Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management

An official journal of University of Economics and Law, Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Review

HTML

34

Total

14

Share

Comprehensive growth of Vietnam after joining WTO






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

The article is based on secondary data collected from sectors and agencies in the period 2006-2021, and based on the socioeconomic context and growth characteristics of Vietnam to evaluate the comprehensive growth situation of the country. Research results show that Vietnam has achieved remarkable comprehensive growth since its joining the WTO. Specifically, through indicators such as GDP scale, GDP per capita increasing day by day, increasing access to basic infrastructure facilities and services, more opportunities for people to socialize to ensure close equality with economic opportunities through education, health care, health care, stable jobs with increasing wages, people's living standards are increasingly improved through increased income levels and access to basic services such as electricity and clean water. In addition, gender equality and social security work are increasingly being actively promoted by the Government and society. However, besides the already achieved results, comprehensive growth in Vietnam still has certain limitations, in particular gender inequality, income inequality, persisting underemployment, unsustainable poverty reduction work, high income disparity among population groups and between regions, there is still a shortage of jobs and limited resources to implement social security. Therefore, people are not really happy and fair.

Đặt vấn đề

Tăng trưởng toàn diện được biết đến như là một quá trình thể hiện sự ràng buộc giữa tăng trưởng kinh tế và sự bình đẳng. Với sự đột phá trong cải cách nền kinh tế vào năm 1986 và sự kết hợp với những xu hướng toàn cầu thuận lợi đã giúp cho nền kinh tế Việt Nam đạt được nhiều thành tựu đáng ghi nhận, kinh tế tăng trưởng liên tục và ổn định qua các năm, đưa Việt Nam thoát khoát nước nghèo và trở thành quốc gia có thu nhập trung bình vào năm 2010 chỉ trong vòng hơn hơn hai thập kỷ. Đặc biệt, kể từ năm 2006 Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, đánh dấu cho việc tham gia hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu và khu vực. Chính từ đó đã tạo điều kiện cho các ngành và lĩnh vực kinh tế của Việt Nam có điều kiện phát triển mạnh, từ đó nền kinh tế có cơ hội tăng trưởng và mở rộng và mạng lưới an sinh xã hội cũng ngày càng được đảm bảo. Chính vì vậy, tăng trưởng toàn diện là chủ đề được nhiều nghiên cứu đề cập đến trong các nghiên cứu lý thuyết lẫn thực nghiệm tại các quốc gia. Các nghiên cứu đề cập đến các vấn đề lý luận về tăng trưởng toàn diện như khái niệm và các chỉ tiêu đo lường tăng trưởng toàn diện, điển hình như các nghiên cứu của ADB 1 ; Romina Boarini, Fabrice Murtin and Paul Schreyer 2 . Nghiên cứu của ADB cũng đưa ra các chỉ tiêu để đánh giá tăng trưởng toàn diện của một quốc gia. Ngoài ra, các nghiên cứu thực nghiệm, đánh giá tình hình tăng trưởng toàn diện tại các quốc gia, điển hình là các nghiên cứu của Ianchovichina, E., & Lundstrom, S. nêu rõ chiến lược tăng trưởng toàn diện của một quốc gia sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế thông qua việc thúc đẩy sự bình đẳng về cơ hội tiếp cận các chính sách về kinh tế và các mạng lưới an sinh xã hội 3 ; Mello, L.D., & Dutz, M.A. (Eds.) nêu rõ vai trò của chính sách đổi mới nhằm thúc đẩy tăng trưởng toàn diện ở Trung Quốc và EU 4 . Tuy nhiên, ở mỗi quốc gia khác nhau sẽ có điều kiện khác nhau nên vấn đề tăng trưởn toàn diện cần được xem xét và giải quyết theo mức độ độc đáo của từng quốc gia đó; Hoàng Thị Minh Hà đã khẳng định Việt Nam bước vào giai đoạn 2021 - 2025 với nền tảng tăng trưởng được duy trì khá ổn định và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Mặc dù chịu tác động tiêu cực trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế bị suy giảm, nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít quốc gia tăng trưởng dương và đứng trước nhiều cơ hội từ sự hội nhập ngày càng sâu rộng với việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu… 5 . Tuy vậy, các dự báo về tăng trưởng kinh tế, thương mại, đầu tư trong giai đoạn tiếp theo trở nên kém sáng sủa hơn khi dịch Covid-19 vẫn chưa được kiểm soát trên toàn cầu, đe dọa kéo lùi những thành quả trong phát triển bền vững của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhìn chung, các nghiên cứu này làm nền tảng lý luận cho nghiên cứu tăng trưởng toàn diện tại Việt Nam. Riêng ở Việt Nam, nghiên cứu về tăng trưởng toàn diện là thực sự cần thiết, hiện chưa có nghiên cứu nào đánh giá thực trạng tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam kể từ sau khi đất nước gia nhập tổ chức WTO. Chính vì vậy nghiên cứu này nhằm mục đích phân tích, đánh giá thực trạng tăng trưởng toàn diện của Việt Nam, phân tích những tồn tại hạn chế của quá trình tăng trưởng toàn diện để làm cơ sở đề xuất kiến nghị góp phần thúc đẩy quá trình tăng trưởng toàn diện ở nước ta.

