Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

3488

Total

870

Share

Effects of Application of Quality Assurances Certification at Farm Level on the Probability to Implement Traceability for Agricultural Products towards Global Markets: Evidences from Farmed-Shrimp in Mekong Delta, Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

This study investigates the impact of the application of quality assurance certification on the origin traceability of shrimp exports in the Vietnamese Mekong Delta region. The primary data was investigated in 2018, which covered the whole supply chain of shrimp production such as farmers, collectors, distributors, processing factories. Descriptive statistics are utilized to analyze and compare the differences in the supply chain and product origin traceability between certified and non-certified shrimps. The willingness of farmers to embrace product origin traceability of certified and non-certified shrimps is also analyzed. The results show that certified farmers indicate a higher possibility of traceability due to proper monitoring and management essential to traceability. The application of international quality assurance certification of shrimp farmers increases awareness and willingness to implement origin traceability. The result proves the effectiveness of the collaboration between the farmers and processing factories in the implementation of traceability in the entire supply chain.

GIỚI THIỆU

Tại Việt Nam, hoạt động nuôi trồng, phân phối, chế biến và xuất khẩu tôm đóng góp vai trò quan trọng trong phát triển nông thôn, gia tăng thu nhập và cải thiện đời sống, đặc biệt là hộ nuôi tôm ở khu vực nông thôn 1 . Việt Nam là một trong các nước cung ứng tôm lớn nhất thế giới, bên cạnh Ấn Độ, Thái Lan, Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Malaysia và Ecuador 2 . Theo số liệu của Tổng cục thống kê Việt Nam, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng nuôi tôm lớn nhất cả nhất, chiếm khoảng 70% trong tổng diện tích nuôi cả nước 3 . Các sản phẩm tôm của Việt Nam đã được xuất đến hơn 90 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Trong đó, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản chiếm khoảng 47% trong tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam 4 .

Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, Hoa Kỳ, châu Âu và Nhật Bản là các thị trường đặt ra yêu cầu rất cao và có quy trình giám sát chặt chẽ các vấn đề liên quan đến truy xuất nguồn gốc, chất lượng và an toàn thực phẩm 5 . Ví dụ tại thị trường Nhật Bản, Việt Nam là nhà cung ứng lớn nhất cho sản phẩm tôm nhập khẩu từ năm 2009 đến 2018, chiếm tỷ lệ khoảng 25% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Nhật Bản. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, có khoảng 280 trường hợp sản phẩm tôm Việt Nam bị từ chối nhập khẩu vào Nhật Bản. Hơn 90% trong tổng số các trường hợp bị trả lại có nguyên nhân từ việc phát hiện dư lượng kháng sinh có trong sản phẩm tôm (tính toán từ số liệu công bố của Bộ nông nghiệp, thủy sản và lâm nghiệp Nhật Bản-MAFF). Việc phát hiện dư lượng kháng sinh có trong sản phẩm tôm đã dẫn tới Nhật Bản áp dụng một quy trình giám sát nghiêm ngặt hơn đối với sản phẩm tôm Việt Nam 6 . Kết quả là, sản phẩm tôm nhập khẩu từ Việt Nam có khả năng bị từ chối cao hơn. Trong tất cả các trường hợp sản phẩm bị từ chối nhập khẩu, nhà xuất khẩu tôm của Việt Nam không thể phản hồi một cách rõ ràng đến các nhà nhập khẩu Nhật Bản dư lượng này phát sinh ở khâu nào trong chuỗi cung ứng bởi lẽ việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm tôm từ trang trại đến nhà máy chế biến không được thực hiện 7 . Do đó, các doanh nghiệp này phải chịu toàn bộ các khoản chi phí có liên quan đến việc sản phẩm từ chối. Đây cũng là nguyên nhân làm cho uy tín và niềm tin của người tiêu dùng Nhật Bản đối với sản phẩm tôm Việt Nam bị ảnh hưởng.

Tính đến thời điểm nghiên cứu, quy định về truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm đã được ban hành tại nhiều quốc gia. Theo đó, truy xuất nguồn gốc là một hệ thống giúp truy nguyên nguồn gốc sản phẩm theo nguyên tắc “một bước trước-một bước sau” nhằm đảm bảo xác định sản phẩm được ai cung cấp và cung cấp cho ai trong mỗi khâu của chuỗi cung ứng 8 . Ngoài ra, truy xuất nguồn gốc còn được nhắc đến như là một tiêu chí bắt buộc để đạt được các chứng nhận đảm bảo chất lượng như Global GAP, ASC, hay HACCP, bên cạnh an toàn thực phẩm, an sinh xã hội và môi trường. Trong đó, truy xuất nguồn gốc trong các tiêu chuẩn này là hoạt động ghi chép, chia sẻ và lưu trữ thông tin có liên quan đến quá trình nuôi trồng, bảo quản, chế biến giữa hộ nuôi và nhà máy chế biến xuất khẩu hướng tới đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm. Như vậy, việc áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng quốc tế như Global GAP, HACCP hay ASC được kỳ vọng là sẽ giúp nâng cao khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm trong chuỗi cung ứng. Sản phẩm tôm đạt được các tiêu chuẩn chứng nhận đảm bảo chất lượng được đính kèm ký hiệu (logo) của chứng nhận trên nhãn hiệu, đây không chỉ là tín hiệu giúp người tiêu dùng phân biệt với các sản phẩm không có chứng nhận, mà còn có vai trò như là một lời cam kết của nhà sản xuất về chất lượng, an toàn và khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi có các sự cố về an toàn thực phẩm đối với khách hàng 9 .

