Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

5099

Total

2462

Share

The role of FDI in Vietnam's economic development






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Since Vietnam joined the World Trade Organization (WTO) in 2007, foreign direct investment (FDI) into Vietnam has increased sharply and has become one of the important sources of capital for the economic development of the country. However, apart from the positive aspects that FDI brought, there were also many negative aspects affecting the economic, political, social, and environmental fields. By analyzing the current situation, role, and limitations of FDI in Vietnam's economic development, the study shows that FDI inflows into Vietnam had positive changes in the period 2010 - 2020. During the research, the analytical data was collected from secondary data from the yearbook of the General Statistics Office and the reports of the Foreign Investment Department - Ministry of Planning and Investment, using the descriptive statistics, synthesis, and analysis to analyze data to describe the effects and qualitative relationship between FDI and economic development in Vietnam. The research results show that in the period 2010-2020, FDI capital continuously increased in total registered capital and realized capital; the proportion of FDI contribution to GDP also increased gradually over the years, however, there was an imbalance between registered capital and realized capital, and the contribution of FDI to GDP was still limited. At the same time, the results also show that the capital of FDI invested in Vietnam and many economic sectors primarily stems from Asian countries while the number of investors in developed countries such as Europe and the Americas is yet inconsiderable, and FDI mainly focuses on processing and manufacturing industries. Based on the research results of the article, a number of solutions are proposed to help Vietnam attract more foreign-invested projects, contributing to promoting Vietnam's economic development in the coming time.

ĐẶT VẤN ĐỀ

FDI là một bộ phận quan trọng trong cơ cấu nguồn vốn đầu tư của tất cả các quốc gia trên thế giới. Việc thu hút vốn FDI góp phần bổ sung nguồn vốn đầu tư cho sự phát triển xã hội và tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tham gia vào mạng lưới sản xuất toàn cầu và đưa nền kinh tế Việt Nam hội nhập với nền kinh tế thế giới. “Lũy kế tính đến ngày 20 tháng 9 năm 2018, cả nước có 26.646 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký 334 tỷ USD và tổng vốn thực hiện khoảng 185,62 tỷ USD” 1 . Hiện nay, 58,2% vốn FDI tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế của đất nước 1 . Tuy nhiên, quá trình thu hút FDI còn bộc lộ một số hạn chế như vốn tập trung vào lĩnh vực thâm dụng lao động, việc chuyển giao công nghệ, sáng chế phát minh, giải pháp kỹ thuật chưa tương xứng với vốn đầu tư 2 . Để cải thiện hạn chế còn tồn tại và đẩy mạnh thu hút FDI vào Việt Nam, trong bài viết này, tác giả phân tích thực trạng và vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam, từ đó gợi ý biện pháp góp phần tăng cường thu hút FDI một cách hiệu quả để thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam.

TỔNG QUAN TÀI LIỆU NGHIÊN CỨU

Trong những năm vừa qua, có rất nhiều tài liệu nghiên cứu về tác động của FDI đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam qua nhiều giai đoạn và bằng nhiều phương pháp khác nhau.

Trong các nghiên cứu “Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế trong mô hình nền kinh tế đang phát triển” 3 và “Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam” 4 , cũng như “Thực trạng và đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam” 5 , các tác giả đã phân tích và đưa ra mô hình, phương trình về sự tác động của FDI đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn và dài hạn, phân tích thực trạng, vai trò của FDI đối với sự phát triển kinh tế Việt Nam nhưng giải pháp đưa ra chưa cụ thể.

Ngược lại, trong một nghiên cứu về “Thu hút và sử dụng nguồn lực FDI: Thực trạng và giải pháp” 6 tác giả đã nêu và phân tích rõ thực trạng và đề xuất các giải pháp nhưng chưa phân tích những hạn chế của FDI đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Ngoài ra, thực trạng và vai trò của FDI đối với nền kinh tế Việt Nam được phân tích chi tiết nhưng không đưa ra các giải pháp cụ thể 7 ; đồng thời, vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam không được đề cập đến mặc dù đã phân tích thực trạng và đưa ra giải pháp thu hút FDI 8 .