Cơ sở lý thuyết và phương pháp nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Khái niệm tăng trưởng toàn diện

ADB nêu “tăng trưởng toàn diện là sự tăng trưởng kinh tế góp phần tạo ra cơ hội công bằng hơn cho người dân, góp phần thay đổi tích cực khả năng tiếp cận với các cơ hội kinh tế - xã hội (giáo dục và y tế) cũng như thúc đẩy sự tăng lên của số cơ hội mà người dân có thể tiếp cận” 1 .

Romina và cộng sự cho rằng “tăng trưởng toàn diện là sự tăng trưởng đa chiều từ sự phân phối tăng trưởng thu nhập một cách bình đẳng mà còn chia sẻ tiến bộ ở các khía cạnh phi thu nhập khác của sự thịnh vượng” 2 .

Chương trình phát triển Liên hợp quốc: “tăng trưởng được coi là toàn diện khi tăng trưởng được tối đa hóa ở tất cả các nhóm thu nhập, nam giới và phụ nữ, nhóm xã hội và dân tộc, các vùng miền; người dân được hưởng sự bình đẳng cơ hội và lợi ích từ việc tham gia trực tiếp vào quá trình tăng trưởng, chủ yếu thông qua mức độ cao về việc làm và sự cải thiện năng suất lao động” 6 .

Như vậy, có thể cho rằng tăng trưởng toàn diện là sự tăng trưởng về mặt kinh tế và đảm bảo thu nhập bình đẳng trong xã hội. Nghĩa là mọi người dân trong xã hội đều được hưởng sự bình đẳng về lợi ích trong cơ hội tăng trưởng kinh tế thông qua việc làm và các cơ hội tiếp cận xã hội khác.

Chỉ tiêu đo lường tăng trưởng toàn diện

ADB đã xây dựng khung phân tích tăng trưởng toàn diện cho các quốc gia thuộc châu Á - Thái Bình Dương 1 . Khuôn khổ các chỉ số tăng trưởng toàn diện (FIGI) được ADB xây dựng từ năm 2011 và dựa trên 35 chỉ tiêu đo lường tổng hợp nghèo đói và bất bình đẳng bao gồm 3 trụ cột chính: (1) Cơ hội tăng trưởng và mở rộng kinh tế; (2) Hòa nhập xã hội để đảm bảo tiếp cận bình đẳng với cơ hội kinh tế; (3) Mạng lưới an sinh xã hội. Trong đó:

(1) Cơ hội tăng trưởng và mở rộng kinh tế bao gồm:

  • Tăng trưởng kinh tế và việc làm - được đo lường thông qua các chỉ tiêu:

Quy mô GDP và tốc độ tăng GDP

GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người

Tỷ lệ việc làm

Độ co giãn của tổng số việc làm so với tổng GDP (độ co giãn việc làm)

Số tài khoản cá nhân và lao động gia đình đóng góp trên 100 công nhân làm công ăn lương

  • Tài trợ cơ sở hạ tầng quan trọng –được đo lường thông qua các chỉ tiêu:

Tiêu thụ điện bình quân đầu người

Tỷ lệ đường được trải nhựa

Số lượng thuê bao điện thoại trên 100 người

Tỷ lệ người gửi tiền trên 1000 người lớn

(2) Hòa nhập xã hội để đảm bảo tiếp cận bình đẳng với cơ hội kinh tế:

  • Tiếp cận giáo dục và sức khỏe

Số năm đi học: từ tiểu học đến trung học phổ thông

Tỷ lệ học sinh – giáo viên tiểu học

Trẻ em 1 tuổi được chích ngừa bạch hầu, uốn ván và ho gà

Số lượng bác sỹ, y tá và nữ hộ sinh trên 10.000 dân

Chi tiêu của Chính phủ cho giáo dục

Chi tiêu của Chính phủ cho y tế

  • Tiếp cận các tiện ích cơ sở hạ tầng cơ bản và dịch vụ

Tỷ lệ dân số được tiếp cận điện

Tỷ lệ dân số sử dụng nhiên liệu để nấu

Tỷ lệ dân số sử dụng nước sạch

Tỷ lệ dân số sử dụng nhà vệ sinh tiên tiến

  • Bình đẳng giới và cơ hội

Bình đẳng giới ở bậc tiểu học, trung học và đại học

Bảo hiểm chăm sóc trước khi sinh con

Bình đẳng giới trong lực lượng lao động

Tỷ lệ ghế cho phụ nữ nắm giữ trong quốc hội

(3) Mạng lưới an sinh xã hội:

Bảo trợ xã hội

Chi tiêu của Chính phủ cho an sinh xã hội, cho y tế và sức khỏe

Chi tiêu của Chính phủ cho an ninh

Ngoài 3 trụ cột chính nêu trên, ADB còn đánh giá tăng trưởng toàn diện trên khía cạnh nghèo đói và bất bình đẳng (6 chỉ tiêu cụ thể) và quản trị và chế chế tốt (3 chỉ tiêu)

WEF nêu 3 chỉ tiêu để đo lường tăng trưởng toàn diện của một quốc gia bao gồm: (1) tăng trưởng và phát triển, (2) Sự hòa nhập xã hội và (3) Sự công bằng và bền vững 7 . Trong đó chỉ tiêu (1) tăng trưởng và phát triển được đo lường thông qua các chỉ tiêu cụ thể: GDP bình quân đầu người, lực lượng lao động, năng suất lao động, tuổi thọ (2) Sự hòa nhập được đo lường thông qua các chỉ tiêu cụ thể: thu nhập bình quân của hộ gia đình, tỷ lệ hộ nghèo, hệ số GINI; (3) Sự công bằng và bền vững được đo lường thông qua các chỉ tiêu: tỷ lệ tiết kiệm ròng, nợ công (%/GDP), tỷ lệ phụ thuộc, lượng phát thải khí CO 2 .