Năm 2011, Tổng cục Thủy sản Việt Nam đã ban hành Thông tư 03/2011/BNN-PTNT như là một quy định ở cấp quốc gia về việc thực hiện truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm thủy sản, trong đó có sản phẩm tôm. Theo đó, nhà sản xuất và cung ứng tôm được yêu cầu phải đảm bảo thực hiện truy xuất nguồn gốc “một bước trước-một bước sau” từ trang trại, phân phối và chế biến. Ngoài ra, hướng dẫn về các Quy tắc thực hành nuôi trồng thủy sản tốt của Việt Nam (VietGAP) cũng được ban hành năm 2015 dựa trên nền tảng và các hướng dẫn của tổ chức chứng nhận chất lượng nuôi trồng thủy sản như FAO, Quy tắc thực hành nuôi trồng thủy sản tốt khu vực ASEAN (AseanGAP) và các tiêu chuẩn quốc tế như Global GAP, ASC, và ISO. Tương đồng với các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng quốc tế, mục tiêu chính của tiêu chuẩn VietGAP bao gồm an toàn thực phẩm, sức khỏe vật nuôi, bảo vệ môi trường, phúc lợi xã hội và truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm đạt chứng nhận VietGAP được yêu cầu phải đảm bảo quy trình lưu trữ thông tin trong sổ nhật ký trang trại, từ đó, sẽ cải thiện khả năng thực hiện truy nguyên nguồn gốc của tôm nguyên liệu từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến. Việc áp dụng tiêu chuẩn VietGAP được kỳ vọng là cải thiện được quy trình đảm bảo an toàn và chất lượng sản phẩm tôm Việt Nam dựa trên khung quy định quốc tế về chất lượng, an toàn thực phẩm cũng như hỗ trợ khả năng thực hiện truy xuất nguồn gốc, từ đó giúp tăng khả năng được chấp nhận của sản phẩm tôm Việt Nam tại thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, việc thực thi thông tư 03/2011/BNN-PTNT và tiêu chuẩn VietGAP tại Việt Nam còn hạn chế 8 . Trong chuỗi cung ứng, nhà máy chế biến và doanh nghiệp xuất khẩu phải thực hiện đầy đủ các hoạt động truy xuất nguồn gốc để quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng yêu cầu của khách hàng trên thị trường thế giới 7 . Ngược lại, các tác nhân khác trong chuỗi cung ứng chưa quan tâm đúng mức đến việc thực hiện hoạt động truy xuất nguồn gốc, đặc biệt là ở các hộ nuôi tôm. Dong đã chỉ ra kênh phân phối của tôm nguyên liệu trong chuỗi ứng từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến chịu phụ thuộc chủ yếu vào các tác nhân trung gian như thương lái và đại lý tại địa phương 10 . Theo đó, hơn 80% tổng lượng tôm nguyên liệu được phân phối đến nhà máy chế biến thông qua các tác nhân trung gian. Trong khi đó, các giao dịch mua bán giữa hộ nuôi tôm với thương lái và đại lý địa phương được dựa trên sự quen biết và thuận tiện 11 , 12 . Thương lái và đại lý cũng không đặt ra bất kỳ một yêu cầu nào liên quan đến truy xuất nguồn gốc cũng như chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hộ nuôi 8 . Kết quả là, hộ nuôi tôm không có động lực để thực hiện ghi chép và lưu trữ thông tin về quá trình nuôi-điều kiện thiết yếu để thực hiện truy xuất nguồn gốc. Như vậy, câu hỏi đặt ra là việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng quốc tế tại nông hộ đã tạo ra sự khác biệt như thế nào về khả năng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm trong chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, đến phân phối, chế biến và xuất khẩu so với các sản phẩm không có áp dụng tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng? Trong điều kiện chuỗi cung ứng tôm của Việt Nam còn phụ thuộc rất nhiều vào thương lái và đại lý thu mua nhỏ lẻ tại địa phương và việc bỏ qua các tác nhân này là không khả thi thì hệ thống truy xuất nguồn gốc cần phải được thực hiện như thế nào cho phù hợp. Mục tiêu của nghiên cứu này là nhằm so sánh và đánh giá ảnh hưởng của việc áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm tại nông hộ đến khả năng truy xuất nguồn gốc của chuỗi cung ứng sản phẩm tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Từ kết quả so sánh và đánh giá, một số thảo luận và hàm ý chính sách được đề xuất nhằm hướng tới nâng cao quản lý chất lượng và an toàn cho sản phẩm tôm xuất khẩu nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường quốc tế.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cách tiếp cận và phương pháp thu thập số liệu

