Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Communication

HTML

1765

Total

204

Share

The efficiency of implementing financial autonomy at Vietnam National University Ho Chi Minh: situation and solution






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In the world, university autonomy is considered the advanced governance method targeting improving the quality of higher education. In Vietnam, university autonomy, in particular, financing among public universities, has been experiencing the positive outcomes in line with both world trends and general guidelines of Vietnam’s Communist Party. As one of two National universities in Vietnam, Vietnam National University – Ho Chi Minh has been given a high level of autonomy in terms of training, research, financing, international relations, organization, and personnel since it was founded. Its current effectiveness has, however, witnessed negative results in the autonomous aspect, particularly financing. This paper examines the current situation to point out weaknesses and the cause of such weaknesses in financial autonomy effectiveness of Vietnam National University – Ho Chi Minh; this paper also offers some policy implications including (i) reforming the legal framework towards university autonomy, namely financial autonomy among public tertiary education; (ii) financing allocation reform from the state budget; (iii) improved financial autonomy mechanism at Vietnam National University – Ho Chi Minh; (iv) re-organizing the apparatus and improving personnel quality at Vietnam National University – Ho Chi Minh; (v) strengthening monitoring and internal control.

Đặt vấn đề

Trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập đã trở thành xu thế trên toàn thế giới. Tự chủ đại học gồm nhiều nội dung khác nhau, theo European University Association, EUA (2017) 1 , tự chủ đại học gồm 4 nội dung: (i) Tự chủ về tổ chức, (ii) Tự chủ về tài chính, (iii) Tự chủ về học thuật, (iv) Tự chủ về nhân sự. Theo đó, tự chủ tài chính là một nội dung quan trọng trong tự chủ đại học 2 . Chính vì vậy, để thực hiện tự chủ đại học thì đầu tiên các cơ sở GDĐH cần phải được TCTC.

Do vậy, thời gian qua ở Việt Nam, Đảng và Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách nhằm trao quyền tự chủ nói chung và TCTC nói riêng cho các cơ sở GDĐH công lập, thể hiện qua các văn bản pháp luật như: Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ghi nhận về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH Việt Nam 3 ; Luật Giáo dục đại học số 08/2012/QH13 4 và gần đây nhất là Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 sửa đổi, bổ sung ban hành ngày 19/11/2018 5 đã tái khẳng định quyền tự chủ của cơ sở GDĐH công lập tại Việt Nam. Bên cạnh đó, nhiều Nghị định cũng đã được ban hành như Nghị định số 10/2002/NĐ-CP của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho ĐVSN có thu, Nghị định số 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối vối các ĐVSN công lập 6 , Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 về cơ chế tự chủ của ĐVSN công lập, quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của ĐVSN công lập 7 ; Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các ĐVSN công lập 8 .

Đối với Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, ngay khi thành lập (1995) đã được quy định “ được quyền tự chủ cao trong các hoạt động về đào tạo, nghiên cứu khoa học, tài chính, quan hệ quốc tế và tổ chức bộ máy theo Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên và có cơ chế tài chính đặc thù do Thủ tướng Chính phủ quy định” 9 . Ngoài ra, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17/11/2013 về ĐHQG 10 , Quyết định số 26/2014/QĐ-CP ngày 26/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế về tổ chức và hoạt động của ĐHQG và các cơ sở GDĐH thành viên 11 . Theo đó, ĐHQG-HCM được trao quyền tự chủ cao trong các hoạt động về tài chính, là đơn vị dự toán cấp I, phân bổ kinh phí cho các cơ sở GDĐH thành viên, được quyền quyết định về mở ngành, xây dựng chương trình đạo tạo, phê duyệt đề tài, hợp tác quốc tế, tổ chức bộ máy và nhân sự và được Nhà nước quan tâm đầu tư, phát triển cơ sở vất chất…

Tuy nhiên, thực hiện TCTC của ĐHQG-HCM vẫn còn nhiều hạn chế, TCTC của ĐHQG-HCM đã đi sau các cơ sở GDĐH ngoài công lập. Thiếu tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong việc phát triển nguồn thu, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài chính dẫn tới việc hạn chế nguồn tài chính để nâng cao chất lượng đào tạo, đầu tư cơ sở vật chất... làm cho các hoạt động liên quan chậm đổi mới sáng tạo hoặc không phát huy hết khả năng, tiềm lực sẵn có.

Từ đó, cho thấy việc đánh giá thực trạng TCTC tại ĐHQG-HCM nhằm đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện TCTC, góp phần thúc đẩy sự phát triển của ĐHQG-HCM nói riêng và các cơ sở GDĐH công lập nói chung là rất cần thiết.

Thực trạng hiệu quả thực hiện tự chủ tài chính tại ĐHQG-HCM

Kết quả đạt được

Thứ nhất, TCTC đã tạo điều kiện đa dạng hoá nguồn thu, tăng nguồn thu và giúp ĐHQG-HCM đảm bảo được chi thường xuyên.

TCTC đã tạo điều kiện cho ĐHQG-HCM huy động được khá nhiều các nguồn tài chính khác nhau ngoài NSNN cấp. Tính toán hệ số đa dạng hoá nguồn thu cho thấy, hệ số đa dạng hoá nguồn thu của ĐHQG-HCM ( Table 1 12 , 13 ), từ 0,64 năm 2012 tăng lên 0,75 năm 2017 và 0,74 năm 2018, cho thấy nguồn thu của ĐHQG-HCM đã ngày càng được đa dạng.

Table 1 Hệ số đa dạng hoá nguồn thu
Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Mức độ đa dạng hóa nguồn thu (hệ số D) 0,6444 0,6893 0,7025 0,7215 0,7109 0,7562 0,7415

Cụ thể, các nguồn thu của ĐHQG-HCM như Table 2 12 , 14 , 13 .

