Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1323

Total

380

Share

Factors impacting the intention to participate in student exchange program






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

In this day and age, studying abroad acts as a golden opportunity for students to expand their perspectives, and to gain priceless experience, which can facilitate their career path in the future. Moreover, international learning and knowledge propels students towards acceptance and understanding of an array of different cultural and community perspectives. Especially, a type of studying overseas called cultural and academic exchange programs has been becoming a popular trend. Although it shares a multitude of similarities with long-term studying abroad programs, it has its own distinctive features which have been receiving a great deal of students' attention. This can be strong evidence that more and more students all around the world are participating in these programs every year. In terms of technical side, this research aims to identify factors having impacts on Vietnamese students' decisions in participating in exchange programs. In specific, mixed methods are employed in the research, through qualitative methods (semi-structured interview) and quantitative method (survey), with 505 participants involved from November 2019 to February 2020. Based on literature review and qualitative analysis, a framework of 8 factors is proposed. Through quantitative analysis of survey questionnaire results, the research continues indicating a total of 7 factors that directly have influence on students' decisions in taking part in exchange programs. Furthermore, the research provides several suggestions and objectives for individuals and organizations, which get involved in those exchange programs namely students, universities and educational institutions. Ultimately, the research is up for making a contribution to enhancing the effectiveness of exchange programs in Vietnam with a purpose that more Vietnamese students regardless of their backgrounds, can potentially have enough necessary qualities and satisfying the necessary conditions to carry on their studying abroad.

GIỚI THIỆU

Trong thời kỳ hội nhập hiện nay sự tăng cường liên kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ ngày càng tăng cao. Khi toàn cầu hóa và quốc tế hóa đã trở nên phổ biến hơn, nhu cầu về lao động có trình độ cao tăng lên. Du học được công nhận là một công cụ quan trọng trong việc cung cấp cho sinh viên cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết để cạnh tranh trong thị trường việc làm toàn cầu ngày nay 1 . Do vậy, các chương trình du học với nhiều hình thức, như chương trình trao đổi văn hóa, trao đổi học thuật là một trong những chiến lược được thực hiện tại các trường đại học để phát triển kỹ năng liên văn hóa và trang bị kiến thức cần thiết cho sinh viên 2 .

Thực tế cho thấy với sự cạnh tranh cao trong thị trường lao động, sinh viên có năng lực liên văn hóa sẽ được các nhà tuyển dụng đánh giá cao hơn. Du học và TĐQT là những giải pháp hiệu quả để giúp sinh viên trau dồi kỹ năng và kiến thức liên văn hoá. Hơn thế nữa, các nghiên cứu tại Mỹ và châu Âu đã chỉ ra rằng những sinh viên được công nhận đã tham gia học tập qua các chương trình TĐQT có lợi thế rất lớn, do sinh viên được trải nghiệm các môi trường học khác nhau và tạo điều kiện tốt cho những cơ hội làm việc sau này 3 . Hiện nay, Việt Nam đã và đang từng bước tiếp cận với các loại hình học tập tại nước ngoài, mang lại nhiều thay đổi tích cực trong phát triển du học và TĐQT.

Trong thập kỷ qua, số lượng chương trình trao đổi sinh viên ngày càng tăng đã thu hút được sự chú ý lớn từ các học giả và các nhà hoạch định chính sách. Họ đã chỉ ra số lượng sinh viên di chuyển trên toàn cầu tăng nhanh và đóng góp đáng kể vào nền kinh tế của nước sở tại, hơn 20% số khách di chuyển quốc tế là các du học sinh và góp hàng tỷ đô vào nguồn thu của các quốc gia 4 . Các trường đại học đang đứng trước áp lực ngày càng tăng để định hướng giáo dục quốc tế và cung cấp cho sinh viên những trải nghiệm mang tính quốc tế để họ có thể cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu đòi hỏi trình độ cao 5 . Sinh viên cũng nhận ra sự cần thiết phải tích lũy những trải nghiệm ở các môi trường mới khác với quốc gia đang sinh sống, nhằm giúp họ có thể phát triển khả năng ngôn ngữ, mở rộng sự hiểu biết về văn hóa các nước và học tập thêm các kỹ năng thực hành xã hội, đây chính là sự chuẩn bị cần thiết để giúp họ có lợi thế cạnh tranh trong thị trường lao động toàn cầu 6 , 7 .

Ở Việt Nam, TĐQT vẫn còn là một khái niệm khá mới mẻ đối với đại đa số sinh viên. Ngoài ra, cũng chưa có nhiều nghiên cứu về việc tham gia các chương trình TĐQT của sinh viên tại Việt Nam vì vậy, nhằm tìm hiểu và chỉ ra các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định của sinh viên Việt Nam đối với các chương trình TĐQT, nhóm tác giả tiến hành thực hiện nghiên cứu “Các nhân tố ảnh hưởng đến quyết định tham gia các chương trình TĐQT của sinh viên”.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Hiện nay, chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài bao gồm: Du học toàn phần tại nước ngoài (Study Abroad), Hệ liên kết đào tạo quốc tế du học bán phần hoặc học tập hoàn toàn trong nước (International Collaboration Programs) và Trao đổi sinh viên trong thời gian ngắn (International Student Exchange). Tuy nhiên, phạm vi và đối tượng mà nghiên cứu này hướng đến là hình thức Trao đổi sinh viên (International Student Exchange). Trao đổi sinh viên là hình thức giúp sinh viên có cơ hội sống và học tập tại nước ngoài trong một khoảng thời gian để trải nghiệm văn hóa mới, mở rộng mạng lưới mối quan hệ quốc tế và cải thiện khả năng ngoại ngữ của mình. Các chương trình trao đổi có thể diễn ra trong một kỳ hoặc một năm với những yêu cầu đơn giản hơn so với hai hình thức chương trình đào tạo có yếu tố nước ngoài còn lại.

LÝ THUYẾT NỀN

Trong nghiên cứu này, Thuyết Hành vi dự định (Theory of planned behavior model - TPB) được lựa chọn làm lý thuyết nền cho việc đánh giá quyết định tham gia CTTĐQT của sinh viên.