Để đánh giá ảnh hưởng của việc áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng tại nông hộ đến khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tôm trong chuỗi cung ứng, nghiên cứu được thực hiện dựa trên cách tiếp cận phân tích dòng chảy sản phẩm và dòng chảy thông tin trong chuỗi cung ứng của sản phẩm tôm được cung cấp từ nhóm hộ có chứng nhận và nhóm hộ không có chứng nhận (nhóm đối chứng) theo nguyên tắc truy xuất “một bước trước-một bước sau” từ hộ nuôi, đến phân phối và chế biến xuất khẩu.

Số liệu sử dụng đề tài được thu thập bằng cách phỏng vấn trực tiếp 114 hộ nuôi tôm bằng bảng câu hỏi được thực hiện từ tháng 6 đến tháng 7 năm 2018 tại các huyện Phú Tân, Cái Nước, và Đầm Dơi của tỉnh Cà Mau, địa phương chiếm 44% tổng diện tích nuôi tôm của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, và 36% tổng diện tích nuôi tôm của cả nước. Nhóm hộ có chứng nhận là thành viên của hợp tác xã Cái Bát, huyện Cái Nước, và nhóm hộ không được chứng nhận tại các huyện Phú Tân, Cái Nước, và Đầm Dơi của tỉnh Cà Mau.

Bảng câu hỏi phỏng vấn gồm 3 phần. Trong đó, phần 1 và 2 được sử dụng để phân tích và đánh giá khả năng truy xuất nguồn gốc của sản phẩm tôm trong chuỗi cung ứng. Phần 1 thu thập các thông tin liên quan đến đặc điểm xã hội học của hộ nuôi. Phần 2 gồm có 3 nội dung chi tiết, cụ thể là (i) quản lý thông tin tại hộ nuôi; (ii) quy trình quản lý và đảm bảo chất lượng; và (iii) là các yêu cầu từ người mua liên quan đến truy xuất nguồn gốc và đảm bảo an toàn, chất lượng sản phẩm.

Sự hiểu biết và nhận thức của hộ nuôi đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thực hiện truy xuất nguồn gốc của nông hộ 10 , 13 . Trong nghiên cứu này, mức độ hiểu biết, nhận thức về vấn đề chất lượng sản phẩm, và sự sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc của hai nhóm hộ nuôi tôm có chứng nhận và không có chứng nhận cũng được thực hiện (phần 3 của bảng câu hỏi) nhằm làm cơ sở để đề xuất giải pháp và hàm ý chính sách nhằm hướng tới thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao quy trình quản lý chất lượng của sản phẩm tôm của Đồng bằng sông Cửu Long. Quy trình phỏng vấn về sự nhận thức và sự sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc của hộ nuôi tôm được mô tả như Figure 1 . Theo đó, hộ nuôi được hỏi lặp lại cho cùng một câu hỏi: “Anh/Chị có sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc không?” tại hai thời điểm trước và sau khi phỏng vấn viên giải thích về truy xuất nguồn gốc. Nội dung giải thích về truy xuất nguồn gốc gồm có mục tiêu, bản chất và sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc, các chi phí và lợi ích từ việc thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Figure 1 . Quy trình phỏng vấn sự sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc tại hộ nuôi tôm

Cơ cấu mẫu được trình bày trong Table 1 . Trong 114 hộ nuôi tôm được phỏng vấn trong mẫu nghiên cứu thì có 32 hộ có thực hiện áp dụng tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng, 82 hộ không thực hiện áp dụng. Các hộ nuôi tôm trong mẫu nghiên cứu áp dụng hai mô hình nuôi là quảng canh và thâm canh, chủ yếu nuôi tôm sú ( Penaeus monodon ) và tôm thẻ chân trắng ( Litopenaeus vannamei ). Có 41 hộ nuôi trong mẫu nghiên cứu (tương đương 36%) là thành viên của hợp tác xã hoặc hội nông dân tại địa phương. Trong đó, toàn bộ 32 hộ nuôi có thực hiện áp dụng tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng là thành viên của hợp tác xã, và có ký hợp đồng bao tiêu đầu ra với nhà máy chế biến. Có 90/114 hộ nuôi trong mẫu nghiên cứu (tương đương 79%) có quy mô nhỏ với diện tích canh tác dưới 2 hecta.