Table 2 Tình hình nguồn thu của ĐHQG giai đoạn 2012-2018
Chỉ tiêu 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
ĐHQG-HCM
1. Nguồn NSNN cấp 1.053.559 953.834 850.318 991.858 1.188.835 750.729 798.737
Sự nghiệp giáo dục đào tạo 307.980 340.606 422.108 516.109 468.112 501.099 569.685
Sự nghiệp bảo vệ môi trường 3.400 1.412 1.200 1.154 1.200 1.500 1.500
Sự nghiệp KHCN 137.980 111.059 70.868 82.000 120.206 39.525 50.189
Đầu tư phát triển 604.199 500.757 356.142 392.595 599.317 208.605 177.363
2. Nguồn thu đơn vị 972.363 1.130.487 1.287.879 1.574.808 1.728.809 1.808.239 1.914.595
Học phí, lệ phí 534.316 581.964 723.801 788.097 912.265 855.902 953.765
Tài trợ, viện trợ 8.144 10.899 11.319 17.678 29.605 30.644 31.000
Hoạt động NCKH 168.300 195.800 154.100 165.400 257.100 249.600 155.500
Hoạt động sản xuất dịch vụ 158.336 219.079 269.509 401.029 327.120 410.001 511.110
Thu khác (*) 103.267 122.745 129.150 202.604 202.719 262.092 263.220
Tổng cộng [1+2] 2.025.922 2.084.321 2.138.197 2.566.666 2.917.644 2.558.968 2.713.332
ĐHQG-HN
1. Nguồn NSNN cấp (**) 460.837 - - 767.286 876.251 846.074 802.509
2. Nguồi thu đơn vị 507.312 - - 615.411 508.758 454.772 736.341
Tổng cộng [1+2] 968.149 - - 1.382.697 1.385.009 1.300.846 1.538.850

Từ bảng số liệu trên bảng 2 cho thấy, các nguồn thu tại đơn vị ngoài học phí còn có các nguồn tài trợ, viện trợ, thu từ hoạt động NCKH, thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ và các nguồn thu nhác như căng tin, nhà xe, lãi tiền gửi ngân hàng… Các nguồn thu này nhìn chung đều tăng lên trong giai đoạn 2012-2018, trong đó tăng nhiều nhất là nguồn từ học phí, lệ phí (tăng từ hơn 534 tỷ đồng năm 2012 lên hơn 953 tỷ đồng năm 2018), tiếp đến là nguồn thu từ hoạt động sản xuất dịch vụ (từ 158 tỷ đồng năm 2012 lên hơn 511 tỷ đồng năm 2018).

Các nguồn thu tại đơn vị này tăng lên và do đó ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong tổng nguồn thu của ĐHQG-HCM( Table 3 12 , 14 , 13 ).

Table 3 Cơ cấu nguồn thu của ĐHQG-HCM giai đoạn 2012-2018
Chỉ tiêu Năm 2012 Năm 2013 Năm 2014 Năm 2015 Năm 2016 Năm 2017 Năm 2018
ĐHQG-HCM
1. Nguồn NSNN cấp 52,00% 45,76% 39,77% 38,64% 40,75% 29,34% 29,44%
2. Nguồn thu đơn vị 48,00% 54,24% 60,23% 61,36% 59,25% 70,66% 70,56%
Tổng cộng [1+2] 100,00% 100,00% 100,00% 100,00% 100,00% 100,00% 100,00%
ĐHQG-HN
1. Nguồn NSNN cấp (**) 47,60% - - 55,49% 63,27% 65,04% 52,15%
2. Nguồi thu đơn vị 52,40% - - 44,51% 36,73% 34,96% 47,85%
Tổng cộng [1+2] 100,00% - - 100,00% 100,00% 100,00% 100,00%

Theo cơ cấu nguồn thu của ĐHQG-HCM thể hiện ở bảng 3, nguồn thu tại đơn vị ngày càng chiếm tỷ trọng cao, từ 48% năm 2012 tăng lên 70,66% năm 2017 và 70,56% năm 2018. So sánh với ĐHQG-HN cho thấy ĐHQG-HCM đã huy động nguồn thu ngoài NSNN tốt hơn (NSNN cấp cho ĐHQG-HN vẫn tăng lên cả về quy mô và tỷ trọng, năm 2017 NSNN chiếm 65,4%, đến năm 2018 NSNN chiếm 52,15% tổng nguồn thu của ĐHQG-HN).

Do nguồn thu ngoài ngân sách tăng lên, nên trong thời gian gần đây, thu tại đơn vị của ĐHQG-HCM đã bảo đảm nhu cầu chi thường xuyên. Kết quả đảm bảo chi thường xuyên tại ĐHQG-HCM như Table 4 12 , 13 .

Table 4 Mức độ đảm bảo chi thường xuyên tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2012-2018
Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
Tổng số thu tại đơn vị 972.363 1.130.487 1.287.879 1.574.808 1.728.809 1.808.239 1.914.595
Tổng số chi thường xuyên 1.184.576 1.243.611 1.300.524 1.497.612 1.547.716 1.662.135 1.819.170
Thu tại đơn vị/chi thường xuyên 82,09% 90,90% 99,03% 105,15% 111,70% 108,79% 105,25%

Theo số liệu tại Bảng 4 trên cho thấy, mức độ đảm bảo chi thường xuyên của toàn hệ thống ĐHQG-HCM giai đoạn 2012-2018 đã đạt được ở mức cao và có xu hướng tăng lên từ mức 82,09%, năm 2012 thì đến năm 2018 đảm bảo chi thường xuyên là 105,25%.

Thứ hai, TCTC đã làm cho nguồn tài chính của ĐHQG-HCM được sử dụng hiệu quả

Thực hiện TCTC, cùng với việc đa dạng hoá nguồn thu, ĐHQG–HCM còn được chủ động trong việc chi. Chính vì vậy, nguồn tài chính của ĐHQG-HCM được sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, làm cho chênh lệch thu – chi, số kinh phí chuyển năm sau tăng lên, tạo điều kiện cho ĐHQG-HCM trong việc trích lập các quỹ theo quy định, trong đó, phần lớn được phân bổ chi cho cán bộ viên chức, giảng viên như Table 5 12 , 13 .

