Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1225

Total

343

Share

Assessing state management of the environment in Thanh Sơn district, Phu Tho province






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

Nowadays, environmental protection has been an urgent topic of interest to society. Along with the strong growth of the global economy, the sources of harm to the environment are increasing significantly. This not only puts pressure on urban areas but also has a great influence on rural areas Vietnam. Thanh Son is mainly an agricultural district where the rural areas account for over 90% of the natural areas and over 80% of the district's population living (in 2019). The environmental protection, garbage collection, transportation and treatment of domestic wastes to ensure environmental sanitation in particular are paid more attention and monitored by the District Party Committee and People's Council, which is the main target in socio-economic development and in the Resolution of the district Party Congress. However, the process of socio-economic development has posed many challenging problems, including serious environmental pollution in rural areas. Domestic wastes from plantation and animal husbandry activities of households have not been thoroughly treated. In addition, planning and state management activities are still limited as communes do not have places to collect and treat wastewater and other kinds of wastes, etc. Some communes in the district have difficult terrain to travel, and the system of branch roads has not been developed. The study aims to clarify the status of state management of the environment in Thanh Son district, thereby proposing 7 groups of solutions to improve the effectiveness of state management of the environment in Thanh Son district, Phu Tho province in the future.

Đặt vấn đề

Hiện nay, quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng đặt ra nhiều vấn đề nghiêm trọng, trong đó tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn. Lượng chất thải, khí thải ngày càng nhiều và đa dạng, trong khi đó các biện pháp xử lý thì kém hiệu quả cùng với sự lơ là thiếu tập trung vào xử lý tránh hủy hoại môi trường đã làm cho môi trường bị suy thoái. Tuy đã có sự quản lý của Nhà nước nhưng hoạt động này còn nhiều bất cập đặc biệt ở vùng nông thôn, do hoạt động quản lý còn chồng chéo, công tác tuyên truyền chưa đồng bộ thường xuyên,... Bên cạnh đó vấn đề phong tục, tập quán của một bộ phận đồng bào dân tộc cũng ảnh hưởng rất nhiều đến công tác quản lý môi trường nông thôn.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trở thành một phong trào rộng lớn, tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức trong cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tiêu chí môi trường là 1 trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong chương trình vẫn là tiêu chí khó thực hiện nhất. Hiện tại, môi trường nông thôn đang chịu sức ép ô nhiễm ngày càng lớn từ sự phát triển kinh tế, gia tăng dân số, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bừa bãi, bỏ trống khâu xử lý chất thải trong chăn nuôi,… 1 Việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, ở nhiều xã vùng nông thôn hiện nay đã xuất hiện những làng, đường bích họa, dòng sông không rác, đường hoa, cây xanh,… Đây là những mô hình tiêu biểu mà nhiều xã, ấp, bản đã triển khai giúp thay đổi bộ mặt vùng nông thôn và nâng cao chất lượng sống người dân.

Thanh Sơn là huyện miền núi nằm về phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ. Huyện có 23 đơn vị hành chính cơ sở (22 xã, 1 thị trấn). Tổng diện tích tự nhiên toàn huyện là 62.177,06 ha. Là một huyện thuần nông, khu vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 90% diện tích tự nhiên và chiếm 80% dân số toàn huyện năm 2019 2 . Trong những năm qua, thực hiện Luật môi trường, quản lý nhà nước (QLNN) về môi trường huyện Thanh Sơn thời gian qua đã có bước chuyển biến, góp phần khắc phục tình trạng ô nhiễm và suy thoái môi trường trên địa bàn. Tuy vậy, hoạt động quản lý môi trường còn bộc lộ nhiều điểm yếu như: nguồn nhân lực còn thiếu, năng lực quản lý của cán bộ còn yếu; công cụ quản lý vừa thiếu vừa yếu, các văn bản còn chồng chéo, nội dung văn bản còn chung chung chưa phù hợp với thực tế của địa phương; nhận thức của người dân trong việc môi trường còn rất hạn chế; các chế tài xử lý chưa có đủ sức răn đe đối với người vi phạm 3 .

Nghiên cứu này được thực hiện với 3 mục tiêu chính: (1) Khái quát sơ lược cơ sở lý luận về môi trường và QLNN về môi trường; (2) Phân tích thực trạng về vấn đề ô nhiễm môi trường và QLNN về môi trường tại huyện Thanh Sơn trong giai đoạn 2017-2019, trong đó chủ yếu tập trung phân tích dữ liệu thứ cấp, dữ liệu sơ cấp được sử dụng để bổ trợ thêm cho kết quả phân tích từ dữ liệu thứ cấp; (3) Căn cứ trên thực trạng và bối cảnh thực tế của địa phương để đề xuất các nội dung QLNN về môi trường huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ trong thời gian tới.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý luận về môi trường

Có rất nhiều cách hiểu khác nhau về môi trường tuỳ theo cách tiếp cận, mục đích nghiên cứu sử dụng khác nhau mà khái niệm này được hiểu theo nhiều cách khác nhau.

Một định nghĩa nổi tiếng của Kalesnik (1970): "Môi trường (được định nghĩa với môi trường địa lí) chỉ là một bộ phận của trái đất bao quanh con người, mà ở một thời điểm nhất định xã hội loài người có quan hệ tương hỗ trực tiếp với nó, nghĩa là môi trường có quan hệ một cách gần gũi nhất với đời sống và hoạt động sản xuất của con người" 4 .