Để thu thập thông tin về kênh phân phối của tôm nguyên liệu, các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng, bao gồm tác nhân trung gian (gồm có thương lái và đại lý địa phương) và nhà máy chế biến được chọn phỏng vấn theo nguyên tắc truy xuất nguồn gốc “một bước trước-một bước sau” dọc theo chuỗi cung ứng. Đối tượng được phỏng vấn là chủ cơ sở hoặc người trực tiếp quản lý khâu đảm bảo chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Các thông tin tổng quan về tình hình sản xuất, nuôi tôm, quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm và thực hiện truy xuất nguồn gốc được thu thập tại Đồng bằng sông Cửu Long- vùng nuôi tôm lớn nhất Việt Nam, cụ thể là tại các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang và Bến Tre. Các thông tin thu thập dựa trên các báo cáo thường niên của Chi cục Thủy sản và Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản.

Table 1 Mô tả mẫu nghiên cứu

Phương pháp phân tích số liệu

Để đạt được mục tiêu của nghiên cứu, dòng chảy thông tin của tôm nguyên liệu từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến sẽ được mô tả, so sánh và đánh giá khả năng truy xuất thông tin giữa các kênh phân phối sản phẩm.

Phương pháp thống kê mô tả, gồm có trung bình, phân tích tần suất, và tỷ lệ phần trăm được áp dụng trong nghiên cứu để đánh giá sự khác biệt của dòng chảy thông tin tương ứng với từng kênh phân phối tôm nguyên liệu dọc theo chuỗi cung ứng từ hai nhóm hộ nuôi, đến các tác nhân trung gian và nhà máy chế biến và sự sẵn lòng thực hiện thực hiện truy xuất nguồn gốc của hộ nuôi tương ứng với các kênh phân phối tôm nguyên liệu.

Để làm cơ sở đề xuất các hàm ý chính sách hướng tới thực hiện truy xuất nguồn gốc và nâng cao quy trình quản lý chất lượng cho chuỗi cung ứng tôm, các chỉ tiêu về hiệu quả tài chính, gồm có giá bán, chi phí, lợi nhuận và tỷ suất sinh lời của hai nhóm hộ có chứng nhận và không có chứng nhận cũng được so sánh.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Mô tả kênh phân phối của sản phẩm tôm nguyên liệu dọc theo chuỗi cung ứng

Theo kết quả khảo sát, kênh phân phối tôm trong chuỗi cung ứng từ trại nuôi đến nhà máy chế biến chịu ảnh hưởng bởi mô hình canh tác của nông hộ (xem Figure 2 ). Các kênh phân phối được mô tả cụ thể như sau:

- Hộ nuôi tôm quảng canh bán tôm nguyên liệu cho thương lái địa phương. Sau đó, lượng tôm nguyên liệu này được thương lái phân phối đến đại lý (khoảng 70-75%), và đến nhà máy chế biến (25-30%).

- Hộ nuôi tôm thâm canh bán tôm nguyên liệu cho đại lý địa phương (khoảng 95%) hoặc trực tiếp cho nhà máy chế biến thông qua các hợp đồng bao tiêu sản phẩm (khoảng 5%).

Figure 2 . Kênh phân phối tôm và khả năng truy xuất nguồn gốc thông tin tương ứng với các kênh phân phối

Dòng chảy thông tin và khả năng truy xuất của sản phẩm tôm tôm nguyên liệu dọc theo chuỗi cung ứng

Tổng hợp từ kết quả khảo sát của nghiên cứu này cho thấy rằng, trong các kênh phân phối tôm nguyên liệu từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến, nhóm hộ nuôi quảng canh và thâm canh không thực hiện hợp đồng liên kết với nhà máy chủ yếu bán tôm nguyên liệu cho thương lái hoặc đại lý trước khi lượng tôm nguyên liệu này được phân phối đến nhà máy chế biến. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với kết quả của Dong và cộng sự, Loc và Tran và cộng sự 8 , 11 , 12 . Trong các kênh phân phối này, khả năng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm tôm nguyên liệu từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến không thể thực hiện. Nguyên nhân là do các hộ nuôi tôm trong nhóm này không thực hiện ghi chép và lưu trữ thông tin về quá trình sản xuất bởi lẽ người mua tôm nguyên liệu tại hộ nuôi này là các tác nhân trung gian và họ không đặt ra bất kỳ yêu cầu có liên quan đến việc thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với hộ nuôi.