Một số nghiên cứu có liên quan đến tăng trưởng toàn diện

Terry McKinley nghiên cứu xây dựng một chỉ số tăng trưởng toàn diện ở cấp quốc gia để đo lường đóng góp cho tăng trưởng toàn diện. Các chỉ số được nghiên cứu đề cập đến để đánh giá tăng trưởng toàn diện bao gồm (i) tăng trưởng, việc làm hiệu quả và cơ sở hạ tầng kinh tế; (ii) nghèo về thu nhập và bình đẳng (bao gồm cả giới tính); (iii) các khía cạnh năng lực của con người về tính toàn diện; và (iv) các khía cạnh bảo trợ xã hội của tính toàn diện. Phương pháp này sau đó được áp dụng trong phân tích nghiên cứu trường hợp cho Bangladesh, Campuchia, Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Uzbekistan. Bên cạnh đó, nghiên cứu này coi trọng yếu tố thu nhập và nhấn mạnh sự công bằng trong đánh giá tăng trưởng toàn diện 8 . Romina và cộng sự đã nêu các chỉ tiêu đo lường tăng trưởng toàn diện của OECD dựa trên một khuôn khổ các chỉ tiêu đại diện cho các lĩnh vực về kinh tế và xã hội 2 . OECD cũng nêu 3 nội dung để đánh giá tăng trưởng toàn diện của một quốc gia, trong đó chú trọng đến chỉ tiêu thu nhập của hộ gia đình làm căn cứ đo lường mức sống. Stephan Klasen nêu khái niệm về tăng trưởng toàn diện, các chỉ tiêu xác định tăng trường toàn diện và đưa ra kết luận bao gồm (1) tăng trưởng (thu nhập) bền vững cao sẽ tạo ra và mở rộng kinh tế, (2) khả năng tiếp cận rộng rãi hơn những cơ hội này sẽ đảm bảo rằng các thành viên của xã hội có thể tham gia và hưởng lợi từ tăng trưởng 9 . Hoàng Thị Minh Hà đã nêu một số vấn đề lý luận chung về tăng trưởng toàn diện bao gồm: khái niệm, các chỉ tiêu đo lường bao gồm chỉ tiêu về tăng trưởng, chỉ tiêu bình đẳng, chỉ tiêu về điều kiện sống cơ bản và an sinh xã hội. Nghiên cứu đánh giá hiện trạng tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam dựa trên 3 khía cạnh nêu trên, qua đó nghiên cứu nêu một số vấn đề đặt ra đối với tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam. Qua đó, nghiên cứu cũng nêu một số kiến nghị góp phần tiến xa hơn trong lộ trình tăng trưởng của Việt Nam 5 . Tuy nhiên nghiên cứu này chưa thống nhất số liệu nghiên cứu cho các chỉ tiêu, các chỉ tiêu phân tích còn sơ lược, chưa đầy đủ.

Như vậy, dựa vào các chỉ tiêu đánh giá tăng trưởng toàn diện nêu trên và căn cứ vào điều kiện thực tiễn của Việt Nam, bài nghiên cứu đánh giá tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam kể từ sau gia nhập WTO dựa trên 3 nội dung chủ yếu: (1) Cơ hội tăng trưởng và mở rộng kinh tế; (2) Hòa nhập xã hội để đảm bảo tiếp cận bình đẳng với cơ hội kinh tế; (3) Mạng lưới an sinh xã hội. Ngoài ra, bài nghiên cứu cũng đánh giá thêm tình trạng nghèo đói và bất bình đẳng ở Việt Nam.

Dữ liệu và phương pháp nghiên cứu

Bài viết sử dụng nguồn dữ liệu thứ cấp được thu thập từ các cơ quan ban ngành, cụ thể là thu thập từ Ngân hàng thế giới (WorldBank), Tổng Cục Thống kê trong giai đoạn từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO năm 2006 đến 2021 và một số kết quả tính toán từ các nghiên cứu từ nhiều nguồn khác nhau của tác giả.

Bài viết này tiếp cận dưới góc độ nghiên cứu định tính thông qua phương pháp phân tích mô tả số liệu thống kê và phân tích tổng hợp nhằm phân tích các số liệu thứ cấp về tăng trưởng toàn diện nói chung và tăng trưởng kinh tế, việc làm, cơ sở hạ tầng và công bằng xã hội nói riêng.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Cơ hội tăng trưởng và mở rộng kinh tế

