Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

1332

Total

377

Share

Effects of exports on the growth of small and medium enterprises – empirical evidence from Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The paper aims to examine the impact of exports on the growth of Vietnamese manufacturing small and medium-sized enterprises (SMEs) by exploring the information of 36,486 enterprises across 24 manufacturing sectors from the Vietnam Annual Enterprise Survey (VAES) in the period 2014-2019. To deal with the problem of variable variance, autocorrelation, and endogeneity of the model, the paper uses the Pooled Ordinary Least Squares (POLS) regression method with a strong standard error method and system Generalized Method of Moments (GMM). Export participation by SMEs is positively associated with business growth in terms of sales and employee, according to the findings. Moreover, the positive impact of exporting on firm growth is greater among permanent exporters than among new exporters. The relationship between exporting and employment growth is negative among firms that exit international activities. The study's findings indicate the need of adopting policies that promote SMEs in transition economies like Vietnam to engage in exporting activities. Furthermore, the findings show that financial assistance and suitable ownership would enable SMEs to take advantage of export opportunities to increase sales and employees.

Đặt vấn đề

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ngày càng đóng vai trò quan trọng trong thương mại giữa các quốc gia, hiện chiếm 25% –35% xuất khẩu hàng hóa thế giới 1 , 2 . Tăng trưởng là yếu tố sống còn đối với các DNNVV bởi nếu không tăng trưởng, khả năng tồn tại của DN bị giảm đi đáng kể 3 . Tăng trưởng doanh nghiệp chính là sự gia tăng về quy mô hoặc cải thiện chất lượng, là kết quả của một quá trình thay đổi trong nội bộ doanh nghiệp 4 , 5 . Khi quyết định chiến lược tăng trưởng của mình, để tìm kiếm khách hàng mới và thị trường mới các DNNVV phải đối mặt với hai lựa chọn chính. Thứ nhất, họ có thể quyết định mở rộng và cải thiện thị trường sản phẩm của mình thông qua đổi mới. Thứ hai, họ có thể quốc tế hóa và thâm nhập các thị trường địa lý mới, chủ yếu bằng cách xuất khẩu 6 . Xuất khẩu là hoạt động đưa hàng hoá hoặc dịch vụ từ quốc gia này sang quốc gia khác để bán 7 , 8 . Xuất khẩu là phương thức thâm nhập thị trường nước ngoài phổ biến nhất mà các DNNVV sử dụng, do rủi ro tương đối thấp, có tính linh hoạt cao và sử dụng ít nguồn lực 9 .

Từ những năm 1990s, dữ liệu toàn diện ở cấp doanh nghiệp (DN) đã được sử dụng để xem xét mức độ và nguyên nhân của sự khác biệt trong tăng trưởng giữa các DN xuất khẩu và các DN chỉ bán hàng trên thị trường nội địa. Các nghiên cứu thực nghiệm về mối quan hệ giữa xuất khẩu và tăng trưởng DN đều khá đồng thuận với cơ chế tự lựa chọn xuất khẩu (Self- selection) khi cho rằng các DN có kết quả hoạt động tốt mới có thể vượt qua các rào cản chi phí chìm của việc xuất khẩu (chi phí vận chuyển, chi phí phân phối và tiếp thị, chi phí cho nhân sự có kỹ năng quản lý mạng lưới nước ngoài…) để có thể bán hàng tại thị trường nước ngoài 10 , 11 . Trong khi đó, ở chiều ngược lại, vẫn còn nhiều tranh luận về những lợi ích mà xuất khẩu mang lại các DN xuất khẩu 12 . Cụ thể, các nghiên cứu của Becchetti & Trovato, Lu & Beamish, Lafuente và cộng sự đã tìm được bằng chứng cho thấy nhận tác động tích cực của xuất khẩu đối với tăng trưởng của DN 13 , 14 , 15 . Trong khi đó, một số nghiên cứu lại không tìm thấy lợi ích của xuất khẩu đối với sự tăng trưởng của DN như nghiên cứu của Liu và cộng sự, Monreal-Pérez và cộng sự 16 , 17 … hoặc cho rằng lợi ích có được phụ thuộc vào nhiều yếu tố như ngành 18 , loại hình DN 19 và mức độ quốc tế hóa của DN 20 . Ở Việt Nam, các nghiên cứu về ảnh hưởng của giữa xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng DN cũng cho các kết quả khác nhau 21 .

Một điểm nổi bật đáng chú ý khi lược khảo các nghiên cứu trong nước và nước ngoài kể trên đó là các các nghiên cứu này tập trung chủ yếu vào nghiên cứu về tác động của xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng năng suất của DN do vai trò trung tâm của năng suất trong mô hình về lý thuyết thương mại quốc tế mới của Melitz 12 . Tuy nhiên, bên cạnh năng suất, còn có rất nhiều chỉ tiêu quan trọng khác phản ánh sự thay đổi về quy mô kết quả hoạt động của DN. Trong đó, phải kể đến các chỉ tiêu quan trọng như: tốc độ tăng trưởng doanh thu, tổng tài sản, lao động…

