Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

1307

Total

484

Share

The role of social capital on household livelihood strategies: Review from theory to emperical research






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Social capital is often identified as one of the most vital factors affecting households’ livelihood. However, literature on households’ livelihood has not cleared the role of social capital in livelihood, especially in livelihood strategies. This paper aims to review the relationship between social capital and household livelihood strategies. Based on previous papers in international journals and Vietnam journals, the author collected systematized and analyzed the role of social capital on livelihood strategies via the systematic review and other qualitative methods. Results show that there has been strong evidences about the relationship between social capital and livelihood strategies in theories and previous studies. Social capital has a direct effect along with indirect effects through other types of capital on livelihood. Besides that, methods of measuring social capital are diverse and depend on available data. Therefore, some aspects of that relationship revealed several research gaps, especially in empirical studies in Vietnam. The author suggested some dimensions in the role of social capital in research and applying livelihood policies in practice.

Giới thiệu

Sinh kế của hộ gia đình đặc biệt là hộ ở vùng nông thôn là một chủ đề trọng tâm trong nghiên cứu kinh tế học vi mô. Sinh kế thường được gắn liền với phương thức kiếm sống của cá nhân, hộ gia đình. Theo đó, sinh kế của hộ gia đình mang đến hàm ý về các phương thức mà hộ thực hiện với các nguồn lực và kỹ năng khác nhau nhằm theo đuổi các mục tiêu sinh kế và nâng cao cuộc sống của hộ 1 . Đối với việc lựa chọn chiến lược sinh kế của hộ, có rất nhiều yếu tố tác động đến hành vi lựa chọn chiến lược sinh kế của hộ, các nhân tố ở cấp độ hộ như các loại tài sản sinh kế, các đặc trung kinh tế xã hội của hộ cũng như các yếu tố bối cảnh bên ngoài như bối cảnh kinh tế xã hội, điều kiện tiếp cận kỹ thuật, thị trường,… 2 , 3 . Các loại tài sản sinh kế (5 loại vốn sinh kế (tự nhiên, vật chất, tài chính, con người và vốn xã hội) theo DFID hay 6 loại tài sản (vốn tự nhiên, vốn xã hội, vốn con người, vốn tài chính, vốn vật chất, các tài sản có giá trị) của Winters và các cộng sự) được xem là những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến việc lựa chọn chiến lược sinh kế của hộ 4 , 5 .

So với các vốn, tài sản khác thì vốn xã hội không được nghiên cứu từ lĩnh vực kinh tế học mà xuất phát từ xã hội học và lan tỏa sang các ngành nghiên cứu xã hội khác, vốn xã hội đã trở thành một chủ đề nghiên cứu liên ngành. Vốn xã hội là một nhân tố quan trọng được quan tâm ngày càng nhiều trong nghiên cứu và được coi là một nguồn lực quan trọng để thúc đẩy sự phát triển sinh kế bền vững của mỗi hộ gia đình. Hơn thế nữa, vốn xã hội thay thế các định chế khác nhằm đảm bảo niềm tin, các nguyên tắc của cộng đồng và nhờ đó thúc đẩy xã hội phát triển, giảm các chi phí giao dịch 6 .

Một trong những nền tảng phân tích sinh kế quan trọng, DFID nhấn mạnh đến vốn xã hội không chỉ là một tài sản sinh kế thúc đẩy sinh kế bền vững cho hộ mà còn là nhân tố quan trọng kiến tạo nên cơ hội sinh kế cũng như thúc đẩy các nguồn tài sản sinh kế khác của hộ 3 . Thực tiễn kiểm nghiệm tại các quốc gia khác nhau cho thấy, chiến lược sinh kế cả tĩnh và động của hộ đều chịu ảnh hưởng từ các nhân tố sinh kế, trong đó, vốn xã hội trở thành một động lực quan trọng trực tiếp hay gián tiếp thúc đẩy sự chuyển đổi trong chiến lược sinh kế của hộ 7 , 8 , 9 .

Các nghiên cứu cho thấy, Việt Nam có sự khác biệt so với thế giới và các quốc gia trong khu vực về đặc điểm vốn xã hội nhưng hiện nay vẫn chưa có những nghiên cứu nào phân tích đầy đủ mối quan hệ giữa vốn xã hội và sinh kế của hộ tại Việt Nam 10 , 11 . Các nghiên cứu về lược khảo hệ thống (systematic review) về chủ đề này trong giới hạn tìm kiếm của tác giả chưa thấy các nghiên cứu nào tổng hợp và làm rõ vai trò của vốn xã hội trong chiến lược sinh kế hộ. Do đó, nghiên cứu này hướng đến mục tiêu đánh giá hệ thống các lý thuyết và nghiên cứu trước có liên quan trên thế giới và Việt Nam về vai trò của vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của hộ. Từ đó, làm rõ vai trò của vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của hộ trong các nghiên cứu và lý thuyết về sinh kế.

Bài nghiên cứu này dựa trên các nguồn cơ sở dữ liệu nghiên cứu được tìm kiếm từ Google Scholar, các hệ thống tạp chí quốc tế và Việt Nam. Các từ khóa được tìm kiếm các nghiên cứu có liên quan bao gồm: “social capital”, “vốn xã hôi”, “livelihood”, “sinh kế”. Dựa trên kết quả tìm kiếm các nghiên cứu trên các cơ sở dữ liệu tại Việt Nam và trên thế giới, tác giả tập trung vào các phương pháp phân tích định đính dựa trên nghiên cứu hệ thống (systematic review) để đánh giá và xác định vai trò của vốn xã hội, cũng như các khoảng trống nghiên cứu hiện tại, đặc biệt tại Việt Nam về chủ đề này. Bài này bao gồm 3 phần chính: Cơ sở lý thuyết (mục 2), lược khảo lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm (mục 3) và các kết luận cùng gợi ý các tiếp cận tiếp theo trong hướng nghiên cứu này.

Cơ sở lý thuyết

Hộ

Trong định nghĩa về hộ gia đình của OECD (2013) thì một hộ gia đình là việc 1 người hay một nhóm người chia sẻ nơi ở, một phần chia sẻ trong chi tiêu cho các yếu tố cần thiết cho cuộc sống. Sự chia sẻ về nguồn lực cũng hàm ý về sự chia sẻ thu nhập và/hoặc phúc lợi sử dụng để tài trợ chi tiêu cho hàng hóa và dịch vụ.

Trong các định nghĩa của các tổ chức khác nhau, nội hàm về hộ gia đình của các tổ chức khác đều dựa trên định nghĩa cốt lõi về sự chia sẻ nhằm đảm bảo cuộc sống về nhà ở, chi tiêu hay thu nhập 12 .

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, hộ gia đình hay hộ là:

  • “Hộ bao gồm một người ăn ở riêng hay một nhóm người ở chung và ăn chung. Đối với hộ có từ hai người trở lên, có thể có hoặc không có quỹ thu chi chung. Các thành viên của hộ có thể có mối quan hệ hôn nhân, ruột thịt, họ hàng; hoặc kết hợp những người có quan hệ ruột thịt với những người không có quan hệ ruột thịt” 13 .

Định nghĩa này của tổng cục thống kê được sử dụng làm đơn vị trong tất cả các cuộc điều tra chính thức với đơn vị là hộ.

Vốn xã hội

Vốn xã hội được tiếp cận và chú ý từ giữa thế kỷ 19 với các quan sát của Tocqueville, những người đóng góp lớn, tạo nên những dấu ấn đậm nét trong quá trình phát triển của lý thuyết về vốn xã hội là Putnam, Bourdieu và Coleman 14 , 15 . Quá trình phát triển khái niệm vốn xã hội, bắt đầu từ các nhà xã hội học tập trung vào các khái niệm phân tích ngành xã hội học đã dần mở rộng thành một khái niệm đa dạng, phức tạp mang tính động, tính liên ngành.