Table 5 Tình hình chi thường xuyên tại ĐHQG-HCM giai đoạn 2012-2018
Năm 2012 2013 2014 2015 2016 2017 2018
1. Tổng số thu (*) 1.115.443 1.276.705 1.557.087 1.926.671 1.941.021 2.061.238 2.330.280
2. Tổng số chi (*) 1.184.575 1.243.612 1.300.524 1.497.611 1.547.716 1.662.135 1.819.170
Trong đó: Chi thanh toán cá nhân 419.253 446.380 487.995 539.529 636.579 685.282 727.668
3. Số kinh phí chuyển năm sau (3=1-2) -69.133 33.094 256.563 429.059 393.305 399.103 511.110
% kinh phí chuyển năm sau/tổng thu -6,20% 2,59% 16,48% 22,27% 20,26% 19,36% 21,93%

Đây chính là điều kiện để cải thiện, tăng thu nhập cho cán bộ viên chức, giảng viên của ĐHQG-HCM. Bảng 5 cho thấy số chi thanh toán cá nhân và thu nhập của cán bộ viên chức, giảng viên của ĐHQG-HCM tăng hàng năm. Từ đó làm cho đội ngũ cán bộ viên chức, giảng viên của ĐHQG-HCM dần được cải thiện cả về số lượng và chất lượng. Từ năm 2015 đến 2018, theo tính toán của bài viết tỷ lệ sinh viên/giảng viên quy đổi của ĐHQG-HCM giao động từ 10,25 -13,07 sinh viên/giảng viên. So với quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì ĐHQG-HCM đã đáp ứng tốt về yêu cầu. Tham chiếu theo tiêu chí của cơ sở GDĐH định hướng nghiên cứu là 15 sinh viên/giảng viên thì ĐHQG-HCM vẫn đáp ứng cao.

Thứ ba, TCTC tạo điều kiện cho ĐHQG-HCM trong đầu tư cải thiện cơ sở vật chất.

Cơ sở vật chất (diện tích đất, diện tích sàn xây dựng, phòng học, hội trường, giảng đường, thư viện, trung tâm học liệu, trung tâm nghiên cứu, phòng thí nghiệm…) của ĐHQG-HCM có nhiều cải thiện cơ bản đáp ứng tiêu chí về cơ sở vật chất theo yêu cầu của chương trình đào tạo và NCKH, tiêu chí xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Cụ thể:

Quỹ đất: với diện tích 643,7 ha đất tại khu đô thị đại học ở quận Thủ Đức, và trụ sở của cơ sở GDĐH thành viên tại nội thành như: Bách Khoa, KHTN, KHXH&NV cho thấy sự đảm bảo về diện tích đất cho hoạt động của hệ thống. Tổng hợp từ báo cáo ba công khai của các cơ sở GDĐH thành viên, cho thấy mức độ đảm bảo diện tích bình quân/sinh viên chính quy với tiêu chuẩn Việt Nam 3981-1985 của Trường CNTT là 1,65 m 2 /sv so với 1,5m 2 /sinh viên là đáp ứng; các Trường còn lại cũng có mức đáp ứng khá tốt như Bách Khoa là 2,63 m 2 /sinh viên đến Khoa Y là 4,7 m 2 /sinh viên so với quy định của Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về xác định chỉ tiêu tuyển sinh tối thiểu là 2,5m 2 /sinh viên 15 . Cụ thể một số trường thành viên như Table 6 16 , 13 .

Table 6 Thống kê cơ sở vật chất của ĐHQG-HCM năm 2016
TT Đơn vị Đvt Diện tích bình quân/sinh viên chính quy Ghi chú
1 Trường ĐH Bách khoa m2 2,63 Tối thiểu 2,5 m2/sv
2 Trường ĐH Khoa học Tự nhiên m2 4,12 Tối thiểu 2,5 m2/sv
3 Trường ĐH Khoa học và Xã hội Nhân văn m2 2,9 Tối thiểu 2,5 m2/sv
4 Trường ĐH Quốc tế m2 3,59 Tối thiểu 2,5 m2/sv
5 Trường ĐH Kinh tế-Luật m2 2,69 Tối thiểu 2,5 m2/sv
6 Trường ĐH Công nghệ Thông tin m2 1,65 TCVN 3981-1985 là 1,5 m2/sv
7 Khoa Y m2 4,7 Tối thiểu 2,5 m2/sv

Bên cạnh đảm bảo về quỹ đất, các công trình như khu thể thao, nhà tập luyện, thư viện, ký túc xá tại cũng được đầu tư nâng cấp và khai thác, sử dụng tập trung, nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng cơ sở vật chất. Với cơ sở vật chất hiện nay tại ĐHQG-HCM có thể đánh giá là đáp ứng tốt cho hoạt động đào tạo, NCKH và đảm bảo chất lượng của người học.

Thứ tư, TCTC vừa tạo điều kiện nhưng cũng là yêu cầu ĐHQG-HCM xây dựng, cải tiến, phát triển và chuẩn hoá các chương trình và ngành đào tạo.

Giai đoạn 2012-2016 ĐHQG-HCM và các cơ sở GDĐH thành viên đã xây dựng và phát triển ngành (chương trình) mới trình độ đại học từ tổng số 103 ngành (năm 2012), 108 ngành (năm 2014), thành 113 ngành (năm 2016) ở 18 lĩnh vực đào tạo, trung bình mỗi năm có 02 ngành mới được xây dựng, tuyển sinh và đào tạo tại các đơn vị.

Bên cạnh đó, việc chuẩn hoá chất lượng cơ sở giáo dục đối với các cơ sở GDĐH thành viên cũng được quan tâm. Đến 2017, ĐHQG-HCM có 5/6 trường thành viên được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận (trong tổng số 57 cơ sở của cả nước); trong danh sách chương trình đào tạo được đánh giá, công nhận theo chuẩn khu vực và quốc tế có 05 cơ sở GĐDH được công nhận, ĐHQG-HCM có 2/6 trường thành viên được công nhận và năm 2018 đã có 55 chương trình được kiểm định công nhận từ tổ chức AUN-QA, CTI, ABET... Cho thấy ĐHQG-HCM rất quan tâm đến kiểm định chất lượng giáo dục và đánh giá chương trình đào tạo theo chuẩn trong nước và khu vực, quốc tế 17 .

Thứ năm, TCTC đã thúc đẩy hoạt động NCKH của ĐHQG-HCM.

Trong những năm qua, với quyền tự chủ chi, ĐHQG–HCM đã ban hành các chính sách khen thưởng cho các tác giả bài báo, công bố nghiên cứu (với mức từ 7 triệu đồng đến 140 triệu đồng; đề tài NCKH từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng tùy theo loại đề tài; đề tài cấp cơ sở từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng), đã tạo động lực, khuyến khích, động viên nên số lượng các công trình khoa học được công bố, đặc biệt là trên các tạp chí quốc tế uy tín trong danh mục cơ sở dữ liệu Web of Science, Scopus tăng lên.

