vào công nghệ mới do sự gia tăng trong chi phí tài trợ bên ngoài, và do đó làm hạn chế những tác động tích cực của FDI đối với tăng trưởng kinh tế.

Biến tích lũy tài sản cố định (GCF) tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế ở mức ý nghĩa 1%. Điều này cho thấy nếu quốc gia nào có nguồn vốn tích lũy và đầu tư cao thì sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh hơn. Tương tự, biến TRADE cũng mang dấu dương. Điều này cho thấy độ mở thương mại tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Nói cách khác, các quốc gia có độ mở thương mại lớn hay khối lượng giao thương nhiều sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, khám phá này là chưa thật sự rõ ràng vì biến TRADE không có ý nghĩa thống kê trong tất cả các phương pháp ước lượng.

Kết luận và hàm ý chính sách

Bài nghiên cứu tiến hành xem xét tác động của tín dụng khu vực tư và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia trong khu vực ASEAN giai đoạn 1995 – 2017. Kết quả cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài có tác động tích cực làm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các quốc gia ASEAN. Nhưng tín dụng khu vực tư lại ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia ASEAN. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng khu vực tư cho thấy sự phát triển tài chính đóng vai trò kênh trung gian của hiệu ứng lan tỏa vốn trong mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng kinh tế.

Thứ nhất, FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng tại các quốc gia khảo sát. Tuy nhiên, các quốc gia cũng cần nâng cao chất lượng dòng vốn đầu tư nước ngoài để hướng tới hình thành cơ cấu kinh tế hiện đại để khai thác và tận dụng nhiều hơn nữa lợi ích từ dòng vốn FDI. Theo đó, quốc gia nên có các chính sách thu hút đầu tư và xây dựng chính sách theo hướng tập trung mục tiêu vào các dự án được ưu tiên là công nghệ điện tử, tin học, dịch vụ cao cấp, đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao, cơ sở y tế và chăm sóc sức khỏe hiện đại, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Thứ hai, tín dụng khu vực tư chưa thể hiện được vai trò thúc đẩy và hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Điều này cho thấy chính sách tín dụng tại các quốc gia chưa mang lại hiệu quả tích cực. Một phần nguyên nhân của vấn đề này là do phát triển tài chính chưa hoàn thiện đủ đảm bảo hỗ trợ cho tăng trưởng tại các quốc gia này. Chính phủ các quốc gia ASEAN nên quan tâm hơn vấn đề hoàn thiện phát triển thị trường tài chính mà cụ thể là xây dựng chính sách tín dụng dành cho khu vực tư hướng đến các dự án đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất là các lĩnh vực mũi nhọn thuộc nhóm ưu tiên chiến lược phát triển quốc gia.

Danh mục chữ viết tắt

FDI: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài

ASEAN: Các nước Đông Nam Á

FEM: phương pháp ước lượng hiệu ứng cố định

REM: phương pháp ước lượng hiệu ứng ngẫu nhiên

GLS: bình phương tối thiểu tổng quát hóa

GMM: phương pháp hồi quy/ước lượng để xác định các thông số của mô hình thống kê hoặc mô hình kinh tế lượng

GDP: tổng sản phẩm quốc nội

GCF: Biến tích lũy tài sản cố định

TRADE: Biến Độ mở thương mại

CREDIT: Biến Tăng trưởng tín dụng khuyvực tư nhân

GROWTH: Biến Tốc độ tăng trưởng GDP thực bình quân đầu người

RE: ước lượng ngẫu nhiên

FE: ước lượng cố định

Tuyên bố về xung đột lợi ích

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo này.

Tuyên bố đóng góp của tác giả

Tác giả chịu trách nhiệm đối với toàn bộ nội dung bài báo.

