stdjelm.scienceandtechnology.com.vn

VNUHCM Journal of

Economics, Law and Management

An official journal of Viet Nam National University Ho Chi Minh City, Viet Nam

ISSN 2588-1051

Skip to main content Skip to main navigation menu Skip to site footer

 Research article

HTML

17

Total

4

Share

Factors affecting Vietnam's canned tuna exports to the US and EU markets: An approach by gravity model






 Open Access

Downloads

Download data is not yet available.

Abstract

As a country with strengths in seafood exports, tuna is currently the export item with the most significant commercial value among Vietnam's seafood exports, in which canned tuna accounts for nearly half of the total export value of tuna products in general. However, in recent times, the export market and the export value of canned tuna from Vietnam to markets have been unstable for many reasons. In this study, the gravity model is applied to determine the factors affecting Vietnam's canned tuna exports to the two largest markets, the US and the EU, in 2007 - 2022 for a balanced panel dataset of 192 observations of 12 major import partners. The research results show that the exchange rate factor has the most positive impact on Vietnam's canned tuna exports to the US and the EU, followed by domestic tuna production, and the importing country's population also positively impacts exports. On the contrary, high import tax rates in recent times have been the most significant barrier hindering Vietnam's canned tuna exports in recent times, followed by the increase in per capita income of importing countries, which has also limited tuna imports from Vietnam. The research results also show that the signing of free trade agreements between Vietnam and importing countries and the selection of suitable export markets are two factors that have a positive impact on Vietnam's canned tuna exports to the US and EU during the research period, but these factors have not had a noticeable effect. In addition, the research also shows that the EC's yellow card warning for IUU fishing violations harms Vietnam's canned tuna exports to the US and EU markets, but this impact is not large and clear.

Giới thiệu

Việt Nam là một quốc gia có tài nguyên biển phong phú, trong đó cá ngừ là một trong những loài có trữ lượng lớn, phục vụ cho khai thác để tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Số liệu thống kê của Viện nghiên cứu Hải sản năm 2011, vùng biển Việt Nam có khoảng 45 nghìn tấn cá ngừ vây vàng và cá ngừ mắt to, 618 nghìn tấn cá ngừ vằn, 46,5 nghìn tấn cá ngừ chù, 23,9 nghìn tấn cá ngừ chấm và 16,3 nghìn tấn cá ngừ ồ. Với đường bờ biến dài 3.620 km, vùng đặc quyền kinh kế rộng 200 hải lý (tính từ đường cơ sở) với diện tích chiếm khoảng 1 triệu km 2 , vị trí của Việt Nam nằm ở Tây Thái Bình Dương còn là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của thương mại thông qua đường biển.

Số liệu thống kê của Trung tâm thương mại quốc tế cho biết hiện nay Việt Nam là một trong 10 nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới. Đối với các mặt hàng hải sản, cá ngừ có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Tính trong giai đoạn 2007 – 2022, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của Việt Nam trên thế giới đạt 84384 triệu USD, chiếm 5,04% thị phần, đứng ở vị trí thứ 3 về giá trị xuất khẩu, trong đó xuất khẩu cá ngừ đóng hộp đạt 3199 triệu USD, chiếm 3,09 % thị phần và đứng ở vị trí thứ 9 về giá trị xuất khẩu. Hiện nay, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đã xuất khẩu đến hơn 120 quốc gia, trong đó Mỹ và EU là hai khu vực thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt 2059 triệu USD, chiếm 64,37 % tổng thị phần. Là một quốc gia có nền kinh tế với độ mở cao, xuất khẩu đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế, trong đó xuất khẩu thủy sản là một trong 10 nhóm ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, chiếm 3,03 % tổng giá trị xuất khẩu của tất cả các mặt hàng trong giai đoạn 2007 – 2022. Ngoài đóng góp về mặt kinh tế, ngành công nghiệp cá ngừ của Việt Nam còn có đóng góp đáng kể về mặt xã hội và an ninh quốc phòng 1 . Tính đến đầu năm 2023, ngành khai thác cá ngừ góp phần giải quyết việc làm cho khoảng hơn 35000 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 8 - 9 triệu đồng/người/tháng, và hàng nghìn lao động trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu.

Hiện nay, cá ngừ của Việt Nam chủ yếu được khai thác từ vùng biển các tỉnh miền Trung, trong đó phần lớn tập trung ở ba tỉnh là Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa, sau đó được vận chuyển đến khoảng trên 200 cơ sở chế biến và xuất khẩu, tập trung tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Dương và Thành phồ Hồ Chí Minh. Hầu hết các cơ sở chế biến này đều có công suất lớn. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, hiện nay Việt Nam cũng đã tiếp cận được công nghệ kỹ thuật chế biến hiện đại, theo kịp với xu thế phát triển của thế giới, và cũng là quốc gia có quy mô ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản thuộc nhóm hàng đầu thế giới. Số liệu thống kê từ Trung tâm thương mại quốc tế cho thấy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trên thị trường thế giới có sự tăng trưởng mạnh từ năm 2007, với mức tăng trưởng bình quân 8,993%/năm, trong đó xuất khẩu sang hai thị trường lớn nhất là Mỹ và EU tăng trưởng bình quân 6,715%/năm. Cũng trong giai đoạn này, cầu nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của thế giới tăng bình quân 4,588%/năm, trong đó khu vực thị trường Mỹ và EU tăng bình quân 4,132%/năm.

Tuy có vị trí quan trọng và có nhiều đóng góp về mặt kinh tế và xã hội, nhưng ngành công nghiệp cá ngừ của Việt Nam trong thời gian qua nhìn chung còn gặp nhiều khó khăn và thách thức. Trong những năm gần đây, cường lực khai thác cá ngừ liên tục tăng, sản lượng đánh bắt đã vượt quá mức sản lượng khai thác bền vững khiến cho nguồn lợi cá ngừ dần bị cạn kiệt 2 , năng suất khai thác mỗi tàu giảm rõ rệt, dẫn đến giảm hiệu quả kinh tế trong khai thác cá 3 . Trong hoạt động khai thác cá ngừ, các tàu thuyền chủ yếu vẫn có công suất nhỏ, công nghệ đánh bắt và bảo quản cá ngừ chủ yếu theo phương pháp truyền thống, trong khi thời gian mỗi chuyến biển dài nên chất lượng cá ngừ sau thu hoạch khi cập cảng bị giảm sút đáng kể. Bên cạnh đó, lao động nghề cá của Việt Nam có trình độ thấp nên gây khó khăn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào trong sản xuất 1 Do chất lượng cá ngừ nguyên liệu giảm, dẫn đến cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam có chất lượng thấp 4 . Về phương thức tổ chức khai thác cá ngừ, các ngư hộ chủ yếu hoạt động độc lập, quy mô nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết, hợp tác trong sản xuất, làm giảm hiệu quả kinh tế 1 . Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết trong hoạt động xuất khẩu, các doanh nghiệp chế biến còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, trong đó tình trạng thiếu nguyên liệu đang là khó khăn lớn nhất 5 . Ngoài ra, Hiệp hội cá ngừ cho biết tỷ lệ lao động bỏ việc trong các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá ngừ hàng năm cao do tiền lương thấp, trong khi môi trường làm việc lại khắc khiệt. Từ năm 2017, Việt Nam bị EC cảnh báo thẻ vàng do vi phạm khai thác IUU, khiến cho xuất khẩu hải sản nói chung và cá ngừ nói riêng gặp nhiều khó khăn. Sự thay đổi của các yếu tố kinh tế xã hội, kể cả chính trị, …đã khiến cho cầu nhập khẩu cá ngừ của các thị trường biến động không ổn định. Lạm phát tăng cao ở các thị trường như Mỹ và các nước EU trong các năm 2021 và 2022 khiến cầu nhập khẩu cá ngừ từ các thị trường giảm mạnh 5 . Tình hình chiến sự Nga – Ukraina khiến cho giá dầu thế giới tăng cao, trong khi Việt Nam là quốc gia phụ thuộc nhiều vào giá dầu thế giới. Ở thị trường Mỹ và EU, mức độ cạnh tranh trên thị trường luôn gay gắt khi có khoảng hơn 100 quốc gia xuất khẩu cá ngừ đóng hộp vào các thị trường này, trong đó các đối thủ như Thái Lan, Ecuador, Tây Ban Nha,…là những nước xuất khẩu cá ngừ có quy mô lớn hơn rất nhiều so với Việt Nam, đặc biệt tại thị trường EU, Ecuador và các nước xuất khẩu cá ngừ trong khối như Tây Ban Nha, Hà Lan, Italia,… còn có lợi thế về thuế quan ưu đãi ở mức 0% và khoảng cách địa lý gần hơn rất nhiều so với Việt Nam. Trong giai đoạn này, tình hình kinh tế thế giới cũng như trong nước có nhiều biến động, nhất là tác động của cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008, tình hình chiến sự thế giới và đại dịch Covid 19. Trong thời gian này, ngành khai thác và chế biến, xuất khẩu cá ngừ trong nước cũng gặp rất nhiều khó khăn, thách thức như sự suy giảm nguồn lợi cá ngừ trong nước 1 , 2 , thị trường có nhiều rào cản và yêu cầu về sản phẩm nhập khẩu ngày càng cao như yêu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm, an toàn lao động, yêu cầu sản phẩm phải có xuất xứ thuần túy ở thị trường EU hay phải có truy xuất nguồn gốc rõ ràng và có gắn nhãn an toàn cá heo ở thị trường Mỹ. Ngoài ra rào cản thuế với mức thuế nhập khẩu khá cao ở cả hai thị trường này khiến cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam gặp nhiều khó khăn và biến động không ổn định.