Trong quyển "Địa lí hiện tại, tương lai. Hiểu biết về quả đất, hành tinh của chúng ta” của Magnard (1980) 5 , đã nêu ra khá đầy đủ khái niệm môi trường: "Môi trường là tổng hợp - ở một thời điểm nhất định - các trạng huống vật lí, hoá học, sinh học và các yếu tố xã hội có khả năng gây ra một tác động trực tiếp hay gián tiếp, tức thời hay theo kỳ hạn, đối với các sinh vật hay đối với các hoạt động của con người".

Trong Tuyên ngôn của UNESCO năm 1981, môi trường được hiểu là "Toàn bộ các hệ thống tự nhiên và các hệ thống do con người tạo ra xung quanh mình, trong đó con người sinh sống và bằng lao động của mình đã khai thác các tài nguyên thiên nhiên hoặc nhân tạo nhằm thoả mãn các nhu cầu của con người" 6 .

Cũng có những tác giả đưa ra định nghĩa ngắn gọn hơn, chẳng hạn như Sharme (1988) cho rằng: "Môi trường là tất cả những gì bao quanh con người" 7 .

Trong nghiên cứu này, chúng tôi sử dụng khái niệm môi trường trong Luật bảo vệ môi trường của Việt Nam năm 2014 8 định nghĩa khái niệm môi trường như sau: “Môi trường là hệ thống các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo có tác động đối với sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật” (Mục 1, Điều 3).

Như vậy, môi trường sống của con người bao gồm: (1) Môi trường tự nhiên bao gồm các nhân tố thiên nhiên như vật lý, hoá học, sinh học, tồn tại ngoài ý muốn của con người, nhưng cũng ít nhiều chịu tác động của con người. Đó là ánh sáng mặt trời, núi sông, biển cả, không khí, động, thực vật, đất, nước... (2) Môi trường xã hội là tổng thể các quan hệ giữa người với người. Đó là những luật lệ, thể chế, chính sách, các mối quan hệ xã hội, cam kết, quy định, ước định... ở các phạm vi và mức độ khác nhau khác nhau. Các thành phần tự nhiên và xã hội của môi trường có tác động tới sự tồn tại và phát triển của con người và sinh vật. Các thành phần này cũng chịu sự tác động của các hoạt động của con người.

Quản lý Nhà nước về môi trường

Trong những năm qua, vấn đề quản lý và BVMT nông thôn đã nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các nội dung về quản lý môi trường nông thôn được điều chỉnh bằng nhiều văn bản quy phạm pháp luật, thông qua việc lồng ghép vào các văn bản quản lý môi trường nói chung hoặc lồng ghép vào các văn bản quản lý sản xuất chuyên ngành. Theo đó, Luật Bảo vệ môi trường; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020 ... đều có các quy định liên quan đến quản lý và BVMT nông thôn như. Thứ nhất, Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã đưa ra các điều khoản quy định việc BVMT trong sản xuất nông nghiệp, làng nghề, nuôi trồng thủy sản, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y; quy định về BVMT khu dân cư, hộ gia đình hay tổ chức tự quản về BVMT. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã bổ sung sửa đổi các điều khoản này, chi tiết, phù hợp hơn với điều kiện thực tiễn. Thứ hai, Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 đã đưa ra mục tiêu giải quyết cơ bản tình trạng suy thoái môi trường tại một số vùng nông thôn; cấp nước sạch cho dân cư khu vực nông thôn; xây dựng Chương trình xây dựng và phổ biến nhân rộng các mô hình làng kinh tế sinh thái 9 . Tiếp theo đó , Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 cũng có nhóm nội dung, biện pháp hướng tới mục tiêu giải quyết cơ bản các vấn đề môi trường tại các làng nghề và vấn đề VSMT nông thôn. Đến nay, các chương trình, dự án nhằm thực hiện các mục tiêu đặt ra cũng đã và đang được triển khai thực hiện theo đúng lộ trình 10 .

Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội ban hành ngày 17/11/2020 có hiệu lực từ 1/1/2022 có nhiều điểm mới. Lần đầu tiên chế định về thẩm quyền quản lý nhà nước dựa trên nguyên tắc quản lý tổng hợp, thống nhất, một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện; phân cấp triệt để cho địa phương 11 .

Để thực thi được chức năng quản lý nhà nước của mình các cơ quan cần có các công cụ. Đó là: (1) Xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; (2) Tổ chức thực thi hệ thống văn bản pháp luật; (3) Kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật đối với các đối tượng chịu tác động; (4) Phân tích, đánh giá và tiếp nhận các phản ánh về các chính sách đó để điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn. Một trong những nội dung quan trọng của công tác BVMT là thường xuyên tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đây không chỉ là việc của những cơ quan phụ trách mà là công việc của cả hệ thống chính trị và toàn dân, bởi vì “lãnh đạo thì phải kiểm tra, không kiểm tra coi như không lãnh đạo” 11 .

Để triển khai các chính sách, Luật, Pháp lệnh, rất nhiều các văn bản dưới luật cũng đã được xây dựng với các nội dung quy định về quản lý chất thải nông nghiệp bao gồm: kiểm soát ô nhiễm từ hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, giết mổ…; hoạt động chế biến nông lâm thủy sản, các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ tại khu vực nông thôn hay quy định việc kiểm soát ô nhiễm, quản lý chất thải làng nghề… cũng được ban hành.