Lý thuyết hành vi hoạch định

TPB được phát triển từ lý thuyết Hành động hợp lý 8 , nhằm có thể giải quyết vấn đề cá nhân có ít hoặc họ cảm thấy có ít quyền kiểm soát lên thái độ và hành vi của chính họ 9 .

TPB xem xét các giai đoạn trong quá trình hình thành nên quyết định tham gia các chương trình học tập ở nước ngoài 10 . Cụ thể, mọi người xem xét các kết quả của hành động trước khi họ quyết định có tham gia hay không tham gia vào một hành vi nhất định nào đó 11 . Ngoài hai nhân tố là thái độ và ảnh hưởng xã hội, Ajzen đưa nhân tố thứ ba là nhận thức kiểm soát hành vi (perceived behavioral control), dẫn đến các lý thuyết mới được gọi là Thuyết hành vi dự định (TPB) nhằm có thể giải quyết vấn đề việc cá nhân có ít hoặc họ cảm thấy có ít quyền kiểm soát lên thái độ và hành vi của chính họ 9 . Trước đây, Knut Petzold & Petra Moog (2018) 1 đã vận dụng quá trình đầu tiên của TPB bao gồm việc xem xét chi phí, thái độ và các tiêu chuẩn để đưa ra nghiên cứu về việc du học của sinh viên. Trong đó, giai đoạn đầu tiên này có mối liên quan mật thiết đến giai đoạn thứ hai của TPB là phân biệt hành vi và dự định. Bởi lẽ, hành vi nhận thức dựa vào nhân tố chi phí và những kỳ vọng phản ánh trong tiêu chuẩn chủ quan 10 , 12 , 13 , ngoài ra, dự định sẽ bị chi phối bởi thái độ cụ thể, tiêu chuẩn cá nhân và kiểm soát hành vi nhận thức 9 . Theo đó, đối với sinh viên, phụ huynh hay bạn bè của họ tại quốc gia sở tại luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng 14 , đây là một trong những nhân tố tác động đến quyết định hành vi của TPB ở giai đoạn đầu. Một số nghiên cứu tiêu biểu sử dựng lý thuyết hành vi hoạch định như Nghiên cứu của Knut Petzold và Petra Moog (2018) 1 , Nguyễn Thị Sen (2015) 15 . Những nhà nghiên cứu này đã vận dụng để giải thích một hiện tượng thực tế đó là ý chí chủ quan của học sinh, sinh viên khi hình thành nên các ý định du học và xác định ý định đó bị kiểm soát bởi những nhân tố liên quan đến TPB. Cụ thể, đối với nhân tố chi phí liên quan đến giai đoạn đầu của TPB, vấn đề chi phí được sinh viên quan tâm liên quan đến chi phí sinh hoạt, chi phí đi lại và chi phí xã hội, được xem là nhân tố “đẩy” trong việc hình thành quyết định tham gia du học 14 .

TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU

Dưới đây là những nhân tố có sự tác động tới quyết định tham gia TĐQT đã được đề cập bởi các nghiên cứu trước đó:

Chi phí

Chi phí là một trong những nhân tố có tác động mạnh nhất đến quyết định tham gia chương trình học tập tại nước ngoài của sinh viên 16 . Những người có ý định tham gia đa số đã chuẩn bị một quỹ tài chính phù hợp, do đó việc chọn lựa đất nước và ngôi trường đến học tập cần có sự tương đồng với khoản chi phí họ có thể đáp ứng được 4 . Trong đó sự sẵn có của các công việc bán thời gian dành cho sinh viên cũng là một trong những yếu tố chi phí được quan tâm 14 .

Giả thuyết H 1 : Các vấn đề liên quan đến chi phí có ảnh hưởng âm đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Danh tiếng và thứ hạng của trường

Hình ảnh của trường đại học được đánh giá dựa trên các tiêu chuẩn chất lượng mà trường được công nhận bao gồm các yếu tố liên quan đến vị thế xếp hạng trên toàn cầu, cơ sở vật chất, chất lượng đào tạo và cuối cùng là sinh viên tại trường 17 . Cụ thể, nhân tố “Danh tiếng và thứ hạng của trường” được thể hiện cụ thể thông qua biến đầu tiên là tính chất hiện đại của môi trường và phương tiện vật chất hỗ trợ học tập. Biến thứ hai là danh tiếng và hình ảnh mà ngôi trường đang xây dựng nên. Cuối cùng, biến thứ ba bao gồm cơ sở vật chất như khuôn viên trường, thư viện và phòng máy tính thực hành 18 . Khi xét theo khía cạnh của sinh viên quốc tế có ý định cho việc du học nước ngoài, nhận thức đặc điểm trường cũng được đề cập và được nhận xét là mang tính phụ thuộc vào cá nhân của từng sinh viên. Hơn hết, một mối quan hệ tích cực giữa nhận thức hình ảnh ngôi trường của sinh viên đối với chất lượng chương trình 1 , sự đánh giá dịch vụ trong giáo dục 19 và những thành tựu chung mà trường đạt được 20 , có tác động sâu sắc tới việc hình thành nên quyết định tham gia chương trình TĐQT của sinh viên. Có thể thấy rằng, hình ảnh của trường đại học mà sinh viên sẽ theo học càng tốt, thì mức độ thỏa mãn của sinh viên về quyết định lựa chọn địa điểm tham gia chương trình TĐQT của mình càng cao 21 .

