Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

2650

Total

2745

Share

Situation of income inequality in Vietnam






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The article uses secondary data sources collected from the General Statistics Office and utilizes qualitative research methods through descriptive statistics, analysis, evaluation and comparison. At the same time, the article based on the indicators to measure income inequality in Vietnam to assess the reality of income inequality in Vietnam since the beginning of the economic reform till now. Research results show that although per capita income in Vietnam tends to increase, the level of income inequality in Vietnam increased until 2019, while in 2020 and 2021, income equality in Vietnam decreased due to the Government implementing many supportive policies for people and businesses. The study also shows that income inequality is lower in urban areas than in rural areas and there is a difference in income inequality across regions in the country. In general, income inequality in Vietnam was moderate over the period from 2010 to 2019. Particularly by 2020 and 2021, the level of income inequality in Vietnam had reached a low level. Besides that, the article also analyzed the main causes of income inequality in our country. Based on the analysis, the study proposes a number of solutions to reduce income inequality in Vietnam, raise income, thus improving living standards and income equity in society.

ĐẶT VẤN ĐỀ

Sau hơn 35 năm thực hiện chính sách đổi mới, mở cửa nền kinh tế kể từ năm 1986, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Theo kết quả tính toán của tác giả từ số liệu của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 1990-2010 là 7,4%/năm và giai đoạn 2010-2021 đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân gần 6%/năm. Qua đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam cũng gia tăng và đến năm 2015 Việt Nam đã trở thành nhóm nước có thu nhập bình bình thấp, thoát khỏi nhóm nước nghèo. Ngay kể cả khi nền kinh tế phải đối mặt với những khó khăn và thách thức của đại dịch covid-19 kể từ cuối năm 2019 thì kinh tế Việt Nam vẫn giữ mức tăng trưởng dương và đạt mức tăng 2,58% vào năm 2021. Có thể nhận thấy đạt được kết quả nêu trên là do Việt Nam có chính sách phát triển kinh tế đúng đắn, cùng với những thuận lợi của quá trình hội nhập quốc tế đem lại. Mặc dù thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã gia tăng 13 lần kể từ năm 2021 so với thu nhập bình quân đầu người năm 1999 nhưng mức chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa các nhóm thu nhập ngày càng gia tăng và đến năm 2019 thu nhập bình quân đầu người của nhóm 5 (20% dân số có thu nhập cao nhất) cao gấp 10,23 lần thu nhập bình quân đầu người của nhóm 1 (20% dân số có thu nhập thấp nhất), từ đó làm cho khoảng cách chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng và bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam cũng ngày một gia tăng. Như vậy, liệu thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam ngày một gia tăng có làm gia tăng bất bình đẳng thu nhập? Và những giải pháp nào để hạn chế bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam? Bài nghiên cứu này sẽ trả lời các câu hỏi trên thông qua phân tích thực trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam kể từ khi đổi mới nền kinh tế, đặc biệt phân tích nguyên nhân dẫn đến bất bình đẳng thu nhập ngày một gia tăng ở Việt Nam.

CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Khái niệm bất bình đẳng thu nhập và một số nghiên cứu, quan điểm về bất bình đẳng

Bất bình đẳng thu nhập phản ánh cách thức các nguồn lực được phân phối trong xã hội. Một nền kinh tế có sự bất bình đẳng thu nhập quá lớn và kéo dài sẽ kéo theo sự bất bình đẳng khác về cơ hội và khả năng tiếp cận các nguồn lực sẵn có, tạo ra sự chênh lệch về trình độ và mức sống, từ đó dẫn đến những hệ lụy liên quan đến phát triển kinh tế và an sinh xã hội 1 .

Nguyễn Anh Cường, Phạm Quốc Thành (2014): Bất bình đẳng thu nhập là sự không bình đẳng, không bằng nhau về thu nhập giữa các cá nhân với nhau trong một nhóm hoặc nhiều nhóm trong xã hội 2 .

Kuznets (1955) cho rằng bất bình đẳng ở một quốc gia tăng dần khi chuyển từ nền kinh tế nông nghiệp là chính yếu sang công nghiệp vì khi nền kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp thì thu nhập của người dân tương đối đồng đều nhưng khi công nghiệp phát triển thì thu nhập của người dân sẽ thay đổi, không đồng đều và bất bình đẳng sẽ tăng lên 3 .