Vốn xã hội dưới tiếp cận của Bourdieu thì vốn xã hội ít nhiều được thể chế hóa từ việc sở hữu một mạng lưới các mối quan hệ quen biết tạo nên sự tập hợp các nguồn lực hiện hữu hay tiềm tàng 6 . Trong khi đó, dưới tiếp cận của A. Coleman thì: “Vốn xã hội được định nghĩa theo các chức năng của nó” 16 .

Trong khi đó, Woolcock & Narayan củng cố các khái niệm vốn xã hội ở góc độ đối tượng nghiên cứu đã phân tách các dòng lý thuyết vốn xã hội thành 4 quan điểm nhìn nhận: góc nhìn từ công cộng, góc nhìn từ thể chế, góc nhìn từ mạng lưới, góc nhìn tổng hợp 17 .

Các khái niệm vốn xã hội được sử dụng trong các nghiên cứu trong kinh tế học thường sử dụng nội hàm về tính liên kết và mạng lưới của vốn xã hội 18 . Các nghiên cứu về sinh kế thường sử dụng nội hàm vốn xã hội tiếp cận từ hình thức mạng lưới xã hội, điều này xuất phát từ các khung phân tích sinh kế như DFID (1999), vốn xã hội được tiếp cận theo hướng đơn giản hóa nội hàm để đo lường trong vốn sinh kế của hộ 3 .

Chiến lược sinh kế

Wallace đã cho thấy quá trình khái niệm về chiến lược của hộ gia đình được thảo luận trong các chuyên ngành với sự khác biệt giữa các quan điểm của các nhà nghiên cứu. Theo đó, sự tranh luận việc có hay không các hộ gia đình có chiến lược sinh kế và nếu có thì khái niệm này có thể áp dụng cho toàn bộ các hộ gia đình hay chỉ có một phần các hộ gia đình. Nghiên cứu của Alan Warde (1990, dẫn theo Wallace (2002)) đề xuất về khái niệm chiến lược đối với hộ gia đình có thể được xem xét dưới dạng chiến lược mạnh và yếu 19 . Trong đó, chiến lược mạnh được định nghĩa là việc các hộ thực sự đưa các kế hoạch cho các hoạt động của họ, và chiến lược yếu là chiến lược được dựa trên các kết quả đầu ra của hộ để tính toán và phân loại.

Các nghiên cứu về chiến lược sinh kế của hộ dưới góc nhìn kinh tế học thường được hiểu chiến lược như là một chiến lược yếu hơn là một chiến lược mạnh. Trên quan điểm của DFID thì các chiến lược sinh kế một trong các thành phần thiết yếu được sử dụng để chỉ cho các hoạt động của các người dân thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu sinh kế của họ. Quan điểm của DFID cũng cho rằng việc sử dụng các cụm từ về “chiến lược đáp ứng” (adaptive strategies) với ý nghĩa của “chiến lược sinh kế” là không chính xác. Chiến lược đáp ứng và chiến lược đối phó (coping strategies) được sử dụng trong các thời điểm khủng hoảng, còn thuật ngữ chiến lược sinh kế bao hàm định nghĩa về một chuỗi và kết hợp các hoạt động cũng như lựa chọn của người dân (quyết định hay thực hiện) để đạt đến các mục tiêu sinh kế của họ 3 .

Quan điểm của F Ellis về chiến lược sinh kế là các lựa chọn được xác định bởi các nguồn lực tài sản của hộ (đất, đầu vào, giáo dục,..) được điều chỉnh bởi bối cảnh sinh kế mà hộ đang sống( Ellis, 1998) 2 . Quan điểm này tương tự với quan điểm của một số nhà nghiên cứu sau này, và do đó việc nghiên cứu về chiến lược sinh kế thường tập trung vào một chiến lược sinh kế đặc biệt trong một bối cảnh cụ thể (Barrett et al., 2001; Carswell, 2002; Jansen et al., 2006; Kassie et al., 2017; Loison, 2016; Quisumbing et al., 2014) 20 , 21 , 22 , 23 , 24 , 25 .

Tổng hợp các định nghĩa của các nhà nghiên cứu trước, van den Berg sử dụng cụm từ chiến lược sinh kế mang nội hàm về các lựa chọn và các hoạt động mà con người thực hiện để theo đuổi các mục tiêu về thu nhập, an toàn, phúc lợi, sản xuất và tái sản xuất 26 . Các nghiên cứu gần đây khi tập trung vào các xác định chiến lược sinh kế của hộ thường xác định chiến lược sinh kế của hộ với nội hàm là các chiến lược yếu với các nội dung từ việc xác định chiến lược sinh kế của Ellis. Các nghiên cứu đều dựa trên nội hàm chiến lược yếu để xác định chiến lược sinh kế dựa trên các thông tin thu được từ các hoạt động sinh kế, tài sản sinh kế hay kết quả hoạt động sinh kế 27 , 28 , 29 , 30 , 9 .

Vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của hộ

Vốn xã hội trong các khung phân tích sinh kế hộ gia đình

Các khung sinh kế bền vững

Lược khảo các nghiên cứu về sinh kế đều dựa trên các nền tảng là các khung phân tích sinh kế điển hình: từ Scoones (1998) đến khung phân tích được sử dụng phổ biến nhất là DFID (1999). Ngoài ra, còn các biến thể khung phân tích sinh kế khác như FAO, Winter và cộng sự hay Walelign và cộng sự. Dưới đây, tác giả tóm lược vốn xã hội trong các khung phân tích sinh kế được sử dụng trong các nghiên cứu sinh kế.

Khung sinh kế Scoones (1998)

Trong nghiên cứu về khung phân tích sinh kế bền vững, Scoones xác định chiến lược sinh kế như là vị trí trung gian để hướng đến đạt được các đầu ra sinh kế bền vững (bao gồm 3 mục tiêu sinh kế và 2 mục tiêu bền vững) 31 . Trong khung phân tích được cụ thể hóa ở Figure 1 , quá trình hướng đến kết quả được xác định tuần tự từ các bối cảnh – nguồn lực – chiến lược sinh kế và cuối cùng là các đầu ra sinh kế bền vững.

Vốn xã hội được Scoones định hình dựa trên các khía cạnh về mạng lưới, quan hệ xã hội, các tổ chức hay liên kết xã hội). Cùng với các hình thức vốn khác, vốn xã hội không kết hợp hình thành chiến lược sinh kế một cách trực tiếp mà thông qua các thiết chế và tổ chức xã hội hay là các cấu trúc xã hội như là “dung môi” tại nơi mà hộ gia đình sinh sống. Dung môi này có thể kiến tạo/ thúc đẩy hay hạn chế việc xác định/tiếp cận của hộ với các nguồn vốn giúp định hình các chiến lược sinh kế của hộ. Hơn thế nữa, tác giả nhấn mạnh đến các mối liên kết xã hội, các mối quan hệ xã hội cả chính thống và phi chính thống trong thúc đẩy các sinh kế bền vững của hộ.

Figure 1 . Khung sinh kế Scoones (1998) 32

Figure 1 
<a class=32" width="300" height="200">

[Download figure]

Khung phân tích của Scoones được coi là một trong những khung phân tích khởi đầu cho việc hình thành các phương thức phân tích sinh kế một cách tương đối rõ ràng theo quy trình phân tích và là cơ sở để các khung phân tích sau này phát triển.