Thông qua việc nghiên cứu số liệu và sử dụng các phương pháp tổng hợp, thống kê, so sánh, tác giả phân tích thực trạng, vai trò, hạn chế và đề xuất các giải pháp để FDI trở thành nguồn vốn quan trọng thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bền vững trong thời kỳ hội nhập.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Nguồn số liệu

Trong quá trình nghiên cứu, số liệu phân tích được thu thập từ số liệu thứ cấp từ nguồn Niêm giám của Tổng cục Thống kê và các báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2010, 2011, 2012, 2013, 2014, 2015, 2016, 2017, 2018, 2019, 2020. Cụ thể, các số liệu trong nghiên cứu về vốn đăng ký FDI, vốn thực hiện FDI, vốn FDI đầu tư theo ngành và tình hình xuất khẩu của FDI được lấy từ dữ liệu của Cục Đầu tư nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bên cạnh đó, số liệu về cơ cấu đối tác của FDI và tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP được lấy từ dữ liệu của Tổng cục Thống kê Việt Nam.

Phương pháp nghiên cứu

Để phân tích thực trạng, vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam, nghiên cứu sử dụng phương pháp phân tích định tính bằng cách thu thập từ nhiều nguồn thông tin đáng tin cậy như Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư để từ đó đưa ra các nhận định và đánh giá về hiệu quả và giải pháp thu hút FDI.

Tài liệu được thu thập chủ yếu từ các nghiên cứu đã công bố, trên các tạp chí và báo khoa học và các trang điện tử của các bộ, ngành.

Phương pháp thống kê, mô tả nhằm phân tích số liệu để mô tả những ảnh hưởng và mối quan hệ định tính giữa FDI và phát triển kinh tế Việt Nam. Đồng thời, nghiên cứu còn sử dụng phương pháp so sánh số liệu các năm và đối chiếu nhau để đánh giá và đưa ra kết luận.

Phương pháp tổng hợp, phân tích để tổng hợp số liệu và phân tích bằng cách so sánh thông qua các bảng thống kê nhằm làm rõ vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam gồm: FDI đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu.

Bên cạnh đó, nghiên cứu còn sử dụng phần mềm Excel 2010 phiên bản 16 và các công cụ máy tính yED graph Editor, Dia trong quá trình xử lý số liệu thông qua bảng biểu, đồ thị.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Thực trạng FDI đầu tư vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

Về vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện

Theo thống kê của cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về thu hút nguồn vốn FDI trong giai đoạn 2010-2020 ( Table 1 ). Năm 2017, vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tăng mạnh, với số vốn đăng ký là 35,88 tỷ USD, tăng 47,65% so với năm 2016 (24,3 tỷ USD). “Trong năm 2018 và những năm tiếp theo, FDI tiếp tục chảy vào Việt Nam mạnh hơn cả về lượng và chất. Bởi Việt Nam vẫn đang có những lợi thế vượt trội so với các nước khi tình hình chính trị - xã hội ổn định, môi trường đầu tư không ngừng được cải thiện, nguồn nhân lực dồi dào, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện...” 9 . Tuy nhiên, vốn FDI đăng ký năm 2011 (14,7 tỷ USD) giảm 25,61% so với năm 2010 (19,76 tỷ USD) và vốn FDI thực hiện năm 2011 (11 tỷ USD) bằng với năm 2010.

Table 1 Vốn đăng ký và vốn thực hiện của FDI vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

( Đơn vị tính: tỷ USD)

Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên năm 2020, vốn FDI đăng ký và vốn FDI thực hiện đều giảm so với năm 2019. Cụ thể, vốn FDI đăng ký (28,53 tỷ USD) giảm 24,96% và vốn FDI thực hiện (19,98 tỷ USD) giảm 1,96% ( Table 1Figure 1 ).

Figure 1 . FDI vào Việt Nam qua các năm (Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư ; Tổng cục Thống kê, 2020)

Từ Table 1 cho thấy rõ sự mất cân đối trong đăng ký và triển khai dự án FDI. Tỷ lệ vốn thực hiện thấp so với vốn đăng ký. Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có một chiến lược và quy hoạch thu hút vốn FDI ở tầm quốc gia, khiến việc thu hút FDI mang tính bị động; Cơ sở hạ tầng yếu kém hạn chế khả năng hấp thụ vốn đầu tư; Công tác thẩm định khả năng tài chính của nhà đầu tư còn nhiều hạn chế 10 .

Về cơ cấu đầu tư theo ngành

Giai đoạn 2010 – 2020, FDI đã xuất hiện ở tất cả các ngành, nhưng FDI có xu hướng tập trung vào một số nhóm ngành chủ lực của nền kinh tế, bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa ( Table 2 ).

