Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

7091

Total

2326

Share

The comparative advantages and the patterns export of vietnam agricultural product at integration context






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The paper aims to identify agricultural produce with comparative advantages in addition to the structure of Vietnam's agricultural exports in the context of international trade integration in the period from 2000 to 2018. By using the Worldbank data (the SITC- revision 3), the indicators of the product structure analysis HHI and the revealed comparative advantage RCA indicated that given rapid commercial integration of Vietnam from 2000 to 2018, Vietnam only focused on limited key agricultural produce and neglect those with huge export potentials, though the structure of the export industry has been more diversity while that of export markets barely show changes. This implies that Vietnam is only focusing on certain markets and has not made good use of the trade agreements it has entered into to exploit the remaining markets. Through the research results, the authors believe that Vietnam has great room and opportunity in taking advantage of trade agreements, especially the EVFTA agreement (effective from August 1, 2020) to improve Vietnam's export capacity. Finally, through the research results and related references, the authors give 6 recommendations to the government and enterprises operating in the field of agricultural produce to maximize the export capacity of agricultural produce in particular and the export capacity of Vietnam in general.

GIỚI THIỆU

Trong những năm qua, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đã đạt được những thành tựu vô cùng quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển của kinh tế đất nước. Xuất khẩu tăng trưởng với nhịp độ bình quân khá cao về kim ngạch, đa dạng và phong phú về mặt hàng. Thị trường xuất khẩu của nông sản Việt Nam ngày càng được mở rộng và đã trở thành một trong những động lực chủ yếu của tăng trưởng kinh tế.

Theo thống kê của Ngân hàng thế giới (World bank- Integrated Trade Solution), giai đoạn 2000-2018, cả lượng và giá trị xuất khẩu nông sản của Việt nam có nhiều biến động 1 . Khối lượng xuất khẩu nông sản tăng đều từ năm 2008- 2018. Khi xu thế toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại ngày càng phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là từ năm 2000, hàng loạt các hiệp định thương mại được ký kết đã mở ra nhiều cơ hội cho Việt Nam hội nhập kinh tế quốc tế, tạo lập môi trường thương mại sâu và rộng, phát huy lợi thế so sánh mà phải nói đến ở đây là thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, nông sản phong phú của nước ta.

Các nghiên cứu về các mặt hàng có lợi thế cũng như cấu trúc thương mại được các nhà nghiên cứu thế giới cũng như Việt Nam đề cập khi nghiên cứu về thương mại trong một ngành hàng nói riêng cũng như thương mại quốc gia nói chung 2 , 3 , 4 . Trong bài nghiên cứu này, nhóm tác giả tập trung vào các lợi thế và cấu trúc xuất khẩu các mặt hàng nông sản Việt Nam. Qua đó, nghiên cứu này hướng đến phân tích xu hướng thay đổi trong lợi thế và cấu trúc xuất khẩu của các mặt hàng nông sản Việt Nam dưới bối cảnh hội nhập quốc tế.

Tổng quan nghiên cứu

Các khái niệm

Theo WTO “hàng hóa được chia thành 2 nhóm chính là nông sản và phi nông sản” 1 . Nông sản được xác định trong hiệp định nông nghiệp là tất cả các sản phẩm được liệt kê từ chương I đến chương XXIV (trừ cá và sản phẩm cá) và một số sản phẩm thuộc các chương khác trong hệ thống thuế mã HS (hệ thống hài hòa hóa mã số thuế)

Với cách hiểu này, nông sản là một phạm vi khá rộng bao gồm các loại hàng hóa có nguồn gốc từ hoạt động nông nghiệp như: các sản phẩm nông nghiệp cơ bản (lúa gạo, lúa mỳ, bột mỳ, sữa, động vật sống, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, chè, rau quả tươi, …), các sản phẩm phái sinh (bánh mì, bơ, dầu ăn, thịt, …), các sản phẩm được chế biến từ sản phẩm nông nghiệp (bánh kẹo, sản phẩm từ sữa, xúc xích, nước ngọt, rượu, bia, thuốc lá, da động vật thô,...). Tất cả các sản phẩm còn lại trong hệ thống thuế mã HS được xem là sản phẩm phi nông nghiệp (còn gọi là sản phẩm công nghiệp).”

Những khái niệm liên quan về nông sản sẽ được phản ánh theo những nội dung cũng như khái niệm đã trình bày khái quát ở trên, cùng với cách phân loại hàng hoá theo SITC phiên bản 3, nhóm nghiên cứu liệt kê nông sản bao gồm các nhóm hàng hoá SITC04, SITC05, SITC06 và SITC07.

Theo WTO, Hiệp định thương mại tự do (FTA - Free Trade Agreement) là “một Hiệp ước thương mại giữa hai hoặc nhiều quốc gia. Theo đó, các nước sẽ tiến hành theo lộ trình việc cắt giảm và xóa bỏ hàng rào thuế quan cũng như phi thuế quan nhằm tiến tới việc thành lập một khu vực mậu dịch tự do. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới có hơn 200 hiệp định thương mại tự do có hiệu lực. Các hiệp định thương mại tự do có thể được thực hiện giữa hai nước riêng lẻ hoặc có thể đạt được giữa một khối thương mại và một quốc gia” 1 . Hiện có nhiều cách hiểu về các hiệp định thương mại tự do, nhưng bản chất đều là các thỏa thuận hướng tới thương mại tự do giữa các quốc gia thành viên. Theo cách hiểu chung nhất thì hiệp định thương mại tự do là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều thành viên nhằm loại bỏ các rào cản đối với phần lớn thương mại giữa các thành viên với nhau. Hiện nay, các hiệp định FTA đang hướng đến một thế hệ FTA mới với việc gia tăng thêm các cam kết ngoài thương mại.