Do đó, mục tiêu của bài nghiên cứu này nhằm kiểm định lại các tác động của xuất khẩu đến tăng trưởng của DN tại Việt Nam, một quốc gia đang phát triển và đã trở thành một mẫu hình thành công của quá trình chuyển đổi từ kinh tế kế hoạch tập trung sang kinh tế thị trường, mở cửa và hội nhập quốc tế. Nghiên cứu có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn ở những khía cạnh sau: Thứ nhất, đối tượng của nghiên cứu này là các DNVVN, vốn được đặc trưng bởi sự hạn chế về nguồn lực, năng suất thấp và mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn thấp 17 , 22 . Thứ hai, nghiên cứu không chỉ tìm ra những ảnh hưởng của xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của các DNVVN mà cụ thể hơn, nghiên cứu còn tập trung phân tích tác động cụ thể của các lựa chọn khác nhau liên quan đến quá trình chuyển đổi vào và ra của quá trình xuất khẩu - tức là bắt đầu khẩu xuất khẩu (nhà xuất khẩu mới), duy trì xuất khẩu (nhà xuất khẩu ổn định) và dừng xuất khẩu – đối với tốc độ tăng trưởng của DN. Thứ ba, nghiên cứu kết hợp hai chỉ tiêu quan trọng phản ánh tốc độ tăng trưởng của DN là tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng việc làm) nhằm đánh giá ảnh hưởng của xuất khẩu tới hoạt động của DN ở nhiều khía cạnh khác nhau. Thứ tư, về phương pháp nghiên cứu, bên cạnh phương pháp hồi quy gộp (POLS), nghiên cứu này sử dụng phương pháp hồi quy GMM hệ thống hai bước nhằm xử lý hiện tượng nội sinh giữa xuất khẩu và tốc độ tăng trưởng. Vấn đề này vốn không được nhiều các nghiên cứu trước xử lý một cách thận trọng 23 .

Cơ sở lý thuyết

Ảnh hưởng của xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DNNVV

Xuất khẩu từ lâu đã được các DN sử dụng rộng rãi như là một trong những phương thức cơ bản nhất để thâm nhập thị trường quốc tế. So với, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), xuất khẩu là một cách tương đối dễ dàng và nhanh chóng để vươn ra thị trường nước ngoài vì mức độ cam kết và rủi ro tương đối thấp 24 . Khi xuất khẩu, một công ty không phải đưa ra cam kết về nguồn lực đối với thị trường nước ngoài như khi thực hiện đầu tư nước ngoài. Xuất khẩu cũng là một chiến lược dễ thực hiện hơn bởi vì một công ty không phải đối phó với sự phức tạp của việc thành lập một công ty con nước ngoài. Hơn nữa, xuất khẩu cung cấp khả năng tiếp cận thị trường nước ngoài tương đối nhanh hơn vì một công ty có thể sử dụng các cơ sở sản xuất hiện có để phục vụ thị trường nước ngoài thay vì phải xây mới cơ sở sản xuất ở thị trường nước ngoài. Đồng thời, xuất khẩu là một chiến lược ít rủi ro hơn bởi vì một công ty có thể dễ dàng rút khỏi thị trường nước ngoài khi có bất ổn chính trị và/hoặc điều kiện thị trường biến động. Những lợi thế riêng của xuất khẩu so với các phương thức thâm nhập thị trường quốc tế khác đặc biệt quan trọng đối với các DNNVV vì các DN này thường phải đối mặt với các hạn chế về nguồn lực và vì vậy, họ không dễ dàng chấp nhận các hình thức thâm nhập đòi hỏi nguồn lực lớn và rủi ro cao 14 .

Ảnh hưởng của xuất khẩu tới tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp khá rõ ràng.

Trên thế giới, rất nhiều học giả nghiên cứu về tác động của xuất khẩu tới hiệu quả hoạt động của DN. Dưới góc độ lý thuyết, Krugman cho rằng thương mại quốc tế nói chung, xuất khẩu nói riêng, giúp DN tận dụng được lợi thế của kinh tế quy mô, do đó tăng tiềm năng tăng trưởng của họ 25 , 26 . Nhờ có xuất khẩu, các DN thay vì sản xuất quy mô nhỏ để phục vụ thị trường trong nước thì có thể mở rộng quy mô sản xuất để phục vụ thị trường thế giới. Hàng hóa và dịch vụ được sản xuất với số lượng lớn sẽ có giá thành rẻ hơn, tạo năng lực cạnh tranh của DN trên cả thị trường trong nước và quốc tế. Thêm vào đó, xuất khẩu tạo cơ hội học hỏi cho DN. DN xuất khẩu có cơ hội tiếp cận được các kiến thức và công nghệ, sản phẩm mới từ các đối tác nước ngoài 27 , 28 . Các DN này thậm chí còn học hỏi được các chiến lược cạnh tranh từ chính những đối thủ của họ trên thị trường quốc tế 29 . Những kiến thức học hỏi được từ xuất khẩu chính là những nguồn lực vô hình giúp tạo ra và duy trì lợi thế cạnh tranh của DN. Những lợi ích mà xuất khẩu mang lại không những giúp DN tồn tại và còn thúc đẩy DN tăng trưởng trong tương lai 15 .Từ đó, tác giả đưa ra giả thuyết:

Giả thuyết H1: Hoạt động xuất khẩu tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng của DNNVV

