Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

113

Total

65

Share

The ‘responsibility to protect’ doctrine: Reviewing the Kyrgyzstan crisis in 2010






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Peacekeeping and human rights protection are two significant missions of the international community nowadays. However, the world is still facing difficulty in dealing with several international crimes, such as genocide, war crimes, ethnic cleansing, and crimes against humanity. This paper introduces contents of the ‘Responsibility to protect’ doctrine, an international legal norm that has been promoted since 2005 to help prevent the abovementioned crimes by applying intervention measures; the paper also analyses, evaluates the extent of effectiveness, limitations and positives when implementing this doctrine in practice, via the case of Kyrgyzstan riots in 2010, and proposes relevant recommendations. As a result, the ‘Responsibility to react’ and ‘Responsibility to prevent’ are the two contents of the ‘Responsibility to protect’ doctrine that indicate limitations in practice. It is recommended by the paper that there is a need for clearer mechanisms and detailed procedures containing steps for evaluating and guiding the implementation of appropriate measures in relevant stages/cases; this contributes to determining when a nation cannot or is unwilling to prevent conflicts from occurring (‘Responsibility to prevent’), and also to resolve issues of political will of states and/or regional/international organizations relating to the intervention (‘Responsibility to react’).

GIỚI THIỆU

Hiện nay xã hội thế giới đang dần hỗ trợ tốt hơn cho các quốc gia thành viên thông qua sự phát triển các mối quan hệ song phương và đa phương, tuy nhiên thế giới vẫn gặp một số khó khăn nhất định trong việc đối phó với một số tội ác quốc tế, cụ thể như tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội tác thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người. Bốn tội ác này không chỉ tác động tiêu cực đến việc bảo đảm quyền con người mà còn gây ra những bất ổn chính trị trong các mối quan hệ quốc tế. Và mặc dù cộng đồng quốc tế thừa nhận sự quan trọng của việc ngăn chặn những tội ác này, nhưng trên thực tế các quốc gia thành viên đã không có những hành động kịp thời và hiệu quả, nên thường dẫn việc xảy ra những hậu quả khủng khiếp về sau. Ví dụ, theo Luck (2008), trong những năm qua Liên hợp quốc đã phải đối mặt với nhiều câu hỏi hóc búa về năng lực và ý chí chính trị của các quốc gia thành viên từ những thất bại trong việc ngăn chặn và ứng phó với các cuộc diệt chủng ở Rwanda năm 1994 và trước đó là ở Campuchia năm 1988 1 .

Xuyên suốt quá trình phát triển, cộng đồng quốc tế cũng đã có các Công ước với nội dung liên quan như ‘Công ước ngăn ngừa và trừng phạt tội ác diệt chủng 1948’ và ‘Công ước quốc tế về không áp dụng những hạn chế luật pháp đối với các tội phạm chiến tranh và tội ác chống nhân loại 1968’. Có lẽ vấn đề quan trọng nhất ở đây nằm ở sự mâu thuẫn giữa các học thuyết về chủ quyền nhà nước và mong muốn bảo vệ quyền con người. Sự mâu thuẫn này làm cho việc đạt được một thỏa thuận trong cộng đồng quốc tế về việc có thể can thiệp khi nào và như thế nào đối với các hành vi vi phạm nhân quyền đang diễn ra trong lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền dường như là bất khả thi. Nói cách khác, sự căng thẳng giữa mong muốn can thiệp để bảo vệ quyền con người và mong muốn tôn trọng chủ quyền quốc gia khiến cộng đồng quốc tế khó xác định trong những tình huống nào hoặc vì mục đích gì nên can thiệp vào công việc của một quốc gia thành viên. Ví dụ, do lo ngại về vấn đề chủ quyền quốc gia, tuy ‘Quy chế Rome về Tòa án hình sự quốc tế 1998’ được cộng đồng quốc tế ủng hộ cao, hiện vẫn còn nhiều nước trên thế giới chưa tham gia, bao gồm ba thành viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

Học thuyết ‘Trách nhiệm bảo vệ’ – ‘Responsibility to Protect’ (R2P) được Hội nghị Thượng đỉnh – Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2005 quảng bá đến cộng đồng thế giới như một chuẩn mực mới nhằm cung cấp các giải pháp hiệu quả để bảo vệ quyền con người khỏi các tội ác nêu trên bằng việc sử dụng các biện pháp can thiệp. Theo đó, các biện pháp can thiệp quốc tế trước đây thường dựa trên ‘quyền được can thiệp’ hoặc dựa trên quyền lực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc để xác định sự tồn tại của một mối đe dọa đối với hòa bình quốc tế. Mặc khác, theo nhiều học giả, khái nhiệm quan trọng nhất vốn có trong ý tưởng R2P là chủ quyền không phải là một đặc ân, mà là một trách nhiệm. Quan trọng hơn, mỗi quốc gia thành viên không chỉ có trách nhiệm ngăn chăn tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh, tội ác chống lại loài người và thanh lọc sắc tộc và bảo vệ công dân của mình khỏi những sự cố đó, mà còn là trách nhiệm của tất cả các thành viên khác trong cộng đồng quốc tế trong việc hỗ trợ và giúp đỡ nạn nhân dù họ không phải là công dân của các quốc gia thành viên đó. R2P cho phép cộng đồng quốc tế can thiệp vào công việc nội bộ của một quốc gia, với mục đích ngăn chặn tội ác vô nhân đạo và bảo vệ cuộc sống con người.

Mặc dù nhiều nước thành viên đã hoan nghênh việc thúc đẩy và thực hiện R2P, nhưng việc thực thi một cách hiệu quả trong các tình huống thực tế không phải là một nghĩa vụ dễ dàng. Một trong những lý do chính là vì đây là một quy phạm quốc tế, chưa phải là pháp luật ràng buộc. Ngoài ra, hiện vẫn chưa rõ mức độ lạm dụng nhân quyền cần thiết để chứng minh cho sự can thiệp; và cũng không rõ mức độ hoặc hình thức can thiệp từ bên ngoài là chính đáng trong từng trường hợp cụ thể. Ngoài ra, các quan điểm chính trị khác nhau thường sẽ tạo ra các phán quyết khác nhau về việc can thiệp có hợp pháp hay không trong từng trường hợp cụ thể, gây ra rào cản quan trọng ngăn cản sự sẵn sàng hành động kịp thời của cộng đồng quốc tế.