Đặc điểm kinh tế - xã hội địa bàn huyện Thanh Sơn

Huyện Thanh Sơn là huyện miền núi với địa hình đặc trưng là núi, đồi có sườn dốc, bị phân cắt bới nhiều thung lũng hẹp và trung bình. Địa hình đó tạo cho huyện Thanh Sơn có cơ cấu kinh tế nông, lâm đa dạng. Tuy nhiện địa hình bị chia cắt phức tạp, đồi núi dốc cũng gây cho Thanh Sơn nhiều trở ngại trong phát triển kinh tế và xã hội, đặc biệt trong quá trình thu gom và xử lý rác thải. Ngoài ra, tổng diện tích tự nhiên huyện Thanh Sơn là 62.177,06 ha, trong đó có 53.506,31 ha đất nông nghiệp, có 4.533,21 ha đất phi nông nghiệp và 4.137,54 ha đất chưa sử dụng. Do vậy đặc trưng phát triển kinh tế trên địa bàn huyện chủ yếu là phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp 12 .

Tổng dân số trên 12,5 vạn người, có 32 dân tộc cùng chung sống, trong đó 61,44% là người dân tộc thiểu số (dân tộc Mường chiếm 56,79%, Dao chiếm 3,64% còn lại là các dân tộc khác) 12 . Như vậy, đa số dân số ở huyện là đồng bào Dân tộc thiểu số sinh sống chủ yếu ở nông thôn và các xã vùng sâu, vùng xa, xã có điều kiện kinh tế khó khăn. Do vậy, Lãnh đạo chính quyền huyện đã có các kế hoạch chiến lược trọng điểm nhằm phát triển kinh tế nhằm tận dụng những lợi thế vốn có của huyện để phát triển: Xác định phát triển kinh tế đồi rừng là hướng đi phù hợp, Đảng bộ huyện đã ban hành nghị quyết phát triển kinh tế đồi rừng giai đoạn 2014 – 2020. Theo định hướng này, Phòng Nông nghiệp huyện đã xây dựng Đề án phát triển kinh tế đồi rừng với mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững. Nhờ vậy, đến nay, đã có hàng trăm hộ dân mạnh dạn đầu tư phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng với quy mô lớn như các gia trại, trang trại nông, lâm kết hợp. Phong trào thi đua sản xuất, phát triển kinh tế đồi rừng tại các xã, thị trấn trong huyện, nhất là các xã, khu thuộc vùng đặc biệt khó khăn đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Table 1 Quy mô và tốc độ tăng giá trị sản xuất (giá trị thực tế) huyện Thanh Sơn , tỉnh Phú Thọ ( Đơn vị: Triệu đồng ) 12

Qua Table 1 thấy rằng tổng giá trị sản xuất của huyện qua 3 năm tăng bình quân 26,91%/năm. Đóng góp vào sự tăng trưởng này là ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản và các ngành dịch vụ. Trong khi đó, ngành công nghiệp- xây dựng có xu hướng giảm giá trị trong giai đoạn 2017-2019. Điều này phản ánh, ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn đóng vai trò quan trong trong phát triển KT-XH của huyện.

Phương pháp nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là hoạt động quản lý nhà nước về môi trường tại huyện Thanh Sơn trong giai đoạn 2017-2019. Nghiên cứu sử dụng phương pháp thu thập số liệu sơ cấp và thứ cấp, cụ thể:

Số liệu thứ cấp thu được từ các báo cáo: Niên giám thống kê tại Chi cục Thống kê huyện Thanh Sơn; các báo cáo kinh tế - xã hội thu thập tại Văn phòng HĐND – UBND huyện Thanh Sơn; Báo cáo tổng kết về môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn; Báo cáo tiến độ xây dựng nông thôn mới và Báo cáo tổng kết công tác xây dựng nông thôn mới của huyện Thanh Sơn.

Số liệu sơ cấp thu được từ việc nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát các đối tượng liên quan trong. Số liệu khảo sát từ 100 đối tượng bao gồm: Cán bộ huyện, xã (10); Các doanh nghiệp, tổ chức, Ban Quản lý môi trường (6); Các tổ tự quản, tổ thu gom rác thải (4); Nhóm hộ dân (80). Số liệu điều tra được thực hiện trong năm 2020 với các thông tin cụ thể bao gồm: Thông tin chung về đối tượng khảo sát và phần câu hỏi về thực trạng QLNN về môi trường.

Nội dung phiếu khảo sát tập trung vào việc đánh giá QLNN về môi trường huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Các nhận định, đánh giá được thiết kế theo thang đo Likert 5 mức độ: 1-Hoàn toàn không đồng ý; 2-Không đồng ý; 3-Trung lập; 4-Đồng ý; 5-Hoàn toàn đồng ý. Thời gian khảo sát vào tháng 4 và tháng 5 năm 2020, bằng hình thức phỏng vấn trực tuyến thông qua bảng hỏi.

Số liệu sau khi thu thập được xử lý bằng chương trình Microsoft Excel 2019 và tính toán các chỉ tiêu thống kê cần thiết. Từ đó nhóm nghiên cứu thực hiện phân tích, đánh giá thực trạng QLNN về môi trường huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, chỉ ra các tồn tại, hạn chế và đưa ra gợi ý giải pháp phù hợp.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thực trạng vấn đề môi trường tại huyện Thanh Sơn

Trên địa bàn huyện Thanh Sơn có khá nhiều những nguồn gây phát sinh rác thải, nước thải, chất thải từ hoạt động chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, chôn cất mồ mả.