Khung phân tích sinh kế bền vững của cơ quan phát triển quốc tế Anh (DFID)

Xuất phát từ hoạt động của cơ quan phát triển quốc tế Anh trong quá trình thực hiện các chương trình hỗ trợ phát triển, nâng cao sinh kế trên thế giới, một khung phân tích sinh kế bền vững được đưa ra cùng với bản cáo bạch vào năm 1997 và được hoàn thiện vào năm 1999 33 . Ba điểm nhấn quan trọng trong khung phân tích sinh kế bền vững DFID ( Figure 2 ) bao hàm cả bối cảnh mà hộ đang sinh sống, các quá trình và cấu trúc chuyển đổi để hướng đến các mục tiêu sinh kế.

Figure 2 . Tóm lược khung phân tích sinh kế bền vững DFID 4

Figure 2 
<a class=4" width="300" height="200">

[Download figure]

Trong khung phân tích này, vốn xã hội có vai trò khá đặc biệt, quan điểm của DFID cho rằng vốn xã hội không chỉ đóng vai trò là một nguồn tài sản sinh kế cho hộ lựa chọn chiến lược sinh kế mà vốn xã hội còn tác động đến các loại vốn sinh kế còn lại của hộ gia đình. Đối với vốn tài chính, thông qua việc nâng cao các mối quan hệ kinh tế hiệu quả, vốn xã hội có thể giúp gia tăng thu nhập và tỷ lệ tiết kiệm. Đối với vốn tự nhiên và vốn vật chất, vốn xã hội có thể giúp giảm hiện tượng “người ăn theo” (free rider), điều này hàm ý rằng việc quản trị hiệu quả hơn các nguồn lực công (vốn tự nhiên) và cơ sở hạ tầng chung (vốn vật chất). Đối với vốn nhân lực, mạng lưới xã hội thiết lập cơ sở cho việc chia sẻ, phát triển tri thức và nền tảng cho các hoạt động sáng tạo, do đó, DFID cho rằng vốn nhân lực và vốn xã hội có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Dù vậy, DFID cũng cho rằng, vốn xã hội không chỉ luôn đóng vai trò tích cực mà nó còn có các tác động tiêu cực đặc biệt đối với các hộ nằm ngoài các mạng lưới xã hội quan trọng cũng như sự giới hạn/kiềm chế đối với các thành viên trong nhóm trong khả năng di động hay vượt ra khỏi các khuôn khổ, ví như tình trạng nghèo đói.

Bên cạnh khung phân tích sinh kế DFID, các khung phân tích sinh kế khác được phát triển. Khung thu thập thông tin và phân tích về một nhóm tổn thương về đảm bảo lương thực của tổ chức lương thực thế giới FAO được đưa ra tại báo cáo an ninh lương thực thế giới năm 2000. Theo đó các nhân tố tác động đến sinh kế của hộ và từ đó tác động đến an ninh lương thực của hộ. Vốn xã hội trong khung phân tích của FAO đóng vai trò là một loại tài sản sinh kế của hộ tác động đến chiến lược sinh kế của hộ thông qua các yếu tố trung gian (các chính sách, chương trình, các niềm tin/thái độ, pháp luật) dưới tác động của các xung lực thay đổi như các cú sốc, các xu hướng hay tính mùa vụ. Khác với DFID, FAO xác định chiến lược sinh kế là nhóm các yếu tố hoạt động động bên cạnh các yếu tố về phân bổ lương thực hay các hoạt động liên quan đến sức khỏe. Trong khi đó các đầu ra trung gian là các tiếp cận hộ và cá nhân cũng như các thỏa dụng sinh học trước khi đến đầu ra cuối cùng là an toàn về thực phẩm 34 .

Trong nghiên cứu của Winters và cộng sự về các chiến lược sinh kế và vốn xã hội của các hộ vùng nông thôn ở Châu Mỹ La Tinh cho thấy các hộ có nhiều phương thức khác nhau để thoát nghèo 5 . Khung phân tích của Winters và cộng sự đặt vốn xã hội dưới ảnh hưởng của các bối cảnh tự nhiên, con người. Khác khung phân tích DFID, Winters và các cộng sự xác định ảnh hưởng của vốn xã hội là trực tiếp đến chiến lược sinh kế của hộ. Bên cạnh đó, tương tự các loại tài sản khác của hộ, thông qua đầu tư có thể làm gia tăng vốn xã hội của hộ.

Dựa trên khung phân tích của Winters và cộng sự (2001), Nielsen và cộng sự (2013) đưa ra khung phân tích sinh kế của các tác giả với sự điều chỉnh tài sản sinh kế của hộ là 5 loại tài sản tương tự như khung phân tích DFID và Ellis (2000) đưa ra trước đó (vốn tự nhiên, vốn vật chất, vốn tài chính, vốn xã hội và vốn nhân lực), trong khi đó, các nhân tố và các mối quan hệ tương tác được sử dụng tương tự của khung phân tích của Winters và cộng sự 30 . DFID cho rằng tính động của chiến lược chịu tác động lớn từ cấu trúc và các quá trình chuyển đổi, đặc biệt là những thay đổi trong bối cảnh của hộ sinh sống, không chỉ từ bối cảnh sinh kế, Winters và cộng sự (2001) nhấn mạnh hơn nữa vào tài sản của hộ có thể làm cho chiến lược sinh kế mang tính động 5 .

Walelign và cộng sự đề xuất khung phân tích chiến lược sinh kế động với 2 giai đoạn. Trong đó, quá trình chuyển đổi phụ thuộc vào các hoạt động tiết kiệm và đầu tư của hộ, trong khi đó tính động mà Walelign và cộng sự hướng đến là tính động của nghèo (thoát nghèo, rơi vào nghèo đói, tiếp tục nghèo và giữ được tình trạng không nghèo) và tính động chiến lược sinh kế (chuyển đến chiến lược thu lợi ít hơn, nhiều hơn hay là tiếp tục ở chiến lược thu lợi ít hơn hay nhiều hơn) 35 . Vốn xã hội trong mỗi thời đoạn đóng vai trò tương tự trong khung phân tích DFID khi thông qua các yếu tố trung gian tác động lên chiến lược sinh kế của hộ. Quá trình đầu tư, tiết kiệm sẽ chuyển hộ sang thời đoạn 2 trong quá trình có hay không việc dịch chuyển các chiến lược sinh kế của hộ. Như vậy mỗi sự thay đổi trong vốn xã hội cũng có thể là nguồn tác nhân thúc đẩy sự thay đổi trong lựa chọn chiến lược sinh kế của hộ từ đó dẫn dắt đến trạng thái chuyển đổi sinh kế của hộ.

Như vậy, cơ sở lý thuyết dựa trên các khung phân tích sinh kế cho thấy:

(i) Bối cảnh sinh kế là nền tảng tạo nên sự khác biệt giữa các địa phương khác nhau và các tập quán sinh kế khác nhau trong nghiên cứu. Chính vì thế, các khung phân tích sinh kế thực hành như DFID hay FAO đều xác định là yếu tố đầu tiên cần nhận diện trong thực hành các khung phân tích sinh kế của mình 34 , 4 . Hay là yếu tố cơ sở tạo ra các khác biệt khi xem xét vốn xã hội trong các chiến lược sinh kế ở các không gian nghiên cứu khác nhau.