Todaro (1994) nêu quan điểm bất bình đẳng không có lợi cho tăng trưởng do những người nghèo với thu nhập thấp sẽ có ít điều kiện chăm sóc sức khỏe và tiếp cận hệ thống giáo dục tiên tiến nên năng suất lao động thấp và cơ hội tiếp cận việc làm thấp 4 .

Lin và cộng sự (2014) chỉ ra rằng khi một quốc gia có thu nhập thực bình quân ở mức thấp, ở mức thu nhập dưới 12.400 USD/người/năm, bất bình đẳng càng cao sẽ làm cho nền kinh tế tăng trưởng càng chậm. Khi thu nhập thực bình quân ở mức độ cao, từ 21.065 USD/người/năm trở lên, thì tăng bất bình đẳng thu nhập sẽ làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 .

Era Dabla-Norris&ct (2015) đã đề cập đến nguyên nhân của bất bình đẳng thu nhập là do chênh lệch về sức khỏe, giáo dục, chênh lệch trong tiếp cận dịch vụ tài chính 6 .

Hoàng Thủy Yến (2015) đã xác định ngưỡng tác động của bất bình đẳng thu nhập đối với tăng trưởng kinh tế của Việt Nam là Gini = 0,37 hoặc khoảng cách giữa nhóm giàu nhất và nghèo nhất là 9.6 lần. Bất bình đẳng thu nhập sẽ kích thích tăng trưởng khi bất bình đẳng thu nhập nhỏ hơn ngưỡng và sẽ kìm hãm tăng trưởng khi bất bình đẳng thu nhập lớn hơn ngưỡng 7 .

Chỉ tiêu đo lường bất bình đẳng

Hệ số Gini là hệ số dùng để biểu thị độ bất bình đẳng trong thu nhập trên nhiều vùng miền, tầng lớp của một đất nước và hệ số này nằm trong khoảng (0-1). Ở cấp quốc gia, căn cứ vào hệ số Gini, các nhà nghiên cứu đã chia các quốc gia thành 3 nhóm bất bình đẳng thu nhập 1 .

(1) Các quốc gia có mức độ bất bình đẳng thu nhập thấp khi Gini < 0,4;

(2) Bất bình đẳng thu nhập trung bình khi 0,4 ≤ Gini ≤ 0,5;

(3) Và bất bình đẳng thu nhập cao khi Gini >0,5.

Hệ số Gini vào khoảng từ [0,3; 0,45] là phạm vi an toàn và hợp lý cho các quốc gia theo đuổi các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao và ổn định 8 .

Hệ số Gini được tính dựa vào đường cong Lorenz. Đường cong Lorenz được tạo ra bởi 2 yếu tố: Tỷ lệ thu nhập của dân cư cộng dồn và tỷ lệ dân số tương ứng cộng dồn. Hệ số Gini là giá trị của diện tích A (được tạo ra bởi đường cong Lorenz và đường thẳng 45° từ gốc tọa độ) chia cho diện tích A+B ( là diện tích tam giác vuông nằm dưới đường thẳng 45° từ gốc tọa độ). Theo đó, hệ số Gini (G) được tính theo công thức sau:

Trong đó:

Fi: là phần trăm cộng dồn dân số đến người thứ i

Yi: là phần trăm cộng dồn chi tiêu đến người thứ i

Như vậy Hệ số Gini nhận giá trị từ 0 đến 1. Hệ số Gini càng gần 1 thì sự bất bình đẳng về thu nhập trong dân cư càng lớn.

Ý nghĩa: hệ số Gini được sử dụng để phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập của các tầng lớp dân cư, giúp các nhà hoạch định chính sách đưa ra các chính sách phù hợp nhằm thu hẹp sự phân hóa giàu nghèo trong xã hội.

Để đo lường bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ngoài việc sử hệ số Gini thì hệ số giãn cách thu nhập, tiêu chuẩn 40WB cũng được sử dụng 9 .

  1. Hệ số giãn cách thu nhập được tính bằng tỉ số giữa thu nhập của 20% dân số có thu nhập cao nhất trên thu nhập của 20% dân số có thu nhập thấp nhất. Hệ số này càng lớn, tình trạng bất bình đẳng càng cao.

  2. Tiêu chuẩn 40WB do Ngân hàng Thế giới đề xuất, được tính bằng tỷ lệ thu nhập (chi tiêu) của 40% dân số có mức thu nhập (chi tiêu) thấp nhất trong xã hội trên tổng thu nhập (chi tiêu) của toàn bộ dân cư. Nếu tỷ lệ này trên 17%, ta có bất bình đẳng ở mức thấp, từ 12% đến 17%, ta có bất bình đẳng ở mức vừa, dưới 12% là bất bình đẳng ở mức cao.