Để xác định các yếu tố có ảnh hưởng đến xuất khẩu đối với từng mặt hàng cụ thể, nhiều nghiên cứu đã tiếp cận mô hình lực hấp dẫn được đề xuất lần đầu bởi Tinbergen năm 1962 vì tính đơn giản và dễ áp dụng đối với dữ liệu thương mại có sẵn, có thể giải thích được các yếu tố tổng thể chung như GDP, thu nhập, khoảng cách địa lý, dân số, các chính sách thương mại giữa hai bên, các chính sách quản lý ngành, môi trường sản xuất kinh doanh, kể cả các yếu tố như văn hóa, chính trị,...đến luồng thương mại giữa các nước. Đến nay, có thể nói đây là mô hình được ứng dụng thành công và phổ biến nhất để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại của các nước, được nhiều nghiên cứu thực hiện như các nghiên cứu 6 , 7 , 8 , 9 , 10 , 11 .

Trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng mô hình lực hấp dẫn cho bộ dữ liệu bảng cân bằng của 12 quốc gia nhập khẩu cá ngừ đóng hộp chính và thường xuyên của Việt Nam thuộc khu vực thị trường Mỹ và EU trong giai đoạn 2007 – 2022 nhằm mục đích để xác định xem những yếu tố nào có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, từ đó có cơ sở để đề xuất một số hàm ý chính sách góp phần thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, hướng đến mục tiêu nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững cho ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong thời gian tới.

Lý thuyết và tổng quan nghiên cứu

Đối với việc xác định các yếu tố ảnh hưởng đến mức độ trao đổi thương mại giữa các nước, mô hình lực hấp dẫn được đề xuất lần đầu tiên bởi Jan Tinbergen vào năm 1962 là mô hình được ứng dụng rộng rãi và thành công nhất. Tinbergen cho rằng trao đổi thương mại giữa hai nước tỷ lệ thuận với quy mô kinh tế của mỗi nước (đo bằng GNP hay GDP), và tỷ lệ nghịch với khoảng cách địa lý giữa hai nước 12 . Theo đó, mô hình này được Tinbegen biểu diễn như sau:

Mô hình trên cũng có thể chuyển đổi về dạng tuyến tính bằng cách lấy logarit hai vế như sau:

Ln(F AB ) = βln(M A ) + βln(M B ) - βln(D AB ) + ε (2)

Trong đó F AB là giá trị trao đổi thương mại giữa quốc gia A và quốc gia B, M A , M B là quy mô của mỗi nền kinh tế (đo bằng GNP hoặc GDP của mỗi nền kinh tế), D AB là khoảng cách địa lý giữa hai nước và G là một hằng số, ε là phần dư trong mô hình.

Mô hình lực hấp dẫn được đề xuất bởi Tinbergen (1962) là mô hình dạng đơn giản để đo lường mức độ tác động của các yếu tố lên dòng chảy thương mại giữa các quốc gia. Trong bối cảnh thương mại quốc tế ngày càng phát triển, vấn đề hợp tác quốc tế cũng được mở rộng và hoạt động trao đổi thương mại giữa các nước cũng trở nên phức tạp hơn, từ đó phát sinh nhiều yếu tố tác động đến dòng chảy thương mại giữa các nước, đặc biệt là các yếu tố thuộc về chính sách thương mại. Xuất phát từ yêu cầu này, đến nay đã có nhiều nghiên cứu phát triển mô hình lực hấp dẫn bằng cách đưa thêm vào mô hình các yếu tố mới, trong đó mô hình được phát triển bởi 13 bằng cách đưa thêm biến rào cản đa phương và các biến giả được đánh giá là thành công nhất.

Trong số các nghiên cứu phát triển mô hình, một số nghiên cứu thay vì xem xét quy mô GDP của mỗi nền kinh tế có ảnh hưởng thế nào đến mức độ trao đổi thương mại giữa hai nước như nghiên cứu ban đầu của Tinbergen, họ lại xem xét GDP bình quân đầu người của mỗi nước có ảnh hưởng thế nào. Chẳng hạn, Abidin cho rằng GDP bình quân đầu người của của nước nhập khẩu có tác động ngược chiều đến xuất khẩu của Malaysia sang các nước thành viên OIC, trong khi GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu không ảnh hưởng đáng kể 11 . Tiếp đó, nghiên cứu của Hassan lại cho thấy rằng GDP bình quân đầu người của nước xuất khẩu và của nước nhập khẩu đều có tác động tích cực đến mức độ trao đổi thương mại giữa các nước thuộc nhóm Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) 10

Lý thuyết lợi thế tuyệt đối của Adam Smith cho rằng dòng chảy thương mại sẽ dịch chuyển từ quốc gia có chi phí sản xuất thấp sang nơi có chi phí sản xuất cao. Quan điểm của Adam Smith có thể mở rộng ra, thương mại sẽ dịch chuyển từ quốc gia có lợi thế tuyệt đối về các yếu tố sản xuất như chi phí rẻ, nguyên liệu dồi dào,…sang các nước có ít lợi thế hơn. Do đó, một số nghiên cứu cho thấy các yếu tố như chi phí sản xuất 14 , năng suất lao động 15 , 16 , nguồn cung trong nước 17 , 18 , 19 , là những yếu tố có ảnh hưởng đến mức độ trao đổi thương mại giữa các nước. Ngoài ra, một số nghiên cứu còn cho thấy các yếu tố thuộc về điều kiện tự nhiên, xã hội cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu, chẳng hạn có đường biên giới chung 20 , 21 , có sử dụng ngôn ngữ chung 21 , 22 giữa nước xuất khẩu và nước nhập khẩu, hay mức độ tăng dân số của nước nhập khẩu 10 , 23 .

Với sự phát triển nhanh chóng của thương mại quốc tế, cùng với sự hiện đại hóa của khoa học công nghệ diễn ra nhanh chóng và sự hội nhập sâu rộng của nền kinh tế toàn cầu, các yếu tố thuộc về những lợi thế tuyệt đối của mỗi quốc gia có thể dễ dàng bị sao chép hoặc thay thế. Để có thể tồn tại và phát triển được, các nhà xuất khẩu có xu hướng kết hợp cả cạnh tranh dựa trên những lợi thế tuyệt đối hay tương đối mà mình có và cạnh tranh dựa trên cơ chế mậu dịch giữa các bên tham gia thương mại, do đó các nghiên cứu gần đây đã đề cập đến nhiều yếu tố liên quan đến các chính sách, thể chế thuộc môi trường vi mô hay môi trường vĩ mô xem có tác động như thế nào đến dòng chảy thương mại giữa các nước, chẳng hạn như Chính sách quản lý ngành 24 tỷ giá hối đoái 23 , 25 ; rào cản thuế quan 19 , 21 rào cản phi thuế 26 ; Tự do thương mại 21 , 27 . Một số nghiên cứu khác còn cho thấy các yếu tố thuộc về môi trường cũng có ảnh hưởng đến xuất khẩu, chẳng hạn như tình trạng tham nhũng của nước nhập khẩu 23 , 11 và của nước xuất khẩu 23 .

