Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1433

Total

836

Share

Theoretical background and solutions for Social security model in Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Through analyzing statistical data, this research attempts to present the situation of the social security model in Vietnam in recent years, thereby pointing out the limitations in the issuance and implementation of relevant policies. The results show that: (i) although the participants in the social security have been expanded, the coverage is yet to meet the target; (ii) Vietnam is adopting the socialization model with the principle of "payment-benefit" where large numbers of participants join to share risks and funds are pooled to pay for the insured. However, there is still a difference between the payment-benefit level between participants and; (iii) the monopoly of the State in providing the service, managing and using the social security funds has revealed many shortcomings. Through analyzing the current practice, the authors propose some solutions to improve Vietnam's social security model in the coming period, including (i) expanding the coverage to ensure the benefits for the participants and increase the revenue; (ii) specifying the principles of insurance, in particular, the premium obligations and funding of the State for each target group so as to reduce the burden for the insurance funds; (iii) encouraging the participation of the private sector in the provision of services to avoid the overloading to the current insurance funds and offer more options for the participants and; (iv) improving the management and using of the funds.

ĐẶT VẤN ĐỀ

ASXH là chính sách phúc lợi lớn mà Đảng và Nhà nước ta quan tâm ngay từ những ngày đầu xây dựng đất nước. Đến nay hệ thống ASXH của Việt Nam đã có nhiều cải tiến, ngày càng hoàn thiện và tiệm cận hơn với các nước phát triển. Nhìn chung, hệ thống ASXH của Việt Nam bao gồm hầu hết các chính sách cơ bản như: việc làm, đảm bảo thu nhập tối thiểu và giảm nghèo; bảo hiểm xã hội; trợ giúp xã hội; dịch vụ xã hội cơ bản, mỗi nhánh bao gồm nhiều chính sách chi tiết cho thấy hệ thống ASXH của Việt Nam là khá đầy đủ, thực hiện tốt vai trò đảm bảo phúc lợi và ASXH cho người dân. Tuy nhiên, trong mỗi chính sách cũng còn tồn tại nhiều hạn chế cả việc ban hành và thực thi chính sách. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu 3 chính sách trong hệ thống ASXH của Việt Nam có tác động lớn nhất đến đời sống của phần đông NLĐ bao gồm: BHXH, BHYT, BHTN. Và tập trung phân tích ở các khía cạnh: diện bao phủ của chính sách; nguyên tắc bảo hiểm và vai trò của Nhà nước trong cung ứng dịch vụ, quản lý và sử dụng các quỹ. Từ phân tích thực trạng để rút ra những hạn chế, từ đó đề xuất những giải pháp nhằm hoàn thiện hơn nữa mô hình ASXH ở Việt Nam trong thời gian tới.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm ASXH: có nhiều khái niệm khác nhau về ASXH, qua quá trình nghiên cứu tác giả đúc rút khái niệm về ASXH như sau: là hệ thống các chính sách và chương trình do Nhà nước và các tổ chức xã hội cùng thực hiện nhằm đảm bảo cho người dân có được thu nhập ở mức tối thiểu; hỗ trợ người dân giảm thiểu những rủi ro khi bị ốm đau, tai nạn lao động – bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động bằng việc bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập cho NLĐ; hỗ trợ kịp thời cho NLĐ thông qua các khoản trợ cấp bằng tiền và hiện vật cho những người có công và những người có hoàn cảnh đặc biệt; đảm bảo cho NLĐ có cơ hội tiếp cận với các dịch vụ cơ bản ở mức tối thiểu.

Các quốc gia có mức độ phát triển mô hình ASXH là rất khác nhau, song nhìn chung đều thuộc một trong hai trường phái Nhà nước xã hội và Nhà nước phúc lợi:

- Nhà nước xã hội được đề xuất bởi Otto Von Bismarck (Đức): Nguyên tắc bảo hiểm chủ đạo là các quỹ thành phần được phát triển dựa trên đóng góp và cũng chỉ có những thành viên tham gia được hưởng lợi. Quan điểm BHXH theo trường phái Bismarck cơ bản không được tài trợ từ Nhà nước nhưng Nhà nước đứng ra cam kết bảo đảm nếu các quỹ BHXH bị mất khả năng thanh toán 1 .

- Nhà nước phúc lợi được đề xuất bởi William Henry Beveridge (Anh): Nguyên tắc bảo hiểm là thống nhất, phổ cập, toàn diện và dựa vào sự tài trợ của nhà nước, mức hưởng không giới hạn thời gian nên đã dẫn đến làm gia tăng lạm dụng vì khi mức hưởng không quan hệ với mức đóng nên NLĐ chỉ đóng với mức tối thiểu, hậu quả là dần dần nguồn quỹ giảm, mức hưởng cũng không còn bảo đảm hỗ trợ cuộc sống hộ gia đình. Cuối cùng, từ ý tưởng rất “hấp dẫn” theo hướng bảo hiểm quốc gia, thực tế hệ thống ASXH hoạt động chủ yếu dựa vào sự tài trợ của Nhà nước. Mặc dù vậy, các quan điểm của Beveridge đã góp phần hình thành nên mô hình lý thuyết về  Nhà nước phúc lợi 1 .

Qua nghiên cứu cơ sở lý thuyết, các văn bản pháp luật về hệ thống ASXH đang được áp dụng hiện nay ở Việt Nam, đặc biệt các văn bản pháp luật quy định cụ thể về chính sách BHXH, BHYT, BHTN là Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm, tác giả khái quát sơ đồ về hệ thống ASXH đặc biệt là mô hình quản lý ASXH ở Việt Nam như trong Figure 1 .

Figure 1 . Mô hình quản lý ASXH ở Việt Nam. Nguồn: Tác giả tổng hợp từ tài liệu 2 , 3 , 4

Figure 1 
<a class=4" width="300" height="200">

[Download figure]

Lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu

(1) Lý thuyết nhu cầu của Maslow, con người có 5 tháp nhu cầu, trong đó nhu cầu về an toàn được xếp ở bậc thứ 2. Con người sau khi được thoả mãn những nhu cầu thiết yếu để tồn tại, sau đó sẽ có nhu cầu về an toàn để bảo vệ bản thân và gia đình mình tránh khỏi những rủi ro, việc NLĐ tham gia chính sách BHXH, BHYT, BHTN cũng với mục đích để đảm bảo an toàn về thu nhập, sức khoẻ khi còn tuổi lao động cho đến khi hết tuổi lao động.