Table 2 Vốn FDI đầu tư vào các ngành giai đoạn 2010 - 2020

( Đơn vị tính: tỷ USD)

Trong đó, giai đoạn 2010 – 2019, FDI đầu tư vào Việt Nam (đặc biệt ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) tăng rất mạnh. Tuy nhiên, đến năm 2020, việc thu hút FDI vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm nhiều, từ 24,56 tỷ USD năm 2019 xuống còn 13,6 tỷ USD năm 2020, giảm 80,59% so với năm 2019 ( Table 2 ).

Figure 2 . FDI đầu tư vào các ngành giai đoạn 2010 – 2020 (tỷ USD) (Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2020)

Figure 2 chỉ ra rõ hơn, đó là: các năm 2012, 2014, 2016 và 2018, ngành sản xuất và phân phối điện, khí, nước và điều hòa không thu hút được FDI nhiều; đồng thời, cũng trong những năm này, FDI cũng đầu tư không nhiều vào hai ngành: Bán buôn, bán lẻ, sửa chữa (năm 2012, 2016, 2018) và ngành xây dựng (năm 2014). Riêng năm 2019, FDI chủ yếu đầu tư vào hai ngành: công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản.

Về đối tác đầu tư

Figure 3 . Cơ cấu đối tác FDI vào Việt Nam lũy kế đến năm 2020 (Nguồn: Tổng hợp từ Tổng cục Thống kê , 2020 )

Theo số liệu về số lượng các quốc gia đầu tư FDI vào Việt Nam của Tổng cục Thống kê, tính đến năm 2020, ngày càng tăng lên và có tới 139 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Hàn Quốc là quốc gia có nhiều vốn đầu tư tại Việt Nam nhất, với tổng vốn đầu tư chiếm từ 17% - 19% tổng số vốn FDI. Đứng thứ hai là Nhật Bản với vốn đầu tư luôn dao động trong khoảng 14% - 17% tổng vốn FDI vào Việt Nam. Ngoài hai nước có số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn kể trên, Việt Nam cũng nhận được rất nhiều các khoản đầu tư FDI từ các nước và vùng lãnh thổ khác như: Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông ( Figure 3 ).

Vai trò của FDI đối với phát triển kinh tế Việt Nam

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Giai đoạn 2010 – 2020, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có đóng góp quan trọng vào GDP với tỷ trọng ngày càng cao. Theo số liệu từ Tổng cục thống kê có thể thấy rất rõ tỷ trọng đóng góp GDP của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ngày càng có xu hướng gia tăng ( Figure 4 ) 11 . Mức đóng góp của khu vực FDI trong GDP của cả nước từ 17,69% năm 2010 lên 18,07% năm 2015 và 20,35% năm 2019. Điều này khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của khu vực FDI trong nền kinh tế.

Figure 4 . Tỷ trọng đóng góp của FDI vào GDP (%) (Nguồn: Số liệu tổng hợp từ Tổng cục Thống kê)

Figure 5 . Tình hình xuất khẩu của khu vực FDI (tỷ USD) ( Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư , 2020)

Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên tỷ trọng đóng góp GDP của FDI đã giảm nhưng tỷ lệ giảm không đáng kể. Nếu so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năm 2020, Việt Nam vẫn là nước thu hút được vốn FDI và kinh tế vẫn phát triển tốt.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, một nhân tố cơ bản để kinh tế Việt Nam hội nhập và phát triển. Tính đến năm 2018, cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp này thu hút gần 4 triệu lao động, đào tạo và sử dụng hơn 2,3 triệu công nhân kỹ thuật trong lắp ráp và vận hành; bên cạnh đó, các doanh nghiệp FDI còn tạo ra việc làm gián tiếp do tác động kích thích đầu tư trong nước 12 . Qua quá trình làm việc trong các doanh nghiệp FDI, người lao động đã được tiếp cận với công nghệ hiện đại, có kỷ luật lao động tốt, học hỏi được các phương thức lao động tiên tiến, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lý, trình độ ngoại ngữ. Từ đó, đội ngũ lao động này đã trở thành những người có trình độ chuyên môn kỹ thuật giỏi, cũng có những người trở thành cán bộ quản trị giỏi và là nòng cốt trong các doanh nghiệp. Đặc biệt, các chuyên gia Việt Nam làm việc tại các doanh nghiệp FDI có thể từng bước thay thế dần các chuyên gia nước ngoài trong việc tham gia quản lý doanh nghiệp và điều khiển các quy trình công nghệ hiện đại.