Ảnh hưởng của trạng thái xuất khẩu tới tăng trưởng của DNNVV

Quá trình xuất khẩu dẫn đến những thay đổi quan trọng trong hành vi và hiệu quả hoạt động của DN, và những thay đổi này có thể rõ ràng hơn ở các DNNVV 30 , 31 . Gia nhập và rời bỏ thị trường quốc tế là những thời điểm của những thay đổi đáng kể đối với bất kỳ DN nào 10 , 32 . Theo Bernard & Jensen và Lafuente và cộng sự, DN đạt được sự cải thiện đáng kể trong kết quả hoạt động kinh doanh do ảnh hưởng của việc chuyển từ không xuất khẩu sang xuất khẩu 10 , 15 . Silvente cũng tìm thấy bằng chứng cho rằng các tác động có lợi của hoạt động xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN xảy ra rất nhanh chóng đối với các DNNVV 33 . Các DN xuất khẩu đều đặn sẽ có được hưởng lợi nhiều hơn từ xuất khẩu. Rõ ràng bất cứ DN nào khi xuất khẩu đều phải đối mặt với một loạt các chi phí tăng thêm so với bán hàng trong nước như: chi phí vận chuyển, chi phí tìm kiếm đối tác nước ngoài, chi phí sửa đổi mẫu mã trong nước cho phù hợp với thị hiếu nước ngoài… 33 , 10 . Tuy nhiên, nếu vượt qua được các rào cản chi phí này trong giai đoạn đầu thì các chi phí này sẽ giảm dần theo thời gian do đã tích lũy được kinh nghiệm, thiết lập được các mạng lưới các kênh phân phối hiệu quả sau nhiều năm hoạt động trong môi trường quốc tế. Kết quả là DN sẽ nhận được nhiều thành quả từ hoạt động xuất khẩu hơn. Trong khi đó, các DN ngừng xuất khẩu có thể sẽ gặp phải các rủi ro tài chính liên quan đến các khoản đầu tư cho xuất khẩu trước đây của họ. Kết quả hoạt động kinh doanh có thể bị ảnh hưởng do giảm hoạt động bán hàng. Từ đó, tốc độ tăng trưởng của DN có thể bị thu hẹp lại 34 , 35 .

Số lượng các nghiên cứu phân tích tác động cụ thể của các các trạng thái khác nhau trong quá trình xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN còn khá hạn chế 15 . Hai tác giả Bernard và Jensen sử dụng một mẫu gồm các DN Mỹ trong giai đoạn 1984-1992 và chỉ ra rằng việc bắt đầu xuất khẩu có tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng của DN ngay trong năm đầu tiên. So với các DN không xuất khẩu, các DN bắt đầu xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng lao động nhanh hơn 5,6%, tăng trưởng doanh thu 9,1%, tăng trưởng năng suất lao động nhanh hơn 3,1%. Các DN xuất khẩu ổn định cũng có tốc độ tăng trưởng vượt trội 10 . Trong nghiên cứu Aw và cộng sự về các DN Hàn Quốc và Đài Loan, kết quả cho thấy khi các công ty chuyển từ trạng thái không xuất khẩu sang xuất khẩu thì hiệu quả hoạt động kinh doanh sẽ tăng cao, trong khi chuyển từ là nhà xuất khẩu sang chỉ bán hàng tại thị trường nội địa dẫn đến kết quả hoạt động kém 36 . Lafuente và cộng sự nghiên cứu mối quan hệ giữa của trạng thái của quá trình xuất khẩu đến tăng trưởng việc làm trên một mẫu gồm 566 DN tại Romania và kết luận rằng các DN bắt đầu xuất khẩu có tỷ lệ tăng trưởng việc làm cao hơn đáng kể so với DN không xuất khẩu. Các DN ngừng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng thấp hơn đáng kể so với DN xuất khẩu ổn định và DN không xuất khẩu 15 .

Dựa trên cơ sở lý thuyết và nghiên cứu thực nghiệm, tác giả đưa ra giả thuyết về tác động của hành vi xuất khẩu khác nhau tới tốc độ tăng trưởng của DN như sau:

Giả thuyết H2(a): Bắt đầu xuất khẩu có ảnh hưởng tích cực tới tốc độ tăng trưởng của DN

Giả thuyết H2(b): Tác động tích cực của hoạt động xuất khẩu lên tăng trưởng của DN xuất khẩu ổn định cao hơn so với tác động đối với DN mới bắt đầu xuất khẩu.

Giả thuyết H2(c): Dừng xuất khẩu có tác động tiêu cực đến tốc độ tăng trưởng của DN

Mô hình nghiên cứu, dữ liệu nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu

Xây dựng các biến

Biến phụ thuộc

Nhìn chung, tăng trưởng của DN thể hiện qua nhiều phương diện như doanh thu, lợi nhuận, tài sản, số lượng lao động, thị phần…Weinzimmer và cộng sự cho rằng các nghiên cứu về tăng trưởng DN nên sử dụng nhiều chỉ số khác nhau để đánh giá toàn diện hơn bất kỳ mối quan hệ thực nghiệm nào 37 . Lược khảo các nghiên cứu tiền nhiệm, tác giả nhận thấy rằng tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng việc làm là hai chỉ số được sử dụng phổ biến nhất 38 , 39 . Tuy nhiên, hầu hết các nghiên cứu chỉ tập trung vào một trong hai chỉ số, số lượng các nghiên cứu kết hợp được cả hai chỉ số này thường rất hạn chế.

Tốc độ tăng trưởng của DN được đo bằng sự khác biệt giữa logarit tự nhiên của quy mô DN giữa hai năm liên tiếp. Cách tính toán này được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu về tốc độ tăng trưởng của DN 10 , 11 , 14 , 15 , 40 . Cụ thể, tác giả sử dụng kết hợp hai chỉ số để đo lường tốc độ tăng trưởng của DN:

Tốc độ tăng trưởng doanh thu (TANGTRUONG_DT): được đo bằng sự khác biệt giữa logarit tự nhiên của doanh thu thuần bán hàng cung cấp dịch vụ cuối năm của DN giữa hai năm liên tiếp.

Tốc độ tăng trưởng tổng việc làm (TANGTRUONG_VL): được đo bằng sự khác biệt giữa logarit tự nhiên của tổng số lao động bình quân của DN giữa hai năm liên tiếp.

Biến độc lập

Hoạt động xuất khẩu: Biến XUATKHAU là biến giả, nhận giá trị 1 nếu DN có tham gia xuất khẩu ở năm t, ngược lại, nhận giá trị bằng 0

Trạng thái xuất khẩu: để kiểm định ảnh hưởng của các quyết định liên quan đến hoạt động xuất khẩu tới tăng trưởng của DN, tác giả sử dụng ba biến giả mô tả các tình huống khác nhau như sau:

BATDAU_XK: DN không xuất khẩu trong các năm trước năm t nhưng bắt đầu xuất khẩu vào năm t.

