Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1743

Total

547

Share

Legal popularization and legal education for community models through clinical legal education – practice at law schools in Southern Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The legal dissemination and legal aid to the residential community is a typical activity in the program of Clinical Legal Education in law schools. In Vietnam, practical legal education programs have been implemented officially at Vietnamese law schools since 2010. Besides a legal dissemination's aim, the practical legal education program contributes to consolidating law knowledge and improving soft skills for students who take part in the program directly. Up to now, the practical legal education program has succeeded in legal dissemination activities. However, the development potential of the program in the coming time is considerable but has not been implemented strongly. Therefore, this article presents an overview of the origin and content of the Clinical Legal Education and the statistics of the actual situation of implementing this program in Vietnam in recent years. The following part describes the solutions proposed to promote this program as a component connecting to the policy of socialization of work and legal education prescribed by the Law on Legal Popularization And Education 2012.

Đặt vấn đề

Phổ biến, giáo dục pháp luật là một hoạt động hết sức quan trọng góp phần xây dựng ý thức pháp luật trong các cộng đồng dân cư. Hoạt động này không chỉ được thực hiện bởi các cơ quan nhà nước như một nghĩa vụ theo quy định của Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012 mà còn thông qua cơ chế xã hội hóa với sự tham gia của tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật cũng như bởi các cơ sở đào tạo luật. Qua quan sát thực tiễn, chúng tôi nhận thấy một số cơ sở đào tạo luật tại phía Nam đang vận hành chương trình giáo dục pháp luật thực hành (Clinical legal education – CLE) hướng tới việc phổ biến, giáo dục pháp luật cộng đồng trong nhiều năm qua. Chương trình hướng đến mục tiêu kép trong việc sử mệnh của một cơ sở đào tạo luật là nâng cao chất lượng đào tạo và thực hiện trách nhiệm xã hội. Theo đó, người học có thể trải nghiệm, dấn thân và thực hành kiến thức thông qua các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý cho cộng đồng. Mô hình này có tiềm năng trở thành một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật hiệu quả và cần được ghi nhận, chuẩn hóa và tạo điều kiện để phát triển, nhân rộng. Tuy nhiên, thực trạng vận hành mô hình này vẫn còn nhiều vấn đề bất cập, thiếu đồng bộ, quy mô khiêm tốn. Vì vậy, việc nghiên cứu, phân tích nguồn gốc, đặc điểm, cách vận hành cũng như thực trạng triển khai mô hình này tại Việt Nam có ý nghĩa quan trọng để hình thành các kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình trong thời gian tới.

Mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua chương trình CLE tại các trường luật

Chương trình CLE được khởi xướng vào đầu thế kỷ XX tại Hoa Kỳ. Nguyên thủy của CLE là một phương pháp giáo dục dành cho sinh viên luật và được đánh giá là một sự thay đổi quan trọng nhất trong đào tạo luật kể từ sau khi phát minh ra phương pháp giảng dạy tình huống (The casebook method) 1 . Theo đó, thông qua phương pháp tương tác và trải nghiệm bằng những vụ việc thực tế tiếp nhận từ cộng đồng, sinh viên luật có thể nâng cao kỹ năng thực hành nghề luật và được giáo dục đạo đức nghề nghiệp cũng như trách nhiệm xã hội. Vào đầu những năm 1900, một số trường đào tạo luật tại Hoa Kỳ đã thành lập các "phòng trợ giúp pháp lý" mang tính tình nguyện, miễn phí để trao cho sinh viên cơ hội thực hành kỹ năng hành nghề luật về phân tích pháp lý, đồng thời cũng phục vụ sứ mệnh về công bằng xã hội thông qua việc cung cấp các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho những người không đủ điều kiện thuê luật sư 1 . Mô hình này cũng gây nên nhiều sự tranh luận trong giới đào tạo luật vào thời điểm đó, đến những năm 1960 thì trở nên phổ biến tại Hoa Kỳ. Sau đó mô hình này lần lượt được nhân rộng ra các nước Úc, Canada, Ấn Độ từ những năm 1970 và đến những năm 1990, đầu thế kỷ XX thì bắt đầu xuất hiện tại Đông Âu, Châu Phi, Châu Á với tư cách là một trong những hoạt động tăng cường tính trải nghiệm cho sinh viên luật bên ngoài môi trường học thuật 2 . Hiện tại, các trung tâm thực hành của các trường luật đã trở nên phổ biến trên khắp thế giới và góp phần quan trọng vào sứ mệnh hỗ trợ nhóm người yếu thế tiếp cận pháp luật, tiếp cận công lý. Mô hình này được đánh giá là có thể áp dụng ở tất cả các lĩnh vực pháp luật 3 . Tại Việt Nam, mô hình này bắt đầu được triển khai từ những năm 2010 tại một số trường luật dưới sự hỗ trợ về mặt tài chính và chuyên môn của Quỹ Hỗ trợ phát triển của Liên Hiệp quốc (UNDP), Tổ chức nhịp cầu phát triển hoạt động thực hành giáo dục pháp luật thực hành Đông Nam Á (BABSEA-CLE).