Số liệu năm 2012 tại ĐHQG-HCM có 468 đề tài, tỷ lệ giảng viên quy đổi là 16,30% và 1.827 công bố, tỷ lệ giảng viên quy đổi là 63,61%. Năm 2017 là 641 đề tài, tỷ lệ giảng viên quy đổi là 19,34% và 4.392 công bố, tỷ lệ giảng viên quy đổi là 132,53%. Cho thấy năm 2017 sự gia tăng rất cao 36,96% về số lượng đề tài nghiên cứu và số công trình công bố là 140,39% so với thời điểm năm 2012.

Giai đoạn 2012-2017, số lượng bài báo thuộc các tạp chí quốc tế uy tín SCI, SCIE của ĐHQG-HCM tăng đều với tốc độ tăng trưởng trung bình khoảng từ 9% - 11%/năm và chiếm tỷ lệ 57,01% trên tổng số bài báo quốc tế công bố hàng năm của ĐHQG-HCM. Bên cạnh đó, số bài báo được công bố tại các hội nghị/hội thảo quốc tế năm 2017 cũng tăng hơn 20% so với năm 2016 (năm 2017 là 1.775 bài so với 1.396 bài năm 2016). Theo quy định của Nghị định 73/2015 đối với cơ sở GDĐH theo định hướng nghiên cứu phải có ít nhất 80% công bố khoa học của giảng viên, nghiên cứu viên cơ hữu; so với yêu cầu của quy định ĐHQG-HCM đã đạt ở mức cao với 81,80% năm 2013 và 132,53% năm 2017.

Theo công bố năm 2018 của tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh xếp hạng cho 1.000 trường ĐH hàng đầu của 85 quốc gia thì ĐHQG-HCM đứng ở top 701-750 và được xếp vào top 69% trường đại học hàng đầu trong Bảng xếp hạng QS World và thuộc nhóm 4% trường đại học hàng đầu thế giới trên tổng số 23.000 trường đại học được xếp hạng 18 .

Thứ sáu, TCTC tạo điều kiện thuận lợi cho ĐHQG-HCM thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế.

Giai đoạn 2012-2018, ĐHQG-HCM đã thiết lập và mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các chương trình liên kết đào tạo, góp phần nâng cao uy tín, vị trí của ĐHQG-HCM, khẳng định hệ thống GDĐH Việt Nam trong hệ thống GDĐH thế giới.

Hoạt động hợp tác quốc tế đã có sự tham gia của giảng viên giảng dạy tại nước ngoài, số lượng chưa nhiều nhưng đã có sự khởi động; hợp tác trong nghiên cứu được ĐHQG-HCM quan tâm, đến năm 2018 có 47 chương trình đào tạo, 46 dự án hợp tác nghiên cứu và 45 nhóm nghiên cứu tiêu biểu cho các lĩnh vực. Hoạt động đoàn vào, nổi bật nhất là thu hút giảng viên nước ngoài tham gia giảng dạy tại các cơ sở GDĐH thành viên, năm 2013 là 5 giảng viên thì ở năm 2018 đã có 316 giảng viên, chuyên gia làm việc, giảng dạy tại ĐHQG-HCM; mở rộng và phát triển hợp tác với 59 tổ chức quốc tế tại Châu Á, Châu Âu, Châu Mỹ, Châu Úc.

Hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được thì cũng có thể thấy một số hạn chế trong vận hành TCTC của ĐHQG-HCM như sau:

Thứ nhất, việc đa dạng hoá nguồn thu mặc dù tăng nhưng chưa thật sự bền vững, nhiều nguồn thu chưa được được khai thác tương xứng với tiềm năng của ĐHQG-HCM.

Hệ số đa dạng hoá xu thế tăng nhưng không ổn định (năm 2018 giảm so với năm 2017). Bên cạnh đó, học phí vẫn là nguồn thu chính của ĐHQG-HCM, mặc dù giảm về tỷ trọng nhưng vẫn chiếm khoảng 50% tổng nguồn thu tại đơn vị. Tuy nhiên, ĐHQG-HCM lại không được quyền tự chủ với nguồn thu này. Đồng thời, thu từ học phí còn có tình trạng thu vượt, thu ngoài danh mục 19 .

Các nguồn thu có tiềm năng chưa bền vững và vẫn chiếm tỷ trọng nhỏ, như nguồn thu từ hoạt động NCKH: trong giai đoạn 2012-2017, nguồn thu này không ổn định, chiếm tỷ trọng thấp và có xu hướng giảm tỷ trọng trong nguồn thu tại đơn vị. Nguồn thu này không ổn định do bị phụ thuộc vào: (1) thực hiện nhiệm vụ đề xuất được phê duyệt trên cơ sở định mức tiêu chuẩn của nhà nước; (2) các hoạt động NCKH do cơ sở GDĐH công lập được quyết định.

Nguồn thu từ hoạt động dịch vụ gồm các khoản thu từ dịch vụ đào tạo, tư vấn chuyển giao khoa học công nghệ… mặc dù có xu hướng tăng lên trong thời gian vừa qua, cả về quy mô và tỷ trọng, tuy nhiên, tỷ trọng nguồn thu này còn khá thấp (năm 2018 mới đạt 26,7%).

Nguồn thu viện trợ, tài trợ: còn chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cơ cấu các nguồn thu của đơn vị (nguồn thu ngoài NSNN) chưa đến 2% mỗi năm. Cho thấy việc khai thác nguồn thu từ hoạt động này của ĐHQG-HCM còn khá hạn chế.

Thứ hai, TCTC chưa đảm bảo được tính hiệu quả về công tác nhân sự

Về tự chủ trong tổ chức bộ máy và nhân sự, năm 2018 quy mô nhân sự có xu hướng sụt giảm 82 người so với năm 2017; tỷ lệ giảng viên là 52,91%, viên chức NCKH là 12,01% và tỷ lệ nhân sự hành chính là 35,08% trong tổng số nhân sự của ĐHQG-HCM, tỷ lệ nhân sự hành chính cao sẽ ảnh hưởng đến quỹ lương chi trả. Tình trạng giảng viên giảng vượt giờ và chưa đảm bảo giờ NCKH theo quy định của Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, cơ cấu giảng viên chưa hợp lý dẫn tới phân bố giờ giảng không đồng đều, có những giảng viên phải giảng vượt giờ cao hơn nhiều so với quy định, trong khi có giảng viên thiếu giờ, dẫn tới gánh nặng chi trả thù lao cho giảng viên, khó khăn trong quản lý đào tạo và chấp hành quy định về quản lý tài chính.