ONDINH_XK: DN luôn luôn xuất khẩu trong tất cả các năm cho đến năm t

NGUNG_XK: DN đã xuất khẩu trong các năm trước năm t nhưng dừng xuất khẩu tại năm t

Các biến giả trên nhận giá trị bằng 1 nếu thỏa mãn các điều kiện đã nêu, ngược lại, nhận giá trị bằng 0

Các biến kiểm soát

Các nghiên cứu thực chứng về các nhân tố ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp thường bắt đầu từ Quy luật Gibrat. Quy luật Gibrat cho rằng tăng trưởng của DN không phụ thuộc vào quy mô. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chứng minh được mối quan hệ ngược chiều giữa tăng trưởng và quy mô DN và tìm ra được các nhân tố khác ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp như: số năm hoạt động 40 , 41 , đặc điểm về nguồn 42 , 43 , hình thức sở hữu 44 , 45 và đặc điểm của chủ doanh nghiệp 40 , 43 , 44 , 46 . Kế thừa các nghiên cứu này, tác giả xây dựng hai nhóm biến kiểm soát có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp như sau:

Các biến kiểm soát thuộc về đặc điểm của DN được kỳ vọng có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của DN gồm có: Quy mô DN được xác định bằng cách (1) QUYMO_DT: lấy logarit tự nhiên của doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cuối năm của DN hoặc (2) QUYMO_LD: lấy logarit tự nhiên của số lao động trung bình năm của DN. Hai cách đo đo lường quy mô DN này sẽ được lần lượt sử dụng trong các mô hình đo lường ảnh hưởng của xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng doanh thu và việc làm. Đòn bẩy tài chính, DON_BAY được đo lường bằng tổng nợ phải trả của DN tại năm t/tổng tài sản của DN tại năm t. Tuổi DN, biến TUOI_DN, được tính toán bằng cách lấy logarit tự nhiên của tuổi DN. Hình thức sở hữu của DN, biến SO_HUU, là biến giả nhận giá trị bằng 1 nếu DN là công ty TNHH hoặc công ty cổ phần; ngược lại, nhận giá trị bằng 0.

Các biến kiểm soát thuộc về đặc điểm của chủ DN được kỳ vọng có ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng của DN gồm có: tuổi của chủ DN, biến TRUNG_NIEN là biến giả nhận giá trị bằng 1 nếu chủ DN từ 40 tuổi trở lên, ngược lại, nhận giá trị bằng 0; Giới tính của chủ DN, biến GIOI_TINH là biến giả, nhận giá trị bằng 1 nếu chủ DN là nam giới, ngược lại nhận giá trị bằng 0; trình độ học vấn của chủ DN, biến TRINH_DO, nhận giá trị bằng 1 nếu chủ DN có trình độ đại học trở lên, ngược lại nhận giá trị bằng 0.

Mô hình nghiên cứu

Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của hoạt động xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN

Để nghiên cứu về ảnh hưởng của xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN, tác giả tiến hành thiết kế mô hình hồi quy như sau:

Trong đó:

: Tốc độ tăng trưởng của DN

: Xuất khẩu

: Các biến kiểm soát DN tại năm t-1

: Các biến kiểm soát chủ DN tại năm t

: Hệ số chặn

: Các hệ số

: Phần dư

Mô hình bổ sung thêm biến TANGTRUONG i,t-1 dựa theo các nghiên cứu của Hằng và cộng sự, Mateev và Anastasov, Nguyễn Thị Nguyệt, Oliveira và Fortunato nhằm xem xét tính động của mô hình và thể hiện cho sự liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng của kỳ trước và tốc độ tăng trưởng kỳ hiện tại 43 , 47 , 48 .

Mô hình nghiên cứu ảnh hưởng của trạng thái xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN

Để nghiên cứu về ảnh hưởng của trạng thái xuất khẩu tới tốc độ tăng trưởng của DN, tác giả tiến hành thiết kế mô hình hồi quy như sau:

Trong đó:

: Tốc độ tăng trưởng của DN

: Tốc độ tăng trưởng của DN năm t-1

: DN bắt đầu xuất khẩu năm t

: Các biến kiểm soát DN tại năm t-1

: Các biến kiểm soát chủ DN tại năm t

: Hệ số chặn

: Các hệ số

: Phần dư

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy gộp POLS kết hợp cố định hiệu ứng ngành và năm với tùy chọn Robust nhằm thận trọng với hiện tượng phương sai thay đổi. Tuy nhiên, mô hình nghiên cứu (1) và (2) có sử dụng biến trễ và được gọi là mô hình động và sử dụng dữ liệu bảng. Mối tương quan có thể xảy ra giữa biến trễ và phần dư trong quá khứ hoặc kỳ hiện tại khiến vấn đề nội sinh trở nên đáng lo ngại. Nhằm khắc phục hiện tượng này, bài viết sử dụng kỹ thuật ước lượng GMM hệ thống được đề xuất bởi Arellano & Bond và Bond và cộng sự 49 , 50 . Trong quá trình ước lượng, biến giả năm và ngành, các biến kiểm soát về đặc điểm của DN và biến kiểm soát đặc điểm chủ DN được coi là các biến ngoại sinh và các biến còn lại là biến nội sinh. Ngoài ra, mô hình GMM còn phù hợp với nghiên cứu này vì khoảng thời gian T= là rất nhỏ số với số quan sát 51 .