(ii) Vốn xã hội đều được xem là một trong các nguồn vốn sinh kế cốt lõi. Các khung phân tích sinh kế đều khẳng định vai trò tác động trực tiếp của vốn xã hội đến chiến lược sinh kế của hộ. Trên khía cạnh lý thuyết, theo phát triển của Lin về sức nặng của các mối liên kết yếu trong vốn xã hội, vốn xã hội càng cao giúp đạt được mức độ lợi ích cao hơn, một trong các lợi ích đó là lợi ích về kinh tế; hay là, thông qua các giá trị thông tin nhận được, hộ có thể có được lợi thế về thông tin để đạt được chiến lược sinh kế tốt hơn 36 . Dù thế, DFID cũng nhấn mạnh rằng, vốn xã hội không lúc nào cũng là tác động đến sinh kế nói chung và chiến lược sinh kế nói riêng.

(iii) Một trong các kết nối vững chắc và khá thống nhất giữa các khung phân tích sinh kế khác nhau từ DFID, FAO là tương tác giữa vốn xã hội với các loại hình vốn sinh kế khác. Theo đó, vốn xã hội có mối quan hệ tác động đến 3 loại vốn về tài chính, vật chất, tự nhiên, thông qua đó ảnh hưởng đến chiến lược sinh kế của hộ.

Vốn xã hội trong các nghiên cứu sinh kế đi trước

Đo lường vốn xã hội

Woolcock và Mill còn nhấn mạnh rằng việc đo lường vốn xã hội phải dựa trên cách tiếp cận kết hợp đa chiều 37 . Không chỉ phức tạp trong xác định nội hàm mà vốn xã hội còn mang tính đặc thù trong đo lường 38 , điều này hàm ý rằng, việc đo lường vốn xã hội hoàn toàn có thể có những thay đổi khác biệt tùy vào không gian nghiên cứu và thời điểm nghiên cứu.

Trong các tiếp cận phân tích sinh kế, vốn xã hội được đo lường bằng nhiều chỉ báo khác nhau, dù vậy, phần lớn các nghiên cứu sinh kế hiện thời vốn xã hội được xem như một biến số/nhân tố kiểm soát hơn do không nhiều các nghiên cứu tập trung vào vốn xã hội, việc đo lường vốn xã hội thường được sử dụng các chỉ số tham gia vào các tổ chức xã hội của hộ 39 , 40 , 41 .

Dù vậy, gần đây, các chỉ báo khác nhau được sử dụng để đo lường vốn xã hội trong các nghiên cứu sinh kế là khá đa dạng, Claudia Hunecke và cộng sự (2017) 42 đã thực hiện kiểm định tác động của vốn xã hội đến việc quyết định thay đổi công nghệ của các hộ nông dân tại Chile, các tác giả thực hiện đo lường vốn xã hội thông qua 7 yếu tố: lòng tin nói chung, tin vào thể chế, tin vào cộng đồng, luật lệ, các mạng lưới chính thức và phi chính thức, quy mô các mạng lưới. Trong nghiên cứu Yobe và cộng sự (2019) 43 sử dụng các nguồn thông tin theo hướng tiếp cận nguồn lực thông tin trong mạng lưới xã hội để xem xét ảnh hưởng đến chiến lược sinh kế của hộ. Trong khi đó, Wang, Peng, Xu, & Wang (2019) 44 lại đo lường vốn xã hội thông qua số lượng các mối quan hệ để phân tích tác động của vốn xã hội đến các chiến lược sinh kế của hộ 45 , 46 , và cũng có thể đặc tính xã hội của hộ 40 , 29 .

Như vậy, việc đo lường vốn xã hội ở cấp độ hộ không chỉ đa dạng về số lượng chỉ báo mà còn khác biệt trong khía cạnh tiếp cận, mà còn nằm ở vấn đề giới hạn do dữ liệu tiếp cận đặc biệt đối với các nghiên cứu sinh kế. Dựa trên góc nhìn về lý thuyết cũng như hình thái biểu hiện của vốn xã hội gắn liền với các đặc trưng kết nối xã hội của hộ. Việc dựa trên một hay một vài chỉ báo dường như không phải là một lựa chọn tối ưu cho việc đo lường vốn xã hội ở cấp độ hộ.

Vai trò của vốn xã hội đến chiến lược sinh kế của hộ

Vốn xã hội trong lựa chọn/chuyển đổi chiến lược sinh kế của hộ

Trong lựa chọn sinh kế, đặc biệt là sinh kế của các hộ nông dân, bằng việc lược khảo các nghiên cứu và thảo luận mở rộng, Bebbington xác định 5 loại vốn: tự nhiên, con người, văn hoá, xã hội, sản xuất không chỉ ảnh hưởng đến sinh kế của hộ mà còn có sự tương tác với nhau 47 . Trong đó, Bebbington nhấn mạnh tầm quan trọng của vốn xã hội dù rằng mức độ thông hiểu về loại vốn này là khó khăn hơn các loại vốn khác do mức độ kém hữu hình của nó, dù vậy, với các minh chứng từ các nghiên cứu trước, Bebbington nhấn mạnh đến sự mở rộng khả năng tiếp cận các loại hình vốn khác của hộ. Hơn thế nữa, tác giả còn nhấn mạnh vốn xã hội là loại vốn quan trọng nhất đối với các nông hộ khu vực nông thôn cần nhất để xây dựng sinh kế bền vững.

Winters và cộng sự khi thực hiện nghiên cứu thực nghiệm ở Mexico phát hiện ra rằng vốn xã hội thông qua các mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng lớn đến khả năng tham gia vào các hoạt động phi nông nghiệp của hộ. Đây là một trong những nghiên cứu mở đầu cho dòng nghiên cứu về lựa chọn hoạt động sinh kế phi nông hay đa dạng hoá trong hoạt động sinh kế tại các khu vực nông thôn, nông dân 48 .

Bên cạnh dòng nghiên cứu về ảnh hưởng của vốn xã hội đến chiến lược sinh kế phi nông nghiệp, chiến lược sinh kế dựa trên hoạt động di cư của các hộ vùng nông thôn cũng trở thành một chủ đề nghiên cứu quan trọng. Các nghiên cứu cho thấy, những người di cư kiến tạo nên mối liên kết hình thành sự chia sẻ thông tin có tác động mạnh đến những người dự định hay là những người di cư tiềm năng. Những người di cư tiềm năng có thể tiếp cận được các nguồn lực hỗ trợ về thông tin, chi phí, công việc từ người thân, họ hàng, bạn bè,… 49 . Thông qua những sự hỗ trợ này, những người di cư tiềm năng giảm thiểu được rủi ro, chi phí di cư cũng như tương lai bất định khi quyết định di cư. Khi thực hiện nghiên cứu về vấn đề di cư và vốn xã hội tại Mexico cho thấy một tỷ lệ cao di cư trong gia đình hay cộng đồng xuất phát từ tác động của vốn xã hội, các tác giả cho rằng điều này còn chịu ảnh hưởng mạnh từ yếu tố di cư của người thân, họ hàng đã đi trước đó 50 .

So với dòng nghiên cứu về sự lựa chọn một chiến lược sinh kế đặc biệt, các nhà kinh tế khác lại quan tâm đến sự dịch chuyển trong chiến lược sinh kế hay là độ nhạy trong chiến lược sinh kế của nông hộ. Theo đó, nghiên cứu của Alemu tại vùng nông thôn Nam Phi cho thấy, các hộ có mức độ vốn xã hội cao có thể dịch chuyển các chiến lược sinh kế dễ dàng hơn và hướng đến mức thu nhập cao hơn 51 . Fang và các cộng sự trong một nghiên cứu về các chiến lược nông nghiệp và phi nông của các nông hộ tại một lưu vực sông ở Trung Quốc cho thấy, vốn xã hội cùng với vốn tài chính đóng vai trò trung gian, là môi trường kết nối và thúc đẩy các hoạt động sinh kế phi nông nghiệp tựa như một chất dung môi 52 .