Thứ ba, hiệu quả khai thác tài sản, cơ sở vật chất chưa cao

Tình trạng khai thác, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất của một số cơ sở GDĐH thành viên còn thiếu, trong khi có cơ sở GDĐH thành viên đang thừa và chưa khai thác, sử dụng hết công suất tài sản, cơ sở vật chất, vì vậy, hiệu quả khai thác tài sản cơ sở vật chất dùng chung trong hệ thống ĐHQG-HCM là chưa cao. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất có thể dùng chung chưa được đầu tư tập trung, các tài sản được đầu tư phân tán, sẽ làm cho việc sử dụng tài sản, cơ sở vật chất hiệu quả không cao.

Nguyên nhân của những hạn chế

Những hạn chế trên xuất phát từ một số lý do chính sau:

Thứ nhất, khung pháp lý về thực hiện TCTC còn nhiều khó khăn và vướng mắc.

Cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH công lập còn vướng do các văn bản dưới Luật chưa được ban hành, hướng dẫn, điều chỉnh chưa đồng bộ, điển hình là Luật Đầu tư công, Luật NSNN, một số văn bản như Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 01/7/2019 có hiệu lực nhưng vẫn chưa có văn bản hướng dẫn ban hành để làm cơ sở thực hiện. Điều này làm cho các cơ sở GDĐH công lập được trao quyền tự chủ trong công tác đầu tư, tổ chức bộ máy và nhân sự, tài chính nhưng khi vận hành vẫn phải thực hiện theo quy định, phải xin phê duyệt từ các cơ quan ban ngành 2 .

Cơ chế huy động nguồn thu của các cơ sở GDĐH công lập chưa thực sự được “cởi trói”: Nguồn thu trong các văn bản pháp luật hiện hành chưa có sự thống nhất về nội dung nguồn thu, tên danh mục nguồn thu nên khi vận hành ở các cơ sở GDĐH công lập gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn thu từ học phí của người học là nguồn thu chủ yếu trong các cơ sở GDĐH công lập, nhưng về mức thu chưa được trao quyền quyết định mà phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 49/2010/NĐ-CP, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc khống chế mức trần thu học phí.

Thứ hai, cơ chế phân bổ kinh phí từ nguồn NSNN chưa hợp lý.

Cơ chế phân bổ kinh phí NSNN hiện nay được tính bình quân, dựa trên dự toán do các cơ sở GDĐH công lập xây dựng, sau khi thẩm định của các cơ quan và các ban ngành sẽ tiến hành phân bổ kinh phí hàng năm. Hình thức phân bổ kinh phí này chưa được tính theo chi phí thực tế (đầu vào, đầu ra hoặc theo kết quả, sản phẩm) nhằm bù đắp chi phí đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu, công bố khoa học của các cơ sở GDĐH công lập.

Thứ ba, cơ chế tự chủ tài chính tại ĐHQG-HCM chưa được xây dựng hoàn thiện

Theo các quy định tại Nghị định 186/2013/NĐ-CP và Quyết định 26/2014/QĐ-TTg của Chính phủ, quy định ĐHQG-HCM với cơ chế được TCTC cao theo “cơ chế tài chính đặc thù”, tuy nhiên ĐHQG-HCM chưa hoàn thành xây dựng cơ chế này để Chính phủ phê duyệt.

Bên cạnh đó, một số các quyết định về tài chính của ĐHQG-HCM cũng chậm được cập nhật, chẳng hạn như Quy định số 26/QĐ-ĐHQG ngày 22/01/2015 của ĐHQG-HCM về cơ chế Quản lý tài chính tại ĐHQG-HCM đến nay vẫn còn hiệu lực, tuy nhiên nội dung pháp lý, tính cập nhật văn bản và cơ sở pháp lý so với quy định của Pháp luật hiện hành không còn phù hợp, ảnh hưởng đến quyền TCTC của các đơn vị. Quyết định số 1048/QĐ-ĐHQG-KHTC ngày 16/9/2013 của ĐHQG-HCM về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị được ban hành theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, tuy nhiên khi Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ ra đời thì Quy định này chưa được sửa đổi. Chính vì vậy, việc trao quyền cho các cơ sở GDĐH thành viên bị hạn chế. Hiện nay ĐHQG-HCM cũng chưa ban hành quy định cụ thể về quản lý, tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản dùng chung trong hệ thống ĐHQG-HCM và quy định về hệ thống các chỉ tiêu đánh giá hiệu quả tài chính của ĐHQG-HCM.

Thứ tư, tổ chức bộ máy và nhân sự của ĐHQG-HCM còn bất cập.

Theo quy định của Luật Giáo dục đại học (2012), Điều lệ trường Đại học số 70/2014/QĐ-TTg, Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ, khi các cơ sở GDĐH thành viên chuyển sang thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, tự đảm bảo nguồn tài chính sẽ được thành lập Hội đồng trường, tuy nhiên Trường đại học Quốc tế là thành viên của ĐHQG-HCM đã thực hiện TCTC từ trước năm 2013, đến nay vẫn chưa được thành lập Hội đồng trường. Quyền quyết định về tổ chức bộ máy và nhân sự, TCTC chưa được phát huy, khi thực hiện vẫn phải được ĐHQG-HCM phê duyệt.