Giả thuyết H 2 : Yếu tố danh tiếng và thứ hạng của trường ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Ảnh hưởng của người xung quanh

Đối với sinh viên, phụ huynh hay bạn bè của họ tại quốc gia hiện tại luôn đóng vai trò cực kỳ quan trọng 14 . Tuy nhiên, theo Emma (2014) 22 , trong cuộc khảo sát với các sinh viên đến từ các đại học của Mỹ, Châu Phi khi đi trao đổi ở các quốc gia khác, hơn 79,2% cho rằng ý kiến của gia đình hay bạn bè xung quanh không có tác động nhiều tới việc lựa chọn tham gia các chương trình TĐQT của họ. Trái lại, đối với các sinh viên tại Trung Quốc khi tham gia TĐQT ý kiến của gia đình và bạn bè - những người gần gũi nhất với sinh viên, luôn mang đến sự ảnh hưởng nhất định. Họ cho rằng ý kiến của phụ huynh, gia đình hay sự kỳ vọng đối với họ chính là nhân tố đóng vai trò quan trọng nhất trong việc quyết định tham gia TĐQT 16 .

Giả thuyết H 3 : Những người xung quanh có ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Giá trị bằng cấp

Việc lựa chọn quốc gia nào để tham gia dựa trên mong muốn cải thiện khả năng có việc làm trong tương lai được xem là nhân tố “đẩy” có tác động kém nhất bởi hầu hết sinh viên đề cao sự trao đổi kinh nghiệm và tích lũy năng lực liên văn hóa hơn 4 . Tuy nhiên, 90% sinh viên Anh đang tham gia chương trình ERASMUS cho rằng việc tham gia TĐQT là cơ hội để phát triển nghề nghiệp sau này bằng việc tích lũy những chứng nhận và kinh nghiệm từ các chương trình TĐQT. Đối với các nhà tuyển dụng ở Thụy Điển, họ ưa thích các sinh viên đã có kinh nghiệm du học hay TĐQT hơn các sinh viên tốt nghiệp từ các trường đại học trong nước 2 . Mặc dù các chương trình TĐQT ngắn hạn không cung cấp bằng cấp cho các sinh viên, tuy nhiên việc có được giấy chứng nhận (certificate) khi tham gia các chương trình TĐQT cũng chính là lợi thế cho sinh viên khi phỏng vấn với các nhà tuyển dụng hay tích lũy kinh nghiệm và đưa vào background của mình sau này.

Giả thuyết H 4 : Yếu tố giá trị bằng cấp ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Nguồn hỗ trợ tài chính

Gánh nặng tài chính ảnh hưởng đến quyết định của sinh viên khi tham gia các chương trình du học. Sinh viên có thu nhập thấp hơn hoặc những người nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ có khả năng tham gia du học thấp hơn 11% so với số còn lại 23 . Sinh viên ít có khả năng tham gia các chương trình du học nếu điều kiện tài chính gia đình họ không cho phép và ngược lại 24 . Đứng trước những khó khăn về tài chính, sinh viên chú ý tới các nguồn tài trợ bằng học bổng. Nguồn hỗ trợ tài chính thông qua học bổng có thể làm tăng ý định tham gia chương trình du học ở sinh viên khi đó gánh nặng tài chính sẽ không còn là vấn đề lớn đối với họ 1 .

Giả thuyết H 5 : Nguồn lực tài chính có ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Văn hóa quốc gia trao đổi

Một số sinh viên ưa thích việc học tập và trải nghiệm ở các quốc gia có văn hóa tương đồng với quốc gia hiện tại của họ, tuy nhiên cũng có một tỷ lệ lớn sinh viên muốn được trải nghiệm môi trường văn hóa khác biệt ở quốc gia mới 25 , 22 . Ngoài ra, theo Llewellyn-Smith & McCabe (2008) 4 sinh viên mong muốn được trải nghiệm những sự khác biệt về mặt văn hóa – xã hội ở quốc gia sở tại. Điều này chính là một trong những khía cạnh quan trọng nhất khi quyết định tham gia các chương trình TĐQT bởi sinh viên xem đây là một cơ hội để giải trí và tham gia các hoạt động xã hội. Sự tương đồng văn hóa giữa quốc gia trao đổi và quốc gia hiện tại của sinh viên đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút sinh viên quốc tế lựa chọn tham gia TĐQT tại quốc gia đó, phần lớn sinh viên các nước thuộc khu vực Châu Á lựa chọn Trung Quốc là điểm đến lý tưởng để du học hay tham gia các chương trình TĐQT bởi sự tương đồng về văn hóa giữa đất nước của họ và Trung Quốc 26 .

Giả thuyết H 6 : Yếu tố văn hóa của quốc gia trao đổi ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu hỗn hợp kết hợp cả nghiên cứu định tính và định lượng. Trước hết, nghiên cứu định tính và kiểm định sơ bộ thang đo của các nhân tố mới qua bước nghiên cứu sơ bộ sau đó mới đi đến nghiên cứu chính thức bằng nghiên cứu định lượng.

Nghiên cứu sơ bộ

Nghiên cứu định tính bằng cách phỏng vấn 5 chuyên gia là những người đã từng tham gia và có kinh nghiệm trong việc tư vấn, hỗ trợ các sinh viên tham gia các chương trình TĐQT. Sau khi hoàn thành nghiên cứu sơ bộ, thang đo được xây dựng dựa trên việc kế thừa từ các nghiên cứu trước đồng thời phát triển thêm từ quá trình phỏng vấn định tính, sau khi kết thúc giai đoạn phỏng vấn định tính phiếu khảo sát được điều chỉnh và hoàn thành cho phù hợp với các đối tượng khảo sát.

Nhằm kiểm định độ tin cậy của thang đo 2 nhân tố mới YC và STT. Tác giả thực hiện khảo sát sơ bộ với số lượng mẫu là 250 sau đó thực hiện phân tích Cronbach’s Alpha và EFA để kiểm định độ tin cậy của thang đo.

Nghiên cứu chính thức

Nghiên cứu chính thức được thực hiện bằng phương pháp nghiên cứu định lượng, đối tượng khảo sát là các sinh viên đã từng tham gia các chương trình TĐQT hay đang theo học các chương trình liên kết quốc tế quan tâm đến TĐQT ngắn hạn thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng thời gian 4 tháng từ tháng 11/2019 – 02/2020 bằng Bảng hỏi khảo sát được gửi qua Email và đã thu về số lượng mẫu đạt yêu cầu là 505.