Các nghiên cứu khác, tại các vùng khác nhau cũng cho thấy vốn xã hội không chỉ đóng một vai trò quan trọng trong quá trình dịch chuyển sinh kế mà còn giúp hộ đối diện với các bối cảnh sinh kế khác nhau. Doss & Meinzen-Dick nhận định rằng, các hộ gia đình giờ đây phải đối mặt với sự tổng gộp nhiều tác động, với các thành viên làm việc cùng nhau để thực hiện các chiến lược sinh kế và phân phối hàng hóa 53 . Từ đó, các tác giả xác định rằng thông qua vốn xã hội ngày càng cao được thể hiện qua các hoạt động hợp tác, tập thể giúp các hộ gia đình có được sinh kế bền vững. Alam, Alam, & Mushtaq khi thực hiện nghiên cứu về các chiến lược đáp ứng sinh kế của các hộ dân ở Bangladesh đã cho thấy, các chiến lược đáp ứng sinh kế chịu sự giới hạn khi thiếu khả năng tiếp cận tín dụng và giới hạn thông tin. Kết quả mô hình ước lượng cho thấy các chiến lược điều chỉnh sinh kế chịu tác động bởi vốn xã hội của hộ gia đình và việc tiếp cận đến các thể chế để có đủ nguồn lực đảm bảo sinh kế bền vững 54 . Nghiên cứu của Khatiwada và cộng sự tại Nepal cho thấy, việc là thành viên của một tổ chức mạng lưới giúp gia tăng khả năng tham gia vào chiến lược là nông nghiệp thương mại 41 , 55 .

Các nghiên cứu mới đây cho thấy, vốn xã hội có sự gắn kết mạnh hơn khi hộ đối diện với các bối cảnh sinh kế khác nhau và xác định khả năng chuyển đổi trong chiến lược sinh kế của hộ. Trong một nghiên cứu về lựa chọn chiến lược sinh kế của các hộ ngư nghiệp tại Ghana, các tác giả chỉ ra rằng, chiến lược sinh kế của hộ đóng vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh hay đáp ứng với các thách thức phổ biến mà họ đối diện. Trong đó, bằng mô hình định lượng, các tác giả cho thấy vai trò quan trọng của vốn xã hội trong việc lựa chọn sinh kế của các hộ ngư nghiệp tại vùng nghiên cứu 29 .

Vốn xã hội trong tương tác với các tài sản sinh kế của hộ

Coleman trong các nghiên cứu thiết lập các nền tảng lý thuyết về vốn xã hội gắn liền với vốn nhân lực đã gắn kết mối quan hệ tác động qua lại giữa vốn xã hội và vốn nhân lực, trong đó, ông minh chứng sự hình thành vốn nhân lực từ vốn xã hội 16 . Đây là một trong những mối quan hệ kết nối quan trọng hình thành vốn nhân lực từ các mối quan hệ xã hội hay vốn xã hội.

Grootaert trong nghiên cứu về vai trò vốn xã hội đối với phúc lợi và nghèo đói cấp độ hộ gia đình ở Indonesia cho thấy, với những hộ có mức độ vốn xã hội cao thì mức chi tiêu bình quân đầu người và tài sản đều cao hơn, hơn thế nữa, những hộ này có có tiết kiệm cao hơn và khả năng tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn. Trong bài nghiên cứu này, tác giả thực hiện đo lường vốn xã hội dưới 6 khía cạnh: (1) số thành viên trong tổ chức bất kỳ, (2) sự khác biệt bên trong, (3) tham gia các hoạt động ra quyết định, (4) phí thành viên, (5) tham gia các cuộc gặp gỡ, (6) xu hướng của cộng đồng 56 .

Fafchamps và Gubert phát hiện ra rằng những thông tin rủi ro thường được chia sẻ trong các mạng lưới và những mạng lưới này thường liên quan chủ yếu về mặt huyết thống, trong khi đó, các mối liên hệ về kinh tế lại không có tác động đến việc chia sẻ thông tin này một cách có ý nghĩa thống kê. Khi nghiên cứu tình huống ở Sri Lanka, Morrison đã xác định các chiến lược tìm đến các nguồn thu nhập bên trong và bên ngoài để đáp ứng cho nhu cầu của hộ 57 . Trong đó các mối liên kết, kết nối chính trị mang lại nhiều lợi ích hơn và có điều kiện để thúc đẩy các hoạt động sinh kế của hộ. Ngoài ra, việc các hộ có học thức hơn hay nhiều kinh nghiệm hơn và có các kết nối các nguồn lực chính trị tốt hơn có thể khỏa lấp sự ít ỏi về diện tích đất đai trong làng.

Loan Thi Phan và các cộng sự đã phân tích và đưa ra khung tương tác giữa vốn xã hội và 4 loại vốn khác của hộ khi hướng đến việc xác định kênh tác động đến sinh kế của hộ gia đình 58 . Theo đó, 3 loại vốn vật chất (material capital – tài chính, vật chất, tự nhiên) và 2 loại vốn phi vật chất (vốn xã hội, vốn nhân lực) có mối quan hệ tương tác phức tạp trong khung phân tích DFID. Tương tác của vốn xã hội đến 4 loại vốn khác được thông qua 3 hình thái của vốn xã hội: niềm tin, quy chuẩn và mạng lưới.

Các nghiên cứu về vai trò của vốn xã hội trong sinh kế hộ gia đình Việt Nam

Trong nghiên cứu của Nguyễn Văn Toàn và cộng sự cho thấy sinh kế của người dân trong đó có chỉ số về vốn xã hội đã có những thay đổi đáng kể từ những hoạt động đầu tư, hỗ trợ của chương trình 59 . Khi nghiên cứu về sinh kế của các nông hộ ở đồng bằng sông Cửu Long trước bối cảnh dễ tổn thương, Võ Văn Tuấn & Lê Cảnh Dũng cũng đã xác định, vốn xã hội đóng một vai trò tích cực đến sinh kế của hộ gia đình trong các tình huống dễ tổn thương này 60 . Trong nghiên cứu của Hoài và Bảo (2014) 61 về ảnh hưởng của vốn xã hội đối với khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức và phi chính thức cho thấy, vốn xã hội liên quan đến mạng lưới phi chính thức và niềm tin đều không tác động có ý nghĩa thống kê đến tiếp cận tín dụng. Trong khi đó, nghiên cứu của Ngọc & Chính (2015) 62 , chỉ ra việc tham gia vào các hội đoàn là yếu tố tích cực đến khả năng tiếp cận vay vốn chính thức tại đây, trong các nghiên cứu khác cũng cho thấy việc là thành viên của các tổ chức xã hội hay đảng có thể mang lại những lợi ích cả về kinh tế và cơ hội tiếp cận nguồn lực tốt hơn cho hộ 63 .

Trong nghiên cứu về ứng xử kinh tế của nông hộ trong các làng xã ở Nam Bộ, Thanh và Mus đã cho thấy sự khác biệt lớn giữa các làng xã ở vùng Nam bộ so với các vùng khác ở Việt Nam, trong đó, vùng Nam bộ với đặc trưng sở hữu tư nhân từ xưa nên yếu tố gắn kết về kinh tế ở làng xã thấp hơn nhiều so với các vùng khác trong cả nước. Ngoài ra, nhóm tác giả còn cho thấy, làng xã đóng vai trò như là một ràng buộc (theo nghĩa tiêu cực) hay là sự gắn kết (theo ý nghĩa tích cực) đối với các thành viên trong các hoạt động kinh tế. Đồng thời, trong nghiên cứu tập trung vào vùng Nam bộ, các tác giả cũng cho thấy giữa các hộ có mối quan hệ mạng lưới với nhau thường có xu hướng hợp tác để hỗ trợ nhau trong các hoạt động sinh kế trong hoạt động sản xuất nông nghiệp 64 .