Tăng trưởng kinh tế và việc làm

Quy mô GDP và tốc độ tăng GDP : Việt Nam đã có chính sách đổi mới phát triển kinh tế kể từ năm 1986 và nền kinh tế tiếp tục duy trì và đạt nhiều kết quả tích cực kể từ sau khi gia nhập tổ chức WTO vào năm 2006 cho đến nay. Theo số liệu công bố của Ngân hàng thế giới được thể hiện ở ( Table 1 ) cho thấy Quy mô GDP thực của Việt Nam có sự gia tăng đáng ghi nhận kể từ năm 2006 cho đến nay, cụ thể GDP thực của Việt Nam năm 2006 đạt 139,66 tỷ USD thì đến năm 2010 tăng lên và đạt 177,32 tỷ USD. Năm 2021 quy mô GDP thực của Việt Nam đạt 332,27 tỷ USD. Như vậy, qua gần 18 năm gia nhập WTO, quy mô GDP của Việt Nam của tăng lên 192,61 tỷ, tương ứng với mức tăng 1,38 lần. Đặc biệt kể từ cuối năm 2019 trở lại đây do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và thách thức, song quy mô GDP của Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định cho đến nay.

Table 1 GDP thực theo giá cố định năm 2015 và tốc độ tăng GDP thực của Việt Nam giai đoạn 2006-2021

Nhờ có nhiều chính sách đổi mới và phát triển nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng GDP thực của Việt Nam kể từ năm 2006 cho đến nay luôn được duy trì ổn định với tốc độ tăng trưởng GDP thực theo giá cố định 2005 giai đoạn 2006-2021 đạt bình quân 6,02%/năm. Đặc biệt năm 2020 trở lại đây mặc dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn và trở ngại của đại dịch covid -19 nhưng GDP nền kinh tế vẫn giữ được mức tăng trưởng dương và đạt 2,86% vào năm 2020 và đạt mức 2,56% vào năm 2021.

GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng GDP bình quân đầu người : cùng với sự tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế Việt Nam kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay thì GDP bình quân đầu người cũng có sự gia tăng đáng ghi nhận. Theo số liệu công bố của Ngân hàng thế giới được thể hiện ở ( Table 2 ) thì GDP bình quân đầu người của Việt Nam kể từ năm 2006 cho đến nay có sự gia tăng đáng ghi nhận. Năm 2006 GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt 1.663,6 USD/người/năm thì đến năm 2021 GDP bình quân đầu người đạt 3.409 USD/người/năm. So với năm 2006 thì đến năm 2021 GDP bình quân đầu người của Việt Nam tăng 1.745,4USD/người/năm, tương ứng với mức tăng 1,049 lần. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định song GDP thực bình quân đầu người của Việt Nam vẫn chưa đạt được mục tiêu mà Chính phủ đã đề ra, cụ thể thu nhập bình quân đầu người được Việt Nam đề ra cho giai đoạn 2011-2015 là 2.200-2.500 USD/người/năm, giai đoạn 2016 – 2020 là 3.200 – 3.500 USD/người/năm.

Table 2 GDP thực bình quân người theo giá cố định năm 2015 của Việt Nam và tốc độ tăng GDP bình quân đầu người

Nhờ tốc độ tăng GDP thực của nền kinh tế được giữ vững mà tốc độ tăng GDP thực bình quân đầu người ở Việt Nam cũng duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định với mức 4,97%/năm cho giai đoạn 2006-2021 và đặc biệt năm 2020 và năm 2021 Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng GDP thực bình quân đầu người dương và đạt 1,94% và 1,7% khi nền kinh tế đang phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức của đại dịch Covid-19.

Tỷ lệ việc làm : theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê ( Table 3 ) thì lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong nền kinh tế luôn giữ mức ổn định và dao động từ 95,12% - 98,24% và đặc biệt tỷ lệ lao động có việc làm có xu hướng gia tăng kể từ năm 2006 cho đến nay. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên ở Việt Nam có việc làm có xu hướng giảm xuống kể từ năm 2020 trở lại đây. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của đại dịch covid-19 gây khó khăn cho quá trình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn, giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao. cùng với lãi suất và tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động, điều này làm ảnh hưởng đến tỷ lệ lao động có việc làm ở nước ta trong những năm trở lại đây.

Table 3 Tỷ lệ lao động 15 tuổi trở lên lên đang làm việc hàng năm giai đoạn 2006-2021

Ngoài ra, theo kết quả tính toán của tác giả, hệ số co giãn việc làm (EEC) ở Việt Nam được trình bày ở ( Figure 1 ) cho thấy giai đoạn 2006-2012 hệ số co giãn việc làm không có biến động nhiều và dao động trong khoảng 0,39-0,5. Từ năm 2013 trở đi hệ số co giãn việc làm ở Việt Nam có sự suy giảm. Nguyên nhân là do tốc độ tăng việc làm có xu hướng giảm, đồng thời tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã được cải thiện nhưng chưa tác động mạnh đến khả năng tạo việc làm cho nền kinh tế.

Figure 1 . Hệ số co giãn việc làm ở Việt Nam giai đoạn 2006-2021 (Nguồn: Tác giả tính toán từ Tổng cục Thống kê.)