Thứ nhất, vấn đề rác thải sinh hoạt: Ước tính toàn huyện Thanh Sơn thải ra trên 33 tấn rác thải sinh hoạt mỗi ngày (đối với khu vực thành thị lượng chất thải rắn phát sinh trung bình 0,5kg/người/ngày; đối với khu vực nông thôn là 0,3kg/người/ngày). Tuy nhiên, toàn huyện chỉ mới khoảng 8 tấn được xử lý, tập trung chủ yếu ở địa bàn thị trấn. Phần lớn rác thải phát sinh trong đời sống hàng ngày, người dân thường có thói quen loại bỏ bằng cách đốt hoặc xả thải vào môi trường đất, ao, hồ, sông, suối, kênh mương... gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí, cảnh quan và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng 13 , 14 , 15 .

Thứ hai, Vấn đề nước thải: các hộ dân sống gần các tuyến đường liên xã chưa đầu tư hố thu gom nước thải sinh hoạt, thường thải ra đường làm ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan. Theo thống kê, 100% các làng nghề chưa có hệ thống xử lý chất thải, nước thải riêng biệt. Ngoài ra, nước thải sinh hoạt, chăn nuôi tại khu dân cư nông thôn chưa qua xử lý đang được xả thẳng ra môi trường 13 , 14 , 15 .

Thứ ba, Chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp: việc lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, chất thải trong chăn nuôi chưa xử lý triệt để đã và đang tác động xấu đến môi trường sản xuất, gây ảnh hưởng tầng nước ngầm, ô nhiễm nguồn nước về mặt hữu cơ và vi sinh vật ngày càng cao. Ngoài ra, các loại chất thải còn bám lại trên bỏ bao bì, các chai lọ hoặc các gói hóa chất là chất thải rắn rất độc hại được người dân để lại tràn ngập tại các kênh mương điều này gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường 13 , 14 , 15 .

Hiện nay, có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm tác động đến môi trường trên địa bàn huyện đã được nhóm tác giả thu thập và tiến hành điều tra khảo sát 100 đối tượng khác nhau trên địa bàn huyện. Bao gồm nhiều nguyên nhân như: ô nhiễm môi trường từ công trường xây dựng, từ các mỏ khai thác, rác thải sinh hoạt ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, điều kiện sống và sức khỏe của nhân dân. Tại nhiều xã trong huyện vấn đề ô nhiễm chưa được giải quyết triệt để. Một phần là do thói quen từ nhiều đời trước để lại, bên cạnh đó ý thức của người dân nơi đây còn yếu kém. Ngoài ra, ô nhiễm ở các làng nghề trên địa bàn huyện nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả gây nhiều bức xúc cho nhân dân. Hoạt động quản lý của làng nghề cần được chính quyền huyện quan tâm sát sao hơn sao cho khắc phục được tồn tại về môi trường hiện nay.

Có nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường được thống kê, kết quả được thể hiện qua Table 2 : Với điểm đánh giá trung bình là 3,58 đồng ý với nhận định Ô nhiễm môi trường từ công trường xây dựng, từ các mỏ khai thác, ảnh hưởng đến nhiều mặt đời sống kinh tế - xã hội, điều kiện sống và sức khỏe của nhân dân; Với điểm đánh giá 3,59 đồng ý với nhận định “Ô nhiễm ở các làng nghề trên địa bàn huyện nhưng chưa có biện pháp khắc phục và giải quyết hiệu quả gây nhiều bức xúc cho nhân dân”. Ngoài ra, Ô nhiễm môi trường từ rác thải sinh hoạt của các hộ dân và các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn huyện với điểm đánh giá 3,36 điểm. Qua bảng khảo sát có thể thấy các nguyên nhân gây ra ô nhiễm môi trường hiện nay đều rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người dân và môi trường, tài nguyên thiên nhiên.

Table 2 Đ ánh giá về tác động môi trường

Thực trạng quản lý nhà nước về môi trường tại huyện Thanh Sơn

Do vậy, huyện đã xây dựng mô hình hoạt động về QLNN về môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn, hiện nay được mô hình phân cấp quản lý gồm UBND huyện là cơ quan cao nhất ban hành các văn bản thuộc phạm vi QLNN về môi trường cấp huyện (Hình 1). Như vậy, việc QLNN về môi trường được thực hiện chặt chẽ từ huyện đến cơ sở, có sự đồng thuận tham gia của nhiều ban nghành tạo điều kiện thuận lợi cho QLNN về môi trường.

Figure 1 . Mô hình hoạt động về QLNN về môi trường tại huyện Thanh Sơn

Ngoài ra, huyện đã đề ra nhiều văn bản quy phạm pháp luật về QLNN về môi trường như Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 20/8/2015 của UBND huyện Thanh Sơn ban hành nội dung liên quan đến: “Đề án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt huyện Thanh Sơn giai đoạn 2015 - 2020” 16 và đã thu được nhiều kết quả tích cực:

Thứ nhất, Hoạt động thông tin, tuyên truyền giáo dục có tác dụng rất lớn trong công tác BVMT. Mỗi năm có từ 2-3 cuộc họp tại các xóm, với số hộ tham gia trên 70%, có nơi trên 90%. Tổ chức nhiều hội thi và đạt được nhiều kết quả tích cực như: Hội thi thanh niên với môi trường huyện Thanh Sơn, Giải bóng đá mini cúp xanh môi trường, Phân loại CTRSH tại nguồn …