Tại Bắc Kạn, Việt Nam, nhóm tác giả Nguyễn Hải Núi và cộng sự nhấn mạnh rằng nếu hộ có nguồn lực sinh kế mạnh thì sẽ lựa chọn các chiến lược sinh kế có mức thu nhập cao hơn 27 . guồn vốn xã hội cho thấy sự khác biệt đáng kể, dường như các hộ có mức độ vốn xã hội cao (nhận được sự trợ giúp từ hộ khác) thì lại có xu hướng lựa chọn chiến lược sinh kế phụ thuộc vào rừng (có mức thu nhập thấp hơn), điều này cho thấy vốn xã hội dường như có tác động tiêu cực đến việc lựa chọn sinh kế của hộ.

Thảo luận kết quả khảo lược nghiên cứu

Thứ nhất, khung phân tích về sinh kế xác định vốn xã hội như là các khái niệm mang tính tóm lược, gắn liền với các khái niệm chung về vốn xã hội. Điều này mở rộng phạm vi đo lường khái niệm vốn xã hội trong nghiên cứu thực nghiệm. Việc đo lường vốn xã hội ở cấp độ hộ không chỉ đa dạng về số lượng chỉ báo mà còn khác biệt trong khía cạnh tiếp cận, mà còn nằm ở vấn đề giới hạn do dữ liệu tiếp cận đặc biệt đối với các nghiên cứu sinh kế. Dựa trên góc nhìn về lý thuyết cũng như hình thái biểu hiện của vốn xã hội gắn liền với các đặc trưng kết nối xã hội của hộ. Việc dựa trên một hay một vài chỉ báo dường như không phải là một lựa chọn tối ưu cho việc đo lường vốn xã hội ở cấp độ hộ.

Thứ hai, các tác động của vốn xã hội còn nhiều khoảng trống trong nghiên cứu. Vốn xã hội không phải là một nhân tố tách riêng mà tính vô hình và sự liên kết của nó trong mối quan hệ giữa giữa các nhân tố khác và chính hoạt động sinh kế của hộ 58 , 65 . Dù rằng các khung phân tích sinh kế đều cho thấy vai trò của vốn xã hội trong các chiến lược sinh kế của các hộ gia đình bao gồm cả các tác động trực tiếp, gián tiếp của vốn xã hội nhưng các hầu hết các nghiên cứu thực nghiệm hiện nay chỉ mới tiếp cận ở tác động gián tiếp. Tương tác giữa vốn xã hội và các loại hình vốn sinh kế khác đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu ảnh hưởng của vốn xã hội lên sinh kế nói chung và chiến lược sinh kế nói riêng.

Thứ ba, trong nghiên cứu về vốn xã hội và chiến lược sinh kế của hộ nông thôn Việt Nam, đặc biệt là việc xác lập vai trò của vốn xã hội trong các chiến lược sinh kế của các hộ gia đình, các tác động trực tiếp, gián tiếp của vốn xã hội là còn hạn chế. Bên cạnh đó, rất ít nghiên cứu phân tách các tác động tích cực và tiêu cực trong mối tương tác giữa vốn xã hội, các chiến lược sinh kế và các yếu tố khác của hộ gia đình nông thôn Việt Nam. Điều này đặt ra thách thức về sự hiểu biết về vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của hộ. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc đưa ra các chính sách phù hợp để hướng đến sinh kế bền vững đối với các hộ gia đình Việt Nam đặc biệt là các hộ ở các bối cảnh sinh kế khác nhau.

Kết luận

Vốn xã hội có mối quan hệ tác động đến 3 loại vốn về tài chính, vật chất, tự nhiên, thông qua đó ảnh hưởng đến chiến lược sinh kế của hộ. Đây là một trong các kết nối vững chắc và khá thống nhất giữa các khung phân tích sinh kế khác nhau từ DFID, FAO đến các khung phân tích sinh kế do các nhà nghiên cứu đề xuất và hầu hết các nghiên cứu sinh kế sử dụng.

Bên cạnh đó, vốn xã hội có mối quan hệ tương tác chặt chẽ với vốn nguồn nhân lực và thông qua đó ảnh hưởng đến chiến lược sinh kế của hộ, đây là một trong những mối kết nối quan trọng giữa 2 loại vốn sinh kế vô hình trong số 5 loại vốn sinh kế của hộ. Coleman trong các nghiên cứu thiết lập các nền tảng lý thuyết về vốn xã hội gắn liền với vốn nhân lực đã gắn kết mối quan hệ tác động qua lại giữa vốn xã hội và vốn nhân lực, trong đó, ông minh chứng sự hình thành vốn nhân lực từ vốn xã hội 16 hay trong khung phân tích thực nghiệm của Phan và các cộng sự về tác động của vốn xã hội đến các loại vốn sinh kế khác 58 .

Dựa trên các khung phân tích và nghiên cứu đi trước cho thấy các vai trò vốn xã hội trong chiến lược sinh kế của hộ. Dù vậy, các nghiên cứu thực nghiệm trên thế giới và Việt Nam vẫn còn các điểm mờ cần được bổ sung, phát triển và kiểm chứng về mối quan hệ tác động trực tiếp cũng như gián tiếp của vốn xã hội lên chiến lược sinh kế của hộ tại các không gian nghiên cứu khác nhau. Dù các nghiên cứu đã chỉ ra các cơ chế tác động gián tiếp của vốn xã hội lên chiến lược sinh kế khác nhau nhưng thiếu đi các kiểm nghiệm thực chứng về ảnh hưởng gián tiếp của vốn xã hội. Hơn thế nữa, mối quan hệ tương tác giữa vốn xã hội và vốn sinh kế được nhắc đến nhiều lần trong các khung phân tích cần được phân tích rõ trong mối quan hệ với các loại hình vốn khác cũng như trong chiến lược sinh kế khác nhau. Các nghiên cứu cần chú trọng đến việc đo lường các khía cạnh của vốn xã hội phù hợp cũng như mối quan hệ tương tác giữa vốn xã hội và các vốn sinh kế khác đối với sinh kế của hộ nhằm phân tách rõ các tác động của vốn xã hội.

Tại Việt Nam, giới hạn các nghiên cứu khác nhau trong các bối cảnh khác nhau cho thấy các tác động khác biệt của vốn xã hội lên chiến lược sinh kế của hộ. Điều này gợi ý cần có nhiều hơn nghiên cứu về sinh kế và vốn xã hội ở các bối cảnh khác nhau không chỉ giúp hiểu rõ hơn các dẫn truyền trong vai trò của vốn xã hội đến sinh kế của hộ mà còn gợi ý các chính sách phù hợp nhằm hướng đến sinh kế bền vững của hộ tại Việt Nam. Bên cạnh đó, các chính sách hướng đến mục tiêu sinh kế cần chú trọng thúc đẩy vai trò của vốn xã hội, đặc biệt ở các vùng khác nhau các đặc trưng về vốn xã hội rất khác biệt. Do đó, các chính sách cần được thiết kế linh hoạt theo từng vùng cụ thể nhằm thúc đẩy hiệu quả ảnh hưởng tích cực của vốn xã hội đến sinh kế của hộ.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

DFID: Department for International Development – Cơ quan phát triển quốc tế Anh

LỜI CẢM ƠN

Nghiên cứu này được tài trợ bởi Trường Đại học Kinh tế - Luật / ĐHQG TP.HCM trong Đề tài mã số: CS/2021-12