Bài viết này sẽ tiến hành xem xét và phân tích các tài liệu về sự phát triển khung lý thuyết của học thuyết R2P, sau đó sẽ nhìn lại trường hợp cuộc bạo động ở Kyrgyzstan năm 2010 và đánh giá phản ứng của cộng đồng quốc tế trong thời gian đó nhằm đánh giá sự phức tạp của một cuộc khủng hoảng chính trị trong tình huống thực tế, minh họa những điểm mạnh và điểm yếu của việc áp dụng thực hiện R2P. Vấn đề quan trọng nhất được đặt ra ở đây là liệu có mức độ nào trong thực tiễn áp dụng liên quan nội dung R2P có thể cung cấp một cơ sở bảo vệ nhân quyền khi cần thiết mà không có sự xâm phạm vào công việc nội bộ của các quốc gia có chủ quyền.

KHUNG LÝ THUYẾT R2P

Vấn đề quan trọng của R2P là ở tình thế tiến thoái lưỡng nan của sự can thiệp. Can thiệp nhân đạo hiện vẫn chưa được cộng đồng quốc tế định nghĩa một cách thống nhất, được hiểu là một biện pháp cưỡng bức, có thể là hành động sử dụng vũ lực đơn phương của một quốc gia mà không có sự đồng thuận của cộng đồng quốc tế, hoặc của một tập thể theo nghị quyết của nhiều quốc gia, liên minh, hoặc một tổ chức quốc tế đa phương như Liên hợp quốc trên lãnh thổ của một quốc gia khác nhằm ngăn chặn và/hoặc chấm dứt hành vi vi phạm nhân quyền một cách nghiệm trọng trên diện rộng tại quốc gia đó. Can thiệp nhân đạo “đã gây ra tranh cãi cả khi nó xảy ra và khi nó không xảy ra” 2 . Ví dụ, vụ diệt chủng ở Rwanda năm 1994 là một trường hợp không có can thiệp nhân đạo từ cộng đồng quốc tế, khi Hội đồng bảo an Liên hợp quốc từ chối thực hiện các hành động cần thiết để can thiệp và hỗ trợ vì mục đích nhân đạo. Sự thất bại của ý chí quốc tế ở cấp độ cao nhất, khiến nhiều người dân châu Phi kết luận rằng, đối với tất cả những lời ngụy biện về tính phổ biến của nhân quyền, trên thực tế, một số mạng người ở Châu Phi bị coi là kém quan trọng hơn so với mạng sống ở những nơi khác trong cộng đồng quốc tế. Ngược lại, Kosovo là một ví dụ nơi có sự can thiệp diễn ra vào năm 1999. Tuy nhiên, sự can thiệp này trên thực tế đã đặt ra nhiều câu hỏi về tính hợp pháp đối với việc can thiệp quân sự vào một quốc gia có chủ quyền. Một quan điểm khác đặt câu hỏi có phải trong trường hợp Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương không can thiệp, Kosovo có lẽ sẽ là trường hợp điển hình của một cuộc nội chiến đẫm máu, bất ổn, và tệ nhất tương tự như nạn diệt chủng đã xảy ra ở Bosnia năm 1995? Những trường hợp này phản ánh các quan điểm chính trị khác nhau về các biện pháp can thiệp, gây ra các cuộc tranh luận bất tận về việc liệu cộng đồng quốc tế can thiệp không đủ hay họ đang can thiệp quá thường xuyên. Ngoài ra, những lo ngại về tính hợp pháp, quy trình và khả năng lạm dụng tiền lệ liên quan đến sự can thiệp cũng là những câu hỏi rất khó trả lời. Ngoài ra, bất kỳ cách tiếp cận mới nào để can thiệp trên cơ sở bảo vệ con người cần phải đáp ứng ít nhất bốn mục tiêu cơ bản, gồm: một tập hợp các quy tắc, quy trình và tiêu chí rõ ràng để xác định liệu có nên can thiệp, khi nào và như thế nào; quy trình thiết lập tính hợp pháp của can thiệp quân sự mà điều này chỉ nên diễn ra khi cần thiết và sau khi tất cả các phương pháp tiếp cận khác đã thất bại; các cơ chế để đảm bảo rằng can thiệp quân sự, khi nó xảy ra, chỉ được thực hiện cho các mục đích đã đề ra, có hiệu quả và được thực hiện với sự quan tâm thích đáng để giảm thiểu tối đa hao tổn về người và thiệt hại về thể chế sau đó; và các cơ chế giúp loại bỏ (các) nguyên nhân gây xung đột, nếu có thể, đồng thời nâng cao triển vọng cho hòa bình lâu dài và bền vững 2 .