Nguồn dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bài nghiên cứu này tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu định tính thông qua phương pháp thống kê mô tả, phân tích, đánh giá và so sánh. Nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập chủ yếu từ Tổng Cục thống kê trong giai đoạn từ năm 1999-2021. Cụ thể là số liệu về thu nhập bình quân đầu người của người dân Việt Nam, hệ số Gini của Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam theo 5 nhóm thu nhập. Theo quyết định 59/2015/QĐ -TTG của thủ tướng chính phủ sự phân chia thu nhập của 5 nhóm được áp dụng như sau: Nhóm 1: Nhóm nghèo là những người có thu nhập thấp, có thu nhập bình quân đầu người trên tháng là 700 nghìn đồng đối với nông thôn và 900 nghìn đồng đối với khu vực thành thị. Nhóm 2: Nhóm cận nghèo là hộ cận nghèo có mức thu nhập dao động trong khoảng từ 700 ngàn đồng đến dưới 1 triệu đồng đối với khu vực nông thôn, đối với khu vực thành thì thì có thu nhập từ 900 ngàn đồng đến 1 triệu 300 đồng. Nhóm 3: Nhóm trung bình là nhóm có thu nhập trung bình một tháng vào khoảng 1 triệu đến 1 triệu 500 ở khu vực nông thôn, mức thu nhập có nhóm trung bình sẽ được tình trong khoảng từ 1.300.000 đồng đến 1.950.000 đồng ở khu vực thành thị. Nhóm 4: Nhóm khá, có thu nhập trung bình một tháng vào khoảng 2.000.000 đồng đến 3.500.000 đồng áp dụng cho khu vực nông thôn, ở khu vực thành thị thì mức thu nhập vào khoảng 2.200.000 đồng đến 4.000.0000 đồng. Nhóm 5: Nhóm giàu là nhóm có thu nhập trung bình một tháng trên 5.000.000 đồng.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

Thực trạng thu nhập bình quân đầu người:

Kể từ khi thực hiện đổi mới nền kinh tế từ năm 1986, kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả đáng ghi nhận, trong đó có chỉ tiêu thu nhập bình quân đầu người. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê được thể hiện ở Figure 1 thì thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vào năm 1999 đạt 295.000 đồng/người/tháng thì đến năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đạt 3.713.000 đồng/người/tháng. Như vậy sau 35 năm thực hiện đổi mới nền kinh tế thì thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đã tăng gần 13 lần. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam không chỉ tăng trưởng về quy mô mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân của được cải thiện.

Figure 1 . Thu nhập bình quân đầu người theo giá hiện hành người dân Việt Nam (ĐVT: 1.000đồng/người/tháng)

Mặc dù thu nhập bình quân đầu người có xu hướng tăng kể từ năm 1999 cho đến năm 2019, đến năm 2020 và năm 2021 do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh covid-19 làm cho thu nhập bình quân đầu người có xu hướng giảm. Ngoài ra, có sự mất cân đối thu nhập bình quân đầu người giữa các khu vực, vùng miền trong cả nước. Cụ thể khu vực thành thị luôn có thu nhập bình quân đầu người cao hơn khu vực nông thôn và năm 2021 thu nhập bình quân đầu người ở khu vực thành thị cao gấp 1,54 lần so với thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn, nguyên nhân là do khu vực nông thôn có xuất phát điểm thấp, năng suất lao động thấp nên thu nhập của khu vực này thấp. Dân số ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ gần 2/3 dân số cả nước và theo số liệu của Tổng cục thống kê thì năm 2021 dân số ở khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ 62,88% tổng dân của cả nước, trong khi đó cũng theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê thì GDP từ khu vực nông nghiệp chỉ chiếm dao động 12,36% -18%, và năm 2021 đóng góp 12,36% trong tổng GDP của cả nước. Ngoài ra, dưới tác động đô thị hóa, tâm lý và lối sống của người dân thay đổi. Đô thị hóa góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thay đổi sự phân bố dân cư. Các đô thị không chỉ là nơi tạo ra nhiều việc làm và thu nhập cho người lao động mà còn là nơi tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn và đa dạng, là nơi sử dụng lực lượng lao động có chất lượng cao, cơ sở kĩ thuật hạ tầng cơ sở hiện đại có sức hút đầu tư mạnh trong nước và nước ngoài 10 .