Tài trợ cơ sở hạ tầng quan trọng

Cùng với quá trình phát triển của nền kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đây được xem là một trong những nhân tố quan trọng đóng góp cho quá trình phát triển của đất nước. Một trong số hoạt động đầu tư cho cơ sở hạ tầng phải kể đến là tỷ lệ đường được rải nhựa, tỷ lệ tiêu thụ điện, số lượng thuê bao điện thoại, tỷ lệ người gửi tiền. Cụ thể như sau:

Tiêu thụ điện bình quân đầu người: theo kết quả thống kê của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng thì tiêu thụ năng lượng cuối cùng của Việt Nam giai đoạn 2012 - 2018 bình quân với tốc độ khoảng 6%/năm; Tiêu thụ điện giai đoạn 2011-2019 tăng nhanh (khoảng 10%/năm), năm 2019 tổng công suất điện đạt trên 54.880 MW, sản xuất điện năng đạt gần 240 tỷ kWh. Cơ sở hạ tầng của ngành năng lượng phát triển nhanh. Hiện về quy mô nguồn điện đã đứng 2 khu vực Đông Nam châu Á, thứ 23 trên thế giới. Nội dung sử dụng hiệu quả và tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường đang từng bước được quản lý tốt hơn, nhưng hiệu quả sử dụng còn nhiều bất cập 10 .

Số lượng thuê bao điện thoại trên 100 người ( Table 4 ): theo số liệu công bố của Worldbank thì số lượng thuê bao di động của Việt Nam đã có sự gia tăng đáng ghi nhận, từ 23 thuê bao/100 dân vào năm 2006 đã tăng lên 139 thuê bao/100 dân vào năm 2021, nâng tổng số máy điện thoại lên 46,94 triệu thuê bao, và cho đến nay lượng truy cập internet di động đã áp đảo thuê bao di động cố định. Số thuê bao Internet di động tại Việt Nam từng đạt 75,39 triệu năm 2020, nhưng sau đó còn 71,22 triệu khi kết thúc năm 2021 và đến hết năm 2021 thuê bao băng rộng cố định đạt 20,04 thuê bao/100 dân. Như vậy, ngành viễn thông nói chung đã có sự phát triển mạnh trong thời gian vừa qua và có nhiều nhiều đóng góp cho quá trình phát triển nền kinh tế nói chung.

Table 4 Số lượng thuê bao di động trên 100 dân

Tỷ lệ người gửi tiền trên 1.000 người lớn: hệ thống ngân hàng Việt Nam phát triển mạnh nên tạo điều kiện cho việc giao dịch, thanh toán qua hệ thống ngân hàng thuận tiện và ổn định. Theo số liệu công bố của Ngân hàng thế giới thì năm 2008 Việt Nam có 3,3 chi nhánh ngân hàng thương mại trên 100.000 người lớn thì đến năm 2020 thì số lượng chi nhánh ngân hàng thương mại trên 100.000 người lớn ở Việt Nam đã tăng lên 4. Với chính sách điều hành ổn định và ổn định của Ngân hàng nhà nước, người dân đã gia tăng lượng tiền gửi vào các tổ chức tín dụng. Kết quả phản ánh kênh tiền gửi ngân hàng vẫn là kênh đầu tư mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân, an toàn và hiệu quả, tiếp tục phản ánh niềm tin của người dân đối với hệ thống ngân hàng, được pháp luật bảo đảm lợi ích người gửi tiền trong mọi trường hợp.

Hòa nhập xã hội xã hội để đảm bảo tiếp cận bình đẳng với cơ hội kinh tế

Tiếp cận giáo dục và sức khỏe

Trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn quan tâm đến sự nghiệp chăm sóc và phát huy yếu tố con người. Điều này được thể hiện qua chính sách, quan điểm của Nhà nước đối với lĩnh vực giáo dục và y tế ( Table 5 ). Tỉ lệ chi tiêu cho giáo dục và y tế của Việt Nam ngày một gia tăng và đạt mức 4,1%/GDP, trong khi đó mức chi tiêu bình quân cho giáo dục của thế giới đạt 4,3%/GDP. Tỷ lệ biết chữ và tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học ở Việt Nam đạt khá cao với mức 96% và 100% trong năm 2021. Ngoài ra, chi tiêu cho y tế luôn được Chính phủ quan tâm và ngày càng tăng chi cho hoạt động này, Tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực y tế - dân số hàng năm gần 10% trong tổng chi NSNN và năm 2021 đạt 9,6% tổng chi thường xuyên ngân sách nhà nước.

Table 5 Tiếp cận giáo dục ở Việt Nam và một số quốc gia năm 2021

Tiếp cận các tiện ích cơ sở hạ tầng cơ bản và dịch vụ

Cùng với quá trình phát triển kinh tế, Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm đến đời sống của người dân thông qua việc đầu tư và hỗ trợ người dân tiếp cận các tiện tích cơ sở hạ tầng cơ bản và dịch vụ như sử dụng điện, sử dụng nhiên liệu, sử dụng nguồn nước sạch và nhà vệ sinh tiên tiến. Theo số liệu công bố của Worldbank và Tổng cục Thống kê được thể hiện ở ( Table 6 ) cho thấy tỷ lệ dân số tiếp cận điện ở nước ta đạt khá cao, mức 100% cao hơn so với của toàn thế giới là 90,4%. Mức sử dụng năng lượng ở Việt Nam vẫn còn thấp so với thế giới, 664 kg dầu quy đổi trên đầu người; Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đến hết năm 2021 đạt 98,1% và tỷ lệ hộ có nhà vệ sinh sạch đạt 95,6%.