(2) Lý thuyết về công bằng xã hội gắn với ASXH theo C.Mác. Ông chỉ ra rằng thu nhập của lao động là sản phẩm của lao động, thu nhập tập thể của lao động là tổng sản phẩm của XH. Tổng sản phẩm của XH phải khấu trừ đi: (i) phần để thay thế tư liệu sản xuất và tiêu dùng; (ii) phần phụ thêm để mở rộng sản xuất; (iii) một quỹ dự trữ hoặc quỹ BH để đề phòng những tai nạn, những sự rối loạn do các hiện tượng tự nhiên gây ra… Phần còn lại, trước khi tiến hành phân phối cho cá nhân, còn phải khấu trừ đi: (i) những chi phí quản lý chung, không trực tiếp thuộc về sản xuất; (ii) những khoản dùng để cùng nhau thoả mãn những nhu cầu như trường học, y tế…; (iii) quỹ cần thiết để nuôi dưỡng những người không có khả năng lao động, được gọi là cứu tế XH của nhà nước, cuối cùng mới tới sự phân phối 5 .

(3) Cơ sở để nhà nước can thiệp và cung cấp BHXH, BHYT, BHTN. Nhà nước sẽ can thiệp vào thị trường nếu thị trường bị thất bại và nếu tồn tại mất công bằng xã hội hoặc hàng hoá được khuyến dụng. ASXH là một trong các hình thức phân phối lại thu nhập nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Mặt khác, BHXH, BHYT và BHTN là hàng hoá khuyến dụng, bởi lẽ khi người dân tiêu dùng các hàng hoá này sẽ là sự đầu tư tốt cho tương lai để có được sức khoẻ tốt hơn, sự đảm bảo an toàn hơn và sự hỗ trợ chi phí tốt hơn trong những trường hợp rủi ro bất trắc mà họ gặp phải trong thời gian làm việc hoặc khi hết tuổi lao động. Xét về bản chất thì BHXH, BHYT, BHTN là hàng hoá tư nhân thuần tuý vì vừa có tính tranh giành, vừa có tính loại trừ nhưng lại được cung cấp bởi nhà nước vì:

Thứ nhất, đối với chính sách BHXH: Nếu để tư nhân cung cấp sẽ không hiệu quả vì: (i) hầu hết các chương trình BH tư nhân không đem lại khoản tiền BH hấp dẫn, nó thấp hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng vì chi phí hành chính quá cao; (ii) thị trường tư nhân kém khả năng đảm bảo cho các rủi ro xã hội, như lạm phát là loại rủi ro mang tính chất xã hội, cả xã hội phải gánh chịu, và thật sự rất khó cho BH tư nhân trong việc khắc phục rủi ro này; (iii) BHXH là hàng hoá được khuyến dụng, đặc biệt là bảo hiểm hưu trí nhằm đảm bảo cho cá nhân đảm bảo cuộc sống lúc về hưu để không trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội 6 .

Thứ hai, đối với chính sách BHYT: Chính phủ tham gia vào chăm sóc sức khoẻ vì đây là thị trường cạnh tranh không hoàn hảo, thông tin bất cân xứng đối với người tiêu dùng và những yếu tố ngoại lai khác. Hơn nữa, thị trường chăm sóc sức khoẻ có thể có hiệu quả Pareto, nhưng những người nghèo không mua nổi BHYT sẽ không được chăm sóc sức khoẻ nên nhà nước cần can thiệp 6 .

Thứ ba, đối với chính sách BHTN: Chính phủ tham gia vào chương trình BHTN do các hãng tư nhân không thể cung cấp những dịch vụ BH bao trùm những rủi ro nhất định và vì số tiền đóng BH không đủ để cung cấp cho những rủi ro thực. Trong trường hợp này, việc nhà nước đứng ra BH thực ra là một hình thức tài trợ ngầm 6 .

Tổng quan nghiên cứu

Đã có nhiều nghiên cứu về mô hình ASXH trong và ngoài nước, và kết quả nghiên cứu cũng khá đa dạng: Joseph E.Stiglitz ủng hộ BHXH, BHYT & BHTN nên được cung cấp công cộng 6 . Hệ thống ASXH ở Malaysia là một hỗn hợp các chương trình của tiểu bang và tư nhân, được cung cấp bởi nhiều cơ quan công và tư, riêng hệ thống chăm sóc sức khỏe, là một nhánh lớn của hệ thống ASXH được cung cấp bởi khu vực công 7 . Malaysia cũng là quốc gia thành công trong việc huy động nguồn lực xã hội đóng góp vào quỹ ASXH, đặc biệt là nguồn thiện nguyện 7 . Vincenzo Galasso & Paola Profeta, chỉ ra rằng các chương trình ASXH ở nhiều quốc gia tồn tại là dựa vào nguyên tắc lấy số đông bù số ít, lấy phần đóng góp của thế hệ trẻ để chi trả cho các thế hệ trước 8 . Vũ Văn Phúc ủng hộ quan điểm ASXH là hệ thống các chính sách can thiệp của nhà nước và sự hỗ trợ của các tổ chức hay tư nhân 9 . Mai Ngọc Cường, ủng hộ nguyên tắc bảo hiểm là đóng – hưởng giữa các đối tượng tham gia 10 . Nguyễn Văn Chiều chỉ ra rằng, chính sách ASXH của Việt Nam hiện nay gồm các trụ cột cơ bản: BHXH, BHYT, BHTN, ưu đãi xã hội và trợ giúp xã hội. ASXH ở Việt Nam nên đi theo mô hình phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro 11 . Đặng Nguyên Anh, chỉ ra sự khác biệt trong hệ thống ASXH của Việt Nam so với các nước là ở chính sách ASXH cho người có công 12 . Đỗ Ngọc Huỳnh kết luận, diện bao phủ của chính sách còn thấp, một số quy định còn bất hợp lý, chưa đáp ứng đầy đủ hay chưa đảm bảo mức sống tối thiểu cho nhiều đối tượng, khả năng tự bảo đảm ASXH của người dân còn thấp 13 . Theo nghiên cứu của Bùi Xuân Dự, mô hình ASXH ở Anh có sự đa dạng hoá về thành phần đóng góp vào quỹ, không chỉ gồm NSDLĐ và NLĐ mà còn gồm cả những người tự tạo việc làm, những người tình nguyện đóng góp để bảo vệ một số lợi ích 1 . Một số quốc gia như Đức, New Zealand, Phần Lan, Malaysia và Trung Quốc khá thành công về cơ quan quản lý hành chính và quản lý quỹ bởi vì họ có sự đa dạng hoá về cơ quan quản lý hành chính, theo đó, ở từng loại bảo hiểm riêng biệt họ phân quyền quản lý cho từng cơ quan khác nhau nhằm chuyên môn hoá và giảm thiểu quá tải. Mặt khác, tạo sự thanh tra, giám sát lẫn nhau giữa các cơ quan có thẩm quyền, nhờ vậy sẽ giảm thiểu tiêu cực, tham nhũng trong hệ thống ASXH 7 , 14 , 15 , 16 , 17 .

Phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính, với những phương pháp cụ thể như: phương pháp logic – lịch sử được sử dụng để lược khảo các công trình nghiên cứu, từ đó sử dụng phương pháp nghiên cứu chuẩn tắc để đưa ra quan điểm của mình về ASXH. Phương pháp phân tích – tổng hợp – so sánh: được sử dụng để phân tích thực trạng áp dụng mô hình ASXH tại Việt Nam. Phương pháp phân tích – tổng hợp và nghiên cứu chuẩn tắc được sử dụng để đề xuất những kiến nghị nhằm hoàn thiện mô hình ASXH cho Việt Nam.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Đối tượng áp dụng

Thứ nhất, đối tượng áp dụng của BHXH. Mặc dù Luật BHXH (2014) đã có sự mở rộng về đối tượng áp dụng đối với cả chính sách BHXHBB và BHXHTN, song cho đến nay diện bao phủ của chính sách vẫn còn khá thấp, đặc biệt là BHXHTN, thể hiện qua số liệu so sánh giữa số lượng người tham gia BHXHBB và BHXHTN trên tổng số lao động từ 15 tuổi trở lên.

Table 1 Số người tham gia BHXH với lao động từ 15 tuổi trở lên giai đoạn 2010-2018 . ĐVT: Ngàn người
Chỉ tiêu 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên 50.393 51.398 52.348 53.246 53.748 53.984 54.445 54.823 55.485
Tổng số người tham gia BHXH 9.523 10.201 10.565 11.057 11.646 12.291 13.056 13.820 14.724
Tỷ lệ (%) 18,9% 19,8% 20,2% 20,8% 21,7% 22,8% 24,0% 25,2% 26,5%
Số người tham gia BHXH bắt buộc 9.442 10.105 10.431 10.889 11.453 12.073 12.852 13.591 14.453
Tỷ trọng (%) 99,1% 99,1% 98,7% 98,5% 98,3% 98,2% 98,4% 98,3% 98,2%
Số người tham gia BHXH tự nguyện 81 96 134 168 193 218 204 228 271
Tỷ trọng (%) 0,9% 0,9% 1,3% 1,5% 1,7% 1,8% 1,6% 1,6% 1,8%

Theo số liệu ở Table 1 , số người tham gia BHXH đến năm 2018 chỉ chiếm 26,5% lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên, đây là con số quá thấp so với diện bao phủ mà chính sách muốn hướng tới, trong đó số người tham gia BHXHTN chỉ chiếm chưa đầy 2%. Nguyên nhân là do tình trạng NSDLĐ cố tình trốn đóng BH cho NLĐ bằng cách không ký HĐLĐ, không kê khai đúng số lao động được thuê. Mặt khác, chính sách BHXHTN chưa đủ hấp dẫn, mức đóng quá cao trong thời gian dài và chỉ có 2 chế độ là hưu trí và tử tuất, thực chất mới chỉ hướng đến đối tượng thiếu thời gian đóng BH để đủ điều kiện nghỉ hưu nên họ tham gia BHXHTN để đủ số năm còn thiếu; hoặc những trường hợp thất nghiệp tạm thời, đóng BHXHTN để được tính thời gian liên tục; những người tham gia từ đầu đến đủ 20 năm để hưởng lương hưu là rất hiếm.

Thứ hai, đối tượng áp dụng của BHYT. Chính sách BHYT toàn dân được thực hiện từ năm 2014, đến nay cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra, diện bao phủ của chính sách tăng đáng kể trong vòng 5 năm trở lại đây.

Table 2 Số người tham gia BHYT so với dân số cả nước giai đoạn 2010-2018 . ĐVT: Ngàn người
Chỉ tiêu 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Dân số (ngàn người) 86.947 87.860 88.809 89.760 90.729 91.710 92.692 93.672 96.961
Số người tham gia BHYT 52.407 57.082 58.977 61.764 64.645 68.466 75.915 81.189 83.515
Tỷ lệ (%) 60,3 65,0 66,4 68,8 71,3 74,7 81,9 86,7 86,1

Theo số liệu ở Table 2 , kết quả diện bao phủ chính sách BHYT vượt xa mục tiêu chính sách BHYT toàn dân theo Nghị quyết số 68/QH13 của Quốc hội:  “Bảo đảm đến năm 2015 đạt ít nhất 75% dân số tham gia BHYT và đến năm 2020 đạt ít nhất 80% dân số tham gia BHYT" 21 . Điều này có thể khẳng định chính sách BHYT đã và đang phát huy được hiệu quả thiết thực trong hệ thống ASXH. Tuy vậy đến nay vẫn còn 14% dân số cả nước chưa được tiếp cận BHYT, tỷ lệ này so với dân số gần 97 triệu người là con số không nhỏ và tập trung chủ yếu vào nhóm đối tượng không tham gia BHXH, phần lớn họ là những người làm việc ở khu vực phi chính thức, có thu nhập thấp và bấp bênh, không có việc làm ổn định, nguy cơ ốm đau bệnh tật cao, đây mới là nhóm đối tượng cần được chính sách ASXH hướng tới nhiều nhất.

Thứ ba, đối tượng áp dụng của BHTN. Đối tượng bắt buộc tham gia BHTN thuộc đối tượng tham gia BHXHBB. Khi Luật BHXH có sự mở rộng đối tượng tham gia BHXHBB thì đối tượng tham gia BHTN theo đó cũng tăng lên. Tuy nhiên thực tế chính sách BHTN mới chỉ hướng đến những người đang có việc làm, còn những người đang thất nghiệp lẽ ra là đối tượng chính của chính sách thì lại không được tham gia. Do vậy tỷ lệ tham gia BHTN so với lao động từ 15 tuổi trở lên vẫn còn quá thấp, đến năm 2018 tỷ lệ này mới đạt 22,9% (xem số liệu ở Table 3 ).