Thực trạng bất bình đẳng thu nhập

(1) Hệ số bất bình đẳng (Hệ số Gini): Theo số liệu công bố ở Table 1 cho thấy hệ số Gini của Việt Nam trong giai đoạn từ 2002-2019 dao động trong khoảng 0,42-0,43 tức là mức độ bình đẳng thu nhập của Việt Nam đạt mức trung bình. Đến năm 2020 và năm 2021 thì hệ số Gini của Việt Nam đạt 0,37 tức là mức độ bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam đạt mức thấp. Nguyên nhân là do kể từ đầu năm 2020 tình hình dịch bệnh covid-19 gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị và doanh nghiệp, từ đó gây ảnh hưởng đến việc làm và thu nhập của người lao động nên dẫn đến có sự thay đổi trong chênh lệch thu nhập của các nhóm dân cư. Ngoài ra, Chính phủ thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho những đối tượng, thành phần trong xã hội bị ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch covid nhằm khôi phục, ổn định sản xuất, ổn định việc làm, đời sống và thu nhập cho người dân nên hệ số Gini giảm còn 0,37. Nhìn chung kể từ năm 2002 đến nay bất bình đẳng thu nhập ở nước ta biến động không nhiều, giảm từ mức 0,43 vào năm 2010 xuống còn 0,37 vào năm 2021 và mức bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn cho phép.

Table 1 Hệ số GINI của Việt Nam giai đoạn 2002 – 2021

Tuy nhiên bất bình đẳng thu nhập ở nước ta cũng có sự khác biệt giữa các vùng, miền trong cả nước. Hệ số Gini của khu vực thành thị có chiều hướng giảm xuống từ mức 0,41 vào năm 2002 còn 0,34 vào năm 2021, riêng khu vực nông thôn có chiều hướng gia tăng từ 0,36 vào năm 2002 tăng đến 0,41 vào năm 2019 và đến năm 2020 và năm 2021 mới giảm xuống còn 0,37. Tại khu vực thành thị, người dân bình đẳng và dễ dàng hơn trong tiếp cận các cơ hội phát triển về trình độ học vấn, kỹ năng làm việc thông qua giáo dục nên bất bình đẳng về thu nhập luôn thấp hơn khu vực nông thôn 11 . Riêng đối với các địa phương thì vùng Trung du và miền núi phía Bắc có hệ số bất bình đẳng cao nhất cả nước và đạt 0,43, tiếp theo là vùng Tây Nguyên có hệ số bất bình đẳng đạt 0,42. Hai khu vực này chủ yếu là nông dân và người dân tộc thiểu số sinh sống nên thu nhập rất thấp, trong khi đó các hộ có thu nhập cao hơn hẳn nhờ vào các hoạt động thương mại và dịch vụ cũng như lao động ở khu vực nhà nước. Vùng Đông Nam Bộ có hệ số bất bình đẳng thu nhập thấp nhất cả nước và đạt 0,32 vào năm 2021, do khu vực này có điều kiện tự nhiên và kinh tế xã hội thuận lợi cho phát triển kinh tế và thu hút vốn đầu tư, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động nên mức chênh lệch thu nhập của khu vực này thấp.

Ngoài ra, khi so sánh hệ số Gini của Việt Nam với một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc cho thấy mức độ bất bình đẳng thu nhập của các quốc gia này cũng ở mức thấp và được thể hiện qua số liệu minh họa ở Table 2 . Tuy nhiên, hệ số Gini của các quốc gia này dao động từ 0,35-0,382, đây là mức bất bình đẳng thu nhập tiệm cận với mức trung bình. Riêng Phillipine có mức bất bình đẳng thu nhập trung bình với hệ số Gini đạt 0,423 vào năm 2018. Như vậy mức độ bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam ở mức vừa phải khi so sánh với các quốc gia trong khu vực.