Trên chuyên trang giới thiệu về chương trình này của Tổ chức Nhịp cầu nối các quốc gia Đông Nam Á – Sáng kiến giáo dục pháp luật cộng đồng (BABSEA CLE) có đề cập đến khẩu hiệu, CLE sẽ giúp “ Đào tạo sinh viên phát triển đạo đức nghề nghiệp và kỹ năng thực hành nghề nghiệp cho tương lai bằng cách giúp đỡ cho những cộng đồng yếu thế ngày hôm nay ” . Dưới góc độ xã hội, CLE đã phát triển ở Hoa Kỳ như một phần của chương trình nghị về sự công bằng xã hội thông qua sự trợ giúp của các văn phòng thực hành luật (CLE) đối với những người yếu thế để giải quyết tình trạng thiếu dịch vụ pháp lý cho người nghèo 4 . Tham gia vào CLE, sinh viên sẽ được giáo dục thông qua sự trải nghiệm bằng hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho các cộng đồng, đặc biệt là những người nghèo, khó khăn và không có điều kiện tiếp cận với hệ thống pháp luật 5 . Thông thường, sinh viên sẽ tham gia vào các chương trình tiếp cận và hỗ trợ cho cộng đồng những người yếu thế như các nhóm phụ nữ bị bạo hành, người nhiễm HIV, trẻ vị thành niên, làng trẻ SOS, người nhập cư, người dân ở nông thôn. Như vậy, CLE hướng đến hai mục tiêu chính: (i) nâng cao chất lượng đào tạo đối sinh viên luật; (ii) phục vụ cộng đồng.

CLE có rất nhiều mô hình tổ chức hoạt động như: (i) hoạt động tại chỗ - trung tâm thực hành luật; (ii) tổ chức hoạt động tại cộng đồng; (iii) tham gia vào hoạt động tư pháp với vai trò người đại diện theo ủy quyền của đương sự. Các hoạt động chủ yếu được thực hiện bao gồm giảng dạy pháp luật cộng đồng, tư vấn pháp lý tại văn phòng thực hành luật cũng như giải đáp kiến thức pháp lý trực tiếp tại cộng đồng, tổ chức các phiên toà giả định tập trung vào các vấn đề tiếp cận pháp luật dưới góc nhìn thực tiễn tại cộng đồng và các hình thức tuyên truyền pháp luật, khảo sát cộng đồng khác 5 .

Nghiên cứu các mô hình hoạt động của CLE trên thế giới cũng như ở Việt Nam, chúng tôi cho rằng có một số hoạt động sau gắn chặt hoạt động của CLE với hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật cho cộng đồng:

Thứ nhất, hoạt động tư vấn pháp lý trực tiếp và trợ giúp pháp lý tại văn phòng thực hành luật : Chương trình CLE thường sẽ được tổ chức triển khai tại các văn phòng/trung tâm thực hành luật (Clinic) được thành lập bởi các trường đại học đào tạo luật 5 . Mô hình trung tâm thực hành luật được lấy cảm hứng từ mô hình trung tâm thực hành tại các trường y với phương pháp thực nghiệm trong việc đào tạo các bác sỹ. Theo đó, trung tâm sẽ mô phỏng môi trường thực hành hành nghề luật để sinh viên tham gia một cách tình nguyện và được tạo điều kiện để thực hành các kiến thức và kỹ năng đã được học tại giảng đường. Sinh viên là chủ thể trực tiếp tham gia vào quá trình tư vấn và trợ giúp pháp lý cho những đối tượng có nhu cầu được trợ giúp pháp lý. Sinh viên sẽ được tập huấn, đào tạo những kỹ năng căn bản trong việc tiếp xúc với cộng đồng như: kỹ năng phỏng vấn lấy thông tin, kỹ năng tư vấn và những kỹ năng có liên quan khác cần thiết cho hoạt động tư vấn của một luật sư. Tại đây, sinh viên sẽ tham gia vào quá trình tiếp xúc khách hàng (chủ yếu là những đối tượng yếu thế, không đủ điều kiện tiếp cận các dịch vụ pháp lý), thu thập thông tin khách hàng và thực hiện các bước trợ giúp pháp lý trong phạm vi cho phép. Thông qua việc tương tác với khách hàng, trao đổi, thảo luận với nhau trong một nhóm, sinh viên sẽ đề xuất các phương án giải quyết vấn đề pháp lý và đưa ra ý kiến tư vấn. Hoạt động của sinh viên sẽ được cố vấn và giám sát, đồng hành bởi các giảng viên luật và các luật sư tham gia vào hoạt động Pro Bono . Sau khi có ý kiến thẩm định từ đội ngũ giám sát, ý kiến tư vấn sẽ được hoàn thiện và chuyển đến cho người cần tư vấn 5 . Hoạt động này phải tuân theo những quy trình hết sức chặt chẽ và chịu sự giám sát nghiêm ngặt của các giám sát viên. Tuy nhiên, đối với những vụ việc phức tạp và vượt ngoài khả năng tư vấn của văn phòng, các sinh viên chỉ đưa ra các lời khuyên cho khách hàng và hướng dẫn họ đến những địa chỉ có thể giúp đỡ họ 5 .