Trong các kênh phân phối trên, tôm nguyên liệu được phân phối trực tiếp từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến thông qua hợp đồng ký kết bao tiêu sẽ giúp cho nhà máy chế biến trong việc đặt ra các yêu cầu cần thiết về ghi chép và lưu trữ thông tin trong hợp đồng, chất lượng sản phẩm cũng như quản lý xuất xứ tôm nguyên liệu. Theo kết quả khảo sát, những hộ nuôi tôm có áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng đều đã ký kết hợp đồng và là thành viên của hợp tác xã. Theo đó, nhà máy chế biến và xuất khẩu hỗ trợ chi phí áp dụng và đăng ký các chứng nhận tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong nước và quốc tế như VietGAP, Global GAP, hay ASC. Tôm nguyên liệu được cung cấp đến nhà máy chế biến được đảm bảo được chất lượng và an toàn nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Để đạt được chứng nhận đảm bảo chất lượng sản phẩm, những hộ nuôi tôm này phải thực hiện ghi chép và lưu trữ thông tin về quy trình sản xuất và quản lý chất lượng theo đúng những tiêu chí ghi chép được quy định trong các tiêu chuẩn này. Những thông tin lưu trữ này được cung cấp trực tiếp đến nhà máy chế biến cùng thời điểm cung ứng tôm nguyên liệu. Hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp cho dòng chảy thông tin giữa hộ nuôi và nhà máy chế biến được thông suốt, hỗ trợ việc truy xuất nguồn gốc “một bước trước-một bước sau” cho sản phẩm tôm dọc theo chuỗi cung ứng. Đồng thời, các hộ nuôi đăng ký chứng nhận phải được tập huấn các kiến thức về sự cần thiết của truy xuất nguồn gốc và vấn đề chất lượng và an toàn thực phẩm đối với sản phẩm tôm xuất khẩu. Điều này được kỳ vọng ự nhận thức và hiểu biết của họ về truy xuất nguồn gốc được gia tăng, từ đó nâng cao mức sẵn lòng thực hiện và áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế khác như Global GAP hay ASC cũng như việc thực hiện truy xuất nguồn gốc 14 .

Hiệu quả tài chính và sự sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc của hai nhóm hộ có chứng nhận và không có chứng nhận

Hiệu quả tài chính của hộ nuôi tôm được tính toán riêng biệt cho tôm sú và tôm thẻ. Kết quả cho thấy rằng, hộ nuôi có áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng không đạt được lợi nhuận cao hơn nhóm hộ nuôi không có chứng nhận như kỳ vọng cho cả hai loại tôm (Xem Table 2 ).

Table 2 Giá bán, chi phí, lợi nhuận và năng suất của hộ nuôi tôm (Đơn vị tính: đồng/kg)

Kết quả phân tích cho thấy việc áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng chưa mang lại lợi nhuận và năng suất cao hơn cho nhóm hộ nuôi đã đăng ký và áp dụng chứng nhận cho trường hợp tôm thẻ chân trắng ( p < 0.05). Riêng đối với tôm sú, kết quả nghiên cứu cho thấy lợi nhuận của nhóm hộ không có chứng nhận cao hơn nhóm hộ có chứng nhận, tuy nhiên không có ý nghĩa thống kê ( p < 0.05).

Cụ thể, giá bán tại cổng trại cho cả hai sản phẩm tôm thẻ và tôm sú của nhóm hộ nuôi có đăng ký chứng nhận đều thấp hơn so với nhóm không có đăng ký và áp dụng chứng nhận. Kết quả phân tích cũng cho thấy nhóm hộ có thực hiện đăng ký chứng nhận có chí phí sản xuất cao hơn so với nhóm hộ nuôi chưa áp dụng. Kết quả phân tích cũng chưa tìm thấy sự khác biệt để kết luận rằng hộ nuôi có áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng đạt được năng suất thu hoạch cao hơn so với các hộ nuôi chưa có chứng nhận ( p < 0.05).

Figure 3 . Sự sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc của hộ nuôi tôm

Về sự sẵn lòng thực hiện nguồn gốc, kết quả tổng hợp từ khảo sát cũng cho thấy, 100% nông hộ đã thực hiện áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng trong nghiên cứu đồng ý thực hiện truy xuất nguồn gốc cả trước và sau khi phỏng vấn viên giải thích về truy xuất nguồn gốc (xem Figure 3 ). Điều này chỉ ra rằng những hộ nuôi này đã nhận thức được sự cần thiết của việc thực hiện áp dụng truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm. Ngược lại, có 42/82 (khoảng 51,2%) hộ nuôi chưa thực hiện áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng trong mẫu nghiên cứu đồng ý thực hiện truy xuất nguồn gốc trước khi được giải thích về truy xuất nguồn gốc. Sau khi được giải thích, số hộ nuôi sẵn lòng thực hiện truy xuất nguồn gốc trong nhóm này tăng lên 64/82 (khoảng 78%) hộ. Kết quả này cho thấy, sự hiểu biết về truy xuất nguồn gốc có thể là yếu tố đóng vai trò quan trọng trong việc ra quyết định thực hiện truy xuất nguồn gốc của hộ nuôi. Việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng không chỉ giúp cho sản phẩm tôm có thể đáp ứng được yêu cầu của thị trường quốc tế mà còn nâng cao khả năng thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến.