Thứ hai, Tổ chức thực hiện nhiều chương trình kế hoạch và nhiệm vụ về môi trường nông thôn như: Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn với các hộ dân cam kết thực hiện đạt 95%; Chương trình thu gom và xử lý chất thải nguy hại trong sản xuất nông nghiệp đã thực hiện dân vận, tuyên truyền cho các khu dân cư xây dựng được 140 bể chứa chất thải nguy hại tại khu vực đồng ruộng; Chương trình hỗ trợ kinh phí thực hiện Mô hình chăn nuôi bằng đệm lót sinh học, xây dựng hầm biogas đã hoàn thành đối với 100 hộ chăn nuôi và có 338 hộ chăn nuôi đăng ký tham gia trong năm 2019-2020. Ngoài ra, từ năm 2015, Phòng tài nguyên & môi trường đã xây dựng Đề án thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn huyện để trình UBND huyện Thanh Sơn đã thu được kết quả tích cực trong việc giải quyết tình trạng chất thải rắn từ các hộ dân, các cơ sở sản xuất kinh doanh, trường học, bệnh viện và các khu vực công cộng. Theo đề án này thì chất thải rắn phát sinh từ các nguồn sẽ được tổ tự quản rác thu gom trong khu dân cư đến các điểm tập kết rác, từ đây rác được phân loại và được đơn vị trúng thầu xúc, vận chuyển về khu xử lý rác của huyện. Các đơn vị thu gom, vận chuyển và xử lý rác phải báo cáo định kỳ cho Phòng tài nguyên & môi trường huyện để quản lý. UBND các xã có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi tổ tự quản rác và báo cáo định kỳ cho Phòng tài nguyên & môi trường tình hình hoạt động để kịp thời tổng hợp báo cáo UBND huyện. Công an huyện phối hợp với Phòng tài nguyên & môi trường trong việc thanh tra, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị thu gom và UBND các xã. Sau đó, tổng hợp, báo cáo tham mưu UBND huyện đề xuất các giải pháp hoàn thiện hệ thống quản lý chất thải rắn 13 , 14 , 15 .

Thứ ba, Vấn đề quản lý, thu gom rác thải sinh hoạt: Tại các xã đã thành lập các HTX dịch vụ vệ sinh môi trường tại 23 xã thị trấn với định kỳ thu gom 2 lần/ tuần. Do vậy, Tỷ lệ RTSH được thu gom khá cao (trên 80%). Ngoài ra, các xã cũng thành lập hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường giao cho Hội phụ nữ & Đoàn thanh niên quản lý và hình thành 250 tổ. Trên địa bàn huyện Thanh Sơn đã triển khai thực hiện thí điểm Chương trình phân loại rác tại nguồn trên địa bàn xã. Huyện đã hướng dẫn người dân thực hiện phân loại rác thải sinh hoạt đúng theo quy định và đảm bảo quy trình của huyện qua việc Phòng tài nguyên & môi trường đã tổ chức tập huấn cho người dân theo quy trình (Hình 2).

Figure 2 . Mô hình thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt gắn với Chương trình phân loại CTRSH tại nguồn ở huyện Thanh Sơn

Thứ tư, Việc lập thủ tục giấy phép môi trường dựa trên hướng dẫn chi tiết tại Nghị định số 29/2011/NĐ-CP 17 và Nghị định số 18/2015/NĐ-CP của Chính phủ 18 . Phòng TN&MT huyện Thanh Sơn đã thực hiện đúng quy định của pháp luật. Trong 3 năm từ năm 2017-2019 đã kiểm tra được 180 lượt, trong đó 25 trường hợp vi phạm bị xử lý hành chính với số tiền phạt hơn 100.000.000đ. Số đơn thư khiếu nại, phản ánh về ô nhiễm môi trường đã được Phòng tài nguyên & môi trường tiếp nhận và xử lý dứt điểm theo quy định Luật Khiếu nại Tố cáo là 25 thư với việc giải quyết bước đầu mang lại sự hài lòng và niềm tin cho nhân dân. Ngoài ra, Phòng tài nguyên & môi trường huyện Thanh Sơn đã lập Biên bản vi phạm hành chính đối với các trường hợp vi phạm và đã tham mưu Chủ tịch UBND huyện ban hành 38 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, với tổng số tiền thu nộp ngân sách: 112.800.000đ 13 , 14 , 15 .

Đánh giá hoạt động Quản lý Nhà nước về môi trường qua điều tra khảo sát các nhóm đối tượng có liên quan trên địa bàn huyện Thanh Sơn

Nhóm nghiên cứu căn cứ vào kết quả khảo sát 100 mẫu nghiên cứu và tính toán các chỉ tiêu thống kê cần thiết để tìm hiểu về thực trạng về QLNN về môi trường trên địa bàn huyện như sau:

(1) Tác giả tiến hành điều tra khảo sát 80 hộ dân liên quan về nội dung QLNN về BVMT, kết quả được thể hiện qua Table 3 có thể thấy còn rất nhiều hộ dân được khảo sát vẫn còn chưa có hành động tích cực trong việc bào vệ môi trường. Với những vấn đề còn tồn đọng về môi trường như kết quả khảo sát đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị ở huyện Thanh Sơn. Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huyện thanh Sơn tăng cường tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của BVMT.

Table 3 Đánh giá của một số hộ dân về tình hình bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn

(2) Bộ máy quản lý, nhân sự cán bộ thực thi nhiệm vụ QLNN về môi trường:

Thông qua khảo sát các nhóm đối tượng có thể thấy điểm đánh giá đối với cán bộ huyện, xã là 3,79. Cán bộ chuyên trách quản lý cấp xã chỉ có một cán bộ địa chính và không có cán bộ môi trường, qua khảo sát đa phần các ý kiến đều đồng ý với nhận định này với điểm đánh giá 3,59. Về năng lực cán bộ chuyên môn, điểm đánh giá là 3,38; trình độ chuyên môn của cán bộ quản lý còn thấp chưa đảm bảo sự quản lý, chưa theo kịp các yêu cầu mới đặt ra, không có tính cập nhật. Nhìn chung lực lượng QLNN về môi trường ở huyện Thanh Sơn chưa tương xứng với yêu cầu đặt ra, cơ bản huyện có địa bàn rất rộng và phân tán nên điều cốt yếu là cần phải bổ sung thêm nhân sự quản lý môi trường trong thời gian tới.