Tiếp đến các thang đo được đánh giá độ tin cậy thông qua hệ số Cronbach’s Alpha để loại các biến không phù hợp sau đó phân tích nhân tố khám phá EFA được thực hiện nhằm đảm bảo độ tin cậy của thang đo. Bước tiếp theo, phân tích tương quan Pearson được áp dụng để đo lường mức độ tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc với các biến độc lập. Cuối cùng, để ước lượng kết quả xảy ra của biến phụ thuộc chịu sự tác động của các nhân tố (biến độc lập) trong mô hình, nhóm sử dụng mô hình hồi quy Binary Logistic thông qua phần mềm xử lý thống kê SPSS.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nghiên cứu định tính và kiểm định sơ bộ

Kế thừa từ kết quả của các nghiên cứu trước và cơ sở lý thuyết, nhóm đã xác định được 6 nhân tố để tiến hành nghiên cứu định tính. Sau quá trình phỏng vấn 6 nhân tố này đã được xác nhận đồng thời nhóm cũng xác định được 2 nhân tố mới chưa được kể đến bởi các nghiên cứu trước đó là Sự tương thích chương trình đào tạo (STT) và Yêu cầu của chương trình trao đổi (YC).

Nhân tố (STT) được khám phá ra và đưa vào mô hình nghiên cứu bởi (STT) là một trong những nhân tố tác động mạnh mẽ trực tiếp tới quyết định tham gia TĐQT. Bởi vì, để tham gia các chương trình trao đổi quốc tế, cần có sự tương thích trong chương trình đào tạo như hình thức chuyển đổi tín chỉ. Ngoài ra việc tham gia các chương trình trao đổi có lĩnh vực giống với ngành mình đang theo học cũng tác động mạnh đến quyết định tham gia các CT TĐQT của sinh viên. Điều này được làm rõ bởi ý kiến của các chuyên gia dưới đây:

“Sự tương thích chương trình đào tạo thông qua việc chuyển đổi tín chỉ giữa các trường là một sự cải tiến trong giáo dục và nó có ý nghĩa rất tích cực đối với sinh viên trong vấn đề sắp kế hoạch học tập cho bản thân. Khi có các chứng chỉ học tập quốc tế, nó đã được ghi nhận vào bảng điểm đồng thời giúp rút ngắn chương trình học của sinh viên” (Đối tượng phỏng vấn (ĐTPV) S4).

“Yếu tố tác động thứ 2 chính là STT, bạn nên cân nhắc nơi bạn trao đổi có tương thích về chương trình đào tạo của bạn ở trường đại học hiện tại hay không? Giữa 2 trường có ký kết MOU để thuận lợi cho việc chuyển đổi tín chỉ hay không?” (ĐTPV S3).

“Nội dung trao đổi của chương trình TĐQT đó là gì? Đối với các sinh viên đang theo học các chuyên ngành Kinh tế, thì những chương trình trao đổi Kỹ sư ở Nhật sẽ không phù hợp với ngành học và sở thích của họ. Sinh viên luôn luôn lựa chọn các chương trình TĐQT phù hợp với chuyên ngành của họ”. (ĐTPV S2).

Do đó, nghiên cứu đưa ra giả thuyết H7:

Giả thuyết H 7 : Yếu tố sự tương thích chương trình đào tạo có ảnh hưởng dương đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Nhân tố (YC) cũng chính là điểm mới và nổi bật của nghiên cứu này, bởi mọi chương trình TĐQT hay du học đều có những yêu cầu khắt khe nhằm lựa chọn những ứng viên phù hợp. Ngoài ra, việc đặt ra một tiêu chuẩn để sàng lọc các sinh viên tùy vào mục tiêu mà chương trình TĐQT hướng tới cũng giúp việc TĐQT đạt hiệu quả hơn. Mặc dù vẫn có một số chương trình TĐQT không có yêu cầu khắt khe khi xét chọn ứng viên, tuy nhiên điều đó sẽ dẫn tới các chương trình đó đòi hỏi chi phí rất cao hay các điều kiện hỗ trợ của các chương trình TĐQT không được tốt. Vì vậy, nhân tố YC đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định tham gia TĐQT. Điều này được khẳng định và làm rõ qua những ý kiến sau đây:

“Nhân tố thứ 4 cần được xét đến là (YC), yêu cầu đơn giản hay không? Một số chương trình yêu cầu 1,2 bài luận; có số khác lại yêu cầu trình độ Tiếng Anh như IELTS 7., 8.; sinh viên cần sự giới thiệu của giáo sư hay có chuyên môn về lĩnh vực mà chương trình đề ra hay không?” (ĐTPV S2)

“Mỗi chương trình TĐQT đều có yêu cầu riêng như IELTS, điểm GPA hay bài luận. Để có thể tham gia chương trình nào thì sinh viên cần đáp ứng được những điều kiện đề ra của chương trình đó.” (ĐTPV S1)

“Một số chương trình TĐQT ngoài những điều kiện về trình độ học vấn ra còn đòi hỏi những vấn đề khác như các chứng nhận về việc có kinh nghiệm trong các hoạt động ngoại khóa, có kinh nghiệm về nghiên cứu hay có những bài báo khoa học đối với loại học bổng cho các sinh viên năm cuối muốn học cao học.” (ĐTPV S5).

Giả thuyết H 8 : Yếu tố yêu cầu của chương trình trao đổi ảnh hưởng âm đến quyết định tham gia các chương trình trao đổi giáo dục quốc tế của sinh viên.

Từ kết quả trên nhóm xây dựng, hoàn thành được thang đo cho phù hợp với người khảo sát ( Table 1 ) và đưa ra mô hình nghiên cứu chính thức ( Figure 1 ) gồm 8 biến độc lập: STT, CP (Chi phí), HTTC (Nguồn hỗ trợ tài chính), AHNXQ (Ảnh hưởng của người xung quanh), VH (Văn hóa quốc gia trao đổi), YC, DT (Danh tiếng và thứ hạng của trường), BC (Bằng cấp) tác động tới biến phụ thuộc là YDTG (Quyết định tham gia).