Đối với lĩnh vực nghiên cứu về xuất khẩu sản phẩm thủy sản, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cũng dùng mô hình lực hấp dẫn để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu. Năm 2015, Hidayati và cộng sự sử dụng mô hình lực hấp dẫn để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Indonesia trên thị trường Nhật Bản. Kết quả cho thấy giá xuất khẩu, tỷ giá hối đoái, khối lượng xuất khẩu cá ngừ năm trước có tác động cùng chiều đến xuất khẩu cá ngừ năm hiện tại. Đặc biệt trong nghiên cứu này, tác giả kiểm chứng được rằng yếu tố luật pháp có tác động tích cực đến xuất khẩu cá ngừ đông lạnh và cá ngừ chế biến của Indonesia, đây chính là điểm mới của nghiên cứu này so với các nghiên cứu trước đó 24 . Năm 2021, Sanny và các cộng sự cũng dùng mô hình lực hấp dẫn xác định các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu tôm của Indonesia sang thị trường Mỹ. Kết quả cho thấy GDP của nước nhập khẩu và khoảng cách địa lý có tác động cản trở xuất khẩu, trong khi dân số của nước nhập khẩu và tỷ giá có tác động thúc đẩy xuất khẩu 25 . Đến năm 2024, nghiên cứu của Nga và cộng sự sử dụng mô hình lực hấp dẫn để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang các thị trường xuất khẩu quan trọng gồm Mỹ, EU, Canada và Nhật Bản trong giai đoạn 2007 - 2021. Kết quả cho thấy dân số của nước nhập khẩu, tỷ giá của nước xuất khẩu, khối lượng cá ngừ khai thác của nước xuất khẩu và việc lựa chọn thị trường phù hợp có tác động thúc đẩy xuất khẩu, trong khi đó thuế nhập khẩu có tác động cản trở rất lớn đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam đến các thị trường này 4 .

Như vậy dựa trên cơ sở nghiên cứu ban đầu của Tinbergen, đến nay các nghiên cứu mở rộng mô hình đã xác định được rất nhiều yếu tố có tác động đến dòng chảy thương mại giữa các nước, có thể chia làm hai nhóm, bao gồm nhóm các yếu tố tác động về phía cung xuất khẩu và nhóm các yếu tố tác động về phía cầu nhập khẩu.

Phương pháp và dữ liệu nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Trong nghiên cứu này, mô hình lực hấp dẫn được tác giả sử dụng để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU.

Theo Tinbergen, năng lực sản xuất trong nước là yếu tố quyết định quan trọng đến mức độ trao đổi thương mại giữa hai nước 28 . Đối với xuất khẩu cá ngừ, sản lượng khai thác cá ngừ trong nước ảnh hưởng đến quy mô ngành xuất khẩu của quốc gia. Việc khai thác cá ngừ trong nước để chế biến xuất khẩu sẽ giúp cho quốc gia xuất khẩu ít phải phụ thuộc vào nguồn cá ngừ nguyên liệu nhập khẩu từ nước ngoài, giúp quốc gia xuất khẩu tiết kiệm chi phí vận chuyển, đồng thời còn đáp ứng tốt hơn về yêu cầu nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm xuất khẩu, đặc biệt là đối với những thị trường yêu cầu sản phẩm nhập khẩu phải có nguồn gốc xuất xứ khắt khe như Mỹ và EU. Việt Nam cũng là quốc gia có nguồn lợi cá ngừ khai thác nội địa hàng năm tương đối lớn, phục vụ cho cá tiêu thụ trong nước và chế biến xuất khẩu. Trong giai đoạn 2007 – 2021, bình quân mỗi năm Việt Nam khai thác 82836 nghìn tấn cá ngừ. Thực tế cũng cho thấy các nước xuất khẩu cá ngừ hàng đầu thế giới như Thái Lan, Ecuador, Trung Quốc, Tây Ban Nha,…đều là những nước có nguồn lợi cá ngừ khai thác hàng năm dồi dào do có tài nguyên biển phong phú. Do vậy, giả thuyết nghiên cứu thứ nhất được tác giả đề xuất như sau:

H1: Khối lượng cá ngừ khai thác trong nước có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU.

Trong nghiên cứu nền tảng của Tinbergen, (1962), khoảng cách địa lý là yếu tố làm cản trở trao đổi thương mại giữa hai nước. Khoảng cách xa sẽ tăng thêm chi phí vận chuyển, từ đó làm hạn chế khả năng cạnh tranh xuất khẩu 28 , 29 . Tuy nhiên trong thực tế, việc lựa chọn thị trường là rất quan trọng để có thể đẩy mạnh xuất khẩu. Ngoài yếu tố khoảng cách địa lý, các yếu tố khác như các chính sách của nước nhập khẩu, sự phù hợp của sản phẩm với thị trường, mức độ cạnh tranh trên thị trường cũng có vai trò quyết định quan trọng. Điều này dẫn đến việc có thể có một số thị trường xa hơn lại có nhiều thuận lợi cho nhà xuất khẩu có thể nâng cao sức cạnh tranh hơn ở các thị trường có khoảng cách gần. Để kiểm nghiệm khoảng cách địa lý hay việc lựa chọn thị trường nhập khẩu có phải là yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến quy mô thương mại cá ngừ từ Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU hay không, tác giả đề xuất giả tiếp thuyết nghiên cứu thứ hai như sau:

H2: Khoảng cách địa lý hay việc lựa chọn thị trường xuất khẩu có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường nhập khẩu.

Mặc dù chưa thống nhất quan điểm, nhưng đa phần các nghiên cứu thực nghiệm trong thời gian qua cho rằng yếu tố tỷ giá hối đoái có vai trò quan trọng quyết định mức độ trao đổi thương mại của các nước 23 , 30 . Ngược lại, một số nghiên cứu không ủng hộ quan điểm này, và cho rằng tỷ giá hối đoái không có tác động đáng kể đến quy mô xuất khẩu 16 , 17 . Còn theo lý thuyết Mundell–Fleming với giả định thị trường cạnh tranh hoàn hảo thì cho rằng trong trường hợp các nền kinh tế mở và nhỏ, tỷ giá hối đoái tăng dẫn đến giảm năng lực cạnh tranh xuất khẩu, và giảm khả năng xuất khẩu. Nghiên cứu của 11 cũng cho thấy rằng tỷ giá hối đoái có tác động ngược chiều đến xuất khẩu từ Malaysia sang các nước thành viên OIC. Để kiểm nghiệm cho trường hợp xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giả thuyết nghiên cứu thứ ba được tác giả đề xuất như sau:

H3: Tỷ giá hối đoái có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU.