Không chỉ bất cập về tổ chức, nhân sự, đặc biệt là đội ngũ giảng viên của ĐHQG-HCM còn hạn chế về chất lượng. Theo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đảng bộ ĐHQG-HCM, đến năm 2020 có tỷ lệ tiến sĩ trên tổng số cán bộ giảng dạy là > 50%, nhưng năm 2018 mới đạt được là 38% cho thấy chỉ tiêu này chưa đáp ứng. Đồng thời, để đạt được mục tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ đến năm 2020, ĐHQG-HCM phải có đội ngũ tiến sĩ là 1.339 người (năm 2018 là 1.212 người), thì thời gian tới cần phải thêm là 127 tiến sĩ, mỗi năm phải bổ sung là 64 người. Về lĩnh vực đào tạo ĐHQG-HCM có 18 lĩnh vực đào tạo tiến sĩ với 86 mã ngành, số giáo sư là 33. Như vậy, theo tiêu chí mỗi ngành đào tạo tiến sĩ có 01 giáo sư thì ĐHQG-HCM còn thiếu 53 giáo sư, chưa kể một số mã ngành có sự tập trung giáo sư nhiều hơn các lĩnh vực khác và nếu tính chi tiết thì còn thiếu nhiều hơn. Những bất cập đội ngũ giảng viên đã dẫn đến việc giảng viên phải tập trung nhiều thời gian cho giảng dạy; ảnh hưởng đến thời gian cho nghiên cứu, công bố và sự gia tăng nguồn thu từ chuyển giao công nghệ, tư vấn chính sách; gia tăng giờ giảng vượt giờ, chi phí trả thù lao giảng dạy.

Thứ năm, công tác thanh tra, kiểm tra kiểm soát nội bộ còn hạn chế.

Hiện nay ĐHQG-HCM và các cơ sở GDĐH thành viên cũng chưa có bộ phận chuyên trách thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ chuyên sâu về lĩnh vực tài chính. Ở ĐHQG-HCM có Ban Thanh tra Pháp chế và ở các cơ sở GDĐH thành viên có Ban thanh tra nhân dân, có nhiệm vụ thanh tra các hoạt động chung của cơ sở GDĐH thành viên, trong đó có lĩnh vực tài chính. Thành viên của Ban này là các cán bộ, giảng viên, nhân viên do đoàn viên Công đoàn bầu. Hoạt động của Ban này cũng do Công đoàn trường quản lý. Đồng thời các thành viên này đều mang tính kiêm nhiệm chính vì vậy đội ngũ này mặc dù có thể giỏi về chuyên môn nhưng kiến thức, năng lực kiểm tra, giám sát chuyên sâu về lĩnh vực tài chính thì lại khá hạn chế. Chính vì vậy, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên và định kỳ chuyên sâu về tài chính chưa đảm bảo, một số sai sót về tài chính được phát hiện khi có đoàn thanh kiểm tra từ bên ngoài 20 .

Bên cạnh đó cơ sở dữ liệu tài chính, phần mềm chung cho toàn hệ thống chưa được xây dựng vì vậy việc quản lý tài chính của ĐHQG-HCM khó khăn trong quản lý, theo dõi và kiểm soát tài chính của các đơn vị thành viên.

Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ tài chính tại ĐHQG-HCM

Từ những phân tích trên, cho thấy để nâng cao hiệu quả tự chủ tài chính tại ĐHQG-HCM bài viết đề xuất thực hiện một số định hướng, giải pháp sau:

Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý về tự chủ đại học nói chung và tự chủ tài chính nói riêng tại các cơ sở GDĐH công lập.

Khung pháp lý là cơ sở cần thiết để tạo điều kiện cho các cơ sở GDĐH công lập vận hành các hoạt động của mình theo đúng quy định, phát huy tính chủ động, sáng tạo, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế 21 . Trong thời gian tới cần:

- Rà soát các quy định về cơ chế trao quyền TCTC, nguồn tài chính, danh mục nguồn thu đồng bộ giữa các văn bản đã ban hành như: Luật GDĐH 2018, Luật NSNN 2015, Luật Đầu tư công 2014, Điều lệ trường đại học số 70/2014/QĐ-TTg, Nghị định 16/2015/NĐ-CP và Nghị định 186/2013/NĐ-CP, Quyết định 26/2014/QĐ-CP của Chính phủ về ĐHQG để có những điều chỉnh kịp thời tạo ra sự thống nhất về cơ chế TCTC, nguồn tài chính, danh mục nguồn thu, xóa bỏ cơ chế “xin-cho” không cần thiết, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí cho các cơ sở GDĐH công lập.

- Chỉnh sửa các quy định về học phí theo hướng cho phép các cơ sở GDĐH công lập được tự chủ xây dựng mức thu học phí, xác định chỉ tiêu tuyển sinh và công bố công khai đến người học để theo dõi, giám sát mức thu, chất lượng dịch vụ; chấp nhận sự cạnh tranh lành mạnh theo cơ chế thị trường (cơ sở GDĐH công lập nào có uy tín, chất lượng đào tạo - nghiên cứu, sản phẩm đầu ra với tỷ lệ có việc làm cao và được các đơn vị sử dụng đánh giá tốt, sẽ được xã hội lựa chọn và ngược lại thì phải chấp nhận sự điều tiết, sáp nhập, chuyển đổi mô hình hoặc giải thể).

- Rà soát các quy định nhằm xây dựng cơ chế trao quyền chủ động trong quản lý và khai thác, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất. Theo đó, hoàn thành kế hoạch đầu tư tài sản, cơ sở vật chất phù hợp với chiến lược phát triển của ĐHQG-HCM và các cơ sở GDĐH thành viên.

Thứ hai, thay đổi phương thức phân bổ kinh phí từ NSNN.

Phương thức phân bổ kinh phí từ NSNN nên thực hiện theo hướng sau:

- Thay đổi cách thức phân bổ bình quân, dự toán bằng việc dựa trên tiêu chí đánh giá chất lượng về đào tạo, nghiên cứu, dịch vụ cung cấp của các cơ sở GDĐH công lập, đã được các cơ quan ban ngành, đơn vị độc lập đánh giá về chất lượng, kiểm định cơ sở đào tạo.

- Thay đổi phân bổ kinh phí hàng năm bằng việc xây dựng nhu cầu kinh phí ngân sách theo trung hạn (từ 03 đến 05 năm) và không phân biệt là NSNN cấp cho thường xuyên, không thường xuyên, NCKH, đầu tư mua sắm cơ sở vật chất… (nên tính chung là gói NSNN hỗ trợ). Theo đó, NSNN phân bổ kế hoạch kinh phí theo trung hạn và trao quyền cho các cơ sở GDĐH công lập được quyền sử dụng gói kinh phí trung hạn này (nhằm giúp cho cơ sở GDĐH công lập chủ động hoàn thành kế hoạch, mục tiêu nhiệm vụ đã đề ra theo chiến lược, kế hoạch trung hạn; đáp ứng và nâng cao hiệu quả công tác; những năm tiếp theo khi sử dụng hết nguồn NSNN cấp, cơ sở GDĐH công lập phải tự đảm bảo kinh phí hoạt động, tự chịu trách nhiệm, thay vì dàn trải kinh phí theo từng năm; có cơ chế sử dụng kinh phí NSNN cấp làm nguồn vốn đối ứng, thu hút nguồn tài chính hoặc vay vốn từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia đầu tư cho phát triển giáo dục thông qua các đề án, dự án, chương trình).