Lợi thế so sánh bộc lộ là khái niệm xuất phát từ nghiên cứu của Balassa (1965), chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (Revealed Comparative Advantage: RCA) được tính toán dựa trên các lý thuyết lợi thế so sánh và dữ liệu thống kê lịch sử trao đổi thương mại giữa các quốc gia 2 . Theo đó, một nước bộc lộ lợi thế so sánh của mình trong một sản phẩm cụ thể nếu tỷ trọng sản phẩm đó trong kim ngạch xuất khẩu của đất nước lớn hơn tỷ trọng sản phẩm trong kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Cấu trúc thương mại hay cấu trúc xuất khẩu của một nền kinh tế xác định các đặc trưng hiện hữu của các sản phẩm xuất khẩu hoặc địa điểm xuất khẩu. Điều này thể hiện sự đa dạng/ mức độ đa dạng cả về sản phẩm xuất khẩu lẫn địa điểm xuất khẩu. Việc xác định các đặc trưng trong cấu trúc xuất khẩu là quan trọng đối với các góc nhìn về kinh tế chính trị, thể hiện mức độ phụ thuộc vào các sản phẩm hay các thị trường của một nền kinh tế 5 .

Lý thuyết và các nghiên cứu liên quan

Đối với những lý thuyết về thương mại từ lợi thế tuyệt đối của A. Smith, lý thuyết về lợi thế so sánh của David Ricardo và mô hình H-O (Heckscher-Ohlin) đã cho thấy lợi ích của việc tập trung các nguồn lực quốc gia đi vào sản xuất các sản phẩm có lợi thế so sánh nhằm gia tăng phúc lợi cho nền kinh tế.

Các nghiên cứu về lợi thế thương mại, xác định sản phẩm có lợi thế so sánh đều xuất phát từ nghiên cứu của Balassa 2 . Trong bài nghiên cứu của Balassa: “Trade Liberalization and Revealed Comparative Advantage” không chỉ hình thành chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) mà còn giải thích lý do RCA góp phần quan trọng trong cán cân thương mại. Chỉ số RCA trở thành một chỉ báo nền tảng trong xác định lợi thế thế cạnh tranh của hàng hóa trong thương mại quốc tế, chuyển đổi từ các mô hình lý thuyết sang các chỉ báo dựa trên dữ liệu thương mại thực tế. RCA trở thành chỉ báo thông dụng nhất trong các nghiên cứu đánh giá lợi thế so sánh trong các mặt hàng xuất khẩu tại Việt Nam cũng như trên thế giới 6 , 7 , 8 , 9 , 10 , 11 , 12 . Chỉ số RCA của một sản phẩm lớn hơn 1 cho thấy một nước xuất khẩu tương đối nhiều sản phẩm này so với mức bình quân của thế giới và thể hiện một lợi thế so sánh trong sản phẩm đang xem xét. Ngược lại, khi chỉ số RCA của một sản phẩm nhỏ hơn 1, một nước xuất khẩu tương đối ít sản phẩm này so với mức bình quân của thế giới và không có lợi thế so sánh trong sản phẩm này. Sự thay đổi của chỉ số RCA theo thời gian cũng thể hiện sự thay đổi trong lợi thế so sánh hay tính cạnh tranh của sản phẩm.

Bên cạnh chỉ báo về lợi thế so sánh bộc lộ, cấu trúc thương mại của ngành hay thị trường cũng được các nhà nghiên cứu tập trung sử dụng thông qua chỉ báo Herfindahl-Hirschman (HHI). Chỉ số này đo lường mức độ tập trung thị trường trong một ngành của một quốc gia xuất khẩu – theo đó xác định xem nghành đó được coi là cạnh tranh thông qua mức độ đa dạng trên các khía cạnh ngành hàng hay thị trường. Mức độ tập trung ở mức cao là dấu hiệu của một nền kinh tế dễ bị tổn thương khi có sự thay đổi nhỏ trong thị trường. Ngoài ra, sự giảm của chỉ số này để dự báo sự mở rộng của xuất khẩu. Ngoài ra, các nhà kinh tế cho rằng việc tập trung thị phần là một yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại của cạnh tranh thị trường và sự lựa chọn của người tiêu dùng. Chỉ số này đã được sử dụng từ nhiều nghiên cứu trước trong đánh giá các cấu trúc thương mại của các nền kinh tế. 13 , 14 , 15 , 16 , 17 , 18

Các nghiên cứu trên thế giới gần đây về các mặt hàng nông nghiệp như Kanai & Titapiwatanakun phân tích nhiều mặt ảnh hưởng của tự do hóa thương mại lên nền nông nghiệp của các quốc gia khu vực Châu Á – Thái Bình Dương 19 . Dựa trên dữ liệu thương mại từ năm 1992 -1996 để phân tích tốc độ tăng trưởng thương mại mạnh mẽ của các quốc gia Đông Á và khu vực ASEAN. Ảnh hưởng của tự do hóa thương mại được thể hiện mạnh ở một số hàng hóa trong nông nghiệp cho thấy những tác động tiêu cực đến phúc lợi của các hộ nông nghiệp nhỏ do thiếu các điều kiện cần thiết về tài chính, cơ sở hạ tầng,… Quá trình gia nhập các tổ chức thương mại quốc tế đòi hỏi các quốc gia đứng trước các thách thức về chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao hơn.