Các yếu tố này cần được đáp ứng một cách toàn diện bởi vì chủ quyền của một quốc gia quan trọng đến mức nội dung quy tắc không can thiệp được ghi trong Điều 2.7 của Hiến chương Liên hợp quốc quy định rằng điều kiện về chủ quyền của bất kỳ một quốc gia nào là nghĩa vụ tương ứng phải tôn trọng chủ quyền của mọi quốc gia khác. Một quốc gia có chủ quyền được trao quyền theo luật pháp quốc tế để thực hiện toàn bộ quyền tài phán độc quyền trong biên giới lãnh thổ của mình, mà các quốc gia khác có nghĩa vụ tương ứng là không can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia đó. Tuy nhiên, theo nghiên cứu gần đây, vấn đề chính mà cộng đồng quốc tế ngày nay đang phải đối mặt không phải là xung đột vũ trang giữa các quốc gia khác nhau, mà là xung đột chính trong lãnh thổ có chủ quyền của một quốc gia, gây ra những tác động tiêu cực đến công dân của quốc gia đó. Hơn nữa, tỷ lệ dân thường thiệt mạng trong các cuộc xung đột này đã tăng từ khoảng 1/10 vào đầu thế kỷ 20 lên khoảng 9/10 trong những năm gần đây 3 . Con số này cho thấy một khó khăn rất lớn đối với cộng đồng quốc tế là làm thế nào để dung hòa các nguyên tắc cơ bản của chủ quyền quốc gia và cùng với đó là chức năng duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Do đó, các nhà phân tích chính trị cho rằng một trong những giải pháp thích hợp nhất để giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bên trong một quốc gia là xem chủ quyền như một trách nhiệm. Trách nhiệm về chủ quyền của một quốc gia được cho là có ít nhất ba yếu tố thiết yếu sau: nó ngụ ý rằng các cơ quan nhà nước có trách nhiệm thực hiện các chức năng bảo vệ sự an toàn và tính mạng của công dân và thúc đẩy phúc lợi cho họ; nó gợi ý rằng các cơ quan chính trị quốc gia chịu trách nhiệm trước công dân trong nội bộ và trước cộng đồng quốc tế thông qua Liên hợp quốc; và nó có nghĩa là các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về các hành động của họ - điều này có nghĩa là họ phải chịu trách nhiệm về các hành vi thiếu sót của mình.

Các chức năng này được ủng hộ và phát triển mạnh mẽ theo sự phát triển của các chuẩn mực nhân quyền quốc tế, cũng như tác động ngày càng tăng từ các diễn ngôn quốc tế về khái niệm an ninh con người. Điều quan trọng về R2P là quan điểm được chấp nhận rằng các cuộc tranh luận về can thiệp vì mục đích bảo vệ quyền con người không nên tập trung vào quyền can thiệp mà là trách nhiệm bảo vệ. Nguồn gốc tri thức và chính trị của R2P “nằm trong những ý tưởng cũ về ‘chủ quyền là trách nhiệm’ và việc tái tổ chức chúng dưới nhiều hình thức khác nhau vào những năm 1990 nhằm phản ứng với những cuộc diệt chủng, những hành động tàn bạo hàng loạt và các cuộc di dời bắt buộc trong thập kỷ đó” 4 . Học thuyết R2P vạch ra cách cộng đồng quốc tế có thể thực hiện trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn, bảo vệ và hỗ trợ công dân khỏi nạn diệt chủng, tội ác chiến tranh, thanh lọc sắc tộc và tội ác chống lại loài người. Thuật ngữ này tập trung vào các khái niệm sau để giải thích việc triển khai: trách nhiệm bảo vệ bao hàm việc đánh giá các vấn đề từ quan điểm của những người đang tìm kiếm hoặc cần hỗ trợ thay vì từ những người đang cân nhắc việc can thiệp; trách nhiệm bảo vệ thừa nhận rằng trách nhiệm chính trong vấn đề này thuộc về quốc gia liên quan, và chỉ khi quốc gia đó không thể hoặc không muốn thực hiện trách nhiệm này, hoặc chính họ là người gây ra, thì nó mới trở thành trách nhiệm của cộng đồng quốc tế để thay thế; và trách nhiệm bảo vệ không chỉ có nghĩa là ‘trách nhiệm phản ứng’, mà còn là ‘trách nhiệm ngăn chặn’ và ‘trách nhiệm tái thiết’. Quan điểm thứ ba này tập trung vào việc cung cấp các mối liên kết giữa khái niệm, quy chuẩn và việc thực hiện hỗ trợ, can thiệp và tái thiết.

Ngoài ra, trách nhiệm bảo vệ bao hàm trách nhiệm ngăn chặn kèm theo. Ví dụ, đối với bản thân một nhà nước, một ví dụ về việc tạo cơ sở để ngăn ngừa xung đột là việc quốc gia đó đối xử và cung cấp cơ hội công bằng cho mọi công dân như cam kết. Cam kết này có thể phải bao gồm các nỗ lực trong việc nâng cao trách nhiệm giải trình và quản trị tốt, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội. Về tổng thể, các nhà nghiên cứu cũng gợi ý rằng để cộng đồng quốc tế có thể giúp hỗ trợ việc ngăn chặn xung đột một cách hiệu quả, cần phải đáp ứng ba yếu tố thiết yếu, gồm: phải có kiến ​​thức/nhận định về sự mong manh của tình hình thực tế và những rủi ro liên quan; phải có một công cụ đo lường chính sách có khả năng cung cấp các giải pháp khác nhau cho các trường hợp khác nhau. Đây được biết đến như một hộp công cụ để phòng ngừa; và cần phải sẵn sàng áp dụng các công cụ này trong các trường hợp có liên quan để giải quyết xung đột. Điều này đặt ra vấn đề về ý chí chính trị. Một vấn đề với chiến lược phòng ngừa này là “một số quốc gia đang trở nên miễn cưỡng chấp nhận bất kỳ biện pháp phòng ngừa nào đã được quốc tế xác nhận - ngay cả loại nhẹ nhàng và hỗ trợ nhất; nỗi sợ của họ là bất kỳ sự ‘quốc tế hóa’ nào của vấn đề sẽ dẫn đến sự ‘can dự’ từ bên ngoài và từ đó sẽ trượt dài vào sự can thiệp” 3 .