(3) Về hệ thống pháp luật QLNN về môi trường

Qua khảo sát tất cả các đối tượng về đánh giá về hệ thống pháp luật QLNN về môi trường thể hiện rằng hệ thống pháp luật về môi trường vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc. Các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường còn không đầy đủ và bám sát vào vấn đề.

Đánh giá về hệ thống pháp luật QLNN về môi trường của huyện thể hiện rất rõ qua Table 4 , cụ thể: Với điểm đánh giá là 3,06; thì hệ thống pháp luật về môi trường được đánh giá trên mức trung bình rất ít (3,06>3). Do vậy, có thể thấy vẫn còn nhiều bất cập, nhiều quy định còn chung chung, mang tính nguyên tắc; Các ý kiến đều đồng ý với nhận định “Chưa tạo ra hành lang pháp lý và môi trường thuận lợi để khuyến khích phát triển ngành công nghiệp, dịch vụ môi trường và sản phẩm thân thiện với môi trường tại huyện” với điểm đánh giá 3,57 có thể thấy các chính sách hiện nay vẫn còn chưa khuyến khích được các ngành nghề tạo ra những sản phẩm hoặc có những biện pháp BVMT; Các cơ chế về bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường gây ra, giải quyết tranh chấp, xung đột về môi trường còn không đầy đủ và bám sát vào vấn đề, với điểm đánh giá là 3,58; Nhiều quy định về xã hội hóa hoạt động môi trường mới chỉ dừng lại ở nguyên tắc, thiếu cơ chế phù hợp để thực hiện nên chưa phát huy được hiệu quả (như không vứt rác bừa bãi, phân loại rác tại nguồn) được các đối tượng khảo sát đánh giá cao trên mức trung bình.

Table 4 Đ ánh giá về công cụ quản lý nhà nước về môi trường

(4) Về hoạt động thu gom - xử lý rác thải

Hoạt động thu gom xử lý rác thải tại các xã, thị trấn chưa được các cấp, các ngành, các địa phương quan tâm đúng mức; chưa chủ động xây dựng kế hoạch thu gom, xử lý rác thải một cách phù hợp chưa hình thành các tổ, đội dịch vụ thu gom rác thải để triển khai thực hiện, việc thu gom rác thải tại thị trấn Thanh Sơn chủ yếu giao khoán cho Ban quản lý các công trình công cộng triển khai thực hiện; nhiều hộ gia đình, cá nhân còn tùy tiện xả rác thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm môi trường và gây bức xúc cho xã hội.

Nội dung đánh giá của người dân về hoạt động thu gom xử lý rác thải được thể hiện qua Table 5 .

Table 5 Đ ánh giá về hoạt động thu gom xử lý rác thải

Đánh giá thực trạng quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ

Kết quả đạt được

- Thứ nhất, Các cơ quan QLNN về môi trường huyện Thanh Sơn đã thực hiện nghiêm túc các chủ trương, pháp luật Đảng và Nhà nước về QLNN về môi trường, quản lý môi trường tại huyện Thanh Sơn có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực. Ngoài ra, Cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở cũng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo quy hoạch bãi rác thải tập trung, thành lập các tổ, đội thu gom rác thải ở thị trấn và khu vực trung tâm các xã…

- Thứ hai, Thực hiện triển khai đầy đủ các văn bản của Trung ương, của tỉnh, huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể; tích cực tuyên truyền môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu dưới nhiều hình thức lồng ghép: Hội nghị giao ban, hội nghị báo cáo viên, các đợt sinh hoạt chính trị, sinh hoạt chuyên đề;… Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nhận thức của các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng của quản lý tài nguyên, môi trường trong tình hình mới được nâng lên; bước đầu các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia có hiệu quả và cam kết thực hiện tốt BVMT.

- Thứ ba, Chủ trương thực hiện xã hội hóa về xử lý rác thải bước đầu thực hiện đạt được kết quả tốt, giảm nhẹ gánh nặng đầu tư của huyện và từng bước thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của cộng đồng.

Hạn chế và nguyên nhân

- Thứ nhất, Việc ban hành theo thẩm quyền quy định về chương trình, kế hoạch về môi trường trên địa bàn huyện: nhiều văn bản quy phạm pháp luật giữa các bộ, ngành chồng chéo nhau; các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Nghị định chưa ban hành kịp thời nên cấp huyện lúng túng trong việc xây dựng kế hoạch để triển khai tổ chức thực hiện tại địa phương. Ngoài ra, việc nắm bắt thực trạng diễn biến môi trường tại địa phương còn chậm, chưa chủ động, dự báo tốt và quyết liệt xây dựng chương trình hành động, kế hoạch kịp thời” 19 .

- Thứ hai, Việc tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch và nhiệm vụ QLNN về môi trường trên địa bàn huyện với các đề án, kế hoạch thành phần nằm trong các đề tài đã được phê duyệt chưa được hiệu quả và kịp thời. Việc phân bổ ngân sách để thực hiện công tác môi trường trên địa bàn còn hạn chế, kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ chỉ đủ đáp ứng để giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách của địa phương như: xử lý rác thải tồn lưu, đóng cửa các bãi rác tạm tại địa phương; hỗ trợ cho người dân xây dựng hầm biogas để xử lý chất thải.