Hay nghiên cứu về thương mại Ethiopia, tác giả đã làm nổi bật những thay đổi lớn trong cấu trúc và hướng đi của thương mại Ethiopia bằng cách sử dụng chỉ số tập trung xuất khẩu (HHI) 20 . Điều này giúp thấy sự đa dạng hóa thương mại cả về mặt hàng hóa và địa lý. Bài viết cũng đã cố gắng ước tính các yếu tố chính quyết định tập trung xuất khẩu hoặc đa dạng hóa xuất khẩu, kết quả cho thấy rằng có một sự thay đổi đáng kể trong hướng thương mại ở Ethiopia chủ yếu từ phía tây sang phía đông. Nghiên cứu của Esmaeili sử dụng chỉ báo RCA làm nền tảng trong phân tích lợi thế thương mại của Iran và một số quốc gia đối tác chính, từ đó, tác giả xác định mức độ lợi thế và khác biệt trong cấu trúc thương mại giữa Iran và các đối tác 21 . Bohdan Vahalík đã sử dụng chỉ số HHI để phần tích về cấu trúc xuất khẩu của các nước thuộc nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) cùng EU, kết quả chỉ ra rằng EU đã đạt được sự đa dạng hóa xuất khẩu dài hạn lớn nhất cho cả đa dạng hóa sản phẩm và lãnh thổ [3]. Trong khi đó các nước BRICS có cấu trúc xuất khẩu thay đổi liên tục theo cấu trúc sản phẩm và lãnh thổ đi cùng với quá trình phát triển của các nước này khi vị thế thương mại của các nước tăng lên. Nghiên cứu tại Litva, Vlada Vitunskiene sử dụng chỉ báo cấu trúc thương mại HHI cho thấy quốc gia này đã có mức độ đa dạng hóa ngày càng mở rộng về khía cạnh đối tác nhưng tập trung hơn vào một số mặt hàng cụ thể 1 .

Mới đây, Rogério Edivaldo Freitas (2019) đã sử dụng chỉ báo HHI để chỉ ra cấu trúc thương mại trong xuất khẩu các mặt hàng nông sản Brazil trên thương trường quốc tế đặc biệt trong nhóm các khách hàng lớn của quốc gia này 22 . Hay nghiên cứu của Sadiq M. S., Singh I. P, Ahmad M. M (2020), nhóm tác giả đã sử dụng chỉ báo HHI và RCA xác định nhóm ngành có lợi thế cũng như cấu trúc các mặt hàng xuất khẩu nhóm ngành cotton của Ấn Độ nổi bật trong giai đoạn 2000 đến 2013 23 .

Bên cạnh các nghiên cứu về cấu trúc và lợi thế so sánh ở từng quốc gia, các nghiên cứu khác còn sử dụng chỉ báo lợi thế so sánh và cấu trúc thương mại để phân tích các cấu trúc thương mại cũng như đặc trưng thương mại trên phạm vi toàn cầu. Trong một nghiên cứu về mặt hàng nho kho trên thế giới, Aminizadeh Milad (2015) sử dụng chỉ báo cấu trúc thương mại cũng như chỉ báo lợi thế so sánh bộc lộ trong giai đoạn 2001-2011 để chỉ ra xu hướng đa dạng hơn trong cấu trúc thương mại và Iran là quốc gia có lợi thế xuất khẩu trong giai đoạn này 24 . RokhsarehAsl Roosta (2017) thông qua chỉ số HHI trong phân tích về cấu trúc xuất khẩu mặt hàng dược liệu trên toàn cầu trong giai đoạn 2000 đến 2014 cho thấy cấu trúc mặt hàng này là cạnh tranh và một số quốc gia như Singapore, Nhật Bản, Đức, Malaysia và Mỹ có lợi thế nhập khẩu cao nhất [27].

Tại Việt Nam, một số nghiên cứu về cấu trúc và xác định lợi thế của các mặt hàng nông sản, tiêu biểu như nghiên cứu của Ngô Thị Tuyết Mai (2007), tác giả đã sử dụng dữ liệu xuất khẩu từ giai đoạn 1996-2006 để xác định lợi thế và mức độ cạnh tranh của các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam, qua đó cho thấy, giai đoạn 1996-2006 xuất khẩu các mặt hàng nông sản còn đơn điệu trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng 25 . Hay nghiên cứu của Lê Hữu Thành (2009), tác giả đã tập trung vào phân tích sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu chủ lực trong bối cảnh tự do hóa thương mại, qua đó gợi ý một số giải pháp phát huy lợi thế của các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam 26 .

Một số nghiên cứu khác tập trung vào các mặt hàng riêng biệt hay các thị trường đặc trưng. Trong nghiên cứu về lợi thế so sánh hàng nông sản xuất khẩu sang thị trường EU, với việc sử dụng chỉ báo RCA, Nguyễn Thanh Dung (2015) đã đánh giá cơ cấu và sự chuyển biến về cơ cấu lợi thế so sánh hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU đồng thời ra những nhóm mặt hàng nông sản xuất khẩu sang EU có lợi thế so sánh cao nhất nhằm hướng đến một cơ cấu xuất khẩu chiến lược 27 . Bằng các chỉ báo tương tự, Đỗ Thu Hằng (2016) tập trung phân tích cấu trúc thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam trong giai đoạn 2008-2014 28 . Trong khi đó, Huỳnh Ngọc Chương và Nguyễn Thanh Trọng (2017) tập trung vào các mặt hàng lợi thế cũng như phân tích xu hướng xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam sang ASEAN, bằng việc sử dụng chỉ số lợi thế so sánh RCA, nhóm tác giả đã xác định khác biệt lợi thế so sánh và đưa ra những gợi ý về chính sách để phát huy lợi thế của Việt Nam trong quan hệ thương mại với ASEAN 8 . Trong một nghiên cứu tập trung vào các sản phẩm gạo, Nguyễn Bằng Việt (2019), tác giả đã sử dụng các chỉ báo về cấu trúc và RCA để phân tích hiệu suất xuất khẩu gạo của Việt Nam 29 .