Ở một vài quốc gia, sinh viên có thể được phép hỗ trợ các luật sư trong các vụ tranh chấp, điển hình như tại Mỹ và Philippine. Theo đó, sinh viên sinh viên thậm chí còn có thể được cho phép xuất hiện ở Tòa nhưng phải tuân thủ chặt chẽ “các nguyên tắc thực hành dành cho sinh viên”. Ở một vài quốc gia, nếu quy định của pháp luật tố tụng cho cho phép những người không phải là luật sư có thể có mặt tại toà án để đại diện cho các đương sự trong các vụ án dân sự, sinh viên cũng có thể tham gia các phiên tòa với vai trò đại diện cho những người yếu thế mà họ đang trợ giúp pháp lý 6 .

Thứ hai, hoạt động giảng dạy pháp luật cho cộng đồng : hoạt động này gắn chặt với sứ mệnh phổ biến, giáo dục pháp luật và hướng đến đối tượng là các cộng đồng có trình độ dân trí thấp hoặc không có nhiều điều kiện để tiếp cận và hiểu biết kiến thức pháp luật. Các sinh viên tham gia hoạt động sẽ được tập huấn và đào tạo những kỹ năng cần thiết trong việc giảng dạy pháp luật cho các cộng đồng như: kỹ năng lên kế hoạch bài giảng, kỹ năng tương tác với học viên, kỹ năng nói và trình bày vấn đề,… sinh viên sẽ dùng những kỹ năng này kết hợp với những kiến thức học tại giảng đường để tuyên truyền pháp luật cho các cộng đồng giúp cho cộng đồng hiểu biết nhiều hơn về kiến thức pháp luật và cách thức để bảo vệ quyền lợi của mình khi bị xâm phạm. Tùy vào nhu cầu và đặc điểm của từng cộng đồng, một nhóm sinh viên sẽ tiến hành các lớp để giảng dạy các kiến thức pháp lý căn bản thông qua phương pháp tương tác, lấy học viên làm trung tâm 5 . Tại các cộng đồng, sinh viên sẽ tham gia tổ chức các lớp giảng dạy pháp luật để giúp mọi người hiểu và tiếp cận các quyền và dịch vụ hợp pháp của họ. Các lĩnh vực giảng dạy thường tổ chức bao gồm: (i) quyền của những người không quốc tịch; (ii) pháp luật hình sự; (iii) luật hôn nhân và gia đình; (iv) luật bảo vệ người tiêu dùng; (iv) quyền của người nhiễm HIV/AIDs; (v) quyền của phụ nữ và trẻ em; (vi) quyền của người lao động; (vii) các vấn đề khác liên quan đến thực tế cuộc sống tại cộng đồng 4 .

Thứ ba, hoạt động phiên toà giả định : sinh viên sẽ tham gia vào các phiên toà mang tính chất giả định về những vụ việc thực tế hoặc mô phỏng các vụ việc thực tế với vai trò là thẩm phán, luật sư, những người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng. Các phiên toà giả định này thường được tổ chức lưu động tại các cộng đồng dân cư. Một mặt, tạo nên đời sống pháp lý tinh thần trong cộng đồng dân cư, mặt khác hướng đến mục đích tuyên truyền pháp luật một cách sinh động và dễ hiểu cho các cộng đồng 5 .

Bên cạnh đó, các hoạt động trợ giúp pháp lý trong chương trình CLE còn nhận được sự quan tâm và kết nối được với những luật sư, luật gia, chuyên gia pháp luật có tinh thần tình nguyện trong công tác đào tạo con người và yêu thích hoạt động cộng đồng. Sự góp mặt của những đối tượng này, giúp cho chất lượng dịch vụ trợ giúp pháp lý thông qua chương trình CLE chất lượng và chuyên nghiệp hơn 5 .

Thực trạng triển khai mô hình phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua chương trình giáo dục thực hành pháp luật trên thực tế tại một số cơ sở đào tạo luật khu vực phía nam

Chương trình giáo dục thực hành pháp luật là một môi trường thiết thực, hiệu quả để mang kiến thức pháp luật đến với cộng đồng. Chính vì mục tiêu nhân văn đó, chương trình giáo dục thực hành pháp luật được triển khai rộng rãi tại nhiều cơ sở đào tạo Luật trên khắp cả nước. Bài viết này tập trung phân tích thực trạng trong việc triển khai chương trình CLE trên thực tế tại số một cơ sở đào tạo luật tại phía Nam như Trường Đại học Kinh tế - Luật (ĐHQG TP.HCM), Trường Đại học Luật TP.HCM, Trường Đại học Cần Thơ.