Trong điều kiện phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, các bên tham gia thương mại có xu hướng điều tiết cung cầu xuất nhập khẩu qua cơ chế mậu dịch với bên tham gia. Lúc này các chính sách hợp tác thương mại với nước đối tác 31 , 32 hay xây dựng những rào chắn thương mại như thuế quan nhập khẩu 33 , 34 , các rào cản phi thuế quan 26 , đều có có ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại từ nước xuất khẩu sang nước nhập khẩu. Đối với cá ngừ đóng hộp xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường Mỹ trong giai đoạn 2007 - 2022, thuế suất nhập khẩu trung bình là trên 10%/năm, còn tại thị trường EU, thuế suất nhập khẩu trung bình trong giai đoạn này khoảng 20%/năm, đây là mức thuế cao và đang là rào cản lớn đối với cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại các thị trường này. Đến cuối năm 2022, Việt Nam đã kí kết thành công 15 FTA và có 3 FTA đang trong giai đoạn đàm phán. Việc kí kết các hiệp định FTA mang lại nhiều cơ hội cho ngành chế biến và xuất khẩu thủy sản của Việt Nam nói chung, trong đó có cá ngừ, nhất là cơ hội được hưởng các mức thuế suất nhập khẩu ưu đãi. Ở thị trường EU, hiệp định EVFTA kí kết năm 2020 được kỳ vọng sẽ mang lại nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Do đó, hai giả thuyết nghiên cứu tiếp theo được tác giả đề xuất như sau:

H4: Thuế suất nhập khẩu cá ngừ là yếu tố có ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam sang nước đối tác.

H5: Tư cách thành viên FTA thương mại của hai nước là yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang nước đối tác.

Tiếp theo, nhiều nghiên cứu đã cho thấy xuất khẩu hàng hóa của các nước phụ thuộc vào dân số của nước nhập khẩu [ 14 , 23 . Thông thường, sự tăng lên của dân số kéo theo tăng sức mua, và ngược lại. Do đó, tác giả đề xuất giả thuyết nghiên cứu thứ 6 như sau:

H6: Dân số của nước nhập khẩu có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam.

Tiếp đó, cũng theo lý thuyết về cầu, thu nhập có ảnh hưởng đến sức mua đối với hàng hóa. Thông thường đối với các hàng hóa cao cấp với chất lượng cao, thu nhập thường có mối quan hệ cùng chiều với sức mua. Ngược lại, đối với hàng hóa thông thường và có chất lượng thấp, đặc biệt là khi có nhiều loại hàng hóa có khả năng thay thế khác với chất lượng cao hơn, thu nhập sẽ có mối quan hệ ngược chiều với sức mua 35 . Do đó, giả thuyết nghiên cứu thứ bảy được đề xuất như sau:

H7: GDP thực bình quân đầu người của nước nhập khẩu có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam.

Cuối cùng, tác giả xem xét đến yếu tố “thẻ vàng” của EC đối với Việt Nam do vi phạm quy định khai thác thủy sản IUU từ ngày 23/10/2017. Thông tin từ VCCI cho biết, “thẻ vàng” đã tác động trực tiếp và gần như lập tức đến xuất khẩu hải sản của Việt Nam. Trong 4 năm sau khi Việt Nam bị cảnh bao thẻ vàng, xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào EU đã giảm sút đáng kể. Đối với cá ngừ đóng hộp, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU năm 2018 cũng giảm 0,098% so với năm 2017, sang năm 2019 giảm đến 15,416% so với năm 2018. Từ khi bị cảnh báo thẻ vàng, hải sản của Việt Nam xuất khẩu đi EU bị tiền kiểm 100%. Hậu quả là làm chi phí xuất khẩu tăng lên, số lượng giảm xuống do thời gian giao hàng kéo dài lên 10 – 15 ngày thay vì trước đây được thông quan tự động, ảnh hưởng đến thời gian giao nhận hàng. Ngoài ra, khách hàng tại EU cũng e ngại việc bị phạt theo quy định IUU, gây ra nhiều khó khăn cho cả phía xuất và nhập khẩu. Trên bình diện quốc tế, thẻ vàng của EC đã đặt ra rủi ro, làm xói mòn danh tiếng của Việt Nam và làm suy giảm quan hệ thương mại quốc tế với các nước đối tác. Tất cả những tác động tiêu cực này rõ ràng làm giảm sức cạnh tranh của hàng hải sản xuất khẩu từ Việt Nam nói chung. Do đó, giả thuyết nghiên cứu cuối cùng được tác giả đề xuất như sau:

H8: Thẻ vàng của EC có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU.

Như vậy, mô hình nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam tại thị trường Mỹ và EU được đề xuất như sau:

LnEX ijt = β 0 + β 1 lnQ vt + β 2 D jvt + β 3 lnEXC vt + β 4 T jvt + β 5 FTA vjt + β 6 lnPOP jt 7 LnGDP pjt + β 8 C jvt + ε (3)

Trong đó: β 0 là hệ số chặn của mô hình;

ε là sai số của mô hình;

ln: logarit tự nhiên;

β 1 , β 2 , ……, β 8 là các hệ số hồi quy của mô hình.

Các biến trong mô hình nghiên cứu ở phương trình (3) được giải thích như ở Table 1 .

Table 1 Giải thích các biến nghiên cứu

Về mô hình kinh tế lượng được sử dụng để ước lượng mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc đối với dữ liệu bảng, đến nay đã được nhiều nghiên cứu quan tâm nhưng chưa có sự thống nhất trong các kỹ thuật ước lượng đối với mô hình này 35 , 36 . Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu thực nghiệm cho thấy các ước lượng với phương pháp bình phương nhỏ nhất (Ordinary Least Squares- OLS), mô hình hiệu ứng cố định (Fixed Effects Model - FEM) và mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên (Random Effects Model - REM) là các phương pháp ước lượng phù hợp với dữ liệu bảng để lượng hóa mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc 37 , 38 , kể cả trong trường hợp bộ dữ liệu có kích thước nhỏ 39 , 40 . Do đó trong nghiên cứu này, tác giả sử dụng một số kiểm định về độ phù hợp của các mô hình hồi quy OLS, FEM và REM, sau đó lựa chọn mô hình phù hợp nhất trong số các mô hình này để ước lượng mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Tiếp theo, thực hiện một số kiểm định cần thiết khác để kiểm tra độ tin cậy của các kết quả hồi quy (hiện tượng phương sai của sai số thay đổi, hiện tượng tự tương quan giữa các biến trong mô hình và hiện tượng phụ thuộc chéo giữa các biến). Cuối cùng, tìm cách khắc phục các sai lệch trong kết quả ước lượng mô hình do các lỗi này gây ra (nếu có) bằng các phương pháp phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.

Dữ liệu và nguồn thu thập dữ liệu nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng dữ liệu bảng cân bằng gồm 192 quan sát cho 12 nước nhập khẩu, bao gồm Mỹ, và 11 quốc gia nhập khẩu cá ngừ đóng hộp từ Việt Nam thuộc khu vực EU trong giai đoạn 16 năm, từ 2007 – 2022. Đây là giai đoạn xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU có sự tăng trưởng mạnh nhưng cũng có nhiều biến động do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu, tình hình chiến sự thế giới, dịch bệnh và các thay đổi nghề cá trong nước. Các nước nhập khẩu cá ngừ đóng hộp được chọn là các nhà nhập khẩu chủ yếu và thường xuyên của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, chiếm 85,18 % tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ và EU trong giai đoạn này để đảm bảo dữ liệu có tính đồng nhất cao và có thể được thu thập một cách đầy đủ nhất.

Nguồn thu thập dữ liệu: Đối với dữ liệu về kim ngạch xuất khẩu cá ngừ của các nước và thuế suất nhập khẩu cá ngừ được thu thập từ Trung tâm thương mại quốc tế (Trade Map); dữ liệu về dân số của các nước, GDP thực bình quân đầu người của các nước, tỷ giá hối đoái của Việt Nam được thu thập từ Ngân hàng thế giới; dữ liệu về Khối lượng cá ngừ khai thác trong nước của Việt Nam được thu thập từ Vụ khai thác thủy sản; Số liệu về khoảng cách địa lý giữa Việt Nam đến các nước đối tác được thu thập từ Thomson Reuters. Thông tin về các hiệp định thương mại FTA mà Việt Nam kí kết với các nước thu thập từ Trung tâm WTO - VCCI (www.trungtamwto.vn).

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Trước hết, thực hiện kiểm định đa cộng tuyến để thấy sự phụ thuộc giữa các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu. Kết quả kiểm định cho thấy các biến độc lập đều có hệ số VIF < 5, ( Table 2 ), như vậy không xảy ra hiện tượng đa cộng tuyến quá cao giữa các biến độc lập trong mô hình 40 , 41 . Do đó các biến này được đưa vào mô hình để ước lượng mức độ tác động đến biến phụ thuộc.