References

  1. Amoo G, Eboreime M I, Adamu Y, Belonwu M C. The impact of private sector credit on economic growth in Nigeria. CBN Journal of Applied Statistics. 2017;8(2):1-22. Google Scholar
  2. Merton R C. Financial innovation and the management and regulation of financial institutions. Journal of Banking & Finance. 1995;19(3-4):461-81. Google Scholar
  3. King R G, Levine R. Finance and growth: Schumpeter might be right. The quarterly journal of economics. 1993;108(3):717-37. Google Scholar
  4. Hermes N, Lensink R. Foreign direct investment, financial development and economic growth. The Journal of Development Studies. 2003;40(1):142-63. Google Scholar
  5. Bittencourt M. Financial development and economic growth in Latin America: Is Schumpeter right. Journal of Policy Modeling. 2012;34(3):341-55. Google Scholar
  6. Solow R M. A contribution to the theory of economic growth. The quarterly journal of economics. 1956;70(1):65-94. Google Scholar
  7. Romer P M. Increasing returns and long-run growth. The journal of political economy. 1986;:1002-37. Google Scholar
  8. Lucas Jr RE.Transforming Macroeconomics: An Interview with Robert E. Lucas. Journal of Economic Methodology. 1998;5(1):115-46. Google Scholar
  9. De Mello Jr LR.Foreign direct investment in developing countries and growth: A selective survey. The journal of development studies. 1997;34(1):1-34. Google Scholar
  10. Basu P, Guariglia A. Foreign direct investment, inequality, and growth. Journal of Macroeconomics. 2007;29(4):824-39. Google Scholar
  11. Driffield N, Jones C. Impact of FDI, ODA and migrant remittances on economic growth in developing countries: A systems approach. European Journal of Development Research. 2013;25(2):173-96. Google Scholar
  12. Caves R E. Multinational firms, competition, and productivity in host-country markets. Economica. 1974;41(162):176-93. Google Scholar
  13. Blomström M, Kokko A, Globerman S. The determinants of host country spillovers from foreign direct investment: a review and synthesis of the literature. Inward Investment Technological Change and Growth: Springer;. 2001;:34-65. Google Scholar
  14. Rodriguez X A, Pallas J. Determinants of foreign direct investment in Spain. Applied Economics. 2008;40(19):2443-50. Google Scholar
  15. Soto H De, Diaz H P. The mystery of capital. Why capitalism triumphs in the West and fails everywhere else. Canadian Journal of Latin American & Caribbean Studies. 2002;27(53):172. Google Scholar
  16. Zhang K H. Does foreign direct investment promote economic growth? Evidence from East Asia and Latin America. Contemporary economic policy. 2001;19(2):175-85. Google Scholar
  17. Choong C K, Yusop Z, Soo S C. Foreign direct investment, economic growth, and financial sector development: a comparative analysis. ASEAN Economic Bulletin. 2004;5:278-89. Google Scholar
  18. Choong C -K, Yusop Z, Soo S -C. Foreign direct investment and economic growth in Malaysia: The role of domestic financial sector. The Singapore Economic Review. 2005;50(02):245-68. Google Scholar
  19. Chee Y L, Nair M. The impact of FDI and financial sector development on economic growth: Empirical evidence from Asia and Oceania. International Journal of Economics and Finance. 2010;2(2):107-22. Google Scholar
  20. Tiwari A K, Mutascu M. Economic growth and FDI in Asia: A panel-data approach. Economic analysis and policy. 2011;41(2):173-87. Google Scholar
  21. Roman M D, Padureanu A. Models of foreign direct investments influence on economic growth: Evidence from Romania. international Journal of Trade, Economics and finance. 2012;3(1):25-9. Google Scholar
  22. Evans P. Government action, social capital and development: reviewing the evidence on synergy. World development. 1996;24(6):1119-32. Google Scholar
  23. Moulton B R. Random group effects and the precision of regression estimates. Journal of econometrics. 1986;32(3):385-97. Google Scholar
  24. Moulton B R. An illustration of a pitfall in estimating the effects of aggregate variables on micro units.. The review of Economics and Statistics. 1990;19(2):334-8. Google Scholar
  25. Alfaro L, Chanda A, Kalemli-Ozcan S, Sayek S. FDI and economic growth: the role of local financial markets. Journal of international economics. 2004;64(1):89-112. Google Scholar
  26. Loayza N V, Ranciere R. Financial development, financial fragility, and growth. Journal of Money, Credit and Banking. 2006;5:1051-76. Google Scholar
  27. Azman-Saini W N W, Law S H, Ahmad A H. FDI and economic growth: New evidence on the role of financial markets. Economics Letters. 2010;107(2):211-3. Google Scholar
  28. Harrison A E, Mcmillan M S. Does direct foreign investment affect domestic credit constraints. Journal of international economics. 2003;61(1):73-100. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 3 No 4 (2019)
Page No.: 343-351
Published: Jan 9, 2020
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v3i4.576

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Van Cuong, D. (2020). The impact of credits to the private sector and FDI on the economic growth in ASEAN. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 3(4), 343-351. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v3i4.576

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2216 times
Download PDF   = 857 times
View Article   = 0 times
Total   = 857 times