Table 2 Hệ số GINI của một số quốc gia trên thế giới

(2) Hệ số giãn cách thu nhập: số liệu ở Table 3 cho thấy thu nhập bình quân đầu người giữa 5 nhóm có sự gia tăng qua các năm và thu nhập bình quân bình quân đầu người năm 2021 cao gấp 3,03 lần so với năm 2020. Tuy nhiên chênh lệch thu nhập giữa 20% nhóm có thu nhập cao nhất và 20% nhóm có thu nhập thấp nhất cũng ngày càng gia tăng rõ rệt và được thể hiện rõ nét qua hệ số giãn cách thu nhập. Hệ số giãn cách thu nhập của Việt Nam có xu hướng gia tăng kể từ năm 2010 với hệ số chênh lệch là 9,24 đến năm 2019 có hệ số chênh lệch là 10,23. Điều này có nghĩa là thu nhập của nhóm 20% có thu nhập cao nhất gấp 9,24 lần thu nhập của nhóm có thu nhập thấp nhất vào năm 2010 và đến năm 2019 nhóm 20% có thu nhập cao nhất gấp 10,23 lần thu nhập của nhóm có thu nhập thấp nhất. Như vậy, khoảng cách thu nhập giữa nhóm có thu nhập cao nhất và nhóm có thu nhập thấp nhất ngày càng gia tăng, chênh lệch thu nhập giữa các nhóm ngày càng gia tăng làm cho bất bình đẳng thu nhập của Việt Nam ngày càng gia tăng trong giai đoạn này. Đến năm 2020 và năm 2021 hệ số giãn cách thu nhập của Việt Nam đã giảm xuống và còn 7,99 và 8,00, do Chính phủ thực hiện nhiều gói giải pháp hỗ trợ cho nhiều nhóm đối tượng trước tình hình đại dịch covid nên chênh lệch thu nhập giữa các nhóm có phần giảm đáng kể. Nên vấn đề đặt ra là khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn và mọi hoạt động trở lại bình thường thì liệu bất bình đẳng thu nhập có tiếp tục giảm xuống hay không?

Table 3 Thu nhập bình quân đầu người/tháng phân theo 5 nhóm thu nhập của Việt Nam và hệ số giãn cách thu nhập (ĐVT: 1000 đồng)

Hệ số giãn cách thu nhập ở khu vực thành thị thấp hơn so với khu vực nông thôn. Số liệu ở Figure 2 cho thấy ở khu vực thành thị hệ số giãn cách thu nhập tương đối ổn định và có xu hướng giảm, từ mức 7,9 vào năm 2010 giảm xuống còn 5,44 vào năm 2021. Ở nông thôn hệ số giãn cách thu nhập đạt mức cao hơn và có xu hướng tăng từ mức 7,5 vào năm 2010 tăng lên 9,6 vào năm 2019 và giảm xuống không đáng kể vào năm 2021 với mức 7,95. Nguyên nhân là ở khu vực thành thị tập trung nhiều doanh nghiệp, nhiều đơn vị nên có nhu cầu tuyển dụng lao động có trình độ cao làm việc và từ đó người lao động ở khu vực thành thị có thể tiếp cận nhiều công việc có mức thu nhập cao hơn cũng như họ có trình độ cao, dễ dàng tìm kiếm, cạnh tranh trong công việc; trong khi đó ở khu vực nông thôn khó tiếp cận nhiều công việc phức tạp với mức lương cao, đa phần là các công việc đơn giãn và cũng theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2021 của Tổng cục thống kê thì thu nhập của nhóm 1 chủ yếu từ nông nghiệp do tỷ lệ lao động trong nhóm chủ yếu làm nghề nông nghiệp tự làm và giãn đơn.

Figure 2 . Hệ số giãn cách thu nhập của Việt Nam giai đoạn 2010-2021

(3) Tiêu chuẩn 40WB do Ngân hàng Thế giới: Theo kết quả tính toán tỷ lệ thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất/Tổng thu thập của dân cư ở Việt Nam được thể hiện ở Table 4 cho thấy mức độ bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam từ năm 2010 – 2019 là ở mức vừa phải, dao động từ mức 14,38%-14,97%. Riêng đến năm 2020 và năm 2021 mức độ bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam đã vượt qua ngưỡng 17% tức là bất bình đẳng ở mức độ thấp. Kết quả này cũng phù hợp với kết quả của hai chỉ tiêu tính toán về mức độ bất bình đẳng nêu trên, tức là bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam ở mức vừa phải và có giảm xuống trong hai năm 2020 và năm 2021, đây là giai đoạn Việt Nam đang phải đối phó với tình hình đại dịch covid-19 và Chính phủ phải đưa ra nhiều gói hỗ trợ cho mọi đối tượng trong xã hội nhất là những đối tượng bị thiệt hại và tổn thương nặng nề nhất nhằm giúp người dân và doanh nghiệp ổn định sản xuất, ổn định cuộc sống.

Table 4 Tỷ lệ thu nhập của 40% dân số có thu nhập thấp nhất/Tổng thu thập của dân cư ở Việt Nam giai đoạn 2010-2021

Nhìn chung, bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam ở mức vừa phải và không có xu hướng giảm qua các năm. Chỉ riêng năm 2020 và năm 2021 mức độ bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam có giảm xuống do Chính phủ thực hiện nhiều biện pháp hỗ trợ cho mọi đối tượng và thành phần trong xã hội gặp khó khăn nhằm ứng phó với những ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 nên trong giai đoạn này chênh lệch thu nhập của các nhóm giảm đáng kể.