Table 6 Các tiện tích cơ sở hạ tầng và dịch vụ ở Việt Nam

Bình đẳng giới và cơ hội

Bình đẳng giới là vấn đề được các quốc gia đặc biệt quan tâm nhằm bảo vệ quyền con người. Trong đó, Việt Nam cũng không nằm ngoài lệ nhằm tiến tới bình đẳng giới và đạt mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tuy đạt được những kết quả nhất định về công tác bình đẳng giới, song vấn đề bình đẳng giới ở Việt Nam còn gặp một số vấn đề như: Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê thì tỷ lệ lao động nữ vẫn thấp hơn lao động nam, năm 2021 tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên là nam chiếm 53,48%, tỷ lệ lao động là nữ chiếm 46,52%; Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở nam cao hơn nữ và tương ứng mức 28,52% và 23,33%; Thời gian phụ nữ dành cho lao động không công gấp đôi nam giới, cụ thể là việc nhà. Điều này kéo theo quỹ thời gian của phụ nữ eo hẹp hơn và bị hạn chế trong một số lĩnh vực khác của đời sống. Đặc biệt, quan niệm phụ hệ truyền thống và tư tưởng trọng nam khinh nữ cũng khiến địa vị của phụ nữ trong gia đình bị ảnh hưởng. Để đạt mục tiêu bình đẳng giới, Chính phủ đã ban hành nhiều luật, văn bản quy định như điều 26, hiến pháp năm 2013 nêu “nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới” và Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006 và có hiệu lực ngày 01/7/2007 11 . Những quy định, điều lệ trong bộ luật này là kim chỉ nam để hướng tới mục tiêu xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội cho nam và nữ bình đẳng trong phát triển kinh tế – xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới.

Mạng lưới an sinh xã hội

Mạng lưới an sinh xã hội ở nước ta đã ngày một hoàn thiện và phát triển, trở thành vấn đề trung tâm trong chiến lược phát triển đất nước bởi vì việc chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân là mục tiêu cao nhất của sự nghiệp xây dựng xã hội XHCN ở Việt Nam. Ở Việt Nam, cấu trúc của hệ thống an sinh xã hội gồm 5 trụ cột: 1) Bảo hiểm xã hội; 2) Bảo hiểm y tế; 3) Bảo hiểm thất nghiệp; 4) Cứu trợ xã hội; 5) Trợ giúp và ưu đãi xã hội. Kể từ khi gia nhập WTO cho đến nay, hệ thống an sinh xã hội ngày càng đồng bộ và hoàn thiện với diện bao phủ không ngừng được mở rộng. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện. An sinh xã hội đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho người nghèo và đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội, góp phần hình thành xã hội không còn nhóm xã hội bị loại trừ và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa của sự phát triển đất nước. Hệ thống bảo hiểm được quan tâm và ngày càng phát triển với 3 loại hình là: bảo hiểm bắt buộc (bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế), bảo hiểm tự nguyện và bảo hiểm thất nghiệp. Số người tham gia bảo hiểm bắt buộc tăng nhanh, từ 6,4 triệu vào năm 2006 lên 15,4 triệu người vào năm 2021. Sau gần 3 năm triển khai bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến năm 2010 có 96,6 nghìn người tham gia và năm 2021 có gần 1,3 triệu người tham gia. Năm 2021 có 13,39 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Năm 2021 có khoảng 7,6 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Bảo hiểm y tế tăng nhanh từ 23,7% dân số năm 2006 lên 91,1% dân số. Đặc biệt, Chính phủ đã thực hiện chính sách bảo hiểm y tế miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi, một số đối tượng chính sách, người nghèo và hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các hộ cận nghèo, v.v.. Các chính sách sách ưu đãi đối với người có công không ngừng được hoàn thiện, các chính sách trợ giúp xã hội (thường xuyên và đột xuất) được thực hiện rộng hơn cả về quy mô và đối tượng thụ hưởng với mức trợ giúp ngày càng tăng. Mặc dù đạt được những kết quả nhất định, song công tác bảo đảm an sinh xã hội ở nước ta vẫn còn nhiều bất cập và yếu kém: giảm nghèo chưa bền vững, mức chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền vẫn còn cao, vẫn còn tình trạng thiếu việc làm. Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, với diện bao phủ và mức hỗ trợ thấp, chưa theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế.

Các hạn chế về tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam và nguyên nhân

Tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận nêu trên. Tuy nhiên, quá trinh tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam kể từ sau gia nhập WTO vẫn còn một số hạn chế nhất định, cụ thể:

Tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam vẫn còn khá thấp. Nguyên nhân là do nền kinh tế Việt Nam có xuất phát điểm thấp, chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh, gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế. Ngoài ra, nền kinh tế tăng trưởng chủ yếu vẫn còn dựa vào ngành nông nghiệp, chuyển dịch chậm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê 12 , cho thấy tỷ lệ lao động từ 15 tuổi lên làm việc ở khu vực nông thôn chiếm 63,34% trong tổng số lao động của cả nước. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp chỉ đóng góp 13,63% GDP của cả nước. Mô hình kinh tế tăng trưởng kinh tế theo chiều rộng, thâm hụt các yếu tố như lao động, tài nguyên không phát huy hết được những lợi thế vốn có của nền kinh tế và không còn phù hợp với tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay và trình độ, năng suất lao động của Việt Nam hiện vẫn còn khá thấp. Cũng theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê 13 , cho thấy tỷ lệ lao động đã qua đào tạo ở Việt Nam tính đến cuối năm 2021 chỉ đạt 28,45% và theo số liệu công bố của Tổ chức Lao động thế giới 14 thì năng suất lao động của Việt Nam theo giá so sánh năm 2010 đạt 3.905USD/người/năm, trong khi đó năng suất lao động của Singapore đạt 99.569USD/người/năm, gấp 25,49 lần năng suất lao động của Việt Nam. Năng suất lao động theo giá so sánh năm 2010 của Thái Lan đạt 11.155 USD/người/năm, cao gấp 2,85 lần năng suất lao động của Việt Nam.