Gia tăng tỷ trọng xuất khẩu

Trong thời gian qua, xuất khẩu của Việt Nam đã ghi dấu ấn đậm nét của các doanh nghiệp FDI. Giai đoạn từ 2016 – 2020, xuất khẩu của khu vực FDI tăng dần qua các năm ( Figure 5 ). Trong năm 2016, xuất khẩu chỉ đạt 125 tỷ USD, nhưng đến năm 2020, xuất khẩu đạt tới 202,4 tỷ USD, tăng 61,92%. Theo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối năm 2020, kim ngạch xuất khẩu của khu vực FDI tiếp tục tăng và tăng mạnh hơn so với 11 tháng năm 2020, đồng thời, xuất khẩu đạt 202,4 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2019, chiếm 72,3% kim ngạch xuất khẩu 13 .

Một số hạn chế trong thu hút FDI vào Việt Nam

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong thời gian qua, hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam vẫn còn một số mặt hạn chế cần khắc phục.

Một là, giữa vốn đăng ký và vốn triển khai thực hiện dự án FDI mất cân đối. Tỷ lệ vốn thực hiện luôn thấp so với vốn đăng ký giai đoạn 2010 – 2020 ( Table 3 ). Cụ thể, năm 2017, vốn thực hiện giảm nhiều nhất 48,77% (giảm 18,38 tỷ USD) so với vốn đăng ký. Nguyên nhân vốn thực hiện không đạt được mục tiêu đề ra là do đa phần các dự án lớn là những dự án đầu tư ảo; theo tính toán, có trên 70 % dự án đầu tư 1 tỷ USD/dự án chưa triển khai hoặc bị rút giấy phép; 70,29% dự án sân golf không nằm trong quy hoạch dược phê duyệt 10 .

Table 3 Chênh lệch giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện của FDI vào Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020

( Đơn vị tính: tỷ USD)

Hai là, việc đầu tư FDI theo ngành kinh tế chưa hợp lý. Mặc dù FDI đã xuất hiện ở nhiều ngành, song FDI được đầu tư nhiều nhất vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với sự đóng góp lớn của FDI, đạt 24,56 tỷ USD (năm 2019), trong khi sự đầu tư FDI vào các ngành khác rất thấp, đạt 2,3 tỷ USD (năm 2015) ( Table 2 ).

Ba là, mất cân đối trong thu hút FDI từ đối tác đầu tư. Qua phân tích thực trạng ở trên, dòng vốn FDI vào Việt Nam đến từ các nước phát triển như: Đức, Pháp, Mỹ,… còn khá khiêm tốn mà chủ yếu đến từ châu Á như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Trung Quốc….Nguyên nhân là do Việt Nam chưa có chiến lược dài hạn để thu hút vốn FDI; đồng thời, các hoạt động xúc tiến thương mại chưa có chiến lược để lôi kéo các nhà đầu tư có tiềm năng về cả vốn lẫn công nghệ đến từ các nước phát triển 10 .

Một số giải pháp thu hút FDI trong thời gian tới

Trong thời gian qua, FDI là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Tuy nhiên, việc thu hút và quản lý hoạt động đầu tư nước ngoài vẫn còn hạn chế. Để nâng cao hiệu quả thu hút dòng vốn FDI, đặc biệt trong tình hình dịch Covid 19 như hiện nay, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp dưới đây.

Thứ nhất, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển trong nước hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ. Giải pháp này góp phần hỗ trợ các dự án FDI triển khai và mở rộng đầu tư tại Việt Nam, khắc phục tình trạng mất cân đối giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện trong hoạt động đầu tư nước ngoài. Cụ thể, siết chặt việc cấp phép, giấy chứng nhận đầu tư, xây dựng tiêu chí cụ thể để lựa chọn những doanh nghiệp FDI chất lượng, phù hợp với điều kiện phát triển của từng địa phương, hạn chế những dự án ảo, những doanh nghiệp FDI yếu kém, thiếu thân thiện.

Thứ hai, xây dựng các chính sách ưu đãi về thuế và nâng cấp cơ sở hạ tầng là một trong những yếu tố quan trọng của môi trường đầu tư, góp phần giải quyết hiện tượng mất cân đối trong thu hút và triển khai các dự án FDI theo ngành. Hiện nay, FDI chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp và bất động sản, trong khi các ngành nông nghiệp chưa thu hút được nhiều FDI. Do đó, đối với các ngành nông nghiệp, theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP của Chính phủ cần xây dựng chính sách thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp thật ưu đãi (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp ít nhất 5 năm kể từ khi có lợi tức); xây dựng các cánh đồng mẫu lớn, xây dựng khu nguyên liệu, chăn nuôi tập trung, đẩy mạnh tiến độ xây dựng các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; bên cạnh đó, ưu tiên đầu tư cho các dự án đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, dự án R&D, dự án xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ nông nghiệp, nông thôn 14 .