Những nguyên chủ yếu dẫn đến bất bình đẳng thu nhập ở nước ta :

(1) Bất bình đẳng ở Việt Nam không có chiều hướng giảm trong thời gian vừa qua là do đâu (ngoại trừ năm 2020,2021)

Do sự khác biệt về tiền lương của người lao động: Các cá nhân có trình độ học vấn khác nhau thường kiếm được mức lương khác nhau 12 . Mỗi người lao động do có sức khỏe, trí tuệ, năng khiếu, trình độ học vấn, trình độ kỹ năng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, năng lực cá nhân khác nhau nên khả năng đáp ứng được yêu cầu công việc cũng khác nhau. Sự khác nhau là do độ tuổi, tình trạng sức khỏe, tình trạng hôn nhân, tố chất di truyền, sự cố gắng nỗ lực học tập, rèn luyện thông qua quá trình giáo dục đào tạo của mỗi cá nhân. Từ đó, mức tiền lương cũng khác nhau. Ngoài ra, theo báo cáo Phát triển con người năm 2020 của UNDP 13 thì số năm đi học trung bình của Việt Nam chỉ đạt 8,3 tức là tính trung bình người Việt Nam chỉ chủ yếu có trình độ giáo dục ở mức trung học cơ sở. Trong khi đó số năm đi học kỳ vọng trung bình của người trưởng thành ở Việt Nam là 12,7 năm. Trong khi đó Malaysia có số năm đi học trung bình là 10,4; ở Singapore là 11,6, ở Hàn Quốc là 12,2.

Do trình độ chuyên môn của lao động: Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê thì tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên đã qua đào tạo ở Việt Nam vẫn còn khá thấp, chỉ đạt 26,1% và tỷ lệ lao động trong độ tuổi lao động đã qua đào tạo chỉ đạt 28,45% ( Table 5 ). Trong đó, lao động là nữ có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp hơn so với lao động là nam giới. Đồng thời, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở khu vực nông thôn (17,45%) thấp hơn nhiều so với ở khu vực thành thị (41,05%). Chính điều này đã góp phần tạo nên sự chênh lệch về thu nhập giữa lao động là nam và lao động nữ, thu nhập khác biệt giữa lao động ở khu vực thành thị và lao động ở khu vực nông thôn.

Table 5 Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phân theo giới tính và phân theo thành thị, nông thôn ( ĐVT: %)

Tăng trưởng công nghệ làm gia tăng khoảng cách thu nhập: Sự phát triển công nghệ được cho là dẫn đến tình trạng thất nghiệp ở tất cả các cấp độ kỹ năng 14 . Hiện nay, nhiều công việc đã được thực hiện thông qua máy móc, robot tự động hóa nên nhu cầu lao động giản đơn ngày một giảm và chính điều này đã làm cho tình trạng thất nghiệp ngày một gia tăng.

Tự do hóa nền kinh tế và toàn cầu hóa: do xu hướng toàn cầu hóa, tự do hóa tài khoản vốn, tự do hóa thương mại, tự do hóa trong nước và tư nhân hóa làm cho chênh lệch thu nhập ngày càng gia tăng giữa các cá nhân 15 . Do tận dụng cơ hội từ tự do hóa nền kinh tế và toàn cầu hóa mà nhiều cá nhân đã gia tăng thu nhập từ những ngành nghề mà họ tham gia và nhờ những thuận lợi của quá trình này cũng như những năng lực vốn mà nhiều cá nhân đã nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, nguồn thu nhập của các các nhân có được là do từ kế thừa tài sản hoặc do tích lũy trong quá khứ.

(2)Sự gia tăng chênh lệch giữa 20% nhóm người có thu nhập cao nhất và 20% nhóm người có thu nhập thấp nhất

20% nhóm người có thu nhập thấp là những người nghèo, trong đó người dân tộc thiểu số chiếm số đông và lao động của nhóm này có trình độ học vấn thấp, chủ yếu tham gia trong lĩnh vực nông nghiệp với tốc độ tăng trưởng chậm hơn. Từ đó làm cho khoảng cách về thu nhập trung bình ngày càng tăng. Trong khi đó 20% nhóm có thu nhập cao nhất chủ yếu là những người có trình độ học vấn cao, có công việc với mức lương cao và tham gia vào ngành phi nông nghiệp là chủ yếu.