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu được sử dụng trong bài nghiên cứu được tổng hợp và thu thập từ kết quả Điều tra DN hàng năm của Tổng cục Thống kê, trong đó mẫu nghiên cứu là các DN hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo (DN sản xuất) trong khoảng thời gian 6 năm từ 2014-2019. Điều tra DN hàng năm thu thập thông tin về kết quả hoạt động kinh doanh của DN ở tất cả các lĩnh vực kinh doanh. Mỗi mã DN được gán cho một ngành duy nhất, dựa trên ngành nghề chiếm tỷ trọng doanh thu lớn nhất của DN. Trong quá trình xử lí dữ liệu, nghiên cứu loại bỏ một số quan sát có giá trị bất thường của các biến đưa vào mô hình bằng phương thức loại bỏ 5% giá trị lớn nhất và nhỏ nhất. Ngoài ra, việc đo lường tốc độ tăng trưởng của DN dựa trên tốc độ tăng trưởng và các đặc điểm của DN năm trước nên mẫu sẽ mất các quan sát của hai năm đầu tiên, và chỉ còn các quan sát từ 2016-2019. Mẫu dữ liệu cuối cùng bao gồm 86,441 quan sát của 36,486 DN. Số lượng quan sát trong mỗi mô hình có thể ít hơn, tùy vào số lượng quan sát của mỗi biến trong mô hình. Dữ liệu được xử lý và chạy mô hình thông qua phần mềm Stata 16.

Kết quả và thảo luận

Mô tả dữ liệu

Table 1 thống kê chi tiết dữ liệu các biến được sử dụng trong mô hình. Về nhóm biến đo lường tốc độ tăng trưởng, như đã trình bày ở mục 3.1.1, nghiên cứu sử dụng hai tiêu chí: tốc độ tăng trưởng về doanh thu và việc làm để làm biến phụ thuộc. Qua bảng thống kê này, tốc độ tăng trưởng doanh thu trung bình là 5,54%. Trong đó, có những DN có tốc độ tăng doanh thu khá vượt trội, ở mức 1,79 lần so với năm trước và cũng tồn tại nhưng DN kinh doanh kém hiệu quả khi tốc độ tăng trưởng doanh thu là con số âm, nhỏ nhất là -1,44 lần. Tương tự đối với tốc độ tăng trưởng tài sản. Tốc độ tăng trưởng tài sản trung bình đạt mức 9,8%, với giá trị nhỏ nhất là -1,42 lần và cao nhất là 1,82 lần so với năm trước. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng lao động trung bình của giai đoạn khá thấp, chỉ đạt mức 2,1%. DN có tốc độ tăng trưởng việc làm cao nhất đạt 1,89 lần và thấp nhất là -1,55 lần so với năm trước. Vì vậy, thông qua các chỉ tiêu đo tốc độ tăng trưởng, có thể thấy được một bức tranh tương đối khả quan về tốc độ tăng trưởng của các DNNVV tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu 2016 – 2019. Về nhóm biến đo lường hoạt động xuất khẩu, trong giai đoạn nghiên cứu, tỷ lệ các DNNVV xuất khẩu trung bình đạt mức 5,58%. Trong đó, 2,3% số DN là các nhà xuất khẩu mới; chỉ có 0,97% là các nhà xuất ổn định, và 3,8% số DN ngưng xuất khẩu trong giai đoạn nghiên cứu.

Table 1 Thống kê mô tả các biến chính

Table 2 tóm tắt kết quả tương quan giữa các biến nghiên cứu. Theo bảng này, một số biến có hệ số tương quan cặp tương đối cao như: cặp biến ONDINH_XK và XUATKHAU; cặp biến QUYMO_VL và QUYMO_DT. Tuy nhiên, hai biến ONDINH_XK và XUATKHAU là hai biến thuộc về hai phương trình hồi quy khác nhau (1) và (2); tương tự, biến QUYMO_VL và QUYMO_DT là hai biến đo lường quy mô của DN thuộc, lần lượt thuộc về hai mô hình hồi quy tốc độ tăng trưởng doanh thu và tốc độ tăng trưởng việc làm. Vì vậy, có thể kết luận: trong từng mô hình, các biến độc lập có tương quan thấp, hiện tượng đa cộng tuyến là không đáng lo ngại.

Table 2 Hệ số tương quan giữa các biến sử dụng trong mô hình

Kết quả nghiên cứu

Table 3 tóm tắt kết quả hồi quy của mô hình Robust Pooled OLS và GMM. Trong tất cả các mô hình sử dụng kỹ thuật ước lượng GMM, các giá trị p của chỉ số thống kê Hansen và Sargan và của AR(1) và AR(2) cho thấy sự phù hợp của các biến công cụ và của các mô hình.

Table 3 Kết quả ước lượng

Kết quả nghiên cứu từ Table 3 chỉ ra rằng DN có hoạt động bán hàng tại thị trường nước ngoài có tốc độ tăng trưởng cao hơn so với các DN chỉ bán hàng trong nước. Cụ thể, hệ số hồi quy của biến XUAT_KHAU mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê ở mức 1% trong các mô hình hồi quy của tốc độ tăng trưởng doanh thu chỉ ra rằng DN xuất khẩu có mức tăng trưởng doanh thu cao hơn DN không xuất khẩu tới 35,4% (ước lượng GMM). Đối với tốc độ tăng trưởng việc làm, hệ số hồi quy của biến XUAT_KHAU mang dấu dương và có ý nghĩa thống kê tương ứng ở mức 1% (hồi quy OLS) và 10% (ước lượng GMM) chỉ ra rằng DN xuất khẩu có mức tăng trưởng việc làm cao hơn DN không xuất khẩu 43,1% (ước lượng GMM). Phát hiện này cũng phù hợp với các kết quả của nghiên cứu trước đây của Castellani, Lafuente và cộng sự, Lu và Beamish 11 , 14 , 15 Như vậy, giả thuyết H1 được chấp nhận.