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

TUYÊN BỐ ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Ellis F. Rural livelihoods and diversity in developing countries: evidence and. 2000 [cited 2018 Apr 18];. . ;:. Google Scholar
  2. Ellis F. Household strategies and rural livelihood diversification. J Dev Stud [Internet]. 1998;35(1):1-38. . ;:. Google Scholar
  3. DFID. Sustainable Livelihoods Guidance Sheets, section 2.1. Department for International Development (DFID). Dep Int Dev [Internet]. 1999;26. . ;:. Google Scholar
  4. DFID. Sustainable Livelihoods Guidance Sheets, section 2.1. Department for International Development (DFID). Dep Int Dev [Internet]. 1999;26. . ;:. Google Scholar
  5. Winters P, Corral L, Gordillo G. Rural Livelihood Strategies and Social Capital in Latin America: Implications for Rural Development Projects. Work Pap Ser Agric Resour Econ. 2001;2001(6):1-28. . ;:. Google Scholar
  6. Portes A. Social Capital: Its Origins and Applications in Modern Sociology. Annu Rev Sociol [Internet]. 1998;24(1):1-24. . ;:. Google Scholar
  7. Kelemen E, Megyesi B, Kalamász IN. Knowledge dynamics and sustainability in rural livelihood strategies: Two case studies from Hungary. Sociol Ruralis. 2008;48(3). . ;:. Google Scholar
  8. Hua X, Yan J, Zhang Y. Evaluating the role of livelihood assets in suitable livelihood strategies: Protocol for anti-poverty policy in the Eastern Tibetan Plateau, China. Ecol Indic [Internet]. 2017;78:62-74. . ;:. Google Scholar
  9. Zhang J, Mishra AK, Zhu P. Identifying livelihood strategies and transitions in rural China: Is land holding an obstacle? Land use policy [Internet]. 2019;80(September 2018):107-17. . ;:. Google Scholar
  10. Hak KY. Quan Hệ Xã Hội Và Vốn Xã Hội : Nghiên Cứu So Sánh Việt Nam Và Hàn Quốc. 2012;3(2000):35-45. . ;:. Google Scholar
  11. Inoguchi T. Trust with Asian Characteristics [Internet]. Inoguchi T, Tokuda Y, editors. Singapore: Springer Singapore; 2017. (Trust; vol. 1). . ;:. Google Scholar
  12. OECD. OECD Guidelines for Micro Statistics on Household Wealth [Internet]. OECD Guidelines for Micro Statistics on Household Wealth. OECD; 2013. . ;:. Google Scholar
  13. GSO. Phương án Khảo sát mức sống dân cư năm 2020. Tổng cục thống kê. 2020. . ;:. Google Scholar
  14. Siisiäinen M. Two Concepts of Social Capital: Bourdieu vs. Putnam. North [Internet]. 2000;40(2):183-204. . ;:. Google Scholar
  15. Nauenberg E, Laporte A, Shen L. Social capital, community size and utilization of health services: A lagged analysis. Health Policy (New York) [Internet]. 2011;103(1):38-46. . ;:. Google Scholar
  16. Coleman JS. Social capital in the creation of human capital. Knowl Soc Cap [Internet]. 2009 Jan;94(c):17-42. . ;:. Google Scholar
  17. Woolcock M, Narayan D. Social Capital: Implications for Development Theory, Research, and Policy. World Bank Res Obs [Internet]. 2000 [cited 2017 Apr 4];15(2):225-49. . ;:. Google Scholar
  18. Glaeser E, Laibson D, Sacerdote B. An Economic Approach to Social Capital. Econ J [Internet]. 2002 [cited 2017 Apr 1];112(November):F437-F458. . ;:. Google Scholar
  19. Wallace C. Household strategies: Their conceptual relevance and analytical scope in social research. Sociology. 2002;36(2):275-92. . ;:. Google Scholar
  20. Barrett C., Reardon T, Webb P. Nonfarm income diversification and household livelihood strategies in rural Africa: concepts, dynamics, and policy implications. Food Policy [Internet]. 2001 Aug;26(4):315-31. . ;:. Google Scholar
  21. Kassie GW, Kim S, Fellizar FP, Ho B. Determinant factors of livelihood diversification: Evidence from Ethiopia. Cogent Soc Sci [Internet]. 2017 Aug 20;3(1):1-16. . ;:. Google Scholar
  22. Carswell G. Livelihood diversification: increasing in importance or increasingly recognized? Evidence from southern Ethiopia. J Int Dev [Internet]. 2002 Aug [cited 2018 Apr 18];14(6):789-804. . ;:. Google Scholar
  23. Loison A. The Dynamics of Rural Household Livelihood Diversification : Panel Evidence from Kenya. Journées Rech en Sci Soc. 2016;1-29. . ;:. Google Scholar
  24. Jansen HGP, Pender J, Damon A, Wielemaker W, Schipper R. Policies for sustainable development in the hillside areas of Honduras: A quantitative livelihoods approach. Agric Econ. 2006;34(2):141-53. . ;:. Google Scholar
  25. Quisumbing AR, Meinzen-Dick R, Raney TL, Croppenstedt A, Behrman JA, Peterman A. Gender in agriculture: Closing the knowledge gap [Internet]. Gender in Agriculture: Closing the Knowledge Gap. 2014 [cited 2018 Jul 11]. 1-444 p. . ;:. Google Scholar
  26. Berg M. Household income strategies and natural disasters: Dynamic livelihoods in rural Nicaragua. Ecol Econ [Internet]. 2010;69(3):592-602. . ;:. Google Scholar
  27. Núi NH, Chỉnh NQ, Giám ĐQ, Lâm NT. Ảnh hưởng của nguồn lực sinh kế tới lựa chọn chiến lược sinh kế của người dân phụ thuộc vào rừng tại khu vực vùng cao tỉnh Bắc Kạn. Tạp chí KH Nông nghiệp Việt Nam. 2016;14(6):969-77. . ;:. Google Scholar
  28. Yang L, Liu M, Lun F, Min Q, Zhang C, Li H. Livelihood assets and strategies among rural households: Comparative analysis of Rice and Dryland Terrace Systems in China. Sustain [Internet]. 2018;10(7):2525. . ;:. Google Scholar
  29. Amevenku FKY, Asravor RK, Kuwornu JKM. Determinants of livelihood strategies of fishing households in the volta Basin, Ghana. Cogent Econ Financ [Internet]. 2019;7(1):1-15. . ;:. Google Scholar
  30. Nielsen ØJ, Rayamajhi S, Uberhuaga P, Meilby H, Smith-Hall C. Quantifying rural livelihood strategies in developing countries using an activity choice approach. Agric Econ (United Kingdom). 2013;44(1):57-71. . ;:. Google Scholar
  31. Anani K. Sustainable governance of livelihoods in rural Africa: A place-based response to globalism in Africa. Dev [Internet]. 1999 [cited 2018 Apr 18];42(2):57-63. . ;:. Google Scholar
  32. Scoones I. SUSTAINABLE RURAL LIVELIHOODS A FRAMEWORK FOR ANALYSIS. 1999 Jun. (IDS working paper; vol. 42). Report No.: 72. . ;:. Google Scholar
  33. Hussein K. Livelihoods Approaches Compared: A multi-agency review of current practice. Dfid. 2002;(November):1-62. . ;:. Google Scholar
  34. FAO. Food Insecurity in the World [Internet]. The State of. 2000. 40 p. . ;:. Google Scholar
  35. Walelign SZ, Pouliot M, Larsen HO, Smith-Hall C. Combining Household Income and Asset Data to Identify Livelihood Strategies and Their Dynamics. J Dev Stud [Internet]. 2017 Jul 14;53(6):769-87. . ;:. Google Scholar