Chương trình CLE triển khai trên thực tế tại các cơ sở đào tào luật đều đáp ứng được hai mục tiêu chính: (i) phát triển chuyên môn, kỹ năng cho sinh viên tham gia chương trình và (ii) tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến với người dân. Tuy nhiên, về cách thức triển khai, đối tượng hướng tới của mỗi chương trình có sự khác nhau do đặc thù tôn chỉ hoạt động, nhu cầu tiếp cận của người dân, điều kiện địa lý…

Tại Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, chương trình CLE được triển khai thông qua Câu lạc bộ Thực hành Pháp luật trực thuộc Trung tâm Tư vấn Pháp luật của trường 7 . Chương trình tập trung vào 03 mô hình tuyên truyền chính : (i) mô hình tư vấn – hỗ trợ pháp lý: các thành viên của Câu lạc bộ thực hiện tư vấn hoặc hỗ trợ pháp lý thông qua các buổi tư vấn lưu động tại cộng đồng, hoặc người dân có thể liên hệ trực tiếp tại Trung tâm Tư vấn Pháp luật của trường; (ii) mô hình tuyên truyền – phổ biến pháp luật: phương thức tuyên truyền chính của mô hình này là thông qua các phiên toà giả định hoặc tham gia hỗ trợ các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật của các cơ quan, tổ chức khác; (iii) mô hình giảng dạy pháp luật cộng đồng: đối tượng được hướng đến khá đa dạng như học sinh, phạm nhân sắp hết thời hạn chấp hành án phạt tù… với nhiều chủ đề quen thuộc, thiết thực như an toàn giao thông, bạo lực học đường, tệ nạn xã hội, quyền và nghĩa vụ của phạm nhân sau khi chấp hành xong án phạt tù... 7 .

Tại Trường Đại học Cần Thơ, chương trình CLE được triển khai từ tháng 02 năm 2011 do Trung tâm Luật so sánh, Khoa Luật, Đại học Cần Thơ quản lý. Điểm nổi bật của chương trình CLE tại Đại học Cần Thơ là đưa môn học thực hành luật vào chương trình học như một môn học tự chọn từ năm học 2013 – 2014 (thời điểm mới triển khai chương trình CLE tại trường) 2 . Đây là điểm mới mẻ trong cách thức triển khai để giúp cho sinh viên tiếp cận từ sớm đối với chương trình CLE. Bên cạnh đó, nhóm đối tượng tuyên truyền mà chương trình hướng tới khá đa dạng như học sinh, phạm nhân, người sống chung với HIV, công nhân, cộng đồng các khu dân cư.

Tại Trường Đại học Kinh tế - Luật, Chương trình CLE được triển khai từ ngày 10 tháng 03 năm 2010 thông qua Đội hình Tư vấn và Giảng dạy Pháp luật Cộng đồng (CLE – UEL) trực thuộc Khoa Luật quản lý. Nhằm cụ thể hai mục tiêu chính của chương trình CLE, Đội CLE – UEL mở rộng cụ thể hơn thành 04 mục tiêu hoạt động nòng cốt: (i) củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành nghề luật cho sinh viên thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cộng đồng; (ii) giáo dục đạo đức nghề luật và trách nhiệm xã hội cho sinh viên luật; (iii) gắn việc đào tạo kiến thức tại giảng đường với việc thực hành nghề luật trong thực tiễn; (iv) hỗ trợ, trợ giúp pháp lý miễn phí cho các cộng đồng trong xã hội. Sau hơn 10 năm triển khai, Đội CLE – UEL đã thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí cho hơn 277 tình huống; thực hiện 100 bài giảng pháp luật; tổ chức 170 phiên toà giả định; phát thanh tuyên truyền 20 bài pháp luật; phát hơn 10.495 tờ rơi trong khuôn khổ các hoạt động phổ biến, giảng dạy pháp luật tại cộng đồng cũng như thực hiện tại Văn phòng thực hành luật đặt tại trường 8 .