- Thứ ba, Việc truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về môi trường trên địa bàn huyện chưa được thường xuyên, chỉ tập trung vào ngày lễ môi trường trong năm. Ngoài ra, hình thức và nội dung tuyên truyền về môi trường chưa thật sự hấp dẫn, sáng tạo và thu hút người dân quan tâm. Chỉ có một số ít mô hình truyền thông hấp dẫn và sáng tạo, lực lượng tuyên truyền viên môi trường vừa ít và thiếu kỹ năng về truyền thông môi trường.

Kết luận và kiến nghị

Kết luận

Nghiên cứu phân tích thực trạng đã đưa ra được những kết quả của QLNN về môi trường như: trên địa bàn huyện Thanh Sơn trung bình mỗi ngày có khoảng 30 đến 35 tấn rác thải sinh hoạt, tuy nhiên một tỷ lệ không nhỏ rác thải không được thu gom, xử lý, lượng rác thải này được xả vào các ao, hồ, sông, kênh, mương, suối… gây ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đất, nước, không khí, cảnh quan và tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng. Đồng thời, nhóm tác giả đã chỉ ra được một số nguyên nhân chính gây ra hoạt động ô nhiễm môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn. Trong giai đoạn vừa qua huyện đã tập trung chỉ đạo chấn chỉnh và thực hiện QLNN về môi trường như: Ban hành phổ biến, hướng dẫn các văn bản pháp luật đối với môi trường trên địa bàn huyện Thanh Sơn, Xây dựng bộ máy QLNN đối với môi trường trên địa bàn huyện, Kiểm tra, thanh tra đối với các cơ sở; Xây dựng, quản lý các công trình môi trường, các công trình liên quan đến môi trường trên địa bàn huyện;…

Mặc dù, QLNN về môi trường ở huyện Thanh Sơn tuy đã được quản lý dựa trên các văn bản quy định chung của nhà nước, song hoạt động này còn khá nhiều hạn chế yếu kém như: Việc quản lý và đầu tư nguồn lực chưa đáp ứng được theo nhu cầu, nhiệm vụ đặt ra; đặc biệt đội ngũ cán bộ tham gia QLNN về môi trường trên địa bàn huyện còn rất mỏng và yếu về quản lý; Huyện Thanh Sơn chưa cụ thể hóa rõ ràng chi tiết các văn bản quản lý môi trường phù hợp với thực trạng môi trường tại địa phương mình dẫn đến công cụ pháp luật chưa phát huy được hết vai trò răn đe xử lý các hoạt động vi phạm đến môi trường; Việc truyền thông, phổ biến, giáo dục chính sách và pháp luật về môi trường trên địa bàn huyện chưa được thường xuyên, chỉ tập trung vào ngày lễ môi trường trong năm.

Kiến nghị

Để QLNN về môi trường đạt hiệu lực cao, UBND huyện Thanh Sơn cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo việc QLNN về môi trường của các đơn vị, tổ chức và người dân trong đó tập trung vào một số các nhiệm vụ, giải pháp sau:

- Thứ nhất, Chú trọng hoạt động tuyên truyền để mọi tổ chức, công dân trên địa bàn huyện nhằm nâng cao nhận thức đúng đắn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với việc quản lý và môi trường 20 :

+Về hình thức: Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm môi trường thông qua các hình thức như dán pano, áp phích, băng rôn trên các trục đường chính, các điểm tập trung dân cư; tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã và các khu dân cư về thực hiện các quy định trong quản lý rác thải, tác hại của việc thải rác bừa bãi ra đường làng, ngõ xóm; cổ động các phong trào toàn dân môi trường, nêu gương điển hình trong hoạt động môi trường.

+ Về phương pháp: Đưa nội dung QLNN về môi trường kế hoạch công tác của các cấp, các ngành, các cơ quan trực thuộc UBND huyện, nhất là những phòng ban liên quan trực tiếp như: Phòng TN&MT, Phòng kinh tế hạ tầng huyện, phòng Tài chính... phải xác lập nhiệm vụ nghiên cứu, quán triệt, nhận thức đầy đủ, đúng đắn các chủ trương, các văn bản quy phạm pháp luật về môi trường. Ngoài ra, cần tổ chức tập huấn: Đây là một công việc hết sức cần thiết, do yêu cầu thực tế đặt ra. Như ở phần thực trạng đã đánh giá, nhận thức của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác lãnh đạo, quản lý và tổ chức thực hiện nhiệm vụ về môi trường còn nhiều bất cập. Vì vậy, tổ chức các lớp tập huấn bổ sung những kiến thức chuyên môn cơ bản, cụ thể, sát với việc ô nhiễm môi trường hiện tại trên địa bàn huyện sẽ là cách làm nhanh, có hiệu quả.

- Thứ hai, Giải pháp tăng cường chỉ đạo QLNN về môi trường trong thời gian tới với việc ban hành theo thẩm quyền quy định về chương trình, kế hoạch về môi trường trên địa bàn huyện: UBND huyện xây dựng Kế hoạch, Chương trình về BVMT và thường xuyên chỉ đạo UBND cấp xã cụ thể hóa để tổ chức triển khai thực hiện ở chính quyền cơ sở theo văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của UBND huyện. Việc thực hiện nhiệm vụ được thực hiện hướng đến mục tiêu của cấp trên đề ra, được xem là tiêu chí, thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành công vụ của chính quyền cấp cơ sở hàng năm. Ngoài ra, cần thường xuyên giám sát định kỳ kết quả thực hiện các kế hoạch, nhiệm vụ môi trường được phân cấp đối với UBND cấp xã; kịp thời chấn chỉnh, hướng dẫn UBND các xã thực hiện theo đúng chức năng và thẩm quyền quy định 21 .