"Trách nhiệm phản ứng" là một khía cạnh quan trọng khác của R2P. Lý do của việc thực hiện trách nhiệm này là khi các biện pháp ngăn chặn không giải quyết được vụ việc và khi một quốc gia không thể hoặc không sẵn sàng ứng phó với tình huống đó, thì cộng đồng quốc tế buộc phải can thiệp để hỗ trợ nhân đạo cho công dân ở đó. Sự can thiệp này có thể bao gồm các biện pháp chính trị, kinh tế hoặc tư pháp, hoặc thậm chí là hành động quân sự trong những trường hợp nghiêm trọng. Vấn đề quan trọng nhất là lựa chọn (các) biện pháp phù hợp nhất cho một tình huống cụ thể và có nhiều khả năng hiệu quả nhất. Các trường hợp khác nhau đòi hỏi các cách tiếp cận khác nhau. Mỗi cách tiếp cận đều có những ưu nhược điểm riêng tùy thuộc vào từng trường hợp. Ví dụ, trong trường hợp một quốc gia có mối liên hệ chặt chẽ với phần còn lại của thế giới về kinh tế, sự can thiệp hiệu quả có thể bao gồm các hạn chế đối với việc tiếp cận các sản phẩm dầu mỏ có thể giúp hạn chế hoặc giảm thiểu các hoạt động quân sự của quốc gia cụ thể đó. Mặt trái của những hạn chế như vậy là chúng có thể gây ra những tác động tiêu cực đối với dân thường ở đó. Mặt khác, nếu một quốc gia được cộng đồng quốc tế biết đến thông qua các lĩnh vực chính trị và ngoại giao, thì sự can thiệp sẽ là tốt nhất nếu có hạn chế về đại diện ngoại giao, bao gồm cả việc trục xuất các nhân viên ngoại giao ở nước ngoài.

Quan trọng nhất, việc sử dụng lực lượng quân sự cần phải được xem xét cẩn thận. Nó chỉ được sử dụng trong các trường hợp có “thiệt hại thực sự hoặc đe dọa đến nhân mạng hoặc thanh lọc sắc tộc trên quy mô lớn” 3 . Thông tin thực tế để xác định điều này sẽ rất khó có được kịp thời, nhưng điều cần thiết là phải biết để quyết định liệu có thực sự cần can thiệp quân sự hay không, bởi vì can thiệp bằng vũ lực được coi là biện pháp cuối cùng sau khi những biện pháp khác không thể giải quyết được xung đột. Ngoài ra, các nghĩa vụ sau can thiệp cũng rất quan trọng. Cụ thể hơn, 'Trách nhiệm bảo vệ' ngụ ý trách nhiệm không chỉ ngăn chặn và phản ứng, mà còn là theo dõi/giám sát và tái thiết. Theo đó, có bốn trách nhiệm mà các quốc gia phải thực hiện sau khi tiến hành can thiệp nhân đạo, gồm xây dựng hòa bình, an ninh, công lý và hòa giải, và phát triển.

Vấn đề thẩm quyền là một vấn đề quan trọng khác cần được giải quyết khi thực thi R2P. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc thường được biết đến như một cơ quan hành pháp chịu trách nhiệm chính theo Hiến chương Liên hợp quốc về các vấn đề hòa bình và an ninh. Trên thực tế, “Điều 10 trao trách nhiệm chung cho Đại hội đồng Liên hợp quốc về bất kỳ vấn đề nào thuộc phạm vi thẩm quyền của Liên hợp quốc; và Điều 11 trao cho Đại hội đồng trách nhiệm riêng đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế - mặc dù chỉ để đưa ra các khuyến nghị, không phải các quyết định ràng buộc” 3 . Hơn nữa, thẩm quyền của Liên hợp quốc không được hỗ trợ bởi quyền lực cưỡng chế, mà là bởi vai trò của nó như một diễn đàn có khả năng mang lại tính hợp pháp quốc tế. Trách nhiệm bảo vệ cuộc sống con người và thúc đẩy phúc lợi tốt hơn cho công dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất trong hoạt động của Liên hợp quốc. Do đó, với sự hỗ trợ của Hội đồng Bảo an trong việc thực thi luật pháp quốc tế, Liên hợp quốc là tổ chức phù hợp nhất, với thẩm quyền được chấp nhận rộng rãi, để thực hiện ‘trách nhiệm bảo vệ’. Để Liên hợp quốc hoạt động hiệu quả như một cơ quan an ninh tập thể thực thi pháp luật, các quốc gia được khuyến ngh phải từ bỏ việc đơn phương sử dụng vũ lực cho các mục đích quốc gia riêng lẻ. Hệ quả của điều này, không phải lúc nào cũng được chấp nhận một cách dễ dàng, là các quốc gia cũng nên sẵn sàng sử dụng vũ lực nhân danh, theo chỉ đạo và cho các mục tiêu của Liên hợp quốc. Nói cách khác, Liên hợp quốc có tính hợp pháp về mặt đạo đức và chính trị cần thiết để thực hiện R2P, nhưng để Liên hợp quốc thành công, cộng đồng quốc tế phải đáp ứng các yêu cầu đặt ra đối với tổ chức này bằng các nguồn lực được trao cho nó.

PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Trong báo cáo của Tổng thư ký Liên hợp quốc về 'Thực hiện Trách nhiệm Bảo vệ' năm 2009, ông Ban Ki-moon khi đó đã vạch ra chiến lược ba trụ cột để thúc đẩy chương trình nghị sự về R2P. Theo Mayersen (2010), chiến lược bao gồm: trách nhiệm bảo vệ của quốc gia: các quốc gia có chủ quyền có nghĩa vụ và trách nhiệm chính là bảo vệ công dân của mình khỏi những hành động tàn bạo hàng loạt; hỗ trợ quốc tế và nâng cao năng lực: cộng đồng quốc tế có trách nhiệm hỗ trợ các quốc gia xây dựng năng lực để thực hiện trách nhiệm này nhằm ngăn chặn các hành động tàn bạo hàng loạt trước, trong và sau xung đột; và phản ứng kịp thời và dứt khoát: nếu quốc gia được đề cập không có hành động thích hợp, trách nhiệm thực hiện - kịp thời và quyết định về mặt ngoại giao, nhân đạo, hòa bình hoặc lớn hơn là bằng các biện pháp mạnh mẽ hơn – sẽ thuộc về cộng đồng quốc tế 5 .