Table 2 Kết quả kiểm định đa cộng tuyến

Tiếp theo, thực hiện ước lượng hồi quy với các mô hình OLS, REM và FEM, kết quả cho thấy các ước lượng của từng mô hình này đều có hệ số prob = 0,000, hệ số giải thích của các mô hình R 2 lần lượt là 0,606, 0,591và 0,138, cho thấy các mô hình OLS, FEM, REM đều phù hợp để ước lượng mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc ( Table 3 ). Do đó, một số kiểm định sẽ được thực hiện nhằm lựa chọn mô hình tốt nhất trong số các mô hình OLS, FEM và REM để ước lượng mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Đầu tiên là so sánh mô hình FEM và REM. Điểm khác biệt giữa hai mô hình này được thể hiện ở sự biến động giữa các đơn vị (các quốc gia nhập khẩu). Nếu sự biến động giữa các đơn vị được giả định là có tương quan đến biến độc lập trong mô hình ảnh hưởng cố định (FEM) thì trong mô hình ảnh hưởng ngẫu nhiên (REM), sự biến động giữa các đơn vị được giả định là ngẫu nhiên và không tương quan đến các biến giải thích. Do đó để so sánh giữa FEM và REM, tác giả thực hiện kiểm định Hausman để kiểm định giả thuyết H0: không có sự tương quan giữa biến độc lập với sai số ngẫu nhiên. Kết quả cho hệ số prob = 0,475 > α = 0,05, như vậy chấp nhận giả thuyết H0, kết luận không có sự tương quan giữa biến độc lập với sai số ngẫu nhiên. Kết quả này phù hợp với giả định của mô hình REM. Như vậy trong nghiên cứu này, ước lượng với mô hình REM sẽ tốt hơn mô hình FEM. Tiếp theo, để so sánh giữa mô hình OLS và REM, thực hiện các kiểm định kiểm định Breusch - Pagan Lagrangian để kiểm định về sự tồn tại của các hiệu ứng ngẫu nhiên trong mô hình. Kết quả cho hệ số prob = 0,000 < α = 0,05, do đó chấp nhận giả thuyết H0, kết luận có tồn tại hiệu ứng ngẫu nhiên trong mô hình. Kết quả này cũng phù hợp với giả định của mô hình REM, do đó trong nghiên cứu này, ước lượng với mô hình REM tốt hơn mô hình OLS. Như vậy, mô hình REM được tác giả dùng để ước lượng mức độ tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc. Kết quả ước lượng các mô hình như trong Table 3 .

Table 3 Kết quả ước lượng mô hình

Tiếp theo, thực hiện các kiểm định đối với mô hình REM để kiểm tra độ tin cậy của kết quả hồi quy, bao gồm: Thứ nhất, thực hiện kiểm định Pesaran về hiện tượng phụ thuộc chéo giữa các nước nhập khẩu trong mô hình dữ liệu bảng, để kiểm tra xem các quốc gia có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố kinh tế chung hay không. Kết quả kiểm định cho hệ số pvalue = 0,432 > α = 0,05, như vậy chấp nhận giả thuyết H0, kết luận không xảy ra hiện tượng phụ thuộc chéo giữa các nước nhập khẩu trong mô hình. Thứ hai, kiểm định Wooldridge để kiểm tra về sự tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình hồi quy, kết quả cho hệ số pvalue = 0,003 < α = 0,05. Kết quả này cho thấy có sự tương quan giữa các biến độc lập trong mô hình. Thứ ba, kiểm định nhân tử Breusch và Pagan Lagrangian để kiểm tra hiện tượng phương sai của sai số thay đổi trong các biến độc lập, kết quả cho hệ số Prob = 0,000 < α = 0,05, như vậy mô hình có xảy ra hiện tượng phương sai của sai số thay đổi ( Table 3 ). Điều này vi phạm giả thiết đối với mô hình REM và có thể làm sai lệch kết quả ước lượng đối với mô hình này. Để khắc phục các sai lệch của kết quả ước lượng qua mô hình REM, tác giả sử dụng phương pháp ước lượng bình phương bé nhất tổng quát (FGLS) vì phương pháp này có thể hiệu chỉnh sai lệch gây ra bởi hiện tượng phương sai của sai số thay đổi và hiện tượng tự tương quan trong các mô hình hồi quy đối với dữ liệu bảng 37 , 42 . Kết quả ước lượng mô hình như trong Table 4 .

Table 4 Kết quả ước lượng mô hình FGLS

Kết quả nghiên cứu ở Table 4 cho thấy có 5 yếu tố có ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường Mỹ và EU, cụ thể như sau:

Thứ nhất, yếu tố sản lượng cá ngừ khai thác trong nước hàng năm (LnQ vt ) có ảnh hưởng cùng chiều với xuất khẩu cá ngừ sang các nước. Điều này rất dễ hiểu bởi nguyên liệu để chế biến và xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam phần lớn vẫn là từ khai thác trong nước. Kết quả này cho thấy tăng quy mô xuất khẩu có thể đạt được thông qua tăng cường lực khai thác cá ngừ nội địa. Tuy nhiên về lâu dài, điều này không thể duy trì bởi hiện nay cường lực khai thác cá ngừ của Việt Nam đã vượt qua mức khai thác tối ưu, cần được giảm bớt khai thác để đảm bảo phát triển bền vững. Do đó để tăng quy mô xuất khẩu, có thể tăng nhập khẩu cá ngừ nguyên liệu từ nước ngoài, hoặc cách bền vững hơn là phải nâng cao chất lượng cá ngừ sau khai thác để tăng tỷ lệ cá ngừ nguyên liệu đủ tiêu chuẩn phục vụ cho chế biến và xuất khẩu.

Thứ hai, sự mất giá của đồng tiền nội tệ VND, thể hiện qua mức tăng trong tỷ giá hối đoái có tác dụng kích thích xuất khẩu cá ngừ. Đây là yếu tố có tác động tích cực và mạnh nhất đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, cụ thể, khi tỷ giá tăng lên 1% sẽ làm cho xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam tăng lên 2,304%. Đối với một nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng, tỷ giá hối đoái thường được điều chỉnh nhiều lần trong năm, nhìn chung đa phần các lần điều chỉnh là tăng lên. Xét trong giai đoạn 2007 – 2022, tỷ giá trung bình hàng năm liên tục được đẩy lên, với mức tăng bình quân 2,480%/năm. Theo xu hướng này, trong thời gian tới tỷ giá vẫn sẽ là một trong những yếu tố có ảnh hưởng tích cực đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Như vậy trong trường hợp xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, tỷ giá tăng làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu. Kết quả này cũng phù hợp với đa số các nghiên cứu khi xem xét tác động của tỷ giá hối đoái đến xuất khẩu 25 , 30 .

Thứ ba, sự tăng lên của dân số nước nhập khẩu khiến cho cầu nhập khẩu cá ngừ từ Việt Nam tăng. Mặc dù dân số tăng thường kéo theo tăng cầu đối với hàng hóa nói chung. Tuy nhiên đối với một loại hàng hóa nhất định như cá ngừ đóng hộp, dân số tăng kéo theo cầu đối với hàng hóa tăng cho thấy rằng cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam đang đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng ở thị trường nhập khẩu. Dựa trên lý thuyết vòng đời sản phẩm, kết quả này cũng cho thấy cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển, ngày càng được khách hàng đón nhận cao hơn, có nhiều triển vọng để đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Thứ tư, thuế suất nhập khẩu cá ngừ có tác động tiêu cực đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy đây là yếu tố có tác động mạnh nhất đến xuất khẩu cá ngừ, cụ thể khi thuế suất tăng lên 1% sẽ khiến cho quy mô xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam giảm tới 9,690%. Hiện tại ở thị trường Mỹ và EU, cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam vẫn gặp bất lợi về thuế quan. Riêng khu vực EU, Việt Nam được giảm thuế từ năm 2020 nhờ vào hiệp định EVFTA. Tuy nhiên với lộ trình giảm thuế trong 8 năm đối với cá ngừ đóng hộp, mức thuế trong các năm 2020 – 2022 vẫn xấp xỉ 20%/năm. Còn tại thị trường Mỹ, cá ngừ đóng hộp của Việt Nam cũng đang phải chịu mức thuế trung bình trên 10%/năm. Như vậy nhìn chung ở thị trường Mỹ và EU, thuế suất nhập khẩu đang là rào cản rất lớn đối với cá ngừ xuất khẩu của Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy rằng những năm tới khi Việt Nam được giảm thuế sâu hơn và cho đến khi được miễn thuế hoàn toàn tại thị trường EU, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam có thể tăng trưởng mạnh hơn.