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Phương pháp phân tích

Để thấy rõ sự thay đổi trong cấu trúc KNXK giữ Việt Nam và các nước đối tác, nhóm tác giả thực hiện tính toán và so sánh chỉ số lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) các mặt hàng nông sản của Việt Nam. RCA là tỷ lệ giữa tỷ trọng của một hàng hoá trong cơ cấu xuất khẩu của một nước so với tỷ trọng của hàng hoá đó trong tổng xuất khẩu của thế giới. Cụ thể, RCA được tính theo công thức sau:

Trong đó, RCAij là chỉ số lợi thế so sánh hiện hữu đối với hàng hóa j trong nước i; Xij là xuất khẩu của hàng hóa j trong nước i; Xi là tổng kim ngạch xuất khẩu của nước i; Xwj là tổng giá trị xuất khẩu của hàng hóa j của thế giới; Xw là tổng kim ngạch xuất khẩu của thế giới.

Cũng như RCA, nhóm tác giả sử dụng phương pháp định lượng để xác định được giá trị của chỉ số HHI. Chỉ số HHI được xác định bằng công thức:

Trong đó: s là quốc gia đang phân tích; d là các nước trong khu vực phân tích; i là nghành đang phân tích; x là giá trị xuất khẩu của mặt hàng của một nghành; X là tổng xuất khẩu của khu vực đang phân tích.

Theo đó, chỉ báo HHI có giá trị cao hơn 0.18 được coi là ngành có mức độ tập trung hay thị trường xuất khẩu của nông sản tập trung. Thị trường xuất khẩu được xem là tương đối tập trung khi HHI có giá trị nằm trong khoảng từ 0.1 đến 0.18. Khi giá trị HHI nhỏ hơn 0.1 là chỉ báo cho thấy thị trường xuất của nông sản của Việt Nam nói chung và từng ngành hàng nói riêng là đa dạng. 30

Nhóm tác giả sử dụng kĩ thuật phân tích, so sánh theo RCA, KNXK và HHI của các mặt hàng nông sản thô - Nhóm SITC 04 - Ngũ cốc, Nhóm SITC 05 - Rau và trái cây, Nhóm SITC 06 - Đường/Mật ong, Nhóm SITC 07 - Cà phê/ trà/ ca cao/ gia vị qua các giai đoạn phát triển và hội nhập của nền kinh tế giữa Việt Nam và các nước đối tác từ năm 2000 - 2018.

Dữ liệu phân tích

Nghiên cứu này sử dụng nguồn dữ liệu thương mại phân loại chi tiết theo mã hàng hóa SITC của Ngân hàng thế giới (WorldBank) trong giai đoạn 2000 - 2018. Cụ thể, theo SITC phiên bản 3, nhóm nghiên cứu liệt kê nông sản bao gồm các nhóm hàng hoá SITC04, SITC05, SITC06 và SITC07. Nguồn dữ liệu này được nhóm nghiên cứu sử dụng để tính các chỉ số RCA, HHI nhằm phân tích biến động thương mại và xác định được các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang các nước đối tác.

Kết quả và thảo luận nghiên cứu

Tổng quan cấu trúc và lợi thế trong xuất khẩu nông sản Việt Nam giai đoạn 2000-2018

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia và đàm phán ký kết 16 hiệp định thương mại tự do. Trong đó, tính đến tháng 8 năm 2020 đã có 13 hiệp định thương mại có hiệu lực và đang thực hiện cam kết, 3 hiệp định đang trong quá trình đàm phán. Từ đó đưa Việt Nam trở thành nước tham gia hiệp định thương mại nhiều nhất thế giới. Hơn nữa còn chấp nhận mở cửa nông nghiệp không bảo hộ, chấp nhận cạnh tranh ngay tức khắc và tuân thủ tiêu chuẩn thị trường trong cả 3 lĩnh vực: Kinh tế - xã hội - môi trường. Ngoài những hiệp định song phương thì số hiệp định đa phương (giữa Việt Nam giữa các nước đối tác, Việt Nam là thành viên với các đối tác) cũng chiếm tỷ lệ lớn. Bắt đầu từ năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên chính thức của WTO thì số hiệp định thương mại Việt Nam tham gia tăng đều theo từng năm đi từ mức độ khu vực đến toàn cầu. Nổi bật, có thể kể đến hiệp định thương mại của Việt Nam với các đối tác lớn: ASEAN (1993), Trung Quốc (2003), Hàn Quốc (2007), Nhật Bản,… Đặc biệt là các hiệp định tự do thế hệ mới quan trọng là CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, 2019) và hiệp định có hiệu lực gần đây nhất EVFTA (08/2020).

Figure 1 cho thấy, nhìn chung trong giai đoạn 2000-2018 cả lượng và giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam có nhiều biến động. Khối lượng xuất khẩu nông sản tăng đều từ năm 2008- 2018. Nếu như tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới chỉ đạt 3,626 tỉ USD giai đoạn 2000-2001 thì giá trị này đã tăng lên 14,151 tỷ USD trong giai đoạn 2008-2009 và 28,982 USD trong giai đoạn 2012-2013. Chỉ trong vòng 18 năm, giá trị xuất khẩu hàng nông sản đã tăng lên 25,356 tỷ USD, tức khoảng 8 lần so với giai đoạn 2000-2001, thể hiện một mức tăng trưởng nhanh chóng, đầy tiềm năng.

Figure 1 . Xuất khẩu nông sản Việt Nam giai đoạn 2000-2018 (Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp)