Table 3 Tỷ lệ tham gia BHTN so với lao động từ 15 tuổi trở lên đang có việc làm . ĐVT: Ngàn người
Chỉ tiêu 2010 2011 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Lao động từ 15 tuổi trở lên 50.393 51.398 52.348 53.246 53.748 53.984 54.445 54.823 55.485
Số người tham gia BHTN 7.206 7.968 8.270 8.691 9.220 10.310 10.945 11.539 12.680
Tỷ lệ (%) 14,3 15,5 15,8 16,3 17,2 19,1 20,1 21,0 22,9

Hầu hết các quốc gia đi theo chính sách tiền lương tối thiểu thì chính sách BHTN được xem như là chính sách bảo hộ lớn giúp khắc phục hậu quả thất nghiệp do chính sách tiền lương tối thiểu gây ra. Tuy nhiên, ở Việt Nam chính sách BHTN chưa thực sự được quan tâm, một phần do nhận thức của NLĐ về BHTN chưa được đầy đủ, chưa hiểu rõ lợi ích của chính sách với cuộc sống bấp bênh của mình, nên còn nhiều lao động còn có tư tưởng trốn tránh tham gia. Mặt khác, quản lý nhà nước về BHTN còn nhiều kẻ hở đã tạo điều kiện cho NSDLĐ tìm cách trốn đóng BHTN. Bên cạnh đó, BHTN mới chỉ quan tâm giải quyết phần ngọn, những người đang có việc làm thì bắt buộc phải đóng BHTN để đề phòng thất nghiệp, ngay cả những người có nguy cơ thất nghiệp thấp như viên chức làm việc trong khu vực nhà nước vẫn phải tham gia bắt buộc trong khi phần lớn trong số họ ít có khả năng được hưởng trợ cấp thất nghiệp, còn những người thực sự thất nghiệp thì lại không được tham gia.

Nguyên tắc bảo hiểm

Cả ba chính sách BHXH, BHYT, BHTN đều theo nguyên tắc “đóng - hưởng” và có sự chia sẻ giữa những người tham gia theo quy định của Luật BHXH, Luật BHYT và Luật Việc làm. Trong đó, nguồn quỹ được hình thành từ sự đóng góp, tính theo tỷ lệ so với mức lương tham gia đóng bảo hiểm của NLĐ, NSDLĐ và có một phần từ tài trợ của nhà nước; mức hưởng cũng được xác định theo tỷ lệ trên mức lương đóng góp. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số bất cập về nguyên tắc đóng – hưởng, điển hình như:

- Ở chính sách BHXH, việc ban hành, điều chỉnh và sửa đổi luật BHXH đã từng bước hướng tới quyền lợi của người tham gia nhiều hơn, tuy nhiên ở mỗi giai đoạn kéo theo sự thay đổi về mức đóng, mức hưởng dẫn đến sự mất công bằng giữa những người tham gia ở các thời điểm khác nhau. Mức đóng BHXH do NLĐ và NSDLĐ đóng, trong đó tỷ lệ đóng đối với NSDLĐ cao hơn nhiều so với NLĐ (17,5% - 8%) và không có sự hỗ trợ của Nhà nước làm gánh nặng cho NSDLĐ cũng là nguyên nhân DN trốn đóng BHXH cho NLĐ. Mặt khác, việc điều chỉnh mức đóng, mức hưởng bất lợi cho NLĐ đã tác động tiêu cực đến tư tưởng của NLĐ, dẫn đến tỷ lệ người hưởng BHXH một lần hàng năm ngày tăng càng cao, cao hơn cả số người hưởng hưu trí (năm 2010 gấp 4,5 lần đến năm 2018 gấp 6,7 so với số hưu trí) (xem số liệu ở Table 4 ).

Table 4 Tổng hợp đối tượng giải quyết hưởng chế độ BHXH . ĐVT: Người/lượt người/xuất
TT LOẠI ĐỐI TƯỢNG 2010 2011 2012 2014 2015 2016 2017 2018
1 Hàng tháng: 133.665 138.791 126.622 142.982 171.873 145.178 167.658 137.647
- Hưu trí 109.586 112.256 101.200 115.988 143.728 120.901 144.822 114.185
- Tuất 21.398 23.842 22.820 24.764 25.728 21.673 19.917 20.590
- TNLĐ-BNN 2.681 2.693 2.602 2.230 2.417 2.604 2.919 2.872
2 BHXH 1 lần 498.122 478.462 601.020 605.783 629.131 619.716 666.955 762.386
3 Ốm đau 3.250.000 4.350.497 4.117.298 4.971.168 5.782.914 6.481.297 7.544.660 8.153.463
4 Thai sản 661.312 835.752 1.082.502 1.211.945 1.425.760 1.570.801 1.825.187 1.866.018

- Ở chính sách BHYT, có 6 nhóm đối tượng: (1) nhóm do NLĐ và NSDLĐ đóng; (2) nhóm do tổ chức BHXH đóng; (3) nhóm do ngân sách nhà nước đóng; (4) nhóm được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng; (5) nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình; (6) và nhóm đối tượng khác do Chính phủ quy định. Các nhóm đều theo nguyên tắc đóng – hưởng, song mức tiền lương đóng BHYT lại rất khác nhau, kể cả các đối tượng trong cùng nhóm, các căn cứ đóng: mức tiền lương đóng BHXH, lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp thất nghiệp, mức tiền lương tháng trước khi nghỉ thai sản, mức lương cơ sở... điều này dẫn đến sự mất công bằng giữa các đối tượng khi hưởng cùng một mức như nhau. Mức hưởng BHYT khi KCB đúng tuyến đa số đều theo nguyên tắc đồng chi trả 80 - 20; nhưng một số đối tượng ở nhóm 3 và 4 quỹ BHYT thanh toán 95% - 100% như nhóm lực lượng vũ trang, người có công, cựu chiến binh, thân nhân người có công, trẻ em dưới 6 tuổi, người dân tộc tiểu số sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn, người thuộc hộ gia đình nghèo, người hưởng bảo trợ xã hội... Tuy nhiên, quy định của pháp luật còn chưa đủ chặt chẽ nên còn tồn tại tình trạng bị lợi dụng ở 2 nhóm đối tượng là người thuộc hộ gia đình nghèo và người hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội là người khuyết tật.