Đánh giá thực trạng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật thực hành tại một số cơ sở đào tạo luật phía Nam và một số đề xuất

Những đóng góp của chương trình giáo dục pháp luật thực hành vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật

Hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được điều chỉnh bởi Luật phổ biến, giáo dục pháp luật 2012. Điều 5 của Luật này nêu rõ 5 nguyên tắc của hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, bao gồm: “(i) Chính xác, đầy đủ, rõ ràng, dễ hiểu, thiết thực ; (ii) Kịp thời, thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm ; (iii) Đa dạng các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật, phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ của đối tượng được phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thống, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc ; (iv) Gắn với việc thi hành pháp luật, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước, của địa phương và đời sống hằng ngày của người dân ; (v) Phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan, tổ chức, gia đình và xã hội . Người viết cho rằng đây cũng là 5 tiêu chí để đánh giá sự phù hợp và đóng góp của một mô hình phổ biến, giáo dục pháp luật theo yêu cầu và ý chí của nhà nước. Đối sánh thực tiễn triển khai chương trình CLE tại các cơ sở đào tạo luật phía Nam, người viết nhận thấy chương trình CLE đáp ứng đầy đủ 5 yêu cầu nêu trên.

Thứ nhất, xét về nội dung của phổ biến, giáo dục pháp luật theo quy định tại Điều 10 Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012, các chương CLE đều đáp ứng tốt trong việc giới thiệu, giải thích các quy định của pháp luật tại các văn bản quy phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực như dân sự, hình sự, hành chính, hôn nhân và gia đình, đất đai, bình đẳng giới, quyền và cơ chế bảo quyền của các nhóm đối tượng yếu thế… đến gần với người dân. Sinh viên tham gia vào các chương trình CLE hiện tại đều được tuyển chọn, sàng lọc để đáp ứng các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, thái độ cơ bản cho hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật. Theo yêu cầu của chương trình, các nội dung chuyên môn đều phải được thẩm định, phê duyệt của các giảng viên giám sát hoặc các luật sự cộng tác. Điều này đảm bảo tính chính xác trong nội dung pháp luật trước khi chuyển tải đến với người dân.

Thứ hai, chương trình CLE được duy trì thường xuyên, liên tục với các hoạt động mang tính định kỳ và theo nhu cầu của từng cộng đồng. Thực tiễn tại Trường Đại học Kinh tế - Luật cho thấy, hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai định kỳ hằng năm và mang tính trọng điểm vào các chiến dịch Xuân tình nguyện, chiến dịch Mùa hè xanh. Các hoạt động được thiết kế nội dung và hình thức thể hiện theo đặc tính của từng cộng đồng dân cư và theo đặt hàng của các cơ quan có thẩm quyền tại từng địa phương. Một số trường đã vận hành văn phòng thực hành luật (Law Clinic) với đội ngũ thường trực tiếp nhận các yêu cầu hỗ trợ pháp lý của người dân.

Thứ ba, chương trình CLE được tiến hành chủ yếu bởi sinh viên luật, nhiều nhiệt huyết, năng động và rất sáng tạo. Nhờ vậy, các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai một cách sinh động, dễ hiểu và dễ tiếp thu. Các tờ rơi tuyên truyền pháp luật được thiết kế bắt mắt, hoạt động giảng dạy được triển khai theo các phương pháp tương tác chủ động, nội dung pháp luật được sân khấu hóa thông qua các vở kịch hay những phiên tòa giả định được xây dựng dựa trên thực trạng, nhu cầu của từng cộng đồng đặc thù. Hơn nữa, trong xu thế thông tin truyền thông ngày càng phát triển, chương trình CLE còn được triển khai thông qua hệ thống thông tin trên các mạng xã hội nhưng (fanpage trên facebook), hệ thống thư điện tử. Qua đó, chương trình CLE cũng mở ra những cách tiếp cận mới trong việc đưa pháp luật đến với người dân phù hợp với xu thế của thời đại.

Thứ tư, chương trình CLE có những đóng góp nhất định trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng chuyên môn về pháp lý, các kỹ năng mềm cần thiết cho sinh viên khi dấn thân vào quá trình tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người dân. Minh chứng rõ ràng cho sự thành công này chính là việc các hoạt động triển khai trên thực tế đáp ứng tốt bốn mục tiêu nòng cốt đặt ra của chương trình, cụ thể:

(i) củng cố kiến thức, nâng cao kỹ năng thực hành nghề luật cho sinh viên thông qua các hoạt động tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho cộng đồng. Trước khi trực tiếp đi đến cộng đồng, các bạn sinh viên đều được tổ chức tập huấn để củng cố kiến thức chuyên môn luật cũng như các kỹ năng mềm cần thiết khi đi đến cộng đồng như kỹ năng giảng dạy cộng đồng, làm việc nhóm, tiếp nhận tính huống pháp lý, tư vấn, tổ chức phiên toà giả định… Nhân sự tham gia tập huấn cho các bạn sinh viên đều là giảng viên đồng hành, các luật sư cộng tác hoặc các cựu sinh viên đã tốt nghiệp và đang tham gia các hoạt động hành nghề trên thực tế.