Thống kê từ dữ liệu của ngân hàng thế giới (World Bank) thì Việt Nam xếp hạng thứ 15 trên thế giới về giá trị xuất khẩu nông sản trong giai đoạn 2000-2018. Nhìn chung, tất cả các nhóm hàng đều có giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng dần qua các năm, riêng chỉ có nhóm hàng ngũ cốc là có sự biến thiên không rõ ràng. Nhóm hàng Cà phê/ trà/ ca cao/ gia vị là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản của Việt Nam ra thế giới, đạt 48,349 tỉ USD giai đoạn 2000-2017. Đứng vị trí thứ hai là nhóm hàng ngũ cốc, đạt 40,495 tỉ USD giai đoạn 2000-2017. Nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu thấp nhất là nhóm hàng đường/mật ong với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 2,787 tỉ USD giai đoạn 2000-2017. Nhóm sản phẩm Cà phê/ trà/ ca cao/ gia vị là nhóm hàng chiếm tỷ trọng ổn định nhất trong tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới, luôn giữ mức trên 30% và tỷ trọng này có xu hướng giữ ở mức ổn định, chỉ có giai đoạn 2006-2007 là tăng vọt lên 43,22% những giai đoạn còn lại dường như tăng giảm không đáng kể qua các giai đoạn, chỉ dao động trong khoảng 30% đến 40%. Nhóm sản phẩm ngũ cốc là nhóm biến động mạnh qua từng giai đoạn, cụ thể: Nhóm sản phẩm này chiếm 38,17% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam ra thế giới giai đoạn 2000-2001, tăng lên 41,38% trong giai đoạn 2004-2005 và đột ngột giảm xuống 32,7% trong giai đoạn 2006-2007, giai đoạn 2008-2009 lại tăng đột biến lên 41,28% rồi từ đó có xu hướng giảm dần ở các giai đoạn tiếp theo, đáng chú ý là giai đoạn 2014-15 mặt hàng này tỷ trọng giảm sâu chỉ còn 19,11%. Tương tự là nhóm hàng rau và trái cây thì tỷ trọng của nhóm sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng biến thiên không rõ rệt, nhưng có xu hướng tăng dần, từ giai đoạn 2008-20017. Chiếm tỷ trọng thấp nhất là nhóm sản phẩm đường/mật ong. Tỷ trọng của nhóm sản phẩm này trong tổng kim ngạch xuất khẩu tuy thấp nhưng có xu hướng ổn định và giữ mức từ 1,1% đến 2,93% qua các giai đoạn.

Table 1 Xếp hạng các quốc gia xuất khẩu nông sản trên thế giới.

Nhìn chung, nông sản Việt Nam đã mở rộng thị trường sang rất nhiều quốc gia khác nhau trong giai đoạn từ năm 2000-2018. Tuy nhiên, tỷ trọng xuất khẩu nông sản chỉ tập trung chủ yếu vào các thị trường lớn: Trung Quốc, Mỹ, các nước EU, ASEAN và Nhật Bản... (được thể hiện tại Table 1 )

Figure 2 . Kinh ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang 10 đối tác chính giai đoạn 2000-2018 ( Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp )

Figure 2 cho thấy từ năm 2000 đến năm 2018 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đến các quốc gia đều tăng mặc dù còn nhiều biến động. Trung Quốc vừa là đối tác nhập nhẩu khẩu nông sản Việt Nam có tốc độ gia tăng lớn nhất trong tất cả các đối tác của Việt Nam, với kim ngạch 207,11 triệu USD vào năm 2000 đến năm 2018 con số này đã tăng 21,18 lần (4,4 tỷ USD). Trong năm 2007, Việt Nam có một bước ngoặt quan trong khi tham gia vào WTO, thức đẩy kinh tế Việt Nam mở rộng hơn ra thị trường thế giới. Điều này góp phần gia tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Từ năm 2007 đến 2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang các nước đều gia tăng rõ rệt, đáng chú ý nhất với các thị trường Philipins, Hà Lan và Hàn Quốc, nông sản Việt Nam có kim ngạch tăng gấp đôi.

Trong bối cảnh hội nhập thương mại rất nhanh chóng của Việt Nam trong giai đoạn từ năm 2000-2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam có nhiều biến động và thay đổi lớn. Điều này được thể hiện bởi lợi thế so sánh bộc lộ (RCA) cũng như cấu trúc xuất khẩu (theo sản phẩm và đối tác) của các mặt hàng nông sản Việt nam trong giai đoạn nghiên cứu thông qua kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực và thị trường của nông sản Việt Nam. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu và cơ cấu thị trường đã phần nào bị tác động bởi những khó khăn và thuận lợi từ các hiệp định thương mại mang lại. Chỉ số HHI theo đối tác cũng như số lượng các mặt hàng có lợi thế từ năm 2000-2018 hầu như không thay đổi. Điều này cho thấy, Việt Nam chỉ đang tập trung vào một vài thị trường và chưa khai thác tốt những hiệp định FTA để mở rộng và tìm kiếm thêm thị trường mới. Trong khi đó chỉ số HHI theo mã sản phẩm giảm dần từ năm 2000 - 2018 cho thấy Việt Nam đã mở rộng xuất khẩu nhiều mặt hàng chứ không tập trung vào một vài mặt hàng truyền thống như: gạo, cà phê, hồ tiêu,… Dù vậy, mức độ khai thác còn thấp khi chỉ có một vài sản phẩm nhất định có được lợi thế cạnh tranh và số lượng các mặt hàng có lợi thế hầu như không tăng lên đáng kể.

Figure 3 . Lợi thế và cấu trúc xuất khẩu nông sản của Việt Nam năm 2000-2018 ( Nguồn: Nhóm tác giả tổng hợp )

Lợi thế so sánh các mặt hàng nông sản của Việt Nam

Trong tổng số 70 sản phẩm có xuất khẩu thuộc nhóm hàng nông sản thô, số mặt hàng không có lợi thế so sánh trung bình chiếm 77% trong tổng số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đối với năm 2000, có tới 55 trên 70 mặt hàng có chỉ số RCA≤1, tức là không có lợi thế so sánh. Năm 2002, số mặt hàng nông sản không có lợi thế của Việt Năm giảm xuống còn 52 mặt hàng và sau đó tăng từ 52 đến 57 mặt hàng không có lợi thế so sánh trên tổng số 70 mặt hàng từ năm 2004 đến năm 2016, con số này tiếp tục giảm còn 52 mặt hàng vào năm 2008 ( Table 2 ).