Table 5 Số lượt người hưởng BHYT . ĐVT: Nghìn lượt người
Chỉ tiêu 2010 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Số lượt người hưởng BHYT 106.000 121.960 129.652 136.326 130.175 149.700 169.859 177.600
Tốc độ tăng (%) - - 6,3 5,1 -4,5 15,0 13,5 4,6

Từ số liệu Table 5 ta thấy, số lượt người hưởng BHYT tăng với tốc độ khá cao, cao hơn tốc độ tăng của người tham gia BHYT, thậm chí có năm tốc độ tăng đạt tới 13,5% và 15%. Tuy nhiên, năm 2015 lại có tốc độ tăng âm, nghĩa là số lượt người hưởng BHYT năm 2015 thấp hơn 2014, nguyên nhân là do năm 2015 Luật BHYT sửa đổi bổ sung có hiệu lực từ 01/01/2015, theo đó một số quy định về điều kiện hưởng BHYT được siết chặt đối với những trường hợp người tham gia BHYT đi KCB trái tuyến, vượt tuyến. Cụ thể, nếu như trước năm 2015 những trường hợp trái tuyến, vượt tuyến sẽ được hưởng ở mức thấp hơn (70% tại tuyến bệnh viện hạng 3; 50% tại tuyến bệnh viện hạng 2 và 30% tại tuyến bệnh viện hạng 1) thì đến năm 2015 quy định các trường hợp trái tuyến, vượt tuyến ngoại trú (trừ tuyến huyện trở xuống) không được hưởng, chỉ KCB nội trú mới được hưởng ở mức 40% tại tuyến trung ương, 60% tại tuyến tỉnh và 70% tại tuyến huyện. Đến năm 2016, 2017 tỷ lệ này đã tăng trở lại và đạt mức cao nhất vào năm 2016, do BHYT được thông tuyến huyện trong phạm vi của tỉnh, người tham gia BHYT KCB trái tuyến ở tuyến huyện vẫn được hưởng mức đồng chi trả 80% - 20%, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB, do vậy số lượt người hưởng BHYT đã tăng lên đáng kể.

Như vậy, chính sách BHYT nội hàm trong đó đã có sự giao thoa của cả mô hình nhà nước phúc lợi của Beveridge và nhà nước xã hội của Bismarck.

- Ở chính sách BHTN, chính sách này có sự tài trợ một phần của Nhà nước trong mức đóng, cụ thể: NLĐ đóng bằng 1% tiền lương tháng; NSDLĐ đóng bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những NLĐ đang tham gia BHTN ; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng BHTN của những NLĐ đang tham gia BHTN và do ngân sách trung ương bảo đảm. Mức hưởng được xác định bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

Tuy nhiên, chính sách này khác hẳn với 2 chính sách BHXH và BHYT (NLĐ tham gia đóng góp thì đều được thụ hưởng), riêng chính sách BHTN luôn tồn tại một lượng lớn những người phải tham gia bắt buộc nhưng khả năng thất nghiệp là rất thấp nên không có cơ hội để hưởng trợ cấp thất nghiệp như viên chức trong khu vực nhà nước, những người đã có thời gian làm việc lâu năm trong đơn vị sự nghiệp công lập sắp đến tuổi nghỉ hưu những vẫn phải đóng BHTN. Ngoài ra, ở một góc độ nào đó chính sách BHTN của Việt Nam chưa thực sự hướng đến đúng đối tượng là những người thực sự thất nghiệp mà đa phần họ là những người “nhảy việc” vì đang tìm kiếm được công việc mới tốt hơn nên họ nghỉ công việc cũ, đó là lý do vì sao số người hưởng BHTN ngày càng tăng nhưng số người học nghề và tìm việc làm mới lại rất thấp, con số này thấp hơn nhiều kể từ năm 2016 do không còn được hưởng trợ cấp một lần cho những tháng còn lại khi tìm được việc làm, đây là bất cập lớn của chính sách và cũng là minh chứng rõ nét cho trường hợp trục lợi từ quỹ BHTN (xem số liệu Table 6 ).

Table 6 Số người/lượt người hưởng BHTN
Chỉ tiêu 2010 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Số người hưởng BHTN hàng tháng (Người) 157.035 611.543 582.067 532.949 550.655 614.791 706.512 763.573
Số lượt người hưởng trợ cấp BHTN 1 lần, học nghề, tìm việc làm (Lượt người) 7.377 23.156 43.688 45.681 59.654 36.006 34.723 37.960

Quỹ BHXH, BHYT, BHTN

Quỹ và sử dụng Quỹ

Nguồn hình thành quỹ BHXH, BHYT, BHTN theo quy định được lấy từ các nguồn sau đây: NLĐ và NSDLĐ đóng theo quy định; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ; hỗ trợ của Nhà nước; các nguồn thu hợp pháp khác.

Thu – chi quỹ BHXH, BHYT, BHTN qua các năm

Table 7 So sánh số chi với thu quỹ BHXH, BHYT, BHTN. ĐVT: Tỷ đồng
Chỉ tiêu 2010 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Tổng số chi BHXH 64.070 98.714 117.890 131.864 147.615 161.488 177.826 198.888
Tổng số thu BHXH 49.914 103.105 121.910 131.733 148.375 175.611 196.393 -
Tỷ lệ chi/thu (%) 128,4 95,7 96,7 100,1 99,5 92,0 90,5 -
Tổng số chi BHYT 19.081 32.474 38.455 43.002 49.035 68.736 89.443 99.846
Tổng số thu BHYT 25.541 42.429 50.233 53.979 59.670 68.918 81.574 -
Tỷ lệ chi/thu (%) 74,7 76,5 76,6 79,7 82,2 99,7 109,6 -
Tổng số chi BHTN 459 2.645 3.911 4.820 4.883 5.745 7.935 9.722
Tổng số thu BHTN 5.400 10.457 12.734 11.996 9.710 11.862 13.589 15.351
Tỷ lệ chi/thu (%) 8,5 25,3 30,7 40,2 50,3 48,4 58,4 63,3
Tổng số chi 83.610 133.833 160.256 179.686 201.533 235.969 275.204 308.456
Tổng số thu 80.855 154.991 184.877 197.708 217.755 256.391 291.556 332.006
Tỷ lệ chi/thu (%) 103,4 86,3 86,7 90,9 92,6 92,0 94,4 92,9

Từ số liệu ở Table 7 cho thấy, số chi các quỹ BH tăng cao qua các năm nhưng hầu hết số chi không vượt quá số thu (trừ năm 2010 và 2014 đối với quỹ BHXH; năm 2017 đối với quỹ BHYT) 23 . Trong đó, tỷ lệ chi/thu của quỹ BHTN là thấp nhất, mặc dù thời gian qua tình trạng trục lợi quỹ BHTN là không nhỏ, nhưng do có một lượng lớn lao động tham gia BHTN nhưng không hưởng nên quỹ BHTN vẫn kết dư hàng năm. Quỹ BHXH mặc dù số thu hàng năm tăng cao, song tỷ lệ chi/thu cũng rất cao (trên 90,5%), có năm còn bị bội chi là do nhiều DN nợ đọng BHXH nên số thu bị giảm đáng kể. Riêng chi quỹ BHYT, số chi hàng năm tăng lên đáng kể, thậm chí đến năm 2017 số chi đã vượt quá số thu. Nguyên nhân là do nhu cầu KCB của người dân ngày càng cao (trên 2 lần tính bình quân/người/năm), giá dịch vụ y tế ngày càng tăng, tình trạng trục lợi quỹ BHYT dưới nhiều hình thức vẫn còn phổ biến và chưa được xử lý triệt để nên gây áp lực lớn lên quỹ BHYT.