  36. Lin N. Building a Network Theory of Social Capital. Lin N, Cook KS, Burt RS, editors. Connections [Internet]. 1999;22(1):28-51. . ;:. Google Scholar
  37. Woolcock M, Mill JS. The Place of Social Capital in Understanding Social and Economic Outcome The Place of Social Capital in Understanding Social and Economic Outcomes 1. 2016;(January 2001). . ;:. Google Scholar
  38. Sabatini F. Social capital as social networks: A new framework for measurement and an empirical analysis of its determinants and consequences. J Socio Econ. 2009;38(3):429-42. . ;:. Google Scholar
  39. Arun S, Annim SK, Arun T. Overcoming Household Shocks: Do Asset-Accumulation Strategies Matter? Rev Soc Econ. 2013;71(3):281-305. . ;:. Google Scholar
  40. Chena H, Zhu T, Krotta M, Calvo JF, Ganesh SP, Makot I. Measurement and evaluation of livelihood assets in sustainable forest commons governance. Land use policy [Internet]. 2013;30(1):908-14. . ;:. Google Scholar
  41. Khatiwada SP, Deng W, Paudel B, Khatiwada JR, Zhang J, Su Y. Household livelihood strategies and implication for poverty reduction in rural areas of central Nepal. Sustain [Internet]. 2017;9(4):612. . ;:. Google Scholar
  42. Hunecke C, Engler A, Jara-Rojas R, Poortvliet PM. Understanding the role of social capital in adoption decisions: An application to irrigation technology. Agric Syst [Internet]. 2017 [cited 2017 Mar 31];153:221-31. . ;:. Google Scholar
  43. Yobe CL, Mudhara M, Mafongoya P. Livelihood strategies and their determinants among smallholder farming households in KwaZulu-Natal province, South Africa. Agrekon [Internet]. 2019 May 31;0(0):1-14. . ;:. Google Scholar
  44. Wang X, Peng L, Xu D, Wang X. Sensitivity of Rural Households' Livelihood Strategies to Livelihood Capital in Poor Mountainous Areas: An Empirical Analysis in the Upper Reaches of the Min River, China. Sustainability. 2019;11(8):2193. . ;:. Google Scholar
  45. Ding W, Jimoh SO, Hou Y, Hou X, Zhang W. Influence of livelihood capitals on livelihood strategies of herdsmen in inner Mongolia, China. Sustain [Internet]. 2018;10(9):3325. . ;:. Google Scholar
  46. Sun R, Mi J, Cao S, Gong X. Classifying livelihood strategies adopting the activity choice approach in rural China. Sustain [Internet]. 2019 May 28;11(11):3019. . ;:. Google Scholar
  47. Bebbington A. Capitals and capabilities: A framework for analyzing peasant viability, rural livelihoods and poverty. World Dev [Internet]. 1999 Dec 1 [cited 2020 May 23];27(12):2021-44. . ;:. Google Scholar
  48. Winters P, Davis B, Corral L. Assets, activities and income generation in rural Mexico: factoring in social and public capital. Agric Econ [Internet]. 2002 [cited 2017 Apr 4];27(2):139-56. . ;:. Google Scholar
  49. Massey DS, Arango J, Taylor E, Al E. Massey, Douglas S., Arango, Joaquin, Taylor, Edward, et al. Vol. 19, Population and Development Review. 1993. p. 431-66. . ;:. Google Scholar
  50. Nawrotzki RJ, Runfola DM, Hunter LM, Riosmena F. Domestic and International Climate Migration from Rural Mexico. Hum Ecol [Internet]. 2016 Dec;44(6):687-99. . ;:. Google Scholar
  51. Alemu ZG. Livelihood Strategies in Rural South Africa : Implications for Poverty Reduction. Pap Int Assoc Agric Econ Trienn Conf Foz do Iguacu, Brazil. 2012;1-24. . ;:. Google Scholar
  52. Fang Y, Fan J, Shen M, Song M. Sensitivity of livelihood strategy to livelihood capital in mountain areas: Empirical analysis based on different settlements in the upper reaches of the Minjiang River, China. Ecol Indic [Internet]. 2014;38:225-35. . ;:. Google Scholar
  53. Doss CR, Meinzen-Dick R. Collective Action within the Household: Insights from Natural Resource Management. World Dev [Internet]. 2015 Oct 1 [cited 2017 Mar 31];74:171-83. . ;:. Google Scholar
  54. Alam GM, Alam K, Mushtaq S. Influence of institutional access and social capital on adaptation decision: Empirical evidence from hazard-prone rural households in Bangladesh. Ecol Econ [Internet]. 2016 [cited 2017 Mar 31];130:243-51. . ;:. Google Scholar
  55. Preston D. Changed household livelihood strategies in the Cordillera of Luzon. Tijdschr voor Econ en Soc Geogr. 1998;89(4):371-83. . ;:. Google Scholar
  56. Grootaert C, Van Bastelaer T, Bastelaer T van. The role of social capital in development: An Empirical Assessment [Internet]. Grootaert C, Van Bastelaer T, editors. Vol. 94, Cambridge university press. 2002. . ;:. Google Scholar
  57. Morrison BM. Rural Household Livelihood Strategies in a Sri Lankan Village. J Dev Stud. 1980;16(4):443-62. . ;:. Google Scholar
  58. Phan LT, Jou SC, Lin JH. Gender inequality and adaptive capacity: The role of social capital on the impacts of climate change in Vietnam. Sustain. 2019;11(5). . ;:. Google Scholar
  59. Nguyễn Văn Toàn, Trương Tấn Quân, Trần Văn Quảng. Ảnh hưởng của chương trình 135 đến sinh kế của đồng bào dân tộc ít người huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Tạp chí Khoa học Đại học Huế. 2012;3(72B):356-68. . ;:. Google Scholar
  60. Võ Văn Tuấn, Lê Cảnh Dũng. Các yếu tố ảnh hưởng đến kết quả sinh kế của nông hộ ở đồng bằng sông Cửu long. Tạp chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ. 2015;38(D):120-9. . ;:. Google Scholar
  61. Hoài NT, Bảo TQ. Ảnh hưởng của vốn xã hội đến tiếp cận tín dụng của hộ gia đình nông thôn VN. Phát triển Kinh tế [Internet]. 2014;279(01):41-57. . ;:. Google Scholar
  62. Ngọc NPN, Chính PĐ. Các nhân tố ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng chính thức của nông hộ tỉnh An Giang. Tạp chí phát triển khoa học và công nghệ. 2015;18(1):28-39. . ;:. Google Scholar
  63. Markussen T, Ngo Q-T. Economic and non-economic returns to Communist Party membership in Viet Nam. WIDER Work Pap [Internet]. 2018;122:370-84. . ;:. Google Scholar
  64. Thanh QP, Mus TP. ỨNG XỬ KINH TẾ CỦA NÔNG HỘ. Tạp chí Khoa học xã hội. 2015;1(197):36-55. . ;:. Google Scholar
  65. Mouw T. Estimating the Causal Effect of Social Capital: A Review of Recent Research. Annu Rev Sociol [Internet]. 2006;32(1):79-102. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 3 (2022)
Page No.: 2932-2943
Published: Aug 17, 2022
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.920

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Chuong, H. (2022). The role of social capital on household livelihood strategies: Review from theory to emperical research. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(3), 2932-2943. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i3.920

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1307 times
PDF   = 484 times
XML   = 0 times
Total   = 484 times