Trong khi đó, số mặt hàng có lợi thế so sánh chiếm một tỷ lệ rất nhỏ trong cơ cấu tổng số mặt hàng nông sản xuất khẩu, và có sự biến động không đáng kể. Các mặt hàng có lợi thế so sánh phần lớn lại tập trung ở mức độ RCA lớn hơn 4, tức là có lợi thế so sánh ở mức cao, điều này cho thấy sự phân bố về lợi thế so sánh các mặt hàng nông sản của Việt Nam không đồng đều, chỉ tập trung vào rất ít mặt hàng và những mặt hàng chủ yếu này gần như chiếm toàn bộ lợi thế về xuất khẩu của hàng nông sản (hồ tiêu, gạo xay, rau quả, cà phê, các loại hạt, chè,…).

Table 2 Tần suất phân phối của chỉ số RCA của nông sản Việt Nam

Nhìn chung từ năm 2000 - 2018 ta có thể thấy các mặt hàng nông sản có chỉ số RCA cao nhất đều giảm dần theo thời gian ( Table 3 ). Tiêu biểu là mặt hàng gạo (SITC - 0423) có chỉ số giảm từ 48,8 xuống còn 8,34; mặt hàng hồ tiêu (SITC - 0751) giảm từ 47,31 xuống còn 15.973,…Dù vậy, Việt Nam đang có lợi thế so sánh rõ nét ở mười nhóm sản phẩm, bao gồm nhóm SITC - 0751: Peppers (hồ tiêu); SITC - 0423: Rice, miled (gạo xay); SITC - 0548: Vegetable (rau quả); SITC - 0711: Coffee, not roasted (cà phê); SITC - 0577: Nuts edible fresh/dried (các loại hạt); SITC - 0741: Tea (chè), SITC - 0547: Vegetables prov preservd (rau quả qua bảo quản); SITC - 0616: Natural honey (mật ong tự nhiên); SITC - 0752: Spices ex pepper/pimento (gia vị), SITC - 0579: Fruit fresh/dried nes (trái cây).

Trong giai đoạn 2000 - 2002, ở nhóm sản phẩm SITC 04 - Ngũ cốc với sản phẩm gạo xay là sản phẩm Việt Nam có lợi thế so sánh lớn với thị trường thế giới tiếp đó là nhóm sản phẩm SITC 07 với mặt hàng hồ tiêu. Nhưng từ năm 2002 đến năm 2018 so với gạo xay thì hồ tiêu lại có lợi thế so sánh cao hơn và dẫn đầu trong tất cả các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Càng về sau thì chỉ số RCA của hai mặt hàng này cũng chênh lệch rất lớn tuy nhiên giá trị xuất khẩu của nhóm gạo xay lại cao hơn nhiều so với nhóm sản phẩm hồ tiêu.

Từ 2000-2018, có sáu mặt hàng nông sản của Việt Nam đã tạo dựng được lợi thế so sánh trong quá trình xuất khẩu. Cụ thể, đó là mặt hàng: thóc (SITC - 0422), bột mì (SITC -0461) và cà phê tinh chất (SITC - 0713), rau sấy (SITC - 05610) và nhóm hàng trái cây (SITC - 0564, SITC - 0583). Trong đó, cà phê tinh chất (SITC - 0713) là mặt hàng đạt được lợi thế so sánh vượt trội, với chỉ số RCA tăng hơn 6 lần trong giai đoạn này (từ 0,167 vào năm 2000 lên tới 4,3 vào năm 2018). Bên cạnh đó, cũng có những mặt hàng đã mất dần đi lợi thế so sánh trong giai đoạn này: Đường (SITC - 0612), bột làm bánh (SITC - 0485), nuôi (SITC - 0483). Còn lại là những mặt hàng có chỉ số RCA ổn định, tuy nhiên, số mặt hàng có lợi thế so sánh thì chỉ số RCA có xu hướng giảm và chỉ chiểm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu các mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam.

Lợi thế so sánh của tất cả các nhóm hàng nông sản có lợi thế đều có xu hướng giảm qua từng năm. Dù rằng các hiệp định FTA đều hạ hàng rào thuế quan cho hầu hết các hàng hóa nông sản Việt Nam nhưng việc tận dụng các lợi thế tiếp cận từ thị trường là không đủ tốt để gia tăng xuất khẩu đáng kể nông sản Việt Nam. Một trong những lý do này là việc chưa đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm cũng như các hàng rào kỹ thuật của các thị trường Châu Âu, Mỹ và các nước phát triển. Điều này tạo ra rào cản quan trọng đối với xuất khẩu hàng hóa nông sản, thực phẩm đôi khi rào cản này còn lớn hơn mức thuế quan của thị trường. 31 , 32

Table 3 10 nhóm sản phẩm nông sản có chỉ sô RCA trung bình cao nhất của Việt Nam tính cho thị trường thế giới trong giai đoạn 2000-2018

Thay đổi trong cấu trúc xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam từ năm 2000-2018

Thay đổi trong cấu trúc xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam từ năm 2000-2018

Thay đổi trong cấu trúc xuất khẩu hàng hóa nông sản Việt Nam từ năm 2000-2018

Kết luận và các hàm ý

Từ năm 2000-2018, xuất khẩu nông sản Việt Nam cứu có nhiều biến động và thay đổi lớn. Điều này được thể hiện bởi lợi thế so sánh (RCA) cũng như cấu trúc xuất khẩu (theo sản phẩm và đối tác) của các mặt hàng nông sản Việt nam trong giai đoạn nghiên cứu thông qua kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng chủ lực và thị trường của nông sản Việt Nam. Trong giai đoạn này, kim ngạch xuất khẩu và cơ cấu thị trường đã phần nào bị tác động bởi những khó khăn và thuận lợi từ các hiệp định thương mại mang lại.