Quản lý Quỹ

Việc quản lý quỹ như quy định là cơ bản phù hợp: Hoạt động đầu tư từ quỹ phải bảo đảm an toàn, hiệu quả và thu hồi được vốn đầu tư, với các hình thức đầu tư cụ thể như sau: (1) Mua trái phiếu Chính phủ; (2) gửi tiền, mua trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt theo xếp loại tín nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; (3) cho ngân sách nhà nước vay. Vì vậy quỹ bảo hiểm được bảo toàn và có tăng trưởng. Tuy nhiên việc thực thi của cơ quan quản lý vẫn xảy ra những vi phạm, công tác quản lý vẫn còn chưa hiệu quả trong việc đầu tư quỹ dẫn đến thất thoát quỹ bảo hiểm.

Table 8 Cân đối Quỹ BHXH, BHYT, BHTN . ĐVT: Tỷ đồng
2010 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Số dư cuối năm Quỹ BHXH -14.155 4.391 4.020 -131 760 14.123 18.567 -
Số dư cuối năm Quỹ BHYT 6.460 8.955 11.778 10.977 10.635 182 -7.869 -
Số dư cuối năm Quỹ BHTN 4.941 7.812 8.823 7.176 4.827 6.117 5.654 5.629
Tổng dư quỹ cuối năm -2.754 21.158 24.621 18.022 16.222 20.422 16.352 23.550

Tỷ lệ chi/thu các loại quỹ bảo hiểm như đã trình bày ở trên dẫn đến số dư quỹ hàng năm khá biến động, không theo một chiều hướng nhất định. Tuy nhiên đáng chú ý là quỹ BHYT, từ năm 2015 trở đi tỷ lệ chi tăng cao dẫn đến số dư quỹ liên tục giảm mạnh, đến năm 2017 thì bội chi. Mặc dù diện bao phủ BHYT ngày càng tăng, mục tiêu BHYT toàn dân đã dần đạt được, song số liệu cân đối quỹ BHYT lại theo chiều hướng tăng dần mức âm là điều rất đáng lo ngại để đảm bảo nguồn quỹ cho việc thực hiện chính sách lâu dài (số liệu Table 8 ).

THẢO LUẬN

Từ nghiên cứu thực trạng BHXH, BHYT, BHTN trong hệ thống ASXH của Việt Nam, để hoàn thiện hơn nữa hệ thống ASXH trong thời gian tới cần tập trung vào các giải pháp sau:

Về diện bao phủ chính sách

Thứ nhất, đối với chính sách BHXHBB, BHYT và BHTN, để mở rộng diện bao phủ đúng với mục tiêu của chính sách cần phải có biện pháp để kiểm soát số lượng lao động thực sự được sử dụng trong các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức có sử dụng lao động. Bên cạnh đó, phải thay đổi chế tài trong luật theo hướng nghiêm khắc hơn để tăng tính răn đe cho các trường hợp không ký hợp đồng theo quy định của Bộ Luật lao động, không kê khai đủ số lượng lao động sử dụng. Phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng đến tất cả các nhóm đối tượng và phải thực hiện thường xuyên nhằm đảm bảo các đối tượng được tiếp cận đầy đủ thông tin chính sách. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, thường xuyên đôn đốc, nhắc nhở nhằm hạn chế tình trạng không tuân thủ pháp luật về đóng BH cho NLĐ.

Ngoài ra, BHXHVN cần phối hợp với ngành y tế, ngành lao động để hoàn thiện hơn nữa chính sách BH thông qua việc tham mưu cho Chính phủ để cải tiến trong chính sách từ thủ tục hành chính, quy trình thanh toán; đến quyền lợi của người dân; cũng như nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ; kịp thời hướng dẫn và giải đáp thắc mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BH để tăng tính hấp dẫn của chính sách đối với người dân.

Thứ hai, đối với chính sách BHXHTN, cần phải thay đổi từ trong luật nhằm khuyến khích người dân tham gia tích cực để được hưởng các chế độ thay vì như hiện nay chỉ những người thiếu thời gian đóng BHXH một số năm để được hưởng lương hưu mới tham gia BHXHTN. Sự thay đổi này phải từ cả 2 nội dung: (i) đa dạng hoá các chế độ trong BHXHTN giống như BHXHBB; (ii) tính toán mức đóng – hưởng hợp lý, phù hợp với phần đông đối tượng tham gia BHXHTN là những người làm việc ở khu vực phi chính thức, công việc bấp bênh, thu nhập không ổn định, rủi ro trong cuộc sống và trong lao động, Nhà nước cần hỗ trợ một phần đóng BHXHTN như đối với BHTN.

Về nguyên tắc bảo hiểm

Tiếp tục thực hiện mô hình ASXH xã hội hoá theo nguyên tắc đóng – hưởng của Bismarck. Tuy nhiên cần có giải pháp để giải quyết các nội dung cụ thể sau đây:

Thứ nhất, nguyên tắc bảo hiểm vẫn tiếp tục theo nguyên tắc đóng - hưởng, nhưng xem xét thêm đối tượng đóng góp vào quỹ ngoài những người có liên quan như đóng góp từ tư nhân, các tổ chức phi lợi nhuận hay từ nguồn thiện nguyện để gia tăng nguồn quỹ.

Thứ hai, để gia tăng nguồn quỹ, không nhất thiết phải tăng tỷ lệ đóng của các đối tượng tham gia vì sẽ càng làm giảm tính hấp dẫn của chính sách dẫn đến sự tránh né tham gia. Thay vào đó, quản lý tốt mức lương làm cơ sở đóng BH là giải pháp hữu hiệu hơn cả. Cụ thể phải kiểm soát chặt chẽ giữa tiền lương thực tế chi trả của DN cho NLĐ để làm căn cứ xác định tiền lương đóng BH thông qua hệ thống ngân hàng (trả lương qua thẻ), qua bảng lương hạch toán (trả lương bằng tiền mặt) và HĐLĐ, nghĩa là cần có sự kết nối chặt chẽ giữa 4 bên: NLĐ, DN, cơ quan quản lý lao động và cơ quan quản lý bảo hiểm nhằm công khai minh bạch chế độ tiền lương và mức đóng bảo hiểm của NLĐ và DN nhằm khắc phục triệt để tình trạng này, muốn vậy phải cần thay đổi đồng bộ từ việc ban hành pháp luật cho đến việc thực thi.