Figure 1 . Mô hình nghiên cứu lý thuyết

Table 1 Thang đo và các biến quan sát

Sau khi hoàn thành bảng hỏi nghiên cứu, nhằm kiểm định độ tin cậy của bảng hỏi tác giả tiến hành khảo sát sơ bộ với 250 mẫu khảo sát. Kết quả kiểm định Cronbach cho các thang đo đạt giá trị Cronbach’s Alpha từ 0,691 – 0,943 đảm bảo độ tin cậy. Phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy điều kiện quy định để đánh giá EFA đều thỏa mãn, các thang đo đều đạt được giá trị hội tụ và phân biệt ( Table 2 ) để tiến hành nghiên cứu chính thức.

Table 2 Kết quả kiểm định sơ bộ

Nghiên cứu định lượng

Mô tả mẫu

Nghiên cứu khảo sát các đối tượng là những sinh viên đã từng tham gia các chương trình TĐQT hay đang theo học các chương trình liên kết quốc tế thuộc các trường đại học trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả mô tả mẫu cho thấy có 321 (63,56%) người tham gia khảo sát là nữ và 184 (36,44%) người tham gia khảo sát thuộc giới tính nam. Đối tượng khảo sát là sinh viên thuộc khối Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh chiếm 79,21% so với các sinh viên thuộc các trường Đại học khác trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với 20,79%. Trong 505 người tham gia khảo sát, có 187 trả lời không có ý định hoặc chưa từng tham gia TĐQT chiếm 37% và 318 người trả lời ngược lại với 63%. Bên cạnh đó, Mỹ là quốc gia nhận được sự quan tâm đông đảo của các sinh viên với 60% ý kiến muốn TĐQT tại Mỹ, 23% ở Hàn hay Nhật và 17% đối với các quốc gia như Singapore hay Úc.

Đánh giá thang đo

Đánh giá độ tin cậy của thang đo bằng hệ số Cronbach’s Alpha, sau đó thực hiện phân tích nhân tố khám phá (EFA) với 31 biến quan sát của các thang đo (xem Table 3 ). Kết quả kiểm định Cronbach cho từng thang đo đơn hướng xác định rằng các thang đo đều đạt độ tin cậy. Phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy điều kiện quy định để đánh giá EFA đều thỏa mãn, các thang đo đều đạt được giá trị hội tụ và phân biệt. Cả 8 nhân tố với 31 biến quan sát đều được trích ra; sau đó, đưa vào phân tích tương quan (Pearson) và phân tích hồi quy nhị phân Binary Logistic để kiểm định các giả thuyết có trong mô hình nghiên cứu.

Table 3 Kết quả đánh giá độ tin cậy của thang đo và phân tích nhân tố khám phá EFA

Phân tích tương quan

Phân tích tương quan (Pearson) được thực hiện để kiểm tra sự tương quan tuyến tính giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập. Từ kết quả của Table 4 cho thấy các nhân tố STT, CP, HTTC, AHNXQ, VH, DT, BC đều tác động mức ý nghĩa đến YDTG, trong 7 nhân tố này, nhân tố CP tác động ngược chiều đến YDTG, các nhân tố còn lại đều tác động cùng chiều đến YDTG. Đối với biến YC có giá trị Sig > 0.05 không đạt yêu cầu, tuy nhiên nhóm tác giả vẫn quyết định giữ nguyên biến này và đưa vào bước chạy hồi quy Binary Logistic vì giá trị nội dung của nó.

Table 4 Hệ số tương quan giữa biến phụ thuộc và các biến độc lập

Kiểm định mô hình nghiên cứu

Table 5 Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu lần 1

Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu ở Table 5 cho thấy biến BC bị loại bỏ đồng thời loại bỏ giả thuyết H4 . Sau khi loại bỏ biến BC, nhóm tác giả tiến hành kiểm định lại mô hình với 7 biến độc lập. Kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu lần 2 ở Table 6 cho thấy 5 biến DT, HTTC, AHNXQ, STT, VH có tác động cùng chiều và 2 biến CP, YC có tác động ngược chiều tới biến phụ thuộc YDTG.

Table 6 Kết quả mô hình nghiên cứu lần 2

R 2 Nagelkerke=0,709 điều này có nghĩa là 70,9% sự thay đổi của biến phụ thuộc được giải thích bởi 7 biến độc lập trong mô hình, còn lại là do yếu tố khác.

Phân tích hồi qui cho phép nhóm xây dựng mô hình hồi quy Binary Logistic với 7 nhân tố tác động đến YDTG: STT, CP, HTTC, AHNXQ, VH, YC, DT.

Table 7 Kiểm định mức độ dự báo chính xác của mô hình

Dựa vào kết quả của Table 7 , trong 187 trả lời là không có ý định tham gia hoặc chưa từng tham gia, mô hình dự đoán chính xác là 143. Vậy tỷ lệ đúng là 76,5%, tương tự trong 318 trả lời là đã từng tham gia hoặc có ý định tham gia, mô hình dự báo chính xác 284 với tỷ lệ 89,3%. Cuối cùng, tỷ lệ dự báo đúng của toàn bộ mô hình là 84,6%.

Phương trình tương quan Logistic của mô hình nghiên cứu có dạng như sau:

YDTG = -1,638 + 0,573DT + 0,367HTTC + 1,000AHNXQ - 2,708CP + 0,527STT + 1,35VH - 0,508YC

THẢO LUẬN KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Nhóm tác giả thu được những kết quả như sau qua quá trình phân tích và tổng hợp số liệu:

Kết quả nghiên cứu định tính cho thấy, nghiên cứu đã khám phá ra 2 nhân tố riêng biệt đó là: “Sự tương thích chương trình đào tạo” và “Yêu cầu của chương trình trao đổi” chưa từng được đề cập tới bởi các nhà nghiên cứu trước. Giá trị nội dung và ứng dụng của 2 nhân tố mới chính là cơ sở để các nghiên cứu sau khám phá và đi sâu hơn về sự tác động của 2 nhân tố này theo các khía cạnh khác.