Đối với các biến về trạng thái xuất khẩu, kết quả hồi quy của mô hình (3), (4), (7), (8) kiểm định giả thuyết H2(a), H2(b), H2(c). Hệ số hồi quy của biến BATDAU_XK mang dấu dương và có ý nghĩa ở tất cả các mô hình chỉ ra rằng việc DN bắt đầu xuất khẩu có tác động tích cực đến tăng tưởng doanh thu và tăng trưởng việc làm. Mối quan hệ này phù hợp với kết quả của Bernard và Jensen, Lafuente và cộng sự 10 , 15 . Nói cách khác, giả thuyết H2(a) được chấp nhận. Để kiểm định giả thuyết H2(b), nhằm so sánh tác động của xuất khẩu tới DN mới bắt đầu xuất khẩu và DN xuất khẩu ổn định, tác giả tiến hành so sánh hệ số hồi quy của biến BATDAU_XK và biến ONDINH_XK bằng cách sử dụng kiểm định F (F test). Kết quả là F-test= 10,87 (Prob > chi2 = 0,0010) đối với mô hình hồi quy tốc độ tăng trưởng doanh thu và F-test = 58,34 (Prob > chi2 = 0,0000) đối với mô hình hồi quy tốc độ tăng trưởng việc làm. Kết quả này ủng hộ giả thuyết H2(b) khi cho rằng tác động tích cực của hoạt động xuất khẩu lên tăng trưởng của DN xuất khẩu ổn định cao hơn so với tác động đối với DN mới bắt đầu xuất khẩu. Điều này được lý giải là do sau giai đoạn đầu khi vượt qua được các rào cản chi phí gia nhập thị trường quốc tế, DN đã tích lũy được kinh nghiệm, thiết lập được các mạng lưới các kênh phân phối hiệu quả sau nhiều năm hoạt động trong môi trường quốc tế khiến DN tiết kiệm được nhiều chi phí và nhận được nhiều thành quả từ hoạt động xuất khẩu hơn. Phát hiện này trái ngược với kết quả của Bernard & Jensen và Lafuente và cộng sự. Điều này có thể được giải thích bằng sự khác biệt của dữ liệu. Trong khi nghiên cứu này chỉ tập trung vào các DNNVV trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam - một quốc gia đang phát triển- thì Bernard & Jensen lại nghiên cứu các công ty đại diện cho tất cả các các ngành sản xuất kinh doanh ở Mỹ - một trong những quốc gia phát triển nhất thế giới 10 . Cần lưu ý rằng các DN ở các nước phát triển như Đức có thể lớn mạnh hơn các DN ở Việt Nam rất nhiều. Lafuente và cộng sự cũng nghiên cứu trên bộ dữ liệu DNNVV nhưng nghiên cứu các công ty đại diện cho tất cả các ngành tại Romania.

Hệ số hồi quy của biến NGUNG_XK có giá trị âm và có ý nghĩa thống kê ở tất cả các mô hình chỉ ra rằng DN dừng xuất khẩu sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng việc làm. Quyết định dừng xuất khẩu của DN sẽ làm giảm doanh thu từ thị trường nước ngoài, từ đó nhu cầu về nhân lực có thể bị thu hẹp. Kết quả này ủng hộ giả thuyết H2(c) và phù hợp với kết quả của một số nghiên cứu trước đây của Aw và cộng sự, Bernard & Jensen và Lafuente 10 , 15 , 36 .

Đối với các biến kiểm soát, kết quả chỉ ra rằng quy mô của DN, cho dù được đo đường bằng doanh thu hay việc làm, là một biến quan trọng tác động ngược chiều tới tốc độ tăng trưởng của DN. Kết quả này nhất quán và có ý nghĩa mạnh ở mức 1% trong tất cả các mô hình hồi quy của tốc độ tăng trưởng doanh thu và việc làm. Hệ số hồi quy âm của biến QUYMO_DT và QUYMO_VL chỉ ra rằng các DN quy mô nhỏ có tốc độ tăng trưởng cao hơn đáng kể. Kết quả này phù hợp với nhiều nghiên cứu trước đây trên thế giới và tại Việt nam khi cho rằng các DN nhỏ hơn phát triển nhanh hơn 15 , 40 , 43 , 52 . Liên quan đến cấu trúc vồn, hệ số của biến DON_BAY có ý nghĩa thống kê và mang dấu dương trong tất cả các mô hình. Mối quan hệ này phù hợp với nghiên cứu của Becchetti và Trovato hay của Nguyễn Thu Hằng và cộng sự 13 , 43 . Ảnh hưởng của đòn bẩy cho thấy rằng vốn vay giúp DN nhỏ và vừa mở rộng sản xuất, qua đó nắm bắt các cơ hội, như cơ hội xuất khẩu, để tăng doanh thu và thu hút thêm nhiều lao động. với chủ DN trẻ. Đồng thời, DN được điều hành bởi các nhà quản trị có học vấn cao có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Về hình thức sở hữu, hệ số của biến SO_HUU mang dấu dương hàm ý rằng DN là công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần có tốc độ tăng trưởng cao hơn. Về các đặc điểm của chủ DN, hệ số hồi quy của biến TRUNG_NIEN có ý nghĩa thống kê và mang dấu âm trong các mô hình (1), (2), (3), (4), (5), (7) trong khi hệ số hồi quy của biến TRINH_DO có ý nghĩa thống kê và mang dấu dương trong các mô hình (1), (2), (3), (4), (5), (7), (8). Kết quả này cho thấy DN có chủ sở hữu ở độ tuổi trung niên có mức tăng trưởng doanh thu thấp hơn so với các công ty.