Thứ ba, phải bảo đảm rằng quyền lợi của người tham gia BH là vững chắc, trong mọi giai đoạn nếu có sự thay đổi điều chỉnh luật cũng không nên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đã tham gia trước đó mà nên chỉ áp dụng cho đối tượng giam gia kể từ ngày luật điều chỉnh có hiệu lực. Phải bảo đảm quyền lợi theo mức hưởng trong suốt cả quá trình, có như vậy mới bảo đảm công bằng giữa các đối tượng tham gia và không gây tâm lý hoang mang cho NLĐ.

Thứ tư, đối với chính sách BHYT, Nhà nước nên điều chỉnh thống nhất tiền lương đóng BHYT theo mức lương cơ sở để bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng có cùng mức hưởng như nhau. Mọi chi phí dịch vụ y tế đều phải được quỹ BHYT chi trả để đảm bảo quyền lợi người tham gia, vì hiện nay một số chi phí dịch vụ y tế không được quỹ BHYT thanh toán hoặc được thanh toán với mức rất thấp so với chi phí cá nhân chi trả. Đồng thời Nhà nước cần trích một phần từ nguồn ngân sách hàng năm đóng vào quỹ BHYT để hỗ trợ bảo đảm KCB cho nhóm đối tượng được ngân sách nhà nước đóng (như BHXH đối với đối tượng có thời gian tham gia BHXH hoặc nghỉ hưu trước năm 1995), vì nhóm đối tượng này có mức hưởng 100% sẽ gây áp lực lên quỹ BHYT dẫn đến nguy cơ bội chi quỹ.

Vai trò của nhà nước trong cung ứng dịch vụ

Một là, Nhà nước đóng vai trò chủ đạo trong cung ứng dịch vụ bảo hiểm và định hướng chính sách đối với các dịch vụ bảo hiểm do DN hoặc tư nhân cung cấp. Đồng thời với một số đối tượng, Nhà nước không nên bắt buộc người dân tham gia dịch vụ do mình cung cấp, mục tiêu mọi người dân đều được tiếp cận với ASXH nhưng không nhất thiết phải là dịch vụ của Nhà nước. Vì trong một số trường hợp, người dân có điều kiện kinh tế hơn, họ mong muốn tham gia một loại hình dịch vụ khác mà ở đó quyền lợi của họ được đáp ứng theo nhu cầu cao hơn, trong khi dịch vụ Nhà nước còn giới hạn (ví dụ gói bảo hiểm sức khoẻ ở các công ty lớn hoặc gói bảo hiểm nhân thọ).

Hai là, đối với BHXH và BHTN giao cho Bộ LĐTB&XH là cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp thực hiện toàn diện việc cung ứng dịch vụ. Đây là cơ quan quản lý lao động - tiền lương và chủ trì trong thực hiện pháp luật về lao động. Do vậy giao cho Bộ LĐTB&XH trực tiếp thực hiện toàn diện sẽ thuận lợi, kịp thời và bảo đảm quyền lợi cho người tham gia tốt hơn và việc quản lý nhà nước cũng sẽ hiệu quả hơn. Thay vì như hiện nay, việc quản lý nhà nước thì do Bộ LĐTB&XH, còn việc quản lý về thu, chi, bảo toàn và cân đối quỹ lại do cơ quan BHXH Việt Nam thực hiện, trong khi 2 cơ quan này đều thuộc Chính phủ dẫn đến phát sinh những bất cập trong quá trình thực hiện.

Ba là, đối với BHYT nên giao cho Bộ Y tế thực hiện toàn diện việc cung ứng dịch vụ, tách BHYT ra khỏi cơ quan BHXH. Thực tế nghiên cứu cho thấy, các cơ sở KCB là đơn vị trực tiếp giải quyết quyền lợi cho người tham gia BHYT, mặc dù Bộ Y tế quản lý các cơ sở KCB nhưng chỉ ở góc độ chuyên môn về KCB và quản lý nhà nước về BHYT nhưng quản lý về thu chi, giải quyết chính sách BHYT lại do BHXH Việt Nam thực hiện dẫn đến bất cập, chồng chéo trong thực thi chính sách làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia và hiệu quả của chính sách. Vì vậy giao cho Bộ Y tế thực hiện cung ứng toàn diện dịch vụ sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia, phù hợp cả về mặt quản lý nhà nước và quản lý dịch vụ. Ngoài ra, cần đa dạng hoá đơn vị KCB cho cả khu vực tư, tạo điều kiện thu hút các bệnh viện tư tham gia KCB BHYT là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm quá tải bệnh viện công đồng thời giúp cho người dân có nhiều lựa chọn hơn trong KCB BHYT.

Quỹ và sử dụng, quản lý quỹ

Việc thực hiện cơ chế quản lý, sử dụng quỹ theo quy định hiện hành là tập trung, thống nhất do cơ quan BHXH thực hiện đã bộc lộ những yếu kém trong công tác quản lý, phát sinh những tiêu cực trong thực thi chính sách. Vì vậy cần tách mỗi loại quỹ tương ứng với mỗi cơ quan cung ứng dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về dịch vụ mà mình cung cấp.

Thứ nhất, đối với quỹ BHXHBB, giao cho Bộ LĐTB&XH quản lý toàn diện đồng thời chuyển cơ quan BHXH trực thuộc Bộ này quản lý, trực tiếp thực hiện việc quản lý và sử dụng quỹ. Nghiên cứu thực tế cho thấy chính sách BHXH là trụ cột của hệ thống ASXH, việc quản lý và sử dụng quỹ là hết sức quan trọng vì nó quyết định đến hiệu quả chính sách. Những hạn chế, bất cập và yếu kém trong quản lý sử dụng quỹ bảo hiểm thời gian của cơ quan BHXH cần phải có sự điều chỉnh. Việc chuyển cơ quan này trực thuộc Bộ LĐTB&XH và trực tiếp quản lý riêng quỹ này là phù hợp với mục tiêu yêu cầu.