- Chuyển đổi cấp kinh phí NSNN sang cơ chế đặt hàng nhiệm vụ đối với các cơ sở GDĐH công lập cho những ngành xã hội đang có nhu cầu hoặc theo nhiệm vụ của Nhà nước gắn với chất lượng, trách nhiệm của cơ sở GDĐH công lập. Quan tâm đến chính sách học bổng, đối tượng chính sách, những ngành khó tuyển sinh.

Thứ ba, hoàn thiện cơ chế tài chính tại ĐHQG-HCM.

ĐHQG-HCM cần ban hành, sửa chữa, bổ sung các quy định như: Quy định số 26/QĐ-ĐHQG ngày 22/01/2015 của Giám đốc ĐHQG-HCM về cơ chế Quản lý tài chính tại ĐHQG-HCM, Quyết định số 1048/QĐ-ĐHQG-KHTC ngày 16/9/2013 của Giám đốc ĐHQG-HCM về việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính cho các đơn vị. Đồng thời, triển khai xây dựng quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài sản, cơ sở vật chất; hệ thống phần mềm quản lý tài chính – kế toán – tài sản và xây dựng hệ thống các chỉ số đánh giá hiệu quả về tài chính để triển khai, thực hiện tại ĐHQG-HCM được hiệu quả.

Rà soát các quy định nhằm tăng quyền TCTC trong thực hiện chi, bao gồm các định mức chi thường xuyên từ NSNN, chi tiền lương, tiền thù lao giảng, phân phối kết quả tài chính và trích lập các quỹ… nhằm tạo động lực cho cán bộ, giảng viên và người lao động. Theo đó cần: Hoàn thành xây dựng “cơ chế tài chính đặc thù” và cơ chế về “thành lập, giải thể, chia tách, sáp nhập tổ chức bộ máy các cơ sở GDĐH thành viên” của ĐHQG-HCM, trình Chính phủ phê duyệt làm cơ sở thực hiện.

Thứ tư, hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nhân lực tại ĐHQG-HCM.

Việc hành lập Hội đồng trường theo quy định của pháp luật hiện hành nhằm thực hiện vai trò quản trị đối với các cơ sở GDĐH thành viên, gắn với xu hướng tự chủ hóa và hội nhập quốc tế là rất cần thiết và quan trọng để vận hành theo cơ chế tự chủ. Cần xây dựng cơ chế trao quyền tự chủ cho các cơ sở GDĐH thành viên, với “cơ chế đặc thù” và không thấp hơn quyền tự chủ của các cơ sở GDĐH công lập bên ngoài hệ thống ĐHQG đang vận hành, phù hợp với quy định pháp luật.

Cùng với hoàn thiện tổ chức bộ máy thì phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng có vai trò quyết định đến hiệu quả của thực hiện TCTC. Nguồn nhân lực được đảm bảo là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH và phát triển về quy mô đào tạo do đó cần phải có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng nhân lực có trình độ, chất lượng cao, chính sách đãi ngộ xứng đáng, cơ chế chi trả thu nhập tăng thêm dựa theo vị trí việc làm, trình độ, năng lực chuyên môn, kết quả làm việc, nhằm tạo động lực cũng như khuyến khích cán bộ, giảng viên và người lao động trong hệ thống ĐHQG-HCM.

Thứ năm, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ.

Theo xu hướng đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập khi TCTC thì quyền kiểm soát được trao dần cho các cơ sở GDĐH công lập; chuyển đổi từ NSNN cấp để chi các hoạt động thường xuyên thông qua dự toán ngân sách hàng năm sang yêu cầu các cơ sở GDĐH công lập khi TCTC phải tự bảo đảm về chi thường xuyên; đồng thời đòi hỏi phải có sự đổi mới mô hình quản trị đại học theo hướng quản trị hiện đại hơn, đảm bảo tính công khai, minh bạch về thông tin tài chính, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực, thực hiện tốt các quy chế, quy định hiện hành 8 . Do đó, ĐHQG-HCM cần xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu tài chính và phần mềm quản lý tài chính-kế toán dùng chung trong hệ thống; xây dựng các quy trình, quy định, hệ thống chỉ tiêu đánh giá hiệu quả sử dụng tài chính; thường xuyên duy trì hoạt động kiểm tra giám sát tài chính trong nội bộ ĐHQG-HCM và các cơ sở GDĐH thành viên nhằm trợ giúp cho các thành viên thực hiện được trách nhiệm của mình hiệu qủa.

Như vậy, cần thành lập Ban kiểm soát nội bộ và trao quyền để thực hiện vai trò, chức năng nhiệm vụ của đơn vị đầu mối trực thuộc ĐHQG-HCM hoặc bổ sung chức năng nhiệm vụ cho Ban Thanh tra Pháp chế với chức năng thanh tra, kiểm soát toàn diện của cơ quan quản lý nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc hệ thống ĐHQG-HCM.

Kết luận

TCTC trong các cơ sở GDĐH không phải là việc các cơ sở GDĐH “tự lo” về tài chính nhằm giảm dần kinh phí NSNN cấp và tăng tỷ lệ nguồn thu ngoài NSNN hoặc cao nhất là tự đảm bảo 100% chi thường xuyên và đầu tư. Thực chất là để các cơ sở GDĐH công lập thông qua các hoạt động của mình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực, tự chủ, tự chịu trách nhiệm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đó, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động đáp ứng yêu cầu của các bên cung cấp nguồn lực (nhà nước, người học, xã hội…). Chính vì thế, TCTC là điều kiện cần để cơ sở GDĐH công lập tiến tới tự chủ hoàn toàn và tự chịu trách nhiệm xã hội.