Việt Nam tiếp tục duy trì lợi thế so sánh trong nhiều mặt hàng nông sản. Lợi thế nói trên ở hiện tại và một vài năm tới vẫn đang còn phát huy tác dụng. Dù vậy, Việt Nam chỉ đang tập trung vào một vài thị trường nhất định và chưa khai thác tốt những hiệp định FTA để mở rộng và tìm kiếm thêm thị trường mới cũng như đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm có lợi thế.

Các kết quả nghiên cứu trên cho thấy, Việt Nam còn nhiều dư địa trong việc tận dụng các lợi thế từ các hiệp định thương mại để nâng cao năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam cả trên khía cạnh giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng như đa dạng hóa trong cấu trúc xuất khẩu.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

AANZFTA : Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN – Australia/New Zealand (ASEAN-Australia-New Zealand Free Trade Area)

ACFTA : Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Trung Quốc (ASEAN-China Free Trade Area)

AIFTA : Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (ASEAN–India Free Trade Area)

AJCEP : Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (ASEAN-Japan Comprehensive Economic Partnership)

AKFTA: Hiệp định Thương mại Tự do ASEAN và Hàn Quốc (ASEAN-Korea Free Trade Area)

ASEAN : Liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong khu vực Đông Nam Á (Association of Southeast Asian Nations)

BRICS : Là thuật ngữ để chỉ những nước có nền kinh tế mới nổi đang ở giai đoạn phát triển kinh tế và quy mô tương đồng gồm Brasil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc

CPTPP : Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership)

EU : Liên minh Châu Âu (The European Union)

EVFTA : Hiệp định Thương mại Việt Nam - Liên minh châu Âu (European-Vietnam Free Trade Agreement)

HHI : Thước đo về sự tập trung của một yếu tố (Herfindahl-Hirschman Index)

H-O : Mô hình Heckscher-Ohlin

HS : Hệ thống hài hòa do tổ chức Hải quan thế giới sáng lập (Harmonized System)

KNXK : Kim ngạch xuất khẩu (Export turnover)

RCA : Chỉ số lợi thế so sánh (Revealed comparative advantage)

SITC : Danh mục Phân loại thương mại quốc tế tiêu chuẩn do Cơ quan Thống kê Liên Hợp quốc ban hành

USD : Đồng Đô-la (US Dollar)

VCFTA : Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Trung Quốc (Vietnam-China Free Trade Agreement)

VJEPA : Hiệp định đối tác kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản (Vietnam-Japan ECONOMIC PARTNERSHIP Agreement )

VKFTA : Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Hàn Quốc (Vietnam-Korea Free Trade Agreement)

VN-EAEU FTA : Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á Âu (Vietnam-Eurasian Economic Union Free Trade Agreement)

WTO : Tổ chức thương mại thế giới (World Trade Organization)

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Nhóm tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Huỳnh Ngọc Chương chịu trách nhiệm nội dung: Ý tưởng, Phương pháp phân tích, Phân tích và đánh giá.

Đinh Thị Nguyệt Ánh chịu trách nhiệm nội dung: Dữ liệu nghiên cứu, Phân tích dữ liệu.

Nguyễn Thị Phương chịu trách nhiệm nội dung: Phương pháp nghiên cứu, Phân tích dữ liệu.

Trần Cao Quý chịu trách nhiệm nội dung: Phương pháp nghiên cứu, Phân tích dữ liệu.

Nguyễn Quang Vinh chịu trách nhiệm nội dung: Lý thuyết, hình thức trình bày.

Bùi Minh Hằng chịu trách nhiệm nội dung: Phân tích dữ liệu, hình thức trình bày.