Sau đây, với việc phân tích và đánh giá những phản ứng từ cộng đồng quốc tế đối với trường hợp khủng hoảng tại Kyrgyzstan vào năm 2010, bài viết hướng đến việc trả lời câu hỏi liệu chiến lược ba trụ cột và các phần nội dung về các ‘trách nhiệm’ liên quan được nêu trong học thuyết R2P có phát huy tác dụng và hiệu quả trong việc giải quyết xung đột trong thực tiễn hay không. Ngoài ra, thông qua việc chỉ ra những hạn chế cụ thể, bài viết hi vọng các khuyến nghị liên quan có thể đóng góp thêm cơ sở lý luận nhằm góp phần phục vụ việc phát triển xây dựng cơ chế áp dụng và hoàn thiện học thuyết này trong tương lai. Bài viết sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính bao gồm các hoạt động tổng hợp, phân tích, so sánh và đánh giá dữ liệu thứ cấp là các văn bản, báo chí quốc tế, bài viết, và báo cáo, v.v. có liên quan từ những cá nhân, tổ chức quốc tế có liên hệ/phản ứng trong sự việc này.

NHÌN LẠI TRƯỜNG HỢP KHỦNG HOẢNG TẠI KYRGYZSTAN NĂM 2010

Năm 1924, Kyrgyzstan được đặt tên là Khu tự trị Kara-Kyrghyz và được biết đến như một bộ phận cấu thành của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết. Năm 1926, tên chính thức của lãnh thổ này được đổi thành Cộng hòa tự trị Kyrgyzstan trước khi nó có được quy chế đầy đủ của một nước cộng hòa đầy đủ thuộc Liên bang Xô viết vào năm 1936. Căng thẳng sắc tộc giữa người Kyrgyzstan và người Uzbek trên thực tế đã tồn tại trong suốt thời kỳ Xô viết; tuy nhiên Liên Xô vào thời điểm đó đã có thể bảo toàn hình ảnh hòa hợp sắc tộc đến thời kỳ cải cách của Gorbachev vào giữa những năm 1980. Sau khi Liên Xô sụp đổ, Kyrgyzstan giành được độc lập hoàn toàn vào ngày 25 tháng 12 năm 1991 với chính phủ của Askar Akayev. Các cuộc đụng độ sắc tộc diễn ra trong thời kỳ này được biết là không thường xuyên nhưng đôi khi nghiêm trọng. Sau cuộc bầu cử Quốc hội vào tháng 3 năm 2005, Tổng thống Akayev buộc phải từ chức sau cuộc Cách mạng Hoa Tulip. Kết quả là một chính phủ mới được thành lập dưới sự chủ trì của Kurmanbek Bakiyev, phục vụ từ năm 2005 đến năm 2010.

Cuộc khủng hoảng chính trị ở Kyrgyzstan bắt đầu vào tháng 4 năm 2010 với cuộc biểu tình phản đối Tổng thống Kyrgyzstan là Kurmanbek Bakiyev tại thủ đô Bishkek 6 . Bakiyev là lãnh đạo của Phong trào Nhân dân Kyrgyzstan trước khi lên làm tổng thống. Ông đã nhận được hầu hết sự ủng hộ của người dân ở phía nam của đất nước. Năm 2005, Hội đồng Lập pháp Kyrgyzstan thuộc Hội đồng Tối cao Kyrgyzstan đã bổ nhiệm ông làm quyền Tổng thống sau khi Tổng thống Askar Akayev bị lật đổ. Căng thẳng sắc tộc gia tăng liên quan đến người Kyrgyzstan và người Uzbek ở miền nam đất nước, sau đó leo thang đáng kể vào tháng 6 năm 2010. Ban đầu, xung đột bắt đầu khi Bakiyev giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử lớn để thay thế Tổng thống tham nhũng trước đó là Askar Akayev vào năm 2005, nhưng bản thân Bakiyev sau đó cũng nhanh chóng bị lên án vì chuyên quyền, tham nhũng và không có khả năng cải thiện nền kinh tế và xã hội của đất nước (chính phủ Bakiyev được cho là dường như ít tham nhũng hơn chính phủ thay thế sau này).

Năm 2010, những người biểu tình chủ yếu khó chịu vì chi phí năng lượng và nước, tỷ lệ thất nghiệp ngày càng tăng, tham nhũng và vi phạm nhân quyền của chính phủ Bakiyev. Nhiều tờ báo đưa tin rằng các cuộc biểu tình trở nên tồi tệ khi lực lượng an ninh được lệnh của chính phủ nổ súng vào đám đông. Kết quả là các cửa hàng và tòa nhà chính phủ sau đó đã bị cướp bóc và đốt phá. Theo báo cáo của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (2010), Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tuyên bố rằng tính đến giữa tháng 6 năm 2010, 100.000 người đã bị ảnh hưởng bởi bạo lực trong nước với hàng trăm người thiệt mạng và hàng nghìn người bị thương 7 . Tệ hơn nữa, cuộc khủng hoảng không chỉ ảnh hưởng thủ đô Bishkek mà sớm bùng phát ở thành phố phía nam Osh cũng như tại thành phố Jalal-Abad. Quan trọng hơn, bạo lực ở Kyrgyzstan được cho là có thể là tiền thân dẫn đến bạo lực sắc tộc tại giữa các nhóm sắc tộc Uzbek và Kyrgyzstan tại quốc gia này. Cụ thể, bạo động ở thành phố phía nam Osh liên quan đến bạo loạn của người dân tộc Kyrgyz, theo đó họ tấn công người Uzbek thiểu số và đốt tài sản của họ. Những người sống sót ở đó kể lại câu chuyện tương tự rằng “cuộc tàn sát sắc tộc ở Osh không chỉ đơn giản là cuộc đụng độ giữa các nhóm người Kyrgyzstan và người Uzbek mà là một nỗ lực nhằm trục xuất, hay thậm chí là tiêu diệt cộng đồng người Uzbek ở thành phố lớn thứ hai của Kyrgyzstan” 8 . Những dấu hiệu như thế này được dẫn chứng như bằng chứng về sự thanh lọc sắc tộc. Báo cáo của Halpin (2010) cũng thể hiện bằng chứng cho thấy cảnh sát và binh lính bắn vào người dân ở Osh, trong khi các nhóm Kyrgyzstan đi từ nhà này sang nhà khác tấn công người Uzbek bằng dao và súng, cướp đi mọi thứ có thể và phóng hỏa đốt nhà 8 . Người dân tộc Kyrgyzstan, “bất bình trước việc Tổng thống Kurmanbek Bakiyev bị lật đổ gần đây và tức giận về một nền kinh tế dường như luôn trở nên tồi tệ hơn, đã sát hại hàng trăm người dân tộc Uzbek vì họ ủng hộ chính phủ lâm thời mới” 9 . Weir (2010) cũng tuyên bố rằng những cuộc bạo loạn này đã quét sách phần lớn dân số Uzbek tại thành phố Osh này đã trở thành một thảm họa nhân đạo 10 . Kết quả là, ít nhất 75.000 người tị nạn đã chạy sang Uzbekistan kể từ khi bạo động ở Osh và Jalalabad gần đó.