Thảo luận

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra việc thực hiện liên kết trực tiếp giữa hộ nuôi với nhà máy chế biến đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, quản lý và đảm bảo chất lượng tôm nguyên liệu hướng tới thị trường xuất khẩu. Đồng thời, việc thực hiện các liên kết này cũng đóng vai trò quan trọng trong việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng như VietGAP, GlobalGAP hay ASC. Kết quả nghiên cứu này phù hợp với các nghiên cứu đã được thực hiện bởi Fuchs và cộng sự; Bailey và cộng sự cho chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản (xem Figure 4 ) 15 , 16 . Các nghiên cứu này đã chỉ ra mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm sẽ khả thi nếu được thực hiện đồng bộ với áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng cho sản phẩm như Global GAP, ASC, BAP, hay HACCP,... Các thông tin về quy trình sản xuất của sản phẩm thủy sản đã được ghi chép, lưu trữ và chia sẻ giữa các nhà sản xuất trong chuỗi cung ứng từ khâu sản xuất, phân phối và chế biến, bao gồm các thông tin liên quan đến thành phần sản phẩm, chất lượng và đặc tính sản phẩm theo quy tắc truy xuất nguồn gốc “một bước trước-một bước sau” có thể được chia sẻ và đồng bộ từ hệ thống truy xuất nguồn gốc của nhà sản xuất thủy sản trong chuỗi cung ứng sang hệ thống của các tổ chức chứng nhận đảm bảo chất lượng với sự giám sát và quản lý của Chính phủ và các tổ chức xã hội (Civil Actors).

Figure 4 . Mô hình thực hiện truy xuất nguồn gốc thủy sản được đề xuất bởi Fuchs và cộng sự; Bailey và cộng sự 15 , 16

Figure 4 
<a class=16" width="300" height="200">

[Download figure]

Tính đến thời điểm nghiên cứu, hệ thống truy xuất riêng lẻ thường không được người tiêu dùng quốc tế quan tâm chú ý so với các thông tin về chất lượng và thành phần tạo thành trong thực phẩm, và các chứng nhận hoặc cam kết về an toàn và chất lượng từ người bán được in trên nhãn sản phẩm 13 . Một hệ thống truy xuất nguồn gốc sẽ có giá trị và mang lại hiệu quả sử dụng cao hơn khi các thông tin về các chất lượng sản phẩm được đồng bộ và chia sẻ một cách minh bạch và đáng tin cậy 17 . Như vậy, kết quả được chỉ ra trong nghiên cứu này về vai trò của việc áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng là phù hợp và được kỳ vọng như là giải pháp bước đầu nhằm hướng tới thực hiện truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm từ hộ nuôi đến nhà máy chế biến.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, những mô hình liên kết đã được thực hiện thí điểm tại một số tỉnh như Hợp tác xã Cái Bát tại tỉnh Cà Mau, hay Hợp tác xã Hòa Nghĩa ở tỉnh Sóc Trăng nhằm hướng đến việc áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc. Hộ nuôi tôm tham gia vào các tổ hợp tác và hợp tác xã này được ký kết hợp đồng bao tiêu cung ứng tôm nguyên liệu trực tiếp tới doanh nghiệp chế biến. Các thành viên Hợp tác xã được hỗ trợ kinh phí để áp dụng chứng nhận đảm bảo chất lượng quốc tế ASC. Trong quá trình áp dụng chứng nhận ASC, tất cả thành viên của Hợp tác xã được yêu cầu ghi chép thông tin quy trình sản xuất theo mẫu ghi chép của nhà máy chế biến. Ban quản lý Hợp tác xã sẽ chịu trách nhiệm quản lý quá trình ghi chép thông tin của các thành viên tham gia. Tất cả thông tin thu thập sẽ được cung cấp đến bộ phận lưu trữ và mã hóa của nhà máy chế biến. Quá trình này giúp cho việc truy xuất nguồn gốc giữa nhà máy chế biến và hộ nuôi được thực hiện dễ dàng.

Tuy nhiên, việc mở rộng các chương trình thí điểm này sang các vùng nuôi tôm khác tại Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn do thiếu cơ chế chia sẻ trách nhiệm pháp lý, nhận thức và sự hiểu biết về những lợi ích kinh tế và sự sẵn lòng tham gia vào Hợp tác xã để thực hiện áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng của các hộ nuôi tôm là chưa đầy đủ, đặc biệt là điều kiện hộ nuôi sản xuất với quy mô nhỏ ở Việt Nam 18 . Quan trọng là, kết quả nghiên cứu đã cho thấy chưa có sự khác biệt về giá tại cổng trại cũng như hiệu quả về mặt tài chính của hộ nuôi tôm có và không có chứng nhận đảm bảo chất lượng. Đây là yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến quyết định đầu tư vào kỹ thuật, công nghệ hay quy trình sản xuất mới tại nông hộ, ví dụ như thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc hay áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng trong nghiên cứu này 19 . Điều này làm cho hộ nuôi chưa có sự nhận thức rõ ràng cũng như không có động cơ và sự sẵn lòng chấp nhận thực hiện các hoạt động này 7 , 12 . Thực tiễn đã cho thấy rằng, tính đến thời điểm nghiên cứu, chỉ có khoảng 12% tổng diện tích nuôi tôm tại Việt Nam đạt được chứng nhận đảm bảo chất lượng quốc tế 20 .