Trên cơ sở phân tích thực trạng đã chỉ ra được những kết quả đạt được và những vấn đề còn tồn tại trong thực hiện TCTC tại ĐHQG-HCM. Bài viết đã đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện TCTC tại ĐHQG-HCM trong thời gian tới.

Danh mục từ viết tắt

ĐHQG: Đại học quốc gia

ĐHQG-HCM: Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

ĐHQG-HN: Đại học quốc gia Hà Nội

GDĐH: Giáo dục đại học

NCKH: Nghiên cứu khoa học

NSNN: Ngân sách nhà nước

TCTC: Tự chủ tài chính

ĐVSN: Đơn vị sự nghiệp

Tuyên bố xung đột lợi ích

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng đây là kết quả nghiên cứu chung của nhóm và không có xung đột lợi ích nào trong việc công bố bài báo.

Tuyên bố đóng góp của các tác giả

Bài viết này là công trình nghiên cứu chung của nhóm tác giả. Cụ thể: tác giả Nguyễn Tiến Dũng tham gia xây dựng chủ đề, đề cương, góp ý và chỉnh sửa nội dung của bài viết. Tác giả Nguyễn Đình Hưng xây dựng đề cương, viết bài, tiếp thu ý kiến của các phản biện và yêu cầu của tạp chí, chỉnh sửa, hoàn chỉnh bài viết.

References

  1. EUA (European University Association). Dimensions of University Autonomy. http://www.university-autonomy.eu. 2017;:. Google Scholar
  2. Ủy Ban văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng và Trường Đại học Kinh tế TP.HCM. Hội thảo hoàn thiện chính sách, pháp luật về tự chủ đại học. . 2017;:. Google Scholar
  3. Quốc hội. Luật Giáo dục số 38/2005/QH11 ngày 14 tháng 6 năm 2005 về quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở GDĐH Việt Nam. . 2005;:. Google Scholar
  4. Quốc hội. Luật Giáo dục đại học số 08/2012-QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2012 về Giáo dục đại học. . 2012;:. Google Scholar
  5. Quốc hội. Luật Giáo dục đại học số 34/2018/QH14 ngày 19 tháng 11 năm 2018 về Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học số 08/2012-QH13. . 2018;:. Google Scholar
  6. Chính phủ. Nghị định số 10/2002/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2002 của Chính phủ về chế độ tài chính áp dụng cho ĐVSN có thu. Chính phủ (2006), Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập. . 2002;:. Google Scholar
  7. Chính phủ. Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 về Quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập. . 2015;:. Google Scholar
  8. Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 19-NQ/TW Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XII ngày 25 tháng 10 năm 2017 về Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. . 2017;:. Google Scholar
  9. Huynh T.D.. Quyền tự chủ của Đại học quốc gia Hồ Chí Minh sau hai mươi năm thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế tổ chức và hoạt động. NXB Thông tin và Truyền thông, Hà Nội. 2017;:. Google Scholar
  10. Chính phủ. Nghị định số 186/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2013 Quy định về Đại học quốc gia. . 2013;:. Google Scholar
  11. Chính phủ. Quyết định số 26/2014/QĐ-TTg ngày 26 tháng 3 năm 2014 Quyết định về Quy chế tổ chức và hoạt động của Đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên. . 2014;:. Google Scholar
  12. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Kế hoạch chiến lược ĐHQG-HCM giai đoạn 2016-2020. Truy cập tại https://static.vnuhcm.edu.vn/images/CHIEN%20LUOC%20ÐHQG%202016-2020-%20Final-180914075016.pdf; Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh: Báo cáo thường niên các năm 2012-2018, truy cập tại https://vnuhcm.edu.vn/ve-dhqg-hcm/33396864/306864/336864. . 2016;:. Google Scholar
  13. Nguyen D.. Cơ chế tự chủ tài chính tại Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,Luận án tiến sĩ. . 2019;:. Google Scholar
  14. Đại học quốc gia Hà Nội: Báo cáo thường niên các năm 2012, 2015-2018. https://vnu.edu.vn/home/?C2657. ;:. Google Scholar
  15. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Thông tư 06/2018/TT-BGDĐT ngày 28 tháng 02 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh trình độ trung cấp, cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên; trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. . 2018;:. Google Scholar
  16. Nguyen T.C.. Đề tài nghiên cứu theo đặt hàng của ĐHQG-HCM.“Nghiên cứu áp dụng các loại hình tự chủ đại học trong các trường thành viên trong ĐHQG-HCM và những tác động đến nguồn tài chính”. . 2017;:. Google Scholar
  17. Bộ Giáo dục và Đào tạo. Danh sách các cơ sở giáo dục được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục và Danh sách chương trình đào tạo được đánh giá/công nhận. https://thituyensinh.vn/frontendTs/faces/ThongBaoTinTucChiTiet?_adf.ctrl-state=vf7mvdxp8_10&_afrLoop=5278453189293093&_afrWindowMode=0&_afrWindowId=null. 2018;:. Google Scholar
  18. Tổ chức Giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) Anh quốc. https://www.topuniversities.com/university-rankings/world-university-rankings/2019. 2018;:. Google Scholar
  19. Le D.. “Đại học Quốc gia TPHCM thu ‘sai’ 80 tỷ: Thanh tra kiến nghị không thu hồi?”. https://www.tienphong.vn/giao-duc/dai-hoc-quoc-gia-tphcm-thu-sai-80-ty-thanh-tra-kien-nghi-khong-thu-hoi-1215529.tpo. 2017;:. Google Scholar
  20. Nguyen L.H.. “Về thực hiện TCTC tại các đơn vị sự nghiệp giáo dục”. Tạp chí Giáo dục. 2012;284(2):1-3. Google Scholar
  21. Nguyen T.H., Ta N.C.. “Tự chủ tài chính – cơ hội nâng cao chất lượng các trường đại học công lập ở Việt Nam”. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội: Nghiên cứu giáo dục. 2016;32(3):18-23. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 1 (2020)
Page No.: 625-635
Published: Mar 31, 2020
Section: Communication
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i1.601

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tien Dung, N., & Dinh Hung, N. (2020). The efficiency of implementing financial autonomy at Vietnam National University Ho Chi Minh: situation and solution. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 4(1), 625-635. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i1.601

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1765 times
Download PDF   = 204 times
View Article   = 0 times
Total   = 204 times