Theo báo cáo của Hội Chữ thập đỏ vào tháng 6 năm 2010, Uzbekistan đã đóng cửa biên giới với Kyrgyzstan, khiến khoảng 15.000 người Uzbek không có cách nào để về nhà hoặc vượt biên. Uzbekistan báo cáo rằng hơn 100.000 người đã vượt biên từ Kyrgyzstan kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng và con số này vẫn đang tăng lên hàng ngày. Quan trọng hơn, một báo cáo từ Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc Navi Pillay vào tháng 6 năm 2010 đã nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng, lưu ý rằng bạo lực giữa các sắc tộc dường như được tổ chức, có mục tiêu và được lên kế hoạch tốt. Kết quả là, vào cuối tháng 6 năm 2010, bạo lực đã gây ra một cuộc khủng hoảng người tị nạn lớn, mà theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, đã khiến khoảng 300.000 người phải di tản.

KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Trong cuộc khủng hoảng, chính phủ lâm thời Kyrgyzstan đã cho thấy sự bất lực trong việc sử dụng lực lượng an ninh để trấn tĩnh và khôi phục luật pháp giữa các băng đảng người Kyrgyzstan và người Uzbek. Khi tình hình trở nên tồi tệ hơn, lãnh đạo lâm thời của Kyrgyzstan, Roza Otunbayeva đã quyết định kêu gọi Tổng thống Nga Dmitry Medvedev và chính phủ Hoa Kỳ gửi quân đến lãnh thổ của mình để ngăn chặn tình trạng thanh trừng sắc tộc và lập lại trật tự. Tuy nhiên, ngay cả khi đối mặt với yêu cầu can thiệp quân sự từ một quốc gia có chủ quyền, cả hai chính phủ đều từ chối hành động. Trên thực tế, Nga chỉ triển khai hơn 100 quân chỉ để bảo vệ công dân và căn cứ không quân của mình, cho rằng cuộc khủng hoảng là chuyện nội bộ của Kyrgyzstan mà Nga không có quyền can thiệp. Thay vào đó, Nga đồng ý gửi trực thăng và các phương tiện vận tải khác để tăng cường năng lực của chính phủ lâm thời Kyrgyzstan trong việc đối phó với bạo lực và hỗ trợ các biện pháp nhân đạo. Quyết định này của Nga được cho là không phù hợp với những gì họ đã làm trong quá khứ đối với nước láng giềng khác là Nam Ossetia, nơi Nga đã nhanh chóng đưa quân vào nước này và tham gia vào cuộc chiến chống lại Gruzia với lý do nhân đạo. Tương tự, Hoa Kỳ đã không ngần ngại can thiệp vào Serbia với lý do là ngăn chặn sự thanh lọc sắc tộc ở Kosovo. Cuộc xâm lược Iraq của Hoa Kỳ năm 2003 cũng được cho là nhằm mục đích can thiệp nhân đạo. Tuy nhiên, khi một tình huống tương tự xảy ra ở Kyrgyzstan, Hoa Kỳ quyết định giữ im lặng, mặc dù họ có một căn cứ không quân quân sự đang hoạt động ở đó.

Vậy, câu hỏi được đặt ra là tại sao hai chính phủ Nga và Hoa Kỳ không sẵn sàng can thiệp vào Kyrgyzstan ngay cả khi quốc gia này đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn vào thời điểm đó, và bất chấp thực tế là các nạn nhân ở đó đã liên tục kêu cứu? Để trả lời, có thể có mối tương quan giữa sự sẵn sàng can thiệp của một nhà nước vì mục đích nhân đạo và việc cân nhắc lợi ích và quyền lợi của chính mình khi tham gia. Ví dụ, theo Mylonas & Radnitz (2010), có thể tầm quan trọng địa chính trị của Kyrgyzstan đối với cả Nga và Hoa Kỳ thấp hơn nhiều so với các trường hợp can thiệp trước đây, mặc dù cả hai nước đều có các căn cứ không quân quân sự hiện tại hoạt động trên lãnh thổ của Kyrgyzstan 11 . Đáng chú ý, căn cứ không quân Manas của Hoa Kỳ gần Bishkek là một trong những địa điểm chiến lược nhất ở Trung Á khi nó được mở vào năm 2001 để chủ yếu hỗ trợ các hoạt động quân sự của Hoa Kỳ trong cuộc chiến diễn ra ở Afghanistan. Chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan cũng kêu gọi Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu hỗ trợ, triển khai một lực lượng trị an quốc tế để giúp khôi phục luật pháp và trật tự đặc biệt ở lãnh thổ phía nam của mình. Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu sau đó cho thấy một quy trình ra quyết định không hiệu quả vì một cuộc họp chỉ có thể được tiến hành trong phiên họp hội đồng vào giữa tháng 7 để thảo luận về một giải pháp về Kyrgyzstan, mặc dù họ đã thừa nhận các cuộc gọi khẩn cấp từ cả Chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan và cố vấn đặc biệt của tổ chức ở Trung Á, Kimmo Kiljunen, để triển khai hoạt động chính sách quốc tế ngay lập tức.

Chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan trong trường hợp này đã không tuân thủ trách nhiệm theo đoạn 138 của Văn kiện Kết quả Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới năm 2005 vì đã không thể bảo vệ người dân của mình khỏi tình trạng thanh lọc sắc tộc cũng như ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhân đạo diễn ra sau đó. Cả hai cố vấn đặc biệt của Liên hợp quốc về ‘Phòng chống Diệt chủng’ và ‘Trách nhiệm Bảo vệ’ sau đó đã đưa ra lời kêu gọi cộng đồng quốc tế thực hiện trách nhiệm bảo vệ ở Kyrgyzstan. Theo Francis Deng, Cố vấn Đặc biệt về 'Phòng chống Diệt chủng', và Edward Luck, Cố vấn Đặc biệt về 'Trách nhiệm Bảo vệ', bày tỏ mối quan ngại nghiêm trọng về sự bùng nổ, mô hình và quy mô bạo lực ở Kyrgyzstan 12 . Cả hai Cố vấn đặc biệt đều cảnh báo cộng đồng quốc tế rằng xung đột này có thể dẫn đến thanh trừng sắc tộc và nhắc nhở các quốc gia thành viên Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 2005 về việc thúc đẩy học thuyết R2P, với mục đích ngăn cấm và ngăn chặn thanh lọc sắc tộc, diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Các tổ chức xã hội dân sự khác như Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế, Nhóm Quyền thiểu số Quốc tế, v.v. cũng đã đưa ra những lời kêu gọi mạnh mẽ đối với chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan cần có hành động quyết liệt để dập tắt bạo lực và đảm bảo bảo vệ thường dân. Một bức thư ngỏ cũng đã được gửi tới Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, có chữ ký của 19 tổ chức xã hội dân sự trên khắp thế giới, kêu gọi các thành viên của Hội đồng thực hiện các biện pháp ngay lập tức để giải quyết cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Kyrgyzstan như họ đã cam kết thực hiện theo R2P.

Vào cuối tháng 6 năm 2010, trong nỗ lực ngăn chặn bạo lực sắc tộc, chính quyền Kyrgyzstan đã bắt giữ Sandjar Bakiyev, cháu trai của Tổng thống bị phế truất Kurmanbek Bakiyev, và buộc tội ông này liên quan đến việc tổ chức bạo loạn sắc tộc giữa người Kyrgyz và người Uzbek ở miền nam đất nước. Chính phủ Kyrgyzstan sau đó đã quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về một hiến pháp mới mà chính phủ lâm thời hy vọng sẽ hợp pháp hóa việc nắm giữ quyền lực của họ cho đến cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2010. Hơn 90% cử tri đã thông qua một hiến pháp mới làm giảm quyền hạn của tổng thống và biến Kyrgyzstan thành một nước cộng hòa nghị viện, theo báo cáo của BBC vào tháng 6 năm 2010 13 . Vào ngày 10 tháng 10 năm 2010, hơn 55% cử tri đủ điều kiện ở Kyrgyzstan đã bầu ra một quốc hội mới và được trao quyền với quyền phê chuẩn và bổ nhiệm một thủ tướng. Uzbekistan thông báo rằng hơn 75.000 người Kyrgyzstan vượt biên sang Uzbekistan đã trở về nhà và Uzbekistan hiện đã đóng cửa tất cả các trại tị nạn đã mở cho người Kyrgyzstan.

Cuộc khủng hoảng ở Kyrgyzstan là một bài đánh giá đáng kể về năng lực và sự sẵn sàng của cộng đồng quốc tế trong việc thực hiện R2P. Các tổ chức xã hội dân sự quốc tế bao gồm Trung tâm Trách nhiệm Toàn cầu, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền và các tổ chức khác, lần đầu tiên chính thức thúc giục Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đưa ra tiêu chuẩn về R2P và thực hiện các bước cụ thể nhằm đảm bảo rằng tình hình ở Kyrgyzstan không gia tăng 14 . Mặt khác, mặc dù chính phủ lâm thời của Kyrgyzstan không thể ngăn chặn cũng như đối phó với cuộc khủng hoảng, nhưng từ đó, họ đã cho thấy khả năng cung cấp một giải pháp công bằng và tích cực, mang lại cho cả hai nhóm sắc tộc trong nước khả năng lựa chọn tương lai của mình bằng cách tiến hành trưng cầu dân ý về Hiến pháp mới cũng như tổ chức các cuộc bầu cử mới vào cuối năm 2010. Chính phủ lâm thời cũng cho thấy nỗ lực của mình trong việc tái thiết đất nước bằng cách kêu gọi một hội nghị các nhà tài trợ quốc tế cho tặng 1,2 tỷ đô la Mỹ viện trợ để tái thiết sau thời gian bạo lực chính trị và sắc tộc.

Ngược lại, vấn đề đối phó với cuộc khủng hoảng này nằm ở các nước láng giềng của Kyrgyzstan, cộng đồng khu vực và quốc tế, cụ thể bao gồm Nga, Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu. Sự thiếu thiện chí của Nga và Hoa Kỳ, và phản ứng kém hiệu quả từ Tổ chức An ninh và Hợp tác ở châu Âu đã khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn. Có thể mỗi bên có lý do chính trị riêng để không can dự vào sự vụ này. Hơn nữa, động lực quốc tế trong việc thực hiện học thuyết R2P dường như không đủ mạnh để khiến các nước này vượt qua quan điểm chính trị riêng và tuân thủ cam kết của họ trong Hội nghị thượng đỉnh thế giới năm 2005 vì mục đích nhân đạo. Các lợi ích chính trị và kinh tế dường như được các quốc gia này cân nhắc quan trọng hơn là hỗ trợ nhân quyền. Tuy nhiên, mặc dù Hoa Kỳ không tham gia vào cuộc xung đột, nhưng kể từ đó, nước này đã hỗ trợ tái phát triển ở Kyrgyzstan. Theo Olcott (2010), một số hỗ trợ này bao gồm việc giúp Kyrgyzstan thiết lập một nền dân chủ đang hoạt động và tái thiết nhà cửa và cuộc sống của các nạn nhân ở miền nam đất nước, cũng như cung cấp đào tạo cảnh sát, điều phối các nhà tài trợ, và giám sát, chứng nhận bầu cử 15 .