Thứ năm, GDP thực bình quân đầu người của nước nhập khẩu có mối quan hệ ngược chiều với xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam, hay nói cách khác sự tăng lên của thu nhập ở nước nhập khẩu lại giảm sức mua đối với cá ngừ xuất khẩu từ Việt Nam. Như vậy kết quả nghiên cứu này cho thấy cá ngừ đóng hộp xuất khẩu của Việt Nam là hàng hóa thứ cấp, chất lượng không cao 35 . Do đó khi thu nhập của người tiêu dùng tăng, họ có xu hướng dịch chuyển tiêu dùng sang các loại hàng hóa khác có chất lượng cao hơn, có khả năng thay thế cho cá ngừ đóng hộp. Kết quả này cho thấy Việt Nam cần có nhiều nỗ lực để nâng cao chất lượng cho sản phẩm cá ngừ xuất khẩu để thúc đẩy xuất khẩu, nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế.

Các yếu tố còn lại không cho thấy có sự tác động đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, bao gồm khoảng cách địa lý, việc kí kết hiệp định tự do thương mại giữa Việt Nam với nước nhập khẩu và thẻ vàng của EC do vi phạm khai thác IUU. Như vậy có thể thấy:

Thứ nhất, khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và nước nhập khẩu không phải là yếu tố quan trọng quyết định quy mô xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các nước Mỹ và EU. Ngoài ra, kết quả nghiên cứu còn cho thấy rằng mối quan hệ giữa khoảng cách địa lý và quy mô xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam là cùng chiều. Mối quan hệ này là trái ngược so với nghiên cứu nền tảng ban đầu của Tinbergen, (1962) và rất nhiều nghiên cứu thực nghiệm sau đó [21,23].

Thứ hai, việc kí kết hiệp định EVFTA với EU có tác động thúc đẩy xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam nhưng chưa đáng kể. Khi kí kết hiệp định này, cơ hội lớn nhất cho xuất khẩu của Việt Nam sang EU là được hưởng thuế quan ưu đãi. Tuy nhiên trong giai đoạn các năm 2020 – 2022, khi mà hiệp định này đã có hiệu lực, mức thuế nhập khẩu trung bình chung đối với cá ngừ đóng hộp nhập khẩu từ Việt Nam đã được giảm xuống, nhưng mức giảm chưa nhiều, cụ thể năm 2019, mức thuế trung bình nhập khẩu cá ngừ đóng hộp của các nước EU từ Việt Nam là 20,540%, đến năm 2020 là 20,539%, năm 2021 là 19,385% và năm 2022 là 18%. Do đó, kết quả nghiên cứu cho thấy việc kí kết hiệp định EVFTA với EU đã có tác động tích cực đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu, nhưng sự tác động này là chưa lớn.

Thứ ba, yếu tố thẻ vàng của EC chưa cho thấy có ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam. Tuy nhiên kết quả ước lượng mô hình một lần nữa là minh chứng cho thấy tác động tiêu cực của thẻ vàng đến xuất khẩu cá ngừ của nước ta. Thực tế, các chi phí phát sinh do thẻ vàng, kéo dài thời gian giao nhận hàng và các hệ lụy khác như giảm uy tín thương hiệu của sản phẩm đã làm giảm sức cạnh tranh của cá ngừ xuất khẩu từ Việt Nam. Do đó các nỗ lực để gỡ cảnh báo thẻ vàng trong thời gian tới là cần thiết để nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả xuất khẩu.

Kết luận và một số gợi ý chính sách

Kết luận

Nghiên cứu này sử dụng mô hình lực hấp dẫn để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU trong giai đoạn 2007 - 2022. Kết quả nghiên cứu đã cung cấp thông tin về các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, giúp doanh nghiệp và cơ quan quản lý đưa ra các chiến lược phù hợp. Nghiên cứu còn xác định các thách thức và cơ hội trong xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, hỗ trợ các nhà hoạch định chính sách đưa ra giải pháp phù hợp. Ngoài ra, nghiên cứu cũng đánh giá được tác động của các chính sách hiện hành (như hiệp định EVFTA, thẻ vàng) đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp, từ đó đưa ra khuyến nghị cho việc điều chỉnh chính sách. Cụ thể, kết quả ước lượng mô hình lực hấp dẫn chỉ ra rằng các yếu tố gồm quy mô sản lượng cá ngừ khai thác trong nước, tỷ giá hối đoái, dân số của nước nhập khẩu có tác động cùng chiều đến quy mô giá trị xuất khẩu, còn thuế suất nhập khẩu và thu nhập bình quân đầu người của nước nhập khẩu có tác động ngược chiều. Ngoài ra, các yếu tố khác không cho thấy sự tác động rõ ràng, nhưng cũng cho thấy chiều hướng tác động đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam, bao gồm yếu tố thẻ vàng của EC có tác động làm hạn chế xuất khẩu, còn việc kí kết hiệp định EVFTA với EU và việc lựa chọn thị trường phù hợp (thể hiện qua mối quan hệ cùng chiều giữa khoảng cách địa lý với kim ngạch xuất khẩu cá ngừ) có tác động thúc đẩy xuất khẩu. Nghiên cứu này một lần nữa cho thấy vai trò của yếu tố nguồn cung trong nước cũng như yếu tố tỷ giá và rào cản thương mại đối với xuất khẩu, vốn là những yếu tố mà các nghiên cứu thực nghiệm trước đây cho là có vai trò rất quan trọng quyết định quy mô xuất khẩu. Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng để lựa chọn thị trường phù hợp cho việc xuất khẩu, các yếu tố khác như thị hiếu của khách hàng, văn hóa ẩm thực, các chính sách của thị trường có thể có vai trò quan trọng hơn yếu tố khoảng cách địa lý. Do đó trong nghiên cứu này cho thấy khoảng cách địa lý có mối quan hệ cùng chiều với kim ngạch xuất khẩu cá ngừ. Điều này trái ngược với quy luật của mô hình lực hấp dẫn. Một điểm mới khác của nghiên cứu này là có xem xét đến yếu tố thẻ vàng của EC đối với xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU. Kết quả cho thấy thẻ vàng có tác động tiêu cực đến xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam nhưng chưa thật rõ ràng. Mặc dù vậy, thực tế cho thấy thẻ vàng đã làm giảm sức cạnh tranh xuất khẩu do phát sinh thêm các chi phí và suy giảm giá trị thương hiệu, xói mòn hình ảnh của các sản phẩm hải sản xuất khẩu nói chung của Việt Nam.

Một số gợi ý chính sách

Kết quả nghiên cứu này chỉ ra rằng để có thể thúc đẩy xuất khẩu mà vẫn đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững cho mặt hàng cá ngừ đóng hộp, trong thời gian tới Việt Nam cần phải tập trung vào một số vấn vấn đề sau:

Thứ nhất là nâng cao chất lượng sản phẩm cá ngừ khai thác, từ đó có thể tăng tỷ lệ cá ngừ nguyên liệu đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho chế biến, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, tăng quy mô xuất khẩu và hiệu quả kinh tế.