Thứ nhất, nhân tố Yêu cầu của chương trình trao đổi tác động âm đến quyết định tham gia các chương trình TĐQT của sinh viên (Beta = -0,508; Sig = 0,010, Ủng hộ giả thuyết H8) . Các chuyên gia cho rằng những yêu cầu khi tham gia TĐQT như bài luận giới thiệu, trình độ ngoại ngữ là những rào cản khi quyết định tham gia chương trình TĐQT. Mặc dù chưa từng được đề cập tới bởi các nghiên cứu trước đó, tuy nhiên một số nghiên cứu trước cũng đã đề cập tới các vấn đề như khả năng đậu visa, hạn chế về khả năng ngôn ngữ 28 . Điều này chứng tỏ nghiên cứu đã đi sâu hơn vào các yếu tố rào cản cụ thể hơn là nhân tố “Yêu cầu của chương trình trao đổi” nhằm tạo tiền đề cho các nghiên cứu sau này.

Thứ hai, chi phí có tác động âm và mạnh nhất đến quyết định tham gia các chương trình TĐQT (Beta = -2,708; Sig = 0,000; Ủng hộ giả thuyết H1) . Việc học tập tại nước ngoài luôn đòi hỏi về nguồn tài chính lớn hơn nhiều lần so với trong nước. Điều này đồng thuận với nghiên cứu của Mazzarol & Soutar (2002) 14 , các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề chi phí bao gồm: học phí, chi phí sinh hoạt và chi phí di chuyển, đều là những khoản cần thiết cho việc sinh sống, học tập của con người.

Thứ ba, Văn hóa quốc gia trao đổi có tác động dương lớn nhất tới quyết định tham gia chương trình TĐQT (Beta = 1,35; Sig = 0,000; Ủng hộ giả thuyết H6) . Nhóm tác giả đã chỉ ra rằng các vấn đề liên quan đến văn hóa như sự gần gũi về văn hóa của quốc gia trao đổi và quốc gia sở tại, khả năng thích nghi của người tham gia với văn hóa của quốc gia trao đổi, sự yêu thích văn hóa quốc gia trao đổi của người tham gia có tác động mạnh mẽ đến việc đưa ra quyết định tham gia chương trình TĐQT. Điều này cũng đã được phân tích trong một vài nghiên cứu trước cùng đề tài (22,26). Nghiên cứu này tiếp tục nghiên cứu sâu hơn, từ đó chứng minh sự ảnh hưởng của nhân tố này với quyết định tham gia chương trình TĐQT đồng thời tạo tiền đề cho các nghiên cứu sâu hơn cùng đề tài.

Thứ tư, nhân tố “Sự tương thích chương trình đào tạo” có tác động dương tới quyết định tham gia các chương trình TĐQT (Beta = 0,527; Sig = 0,010; Ủng hộ giả thuyết H7) . Vấn đề chuyển đổi tín chỉ giữa các trường đại học, nội dung đào tạo phù hợp với chuyên ngành của sinh viên ảnh hưởng lớn đến quyết định lựa chọn chương trình TĐQT ví dụ như: giữa các chương trình thì đâu là chương trình phù hợp với chuyên ngành của mình, trường đại học tại quốc gia sở tại có liên kết với trường đại học của mình. Các phân tích số liệu về thống kê và giá trị nội dung của nhân tố này chính là tiền đề để cho các trường đại học cũng như các tổ chức giáo dục điều chỉnh các chương trình TĐQT phù hợp hơn với sinh viên.

Thứ năm, Danh tiếng và thứ hạng của trường có tác động dương tới quyết định tham gia chương trình TĐQT (Beta = 0,573; Sig = 0,001; Ủng hộ giả thuyết H2) . Nhóm tác giả đã đưa ra các vấn đề trong các khía cạnh liên quan như: Trường có uy tín cao đối với ngành nghề bạn đang theo học, Giảng viên tại trường có trình độ và chuyên môn cao, Trường có cơ sở vật chất tốt và Hoạt động ngoại khóa của trường đa dạng và hấp dẫn đóng vai trò quan trọng khi sinh viên đưa ra quyết định tham gia của mình. Hơn nữa, hình ảnh của ngôi trường tại quốc gia mà sinh viên sẽ thực hiện việc trao đổi học tập tác động trước tiên đến mức độ hài lòng của sinh viên về chương trình TĐQT đó, và sau đó là độ hài lòng về trải nghiệm học thuật mà họ được trải qua 21 .

Thứ sáu, Nguồn hỗ trợ tài chính có tác động dương tới quyết định tham gia các chương trình TĐQT (Beta = 0,367; Sig = 0,041; Ủng hộ giả thuyết H5) . Do ảnh hưởng âm mạnh mẽ từ chi phí khi tham gia chương trình TĐQT, các sinh viên sẽ phải cân nhắc thật kỹ lưỡng và cũng có thể phải từ bỏ mối quan tâm về chương trình trao đổi. Do đó, việc nhận được hỗ trợ tài chính mang lại hiệu quả dương, có thể phá bỏ phần nào những khó khăn xảy ra khi cân nhắc về chi phí. Điều này đồng thuận với nghiên cứu của Knut Petzold và Petra Moog (2018) 1 , nguồn hỗ trợ tài chính thông qua học bổng thì có thể làm tăng ý định tham gia chương trình du học ở sinh viên. Đó như một giải pháp kinh tế hiệu quả cho việc giảm bớt gánh nặng về tài chính cũng như tạo một động lực tham gia chương trình TĐQT.