(ii) giáo dục đạo đức nghề luật và trách nhiệm xã hội cho sinh viên luật. Việc thực hiện mục tiêu này không thể hiện rõ trong các hoạt động hoặc các buổi tập huấn mà được thể hiện qua quá trình “tự trải nghiệm – tự đúc kết” của các bạn sinh viên. Đối với vấn đề giáo dục đạo đức hay ý thức trách nhiệm không thể là lý thuyết suông mà phải được rút ra từ thực tiễn đời sống. Tham gia chương trình CLE, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội để tiếp cận với mọi đối tượng ở các địa bàn cư trú khác nhau ngoài xã hội. Việc tận mắt chứng kiến và trải nghiệm thông qua việc tiếp thu các tình huống pháp lý của người dân, đặc biệt là người yếu thế, sẽ góp phần hình thành nên lòng yêu thương con người, tinh thần trách nhiệm, lẽ công bằng trong xã hội.

(iii) gắn việc đào tạo kiến thức tại giảng đường với việc thực hành nghề luật trong thực tiễn. Thông qua các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật đa dạng như giảng dạy pháp luật cộng đồng, phiên toà giả định, phát tờ rơi tuyên truyền, phát thanh tuyên truyền, tư vấn pháp lý… các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội vận dụng kiến thức pháp lý vào thực tiễn đời sống. Chính bản thân các bạn sinh viên sẽ là người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, đi đến cộng đồng và đúc kết kinh nghiệm. Các lý thuyết pháp lý khi áp dụng trên thực tế sẽ có những vướng mắc nhất định hoặc từ thực tiễn đời sống sẽ phát sinh các vấn đề cần điều chỉnh bởi pháp luật, việc này góp phần hình thành tư duy giải quyết vấn đề, phản biện xã hội cho sinh viên. Đối với góc độ người dân, thông qua chương trình CLE mà họ được tiếp cận tốt hơn với quy định của pháp luật để biết được quyền lợi của mình có bị xâm phạm và biết cách bảo vệ mình khi quyền lợi bị ảnh hưởng. Chương trình CLE chính là sợi dây gắn kết hai chiều giữa luật và đời sống. Để rồi, khi những sinh viên này tham gia chính thức vào các hoạt động hành nghề luật, họ sẽ có thể tiếp tục các hoạt động phổ biến pháp luật, trợ giúp pháp lý trong cộng đồng nơi họ sinh sống.

Thứ năm, kết quả của các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thực hiện thông qua chương trình CLE góp phần nâng cao ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật; ý thức bảo vệ pháp luật; lợi ích của việc chấp hành pháp luật; gương người tốt; việc tốt trong thực hiện pháp luật của người dân. Một điểm tiến bộ đáng ghi nhận của chương trình CLE chính là việc hỗ trợ, trợ giúp pháp lý một cách miễn phí cho cộng đồng, đặc biệt là người yếu thế, bởi lẽ đây là nhóm đối tượng mà việc tiếp cận pháp luật khó khăn hơn các nhóm đối tượng khác. Ngoài ra, họ cũng không có đủ điều kiện về mặt kinh tế để chi trả các dịch vụ pháp lý họ cần tiếp cận. Qua gần 1 thập niên triển khai thực hiện tại các cơ sở đào tạo luật ở phía nam, có thể thấy rằng việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật dàn trải rộng khắp các nhóm đối tượng như học sinh các cấp; sinh viên các trường đại học, cao đẳng; công nhân tại các khu lưu trú, xí nghiệp, doanh nghiệp; cộng đồng người có HIV; người đang cai nghiện; phạm nhân sắp chấp hành xong thời hạn án phạt tù; nạn nhân bị bạo lực gia đình; phụ nữ; trẻ em; người dân nông thôn… Tuy vậy, chúng tôi vẫn cho rằng mức độ tác động cụ thể của các chương trình CLE đến với ý thức pháp luật của các cộng đồng cần được đo lường bởi một nghiên cứu chuyên sâu hơn.

Thứ sáu, chương trình CLE đã gắn kết được hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật với hoạt động tình nguyện của sinh viên trong khuôn khổ các chiến dịch tình nguyện. Thực tế triển khai chương trình CLE tại các cơ sở đào tạo luật phía Nam cho thấy đã có sự kết nối giữa trường đại học, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền (điển hình như Ban quản lý các trại giam, Ủy ban nhân dân các xã, phường), đơn vị hành nghề luật sư (các văn phòng luật sư, công ty luật) với các tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi của các đối tượng yếu thế như công nhân (Trung tâm hỗ trợ thanh niên công nhân), các tổ chức tình nguyện bảo vệ người có HIV. Sự kết nối này đóng góp vào mục tiêu xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật cộng đồng và thực hiện trách nhiệm xã hội.