Ngoài ra, việc không có sự khác biệt về giá bán cũng dẫn tới trường hợp hộ nuôi đơn phương phá vỡ hợp đồng mặc dù đã có hợp đồng liên kết bán tôm nguyên liệu cho nhà máy 10 . Điều này đã làm cho nhà máy chế biến gặp khó khăn trong việc quản lý đảm bảo chất lượng và truy xuất nguồn gốc của tôm nguyên liệu cung cấp cho nhà máy 7 . Trong điều kiện nhà máy chế biến phải chịu áp lực về việc thiếu nguồn cung tôm nguyên liệu để duy trì hoạt động sản xuất, việc áp đặt những quy định quá cứng nhắc về các tiêu chuẩn chất lượng cũng như truy xuất nguồn gốc cho nhà cung ứng, bao gồm cả hộ nuôi tôm và các tác nhân trung gian là rất khó thực hiện. Kết quả này cho thấy việc thiết lập một cơ chế hợp tác liên kết, trong đó quy định rõ cơ chế chia sẻ trách nhiệm pháp lý giữa tất cả tác nhân tham gia vào các khâu trong chuỗi cung ứng tôm tại Việt Nam, bao gồm hộ nuôi, tác nhân trung gian như thương lái, nậu vựa địa phương và nhà máy chế biến cũng như cơ chế chia sẻ và phân bổ các lợi ích đạt được về mặt kinh tế giữa các bên có liên quan trong liên kết là cần thiết nhằm hướng đến xây dựng một chuỗi cung ứng với khả năng truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng yêu cầu ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế.

KẾT LUẬN

Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra sự cần thiết phải áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng trong việc hướng tới truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đặc biệt là các thị trường xuất khẩu chủ lực của sản phẩm tôm Việt Nam như Mỹ, Nhật hay châu Âu. Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ khả thi nếu như hộ nuôi tôm đã đáp ứng được các quy định và tiêu chí để đạt được chứng nhận đảm bảo chất lượng. Trong điều kiện việc áp dụng các tiêu chuẩn đảm bảo chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc trở thành một điều kiện bắt buộc cho sản phẩm tôm Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường quốc tế, kết quả thảo luận trong nghiên cứu này là cơ sở quan trọng cho các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng tôm trong quá trình thực hiện và áp dụng các tiêu chuẩn này. Tuy nhiên, để có thể triển khai áp dụng các chứng nhận đảm bảo chất lượng cũng như thực hiện truy xuất nguồn gốc, nghiên cứu đã cho thấy việc xây dựng một cơ chế liên kết giữa hộ nuôi và nhà máy chế biến nhằm chia sẻ hài hòa lợi ích kinh tế và trách nhiệm pháp lý đóng vai trò quan trọng. Sự khác biệt về giá của sản phẩm có và không có chứng nhận cần phải được đảm bảo nhằm nâng cao sự nhận thức và sự sẵn lòng của hộ nuôi tôm, từ đó tăng khả năng thực hiện truy xuất nguồn gốc dọc theo chuỗi cung ứng cho sản phẩm tôm.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

GAP: Good Agricultural Practices

ASC: Aquaculture Stewardship Council

HACCP: Hazard Analysis and Critical Control Points

VietGAP: Vietnamese Good Agricultural Practices

AseanGAP: ASEAN Good Agricultural Practices

ISO: International Organization for Standardization

ĐBCL: Đảm bảo chất lượng

HTX: Hợp tác xã

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Nghiên cứu được thực hiện trên cơ sở hợp tác giữa trường Đại học Cần Thơ, trường Đại học Văn Hiến và trường Đại học Hokkaido, Nhật Bản. Về phía trường Đại học Cần Thơ, TS. Khưu Thị Phương Đông chịu trách nhiệm chính về ý tưởng và nội dung toàn bài nghiên cứu, tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thảo luận, đề xuất hàm ý chính sách. ThS. Nguyễn Thị Ngọc Hoa chịu trách nhiệm về tổng quan nghiên cứu và thu thập số liệu. Về phía trường Đại học Văn Hiến, PGS.TS. Nguyễn Minh Đức đồng chịu trách nhiệm về ý tưởng và tổng quan nghiên cứu, phương pháp nghiên cứu và thảo luận, đề xuất hàm ý chính sách. Về phía trường Đại học Hokkaido, Nhật Bản, GS.TS. Takashi Matsuishi chịu trách nhiệm về ý tưởng và tổng quan nghiên cứu, và phương pháp nghiên cứu.