Thứ hai, đối với quỹ BHXHTN và quỹ BHTN do Bộ LĐTB&XH quản lý nhưng giao cho cơ quan Quản lý lao động vừa trực tiếp tổ chức thực hiện quản lý lao động, vừa thực hiện chính sách BHXHTN, BHTN; vừa quản lý và sử dụng quỹ sẽ hiệu quả hơn.

Thứ ba, đối với quỹ BHYT giao cho Bộ Y tế quản lý và sử dụng. Bộ Y tế là cơ quan cung cấp dịch vụ y tế, đồng thời cũng trực tiếp quản lý và sử dụng quỹ BHYT nhằm bảo đảm kịp thời quyền lợi đối với người tham gia BHYT; đảm bảo điều hành, quản lý nhà nước được thống nhất; giải quyết những bất cập chồng chéo trong tổ chức thực hiện BHYT, đảm bảo việc chi trả BHYT đúng đối tượng, đúng mức quyền lợi được hưởng, giảm tối đa tình trạng trục lợi BHYT như hiện nay.

Thứ tư, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra của Bộ Tài chính và Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu - chi các quỹ. Bộ Tài chính phải là cơ quan kiểm soát việc quản lý và sử dụng các loại quỹ, duyệt quyết toán thu chi các loại quỹ, tăng cường công tác quản lý, siết chặt quản lý thu chi, đầu tư các loại quỹ theo đúng quy định của pháp luật. Kiểm toán Nhà nước thường xuyên thực hiện kiểm toán toàn diện cả định kỳ và đột xuất việc quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm, giúp Chính phủ tổ chức thực hiện tốt hơn về chính sách bảo hiểm, góp phần thực hiện có hiệu quả chính sách ASXH. 

KẾT LUẬN

Mặc dù vẫn còn những hạn chế nhất định, song chính sách BHXH, BHYT và BHTN đã và đang mang lại hiệu quả thiết thực góp phần xây dựng hệ thống ASXH bền vững. Trải qua từng thời kỳ, chế độ bảo hiểm được ban hành và dần được hoàn chỉnh, đến nay đã mang lại những kết quả khả quan góp phần nâng cao chất lượng đời sống của người dân và thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong mỗi chính sách vẫn còn bộc lộ những hạn chế, những hạn chế mà tác giả chỉ ra là trực quan, đây là những rào cản không nhỏ đối với việc thực hiện mục tiêu chính sách. Vì vậy, Nhà nước cần phải có sự điều chỉnh chính sách phù hợp, theo đó nên thực hiện đồng bộ các giải pháp nêu trên nhằm hoàn thiện hệ thống ASXH phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước trong tình hình mới.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật /ĐHQG TP.HCM trong Đề tài mã số: CS/2018-04

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

ASXH: An sinh xã hội

BH: Bảo hiểm

BHXH: Bảo hiểm xã hội

BHXHBB: Bảo hiểm xã hội bắt buộc

BHXHTN: Bảo hiểm xã hội tự nguyện

BHTN: Bảo hiểm thất nghiệp

BHYT: Bảo hiểm y tế

DN: Doanh nghiệp

KCB: Khám chữa bệnh

LĐTB&XH: Lao động Thương binh và Xã hội

NLĐ: Người lao động

NSDLĐ: Người sử dụng lao động

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện

References

  1. Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Khoá XIV.Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp giai đoạn 2016 – 2018, Số 1286/BC-UBVĐXH14 ngày 14/5/2018. . ;:. Google Scholar
  2. Tổng cục Thống kê. . ;:. Google Scholar
  3. Bộ LĐTB&XH.Báo cáo tổng kết đánh giá thi hành luật bảo hiểm xã hội 2006. . ;:. Google Scholar
  4. Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc Hội Khoá XIV.Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2017, Số 1284/BC-UBVĐXH14 ngày 14/5/2018. . ;:. Google Scholar
  5. Bùi Xuân Dự.An sinh xã hội: Mô hình nhà nước phúc lợi hay nhà nước xã hội. Tạp chí Công tác Xã hội. 2011;(9):. Google Scholar
  6. Quốc hội, Luật Việc làm số 38/2013/QH13, ban hành ngày 16 tháng 11 năm 2013. . ;:. Google Scholar
  7. Quốc hội, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, số 46/2014/QH13, ban hành ngày 13 tháng 06 năm 2014.. . ;:. Google Scholar
  8. Quốc hội, Luật BHXH, số 58/2014/QH13, ban hành ngày 20 tháng 11 năm 2014. . ;:. Google Scholar
  9. C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tập 19.. . ;:. Google Scholar
  10. Stiglitz Joseph E. Kinh tế học công cộng. NXB Khoa học và Kỹ thuật, dịch bởi trường đại học Kinh tế Quốc dân. . 1995;:. Google Scholar
  11. Rohaizat Hassan Davis Approaches and future direction of social security system: Malaysian perspective. Malaysian journal of public health medicine. 2012;12(1):1-13. Google Scholar
  12. Vincenzo Galasso & Paola Profeta The political economy of social security: a survey. European Journal of Political Economy. 2002;18:. Google Scholar
  13. Vũ Văn Phúc.An sinh xã hội ở Việt Nam hướng tới 2020, NXB Chính trị Quốc gia. . 2012;:. Google Scholar
  14. Mai Ngọc Cường.An sinh xã hội ở Việt Nam giai đoạn 2012-2020, NXB Chính trị Quốc gia. . 2013;:. Google Scholar
  15. Nguyễn Văn Chiều.An sinh xã hội và vai trò của nhà nước trong việc thực hiện chính sách an sinh xã hội ở Việt Nam, NXB Chính trị Quốc gia. . 2014;:. Google Scholar
  16. Đặng Nguyên Anh.An sinh xã hội ở Việt Nam sau 30 năm đổi mới và định hướng đến năm 2030. Tạp chí Xã hội học. 2015;(2):4-12. Google Scholar
  17. Đỗ Ngọc Huỳnh.Bàn về cải cách hệ thống ASXH ở Việt Nam. Tạp chí Công tác xã hội. 2010;(11):. Google Scholar
  18. Websile. . ;:. Google Scholar
  19. Websile. . ;:. Google Scholar
  20. Website. . ;:. Google Scholar
  21. Quốc hội.Nghị quyết số 68/2013/QH13 về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật về BHYT, tiến tới BHYT toàn dân, ban hành ngày 29/11/2013. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 1 (2020)
Page No.: 600-610
Published: Mar 31, 2020
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i1.596

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Thanh Huyen, N. (2020). Theoretical background and solutions for Social security model in Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 4(1), 600-610. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i1.596

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1433 times
Download PDF   = 836 times
View Article   = 0 times
Total   = 836 times