References

  1. Vitunskiene Vlada. Lithuanian Agri-Food Industry Responses To Russian Import Ban On Agricultural Products. Institute Of Economic Research Working Papers No. 136/2017, Toruń, 9th International Conference On Applied Economics Contemporary Issues In Economy, Institute Of Economic Research, Polish Economic Society Branch In Toruń, Faculty Of Economic Sciences And Management, Nicolaus Copernicus University, Toruń, Poland. . 2017;:22-23. Google Scholar
  2. Balassa B. Trade Liberalization and Revealed Comparative Advantage. The Manchester School. . 1965;33(2):. Google Scholar
  3. Bojnec S., Ferto I.. Agro-food trade sustainability in Central and Eastern Europe. International Journal of Sustainable Economy. . 2008;1(1):100-112. Google Scholar
  4. Chen J.. Trade development between China and countries along the Belt and Road: A spatial econometric analysis based on trade competitiveness and complementarity. Pacific Economic Review. . 2020;25(2):205-227. Google Scholar
  5. Vahalík Bohdan. Analysis Of Export Diversification Development Of The European Union And Brics Countries. Department Of European Integration, Faculty Of Economics, Vsb-Technical University Of Ostrava, Sokolská. Ostrava, Czech Republic. 2015;33:701. Google Scholar
  6. Viet Van Hoang. Agricultural Competitiveness of Vietnam by the RCA and the NRCA Indices, and Consistency of Competitiveness Indices. Agris on-line Papers in Economics and Informatics, University of Economics Ho Chi Minh City, Vietnam. . 2017;:. Google Scholar
  7. Kiên N. T., Hòa P. V.. Lợi thế so sánh và năng lực cạnh tranh của tôm nuôi ở Tuy Phước, Bình Định trên thị trường thế giới. Hue University Journal of Science: Social Sciences and Humanities. . 2012;72(3):. Google Scholar
  8. Chương Huỳnh Ngọc. Lợi thế và xu hướng xuất khẩu của Việt Nam trong quan hệ thương mại với ASEAN, tạp chí phát triển kh & cn. . 2017;20(q2):. Google Scholar
  9. Tada Minoru. Changing Pattern in the Comparative Advantage of Shrimp Culture in Asia and the Competitiveness in the Japanese Markets. IIFET 2008 Vietnam Proceedings, Kinki University. . 2008;:. Google Scholar
  10. Rizwan-ul-Hassan Muhammad. An Analysis of Competitiveness of Pakistan's Agricultural Export Commodities. Department of Business Administration Mohammad Ali Jinnah University, Karachi, IOSR Journal of Business and Management (IOSR-JBM) e-ISSN: 2278-487X, p-ISSN: 2319-7668. . 2013;11(5):29-34. Google Scholar
  11. Suntharalingam Chubashini. Competitiveness of Malaysia's fruits in the global agricultural and selected export markets: Analyses of Revealed Comparative Advantage (RCA) and Comparative Export Performance (CEP), Economic and Technology Management Review. . 2011;6:1-17. Google Scholar
  12. Hubbard L.J.. Revealed Comparative Advantage and Competitiveness in Hungarian Agri-Food Sectors. . 2003;:. Google Scholar
  13. Meilak Chris. Measuring Export Concentration: The Implications For Small States, Bank of Valletta Review. . 2008;37:. Google Scholar
  14. Kaitila Ville. Specialisation and/or Convergence: Structure of European Exports and Production. ETLA Working Papers, No. 12, The Research Institute of the Finnish Economy (ETLA), Helsinki. . 2013;:. Google Scholar
  15. Steenkamp Ermie. Export Market Selection Methods and the Identification of Realistic Export Opportunities for South Africa Using a Decision Support Model, Working Paper Series 2009-03. . 2009;:. Google Scholar
  16. Nikolić Goran. Tendency of exports technology structure and exports concentration in the Balkan economies 2000 - 2012, Original Scientific Paper, Research Associate, Institute of European Studies, Belgrade, Industrija. . 2013;41(3):. Google Scholar
  17. Shukla. An Economic Analysis Of Production, Marketing And Export Potential Of Onion (Alium Cepa) In District Nashik Of Maharashtra. Sam Higginbottom Institute of Agriculture, Technology and Sciences (Shiats), Allahabad Thesis. . 2018;:. Google Scholar
  18. Nwachukwu Ifeanyi Ndubuto. Dynamics Of Agricultural Exports In Sub-Sahara Africa: An Empirical Study Of Rubber And Cocoa From Nigeria', Dept of Agribusiness and Management, Michael Okpara University of Agriculture, Umudike, Abia State, Nigeria, International Journal of Food and Agricultural Economics. . 2014;2(3):91-104. Google Scholar
  19. Kanai M & Titapiwatanakun B. Effects of trade liberalization of agriculture in selected Asian countries after the introduction of the World Trade Organization. Journal of Agricultural Development Studies (Japan). . 2000;:. Google Scholar
  20. Makonnen. Determinants Of Export Commodity Concentration And Trade Dynamics In Ethiopia. Ethiopian Economics Association Ethiopian Economics Policy Research Institute (Eea/Eepri). . 2012;2:. Google Scholar
  21. Esmaeili A.. Revealed Comparative advantage and measurement of international competitiveness for dates. Journal of International Food & Agribusiness Marketing. . 2014;26(3):209-217. Google Scholar
  22. Freitas Rogério Edivaldo. United States, European Union, China, And Japan: Demand For Brazilian Agricultural Exports. Issn Impresso: 1679-1614 Issn Online: 2526-5539. . 2019;17(3):. Google Scholar
  23. M. S. Sadiq. Trade Mapping Of India's Cotton Export. J. Agric. Environ. Sci. . 2020;5(1):. Google Scholar
  24. Milad Aminizadeh. Formulate Priorities Of Raisin Exports Iran In The World Market. Department Of Agricultural Economics And Development, University Of Tehran, Iran, Journal: Iranian Journal Of Agricutural Economics And Development Researchsummer. . 2015;46(2):363-373. Google Scholar
  25. Mai Ngô Thị Tuyết. Nâng cao khả năng cạnh tranh hàng nông sản của Việt Nam trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, LATS, Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội. . 2007;:. Google Scholar
  26. Thành Lê Hữu. Sức cạnh tranh của nông sản xuất khẩu chủ lực Việt Nam trong điều kiện tự do hóa thương mại, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Học viện Chính trị - Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh, Hà Nội. . 2009;:. Google Scholar
  27. Dung Nguyễn Thanh. Phân tích lợi thế so sánh hàng nông sản của Việt Nam sang thị trường EU. Đại học Thái Nguyên, chuyên ngành quản lý kinh tế, Mã số: 60340410. . 2015;:. Google Scholar
  28. Hằng Đỗ Thu. Phát triển thị trường xuất khẩu nông sản Việt Nam trong bối cảnh hiện nay, Luận án Tiến sĩ Kinh tế, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. . 2016;:. Google Scholar
  29. Việt Nguyễn Bằng. Các yếu tố quyết định tiềm năng xuất khẩu của sản phẩm gạo Việt Nam'' Đại Học Tài Chính Marketing, Tạp Chí Quốc Tế Về Quản Lý, Cntt Và Kỹ Thuật. . 2019;7(11):182-189. Google Scholar
  30. Wurff Van der. Structure, Conduct, and Performance of the Agricultural Trade Journal Market in The Netherlands. Journal of Media Economics. . 2003;16(2):121-138. Google Scholar
  31. Y Do Thi. Cơ hội và thách thức đối với sản xuất nông sản khi việt nam gia nhập aec. Scientific journal of Tan Trao university. . 2015;1(1):65-72. Google Scholar
  32. Linh H. T. D., Hiền H. T.. Tổng hợp phương pháp ước lượng thuế suất tương đương của các biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế. Tạp chí Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh Châu Á. . 2020;30(12):20-35. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 5 No 3 (2021)
Page No.: 1741-1753
Published: Jul 24, 2021
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i3.716

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Chuong, H., Anh, D., Phuong, N., Quy, T., Vinh, N., & Hang, B. (2021). The comparative advantages and the patterns export of vietnam agricultural product at integration context. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 5(3), 1741-1753. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v5i3.716

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 7091 times
Download   = 2326 times
View Article   = 0 times
Total   = 2326 times