Kết luận và kiến nghị

Các DN vừa và nhỏ có tốc độ tăng trưởng cao đã được chứng minh là có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của các quốc gia. Do đó, nghiên cứu về các yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng của DNVVN đang thu hút được nhiều sự quan tâm. Tác động của hoạt động xuất khẩu đối với DNNVV trong lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam được nghiên cứu trong bài viết này. Lĩnh vực này được coi là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhờ vai trò nổi bật của nó trong tiến trình công nghiệp hóa. Các phát hiện chính trong nghiên cứu cho thấy rằng xuất khẩu sẽ tác động tích cực đến tốc độ tăng trưởng doanh thu và việc làm. Đáng chú ý, các DN xuất khẩu ổn định sẽ được hưởng nhiều tác động tích cực từ hoạt động xuất khẩu hơn các DN mới bắt đầu xuất khẩu. Việc dừng xuất khẩu có tác động tiêu cực tới tốc độ tăng trưởng của DN. Kết quả nghiên cứu là cơ sở để đề xuất khuyến nghị với DN. DNNVV Việt Nam có thể coi xuất khẩu là một phương án tăng trưởng khả thi. Đứng về phía cơ quan quản lý nhà nước, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng các chính sách xúc tiến xuất khẩu cần được thực hiện để khuyến khích các DN tham gia thương mại quốc tế nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

DNNVV: Doanh nghiệp nhỏ và vừa

DN: Doanh nghiệp

POLS (Pooled Ordinary Least Squares): Phương pháp hồi quy gộp

GMM (Generalized Method of Moments): Phương pháp ước lượng tổng quát của các khoảnh khắc