References

  1. Phuong NT, Oanh DTH. Stripped catfish aquaculture in Vietnam: a decade of unprecedented development. In: De Silva SS, Davy FB, editors: Success stories in Asian aquaculture. Dordrecht (Netherlands): Springer. . 2010;:131-147. Google Scholar
  2. FAO. Fisheries commodities and trade. [Online] [cited 2020 Feb 15]. . 2018;:. Google Scholar
  3. Tổng cục thống kê Việt Nam. Niên giám thống kê Việt Nam năm 2018. Hà Nội: Nhà xuất bản thống kê. . 2019;:. Google Scholar
  4. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản- VASEP. Cơ hội nào cho tôm Việt Nam sau dịch Covid-19? [Online]. . 2020;:. Google Scholar
  5. Charlebois S, Sterling B, Haratifar S, Naing SK. Comparison of global food traceability regulations and requirements. Comprehensive Reviews in Food Science and Food Safety. . 2014;13:1105-1123. Google Scholar
  6. Suzuki A, Nam VH. Status and constraints of costly port rejection: a case from the Vietnamese frozen seafood export industry. Institute of Developing Economies [serial online]. . 2013;395:44. Google Scholar
  7. Suzuki A, Nam VH. Better management practices and their outcomes in shrimp farming: evidence from small-scale shrimp farmers in Southern Vietnam. Aquaculture International. . 2018;26:469-486. Google Scholar
  8. Dong KTP, Saito Y, Hoa NTN, Dan TY, Matsuishi TF. Pressure-State-Response of traceability implementation in seafood-exporting countries: Evidence from Vietnamese shrimp products. Aquaculture International. . 2019;27:1209-1229. Google Scholar
  9. Đông Khưu Thị Phương, Đan Tống Yên, Duy Nguyễn Phương. Đánh giá hoạt động ghi chép và lưu trữ thông tin theo tiêu chuẩn GlobalGAP của những nông hộ nuôi tôm sú (Penaeus monodon) tại tỉnh Cà Mau. Tạp chí Khoa học trường Đại học Cần Thơ. . 2019;55:115-121. Google Scholar
  10. Dong KTP. Towards implementation of traceability for shrimp supply chain in Vietnam: Economic analysis and global trade potential consideration [PhD thesis]. Japan: Hokkaido University. . 2019;:. Google Scholar
  11. Loc VTT. Seafood supply chain quality management: the shrimp supply chain quality improvement, perspective of seafood companies in the Mekong Delta, Vietnam [PhD thesis]. Groningen (Netherland): University of Groningen. . 2006;:. Google Scholar
  12. Tran VN, Bailey C, Wilson N, Phillips M. Governance of global value chains in response to food safety and certification standards: the case of shrimp from Vietnam. World Development. . 2013;45:325-336. Google Scholar
  13. Bailey M, Packer H, Schiller L, Tlusty M, Swartz W. The role of corporate social responsibility in creating a Seussian world of seafood sustainability. Fish and Fisheries. . 2018;19:782-790. Google Scholar
  14. Lusk JL, Norwood FB. A survey to determine public opinion about the ethics and governance of farm animal welfare. Journal of the American Veterinary Medical Association. . 2008;233:1121-1126. PubMed Google Scholar
  15. Fuchs D, Kalfagianni A, Havinga T. Actors in private food governance: the legitimacy of retail standards and multi-stakeholder initiatives with civil society participation. Agriculture and Human Values. . 2009;28:353-367. Google Scholar
  16. Bailey M, Bush SR, Miller A, Kochen M. The role of traceability in transforming seafood in the global South. Current Opinion in Environmental Sustainability. . 2016;18:25-32. Google Scholar
  17. Verbeke W, Ward WR. Consumer interest in information cues denoting quality, traceability and origin: an application of ordered probit models to beef labels. Food Quality and Preference. . 2006;17:453-467. Google Scholar
  18. Chkanikova O, Kogg B. Sustainability governance service providers: the role of third-party product certification in facilitating corporate life cycle management. International Journal Life Cycle Assess. . 2018;23:1383-1395. Google Scholar
  19. Mishan EJ, Quah E. Cost-Benefit Analysis. 5th ed. New York: Routledge. . 2007;:21-55. Google Scholar
  20. Boyd CE, McNevin AA, Davis RP, Godumala R, Mohan AB. Production methods and resource use at Litopenaeus vannamei and Penaeus monodon farms in India compared with previous findings from Thailand and Vietnam. Journal of the World Aquaculture Society. . 2018;49:551-569. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 1 (2021)
Page No.: 1314-1324
Published: Feb 21, 2021
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i1.690

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Nguyen, D., Đông, K., Hoa, N., & Matsuishi, T. (2021). Effects of Application of Quality Assurances Certification at Farm Level on the Probability to Implement Traceability for Agricultural Products towards Global Markets: Evidences from Farmed-Shrimp in Mekong Delta, Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 5(1), 1314-1324. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i1.690

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 3488 times
Download PDF   = 870 times
View Article   = 0 times
Total   = 870 times