Thứ hai, kết quả nghiên cứu chỉ ra thuế quan có tác động cản trở rất lớn đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU. Điều này cho thấy Việt Nam có thể thúc đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường EU trong các năm tới khi thuế suất được giảm sâu nhờ vào hiệp định EVFTA. Do đó vấn đề cần quan tâm là tiếp tục nghiên cứu thị trường, phát triển sản phẩm để đáp ứng được các yêu cầu của khách hàng tại thị trường các nước EU, tận dụng ưu đãi thuế từ hiệp định EVFTA để mở rộng xuất khẩu, nhất là ở thị trường các nước mà hiện tại hầu như chúng ta chưa tiếp cận được.

Thứ ba, cần tiếp tục có những nỗ lực để cải tổ nghề cá nói chung, cụ thể như đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để có thể đáp ứng được yêu cầu hỗ trợ nghề cá, quy hoạch lại đội tàu khai thác theo hướng hiện đại. Về cách thức tổ chức sản xuất, cần phải có sự liên kết hợp tác chặt chẽ giữa các bên tham gia, hạn chế tình trạng sản xuất với quy mô nhỏ lẻ, rời rạc để nâng cao hiệu quả. Bố trí các đội tàu dịch vụ để cung ứng vật tư thiết bị cũng như các hỗ trợ cần thiết khác cho các tàu cá, thu gom cá về bờ sớm nhất để đảm bảo chất lượng cá là giải pháp nên thực hiện. Về các chính sách quản lý ngành thủy sản cần phải thể hiện sự quyết tâm cao hơn trong vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không theo quy định để gỡ thẻ vàng của EC, xa hơn là xây dựng nghề cá hiện đại, có trách nhiệm. Về lâu dài, phát triển bền vững nghề cá là mục tiêu xuyên suốt cần hướng đến.

Hạn chế của nghiên cứu và định hướng nghiên cứu trong tương lai

Mặc dù mô hình lực hấp dẫn được xem là ứng dụng thành công và phổ biến nhất để xác định các yếu tố ảnh hưởng đến dòng chảy thương mại giữa các nước. Trong nghiên cứu này, sử dụng mô hình lực hấp dẫn với bộ dữ liệu bảng được kiểm nghiệm là phù hợp để ước lượng kết quả hồi quy, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy các biến độc lập có mức độ giải thích khá cao cho biến phụ thuộc. Mặc dù vậy, việc ứng dụng mô hình này khó có thể lượng hóa một cách đầy đủ về các yếu tố ảnh hưởng đến thương mại giữa các nước. Trong thực tế, nhiều yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang các thị trường, chẳng hạn mức độ cạnh tranh của các đối thủ, sở thích của người tiêu dùng đối với sản phẩm, tính dễ tiếp cận với sản phẩm, tính đa dạng của sản phẩm, chất lượng của sản phẩm so với các đối thủ cạnh tranh, uy tín, thương hiệu của sản phẩm đối với người tiêu dùng.…Từ năm 2014, nghề cá Việt Nam đã có nhiều chính sách cải tổ, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm thủy sản xuất khẩu. Điển hình như việc thực hiện nghị định 67/2014/NĐ-CP về các chính sách phát triển thủy sản đã hỗ trợ vốn cho ngư dân hiện đại hóa đội tàu, hiện đại hóa công nghệ và kỹ thuật khai thác, bảo quản cá sau thu hoạch. Năm 2014, Việt Nam hợp tác với Nhật Bản trong khai thác và bảo quản cá, giúp Việt Nam tiếp cận công nghệ tiên tiến của Nhật Bản. Cũng trong năm này, Việt Nam thực hiện đề án khai thác, thu mua, chế biến và xuất khẩu cá ngừ theo chuỗi với mục tiêu nâng cao giá trị và quản lý hiệu quả ngành khai thác cá ngừ. Ngoài ra, luật thủy sản phiên bản mới năm 2017, có hiệu lực từ năm 2019 được xem là bước ngoặt lớn trong chính sách quản lý ngành thủy sản, có đóng góp rất lớn trong vấn đề bảo vệ nguồn lợi thủy sản, hướng đến phát triển bền vững và định hướng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về xuất khẩu. Kết quả của những nỗ lực này làm tăng chất lượng cá ngừ khai thác và chế biến của Việt Nam và có tác động tích cực đến xuất khẩu. Tuy nhiên các yếu tố này khó có thể ước lượng qua mô hình lực hấp dẫn với dữ liệu thứ cấp. Ngoài ra, lý thuyết lợi thế tuyệt đối cũng cho rằng chi phí sản xuất thấp là yếu tố quan trọng quyết định quy mô xuất khẩu của một quốc gia. Tuy nhiên, việc ước tính chi phí sản xuất trung bình cho tất cả các cơ sở chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam trong giai đoạn 16 năm (từ 2007 - 2022) và cho cả các đối thủ cạnh tranh đế so sánh là việc rất khó thực hiện để có được thông tin số liệu đầy đủ và chính xác. Do đó trong nghiên cứu này, năng lực cạnh tranh về chi phí chưa được xem xét đến. Bên cạnh đó, mô hình lực hấp dẫn thường giả định rằng mối quan hệ giữa các biến là tuyến tính. Tuy nhiên trong thực tế, mối quan hệ này có thể là phi tuyến tính. Mô hình này cũng khó giải thích được sự phức tạp của các yếu tố trong chuỗi giá trị toàn cầu của ngành cá ngừ đóng hộp đến quy mô xuất khẩu. Do đó hạn chế của nghiên cứu này là chỉ mới xem xét được một số yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu cá ngừ đóng hộp của Việt Nam sang thị trường Mỹ và EU. Điều này có thể ảnh hưởng đến tính khách quan của các ước lượng hồi quy do bỏ sót các biến độc lập trong mô hình nghiên cứu, đồng thời chưa chỉ ra được đầy đủ các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu. Để có thể lượng hóa một cách đầy đủ hơn về các yếu tố này, nghiên cứu với dữ liệu cắt ngang bằng cách khảo sát thông tin từ các bên liên quan như các nhà nhập khẩu, nhà xuất khẩu, người tiêu dùng, các chuyên gia cũng như các nhà nghiên cứu là cách tiếp cận mà tác giả khuyến nghị các nghiên cứu trong tương lai tiếp tục thực hiện.

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

EC: European Community - Cộng đồng Châu Âu

EU: European Union - Liên minh Châu Âu

CPTPP: Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership - Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương

EVFTA: European-Vietnam Free Trade Agreement - Hiệp định thương mại tự do Liên minh Châu Âu -Việt Nam

GDP: Gross Domestic Product - Tổng sản phẩm trong nước

IUU: Illegal, unreported and unregulated fishing - Khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định

OLS: Ordinary Least Squares - Bình phương nhỏ nhất tổng quát

FEM: Fixed Effects Model - Mô hình hiệu ứng cố định

REM: Random Effects Model - Mô hình hiệu ứng ngẫu nhiên

XUNG ĐỘT LỢI ÍCH

Tác giả xin cam đoan rằng không có bất kì xung đột lợi ích nào trong công bố bài báo.

ĐÓNG GÓP CỦA TÁC GIẢ

Bài báo này là kết quả nghiên cứu độc lập của tác giả Lê Thị Xoan, không có sự đóng góp của đồng tác giả nào khác.