SME (Small and Medium sized Enterprise): Doanh nghiệp nhỏ và vừa

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. Francioni B, Pagano A, Castellani D. Drivers of SMEs' exporting activity: a review and a research agenda. Multinatl Bus Rev. 2016. . ;:. Google Scholar
  2. World Trade Organization (2018). World trade statistical review 2018. Geneva, Switzerland. . ;:. Google Scholar
  3. Freeman J, Carroll GR, Hannan MT. The liability of newness: Age dependence in organizational death rates. Am Sociol Rev. 1983;692-710. . ;:. Google Scholar
  4. Penrose E, Penrose ET. The Theory of the Growth of the Firm. Oxford university press; 2009. . ;:. Google Scholar
  5. Whetten DA. Organizational Growth and Decline Processes. Annu Rev Sociol. 1987;13(1):335-58. . ;:. Google Scholar
  6. Ansoff HI. Corporate strategy: An analytic approach to business policy for growth and expansion. McGraw-Hill Companies; 1965. . ;:. Google Scholar
  7. Joshi R. International Marketing. 2rd Edition. Oxford University Press; 2005. 503-520 p. . ;:. Google Scholar
  8. Wild J, Wild K. International Business - The challenges of globalization. Ninth. Pearson; 2021. 352 p. . ;:. Google Scholar
  9. Leonidou LC, Katsikeas CS. The export development process: an integrative review of empirical models. J Int Bus Stud. 1996;27(3):517-51. . ;:. Google Scholar
  10. Bernard AB, Jensen JB. Exceptional exporter performance: cause, effect, or both? J Int Econ. 1999;47(1):1-25. . ;:. Google Scholar
  11. Castellani D. Export behavior and productivity growth: Evidence from Italian manufacturing firms. Weltwirtschaftliches Arch. 2002;138(4):605-28. . ;:. Google Scholar
  12. Wagner J. International trade and firm performance: a survey of empirical studies since 2006. Rev World Econ. 2012;148(2):235-67. . ;:. Google Scholar
  13. Becchetti L, Trovato G. The determinants of growth for small and medium sized firms. The role of the availability of external finance. Small Bus Econ. 2002;19(4):291-306. . ;:. Google Scholar
  14. Lu JW, Beamish PW. SME internationalization and performance: Growth vs. profitability. J Int Entrep. 2006;4(1):27-48. . ;:. Google Scholar
  15. Lafuente E, Vaillant Y, Moreno-Gómez J. Transition in-and-out of exporting and its impact on employment growth. Int J Emerg Mark. 2018. . ;:. Google Scholar
  16. Liu J-T, Tsou M-W, Hammitt JK. Do small plants grow faster? Evidence from the Taiwan electronics industry. Econ Lett. 1999;65(1):121-9. . ;:. Google Scholar
  17. Monreal-Pérez J, Aragón-Sánchez A, Sánchez-Marín G. A longitudinal study of the relationship between export activity and innovation in the Spanish firm: The moderating role of productivity. Int Bus Rev. 2012;21(5):862-77. . ;:. Google Scholar
  18. Ngo Q, Tran Q. Firm heterogeneity and total factor productivity: New panel-data evidence from Vietnamese manufacturing firms. Manag Sci Lett. 2020;10(7):1505-12. . ;:. Google Scholar
  19. Park BI. Knowledge transfer capacity of multinational enterprises and technology acquisition in international joint ventures. Int Bus Rev. 2011;20(1):75-87. . ;:. Google Scholar
  20. Kafouros MI, Buckley PJ, Sharp JA, Wang C. The role of internationalization in explaining innovation performance. Technovation. 2008;28(1-2):63-74. . ;:. Google Scholar
  21. Pham T, Nam H. A longitudinal study of self-selection, learning-by-exporting and core-competence: The case of small-and medium-sized enterprises in Vietnam. Accounting. 2020;6(4):481-92. . ;:. Google Scholar
  22. Nam VH, Bao Tram H. Business environment and innovation persistence: The case of small-and medium-sized enterprises in Vietnam. Econ Innov New Technol. 2021;30(3):239-61. . ;:. Google Scholar
  23. Ngo Q-T, Nguyen CT. Do export transitions differently affect firm productivity? Evidence across Vietnamese manufacturing sectors. Post-Communist Econ. 2020;32(8):1011-37. . ;:. Google Scholar
  24. Golovko E, Valentini G. Exploring the complementarity between innovation and export for SMEs' growth. J Int Bus Stud. 2011;42(3):362-80. . ;:. Google Scholar
  25. Krugman P. The narrow moving band, the Dutch disease, and the competitive consequences of Mrs. Thatcher: Notes on trade in the presence of dynamic scale economies. J Dev Econ. 1987;27(1-2):41-55. . ;:. Google Scholar
  26. Girma S, Greenaway D, Kneller R. Does exporting lead to better performance?: A microeconometric analysis of matched firms. Leverhulme Centre for research on globalisation and economic policy; 2002. . ;:. Google Scholar
  27. Manolova TS, Manev IM, Gyoshev BS. In good company: The role of personal and inter-firm networks for new-venture internationalization in a transition economy. J World Bus. 2010 Jul 1;45(3):257-65. . ;:. Google Scholar
  28. Requena-Silvente F. The decision to enter and exit foreign markets: Evidence from UK SMEs. Small Bus Econ. 2005;25(3):237-53. . ;:. Google Scholar
  29. Dimitratos P, Lioukas S, Ibeh KI, Wheeler C. Governance mechanisms of small and medium enterprise international partner management. Br J Manag. 2010;21(3):754-71. . ;:. Google Scholar
  30. Acs ZJ, Morck R, Shaver JM, Yeung B. The internationalization of small and medium-sized enterprises: A policy perspective. Small Bus Econ. 1997;9(1):7-20. . ;:. Google Scholar
  31. Peiris IK, Akoorie ME, Sinha P. International entrepreneurship: A critical analysis of studies in the past two decades and future directions for research. J Int Entrep. 2012;10(4):279-324. . ;:. Google Scholar
  32. Greenaway D, Kneller R. Firm heterogeneity, exporting and foreign direct investment. Econ J. 2007;117(517):F134-61. . ;:. Google Scholar
  33. Silvente* FR. Changing export status and firm performance: evidence from UK small firms. Appl Econ Lett. 2005 Jul 15;12(9):567-71. . ;:. Google Scholar
  34. Crick D. The international entrepreneurial decision of UK SMEs to discontinue overseas activities: A research note reporting practices within the clothing industry eighteen months on. J Int Entrep. 2003;1(4):405-13. . ;:. Google Scholar
  35. Das S, Roberts MJ, Tybout JR. Market entry costs, producer heterogeneity, and export dynamics. Econometrica. 2007;75(3):837-73. . ;:. Google Scholar
  36. Aw BY, Chung S, Roberts MJ. Productivity and turnover in the export market: micro-level evidence from the Republic of Korea and Taiwan (China). World Bank Econ Rev. 2000;14(1):65-90. . ;:. Google Scholar
  37. Weinzimmer LG, Nystrom PC, Freeman SJ. Measuring organizational growth: Issues, consequences and guidelines. J Manag. 1998;24(2):235-62. . ;:. Google Scholar
  38. Lin Y-C, Chen C-L, Chao C-F, Chen W-H, Pandia H. The Study of Evaluation Index of Growth Evaluation of Science and Technological Innovation Micro-Enterprises. Sustainability. 2020;12(15):6233. . ;:. Google Scholar
  39. Santos JB, Brito LAL. Toward a subjective measurement model for firm performance. BAR-Braz Adm Rev. 2012;9:95-117. . ;:. Google Scholar
  40. Evans D. Tests of Alternative Theories of Firm Growth | Journal of Political Economy: Vol 95, No 4. . ;:. Google Scholar
  41. Coad A, Tamvada JP. Firm growth and barriers to growth among small firms in India. Small Bus Econ. 2012;39(2):383-400. . ;:. Google Scholar
  42. Honjo Y, Harada N. SME policy, financial structure and firm growth: evidence from Japan. Small Bus Econ. 2006;27(4-5):289-300. . ;:. Google Scholar
  43. Hang NT, Quy KT, Le NND. Determinants of Firm Growth: Evidence from Vietnamese Small and Medium Sized Manufacturing Enterprises. 2018. . ;:. Google Scholar
  44. Davidsson P, Henrekson M. Determinants of the prevalance of start-ups and high-growth firms. Small Bus Econ. 2002;19(2):81-104. . ;:. Google Scholar
  45. Harhoff D, Stahl K, Woywode M. Legal form, growth and exit of West German firms-empirical results for manufacturing, construction, trade and service industries. J Ind Econ. 1998;46(4):453-88. . ;:. Google Scholar
  46. Mehraliyev F. Determinants of growth in small tourism businesses and the barriers they face: The case of Cappadocia. Int J Bus Humanit Technol. 2014;4(3):106-20. . ;:. Google Scholar
  47. Nguyet CNT. Determinants of firm growth in the Vietnamese commercial-service sector. J Econ Dev. 2013;14(1):57-77. . ;:. Google Scholar
  48. Oliveira B, Fortunato A. Firm growth and liquidity constraints: A dynamic analysis. Small Bus Econ. 2006;27(2):139-56. . ;:. Google Scholar
  49. Arellano M, Bond S. Some tests of specification for panel data: Monte Carlo evidence and an application to employment equations. Rev Econ Stud. 1991;58(2):277-97. . ;:. Google Scholar
  50. Bond SR, Hoeffler A, Temple JR. GMM estimation of empirical growth models. Available SSRN 290522. 2001. . ;:. Google Scholar
  51. Roodman D. How to do xtabond2: An introduction to difference and system GMM in Stata. Stata J. 2009;9(1):86-136. . ;:. Google Scholar
  52. Audretsch DB. The dynamic role of small firms: Evidence from the US. Small Bus Econ. 2002;18(1):13-40. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 2 (2022)
Page No.: 2774-2786
Published: Jun 18, 2022
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.989

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lê, N. (2022). Effects of exports on the growth of small and medium enterprises – empirical evidence from Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(2), 2774-2786. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i2.989

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 1332 times
PDF   = 377 times
XML   = 0 times
Total   = 377 times