Cuối cùng, Ảnh hưởng của người xung quanh có tác động dương tới các quyết định tham gia chương trình TĐQT (Beta = 1,000; Sig = 0,000; Ủng hộ giả thuyết H3) . Trong nghiên cứu thực hiện, nhóm tác giả đã chỉ ra rằng các vấn đề như sức ảnh hưởng của bố mẹ, bạn bè, thầy cô và các trung tâm tư vấn chương trình TĐQT đóng một vai trò quan trọng và luôn được xem xét kỹ càng khi sinh viên thực hiện quyết định tham gia của mình. Điều này đồng thuận với nghiên cứu của 2 , sự quyết định tham gia các hình thức TĐQT mang tính chất quyết định chung của gia đình, và sinh viên có xu hướng sẽ theo học tại trường học, quốc gia mà được giới thiệu bởi người thân và bạn bè.

KẾT LUẬN VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu định tính chỉ ra rằng có 2 nhân tố tác động tới quyết định tham gia các chương trình TĐQT: “Sự tương thích chương trình đào tạo”, “Yêu cầu của chương trình trao đổi” là những nhân tố mới, đặc trưng riêng của nghiên cứu này và chưa hề được đề cập tới các nghiên cứu trước đó, đây chính là điểm mới của nghiên cứu này và cần được khai thác sâu hơn ở các nghiên cứu tiếp theo. Bài nghiên cứu chỉ ra có 7 nhân tố tác động đến quyết định tham gia chương trình TĐQT. Bên cạnh ý nghĩa lý thuyết, kết quả này có thể hữu ích cho các sinh viên đang có dự định tham gia các chương trình TĐQT về vấn đề lựa chọn những chương trình trao đổi phù hợp với ngành học và định hướng của bản thân. Đồng thời giúp cho các trường đại học phát triển và hoàn thiện những chương trình trao đổi sao cho phù hợp nhất với nhu cầu của các sinh viên.

Từ những thảo luận trên, nhóm tác giả đưa ra các kiến nghị như sau: Sinh viên cần sự chuẩn bị kỹ càng từ chi phí tới năng lực bản thân, tăng cường khả năng ngoại ngữ đặc biệt là Tiếng Anh, chuẩn bị một lộ trình đầy đủ, chi tiết để đáp ứng các yêu cầu của trường đối tác. Bên cạnh đó, các trường tổ chức CT TĐQT cần có nhiều biện pháp hỗ trợ sinh viên bằng việc cung cấp các học bổng khuyến học, miễn giảm học phí; đưa ra đa dạng các CT TĐQT với các mức khác nhau để phù hợp cho nhiều trường hợp sinh viên khác nhau. Trường cũng nên cập nhật thông tin nhanh chóng, chi tiết với CT TĐQT để sinh viên dễ nắm bắt hơn, có hệ thống chuyển đổi tín chỉ phù hợp nếu có sự tương thích về môn học với chương trình đào tạo của sinh viên. Cuối cùng, các phòng ban nên theo sát và có những hỗ trợ, hướng dẫn cụ thể kịp thời để dễ dàng cho công tác chuẩn bị của sinh viên trước khi tham gia CT TĐQT.

HẠN CHẾ VÀ ĐỊNH HƯỚNG CHO CÁC NGHIÊN CỨU SAU

Hạn chế của nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp chọn mẫu thuận tiện dẫn đến khó xác định được sai số khi lấy mẫu và chưa khái quát lên hết được sự khác biệt giữa các nhóm đối tượng. Bên cạnh đó, chưa thực sự có nhiều nghiên cứu về vấn đề TĐQT vậy nên việc hoàn thiện mô hình hay khung lý thuyết cho nghiên cứu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, hạn chế của nghiên cứu này còn bắt nguồn từ bản chất của các nghiên cứu nền, khi chúng có xu hướng kết hợp một số nhân tố riêng lẻ đã được xác định ở những nghiên cứu trước lại với nhau. Điều này dẫn đến tình trạng các nhân tố mới tìm ra trong nghiên cứu này, sẽ không có được các minh chứng nào chỉ ra mối quan hệ với từng nhân tố đã xuất hiện trước đây, mà chúng chỉ được chứng minh lần đầu tiên trong nghiên cứu của nhóm tác giả.

Định hướng cho các nghiên cứu sau

Từ những hạn chế trên, nhóm cho rằng các nghiên cứu tiếp theo nên thay đổi đối tượng khảo sát và thu thập dữ liệu, nên tập trung vào các nhóm đối tượng trọng yếu đã từng tham gia hoặc có dự định tham gia chương trình TĐQT, sinh viên thuộc các chương trình liên kết quốc tế để có tránh việc có được dữ liệu thiếu tin cậy. Đối với nghiên cứu định tính, nhóm tác giả đề xuất thêm hình thức thảo luận nhóm kết hợp với thảo luận tay đôi để tăng hiệu quả trong việc đề xuất thêm các biến nghiên cứu khác. Ngoài ra, các nhân tố phụ thuộc vào quyết định lựa chọn quốc gia mà sinh viên sẽ tham gia chương trình TĐQT và các cơ quan liên quan hỗ trợ cho chương trình này cũng đóng vai trò quan trọng và cần được xem xét trong tương lai. Bên cạnh đó, các tác nhân bắt nguồn từ năng lực cá nhân nên được tìm hiểu kỹ càng hơn, điển hình như kỹ năng ngoại ngữ sẽ trở thành lý do vì sao sinh viên có quyết định hoặc không có quyết định tham gia vào chương trình TĐQT. Sẽ là cần thiết nếu nghiên cứu trong tương lai tiến hành nghiên cứu tính cạnh tranh của sinh viên được phát triển như thế nào khi họ tham gia vào các chương trình TĐQT.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

TĐQT: Trao đổi quốc tế

STT: Sự tương thích chương trình đào tạo

CP: Chi phí

HTTC: Nguồn hỗ trợ tài chính

AHNXQ: Ảnh hưởng người xung quanh

VH: Văn hóa quốc gia trao đổi

YC: Yêu cầu chương trình trao đổi

DT: Danh tiếng thứ hạng của trường

BC: Giá trị bằng cấp

YDTG: Ý định tham gia chương trình trao đổi quốc tế.

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Lê Hữu Tuấn Anh và Nguyễn Hoàng Hải khởi dựng ý tưởng và tìm hiểu các mô hình nghiên cứu liên quan.