Tình trạng bất bình đẳng giới, bất bình đẳng thu nhập vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân là do sự khác biệt về điều kiện ở các địa phương, sự khác biệt về trình độ lao động, sự tăng trưởng của công nghệ làm gia tăng khoảng cách thu nhập. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến cuối năm 2021 thu nhập bình quân đầu người của nhóm 1 (nhóm có thu nhập thấp nhất) đạt 1.151.800 đồng/tháng. Trong khi đó, thu nhập bình quân đầu người của nhóm 5 (nhóm có thu nhập cao nhất) đạt 9.183.800 đồng/người/tháng. Điều này có nghĩa là thu nhập của nhóm 20% có thu nhập cao nhất gấp 6,07 lần thu nhập của nhóm có thu nhập thấp nhất vào năm 2021.

Tình trạng thiếu việc làm vẫn còn tại và nguyên nhân là do năng lực, trình độ chuyên môn, trình độ kỹ thuật của lao động không đáp ứng được yêu cầu của công việc; Công việc không phù hợp với người lao động; Do tình hình bất ổn của nền kinh tế vĩ mô và đại dịch covid làm cho tổng cầu của nền kinh tế giảm, người dân thắt chặt chi tiêu. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến thiếu việc làm và thất nghiệp trong xã hội. Theo số liệu công bố của Tổng Cục Thống kê 15 , cho thấy tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi vào năm 2010 đạt tỷ lệ 3,56% và có xu hướng giảm dần đến năm 2019 đạt tỷ lệ 1,5%. Tuy nhiên, kể từ năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch covid 19 thì tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động lại tăng lên và đạt mức 3,1% vào năm 2021.

Công tác giảm nghèo chưa được bền vững. Nguyên nhân là do hậu quả của chiến tranh ở Việt Nam; Mức chênh lệch thu nhập giữa các nhóm dân cư, giữa các vùng miền vẫn còn cao; tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm vẫn còn cao; Các ngành sản xuất vẫn còn đơn điệu, chủ yếu vẫn thâm dụng yếu tố lao động hơn công nghệ; nền kinh tế phát triển nhưng vẫn chưa bền vững; Trình độ văn hóa của người dân vẫn còn thấp. Theo số liệu công bố của ILO 16 , cho thấy mức kỹ năng lao động của Việt Nam phân loại theo trình độ giáo dục quốc tế (ISCED) của UNESCO năm 2021 đạt mức trung bình là chủ yếu chiếm tỷ lệ 47,84%, mức kỹ năng thấp chiếm tỷ lệ 40,2% và mức kỹ năng cao chỉ đạt 11,96%. Trong khi đó lao động của Singapore đạt mức kỹ năng cao là 56,2% và Malayxia có lao động đạt mức kỹ năng cao chiếm 27,2%, hay Philippine đạt 26,14%.

Nguồn lực để thực hiện an sinh xã hội còn hạn chế, chủ yếu dựa vào ngân sách hạn hẹp của Nhà nước 17 .

Kết luận

Thông qua việc đánh giá tình hình tăng trưởng toàn diện của Việt Nam kể từ sau khi Việt Nam gia nhập WTO cho đến nay cho thấy Việt Nam đã sự tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận thông qua chỉ tiêu tăng trưởng GDP, tăng trưởng GDP bình quân đầu người, tỷ lệ việc làm luôn được giữa mức ổn định góp phần tạo ra cơ hội công bằng hơn cho người dân, và góp phần thay đổi tích cực khả năng tiếp cận với các cơ hội kinh tế - xã hội (giáo dục và y tế) cũng như thúc đẩy cơ hội tiếp cận các dịch vụ và các tiện ích cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng có sự quan tâm tích cực đối với công tác bình đẳng giới và công tác an sinh xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế nhất định như đã phân tích ở trên., Trên cơ sở đó, bài viết đề xuất một số kiến nghị góp phần giúp tăng trưởng toàn diện ở Việt Nam, bao gồm sự tăng trưởng về mặt kinh tế và đảm bảo thu nhập bình đẳng:

Chính phủ tiếp tục thực hiện đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng để nâng cao chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, bắt kịp trình độ của các nước phát triển hơn trong khu vực. Trong đó chủ động triển khai các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả tình hình dịch bệnh gắn với việc từng bước khôi phục, thúc đẩy, phát triển các hoạt động vận hành chuỗi cung ứng trong sản xuất và kinh doanh.

Chính phủ tiếp tục t hực hiện có hiệu quả đồng bộ các chính sách hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, trong đó tập trung tháo gỡ, giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển ổn định, vững chắc.