Những hạn chế trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật thực hành và đề xuất hoàn thiện

Qua nghiên cứu, đánh giá, người viết cho rằng chương trình CLE là một mô hình hoạt động có tiềm năng lớn trong việc triển khai các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012. Tuy nhiên, thực tiễn cũng cho thấy các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình CLE còn tồn tại những hạn chế như sau:

Thứ nhất, chương trình CLE đang diễn ra với quy mô nhỏ, thiếu tầm nhìn dài hạn và không có sự kết nối với các chính sách xã hội hóa hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật theo tinh thần của Luật giáo dục, phổ biến pháp luật năm 2012 và Nghị định 28/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật giáo dục, phổ biến pháp luật. Chính vì vậy, chương trình CLE hiện nay không phát huy được hết tiềm năng để đóng góp hiệu quả vào các hoạt động chung về phổ biến, giáo dục pháp luật được điều phối bởi Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Điều này dẫn đến hệ quả là các nguồn lực không được sử dụng triệt để. Mà lẽ ra, các Sở Tư pháp có thể sử dụng nguồn lực từ các chương trình CLE như cánh tay nối dài để hợp tác thực hiện các chương trình phổ biến, giáo dục pháp luật tại các cộng đồng.

Thứ hai, ngay cả quy định Luật giáo dục, phổ biến pháp luật năm 2012 và Nghị định 28/2013/NĐ-CP đã không đề cập đến đối tượng là các cơ sở đào tạo luật như là một chủ thể được khuyến khích thực hiện xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật. Minh chứng là quy định tại Điều 8 Nghị định 28/2013/NĐ-CP như sau: “ Nhà nước khuyến khích Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam, các hội công chứng, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp khác về pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật, tổ chức hành nghề luật sư, công chứng tham gia thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân; tạo điều kiện cho thành viên của tổ chức mình tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật miễn phí cho nhân dân thông qua hoạt động chuyên môn hoặc theo yêu cầu của cá nhân, tổ chức”. Với quy định này, nhóm tác giả cho rằng, nhà làm luật đã bỏ sót một chủ thể quan trọng và có nhiều tiềm lực để thực hiện các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật, đó là các cơ sở đào tạo luật. Chính vì quy định này làm cho các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình CLE được tổ chức tại các cộng đồng dân cư thiếu đi tính chính danh và không nhận được những sự hỗ trợ cần thiết của nhà nước trong khuôn khổ chính sách khuyến khích xã hội hội hoạt động này theo quy định tại Điều 7 Nghị định 28/2013/NĐ-CP.

Thứ ba, chính sách đầu tư của các cơ sở đào tạo luật dành cho chương trình CLE vẫn còn khiêm tốn, thiếu sự đồng bộ. Chương trình CLE sau một giai đoạn phát triển mạnh dưới sự tài trợ của các tổ chức quốc tế như UNDP, BABSEA CLE thì hiện tại có dấu hiệu chững lại và không có gì tiến triển. Những khó khăn về cơ chế, nguồn lực tài chính, nhân sự vẫn đang là vấn đề chưa được giải quyết. Dẫn đến tình trạng có quan điểm cho rằng chương trình CLE được xem như là một mô hình hoạt động thiện nguyện của thanh niên chứ không phải là một phương pháp đào tạo luật tiên tiến.

Từ những phân tích ở trên cùng với mục tiêu phát huy vai trò của các trường luật như là một chủ thể quan trọng trong công tác xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nhóm tác giả có một số đề xuất như sau:

Thứ nhất, Luật phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2012 và Nghị định 28/2013/NĐ-CP cần được sửa đổi theo hướng bổ sung các trường đào tạo luật là một trong những chủ thể của hoạt động xã hội hóa hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật bên cạnh các tổ chức hành nghề về pháp luật và tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật [ 9 , Điều 9]. Quan đó hình thành chính sách kết nối, hỗ trợ, khuyến khích các trường luật tham gia trực tiếp và hợp tác với các Sở Tư pháp cũng như các tổ chức hành nghề luật khác để triển khai các hoạt động liên quan đến tuyên truyền, giáo dục pháp luật.

Thứ hai, dựa trên chính sách được ghi nhận chính thức tại văn bản quy phạm pháp luật, các Sở Tư pháp có thể ký kết Thỏa thuận hợp tác với các Trường luật để cụ thể hóa các hoạt động phối hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm tận dụng lợi thế của hai bên. Trường luật có thể cung cấp nhân lực là các giảng viên, sinh viên cũng như các kinh nghiệm trong tuyên truyền, giáo dục pháp luật để tham gia trực tiếp vào việc soạn thảo các ấn phẩm tuyên truyền pháp luật, làm báo cáo viên pháp luật, tổ chức các hoạt động tuyên truyền pháp luật thông qua nhiều hình thức. Các Sở Tư pháp có thể đề ra các kế hoạch cụ thể, khảo sát nhu cầu cộng đồng và kết nối cộng đồng.