Thứ ba, tăng cường thu hút FDI từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU. Để tăng cường thu hút FDI vào các nước phát triển, cần quan tâm đến những yêu cầu của các nhà đầu tư về một số khía cạnh như: đơn giản hóa thủ tục và quy trình giải quyết thủ tục hành chính về xuất nhập khẩu , rút ngắn thời gian cấp giấy phép, giảm chi phí xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa, tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa, thực hiện nghiêm túc quyền sở hữu trí tuệ và bảo hộ bản quyền theo thông lệ quốc tế.

KẾT LUẬN

Với sự phát triển của khoa học công nghệ và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, việc tận dụng nguồn vốn nước ngoài để phát triển kinh tế Việt Nam là điều cần thiết. Từ kết quả phân tích cho thấy, FDI đã có vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế mà các doanh nghiệp FDI gây ra và làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Để hạn chế những tiêu cực và phát huy hơn nữa hiệu quả của nguồn vốn FDI, nước ta cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp trên một cách hiệu quả.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

WTO : World Trade Organization

FDI : Foreign Direct Investment

GDP : Gross Domestic Product

USD : United States dollar

Covid 19 : Corona virus disease 2019

EU : European Union

NĐ-CP : Nghị định – Chính phủ

R&D : Research and Development

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này nhận được sự nhiệt tình và tâm huyết của các nhà phản biện, ban biên tập và tòa soạn của Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện

References

  1. Dũng Nguyễn Chí. Tầm nhìn mới, cơ hội mới cho đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam: Tầm nhìn và cơ hội mới trong kỷ nguyên mới. 2018:4-11. . ;:. Google Scholar
  2. Ánh Dặng Thị Ngọc, Thắm Nguyễn Thị Thanh, Hiệu Phan Duy. Nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam trong giai đoạn cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Công Thương. 2020:29+30. . ;:. Google Scholar
  3. Thủy Dào Thị Bích. Tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế trong mô hình nền kinh tế đang phát triển. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội. 2012;28:193-199. . ;:. Google Scholar
  4. Công Hà Thành. Tác động của vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và thương mại quốc tế đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ. 2019;52:104-10. . ;:. Google Scholar
  5. Hương Nguyễn Thị Mai, Mơ Trần Thị. Thực trạng và đóng góp của đầu tư trực tiếp nước ngoài đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở Việt Nam. Tạp chí Khoa học và Công nghệ lâm nghiệp. 2014;3:128-35. . ;:. Google Scholar
  6. Anh Vũ Thị. Thu hút và sử dụng nguồn lực FDI: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Tài chính. 2014;11:1-4. . ;:. Google Scholar
  7. Tụ Nguyễn Phú, Minh Huỳnh Công. Mối quan hệ giữa đầu tư trực tiếp nước ngoài với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Kỷ yếu Hội nghị Khoa học và Công nghệ lần thứ I, HUTECH. 2010:577-88. . ;:. Google Scholar
  8. Vĩnh Vũ Duy, Yến Vũ Hoàng. Việt Nam - 30 năm thu hút và sử dụng FDI. Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán. 2017;5:166. . ;:. Google Scholar
  9. Anh Phạm Thị Vân. FDI và những kỷ lục mới. Tạp chí tài chính. 2018;1:44-46. . ;:. Google Scholar
  10. Thu Võ Thanh, Phong Nguyễn Dông. Giải pháp hạn chế sự mất cân đối trong thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Tạp chí Tài chính. . 2014;5:32-35. Google Scholar
  11. Niêm giám Thống kê 2012, 2015, 2019, 2020. . ;:. Google Scholar
  12. Tiến Nguyễn Hoàng, Thanh Nguyễn Tuấn. Thực trạng nguồn nhân lực chất lượng cao tại các doanh nghiệp FDI ở Việt Nam - Giải pháp thu hút và duy trì. Dự án Human Resource: Trường Đại học Thủ Dầu 1. 2020. . ;:. Google Scholar
  13. Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Cục Đầu tư nước ngoài. Tình hình đầu tư: Số liệu FDI hàng tháng. 2020. . ;:. Google Scholar
  14. Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về Cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2083-2091
Published: Nov 20, 2021
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.857

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Châu, T. (2021). The role of FDI in Vietnam’s economic development. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2083-2091. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.857

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 5099 times
PDF   = 2462 times
XML   = 0 times
Total   = 2462 times