Chính phủ cần dành sự đầu tư lớn hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nâng cao tỷ lệ lao động lao động đã đào tạo để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho xã hội đầu tư mạnh mẽ cho phát triển lực lượng lao động có kỹ năng thông qua nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cùng với cơ chế, chính sách sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực. Nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của dạy nghề trong chiến lược phát triển nhân lực của đất nước, hoàn thiện cơ chế, chính sách về dạy nghề, học nghề.

Chính phủ cần nâng cao trình độ kỹ năng tay nghề cho lao động, giúp lao động tìm kiếm các công việc phù hợp và nâng cao thu nhập. Chính phủ có chính sách hỗ trợ, tạo công ăn việc làm cho người lao động như việc thành lập các trung tâm xúc hỗ trợ xúc tiến việc làm, trung tâm hỗ trợ xuất khẩu lao động, cung cấp thông tin về việc làm,… làm giảm dần khoảng cách bất bình đẳng thu nhập giữa các nhóm dân cư trong xã hội.

Chính phủ tiếp tục thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội. Đồng thời cần có sự huy động của các nguồn lực trong xã hội tham gia đầu tư vào công tác an sinh xã hội để chính sách an sinh xã hội ngày càng hiệu quả hơn.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

ADB: Asian Development Bank

FIGI: Framework of Inclusive Growth Indicators

EEC: Employment Elasticity Coefficient

GDP: Gross Domestic Product

Hệ số GINI: Gini Coefficient

ILO: International Labour Organization

OECD: Organization for Economic Cooperation and Development

UNDP: United Nations Development Programme

USD: United States Dollar

WEF: World Economic Forum

WTO: World Trade Organization

LỜI CẢM ƠN

Công trình này là sản phẩm của đề tài nghiên cứu khoa học cấp Trường mã số T2023-89 do Trường Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP.HCM tài trợ.

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kỳ xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA CÁC TÁC GIẢ

Toàn bộ nội dung bài viết chỉ do tác giả thực hiện.

References

  1. ADB. Framework of inclusive growth indicators 2014. s.l. Print Philippines. 2014. . ;:. Google Scholar
  2. Boarini R, Murtin F, Schreyer P. Inclusive growth: the OECD measurement framework. S.l. OECD Statistics working papers; 2015. . ;:. Google Scholar
  3. Ianchovichina E, Lundstrom S. Inclusive growth analytics: framework and application [policy research working papers]; 2009. p. 4851. . ;:. Google Scholar
  4. Mello LD, Dutz MA, editors. Promoting inclusive growth: challenges and policies; 2012. . ;:. Google Scholar
  5. Hà HTM. Định vị Việt Nam trong lộ trình tăng trưởng toàn diện. Tạp Chí Kinh Tế Tài Chính Việt Nam Số;5/2021. . ;:. Google Scholar
  6. UNDP. Tăng trưởng vì mọi người: Báo cáo phát triển con người Việt Nam 2015 về tăng trưởng bao trùm. Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội. 2015. . ;:. Google Scholar
  7. WEF. The inclusive growth and development report 2017; 2017. . ;:. Google Scholar
  8. McKinley T. Inclusive growth criteria and indicators: an inclusive growth index for diagnosis of country progress. ADB June 2010; ISSN 2071-9450. . ;:. Google Scholar
  9. Klasen S. Measuring and monitoring inclusive growth: multiple definitions, open questions, and some constructive proposals. Publication stock no; 2010. ISSN 2071-9450. WPS102016. . ;:. Google Scholar
  10. Phùng BD. Tính hệ thống của sử dụng điện năng. Tạp chí năng lượng Việt Nam; 2019. . ;:. Google Scholar
  11. Luật Qhội bình đẳng giới. Số 73/2006/QH. Vol. 11; 2006. . ;:. Google Scholar
  12. Tổng Cục Thống kê. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên phân theo giới tính và phân theo thành thị, nông thôn; 03/08/2023. . ;:. Google Scholar
  13. Thống Tcục kê. Tỷ lệ lao động đã qua đào tạo phân theo giới tính và phân theo thành thị, nông thôn; 03/08/2023. . ;:. Google Scholar
  14. Tổ chức lao động thế giới (ILO). Số liệu công bố về năng suất lao động; 03/08/2023. . ;:. Google Scholar
  15. Thống Tcục Kê. Tỷ lệ thiếu việc làm của lực lượng lao động trong độ tuổi phân theo vùng và theo thành thị, nông thôn; 03/08/2023. . ;:. Google Scholar
  16. ILO. Số liệu về mức kỹ năng của lao động Việt Nam phân loại trình độ giáo dục quốc tế (ISCED) của UNESCO năm 2021; 03/08/2023. . ;:. Google Scholar
  17. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội. An sinh xã hội ở nước ta: một số vấn đề lý luận và thực tiễn; 2021. Truy Cập Ngày [cited 23/8/2023]. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 7 No 3 (2023)
Page No.: 4685-4696
Published: Sep 30, 2023
Section: Review
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i3.1263

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, H. (2023). Comprehensive growth of Vietnam after joining WTO. Science & Technology Development Journal: Economics- Law & Management, 7(3), 4685-4696. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v7i3.1263

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 34 times
PDF   = 14 times
XML   = 0 times
Total   = 14 times