(3)Sự chênh lệch về thu nhập giữa các vùng

Sự khác biệt giữa các khu vực và vùng miền: ở nước ta các vùng miền có điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế xã hội khác nhau nên có sự phát triển các ngành nghề cũng khác nhau cũng như khả năng thu hút vốn cho phát triển kinh tế của các vùng, miền cũng khác nhau. Đối với các địa phương ở vùng núi, vùng sâu, xa có điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, giao thông đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn, khó có điều kiện phát triển mạnh các ngành nghề và tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động nên người lao động làm các công việc giãn đơn và thu nhập thấp. Ngược lại ở các vùng miền, các địa phương có điều kiện tự nhiên và điều kiện kinh tế xã hội thuận lợi như vùng Đông Nam bộ, các vùng này sẽ phát triển đa dạng các ngành nghề, tạo nhiều công ăn việc làm cho người lao động, từ đó người lao động có cơ hội tìm kiếm nhiều việc làm để nâng cao thu nhập.

(4)Chênh lệch thu nhập giữa thành thị và nông thôn

Giữa khu vực thành thị và nông thôn cũng có sự khác biệt về thu nhập của lao động, do ở khu vực thành thị thường tập trung nhiều công ty, đơn vị, trung tâm thương mại lớn nên đòi hỏi lực lượng lao động có trình độ tay nghề và kỹ năng cao, từ đó lao động có khả năng tìm kiếm nhiều công việc có thu nhập cao. Ở các vùng nông thôn đa phần chỉ phát triển các ngành nghề thuộc lĩnh vực nông nghiệp và giãn đơn nên người lao động khó có thể tìm kiếm đa dạng các công việc để nâng cao thu nhập.

(5) Do chênh lệch trong tiếp cận các nguồn lực

Nghiên cứu của Era Dabla-Norris&ct (2015) nêu trên đã chỉ rõ bất bình đẳng thu nhập còn có nguyên nhân là do chênh lệch trong tiếp cận các nguồn lực về giáo dục, sức khỏe và đặc biệt là chênh lệch trong tiếp cận nguồn tài chính; Các hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường gặp khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính do thiếu kiến thức, quy trình phức tạp, thủ tục rườm rà. Hơn nữa, các sản phẩm tài chính sẵn có có xu hướng hạn chế hơn và tương đối tốn kém.

KẾT LUẬN VÀ ĐỀ XUẤT MỘT SỐ KIẾN NGHỊ GÓP PHẦN HẠN CHẾ BẤT BÌNH ĐẲNG THU NHẬP Ở VIỆT NAM

Bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam trong những năm vừa qua đạt mức trung bình hay mức vừa phải, riêng năm 2020 và năm 2021 bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam có giảm xuống và đạt mức thấp là do sự hỗ trợ của Chính phủ cho các thành phần trong xã hội nhằm khắc phục những khó khăn và thách thức do đại dịch covid-19 gây ra. Tuy nhiên, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người giữa các nhóm dân cư trong xã hội có xu hướng ngày một gia tăng và có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này như đã phân tích nêu trên. Không chỉ Việt Nam, mà các nước có tốc độ tăng trưởng nhanh gần đây cũng cho thấy khoảng cách giàu-nghèo đang trở thành một vấn nạn của xã hội và chỉ số Gini để đo lường sự bình đẳng trong phân phối thu nhập sẽ là nghiêm trọng nếu từ 0,4 trở lên 10 . Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị góp phần hạn chế bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam như sau:

Đối với Chính phủ:

Thứ nhất, về mặt tổng thể Chính phủ cần có các biện pháp phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở phát triển hài hòa giữa các vùng, miền trong cả nước, giữa thành thị và nông thôn . Tận dụng mọi nguồn lực và phát huy tối đa lợi thế vốn có của các vùng, miền để phát triển kinh tế, tạo việc làm tăng thu nhập cho người lao động.

Chính phủ chú trọng đến chính sách giáo dục và đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho lao động, giúp lao động tìm kiếm các công việc phù hợp và nâng cao thu nhập. Đặc biệt chú trọng công tác đào tạo nghề cho các lao động tự do, lao động phi chính thức để giúp họ có việc làm và thu nhập ổn định.

Đối với nhóm 20% những người có thu nhập thấp. Chính phủ hỗ trợ họ có đất sản xuất, nguồn vốn và vật tư, hỗ trợ kiến thức nông nghiệp cho sản xuất hoặc chuyển đổi nghề, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm để họ có điều kiện nâng cao thu nhập.

Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động như việc thành lập các trung tâm xúc hỗ trợ xúc tiến việc làm, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu lao động, cung cấp thông tin về việc làm v.v.

Chính phủ huy động mọi nguồn lực trong xã hội bao gồm nguồn lực của Nhà nước, của các doanh nghiệp, các tập đoàn, các tổ chức chính trị xã hội, các ngân hàng thương mại tham gia hỗ trợ tối đa người lao động đặc biệt là người nghèo như: hỗ trợ vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ về nhà ở, hỗ trợ về cung cấp và tạo điều kiện duy trì với các loại dịch vụ, hỗ trợ về giao đất, giao rừng, hỗ trợ về đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ tìm kiếm việc làm nhằm giúp người lao động có việc làm ổn định và nâng cao thu nhập.

Chính phủ cần có chính sách thuế phù hợp đối với nhóm người giàu với mức thuế lũy tiến và thuế tài sản ròng.

Đối với người dân:

Bản thân người lao động cần tự ý thức nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn và dài hạn để có cơ hội tìm kiếm công việc nâng cao thu nhập.

Bản thân người lao động cần tham gia công việc tại các cơ quan, đơn vị, công việc của cá nhân một cách chuyên cần, chăm chỉ, tích cực, nỗ lực.

DANH MỤC CÁC TỪ VIẾT TẮT

GINI: hệ số bất bình đẳng thu nhập

GDP: Gross Domestic Product

OECD: Organization for Economic Cooperation and Development

TN: thu nhập

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. OECD. Society at a glance 2011: OECD social indicators. 6th ed. OECD Publishing [serial online]; 2011. [p. 90] [cited 2011 April]; 6. . ;:. Google Scholar
  2. Cường NA, Thành PQ. Xóa đói giảm nghèo và giảm bất bình đẳng xã hội ở Việt Nam. Tạp chí khoa học xã hội Việt Nam 2014 số;9(82), trang:43-52. . ;:. Google Scholar
  3. Kuznets S. Economic growth and income inequality. Am Econ Rev. 1995;45:1-28. . ;:. Google Scholar
  4. Todaro MP. Economic development. 5th ed. NY, London: Longman; 1994. . ;:. Google Scholar
  5. Lin YC, Huang HCR, Yeh CC. Inequality-growth nexus along the development process. Stud Nonlinear Dyn Econ. 2014;18(3):237-52. . ;:. Google Scholar
  6. Era DN, Kalpana K, Frantisek R, et al. edition. Causes and consequences of income inequality: A global perspective. JEL Classif. 2015. Aviable from;D31(015), H23; 1 (1)(D63):[43]. . ;:. Google Scholar
  7. Yến HT. Tác động của bất bình đẳng thu nhập đến tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam, luận án [luận án trên internet]; 2015 [10/08/2022]. Từ. Đại Học Kinh Tế Quốc Dân. . ;:. Google Scholar
  8. Cornia and court. Inequality, growth and poverty in the era of liberalization and globalization. 1st ed. Oxford University Press; 2004. [p. 464]. . ;:. Google Scholar
  9. Hằng NTT. Thực trạng bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2002-2018; 2019 [online]. Truy cập. Tạp Chí con Số và Sự Kiện [cited 30/7/2022]. . ;:. Google Scholar
  10. Tổng Cục Thống kê. Tác động của đô thị hóa đến chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam [online]; 15/12/2021. Truy Cập [cited 31/7/2022]. . ;:. Google Scholar
  11. Tổng Cục Thống kê. Xu hướng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập ở Việt Nam giai đoạn 2016-2020 [online]; 17/06/2021. Truy Cập [cited 4/8/2022]. . ;:. Google Scholar
  12. Becker GS, Murphy KM. The upside of income inequality; 2007 [online]. Aviable from. America. . ;:. Google Scholar
  13. UNDP. Human development report 2020 [online]; December 15, 2020. . ;:. Google Scholar
  14. Leung M. The causes of economic inequality [online]; January 22, 2015. . ;:. Google Scholar
  15. Võ Đình Trí. Vấn đề bất bình đẳng thu nhập ở Việt Nam [online]; 2022. Truy Cập [cited 9/8/2022]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 6 No 4 (2022)
Page No.: 3787-3796
Published: Jan 31, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1110

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Lê, H. (2023). Situation of income inequality in Vietnam. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 6(4), 3787-3796. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v6i4.1110

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 2650 times
PDF   = 2745 times
XML   = 0 times
Total   = 2745 times