References

  1. Nguyen KAT. & JCM. Balancing interests of actors in the ocean tuna value chain of Khanh Hoa province, Vietnam. Mar Policy. 2018;98:11-22. . ;:. Google Scholar
  2. Nguyen TV. & TTQ. Management of multispecies resources and multi-gear fisheries: The case of oceanic tuna fisheries in Vietnam. Reg Stud Mar Sci. 2023;63:103021. . ;:. Google Scholar
  3. Le Thi X. LUVT. & MHN. Assessment of Competitiveness for Vietnam's Frozen Yellowfin Tuna Export Industry. Int J Sci Adv. 2023;4(4):628-34. . ;:. Google Scholar
  4. Nga NH. & XLT. The factors affecting Vietnam's canned tuna exports. Cogent Econ Financ. 2024;12(1):2290784. . ;:. Google Scholar
  5. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Báo cáo ngành hàng cá ngừ, 2017 - 2022, dự báo đến 2025. . ;:. Google Scholar
  6. Natale F, Borrello A, Motova A. Analysis of the determinants of international seafood trade using a gravity model. Mar Policy. 2015 Oct 1;60:98-106. . ;:. Google Scholar
  7. Yang B. AJL. & AF. Determinants of China's seafood trade patterns. Mar Resour Econ. 2020;35(2):97-112. . ;:. Google Scholar
  8. Fatema F. & IMM. Driving forces of marine fisheries and seafood export of Bangladesh: Augmented gravity model approach. Asian J Econ Model. 2020;8(2):106-22. . ;:. Google Scholar
  9. Straume HM. AJL. AF. & GI. Delivering the goods: the determinants of Norwegian seafood exports. Mar Resour Econ. 2020;35(1):83-96. . ;:. Google Scholar
  10. Hassan Khayat S. A gravity model analysis for trade between the GCC and developed countries. Cogent Econ Financ. 2019 Jan 1;7(1). . ;:. Google Scholar
  11. Abidin ISZ. & SR. The determinants of exports between Malaysia and the OIC member countries: A gravity model approach. Procedia Econ Financ. 2013;5:12-9. . ;:. Google Scholar
  12. Tinbergen J. Shaping the world economy. Suggest an Int Econ policy. 1962. . ;:. Google Scholar
  13. Anderson JE. & VWE. Gravity with gravitas: A solution to the border puzzle. American Economic Review, 93(1), 170-192. 2003. . ;:. Google Scholar
  14. Dhiman R and SM. Productivity trends and determinants of Indian textile industry: a disaggregated analysis. Int J Appl Bus Econ Res. 2017;15(22):295-305. . ;:. Google Scholar
  15. Bernard AB. RSJ and SP. "Comparative advantage and heterogeneous firms." Rev Econ Stud Vol 74 No 1, pp 31-66. 2007. . ;:. Google Scholar
  16. Dhiman R, Sharma M. Relation between Labour Productivity and Export Competitiveness of Indian Textile Industry: Co-integration and Causality Approach. Vision. 2019 Mar 1;23(1):22-30. . ;:. Google Scholar
  17. Assoua JE. MEL. NR. CRFD. & TR. The effect of sanitary and phytosanitary measures on Cameroon's cocoa exports: An application of the gravity model. Heliyon. 2022 Jan;8. . ;:. PubMed Google Scholar
  18. Mai Thị Cẩm Tú. Các yếu tố ảnh hưởng đến xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nhật. Phát triển và hội nhập. 2015;20(30):67-75. . ;:. Google Scholar
  19. Kimsanova B. & HT. Policy analysis with Melitz-type gravity model: Evidence from Kyrgyzstan. Journal of Asian Economics, 80, 101482. J Asian Econ. 2022. . ;:. Google Scholar
  20. Irshad MS, Xin Q, Hui Z, Arshad H. An empirical analysis of Pakistan's bilateral trade and trade potential with China: A gravity model approach. Vol. 6, Cogent Economics and Finance. 2018. p. 1-18. . ;:. Google Scholar
  21. Masood S, Khurshid N, Haider M, Khurshid J, Khokhar AM. Trade potential of Pakistan with the South Asian Countries: A gravity model approach. Asia Pacific Manag Rev. 2023 Mar 1;28(1):45-51. . ;:. Google Scholar
  22. Irshad MS, Xin Q, Arshad H. Competitiveness of Pakistani rice in international market and export potential with global world: A panel gravity approach. Cogent Econ Financ. 2018;6(1). . ;:. Google Scholar
  23. Obeng CK, Boadu MT, Ewusie EA. Deep preferential trade agreements and export efficiency in Ghana: Do institutions matter? Res Glob. 2023 Jun 1;6. . ;:. Google Scholar
  24. Hidayati S, D DH, N KH. Analysis of Determinant Indonesian Tuna Fish Competitiveness in Japanese Market. Vol. 3. 2015. . ;:. Google Scholar
  25. Tadesse T, Abafita J. Determinants of global coffee trade: Does RTAs matter? Gravity model analysis. Cogent Econ Financ. 2021;9(1). . ;:. Google Scholar
  26. Katsikeas CS. PNF. & IC. Determinants of export performance in a European context. European journal of Marketing, 30(6), 6-35. Eur J Mark. 1996. . ;:. Google Scholar
  27. Natale F. BA. & MA. Analysis of the determinants of international seafood trade using a gravity model. Marine policy, 60, 98-106. Mar policy. 2015. . ;:. Google Scholar
  28. Sanny L, Kusuma D, Willyanto ME. Competitiveness of Indonesian Shrimp Export to the United States. Binus Bus Rev. 2021 Jul 7;12(2):103-12. . ;:. Google Scholar
  29. Tinbergen J. Shaping the World Economy: Suggestions for an International Economic Policy (The Twentieth Century Fund, New York). 1962. . ;:. Google Scholar
  30. Kuik O. BF. & QP. Competitive advantage in the renewable energy industry: Evidence from a gravity model. Renew energy. 2019;131:472-81. . ;:. Google Scholar
  31. Demir C, Mustafa. Munich Personal RePEc Archive Firm Productivity, Exchange Rate Movements, Sources of Finance and Export Orientation. 2012. . ;:. Google Scholar
  32. Dhiman R, Kumar V, Rana S. Why export competitiveness differs within Indian textile industry? Determinants and empirical evidence. Rev Int Bus Strateg. 2020 Sep 11;30(3):375-97. . ;:. Google Scholar
  33. Abafita J. & TT. Determinants of global coffee trade: Do RTAs matter? Gravity model analysis. Cogent Econ Financ. 2021 Jan;9(1892925). . ;:. Google Scholar
  34. Mankiw NG. KRD. MKJ. & RN. Principles of macroeconomics. Steve Momper; 2007. . ;:. Google Scholar
  35. Pratiwi IE. The predictors of Indonesia's palm oil export competitiveness: A gravity model approach. J Int Stud. 2021;14(3):250-62. . ;:. Google Scholar
  36. Dhiman R and SM. "Relation between labor productivity and export competitiveness of Indian textile industry: co-integration and causality approach." Vision. 2019;23(1):22-30. . ;:. Google Scholar
  37. Serhan C. & RMH. Searching for the finance-growth nexus in Libya. Empir Econ. 2020;58(2):567-81. . ;:. Google Scholar
  38. Wooldridge JM. Econometric analysis of cross-section and panel data. MIT Press. 2010. . ;:. Google Scholar
  39. Wooldridge JM. Econometric analysis of cross section and panel data MIT press. Cambridge, ma. 2002;108(2):245-54. . ;:. Google Scholar
  40. James G. WD. HT. & TR. An introduction to statistical learning. New York Springer. 2013;112:18. . ;:. Google Scholar
  41. Menard S. Collinearity. Applied logistic regression analysis Second Edition (Quantitative applications in the social sciences. 2001. . ;:. Google Scholar
  42. Bhatt A. PREDICTIVE CAPACITY OF GRAVITY MODEL FOR INDIA'S INTERNATIONAL TRADE. Vol. 07, International Journal of 360 Management Review. 2019. . ;:. Google Scholar


Author's Affiliation
Article Details

Issue: Vol 8 No 4 (2024)
Page No.: 5597-5610
Published: Dec 31, 2024
Section: Research article
DOI: https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i4.1396

 Copyright Info

Creative Commons License

Copyright: The Authors. This is an open access article distributed under the terms of the Creative Commons Attribution License CC-BY 4.0., which permits unrestricted use, distribution, and reproduction in any medium, provided the original author and source are credited.

 How to Cite
Le, X. (2024). Factors affecting Vietnam’s canned tuna exports to the US and EU markets: An approach by gravity model. VNUHCM Journal of Economics, Law and Management, 8(4), 5597-5610. https://doi.org/https://doi.org/10.32508/stdjelm.v8i4.1396

 Cited by



Article level Metrics by Paperbuzz/Impactstory
Article level Metrics by Altmetrics

 Article Statistics
HTML = 17 times
PDF   = 4 times
XML   = 0 times
Total   = 4 times