KẾT LUẬN

Trường hợp bạo loạn tại Kyrgyzstan năm 2010 đã chỉ ra một số hạn chế mà cộng đồng quốc tế đã phải đối mặt khi thực hiện R2P, bao gồm thời điểm hiệu quả của một cuộc can thiệp và sự không sẵn sàng can thiệp về mặt chính trị. Sự thiếu thiện chí chính trị của các nước láng giềng, trong khu vực và cộng đồng quốc tế là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Mặc dù các biện pháp can thiệp ở Kyrgyzstan được một số người cho là phù hợp và hiệu quả, nhưng rõ ràng là Nga và Mỹ đã không sẵn sàng can dự, bất chấp việc chính phủ lâm thời đã nhiều lần kêu gọi sự giúp đỡ. Do vậy, ‘Trách nhiệm phản ứng’ là một nội dung cần được hoàn thiện hơn với việc xây dựng được một cơ chế rõ ràng nhằm giải quyết vấn đề ý chí chính trị của các quốc gia và/hoặc tổ chức láng giềng, trong khu vực, có liên quan nói riêng và cộng đồng quốc tế nói chung. Ngoài ra, tuy kết cục cuối cùng thành công, cộng đồng quốc tế dường như cũng cho thấy sự khó khăn trong việc ngăn chặn tình huống thanh trừng sắc tộc xảy ra ở Kyrgyzstan, mặc dù căng thẳng sắc tộc giữa hai nhóm sắc tộc ở nước này đã có từ thời Liên Xô, và dù tình huống này xảy ra sau khi học thuyết R2P đã được quảng bá và ủng hộ. Vậy, việc thực hiện R2P cũng cho thấy một số hạn chế trong phần nội dung về ‘Trách nhiệm phòng ngừa’; khuyến nghị rằng cần có các hướng dẫn, hoặc một quy trình gồm thứ tự từng bước đánh giá, mà cộng đồng quốc tế có thể tuân theo để xác định khi nào một quốc gia không thể hoặc không sẵn lòng ngăn chặn xung đột xảy ra. Những điều trên sẽ giúp cộng đồng quốc tế phản ứng hiệu quả và kịp thời hơn trong việc ngăn ngừa và /hoặc can thiệp.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

R2P: Responsibility to Protect

TUYÊN BỐ XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Luck E. Stanley Center for Peace and Security. [Online] 8 2008. [Cited: 3 8 2021.]. . ;:. Google Scholar
  2. The Responsibility to Protect - Research, Bibliography, Background. ICISS. [Online] 2001. [Cited: 24 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  3. The Responsibility to Protect - Report of the International Commission on Intervention and State Sovereignty. ICISS. [Online] 2001. [Cited: 24 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  4. The Responsibility to Protect in Southeast Asia: Can ASEAN Reconcile Humanitarianism and Sovereignty? Bellamy, A and Beeson, M. 3, s.l. : Asian Security, 2010, Vol. 6. . ;:. Google Scholar
  5. Mayersen D. The Responsibility to Prevent: Opportunities, Challenges and Strategies for Operationalisation. Asia-Pacific Centre for the Responsibility to Protect. [Online] 2010. [Cited: 20 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  6. Crisis in Kyrgyzstan. The Boston Globe. [Online] 2010. [Cited: 15 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  7. Red Cross: No Quick End to Kyrgyzstan Crisis. Voice of America. [Online] 2010. [Cited: 28 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  8. Halpin T. Uzbeks talk of ethnic cleansing. [Online] 2010. [Cited: 30 7 2021.]. . ;:. Google Scholar
  9. Rall T. Syndicated Column: Ethnic Cleansing in Kyrgyzstan. Ted Rall. [Online] 2010. [Cited: 5 8 2021.]. . ;:. Google Scholar
  10. Weir F. Deadly riots in Kyrgyzstan challenge interim government. The Christian Science Monitor. [Online] 2010. [Cited: 10 8 2021.]. . ;:. Google Scholar
  11. Mylonas, H and Radnitz, S. Stopping ethnic cleansing in Kyrgyzstan. Hurriyet Daily News and Economic Review. [Online] 2010. [Cited: 3 8 2021.]. . ;:. Google Scholar
  12. UN Special Advisers of the Secretary-General on the Prevention of Genocide and on the Responsibility to Protect on the Situation in Kyrgyzstan. United Nations Press Release. [Online] 2010. [Cited: 15 8 2021]. . ;:. Google Scholar
  13. Kyrgyzstan timeline. BBC News. [Online] 2010. [Cited: 3 8 2021]. . ;:. Google Scholar
  14. Fraser K. UN must intervene in Kyrgyzstan bloodshed. The Sydney Morning Herald. [Online] 2010. [Cited: 20 7 2021]. . ;:. Google Scholar
  15. Olcott M. Instability in Kyrgyzstan: The International Response. Carnegie Endowment for International Peace. [Online] 2010. [Cited: 29 7 2021]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 2440-2448
Published: Apr 12, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.957

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Võ, H. (2022). The ‘responsibility to protect’ doctrine: Reviewing the Kyrgyzstan crisis in 2010. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(2), 2440-2448. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.957

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 113 times
PDF   = 65 times
XML   = 0 times
Total   = 65 times