Mai Thị Thu Ngân tìm kiếm dữ liệu và thiết kế nghiên cứu.

Trần Hạnh Thảo và Võ Thị Sương chỉnh sửa văn bản và xử lí dữ liệu đồng thời đưa ra các kiến nghị.

Hoàng Thị Mai Khánh định hướng, góp ý và bổ sung những thiếu sót của nghiên cứu.

References

  1. Petzold K, Moog P. What shapes the intention to study abroad? An experimental approach. High Educ. 2018;75(1):35-54. Google Scholar
  2. Daly A. Determinants of participating in Australian university student exchange programs. J Res Int Educ. 2011;10(1):58-70. Google Scholar
  3. Kuimova M, Burleigh D, Maldague X, Startseva D. Academic exchange programmes to enhance foreign language skills and academic excellence. World Trans Eng Technol Educ. 2017;15(2):184-188. Google Scholar
  4. Llewellyn-Smith C, McCabe VS. What is the attraction for exchange students: The host destination or host university? Empirical evidence from a study of an Australian University. Int J Tour Res. 2008;10(6):593-607. Google Scholar
  5. Altbach PG, Teichler U. Internationalization and Exchanges in a Globalized University. J Stud Int Educ. 2001;5(1):5-25. Google Scholar
  6. Altbach PG. Higher Education Crosses Borders: Can the United States Remain the Top Destination for Foreign Students? Change: The Magazine of Higher Learning. . 2004;36(2):18-25. Google Scholar
  7. Daly AJ, Barker MC. Australian and New Zealand university students' participation in international exchange programs. J Stud Int Educ. 2005;9(1):26-41. Google Scholar
  8. Ajzen I, Fishbein M. The prediction of behavior from attitudinal and normative variables. J Exp Soc Psychol. 1970;6(4):466-487. Google Scholar
  9. Ajzen I. The Theory of Planned Behavior Organizational Behavior and Human Decision Processes. Organ Behav Hum Decis Process. 1991;50(2):179-211. Google Scholar
  10. Presley A, Damron-Martinez D, Zhang L. A Study of Business Student Choice to Study Abroad: A Test of the Theory of Planned Behavior. J Teach Int Bus. 2010;21(4):227-247. Google Scholar
  11. Ajzen I, Fishbein M. Understanding attitudes and predicting social behaviour. N.J: Prentice-Hall. 1980;:. Google Scholar
  12. Goel L, Jong P, Schnusenberg O. Toward a comprehensive framework of study abroad intentions and behaviors. J Teach Int Bus. 2010;21(4):248-265. Google Scholar
  13. Wang LC, Gault J (Jack), Christ P, Diggin PA. Individual attitudes and social influences on college students' intent to participate in study abroad programs. J Mark High Educ. 2016;26(1):103-128. Google Scholar
  14. Mazzarol T, Soutar GN. "Push-pull" factors influencing international student destination choice. Int J Educ Manag. 2002;16(2):82-90. Google Scholar
  15. Sen N.T.. Các nhân tố ảnh hưởng đến ý định du học của học sinh phổ thông trên địa bàn Tp. Nha Trang [Luận văn Thạc sĩ]. Thành phố Nha Trang: Đại học Nha Trang. 2015;:. Google Scholar
  16. Li F (Sam), Qi H. An investigation of push and pull motivations of Chinese tourism doctoral students studying overseas. J Hosp Leis Sport Tour Educ. 2019;24(3):90-99. Google Scholar
  17. Soutar N, Turner P. Students' preferences for university: a conjoint analysis. Int J Educ Manag. 2002;16(1):40-45. Google Scholar
  18. Agrey L, Lampadan N. Determinant Factors Contributing to Student Choice in Selecting a University. J Educ Hum Dev. 2014;391(404):3-2. Google Scholar
  19. Simpson K, Tan WS. A home away from home?: Chinese student evaluations of an overseas study experience. J Stud Int Educ. 2009;13(1):5-21. Google Scholar
  20. Mazzarol T. Critical success factors for international education marketing. Int J Educ Manag. 1998;12(4):163-175. Google Scholar
  21. Herrero Á, Martín HS, García De Los Salmones MDM, Río Peña A Del. Influence of country and city images on students' perception of host universities and their satisfaction with the assigned destination for their exchange programmes. Place Brand Public Dipl. 2015;11(3):190-203. Google Scholar
  22. Emma W. Factors that Influence American Indian Students' Attitudes towards Study Abroad [Master thesis]. Stockholm City: Stockholm University. 2014;:. Google Scholar
  23. Salisbury MH, Umbach PD, Paulsen MB, Pascarella ET. Going global: Understanding the choice process of the intent to study abroad. Res High Educ. 2009;50(2):119-143. Google Scholar
  24. Garman E. Study Abroad: Factors Lending to the Decision. Concordia J Commun Res. 2019;6(1):4. Google Scholar
  25. Zhu L, Reeves P. Chinese students' decisions to undertake postgraduate study overseas. Int J Educ Manag. 2019;33(5):999-1011. Google Scholar
  26. Lu Z, Li W, Li M, Chen Y. Destination China: International Students in Chengdu. Int Migr. 2019;57(3):354-372. Google Scholar
  27. Cubillo JM, Sánchez J, Cervio J. International students' decision-making process. Int J Educ Manag. 2006;20(2):101-115. Google Scholar
  28. Thao TTP. Study on factors influencing the decision to study abroad for Vietnamese students [Master thesis]. Ho Chi Minh City: International University - Vietnam National University HCMC. 2014;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 4 No 4 (2020)
Page No.: 1019-1032
Published: Oct 27, 2020
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i4.670

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Tuan Anh, L., Mai Khanh, H., Hai, N., Thu Ngan, M., Suong, V., & Thao, T. (2020). Factors impacting the intention to participate in student exchange program. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 4(4), 1019-1032. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v4i4.670

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1323 times
Download PDF   = 380 times
View Article   = 0 times
Total   = 380 times