- Thứ ba, Giải pháp về về cơ cấu tổ chức Quản lý Nhà nước: Cần xây dựng, kiện toàn và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ môi trường tại các cơ quan, đơn vị và địa phương với cơ cấu hợp lý. Huyện cần chủ động sắp xếp, bố trí lại biên chế hiện có và bổ sung kịp thời để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. UBND huyện chỉ đạo Phòng Nội vụ, Phòng TN&MT đề xuất, báo cáo việc bố trí công chức để thực hiện nhiệm vụ QLNN về môi trường. Cần có kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho các cán bộ; Đào tạo nguồn lực chuyên nghiệp 22 .

DANH MỤC CÁC CHỮ VIẾT TẮT

BVMT: Bảo vệ môi trường

CTRSH : Chất thải rắn sinh hoạt

QLNN: Quản lý nhà nước

TN&MT: Tài nguyên và Môi trường

UBND: Ủy ban nhân dân

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do nhóm tác giả thực hiện

Tác giả Phan Thanh Trường chịu trách nhiệm nội dung phần mở đầu, thực trạng, kết luận.

Tác giả Trần Thị Thúy Sinh chịu trách nhiệm nội dung tổng quan nghiên cứu.

Tác giả Phạm Thái Thủy chịu trách nhiệm nội dung phần tóm tắt (tiếng Việt và tiếng Anh) và phương pháp nghiên cứu.

References

  1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Quản lý môi trường nông thôn. 2015. . ;:. Google Scholar
  2. Cục thống kê tỉnh Phú Thọ. Niên giám thống kê tỉnh Phú Thọ 2020. . ;:. Google Scholar
  3. UBND Huyện Thanh Sơn. Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ. . ;:. Google Scholar
  4. Kalesnik. Các quy luật địa lí chung của trái đất. Moskva. tr.437 pp. Hardcover.1970. . ;:. Google Scholar
  5. Magnard. Địa lí hiện tại, tương lai. Hiểu biết về quả đất, hành tinh của chúng ta. Số 4. tr. 415-425. NXB University Press of France. 1980. . ;:. Google Scholar
  6. Tuyên ngôn của UNESCO về môi trường. 1981. . ;:. Google Scholar
  7. Sharme. Fauna of India and adjacent countries. Zoological Survey of India. Kolkata. North Eastern Hill University. 1988. . ;:. Google Scholar
  8. Quốc hội. Luật số: 44/2014/QH13 ngày 23/6/2014. Luật bảo vệ môi trường 2014. . ;:. Google Scholar
  9. Quyết định số 1216/QĐ-TTg ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. . ;:. Google Scholar
  10. Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020. . ;:. Google Scholar
  11. Quốc hội. Luật số: 72/2020/QH14 ngày 17/11/2020. Luật bảo vệ môi trường 2020. . ;:. Google Scholar
  12. UBND huyện Thanh Sơn. Báo cáo tình hình kinh tế xã hội các năm 2017, 2017, 2019. . ;:. Google Scholar
  13. UBND huyện Thanh Sơn. Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường năm 2018 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường huyện Thanh Sơn. 2019. . ;:. Google Scholar
  14. UBND huyện Thanh Sơn. Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường năm 2019 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường huyện Thanh Sơn. 2020. . ;:. Google Scholar
  15. UBND huyện Thanh Sơn. Báo cáo tổng kết công tác bảo vệ môi trường năm 2020 và phương hướng thực hiện nhiệm vụ về bảo vệ môi trường huyện Thanh Sơn. 2021. . ;:. Google Scholar
  16. Quyết định số 871/QĐ-UBND ngày 20/8/2015 của UBND huyện Thanh Sơn ban hành nội dung liên quan đến: "Đề án thu gom xử lý rác thải sinh hoạt huyện Thanh Sơn giai đoạn 2015 - 2020. . ;:. Google Scholar
  17. Chính phủ. Nghị định số 29/2011/NĐ-CP ngày 18/4/2011. Quy định về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường. . ;:. Google Scholar
  18. Chính phủ. Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015. Quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường. . ;:. Google Scholar
  19. UBND tỉnh Phú Thọ. Quyết định số 3883/QĐ-UBND ngày 18/11/2009 và Quyết định số 1832/QĐ-UBND ngày 23/7/2013 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc ban hành bộ tiêu trí nông thôn mới tỉnh Phú Thọ. . ;:. Google Scholar
  20. Mai Nguyễn Phương. Nghiên cứu giảm thiểu ô nhiễm môi trường các làng nghề trên địa bàn huyện Từ Sơn - tỉnh Bắc Ninh. [Luận văn thạc sỹ]. Trường Đại học Nông nghiệp. Hà Nội. 2007. . ;:. Google Scholar
  21. Sáng Nguyễn Việt. Tăng cường quản lý Nhà nước nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm để thúc đẩy phát triển bền vững các làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh, Luận văn thạc sỹ. Trường đại học Kinh tế quốc dân. Hà Nội. 2006. . ;:. Google Scholar
  22. Liên Hoàng Thế. Pháp luật môi trường Việt Nam - Thực trạng và định hướng hoàn thiện, Nxb. Tư pháp, Hà Nội. 2003. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 2727-2738
Published: Jun 18, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.962

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Phan, T., Tran, S., & Pham, T. (2022). Assessing state management of the environment in Thanh Sơn district, Phu Tho province. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(2), 2727-2738. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.962

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1225 times
PDF   = 343 times
XML   = 0 times
Total   = 343 times