Kết luận

Việc tiếp cận pháp luật của công dân là bình đẳng giữa các chủ thể với nhau. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan hoặc chủ quan về điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội nên việc tiếp cập pháp luật của công dân có sự phân hoá khá rõ nét, đặc biệt là nhóm người yếu thế sẽ khó tiếp cập pháp luật hơn các nhóm chủ thể khác. Từ đó dẫn đến việc bảo vệ quyền lợi của mình sẽ không được đảm bảo. Và để triển khai đồng bộ, hiệu quả việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người dân thì việc huy động các nguồn lực trong xã hội là điều cần thiết. Bên cạnh lực lượng nòng cốt là các Sở Tư pháp thì đội ngũ giảng viên, sinh viên các trường luật sẽ là lực lượng hỗ trợ, triển khai đến người dân một cách có hiệu quả. Nếu sự kết hợp giữa các Sở Tư pháp và các cơ sở đào tào luật được triển khai thì đây là sự kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn; giữa những người làm công tác nghiên cứu và những người làm công tác thực tiễn.

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (VNU – HCMC) trong khuôn khổ đề tài mã số C2019-34-05.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

CLE: Clinical Legal Education, Community Legal Education – Chương trình giáo dục pháp luật thực hành

Đội CLE: Đội tuyên truyền và giáo dục pháp luật cộng đồng thuộc Trường Đại học Kinh tế - Luật.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Tác giả Lưu Minh Sang đóng góp ý tưởng, viết các nội dung sau:

- Tóm tắt

- Đặt vấn đề;

- Mô hình tuyên truyền, giáo dục pháp luật thông qua chương trình CLE tại các trường luật

- Thực trạng triển khai mô hình phổ biến, tuyên truyền pháp luật thông qua chương trình giáo dục thực hành pháp luật trên thực tế tại một số cơ sở đào tạo luật khu vực phía nam

- Tham gia viết phần Đánh giá thực trạng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật thực hành tại một số cơ sở đào tạo luật phía Nam và một số đề xuất

- Kết luận.

Tác giả Lê Hoài Nam tham gia viết các nội dung sau:

- Đánh giá thực trạng hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua chương trình giáo dục pháp luật thực hành tại một số cơ sở đào tạo luật phía Nam và một số đề xuất

- Kết luận và hoàn thiện bản thảo.

References

  1. Margaret MB, Jon CD & Peter Ạ. Clinical Education for This Millennium: The Third Wave. 7 CLINICAL L. REV. 1. . 2000;:. Google Scholar
  2. Chinh Lê Huỳnh Phương. Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng thông qua mô hình giáo dục pháp luật thực hành - Những thuận lợi và thách thức. Kỷ yếu hội thảo Phổ biến, giáo dục pháp luật cho cộng đồng tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, An Giang. 2021. . ;:. Google Scholar
  3. Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc UNODC. Hướng dẫn tăng cường năng lực và liêm chính tư pháp. Phòng xuất bản Thư viện Văn phòng Liên Hợp Quốc tại Viên (Áo). . 2011;:. Google Scholar
  4. Babsea CLE. About Clinical Legal Education (CLE). . ;:. Google Scholar
  5. Sang Lưu Minh. Việc triển khai hoạt động Pro Bono thông qua chương trình giáo dục pháp luật thực hành (CLE) tại trường đại học đào tạo Luật - Thực tiễn tại Khoa Luật, UEL. Kỷ yếu hội thảo "Chất lượng đào tạo của Trường Đại học Kinh tế - Luật: 15 năm xây dựng và phát triển" do Trường Đại học Kinh tế - Luật tổ chức. . 2015;:. Google Scholar
  6. BabSea CLE. Cẩm nang CLE, Tài liệu khoá học Mùa hè tại Khoa Luật, Trường Đại học Cần Thơ. 2012. . ;:. Google Scholar
  7. Trung tâm Tư vấn pháp luật. Giới thiệu về Câu lạc bộ Thực hành pháp luật. 2018. https://tuvanphapluat.hcmulaw.edu.vn/vi/clb-thuc-hanh-phap-luat/gioi-thieu-ve-cau-lac-bo-thuc-hanh-phap-luat. Truy cập ngày 10/7/2021. . ;:. Google Scholar
  8. Đội CLE - UEL. Báo cáo tổng kết hoạt động của Chương trình CLE giai đoạn 2010 - 2020. 2020. . ;:. Google Scholar
  9. Chính Phủ. Nghị định 28/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật phổ biến, giáo dục pháp luật ngày 04/4/2013, có hiệu lực thi hành từ ngày 27/5/2013. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 1 (2022)
Page No.: 2184-2191
Published: Dec 25, 2021
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.862

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Sang, L., & Lê, N. (2021). Legal popularization and legal education for community models through clinical legal education – practice at law schools in Southern Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(1), 2184-2191. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i1.862

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1743 times
PDF   = 547 times
XML   = 0 times
Total   = 547 times